Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Hãy ngắm lá rơi và nhấm nháp một tách trà

Hãy ngắm lá rơi và nhấm nháp một tách trà
Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Lá rơi trong thành phố” của tác giả Lê Xuân Khoa với gần 150 ghế đã bị quá tải, trong số đó có các vị khách đặc biệt như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, tiến sĩ Lê Thống Nhất, dịch giả Ngô Trung Việt… Cùng tản mạn một chút về “Lá rơi trong thành phố” với tác giả Lê Xuân Khoa!
Chào Lê Xuân Khoa, anh nghĩ sao khi nhà văn Hồ Anh Thái nói: “Nếu quan tâm đến một thế hệ thì sẽ cuốn vào câu chuyện “Lá rơi trong thành phố” lúc nào không biết”?
Tôi cảm thấy tự hào, vì đây mới là cuốn sách đầu tay của tôi, còn Hồ Anh Thái là một trong những tác giả đương đại Việt Nam mà tôi ngưỡng mộ nhất, về sức viết cũng như sức sáng tạo. Đây là một sự khích lệ lớn đối với tôi.
Văn của anh được đánh giá là có “chất” điển hình của Hà Nội. Anh nghĩ gì về Hà Nội và người Hà Nội?
Tôi viết về những gì tôi gặp và thấy xung quanh mình thôi mà. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có lẽ là may mắn của tôi. Qua nhiều thời kỳ, Hà Nội đã nuôi dưỡng nên nhiều người con tài hoa. Không nhất thiết phải là nơi chôn rau cắt rốn, họ có thể đến từ nhiều vùng miền, quan trọng là họ tụ hội ở đây đem tài năng cống hiến cho đất nước và có được tinh thần và lối ứng xử văn minh của “sĩ phu bắc hà”. Hà Nội trong truyện của tôi là Hà Nội đương đại, Hà Nội của ngay lúc này, một thành phố chứa đựng giao thoa giữa nét cổ kính với sự hối hả của thời hội nhập.
Anh lấy cảm hứng từ đâu để tạo dựng nhân vật chính  Củ Đậu của mình? Anh có phải là một “Củ Đậu” hay không?
Xin đừng đồng nhất tôi với nhân vật của tôi. Củ Đậu là hình ảnh tổng hòa từ nhiều người cùng thế hệ, trong đó có tôi. Những người trẻ sẽ ít nhiều thấy chính mình trong câu chuyện. Ở cuốn sách đầu tay, tôi muốn đưa vào đó những gì giản dị, gần gũi nhất, nhưng đây không phải tự truyện, tôi không bê nguyên xi cuộc sống thực của mình vào. Tôi còn nhiều thứ hay ho hấp dẫn lắm, từ từ tôi mới kể.
Tại sao anh chọn cách kể chuyện mà tiết chế hầu hết những nhận định và bài học có thể rút ra?
Mỗi người có cách nhìn nhận vấn đề riêng. Không ai có quyền phán xét hay áp đặt suy nghĩ lên người khác. Nghệ thuật khác với làm toán. Một tác phẩm có sẵn kết luận là tác phẩm đóng, người thưởng thức không thể thấy gì hơn những cái tác giả đã lồng khung. Tôi muốn tạo ra những tác phẩm mở, để mỗi lần người đọc mở ra họ sẽ thấy nó hàm chứa những thứ mới, Dòng suối nhỏ dù âm thầm nó vẫn đang chảy, nó sống động hơn ao tù.
Làm thế nào người đọc thấy những lớp sâu hơn của cuốn sách, phía sau một câu chuyện nhẹ nhàng?
Cái đó phụ thuộc vào duyên, nhưng trước hết mọi người hãy thưởng thức nó chậm rãi như nhấm nháp một tách trà. Trà từ từ mới ngấm. Ít nhất thì bạn cũng sẽ có vài trống canh vui với câu chuyện nhẹ nhàng này.
Tiếp sau “Lá rơi trong thành phố” sẽ là gì?
Sao ta biết được đường bay của chiếc lá. Có thể nó sẽ nằm ngủ dưới gốc cây. Nếu gió to, nó sẽ bay ra khỏi thành phố, bay qua cánh đồng, bay ra đại dương không chừng.
Nguồn Tinmoi.vn 
Theo http://demento.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...