Roman Jakobson và thi pháp
Trong thập niên 1970 danh từ thi pháp (poétique) trở thành
thông dụng, thi pháp học dần dần trở thành một khoa học phổ biến, dính liền với
ngành ngữ học, trong một khung cảnh học thuật rộng lớn hơn, là khoa ký hiệu học.
Thi pháp học không chỉ nghiên cứu về bộ môn thi ca như nhiều
người tưởng, mà nhắm đối lượng lớn hơn: Tính cách thẩm mỹ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ
có nhiều chức năng, chủ yếu là thông tin, nhưng còn một chức năng đặc biệt, ít
được lưu tâm, là chức năng thẩm mỹ, bàng bạc trong mọi hình thức diễn ngôn, lời
nói ngày thường, lời ăn tiếng nói của nhân dân, ngôn ngữ bập bẹ của trẻ con.
Nhưng chức năng thẩm mỹ cô đúc và phong phú nhất là trong ngôn ngữ thi ca.
Do đó, thơ trở thành khu điền giả, địa hạt thí nghiệm, thực tập
cho khoa thi pháp, truy lùng tận gốc rễ chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ. Nói để
nói cái gì với ai, là chức năng thông tin. Nói để nói một lời nói đẹp, là chức
năng thẩm mỹ. Chức năng thẩm mỹ nằm chồng lên chức năng thông tin để tăng mức hấp
dẫn, sức thuyết phục cho thông tin; nhưng tự thân nó tính thẩm mỹ, tính thi
pháp, là một chức năng độc lập.
Một ví dụ, cũng là cách ví von:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Thơ được sử dụng như một phòng thí nghiệm của nhiều khoa học
khác: ngôn ngữ học, ký hiệu học, dân tộc học. Cho nên được ưu đãi trong các
công trình nghiên cứu, chứ không phải vì thi ca quan trọng hơn các hình thức diễn
ngôn khác.
Nói một cách quá đáng, cho dể hiểu, thì thơ là con chuột
bạch cho nhiều bộ môn khoa học nhân văn hiện đại và đương đại.
Người đi tiên phong, có những đóng góp phong phú và quyết định
cho tư trào này là nhà ngữ học Roman Jakobson, 1896 -1982, gốc Nga định cư ở Mỹ
và phạm vi hoạt động vòng quanh thế giới. Từ 1915, ông đã tích cực đóng góp vào
trường phái hình thức Nga, và một trong vài ba lãnh tụ Câu Lạc Bộ Ngôn Ngữ Học
Praha: nhóm này, tại hội nghị Ngôn ngữ học Quốc tế họp tại Den Haag, Hà
Lan, 1928 đã đặt những viên đá đầu tiên cho nền ngữ học cấu trúc (Linguistique
Structurale) từng bước tiến bộ về sau, bước sang nhiều lãnh vực khoa học và dần
dà ngày một ngày hai trong nửa thế kỷ, sẽ chiếm địa vị quan trọng - nếu không
phải là độc tôn, trong sinh hoạt nghiên cứu khoa học nhân văn trên toàn cầu.
Đã có nhiều quan niệm, định nghĩa về thơ. Những quan niệm
thay đổi tùy nền văn hóa, văn minh, thời đại, xã hội, giai cấp, trình độ, hoàn
cảnh, tâm lý cá nhân. Thậm chí một cá nhân, người làm thơ hay người nghiên cứu,
tùy lúc cũng có những định nghĩa khác nhau. Tranh luận chỉ hao hơi và mất ngày
giờ.
Nhưng giới nghiên cứu thế giới hiện nay dường như đồng thuận
với quan niệm Roman Jakobson đã phát biểu từ năm 1919 :
“ Cách đặt đối tượng vào ngôn từ, vào khối từ ngữ: tôi gọi đó
là thời điểm duy nhất và thiết yếu của thơ, đụng không những vào lối kết hợp chữ
nghĩa mà còn đụng vào cái vỏ của ngôn từ. Sự liên hợp tự động giữa ngữ âm và ngữ
nghĩa (le sens et le sens) nhanh chóng hơn thường lệ (1919 : bài Thơ
Mới tại Nga).
1933, trong bài Thơ là gì, ông định nghĩa rõ hơn bằng
cách so sánh chức năng thi pháp qua nhiều hình thức diễn ngôn, qua nhiều sinh
hoạt và tác giả khác nhau. Roman Jakobson là nhà Bác học thâm sâu, còn là một
nhà sư phạm tài ba: điều khó đến đâu, cũng có cách làm người ta hiểu được.
Ông bắt đầu: muốn biết thơ là gì, thì phải đối lập nó với cái
không phải là thơ - chuyện không đơn giản. Rồi nhắc lại : “ Quan niệm về
thơ là bất định, thay đổi với thời gian, nhưng chức năng thơ, hay thi tính là một
yếu tố khu biệt, không thể máy móc ước lược vào những thành tố khác . Phải cô lập
nó để thấy đặc tính. Nói chung thi tính cũng chỉ làm thành phần cho một cấu
trúc phức tạp, nhưng thành phần có khả năng biến thể các thành tố khác để tạo
nên một tổng thể chung (...) khi thi tính, chức năng thi ca chiếm vị thế chủ đạo
trong một tác phẩm văn chương, thì ta gọi là thơ “. Ông ví von: dầu,
không phải là món ăn riêng nhưng nhiệm vụ của dầu sắc bén đến độ con cá chiên
... không còn là cá (!)
“Thi tính phát hiện cách nào? một từ được cảm nhận như một từ,
chứ không phải cái thay thế cho sự vật được gọi tên, hay một bùng vỡ cảm xúc .
Rằng là : từ pháp và cú pháp, ý nghĩa, ngoại hình và nội hình của chúng không
phải là những chỉ dấu dững dưng của thực tại, mà chúng có trọng lượng riêng và
giá trị nội tại”.
Tóm lại, thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng.
Chức năng thơ, trong ngôn ngữ, là tạo giá trị thẩm mỹ cho lời
nói thường, để tăng mức độ thuyết phục cho thông tin hay biểu cảm .
Còn về mặt xã hội, chức năng thơ, hay tác phẩm thi ca là gì ?
“Thi phẩm, giữa toàn thể giá trị xã hội, không chủ đạo, cũng
không lấn áp được những giá trị khác, nhưng vẫn là nguồn tổ chức cơ bản của ý
thức hệ luôn luôn có định hướng. Thơ gìn giữ chúng ta chống lại tính máy móc, sự
han rỉ hăm dọa tâm hồn. Tình yêu và thù hận, nỗi loạn và hòa giải, đức tin và
phủ nhận” .
( Nguyên văn tiếng Tiệp, dịch theo bản tiếng Pháp của
Marguerite Derrida)
Chức năng thơ không phải là thủ thuật của thi nhân. Thi tính
do thiên tính, trẻ con tập nói đã biết sử dụng . Lời ăn tiếng nói của dân quê
nhiều màu sắc độc đáo, nước nào cũng vây . Về cuối đời, năm 1970 Roman Jakobson
chứng minh điều này qua văn học dân gian Nga, Ba Lan: tục ngữ, cao dao, câu đố.
“Văn học dân gian cung cấp cho ta ví dụ hùng hồn về những cơ
cấu ngôn ngữ mang nội dung phong phú và hiệu lực sắc bén, hoàn toàn độc lập với
lý luận trừu tượng”.
Công trình nghiên cứu Roman Jakobson bao trùm nhiều lĩnh vực,
ngôn ngữ nhiều nước, là nguồn kiến thức cho giới nghiên cứu nhiều dân tộc khác
nhau trên thế giới.
Đóng góp lớn lao nhất của Roman Jakobson trong lý luận về thi
pháp là đã thuyết minh tương quan giữa ngữ âm và ngữ nghĩa, giữa từ và nghĩa,
phản biện lý thuyết lừng danh của F.de Saussure trong Giáo trình ngữ học đại
cương (1913), kinh điển của khoa ngữ học hiện đại: tương quan giữa ngữ âm ( cái
biểu hiện ) và nghĩa ( cái được biểu hiện ) là võ đoán. Nôm na là không có liên
hệ.
Ngựơc lại trong loạt Sáu bài giảng về âm và nghĩa 1942-1943
Roman Jakobson đã chứng minh rằng có quan hệ giữa âm và nghĩa, chứ không phải
là võ đoán. Đây là tranh luận về lý thuyết về ngôn ngữ giữa giới chuyên gia,
nhưng với nguời đọc trung bình cũng quan trọng .
Vì nếu Saussure nói đúng: không có tương quan giữa âm và
nghĩa, thì ... thì sẽ không có thơ ! Hoặc giả ngôn ngữ thơ sẽ nghèo nàn lắm, lý
luận về thi ca sẽ khốn cùng . Thơ sẽ là lối minh họa vần vè, một trò tiêu khiển
phù phiếm .
Cuốn Vấn đề thi pháp của Roman Jakobson xuất bản
năm 1973, là sách kinh điển cho giới lý luận. Còn Sáu Bài Giảng, là
những ghi chép làm nền cho giáo trình, cho nên mãi đến năm 1976 tác giả mới
công bố, nên ít người biết và tham khảo. Nhưng đây là sách cơ bản
Roman Jakobson bắt đầu khảo sát âm vị (phonème), liên hệ với
hình vị trong mỗi hệ thống ngôn ngữ để đi đến kết luận rằng không có một “nghĩa
tự tại và độc lập: cái nghĩa nào đó luôn luôn gắn liền với một ký hiệu“. “Trong
ngôn ngữ không có ý nào không lời, hoặc lời nào không ý “. (Từ chính xác là cái
biểu hiện và cái được biểu hiện. Tôi dịch thoát cho nhẹ nhàng và dể hiểu).
Roman Jakobson lặp lại ý của Benveniste phản bác Saussure “ giữa cái
biểu hiện và cái được biểu hiện, tương quan không võ đoán, nó thiết yếu” (Acta
Linguistica, tập I, 1939) - Về sau, nhà dân tộc học Claude Levi- Strauss sẽ hưởng
ứng quan niệm này và đẩy lý luận xa hơn.
Tóm lại tương quan giữa âm và nghĩa không phải là phát hiện của
Roman Jakobson nhưng ông là người giải minh rành rọt lại là tác giả của hàng
ngàn trang lý thuyết về thơ, cho nên quan điểm của ông có giá trị cơ bản.
Trong phần kết luận Sáu bài giảng ông còn nhắc lại
một lần nữa, ý kiến đã phát biểu từ 1919: “trong ngôn ngữ thi ca ký hiệu
tự bản thân nó đã hoàn tất một giá trị độc lập” .
Roman Jakobson trước hết là một chuyên gia ngữ học với kiến
thức vừa bao la vừa sâu sắc, ông mở biên giới ngữ học vào các lãnh vực văn
chương, nghệ thuật và các nền khoa học khác .
Riêng lãnh vực thi ca được ông đặc biệt quan tâm và nghiên cứu
vì lý do kỹ thuật ngữ học, và cũng vì sở thích riêng. Nhờ đó, giới nghiên cứu,
hay khách yêu thơ được thừa hưởng một phương pháp lý luận những kiến thức
chuyên môn vô giá. Ngoài ra, còn học được nơi ông niềm liêm chính từ tốn
và cần mẫn với khoa học niềm tin yêu và tận tụy với con người, với loài người,
trong thân phận làm người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét