Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Ngày xuân thưởng ngoạn hoa đào trong thơ cổ Đông phương

Ngày xuân thưởng ngoạn hoa đào 
trong thơ cổ Đông phương
Không biết tự bao giờ, trong vô vàn hoa thơm cỏ lạ thì đất trời lại biệt đãi một số loài được xem như là hồn của các tiết xuân hạ thu đông. Ấy là cúc, là sen, là tùng, là mai là đào... mà chỉ cần nghe tới tên thôi thì cái phong vị mùa đã hiển lộ mồn một. Trong thế giới thơm đó, mai vàng và đào phai lại như những loài “hoàng hoa” của buổi lập xuân rỡ ràng đón chào một năm mới. Hoa mai rất gần với đời sống của người Việt và đi vào thơ ca như một lẽ hiển nhiên. Đào hoa tươi thắm hình như muộn mằn hơn bởi cái tính đỏng đảnh của một loài chỉ ưa giá rét. Nói hình như thôi bởi không có gì làm chắc chắn bởi chẳng mấy ai đi đong đếm cái vẻ đẹp riêng tư hớn hở của một loài hoa. Mà một khi, hoa đã đi vào thơ ca thì vẻ đẹp ấy đã trở nên bất tử, hương sắc ấy đã nồng đượm khó phai. Trong thơ ca cổ phương đông, chỉ cần chút “cảo thơm lần giở” thì thưởng ngoạn đào hoa cũng trở thành thú vui tao nhã ngày xuân.
Nguyễn Du từng mượn hoa đào để tả tâm trạng ngẩn ngơ của chàng Kim Trọng khi quay lại vườn Thúy mà không gặp được người yêu:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm cũ còn cười gió đông
Nguyễn Du mượn Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân mà thổi vào truyện thơ của mình cái hồn lục bát tinh túy của dân tộc. Không những thế, ông mượn luôn cả điển tích Đường thi khiến cho sau này khó ai còn có thể dịch Đề tích sở kiến xứ tận chân, tận mỹ hơn!!! Từ câu chuyện của chính mình, Thôi Hộ đã lưu danh bài thơ đề nơi thành Nam Trang (một tên gọi khác của Đề tích sở kiến xứ) bài tuyệt cú như một câu chuyện tình mùa xuân hi hữu trong thơ ca Trung Hoa. Nhân một hôm vào dịp tiết Thanh Minh, chàng trai Thôi Hộ ra ngoại thành vãn cảnh. Khát nước, chàng tình cờ bước vào một gia trang bên đường. Bất ngờ thay, sau cánh cổng gỗ khép hờ là cả một vườn hoa đào đương độ mãn khai. Lẫn trong mùi thơm ý nhị của hoa là một thiếu nữ chừng mười lăm, mười sáu với đôi má ửng đỏ khiến Thôi Hộ không khỏi ngây ngất...
Tiết Thanh Minh năm sau, chàng Thôi Hộ quay lại nơi cũ để hầu có dịp gặp lại người con gái mà chàng đã đem lòng thương nhớ. Nhưng cũng chính nơi tình xuân vừa thắm, ý xuân vừa nồng thì chàng chỉ nhìn thấy vẫn vườn đào năm cũ mà không biết người xưa ở chốn nao. Biết rằng “giai nhân nan tái đắc” (người đẹp khó gặp lại), Thôi Hộ bèn cảm hứng đề bài thơ lên cửa như sau:
Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Cũng ngày này năm ngoái tại cửa này/Mặt người cùng với hoa đào ửng đỏ/ Không biết người cũ nay ở đâu/ Chỉ thấy hoa đào vẫn cười trong gió đông).
Mượn tâm trạng Thôi Hộ để nói tâm trọng chàng Kim, Nguyễn Du dùng lục bát mà vẫn dụng được chỗ tuyệt kỹ của thơ Đường là “ý tại ngôn ngoại”, hàm súc mà chan chứa biết bao tình. Câu chuyện Thôi Hộ với bài thơ tình hiếm hoi của thơ ca cổ Trung Hoa cuối cùng cũng có một kết cục huyền thoại. Và trong gió xuân, ý xuân  như còn phảng phất không gian ngây ngất của hoa đào chan chứa biết bao xuân tình.
Hình như người Trung Quốc không chỉ yêu hoa đào mà còn thường hằng mơ mộng một chốn đào nguyên mà Lưu Nguyễn từng thiên thai biệt tích. Vương Duy-người được mệnh danh là “Thi Phật” của Đường thi vốn xem ấy là nơi tâm linh diệu ngộ:
Đào nguyên diện diện tuyệt phong trần
Liễu thị nam đầu phỏng ẩn luân
Đáo môn bất cảm đề phàm điểu
Khán trúc hà tu vấn chủ nhân...
(Phỏng Lã Dật nhân bất ngộ)
(Khắp mọi phía của suối đào đều cách tuyệt với gió bụi. Đến đầu nam của chợ Liễu thăm nhà người ẩn dật. Tới cổng, không dám đề chữ phàm điểu. Ngắm rặng trúc đâu cần hỏi đến chủ nhân...)
Lâm Ngữ Đường đời nhà Thanh cho rằng “đào nguyên diện diện đều chẳng phải là nhân gian nhưng nam bắc đông tây chẳng đâu không là diệu ngộ”. Nhưng có lẽ, cốt của tiền giải bài thơ này không dừng lại ở đó. Nhiều bài thơ trong Đường thi thường mô tả quá trình đi tìm bạn, thăm bạn ở nơi ẩn dật nhưng không gặp. Chốn ẩn cư thường được người ở cũng như người thăm viếng cảm nhận tương đồng, đó là một khung cảnh tự nhiên yên tĩnh, vắng người qua lại. Không khí thâm u với thông cao trúc rậm, với mây trắng nước trong ngẫu nhiên trở thành cái cớ hiện diện của đào nguyên. Vì thế hành giả “chỉ ngắm cây cối trước sân” cũng là đã thỏa cái ý sở dĩ đến đây, tuy chẳng ngộ dật nhân nhưng cũng lòng cảnh đã buông thả đi nơi khác thì lời lời nói ra đúng là “tiên linh thượng giới” thật rồi. Không gặp dật nhân nhưng chỗ lòng đến thì hà tất phải gặp dật nhân mà vẫn vui sướng vì đã đủ cái hứng ý để đến đây. Cảm giác gọi tạm là “tuyệt phong trần” chốn đào nguyên của thi nhân đúng ra là một cảm giác trầm lặng của cõi lòng tri túc, nó bộc lộ không chút ồn ào nhưng vô cùng thi vị.
Thưởng ngoạn hoa đào trong thơ cổ phương đông cũng là nguyên cớ ghé thăm thơ ca của xứ sở hoa anh đào. Đất nước Nhật Bản với đặc trưng của thơ ca thiên về yêu chuộng cái đẹp và thiên nhiên là một trong những lý do cho hình ảnh này xuất hiện một cách tinh tế và tinh tế đến tế vi. Komachi-người thơ biểu tượng của cái đẹp, đẹp đến nỗi nhan sắc đã làm tổn hại đến đời nàng. Cuối đời, Komachi vẫn chỉ là hiện thân của bơ vơ, tàn phai và hư ảo:
Hoa đào ơi
Nhan sắc phai rồi
Hư ảo mà thôi
Tôi nhìn thăm thẳm
Mưa trên đời tôi
Một bài tanka đượm màu bi cảm. Hoa đào mỏng manh đã phai hương sắc, héo úa, rung rơi... trong tháng ngày lặng lẽ u tịch. Lòng nàng như mỗi bông hoa tàn phai cứ dần dần u uẩn, mất mát. Cánh úa, cánh rơi... Ngày đi, xuân theo, tuổi qua, tình nhạt, đời phai... trong cái nhìn thăm thẳm. Bài thơ như một tiếng nói thân phận của cái đẹp-một thân phận rực rỡ buồn.
Cũng là loài ấy hoa ấy, cũng là vẻ đẹp ấy nhưng trong một bài haikư của mình, Basho đề cập đến vấn đề vô thường:
Nhiều chuyện
làm nhớ lại
Hoa anh đào
Hoa anh đào đối với người Nhật có ý nghĩa đặc biệt, nhìn hoa anh đào khiến người ta chợt nhớ bao mùa hoa anh đào trong quá khứ. Tác giả Vĩnh Sính cho rằng bài thơ ấy có thể hiểu dưới dạng một câu lục bát như sau:
Bao nhiêu thế sự cùng năm tháng,
Vẫn nhớ đào hoa một dạo nào!
Hoa anh đào cứ đến hẹn lại khoe sắc trong tiết xuân. Với một chén trà trong sương sớm, một chút hoài cổ cùng thi nhân thì dẫu cho sống ở nơi mà chỉ có mai vàng rực rỡ thì lòng người cũng lắm những bồi hồi khi ngắm cánh đào mà thèm chút rét mướt đông phong...
 Nguyễn Thị Thanh Thảo
Theo http://www.bichkhe.org/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...