Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Đọc “Văn học Việt Nam hiện đại - Sáng tạo và tiếp nhận”

 Đọc "Văn học Việt Nam hiện đại

Sáng tạo và tiếp nhận"

Tập tiểu luận phê bình “Văn học Việt Nam hiện đại - Sáng tạo và tiếp nhận” (NXB Văn học, 2015) của PGS,TS Bích Thu vừa được trao giải A tặng thưởng năm 2015 của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Đây là một kết quả xứng đáng cho nỗ lực nghiên cứu văn học nước nhà của nữ tác giả Bích Thu.

Tập tiểu luận phê bình, như lời thừa nhận của nhà nghiên cứu Bích Thu, là bước tiếp theo của quá trình “theo dòng văn học” mình theo đuổi bấy lâu nay, tập trung vào việc phân tích và nhận diện văn học Việt Nam hiện đại, xoay quanh bình diện sáng tạo và tiếp nhận qua các hiện tượng văn học, các vấn đề về thể loại, và sáng tác của một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình đã có những đóng góp đối với đời sống văn học dân tộc qua các giai đoạn.

Lần giở từng trang sách, đọc từng bài, chúng ta không khỏi khâm phục sức đọc rộng và sức viết dồi dào của tác giả. Chỉ trong vẻn vẹn 600 trang sách, bằng sự đa dạng trong cách thể hiện (có tiểu luận nghiên cứu chuyên sâu, có phê bình chân dung, phê bình hiện tượng, có điểm sách…) nhà nghiên cứu Bích Thu đã trình bày vừa cô đọng, vừa khái quát hơn một thế kỷ văn học Việt Nam với hàng chục nhà văn, hàng trăm tác phẩm tiêu biểu, với những thể loại, trào lưu văn học trải dài qua những giai đoạn phân kỳ lịch sử phức tạp. Đặc biệt với phần viết về tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 và những tác phẩm xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây, tập tiểu luận phê bình còn bao gồm cả phần văn học Việt Nam đương đại chứ không chỉ có phần hiện đại như cách nói khiêm tốn của tác giả.

Trở lại với nội dung của tập tiểu luận phê bình, theo chúng tôi, phần làm nên cái tầm của tác giả nằm ở loạt bài nghiên cứu mang tính liên hoàn về tiểu thuyết và ký trong phần 1: Thể loại, đặc trưng và phát triển. Nhà nghiên cứu Bích Thu dành đến 5 (trên tổng số 10 bài của phần này) bài viết bàn về tiểu thuyết tương ứng với 5 giai đoạn phân kỳ của văn học Việt Nam là 1900-1932, 1932-1945, 1945-1975, 1986-2000, 2001-hiện tại. Các bài viết đều tuân theo trục nghiên cứu thống nhất: Bối cảnh thời đại-những đặc điểm chung-tác giả tiêu biểu-tác phẩm tiêu biểu. Đây là trục nghiên cứu có tính chất “mô phạm”, “cổ điển” được các nhà nghiên cứu rất ưa thích vì nó vừa bao quát diện mạo chung, vừa xoáy vào những điểm nhấn cốt yếu của cả giai đoạn. Điểm thú vị trong cách nghiên cứu của tác giả nằm ở phần bàn về tác phẩm. Bất kỳ tác phẩm nào cũng được nhà nghiên cứu Bích Thu khảo sát xoay quanh ba vấn đề: Cốt truyện-nhân vật-ngôn ngữ. Hiện tại chúng ta có thể tiếp cận tiểu thuyết theo các hướng khác nhau, bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ tiếp cận không gian, thời gian bằng thi pháp học và sinh thái học; tiếp cận yếu tố tâm linh, vô thức bằng phân tâm học; tính nhân văn bằng nhân học; yếu tố trần thuật bằng tự sự học… nhưng việc chọn ba vấn đề trên nghiên cứu tiểu thuyết theo chúng tôi vẫn là một cách tiếp cận hợp lý. Đây là ba vấn đề trọng yếu nhất của tiểu thuyết. Bất cứ sự cách tân, sáng tạo nào của tiểu thuyết cũng đều liên quan mật thiết đến ba vấn đề trên. Mặt khác, để khảo sát ba vấn đề trên của tiểu thuyết đòi hỏi tác giả phải sử dụng kiến thức mang tính chất tích hợp (nhiều phương pháp nghiên cứu văn học với nhau) và liên ngành (văn học và ngôn ngữ học) nhằm đưa ra những kiến giải của mình. Và có thể nói, nhà nghiên cứu Bích Thu đã hoàn thành “nhiệm vụ” khó khăn này. Qua 5 bài viết của chị, người đọc sẽ hình dung ra diện mạo tiểu thuyết Việt Nam trong hơn một thế kỷ và bắt gặp nhiều phát hiện về tiểu thuyết qua từng giai đoạn như: “Các cây bút sau Đổi mới đã có ý thức đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực… Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm linh, vô thức của con người, khai thác "con người ở bên trong con người” (trang 59); “Ngôn ngữ tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 đã nỗ lực hướng đến sự đa thanh, đến tính đa âm nhưng hầu như đó là sự đa âm về sắc điệu cảm xúc, về sắc thái thẩm mỹ hơn là khuynh hướng tư tưởng” (trang 111).

Trong loạt 3 bài bàn về ký, nhà nghiên cứu Bích Thu đã giải quyết “dứt điểm” hàng loạt vấn đề quan trọng của thể loại như sự tương đồng và khác biệt giữa các thể loại ký, truyện ký là một thể ký hay là “đứa con lai” giữa truyện ngắn và ký, các chặng đường phát triển của ký, các tác giả ký tiêu biểu. Đặc biệt, bằng nguồn tư liệu phong phú, tin cậy, cách lập luận có hệ thống, sắc sảo, khoa học, nhà nghiên cứu Bích Thu đã lên tiếng ủng hộ, khẳng định: Ký có quyền hư cấu. Đây là khẳng định cần thiết, chính xác, góp thêm một tiếng nói “giải phóng” cho các nhà viết ký khỏi bức tường “sự thật” để đưa thể loại rất quan trọng trong thời đại báo chí toàn cầu ngày nay phát triển lên một bước mới.

Nếu như loạt bài trong phần 1, Bích Thu đã chứng tỏ được những phẩm chất cần thiết của một nhà nghiên cứu, thì ở phần 2 Nhà văn chân dung và lối viết, chị lại cho người đọc thấy sự nhạy bén, tinh tế của mình qua những lời bình. Đọc những bài viết của chị về thơ Ngân Giang, Bích Khê, Dương Kiều Minh, truyện ngắn Lưu Quang Vũ… người đọc cảm nhận được tác giả dường như đang “đồng sáng tác” với người cầm bút. Có vậy, chị mới viết nên những lời bình: "Còn Ngân Giang với vẻ đẹp rất đàn bà và quý phái của mình thì trong đời và trong thơ là một liên khúc buồn. Dường như hàng chuỗi những giọt buồn đã nhỏ xuống và thẩm thấu trên các trang thơ của bà” (trang 42). Điểm đáng tiếc duy nhất ở phần này và cũng là của cả tập tiểu luận phê bình là tác giả quá “ôm đồm” nhiều bài viết lẻ theo kiểu viết được bao nhiêu thì đưa vào bấy nhiêu. Nếu “tinh tuyển”, hệ thống lại để phần 2 “cân bằng” với phần 1, giá trị của cuốn sách sẽ được nâng cao hơn. Nhưng dẫu sao "Văn học Việt Nam hiện đại-Sáng tạo và tiếp nhận" cũng là một thành công của tác giả.

1/4/2016

Trang Anh

Theo https://www.qdnd.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...