Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Dục tính trong tiểu thuyết của Kundera

Dục tính trong tiểu thuyết của Kundera
Kể từ khi học thuyết Freud xuất hiện, đời sống xã hội nói chung và văn học nói riêng đã có một cái nhìn mới về tính dục. Tuy nhiên, các nhà văn không chỉ là người phản ánh những vấn đề trong đời sống với hai mặt song hành: ý thức và vô thức, lý trí và bản năng, vật chất và tinh thần... mà họ còn mang đến nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn khi khai phá phần ẩn kín thẳm sâu nhất trong con người. Văn học hiện đại đặt ra vấn đề tính dục như một nhu cầu tồn tại của nhân loại. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở vấn đề đó thì nhiều tác phẩm văn chương nào có khác gì một loại phim sex. Không như các nhà tiểu thuyết lãng mạn xem tình dục là đỉnh cao của cảm xúc yêu đương và nâng lên thành tính thẩm mỹ; các nhà văn hiện thực viết về dục tính nhằm bóc trần con người thực với bản năng vốn có; song các nhà văn lớn như Kafka, Hemingway, Coetzee...phương thức sáng tác của họ bao giờ cũng dựa trên tính đa nghĩa của văn bản nghệ thuật và trò chơi ngôn ngữ. Điều này tạo nên chủ nghĩa hiện thực chiều sâu. Trong số các nhà tiểu thuyết nổi tiếng hiện nay có thể nói Kundera đã khai thác thành công vấn đề tính dục nhằm biểu đạt những vấn đề lớn như các vấn đề xã hội, chính trị hay văn chương ..Qua một vấn đề muôn thủa nhất của loài người ông đã chỉ rõ sự sụp đổ các giá trị, sự suy thoái không thể cứu vãn của con người, sự thao túng của nhà nước toàn trị,..
1.Dục tính và vấn đề bản thể:
  Cũng như rất nhiều nhà văn khác, dục tính là một vấn đề nổi bật trong tiểu thuyết của Kundera. Từ Wiliam Faulkner, J.M.Coetzee hay Michel Houellebecq đến Haruki Murakami  hay Elfriede Jelinek...đều xoay quanh vấn đề này. Bởi chính trong đời sống tình dục bản chất con người được bộc lộ rõ nhất. Tuy mỗi châu lục vấn đề bản năng mang một bộ mặt khác nhau và biểu đạt ý nghĩa khác nhau, song tựu chung lại vẫn là một vấn đề cơ bản của xã hội hiện đại. Không phải các nhà văn muốn ngợi ca cái tự do của con người  trong thời đại ngày nay đã thoát khỏi mọi áp chế ràng buộc của chế độ phong kiến hay những quy định gắt gao của giáo hội; mà ngược lại, khi sợi dây cương tỏa của pháp chế, quy định đã bị đứt thì con người lại chạy từ thái cực này sang thái cực khác.Chính điều tưởng chừng tự do nhất ấy lại bộc lộ sự lệ thuộc thảm thương của con người hiện đại khi họ tìm niềm vui, sự giải thoát ở tình dục. Tình dục càng tự do bao nhiêu thì giá trị của nó càng thấp đi bấy nhiêu. Và đó chính là điều các nhà văn phát hiện ra mặt trái của thời hiện đại.. Con người cheo leo giữa hai cực: một bên là những phát minh vĩ đại của khoa học, tốc độ phát triển chóng mặt của kỹ thuật...còn một bên là sự buông thả theo bản năng để rồi tự con người nhận ra những gì vốn được xem là thiêng liêng cao đẹp nhất lại biến thành điều tầm thường ghê tởm nhất. Vị giáo sư, nhà khoa học trong tác phẩm của Coetzee, Houellebecq hay một thương gia thành đạt trong tiểu thuyết của Murakami hoặc những cô gái trong tiểu thuyết của Jelinek...đi tìm tình yêu; nhưng chính cái gọi là tình yêu ấy lại là căn nguyên hủy diệt cuộc đời họ. Mắc kẹt giữa hai cực nên thân phận con người trở nên bi đát với cõi cô đơn bất tận mà không thể tìm ra  hướng đi trong một thế giới phi trung tâm và bất khả nhận thức. Vấn đề tính dục bộc lộ rõ nhất cơn khủng hoảng của tính hiện đại. Tiểu thuyết của Kudera cũng bóc trần thực trạng này khi các nhân vật của ông càng bội thực với dục tình bao nhiêu thì lại càng chết đói tình người bấy nhiêu. Vấn đề tình dục trong tiểu thuyết của Kundera thể hiện cái nhìn của ông về con người mang ý nghĩa sâu sắc. Thứ nhất, hành trình muôn đời của con người là kiếm tìm hạnh phúc, thế nhưng con người đang sống trong một thế giới bất ổn khi địa vị không phải là một đảm bảo chắc chắn, tiền bạc không là cứu cánh, gia đình là sa mạc hoang tàn...thì điều cuối cùng con người tìm đến niềm hạnh phúc trong tình yêu. Vậy mà tình yêu biến thành tình dục nên khi thỏa mãn khoái cảm cá nhân trong chốc lát thì dư âm còn lại chỉ là một nỗi chán chường vô vị. Các nhân vật Tomas (Đời nhẹ khôn kham) hay Jaromil (Cuộc sống không ở đây) và Jan Mark (Bản nguyên)...mãi mãi không hiểu tình yêu là gì. Họ tìm đến các cô gái như một thú vui, mà còn tệ hơn là có khi họ chẳng có chút niềm vui nào ngoài nỗi khinh bỉ , vậy mà họ vẫn âu yếm, vuốt ve người yêu như một tình nhân tuyệt vời nhất. Vì thế Tezera (Đời nhẹ khôn kham) đớn đau, thất vọng khi cô từng mơ ước, hy vọng vào tình yêu với bao điều đẹp đẽ, với niềm tin và nỗi khao khát mãnh liệt. Tình dục trong đời sống hiện đại đã tách ra khỏi tình yêu; bởi tính dục chống lại tình yêu; sự lạ thường của người khác như là điều kiện, và chỉ là đòi hỏi thỏa mãn;  Kundera chỉ ra tính nước đôi của tính dục: các khía cạnh kích thích cùng lúc gây kinh tởm của nó; sự vô nghĩa kinh khủng của nó mà chẳng hề làm giảm quyền lực đáng sợ của nó. Thứ hai, con người trong xã hội hện đại đánh mất bản thể. Cuộc truy tìm cái tôi trở thành không thể vì chính điều cá nhân nhất, riêng tư nhất, bản ngã nhất lại không thuộc về mình.
Ngay trong đời sống dục tình họ không hiểu nổi mình, không nhận ra mình và cuối cùng họ ghê tởm chính mình. Cuộc truy tìm bản thể trở nên bi đát khi biến thành cuộc săn tìm khoái lạc. Nhưng trớ trêu thay, tất cả các nhân vật đều nhận ra một kết quả phũ phàng trong cuộc săn tìm đó: Nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami sau những cuộc ân ái điên loạn là sự chấp chới, vô vọng; giáo sư David trong tiểu thuyết của Coetzee nhìn con chó mà liên tưởng đến bản thân; cô gái chơi dương cầm trong tiểu thuyết của Jelinek tùng xẻo da thịt mình để ngồi nhìn từng dòng máu chảy mang theo sự thất vọng vì bất lực khi khoái cảm không đến; còn nhân vật Vincent trong tiểu thuyết của Kundera lại cay đắng nhận ra mình chỉ là một dương vật số nhiều...Các nhà văn đều gửi một thông điệp chung nhức nhối, bộc lộ nỗi hoài nghi về sự tồn tại cá nhân. Về điều này Kundera nhận xét: “Sự phát triển của khoa học đẩy con người vào con đường hầm của các bộ môn riêng biệt. Càng đi tới trong sự hiểu biết của mình, con người càng mất đi cái nhìn về chính mình, và như vậy bị rơi vào cái mà Heidegger, môn đệ của Husserl, gọi một cách thật đẹp và gần như thần diệu là sự quên mất con người.” (1)
   Nhìn nhận của Kundera phản ánh thực trạng xã hội thế kỷ XX. Đó là khi khoa học chiếm vị trí thống lĩnh và việc vận dụng tối đa các phương pháp khoa học sẽ tạo ra một sự tôn trọng đối với kinh nghiệm. Và nghệ thuật đặc thù sẽ bị quên lãng sẽ bị suy yếu đi. Lí trí không những chỉ huy hoạt động khoa học và kỹ thuật mà còn cai quản cả con người cũng như cai quản cả sự vật. Sản phẩm và công trình của xã hội hiện đại được tạo bởi sự chiến thắng lý trí, khoa học kỹ thuật có thể đem lại nhu cầu ham muốn cá nhân. Song, con người mất đi cái nhìn về chính mình và cái chết đầu tiên là chủ thể. Lực lượng kỹ thuật tạo ra sản phẩm cho xã hội và điều khiển con người chối bỏ bàn tay Thượng Đế. Việc bác bỏ mọi thần khải và mọi nguyên lý thánh thần tạo ra một sự trống không chỉ được chứa bằng ý tưởng xã hội.. Nhưng chưa đủ, sự biến động của lịch sử đã đẩy con người vào bước đường cùng. Theo Kundera, lịch sử mang bộ mặt ác quỷ và nắm bắt được những nghịch lý cuối kếtcủa Thời Hiện Đại. Dự báo về khả năng biến mất của nhân loại mà Hegel và Husserl đề cập tới đã khởi đầu bằng cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất  và từ năm 1945 loài người sống dưới vầng mặt trời đen của Hirosima. Sợi dây gắn con người cá nhân với cái phổ quát : Thượng Đế, lý trí, lịch sử. Thế nhưng, Thượng đế đã chết, lý trí đã trở thành công cụ và lịch sử bị chi phối bởi các nhà nước độc đoán cùng với thảm họa hủy diệt. Con người bị chối bỏ, bị quên lãng. Con người đành quay về với cái thú cá nhân song càng đi tìm bản thể họ lại càng lạc hướng, càng kiếm tìm khoái lạc họ lại càng thất vọng.
2. Dục tính và những vấn đề tư tưởng
    Svetlana Zherlaimova có đề cập đến vấn đề dục tính trong tác phẩm của Kundera như sau :Trong tiểu thuyết của Kundera có nhiều yếu tố nhục dục. Một số nhà điểm sách có xu hướng cho đó là sự chiều theo thị hướng của độc giả đại chúng. Còn bản thân tác giả thì nhất quyết cho rằng nhục dục là một thành phần tất yếu của sự suy xét triết học đối với thế giới. K.Hvatik, chuyên gia về Kundera, đồng ý với cách đặt như vậy, ông viết về cuốn Đời nhẹ khôn kham: “Đề tài tình yêu trong tiểu thuyết của Kundera trở thành tấm gương phê phán thời đại cuối thế kỷ, thời đại của sự hoài nghi và sự lừa dối tập thể, của sự thao túng con người và tư tưởng”.(2)
    Từ nhận định trên ta thấy vấn đề mà Kundera đặt ra không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng Thời Hiện Đại mà còn bao hàm ý nghĩa triết học. Thực ra khi chúng tôi bàn mối quan hệ giữa dục tính và bản thể cũng như qua đó thể hiện cái nhìn của ông về con người đã bao hàm ý nghĩa triết học. Tuy nhiên, để làm vấn đề rõ hơn chúng tôi xem xét ở hai khía cạnh: con người với tư cách cá nhân và con người trong mối liên hệ với lịch sử, xã hội...Vậy, khi xem xét những vấn đề mang ý nghĩa xã hội thì dục tính trở thành một biểu tượng ẩn dụ để phản ánh thân phận con người thời đại.Trong tiểu thuyết của Kundera xuất hiện nhiều cảnh làm tình tập thể và con người bị lột truồng một cách tàn nhẫn hoặc việc ái ân riêng tư phải được phơi ra trước camera hay trước ánh mắt soi mói của rất nhiều người...Ở mỗi nội dung là một khía cạnh được đặt ra phê phán áp lực của  nhà nước toàn trị. Tính chất tập thể được đề cao đến mức ngay cả những gì kín đáo nhất vốn thuộc về cá nhân cũng trở thành vấn đề chung. Con người sống trong sự thao túng của nhà nước độc quyền phải chịu sự lệ thuộc giống như những phụ nữ trở thành miếng mồi ngon cho bọn đàn ông sở hữu, chiếm đoạt, cưỡng dâm và lột truồng hay đè ngửa ra những khi chúng thích. Ở hoàn cảnh xã hội nào cái tôi cá nhân cũng bị đè bẹp thê thảm.
Nếu đó là một xã hội chuyên chế thì việc chăn gối cũng được kiểm tra kỹ càng, nhân vật Jaromil bị mẹ “chăm sóc” cẩn thận đến mức từng hành động, mọi suy nghĩ, phút giây cảm xúc riêng tư đều được kiểm duyệt gắt gao; còn Tezera và nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết của Kundera khi làm tình lúc nào cũng được “chụp mũ”, cái mũ không phải là một công cụ trong trò chơi tình ái mà trở thành nỗi ám ảnh về sự quy kết hay dám sát. Còn nếu đó là một xã hội tự do thì thay vì những con mắt của các tổ chức xã hội rình rập hay đôi mắt của Chúa phán xét thì lại là chiếc camera khốn khiếp. Con người bị phơi ra trước ống kính tội nghiệp, đáng thương vô vọng như bị người tình lột truồng ra giữa nơi công cộng hay đang phút ái ân chợt nhận ra có ngàn vạn đôi mắt đang mục kích mình. Song song với cảnh phải làm tình giữa đám đông, trong tiểu thuyết của Kundera, là hình ảnh những người phụ nữ luôn phải lấy tay ôm lấy thân hình mình đang bị phanh phui, bêu dếu...họ không còn nơi bấu víu, nương náu bởi tình thế ấy là tình thế yếu đuối nhất, khốn khổ nhất, bi đát nhất của một con người...Từ vấn đề tình dục, Kundera không chỉ phản ánh hiện thực mà còn bộc lộ cái nhìn hoài nghi hiện thực. Đó là sự phản tỉnh của nhà văn về một thế giới hỗn loạn và phi lý. Mất hết đức tin vào đấng tối cao và sự tan rã của các nguyên lý thần thánh, con người tìm vào tình yêu, song giữa cõi tình ấy họ lại hoang mang cực độ. Tình dục không còn là sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác nữa mà trờ thành công việc của một chiếc máy có tên bản năng, các cặp tình nhân trong giây phút “ yêu nhau” dường như đang rơi vào tận cùng của nỗi cô đơn vì mỗi người hiện hữu với một thế giới riêng biệt ,có khi đối lập nhau. Ví như khi Tomas làm tình với Tezera thì anh chỉ nghĩ đến mùi của cơ thể khác, những thân xác các phụ nữ mà anh đã ngủ chung còn cô thì cứ tưởng tượng ra bao điều lãng mạn khác. Cũng như Agnés khi nằm bên chồng chỉ day dứt với bao niềm suy tư riêng  còn chồng cô thì chỉ toan tính đến công việc... Tất cả những cảnh làm tình đều thể hiện một điều chung là “ hai người rên hai bè khi yêu”(3) Mượn vấn đề dục tính, Kudera đã khái quát nên một vấn đề tư tưởng :điều tưởng là tự do thì thực chất lại không hề có tự do, cái tưởng là thiêng liêng nhất té ra lại tầm thường và bẩn thỉu nhất, niềm hạnh phúc hòa hợp nhất giữa con người với con người thực chất là nỗi cô đơn thẳm sâu và cay đắng nhất, giây phút gọi là người nhất thì cũng là lúc đánh mất người nhất. Đó  là nhân sinh quan hiện đại: nhân sinh quan hư vô. Điều này ảnh hưởng từ triết thuyết của Heidegger khi bàn về sự tồn hữu của con người. Hay nói một cách khác, Kundera đã trở thành một triết gia qua tiểu thuyết cũng như mong muốn của ông suy xét triết học đối với thế giới bằng tác phẩm văn chương.
3. Dục tính và những quan niệm về văn chương
   Kundera là người luôn khẳng định vai trò, giá trị của tiểu thuyết. Mặc dù ông có nhiều bài bàn luận đến tiểu thuyết nhưng ông không đồng tình với ý kiến cho ông là một nhà lý luận. Bởi với Kundera, những vấn đề lý luận không có sức mạnh bằng chính tác phẩm tiểu thuyết. Chính vì thế, ông luôn đan cài lý luận qua các biểu tượng ẩn dụ dựa trên tính đa nghĩa của văn bản nghệ thuật. Vả lại, chúng ta cũng thấy rằng: sức nặng của những tác phẩm lớn chính là ở phần chìm của tảng băng trôi. Không có phần chìm ấy làm sao có được một Murakami, một Coetzee hay một Jelinek... Riêng Kundera lại sử dụng phần chìm ấy để tạo thêm một vấn đề nữa: quan niệm văn chương.
    Sử dụng vấn đề tính dục trong tiểu thuyết, Kundera còn đặt ra tinh thần của tiểu thuyết hiện đại. Đối với ông, điều cốt lõi để tạo nên một tiểu thuyết chân chính là tiểu thuyết phải thể hiện đúng tinh thần của nó. Một trong những yếu tố tạo nên tinh thần tiểu thuyết đó là Hài hước. Cũng như quan niệm của Bakhtin, Kundera khẳng định : “Tiểu thuyết sinh ra không phải từ tinh thần lý thuyết mà từ tinh thần hài hước”(4)  “đó là một phát minh gắn liền với sự ra đời của tiểu thuyết” (5). Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc nêu mục đích của những tiểu thuyết ở thời kỳ đầu, Kundera còn chỉ ra sự vận động của tinh thần hài hước trong tiểu thuyết.
  Nhưng trước hết, chúng ta cần phần biệt giữa tiếng cười và tính hài hước. Nếu như tiếng cười xuất hiện trong tác phẩm được thể hiện qua những tình huống, hành động để tạo cho người đọc vui vẻ, thoải mái hoặc mang ý nghĩa phê phán đả kích thì, với Kundera : “cái hài thì ác hơn: nó tàn nhẫn phát lộ cho ta cái vô nghĩa của mọi thứ” (6). Vậy hài hước thể hiện trong tiểu thuyết không phải chỉ là những vấn đề vui nhộn, gây cười mà đó còn là sự tra vấn, khiêu khích để đưa tới nhận thức. Từ quan niệm đó, Kundera đã phân tích tính hài hước thể hiện trong tiểu thuyết cùng với sự phát triển của nó:
   Đối với Rabelais, cái vui với cái hài còn là một. Đến thế kỷ XVIII, cái hài hước của Sterne và của Diderot là một kỷ niệm êm đềm và buồn nhớ về niềm vui kiểu Rabelais. Sang thế kỷ XIX, Gogol là một nhà hài hước buồn. Ông bảo : “Nếu ta nhìn chăm chú và thật lâu một câu chuyện buồn cười, nó càng lúc càng trở nên buồn hơn”. Châu Âu đã nhìn câu chuyện buồn cười của sự tồn tại của chính mình trong một thời gian dài cho đến nỗi, sang thế kỷ XX, thiên sử vui của Rabelais đã chuyển thành vở hài kịch tuyệt vọng của Ionesco, là người đã nói rằng: “Từ cái ghê rợn đến cái hài có bao nhiêu đâu.(7)
   Một quan niệm mới mẻ và xác đáng của Kundera khi bàn về cái hài như sau : “Những thiên tài chân chính của cái hài không phải là những người làm cho ta cười nhiều hơn cả, mà là những người làm phát lộ một miền chưa được biết đến của cái hài”.
Vậy, miền đất tồn tại của cái hài trong xã hội hiện đại là gì? Kundera khẳng định: “Cái hài chỉ có thể tồn tại ở nơi người ta vạch ra được ranh giới giữa cái quan trọng và không quan trọng. Nhưng ranh giới này hiện nay trở nên không tách bạch được”. (8) Đặt trong mối quan hệ với bản thể và tinh thần nước đôi của tiểu thuyết, theo Kundera, tính hài hước diễn tả được sự phức tạp nhập nhằng của thực tại.Cái hài trong Thời Hiện Đại không phải là tiếng cười cũng không phải là sự chế giễu, châm biếm mà đưa chúng vào bên trong, vào tận gan ruột của chuyện đùa, vào đến chỗ ghê tởm của cái hài. Đọc tiểu thuyết của Kundera chúng ta không bắt gặp những tình huống gây cười hay ngôn ngữ tục tĩu cũng như cách viết phóng túng phù hợp với tinh thần hài hước như trong tác phẩm của Rabelais hay Grass mà nhà tiểu thuyết đã phát lộ một miền chưa được khai phá của cái hài. Đó là cái hài gắn với dục tính. Vì vậy, tác giả miêu tả hành vi dục tính như một phương tiện bộc lộ một ý nghĩa vượt qua câu chuyện, hướng tới một sự thật mang tính con người sâu sắc. Tính hài hước vượt qua những vấn đề được đặt ra có tác dụng đạt đến một giá trị nào đó vượt lên trên nó và cả một ý nghĩa ở bên ngoài tiểu thuyết. Từ những vấn đề đã trình bày chúng ta có thể khái quát tính hài hước trong tiểu thuyết của Kundera như sau :
   Miêu tả quan hệ tình dục = tinh thần hài hước = cái nhập nhằng của dục tính trong xã hội đương thời.
   Tất cả các nhân vật Paul, Vincent, Santal, Tomas trong tác phẩm của Kundera sống trong đời sống dục tình mà không thể hiểu nổi mình, họ đã bị đẩy vĩnh viễn ra khỏi giới hạn tình yêu. Đó là tính chất nhập nhằng khó phân định giữa ý thức và vô thức, giữa tình yêu và bản năng... Những sự việc đó bản thân nó không gây cười, nó trở thành thảm kịch. Tính nước đôi của hành động và cảm xúc phủ định tất cả đức tin, cả lòng trung thành và những tình cảm cao đẹp. Điều tưởng chừng thiêng liêng, tốt đẹp, gần gũi nhất giữa con người với con người bỗng biến thành trò hề, vô nghĩa và ghê tởm. Trộn lẫn những vấn đề trái ngược, chỉ ra một ranh giới không thể xác định của các vấn đề; tiểu thuyết của Kundera đi vào khai thác cốt lõi của bản ngã. Bởi vì dục tính là mảnh đất hoang dã, nơi con người không còn hóa trang, nơi con người thể hiện rõ nhất bản chất của mình. Cái hài nằm ở ranh giới giữa cái quan trọng và không quan trọng cũng như hiện nay không thể xác định được ranh giới ấy, vậy tình dục thể hiện rõ nhất cái hài của tiểu thuyết. Bởi vì, khi đặt ra câu hỏi: tình dục có quan trọng không? Câu trả lời : rất quan trọng ! Nhưng tình dục có tầm thường không? Câu trả lời: Quá tầm thường đằng khác. Cả hai mặt trái ngược đó cứ song hành một cách hiển nhiên. Nếu không quan trọng sao nó trở thành vấn đề được quan tâm nhất, sự lo lắng nhiều nhất? Nếu nó quan trọng thì tại sao họ ăn nằm bừa bãi với bất kỳ ai và bất cứ nơi nào? Tận cùng của cái hài tạo ra nỗi bi thảm về thân phận con người trong Thời Hiện Đại, con người chỉ biết dựa vào tình dục để biết mình còn hiện hữu; nhưng chính lúc ấy họ thấy mình đang chết dần, chết mòn, cái chết của giá trị làm người.
    Như vậy, Kundera đã thông qua tác phẩm của mình để thể hiện tinh thần của tiểu thuyết và tinh thần thời đại. Điều sâu sắc hơn cả là từ  vấn đề xưa như trái đất đó ông đã nói được những vấn đề nóng bỏng nhất, mới mẻ nhất của thời đại. Freud đã rất đúng khi cho rằng tính dục là thứớc đo văn minh nhân loại và nhân cách con người. Qua nhiều tiểu thuyết hiện nay và tiểu thuyết của Kundera chúng ta chắc chắn sẽ có sự phản tỉnh về văn minh và nhân cách con người trong  xã hội hiện nay.
    Sử dụng yếu tố nhục dục trong tác phẩm, Kundera minh định cái hiền minh của sự lưỡng lự, tính phức tạp của cõi người trong một tình thế hiện sinh phổ quát nhất. Nhà văn như đặt ra câu hỏi: Điều còn lại trong quá trình tha hóa của con người là gì? Phải chăng là tình dục?!
CHÚ THÍCH
(1) Kundera. M (2001), Tiểu luận, NXB Văn hóa Thông tin ( tr. 10)
(2) Vietnamnet.vn.văn hóa/chuyên đề 2005/11/5/514440 (tr.6)
(3) Jelinek.E (2003), Tình ơi là tình, NXB Đà Nẵng (tr.99)
(4) Kundera. M (2001), Tiểu luận, NXB Văn hóa Thông tin (tr.167)
(5) Kundera. M (2001), Tiểu luận, NXB Văn hóa Thông tin (tr.178)
(6) Kundera. M (2001), Tiểu luận, NXB Văn hóa Thông tin (tr.136)
(7) Kundera. M (2001), Tiểu luận, NXB Văn hóa Thông tin (tr.124)
(8) Kundera. M (2002), Đời nhẹ khôn kham, NXB Văn học.(tr. 451)
Trần Thanh Hà
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...