Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Huế, thi ca và tôi

Huế, thi ca và tôi

Đất Thần Kinh trai hiền gái lịch 
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng 
Tháp bảy tầng, miếu Thánh chùa Ông 
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa 
Cầu Trường Tiền mười hai nhịp bắc qua 
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình 

Huế - vùng đất mộng mơ, đã lắng sâu trong tiềm thức của tôi với tình cảm thân thương, đằm thắm. Hầu hết mỗi người trong chúng ta đều được một lần nghe nói đến sông Hương, núi Ngự, thôn Vỹ Dạ, chùa Thiên mụ, cầu Tràng tiền… qua những khúc tình ca đã viết về cố đô thân yêu này… 

Ai ra xứ Huế thì ra 
Ai về là về núi Ngự 
Ai về là về sông Hương 
Nước sông Hương còn vương chưa cạn 
Chim núi Ngự tìm bạn bay về 
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ lắm chi 
Ai ra xứ Huế thì ra 
Ai về là về Vỹ Dạ 
Ai về là về Nam Dao
Dốc Nam Dao còn cao mong đợi 
Trăng Vỹ Dạ ngọt lời câu thề 
Người tình quê ơi người tình quê có nhớ xin trở về… 

(Ai ra xứ Huế - Duy Khánh) 

Huế buồn, Huế đẹp, Huế thơ... sao lại để cho tôi trăm ngàn lưu luyến, vấn vương! Mỗi lần nghe nhắc về Huế, là mỗi lần nhớ đến Huế, là nhớ về một vùng ký ức xa xôi, nhớ đến não lòng… Huế đến với tôi lần đầu tiên khi tôi bước vào lứa tuổi ô mai đầy mộng mơ, trong mùa hè đỏ lửa 1972. Năm đó Đông Hà rồi cổ thành Quảng Trị thất thủ. Máu loang như màu phượng đỏ trên Đại Lộ Kinh Hoàng, trên con đường số 1 từ Mỹ Chánh ra Quảng trị với sự tàn sát dã man của đoàn người tản cư chen chúc. «Một người lính dù, nước mắt chan hòa, đứng lặng giữa hàng trăm, hàng ngàn xác chết, bên cạnh nững chiếc xe đạp, xe gắn náy nằm ngổn ngang, chỏng gọng… Những chiếc xe jeep, xe hồng thập tự, vết đạn xuyên lỗ chỗ. Ngọn gió Lào nóng rát mặt đẩy đưa cánh cửa xe cho thấy những xác người nằm trên băng ca… Có bộ xương em bé nằm trên bộ xương người mẹ dưới bụi gai. Có xác khô đét như người tiền sử… có xác nằm sấp, có xác nằm co… Tất cả im lặng. Không có tiếng nguời, không có tiếng chim…» (Trích đoạn «Những oan hồn trên Đại lộ Kinh Hoàng» - Trần Đức Tường). Sau lần chứng kiến đau thương đó, Ba tôi được lệnh dời tiểu đoàn quân y về đóng quân ở cây số thứ 17 Hiệp Khánh - Phú Bài - Huế. 

Và mảnh đất thần kinh này bỗng dưng đã trở nên quen thuộc và thân thương với tôi… Ba tôi cũng bị "chinh phục" bởi Huế. Người thường tâm sự rằng: "Tuy rằng quê quán ở Kinh Bắc, nơi quê hương quan họ; tuy rằng sinh sống ở Sài gòn, nhưng bây giờ có ai hỏi tôi, nơi nào ở Việt Nam tôi nhớ nhất thì tôi sẽ trả lời là "Huế". Nhiều người hỏi tôi, có mối tình nào ở miền Sông Hương, Núi Ngự. không? Thực tình thì không phải như vậy. Có lẽ là suốt 10 năm đi lính Nhảy Dù, tôi đã đổ ra rất nhiều mồ hôi và đôi khi cả máu mình cho vùng đất thơ mộng nhưng cũng nhiều đau thương nghèo khó này..." Tôi cũng thế. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sàigòn phồn hoa đô thị nhưng lại yêu thích cố đô cổ kính này. Tuy tôi biết Huế dưới khói lửa chiến tranh tàn khốc nhưng ở đây, từ những đường mái ngói cong cong hoang tàn đổ nát của thành nội, từ những tường đá rêu phong của đền đài, chùa chiền lăng tẩm đến dòng Hương giang nước xanh biếc lững lờ trôi, và núi Ngự bình chìm trong sương khói, mơ màng với gió trăng; tất cả đều mang một nét đẹp đắm say như một bức tranh họa đồ diễm tuyệt của thiên nhiên 

Đường vô xứ Huế quanh quanh 
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ… 

(Ca dao) 

Vì thế mà tôi đã quyến luyến Huế, quyến luyến một vùng đất của dáng Huế thơ, một bầu trời của chất Huế nhạc và một thế giới của tâm Huế tịnh yên nhưng quật cường bất khuất… 

Đi mô cũng nhớ quê mình 

Nhớ Hương giang nước biếc, nhớ Ngự bình trăng trong 

Sông Hương, xưa còn có tên là Kim Trà hay Lư Dung. Từ lâu nó nổi tiếng là con sông thơ mộng của Huế cố đô. Nó có hai nguồn: tả trạch và hữu trạch. Tả trạch là hồ nước bên trái. Hữu trạch là hồ nước bên phải. Tả trạch và hữu trạch giao nhau tại ngã ba Tuần. Từ ngã ba tuần trở đi, sông Hương lững lờ. Có nơi mặt nước trong xanh suốt đáy, êm ả như mặt nước hồ thu. Nó uốn lượn qua các đồi Vọng Cảnh, e lệ nép mình vào ngọn Ngọc Trần, thong thả qua bãi Lương Quán, soi bóng tháp Thiên Mụ, khu lăng tẩm cổ kính, bóng đồi Long Thọ. Sóng võ cồn Gia Viễn, buông nhẹ qua thành phố Huế xinh xinh, qua các ruộng vườn phì nhiêu, làng xóm đông vui, sau đó lại vòng qua ngã ba Sềnh đưa nước ra cửa Thuận An. 

Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn 
Chéo qua Ngọc Trãn đến vạn Kim Long 
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành 
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngã nghiêng 

(Ưng Bình Thúc Giạ Thị) 

Những tháng ngày ở Huế, có lẽ do bản tính tôi đa sầu đa cảm từ hồi bé thơ cho nên dòng sông Hương có một sức quyến rũ đối với tôi một cách lạ thường. Tôi thường thích ngồi trên những bậc thang rêu phong của chùa Thiên Mụ để ngắm nhìn sóng nước Hương Giang dưới cảnh chiều tà dần buông… Thiệt đẹp lắm! Nhìn mặt nước óng ả những giọt nắng cuối cùng, tôi để tâm hồn mình lâng lâng vào trong một thế giới mơ huyền của mùa trăng. Rồi dưới ánh nguyệt tĩnh mịch mơ màng đó, thoang thoảng trong gió âm vang những câu hò mái nhì Huế trầm lắng u hoài. Soi bóng dòng Hương những chiếc đò chuyên chở những cung điệu Nam Ai, Nam Bình não nề ai oán nặng tình yêu thương non nước. Chiều chiều, trước bến Vân Lâu 
Ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm 
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông 
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non… 

(Ưng Bình Thúc Giạ Thị) 
Tôi đã không biết có tự bao giờ nhưng người dân Huế thường tự hào rằng sông Hương là trái tim, là linh hồn, là chiếc nôi của văn hoá nghệ thuật độc đáo của đất nước thần kinh này… Tôi thấy sông Hương xinh đẹp dịu dàng như những o Huế, chảy vào tận đáy sâu của tâm hồn khiến cho Huế trở nên thơ. Và con sông đã từng chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm của Huế qua những thời đại nhục vinh trở nên nguồn cảm hứng diệu kỳ vô tận. Bao tao nhân mặc khách đã đề bút cho dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, của nghệ thuật xứ Huế này. Thi hào Nguyễn Du đã từng cảm tác về sông Hương rằng: Hương giang nhất phiến nguyệt 

Kim cổ hứa đa sầu 

Sông Hương một mảnh nguyệt 

Lai láng sầu cổ câm 

Hương giang cũng được vua Thiệu trị đề thưởng mấy dòng sau:
Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ 

Sóng hoa do luyến kết vân anh 

Cây cối hai bên bờ sông còn đẫm sương 

Hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ 

Trên sông nước Hương Giang, đêm về là cả một thế giới đầy thơ mộng và hết sức quyến rũ, đầy dẫy những con đò tình xuôi ngược trên sông, hòa trong tiếng mái chèo khua đọng, văng vẳng một giọng hò mái nhì tình tứ, thiết tha: 

Thuyền về Đông Ba, thuyền qua 
Đập Đá Thuyền từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sềnh 
Lờ đờ bóng ngã trăng nghiêng 
Giọng hò mái đẩy nhắn tình nước non 

Nhà thơ Tôn Thất Phú Sĩ cũng đã từng hoài mơ được «xuôi dòng Hương Giang» 

Mây lơ lững trôi theo dòng nước chảy 
Mái chèo đưa khua dợn sóng đôi bờ 
Xin lặng thinh nghe giọng hò lơ lẵng 
Tự xa xưa như muôn kiếp ai chờ 

Quả thật, Huế vốn nổi tiếng với dòng âm nhạc dân gian, với những làn điệu dân ca trữ tình như điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người dân xứ Huế hiền hòa; những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang… 

Bước qua xứ Huế đã lâu 
Chưa phai kỷ niệm chìm sâu thuở nào 
Chân đi ghi dấu Nam Dao 
Trường Tiền bao nhịp tôi bao dạ sầu 
Tiếng tiêu vang vọng Văn Lâu 
Hương Giang nước biếc đêm thâu giọng hò 
Lời này nhắn gởi đến o 
Trăm thương ngàn nhớ điệu hò trong tôi. 

Việt Hải - Huế, Em tôi 

Dòng nhạc này mang đầy âm hưởng của những câu ca dao nặng tình yêu thương quê hương đất nước. 

"Núi Ngự Bình trước tròn sau méo 
Sông An Cựu nắng đục mưa trong. 
Dẫu ai ăn ở hai lòng 
Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng" 

Bên cạnh đó, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng gọi là nhạc Lễ hay nhã nhạc như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Nhã nhạc cung đình Huế có một giá trị nghệ thuật cao. Giáo sư Trần Văn Khê đã từng giải thích: 

"Nhạc khí dùng trong nhạc cung đình rất đẹp trong hình thức, đóng ráp kỹ, chạm trổ khéo, đầy đủ màu âm, có tiếng kim, tiếng thổ, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng đồng, tiếng đá, tiếng da, tiếng mộc. Dàn nhạc đa dạng: Đại nhạc gồm đại hồng chung, trống đại, trống võ, bồng, mõ, thanh la, chập chõa, sinh tiền, kèn, nhị; Tiểu nhạc (hay Nhã nhạc) có đàn dây tơ: đàn nguyệt (2 dây), đàn tam (3 dây), tỳ bà (4 dây), đàn nhị (2 dây có cung kéo); có 2 sáo trúc, trống bảng một mặt, 3 thanh la nhỏ, sinh tiền. Việc thành lập những dàn nhạc không quan tâm đến số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng và sự phối hợp màu âm: trong nhã nhạc, khi các nhạc công hòa tấu ta vẫn nghe rõ tiếng của từng cây đàn: tiếng chững chạc, trang nghiêm của đàn nguyệt, tiếng chuyền tiếng phi bay bướm của tỳ bà, tiếng trong vắt, vuốt ve nên lời dịu ngọt của đàn nhị, tiếng đục khi vê khi khảy của đàn tam, tiếng nỉ non, vi vút của hai chiếc sáo trúc, tiếng kim của tam âm la, tiếng mộc của sinh tiền, tất cả nhạc khí đồng theo tiếng nhịp của trống bảng khi khoan khi nhặt, khi vào nội phách, khi ra ngoại phách, tấu lên 10 bài Ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, lần lần dồn dập của mấy bài Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, rộn rã từ Xuân phong qua Long hổ, đi đến náo nhiệt như tiếng vó ngựa phi trong bài Tẩu mã. Thang âm điệu thức đa dạng, tiết tấu phong phú, bài bản dồi dào (1)

(1) Trần Văn Khê, tham luận đọc tại Hội thảo quốc tế Nhã nhạc cung đình Huế, Huế, 26-27 tháng 8-2002: "Giá trị lịch sử và nghệ thuật của Nhã nhạc cung đình Huế", tạp chí Kiến thức ngày nay, tháng 9-2002, tr.7-11 

Ngày 7-11-2003, tại Paris, tổng giám đốc Unesco, ông Koichiro Matsura, đã tuyên bố Nhã nhạc cung đình Huế được nhìn nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhưng tôi thì lại thích cái nét trữ tình đậm đà của ca Huế hơn… Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc và mang những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người. Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế. Còn gì tình tứ, thơ mộng và lãng mạn hơn là xuôi dòng Hương Gìang lững lờ trên một chiếc đò ngang, rồi thả thuyền, chơi trăng, thả thơ, nghe ca Huế… 

Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền 

Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng! 

Tương tư với nguyệt cùng mây 

Hỏi non nước ấy đắm say bao tình? 

Xa xa thấp thoáng trong làn sương khói mờ ảo, bóng chùa Thiên Mụ với ngọn tháp Phước Duyên ẩn hiện dưới giải lụa vàng… Người du khách, dưới một phiến trăng mơ huyền, trong không gian tĩnh mịch, giữa tiếng sóng nước ru vỗ vào mạn thuyền, sẽ cảm nhận hơn nữa cái chất Huế qua những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng ca Huế hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc cổ truyền qua những nhạc khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Long ngâm, Tứ đại cảnh… 

Lên hỏi trời 

Thảo Am Nguyễn Khoa Vy 

(hò mái đẩy) 

Gần nhà mà xa cửa ngõ, 

Cho chộ mà nỏ cho ăn, 

Trời cao dẫu mấy mươi tầng, 

Cũng bắc thang lên mà hỏi, bởi làm răng rứa ông Trời? 

Ðêm càng về khuya, không gian càng yên tĩnh là lúc đó tôi thấy hồn mình lâng lâng say đắm trong những điệu Nam Ai, Nam Bình, Tương tư khúc... thấy như vấn vương một nỗi sầu bi ai da diết nhưng cũng rất gợi tình: 

Huyền Trân Công Chúa 

Khuyết danh 

(điệu Nam Bình) 

Nước non ngàn dặm ra đi, 

Cái tình chi? 

Mượn màu son phấn 

Đền nợ Ô Ly, 

Đắng cay vì, 

Đương độ xuân thì, 

Độ xuân thì! 

Cái lương duyên, hay là cái nợ duyên gì? 

Má hồng da tuyết, 

Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết, 

Vàng lộn theo chì! 

Khúc ly ca, 

Sao còn mường tượng nghe gì!

Thấy chim hồng nhạn bay đi, 

Thấy lai láng, bóng như hoa quỳ... 

Dặn một lời Mân Quân, 

Nay chuyện mà như nguyện, 

Đặng vài phân, 

Vì lợi cho dân, 

Tình đem lại mà cân, 

Đắng cay muôn phần! 

Nhà Hán bên Tàu ngày xưa có nàng Vương Chiêu Quân, tuyệt sắc giai nhân, vì dân vi nước chịu hy sinh cống cho giặc Hồ để giữ yên bờ cõi… Lịch sử Việt Nam vẫn rạng ngời công đức của một Huyền Trân Công Chúa đời Trần gạt lệ nén tình riêng vì giang hà xã tắc, gã cho Chế Mân vua nước Chiêm Thành, để đổi lấy hoà bình và hai châu là châu Ô và châu Lý, sau đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu đất Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay. 

Vầng trăng rèm gấm ánh tơ vàng 

Chiêm Quốc Đồ Bàn lệ chứa chan 

Chua xót vấn vương hồn đất mẹ 

Buồn đau lưu luyến chén quan san 

Thương nàng công chúa duyên tan tác 

Tiếc phận hồng nhan kiếp lỡ làng 

Má phấn giang sơn vai gánh vác 

Hai châu Ô Lý, biết chăng chàng… 

(Tình hận Huyền Trân - Tiểu Vũ Vi) 

Sông Hương - Núi Ngự là biểu tượng văn hóa, phong thổ của kinh đô Huế. Nhà thơ Bùi Giáng đã từng tâm sự rằng: «Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương!»… 

Hồn xưa bóng cũ quyện mây trời 

Đại Nội mưa buồn lất phất rơi 

Điệu hát Nam Ai sầu suốt kiếp 

Câu hò Mái Đẩy nhớ ngàn đời 

Nam Giao nắng tắt vầng dương nhạt 

Thọ Lộc chiều buông sắc ráng vơi 

Đứng giữa Hoàng Thành nghe tiếng gió 

Xa xa Đỉnh Ngự ánh trăng vời 

(Thứ Lang - Hồn Huế) 

Đứng trên Ngọ Môn, nhìn lên Ngự Bình tôi thấy núi có hình dáng cái ấn ngọc Thiên Cơ (cái ấn của Nhà Trời) đóng xuống đất kinh đô linh khí... Kinh thành Huế quay mặt về hướng núi Ngự Bình, lấy núi làm bình phong che chắn. Cái địa thế thiên nhiên ấy theo ba tôi nói là đúng theo nguyên tắc của Chu Dịch trong xây dựng kinh đô: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ... 

Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió 

Niềm tâm sự ai thấy rõ cho mình 

Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh 

Sông bao nhiêu nước dạ em si tình bấy nhiêu 

(Hò Huế) 

Huế là xứ sở thanh bình của thơ và mộng. Nói đến Huế là nói đến cái gì đó rất riêng, rất đẹp và thơ. Huế có cảnh đẹp người xinh, nhất là có những nàng Công Tằng Tôn Nữ thuộc dòng họ hoàng gia, mang những cái tên hoa mỹ điển hình của xứ Huế. Tôi rất thích những cái tên dài lướt thướt rất thơ này của những nàng Tôn nữ Huế, nào là Công Tằng Tôn Nữ Thị Trân Phương, hay Nguyễn Khoa Thụy Quỳnh Hương… Ba tôi thường đùa với tôi rằng «tên các o Huế dài như mái tóc thề…»… Mỗi lần từ căn cứ Sally Hiệp Khánh - Phú Bài, nơi đóng quân của ba tôi, vào thành nội, tôi có thói quen hay đi tảo bộ trên con đường Lê Lợi, dọc theo bờ sông Hương, ngắm những tà áo dài thướt tha bay trong gió… Từ muôn thuở, chiếc nón bài thơ cùng với tà áo dài của thiếu nữ Huế đã đi vào thi ca, trở thành một vẻ đẹp đặc trưng làm say lòng du khách… 

Ở đây áo tím riêng màu 

Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân 

(Vài nét Huế - Nguyễn Bính) 

Có một điều đã làm thắc mắc một cô bé học sinh Couvent Sàigòn như tôi, lúc nào cũng quen nhí nhảnh trong bộ đồng phục jupe xanh áo trắng, là không biết tự bao giờ tà áo dài trắng, tím cùng cánh nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố; ngay cả khi tôi nhìn các o gánh ràng rong ngoài chợ Đông Ba cũng duyên dáng kín đáo trong chiếc áo dài Cát Tường Le mur đó 

Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ 

Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay 

Nón bài thơ e lệ nép trong tay 

Thầm lặng bước những khi trời dịu nắng... 

(Bích Lan) 

Ba tôi thì cho rằng người con gái Huế thích bận áo dài Huế vì Huế là hiện thân của chiếc áo dài quê hương với hai vạt áo nghĩa tình “Trường Sơn“ và “Nam Hải”. Mỗi lần nhắc đến gái Huế thì tôi lại nhung nhớ đến một tà áo dài lụa trắng đơn sơ, một mái tóc thề, một chiếc nón bài thơ mà nhà thơ Huy Cận đã từng xao xuyến ngẩn ngơ

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong 

Hôm xưa em đến, mắt như lòng... 

Nở bừng ánh sáng em đi đến, 

Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng 

Chú Dược sĩ Chí ở trong tiểu đoàn của ba tôi thường khen nức nở là con gái Huế nổi tiếng đẹp nhất xứ Ngũ Quãng và đã từng làm điêu đứng bao chàng trai… 

Học trò trong Quảng ra thi 

Thấy cô gái Huế, bước đi không đành. 

Chú còn kể cho tôi nghe huyền thoại tình sử của nhà vua đa tình Thành Thái đã phải lòng một cô lái đò duyên dáng ở vùng Kim Long ngoại thành Huế 

Kim Long có gái mỹ miều 

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi 

Tôi mang tâm hồn lãng mạn nên yêu màu tím của tuổi học trò… Và khi đến Huế tôi đã ngất ngây say đến một màu tím của Huế, màu tím của nhu mì, của thầm kín, của đức hạnh, của thủy chung. 

Nắng vương nhẹ gót hài thiếu nữ 

Cánh phượng hồng như dấu hiệu chia tay 

Em thân ơi, anh đã sống những ngày 

Huế tim tím ngất say tà áo ấy 

(Màu tím Huế nhớ nhung - Lê Trọng Phú) 

Và không bao giờ tôi quên được những buổi trưa hè oi ả của ngọn gió Hạ Lào, ngồi trong xe jeep của tiểu đoàn, tôi đã lặng nhìn say sưa những tà áo tím duyên dáng Đồng Khánh, che nghiêng vành nón, suối tóc thề xỏa vai dịu dàng thướt tha bước khoan thai trên cầu Tràng Tiền Qua Đồng Khánh nhìn sân trường xao xuyến 

Huế muôn đời ưa cám dỗ thi nhân 

Bóng dáng nào hò hẹn khách dừng chân 

Hay là tại nón bài thơ ai đội 

Trải vạt áo dài thi ca muôn thuở 

Xỏa mái tóc huyền thi nhạc giao duyên 

Môi ai cười vành nón lá che nghiêng 

Nghe vướng vấp bước chân người khách lạ 

(Một lần về thăm Huế - Yên Sơn) 

Chiếc áo với hai tà bay lửng lơ cuốn quít theo làn gió trông thật thơ mộng, thật trữ tình… Hình ảnh này đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, phong phú hóa kho tàng thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh trong văn học nghệ thuật Việt Nam như thi sĩ Nguyên Sa đã ngất ngây gửi hồn trong hai tà áo người tình: 

Có phải em mang trên áo bay 

hai phần gió thổi một phần mây 

hay là em gói mây trong áo 

rồi thở cho làn áo trắng bay? 

Nguyên Sa (Tương Tư) 

Còn Nguyễn Tất Nhiên đã hãnh diện đề cao nét trang nhã, đài các của tà áo dài Việt Nam. Không ai có thể phủ nhận rằng người phụ nữ Việt Nam chúng ta thật kiêu sa trong chiếc áo dài 

Tháng giêng em áo dài trang nhã 

Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam 

Đài các chân ngà ai bước khẽ 

Quyện theo tà lụa cả phương đông 

Nguyễn Tất Nhiên (Tháng Giêng, Chim) 

Và Thu Bồn đã chắt chiu trong lòng bao kỷ niệm xa xưa của thời áo trắng: 

Áo trắng hỡi, thuở tìm em không thấy 

Nắng mênh mang trải mấy nhịp 

Tràng Tiền Nón rất Huế, nhưng đời không phải thế 

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng... 

(Thu Bồn) 

Cái duyên dáng của người con gái Huế được thể hiện qua mái tóc thề buông dài xỏa kín bờ vai. Có lẽ vì thế mà ba tôi thích tóc tôi lúc nào cũng để dài chấm lưng. Mái tóc thề của nàng Tôn Nữ Huế, thơm thoang thoảng mùi dạ lan, biểu tượng nét nguyên trinh của thuở áo trắng học trò vừa chớm biết yêu đương. Một làn thu ba sâu vời vợi phảng phất một chút tình Huế u buồn. Một nụ cười như đóa hàm tiếu e ấp thẹn thùng dưới vành nón lá che nghiêng… 

Mái tóc thề xỏa trên bờ vai 

Cho tôi nhung nhớ tháng năm dài 

Nón lá nghiêng che đôi mắt ngọc 

Cho tôi thờ thẩn mộng thiên thu 

Đóa hồng tươi bờ môi son đỏ 

Mắt nhung huyền đài các mộng mơ 

Dáng hồn nhiên sơn ca tình ái 

Em mỉm cười ngây dại nắng vàng tơ 

(Vương Ngọc Long - Huế ngọc) 

Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho bao nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ phải ngẩn ngơ rồi nhung nhớ đến đi tìm 

Một ngày mùa đông chân về Huế 

Đi lang thang tìm mái tóc thề 

Mà ngày xưa khi chiều đánh mất 

Để vơi sầu giây phút tái tê. 

(Đông Hòa - Duyên áo tím) 

Con gái Huế không chỉ đẹp về hình dáng mà còn đẹp cả trong giọng nói thỏ thẻ nhẹ nhàng, thiệt “mặn mà có duyên“. 

Giọng em vang tự trời quê Huế 

Nhẹ thoáng, xanh veo, mà xốn xang 

Nồng cháy như mồi thông núi Ngự 

Giọng em nửa thực, nửa mơ màng 

Chỉ một lần nghe đủ nhớ đời… 

(Huy Cận - Giọng em) 

Những ngôn ngữ kỳ lạ của Huế, đã từng làm cho tôi một thời chới với, nào là “mô, tê, răng, rứa”, “bên ni, bên nớ “, “chua cha“ hay những tiếng “hỉ“ gieo cuối câu làm cho tiếng nói của người dân Huế mang âm hưởng của nhạc, thật trầm lắng, du dương và gọi tình…Có lẽ vì thế, tuy rằng ba tôi là trai Bắc, mẹ tôi là gái Nam, nhưng tôi lại có một giọng nói phảng phất âm hưởng của Huế… Có lẽ vì tôi gắn bó và quyến luyến Huế cho nên tôi đã không biết học nói theo tiếng Huế tự bao giờ. Tôi còn nhớ đã đọc một bài thơ viết về Huế từ thập niên năm mươi của một nữ sinh lớp đệ tam trường Đồng Khánh; bài thơ gói trọn hết cái nét dí dỏm dể thương của ngôn ngữ Huế giàu nhạc điệu, đầy thi vị: 

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc 

Ngó chi tôi đồ cỏ dại hoa hèn 

Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm 

Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch 

Tui mơ ước có bao giờ tuyệt đích 

Tui van xin răng mà cứ làm ngơ 

Rồi ngó tui chi lạ rứa hững hờ 

Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch 

(Huế chi lạ rứa) 

Nhắc đến Huế thơ, tôi lại hoài niệm về thôn Vỹ Dạ và nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ba tôi đã có lần đưa tôi về chơi thôn Vỹ. Thôn Vỹ Dạ, nằm bên kia Đập Đá, dọc theo sông Hương tới Bến Cạn, ẩn hiện trong màn sương trắng trong, dưới những hàng cau xanh tươi quyện trong mùi hương bưởi thoang thoảng dịu êm. Trong thơ của Hàn Mặc Tử, thôn Vỹ Dạ là một thôn đẹp lãng mạn, hữu tình và rất nên thơ. Một nét đẹp mượt mà, óng ả và tình tứ với những khu vườn hoa sum suê trái xanh như lá ngọc, những phủ đệ tường đá rêu phong, một dòng sông trăng chuyên chở những khối tuyệt tình… 

Sao anh không về chơi thôn Vỹ? 

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, 

Vườn ai mát quá xanh như ngọc 

Lá trúc che ngang mặt chữ điền… 

Ơ khách đường xa khách đường xa, 

Áo em trắng quá nhìn không ra... 

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 

Ai biết tình ai có đậm đà? 

(Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn mặc Tử) 

Thôn Vỹ cũng là nơi mà ánh trăng đẹp nhất Huế. Trăng sáng suốt đêm thâu. Trăng tròn rồi lại khuyết nhưng tự bao đời vẫn vằng vặc tỏa bóng, lúc mờ ảo, lúc hư vô… Trăng theo cánh gió quyện hương đêm về ru tình cho hồn trang trải những nỗi sầu thương… Trăng vẫn dõi bóng đơn côi, thả ánh ngà lung linh như ngàn điệu khúc Nghê thường mê say… Tôi yêu những đêm trăng tình tự của Vỹ Dạ. Vào mùa trăng, những hương bưởi, hương cau, hương chanh, hương lài đua nhau trổ hoa. Đâu đây thoang thoảng một làn hương mỏng ngọt ngào chợt vỡ trong đêm 

Ánh trăng nhẹ khẽ mơ theo gió 

Như nghiêng vành nón rủ tóc thề 

Buông lơi… trầm mặc…vân vê 

Mùi hương hoa quyện bước về dưới trăng 

(Thu Hằng - Mùa trăng hương nồng) 

Ở đây cũng là chiếc nôi sản sinh ra những tài năng cho nền văn học nghệ thuật như cụ ông Ưng bình Thúc Gia Thị, một nhà thơ nổi tiếng của «làng nho nước nhà», là người đã soạn lời cho những điệu lý câu hò hay ái nữ của ông, một nàng Tôn Nữ Hỷ Khương với những vần thơ trữ tình cho Huế… 

Dòng Hương Giang êm đềm không gợn sóng 

Vẳng câu hò xúc động chạnh niềm riêng 

Ngự Bình gió dịu, trăng hiền 

Giữa non sông gặp lại miền Đế Kinh 

(Vang vọng hồn thơ tình Thúc Giạ) 

Huế còn là vùng đất nổi tiếng về những món ăn ngon, vật lạ… Có lẽ Huế ngày xưa là của một thời vua chúa cho nên Huế có nhiều cao lương mỹ vị dành cho ẩm thực cung đình, nhiều đặc sản đầy hương vị. Huế đã tập cho tôi biết ăn cay. Tôi tuy đã rời xa Huế hơn một phần tư thế kỷ nhưng tôi vẫn không thể nào quên được chè bắp và cơm Hến cay thơm ngon đặc biệt ở Cồn Hến, 

Đã mê ớt đỏ cay nồng 

Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh 

Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành 

Mời nhau buổi sáng chân thành món quê 

(Lục bát đặc sản Huế - Võ Quê) 

hay bún bò Gia Hội, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái Thượng Tứ, bánh bèo Ngự Bình, bánh bột lọc của «Mụ Đỏ» 

Bột trong bọc thịt tôm hồng 

Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu 

Bánh ngon nước mắm cay nhiều 

Anh ơi dùng tạm bữa chiều cùng em 

(Quỳ Lê) 

Tuy đây là những món ăn bình dân nhưng đã để lại cho những người con xa xứ một nỗi nhớ khắc khoải về một mùi hương vị cay nồng, ấm nóng nặng tình nước non, về người con gái Huế khéo léo, đảm đang, công dung ngôn hạnh vẹn toàn như những nàng Tấm thảo hiền… Những năm tháng tôi ở Huế, chiến trận vẫn tiếp diễn, ngày càng khóc liệt hơn… Tôi đã từng như ba tôi chứng kiến, đau đớn và xót xa với mỗi vết thương của Huế… Tôi cũng đã từng tự hào mỗi khi người dân Huế kiên cường vươn lên từ trong thảm nạn điêu tàn đổ nát của chiến tranh hay thiên tai. 

Tôi không phải là người Huế nhưng lại yêu và nhung nhớ Huế vô cùng… Tôi yêu cái huyền ảo hư hư thực thực của Huế mộng Huế mơ. Tôi yêu cái mong manh lụa là tợ như sương khói của Huế thơ… Tôi yêu cái tâm Huế kín đáo bình dị chịu thương chịu khó. 

Nhà văn Trần Doãn Nho đã gói trọn một góc trời Huế trong những dòng sau: «… dù thay ngôi đổi chủ, Huế vẫn là Huế bún bò, Huế cơm hến, Huế mưa dầm, Huế phượng đỏ, Huế gió Lào, Huế những cơn bão rớt, Huế lội nước lụt, Huế lăng tẩm hẹn hò, Huế răng tê mô rứa, Huế cao sang và nghèo hèn, Huế hòa bình và sục sôi tranh đấu, Huế cao thượng và hẹp hòi, nghiệt ngã, Huế những mối tình đài các và những thành kiến triền miên, Huế chiếc nón bài thơ và Huế ngủ đò, Huế ở thì buồn xa thì nhớ, Huế tôn nữ và Huế bình dân…». 

Phải, Huế mà tôi yêu là như thế đó! 

Huế thương nhớ ơi, xin cho tôi gửi trọn tấm chân tình về một cố đô thơ mộng, mơ huyền đã đem cho tôi bao cảm xúc, bao rung động, bao mơ ước, bao khát khao thầm kín…, đã cùng chia sẻ với tôi một quãng thời thơ ấu dưới bom đạn… Giờ đây, cho dù ở nơi đất khách quê người, tôi vẫn gửi trăm nhớ ngàn thương về Huế, về một cõi ru tình: 

Giữ lòng say khúc Nam ai 

Lạc chân giữa Huế trong ngày nắng xanh 

Gặp cô em gái Nội thành 

Giấu môi chúm chím nửa vành nón nghiêng 

Loay hoay đếm nhịp Tràng Tiền 

Chẳng hay nàng gió hồn nhiên theo mình 

Dòng Hương bóng nước lung linh 

Soi lên là thấy dáng hình Huế xưa 

Bây giờ hạ đếm gần chưa 

Mà đường Lê Lợi phượng vừa đỏ cây? 

Cánh thư rơi xuống tay gầy 

Cho tôi làm bướm trắng bay theo người! 

Muốn vào thôn Vỹ... nhưng thôi 

Chỉ e thương quá rằng tôi khó về!... 

(Nguyễn Giang San - Gửi lại Huế thơ) 

Mãi mãi trong tôi vẫn còng vang vọng dư âm một khúc «tình ca xứ Huế» luyến thương: 

Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương

Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương 

Trường Tiền qua mấy nhịp mờ trong sương 

Ngỡ ngàng khách thấy hồn sầu mênh mang 

Đêm nao, nghe khúc Nam Bình buồn 

trên dòng đời xuôi ngược 

Đành lãng quên bao nhớ thương 

Đêm nay, dư âm đang vọng về 

bên lòng thuyền nghe não nuột 

Mơ hồ tiếng hát Giang Châu.  

Bài viết này riêng tặng cho Ba tôi, kỷ niệm những năm tháng mà Người đã đóng quân ở căn cứ Sally - Hiệp Khánh - Phú bài... Bích Phượng xin chân thành cám ơn quý nhà văn Tạ Xuân Thạc, Dương Việt Điền, Mạc Phương Đình, Đào Anh Dũng đã góp ý... Xin hết lòng cảm tạ quý nhà thơ và văn trong và ngoài nước đã cho tôi mượn các tác phẩm để minh họa cho bài viết của mình... Bài viết này chỉ nói lên đôi dòng cảm nghĩ của tôi về một phần của Huế thân yêu, nếu có gì chưa hoàn chỉnh còn thiếu sót, hay sai sót, tôi xin được sự cảm thông của những người dân Huế khắp nơi…

2/6/2006

Bích Phượng
Theo http://www.vietnamvanhien.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...