Có một xứ Huế trong thơ và nhạc
Có lẽ trong các thành phố của Việt Nam, chỉ xếp sau Hà Nội
(Thăng Long), Huế là địa danh đi vào thi ca nhạc họa nhiều hơn cả. Là kinh đô
cuối cùng trong thời phong kiến, nhắc về Huế bao giờ cũng là một biển trời hoài
niệm...
Huế còn có những địa danh đã trở thành nét đẹp, nét gợi cảm đặc
trưng, là niềm tự hào của người Huế. Đó là sông Hương, núi Ngự, là thôn Vỹ Dạ,
bến Văn Lâu, dốc Nam Giao, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, chùa Thiên Mụ. Huế với
biết bao lăng tẩm đền đài trầm mặc cổ kính muôn đời, khiến cả đất trời cũng như
vương nỗi bùi ngùi thật riêng biệt.
Mưa Huế
Nhiều người nghĩ mưa ở đâu mà chẳng như nhau. Nhưng thực sự không phải thế. Bất
cứ ai đã từng ở Huế vào những ngày mưa, sẽ thấy rằng mưa Huế rất buồn. Không
gian thì vắng vẻ, nhịp sống chậm, cỏ cây lúp xúp, xa xa là những thành quách đền
đài rêu phong như thể được bao phủ bởi màn mưa dai dẳng.
Theo các chuyên gia khí tượng học, trong tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam,
Huế là nơi có lượng mưa cao nhất với 2868mm/lần. Thi sĩ Nguyễn Bính đã phải thốt
lên: "Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày/ Thềm cũ nôn
nao đàn kiến đói/ Giời mờ ngao ngán một loài mây/ Tràng Tiền vắng ngắt người
qua lại/ Đập Đá mênh mang bến nước đầy…".
Điệp khúc “trời mưa ở Huế…” còn trở đi trở lại thêm ba lần nữa trong suốt bài
thơ cộng thêm hai câu tuyệt bút về uống rượu trong mưa: "Sầu nghiêng mái
lá mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay". Mưa Huế sau này còn đi
vào những câu lục bát nổi tiếng của các thi sĩ tên tuổi: "Tôi về xứ Huế
mưa sa/ Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa/ Tôi về xứ Huế chiều mưa/ Em ơi áo trắng
bây giờ ở đâu" (Gửi Huế - Nguyễn Duy), "Chiều mưa phố Huế một mình/
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi" (Đồng Đức Bốn).
Trong nhạc, ca khúc "Mưa trên phố Huế" của nhạc sĩ Minh Kỳ (cháu đời
thứ 5 của vua Minh Mạng) hơn nửa thể kỷ trôi qua vẫn làm thổn thức bao trái
tim: "Chiều nay mưa trên phố Huế. Biết ai đã quên ai rồi. Hạt mưa rơi vẫn
rơi, rơi đều cho lòng u hoài. Ngày xưa mưa rơi thì sao? Bây chừ nghe mưa lại buồn.
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn".
Một góc cố đô Huế trầm tư cổ kính.
Sông Huế
Viết về Huế, nhà thơ Bùi Giáng chỉ dùng đúng hai câu lục bát, tưởng như có chút
hài hước mà quá đỗi cô đọng thấm thía: "Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn
núi Ngự bên bờ sông Hương". Câu lục bát hay ở chỗ, thứ nhất, nó mô phỏng lời
nói người con gái Huế, từ ngữ điệu, cách xưng hô (“dạ thưa”) cho đến âm hưởng
chung của toàn câu thơ nhẹ mát như cơn gió bởi bốn thanh bằng liên tiếp khép lại
câu bát. Thứ hai, trong câu lục bát có ba địa danh, mỗi địa danh giữ một âm vực
cao độ khác nhau: Huế (thanh sắc - âm vực cao nhất trong 6 thanh), Ngự (thanh
nặng - âm vực thấp nhất trong 6 thanh), Hương (thanh không - chiếm lĩnh âm vực
đoạn giữa so với hai thanh còn lại). Ba địa danh - ba cái tên hiện lên sừng sững
chiếm lĩnh không gian và thời gian, đã hình thành một kết cấu thật đẹp mắt và bỗng
mang được một giá trị biểu tượng về sự trường tồn vĩnh cửu với thời gian.
Sông Hương núi Ngự như một cặp đôi đi liền với nhau, cùng xuất hiện trong vô số
những bài hát nổi tiếng về xứ Huế: "Người ơi! Nếu còn vầng trăng soi dòng
Hương, núi Ngự còn thông reo chiều buông tôi vẫn còn thương" (Thương về miền
Trung - Nhạc và lời: Châu Kỳ).
Có một sự gặp gỡ tương đồng thú vị khi viết về sông Hương trong văn và nhạc, và
cả hai tác phẩm đều nổi tiếng. Đó là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với bài bút
ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông", được đưa vào giảng dạy trong chương
trình SGK 12 hơn mười năm nay và nhạc sĩ Trần Hữu Pháp với ca khúc lừng danh nhất
của ông: "Dòng sông ai đã đặt tên".
Với bài bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là một áng văn giàu chất thơ, tích
hợp trong nó cả những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục, thể hiện
sự tài hoa uyên bác của nhà văn. Dòng Hương được miêu tả trong vẻ đẹp đa dạng,
lúc thì trữ tình êm ả hiền hòa như một “thiếu nữ dịu dàng duyên dáng”, lúc thì
phóng khoáng, man dại, rầm rộ, mãnh liệt như “bản trường ca của rừng già”, có
khi dịu dàng và trí tuệ như “người mẹ phù sa”, lúc lại biến ảo “sớm xanh, trưa
vàng, chiều tím”, hoặc có khi vui tươi, có khi như một mặt hồ yên tĩnh…
Dòng sông trong ca từ của Trần Hữu Pháp cũng là dòng sông chảy theo một chiều
dài lịch sử của dân tộc và số phận mỗi cá nhân. Và điều quan trọng là dòng sông
ấy luôn in sâu trong tâm hồn người Huế, như thể trở thành một phần máu thịt:
"Dòng sông ai đã đặt tên. Để người đi nhớ Huế không quên. Xa con sông mang
theo nỗi nhớ. Người ở lại tháng năm đợi chờ".
Nhiều địa danh khác của Huế cũng đã đi vào văn chương nghệ thuật, mang tính điển
hình rất cao, trong đó phải kể đến thôn Vỹ Dạ: "Sao anh không về chơi thôn
Vỹ?/ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/ Vườn ai mướt qua, xanh như ngọc/ Lá trúc
che ngang mặt chữ điền" (Hàn Mặc Tử), "Vỹ Dạ thôn, Vỹ Dạ thôn/ Biếc
che cần trúc không buồn mà say" (Bích Khê).
Gái Huế
Vẻ đẹp của người con gái Huế với những tà áo dài tha thướt đã đi vào không biết
bao nhiêu lời thơ ý nhạc. Đó có thể là một tà áo tím như trong sáng tác của nhạc
sĩ Hoàng Nguyên: "Một chiều lang thang trên dòng Hương giang. Tôi gặp một
tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím ôi luyến thương. Màu áo
tím ôi vấn vương".
Đó có thể là một màu áo trắng như trong thơ của Thu Bồn: "Áo em trắng hỡi
thuở tìm em không thấy/ Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền/ Nón rất Huế mà đời
không phải thế/ Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng" (Tạm biệt Huế). Vẻ đẹp
tha thướt của tà áo dài cùng sự e ấp mềm mại của những kiều nữ sông Hương cũng
đã được Nguyễn Bính tả trong bài thơ "Tựu trường": "Những nàng
kiều nữ sông Hương/ Da thơm là phấn, môi hường là son/ Tựu trường san sát chân
thon/ Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời/ Gió thu cứ mãi trêu ngươi/ Đôi thân áo
mỏng tơi bời bay lên/ Dịu dàng đôi ngón tay tiên/ Giữ hờ mép áo làm duyên qua
đường".
Dĩ nhiên, bên cạnh những sắc màu tươi tắn rạng rỡ cùng là không ít những số phận
buồn. Có nỗi buồn man mác nhớ nhung: "Có người cung nữ họ Vương/ Lên lầu
nhìn dải sông Hương nhớ nhà" (Thu rơi từng cánh - Nguyễn Bính). Nhưng cũng
có khi là những thân phận bị đắm chìm, xô đẩy, vùi dập: "Em buông mái
chèo/ Trên dòng Hương giang/ Trăng lên trăng đứng trăng tàn/ Đời em ôm chiếc
thuyền nan xuôi dòng/ Thuyền em rách nát/ Mà em chưa chồng/ Em đi với chiếc
thuyền không/ Khi mô vô bến rời dòng dâm ô" (Cô gái sông Hương - Tố Hữu).
Vẫn là những thân phận ấy, đi vào thơ Văn Cao, thấy nhiều hơn những đồng điệu sẻ
chia và sau cùng là nỗi quyến luyến không dứt. Ông trìu mến gọi người kỹ nữ
trên sông Hương là phấn nữ: "Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời
điểm một sao rơi… Em cạn lời thôi anh dứt nhạc/ Biệt ly đôi phách ngó đàn
tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh" (Một
đêm đàn lạnh trên sông Huế).
Những ai đã từng yêu một người con gái Huế thì mới thấm thía cái phút biệt ly
trên đất cố đô, thấy đau đáu cồn cào trong lòng một ánh mắt buồn thương xa vắng
không muốn rời: "Màu mắt Huế buồn rưng rưng. Khiến cho anh suốt đời không
quên. Ôi mắt thơ đẹp ai oán mà phong ba vẫn luôn đón chờ. Tàn mùa Đông trên bến
sông. Đôi mắt buồn tiễn biệt anh đi. Chiều mây tím giăng mắt sầu. Xa dưới mưa
tiếng vọng đò đưa" (Mắt Huế xưa - Nhạc và lời: Quốc Dũng- Đinh Trầm Ca).
Nỗi nhớ nhung người con gái Huế sẽ còn theo mãi tâm hồn người nghệ sĩ, một ngày
chia tay, một lần quay lại kiếm tìm nhau mà chẳng còn bao giờ thấy được: "Sông
Hương nước chảy thuyền trôi lững lờ. Em trao nón đợi và em hẹn hò…
Trở lại Huế yêu lần theo ân tình câu hát. Tìm người con gái áo tím mộng
mơ. Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ. Không nguôi kỷ niệm vòng tay học trò…"
(Huế Thương - Nhạc và lời: An Thuyên). Và nỗi nhớ nhung ấy có thể lặn sâu trong
lòng thành một lặng câm vô vọng, nhưng nỗi vô vọng ấy lại được giữ gìn mãi mãi
như một báu vật thiêng liêng: "Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt/ Hải Vân
ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya/ Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ Anh
trở về hóa đá phía bên kia" (Thu Bồn).
Cố đô Huế, từ cảnh đến người, từ người đến cảnh, mang những vẻ đẹp thật đặc
trưng không nơi nào có. Như lời bài hát của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ thơ Đỗ
Thị Thanh Bình (Huế tình yêu của tôi), đó là vẻ “dịu dàng pha lẫn trầm tư”,
“sâu lắng”, là “sẻ chia đắng cay gian khổ” mà vẫn “đi lên kiên cường”.
Huế cũng là nỗi buồn man mác đã thấm vào từng giọt nước sông Hương mà người thi
sĩ đôi khi muốn được hòa tan mình trong đó bởi tình yêu thiết tha quê hương xứ
sở: "Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền, không bạc vẫn cười vang/ Dừng
lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương giang" (Giọt
nước Hương giang - Phương Xích Lô).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét