Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Có một mùa xuân bất tận

Có một mùa xuân bất tận 
Bình minh vừa ló dạng, những tia nắng ban mai xuyên qua kẽ lá như đón chào một ngày mới bắt đầu. Tôi khẽ bước xuống thềm đi theo con đường sỏi trắng, hái cành hoa sứ dâng lên cúng dường Bồ-tát, và thưởng thức không khí trong lành của buổi sớm. Lúc này khí trời se se lạnh, gió heo may nhè nhẹ thổi về là dấu hiệu của mùa đông dần khép lại để chuẩn bị bước sang mùa xuân.
Mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở, mùa của vạn vật hồi sinh sau những tháng đông lạnh lẽo, những nụ hoa công chúa thẹn thùng ẩn nấp dưới cành lá xanh tươi âm thầm tỏa hương thơm ngát, từng giọt sương long lanh đọng lại trên ngọn cỏ, cảnh vật còn im lìm trong nắng sớm thiên nhiên tươi đẹp làm sao. Tôi yêu cảnh vật nơi đây, yêu màu xanh cỏ đậu, yêu tiếng phong linh du dương trầm bổng theo từng cơn gió thoảng, như một bản nhạc hoà tấu không lời giữa miền quê thanh vắng, yêu tiếng chuông chùa sư nữ ngân vang đều đặn và đúng giờ. Tiếng chuông chiều thấm vào lòng tôi như tiếng gọi tỉnh thức để quay về.
Hạt sương trên cỏ hôm qua
Thót mình chợt hỏi quê nhà là đâu.
Từ khi bước vào chốn Thiền môn thanh tịnh, bao nhiêu mùa xuân lặng lẽ trôi qua, tôi mới cảm nhận chân giá trị của đời sống thiền sinh. Xuân, đã làm sống lại trong lòng người con Phật những khoảnh khắc tĩnh lặng đầy ý vị, và cũng từ đó tôi thấu rõ được đâu là hạnh phúc thật sự.
Đối với người thế gian, ngày xuân là giây phút gợi lại trong lòng những người con xa quê sau bao năm dài xa cách. Họ dành cho nhau giây phút ngắn ngủi để được sum họp với gia đình. Mọi người đều chúc nhau những điều tốt đẹp và mong cầu được may mắn, hạnh  phúc trọn vẹn cả năm. Nhưng sau ba ngày xuân thì ai nấy đều phải trở về với những lo toan đời thường vì cuộc sống. Họ bị quay cuồng trong vòng xoáy của cuộc tồn sinh, họ bị đắm say theo cảnh và bị trói buộc bởi vòng lợi danh. Trong cái vui đó nó ẩn chứa bóng dáng của khổ đau, vì niềm vui đó chỉ vay mượn từ bên ngoài mà thôi không có gì bền chắc cả.
Trong kinh Lăng-già đức Phật dùng ví dụ con nai ở đồng hoang, mùa nắng hạn không gần suối, nó khát nước chạy tìm, khi thấy ánh nắng ở xa chập chờn như sóng, nai tưởng có nước bèn chạy đến. Khi đến nơi chỉ là nắng khô, rồi nhìn ra xa nó cũng thấy chập chờn có nước. Cứ như vậy nó chạy miết theo sóng nắng mà không bao giờ tìm được nước, để rồi phải chết khát.
Cũng như thế, các pháp bên ngoài không thật, nó diễn ra trong cuộc sống chúng ta như chiếc bóng trong gương, nhìn thấy có mà thật sự chẳng có. Tất cả đều như ánh chớp loé lên rồi vụt tắt. Chúng ta lại duyên theo đó phân biệt đẹp xấu, hay dở rồi buồn vui, thương ghét… cứ như thế mà loay hoay mà xoay vần từ đời này qua đời khác không có ngày cùng. Đức Phật là một đấng cha lành nhìn thấy đàn con mê muội, không cam lòng mà phải thốt lên rằng: Này các con, đây là tập nhân đưa đến khổ đau, đây là vô thường, đây là vô ngã. Trong mỗi các con đều có hạt châu vô giá sao lại cam tâm tình nguyện chạy theo nghiệp thức thấp hèn rồi lại than khổ!
Đức Phật cũng từ một chúng sinh mà giác ngộ. Ngài thấy cuộc đời là như thế, là hiển nhiên nên ngài không khổ. Còn chúng ta cũng thấy, cũng biết, cũng “ngộ”, nhưng chỉ trong chốc lát lại quên đi, không chịu sửa không chịu tu, không chịu gột rửa cái tâm của mình. Điều đáng buồn của chúng ta là hay quên, cho nên rồi cứ sống theo tập khí cũ, biết khổ mà vẫn cứ lao vào như con thiêu thân lao vào ánh sáng, chỉ trong chốc lát thì tan thân.
Như vậy, niềm vui và hạnh phúc thật sự mà con người mãi đi tìm không phải từ bên ngoài đến, niềm vui đó có được khi ta tĩnh tâm về với Phật, buông xuống mọi kiến chấp thị phi, toan tính hơn thua phải trái. Có lúc ta vất vả chạy bắt tìm đuổi theo hư danh đến mệt mỏi, tuyệt vọng rồi, ta chỉ muốn ngả mình dưới chân Phật để tìm lại những giây phút bình yên tĩnh lặng. Cho nên mùa xuân trong nhà thiền thật đầm ấm giản dị, ngày tết đến không đàn nhạc hát hò, không cụng chúc chén chú chén anh… chỉ vui trong tiếng kệ lời kinh, vui khi được lắng nghe từng nhịp mõ hoà điệu cùng tiếng chuông tỉnh thức, xua tan đi những gì náo động của cuộc đời, vui khi con về với Phật. Phật ở đâu? Ở trong lòng con mỗi phút mỗi giây, các giác quan sáng tỏ thường biết rõ ràng, không nhầm lẫn.
Vì thế tất cả việc trong già-lam từ nhổ cỏ, trồng rau, tưới cây, chẻ củi cho đến việc tụng kinh, tọa thiền đều là phương tiện hướng đến mục đích “phản quan”, mỗi một niệm dấy lên liền tỉnh giác. Cứ như vậy lâu ngày tạo cho ta một thói quen và có thêm sức mạnh. Nếu một giờ không phiền não thì một giờ an vui, một ngày không phiền não thì một ngày an vui, lúc nào con quên Phật thì ma nó hiện một chút thôi, chứ ôm ấp phiền muộn lâu dài thì mình là quyến thuộc của ma chứ không còn là đệ tử của Phật nữa. Vì thực chất của người tu là phải thanh tịnh, niềm vui lớn nhất của người tu khi tâm mình an lạc, thảnh thơi, bớt phiền muộn, dẫu cho xuân đến hay xuân đi thì mùa xuân vẫn miên viễn, tỏ rạng, mỗi phút giây đều có xuân ngự trị.
Vị Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm khi nhận ra bộ mặt thật của mùa xuân, ngài đã làm bài kệ:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Hòa thượng Trúc Lâm dịch:
                Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
                Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
                Chúa xuân nay bị ta khám phá,
                Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
Bằng con mắt Bát-nhã, thiền sư thấu suốt thật tướng của các pháp là do duyên hợp giả có. Từ khi khám phá bộ mặt của chúa xuân thì Người vô sự ngồi trên giường thiền, ngắm từng cánh hoa rụng mà lòng vẫn ung dung tự tại. Dẫu cho xuân khứ, xuân lai, hoa nở hay hoa tàn thì hương xuân luôn toả ngát và hồn xuân vẫn sáng ngời muôn thuở.
Để thưởng thức cái hương vị của mùa xuân bất tận, mỗi chúng ta hãy tự chiêm nghiệm lấy, từng phút từng giây là sự có mặt hiện tiền, từng phút giây sống trong tỉnh thức, đừng để tạp niệm chen chân vào mảnh đất tâm của mình thì có thời gian nào trôi qua vô ích, có thời gian nào không phải là xuân. Và cũng từ những giây phút nhỏ nhặt ấy tích tụ lại thành một cuộc đời đáng sống và có ý nghĩa biết bao. Đó là chất liệu của mùa xuân bất diệt, một mùa xuân không tàn phai theo năm tháng, cho dù nắng hạ, mưa thu hay đông tàn lạnh giá thì xuân vẫn là xuân tự thuở nào.
 An Đức 
Theo http://www.thuongchieu.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...