Tiếng chim kêu sáng cả rừng thơ
70 năm trước, sau khi ông công bố trường ca “Từ đêm Mười chín”, nhà thơ Tế Hanh đã không ngần ngại ngợi ca đây là “một trong những trường ca xuất sắc nhất của thơ ca Việt Nam kháng chiến chống Pháp”.
Nhà thơ, dịch giả Khương Hữu Dụng và một tuyển tập của ông
Xuất sắc hơn, câu thơ “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” trong
trường ca về sau nổi tiếng là một câu thơ hay, không chỉ Tế Hanh mà cả Xuân Diệu
cũng “tấm tắc ngợi khen tài”.
Ông là nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907 - 2005), người đi xuyên
qua hai thế kỷ bằng một tâm hồn thơ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo tại
phố cổ Hội An. Mẹ mất khi ông mới lên 3 tuổi, ông lớn lên trong tình thương của
bà nội và cha, người hay ngâm thơ Đường và kể chuyện tiểu thuyết cổ Trung Hoa
cho ông nghe. Như lời nhà thơ “tự bạch”, lòng yêu thơ của ông bắt nguồn từ đó.
Khi nhà thơ cân... chữ
Lúc bé, Khương Hữu Dụng học sơ đẳng tiểu học ở quê nhà Hội
An. Năm 1922, ông ra Huế theo học Trường Quốc học. Năm 1926, bị đánh hỏng kỳ
thi tốt nghiệp ban Thành chung tại đây vì sổ đen của sở mật thám ghi ông có
quan hệ mật thiết với cụ Phan Bội Châu, ông quay về làm nghề dạy học.
Trong 8 lần bị chính quyền thực dân thuyên chuyển nhiệm sở,
ông đã từng dạy ở Trường tiểu học Bảo An (nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện
Bàn, tỉnh Quảng Nam) cùng với các ông Lê Trí Viễn, Hoàng Mộng Hạc, Phan Niêm,
Phan Thức... Sau lần cuối cùng bị cách chức ở Kon Tum “vì lòng trung thành đáng
nghi ngờ và những hoạt động chính trị đáng khiển trách”, ông tham gia Tổng khởi
nghĩa tháng 8-1945 ở Đà Lạt, rồi tham gia Ban chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên
khu 5.
Sau ngày tập kết ra Bắc, ông được giới văn nghệ sĩ biết đến với
tư cách là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Một thời gian dài, thơ ông xuất hiện thường xuyên trên báo Tiếng
Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng với một phong cách rất riêng qua thể thơ cổ phong
(chủ yếu là thơ Đường luật) hòa quyện với thể thơ mới. Phải chăng được sinh ra ở
phố cổ Hội An mà thơ ông phảng phất ít nhiều màu triết học phương Đông như thế?
Lúc nhìn lại hơn 70 năm cầm bút, ông thảng thốt trong một lần
tâm sự cùng bạn thơ: “Tôi làm thơ cả đời. Mà tự mình chưa biết làm thơ là thế
nào. Chỉ mấy dòng mở đầu ‘Lời bạt’ viết cho tập Thơ Đường của tôi, tôi đọc đi đọc
lại mãi mà cũng chưa nhập tâm được: ‘Sao cho thơ bốc thần và tóe nhạc’ thì mới
hoàn chỉnh được”.
Cũng vì “cho thơ bốc thần và tóe nhạc” nên có những
câu thơ mà hơn mười năm sau đọc lại, ông còn mang ra chữa một vài chữ. Như hai
câu thơ “Trì trì chung cổ sơ trường dạ/ Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên” (Tiếng
trống cầm canh chầm chậm của đêm mới bắt đầu dài. Ánh sao lấp lánh trên sông
Ngân lúc trời sắp sáng) trong “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị, mười năm trước
ông dịch “Sông Ngân lấp lóa trời như sáng/ Muốn sáng mà sao chửa sáng trời!”,
mười năm sau ông đổi chữ “chửa” thành chữ “chẳng”.
Cái cách đọc lại thơ rồi chữa vài chữ của Khương Hữu Dụng, có
thể gọi như nhà thơ Thanh Thảo là phép... cân chữ.
Trong bài “Nhà thơ Khương Hữu Dụng cân… chữ” đăng trên Báo Quảng
Ngãi, nhà thơ của miền “núi Ấn sông Trà” này viết rằng Khương Hữu Dụng nổi tiếng
là người “kén chữ”. Ông rất tâm đắc và miệt mài “săn chữ”, những chữ mà theo
ông là “có thần” trong một câu thơ. Ví như chữ “sáng” trong câu thơ “Một tiếng
chim kêu sáng cả rừng” trong trường ca “Từ đêm Mười chín” của ông được rất nhiều
nhà phê bình ca ngợi. Cái chữ “sáng” ấy nó làm sáng bừng cả câu thơ, nó phả vào
đấy thần thái ghê hồn và găm vào trí nhớ người đọc.
Thanh Thảo không dám “cân” tình bạn vong niên giữa mình với
nhà thơ lão thành. Nhưng cái cách “cân” chữ của nhà thơ tiền bối thì nhà thơ hậu
sinh hoàn toàn “tâm phục khẩu phục”. Ở một câu thơ khác, bậc tiền bối viết: “Đêm
dài như giấy trắng”. Đọc câu này, kẻ hậu sinh phải khuyên (đánh dấu vòng tròn
nhỏ cạnh câu văn, cho biết câu văn hay) cả hai chữ “giấy trắng” bởi tài ba của
tác giả đã đạt tới độ Đường thi. Nhà thơ hậu sinh giải thích:
“Đêm dài như cái gì… thì nhiều nhà thơ đã viết rất khác nhau.
Nhưng ‘dài’ như ‘giấy trắng’ thì tôi bảo đảm chỉ có một mình Khương Hữu Dụng viết.
Vì câu thơ này gắn với tâm trạng của một người vợ có chồng đi mặt trận. Chị đã
phải thức bao đêm chờ chồng, trông chồng, nhớ chồng. Ngồi viết thư cho chồng mà
ngồi cả đêm không biết viết cái gì, viết sao cho hết nỗi lòng. Đêm dài như giấy
trắng là như vậy. Mà cũng không hẳn như vậy”.
Cũng có khi người ta vô tình “tặng” cho một lỗi mo-rat mà câu
thơ trở nên “có thần” hơn. Đó là trường hợp nhà thơ Trinh Đường viết tặng
Khương Hữu Dụng một bài thơ nhân dịp ông tròn 85 tuổi. Bài thơ nguyên văn có
câu: Mừng anh mùa thượng thọ/Viết mấy dòng thương nhau.
Khi vào tuyển “Thơ Khương Hữu Dụng”, NXB Đà Nẵng đã in nhầm
chữ “anh” thành chữ “xanh”. Khi mở sách ra đọc đến đoạn này, người được tặng
thơ tâm đắc: “In nhầm mà hay quá. Mừng xanh mùa thượng thọ hay hơn Mừng anh mùa
thượng thọ nhiều lắm”.
Người “cân” chữ gặp người khác vô tình “cân” chữ cho thơ tặng
sinh nhật mình, âu cũng là cái duyên chữ nghĩa.
Tiếng chim kêu vẫn còn ở lại
Từ năm 1927, Khương Hữu Dụng được bổ đi dạy ở Bình Định, sau
đó đổi ra Ba Đồn, Quảng Bình và nhiều nơi khác. Vừa dạy học, ông vừa làm thơ
đăng trên các báo khắp Trung, Nam, Bắc, đặc biệt là báo Tiếng Dân, Phụ nữ Tân
văn (ở Sài Gòn) và Phụ nữ Thời đàm (ở Hà Nội).
Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông làm thơ đăng nhiều trên báo Thế
giới mới... Ông làm thơ yêu nước đăng thường xuyên trên các báo từ năm 1927 đến
1935 với bút danh Thế Nhu (do Phan Bội Châu đặt cho ông) và một số bút danh
khác.
Từ con người Khương Hữu Dụng lúc nào cũng ánh lên một ngọn lửa
nồng đượm của tình yêu thơ ca vô tư, như cảm nhận của nhà thơ Thanh Thảo khi được
chơi với ông.
“Người như thế, bao giờ cũng mở lòng, bao dung, nhân hậu với
mọi người. Vì họ quý sản phẩm, thành quả của người khác như của chính mình. Họ
yêu thơ người khác như yêu thơ mình”, nhà thơ của miền “núi Ấn sông Trà” trải
lòng.
Bà Phan Thị Miều (Phan Thị Mỹ Khanh), con gái học giả Phan
Khôi hiện sống ở Đà Nẵng, kể rằng khi bài thơ Tình già của cha mình
được đăng báo thì bà chỉ mới 6 tuổi. Đến khi vào học Trường tiểu học Bảo An
(nay là Trường tiểu học Phan Thanh, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn), qua một số
thầy ở trường, đặc biệt là thầy Khương Hữu Dụng dạy lớp Tư, bà mới biết đến bài
thơ nổi tiếng của cha mình. Nếu đọc qua chia sẻ của nhà thơ Thanh Thảo trong
bài viết đã dẫn, hẳn bà sẽ không còn thắc mắc vì sao thầy mình đường đường là một
nhà thơ lại đi “PR” bài thơ của cha mình, điều có lẽ hiếm ai làm được.
Ông yêu thơ người khác như yêu thơ mình, không phân biệt là
thơ của tác giả trời Đông hay trời Tây. Ông đã dịch hàng nghìn bài thơ Đường của
các nhà thơ Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, thơ Tống của Lục Du và
nhiều tác giả khác, cùng với thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ninh Tốn,
Hồ Chí Minh... Ông cũng dịch từ tiếng Pháp thơ của Dante và Victor Hugo.
Người Pháp có câu “Traduire c’est trahir”, có nghĩa trong tiếng
Việt “dịch là phản”. Với nhà thơ, dịch giả Khương Hữu Dụng thì khác, ông quan
niệm “dịch là đối thoại” và giải thích trong tham luận tại Hội nghị Dịch thuật
kỷ niệm 800 năm trường ca “Cuộc hành binh Igor” tại Liên Xô năm 1986 như sau:
“Cám dỗ thứ nhất rủ rê ta quá nệ vào ‘nghĩa’. Thơ không phải
có ‘nghĩa’ mà còn có ‘chữ’, mà ‘chữ’ trong câu thơ đều có giấy chứng minh riêng
do nhà thơ cấp. Chính diện mạo riêng cũng như bố cục riêng của chữ tạo thành sức
sống trường kỳ của câu thơ. Chỉ tập trung vào ‘nghĩa’ mà quên ‘chữ’ sẽ cho ta một
bản dịch tưởng là đúng cực kỳ, nhưng mà sai ghê gớm vì người dịch đã vô tình mắc
trọng tội giết chết bài thơ để cung cấp cho ta một cái ‘xác’, giống thì giống
thật, nhưng không có ‘hồn’...”.
Trong “Tự bạch”, ông cho biết quan điểm mới này được bạn bè
quốc tế tán thưởng.
Đối với ông, làm thơ hay dịch thơ là “một phép dưỡng sinh mà
cũng là đóng góp vào kho tàng văn học”. Nhờ “phép dưỡng sinh” mà ông đã chọn
cho mình mình một lẽ sống: đồng hành và dấn thân qua một cuộc cách mạng với hai
cuộc kháng chiến. Còn kho tàng văn học thì lưu giữ tác phẩm ông với sự ghi nhận
những đóng góp của ông đối với nền văn học cách mạng.
Năm 1947-1948, ông viết trường ca “Từ đêm Mười chín”. Tháng
1-1951, Chi hội Văn nghệ Liên khu 5 xuất bản lần đầu tiên. Tập thơ được giải
thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952, được đánh giá là “một thành tựu
đáng chú ý trong bước tiến của cả nền thơ lúc bấy giờ”.
“Từ đêm Mười chín” được xem là trường ca thành công của văn học
cách mạng. Đây là một thiên sử thi, một bản hùng ca ngợi ca tinh thần quật cường,
ý chí anh dũng của những người con quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng trong cuộc
kháng chiến chống Pháp.
Có lúc mang hơi thở của thơ Đường: “Một tiếng chim kêu sáng cả
rừng”, có lúc gần gũi với nét dân ca: “Đêm qua trăng nhạt sao thưa/ Thuyền ai
lướt sóng nhẹ khua mái chèo”.
Ông mất ngày 17 tháng 5 năm 2005 tại Hà Nội, thọ 98 tuổi. Tiễn
đưa ông rời xa cõi tạm, người viết có bài Vĩnh biệt “Một tiếng chim kêu
sáng cả rừng” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số Chủ nhật
22-5-2005 (phát hành ngày thứ Sáu 20-5) với câu kết: “Tiếng chim kêu” giờ đây
không còn nữa. Vĩnh biệt nhà thơ!/ Tiếng chim đang kêu ở một nơi nào đó, sáng rực
cả cõi vĩnh hằng...
Người đi, tiếng chim kêu vẫn còn ở lại, sáng cả rừng thơ...
Các tác phẩm chính: “Từ đêm Mười chín”, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1996. “Những tiếng thân yêu”, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1963. “Quả nhỏ”, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1972. “Bi bô”, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985. “Tuyển tập Khương Hữu Dụng - phần sáng tác”, Nhà xuất bản
Văn học, Hà Nội, 1992. “Tuyển tập Khương Hữu Dụng - phần thơ dịch”, Nhà xuất bản
Văn học, Hà Nội, 2007. “Khương Hữu Dụng - một đời thơ”, Nhà xuất bản Đà Nẵng,
2006. |
1/1/2019
Văn Thành Lê
Theo https://baodanang.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét