Một buổi sáng cuối tuần cà phê một mình
như bao cuối tuần khác, tôi luôn có cảm nhận thời gian trôi qua quá nhanh. Vậy
là đã sáu năm kể từ ngày em rời cái làng quê nghèo này mà không có bất kỳ tin tức
gì.
Em đi không một lời nhắn gửi, không hẹn ngày về, không cho ai
biết em đi đâu về đâu, em chỉ nói vỏn vẹn một câu với tôi: “Em không thể
chôn vùi tương lai ở cái làng quanh năm đói rách này được”.
Tôi đã từng oán giận em khi thấy em tham sang vật chất, nhưng
suy cho cùng thì em có lý. Em là một cô gái xinh đẹp, nắng gió và giông tố quê
nghèo không làm mất đi nét đẹp thanh tú vốn có của em. Đôi mắt đen láy long
lanh, đôi má ửng hồng trên gương mặt trái xoan với cái miệng xinh xinh luôn mỉm
cười, vầng trán cao thông minh và dáng người nhỏ nhắn khiến ai cũng phải khen
em xinh xắn. Chính vì em đẹp, em xinh nên tôi không có quyền ngăn cản em đi tìm
hạnh phúc, tìm sự đổi thay, thứ mà tôi không thể cho em.
Và em đi. Bỏ lại sau lưng gia đình với mẹ già và đàn em nhỏ, em
cũng bỏ lại tôi, người yêu của em từ độ tuổi trăng tròn. Một thân một mình ra
thành phố, lại là thân gái ở độ tuổi đôi mươi trẻ người non dạ, mẹ em gần như
không nói được lời nào, bà chỉ khóc, khóc cho vơi đi nỗi buồn và bao nhiêu lo lắng
trong lòng. Tôi thương bà và thương cho cả thân tôi, nhưng tôi thì không như
bà. Tôi không khóc. Là đàn ông thì không được khóc, không được cho người ta biết
mình yếu đuối và là đàn ông, nước mắt thường chảy ngược vào trong…
Em từng kể cho tôi nghe về sự lung linh của thành phố, về những
tòa nhà cao chọc trời và cuộc sống xa hoa, về tương lai và sự giàu có. Em biết
được điều đó từ đứa bạn thiếu thời của em, và như bạn em nói, chỉ có thoát ra
khỏi cái chốn quanh năm mưa bão thất thường và mùa hè nắng cháy này, em mới có
tương lai.
Tôi nhớ như in lần em hỏi tôi rằng tôi có muốn đổi đời không,
nhưng tôi không thể trả lời dứt khoát. Bao nhiêu năm gia đình tôi sinh sống ở mảnh
đất quê hương này với nghề làm nước mắm, mẹ tôi đã già mà tôi lại là con một,
nên dù trong lòng mong muốn, tôi cũng không thể ra đi. Hôm ấy, em đã rất giận
tôi, em bảo tôi hèn lắm, kém cỏi và chẳng dám thôi ăn bám mẹ. Tôi mặc kệ em nói
gì, với tôi, điều mà mẹ tôi mong mỏi nhất không phải là giàu sang sung sướng mà
là được sống với quê hương, duy trì nghề làm nước mắm gia truyền. Ra đi thì có
cơ hội phụng dưỡng mẹ sung túc hơn, nhưng đó lại là bất hiếu.
Tôi van em hết lời để em từ bỏ ý định ra đi, nhưng em cương
quyết, em muốn tôi có dịp sáng mắt ra khi mai đây thấy được tương lai của em.
Kể từ ngày em đi, lòng tôi trở nên u uất, mẹ tôi thấy tôi buồn,
bà cũng buồn theo. Nhưng bà không bao giờ nói ra nỗi buồn ấy, tôi chỉ biết bà
buồn khi tình cờ tôi nghe được những tiếng thở dài của bà giữa đêm. Mẹ tôi bảo
tôi thỉnh thoảng sang nhà em thăm hỏi, để mẹ em có nguồn an ủi. Bố tôi và bố em
đều đã qua đời, hai nhà đều chung cảnh hiu quạnh như nhau.
Ngoài thời gian làm việc ở xưởng làm nước mắm, chăm sóc mẹ
thì tôi thường sang nhà em. Mẹ em gặp tôi, bà mừng lắm và luôn hỏi tôi về em.
Bà nghĩ em yêu tôi, nên em sẽ tâm sự với tôi nhiều điều, sẽ liên lạc với tôi.
Bà có biết đâu, với em, tôi chỉ còn là một người chậm tiến, kém cỏi và đáng để
em coi thường. Tôi trả lời qua loa rằng em ổn, em đã có việc làm và khi nào kiếm
được một khoản kha khá, em sẽ về với mẹ. Mẹ em mừng lắm.
Bà mỉm cười, nụ cười như có thể xua đi bao nỗi khổ sầu hằn trên khuôn mặt bà. Mấy đứa em bé bỏng của em rất quý tôi, các em hay vây lấy tôi hỏi về chị gái. Không có em, không ai kể chuyện cổ tích cho các em nghe, hẳn các em buồn lắm. Thôi thì, tôi sẽ thay em làm công việc đó. Tôi bảo mấy đứa em nhỏ ngồi vây quanh tôi và tôi kể cho chúng nghe những câu chuyện mà ngày xưa mẹ tôi từng kể.
Bà mỉm cười, nụ cười như có thể xua đi bao nỗi khổ sầu hằn trên khuôn mặt bà. Mấy đứa em bé bỏng của em rất quý tôi, các em hay vây lấy tôi hỏi về chị gái. Không có em, không ai kể chuyện cổ tích cho các em nghe, hẳn các em buồn lắm. Thôi thì, tôi sẽ thay em làm công việc đó. Tôi bảo mấy đứa em nhỏ ngồi vây quanh tôi và tôi kể cho chúng nghe những câu chuyện mà ngày xưa mẹ tôi từng kể.
Mẹ em cũng ngồi nghe tôi kể chuyện, mắt bà nhìn xa xăm, rồi
bà nhìn tôi, nhìn các con. Thỉnh thoảng tôi lén nhìn bà, lòng tôi thắt lại khi
thấy bà lấy tay áo lau nước mắt.
Tôi nghe người ta bảo, một khi người ta đã chê trách chính
nơi mình sinh ra là nghèo nàn, là lạc hậu thì rất có thể họ sẽ đi, đi mãi.
Nhưng còn với em, tôi hy vọng em sẽ về, vì em đi xa để tìm kiếm cuộc sống tốt
hơn không chỉ cho em mà còn cho cho mẹ già và đàn em thơ dại.
Tôi hy vọng và tin em! Và tôi cũng tin rằng, vì em giận mà em
trách tôi, chê tôi chứ thật tâm em cũng không khinh thường tôi, ý chí của tôi.
Người ta nói: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tôi cố gắng làm việc thì có
ngày cũng đủ đầy mà thôi.
Thời gian đầu, bà con hàng xóm thường lui tới thăm hỏi mẹ em,
động viên và mong con gái mau chóng trở về bên bà. Thú thật, làng xóm tôi tuy
nghèo nhưng ai cũng tốt tính, họ luôn biết cách bảo bọc nhau và nâng đỡ tinh thần
cho nhau những lúc khó khăn. Tuy trời bắt tội cho mưa giăng, bão tố hay tiết trời
nắng cháy, nhưng tình người nơi đây chưa bao giờ bị vùi dập, ý chí của họ cũng
vậy. Có lẽ nhờ đó mà mẹ em phần nào vơi đi nỗi buồn, nỗi lo để lo cho các em của
em.
Sáu năm trôi qua, mỗi năm đôi lần em gửi quà về cho mẹ và các
em của em với đôi dòng thư thăm hỏi. Em bảo mẹ em hãy chờ thêm một thời gian nữa,
em sẽ về cùng bà và đàn em nhỏ. Em mong bà đừng buồn và hãy sống khỏe chờ em.
Còn em, mẹ em bảo tôi em đang làm nghề may trên thành phố.
Mẹ em nhìn tôi rồi thở dài, tôi biết bà buồn cho em và buồn cả
cho tôi. Tôi định hỏi bà xem em có nhắc gì đến tôi hay không, nhưng thấy bà
không nói gì thêm, tôi biết mình không nên hỏi. Tôi cố tìm ra vài lời an ủi
mà động viên bà, tôi cũng cố gắng nghĩ ra nhiều lý do để an ủi thân tôi. Bởi
tôi hiểu rằng kể từ khi em đi, trong cuộc sống của tôi hình thành một nỗi buồn
rất lớn, còn bà, nỗi buồn của bà còn gấp nhiều lần tôi.
Tôi nhớ em, sáu năm qua ngày nào tôi cũng nhớ em. Tôi vùi nỗi
nhớ vào việc sản xuất nước mắm, giao hàng cho khách. Ngoài ra, tôi dành thời
gian chăm lo cho mẹ tôi và mẹ em, cả các em của em nữa.
Thấy tôi bước sang ngưỡng cửa ba mươi mà vẫn còn chưa tính
chuyện gia đình, thời gian chờ em cũng đã dài, mẹ em bắt đầu khuyên tôi. Nhưng
tôi chỉ biết nói cho qua chuyện. Tôi bảo tôi còn bận làm ăn, sau này tôi sẽ
tính. Mẹ tôi cũng buồn, bà thở dài ngao ngán, mẹ trách tôi sao không biết lo để
trước khi nhắm mắt, mẹ có cháu ẵm bồng. Nhưng tôi làm sao lo được, khi người
tôi yêu là em. Và nếu tôi có phải kết hôn với ai khác thì cũng chỉ làm khổ cho
tôi và người ta mà thôi.
Mà nếu em không về, có thể tôi sẽ ở vậy.
Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà đã hơn 6 năm. Tôi miên
man nghĩ về em, về mẹ tôi, mẹ em và cả tôi nữa. Ai cũng đáng thương, đáng trân
quý chứ không ai đáng giận. Làm sao có thể giận khi sống trên đời, tương lai của
ta phải do chính ta nắm giữ. Chỉ tiếc, một phần tương lai của tôi, tôi không biết
giữ mà cứ đẩy cho em.
Nhâm nhi ly cà phê đen đắng ngắt, tôi châm thuốc để tiếp tục
theo dòng suy nghĩ. Ngoài trời lạnh hơn, gió rít mạnh và từng đợt mưa phùn phủ
xuống phố phường. Sắp sang xuân mà trời còn buồn quá, chắc trời cũng thấu lòng
tôi.
Bỗng ngoài phố có tiếng xôn xao, dường như có gì đó khiến mặt
ai cũng tươi vui hơn. Bỗng em gái em hớt hải chạy đến chỗ tôi nói to:
Anh Thịnh ơi, chị em về rồi.
Em nói sao? Anh…
Không chờ tôi nói hết câu, nó chạy tới nắm tay tôi, kéo tôi đứng
lên và chạy về phía nhà em. Tôi và nó chạy một mạch, không nói thêm điều gì,
nhưng tôi biết mùa xuân đang về. Trời mưa phùn mà sao ấm áp quá.
Đặt chân tới nhà em, tôi thấy em đang ôm lấy mẹ em mà khóc nức
nở, những đứa em thơ cũng đứng chung quanh thút thít. Tôi nghe em nói:
Con đã sai mẹ ạ, tất cả chỉ là ảo vọng. Không nơi đâu bằng
nhà mình quê mình đâu. Con xin lỗi mẹ…
Rồi không gian lại ngập trong nước mắt. Sau một lúc, thoáng
thấy tôi, em mới thôi khóc, miệng thoáng mỉm cười nhưng đầy bối rối. Mẹ em nhìn
tôi khẽ nháy mắt và mỉm cười, rồi bà và các em của em đi nấu cơm, để tôi và em ở
lại trò chuyện sau bao năm xa cách.
Em thay đổi khá nhiều, chững chạc hơn, gầy hơn, nhưng trên
gương mặt em vẫn còn đó những nét đẹp ngày nào.
Em tâm sự với tôi nhiều điều, về những việc em đã làm khi vào
thành phố, những khó khăn và những ước vọng không thực tế của em, rằng không có
gì là dễ dàng nơi phồn hoa đô thị, rằng sống giữa chốn thị thành nhiều cạm bẫy hơn
quê hương, rằng em nhớ tôi, nhớ nhà nhưng lòng kiêu hãnh cứ kéo em dài theo năm
tháng, em sợ xấu hổ khi ra về tay trắng bàn tay. Em sợ tôi coi khinh em khi
chính em là người chê tôi nghèo hèn, kém cỏi...
Em nói thật nhiều, thật nhiều và tôi cũng nói với em thật nhiều,
rằng tôi đã chờ đợi em, tôi yêu em không hề thay đổi. Thời gian có thể làm thay
đổi nhiều thứ, nhưng tình yêu chân thành thì không.
Cũng như tình yêu làng xóm quê
hương, ta không thể tách rời và phủ nhận quê hương. Quê hương là lòng kiêu
hãnh, nên khi xa quê, một lúc nào đó, lòng ta sẽ lại thấy nhớ quê da diết.
Tôi ôm lấy em, từng giọt nước mắt của em rơi xuống tay áo
tôi. Tôi cũng thấy mắt mình ươn ướt.
Tôi khẽ hỏi em:
“Em còn yêu tôi chứ?”
Em ngước nhìn tôi với đôi mắt thẫm nước và khẽ gật đầu, lòng
tôi trào dâng niềm vui bất tận.
Mẹ em đang rất vui, các em của em cũng rất vui, tôi vui và hẳn
mẹ tôi biết, mẹ tôi cũng vui lắm.
Rồi đây tôi sẽ chạy ù về nhà cho mẹ tôi hay tin em đã về, con
trai của mẹ đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc tưởng như không còn nữa. Mẹ tôi
chắc sẽ ôm lấy tôi thật chặt và bật khóc, bởi bà biết trong ngôi nhà vắng lặng
này, mùa xuân đang về.
Mùa xuân đang tràn về khắp phố phường và trong mùa xuân ấy,
có đôi lứa nên duyên vợ chồng.
Hoàng Thị Linh Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét