Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Mùa thu trong thi ca

 Mùa thu trong thi ca

Mới trung tuần tháng 9, gió đã thổi mạnh hơn. Tiết thu hây hây lạnh khiến lòng người cũng se lại. Lá vàng bắt đầu rụng lác đác trên đường phố và những ánh nắng cũng nhạt dần theo từng ngày qua. Năm nay mùa thu về sớm. Mùa thu tới lặng lẽ, bình thường như chu kỳ sinh trưởng tận diệt của vạn vật đất trời (1), nhưng vẫn làm Chế Lan Viên ngạc nhiên, buột miệng thốt: 

Chao ôi! Thu đã tới rồi sao? 
Thu trước vừa qua mới độ nào! 
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ, 
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao. 

Thời tiết chuyển mùa. Paris đổi sắc. Đi ngang vườn Luxembourg, tưởng chừng như văng vẳng bên tai câu thơ của Cung Trầm Tưởng: Mùa thu Paris 
Trời buốt ra đi 
Hẹn em quán nhỏ 
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly 
Mùa thu đêm mưa 
Phố cũ hè xưa 
Cổng trường lá đổ 
Ngóng em kiên khổ phút, giờ 
Mùa thu âm thầm 
Bên vườn Lục Xâm 
Ngồi quen ghế đá 
Không em buốt giá từ tâm 

Mùa thu gợi nhớ: 

Trời không nắng cũng không mưa 
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung 
Em còn nhớ đến quê không 
Bãi dâu vẫn đợi, con sông vẫn chờ 

(Sáng nay mùa thu - Hồ Dzếnh) 

Mùa thu đưa ta về với kỷ niệm. Những nỗi buồn vu vơ. Những buổi chiều thu lang thang đạp xe dưới tàn cây đường Nguyễn Du. Tiếng gió xào xạc làm lòng ta thổn thức theo dòng thơ của Lưu Trọng Lư: 

Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức? 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ? 
Em không nghe rừng thu, 
Lá thu kêu xào xạc, 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô? 

Mùa thu là mùa của thi ca, là nguồn cảm hứng của bao thi sĩ (Chế Lan Viên, Cung Trầm Tưởng, Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh, Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bính, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Tất Nhiên, Tản Đà, TTKh, Xuân Diệu,...). 

Màu sắc, âm thanh mùa thu là động lực đánh thức tâm hồn con người.

Chú thích: 

(1) Chu kỳ bốn mùa “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, đông tàn” 

Chế Lan Viên

Ông tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị. 

Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành Chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem đây là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ. 

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, ông xuất bản tập thơ đầu tay với tên "Điêu tàn" với bút danh Chế Lan Viên, mà lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn" (2) (tiêu biểu với Hàn Mặc Tử). Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi ñàn Việt Nam. 

Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra ñời tập văn "Vàng Sao", tập thơ triết luận về ñời với màu sắc siêu hình, huyền bí. 

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, sau ra Huế tham gia đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập đảng lao động Việt Nam. 

Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo "Văn học". Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban tuyên huấn Trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo "Văn học" (sau là báo "Văn nghệ"). Từ năm 1963 ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V, VI; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. 

Chế Lan Viên là bố của nữ nhà văn Phan Thị Vàng Anh. 

Tác phẩm: Tập thơ Gửi các anh (1955), Ánh sáng và Phù sa (1960), Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Ðối thoại mới (1973), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984). Truyện ký: Thăm Trung Quốc (1963), Những ngày nổi giận (1967), Giờ của số thành (1967). 

Viết phê bình: Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1970), Bay theo đường dân tộc đang bay (1976), Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân (1980), Nghĩ cạnh dòng thơ (1982). 

Chú thích:

(2) "Trường Thơ Loạn" được sáng lập bởi nhớm thơ Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, còn được gọi là Bàn thành tứ hữu của Bình Định. 

Thu 
Chao ôi! Thu đã tới rồi sao? 
Thu trước vừa qua mới độ nào! 
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ, 
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao. 
Cũng mới độ nào trong gió lộng, 
Nến lau bừng sáng núi lau xanh. 
Bướm vàng nhẹ nhẹ bay ngang bóng 
Những khóm tre cao rũ trước thành. 
Thu đến đây! Chừ, mới nói răng? 
Chừ đây, buồn giận biết sao ngăn? 
Tìm cho những cánh hoa đang rụng, 
Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn! 
Trời ơi! Chán Nản đương vây phủ. 
Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!  

Trời đã lạnh rồi 
Đổi gió mùa thu trời lạnh chăng em? 
Màu xanh khuất mà mây cũng vắng 
Hiu hắt lòng ta như thiếu nắng 
Như căn nhà những tháng không em. 
Roi trên cành chừng đã đi qua 
Chen lá lục quả bàng vàng đã chín 
Cỏ có rễ mềm hơn vì sương bén 
Cúc bên đường nghiêng những giọt sương hoa... 
Mùa thu chừng biết ta xa cách 
Gió nửa đêm từng lúc gọi ta hoài 
Nhắc anh biết miền xa em chẳng ngủ 
Nhớ những ngày chăn mỏng đắp chung đôi. 

Cung Trầm Tưởng

Tên thật Cung Thúc Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài gòn năm 1949. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ.Tốt nghiệp Kỹ sư, Phó Tiến Sĩ Khoa Học. Cựu trung tá không quân VNCH. Tù Cộng Sản 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota, USA. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp. 

Tác phẩm: 
- Tình ca (Cùng Phạm Duy, Nguyễn Cao Uyên) 
- Lục bát Cung Trầm Tưởng (Con Ðuông) 
- Thám hiểm không gian (dịch, Dziên Hồng) 
- Lời viết hai tay (thơ 1999) 

Chiều thơ Cung Trầm Tưởng 

Một buổi giới thiệu hai thi phẩm “Lời viết hai tay” và “Bài ca níu quan tài” của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã được nhóm thân hữu của ông tổ chức tại nhà hàng Hoa Biển 2, Saint Paul, ngày 26 tháng 8 năm 2001, và đã hái gặt được kết quả mỹ mãn. 

Khoảng trên 200 người tham dự đã vào ngồi chật phòng ăn của Hoa Biển 2, khiến vài chục người đến chậm đã phải bỏ về. Tổng cộng lại, theo một giới thông thạo, đây là một buổi ra mắt thơ có số người tham dự cao nhất ở Minnesota, thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ một cháu bé còn nằm nôi đến một lão phụ 75 tuổi. 

Một đặc điểm khác là số các bạn thanh nam nữ đến tham dự là khoảng 60 người, một con số kỷ lục đối với một buổi ra mắt thơ tại Minnesota. Tuyệt đại đa số nhóm trẻ này, tuy đã được giáo dục, đào tạo, tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn không quên cái nguồn gốc Việt tộc của mình, được như thế là nhờ sự dạy bảo của các bậc phụ huynh của họ và sự trân quý lẫn lòng yêu mến của bản thân họ đối với truyền thống và nền văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Họ cảm thấy, như thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã viết trong lời bạt của Bài ca níu quan tài, khi ông đề cập đến động cơ của phong trào làm thơ của người Việt Nam tại hải ngoại, “Làm thơ trong tình huống (lưu vong) này căn bản là để tái lập cho bản thân mình sự toàn vẹn tinh thần đã bị phá vỡ (vì mặc cảm lạ nước lạ cái của thân phận lưu vong), và cũng đồng thời là một phương thức về nguồn tuyệt diệu, vì với việc sử dụng ngôn ngữ thơ Việt Nam, ta có được một con đường về gần nhất với cái tinh hoa của tiếng Việt mà cũng là của hồn Việt Nam”. 

Với cái tên “Chiều thơ Cung Trầm Tưởng và những khúc phổ nhạc thơ ông”, buổi thơ nhạc giao duyên này gồm một chương trình biểu diễn phong phú nhưng cô đọng, phản ánh những mốc điểm quan trọng của hành trình thơ ca Cung Trầm Tưởng, gồm khoảng 15.000 câu thơ trải suốt một chiều dài nửa thế kỷ đầy đảo động của lịch sử Việt Nam hiện đại. 

Khởi đầu, thi sĩ Mạc Ly Hương, người phối hợp chương trình, nói đến sự chuyển biến từ Tình ca đến Bài ca níu quan tài của mạch thơ Cung Trầm Tưởng. Theo ông, đây là một chuyển cung bậc gắn liền với dòng chảy của lịch sử đất nước, ở đó tình yêu lứa đôi, nhuộm sắc dị chủng của những “Mùa thu Paris”, “Chưa bao giờ buồn thế” thuở nào, nay trở thành một thứ tụng ca dâng lên những người vợ - người tình Việt Nam tuyệt vời. 

Tiếp đến, giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm đưa ra những nhận xét tinh tế và độc đáo về hai thi phẩm “Lời viết hai tay” và “Bài ca níu quan tài”, đặc biệt là sự hòa quyện vào nhau của hai dòng ai vãn và nộ khí ca mà ông đã phát hiện ở hai thi phẩm trên. Theo ông, với sự lồng vào cho thơ mình một kích thước phẫn nộ ắt phải có trước một lịch sử đất nước đầy bạo lực và bất công, Cung Trầm Tưởng đã mở ra cho thi ca Việt Nam một chân trời mới rộng hơn, can dự hơn, quyết liệt hơn và tích cực hơn. Những nhận xét uyên bác này của giáo sư Diễm đã được cử tọa nhiệt liệt hoan nghênh. 

Sau phần phát biểu lý thuyết về thơ Cung Trầm Tưởng, chương trình biểu diễn thơ nhạc bắt đầu với bản “Vạn vạn lý”, thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Bùi Kim Cương, được cô Hoàng Kim Chi, người điều khiển dàn nhạc Việt Nhạc, viết hòa âm cho năm bè (nam) và phối khí cho một violin, một piano, một guitar, một saxophone (tenor) và một flute. điệu nhạc được tấu lên trầm bổng, láy luyến, ngân nga, khi chậm khi nhanh, khi âm u huyền mặc, khi sôi bừng ngạo nghễ, phù điêu, hoành tráng, hành ca pha với ballad… Tất cả những chuyển động đa chiều này hòa quyện vào nhau và tỏ ra ứng hợp với cái khí hậu sử thi, bi hùng của nguyên tác thơ, đã được Cung Trầm Tưởng viết ra để vinh tụng những tù hữu đã tuẫn tử trong lao ngục cộng sản. Bản “Vạn vạn lý” đã gây xúc động mạnh cho giới cử tọa, được họ vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng và yêu cầu hát lại một lần nữa, trước khi bế mạc buổi ra mắt thơ Cung Trầm Tưởng. 

Những bản phổ nhạc thơ Cung Trầm Tưởng khác được biểu diễn là những sáng tác nổi tiếng của Phạm Duy, như “Tiễn em” (thơ: “Chưa bao giờ buồn thế”), Mùa thu Paris, Chiều đông (thơ: “Khoác kín”), “Kiếp sau”, “Bên ni bên nớ” (thơ: “Tương phản”), và “Đường vào thiên thu” do Bùi Kim Cương phổ nhạc.

Đình Luân nam tính, tình tứ một cách vững vàng với “Tiễn em”. Phương Uyên sang quý với “Mùa thu Paris”, với sự hỗ âm kín đáo mà hữu hiệu của Nguyên Phố, khiến bài nhạc có thêm chiều sâu. Quỳnh Trâm biết ứng xử với những chuyển động tinh tế, khá kiêu kỳ và giàu ấn tượng của một “Kiếp sau” mà trước đây chỉ có Thái Thanh và Thái Hiền mới dám đụng tới. Triết Bình da diết, đa năng, gần gũi với cái khí hậu lãng mạn, vừa lý tưởng vừa man mác nhục cảm, khi lạnh như tha ma, khi ấm như căn phòng đôi vợ chồng trẻ của bài “Bên ni bên nớ”. Quang Danh (cũng là giọng giới thiệu rất ấm của toàn ban nhạc Việt Nhạc) tê tái, hoang vắng, trầm mặc, hoài cảm với một “Chiều đông” trên một vùng tuyết vắng bóng người yêu. Rồi Kiều Hữu Chiến nam trầm, ngân nga, sung thiệm, vương thoảng opera và nhạc nhà thờ, lung linh trữ tình với “Đường vào thiên thu”. 

Về diễn ngâm, Ái Trinh tha thiết, truyền cảm với “Bóng mẹ chiều thu” và “Đường vào thiên thu”, được hỗ đệm bởi tiếng đàn tranh trong, giòn, linh hoạt của Hồng Châu. Trước khi trình tấu, mỗi bài nhạc đều có một lời mào đầu (chapeau) do anh Nguyễn Trọng Cảnh viết và do Quang Danh đọc, để tóm lược ý nghĩa và hoàn cảnh của bài thơ được phổ nhạc. Và tất cả những cầm thủ như Quỳnh Trâm (violin), Thủy Tú (piano), Lê Phú (saxophone tenor kiêm flute), Hồng Châu (tranh), Châu Dũng (Guitar) được đặt dưới sự phối khiển của đầu đàn Hoàng Kim Chi, ngoài viết hòa âm và phối khí còn thủ guitar. Trong tay cô, nhạc cụ này đã trở thành linh hồn của nhóm Việt Nhạc, quán xuyến, đa hiệu, vừa dây vừa gõ, điều nhịp cho toàn ban, và tạo thêm âm tầng, âm sắc cho bài nhạc. 

Cuối cùng là phần phát biểu của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Sau phần cám ơn cử tọa, ban tổ chức và nhóm Việt Nhạc đã làm cho buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng này được thành công mỹ mãn, ông đề cập đến một mục đích chính của buổi sinh hoạt là vinh danh người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện đại của lịch sử đất nước. Ông nói, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại đã là một chủ đề quan trọng của hai thi phẩm “Lời viết hai tay” và “Bài ca níu quan tài” của ông. Ngoài là một người vợ thủ tiết chờ chồng (bị cộng sản cách ly trong những trại tù hẻo lánh), một người mẹ rất mực chăm thương con cái, tần tảo để chúng có miếng cơm độ nhật, họ còn là một nàng dâu hiếu thảo, như: Đứng thế làm cha nuôi con dại 
Để nhà có nóc lúc chồng xa 
Em đứng thay nam tròn chữ hiếu 
Thờ cha phải đạo, dưỡng mẹ già 

Theo ông, họ còn là “một người tình trọn vẹn tuyệt vời” 

Trải gió dầm mưa chưa hết hạ 
Vai chồng em thử áo ngừa đông 
Cắn chỉ luồn kim may gấp gấp 
Vuông khăn còn ấm lệ đưa chồng 

Và đây là “tác dụng mầu nhiệm của những lá thư (em) gửi cho chồng”: Mỗi chữ thư em gầy nét liễu 
Anh ôm trên núi, ấp trong khe 
Em là lửa ấm đêm đông rét 
Trận gió đem mưa giữa hạn hè 

Ông nói, “tình yêu lứa đôi thuở nào, với Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ/ Mong em chín ñỏ trái sầu, nay khoác một kích thước trữ tình bao la như vũ trụ”: 

(Em) Là nắng thu hanh, mây lững thững 
Thông reo trầm vút đỉnh trời cao 
Em giăng mộc thảo xanh triền núi 
Ly cách lòng anh khỏi lũ trào 

Vẫn với chữ của ông, “Rồi tất cả âm dương kết tụ thành một hạt gạo trắng nõn, biểu tượng của một luyến ái quan tích cực, có khả năng bồi tổn và cứu rỗi thật là kỳ diệu”: 

Biển động thuyền lay em vững lái
Anh thương hạt gạo xẻ làm đôi 
Tình nghĩa em như sau bão thổi 
Bãi yên bể lặng, cát về bồi 

“Bởi vì là đá của tượng, như nàng Tô Thị, em đã đi vào huyền sử ngay lúc sinh thời”: 

Phố ấy Đồng Đăng trùng điệp núi 
Đá mòn thành tượng của tình chung 
Em đứng ôm con, bồng mưa nắng 
Sắt son, dũng cảm đến Kỳ Cùng 

Rồi ông kết thúc với một ước nguyện, “Để được mãi mãi ở với em, anh sẽ làm một hóa thân”: 

Mai sau ngủ gốc cây sồi 
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em 

Bài phát biểu trên của nhà thơ Cung Trầm Tưởng ñược cử toạ nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng nhiều lần. Sau ñó họ yêu cầu ban Việt Nhạc biểu diễn lại các bản “Vạn vạn lý”, “Đường vào thiên thu”, “Tiễn em”, và “Mùa thu Paris”. Về truyền thông đại chúng, có sự tham dự của báo “Ngày Nay”, “Bút Việt”, của “Việt Minnesota Radio” và “Voice of America”. 

Mùa thu Paris 
Mùa thu Paris 
Trời buốt ra đi 
Hẹn em quán nhỏ 
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly 
Mùa thu đêm mưa 
Phố cũ hè xưa 
Cổng trường lá đổ 
Ngóng em kiên khổ phút, giờ 
Mùa thu âm thầm 
Bên vườn Lục Xâm 
Ngồi quen ghế đá 
Không em buốt giá từ tâm 
Mùa thu nơi đâu? 
Người em mắt nâu 
Tóc vàng sợi nhỏ 
Mong em chín đỏ trái sầu 
Mùa thu Paris 
Tràn dâng đôi mi 
Người em gác trọ 
Sang anh, gót nhỏ thầm thì 
Mùa thu không lời 
Son nhạt đôi môi 
Em buồn trở lại 
Hờn quên, hối cải cuộc đời 
Mùa thu! mùa thu 
Mây trời âm u 
Yêu người độ lượng 
Trông em tâm tưởng, giam tù 
Mùa thu!... Trời ơi! Tình thu.  

Suối dòng mộng ảo 
Chim hồng về khu rừng cũ, 
Xuân ấy hai lòng mới yêu. 
Cùng hoa, bướm trắng sang nhiều, 
Nắng thơm những chiều tình tự. 
- Xin em ngồi trên nhung cỏ, 
Nghe suối ca vui nhịp nhàng. 
Anh ru cho hồn em ngủ, 
Bằng điệu ca sang dịu dàng. 
Chim xanh về khu rừng cũ, 
Hè tới, hai lòng còn yêu. 
Cỏ thơm mọc đã cao nhiều, 
Cành mộng bao nhiêu hoa đỏ! 
- Nếu bước chân ngà có mỏi, 
xin em dựa sát lòng anh. 
Ta đi vào tận rừng xanh, 
Vớt cánh rong vàng bên suối. 
Lá đỏ rơi trong rừng cũ, 
Thu về, hai lòng còn yêu. 
Đường tình trải một làn rêu, 
Ngơ ngẩn hồn chiều tư lự. 
- Em có lên sườn núi biếc, 
Nhặt cánh hoa mơ gài đầu. 
Này đôi nai vàng xa nhau, 
Có tiếng gọi sầu thảm thiết. 
Chim buồn xa khu rừng cũ, 
Đồi núi trập trùng cỏ rêu. 
Hai lòng nay đã thôi yêu, 
Có tiếng suối chiều nức nở. 
- Em không nghe mùa thu hết? 
Em không xem nắng thu tàn? 
Trời ơi! Giọt lệ này tan, 
Là lúc linh hồn anh chết! 

Thu ngây 
Về đây tôi gặp lại mùa 
Thu nghìn thu cũ về lùa nắng trong 
Thu về bằng lối rêu phong 
Bánh xe diệu nghệ khép vòng thời niên 
Trời nong chật nỗi thu phiền 
Hồn cây hồng mộc ngợp miền thu Tây 
Tôi về lạc lối thu ngây 
Rừng thu tiếng sóc nghe gầy tim hao 
Ôi thông xanh ôi hồng đào 
Phong rêu mấy thuở hồn nào không đau  

Nghìn thu 
Sáng ra vườn nhỏ 
Nhặt chiếc lá khô 
Để về trải giấy làm thơ 
Nghìn thu cũng chỉ rụng tờ diệp phong… 

Hàn Mặc Tử

1Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạng hiện ñại Viêt Nam, là người khởi xướng ra Trương thơ loạn, Trường thơ điên. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sĩ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm ñó ông 21 tuổi. 

Lên Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người. 

Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong - một căn bệnh nan y thời đó. Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn và mất khi mới 28 tuổi. 

Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông ñã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện. 

Tên của ông được đặt cho ñường phố ở Huế và Phan Thiết. Có ít nhất hai bài hát được sáng tác để nói về cuộc đời ông: Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh và Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy. 

Năm 2004, Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) ñã thực hiện bộ phim Hàn Mặc Tử để kỷ niệm ông. 

Đã đăng thơ: Phụ Nữ tân văn, Sài Gòn, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Người mới. 

Đã xuất bản: Gái quê (1936), Thơ Hàn Mặc Tử (1959) gồm có: Thơ Đường luật, Gái quê, Đau thương, Xuân như ý. 

Buồn Thu 
Ấp úng không ra được nửa lời, 
Tình thu bi thiết lắm thu ơi! 
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt. 
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi... 
Nằm gắng đã không thành mộng được, 
Ngâm tràn cho đỡ lúc buồn thôi. 
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt, 
Cảnh sắp về đông mắt đã vơi.  
Cuối Thu 

Lụa trời ai dệt với ai căng, 
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn, 
Và ai gánh máu đi trên tuyết, 
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang. 
Mây vẽ hằng hà sa số lệ, 
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn. 
Sao không tô điểm nên sương khói, 
Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn. 
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ, 
Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ. 
Cây gì mảnh khảnh run cầm cập, 
Điềm báo thu vàng gầy xác xơ. 
Thu héo nấc thành những tiếng khô. 
Một vì sao lạ mọc phương mô?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?

Tình thu 
Đêm qua ả Chức với chàng Ngưu 
Nhắc chuyện yêu đương ở dưới cầu 
Kể lể một năm tình vắng vẻ 
Sao em buồn bã suốt canh thâu? 
Đêm ấy trăng thu vui vẻ lạ! 
Người ta cười nói đến nhân duyên 
Sao ta không dám nhìn nhau rõ 
Gặp gỡ bên đường cũng thản nhiên? 
Đêm trước ta ngồi dưới bãi trông 
Con trăng mắc cỡ sau cành thông 
Buồn buồn ta muốn về, trăng hỏi: 
Thu đến lòng em có lạnh không? 
Đêm nay ta lại phát điên cuồng 
Quên cả hổ ngươi, cả thẹn thuồng 
Đứng rũ trước thềm nghe ngóng mãi 
Tiếng đàn the thé ở bên song... 
Và được tin ai sắp bỏ đi 
Chẳng thèm trở lại với Tình Si 
Ta lau nước mắt, mắt không ráo 
Ta lẫy tình nương, rủa biệt ly! 
Hồ Dzếnh

Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh. Sinh năm 1916 tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội. 

Những tác phẩm đã xuất bản: 

- Quê ngoại (thơ, gồm những thi bản góp nhặt từ năm 1935 đến 1942, xuất bản năm 1943) 

- Hoa xuân đất Việt (thơ, gồm 15 thi bản) 

- Chân trời cũ (tập Hồi ký, xuất bản năm 1942 và do nhà Hoa Tiên, Sài Gòn tái bản năm 1968) 

- Một truyện tình 15 năm về trước (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh, do nhà Hoa Tiên, Sài Gòn tái bản năm 1968) 

- Hai mối tình hay tiếng kêu trong máu (truyện dài, ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh, do nhà Hợp Lực, Sài Gòn tái bản năm 1968) 

- Dĩ vãng (đoản thiên tiểu thuyết) 

- Những vành khăn trắng (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh) 

- Đường kẽ mãnh (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số 187, 12-12-1943) 

- Nhà nhiều con (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số 206, 11-6-1944) - Và nhiều truyện ngắn đăng rải rác trong các giai phẩm xuất bản vào thời tiền chiến. 

Vào thời tiền chiến, có một tập thơ ra đời: tập Quê ngoại của Hồ Dzếnh. Chừng ấy cái tên người cũng đủ làm người ta lưu tâm. Và nhà Á Châu ấn cục đã ưng ý tác phẩm khi giới thiệu cùng độc giả những lời sau đây: "Lần đầu tiên thi ca Việt Nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của nhà thơ ngoại quốc". 

Sự giới thiệu của nhà Á Châu ấn cục ta ngỡ là lối quảng cáo một ấn phẩm vừa xuất bản, nhưng thực chất của tập Quê ngoại không làm cho ñộc giả thất vọng khi báo Tri Tân viết như sau: "Tên tuổi người Minh-hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn hữu tài". 

Quê ngoại của Hồ Dzếnh ñã thử thách qua sự chấp nhận xuất bản của Á Châu ấn cục và lời phê bình của tuần báo Tri Tân, một tạp chí chuyên bình luận văn học lúc bấy giờ; và ta còn tìm gặp điển hình một độc giả trẻ tuổi ưa thích Hồ Dzếnh tức nhà văn Mai Thảo ngày nay, khi Mai Thảo ghi lại cảm nghĩ mình thuở vừa tiếp xúc tiếng thơ của họ Hồ, những dòng sau đây: "Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở ra của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu, và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính ñầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sống như một lao vào, cái vóc dáng của yêu như một kín trùm dào dạt..." 

Mùa thu năm ngoái 
Trời không nắng cũng không mưa, 
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung. 
Chiều buồn như mối sầu chung, 
Lòng êm nghe thoảng tơ chùng chốn xa. 
Đâu hình tàu chậm quên ga, 
Bâng khuâng, gió nhớ về qua lá đầy. 
Tôi đi lại mãi chốn này 
Sầu yêu nối nhịp với ngày tôi sang. 
Dưới chân mỗi lối thu vàng 
Tình xa xăm lắm, tôi càng muốn yêu 
Sáng nay mùa thu 
Trời không nắng cũng không mưa 
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung 
Em còn nhớ đến quê không 
Bãi dâu vẫn đợi, con sông vẫn chờ. 
Bâng khuâng câu chuyện tình o 
Không mong nên hẹn, không ngờ thành thân. 
Rất xa bỗng hóa rất gần 
Dù chưa gặp mặt một lần, lạ chưa! 
Sáng nay Hà Nội giao mùa 
Hồ thu Tóc liễu. Tháp Rùa lung linh. 
Nước non đầy nghĩa đầy tình 
Đọc thơ em sẽ thấy mình trong thơ. 
Thu 
Suốt trời hôm ấy thê lương quá, 
Tóc liễu bờm xơm, sóng vỗ hồ, 
Mây rối trên trời, cây rối lá, 
Giường cô xuân nữ gối chăn xô... 
Đây là tất cả một mùa thơ, 
Tất cả lều tranh, cả khói mờ, 
Cả gió may đưa, buồn lắng xuống, 
Cả lòng tôi với cả lòng cô. 
Có một nghìn cây rũ rượi buồn, 
Một nghìn sông rét, vạn hoàng hôn, 
Dăm thân thiếu nữ gầy như trúc 
Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn. 
Thu xa bằng gió, bằng mây, 
Không gian thở nhẹ, buồn vây chìm chìm... 
Lòng không ai cấm mà im, 
Không dưng bỗng nhớ, không tìm bỗng mong. 
Nơi tôi còn ít lá lòng, 
Chiều nay rơi nốt vào trong lá rừng. 

Hồ Xuân Hương

Trong nền văn học Việt Nam, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt, không chỉ trong nội dung và nghệ thuật sáng tác mà ngay cả các văn bản sáng tác của nữ sĩ họ Hồ vẫn còn là những vấn đề đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu. Riêng về cuộc đời riêng tư của nhà thơ, cho đến nay vẫn còn là những dấu hỏi, chưa có một công trình nghiên cứu nào đáng tin cậy cả. 

Trong phần mở đầu bài thơ Hồ Xuân Hương - người đó là ai cố nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Trung Thông, nguyên Viện trưởng Viện Văn học vốn người xứ Nghệ, làng Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu đã viết: 

Người ta nói nhiều về 
Hồ Xuân Hương 
Nhưng người đó là ai 
Thật mỉa mai 
Không ai biết rõ 
Như có như không như không như có 
Nàng ở làng Quỳnh 
Nàng lại ở phường Khán Xuân 
Mờ mờ tỏ tỏ... 

Qua đoạn thơ trên, đủ thấy việc nghiên cứu, giới thiệu tiểu sử nữ sĩ họ Hồ quả là một việc phức tạp. Đó phải chăng cũng là một hiện tượng đặc biệt của nữ sĩ? mà giới nghiên cứu văn học nước nhà luôn luôn quan tâm trong nhiều thập kỷ. 

Việc dựng một tiểu sử đầy đủ, chân thực, chính xác về Hồ Xuân Hương vẫn là đề tài nghiên cứu nóng hổi đang chờ phía trước đối với các nhà nghiên cứu. 

Cho đến nay, bằng những tư liệu văn học và qua những nguồn thư tịch (tuy chưa có cơ sở chắc chắn), nhưng các nhà nghiên cứu của nhiều thế hệ đã cố gắng vẽ nên hình dáng cuộc đời của nhà thơ, mặc dù giữa họ còn những dị biệt, nhưng cũng đã có nhiều điểm tương đồng: Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn 胡丕演 (1703-1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc, để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ - Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó. 

Trước khi nữ sĩ chào đời, gia đình thầy đồ Diễn dọn về ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây - Hà Nội bây giờ). Lúc Hồ Xuân Hương đã lớn, gia đình về thôn Tiên Thị, Tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư - Hà Nội). ở tuổi thành niên, nữ sĩ có một ngôi nhà riêng dựng gần hồ Tây, lấy tên là Cổ Nguyệt Đường. Nhiều tài liệu cho biết, Hồ Xuân Hương ở với mẹ, có đi học, sáng dạ, thông minh, nhưng không được học nhiều, thích làm thơ. Bà có một bạn thơ rất đỗi tri âm, tri kỷ là Chiêu Hổ. Nhưng Chiêu Hổ là ai? vẫn còn là một ẩn số? 

Cuộc đời riêng tư của nữ sĩ chịu nhiều đau khổ. Bà lấy chồng muộn, xây dựng gia đình, nhưng chẳng mấy hạnh phúc - Cuộc hôn nhân (làm lẽ) với Tổng Cóc, một tên ác bá, ngu dốt, là một nỗi đau buồn của nhà thơ. Khi làm lẽ ông Phủ Vĩnh Tường cũng chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì hơn! 

Như vậy, qua nghiên cứu khác nhau, cho thấy đã có một sự đồng nhất về quê hương bản quán, nơi sinh, nơi ở và cuộc đời riêng tư của bà - Điểm dị đồng là người cha? 

Còn về năm sinh tháng đẻ, có nhiều tài liệu rất chung chung: "Bà sống vào khoảng cuối Lê, đầu Nguyễn". Đây là một quãng thời gian hết sức co dãn, rất rộng, cốt để dung hòa nhiều giả thiết về thời điểm sống của nhà thơ, trước khi chưa có một tài liệu đủ cơ sở chắc chắn khẳng định thời điểm sống của bà. Trong gia phả của họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi có chép Hồ Xuân Hương ở đời thứ 12, là con của Hồ Phi Diễn, và sinh năm 1772, mất năm 1822. 

Nhưng mới đây người ta đã phát hiện một tài liệu mới nhất Xuân Đường đàm thoại, có nhiều tư liệu để giải thích thời điểm sống của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nếu căn cứ vào những chi tiết trong Xuân Đường đàm thoại thì Hồ Xuân Hương sinh ra vào đầu triều Nguyễn. Nếu đó là hiện thực, buộc chúng ta phải xếp nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào "Chiếu văn học" của triều Nguyễn chứ không phải là triều Tây Sơn, lại càng không phải thời "cuối Lê". Việc sắp xếp này có một ảnh hưởng lớn đến văn học sử Việt Nam, cũng như những nhận định, bình giá thơ văn của nữ sĩ. 

Và nếu như Xuân Đường đàm thoại là đúng, thì Hồ Xuân Hương cũng không thể qua đời trước 1842 một thời gian rất lâu, như ta đã biết qua Thương sơn thi tập của Nguyễn Phúc Miên Thẩm - tức Tùng Thiên vương - bởi năm 1842 Tùng Thiên vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc Hà tiếp sứ thần nhà Thanh, ông có tới vãng cảnh hồ Tây và đã viết một loạt 14 bài thơ, trong đó có bài tỏ lòng thương cảm nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã quá cố: "... Chớ có dẫm lên mộ Xuân Hương nhé. Vì ở dưới suối vàng, nàng còn đang ôm mối hận rút nhầm" 

Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió. 

Cảnh Thu 
Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa, 
Bút thần khôn vẽ cảnh tiếu sơ, 
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán, 
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ. 
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu, 
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ 
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ, 
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ. 

Có sách gán bài này cho Bà huyện Thanh Quan. Ở văn bản Landes 1893, bài thơ này không có đầu đề. Câu thứ hai là 'Đố ai vẽ được cảnh tiêu sơ' và có lời dẫn: "Ngày xưa Xuân Hương đi chơi gặp mưa, vào chơi thăm làng Văn Giáp, thấy có một chùa xưa, Xuân Hương vào chùa lạy Phật, rồi đi xem ngoài chùa. Thấy bên chùa có cây đa. Ngửng lên xem thì cao ngút không biết tới đâu, cho nên làm bài thơ này (cây đa này đến nay còn)" 

Ở bản Đông châu 1917, có lời dẫn: "Một ngày kia đang mùa quý thu, giời lún phún dăm ba hạt mưa, hơi ngăm ngăm rét, quan phủ nhân vô sự, mới sai bày cuộc rượu, cho gọi cô hai ra cùng ngồi uống rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu. Đương khi chén quỳnh đầu vơi, chiều thu hiu hắt, quan phủ liền bảo Xuân Hương vịnh bài tức cảnh. Thơ rằng..." 

Bài thơ này hiện nay vẫn chưa rõ là của Bà huyện Thanh Quan hay là của Hồ Xuân Hương. 

Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ ký (i) 
Lá ngọc chiều thu giận hẳn du 
Tuần trăng sẽ nhớ bữa đêm thu. 
Bên am Nhất Trụ trông còn đấy, 
Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu (ii) 
Son phấn trộm mừng duyên để lại, 
Bèo mây thêm tủi phận về sau. 
Trăm năm biết có duyên thừa nữa, 
Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu. 

(i) Đêm thu, nhớ Mai Sơn Phủ, gởi bài này. 
(ii) Nguyên chú: "Đã giải kết đưa tình" Giải kết, theo Đào Duy Anh, là: "Cởi mối tình kết buộc với nhau" Còn giải kết đưa tình là gì? Chưa rõ lắm.

Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Dương Sơn, Hà Tĩnh, mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội. Trước khi mất ông sống tại Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. 

Trước cách mạng tháng Tám, Huy Cận đi học (Tú tài, Cao đẳng Nông Lâm...) và hoạt động Văn học. Từ đầu năm 1942, vừa học Nông Lâm vừa tham gia hoạt động bí mật và làm thơ, viết văn. Cuối tháng 7 năm 1945, tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào và được bầu vào ủy ban dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa) và vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Là Bộ trưởng Canh nông và Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời. Từ ngày 5 tháng 11 năm 1946 là Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Trong kháng chiến chống Pháp là Thứ trưởng Bộ Canh nông (12-1946 ñến 7-1947) rồi Thứ trưởng Bộ Kinh tế (1947-1949). Từ 1949 ñến 1955: Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội ñồng Chính phủ. Từ 1955 ñến 1984: Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Từ tháng 9 năm 1984: Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tháng 6 năm 2001, Huy Cận được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế Giới. 

Về đời tư, Huy Cận có hai người vợ. Người vợ đầu của ông là bà Hồ Xuân Như, em gái của nhà thơ Xuân Diệu. Ông là bạn “nối khố” của nhà thơ Xuân Diệu, cặp thi sĩ này hầu như luôn đồng hành với nhau suốt những chặng đường thơ, kể từ thời kỳ Thơ Mới. 

Tác phẩm: 

Thơ: Lửa thiêng (1940), Vũ trụ ca (1942), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ của đời (1963), Hai bàn tay em (1967), Phù Đổng Thiên Vương (1968), Những năm 60 (1968), Cô gái Mèo (1972), Thiếu niên anh hùng họp mặt (1973), Chiến trường gần chiến trường xa (1973), Những người mẹ, những người vợ (1974), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Sơn Tinh, Thủy Tinh (1976), Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984), Tuyển tập Huy Cận tập I (1986), Chim làm ra gió (1991), Tào Phùng (1993), Thơ tình Huy Cận (1994), Marées de la Mer orientale (Paris 1994), Tuyển tập Huy Cận II (1995), Thiên việt lương việt lãng (Bắc Kinh, 1959), Messages stellaires et terrestres (Canada, 1996), Thơ Huy Cận (1996). 

Văn: Tâm sự gái già (1940), Kinh cầu tự (1942), Suy nghĩ về nghệ thuật (1980-1982), Culture et politique république socialiste du Việt Nam (Paris 1985), Một cuộc cách mạng trong thi ca (chủ biên cùng Hà Minh ðức, 1993), Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (1994), Các vùng văn hóa Việt Nam (chủ biên cùng Đinh Gia Khán, 1995), Culture Vietnamienne traditionnelle et contemporaine (1997). 

Thu rừng 
Bỗng dưng buồn bã không gian, 
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u. 
Nai cao gót lẫn trong mù 
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về. 
Sắc trời trôi nhạt dưới khe; 
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng. 
Sầu thu lên vút, song song 
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu. 
Non xanh ngây cả buồn chiều 
- Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia. 

Lưu Trọng Lư

Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1912 - 10 tháng 8 năm 1991) là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch. 

Lưu Trọng Lư quê làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Ông học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế thì ra Hà Nội làm văn, làm báo để kiếm sống. Ông là một trong những nhà thơ khởi xướng Phong trào Thơ mới và rất tích cực diễn thuyết bênh vực "Thơ mới" ñả kích các nhà thơ "cũ". Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau năm 1954, ông tiếp tục hoạt động văn học, nghệ thuật: hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, đã từng làm Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông mất tại Hà Nội. Con trai thứ chín của ông, Lưu Trọng Ninh cũng là một đạo diễn phim có tiếng của Việt Nam. 

Tác phẩm: 
- Tiếng Thu (thơ, 1939) 
- Tỏa Sáng Ðôi Bờ (thơ 1959) 
- Người Con Gái Sông Gianh (thơ,1966) 
- Từ Ðất Này (thơ,1971) 
- Hồng Gấm Và Tuổi Hai Mươi (kịch thơ, 1973) 
- Ngoài Sơn Nhân (truyện ngắn) 
- Khói Lam Chiều (truyện) 
- Chiếc Cáng Xanh (tự truyện, 1941) 
- Nửa Ðêm Sực Tỉnh. 

Khi thu rụng lá 
Em có bao giờ nói với anh, 
Những câu tình tứ, thuở ngày xanh, 
Khi thu rụng lá, bên hè vắng, 
Tiếng sáo ngân nga, vẳng trước mành. 
Em có bao giờ nghĩ tới anh, 
Khi tay vịn rủ lá trên cành? 
Cười chim, cợt gió, nào đâu biết: 
Chua chát lòng anh biết mấy tình? 
Lòng anh như nước hồ thu lạnh, 
Quạnh quẽ đêm soi bóng nguyệt tà... 
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại, 
Hững hờ em mặc tháng ngày qua... 
Mùa đông đến đón ở bên sông, 
Vội vã cô em đi lấy chồng, 
Em có nhớ chăng ngày hạ thắm: 
Tình anh lưu luyến một bên lòng? 
Thu Hạ Long 
Đôi hài nhè nhẹ bước ra 
Màn đêm cuốn lại, mặt hoa rạng dần 
Mừng sương tan, khướu hót gần 
Rừng xa thông vút điệu đàn hòa âm 
Hút nhìn: Mặt nước lặng tăm 
Cánh buồm soi bóng, lướt thầm trên gương 
Em vừa khoác nhiễu lam sương 
Đã vân tím nhạt, chuyển sang lụa đào 
Buồm bay hay cánh hải âu? 
Nắng vàng thu hay nắng đầu xuân tươi? 
Biển, trời: Hai gái sinh đôi 
Thuyền trôi hay chính núi trôi bập bềnh? 
Cảnh sao thật, nét sao tranh? 
Nét oai dáng hổ, nét thanh vẻ Kiều 
Mỗi thoáng nhìn, một nét yêu 
Một ngày xáo động biết bao tâm tình 
Cảnh ơi! Sao đó với mình 
Như chung chiếc võng một cành đung đưa 
Tiếng còi vừa động "từng" xa 
Mây ùn lại cơn dông qua ào ào 
Lòng gương sóng dậy xôn xao 
Bão chưa tan đã ánh sao đỉnh trời 

Tiếng thu 
Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức? 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ? 
Em không nghe rừng thu, 
Lá thu kêu xào xạc, 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô? 

Nguyễn Bính

Tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi. 

Nguyễn Bính được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm Hồn Tôi. 

Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty văn hóa thông tin Nam Hà. Năm 1958, Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm Hoa. 

Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 tại Hà Nội. 

Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Mây tần (1942), Người Con gái ở lầu hoa (1942), Tình nghĩa đôi ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng giai nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)... 

Thơ Nguyễn Bính "chân quê": giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo Sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: "Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu..." 

Cây bàng cuối thu 
Thu đi trên những cành bàng 
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi 
Hôm qua đã rụng một rồi 
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn 
Hôm nay lá thấy tôi buồn 
Lìa cành theo gió lá luồn qua song 
Hai tay ôm lá vào lòng 
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây! 
Quạnh hiu như tấm thân này 
Lại âm thầm sống những ngày gió mưa 
Quán lạnh 
Mùa thu đến chậm như chưa đến, 
Lá vội rơi theo gió vội vàng, 
Sương đã dâng lên, chiều lắng xuống, 
Bến đò đã tắt chuyến sang ngang. 
Đem theo cát bụi đường xa lại, 
Tráng sĩ dừng chân khẽ thở dài. 
Hơi lạnh đầm đìa trong quán lạnh, 
Người ta đóng giở chiếc quan tài. 
Chậm chạp trăng liềm nhô khỏi mông, 
Ánh ngà vắt sữa xuống ngàn sương. 
Đêm nay tráng sĩ không nơi trọ, 
Nằm tạm qua đêm quán dọc đường. 
Thu lá vàng 
Ngồi trên bến gió chờ nàng 
Lá đưa thuyền lá vàng sang bến nào? 
Bờ sông thấp, nước sông cao 
Lá thuyền này đã trôi vào bến anh 
Vớt lên, thả xuống sao đành 
Anh gửi cho mình giữ lấy mình ơi! 
Nàng đẩy một chiếc lá rơi 
Không, không, không phải, giấy trời thư anh. 
Thu rơi từng cánh 
Mùa thu hoa cúc lại tàn, 
Thuyền ai buộc mãi bên làn cây cong. 
Người về để lạnh phòng không, 
Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương. 
Có người cung nữ họ Vương, 
Lên lầu nhìn dải sông Hương nhớ nhà. 

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 mất năm 1585, tên húy là Văn Ðạt, tự là Hanh Phủ, đạo hiệu Bạch Vân cư sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Cha ông là Văn Ðịnh (Cù Xuyên tiên sinh), mẹ là con gái quan thượng thư Nhữ Văn Lan. 

Lúc nhỏ, ông theo học bảng nhãn Lương Ðắc Bằng, nổi tiếng thông minh khác thường, được thầy yêu mến. Học giỏi nhưng lúc còn trẻ, ông không chịu ra thi làm quan, thích sống đời ẩn dật. Mãi đến năm 45 tuổi, ông đột ngột ra thi và đỗ ngay Trạng nguyên khoa Ất Mùi, niên hiệu Ðại Chính thứ 6 (1535) đời Mạc Ðăng Doanh. 

Ở triều được 8 năm, ông lại xin về ở ẩn nhưng vẫn theo giúp nhà Mạc khi có yêu cầu. Về Trung Am, ông cho xây dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân bên dòng sông Tuyết để dạy học trò nên người đời sau còn gọi ông là Tuyết giang phu tử. Học trò ông có nhiều người lỗi lạc như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan,.. 

Khi mất, ông được nhà Mạc truy phong Lại bộ thượng thư Trình quốc công, cho xây dựng miếu thờ. 

Tác phẩm: 

- Chữ Hán: Bạch Vân am tập, một bài tựa, Trung Tân bi quán ký, Thạch Khánh ký. 

- Chữ Nôm: Bạch Vân quốc ngữ thi (khoảng 170 bài thơ). 

Mùa thu đi chơi thuyền 
Nước xuôi nước ngược, sóng dâng triều 
Thuyền khách chơi thu, nọ phải dìu 
Chèo vượt bóng trăng, nhân lúc hứng 
Buồm giong ngọn gió mặc cơn siêu 
Phơ phơ đầu bạc ông câu cá 
Leo lẻo dòng xanh con mắt mèo 
Le vịt cùng ta như có ý 
Ðến đâu thời cũng thấy đi theo.

Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại. Ông quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: 

Đã mang tiếng ở trong trời đất 
Phải có danh gì với núi sông. 

Năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca. Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú v.v… Năm Tự Đức thứ nhất 1847 ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông đúng là một vị quan văn - võ song toàn đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước. Quân sự 

Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều đại Gia Long và Minh Mạng nên đã xảy ra liên tiếp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó: 1825 dẹp Khởi nghĩa Lê Văn Lương, 1827 dẹp Khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp Khởi nghĩa Nùng Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc. 

Kinh tế 

Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông. 

Thơ ca 
Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó. 
Thế thái nhân tình gớm chết thay 
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy 
Hay: 
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược 
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi 
Hoặc: 
Ra trường danh lợi vinh liền nhục 
Vào cuộc trần ai khóc trước cười. 
Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn: 
Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào 
Đã sa xuống thấp lại lên cao. 
Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế. 
Trời đất cho ta một cái tài 
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi. 
Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng bò. Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi: 
Năm mươi năm trước, anh hai ba 

Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách: 

Kiếp sau xin chớ làm người 
Làm cây thông (3) đứng giữa trời mà reo 
Giữa trời vách đá cheo leo 
Ai mà chịu rét thì trèo với thông 
Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi. 
Chú thích:
(3) Cây thông trong cách hiểu Nho - Khổng giáo là người quân tử.  
Vịnh mùa thu 
Trời thu phảng phất gió chiều, 
Mây về Ngàn Hống buồm treo ráng vàng. 
Sang thu tiết hơi may hiu hắt, 
Cụm sen già lã chã phai hương. 
Sương giày giậu trúc đóa hoa vàng, 
Son nhuộm non đào cành lá đỏ. 
Lãnh vũ như ti trùng chức dạ, 
Tình thiên tác chỉ nhạn thư không. 
Phúc đâu đâu một trận hảo phong, 
Trên cung Quảng xa đưa hương quế. 
Giời biếc biếc, nước xanh xanh một vẻ, 
Khéo hóa công khéo vẽ nên đồ. 
Một năm được mấy mùa thu.

Nguyễn Khuyến

Nhà thơ Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông là làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ. Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi là cụ Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạt. Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864-1865) là bạn học ở trường cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên phẫn chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây. Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên. Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được. Lúc này Nam kỳ rơi vào tay Pháp. Năm 1882, Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, chúng tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã. Có thể nói, sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Từ đó dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế tắc của nhà thơ. Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ và nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng. Quế sơn thi tập khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng Chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài tác giả viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, hoặc ngược lại, ông viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả hai loại đều khó xác định vì nó rất điêu luyện. Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công. 

Thu ẩm 
Năm gian nhà cỏ thấp le te, 
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe. 
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, 
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. 
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt? 
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. 
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy. 
Độ năm ba chén đã say nhè.
Thu điếu 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. 
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, 
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. 
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, 
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. 
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được, 
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Thu vịnh 
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, 
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. 
Nước biếc trông như tầng khói phủ, 
Song thưa để mặc bóng trăng vào. 
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, 
Một tiếng trên không ngỗng nước nào? 
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, 
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. (i)
Chú thích: 
(i) Ông Đào: Đào Tiềm.  
Thơ chữ Hán: 
秋夜有感 山河寥落四無聲, 
獨坐書堂看月明。 
何處秋風吹一葉, 
引來無限故園情。 
Thu dạ hữu cảm 
Sơn hà liêu lạc tứ vô thanh, 
Độc toạ thư Đường khán nguyệt minh. 
Hà xứ thu phong xuy nhất diệp, 
Dẫn lai vô hạn cố viên tình.
Mối cảm đêm thu
Bốn mặt non sông vắng lặng tờ, 
Phòng văn tựa ghế ngắm gương nga. 
Lá thu một chiếc bay trong gió, 
Khêu gợi bao nhiêu nỗi nhớ nhà. 
Hoàng Tạo dịch

Nguyễn Tất Nhiên

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sang sống tại Hoa Kỳ và tiếp tục làm thơ. Ông mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại California. Lúc còn trẻ ông còn có biệt danh là Hải Khùng. 

Theo lời nhà thơ Thái Thụy Vy (người cùng quê với ông) "Hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên; anh nhỏ hơn tôi đúng một con giáp, tuổi Thìn; anh thường làm thơ in ronéo đi phát không cho nữ sinh, họ đều quăng vào thùng rác, đến lúc Vĩnh Phúc và Nguyễn Xuân Hoàng dạy trường Ngô Quyền gửi đăng ở tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, được Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang phổ các bản Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, Trúc đào, Vì tôi là linh mục, Em hiền như ma soeur, Kìa cô em Bắc kỳ nho nhỏ, Hai năm tình lận đận thì nữ sinh ùn ùn kiếm mua thơ anh; Nguyễn Tất Nhiên sau lấy Minh Thủy, xóm Cây Me, chú út tôi là Kiến trúc sư Đỗ Hữu Nam lấy chị thứ ba là Minh Vân... 

Lúc Nguyễn Tất Nhiên quyên sinh trước cửa chùa Việt Nam, California, anh chưa được trông thấy tác phẩm Minh khúc của anh ra đời. Quyển thơ này đang bị tranh chấp giữa Minh Thủy và gia đình Nguyễn Ngọc (cha của Nguyễn Tất Nhiên) chưa ngã ngũ". 

Tác phẩm: 
- Nàng thơ trong mắt (1966, cùng với Đinh Thiên Phương) 
- Dấu mưa qua đất (1968, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình) 
- Thiên tai (thơ, 1970) 
- Thơ Nguyễn Tất Nhiên (thơ góp nhặt từ 1969-1980, nhà xuất bản Nam Á - Paris in lần đầu tiên)
- Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam) 
- Chuông mơ (thơ từ năm 1972-1987, nhà xuất bản Văn Nghệ - California) 
- Thiên tai (thơ, tái bản) 
- Cũng cần cho hạnh phúc 
- Tâm dung (thơ) 
- Truyện ngắn Nguyễn Tất Nhiên 
Tàn Thu 
Ôi những hàng cây nhung nhớ nhung 
Có như ta đứng lạnh vô cùng 
Có nghe sương tuyết làm hon héo 
Chút gì màng muộn thuở thanh xuân 
Ôi những hàng cây ngơ ngẩn ngơ 
Có khổ đau nghe lá hững hờ 
Có như ta nửa đời hiu hắt 
Muốn chết, sau đôi bận giã từ? 
Ôi những hàng cây im đứng im 
Ngùi tưởng bao nhiêu lá phụ tình 
Có như ta đứng - tàn mơ mộng 
Máu vẫn loang từ vết nhân duyên? 
Này những hàng cây đứng trơ xương 
Có đứng như ta đứng nát lòng 
Có như ta đứng chờ không hẹn 
Một người... không biết nhớ ta không?
Trúc Đào 
Trời nào đã tạnh cơn mưa 
Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn 
Nhà người tôi quyết không sang 
Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng 
Quên người - nhất quyết tôi quên 
Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào 
Chiều xưa có ngọn trúc đào 
Mùa thu lá rụng bay vào sân em 
Mùa thu lá rụng êm đềm 
Như cô với cậu cười duyên dại khờ 
Bởi vì hai đứa ngây thơ 
Tình tôi dạo ấy là... ngơ ngẩn nhìn
 Thế rồi trăng sáng lung linh 
Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ 
Sang năm mười bảy không ngờ 
Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa 
Tôi mười bảy tuổi buồn chưa 
Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày 
Chiều nay ngang cổng nhà ai 
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc Đào 
Nhưng mà không hiểu vì sao 
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười. 

Tản Đà

Tản Đà (1888-1939) là một thi sĩ, văn sĩ, kịch tác gia lãng mạn người Việt Nam. Trên văn đàn của văn học Việt Nam trong hơn 3 thập niên đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tạo. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, đi khắp miền đất nước, ông để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Ông được đánh giá là người mở đầu cho thơ mới của văn học Việt Nam, là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại". Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn dịch thơ Đường và được biết đến như một người dịch thơ Đường sang thơ lục bát hay nhất Việt Nam. 
Ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 (tức ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tý), tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây; nay là huyện Ba Vì (một thời thuộc ngoại thành Hà Nội, nay thuộc tỉnh Hà Tây). 
Ông xuất thân trong một gia đình phong kiến quan lại. Thân sinh ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ Cử nhân, làm đến Án sát và từng giữ chức Ngự sử trong kinh. Mẹ là Lưu Thị Hiền, cũng có sách ghi là Đào Nghiêm, vốn là một đào hát, nổi tiếng tài sắc, giỏi văn thơ. 
Do ảnh hưởng gia đình, năm 14 tuổi, ông đã thạo các lối từ chương thi phú. Năm 1907, ông theo anh ra Hà Nội, học trường Quy Thức ở phố Gia Ngư. Năm 1909, đi thi hương ở Nam Định, bị hỏng. Năm 1912, đi thi khoa Nhâm Tý, vẫn hỏng. Trở về Hà Nội, chứng kiến người yêu là cô Đỗ Thị đi lấy chồng, ông chán nản bỏ về Hòa Bình tìm khuây lãng; rồi cùng bạn là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi lên chùa uống rượu, làm thơ và thưởng trăng, sống theo lối "tịch cốc". 
Năm 1915, ông lập gia đình. Năm 1916, người anh từ trần, gia đình trở nên cùng túng, Tản Đà quyết định chuyển hẳn sang nghề cầm bút. Thời gian này ông viết tuồng cho các rạp và được đọc thêm nhiều sách dịch Âu Tây bằng chữ Hán, nhờ đó tư tưởng có nhiều biến chuyển. Năm 1920, đi du lịch ở Huế, Đà Nẵng, trở về viết truyện "Thề non nước". Năm 1921, làm chủ bút tờ Hữu Thanh tạp chí. Được 6 tháng, từ chức, trở về quê. Năm 1922, lại ra Hà Nội lập Tản Đà thư điếm, sau tập hợp với Nghiêm hàm ấn quán thành Tản Đà thư cục. 
Năm 1925, phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ, Tản Đà càng nhập thế tích cực hơn. Ông tổ chức một chuyến du lịch vào Nam, gặp gỡ nhiều nhà chí sĩ và viết bài trên nhiều báo. 
Tháng 2 năm 1928, trở về Bắc, rồi lên định cư vùng Yên Lập (Vĩnh Yên), nhưng bị quan lại địa phương gây khó dễ, phải xuống Hải Phòng, rồi lại lên Hà Nội. Năm 1933, sau khi An Nam tạp chí bị đình bản, ông chuyển sang trợ bút cho Văn học tạp chí ít lâu rồi về quê ở ẩn. 
Cuối năm 1937, chuyển về làng Hà Trì (Hà Đông), tham gia dịch thuật, viết báo. Sau vì bị viên quan Tổng đốc Hà Đông thù ghét, phải chuyển ra Hà Nội, mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng, kiêm cả xem lý số Hà lạc. Ông sống nghèo đói, không đủ ăn và trả tiền nhà, bị chủ nhà tịch thu đồ đạc và đuổi đi, Tản Đà phải cùng gia đình dọn về phố Cầu mới. 

Trong hai năm 1937 và 1938, ông dịch thơ Đường đăng trên báo Ngày nay, trong đó có bài Hoàng Hạc lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu. 
Ông qua đời vì bệnh vào ngày 17 tháng 6 năm 1939. 
Văn: 
- Giấc mộng con I (1917) 
- Giấc mộng con II (1932) 
- Giấc mộng lớn (1932) 
- Thề non nước (1922) 
- Tản Đà văn tập (1932) 
Thơ: 
- Khối tình con I (1916) 
- Khối tình con II (1916) 
- Tản Đà xuân sắc (1918) 
- Khối tình con III (1932) 
Kịch: 
- Tây Thi (1922) 
- Tống biệt (1922) 
Dịch thuật: 
- Liêu Trai chí dị (1934) 
Nghiên cứu: 
- Vương Thúy Kiều chú giải (1938) 
- Một số bài báo... 

Cảm thu, tiễn thu 
Tháng chín năm Canh Thân - 1920 (Trích) 
Từ vào thu đến nay: 
Gió thu hiu hắt, 
Sương thu lạnh, 
Trăng thu bạch, 
Khói thu xây thành. 
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh 
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly. 
Nhạn về én lại bay đi, 
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm. 
Lá sen tàn tạ trong đầm 
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa. 
Sắc đâu nhuộm ố quan hà 

Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương. 
Nào người cố lý tha hương, 
Cảm thu ai có tư lường, hỡi ai!
Gió thu 
Trận gió thu phong rụng lá vàng, 
Lá rơi hàng xóm lá bay sang. 
Vàng bay mấy lá năm già nửa, 
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng. 
Trận gió thu phong rụng lá hồng, 
Lá bay tường bắc lá sang đông. 
Hồng bay mấy lá năm hồ hết 
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không. 
Thu khuê hành 
(Thu khuê oán làm theo điệu hành) 
Gió thu lạnh lẽo mây trời quang 
Sân thu đêm khuya rơi lá vàng, 
Trăng tà chim lặng, nhạn kêu sương 
Gối chiếc chăn đơn thiếp nhớ chàng. 
Chàng đi xa cách nhớ quê hương 
Quê hương đất khách người một phương 
Mong chàng chẳng thấy lòng ngùi thương. 
Buồng không canh vắng bóng in tường 
Chỉ chỉ tơ tơ rối vẩn vương 
Nước mắt đầm đìa trôi quanh giường. 
Tháng cũ đã qua tháng mới sang 
Tháng sau tuần nữa những tư lường 
Ngày tháng đi chóng năm canh trường 
Lác đác sao tàn, lấp lánh gương. 
Trên trời Chức Nữ cùng Ngưu Lang 
Một dải sông Ngân lệ mấy hàng.

T. T. Kh

T. T. Kh. là tên tắt của một nữ sĩ xuất hiện trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy xuất bản tại Hà Nội vào khoảng tháng 9 năm 1937, sau bài Hoa ti-gôn chuyện ngắn của ký giả Thanh Châu. 
Nữ sĩ gởi đến cho nhà báo trên một bài thơ nhan đề là Bài thơ thứ nhất, kế một bài nữa là bài Hai sắc hoa tigôn. Cả hai, đều ký bút hiệu là T. T. Kh. 
Lời thơ rất nhẹ nhàng, rất lâm ly cảm động, khiến có người đã không ngần ngại phê bình cho là những thi phẩm kiệt tác. Và cũng vì T. T. Kh. là ai, không có nhà thơ văn nào biết được, nên có người đã tự nhận là người yêu của mình, nhất là tác giả chuyện ngắn Hoa ti gôn. 
Thế rồi, từ đó trở đi, người ta không còn được đọc bài nào của T. T. Kh. Nữ sĩ chỉ có hai bài đã đăng trên báo, nhưng hai bài ấy cũng như tên tác giả, mỗi lần nhắc đến không mấy ai không biết. 
Nhưng thật T. T. Kh. chẳng phải là người yêu của ông nào trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Nữ sĩ chính là Trần Thị Khánh, một nữ sinh nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội, có tâm hồn thơ lắm. Nữ sĩ có yêu một thanh niên, hai người đã cùng đi lại, hứa sẽ thành hôn, nhưng nửa chừng vì sự ép buộc của gia đình, nữ sĩ đành phải hát khúc chia ly, về làm vợ một người khác tên Nghiêm, làm công cho một hãng buôn nọ. 
Nữ sĩ không phải chỉ có hai bài ấy thôi mà còn hai bài nữa là Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng, với một bài của người yêu trả lời chưa hề công bố mà tôi sẽ trích dưới đây. 
Một điều nữa, chúng ta cũng nên biết là sau khi đem hết tâm hồn và nước mắt trút cả vào mấy bài ấy để khóc mối tình ngang trái kia, T. T. Kh. không còn trở lại thi đàn nữa, và nay cũng như người đã thuộc về dĩ vãng. 
Phạm Thanh (Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại - Quyển Thượng, 1932-1941) 
Hồi septembre 1937, Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng một chuyện ngắn của ông Thanh Châu: Hoa ti-gôn. Ít ngày sau tòa báo nhận được một bài thơ nhan đề Bài thơ thứ nhất, rồi lại nhận được bài nữa: Hai sắc hoa ti-gôn. Hai bài đều ký T. T. Kh. và đều một nét chữ run run. Từ đấy tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T. T. Kh. ở đâu. 
Nhưng sau khi hai bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T. T. Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác.
Nói thế đã đành quá lời, nhưng trong hai bài ấy cũng có những câu thơ xứng với vẻ lâm ly của câu chuyện. Cô bé T. T. Kh. yêu. 
Người yêu của cô có nét mặt rầu rầu và có lẽ đã đọc nhiều văn Từ Trẩm Á. Cô kể: những buổi chiều thu, đứng dưới dàn hoa ti-gôn, Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 
Thở dài trong lúc thấy tôi vui; 
Bảo rằng: "Hoa giống như tim vỡ, 
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!" 
Cô bé ngây thơ không tin. Ai ngờ lời nói văn hoa kia bỗng thành sự thực. Chàng đi... 
Ở lại vườn Thanh có một mình, 
Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh, 
Yêu trăng lạnh lẽo rơi trên áo, 
Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành. 
Và một ngày kia tôi phải yêu 
Cả chồng tôi nữa, lúc đi theo 
Những tà áo đỏ sang nhà khác! 
- Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều? 
Ngày ấy buồn nhất trong đời nàng: 
Người xa xăm quá - Tôi buồn lắm 
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường. 
Từ đó mùa thu qua, rồi mùa thu qua, nàng vẫn luôn luôn tưởng nhớ, nhưng tin buồn chàng nào có hay; cho nên nàng tự hỏi: 
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, 
Trời ơi! người ấy có buồn không? 
Một nỗi đau đớn trần truồng, không ẩn sau liễu Chương Đài như nỗi đau đớn của nàng Kiều ngày trước (4).
Cho đến hôm nay, xem chuyện, tình cờ lại thấy cánh hoa xưa. Nàng không sao cầm lòng được: 
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ 
Nhỏ xuống thành thơ, khóc chút duyên! 
Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết "con người vườn Thanh" bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối? 
Hoài Thanh - Hoài Chân (Thi Nhân Việt Nam, 1941)
T.T.Kh là ai? 
T.T.Kh. với những câu thơ xót xa cảm động: 
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời 
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi 
Và từng thu chết, từng thu chết 
Vẫn giấu trong tim một bóng người... 
Vậy T.T.Kh. là ai? Nam hay nữ? Bút danh này chỉ thấy ghi ở ba bài thơ đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy và một bài trên báo Phụ nữ, rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa. 
Ông Hoài Thanh, năm 1941, có soạn cuốn Thi nhân Việt Nam cũng trích dẫn T.T.Kh. với lời ghi chú: "Sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao, đến mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho những bài thơ ấy là những áng thơ kiệt tác...". 
Hôm nay xin công bố với bạn đọc, một thông tin chúng tôi được biết về T.T.Kh. Người kể còn sống, mà T.T.Kh. cách đây bốn năm vẫn còn gặp. Chúng tôi thấy cần phải công bố ngay vì nó có lợi cho việc là văn học sử sau này. 
Chú thích:
(4) Truyện Thúy Kiều: Khi xưa hỏi liễu Chương Đài, Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!
Số là vào dịp hội đền Bà Tấm năm nay (Kỷ Tỵ, 1989), chúng tôi rủ nhau sang Phú Thụy dự hội. Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc thuộc lớp thơ trước Cách mạng tháng Tám, năm nay đã 74 tuổi (tên thật là Phạm Quang Hòa), bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Chính bài Tống biệt hành Thâm Tâm viết tặng Phạm Quang Hòa khi đi hoạt động cách mạng. Nguyễn Bính cũng có bài thơ tặng Phạm Quang Hòa mở đầu bằng hai câu: 
Tôi và anh: Bính và Hòa 
Ở đây xa chị, xa nhà, xa em... 
Và đây kết thúc bằng hai câu: 
Đây là giọt lệ phân ly 
Ngày mai tôi ở, anh đi, bao giờ...? 
Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu, và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót. 
T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy. 
Bài thơ in ra gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết tặng riêng Thâm Tâm bài thơ đan áo. 
Lại càng xôn xao, nhiều người cho là nam giới giả danh, nhiều người nhận là người yêu của mình, trong số này có nhà thơ Nguyễn Bính. Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của T.T.Kh. 
Và thế là T.T.Kh. giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề Bài thơ cuối cùng gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy T.T.Kh. "tắt lịm" trên thi đàn. 
Sau này, Thâm Tâm có viết một bài thơ dài để trả lời T.T.Kh. bài Các anh, (tập thơ mới của Thâm Tâm, nhà xuất bản Văn học 1987, có in bài Các anh nhưng dây chỉ mới trích một phần). 
Lời bàn: Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được mộ vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ. T.T.Kh. viết bốn bài, có bài đã gây được vang hưởng. 
Thơ hay đâu cần nhiều. 
Phê-lích ác-ve (Félix Arvers, 1806-1850) chỉ nhờ bài Tình tuyệt vọng mà tên tuổi được ghi trong văn học sử Pháp. Mới hay trong "lãnh địa" nghệ thuật, số lượng chỉ là cái không đáng kể. T.T.Kh. cần phải được xem xét và đáng giá như một tác giả của dòng thơ lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám. Điều đó không có gì là quá đáng. 
Được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất, nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên vì nghĩ rằng: 
Thời gian đi đã dài, nhà thơ Thâm Tâm đã mất, ông nhà cũng quy tiên. Vả lại, cũng vì công việc của văn sử học, nếu đã tìm ra tác giả của một tác phẩm nổi tiếng thì dù đắn đo đến đâu rồi cũng phải công bố. 
Hoàng Tiến (Nhân dân Chủ nhật số 23 tháng 7-1989) 
Hai sắc hoa Ti-gôn và các bài thơ khác 
Vào khoảng 6/1937, báo "Tiểu thuyết thứ bảy" xuất bản tại Hà Nội đăng truyện ngắn Hoa Ti Gôn của ký giả Thanh Châu. Theo đó câu chuyện kể lại một mối tình giữa một chàng nghệ sĩ và một thiếu nữ. Sau đó không lâu, tòa soạn nhận được của một người thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn, mang đến một bì thơ dán kín gửi cho chủ bút, trong đó chỉ gọn một bài thơ Hai sắc hoa ty-gôn, dưới ký tên T.T.Kh. Khi thiếu phụ đi rồi, tòa soạn xem thơ nhận thấy thi phẩm ghi lại cảnh tình đáng thương tâm, nhưng người ta chỉ nhớ lờ mờ hình ảnh thiếu phụ kia. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ này xuất hiện. 
Câu chuyện "Hoa ti-gôn" đã khơi lại mối tình xưa mà người thiếu phụ (T.T.Kh.) đã từng yêu một người và từng trao lời gắn bó dưới dàn hoa ti-gôn. Rồi chàng ra đi; nàng ở lại và nhận một mối tình gượng ép. Nàng đã làm bài thơ để giải tỏa niềm tâm sự. 
Trong "Hai sắc hoa ti-gôn", tác giả thuật lại câu chuyện tình giữa nàng và chàng nghệ sĩ trót đã yêu nhau, song hoàn cảnh trái ngang, nàng phải gạt nước mắt nên duyên cùng người khác - một ông chồng luống tuổi - để rồi tan nát tâm tư mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời quá khứ. 
Sau bài thơ này, tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy lại nhận được bằng đường bưu cục 3 tác phẩm khác cũng mang tên T.T.Kh. Đó là các bài Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo (riêng đăng ở Phụ nữ thời đàm) và Bài thơ cuối cùng. 
Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa và không hiểu tại sao bài "Hai sắc hoa ti-gôn" lại xuất hiện trước "Bài thơ thứ nhất". 
Từ lúc T.T. Kh góp mặt vào làng thi ca tiền chiến, người ta đã tốn biết bao công phu đi tìm hiểu về T.T.Kh... Không ai biết được tên thật cũng như quê quán của nàng. Có người cho nàng là Trần Thị Khánh, một nữ sinh phố Sinh Từ, Hà Nội. Có kẻ cho cô là người yêu của thi sĩ Thâm Tâm, hay đây chỉ là một nhân vật trong tưởng tượng của ông nhằm lâm ly hóa hay thi vị hóa một mối tình tưởng tượng. Rồi, ký giả Thanh Châu, các thi sĩ Nguyễn Bính và J. Leiba cũng nhận T.T.Kh. là người yêu của mình! Kể từ đó, dù cho các nhà văn tốn không biết bao giấy mực nhưng họ vẫn không biết gì hơn về nàng. 
Về hoa ti-gôn (antigone in French): loại hoa dây đẹp, không thơm, có hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu trắng và hồng; ở miền Nam Việt Nam gọi là hoa nho vì lá giống lá nho. Tác giả mượn ý màu trắng là màu trinh bạch, ngây thơ khi nàng còn nhỏ dại, và hồng là màu mà nàng phải trải qua những sự đau khổ trong tình trường khi con tim nàng tan vỡ... 
Như ta đã thấy "Bài thơ cuối cùng", xuất hiện vào giữa năm 1938, trong đó T.T.Kh. giận trách người tình cũ đã đem thơ của nàng lên mặt báo làm lộ chuyện thầm kín "cho khắp người đời thóc mách xem", thì không còn thấy xuất hiện bài thơ nào khác của nàng nữa. 
Mãi tới 2 năm sau, vào giữa 1940, mới thấy xuất hiện bài thơ Gửi T.T.Kh với bút hiệu Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình,1917-1948), có lẽ là ông ở xa vừa mới về. Ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh, gọi nàng bằng tên "Khánh" và nhắc tên này tổng cộng 4 lần. Bài thơ này là để trả lời cho 4 bài thơ của nàng, nhưng với giọng điệu cay đắng, mỉa mai! 
Ngoài ra Thâm Tâm còn 2 bài thơ khác viết cho T.T.Kh như sau: Màu Máu Ty-gôn, Dang Dở. 
Đây là những bài thơ tình hay nhất của Thâm Tâm gởi cho T.T.Kh xuất hiện trong năm 1940. Bài thơ "Dang dở" trên đã chấm dứt "mối tình bí mật" đó. Nhưng... 
Sau đó, người ta lại được "biết chút ít" về T.T.Kh. qua bài thơ Dòng dư lệ của Nguyễn Bính. Lúc bấy giờ ai chẳng nghĩ T.T.Kh chính là người tình vườn Thanh của Nguyễn Bính. Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận của một kẻ si thơ T.T.Kh mà thôi. 
Thi sĩ Nguyễn Bính lúc còn trẻ có máu giang hồ, vào Nam ra Bắc mấy lần. Một lần dong ruổi, gặp đêm mưa lớn, ông ghé vào trọ tại một nhà ở vùng Thanh Hóa, được người lão bộc tiếp đãi. Nhà có khu vườn đẹp, trong nhà có cô gái trẻ ngồi quay tơ - mà ông gọi là "Người Vườn Thanh" - đã khiến ông rung động, thao thức bâng quơ, nhưng nghĩ mình còn nặng kiếp giang hồ nên chưa dám tính đến chuyện tình duyên. 
Rồi mấy năm sau, ông lại có dịp qua vùng Thanh Hóa, bèn tìm đến chốn cũ, thì được người lão bộc năm xưa kể cho nghe "một thiên hận tình". Thời gian lại qua đi, ông gần như đã quên câu chuyện đó, thì đọc được những bài thơ của T.T.Kh xuất hiện trên báo. Ông thấy những bài thơ đó giống hệt thiên hận tình của "Người Vườn Thanh" năm nào, ông nghĩ rằng "Người Vườn Thanh" chính là T.T.Kh., và viết bài thơ "Dòng dư lệ" để tặng nàng. 
Mặc dầu xôn xao bàn tán và tranh dành lấy mình và lấy thơ của mình. T.T.KH đã biến mất. Cho đến mùa xuân năm 1938 ngày 30 tháng 10 thì trên tiểu thuyết thứ bảy laị xuất hiện T.T.KH với Bài thơ cuối cùng. Đó là ba bài thơ mà T.T.KH đã để lại trong lòng tất cả người yêu thơ của bà. Cho đến thập kỷ 80, vẫn có người nói rằng bà còn sống và đã gặp bà, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một lời nói mà thôi. 
Vậy T.T.KH nàng là ai??? và vì ai mà làm thơ??? Cái nghi vấn đã kéo dài hơn 50 năm cho đến năm 1994. Bà Đ.T.L (tạm dấu tên) đã tiết lộ cái mà thiên hạ cho là "Thiên cơ bất khả tiết lộ" cho nhà văn Thế Nhật, và đó cũng là cái chìa khóa để mở cái cửa nghi vấn cho làng văn học Việt Nam. 
T.T.KH là gì? 
T chữ thứ nhất là TRẦN 
T chữ thứ hai là THANH 
KH chữ thứ ba là KHÓC 
KHÓC ở đây là khóc cho mối tình có duyên không nợ, khóc cho cái éo le cuộc đời. Tạo hóa chớ trêu kiến cho họ gặp nhau rồi đem cho họ bao nhiêu là nước mắt ngậm ngùi khi xa nhau. 
THANH là Thanh Tâm. là tác giả của bài "Hoa Ti-gôn" mà tôi đã nhắc ở trên. Ông hiện cư ngụ tại Hà Nội, là người đã tạo cho T.T.KH những cảm xúc để viết lên những giận hờn, thương xót, và khóc thương. Người đã mang nặng chữ chung, thủy với chữ tình, đã gắn bó với thơ T.T.KH, với cái hồn của nàng suốt hơn 50 năm trời đằng đẵng. Một người mà hôm nay thân đã tàn sức đã tận, nhưng tâm hồn vẫn lâng lâng cái trẻ trung, cái nhớ thương ray rứt về cố nhân. Một người có tâm hồn cao thương và sắc đá, trước những thử thách trớ trêu của tạo hóa, nhưng lại mềm mại, đắng cay trong từng ngòi bút ông buông lơi. TRẦN là Trần Thị Chung, (tên thường gọi là Trần Thị Vân Chung). Sinh ngày 25 tháng 8 năm 1919 tại thị xã Thanh Hóa, Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình quan lại thời bấy giờ, Vân Chung có một người anh cả, hai người em gái và một người em trai út. Năm 1934, qua mối mai, gia đình nàng đã hứa gả nàng cho một luật sư (Lê Ngọc Chấn, ông đã chết sau khi mãn tù cải tạo học tập). Hiện nay bà cùng các con sinh sống ở miền Nam nước Pháp trong một thị xã nhỏ và bà vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu khác khau như Vân Nương, Tơ Sương v.v... 
Tôi xin gửi đến bà Vân Chung lời cảm khích vô cùng về những cống hiến của bà cho nền văn học Việt Nam, cảm ơn nhà văn Thế Nhật, bà Đ.T.L cùng những người yêu T.T.KH. Rốt cuộc cái nghi án văn học nay đã được công bố. 
Không biết tác giả viết bài này... 

Hai sắc hoa ti-gôn 
Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn 
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn 
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc 
Tôi chờ người ấy với yêu thương 
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng 
Dải đường xa vút bóng chiều phong, 
Và phương trời thẳm mờ sương cát, 
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng. 
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 
Thở dài trong lúc thấy tôi vui. 
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ, 
Anh sợ tình ta cũng thế thôi. 
Thuở đó nào tôi có hiểu gì, 
Cánh hoa tan tác của sinh ly, 
Cho nên cười đáp: mầu hoa trắng 
Là chút lòng trong chẳng biết suy. 
Đâu biết lần đi một lỡ làng 
Dưới trời đau khổ chết yêu đương. 
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm 
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường. 
Từ đấy thu rồi thu lại thu, 
Lòng tôi còn giá đến bao gi ờ. 
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ 
"Người ấy" cho nên vẫn hững hờ. 
Tôi vẫn đi bên cạnh cu ộc đời, 
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi, 
Mà từng thu chết, từng thu chết, 
Vẫn giấu trong tâm bóng một người. 
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa 
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ 
Và đỏ như màu máu thắm phai 
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi, 
Một mùa thu cũ rất xa xôi. 
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã 
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi! 
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ, 
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu... 
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng, 
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò. 
Nếu biết rằng tôi đã có chồng, 
Trời ơi, người ấy có buồn không? 
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ, 
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

Xuân Diệu

Tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916 tại Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũ, nơi cha là Ngô Xuân Thọ vào dạy học và kết duyên với mẹ là Nguyễn Thị Hiệp. 
Xuân Diệu sau ra Hà Nội học, 1938-1940 ông và Huy Cận ở gác 40 Hàng Than. Ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông năm 1943. Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985. 
Xuân Diệu viết nhiều, có khoảng 450 bài thơ. Một số lớn chưa được xuất bản. Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983); truyện ngắn Phấn thông vàng (1939); và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. 
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca. Thơ Xuân Diệu là "vườn mơn trớn", ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị trong Thơ thơ, pha lẫn chút vị đắng cay trong Gửi hương cho gió. Nhiều câu nhiều bài chịu ảnh hưởng từ thi ca lãng mạng Pháp. 
Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một tôn chỉ: sống để yêu và phụng sự cho Tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc hăm hở làm thơ tình! Xuân Diệu ví mình như một con chim bay hay hát: "Tôi réo rắt, chẳng qua Trời bắt vậy". 
Trước kia Nguyễn Công Trứ nói: 
Trời ban ta, đất trở ta 
Trời đất sinh ta, nguyên có ý. 
Thì quả vậy. Trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở hữu tình này để ca hát về tình yêu - cái đề tài mà từ ngàn xưa người Việt Nam chúng ta đã say mê, giống như nhà sư nọ mê một cô nàng đội gạo: 
Sư về sư ốm tương tư 
Ốm lăn ốm lóc cho sư chọc đầu 
Vì Xuân Diệu sống hết mình cho tình yêu cộng với tài thơ thiên phú, lại gặp buổi "Gió Âu mưa Mỹ", những khát vọng yêu đương của trai gái được tháo cũi sổ lồng, cho nên trong thơ tình của Xuân Diệu có tiếng máu dồn mạnh trong huyết quản, có dòng nhựa sống tràn trề mãnh liệt của cả thế hệ đang vươn dậy. 
Có những vần thơ được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ mà đến nay vẫn còn khiến chúng ta bàng hoàng vì sự mới mẻ và táo bạo của nó: Với trăm ma, tôi hẹn những mười nguyền 
Những Tây Thi, Lộng Ngọc, những điêu Thuyền... 
Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc? 
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau... 
Cái "nhân bản yêu đương" trong thơ tình Xuân Diệu thật là nồng cháy và bền bỉ cho đến tận lúc nhà thơ của chúng ta nhắm mắt xuôi tay! Nửa thể kỷ thơ tình Xuân Diệu là một quá trình khám phá không ngừng vào cái thế giới kỳ diệu của tình yêu. 
Phát hiện đắt nhất của Xuân Diệu chính là sự khẳng định rằng: cây tình yêu giữa cuộc đời thực, sẽ mãi mãi xanh tươi, còn những thứ "tình" được nặn ra từ lý trí khô cứng hoặc từ mộng mị sẽ tàn lụi, xám xịt! 
Và quả là như vậy. Xuân Diệu không còn nữa nhưng cây tình yêu trên mảnh đất này có hư hao đi chút nào màu xanh muôn thuở? Trong khi nhà thơ, ở một cõi khác, có thể đang ôm ấp những hồn ma xinh đẹp nào đó, thì ở trên thế giới này, những chàng trai, những cô gái, những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng vẫn đang sống, đang cảm xúc, và hưởng thụ tình yêu sống động và bất tuyệt!. 
Chiều đầu thu 
Chiều đầu thu ôi hương hoàng lan 
Ngạt ngào nhào trộn cả không gian 
Mới còn nắng gắt hôm qua thế 
Mà bỗng trên trời mây nhẹ tan... 
Chưa tàn cuối hạ đã sang thu 
Ngây ngất hôm nay một ánh mờ... 
Mai hẳn lại về trong nắng hạ 
Ô hay bàng bạc thực cùng mơ... 
Chỉ biết di lăng hoa đã thơm 
Cánh vàng hương lại chín vàng hơn 
Cây cao lá thẫm đung đưa nhánh 
Nhịp điệu mùa thu ngàn vạn năm... 
Đây mùa thu tới 
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, 
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng: 
Đây mùa thu tới - mùa thu tới 
Với áo mơ phai dệt lá vàng. 
Hơn một loài hoa đã rụng cành 
Trong vườn sắc đỏ rữa mầu xanh; 
Những luồng run rẩy rung rinh lá... 
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh. 
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ... 
Non xa khởi sự nhạt sương mờ... 
Đã nghe rét mướt luồn trong gió... 
Đã vắng người sang những chuyến đò... 
Mây vẩn từng không chim bay đi, 
Khí trời u uất hận chia ly. 
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói 
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì. 
Thu 
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu. 
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì. 
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh; 
Cành biếc run run chân ý nhi. 
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa. 
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà. 
Buồn ở sông xanh nghe đã lại, 
Mơ hồ trong một tiếng chim qua. 
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm, 
Hây hây thục nữ mắt như thuyền. 
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, 
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
Ý thu 
Tặng Nguyễn Lương Ngọc 
Những chút hồ buồn trong lá rụng 
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân. 
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng; 
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần. 
Dưới gốc, nào đâu thấy xác ve, 
Thế mà ve đã tắt theo hè. 
Chắc rằng gió cũng đau thương chứ; 
Gió vỡ ngoài kia ai có nghe? 
Hôm nay tôi đã chết theo người 
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi; 
Với bóng hình xưa, tăm tiếng cũ, 
Cách xa chôn hết nhớ thương rồi 
Yêu vui xây dựng bởi nguôi quên. 
Muốn bước trong đời, phải dậm trên 
Muôn tiếng kêu than thầm lẳng lặng. 
Nhưng hoa có thể cứ lâu bền. 
Ờ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi? 
Đã xa, sao lại hứa yêu hoài? 
Thực là dị quá - Mà tôi nữa! 
Sao nghĩ làm chi chuyện nhạt phai? 

Tài liệu trong tập thơ này được thu thập từ các websites và những tập “Thi ca Việt Nam chọn lọc” (do Kiều Văn tuyển soạn, nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành).

2007
Ngọc Sương
Theo http://nshuynh.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...