Lá rơi trong thành phố, xào
xạc trong con tim
Gặp lại người dưng trà đá
sau mười ba năm bặt vô âm tín, chợt nhận ra cuộc sống đã đưa đẩy hai con đường
ngoằn ngoèo từng giao nhau ở nhiều điểm thành hai đường thẳng song song sẽ
không bao giờ gặp lại nữa. Như một lời chia tay, người dưng đã để lại cho tôi
quyển sách Lá rơi trong thành phố của Demento, chỉ thế thôi, không một lời bình luận về nội dung
hay bất kì cảm xúc gì về quyển sách.
Trời trở thu lành lạnh có lá
vàng rơi, bầu không khí phù hợp với tựa sách, tôi lao vào đọc với hy vọng tìm lại
chút gì đó của người dưng trong những năm tháng không tin tức. Thật ngạc nhiên,
câu chuyện của Củ Đậu, Bọ Gậy, Hành Tây, và Dưa Chuột không chỉ là câu chuyện của
riêng ai, mà là câu chuyện của tất cả mọi người trẻ 8x cùng thời của chúng tôi.
Không biết có bao nhiêu phần của người dưng trong đó, nhưng tôi tìm thấy cả khoảng
trời thơ ấu của mình, thời trung học của chúng tôi và cả sự phát triển của thành
phố và xã hội thân thương trong khoảng thời gian tôi không cùng tiến bước với
nó.
Lá rơi trong thành phố là
truyện Đô rê mon với ước mơ được… học ngu như Nobita để có bạn gái xinh như
Xuka và có chong chóng quay của mèo máy đưa đi vút lên trời; là những năm tháng
xa xưa mượn đầu máy về luyện chưởng kiếm hiệp; là những lần nghe nhạc từ băng
cassette, bấm nút pause rồi nắn nót từng câu từng chữ một ghi chép lại lời bài
hát vào quyển sổ tay; là những tuần ngồi chờ xem chị Diễm Quỳnh răng khểnh và
anh Anh Tuấn lãng tử phát sóng bản xếp hạng MTV châu Á; là những boyband bảnh
trai được bọn tôi dùng bút xóa viết tên lồng trong trái tim trắng xóa mặt bàn gỗ
của lớp; là những lần quay bút trong lớp bị tịch thu hay chơi ca rô trong lớp bị
bắt quả tang hay những lần hẹn hò trà đá nước sâm lê la trước cổng trường; là những
mụn trứng cá lô nhô, những sợi tóc bạc mọc ra trên đầu sau những kỳ thi;
là những lần kết bạn yahoo messenger và bờ lóc 360 có những cái nick add
chưa thấy sáng bao giờ. Họ lúc nào cũng ẩn, hay là mình thuộc nhóm bị người ta ẩn,
chẳng biết. Rồi năm học cũng kết thúc, bờ lóc cũng đóng cửa.
Lá rơi trong thành phố là
những lời càu nhàu của bố mẹ mà đứa trẻ nào cũng từng nghe qua “Bằng tuổi
mày, ngày xưa bố đã…”; là những ước mơ ngây ngô và thay đổi xoành xoạch của tuổi
trẻ, “Hồi nhỏ tôi còn dõng dạc đứng lên: ‘Thưa cô, lớn lên em muốn làm bác
sĩ để chữa bệnh cho mọi người ạ,’ chứ bây giờ tôi chẳng còn mối quan tâm đặc biệt
nào.” Lúc nhỏ nghĩ mình biết nhiều bao nhiêu thì lúc lớn lại thấy mình ngu
xuẩn bấy nhiêu, như Củ Đậu nói “tôi là hạt cát mơ hồ về thế giới xung quanh.” Lúc
nhỏ càng nghĩ hoàn cảnh của mình chua chát khiến mình sành đời bao nhiêu thì
lúc lớn càng thấy đời mình còn ngây thơ với những quy luật của cuộc sống bấy
nhiêu. Hai mốt tuổi, tôi mơ thấy mình dưới đáy vực sâu. Mà đã chạm đáy
đâu, còn đang lăn tiếp. Sỏi đá xé rách quần áo, gai đâm tướt thịt khắp người,
tóc rối bù như chổi rễ, hết nhìn trời lại ôm đất cát vào lòng… Tôi mơ thế nhiều
hơn một lần nên nhớ rõ. Thật chẳng hiểu tại sao, vì từ bé cuộc sống tôi êm ả,
ngáo ngơ còn chưa nếm mùi đời. Rồi ai cũng lớn lên, ai rồi cũng thay đổi,
ai rồi cũng hết ngu ngơ.
Lá rơi trong thành phố là
những ghen tuông đố kỵ của người trẻ với những người cùng trạc tuổi mình nhưng
thành đạt hơn; là những lời châm chích dèm pha của những người thân ruột thịt với
nhau; là những so sánh kỳ vọng của cha mẹ muốn con cái mình được như thằng này
con nọ trong xóm nhỏ. Đâu đó trong cuộc sống này, ai cũng mở miệng chửi thói đời
con cái bất hiếu, nhưng chính họ vẫn ngó lơ khi cha mẹ nằm liệt giường liệt chiếu.
Và rồi khi cha mẹ qua đời thì nhào vô cấu xé tranh nhau bán nhà để chia tiền,
quanh năm suốt tháng không thấy mặt mũi nhưng phần gia tài lớn thì tranh cho bằng
được, còn không thì chì chiết sự thành công của anh chị em con cháu mình. Rồi
gia đình cũng tan nát, ai cũng có ngày lập gia đình mới cho riêng mình.
Lá rơi trong thành phố là
những hiện tượng xã hội chém gió “tự do ngôn luận” cho thỏa mồm, nói cho chết
cha chúng nó với những cái xì-ta-tút facebook không cần kiểm chứng, được
Demento đưa vào câu chuyện một cách rất trực tiếp không đắn đo: “Giờ anh mới
thấy, lũ trẻ nhàn cư vi bất thiện. Chúng cập nhật đủ thứ thông tin suốt hai
mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chả nhẽ, chúng nó không học hành làm ăn gì sất?” hay “Mà
đâu riêng gì lũ trẻ, còn một đại đội tóc bạc phơ nữa, rặt phường ăn hại thôi,
quanh năm lên mạng khóc lóc kể khổ, ra vẻ công dân liêm chính. Xin lỗi các mợ
các bác chứ, bên ngoài còn cả núi việc cần làm, đã không bắt tay vào lại còn chửi
đổng. Cặn bã!” (Đọc đến đoạn này gật gà gật gù lật đà lật đật như con búp bê
Nga đi xóa những xì-ta-tút khóc lóc kể khổ cặn bã của mình.); là những thông điệp
về môi trường xanh sạch mà người già ở nhà, người làm công ngoài đường và các
cô chú trong công sở không biết nó là cái của nợ gì, chỉ có đám choai
choai bày nhiều trò như tắt đèn, thắp nến và nhảy flashmob, sau đó để lại bãi
chiến trường cơ man rác rến. Rồi sẽ lại có những hiện tượng mới nổi lên, thành
chủ đề “bà tám” ở khắp chốn.
Lá rơi trong thành phố là
những cô đơn của những con người vật vờ đi học đi làm nơi xa xứ, ban ngày vui
tươi nhưng đêm về lòng không ngừng thao thức“Năm năm đã qua, đôi khi tôi còn tự
hỏi: Thực ra, em là ai? Sao em bước vào cuộc đời tôi trong một ngày nắng nôi
khô cháy thế?” để rồi “Mỗi khi buồn bực, tôi lại gõ tên em vào ô tìm
kiếm và nhấn enter. Có giai đoạn hàng tháng trời không ngày nào tôi không làm
việc ấy. Có giai đoạn tôi quên bẵng đi, nhưng rồi một ngày, bàn tay gõ phím như
ma làm. Buồn bực muôn hình vạn trạng. Có nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào?”; là
những liều lĩnh trong tình yêu, ngập ngừng mà can đảm với nụ hôn đầu của
tôi diễn ra lúc bảy giờ kém 20 giây ngày 15 tháng 12 năm 2007, ngày đầu tiên cả
nước bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Lúc ấy tính cả tuổi mụ, tôi hai
mươi ba tuổi; là những trải nghiệm trong cuộc sống, thử thuốc lá, thử rượu
bia và thử cả ma túy nữa và là những cái giá phải trả cho những trải nghiệm đó.
Rồi tuổi trẻ cũng qua, thời gian cũng qua, không quay lại được nữa. Lần thứ
hai trở lại, dòng sông nào cũng khác.
Lá rơi trong thành phố là
một hành trình của chàng trai từ lúc mười bảy tuối đến lúc ba mươi tuổi; là tất
cả những gì người trẻ đã, đang và sẽ có thể gặp phải; là những triết lý cuộc sống
mà chỉ có sống rồi mới nghiệm ra được; là những không gian, thời gian, âm
thanh, sắc màu, ký ức, hoài niệm, kỳ vọng, quá khứ, tương lai, hiện tại, buồn
vui, vô cảm, hoài nghi, giận dữ, làm việc, thất nghiệp, tự lập, ăn bám, cưới vợ,
sanh con, nhập viện, xuất viện, đấu tranh, chấp nhận,… là nhữngMắc Kẹp của
cuộc sống, là đủ thứ trên trời dưới đất; là mười ba năm cuộc đời của một người
chuẩn bị bước sang tuổi ba mươi nhìn lại; là Hà Nội mưa nắng nóng lạnh thất thường
ai đi qua đều biết; là Sài Gòn thân thuộc cách vài tháng là vật đổi sao dời; và
mãi là giao điểm duy nhất trong tâm hồn của anh và của tôi.
“Hà Nội hàng năm từng khi
gió về, nhắc tôi rằng con tim rất ngây thơ
Yêu một giây phút miệt mài, thương còn thương suốt đời
Ai ngày xưa đã quá xa xôi, ai vừa đây đã quá thân quen
Trái tim người cứ xoay tròn bốn phương…”
Yêu một giây phút miệt mài, thương còn thương suốt đời
Ai ngày xưa đã quá xa xôi, ai vừa đây đã quá thân quen
Trái tim người cứ xoay tròn bốn phương…”
Lê Xuân Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét