Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Hoa mai trong đời sống người Việt

Hoa mai trong đời sống người Việt
Ngày Tết, nhân dân ta có truyền thống chơi hoa đào, hoa mai. Đào khoe sắc thắm rực rỡ, tưng bừng, song mai vẫn có cái cốt cách riêng trầm mặc, tao nhã, thoát tục.
Ngày Tết, nhân dân ta có truyền thống chơi hoa đào, hoa mai. Đào khoe sắc thắm rực rỡ, tưng bừng, song mai vẫn có cái cốt cách riêng trầm mặc, tao nhã, thoát tục.
Theo từ điển Hán-Việt từ “Mai": đó là cây mơ, đầu Xuân nở hoa, có hai màu trắng và đỏ. Thứ mai trắng nở hết hoa rồi mới nẩy lá, có quả chua. Cây mai có tên khoa học là Prunus mume S.et Z thuộc họ mơ; cây mai vàng có tên khoa học là Ochna harmandii Lee thuộc họ hoàng mai. Cũng theo tác giả Đỗ Tất Lợi trong bài viết Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học (in trên Báo Nhân dân, ngày 22/2/1983) thì, người Việt chỉ biết đến cây mai vàng (hoàng mai) khoảng 300 năm nay.
Hoa Mai đứng đầu trong tuế hàn tam hữu (3 người bạn của tiết lạnh) là Mai, Tùng và Trúc. Trong chuỗi mô-típ biểu trưng cho thời gian, Mai là biểu tượng của mùa Xuân rạo rực nhựa sống. Mai còn được người xưa ưu ái tôn làm bà chúa muôn hoa: Tiên hưởng bách hoa đầu thượng khai (Mai nở trước muôn hoa, đứng đầu bảng hoa mùa Xuân). Từ ngàn xưa, Mai là đề tài cho thơ phú, hội họa. Đời Tống có Lâm Bô trồng cả một vườn Mai ở Côn Sơn, không ra làm quan, không cả vợ con, ở vậy mà xem mai thê hạc tử (vợ là hoa mai, con là chim hạc) Nguyễn Du sau này viết Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, Hạc là người quen là từ tích đó.
Mai còn là biểu tượng của sự cao khiết, lòng cương trực và khí phách của người anh hùng, quân tử. Cao Bá Quát giỏi thơ, hay chữ đến nỗi người đời suy tôn là bậc thánh, coi mai là thần tượng, chỉ chịu cúi đầu trước hoa mai:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai)”
Cây Mai đã có từ rất lâu đời ở nước ta. Ông cha ta đã chọn cây Mai đưa vào làm cây cảnh. Họ nhà Mai rất phong phú, có nhiều loại: Mai thanh đài, Mai chiếu thủy, Hoàng Mai, Hồng Mai, Chi Mai. Mai thanh đài có đế hoa màu xanh, cành Mai đan cào vào nhau trông giống sáu chiếc gạc hươu nai, nở hoa vào tháng Chạp. Mai chiếu thủy khi nở bông hoa chếch nghiêng như soi mình xuống nước nên có tên mai này. Hoàng Mai cho hoa màu vàng, nở rộ vào trung tuần tháng giêng âm lịch. Hồng Mai cho hoa màu hồng có hương rất ngát. Hương của Mai cao sang, đài các, thoang thoảng có mùi quế.
Mai ở các tỉnh phia Bắc cánh kép lá mỏng, trông thanh thoát, nhẹ nhàng. Những giống Mai này có cùng họ với Mơ. Tuy nhiên có giống mai không hẳn là Mơ, người ta trồng chỉ để chơi hoa. Lại có giống Mai có quả, nhân dân vẫn dùng trái mai để để ngâm rượu, như rượu Mơ. Giữa cây Mơ và cây Mai cũng có chỗ khác nhau về thân hình. Thân Mơ có võ ngoài tương đối nhẵn nhụi. Thân Mai có võ sù sì, nứt nẻ. Cành Mai cũng khúc khuỷu hơn cành Mơ. Cứ sau tiết Đông chí là chuẩn bị mùa hoa Mơ.Trời càng rét, hoa càng nở rộ. Cũng giữa mùa sương giá, cành Mai tưởng khô chết, bất thần nảy vút lên chồi mới, hoa cũng bất thần nở tung. Đài xanh, cánh trắng hay cánh hồng, nhị vàng, hương đưa thoang thoảng.
Tại miền Trung, từ Quảng Bình trở vào phổ biến có giống Mai vàng cánh đơn. Có hai loại mai vàng. Một loại có tên Mai tứ quý, mỗi năm nở hoa ba đến bốn lần vào các tháng 4,5,8. Còn một loại nữa nở hoa vào đúng Tết nếu được tuốt lá đúng lứa. Hai loại Mai này có lá to như lá na, lá nhã, dày cứng trông thô.
Tại miền Nam, vì thuộc khí hậu nhiệt đới và gần đường xích đạo hơn so với miền Bắc, ngày Tết luôn rơi vào lúc thời tiết nóng, nên ta có thể tìm thấy các loại mai như mai Chiếu Thủy, Nhất chi mai, mai Tứ Quý, Bạch mai, Hoàng mai, Nam mai...
Xuân về, Tết đến những người chơi Mai họ chọn những nhành mai phải có dáng đẹp, với các hình dáng gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng hoàng…Ngoài những nét trên, người chơi mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự xắp sếp các nhánh. Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy Âm Dương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành Tứ Quý chỉ bốn mùa Xuân- Hạ- Thu-Đông..vv. Ngày xưa các nhà nho học chơi Mai rất công phu. Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm.
Hình ảnh tráng lệ của những bông mai vàng năm cánh hài hòa với vẽ thanh kỳ, lãng mạn, tất cả những cái đó, trộn lẫn với hương đất trời, tan vào hương của đất trời, tan vào không khí ban mai của buổi nghênh tân. Hoa mai, một loài hoa giản dị nhưng cao quý, luôn luôn bừng nở một sắc vàng trang trọng và thanh cao. Những vần thơ xưa viết về hoa mai giúp ta tìm thấy những tâm hồn đồng điệu.
Nghệ thuật chơi mai, dù để thưởng thức hay kinh doanh, đã trở thành một nhu cầu văn hóa trong đời sống người Việt. Mỗi dịp Xuân về, mỗi gia đình, dù nhà cửa chật chội, cũng không thể thiếu một chậu Mai hoặc một nhành Mai trang trí trên bàn thờ tổ tiên, phòng khách... để nhìn ngắm với bạn bè bên chén trà thơm đón chào năm mới.
Nguyễn Văn Thanh
Theo http://vungliem.vinhlong.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...