Người quê đọc thơ quê
Trang chủ THI ĐÀN MỚI lại bừng sáng rực rỡ trưng bày các tập
thơ của các tác giả Thủy Nguyên. Bìa và màu sắc khá hấp dẫn, tên các tập thơ lại
càng không kém phần thu hút, ấn tượng: “Mạch sơn đào”, ”Trăng miền sóng”,
”Sóng Bạch đằng”, “Ký ức tháng mười” của nhiều tác giả. “Dấu thời gian” của
Nguyễn Dung, “Chiều xanh” của Nguyễn Hẹn, “Nơi gửi ắm yêu thương” của Hoàng
Minh Luyện. Ôi phong phú quá và đây nữa: “Người quê” của nữ thi sĩ Nguyễn Thị
Kiêm, nghe vừa lạ vừa quen thế nào ấy! Tôi cũng là “Người quê” đây! Không biết
người quê của chị ra sao nhỉ…? Và thật may mắn tôi đã có được trong tay tập thơ
của tác giả .
Với hơn sáu mươi bài của nữ nhà thơ không chuyên đã gửi gắm
tâm tình mình vào những vần thơ sâu lắng, chân thực, bâng khuâng. Quê hương chị
cũng như bao miền quê khác của Việt Nam cũng trải qua chiến tranh tàn phá, giặc
giã chia ly, cũng nghèo nàn, lạc hậu vật vã nắng mưa, chật vật, đói cơm rách áo
sau chiến tranh và những năm dài bao cấp:
Những ngày bỏng áo phồng lưng
Những ngày cá cóng bùn sưng chân gày
Bữa ăn quyếnh quáng qua ngày
Chạy qua hạt gạo cõng đầy sắn khoai
Dưa cà đắp đổi hôm mai
Một thời có một không hai một thời…
(xưa và nay)
Những câu thơ hình tượng đã diễn tả khá sắc nét nỗi vất vả
gian truân một thời trên quê hương, nơi nhà thơ đã sinh ra và trưởng thành, một
dấu ấn khó mà quên được, mặc dù hoàn cảnh ngày nay đã khác xưa, đói nghèo không
còn nữa, quá khứ đâu đó đã nhạt mờ nhưng với nhà thơ lại khác. Có lẽ chị đã thấm
sâu câu thơ của Tố Hữu năm nào:
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm…
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Bởi vậy hầu hết các bài thơ của tác giả đều ra đời trong thời
kỳ đổi mới vẫn đau đáu không quên nỗi niềm trăn trở khi xưa:
Nay bưng cơm trắng cháu cười
Rưng rưng bà nhớ khoán mười năm xưa.
(Khoán mười)
Da diết và thương cảm nhất là những vần thơ mà tác giả dành cho hai người Mẹ; Đó là những giọt lệ xót thương khóc Mẹ tự đáy lòng, khiến người đọc cũng không khỏi bùi ngùi xúc động:
Bỗng dưng lặng lẽ ra đi
Mà sao mẹ chẳng nói gì với con
Giữa hôm lúa mẩy căng tròn
Gió heo may trở, cau non ngát vườn
Con giờ đã bớt phận lươn
Càng thương, càng tiếc Mẹ hơn bao giờ.
(Mẹ chồng tôi)
Hay:
Tóc con giờ ngả màu mây
Mới hay nước mắt vơi đầy một phương.
(Mẹ tôi)
Những vần thơ nói về người bạn đời của mình, cũng rất cảm động,
sâu nặng nghĩa tình gắn bó thủy chung, tác giả thầm tự hào kiêu hãnh:
Trời xe hai sợi chập đôi
Em thầm kiêu hãnh trong đời có anh
Thuỷ chung là nghĩa trăm năm
Gừng cay muối mặn cau đằm vị vôi
Dẫu nay tuổi đã cao rồi
Cây tùng toả bóng giữa trời nắng thiêu.
(Thoáng nhìn lại)
Năm tháng qua đi, những cay đắng ngọt bùi thăng trầm, giông
bão, luôn có bên mình người bạn đời hết mực yêu thương, vững vàng chở che chèo
lái, ai mà lại không tin yêu không kiêu hãnh, phải không chị? Hoài niệm là tâm
hồn của tập thơ, tác giả luôn cảm xúc về những kỷ niệm xưa: Một dòng sông một
con đò, một triền đê của quê hương với bao kỷ niệm thời thơ ấu cho đến khi tuổi
đã xế chiều nhìn lại buồn nhiều, vui ít chẳng có được là bao. Bởi vậy nhà thơ
mang trong lòng nỗi niềm da diết thương nhớ bâng khuâng với quá khứ, phảng phất
nỗi buồn man mác trong thơ:
Quá giang con sóng bạc đầu
Mượn câu thơ muộn, tiêu sầu tháng năm.
(Tiêu sầu)
Cũng có thể là một cảm xúc mới hơn, gần hơn? Đất nước ta bước
vào đổi mới, diện mạo đã khác xưa nhiều, nhưng mặt trái của cơ thị trường cũng
không ít ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đến bản sắc tốt đẹp của làng quê
mà nhà thơ đã trăn trở chăng:
Bộn bề về chuyện xã làng tôi
Giải toả đất đai ruộng hết rồi
Tiễn kẻ trúng thầu về quyết toán
Bạc nhiều mẹ nói chẳng ngừng môi
Bố con hý hửng mua xe máy
Ngạo nghễ nhà ta khắc đổi đời
Lạng lách trổ tài xương cốt gãy
Trời ơi! tiền lắm, thế là thôi.
(Được và mất)
Đó là thực trạng chung cũng không ít nhức nhối của nhiều miền
quê, trong đó có quê hương của tác giả, bài: “Mười chê” cũng phản ảnh ý thức
coi thường luật lệ thiếu văn hoá trong giao thông của một số người ngày nay và
còn nhiều điều trông thấy mà đau đớn lòng khác nữa; bất chợt tác giả lại nhớ về
nét đẹp quê xưa:
Người quê áo rách giữ lề
Giản đơn mộc mạc dầm dề xá chi
Bữa ăn đạm bạc qua đi
Ngoài làng, trong họ vẫn vì em anh
Trọng tình trọng nghĩa trọng danh
Thấp cao rành rọt, ngọn ngành nông sâu
Kiếp tằm hứng chịu trăm dâu
Vàng son nhung lụa đẩu đâu tìm về
Người quê nền nã nếp quê
Chẳng màng mối lợi chẳng hề hám vinh
Đã yêu đổ quán siêu đình
Ghét không nhìn mặt, càng khinh lọc lừa.
Những câu thơ mạch lạc khúc triết mang màu sắc thành ngữ dân
gian, tác giả đã khắc họa và khẳng định những đức tính tốt đẹp của người thôn
quê trong cuộc sống qua cách ăn mặc ứng xử, giao tiếp thật rõ ràng rứt khoát. Bản
chất người quê là cần cù chịu khó, mộc mạc giản dị trọng tình, trọng nghĩa, trọng
nhân cách, biết kẻ trên người dưới sống trong sạch, dù nghèo đói khó khăn (Người
quê áo rách giữ lề) những đức tính đó thật quý giá đáng trân trọng và sự yêu
ghét của người quê cũng rất mãnh liệt (Đã yêu đổ quán xiêu đình, ghét không
nhìn mặt, càng khinh lọc lừa), Đình là một quần thể kiến trúc vững chắc cổ xưa,
khi gặp sức mạnh tình yêu của người quê còn bị đẩy siêu đi thì cái quán nhỏ bé
mỏng manh kia, làm sao mà chống đỡ được, làm sao mà chẳng bị cuốn đổ cũng là lẽ
đương nhiên, thật là mạnh mẽ và hết mình. Yêu đã vậy thì khi bị khinh ghét cũng
rất đáng sợ không thèm nhìn mặt thì còn gì để mà nói nữa. Câu thơ giàu hình tượng,
cường điệu hoá mới hay mới ý nghĩa làm sao! Có lẽ đây là cốt lõi của vấn đề, là
tâm tư, là tình cảm, là nỗi niềm của tác giả đã gửi gấm lòng mình vào tập thơ
nên đã đặt tên cho tập thơ là: “Người quê ” chăng? Và chị là người quê chân
chính. Chân quê đã thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ, bởi vậy sự đồng cảm, sự mến phục
thương xót một hồn quê xưa của Nguyễn Bính thật da diết thật xúc động, bâng
khuâng:
Người đi chớp bể mưa nguồn
Câu thơ ướt đẫm cánh chuồn mỏng manh
Hoa xoan rụng tím vườn chanh
Giậu mồng tơi vấn vít quanh bên hè…
(Thăm mộ Nguyễn Bính)
Tập thơ “Người quê” của tác giả viết khá đều tay, mượt mà,
sâu lắng và ấn tượng. Thơ chị là loại thơ “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Những bài thơ
rõ ràng, dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu ngay mang màu sắc quần chúng dân dã như các
bài: Thoáng nhìn lại, Con nhớ, Được và mất, Nỗi niềm, Mẹ tôi v.v… câu
thơ mộc mạc, cụ thể không bóng bẩy. Tuy nhiên một số bài thơ khác tác giả gửi gắm
nỗi niềm riêng tư, tình cảm sâu lắng, ước mơ hoài bão trừu tượng, dành cho những
người yêu thơ thưởng thức, ngẫm nghĩ sâu mới thấy ý hay của bài thơ như
bài: Em thử, Thăm mộ Nguyễn Bính, Cảm xúc cuộc đời, Tôi và thơ, Niềm riêng v.v… Câu thơ của các bài đó thường là bóng gió xa xôi, ẩn ý, lửng lơ giầu trí tưởng
tượng và thoáng chút mơ màng:
Níu chiều buộc sợi dây tình
Để mình được sống thật mình với thơ .
Trăng soi khi tỏ, khi mờ
Mây trời biết đến bao giờ ngừng trôi
Khoá chiều ghim chặt chân trời
Chợt trông thấy sợi mưa rơi vô tình.
(Niềm riêng)
Những câu thơ táo bạo, mơ mộng làm sao, nhưng cuộc đời vẫn là
cuộc đời, ai mà cưỡng lại được quy luật của thời gian. Nhưng cũng chẳng có gì
ngăn cản được suy tư, mơ mộng của mình, xin nhà thơ cứ sống thật mình như thơ
đi, có sao đâu!
“Người quê” tập thơ đầu tay của nhà thơ không chuyên Nguyễn Thị Kiêm tuy chưa thật xuất sắc, nhưng so với tầm cỡ của một huyện thì quả nhiên đây là một ngôi sao sáng! Thơ chị đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng độc giả; mong rằng được đọc nhiều bài thơ hay nữa của chị!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét