Vội vàng là một trong
những bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Xuân Diệu, được đưa vào chương trình Ngữ
văn lớp 11, quyển hai, bộ cơ bản. Toàn bài thơ toát lên tình yêu thiên nhiên,
yêu cuộc sống tha thiết cháy bỏng của Xuân Diệu. Có nhiều cách phân tách,
chia khổ bài thơ này. Nhưng nhìn từ khía cạnh phân tâm học, Vội vàng được
chia thành 3 khổ theo cấu trúc như sau:
1. Bản năng sống (Eros)
Bản năng sống Eros (mượn tên
từ thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp) là một trong những thuật ngữ cơ bản
do Freud đề xuất. Theo ông, Eros tượng trưng cho tình yêu, niềm vui, niềm hoan
lạc, sức sống… Eros tồn tại trong mỗi con người, xuất hiện trong những thời điểm
khác nhau của cuộc sống. Ở phần đầu bài thơ, khi Eros xuất hiện, tâm hồn
Xuân Diệu tràn ngập niềm vui trước khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật tươi đẹp,
lung linh:
Của ong bướm này đây tuần
tháng mật
Này đây của đồng nội xanh rì
Này đây lá hoa của cành tơ
phơ phất
Của yến anh này đây khúc
tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng
mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng
gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp
môi gần
Bức tranh thiên nhiên ở đây
không chỉ diễn ra trong mùa đẹp nhất của năm (mùa xuân) mà còn vào tháng đẹp nhất
của mùa đó (tháng Giêng). Không gian bức tranh được trải rộng trên đồng cỏ mênh
mông mướt màu xanh của hoa, của lá, của “cành tơ phơ phất” trong gió nhẹ gợi
nên sức sống mơn mởn. Và trên nền xanh tuyệt đẹp ấy, người “họa sĩ” Xuân Diệu
đã điểm tô thêm nhiều thứ cho bức tranh thiên nhiên của mình trở nên tuyệt mỹ.
Đó là những cánh ong, cánh bướm rập rờn đủ màu sắc cho bức tranh thêm sinh
động. Đó là ánh sáng nhẹ nhàng của buổi sớm mai khẽ đọng trên hàng mi cho thêm
bức tranh thêm tươi tắn. Đó là âm thanh ríu rít ngợi ca tình yêu của từng
cặp yến anh cho bức tranh thêm rộn ràng. Bức tranh ấy càng trở hoàn
bích với sự xuất hiện của con người thông qua đại từ tôi. Con người ấy
lại là chàng trai trẻ tuổi mới đôi mươi tràn ngập niềm vui trong lòng (tôi sung
sướng). Tóm lại, Xuân Diệu đã dựng nên một bức tranh có cảnh, có tình, có màu,
có sắc, có âm thanh, có ánh sáng, có niềm vui dạo dạt của con người. Thiết tưởng,
hiếm có cảnh tượng nào diễn tả niềm hạnh phúc lai láng của con người hơn thế.
Tuy nhiên, cuộc đời không phải
lúc nào cũng màu hồng. Đang trong lúc vui sướng, nhà thơ chợt nhận ra rằng:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân
đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân
sẽ già,
Từ sự thật ấy, khi liên tưởng
đến bản thân, Xuân Diệu chợt nhận ra một điều “khủng khiếp” là:
Mà xuân hết nghĩa là tôi
cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng
trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của
nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần
hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần
thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng
còn tôi mãi,
Đến đây, một nỗi sợ hãi bao
trùm lấy Xuân Diệu. Tâm trạng nhà thơ đang từ vui sướng bỗng chuyển sang lo âu.
Và bắt đầu từ đây, một bản năng khác bắt đầu thay thế bản năng sống Eros ngự trị
tâm hồn nhà thơ. Đó là:
2. Bản năng chết (Thanatox)
Cũng mượn điển tích về thần
chết Thanatox trong thần thoại Hy Lạp , Freud cho rằng trong con người ngoài bản
năng Eros còn có bản năng chết Thanatox. Bản năng chết Thanatox tượng trưng cho
cái chết, sự lo âu, sợ hãi, khủng hoảng không thể cứu rỗi nổi. Bản năng sống
và bản năng chết luôn tồn tại song song trong bản thân mỗi con người. Chúng
luôn đấu tranh với nhau, từ đó tạo ra những trạng huống tình cảm khác nhau cho
con người. Tuy nhiên trong cuộc đấu tranh ấy, người chiến thắng cuối cùng bao
giờ cũng là Thanatox. Đó là lý do vì sao “con người đều chết” - Freud lý giải.
Và khi bản năng chết chiếm hữu con người nhà thơ, bức tranh thiên nhiên lập tức
đổi sang màu u tối:
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm
tiễn biệt....
Con gió xinh thì thào trong
lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải
bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng
reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp
sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi chẳng bao
giờ còn nữa
Mau đi thôi, mùa chưa ngả
chiều hôm.
Hàng loạt tính từ biểu lộ
tâm trạng như hờn, sợ kết hợp cùng những động từ gợi sự chia cắt nhưchia
phôi, tiễn biệt, đứt, phai tàn tạo nên bức tranh về sự đứt gẫy, đổ vỡ. Cái
chết, sự hoảng loạn diễn ra ở khắp nơi. Từ những vật thể to lớn như núi,
sông, nhỏ bé như cánh chim, vô hình như cơn gió đều cất lên những lời u oán về
kiếp sống hữu hạn của đời mình, đều đắng đót nỗi lòng trước viễn cảnh chia ly
không hẹn ngày gặp lại. Cái chết hiển hữu trong trong thời gian vô tận bất kể
đó làngày hay tháng hay năm. Và trên khung cảnh ấy, tâm trạng
con người cũng thay đổi. Thay cho niềm vui “mỗi buổi sáng thần Vui gõ cửa”,
thay cho nỗi lòng sung sướng của chàng trai đang tuổi yêu đương luyến ái là tiếng
kêu than có phần tuyệt vọng, bi quan về sự sống: Chẳng bao giờ, ôi chẳng
bao giờ còn nữa. Tuy nhiên, nếu bài thơ dừng lại ở đây thì có lẽ Xuân Diệu
đã không phải Xuân Diệu mà chúng ta đã biết. Cái đáng quý, đáng trọng của nhà
thơ nằm ở chỗ sau phút giây hoảng loạn, khi đã bình tĩnh lại nhận thức được quy
luật muôn đời của tạo hóa, Xuân Diệu đã trở lại là chính mình một cách mãnh mẽ
nhất thông qua:
3. Tính cách Narcissism
Dựa theo tích truyện chàng
Narcissisus trong thần thoại Hy Lạp, Freud đã dùng từ Narcissism để chỉ tính
cách “quá yêu bản thân” mình của con người. Đây cũng là tính cách “tương đối phổ
biến” của nhân loại. Ở Xuân Diệu, tính cách này thể hiện tương đối rõ. Trước nhất
ở những lời tuyên bố “ngạo nghễ” về bản thân, về lẽ sống:
- Ta là Riêng, là Một, là thứ
Nhất
Chẳng bạn bè chi sánh nổi
cùng ta
- Thà một phút huy hoàng rồi
vụt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trong năm.
Và cũng vì quá yêu bản thân,
quá yêu con người nên trái với thơ ca truyền thống thường lấy vẻ đẹp thiên
nhiên để tán dương vẻ đẹp của con người (Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn
trăng đầy đặn nét ngài nở nang/Hoa cười ngọc thốt đoan trang/Mây thua nước tóc
tuyết nhường màu da. Truyện Kiều – Nguyễn Du), Xuân Diệu lại lấy vẻ đẹp con người
làm chuẩn mực khi so sánh với thiên nhiên.
- Lá liễu dài như một nét mi
- Tháng giêng ngon như một cặp
môi gần
Ở đây, sau khi nhận thức được
sự hiện tồn của bản năng chết Thanatox trong người, thay vì gục ngã yếu đuối,
tính cách Narcissism đã xuất hiện một cách đúng lúc trog Xuân Diệu. Nhà thơ “lớn
tiếng” khẳng định mong muốn ghê gớm của mình với tạo hóa vô biên:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn:
Ta muốn riết mây đưa và gió
lượn,
Ta muốn say cánh bướm với
tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái
hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm,
cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời
tươi;
Sự thay đổi thể hiện rõ ở đại
từ nhân xưng. Thay vì đại từ tôi đầy tính khiêm cung ở khổ đầu, Xuân
Diệu đã liên tục dùng đại từ ta như một cách khẳng định bản thân mình
một cách tự hào, kiêu hãnh nhất trong khổ thơ cuối bài.
Song hành với đại từ ta là động
từ muốn làm rõ hơn cho tính chủ động, tính quyết liệt của bản thể nhà
thơ đối với thiên nhiên, tạo hóa. Tiếp theo đó là hàng loạt những động từ mạnh: ôm,
riết, say, thâu, cắn phản ánh tính quyết liệt, sự tham lam tham lam nhưng
cũng thật… đáng yêu của nhà thơ đối với cuộc đời. Ở khổ thơ này, dấu vết của bản
năng chết Thanatox đã biến mất hoàn toàn, hay chính xác hơn tình yêu cuộc sống
và sự mạnh mẽ của tính cách Narcissism đã giúp nhà thơ vượt lên trên “nỗi sợ
hãi thường trực” để tiến đến cõi “bất tử” của tâm hồn như các bậc hiền triết
xưa nay.Trên hành trình ấy, Xuân Diệu không cô độc vì ông mang theo hành trang
quý giá là thơ ca. Cùng với tâm hồn, thơ ca Xuân Diệu cũng đi vào “miền bất diệt”
Tóm lại, nhìn Vội vàng dưới
góc nhìn phân tâm học, ta thấy bài thơ là sự đấu tranh chuyển hóa lẫn nhau giữa
bản năng sống Eors, bản năng chết Thanatox và tính cách Narcissism trong con
người Xuân Diệu. Nhưng dẫu sự chuyển hóa có diễn ra theo chiều hướng nào, phức
tạp đến đâu thì vẫn làm toát lên tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt
và tài thơ thiên bẩm của Xuân Diệu – hoàng tử của nên thi ca nước nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét