Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ 1

 Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ 1 

MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 

Lưu Quang Vũ là một con người hội tụ tài năng về nhiều mặt, hầu như ở lĩnh vực nào trong hoạt động nghệ thuật anh cũng đạt được những thành tựu đáng quý. Thuở bé anh đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa đồng thời cũng bộc lộ cốt cách của một thi sĩ tài hoa, đa cảm trong tương lai. Con đường sự nghiệp của anh đã khởi đầu từ thơ và kết thúc rất thành công ở kịch. Bên cạnh đó, "như một chiếc cầu nối giữa thơ và kịch", truyện ngắn của anh đã tạo được nét riêng, để lại những dư vị khó quên trong lòng người đọc. 

Để có được vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tạo được dấu ấn trong lòng độc giả như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật quên mình với một năng lực và tốc độ làm việc phi thường. Những kết quả mà anh đạt được thật đáng khâm phục khi biết bao khó khăn của đời sống riêng và chung liên tiếp chồng chất lên cuộc sống của anh. Nhưng vượt lên tất cả anh đã khẳng định mình, khẳng định một bản lĩnh sống vững vàng và mạnh mẽ. 

Sinh thời Lưu Quang Vũ vẫn thường quan niệm: "Thơ và kịch rất gần nhau. Đó là hai thể loại lớn của văn học, là cuộc sống và thế giới tinh thần của con người được biểu hiện ở dạng tinh chất nhất, mạnh mẽ nhất, tuy nghệ thuật của chúng có những điểm khác biệt" [18, 143]. Mặc dù kịch là nơi đã đưa Lưu Quang Vũ đến vinh quang nhưng theo như nhiều người thì thơ mới là nỗi đàm mê lớn nhất, là nơi anh ký thác nhiều nhất. Anh thường nói với bạn bè là anh thích làm thơ hơn viết kịch, rằng thành công của thơ thường mang cho anh niềm vui lâu hơn kịch, thậm chí anh có thể đổi tất cả chỉ để có được một bài thơ hay. Điều đó có lẽ vì thơ là một thể loại bộc lộ sâu sắc diện mạo tâm hồn của con người, nhất là những con người đa tài, đa cảm như anh. Thơ là một thể loại hợp với "cái tạng" của anh hơn cả. Và trên thực tế, nhiều bài thơ của anh đã vượt qua được sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. 

Nghiên cứu về "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" sẽ góp phần khẳng định tài năng của anh trong lĩnh vực thơ ca, làm sống lại tâm hồn chân thực, luôn trăn trở về lẽ sống, về con người, về tình yêu nơi anh, một tâm hồn tiêu biểu cho một thế hệ trong giai đoạn hào hùng nhưng cũng đầy khó khăn, gian khổ của đất nước. Và đó cũng là thái độ trân trọng của người viết đối với di sản của người nghệ sĩ tài hoa và đa cảm này. 

2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ 

Sự nghiệp mà Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta rất phong phú, gồm hàng trăm bài thơ, vài chục truyện ngắn và trên năm mươi vở kịch cùng nhiều bài báo, bài viết về sân khấu và chân dung diễn viên. Trong đó, thơ là lĩnh vực anh thử bút sớm nhất. Năm 1968, khi mới 20 tuổi, anh đã cùng Bằng Việt xuất bản tập thơ đầu tay, đó là tập "Hương cây - Bếp lửa". Sau khi anh mất các tập thơ "Mây trắng của đời tôi", "Bầy ong trong đêm sâu" lần lượt được ra mắt bạn đọc. 

Có thể nói bên cạnh hàng loạt những vở kịch từng gây tiếng vang lớn trong dư luận, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng thì sự xuất hiện các tập thơ của anh, dù không ồn ào nhưng nó lại có sức quyến rũ lớn. Chúng như những thỏi nam châm cuốn hút người đọc, càng đọc càng say mê. Qua thơ người đọc phát hiện ra một Lưu quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ không chỉ mạnh mẽ đến quyết liệt trước những vấn đề của đời sống xã hội mà còn rất sâu sắc, tinh tế trong những cảm nhận về thế giới vi mô của con người. Thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện sâu sắc diện mạo tâm hồn anh cũng như mọi sự được mất trong cuộc đời anh. Vũ Quần Phương đã nhận xét một cách sâu sắc về anh: "Đọc thơ anh có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người và làm thơ để sống với riêng mình" [20, 34]. Thơ và kịch, hướng nội và hướng ngoại là hai mặt gắn bó hài hòa, làm nên diện mạo hoàn chỉnh của một con người nơi Lưu Quang Vũ. 

Thơ Lưu Quang Vũ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng như: Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ, Vũ Quần Phương, Phong Lê, Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như Phương,... và cả các nhà thơ cùng thời khác như Phạm Tiến Duật, Anh Ngọc,... Tất cả đều đánh giá cao tài năng của anh, thể hiện sự ưu ái đối với những vần thơ chan chứa tình đời, tình người nơi anh, bày tỏ sự đồng cảm trước những vần thơ đầy suy tư, dằn vặt về số phận, về cuộc đời của anh, cả sự trân trọng đối với những vần thơ "viển vông cay đắng u buồn" nơi anh... Bên cạnh sự khẳng định ngợi khen thì cũng có một vài nhận xét về những hạn chế trong thơ của anh, chủ yếu là ở những bài thơ đầu tay. Hiện nay những bài viết này đều được Lưu Khánh Thơ tập hợp lại trong quyển "Lưu Quang Vũ - Tài năng và lao động nghệ thuật", hay trong quyển "Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp". 

Bài viết đầu tiên về thơ Lưu Quang Vũ là bài "Một cây bút trẻ nhiều triển vọng" của Hoài Thanh. Ở đây, chỉ qua những bài thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ, nhà phê bình văn học nổi tiếng này đã nhận ra tâm hồn thi sĩ tài hoa nơi anh và chỉ ra chiều hướng phát triển của thơ anh. Bên cạnh cảm xúc tươi vui, trong trẻo của một chàng trai mới bước chân vào cuộc sống chiến đấu, Hoài Thanh còn nhận ra sự già dặn trong suy nghĩ, cảm xúc của anh so với những người cùng trang lứa. Ông tỏ ra rất thích thú trước những bài thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống chiến đấu, lao động của anh. Hoài Thanh còn tìm ra nét bản chất trong thơ anh đó là: buồn và đắm đuối. Bên cạnh việc nêu lên những thành công nhất định về nghệ thuật, ông còn chỉ ra sự non nớt, ngập ngừng trong thơ anh. Nhưng suy cho cùng đó là điều không tránh khỏi của một thi sĩ mới bước chân vào làng thơ. Khi tập thơ đầu tay "Hương cây - Bếp lửa" (in chung với Bằng Việt) của Lưu Quang Vũ ra đời, Lê Đình Kỵ đã viết bài "Hương cây - Bếp lửa, đất nước và đời ta" nêu lên những nhận xét, đánh giá chung về tập thơ. Tác giả tỏ ra rất tâm đắc trước những bài thơ Lưu Quang Vũ viết về thiến nhiên. Tình yêu thiên nhiên âm thầm, sâu sắc trong thơ anh đã được nâng lên thành tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh việc khẳng định những thành công của tập thơ, ông còn nêu lên nhược điểm chung là thiếu chiều sâu và sức khái quát trước những vấn đề lớn, "giàu cảm xúc mà ít chất suy nghĩ" [20, 28]. 

Trong lời bạt cho tập thơ "Bầy ong trong đêm sâu" với tựa đề "Những bài thơ "viển vong cay đắng u buồn" viết trong những năm chiến tranh", Vương Trí Nhàn đã thể hiện sự cảm nhận sâu sắc về những bài thơ Lưu Quang Vũ viết trong giai đoạn này. Tác giả nhận xét: "Tiếp nối vào những vần thơ rất mơ mộng, rất trong sáng của anh trong "Hương cây", những vần thơ sau đây sẽ cho thấy một Lưu Quang Vũ khác, Vũ của dằn vặt, đau xót, lỡ lầm, cô đơn, mà cũng là Vũ muốn vươn lên mọi mệt mỏi, mọi hoài nghi để sống, để tồn tại. Hai chặng khác nhau nhưng đều là của một con người thống nhất" [20, 64]. Nguyên nhân tạo nên hai chặng đường khác nhau ấy là do những "đa đoan phức tạp" của cuộc đời riêng cộng với những khó khăn chung của đất nước. Ở tập thơ này, Vương Trí Nhàn đặc biệt chú ý đến hình ảnh "Mưa", tác giả viết rằng: "Trong các thi sĩ cùng thời, Vũ là người nhạy cảm với mưa và thân thuộc với mưa hơn ai hết" [20, 69]. Tác giả còn rất thành thực khi cho rằng dù thơ Lưu Quang Vũ có lạc điệu so với âm điệu chung của thơ chống Mỹ lúc bấy giờ nhưng vẫn được đông đảo bạn trẻ (trong đó có tác giả) yêu mến vì nó đã thể hiện một cách trung thực hiện thực tâm trạng của con người lúc bấy giờ. 

Trong bài viết "Những vần thơ thấm đẫm băn khoăn", Huỳnh Như Phương cũng tỏ ra rất cảm thông và trân trọng đối với những bài thơ Lưu Quang Vũ viết trong giai đoạn đầy bi kịch riêng và chung của mình. Và cũng như Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như Phương rất chú ý đến hình ảnh "mưa" trong tập thơ này. Qua thơ Lưu Quang Vũ, tác giả rút ra nhận xét: "Tâm hồn Vũ là một thể phức hợp của những đối cực và nghịch lý. Thậm chí có khi anh tự mâu thuẫn với chính mình" [20, 106]. Cuối cùng, tác giả rút ra một nhận định có tính khái quát như sau: "Lưu Quang Vũ thật sự là một nhà thơ của tuổi trẻ, một tuổi trẻ luôn băn khoăn, dằn vặt, tra vấn về cuộc đời và tự tra vấn lòng mình" [20, 108]. 

Ở bài viết "Những bài thơ sống với thời gian", Bích Thu đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những bài thơ buồn mà Lưu Quang Vũ viết trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất. Khi đi sâu vào phương diện "cái tôi" trong thơ anh, tác giả nhận xét: "Ẩn chứa bên trong cái thể chất thanh xuân của Vũ là một trái tim trải đời, đầy ưu tư, dằn vặt. Anh luôn luôn chiêm nghiệm, nghiền ngẫm con người và sự đời cả phần ánh sáng lẫn phần khuất tối..." [20, 103]. Chính những nỗi đau tâm hồn và sự đắng cay nghiệt ngã của số phận đã giúp anh sáng tác nên những bài thơ sống mãi trong lòng người đọc.’

Khi đọc tập thơ "Mây trắng của đời tôi", Vũ Quang Vinh trong bài viết "Đọc Mây trắng của đời tôi nhớ Lưu Quang Vũ" đã khẳng định Lưu Quang Vũ là một nhà thơ tài năng. Tác giả bài viết nhận xét: "Điều đáng quý nhất ở thơ Lưu Quang Vũ không nằm trong kỹ xảo, trong khả năng trau chuốt ngôn từ mà chính là một hồn thơ chân thành, da diết. Sức nói, sức gợi, sức cảm của thơ anh chính bắt nguồn từ đó" [20, 97]. Trong bài viết này Vũ Quang Vinh còn đề cập đến chủ đề tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ, khẳng định sự thành công của anh khi viết về đề tài này. Ngoài ra tác giả còn điểm qua một số bài thơ ghi lại những sinh hoạt đời thường và những bài thơ mang chủ đê rộng lớn khác của Lưu Quang Vũ. 

Bên cạnh những bài viết ghi lại một vài nhận xét, đánh giá về từng tập thơ như trên thì bài viết "Đọc thơ Lưu Quang Vũ" của Vũ Quần Phương là một bài viết công phu, cung cấp cho người đọc một cái nhìn tương đối rõ về đời thơ Lưu Quang Vũ. Tác giả đã điểm qua các chặng đường sáng tác của Lưu Quang Vũ, từ những bài thơ đầu tay trong "Hương cây" đến những bài thơ viết trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất trong "Cuốn sách xếp lầm trang" cho đến tập "Mây trắng của đời tôi". Mỗi chặng đường thơ anh, Vũ Quần Phương đều thể hiện một sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc với những nhận xét xác đáng. Qua đó tác giả đã tìm ra nét bản chất trong thơ Vũ đó là sự đắm đuối và giàu tưởng tượng. Tác giả cho rằng "đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ" [20, 38]. Và cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình khác, Vũ Quần Phương cũng đặc biệt quan tâm đến những bài thơ buồn, thể hiện sự cô đơn, ưu tư, dằn vặt về số phận, về cuộc đời mà Lưu Quang Vũ viết trong khoảng những năm đầu 70. Tác giả cho rằng đây là giai đoạn trưởng thành trong nhận thức của Lưu Quang Vũ và cũng là đỉnh điểm trong nghệ thuật thơ anh. Ngoài ra Vũ Quần Phương còn đề cập đến cảm hứng dân tộc, cảm hứng về nhân dân trong thơ Lưu Quang Vũ, khẳng định đây là nguồn cảm hứng bền chắc trong thơ anh. 

Trong bài viết "Tình yêu - đau xót và hy vọng", khi ghi lại những mối tình đã qua trong cuộc đời của Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ đã rất tinh tế khi phát hiện ra những dấu ấn cảm xúc trong thơ anh qua mỗi cuộc tình. Trong bài viết này, tác giả đã nhận xét: "Mỗi người con gái ra đi đã để lại trong lòng anh một vết thương. May sao anh lại chính là một thi sĩ, nên những nỗi đau ấy đã kết tụ lại thành những bài thơ tình da diết, cháy bỏng". Và "vốn là một người đàn ông tài hoa, đa cảm nên tình yêu và thơ ca luôn luôn là cứu cánh còn lại trong cuộc đời anh" [20, 59]. 

Nguyễn Thị Minh Thái trong bài viết "Thơ anh Lưu Quang Vũ", sau khi nêu những cảm nhận chung về thơ anh đã nhận xét: "Thơ là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này. Thơ với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn và trang trải riêng tư của tâm hồn chàng với đời sống" [20, 92]. 

Đặc biệt trong bài viết "Tam hồn trở gió", Phạm Xuân Nguyên đã đi sâu phân tích hình ảnh "ngọn gió" trong suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Tác giả cho rằng cuộc đời, con người và thơ anh có thể ví như ngọn gió: "Bởi như gió, anh phóng túng, tự do. Dám sống đúng mình, dám nghĩ đúng mình. Anh không thể yên ổn trong những cái mực thước, khuôn phép, vừa phải, lừng chừng"[20, 79]. 

Ngoài ra trong cồn hai bài viết đi vào phân tích, bình giảng bài "Vườn trong phố" và bài "Và anh tồn tại" của Anh Ngọc và Nguyễn Hoàng Sơn. Qua đó hai tác giả đã phát hiện ra cái hay, cái đẹp trong từng bài thơ cụ thể và trong hồn thơ Lưu Quang Vũ nói chung. 

Ngoài những bài viết về thơ Lưu Quang Vũ được tập hợp trong "Lưu Quang Vũ Tài năng và lao động nghệ thuật" đã điểm qua ở trên thì trong quyển "Một số gương mặt văn chương học thuật Việt Nam hiện đại", Phong Lê đã có hai bài viết về Lưu Quang Vũ. cả hai bài viết đều đánh giá cao tài năng và sức sáng tạo nơi anh. Trong quyển "Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp" còn có hai bài viết của hai nhà thơ cùng thời với Lưu Quang Vũ, đó là Anh Ngọc và Phạm Tiến Duật. cả hai đều thể hiện những tình cảm sâu sắc cùng với sự trân trọng đối với những gì mà Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh để lại cho chúng ta. 

Như vậy qua các bài nghiên cứu, phê bình thơ Lưu Quang Vũ như trên, chúng tôi thấy rằng các tác giả đã có những đóng góp nhất định trong việc phát hiện ra những đặc điểm của thơ anh. Nhưng nhìn chung, những bài viết này chỉ mới đi vào tìm hiểu một tập thơ, hoặc chỉ dừng lại nghiên cứu một khía cạnh, một mặt nào đó trong thơ Lưu Quang Vũ chứ chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu, khảo sát toàn diện và có hệ thống về thơ anh, để từ đó rút ra những đặc điểm trong phong cách, nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật thơ anh,... Vì vậy nghiên cứu về thơ Lưu Quang Vũ vẫn còn là một đề tài mới lạ, hấp dẫn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học cũng như những người quan tâm, yêu thích thơ anh. 

3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU 

Để thực hiện việc nghiên cứu đề tài "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ” chúng tôi đi vào khảo sát và trích dẫn các tập thơ sau: 

- "Hương cây - Bếp lửa" (in chung) - Nxb. Văn học, 1968. 
- "Mây trắng của đời tôi" - Nxb. Tác phẩm mới, 1989. 
- "Bầy ong trong đêm sâu" - Nxb. Hội nhà văn, 1993. 
- "Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ" - Nxb. Văn học, 1994. 
- "Lưu Quang Vũ - thơ và đời" - Nxb. Văn hóa thông tin, 1997. 

Trong điều kiện và chừng mực nhất định, chúng tôi có thể đối sánh thơ Lưu Quang Vũ với một so vở kịch của anh, đối sánh thơ anh với thơ của một số tác giả trước, sau hoặc cùng thời như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm,... để từ đó rút ra những nét riêng biệt ở thơ Lưu Quang Vũ. 

4. ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI 

Tên tuổi của Lưu Quang Vũ được biết đến chủ yếu là nhờ những thành công vượt trội của anh trong kịch trường. Việc nghiên cứu về "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" sẽ góp phần khẳng định những đóng góp của anh trong lĩnh vực thơ ca, đem đến một cái nhìn tương đối toàn diện về tài năng nghệ thuật của anh. 

Qua nguồn dẫn liệu mà chúng tôi khảo sát, đề tài "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" nhằm mang lại những đóng góp sau:  

- Luận văn đã tìm hiểu thơ Lưu Quang Vũ trên bình diện của thế giới nghệ thuật, đây là một cách tiếp cận mới. Trong quá trình tiếp cận "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" người viết xem đó như một chỉnh thể nghệ thuật bao gồm nhiều phương diện có mối quan hệ gắn bó biện chứng với nhau. "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" trước hết được hình thành từ một quan niệm nghệ thuật nhất quán, từ cách nhìn về con người và cuộc đời. Trong thế giới ấy nhất thiết phải có hình ảnh của "cái tôi" với những trạng thái cảm xúc riêng biệt. Và trong quá trình tìm hiểu thơ Lưu Quang Vũ, người viết nhận thấy chính những nhận thức về đất nước, về con người, về tình yêu, về bản thẩn là những nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào nơi anh. Điều này đã tạo nên bề dày của "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ". 

- Trong quá trình nghiên cứu, người viết luôn có ý thức khảo sát, nhận diện thơ Lưu Quang Vũ một cách có hệ thống. 

- Nghiên cứu tác phẩm trong sự thống nhất nội dung và hình thức của nó, người viết đã cảm nhận được tính độc đáo trong tư duy nghệ thuật cũng như trong nội dung tư tưởng của Lưu Quang Vũ so với các nhà thơ cùng thế hệ khác. 

- Cảm nhận được một giọng điệu riêng và sắc thái thống nhất in đậm cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ ở Lưu Quang Vũ. 

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên, người viết vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây: 

- Phương pháp tiếp cận hệ thống: Người viết coi thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ là một chỉnh thể toàn vẹn bộc lộ quan điểm thống nhất về thế giới và con người của tác giả. 

- Phương pháp so sánh: Luận văn sử dụng phương pháp này để làm rõ "thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" với những nét độc đáo trong quan niệm về thế giới và con người, trong những nguồn cảm hứng về đất nước, nhân dân, về chiến tranh, về hạnh phúc, tình yêu,... Mục đích của phương pháp này là khẳng định những đóng góp đặc sắc của Lưu Quang Vũ so với một số gương mặt thơ khác, xác định tính nhất quán, hệ thống trong quan niệm nghệ thuật của anh. 

- Phương pháp lịch sử - cụ thể: Người viết vận dụng phương pháp này để tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử xã hội với những biến cố ảnh hưởng đến quá trình sống và sáng tạo nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, khiến nhà thơ tạo ra những tác phẩm mang nét độc đáo, riêng biệt. 

Ngoài ra người viết còn sử dụng các phương pháp khác như khảo sát thống kê, phân tích, chứng minh,... 

6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN 

Để tiếp cận "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ", trước tiên người viết trình bày các quan niệm về thơ của Lưu Quang Vũ và hình ảnh con người được thể hiện trong thơ anh, xem đó như một tiền đề để đi vào khai thác những nguồn cảm hứng lớn của anh, ở đây người viết đề cập đến hai nguồn cảm hứng nổi bật trong thơ Lưu Quang Vũ: Cảm hứng về đất nước - nhân dân và cảm hứng về tình yêu. Qua đó người viết tìm ra những nét nổi bật trong nội dung cũng như trong nghệ thuật của thơ Lưu Quang Vũ. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được tổ chức thành 3 chương như sau: 

- Chương 1: Quan niệm nghệ thuật trong thơ Lưu Quang Vũ 
- Chương 2: Những nguồn cảm hứng lớn trong thơ Lưu Quang Vũ 
- Chương 3: Hình ảnh và giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ.

Chương 1: 

QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ 

1.1.QUAN NIỆM VỀ THƠ 

Thơ là một hoạt động tinh thần rất phong phú và tinh tế trong đời sống của con người. Mặc dù thơ là một thể loại văn học được sản sinh ra từ rất sớm thế nhưng để tìm được một định nghĩa đúng đắn và hoàn chỉnh về thơ là một điều không đơn giản. Lý luận về thơ xưa nay đã có rất nhiều, nó ghi dấu sự trưởng thành trong ý thức nghệ thuật của nhà thơ, nhưng làm thơ về thơ thì không phải ai cũng có thể làm được. Bởi lẽ, ngoài những yêu cầu cần có như một bài thơ thông thường thì thơ về thơ còn đòi hỏi nhà thơ phải có những khám phá mới mẻ, sâu sắc. Trong lịch sử thi ca, những bài thơ nổi tiếng, để lại ấn tượng sâu sắc như "Con bồ nông" của Muset, những bài thơ trong tập "Đaghextan của tôi" của Raxim Ganýatốp quả thực không nhiều. Ngay với Óctaviô Paj (Giải Nôben Văn học 1990) xuất sắc với 23 tập tiểu luận, trong đó có phần rất lớn bàn về văn học nghệ thuật thì thơ về thơ của ông lại không có được tầm vóc tương xứng. 

Thơ Việt Nam hiện đại có nhiều câu thơ bàn về thơ. Có người viết như một tuyên ngôn: "Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong" (Hồ Chí Minh), "Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ, Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền" (Sóng Hồng). Có người viết như một sự răn mình: "Thơ ơi quặng thải bao lần, Biết bao giờ mới ra vần kim cương" (Xuân Diệu), hay như một lời động viên, khích lệ: "Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát, Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta" (Tố Hữu),... Nhưng phần lớn những quan niệm về thơ này chỉ nhân cơ hội nào đó mà nảy sinh. Và trong số những nhà thơ từng làm thơ về thơ thì Chế Lan Viên được xem là người có nhiều định nghĩa về thơ bằng thơ hơn cả. 

Trong thế hệ thơ chống Mỹ, Lưu Quang Vũ là một người rất có ý thức về sự sáng tạo, về việc tìm kiếm con đường nghệ thuật cho riêng mình. Những bài thơ trực tiếp bày tỏ quan niệm nghệ thuật của anh chiếm khoảng 10% (13/121 bài thơ trong quyển "Lưu Quang Vũ Thơ và Đời"). Nhưng quan trọng không phải ở số lượng mà ở vẻ độc đáo, sống động của những quan niệm sáng tác được viết bằng thơ của Lưu Quang Vũ. 

Lưu Quang Vũ khác với Chế Lan Viên - cây đại thụ của nền thơ Việt Nam hiện đại. Thơ về thơ của Chế Lan Viên luôn mang đậm chất triết lý và hùng biện. Còn đối với Lưu Quang Vũ, thơ không phải chuyện nghề, chuyện kỹ thuật; thơ về thơ của anh cũng không là triết lý, lý luận. Với anh, thơ là cả một thế giới sống động, phong phú, đầy đắm say, hư ảo và quyến rũ được gọi là "nàng Thơ", 

Trong thế giới ấy, con người sáng tạo là ai? Nhân vật sáng tạo trong cõi thơ Lưu Quang Vũ có những biểu hiện khá đặc biệt. Ở thơ về thơ trong thơ Chế Lan Viên phần lớn xuất hiện một nhân vật giả định (là anh, là ta, là nhà thơ nói chung), để giãi bày, thuyết phục, tranh cãi,... Còn nhân vật trong thợ về thơ của Lưu Quang Vũ lại chính là tác giả với những danh xứng: tôi, lòng tôi, đời tôi,... 

Nhân vật ấy chủ động và đầy khát vọng trong hành trình tìm thơ, hành trình sáng tạo của mình: Tôi nhận, tôi viết, tôi tìm, tôi thức, tôi thắp lên, tôi tiếp nối, tôi không muốn viết, tôi không thể viết,... Khát vọng sáng tạo và sức tưởng tượng mãnh liệt của nhân vật trữ tình khiến cho thế giới quan niệm thơ của Lưu Quang Vũ sống động, mở rộng. Nhân vật trữ tình luôn tự hình dung thấy mình trong một khung cảnh sáng tạo kỳ vĩ, có tầm vóc của vũ trụ: bãi bể thời gian, ghềnh đá, biển khơi, mặt trời,... Ta có thể dẫn ra những câu thơ: "Lên ghềnh đá chênh vênh tôi viết; Trên bãi bể của thời gian tôi viết,...". 

Hành trình sáng tạo, hành trình kiếm tìm của nhân vật trữ tình trong thế giới thơ về thơ của Lưu Quang Vũ dai dẳng, bền chặt. Sự kiếm tìm đo bằng số đo thời gian: Suốt tuổi thơ, bao năm tháng,... Và đo bằng số đo của sự kiên lòng, bền bỉ: "Tôi bôi xóa rất nhiều thề ước đẹp. Riêng với em tôi chẳng phản bao giờ... Người ta bảo rằng em đã chết, Người ta bảo quên đi đừng phí sức. Em làm gì có thực mà mong... Tôi làm sao có thể nguôi yên, Khi biết ở nơi nào em vẫn sống, Em sẽ đến như ngày rồi sẽ nắng,..." (Thơ tình viết về một người đàn bà không tên (III)).  

Cũng rất lạ, nhân vật sáng tạo tự lắng nghe thơ mình, để rồi tự miêu tả chúng: "Những câu thơ âm thầm", "Những câu thơ thao thức không nguôi", "Những dòng chữ như móng tay day dứt, trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè”. Anh còn biết có phút đột chuyển thiêng liêng, bí ẩn trong sự sáng tạo. Phải có phút huyền diệu ấy, xác chữ mới thành thơ, mới có được linh hồn, được sống. Anh so sánh khoảnh khắc thiêng liêng ấy với khoảnh khắc: "Men trắng lên màu trong lò nung", để đất vô tri chuyển màu thành gốm. Trong sáng tạo nghệ thuật có phút chuyển đổi thầm kín, huyền diệu lạ kỳ. Theo chúng tôi, quan niệm này của Lưu Quang Vũ rất gần với quan niệm đã trở thành quen thuộc: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy". Song ở Lưu Quang Vũ, qua sự chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình, ý tưởng quá trình sáng tạo nghệ thuật trên bỗng trở nên lung linh, say đắm hơn. 

Trong hành trình sáng tạo của mình, Lưu Quang Vũ luôn nghiền ngẫm cuộc sống từ nhiều mặt, "cả phần ánh sáng lẫn phần khuất tối". Có thể nói cái đa thanh, đa dạng của cuộc đời và tâm trạng con người hiện ra trong thơ anh thật đậm rõ. Vì vậy những quan niệm về thơ của anh cũng rất phong phú, sống động và nhiều ý nghĩa. 

1.1.1. Thơ để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phui trước 

Đây có thể coi là quan niệm chủ đạo, chi phối cả đời thơ của Lưu Quang Vũ. Như chúng ta đã biết, nghệ thuật là phương tiện để phản ánh đời sống, vì thế nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống dù chỉ trong giây lát. Thơ ca có giá trị không chấp nhận sự thoát ly, tách rời cuộc sống những cũng không phải là sự sao chép cuộc sống một cách nguyên mẫu, máy móc. Như những con ong cần mẫn hút tinh túy của hoa để tạo nên chất mật cho đời, nhà thơ phải biết chắt lọc chất liệu mà cuộc đời cung cấp để tạo nên những vần thơ có giá trị đi vào lòng người đọc. Thơ ca luôn gắn liền với cảm xúc. Đọc thơ mà không tìm thấy nỗi lòng nhà thơ thì đó không phải là thơ ca đích thực. 

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ rất giàu cảm xúc. Chính lòng yêu đời, yêu cuộc sống đã thôi thúc anh cầm bút. Con đường nghệ thuật mà anh đã chọn đem lại cho anh lắm vinh quang nhưng cũng không ít chông gai. Nhưng chỉ với nghệ thuật thơ ca anh mới có thể gởi gắm những tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư,... của bản thân mình, và cũng chỉ với thơ anh mới nói được nhiều chuyện đời hơn cả. Anh đã đến với thơ bằng niềm đam mê mãnh liệt chứ không phải vì "miếng cơm manh áo", với thơ anh có thể đánh đổi tất cả: 

Nhưng trước khi có chữ viết 
Đã cổ thơ ca 
Như tình yêu thơ đã sinh ra 
Không phải vì tiền nhuận bút 
Không sợ ngục tù bạo lực 
Dù khổ sở phiền hà 
Thơ không bao giờ câm lặng... 

(Nếu đó là tội lỗi) 

Theo anh thơ không phải là thứ tôn giáo cao siêu, huyền bí cũng không phải là những ghi chép vặt vãnh về con người, cuộc đời, mà thơ phải khơi dậy ở lòng người những đợt sóng tình cảm tuôn trào mãnh liệt với những yêu thương, căm giận, thông cảm, xót xa, nghẹn ngào,... và cả những bâng khuâng, xao xuyến, ưu tư,... Thơ chính là nguồn năng lượng để con người tranh đấu không ngừng: 

Thơ không phải là chứng minh 
Không phải hào quang phản chiếu cửa tấm gương. 
Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa 
Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả 

(Nói với mình và các bạn) 

Thơ không phải là trang giấy in nguyên vẹn hình bóng cuộc đời, khơi dậy cảm xúc mà còn chắp cánh cho con người vươn tới những ước mơ, khát vọng. Vì thế, Lưu Quang Vũ tâm niệm: Thơ phải vừa có ích cho hiện tại vừa giúp con người vươn đến tương lai, vươn đến những khát vọng cao xa, bay bổng: "Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật", nhưng thơ cũng phải "Vẫy gọi mọi người vươn tới tương lai". Theo quan niệm của anh thì "Thơ để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phía trước" ("Nói với mình và các bạn"). Quan niệm này rất có ý nghĩa trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, bởi lẽ đời sống của con người gồm có hai phần: cuộc sống thường ngày bề bộn, khó khăn thậm chí xấu xa nhưng không thể nào chối bỏ và cuộc sống lý tưởng, mơ ước mà người ta luôn hướng đến. Con người không thể chỉ sống với trước mắt, và cũng không thể chỉ đuổi theo giấc mơ. Trong thơ Lưu Quang Vũ có rất nhiều hình ảnh đối lập gay gắt là để diễn tả điều này: "Thơ là cái bánh ăn và giấc mộng", "hạt cát và ngôi sao", "bờ và biển cả", "vực tối và ánh lửa", "đáy biển tối và cầu vồng", "tro bụi và ngọn lửa", "tường mảnh chai và đám mây xô dạt", "thân cành khô khẳng và hoa trắng muốt",... Như thế, thơ là cả thực và mộng, thật và ảo, cả sự thật tầm thường lẫn khát vọng bay bổng. 

Là một nhà thơ chân chính, "càng yêu thương càng không vừa ý với mọi điều", vì thế Lưu Quang Vũ không chấp nhận kiểu "làm xiếc" ngôn từ, anh khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ: thơ cao quý là thơ bám rễ sâu vào cuộc đời, không tô vẽ, gian dối. Đây cũng chính là quan niệm chủ đạo trong quá trình sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam thời kỳ hiện đại. Sóng Hồng đã quan niệm một cách sâu sắc về nghệ thuật: "Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống, dù chỉ trong giây lát. Cuộc sống là một quá trình sáng tạo không ngừng, nghệ thuật cũng phải sáng tạo". Và cũng trên cơ sở này, Tố Hữu quan niệm: "Thơ biểu hiện tinh chất của cuộc sống", "Thơ là cái nhụy của cuộc sống", Lưu Trọng Lư cũng lưu ý đến đặc điểm này của thơ: “Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cốt lõi của cuộc sống". Nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Biêlinxki cũng đã từng phát biểu: "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Vì thế, thơ ca chân chính bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống thông qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ. Quan niệm thơ gắn liền với cuộc sống được Lưu Quang Vũ phát biểu rất rõ trong bài thơ "Nói với mình và các bạn". Đây là một bài thơ bộc lộ tâm sự thẳng thắn, chân thành của anh đối với những người làm thơ thuộc thế hệ mình. Anh cho rằng: "Đã qua rồi cái thời nhà thơ nhìn đời bằng cặp mắt trong veo" mà "Thơ phải dạy ta nhìn đời bằng con mắt thật". Và nếu trước kia: 

"Thơ tươi mát cuộc đời và an ủi lòng ta", thì bây giờ thơ không viết xuôi tai để phỉnh nịnh cuộc đời, vì "cuộc sống còn dang dở, cần đóng góp không cần ngồi ca ngợi", và vì thơ "không phải là hào quang phản chiếu của chiếc gương soi" nên nhà thơ không phải là lũ viết thuê "chạy theo những biển hàng ngắn ngủi", để cuối cùng "lắm kiểu nói mà giống nhau đến thế". Là nhà thơ thì anh phải biết rằng "Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ, Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi".

So với những nhà thơ cùng thời khác, ở Lưu Quang Vũ cảm hứng sự thực xuất hiện rất sớm trong thơ anh. Từ chối việc lý tưởng hóa hiện thực, Lưu Quang Vũ kêu gọi: "Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt, Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật", thơ "không hát say mà lay ta thức", "Trước đau khổ của nhân dân thơ không gian dối". Với anh, thơ là "nhịp đập của trái tim trung thực", là "không giấu che sự thật của lòng mình". 

Nhìn lại văn học nước ta sau gần 10 năm chiến thắng, dư âm của cuộc chiến tranh còn vang vọng trong thơ cũng như trong các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca,... Khuynh hướng sử thi, lý tưởng hóa hiện thực vẫn còn in đậm trong sáng tác của các nhà văn tuy có nhạt dần theo thời gian. Mãi đến những năm 80, thơ mới bắt vào các chủ đề thế sự với cái nhìn khách quan. Một quan niệm mới về sứ mệnh của nhà thơ được hình thành qua những tuyên ngôn: "Hãy áp tải sự thật về đến bến cuối cùng" (Trần Nhuận Minh), "Thế sự ngày ngày chen cột báo" (Dương Kỳ Anh), "Dẫu sinh nở muộn màng, Sự thật bật ra ứa máu, Đẹp như nụ cười mẹ sau những cơn đau" (Lê Nhược Thúy),... Song sự biến chuyển từ cái nhìn sử thi sang cái nhìn thế sự đã có mặt rất sớm trong thơ Lưu Quang Vũ. Vì vậy, bên cạnh dòng chung hào hùng ca ngợi cổ vũ cuộc chiến đấu, thơ Lưu Quang Vũ lưu lại một mảng sự thật khác, là nhân chứng cho hiện thực những năm chiến tranh được nhìn từ góc độ đời thường, không lý tưởng hóa, là nhân chứng cho những khổ đau mất mát của dân tộc trong những năm 70 hào hùng mà bi tráng. 

Những vần thơ bắt rễ sâu vào cuộc sống đau thương, với những dự cảm hậu chiến rất tinh nhạy dẫu có lúc đã phải chấp nhận nỗi cô đơn của sự sáng tạo: “Trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối", "bay đi không một lời đáp lại", nhưng Lưu Quang Vũ chấp nhận sự cô đơn ấy, bởi anh vững tin ở con đường mình chọn. Anh tâm niệm "Phải thấu hết mọi điều để thắng nỗi hoài nghi" và anh tin chắc rằng ''Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa", những vần thơ cắm rễ sâu vào lòng cuộc sống sẽ "rộng dài cánh lớn", sẽ vang xa, bay xa. Vì thế, dẫu cuộc đời có đắng cay nghiệt ngã anh vẫn không chùn bước, khát vọng phấn đấu cho những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực luôn thôi thúc, giục giã anh không ngừng tiến bước: "Dẫu đường dài xa ngái, Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi". 

Thơ ca còn mở ra trong chiều sâu mới của khát vọng, của những "giấc mơ phía trước". Lưu Quang Vũ khẳng định: "Thơ đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được". Cõi chưa tới được, cõi mơ ước ấy ẩn hiện qua những hình dung đẹp: ngôi sao, giấc mộng, cơn gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả, ban mai sau đêm tối,... Đối lập với thực tế cơ cực, cõi khát vọng mà thơ ca hướng tới đầy ánh sáng và tình yêu, là nơi "đối lập với chiến tranh, nghèo khổ, cái chết", là nơi "không có lo âu buồn khổ, con người được nghỉ ngơi ở giữa con người". Ây là cõi của cái Đẹp, cái Thiện. Có thể, miền khát vọng ấy là nơi "chắc ta không kịp tới", là nơi "không thể nào tới được". Song sự hiện diện của cõi ấy là cái đích "giục con người vươn lên" để sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Bằng cách ây, "giấc mơ phía trước" của thơ ca giúp con người biết sống tốt với đời thường, với hiện tại và biết vươn tới tương lai tươi đẹp hơn. 

1.1.2. Thơ là ô cửa mở tôi tình yêu 

Theo Tố Hữu thơ là "một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu", là "tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Đến với thơ người đọc sẽ bắt gặp tâm tư, nỗi lòng của người cầm bút, sau đó sẽ gặp tâm tư của chính mình. Thơ ca chính là những nhịp cầu vô hình dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn, những trái tim đến với trái tim để con người cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, niềm ước mơ, hy vọng... 

Đến với thơ Lưu Quang Vũ, chúng ta sẽ bắt gặp những nỗi niềm của anh. Là một người từng nếm trải nhiều đắng cay nghiệt ngã của số phận, Lưu Quang Vũ rất nhạy cảm với nỗi cô đơn. Trong thơ anh hình ảnh bức tường xuất hiện rất nhiều, cũng có khi là hình ảnh hàng rào, là cửa kính, là cánh cửa, là vực thẳm,... Nhưng ý nghĩa ẩn dụ thì chỉ có một: ấy là sự ngăn cách, là giới hạn không thể vượt qua, để con người trở thành những vật thể đơn độc, xa cách về tinh thần: 

- Phía nào cũng hàng rào trước mặt 
- Thế giới bao nhiêu tường vách 
Ngăn cản con người đến với nhau 
-Những tường cao chia rẽ con người 
- Những bức tường dựng đứng quanh tôi 
- Mỗi con người một vật thể cô đơn 
Nhìn rõ nhau qua cửa kính trống trơn. 
Không thể nghe nhau, không thể nói...

Lưu Quang Vũ cháy bỏng mong ước xóa đi những bức tường vô hình chia rẽ con người, để con người hiểu nhau, kết lại thành những sức mạnh mới, để cho: "Những bàn tay không còn đơn độc nữa". Và Lưu Quang Vũ trao sứ mệnh gắn kết thế giới ấy cho thơ. Cụ thể hơn: Thơ gắn kết thế giới và con người bằng tình yêu. 

Nếu mỗi con người là một hòn đảo cô đơn, thì thơ phải là "những dòng chữ như móng tay day dứt, Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè". Giải mã hình ảnh xuất hiện hơn một lần ấy trong thơ Lưu Quang Vũ, ta hiểu quan niệm của anh: thơ giống như những dòng chữ được Mai An Tiêm vạch trên vỏ dưa mong cầu sự liên lạc giữa đảo hoang và đất liền, thơ là tín hiệu giao tiếp, mong cầu sự đón nhận, giao cảm giữa con người với con người. Thơ quả thực đã là và phải là "Lời nói riêng mà thấu triệu tâm hồn". 

Thơ mang đến ánh sáng và hơi ấm cho thế giới, bởi vì "Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa", thơ là phương tiện để con người "trao lửa cho nhau". Lửa ấy là tình yêu. Và nhà thơ sáng tạo ra một cặp so sánh mới: "Mỗi bài thơ của chúng ta, phải như một ô cửa, mở tới tình yêu" (“Liên tưởng tháng hai"). Và vì vậy, thi sĩ phải là người đi mở cửa, mạnh mẽ và tự nguyện: 

"Chúng ta đi mở những cánh cửa, chúng ta suốt đời đi mở những cánh cửa, xuyên bóng tối bốn bề bao phủ". Gắn kết thế giới bằng tình yêu trở thành khát vọng cháy bỏng của nhà thơ, khi anh nồng nhiệt khẳng định: 

Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi 
Giữa thuở bạo tàn ta ca ngợi tự do 
Ca ngợi tình yêu giữa thế giới hằn thù. 
(Nếu đó là tội lỗi) 

Cần phải yêu thương hy vọng đấu tranh 
Để giải thích và đổi thay cuộc sống 
(Lại sắp hết năm rồi) 

Ở đây nhà thơ đã thực sự ý thức sâu sắc mục đích và sứ mệnh của thi ca, nhằm đáp ứng lại những yêu cầu chân chính của xã hội thì thơ cần phải có ích. Những vần thơ này được kết tinh từ những suy nghĩ cao đẹp và tích cực của Lưu Quang Vũ trong cuộc sống. 

Với thơ ca con người không chỉ tìm thấy niềm an ủi, cảm thông mà còn tìm thấy sự chia sẻ như "mái lá chở che" cho kẻ không nhà. Quan niệm này của Lưu Quang Vũ rất gần với Pêtôphi: 

Thơ là một nơi cư trú ngỏ cửa 
Cho kẻ sung sướng cũng như người khổ sở... 
Kể cả người nào không dép, không giày. 

Thơ chính là "Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn", thơ gắn kết thế giới và con người trong tình yêu, trong sự an ủi và che chở, khiến cho con người không còn đơn độc, đủ sức mạnh làm nên điều kỳ diệu: "Tay chúng ta sẽ kết một con tàu, Cặp bến đẹp của những ngày vui sướng", trong một thế giới ngập tràn ánh sáng và tình yêu. Song Lưu Quang Vũ cũng hiểu rằng, với người nghệ sĩ: "Để thơ anh mang lửa đến cho đời" thì “Trên chữ tài, chữ tâm kia phải lớn". Chữ tâm ở đây gồm cả bản lĩnh và nhân cách của người nghệ sĩ - những người luôn "Đau nỗi đau của mỗi trái tim người". 

Lưu Quang Vũ luôn tìm kiếm con đường thơ cho riêng anh với tình yêu và bản lĩnh lớn. Thấp thoáng sau "những dòng thơ thao thức không nguôi" ấy là hình ảnh một "gã làm thơ da vàng, không đêm nào ngủ được", đầy trăn trở và trách nhiệm. 

1.1.3. Thơ tôi là mây trắng của đời tôi 

Đối với Lưu Quang Vũ thơ không chỉ "Để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phía trước" hay "như một ô cửa để mở tới tình yêu", mà với anh, thơ còn là phần tinh chất của thế giới tinh thần, là phần lý tưởng bay bổng, phần cao đẹp nhất của cuộc đời. Điểm này bắt gặp quan điểm truyền thống, cổ điển. Hoàng Đức Lương ví thơ như "gỏi nem" và "gấm vóc", thơ là "sắc đẹp ở ngoài sắc đẹp". Nguyễn Phi Khanh thì cho rằng: "Giai cú chỉ lan hương" (Câu thơ hay có hương hoa lan, hoa chỉ). Nguyễn Đình Chiểu thì viết: "Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần". Lưu Quang Vũ cũng nối tiếp truyền thống đó song những ẩn dụ về thơ của anh sinh động, đa dạng đến lạ lùng. Với anh, thơ là mầm, là cây, là suối mát, là hoa gạo, là nhựa thắm trong cây, là bài ca mùa hạ nắng, là bó đuốc, là ngọn lửa, là nhịp cầu, là ô cửa,... Đặc biệt, hình ảnh Lưu Quang Vũ ưa thích nhất: Thơ là "mây trắng" của đời anh, đây là phần đẹp nhất, bay bổng nhất. 

Thơ là "mây trắng" của đời anh, nhưng đó là "Mây trắng của một đời cơ cực". Những dòng thơ như mây trắng ấy đã vút bay lên từ những nỗi đau lắng đọng của cuộc đời anh, nó như mật ngọt của loài ong, ngọc quý của loài trai phải trải qua vất vả đắng cay mới kết thành. Trong suốt cuộc đời sáng tạo không mệt mỏi của mình, tuy thành công ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn dành cho thơ ca tình cảm và niềm đàm mê sâu sắc nhất. Lời đề từ cho tập thơ sau chót mà chính anh đã đặt tên và chuẩn bị bản thảo (nhưng số phận đã không để cho anh kịp nhìn thấy nó ra đời) đã thể hiện trọn vẹn những suy nghĩ và tình cảm của anh: 

Trên mái nhà, cao vút rừng cây 
Trên rừng cây, những đám mây xô dạt 
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng 
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi. 

(Mây trắng của đời tôi) 

Trong thơ, Lưu Quang Vũ đã dùng rất nhiều những hình ảnh so sánh để nói lên ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc đời anh, nhưng có lẽ hình ảnh "mây trắng" được anh gởi gắm nhiều ý nghĩa nhất. Những lời thơ chân thành giản dị ấy đã ẩn chứa bao điều làm ta rưng rưng xúc động. Thơ là mật ngọt của đời, là suối mát, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn trong đêm giá lạnh. Thơ là cứu cánh, là niềm hy vọng,... Và bây giờ, "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi". Nó vừa là một hình ảnh rất thật, lại vừa là một điều gì đó cao vời, xa xôi, không thể nắm bắt được. Nhưng dường như đó lại chính là điều làm nến sức quyến rũ bí ẩn, vừa dịu dàng vừa mãnh liệt của thơ ca. 

Những quan niệm thơ được phát biêu thành thơ của. Lưu Quang Vũ thật đặc sắc, vừa mới mẻ vừa rất phong phú và sống động. Các quan niệm về thơ của anh đã đề cập đến sứ mệnh của thơ ca, sứ mệnh của người nghệ sĩ, đến hành trình và khát vọng sáng tạo của mỗi nhà thơ. Và những quan niệm về thơ này đã chi phối quá trình sáng tạo nghệ thuật của anh, từ những nguồn cảm hứng tới cách nhìn về thế giới và con người, từ giọng điệu trữ tình đến những biểu tượng nghệ thuật,... 1.2. TỪ QUAN NIỆM THƠ ĐẾN HÌNH ẢNH CON NGƯỜI TRONG THƠ 

Văn học là nhân học. Trong bất cứ thể loại nào của văn học thì con người cũng là trung tâm, là đối tượng miêu tả và phản ánh chủ yếu của văn học. Việc khám phá và miêu tả những con người tiêu biểu của thời đại mình bao giờ cũng là khát vọng của những nhà văn chân chính. Trong đó có Lưu Quang Vũ. 

Hình ảnh con ngươi được thể hiện trong thơ Lưu Quang Vũ rất đa dạng và sống động. Bước đầu anh đã đến với thơ bằng tâm hồn của một người chiến sĩ còn mang nhiều vóc dáng và kỷ niệm thời học sinh, sục sôi những hoài bão và khát vọng của tuổi trẻ lên đường chiến đấu. Vì vậy, hình ảnh con người trong "Hương cây" gắn liền với những cảm xúc tươi trẻ, tin yêu của một nhà thơ - chiến sĩ còn mang nhiều dấu ấn của sách vở và lý tưởng. Cũng như những nhà thơ khác trong kháng chiến, anh nhìn con người trong sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, say mê trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới và hết lòng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng đất nước. 

Nhưng khi đã kinh qua thực tế chiến đấu, chứng kiến những tổn thất về vật chất, tinh thần mà đặc biệt là "tổn thất về tâm trạng", đồng thời trải qua những bi kịch riêng của bản thân, tâm hồn anh trở nên già dặn hơn và trĩu nặng những nỗi niềm nhân thế. "Bầy ong trong đem sâu" chính là kết quả của những mất mát riêng và chung được kết tinh trong thơ anh. So với những nhà thơ cùng thời khác anh đã thấy trước những trạng huống xã hội và miêu tả nó một cách trung thực, không tô vẻ, không lý tưởng hóa. Vì thế, trong "Bầy ong trong đêm sâu" bên cạnh hình ảnh những con người đời thường với những số phận riêng còn có sự xuất hiện của những con người hiện lên trong cõi mộng của nhà thơ, đồng thời tập thơ cũng cho thấy bức chân dung tự họa của anh trong những năm 70 đầy gian khổ. 

Sau này, trong "Mây trắng của đời tôi", Lưu Quang Vũ đã thoát khỏi tâm trạng dằn vặt, cô đơn trên do anh đã tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, gặt hái được hạnh phúc và thành công trong tình yêu, trong công việc. Thơ anh viết đã vui hơn, khuynh hướng cảm xúc đã nối lại được với "Hương cây" nhưng từng trải hơn, dường như ở đây có sự dung hòa giữa hai khuynh hướng, nói như Vũ Quần Phương thì: "không cực đoan như giai đoạn 71-72 nhưng anh cũng không né tránh những nghịch cảnh chua chát của đời sống" [20, 49]. Vì vậy hình ảnh con người được anh thể hiện trong tập thơ này cũng sâu sắc hơn. Đặc biệt hình ảnh nhân dân hiện lên trong thơ anh với tầm vóc vĩ đại, đó là những con người vô danh nhưng làm nên lịch sử, anh ca ngợi họ nhưng cũng thấy hết những nhược điểm của họ, thây để xót thương. Và đặc biệt ở tập thơ này, hình tượng mà anh tập trung thể hiện nhiều nhất chính là người yêu, người vợ, người bạn đời mà anh đã từng khao khát tìm trong suốt đời người và đời thơ của mình và đã gặp... 

1.2.1.Con người công dân mang đậm chất lý tưởng 

Trưởng thành trong những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Lưu Quang Vũ đã có một thời tuổi trẻ lăn lộn gian khổ trên chiến trường. Mang cảm xúc tươi vui, trong trẻo của một chàng trai vừa rời ghế nhà trường để bước vào cuộc sống chiến đấu đầy vất vả, hiểm nguy, anh đã góp vào nền thơ chống Mỹ một tiếng nói riêng, làm phong phú thêm cho vườn hoa vốn đa sắc, đa hương này. 

Mặc dù tuổi đời còn non trẻ, chưa thật sự có được sự nhạy bén, già dặn, vững chãi về chính trị, và chưa có được tâm hồn thơ lớn với nhiều năng động, biến hóa như các bậc đàn anh Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận,... nhưng cũng như các nhà thơ trẻ khác, Lưu Quang Vũ có một tâm hồn dễ rung cảm trước mọi hiện tượng của cuộc sống, với cảm xúc tinh nhạy, với cái nhìn đời hồn hậu, lạc quan anh dễ dàng phát hiện ra chất thơ của đời sống, anh hòa nhập với cuộc sống chiến đấu một cách hăng hái, say sưa. 

Lòng yêu quê hương đất nước, yêu con người lao động là nguồn cảm hứng bền chắc giúp Lưu Quang Vũ tạo nên những vần thơ dễ đi vào lòng người. Sinh ra và lớn lên trên một đất nước anh hùng, trong một thời đại anh hùng, Lưu Quang Vũ đã làm thơ để ghi lấy vẻ đẹp của con người trong thời đại mình. Hình ảnh những con người hiện lên trong thơ anh rất phong phú, sinh động. Họ chính là quần chúng, là nhân dân. Mà tiêu biểu là anh bộ đội, là người mẹ chiến sĩ, người em gái hậu phương, chị dân quân,... Với tình cảm trong sáng, đôn hậu tất cả đều hòa mình vào cuộc sống chiến đấu, xây dựng đất nước. 

Thơ Lưu Quang Vũ trong những năm đầu nói nhiều đến thiên nhiên, hoa trái với đầy màu sắc, hương thơm. Nào là mùi "lá bưởi, lá chanh", "hương rơm, hương cỏ", "hương cốm mát trong", "hương đất hương cây", "thơm ngát mật ong mùa hạ", nào là "quả vả rừng chín rụng", "sen tàn, bưởi chín", "trái hồng sắp đỏ, hạt thóc sắp vàng", nào là "hoa gạo, hoa vông", "hoa thiên lý", là "vườn nhãn", "vườn xoài",... Và thấp thoáng đằng sau những cỏ cây hoa trái ấy là hình ảnh những con người quê hương gần gũi, đáng yêu. 

Tả làm sao xiết tình cảm của bà con thôn xóm khi giữa giờ chiến đấu bẻ cây làm lá ngụy trang cho các anh bộ đội, và lẫn vào những chùm cây dại ấy là cành chanh cành bưởi khiến cho anh bộ đội đang giữa "chiến hào nắng chói", bỗng nghe "thơm mùi bưởi, mui chanh". Ở đây anh không chỉ cảm nhận được mùi thơm của lá mà còn là thơm tình quê hương đượm nồng, tình quân dân gắn bó. Anh như trông thấy "dáng quê hương trong cây lá hiền lành". Và khi "từng viên đạn lắp vào nòng pháo" thì lòng anh bộ đội "bồi hồi nghe hương lá bưởi, lá chanh". Những viên đạn như thế nhất định sẽ có sức công phá mãnh liệt. 

Đến với thơ Lưu Quang Vũ chúng ta sẽ bắt gặp một nhân vật quen thuộc trong thơ kháng chiến, đó là người em gái đại diện cho tình cảm gắn bó keo sơn giữa nhân dân với bộ đội như trong bài "Gởi tới các anh": 

Mong các anh nhiều chiến công 
Có quê ta chín nhớ 
Có lòng em mười thương 
Các anh đi nhiều chốn quê hương 
Đừng quên nơi này nhé. 

Người con người gái này cũng không khác gì cô gái của Hoàng Trung Thông, vẫn một niềm thiết tha với các anh bộ đội như xưa: 

Các anh đi 
Bao giờ trở lại 
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong... 

(Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông) 

Người con gái trong thơ Lưu Quang Vũ nghĩ nhiều, nói ít, tình cảm lắng sâu, kín đáo nhưng mặn mà: 

Chiều ấy các anh đi... 
Em đứng nhìn theo sau cửa 
Em muốn nói trăm câu, ngàn câu 
Mà chỉ nghiêng đầu chào khe khẽ. 

Ngày tiễn đưa đã thế. Đến ngày về: 

Ngày mai tan giặc Mỹ 
Các anh về quê em 
Xoan xưa đã lớn, lá biếc cành chen 
Đốn mừng chiến sĩ... 
Bến sông rì rào bãi mía 
Như muôn lời em gửi các anh. 

Vẫn không một lời chào hỏi. Không phải vì không muốn nói mà vì nói bao nhiêu cũng chẳng đủ, thôi thà mượn lời của bãi mía, cành xoan... Chiều Hà Nội trong những ngày chống Mỹ không phải chỉ rạo rực sức sống của thiên nhiên mà còn là của những con người vụt lớn lên, tâm hồn tràn ngập một ánh sáng mới: 

Ôi tâm hồn thẳm sâu 
Là những ngày đánh giặc 
Ánh sáng tràn trên mắt 
Người đi tay nắm tay 
Chiều xuống cánh chim bay 
Nụ cười tươi thoáng gặp... 
(Chiều) 

Thành công của Lưu Quang Vũ là đã nêu được nét tâm lý chung của quần chúng như lòng yêu nước, căm thù giặc, tình cảm tiền tuyến - hậu phương, ý thức về trách nhiệm cá nhân trong đời sống tập thể. Con người hòa mình vào đời sống của cộng đồng. Đây là sự đối lập giữa cuộc sông quá khứ và hiện tại: 

Xưa đêm bão lo buộc riêng lán nhỏ 
Nay xóm làng đi gặt lúa đồng chung 
(Trưa nay) 

Con người ở đây là những con người mới, họ ý thức được vai trò của từng cá nhân trong công cuộc xây dựng đất nước, trong sự nghiệp chống Mỹ, vì thế họ quên lợi ích riêng mà vun đắp cho lợi ích chung, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống lao động tập thể. 

Cũng như các nhà thơ kháng chiến khác, Lưu Quang Vũ đã ghi lại thật đẹp tấm lòng của bà mẹ Việt Nam. Bao giờ mẹ cũng hiện lên trong thơ với vẻ vất vả, lam lũ và gắn liền với dáng vẻ ấy là đức hy sinh thầm lặng, cao cả: 

Phố huyện mấy lần 
Tàu bay giặc bắn 
Nhà ta năm ấy cháy tan hoang 
Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng 
Những năm dài khoai sắn nuôi con. 
(Phố huyện) 
Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô 
Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ. 
Trong cánh tay xóm làng bồng bế 
Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương. 
(Thôn Chu Hưng) 

Chính những người mẹ ấy đã sinh ra những người con bất khuất, là niềm tự hào của quê hương đất nước. Trong thơ kháng chiến người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, thường được khắc họa với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Thơ Lưu Quang Vũ cũng vậy. Trong rất nhiều bài như "Lá bưởi lá chanh”, "Qua sông Thương", "Phố huyện", "Đêm hành quân", "Trưa nay", "Chuyện nhỏ bên sông", "Chưa bao giờ", "Thức với quê hương", "Trên cầu Long Biên", "Những chuyến bay",... anh đã ghi lại niềm lạc quan, ý chí quyết chiến quyết thắng, và đặc biệt là tình cảm thiết tha của các anh bộ đội đối với quê hương làng xóm. Là nhà thơ đồng thời là người chiến sĩ cho nên anh bộ đội trong thơ Lưu Quang Vũ vừa là nhân vật trữ tình vừa mang sắc thái tự biểu hiện thật gần gũi, thân quen. 

Trong bài "Đêm hành quân", nhà thơ đã truyền cho người đọc niềm vui rộn rã, náo nức của anh lính trẻ trên đường ra mặt trận: 

Anh nghĩ gì trong đêm hành quân 
Trên những chặng đường ra trận tuyến 
Ngụy trang reo như rừng gió chuyển 
Bước quân đi cuồn cuộn đường dài... 
Đường nào vui bằng đường ra trận tuyến 
Nam Bắc lòng ta chung tiếng gọi mẹ hiền 
Ta náo nức như suối về sông biển... 

Đoạn thơ đã nêu lên không khí sôi nổi của một thời, con đường ra trận là con đường vui! Chính Hữu cũng miêu tả không khí náo nức của: "Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội, Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu". Phạm Tiến Duật cũng hình dung ra cảnh tươi đẹp của mùa chiến dịch: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", ở đây người lính đã đi vào cuộc chiến đấu với tất cả tính chủ động, tự tin của những người có lý tưởng cao đẹp, có sức mạnh và tiềm lực nên tâm hồn của họ rất thanh thản, vui tươi. Đó cũng là khí thế chiến đấu và tâm hồn cao đẹp của hàng vạn con người trên đường ra trận tuyến: 

Ngoài kia đường dài lấp loáng đèn pha 

Đầm bùn nhão xe băng ra mặt trận 

Người đi, người đi như dòng sống vô tận... 

(Thức với quê hương) 

Có thể nói khí phách, truyền thống của tổ tiên, của cha ông đã sống dậy hào hùng trong hình tượng người lính hôm nay. Người lính trong thơ Lưu Quang Vũ cũng như trong văn học chống Mỹ nói chung là con người của ý chí lớn, đã thấm nhuần lý tưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Họ đại diện cho sức mạnh và quyết tâm của toàn dân tộc, nhân dân: 

Làm kẻ sinh sau giữa đời rộng mở 

Mang khối căm hờn ngày trước chưa tan 

Hờn căm mới lại chồng thêm nợ cũ 

Lửa cháy bom rơi..., ta cầm súng lên đường. 

(Đêm hành quân) 

Và hình ảnh anh bộ đội phòng không không quân "cưỡi gió xé mây tìm diệt Mỹ" trong bài "Những chuyến bay" như thâu tóm hết khí phách nghìn đời của dân tộc. 

Người lính trong thơ Lưu Quang Vũ không chỉ hiện lên bởi vẻ đẹp của ý chí, niềm tin, mà còn được nhà thơ trẻ khắc họa đậm nét đời sống tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn. Lưu Quang Vũ đã dùng những từ ngữ đẹp nhất để ca ngợi vẻ đẹp tinh thần của người lính: "Lòng ta đẹp như là đất nước", "Người chiến đấu mang nụ cười đẹp nhất"... Và nét nổi bật nhất trong tâm hồn của người lính mà Lưu Quang Vũ chú ý khắc họa vẫn là những tình cảm cộng đồng, tình quê hương đất nước và không thiếu những tình cảm riêng tư như tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng, tình cảm gia đình... 

Trên mỗi bước đường hành quân anh chiến sĩ luôn ấp ủ trong lòng hình dáng quế hương: "Đi xa lòng vẫn nhớ, Dáng quê hương trong cây lá hiền lành". Và nỗi nhớ quê hương của anh bao giờ cũng đượm nồng hương vị cỏ cây, hoa trái mang đậm tình dân tộc. Hình ảnh vườn xoài quê hương với những trái chín vàng thơm mát theo mãi bước chân anh qua mọi miền chiến đấu: 

Tôi đã tới những khu rừng xa ngái 

Dốc lớn đèo cao, nước nguồn măng núi 

Đường quân đi trùng điệp tháng năm dài 

Nhớ quê hương thao thức một vườn xoài. 

(Mùa xoài chín) 

Ân tình của quê hương là một thứ vũ khí giúp anh vượt lên chiến thắng mọi khó khăn gian khổ và sự hủy diệt của chiến tranh: 

Ta đi giữ nước yêu thương lắm 

Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình. 

(Gửi tới các anh) 

Người lính ra đi còn mang theo bao tình cảm luyến thương gây xúc động lòng người: 

Nào đâu phải ngày đi không lưu luyến 

Mắt người trong như nước giếng ban đầu. 

Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ nhau 

Còn biết mấy hẹn hò dang dở... 

(Đêm hành quân) 

Thế nhưng anh đã biết nén những tình cảm riêng tư, biến nổ thành sức mạnh diệt thù: "Tôi chẳng có thì giờ cho nước mắt, Viên đạn trong nòng súng đợi bay lên". Mô-típ gác tình riêng là đặc điểm chung của thơ kháng chiến. Sự xa cách trong chiến tranh không phải là sự chia ly mất mát mà còn là hy vọng, tin tưởng ngày chiến thắng: "Xa nhau không hề rơi nước mắt, Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt" (Nam Hà). Tình cảm của những người vợ, người yêu ở chốn quê nhà chính là động lực thôi thúc anh không chùn bước: 

Khi người yêu dưới quả chín cành bàng 

Bảo mấy hạ mấy đông chi cũng đợi 

Trời xa bỗng ầm ì súng dội 

Xốc ba-lô, anh vội lên đường. 

(Trưa nay) 

Chính lòng thủy chung son sắt của các chị là động lực giúp các anh luôn vững bước. Bên cạnh đó, tình yêu và nỗi nhớ riêng tư của các anh luôn hòa quyện vào tình cảm chung - tình quê hương đất nước: "Mấy núi đèo rồi anh củng vượt, Chỉ nhớ quê nhiều, nhiều lắm nhớ em", "Anh nhìn vô tận đường xa thẳm, Nghĩ về đất nước, nghĩ về em", "Anh nhớ em trong nỗi nhớ lá cành",... Sự hài hòa đẹp đẽ của hai thứ tình cảm này trước đó đã được Nguyễn Đình Thi nói đến trong thơ: Anh yêu em như yêu đất nước 

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần 

Anh nhớ em trong mỗi bước đường anh tới 

Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn. 

(Nhớ - Nguyễn Đình Thi) 

Hai thứ tình cảm riêng - chung, đều thiêng liêng cao quý như nhau, được đặt cạnh nhau đã nâng cánh cho nhau, tạo nên vẻ đẹp tinh thần của người lính. 

Có thể nói vẻ đẹp của anh bộ đội trong thơ Lưu Quang Vũ cũng chính là vẻ đẹp của con người trong thời đại mới. Ở đây nhà thơ đã chú ý đến những mối quan hệ tình cảm của họ để làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn. Sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa lý tưởng và tình cảm ở con người trong thơ anh phù hợp với quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học thời bấy giờ. Vì thế những bài thơ này bám trụ rất lâu trong lòng người đọc. 

1.2.2. Con người đời thường 

Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ thân thiết, dễ gần bởi anh luôn đưa vào thơ những hình ảnh trìu mến, bình dị của những người sống xung quanh mình. Việc miêu tả hình ảnh những con người đời thường trong thơ anh đã biểu hiện hứng thú quan sát, niềm yêu đời, yêu người của anh. Với cái nhìn hàng ngày anh dễ dàng phát hiện ra chất thơ ở những chốn không thơ, đưa vào thơ những hình ảnh, âm thanh của cuộc sống sinh hoạt đời thường rất đỗi thân thuộc. 

Thơ anh đã tái hiện lại cái không khí của cuộc sống lao động thật sinh động. Mọi hình ảnh âm thanh của cuộc sống được đi vào thơ với cái vẻ vốn có của nó. Đây là bầu không khí lao động khẩn trương với vô vàn những âm thanh hỗn độn ở bến cảng Hải Phòng đầy than bụi: Tiếng búa tiếng choàng tiếng goòng ken két 

Tiếng xô đá tiếng gò tốn tiếng bánh xe nghiền nát 

Than bay bụi bay nắng cuồng nhiệt khắp trời 

Tất cả lấm dầu và nhễ nhại mồ hôi 

(Những người bạn khuân vác) 

Và đây là hình ảnh cái "máy nước đầu ngõ" cho nguồn nước dồi dào với những cảnh sinh hoạt yên bình chung quanh như đối lập với thực tế chiến tranh khắc nghiệt đang diễn ra trong lòng Hà Nội cũng hiện lên đầy chất thơ: 

Quanh máy nước bồ câu nhặt nắng 

Sân thượng phơi đầy áo trắng áo hoa 

Hiên gác nào cũng mở tới một trời xa... 

Cái "máy nước đầu ngõ" quen thuộc ấy, qua con mắt của nhà thơ nó mang bao ý nghĩa. Quá khứ và hiện tại là một sự thay đổi lớn. Trước kia "Bác thợ gầy gục đầu bên máy nước, uống nghẹn ngào từng hớp, Mà môi nghèo vẫn khô". Thực tại hôm nay đã hoàn toàn khác xưa:

Nay rãnh bùn đã vét 

Ngõ mang tiếng cười tới các phố xa 

Vòi nước ào ào dội xuống như mưa... 

Thùng tôn sang sảng va nhau 

Đêm mùa thu tiếng đàn thánh thót 

Cuộc đời biết cười cuộc đời tập hát... 

Qua đó anh cảm nhận được cái hơi thở, cái không khí và dáng hình của cuộc sống hiện tại một cách chân thực và sinh động. 

Trong bài "Phố ta", Lưu Quang Vũ đã đưa vào thơ cái không gian đời thường với những hình ảnh rất chân thật: 

Phố của ta 

Những cây táo nở hoa 

Mùa thu đấy 

Thân cây đang tróc vỏ 

Con đường lát đá 

Nghiêng nghiêng trong sương chiều 

Trong không gian đó là những con người đời thường với những công việc bình thường nhưng không thể thiếu được trong cuộc sống. Đó là chị thợ may, bác đưa thư, bác thợ mộc, anh thợ điện, bà giáo về hưu,... Những con người trong khu phố nghèo ấy hiện lên trong thơ với vẻ trầm lặng, buồn bã: 

Chị thợ may đi lấy chồng 

Chị thợ may góa bụa 

Năm nay tôi mặc đồ đen... 

Riêng bác thợ mộc già buồn bã  

Thở khói thuốc lên trần nhà 

Anh thợ điện trên mái nhà mắc dây 

Bà giáo về hưu ngồi dịch sách... 

Thế nhưng, trong cái khung cảnh dường như tẻ nhạt của cuộc sống đời thường xung quanh, với cái nhìn tin yêu cuộc sống, anh vẫn tìm thấy những điều tốt đẹp, đáng yêu: 

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa 

Tại sao cây táo lại nở hoa 

Sao rãnh nước trong veo đến thế 

Sao anh lại yêu em nhiều đến thế? 

Lưu Quang Vũ luôn gần gũi và yêu mến những người sống chung quanh mình, khi đi xa anh thường rất nhớ và luôn hướng về họ. Không chỉ trong thơ mà ngay cả trong thư gởi cho Xuân Quỳnh (ngày 5/6/1976), Lưu Quang Vũ đã viết về những con người, những cảnh vật gần gũi quanh anh với một niềm thân yêu trìu mến thật cảm động: "...về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê hai hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh..." [18, 335]. 

Những con người của cuộc sống đời thường hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ thường là những người lao động vất vả, với số phận lam lũ, nghèo khổ. Đặc biệt trong bài "Những người bạn khuân vác" - một bài thơ mang đậm tính tự truyện, là kết quả của những chuyến lãng du nơi đất biển - anh đã miêu tả cuộc sống ở cảng biển Hải Phòng với những mảnh đời trôi dạt, bất hạnh, qua đó cũng bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc của anh. Không biết có phải xuất phát từ những đắng cay của cuộc đời mình hay từ bản chất sâu xa nằm trong tiềm thức mà Lưu Quang Vũ có được trực giác khác thường, anh có khả năng hiểu biết cảm thông với mọi đối tượng xung quanh mình. Anh dễ dàng giao hòa đồng cảm và nhận ra ngay nỗi niềm đau khổ của người khác. "Những người bạn khuân vác" được anh đưa vào thơ ấy là hiện thân của cuộc sống nghèo khổ, đắng cay: 

Đội bốc vác bẩy người... 

Có anh cày hoang bao đồng ruộng mênh mông 

Trốn nợ lưu lạc về đất cảng 

Có anh ngực trổ đầy rồng rắn 

Cố anh mặt buồn mà hát rất hay 

Vai nổi u tay đầy vết sẹo chai 

Người không mẹ không cha, người vợ con nheo nhóc... 

Bảy con người với số phận riêng, hoàn cảnh riêng, mang nỗi đau khổ riêng ấy đã gắn kết lại với nhau. Phải thật gần gũi với họ nhà thơ mới có thể phát hiện ra rằng ẩn đằng sau vẻ ngoài gần như an phận, chai sạn trước khổ đau ấy chất chứa bao tình cảm mãnh liệt: "Ai cũng tựa hòn núi cao im lặng, Giấu trong lòng bao thác cuộn, suối trong". Nhà thơ đã dùng những từ ngữ gần như đối lập để miêu tả họ: "Sắc nhọn - cộc cằn, Bao la - nhỏ hẹp, u tối mà sáng suốt, Từng trải mà ngây thơ". Trong con người họ là sự giằng xé, đan xen nhiều thái cực. Và với tấm lòng rộng mở, anh đã cảm nhận được bao tình cảm tốt đẹp nơi họ, nhất là sự đồng cảm, sẻ chia: 

Những người bốc vác 

Mang trên vai cuộc đời 

Dạy tôi cách nhìn cách nghĩ 

Trên cửa biển chói chang không chỗ nghỉ 

Kiện hàng to thôi đè ngập hai vai 

Những bàn tay rộng lớn đỡ tay tôi 

Không vật nặng nào không nhấc nổi... 

Viết về những con người đời thường Lưu Quang Vũ đã thể hiện quan niệm và triết lý sống của mình: Gần gũi và yêu mến những người sống xung quanh mình. Rộng hơn anh yêu tất cả những người cùng chung ngôn ngữ, chung tiếng nói với mình: 

Mỗi sớm thức dậy nghe bốn bề thân thiết 

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi. 

(Tiếng Việt) 

Vì thế khi viết về những người thân yêu ruột thịt của mình anh đã dành cho họ bao tình cảm yêu thương tha thiết. 

Hình ảnh người mẹ, người cha, người vợ, con trẻ hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ đã đánh thức trong chúng ta những tình cảm ruột rà. Hình ảnh người mẹ đã đi vào thơ vào nhạc từ bao đời nay. Ca dao dân ca có vô số những câu viết về mẹ thật cảm động: 

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương. 

Và Lưu Quang Vũ cũng vậy. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là hình ảnh người mẹ Việt Nam của nghìn đời: tần tảo, hy sinh nuôi con khôn lớn. Ngay từ khi còn là cậu học trò lớp 9, nhìn chiếc áo cũ, nghĩ về mẹ lòng anh dâng tràn niềm yêu thương: 

Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn 

Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim 

Áo con có đường khâu tay mẹ vá

Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm. 

(Áo cũ) 

Anh đã viết về mẹ với bao tình yêu mến, đặc biệt trong những ngày kháng chiến gian khổ anh lại càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của mẹ: 

Phố Huyện mấy lần 

Tàu bay giặc bắn 

Nhà ta năm ấy cháy tan hoang 

Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng 

Những năm dài khoai sắn nuôi con. 

(Phố Huyện) 

Vỡ đồi hoang 

Mẹ trồng sắn trồng ngô 

Nuôi con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ 

Trong cánh tay xóm làng bồng bế 

Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương. 

(Thôn Chu Hưng) 

Tình cảm thiết tha đằm thắm của anh đối với mẹ được thể hiện bằng những lời thơ chân thành, giản dị như những lời nói thường ngày, không hề trau chuốt gọt dũa: 

Trên đời này chẳng ai lo cho ta bằng mẹ 

Cũng chẳng có ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta 

Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ 

Con chẳng bao giờ mải chen trốn học 

Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh 

Sẽ chẳng bao giờ làm mẹ xót xa. 

(Gửi mẹ) 

Tình cảm ấy được biểu hiện bằng những ước nguyện thiết tha khiến người đọc rưng rưng xúc động: 

Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha 

Ước con được sống suốt đời bên mẹ 

Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể 

Chẳng ngại lên ngàn kiếm đạt măng mai 

Tấm lòng bao dung, chở che của mẹ như một liều thuốc thần dược làm tan biến những bất hạnh, khổ đau con gặp phải trên đường đời vốn chông gai trắc trở: 

Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói 

Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa 

Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù 

Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ 

Dẫu cuộc đời là con đường dài thế 

Con sẽ đi qua mọi đèo dốc chông gai 

Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi. 

Nỗi lòng của riêng anh cũng là nỗi lòng con của ngàn đời đối với mẹ. Mẹ trong thơ Lưu Quang Vũ là hình ảnh của một con người cụ thể với những hy sinh âm thầm nhẫn nại, kiên cường và nhân hậu. Mẹ là chỗ nhạy cảm nhất trong trái tim con người. Bài thơ của anh làm chúng ta liên tưởng đến bài "Thư gửi mẹ" của Êxênhin: 

Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn 

Đã sớm chịu bao điều mất mát... 

Chỉ mẹ là niềm vui, là ánh sáng diệu kỳ 

Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước... 

Mẹ bao giờ cũng là nơi trở về, là chốn nương thân của con sau bao bôn ba lăn lộn với đời. Bên mẹ bao giờ con cũng thấy ấm áp, bình yên. Đối với Lưu Quang Vũ mẹ là điểm tựa vững chắc của anh trong suốt cuộc đời, là nguồn động viên an ủi lớn lao giúp anh luôn vươn lên sống có ích cho đời. 

Bên cạnh hình ảnh người mẹ, thì hình ảnh người cha cũng hiện lên rất đẹp trong thơ Lưu Quang Vũ và cũng là điểm tựa vững chắc cho đời anh luôn vững bước. Người cha hiện ra trong sự hồi tưởng của anh là hình ảnh của một con người với khát vọng và lý tưởng lớn lao, luôn tất bật với những chuyến hành quân giết giặc: 

Bố gởi con mảnh vải dù may áo 

Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa. 

(Thôn Chu Hưng) 

Mẹ dắt tay con ra vẫy chào bộ đội 

Bố ghé qua nhà áo ướt sương khuya 

Hôn vội con rồi lại hành quân. 

(Phố Huyện) 

Cha lội tắt qua dòng nước lạnh 

Một nắm cơm đùm, một manh áo rách... 

(Chuyện nhỏ bên sông) 

Những câu thơ không có gì đặc biệt ấy đã làm nao lòng người đọc bởi một sự hồi tưởng bình thường nhưng da diết. Người cha- chiến sĩ- ấy không chỉ mang trong lòng lý tưởng cao đẹp mà còn là người cha của đời thường với những tình cảm rất chân thật. Trong những chuyến hành quân tất bật ấy cha luôn mang trong lòng hình ảnh của đứa con thơ. Cảm xúc của Lưu Quang Vũ khi viết về cha trong những dòng thơ trên đã bắt nhịp được với cảm xúc trong bài "Con vừa 6 tháng" của cha anh: 

Con vừa sáu tháng răng chưa mọc 

Chiến sĩ hành quân giục trước nhà... 

Bây giờ theo pháo cha đi vội 

Nghe tiếng con cười trên nẻo xa. 

(Con vừa sáu tháng - Lưu Quang Thuận) 

Thật xúc động biết bao trước tấm lòng yêu thương, cao cả của cha. Chính sự yêu thương, chăm sóc và nuôi dạy chu đáo của cha là cơ sở cho việc hình thành nhân cách và phát triển tài năng của anh, đặc biệt là trong lãnh vực sân khấu. Tình phụ tử thiêng liêng quan trọng đối với cuộc đời con người biết bao. Vì thế khi cha ra đi con cảm thấy như mất đi điều lớn lao nhất. Tâm trạng ấy được anh thể hiện tập trung trong bài "Buổi chiều ấy". 

Bài thơ là những hoài niệm đẹp đẽ về cha. Người hiện lên trong thơ anh với vẻ đẹp thật bình dị, với nụ cười hồn hậu, ấm áp: 

Cha ở mặt trận về 

Gọi vang từ bên suối 

Con ngựa trắng mình lấm lem đất bụi 

Vai áo cha ướt đẫm mưa chiều 

Chiếc mũ nan, tấm khăn dù, lưng gạo trong bao... 

Nụ cười cha ấm như ngọn lửa hồng. 

Viết về cha, Lưu Quang Vũ đã dành cho ông bao tình cảm sâu đậm. Trước nỗi đau tột cùng vì mất cha, anh đã trưởng thành hẳn lên. Nén nỗi đau anh giấu đi tình cảm của mình: 

Cha chẳng thích thói yếu mềm khóc lóc 

Sợ cha không vui con chẳng dám khóc nhiều 

Đối với anh cha như vẫn còn sống, hình bóng của ông luôn hiện diện quanh anh, luôn dõi theo mỗi bước chân anh: 

Cha vẫn còn kia như sông nước hiền hòa 

Vẫn ở quanh con như ánh sáng trong nhà 

Trong mỗi chúng con, trong mỗi ngày con sống 

Trong hoa trái của cuộc đời bất tận... 

Được bao bọc trong môi trường gia đình đầy tình nhân ái, yêu thương của cha mẹ, Lưu Quang Vũ đã truyền tình thương yêu cho mọi người quanh anh, đặc biệt là trong cái gia đình nhỏ của anh. Trước hết anh dành tình thương đó cho con. Anh có nhiều bài thơ viết về con với một tình cảm trìu mến đến lạ lùng. Trong các bài "Gởi em và con", "Nói với con cuối năm", "Buổi chiều đón con", "Thằng Mỹ",... đều chứa đựng tình thương yêu vô bờ của một người cha đầy trách nhiệm với những đứa con yêu. 

Đây là tâm trạng náo nức mong chờ của anh khi sắp đến ngày làm bố, đối với anh đó là một sự kiện lớn vì "sinh nở đời con" cũng là "thay đổi đời cha", vì thế bé chưa ra đời mà không khí chuẩn bị đón bé đã rộn ràng lắm, người bố trẻ còn làm thơ sẵn dành tặng cho con: 

Anh mong đợi ngày cha con gặp mặt 

Con thân yêu người bạn nhỏ của cha... 

Đời chông gai vẫn mong con ra đời 

Bài thơ đẹp cha dành cho buổi ấy... 

Trong bài "Nói với con cuối năm", viết cho Lưu Minh Vũ, đứa con trai đầu lòng của anh, anh đã đưa vào đó những chi tiết thời sự rất thật, có cả triết lý về cuộc sống trong thời chiến tranh, cũng như những triết lý về tình yêu hạnh phúc: 

Con bi bô với bàn ghế cỏ cây 

Tập gọi tên các sự vật trên đời 

Tập tin lời người lớn 

Cha làm sao nổi được 

Những khổ đau lầm lạc đợi trên đường 

Cái ác đen sì trong mỗi quả bom 

Mang mặt đẹp nối cười khôn khéo... 

Đó là tâm sự của người cha sau những trải nghiệm đắng cay ở đời. Viết về con, anh đã thể hiện những tình cảm thiện tính nhất của con người. Con trẻ chính là sự sống, là sự tươi mát hồn nhiên bất diệt: Con hát lời ngọng nghịu 

"Vịt dắt tay gà hai đứa đi chơi" 

Áp trán vào gò má ngây thơ 

Cha bỗng thấy chẳng có gì đáng sợ... 

(Nói với con cuối năm) 

Đặc biệt viết về Lưu Quỳnh Thơ (bé Mí), đứa con trai xinh xắn và tài hoa kết tinh từ tình yêu của anh và Xuân Quỳnh, những vần thơ của anh luôn nồng ấm tình thương, thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao nhưng bình dị trong cuộc sống đời thường. Hình ảnh bé Mí hiện lên trong thơ anh thật sinh động, ngây thơ, rất đáng yêu: 

Thằng Mí của bố ơi 

Đôi mắt to lay láy 

Miệng bi bô tập nói 

Làm gà "ò ó o" 

Hoa con gọi là "tư" 

Vịt thì kêu "kẹp kẹp" 

Khom cái vai bé bỏng 

Làm bà còng lon ton... 

(Thằng Mí) 

Cũng như Xuân Quỳnh, anh thấu hiểu những tình cảm của trẻ thơ, hiểu rõ tâm hồn con trẻ với những biểu hiện tâm lý rất đáng yêu: 46 Hay tủi thân hay giận khóc 

Sợ, mừng đều quá đáng 

Khóc đấy lại cười ngay... 

Tình cảm yêu thương của anh đối với con còn được thể hiện trong những lời ru tha thiết, nồng nàn. Trong văn học ta có rất nhiều những lời ru con mượt mà sâu lắng của bao người mẹ: "Dẫu con di hết cuộc đời. Vẫn không đi hết những lời mẹ ru". Và Lưu Quang Vũ đã góp vào cái biển mênh mông những lời ru nhẹ nhàng trong trẻo ấy cái giọng ru "khàn khàn" của mình: Trưa nay mẹ đi vắng Các anh mải chạy chơi Chỉ bố với con thôi Bố nằm ru con ngủ Cái giọng bố thì khàn Lời ru thì đã cũ ... Bây giờ lòng bố thương Thằng Mí yêu của bố Thằng con trai bé nhỏ Ngủ đi nào, ngủ ngoan... 

Đứa con bé bỏng ấy đã lớn dần ương tình yêu thương, sự chăm sóc chở che của anh. Anh mang trong lòng niềm hạnh phúc bình dị nhưng lớn lao trong cuộc sống đời thường: 

Sau mỗi ngày bận rộn 

Bố có niềm vui lớn: 

Mỗi ngày đi đón con 

Nhà trẻ con đã quen 

Không còn hờn khóc nữa 

Nhưng cứ độ tan tầm 

Con lại ra đứng cửa

Mong mẹ và mong bố 

Mắt nhìn về phố đông... 

(Buổi chiều đón con) 

Thấu hiểu tâm trạng mong chờ của con, người bố cuống quít giữa dòng người tấp nập vì sợ con phải chờ lâu: 

Bố len giữa dòng người 

Vội vàng chân đạp gấp 

Quên cả đèn đỏ bật 

Cuống quít, sợ con chờ... 

Đứa con trai bé nhỏ ấy là đối tượng chở che, là điểm tựa tinh thần và cũng là niềm kiêu hãnh của anh: 

Cái con người bé dại 

Vì mình mà buồn vui... 

Và đặc biệt, hơn ai hết Lưu Quang Vũ hiểu rõ vai trò quan trọng của Xuân Quỳnh trong cuộc sống vật chất cũng như tinh thần, tình cảm và sự nghiệp của anh. Cuộc tình với Xuân Quỳnh đã đem lại sự tái sinh cho tâm hồn tưởng đã "rách nát" vì dồn dập bao tai ương trong cuộc sống của anh. sống với chị, anh có được những điều mà anh từng khao khát trong suốt đời người và đời thơ của mình, đó là "vừa có trong tay một tình yêu lý tưởng, lại vừa có một hạnh phúc đời thường" [20, 61]. Đây chính là sự bù đắp cho anh sau khi trải qua bao bi kịch trong cuộc đời: "Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh, Điều mong ước đầu tiên, điều ở lại sau cùng", "Bao nhiêu ngày tháng bao đường sá, Khuya sớm vui buồn nay có em",... 

Đến với chị, anh đã được bao bọc trong tình thương yêu rộng lớn mà một người đàn bà mạnh mẽ nhất, nhân hậu nhất mới có được. Và Xuân Quỳnh -người vợ, người yêu lý tưởng đã trở thành nguồn đề tài, nguồn chất liệu phong phú trong thơ anh. Qua các bài thơ như "Em", "Và anh tồn tại", "Nhà chật", "Thơ ru em ngủ", "Thư viết cho Quỳnh trên máy bay",... ta thấy bao giờ anh cũng viết về chị với lòng yêu thương tha thiết lẫn cảm phục, biết ơn: 

Biết ơn em, em từ miền gió cát 

Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng 

Anh thành người có ích cũng nhờ em 

Anh biết sống vụng vàng không sợ hãi 

Như người làm vườn, như người dệt vải 

Ngày của đời thường, ngày ở bên em... 

(Và anh tồn tại) 

Số phận đã gắn kết hai tâm hồn từng cô đơn, cay đắng, dở dang, lận đận ây trong túng thiếu nhọc nhằn, nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc, niềm vui. Bên nhau họ như được hồi sinh. Hạnh phúc bây giờ không phải là điều mộng mơ xa vời nữa mà rất đời thường. Hay nói khác đi "cái đời thường bỗng được đưa lên ngang tầm cao hạnh phúc" [40, 418]. Đối với Lưu Quang Vũ ấy là được "ở bên em" để "cùng khổ cùng vui". Anh yên tâm trong tình yêu của Xuân Quỳnh dù cuộc sống của họ đầy vất vả lo toan. Trong bài thơ "Nhà chật", Lưu Quang Vũ đã rất thành thực khi miêu tả cuộc sống nghèo túng, chật vật của gia đình anh: 

Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi 

Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo 

Ôi tường nhỏ treo tranh và phơi áo 

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình  

Thế nhưng trong khoảng không gian nhỏ bé, chật hẹp ấy anh cảm thấy rất hạnh phúc vì luôn tìm được sự cảm thông, chia sẻ của một tâm hồn đồng điệu: 

Khoảng không gian của anh và em 

Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác 

Anh không giấu em một nghĩ lo nào được 

Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui. 

Trong căn nhà ấy anh đã sống với vợ mười lăm năm hạnh phúc lớn lao. Trong những lúc anh cô đơn, khổ đau, thất bại, chán chường, hoài nghi cuộc sống,... thậm chí có lúc "Anh chỉ còn là một chiếc cốc vỡ, một vết thương", chị đã đến bên anh để động viên, an ủi, khuyến nhủ, giúp anh lấy lại niềm tin yêu cuộc sống. Tình yêu ở đây còn có sự hòa trộn với ân tình nên rất sâu lắng và vững bền: 

Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài 

Chỉ một người ở lại với anh thôi 

Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi 

Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới 

Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương 

Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn 

Anh lạc bước, em đưa anh trở lại 

Khi cần cỗi thấy tháng ngày mỏi mệt 

Em là sớm mau là tuổi trẻ của anh... 

(Và anh tồn tại) 

Đó chính là lời bộc bạch chân thành tha thiết của một người đàn ông đã từng trải với bạn đời của mình. Người đàn ông ấy đã từng "lỡ chuyển đi dài", đã từng "khổ", từng "lo buồn", từng "lạc bước”, thậm chí có lúc tự thấy mình "cằn cỗi", "mỏi mệt",... Những lúc ấy người bạn đời của anh luôn hiện diện bên anh để chia sẻ với anh. Chị đã ở lại với anh khi anh lỡ tàu, chị thức đợi khi anh đi vắng, chị chia sẻ mọi vui buồn cùng anh, đem lại sự hồi sinh, tươi mát cho tâm hồn tưởng đã cằn cỗi của anh. Và hơn thế nữa, chị không chỉ động viên, nâng đỡ mà còn bao bọc, chở che, bảo vệ anh trong vòng tay đầy yêu thương của mình: 

Khi những điều giả dối vây quanh 

Bàn tay ấy chở che và gìn giữ... 

Chị đã đến với anh trong những năm gian nan, lận đận nhất của cuộc đời anh. Gia đình tan vỡ, thất nghiệp, nghèo túng, chán chường, đau khổ, bế tắc,... Những năm ấy không chỉ đơn giản là tìm kế sinh nhai mà còn là xác định hướng đi trong cuộc đời, lấy lại niềm tin vào chính bản thân. Được bao bọc trong tình yêu tuyệt vời của người vợ nhân hậu, đảm đang Lưu Quang Vũ đã lấy lại được "sức lực và cả sự bình tĩnh của tâm hồn", điều này được anh thổ lộ trong thơ: 

Anh có lại niềm vui và sức lực 

Nhờ em, cho em - đời sống của anh ơi... 

Và "như cây trụi lá mùa đông gặp mùa xuân về đâm chồi nảy lộc, Vũ vươn lên từ thành công này đến thành công khác..." (Đông Mai). Người phụ nữ tuyệt vời ấy đến với cuộc đời anh không phải "bước ra từ một tấm gương câm, từ một con tàu trong trí nhớ, từ một giấc mơ, một dòng sông hay lùm cây rực rỡ" mà chị đến với anh từ cuộc đời thật trong một ngày rất thực: "Em đến giữa một ngày trong những ngày sống thực của anh...", mang theo một hình hài rất sinh động với những vẻ đẹp chỉ có ở đời thường: 

Em treo áo mưa trên chiếc đinh ở tường 

Em bước qua bậc cửa, em ngồi ở bên bàn 

Bóng em lung linh, đêm không còn lạnh giá 

Em mua rau ở chợ về, em chụm diêm nhóm lửa... 

Trong thơ Lưu Quang Vũ hình ảnh người vợ được miêu tả rất trần thế, đời thường gắn với một hình dung, dáng hình cụ thể: vai em, mắt em, bàn tay, ngón tay, tóc lòa xòa,...: 

- Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng 

Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc ban mai 

- Em ở đấy, bàn tay tin cậy 

Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày 

- Em ngẩng đầu, mái tóc đen cắt ngắn 

Nhìn thấy đời anh nỗi khổ niềm vui 

- Sau cửa gương là đôi mắt yêu thương 

Ôi vai em mềm ấm biết bao nhiêu... 

Là người phụ nữ thông minh, nhân hậu và nhạy cảm, Xuân Quỳnh biết Lưu Quang Vũ đang cần những gì. Chị đã dành tất cả những gì mình có cho người yêu, bù đắp lại những thiệt thòi, bất hạnh mà anh đã gặp phải trong cuộc đời. Tinh yêu của chị dành cho anh luôn nồng nhiệt, đắm say. Chị luôn nâng niu, vun vén cho niềm hạnh phúc có thật trọng cuộc đời mình: 

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau 

Niềm vui sướng với em là lớn nhất 

Trái tim nhỏ nằm trong lòng ngực 

Giây phút nào tim đập chẳng vì anh. 

(Chỉ có sóng và em - Xuân Quỳnh) 

Và anh đã đón nhận tình yêu của chị sau những cơn bão lòng với thái độ trân trọng, giữ gìn: 

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh 

Điều mong ước đầu tiên, điều ở lại sau cùng 

Chúng ta đã đi bên nhau trên mặt đất 

Dầu chỉ riêng điều đó là có thật 

Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời. 

(Em) 

Và trong 15 năm gắn bó với nhau, họ luôn là điểm tựa cho nhau, khổ cực nhọc nhằn nhân lên thì hạnh phúc - tình yêu và sự nghiệp của họ cũng nhân lên theo. Và "tài sản" đáng quý mà họ tạo dựng được trong 15 năm hạnh phúc ấy là một đối thoại thơ ca rất đẹp về tình yêu, thật sâu sắc và mới mẻ. 

Khi Xuân Quỳnh làm thơ "Hát ru chồng những đêm không ngủ", thì Lưu Quang Vũ cũng làm "Thơ ru em ngủ". Đằng sau những lời ru êm đềm, sâu lặng ấy là một tình yêu luôn thiết tha, rạo rực: 

Ngủ đi em, trời xanh sau lá thưa... 

Em hãy yên lòng một lát thảnh thơi 

Ước chi lo mọi nỗi em lo, buồn mọi nỗi em buồn 

Cho phút này em được ngủ ngon... 

Người đi đường mệt mỏi ơi, ngủ đi cho lại sức 

Như chưa hề khổ nhọc, như chưa hề đắng cay 

Anh ở cạnh em đây 

Đừng sợ xa nhau nữa... 

Thế nhưng cuộc sống vốn muôn màu và biến đổi không ngừng, và tình yêu dù mãnh liệt, nên thơ thế nào đi nữa thì có lúc cũng bị "biến màu trong cuộc sống đời thường đầy chất văn xuôi" [20, 61]. Những năm tháng Lưu Quang Vũ rực sáng trên bầu trời sân khấu cũng là những năm Xuân Quỳnh mắc bệnh tim. về sau, khi con tim ngày càng đau nặng chị luôn mang tâm trạng khắc khoải, đau đớn, cô đơn vì cảm thấy mình vô nghĩa, bất lực trước quy luật nghiệt ngã của cuộc đời: 

Trái tim buồn sau lần áo mỏng 

Từng đập vì anh, vì những trang thơ 

Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ 

Chỉ có đập cho mình em đau đớn 

Trái tim này chẳng còn có ích 

Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè.., 

(Thời gian trắng - Xuân Quỳnh) 

Trái tim là biểu tượng cao nhất của tình yêu, hơn ai hết Xuân Quỳnh là người rất ưa sử dụng hình ảnh này để thay thế cho những điều tinh tế thầm kín trong đời sống tình cảm của mình. Trái tim của chị là một trái tim luôn khao khát yêu thương, khao khát sống để hiến dâng thế mà nay sự sống của chị phải tính đến từng nhịp đập của một trái tim đau, còn gì đau khổ hơn. Và trong những lý do làm cho con tim chị ngày càng nhức nhối, phải chăng có phần do Lưu Quang Vũ "tự thú": 

Có phải vì mười lăm năm yêu anh 

Trái tim em đã mệt?... 

Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn 

Trái tim lỡ yêu người con trai phiêu bạt... 

Người yêu ơi, cố nhíp tim nào buồn khổ vì anh? 

(Thư viết cho Quỳnh trên máy bay) 

Trái tim của hai người đã từng có lúc lỗi nhịp nhưng cuối cùng sau bao thăng trầm của cuộc sống đời thường trái tim của họ đã hòa chung nhịp đập. Và Lưu Quang Vũ lại đem đến cho Xuân Quỳnh những lời yêu thương tha thiết, thủy chung - nhưng không biết có muộn màng không: 

Trái tim em trong ngực anh rồi đó 

Hãy giữ gìn cho anh 

Đêm hãy mơ những giấc mơ lành 

Ngày yên tĩnh như anh đang ở cạnh... 

Trái tim hãy vì anh mà khỏe lại 

Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh. 

Vẫn là sự tiếp nối khúc ca tình yêu của ngày nào: "ngày của đời thường, ngày ở bên em" - "ngày yên tĩnh như anh đang ở cạnh"', "Dành cho em, thao thức của đời anh, Ngọn đèn sáng trên mặt bàn anh viết" - "Vở kịch dài, bài thơ hay nhất, Dành cho em, chưa kịp viết tặng em",... 

Có thể nói tình yêu của hai người nghệ sĩ tài hoa này là một bản hòa ca tuyệt vời, âm hưởng của nó mãi vang vọng không chỉ trong thơ ca mà cả trong cuộc sống đời thường vốn đa sắc, đa thanh này. 

1.2.3. Con người trong cõi mộng và bức chân dung tự họa của nhà thơ 

1.2.3.1. Con người trong cõi mộng 

Lưu Quang Vũ là một chàng trai rất đa cảm và nhiều mơ mộng. Cảm xúc của anh không chỉ bắt nguồn từ những vấn đề của đời sống thực với những con người của đời thường mà còn vượt ra khỏi phạm vi ấy. Đi suốt chiều dài thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi thấy tứ thơ, hình tượng thơ của anh thường bồng bềnh giữa thực và mơ, giữa thật và ảo, giữa tỉnh và mộng. Điều đó đã được anh phát biểu thành quan niệm: "Thơ để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phía trước". Vì đa cảm nên anh rất giàu tưởng tượng. Mà thơ cũng giống như họa, rất cần sự tưởng tượng, vẽ mà giống quá là mị đời, nó không phải là nghệ thuật, nhưng vẽ không giống là dối đời. về phương diện này, Lưu Quang Vũ là một họa sĩ đầy tài năng và sáng tạo. Vũ Quần Phương đã nhận xét: "Thế giới nghệ thuật trong thơ anh là thế giới của tưởng tượng" [20, 37]. Sự tinh tế của những cảm xúc thẩm mỹ, sự rung động trước các uẩn khúc của cuộc đời, những giao cảm trong tình yêu,... đã khiến cho thế giới nghệ thuật thơ anh lung linh, quyến rũ, dễ đi vào lòng người. Là một con người mang nhiều nỗi niềm nhân thế, Lưu Quang Vũ luôn trĩu nặng suy tư: "Tuổi thanh xuân trôi qua bằng những đêm trăn trở", "Anh xé quyển thơ anh viết mấy trăm dòng, Anh xé lòng anh những đêm mất ngủ", "Có một gã làm thơ da vàng, Không đêm nào ngủ được",... Trong những đêm trằn trọc suy tư ấy, Lưu Quang Vũ đã "nghiền ngẫm sự sống cả phần ánh sáng lẫn phần khuất tối", thơ đã nói hộ giùm anh những suy nghĩ, những mơ ước, cả những uẩn khúc của cuộc đời. 

Đêm là lúc cảm hứng sáng tạo tuôn trào mãnh liệt nhất, đặc biệt là đối với những nghệ sĩ mang tâm hồn cô đơn, "đau nỗi đau của mỗi trái tim người" như Lưu Quang Vũ. Đêm là hình thức tối ưu tạo điều kiện cho con người tự phát hiện và trình bày thế giới tâm linh của mình. Đêm là lúc người ta có thể đối diện với tâm hồn mình, dễ dàng phơi bày chiều sâu tâm trạng, vì đó chính là lúc "con người sống phần thực nhất". Đây chính là hình thức không gian và thời gian đặc biệt để xuất hiện những giấc mơ. Qua thống kê, chúng tôi thấy chữ "đêm" xuất hiện với tần số rất cao trong thơ Lưu Quang Vũ, 109 lần trong 121 bài thơ (trong quyển "Lưu Quang Vũ - thơ và đời"), với những biểu hiện rất phong phú: đêm dài, đêm sâu, đêm vắng, đêm nồng, đêm lạnh, đêm tối, đêm trăn trở, đêm lưu lạc, đêm lặng lẽ,...: 

- Anh là con ong bay giữa trời lận đận 

Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao 

- Tối đen thành phố đêm lưu lạc 

- Những con chim lạc mỏ dài... 

Cất tiếng kêu hoang dại giữa đêm nồng 

- Đêm tối đen chiều hoang buồn tủi 

- Chuyện dài đêm vắng rượu buồn say... 

Thậm chí có những bài thơ đêm trở thành hình tượng trung tâm của cả bài như: Hoa vàng ở lại, Bầy ong trong đêm sâu, Những ngọn nến,.... Không gian đêm trong thơ Lưu Quang Vũ sống động lạ kỳ: vầng trăng bạc, đuốc lửa trập trùng, những ngọn nến gầy thơm, những ngọn nến lấp lánh đáy sông, trời vòi vọi màu hoa huệ trắng, một chiếc lá khổng lồ đỏ thắm, những đảo đá, những bầy sứa trắng, lửa trộn mưa trong điệu nhảy quay cuồng,... Chính kiểu không gian này đã tạo nên cái lung linh, kỳ ảo trong thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. 

Đến với những bài thơ này của Lưu Quang Vũ chúng ta như lạc vào thế giới của tiềm thức, thế giới của những giấc mơ và mộng mị. Ở đó có những âm thanh, hình ảnh, con người,... hiện lên do nỗi buồn thực tại luôn ám ảnh: 

Những đêm thức nghẹn ngào nghe đất gọi 

Vây quanh mình bao gương mặt thân quen... 

(Đất nước đàn bầu) 

Khi tìm hiểu những bài thơ viết về những giấc mộng của Lưu Quang Vũ, chúng tôi rút ra một điều là phần lớn những bài thơ này được anh viết ra trong thời điểm chiến tranh, và đây cũng là giai đoạn mà Lưu Quang Vũ gặp nhiều bi kịch nhất trong cuộc đời mình. Nôvalit - nhà văn lãng mạn Đức thế kỷ XIX đã từng nói: "Muốn trốn thoát những điều kiện ngột ngạt của hiện thực thì phải tìm chốn trú ẩn nơi vương quốc của tưởng tượng". Lưu Quang Vũ cũng vậy, để vượt qua sự khủng hoảng, bế tắc của cuộc sống thực tại tối tăm, thảm đạm anh đã tìm đến thế giới của những giấc mộng để thanh lọc tâm hồn mình, bởi vì theo anh: 

Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày 

Trong hư ảo người sống phần thực nhất 

(Giấc mơ của anh hề) 

Nếu như các nhà thơ lãng mạn thường tìm đến với thế giới mộng tưởng để thoát ly thực tại, tìm sự ru ngụ ngọt ngào, hay chạy trốn chính bản thân mình,... thì Lưu Quang Vũ lại quan niệm: "Trong cơn mơ là cuộc đời thức dậy". Đến với mộng anh đã có dịp chất vấn, bới lật những vấn đề xã hội, nêu lên cảnh ngộ của những kiếp người lao khổ,... Vì vậy khi tìm hiểu những nhân vật hiện ra trong giấc mơ đêm trong thơ anh chúng tôi thấy anh chính là nhà thơ của những nỗi niềm thân phận con người. 

Với trí tưởng tượng bay bổng mãnh liệt, trong những đêm "Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ", anh đã để cho tâm hồn mình phiêu lưu vào thế giới của cõi âm, tạo ra một khung cảnh mông lung, kỳ ảo, siêu thực với những con người hư hư thực thực, khi ẩn khi hiện: "Nghi ngút khói quanh hình người ẩn hiện, Ai men tường lảo đảo dìu nhau, Ai lững thững đến sau,...". 

Hiện ra trong "Giấc mộng đêm" là cả thế giới, những số phận đau khổ, những hồn ma quá khứ, mỗi hình bóng là một con người với vẻ mặt đầy tâm trạng. Chỉ bằng vài nét bút, Lưu Quang Vũ đã vẽ nên chân dung của những con người hiện lên trong cõi mộng với những tư thế, dáng điệu, tâm trạng riêng rất sống động qua đó cũng làm nổi bật lên nỗi đau đớn, thống khổ của kiếp người: 

... Những bống gầy im lặng 

Người ngồi trên cửa sổ chênh vênh 

Người đứng sững khoanh tay buồn bã 

Những mặt tái nhìn tôi giận dữ 

Những nụ cười ràn rụa miệng run run... 

Đó là sự khái quát cả một nhóm người đại diện cho "nhân loại" cùng chịu chung số phận đau khổ nơi trần thế. Đoạn thơ trên làm ta liên tưởng đến bài thơ "Các vị la hán chùa Tây Phương" của Huy Cận. Mượn hình ảnh những bức tượng trong chùa Tây Phương được chạm khắc từ thế kỷ 18, Huy Cận đã vẽ nên những bức chân dung đầy đau khổ, bế tắc của ông cha ta... Ở đây biểu tượng tập trung sự đau khổ, bất lực mà Lưu Quang Vũ chú ý khắc họa là hai bức chân dung sau: Phật ngồi nhắm mắt 

Sườn trơ xương, ngực thở phập phồng 

Tay Giê-su máu chảy ròng ròng 

Bầy thiên sứ thổi kèn và đánh trống... 

Lưu Quang Vũ còn dựng lên cả một thế giới truyền thuyết, cổ tích đầy màu sắc kỳ ảo: 

Tôi thấy lại tích tuồng xưa mê mẫn 

Những ông tướng mất thành chết chém 

Bầy hồ ly hóa gái đẹp trêu ngươi... 

Những ả đào múa hát giữa sông khuya... 

(Giấc mộng đêm) 

Cả thế giới tuổi thơ huyền diệu cũng sống lại trong thơ anh: 

Gánh xiếc rong kèn trống ầm ì 

Dao kiểm sắc huơ lên trong nắng 

Con gấu đói đi hai chân lộn ngược 

Anh hề buồn thổi sáo mắt rưng rưng... 

(Giấc mộng đêm) 

Cõi tâm linh của anh dù bay bổng trong thế giới siêu thực, kỳ ảo nhưng bao giờ cái bản chất trần thế trong con người anh cũng luôn hiện diện, nó đòi hỏi một sự thấu suốt, lý giải, một sự trải nghiệm về những nỗi đau trần thế của kiếp người. Giấc mơ trong thơ Lưu Quang Vũ chỉ là một hình thức bộc lộ nhu cầu đối thoại trong sâu thẳm ý thức và cũng không ra ngoài nội dung bàn về những vấn đề của muôn đời: Sự sống, cái chết, nỗi buồn, niềm đau, lòng nhân ái, cái hư ảo của cuộc đời,... Trong vô số những nhân vật vừa lạ vừa quen, lúc ẩn lúc hiện được anh dựng lên trong cõi mộng ấy nổi lên chân dung Nguyễn Du, một con người được coi là biểu tượng tập trung của những nỗi đau trần thế: 

Bỗng sừng sững một ông già cao dỏng 

Áo the xanh bạc phếch 

Ống tay dài phát phơ 

Gương mặt đa tình, khoe miệng xót xa 

Vai gầy, trán rộng 

Có phải Nguyễn Du 

Mắt buồn thăm thẳm 

Nhìn tôi nói những lời nghiêm khắc: 

"Anh chớ ngại con đường gian khổ nhất 

Đau nỗi đau của mỗi trái tim người 

Để thơ anh mang lửa đến cho đời 

Trên chữ "tài", chữ "tâm" kia phải lớn" 

Trong miền sâu thẳm của cõi tâm linh, anh đã tìm gặp được một tâm hồn đồng điệu, luôn khắc khoải không yên với những nỗi niềm nhân thế, một nỗi khát khao về những giá trị vĩnh hằng của sáng tạo nghệ thuật. 

Hiện lên trong không gian tâm tưởng của anh còn là nhân dân anh hùng, là những đồng đội ngày xưa nay đã thành người cõi khác: 

Mẹ già Vĩnh Linh chị gái Quảng Bình 

Dưới hầm chật nhường tôi ca nước mát 

Giờ đi lại quanh mình tôi nóng rực 

Những đồng đội ngày xưa... 

Cõi siêu thực của tâm linh mà anh hướng đến ấy cuối cùng cũng chỉ là nơi tận cùng của những đau đớn, chiêm nghiệm về hiện thực. Quá khứ đau thương được tái hiện trong đêm, những cái chết của đồng đội hiện về nhức nhối, dày xé tâm can anh: 

Mình đã chôn Thủy lại giữa rừng 

Tấm chăn cũ đắp thay vải liệm 

Ngực đẫm máu còn nguyên vết đạn 

Mưa ướt đầm trên gương mặt xanh xao 

Hùng chết giữa trời cao 

Trong chiếc Mig bị quân thù bắn cháy 

Dù không mở, bọn mình tìm chẳng thấy 

Xương thịt Hùng lẫn với đất nâu 

De trúng bom khi vượt sóng chữa cầu 

Tin đến chậm cuối năm mình mới biết... 

Cảm nhận về thân phận con người còn được thể hiện qua trạng thái cô đơn, bất lực của bản thân nhà thơ trước những vấn đề do chính anh đào xới ra: 

Muôn người chết đứng lên cùng kẻ sống 

Những cánh tay như dấu hỏi chìa ra 

Những cánh tay như buồm thẳng vươn xa 

Trên biển rộng đợi một lời giải đáp 

Tôi muốn nói nhưng bốn bề gió lốc... 

Phải chăng tìm ra lời giải đáp ấy cũng chính là lý giải được nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ của những thân phận hiện ra trong giấc mộng đêm ấy. Thế nhưng ở nơi "Đáy vô thức rong rêu nằm ủ rũ" của mình, Lưu Quang Vũ đành bất lực. Vì thế những nhân vật ấy luôn bị quay cuồng trong một vũ điệu bi kịch đầy tuyệt vọng: 

Lửa trộn mưa trong điệu nhảy quay cuồng 

Những mặt người như những quả chuông 

Sáng loe chớp giật. 

Trong bài thơ "Giấc mơ của anh hề", Lưu Quang Vũ đã đưa người đọc vào thế giới tinh thần của những con người ở "dưới đáy xã hội", mở ra một chiều sâu cảm xúc: 

Giấc mơ của anh hề 

Mơ mình thành triệu phú 

Ấc-lơ-canh nghèo khổ 

Mỉm cười sau tấm màn nhung 

Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn 

Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ 

Thằng bé mồ côi lạnh giá 

Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ... 

Ẩn đằng sau những lời thơ có vẻ khách quan ấy là cả một tâm hồn đa cảm, yêu người và hiểu người. Sự đắng cay nghiệt ngã của thân phận những con người nghèo khổ được anh thấu suốt, anh miêu tả những ước mơ của họ với một thái độ trân trọng pha lẫn xót thương. 

Thế giới nhân vật hiện lên trong cõi mộng của Lưu Quang Vũ rất phong phú, đa dạng gồm đủ các hạng người: từ những con người bình thường đến những bậc vĩ nhân, từ những con người của đời sống đến những nhân vật của sáng tạo nghệ thuật, từ những nhân vật có thực đến những nhân vật siêu thực... Những nhân vật ấy bao giờ cũng mang tâm trạng buồn khổ, cô đơn. Điều đó phải chăng do Lưu Quang Vũ luôn được "nhào nặn" trong nỗi buồn, vì trải qua nhiều thảm kịch của cuộc đời. Phần lớn những bài thơ này đều được Lưu Quang Vũ viết ra trong thời điểm chiến tranh nên nó gợi cho người đọc cảm giác về một thế giới bị đảo lộn, tàn khốc, vô lý: 

Bây giờ 

Người sao Hỏa mắt đèn pha 

Lưỡi dài bạch tuộc 

Đã tràn xuống đen ngòm mặt đất 

Cánh tay ai 

Mọc trên tường đá rắn 

Ai dấu dao găm trong áo choàng 

Đi giữa những hình Manơcanh... 

(Bây giờ) 

Vì thế những nhân vật trong cõi mộng của anh luôn hiện ra trong sự phi lý, khác thường: 

Các cô gái như mèo cười rú 

Ông luật sư ăn mày cửa chợ 

Phật Thích Ca đẩy xe bán cá 

Cãi nhau với bác hàng thùng... 

(Móng tay trên đá) 

Không gian trong thơ Lưu Quang Vũ bao giờ cũng là không gian mặt đất và những nhân vật của anh dù là siêu thực vẫn mang bản chất của con người đời thường. Vì thế Huỳnh Như Phương đã nhận xét về Lưu Quang Vũ như sau: "Anh là kẻ mộng du đi giữa trần gian đầy biến động và cũng là người gắn bó với trần gian ngay trong những giấc mơ" [20, 107]. Khát vọng khám phá cuộc sống, khám phá thế giới tinh thần của con người, và những cảm nhận về thân phận con người về sau được anh thể hiện tập trung trong một thể loại khác, đó là kịch. Khác với thơ, trong các vở như "Hồn Trương Ba- da hàng thịt", "Lời nói dối cuối cùng", "Người trong cõi nhớ",... không gian và thời gian được anh dựng lên rất đa dạng, con người có thể thông thương với 3 cõi: mặt đất, âm phủ, thiên đường. Nhưng trong thơ cũng như trong kịch, giữa cảnh tranh tối, tranh sáng, nửa hư nửa thực ấy, các nhân vật hiện lên trong sự giao tranh giữa tốt và xấu để cuối cùng lẽ sống, lẽ làm người, khát vọng hoàn thiện con người và hoàn thiện cuộc sống được tác giả khẳng định một cách say sưa. 

Không chỉ đề cập đến những thân phận đau khổ trong giấc mộng đêm, ở mảng thơ này Lưu Quang Vũ còn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của anh qua những nhân vật lý tưởng hiện lên trong giấc mộng thơ ca và tình yêu. Sự hiện diện của những nhân vật này đã làm cho thế giới nghệ thuật thơ anh lung linh, quyến rũ đầy đắm say, hư ảo. Đó chính là hình ảnh của nàng Thơ, hình ảnh của người yếu lý tưởng, của những "người đàn bà không có tên", lúc ẩn, lúc hiện bàng bạc trong các trang thơ anh. 

Thi nhân Đông Tây kim cổ đều không xa lạ với cái đỏng đảnh, chập chờn, hư thực của Nàng Thơ. Octaviô Paj đã từng viết: "Thơ len vào giữa có và không: Thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói... Thơ tự nói và tự nghe: Thơ cố thật. Và tôi vừa nói "thơ có thật", thơ liền biến mất". 

Nàng Thơ của Lưu Quang Vũ độc đáo ở chỗ có một gương mặt cụ thể - cái cụ thể của một ảo ảnh - ám ảnh suốt đời thơ anh, đó là: "Gương mặt đẹp chập chờn sau lọ mực", "Người đàn bà không tên", "Người đàn bà chơ vơ", "Người đàn bà đội mũ nồi đàn ông, Áo mưa xám lang thang thành phố lạ", "Người đàn bà cầm trái táo, Mặc áo xanh đi dưới biển lá cây vàng",... Bấy nhiêu hình ảnh đủ để gợi lên cái bí ẩn, xa vời, kỳ lạ mà mê hoặc của hình bóng người đàn bà - nàng Thơ. 

Bao giờ, người đàn bà - nàng Thơ ấy cũng xuất hiện trong một khung cảnh đầy ắp các yếu tố mang sắc thái hư ảo, xa xôi: Những bãi bể chênh vênh kè đá, trên bãi bể thời gian, biển khơi, thành phố lạ, những nhịp cầu, những cửa kính mờ sương, những ngọn lửa mong manh kè đá, biển lá vàng đang nổi gió,... Kiểu không gian này có tác dụng tô đậm cái bí ẩn, mê hoặc và xa vời của gương mặt Nàng Thơ. 

Gắn với một gương mặt, một hình dáng cụ thể, song đầy biến ảo, xa vời, thế giới thơ ca ấy mang vẻ đắm đuối, mê hoặc của thơ tình. Đây là tình yêu anh dành cho một người con gái cụ thể, bằng xương bằng thịt, có thật trong đời anh: "Rối rít trong lòng một nỗi em em". Còn đây vẫn là cái rối rít, cuống quít, nồng nàn yêu thương dành cho Nàng Thơ: "Em em là mây trắng của đời tôi", "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi",... Tình yêu Lưu Quang Vũ dành cho Nàng Thơ cùng cung bậc dành cho người đàn bà có thật, và đều ở cung cao nhất, mãnh liệt nhất: "Chỉ tin nơi nào có em đến ở. Chỉ sống bằng hen thở của em thôi", "Tôi sống bằng khoảng rộng ở nơi em"... Và cho dù trong hạnh phúc hay đau khổ, trong hy vọng hay tuyệt vọng, Lưu Quang Vũ cũng đều dành cho nàng Thơ, cho người tình- có thật lẫn tưởng tượng- những lời thơ nồng nàn, say đắm nhất. Hình ảnh những người "đàn bà không tên" hiện lên trong cõi mộng tưởng, hư vô đã thể hiện sự mơ ước về một vẻ đẹp hoàn thiện của một người tình lý tưởng, sự khát khao ẩn ức vô hình mà anh không thể nào nắm bắt được, đó là một sự cứu rỗi cho tâm hồn nhiều cô đơn, đau khổ của anh. 

1.2.3.2. Bức chân dung tự họa của nhà thơ 

Khi nghiên cứu về "hình tượng cái tôi" trong thơ Xuân Diệu, Lê Quang Hưng đã khẳng định: "Khi sáng tạo của nhà thơ đã tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ thì tất yếu trong thế giới nghệ thuật ấy có hình tượng cái tôi và hình tượng này đóng vai trò nhân vật trung tâm" [16- 36]. Hay nói cách khác, cái tôi-chân dung tinh thần của nhà thơ- là đối tượng bộc lộ nhiều phương diện của thế giới nghệ thuật nhất. Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ rất phong phú, sinh động cho nên chân dung tinh thần của anh hiện lên trong thơ cũng với rất nhiều dáng vẻ, cứ xuyên suốt, bàng bạc trong các trang thơ anh. Và ở mỗi chặng đường thơ thì bức chân dung ấy lại được vẽ bằng những găm màu riêng: màu hồng, màu xanh, màu xám, hay đa màu. 

Thơ Lưu Quang Vũ là kiểu thơ bộc bạch, giãi bày. Cái tôi trữ tình xuất hiện nhiều ở dạng tự quan sát, thể nghiệm mình. Điều này được thể hiện qua sự xuất hiện hàng loạt những đại từ nhân xưng trong thơ anh: tôi, ta, anh, ở một số bài khác thì con, ba. Dù với hình thức gì đi nữa thì đó cũng chính là cái tôi tự bộc lộ. Đặc biệt trong phần thơ "Hương cây" có 20 bài thì cả 20 bài đều có chữ "ta", mà không hề thấy bóng dáng của chữ "tôi", điều này hoàn toàn thống nhất với cảm xúc thơ anh. Lúc này anh còn là một chàng trai trẻ mới bước chân vào cuộc sống chiến đấu nên những buồn vui riêng của anh đều hòa vào tập thể, vào tình cảm chung của đất nước. Vì thế hình ảnh anh bộ đội trong tập thơ này cũng chính là hình ảnh của cái tôi tự biểu hiện. về sau "khi nhận thức xã hội sâu hơn, nhất là nhận thức được chính anh, khám phá ra anh" [20, 41], thơ anh bớt dần đi chữ "ta" mà thay vào đấy là chữ "tôi", chữ "anh". Qua thống kê trong hai tập thơ "Bầy ong trong đêm sâu" (40 bài), "Mây trắng của đời tôi" (30 bài) và khoảng 30 bài thơ riêng lẻ khác, chúng tôi thây chữ "tôi", chữ "anh" xuất hiện rất nhiều trong thơ Lưu Quang Vũ, hầu như ở bài nào cũng có, với tần số dày đặc: chữ "tôi" 284 lần, chữ "anh" 261 lần. Điều đó khẳng định thơ Lưu Quang Vũ chính là thơ bộc lộ nỗi niềm, giãi bày tâm sự, là sự trang trải nỗi lòng của anh với đời. 

Theo Phong Lê thì "Thơ chính là diện mạo tâm hồn con người, là sự chiêm nghiệm tận thâm sâu những buồn vui của cuộc đời" [40, 435]. Khi tìm hiểu thơ Lưu Quang Vũ chúng tôi thấy cuộc đời anh được thể hiện rõ qua các chặng đường thơ. Có thể nói đời người và đời thơ của anh gắn liền nhau như hình với bóng. Qua thơ người đọc có thể thấy được mọi vui buồn, được mất trong cuộc đời anh, mọi sắc thái tình cảm, cảm xúc trong tâm hồn anh. Trong thơ ca nói chung cái tôi trữ tình không phải bao giờ cũng đồng nhất với cái tôi của nhà thơ, mà chỉ là sự thống nhất. Nhưng với phần lớn thơ Lưu Quang Vũ thì cái tôi trữ tình cũng chính là cái tôi của nhà thơ, là một "hình thức bộc lộ trực tiếp cảm xúc trong thơ", hay nói cách khác đó cũng chính là bức chân dung tự họa của nhà thơ. 

Trong sáng tạo nghệ thuật, sự rung động đầu tiên bao giờ cũng bắt nguồn từ những cảm xúc thành thực. Một cái tôi đích thực là một cái tôi luôn dũng cảm trình bày trạng thái thực của tâm hồn mình. Cái tôi Lưu Quang Vũ là như thế. Nhìn chung có thể thấy chân dung anh hiện lên trong thơ trước hết là một con người rất thành thực. Anh thành thực bộc lộ những tình cảm chủ quan của mình, bộc lộ những nhu cầu, những khát vọng, kể cả những cay đắng thất vọng của bản thân mình. Hành trình thơ Lưu Quang Vũ là hành trình tìm chính bản thân mình. Câu hỏi "Ta là ai? Ta đến làm gì?", "Ta đến làm gì, ta sẽ đi đâu?", "Anh là gì của em, Con người là gì đối với nhau?" (Bài hát trong một cuốn phim cũ) không chỉ ám ảnh anh mà đã từng làm nhức nhối tâm khảm của con người hàng nghìn năm nay. 

Lưu Quang Vũ đã từng trải qua nhiều đau khổ, mất mát, vì thế anh luôn mang tâm trạng buồn bã, cô đơn. Tâm trạng ấy đã đi vào thơ anh, đặc biệt là thơ giai đoạn những năm 70-72. Anh đã từng nói thật tâm trạng của mình, nghe mà thương mà tội: "Tôi chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh, Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao?". Sự chiêm nghiệm hiện thực thời chiến cùng với những đau khổ riêng tư đã khiến cho thế giới con người trong thơ anh thu hẹp lại, nhà thơ khái quát cuộc đời từ cảnh ngộ của riêng mình, anh đối diện với tâm trạng của mình, với cái tôi của mình để khai thác nó. Có lúc anh đã chạm đến tận cùng nỗi cô đơn: 

Tôi là đứa con cô đơn khỉ ngồi cạnh mẹ 

Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào 

Bàn chân hể nghi giữa đường phố lao xao... 

Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn... 

Nỗi cô đơn hoàn toàn, nỗi cô đơn khủng khiếp 

Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách... 

(Mấy đoạn thơ) 

Xung quanh anh không có lấy một niềm đồng cảm, cái tôi của anh thấy rõ mình bị biệt lập trong không gian, trong thời gian, luôn cô đơn, lẻ loi. Nỗi buồn, cô đơn luôn ám ảnh anh, có lúc đã đẩy anh vào sự bế tắc, không biết nương tựa vào đâu: 

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát 

Không biết làm gì không biết đi đâu!

(Có những lúc) 

Sân khấu cuộc đời bày ra trước mắt anh không phải như điều anh hằng mong ước trước kia: "Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp, Ngồi trong rạp hát đợi màn lên", hay như vườn địa đàng thuở "Hương cây": "Trong thành phố có một vườn cây mát, Giữa triệu người có em của ta". Mà anh thấy cuộc đời lắm lúc hiện ra trước mắt anh "như một mụ già dâm đãng, Một mớ dấy thừng bẩn thỉu rối ren". Anh cay đắng nhận ra sự tồn tại của mình trong một thời đại đầy bi kịch: 

Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược 

Biết trông đợi gì, biết tin cậy vào đâu 

Và anh tự ví mình như con ong: 

Anh là con ong bay giữa trời lận đận 

Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao 

Hay có lúc anh thấy: 

Đêm như biển bờ bóng tối rất thâm sâu

Đời cũng giống như biển kia anh lại giông con tàu 

Tàu anh đi hoài trên biển vắng 

Mong tìm được một bóng hình bè bạn 

Đến bây giờ anh gặp được tàu em 

Ai ngờ tàu em lại là tàu cướp biển 

Em cướp hết cuộc đời anh em lấy hết 

Trói anh vào cột buồm của tình yêu... 

(Bầy ong trong đêm sâu) 

Bế tắc trong cuộc đời, mong tìm đến tình yêu để ẩn náu thì ngờ đâu lại chỉ gặp toàn đắng cay chua chát. Tâm trạng của anh làm chúng ta liên tưởng đến tâm sự của Maiakovski: "Vấp đời phàm tục tan vỡ chiếc thuyền tình". Sau lần đổ vỡ thứ nhất anh đành đau đớn nói lời từ biệt: Hai ta không đi một ngả đường dài 

Không chung nỗi đau không cùng nhịp thở 

Những gì em cần anh chẳng cổ 

Em không màng những ngọn gió anh trao... 

(Từ biệt) 

Tìm đến với cuộc tình thứ hai cũng chỉ gặp toàn trái đắng, thơ anh không tránh khỏi nuối tiếc, chua chát vì: "Chúng ta gặp nhau quá muộn trong đời" và vì: "Chúng ta cách nhau như buổi sáng cách buổi chiều, Chẳng dám mong một lần gặp gỡ". Và anh đã đi đến cùng sự tan nát, đổ vỡ: “Tôi còn gì mà đau khổ nữa em". Anh như con chim bị tên sợ cành cây cong, nên "Quen thất vọng tôi hồ nghỉ mọi chuyện". Thế nhưng vì "tâm hồn anh là một thể phức hợp những đối cực và nghịch lý", vì thế "lẫn lộn trong anh là một tâm trạng vừa tuyệt vọng vừa hy vọng, vừa hoài nghi lại vừa khao khát niềm tin" [20, 107], cuối cùng bao giờ anh cũng chiến thắng nỗi cô đơn để vươn lên lấy lại niềm tin yêu cuộc sống. Tình yêu đưa đến cho anh nhiều đắng cay thất vọng, và cũng chính tình yêu "là nhịp cầu để anh bước qua vực thẳm, là cơ may để Lưu Quang Vũ giải hòa với thế giới" (Huỳnh Như Phương). Anh đã tìm được một người khiến anh có thể nói lời khẳng định: "Anh yêu em và anh tồn tại". Người ấy đã khâu kín những vết thương lòng của anh, xoa dịu nỗi đau nơi anh, và lòng anh lại nguyên lành như buổi sớm mai: 

Anh đã khổ đau, khổ đau dài hơn số tuổi 

Vẫn trong lành khi em đến cầm tay 

(Anh đã mất chi, anh đã được gì) 

Và cũng chính người ấy đã giúp anh lấy lại niềm tin yêu cuộc sống: Biết ơn em, em từ miền gió cát 

Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng 

Anh thành người có ích cũng nhờ em 

Anh biết sống vững vàng không sợ hãi 

Như người làm vườn, như người dệt vải... 

(Và anh tồn tại) 

Nỗi khao khát yêu đời, yêu người lại bùng cháy trong anh. Con người từng buồn nản, cô đơn ấy lại phát biểu: "Tôi không muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn". Trong cơn khủng hoảng bởi những biến động của xã hội và gia đình vào những năm 70, anh luôn có cảm giác bị bủa vây trong cô đơn, ngăn cách với con người bởi "những bức tường dựng đứng", "phía nào cũng hàng rào trước mặt",... khiến có khi anh đành bất lực thốt lên: "Tôi khao khát yêu người, Mà không sao yêu được", hay trong những lúc anh muốn "xuôi tay đuối sức" thì anh vẫn trở lại với bản chất con người của anh, với những "yêu thương khao khát cửa đời anh", dòng nhựa sống trong anh vẫn dạt dào tuôn chảy: Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm 

Một cái gì như nhựa thắm trong cây 

Một cái gì trắng xóa tựa mây bay 

Là hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt... 

(Có những lúc) 

Và sau đó anh đã biết cách "Tin yêu cuộc đời theo cách cửa riêng tôi". Cho nên "Dẫu bao người làm tôi thất vọng, Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi". 

Các câu thơ yêu đời, yêu người, khao khát vượt lên số phận kiểu này còn được tìm thấy trong nhiều bài thơ khác của anh: "Anh vẫn như ngày mười bảy tuổi, Ngực bồn chồn ao ước, Như chưa hề có chuyện khổ đau", "Anh đã khổ đau, khổ đau dài hơn số tuổi, vẫn trong lành khi em đến cầm tay",... Chính những câu thơ này đã góp phần thể hiện cái đa dạng trong sắc điệu tình cảm của nhà thơ, làm cho bức chân dung tinh thần của anh hiện lên trong thơ với nhiều góc độ. 

Có thể nói hình ảnh con người hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ rất da dạng và sống động, và chính điều này đã góp phần quan trọng tạo nên bề dày của thế giới nghệ thuật thơ anh. Và bề dày của "thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" còn được tạo dựng từ những nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào nơi anh, với những cảm nhận riêng biệt, độc đáo, không dễ lẫn.

Năm 2003

Nguyễn Thị Hồng Hoa
Theo http://lib.hcmup.edu.vn:8080/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...