Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Cửu Long cạn dòng biển đông dậy sóng 3

 Cửu Long cạn dòng biển đông dậy sóng 3

CHƯƠNG XIII 
LÊN VỚI BÌNH MINH
TẠ LỖI VỚI ĐIÊU TÀN 
Ta tụng ngàn năm Quan Thế Âm
Chúng sinh ta khóc nỗi mê lầm...
Tình thương từng giọt rơi trên đá
Vô Ngã
Người Chà Châu Giang.
Những căn nhà sàn san sát vách ván lợp ngói hai bên bờ Sông Hậu. Họ gốc người Chăm do giao tiếp với người Mã Lai theo Đạo Hồi nên người Việt Miền Tây tưởng họ cũng là Mã Lai nên gọi là Chà.
Ngược dòng lịch sử có thể nói có hai đợt người Chăm tới đây. Khoảng 1755 Nguyễn Cư Trinh sau khi đẩy lui người Khmer dâng ‘’kế tàm thực’’ lên Chúa Nguyễn xin dùng người Chăm ngăn người Khmer và được Chúa Nguyễn chấp thuận.
Ông Chiêu dụ được số người Chăm trốn loạn sang Cam Bốt, nay đưa họ về lập thành các đạo quân Côn Man giao cho việc làm quân trấn thủ các vùng Tân Châu Hồng Ngự Châu Giang, đồng thời cho họ tự lo khai khẩn.
Khoảng 1833 do có một số người Chăm theo Lê Văn Khôi chống lại Triều Đình Minh Mạng, nên đã có một đợt tàn sát khủng khiếp người Chăm ở khắp các Tỉnh miền Trung, những người sống sót một số trốn lên Miền Thượng hoặc thoát sang Kompong Cham Cam Bốt, một số chạy vào Nam sống lẫn trong khu người Chăm Châu Đốc. Đến thời Thiệu Trị cho dù có chánh sách chiêu an nhưng họ vẫn không trở về ngoài số người trốn lên núi rừng cao nguyên là trở lại Ninh Thuận Bình Thuận sống tới nay.
Trong mạng lưới kinh rạch Cửu Long.
Hộ cùng ông Khắc và người bạn Chăm Ro-Hiêm dùng thuyền máy từ Châu Đốc xuôi dòng theo con Kinh Vĩnh Tế đi Hà Tiên. Từ dưới con Kinh nhìn về Châu Đốc, nổi trên nền trời trong vắt là một dải núi xanh lam đó là Núi Sam, một trong bảy ngọn núi của vùng Thất Sơn. Hộ giải thích vì từ xa nhìn ngọn núi giống như một con Sam với chiếc mai úp và đuôi là rặng núi nhỏ phía sau. Tuy Vĩnh Tế Sơn là tên do Minh Mạng đặt cho nhưng đối với dân địa phương thì họ vẫn quen gọi các núi bằng hình tượng của nó như núi Sam, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Bà Om, chỉ riêng núi Cấm sở dĩ có tên đó vì là nơi dân không được lui tới. Ông Khắc còn biết thêm núi Cấm xưa kia đã từng là căn cứ địa của các danh sĩ và thân hào chống Pháp vùng Hậu Giang.
Thuyền máy vẫn lướt nhẹ trên con sông đào lịch sử thẳng băng như một đường chỉ gạch với ngọn nước ngọt mát đỏ những phù sa và hai bên bờ là những hàng cây xanh. Không phải mùa nước dâng, nước từ Sông Hậu đổ vào con kinh xuôi chảy chậm mang theo cả những giê lục bình lá xanh man mác trổ bông tím. Ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi. Bây giờ ông Khắc mới thấm hiểu hết nghĩa câu ca dao Nam Bộ ấy.
Bối cảnh lịch sử. Hệ thống kinh rạch miền Tây Châu Thổ đã bắt đầu có từ Thế Kỷ thứ 5 do người Phù Nam đào để làm đường giao thông liên lạc giữa các Thị Trấn và Kinh Đô của họ như Angkor Borei (Nam Nam Vang), Óc Eo (núi Sập, núi Ba Thê Long Xuyên) và Thị Trấn Trăm Đường (Đông-Nam Kiên Giang). Đến triều Nguyễn, là những bước cố gắng không ngừng để mở mang bờ cõi về Phương Nam, theo chánh sách ‘’tàm thực’’ của ông Nguyễn Cư Trinh, không phải chỉ có chiếm đất di dân mà còn có những nỗ lực xây dựng phát triển liên tục như đắp lộ và đào kinh.
Tam Khê có thể được kể là con kinh đào đầu tiên dưới triều Gia Long nhưng Vĩnh Tế mới thực sự là một công trình đồ sộ của tiền nhân. Nhắc tới công khai phá miền Hậu Giang, tới con sông đào dài ngót một trăm cây số ấy không thể không nhắc tới Nguyễn Văn Thoại. Theo biên khảo của Nguyễn Văn Hầu, thì Thoại Ngọc Hầu gốc Quảng Nam, tư chất thông minh nhưng nhiều nóng nảy. Thời đó quê ông đang là sa trường ác liệt giữa quân Trịnh Nguyễn rồi quân Nguyễn và Tây Sơn gây bao cảnh chết chóc nên gia đình ông đã phải lánh nạn vào Nam sinh sống trên Cù Lao Dài trên sông Cổ Chiên. Đầu quân rất sớm với Chúa Nguyễn Ánh chịu đói khát trong những ngày cơ cực, dạn dày chiến trận cho tới khi trở thành một công thần đảm lược của Chúa Nguyễn, lãnh ấn bảo hộ Cam Bốt trấn thủ toàn cõi Vĩnh Thanh suốt từ Thành Châu Đốc xuống đến tận Hà Tiên, nổi tiếng là nghiêm minh khiến dân binh không phải chỉ kính nể mà còn khiếp sợ ông nữa.
Năm 1818, mới đôn đốc đào xong con Kinh Tam Khê, được Vua thưởng công đặt tên Thoại Hà và núi Sập kế bên được mang tên Thoại Sơn. Nguyễn Văn Thoại lại được lệnh Vua Gia Long chỉ huy binh dân từ Gia Định Thành tới Châu Đốc để khởi công đào một con sông lớn thẳng từ Châu Đốc ra tới cửa biển Hà Tiên. Nhà Vua thấy trước đây là một công trình quá lớn đầy cực nhọc nên xuống lời phủ dụ rằng ‘’công trình đào sông này rất khó khăn nhưng cần cho biên phòng và kế giữ nước quan hệ chẳng nhỏ, chúng ngươi ngày nay chịu khó nhọc nhưng lợi ích cho muôn đời về sau’’.
Con kinh biên giới bắt đầu từ Tả Ngạn Sông Hậu sau Thành Châu Đốc hướng thẳng về Hà Tiên tiếp với sông Giang Thành đổ ra Vịnh Xiêm La. Ngay đợt đầu Thoại đã huy động 5 ngàn dân binh Việt với một số người Chăm cùng với 5 ngàn dân sâu Khmer để khởi công nhưng đã phải ngưng ngay sau đó vì trở ngại thời tiết khô hạn rồi lũ lụt và nhân lực bất kham. Khai phá cả một vùng mênh mông hoang vu như thế mà chỉ có sức người với dụng cụ thật thô sơ, cuốc xuổng chày vồ tự chế, đo đạc thì bằng tay. Để con kinh đào được thẳng phải đợi tới ban đêm vạch rẽ rừng lau sậy, đốt đuốc trên đầu những cây sào thiệt cao nên mới có câu hát ru Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc, người điều khiển phải đứng trên cao và từ xa dùng cây phướn phất qua lại ra hiệu cho người cắm những cây sào lửa ấy vào đúng vị trí. Làm việc ngày đêm mà ăn uống thì chỉ có gạo muối rất cơ cực. Sống nơi lam chướng, đêm thì lạnh cóng ngày nóng như thiêu lại thiếu nước uống thiếu thuốc nên ngã bệnh chết vô số. Công trình phải nhiều lần tạm ngưng vì những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được rồi lại tiếp tục.
Ba năm thi công mà con sông đào còn xa, Vua Minh Mạng lại ra lệnh cho Tổng Trấn Lê Văn Duyệt điều thêm tới 39 ngàn binh dân Việt thêm với 16 ngàn sưu dân Khmer đến tăng cường. Binh dân sưu dịch bị ép phải làm việc ba phiên thâu đêm trong những khu rừng thâm u với muỗi đỉa vắt rắn độc và cả ác thú. Sưu dân và cả lính chịu không nổi mà trốn đi thì cũng khó thoát, nếu không bị chết đói ở trong rừng thì cũng chết vì cọp beo, còn nếu tìm cách lội trốn qua sông Vàm Nao thì cũng chết vì cá mập cá sấu. Vàm Nao là khúc sông nối ngang hai con Sông Tiền Sông Hậu ranh giới Châu Đốc và Long Xuyên đã từng là bãi chiến trường khốc liệt và đẫm máu trong thời chiến tranh Xiêm-Việt và rồi Việt-Cam Bốt.
Việc đào kinh kéo dài suốt 5 năm (1819-1824) dưới quyền chỉ huy sắt thép của Bảo Hộ Thoại. Trong chức vụ nào ông cũng tỏ ra hết lòng nhưng lại quá độc tài và cầu toàn nên tuy làm xong việc lớn ông cũng gây ra không ít điều thống hận làm mất lòng dân và làm chết rất nhiều người trong đó có cả những quân lính đã dày công lao trong các cuộc chiến tranh chinh phạt. Các bô lão miền Hậu Giang ngày nay còn nhớ và kể lại nỗi cơ cực mà ông bà tổ tiên họ phải trải qua và chịu đựng.
Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, Đền Đài Angkor, con Kinh Vĩnh Tế kỳ quan lớn nhỏ nào của thế giới cũng phải trả giá bằng những sinh mạng và nỗi thống khổ của đám dân đen. Ông Khắc nghĩ như vậy. Nhưng rồi con sông đào ấy cũng hoàn tất với nỗi hân hoan của cả triều đình Huế. Để đặc biệt ghi công, Vua cho lấy tên Thoại Ngọc Hầu phu nhân vốn nổi tiếng người đàn bà đức độ hết lòng giúp chồng trong bao năm trên đường công bộc đã mất trước đó hai năm, mà đặt tên cho con Kinh là Vĩnh Tế Hà và ngọn núi Sam ở bờ kinh là Vĩnh Tế Sơn. Ngoài việc khen thưởng công lao những người sống, trong đó có đám người Chăm được vua cho đất lập bảy làng, tiếng Chăm gọi là Puk để làm ăn sinh sống, cho đến sau này còn mang tên là Chăm Châu Giang. Cũng tỏ lòng ưu ái với những người chết vì đào con kinh biên thùy, Nhà Vua ban sắc chỉ cho lập đoàn thuyền đi tìm nhặt tất cả hài cốt các binh và sưu dân đã bỏ mình trong công tác đào kinh để cải táng, họ được coi như những chiến sĩ hy sinh ngoài trận địa. Ngày dựng bia trên núi Sam được đặt tên là Vĩnh Tế Sơn cũng là ngày Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ lễ an táng tập thể và đọc bài ‘’Tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh’’.
Trời xanh thẳm mồ hoang lợp lợp
Trăng soi nhòa mấy lớp bia tàn...
Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Vua cho lệnh đúc Cửu Đỉnh mỗi chiếc nặng bốn ngàn cân ta rất lớn để ghi công mỗi vị vua và làm quốc bảo. Các đỉnh được đặt trước Thế Miếu trong Đại Nội Cố Đô Huế nơi thờ các vua từ Đức Gia Long trở về sau, còn có thêm các tòng miếu hai bên tả hữu để thờ các công thần. Mỗi đỉnh đều có tên riêng Cao Nhơn Chương Anh Nghị Thuần Tuyên Dụ Huyền. Tám chiếc được đặt thẳng một hàng ngang, riêng Cao Đỉnh mang tên Thế Tổ Cao Hoàng Đế Gia Long ghi lại công trình Đào Kinh Vĩnh Tế được đặt chính giữa về phía trước. Trên hông Cao Đỉnh ba chữ Vĩnh Tế Sơn với hình con Kinh Vĩnh Tế bên chân dãy núi Thất Sơn được trạm trổ mỹ thuật, đánh dấu một trong những công trình khai quốc bất hủ của triều Nguyễn.
Ông Khắc tự nhủ rằng ra Cố Đô Huế lần này ông sẽ phải tìm cho ra và chụp hình chiếc Cao Đỉnh như một món quà bất ngờ cho Cao người bạn trẻ rất thân thiết với ông trong Nhóm Bạn Cửu Long.
Hộ nói:
- Con kinh dài ngót một trăm cây số dọc theo biên giới Việt-Miên này không chỉ là một con kinh chiến lược một thủy đạo hữu ích cho vận tải giao thông, mà nó còn có tác dụng môi sinh quan trọng khác nữa là đưa nước ngọt của con sông Mekong vào các khu đồng ruộng mênh mông để rửa muối rửa phèn cho đất khiến ruộng đồng thêm mở rộng và mùa màng thêm được tốt tươi. Nó cũng mở đầu cho bước phát triển một hệ thống sông đào kinh rạch chằng chịt với chiều dài hơn hai ngàn cây số gần bằng nửa chiều dài của dòng chính con sông Mekong.
Hộ giải thích thêm:
- Các chuyên gia thủy nông Hòa Lan đã tỏ ra rất ngưỡng mộ công trình đào con Kinh Vĩnh Tế của người xưa do hiệu quả tháo lũ từ Vùng Châu Thổ đổ ra Vịnh Thái Lan với lưu lượng lên tới 8000m3/giây chiếm phần lớn lượng nước mùa lũ. Và họ đề nghị kế hoạch đào thêm một con kinh thoát lũ mới từ sông Hậu phía dưới Long Xuyên tới Rạch Giá cùng với một khúc sông nối Sông Tiền với Sông Hậu tương tự như con sông Vàm Nao hiện nay. Trừ những con kinh ngang ít có khả năng ngừa lụt, nhưng với một số con kinh khác đã có trong vùng Tứ Giác Long Xuyên, nếu được vét đáy đào sâu thêm và nới rộng ra cũng sẽ có khả năng tháo lũ đáng kể. Còn thêm điều lợi nữa là nước từ các con kinh này sẽ đẩy lùi nước mặn khỏi tràn vào vùng đất ven biển như Quận Châu Thành Rạch Giá hiện nay. Luôn luôn có sẵn câu hỏi của một nhà báo, ông Khắc thắc mắc quay sang hỏi Hộ:
- Hòa Lan là vùng đất thấp hơn mặt biển, họ nổi tiếng về hệ thống đê điều chứ đâu phải đào kinh?
- Năm 91 khi được mời sang Việt Nam nghiên cứu, họ có đưa ra một ý mới là cho ‘’đắp đê nhưng không cao ngừa lụt bán phần’’ cho đến cuối tháng 8 mà thôi và rồi sau đó là vai trò thoát lũ của hệ thống kinh rạch trổ ra vịnh Thái Lan.
Sau khi chia tay Hộ và Ro-Hiêm, từ Hà Tiên quê hương của Mặc Cửu và Đông Hồ, ông Khắc trở lên Sài Gòn để chuẩn bị chuyến đi Huế.
Đường ra xứ Huế.
Không nhớ là lần thứ bao nhiêu ông Khắc đặt chân tới Huế. Một Huế còn thấm đẫm những màu sắc và thanh âm Chàm với màu tím Huế với man mác giọng Nam Ai với thê thiết điệu hò Mái Đẩy, với ‘’Hương Giang nhất phiến nguyệt, Kim cổ hứa đa sầu’’. Một Huế rất riêng tư với sông Hương núi Ngự, với những năm thanh bình của tuổi thanh xuân với mối tình thật đẹp nhưng cũng thật ngang trái để rồi suốt 60 năm sau đó ông Khắc vẫn ‘’chuyên tâm bất nhị’’ vẫn cứ thủy chung như ông đã suốt một đời thủy chung với nghiệp báo.
Rồi ông Khắc có dịp trở lại Cố Đô Huế của thời cuộc, một Huế bừng thức giấc với những tháng năm xáo trộn. Huế tranh đấu với bàn thờ xuống đường. Huế với sinh viên chiếm Đài Phát Thanh. Huế với Cảnh Sát dã chiến và lựu đạn cay. Huế của Tết Mậu Thân thảm sát với những hố chôn người tập thể. Huế của bom đạn Mỹ trút xuống một hoàng thành đổ nát. Rồi là Huế sau 75, một Cố Đô buồn tênh vẫn còn đó những ngôi mộ đất hoang khi người cộng sản trở lại lâu dài lần thứ hai. Giống như Hà Nội sau 54, nhiều người tới sống ở Huế nhưng không phải gốc Huế. Riêng với những người Huế chay thực sự gốc Huế chọn ở lại hoặc chẳng thể thoát ra khỏi xứ Huế thì họ vẫn cứ phải sống, bởi vì họ chỉ có một cuộc đời này để sống chứ không phải với hứa hẹn về một hạnh phúc mãi tận đời sau.
Trong chuyến đi muộn màng này như một cuộc hành hương, từ Sài Gòn ông Khắc đã chọn đường xe lửa để ra Huế. Sau bao năm như không có gì đổi thay, cũng vẫn con đường sắt hẹp tám tấc Xuyên Đông Dương từ thời Toàn Quyền Paul Doumer thời Pháp thuộc của gần một Thế Kỷ trước, cũng vẫn những toa tàu cũ kỹ được tân trang cho mang một tên mới là Con Tàu Thống Nhất. Toa tàu cũ như một người bạn đồng hành xốc xếch, con đường sắt đưa ông về quá khứ với những cảnh cũ năm xưa.
Để ra khỏi Sài Gòn, con tàu phải chạy xuyên qua những khu nhà xây cất lộn xộn ra sát đường rầy với thấp thoáng những cột ăngten truyền hình cao thấp trên các mái tôn.
Qua Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa không còn bức tượng Thương Tiếc của Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu qua hình ảnh người lính ngồi gác súng mà nhớ thương bạn, mồ mả cũng bị đào bới thậm chí chân dung người chết cũng bị bắn vỡ mắt do lòng nhỏ nhen thù hận của những người chiến thắng.
Tới địa phận Bình Tuy, ông Khắc biết mình bắt đầu đi vào ranh giới của Vương Quốc Champa từ bao trăm năm trước, Champaka hay Châm Ba là tên một loài hoa sứ rất đẹp hương thơm sắc trắng như một biểu hiệu thanh khiết của dân tộc Chăm.
Dọc theo Quốc Lộ 1, một bên là biển một bên là núi, con tàu chạy băng băng giữa những khoảng ruộng xanh bên trong các thung lũng hẹp với rải rác những lũy tre xóm làng và bóng người thì thưa thớt. Qua đoạn Tuy Hòa, con tàu bắt đầu đi vào Tiểu Vương Quốc Panduranga, qua các khu tập trung sinh sống của những người Chăm đồng bằng, con số không tới được tám chục ngàn ở các Tỉnh Phan Rí-Bình Thuận, Phan Rang-Ninh Thuận,. Họ theo Đạo Bà La Môn khác với những người Chăm Châu Giang theo Đạo Hồi, họ vẫn giữ nét phong tục mẫu hệ, vẫn mặc những bộ y phục cổ truyền màu trắng trong các dịp lễ hội hàng năm rất thu hút ống ảnh của các du khách. Họ sống xa lạ và khép kín ngay trên quê hương đất đai của tổ tiên họ bên những Tháp Chăm đang đổ nát với thời gian.
Các công trình sáng tạo nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc từng phát triển tới cao độ ở phía Bắc Vương Quốc Champa thì nay chỉ còn là nét huy hoàng của thời quá khứ. Các tháp Chăm còn lại tới ngày nay có niên đại từ Thế Kỷ thứ 4 tới Thế Kỷ 17. Chinh chiến liên miên cho tới Thế Kỷ 17 đánh dấu thời kỳ suy thoái toàn diện của Vương Quốc Champa. Đến Thế Kỷ 17 Vương Quốc Champa chỉ còn là một vùng đất thu hẹp từ sông Dinh Phan Rang vào tới Bình Thuận nguyên là lãnh địa của Tiểu Vương Quốc Panduranga, một trong 5 Tiểu Vương Quốc tạo thành Champa như một liên bang.
Tháp Pôrômê là tháp Chăm cuối cùng trong lịch sử kiến trúc của Vương Quốc Champa đã có dấu hiệu của một công trình vội vã gạch xếp lộn xộn với mạch hồ lớn thô phản ánh một thời kỳ đất nước Champa nhân tài và vật lực suy kiệt và kỹ thuật dựng tháp đã có từ 14 Thế Kỷ trước bắt đầu với tháp Mỹ Sơn có từ Thế Kỷ thứ 4 hầu như bị thất truyền.
Những Tháp Chăm đầu tiên vốn là những tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ nhưng đến Thế Kỷ 17 sau ngôi tháp Pôrômê xuống cấp thì người Chăm đã không còn đủ khả năng và phương tiện để xây dựng những ngôi tháp uy nghi truyền thống nữa và họ bằng lòng với những công trình xây dựng nhỏ đó là những ngôi đền để thờ phượng các vị Vua cuối cùng như Pôklong Mơhnai, Pônít, PôKlong Gahul...
Điển hình như Đền PôKlong MơhNai được dựng trên một đồi cao thuộc Làng Lương Sơn, Tổng Vĩnh An Huyện Hòa Đa hình dáng kiến trúc giống như một ngôi chùa sử dụng vôi vữa giống như người Việt không còn đâu nét đồ sộ và hoành tráng của tháp Chăm trước kia.
Chỉ có bên trong những ngôi đền ấy còn giữ nội dung thờ phượng là hoàn toàn Chăm với tượng vua, tượng Hoàng Hậu và tượng Bà Thứ Phi người Việt. Các pho tượng được trạm khắc với những đường nét còn rất tinh tế có hồn và rất sinh động gợi cảm. Nhưng chỉ có thế. Lịch sử kiến trúc điêu khắc nghệ thuật Chăm đến đây coi như kết thúc cùng với bước kết thúc của Vương Quốc Champa cho dù vẫn còn những cộng đồng dân tộc Chăm sinh sống trên dải đất quê hương họ.
Với những người thiểu số cao nguyên sống rải rác trên núi non Trường Sơn có lẽ một số trước kia cũng là người Chăm, bị chinh chiến điêu linh khiến phân tán thất lạc lên các vùng núi non hiểm trở cô lập với thế giới bên ngoài và rồi tự phát triển theo hướng riêng của mỗi nhóm.
Con tàu thời gian đang đưa ông Khắc về quá khứ, dưới bầu trời miền Trung nắng đẹp với những đám mây trắng lang thang nhưng cảnh trí cũng thật là khô cằn. Con tàu tới Bình Định quê hương của Tây Sơn, xa hơn nữa từ Thế Kỷ 15 trở về trước, nơi đây là Tiểu Vương Quốc Vijaya, với thành Đồ Bàn đã từng là Kinh Đô Champapura rực rỡ thời cực thịnh của Vương Quốc Champa với những đội quân hùng mạnh, với những đoàn chiến thuyền đã bao lần tung hoành dọc ngang một cõi: Bành trướng lên phía Bắc nhiều lần đánh phá Đại Việt ra tới tận Thành Thăng Long, chinh phạt xuống phương Nam đánh Phù Nam và dũng mãnh tiến tới tận Thành Angkor.
Qua Quảng Ngãi là lãnh địa của Tiểu Vương Quốc Amavarati, không còn bóng dáng một người Chăm. Sau bao cuộc chiến chinh, dấu vết của ‘’Điêu Tàn’’ còn lại chỉ là một cánh đồng lúa xanh với rải rác những gò trống đá ong những chân tường màu gạch đã phủ dày những lớp rêu phong.
Cung đình triều đại người xưa đâu. Có chăng còn đâu đó trong Viện Bảo Tàng Đà Nẵng là những pho tượng vũ công Chăm tuyệt mĩ với những tấm thân uyển chuyển và đôi bàn tay dịu dàng. Đâu đây tưởng như còn vang vọng tiếng nhã nhạc với tiếng trống tiếng đàn tiếng sáo nơi cung đình có cả một nàng Công Chúa Huyền Trân của Việt Nam. Ông Khắc hiểu rằng dấu vết nền văn minh Chăm không phải chỉ tới có Quảng Bình với dẫy Hoành Sơn hiểm trở biên giới phía Bắc xa nhất của Tiểu Vương Quốc Indrapura thuộc Champa như một liên bang, mà ảnh hưởng đó còn lan tới tận ngoài Bắc khi các Vua Triều Lý đã đem các nghệ nhân Chăm ra xây cung điện và chùa chiền ở Kinh Đô Thăng Long. Sử chép năm Giáp Thân (1044), Vua Lý Thái Tông ngự giá đi đánh Chiêm Thành, giao tranh khốc liệt máu chảy đỏ cả con sông Ngũ Bồ, quân Chăm thua chạy. Thái Tông thừa thắng tiến binh chiếm luôn Quốc Đô là Phật Thệ (nay là Huyện Hương Thủy Tỉnh Thừa Thiên) và khi trở về bắt theo toàn thể đoàn cung nhân nhạc nữ Chăm trong đó có Vương Phi Mỵ Ê. Khi tới Lý Nhân, Thái Tông cho đòi Mỵ Ê sang chầu bên thuyền rồng nhưng nàng quyết thủ tiết và trầm mình trong dòng Châu Giang. Câu chuyện cảm động khiến Tản Đà khi đi qua Lý Nhân đã viết nên bài thơ:
Châu giang một dải sông dài
Thuyền ai than thở một người cung phi
Đồ Bàn thành phá hủy
Ngọa Phật tháp thiên di
Thành tan tháp đổ
Chàng tử biệt thiếp sinh ly...
Ông Khắc dừng mắt ngay nơi trang đầu phần ‘’Dẫn Nhập’’ cho bản thảo cuốn sách...‘’Như mọi dân tộc khác, người Chăm có một nguồn gốc, một nền văn hóa và một lịch sử đấu tranh. Vậy mà chỉ mấy trăm năm gần đây thôi cả Vương Quốc Champa của một thời huy hoàng ấy ngày nay chỉ còn là một hư ảnh, hoàn toàn bị chôn vùi trong quá khứ phũ phàng. Hoạn nạn dồn dập đã tàn phá tất cả, cả đến mỗi con người Chăm cũng không còn nguyên vẹn nữa...’’
Những dòng chữ ngắn ngủi ấy của Ro-Hiêm người bạn Chăm mà ông Khắc đã quen biết bao năm từ hồi còn viết cho tờ Bách Khoa, đã như những mũi kim đâm vô óc và làm đau nhói trong tim. Có lẽ nghĩ ông là người bạn Việt tâm đắc nên RoHiêm có ý nhờ ông viết lời tựa cho cuốn sách ‘’Lịch Sử Dân Tộc Chăm, Một Vương Quốc Tiêu Vong’’ công trình đồ sộ của cả một hùng tâm làm việc trong bao nhiêu năm. Ông Khắc tự hỏi sẽ phải viết gì về cái chết của một quốc gia Vương Quốc Champa qua những trang sách đầy máu và nước mắt ấy.
Từ bao lâu rồi khi bước chân vào nghề báo ông Khắc đã không ngừng nghĩ tới lẽ công bằng cho người thiểu số không phải chỉ trong bối cảnh địa lý chánh trị của Việt Nam mà trong cả ý niệm toàn cầu hóa trách nhiệm với tất cả các sắc dân thiểu số trên hành tinh này đó cũng là một trong những chủ đề của cuốn sách Cahier d’Asie du Sud-Est của ông Khắc sắp hoàn tất.
Không phải đến cái tuổi này ông Khắc hay nghĩ tới cái chết, ngay từ thời trẻ ông đã rất sớm tiếp cận với cái chết khi bồng bột theo người chú đi làm cách mạng kể cả tham gia vào ban ám sát khi chỉ mới biết cầm súng. Những năm xanh ảo tưởng ấy cũng qua mau cho đến khi người chú của ông bị Việt Minh bắt và dẫn đi mất tích trên đường sang Côn Minh. Trên bước đường đi tìm kiếm, như một cơ duyên ông Khắc đã chọn đi vào nghề báo. Là một phóng viên chiến tranh ông cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu là cái chết của những người dân những người lính hai bên, kể cả những cái chết của các đồng nghiệp làm báo đã từng rất thân thiết với ông. Nếu đã không chết, thì chúng ta chẳng thể biết được cái giá của sự sống ra sao. Ông Khắc rất tâm đắc với câu nói ấy của J. Y. Cousteau. Từ cái chết của mỗi con người ông Khắc nghĩ tới cái chết của một quốc gia kèo theo sự tiêu vong của cả một nền văn minh. Và cả Vương Quốc Champa hùng mạnh của quá khứ nay đã không còn dấu vết nào trên bản đồ thế giới.
Chỉ mới đây thôi không phải ngẫu nhiên mà ông nhắc mấy người bạn trẻ trong Nhóm Bạn Cửu Long rằng con sông Mekong mà họ đang tha thiết quan tâm ấy chảy qua bảy quốc gia thay vì sáu khi ông nghĩ tới một quốc gia nhỏ bé Tây Tạng đang trên bờ vực thẳm và cũng đang có nguy cơ bị tiêu diệt.
Ông Khắc nghĩ đến một mai khi có một chánh quyền dân chủ vững mạnh biết tôn trọng những giá trị nhân bản, đã đến lúc vị Nguyên Thủ quốc gia phải đứng ra công khai tạ lỗi với người Chàm và cả những sắc dân thiểu số khác, về những đau thương và mất mát mà tổ tiên chúng ta đã gây ra cho họ trên bước đường Nam Tiến. Hành động tạ lỗi không phải chỉ để nhìn lại quá khứ bởi vì chẳng ai thay đổi được lịch sử quá khứ, mà chính là để hướng về tương lai bởi vì nếu không rút ra những bài học từ lịch sử thì rồi ra lỗi lầm lịch sử lại tái diễn dưới dạng những tấm thảm kịch khác. Theo ông, sự phát triển của dân tộc Việt từ ngày lập quốc tới nay, tính chất ‘’mở mang bờ cõi’’ qua cuộc Nam Tiến cần được nhìn băng con mắt lịch sử cho dù bảo rằng đó là sự đã rồi fait accompli nhưng cũng cần được nhìn lại qua nhãn quan hôm nay trong một trật tự thế giới mới với ‘’công bằng cho người thiểu số’’ bằng tôn trọng sự tồn tại phát triển và hạnh phúc của các sắc dân khác. Nước mắt và sự tuyệt vọng của những người Chăm, người Thượng rất cần được chúng ta động tâm suy nghĩ trong bối cảnh của một đất nước Việt Nam quy về một mối trong tương lai.
Thảm sát Mậu Thân, thảm sát ở Sơn Mỹ. 

Con tàu Thống Nhất ấy cũng đưa ông Khắc trở lại với Sơn Mỹ, trở lại với Huế. Đã hơn 30 năm rồi mà ông Khắc vẫn còn nhớ như in những gì xảy ra trong Tết Mậu Thân ấy. Chưa đầy hai tháng sau vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Cố Đô Huế, ngày 16 tháng 3 năm 1968 khi các Tiểu Đội của Sư Đoàn 23 Bộ Binh Mỹ dưới quyền chỉ huy của Thiếu Úy William Calley, đổ bộ bằng trực thăng xuống làng Sơn Mỹ thuộc Tỉnh Quảng Ngãi, vốn nằm trong tầm kiểm soát của cộng sản. Trước đó hai tuần lễ đã có 6 lính Mỹ bị tử thương do xập mìn bẫy. Lính Mỹ gọi Sơn Mỹ là một Làng Đỏ (Pinkville). Trong cuộc hành quân lục soát ấy, theo lệnh của Calley, đã có 506 dân làng bao gồm cả đàn ông phụ nữ và trẻ em bị thảm sát. Biến cố này đã được giới truyền thông Hoa Kỳ tận tình khai thác và rêu rao lâu dài như một thứ tội ác man rợ nhất của lính Mỹ đối với thường dân và được coi như khúc rẽ về hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam. Điều trớ trêu là cũng giới truyền thông ấy lại không mấy quan tâm tới vụ thảm sát hơn ba ngàn thường dân của quân cộng sản Bắc Việt ở Huế. Trước khi ra Huế, ông Khắc xuống tàu ở Quảng Ngãi để ngày hôm sau đi Mỹ Lai. Cho dù phương tiện giao thông ở thôn quê còn thật tệ hại nhưng lại thật dễ dàng có xe đi Sơn Mỹ bởi ngày nay Đài Tưởng Niệm Sơn Mỹ đã trở thành tụ điểm du lịch để thu hút ngoại tệ của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Chỉ cách Thị Xã Quảng Ngãi 13 cây số về hướng Bắc, không mấy xa sau khi băng qua cây cầu ngang sông Trà Khúc nổi tiếng với cát trắng nước trong và độc nhất vô nhị với cảnh quan ‘’những bánh xe nước’’ nhịp nhàng quay theo dòng chảy đưa nước sông vào máng dẫn tới những cánh đồng lúa xanh xa tắp khiến người Pháp trước đây phải hết lời ca ngợi về ‘’óc kỹ xảo của người nông dân An Nam’’, và ngay trước mặt là tấm bảng chỉ đường tới Sơn Mỹ 

Miền Trung đất khổ quê nghèo.
Hơn 30 năm trước ông Khắc đã tới một Quảng Ngãi sau lũ lụt trắng những khăn tang. Hai mươi năm sau hòa bình, thời gian như dừng lại che trở cho mọi đổi thay, cũng vẫn quê nghèo đất khổ với con trâu và cái cày. Vẫn có những tháng đói kinh niên mỗi năm và người dân đã phải ăn cả những cây xương rồng.
Tới giữa làng là một đài tưởng niệm cách đó không xa là nghĩa trang liệt sĩ. Để tăng thêm tác dụng tuyên truyền, một hầm tránh bom được dựng lại cùng với con lạch nơi xác các nạn nhân được ném xuống. Cũng là điều trớ trêu là bao nhiêu hình ảnh ghê rợn được phóng lớn của khu triển lãm ấy được cung cấp một cách phong phú bởi chính các phóng viên và truyền hình Mỹ. Bấy lâu trong và sau chiến tranh Việt nam vẫn chỉ là hình ảnh một phía của man rợ và tội ác. Đứng ở Sơn Mỹ mà ông Khắc cũng đã thấy trước được nguyên vẹn từng ấy hình ảnh trong Viện Bảo Tàng ISAW (Institute for the Study of American Wars), về 6 cuộc chiến tranh Mỹ có tham dự trong đó có cuộc Chiến Tranh Việt Nam mà lần đầu tiên Mỹ đã bị thua. Khi điều gì vượt quá tầm suy luận thì người ta tìm cách này hay cách khác để giải thích. Neil Sheehan, tác giả cuốn sách A Bright Shining Lie. Sự dối trá hào nhoáng, đã cho rằng những vụ thảm sát như vậy không phải là hiếm xảy ra trong chiến tranh thường là ở những vùng xa xôi mà nạn nhân là những thường dân không võ trang. Đối với những lính Mỹ khi đặt chân tới Sơn Mỹ, nơi đã có các đồng đội của họ ngã xuống thì dưới mắt họ bất cứ người Việt nào họ gặp cũng có thể là bọn Đỏ tàn bạo, từ cách nhìn đó chỉ cần một bước rất nhỏ những người dân ấy dễ dàng trở thành những cái bia cho những họng súng thù hận lẫn với sợ hãi.
Là phóng viên chiến tranh ông Khắc hiểu rằng đâu phải chỉ có hai vụ thảm sát Huế và Sơn Mỹ mà còn bao nhiêu địa danh khác bị lãng quên trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Điển hình không thể không nhắc tới tấn thảm kịch xảy ra tại làng Phú Hiệp Tỉnh Phú Yên trước đó hai năm hồi tháng 5 năm 1966 khi quân đội viễn chinh Đại Hàn tàn sát hàng trăm dân làng vô tội hầu hết là người già phụ nữ và trẻ em với lý do trả đũa cho vụ ném lựu đạn phục kích làm chết một viên Thiếu Úy Đại Hàn và họ nghi là dân làng có chứa việt cộng. Đã có nhiều vụ trả đũa tàn ác như vậy nhắm vào các thường dân vô tội mỗi khi quân họ bị phục kích và đã không có một dư âm nào trên báo chí như vụ Sơn Mỹ do kế hoạch bưng bít và kiểm duyệt gắt gao. Nhưng làm sao hư vô hóa được tất cả tội ác khi mà vẫn còn những lời kể lại của những nạn nhân người Việt may mắn sống sót cộng thêm với lời khai phản tỉnh tuy muộn màng của các cựu chiến binh Đại Hàn từng tham chiến tại Việt Nam.
Vào buổi giao thời của Đổi Mới thì Đại Hàn nay là quốc gia đầu tư làm ăn lớn nhất ở Việt Nam nên những người cộng sản lãnh đạo ở Hà Nội đã vội vã tuyên bố là muốn bỏ lại quá khứ sau lưng để quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia khác. Chỉ riêng con cháu những nạn nhân còn sống sót thì họ vẫn đau thương tức tưởi và chẳng thể nào quên...
Qua Đèo Hải Vân cảnh trí tuyệt vời được Paul Theroux đánh giá là đẹp nhất thế giới, khi con tàu đi vào một biển mây với phía dưới là làng chài lưới nhỏ nép bên bãi biển Lăng Cô. Biển thì trong xanh lung linh những tia nắng ấm với các đợt sóng trải dài trên một bãi cát thủy tinh trắng mịn. Vẻ đẹp tươi mát và trinh nguyên ấy cũng không làm dịu bớt cơn ác mộng hồi tưởng flashback về những tháng năm chinh chiến điêu linh mà bản thân ông Khắc đã trải qua. Tạ lỗi Mậu Thân 1968. Những mồ chôn tập thể, hàng xâu người bị chôn sống trong đó Giáo Sư Quốc Học Trần Đình người đàn anh trong gia đình Hướng Đạo rất thân thiết của ông Khắc. Chỉ riêng một dòng họ tiếng tăm ở Huế mà ông biết cũng đã mất 5 người vừa bị bắn vừa bị chôn sống, trong đó có cả cụ già và thanh niên. Rồi còn phải kể cả những cuộc hành quyết hàng loạt bên ngoài Huế rồi ném xác xuống khe suối Đá Mài chỉ được tìm ra sau đó. Có khác gì đâu với những ngôi mộ tập thể ở Tây-Nam Nam Vang. Trường Học Gia Hội có khác gì đâu lycée Tuol Sleng nay là Viện Bảo Tàng Tội Ác Diệt Chủng của Pol Pot.
Khmer Đỏ đã có hơn bốn năm trong khi quân cộng sản Bắc Việt chỉ có hơn 25 ngày chiếm đóng Huế để thực hiện một cuộc tàn sát tập thể hơn ba ngàn người. Động cơ nào khiến con người hành động tàn sát man rợ như vậy? Đã đến tuổi này ông Khắc có nhu cầu tìm lời giải đáp. Có bao nhiêu lối giải thích cũng vẫn chỉ là bấy nhiêu giả thiết.
Do nỗi sợ hãi thù hận.
Một số nhà báo Tây phương cho rằng do những trận đánh bom khủng khiếp ngày đêm của Mỹ để giải tỏa Cố Đô Huế, khiến những người lính cộng sản Bắc Việt phải sống thường xuyên trong tình trạng hãi hùng và kinh hoảng điều này được giải thích như ‘’hoàn cảnh nguyên nhân’’ của các hành động tàn sát man rợ. Lại cộng thêm lòng thù hận với đám cư dân sống trong Thành Phố không những không tham gia ‘’nổi dậy’’ mà còn ‘’bỏ chạy’’ dửng dưng vô cảm với những chịu đựng thống khổ của họ, mà cả lẫn trong số đó không thiếu những thành phần ‘’ác ôn’’ đáng bị trừng phạt và trừ khử. Hủy diệt nhân tính, giáo dục ‘’căm thù’’ tạo dựng nên chân dung ‘’kẻ địch không còn mang tính người’’ để có thể lạnh lùng xuống tay thảm sát mà không hề có cảm giác phạm tội. Bùi Tín trong Mặt Thật cũng chọn lối giải thích này để bào chữa cho vụ thảm sát Tết Mậu thân ở Huế. Và trước đó cũng đã có nhà phân tích chánh trị Mỹ Wayne Bert dùng lối giải thích này để lý giải nguyên nhân các hành động tàn sát tập thể của quân Khmer Đỏ ở Cam Bốt.
Đã có viện bảo tàng tội ác diệt chủng Cam Bốt ở lycée Toul Sleng Nam Vang, đã có đài tưởng niệm vụ thảm sát hơn 500 thường dân tại Sơn Mỹ, tại sao Trường Gia Hội không là nơi trưng bày và tưởng niệm cho hơn 3000 nạn nhân trong vụ thảm sát Tết Mậu Thân như Giải Khăn Sô Cho Huế. Chiến tranh đã không thể biện minh được như động cơ tàn ác giết những người thường dân vô tội. Người sống phải có câu trả lời về trách nhiệm cho những vấn nạn lịch sử ấy. Không nuôi dưỡng lòng căm thù nhưng cũng không cho phép sự gian dối che đậy, do đó các thế hệ Việt Nam hiện tại cũng như tương lai phải có trí nhớ đầy đủ về những tấn thảm kịch đất nước để đừng bao giờ tái phạm những tội ác như vậy nữa.
Lên với bình minh.
Từ sáng tinh mơ, sương mù phủ đặc, bên ngoài đường còn tối. Từ những con hẻm quanh co của khu Nam Giao, người ta đã thấy các bà mẹ, các chị lặng lẽ leo lên theo những con dốc dẫn con em tới trường. Ngôi trường Tiểu Học Phan Bội Châu, cũng là nơi mang nhiều di tích những ngày cuối cùng của Cụ Phan khi về sống ẩn dật ở Huế.
Sáng nay cũng như mọi ngày, tụi nhỏ được ăn sáng ở Trường. Ở nhà bố mẹ có thể vẫn thiếu thốn nhưng các bậc phụ huynh đồng ý cùng chung lo với nhà trường những bữa ăn sáng tạm gọi là có đủ chất dinh dưỡng cho các em. Tùy khả năng chung góp nhưng bữa ăn thì đồng đều, tùy ngày mỗi em khi thì được ăn một chiếc bắp non ngọt khi thì củ khoai mật hoặc sang hơn thì được một chén cơm chiên. Rõ ràng là ‘’ăn vóc học hay’’, được no bụng các em học chú tâm hơn và điểm đạt được trong lớp cao hơn. Hơn một nửa Thế Kỷ, trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng và chiến tranh xương máu lại cả sắp bước vào Thế Kỷ mới một thiên niên kỷ mới, hạnh phúc cao nhất trước mắt mới chỉ là mong sao cho được ‘’ăn no mặc ấm’’.
Sáng nay cùng đi với các em lên đồi Vọng Cảnh xem mặt trời mọc, bên Quốc Học qua có Thầy Giáo Nguyễn Châu và trò Đinh Quang Bảo Toàn khôi nguyên giải thi Toán Quốc Tế La Mã kỳ vừa qua. Khách từ xa tới thì có Bác Sĩ Duy và ông Khắc. Hai người không hẹn mà gặp. Duy vừa hoàn tất khóa thỉnh giảng ngắn hạn tại Đại Học Y khoa Huế. Ông Khắc biết Duy qua sinh hoạt của Nhóm Bạn Cửu Long. Duy gốc người Bắc nhưng lại có ý tưởng độc đáo về tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long như một cái nôi của nền văn hóa Việt Nam bước vào thiên niên kỷ tới...
Trong chuyến du ngoạn này, về lịch sử các em học sinh sẽ được nghe kể về lai lịch ngọn đồi nơi các em đang đứng, trước kia thuộc Tỉnh Phú Xuân cũng là nơi ngót ba trăm năm trước Quang Trung Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, uy nghi lẫm liệt trong áo chiến bào truyền hịch trước đám tướng sĩ ba quân trước giờ xuất phát ra Thăng Long tốc chiến đại phá quân Thanh giữa Tết Đống Đa Xuân Kỷ Dậu 1789. Từ bài học ấy, các em được sống lại với ý thức Bổn Phận-Danh Dự-Trách Nhiệm thay vì chủ nghĩa thực dụng chỉ biết có nghiệp vụ cùng là hướng về lợi ích không xa hơn giới hạn của bản thân.
Ông Khắc hiểu rằng chuyện gì thì cũng phải khởi lại từ đầu, chuyện giáo dục đào tạo con người đâu phải là vấn đề của đầu hôm sớm mai. Làm sao có được Thầy Giáo giỏi, lại có lòng. Không thể để Thầy Cô, mà người ta mỹ miều gọi tên là những Kỹ Sư tâm hồn, ngoài buổi dạy học vẫn phải tất tưởi lao động thêm mới đủ sống. Bạc đãi Thầy Cô đến như vậy cũng chính là gián tiếp bạc đãi các em. Tôn sư trọng đạo, nâng cao mức sống nhà giáo mới mong hấp dẫn được người ưu tú chọn nghiệp Thầy Cô. Nhìn 28 em ‘’Nhị Thập Bát Tú’’ như những vì sao, rạng rỡ thông minh với các khuôn mặt khác nhau, mắt sáng môi không hồng thân hình thì quá mảnh mai khác hẳn với những đứa trẻ Việt ở Mỹ thì lúc nào cũng nảy nở no tròn. Thiếu ăn suy dinh dưỡng vẫn còn là vấn đề tồn tại trong thế hệ các em.
Vui vẻ theo chân các em trên đường đi, Bác Sĩ Duy quay sang nói chuyện với ông Khắc:
- Cho dù có hơn mười năm ‘’Đổi Mới’’ theo tường trình của UNICEF, số trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn gia tăng nhất là ở nông thôn lại kèm theo một hiện tượng mới khá nghịch lý là sự xuất hiện của một một nhóm trẻ béo phì trong các Thành Phố. Duy bày tỏ mối ưu tư, tiếp:
- Trẻ suy dinh dưỡng nhất là ở những năm đầu tiên, không phải chỉ nhỏ về vóc dáng mà cả não bộ cũng không phát triển, thiếu tế bào não trẻ không có khả năng tập trung và trở nên ngu độn. Còn đám trẻ phì mập thì cũng là bệnh chứ đâu có hay ho gì!
Ông Khắc nói thật ngắn:
- Cũng không khó khăn gì để giải thích hiện tượng nghịch lý đó, nó chỉ phản ánh sự phân phối của cải lợi tức xã hội không đồng đều trong giai đoạn phát triển tư bản hoang dã.
Duy giọng lên án gay gắt:
- Quản lý một đất nước có tiếng là vựa lúa của Đông Nam Á mà để cho 70% trẻ em suy dinh dưỡng đã là điều đáng trách. Giữa đông đảo những đứa trẻ gầy ốm thiếu ăn ấy lại xuất hiện một đám con cái cán bộ đảng viên dư ăn ngập miệng đến mang bệnh phì mập thì bộ máy cai trị ấy không phải chỉ đáng trách mà là bất nhân và đáng ghê tởm.
Ông Khắc thấy ở Duy là một tổng hợp những điều nghịch lý: Thẳng thắn bộc trực gay gắt phê bình chế độ hiện tại nhưng vẫn không từ nan dấn thân, kể cả những việc nhỏ thấy là phải thì vẫn cứ làm. Duy phân biệt rất rõ giữa chế độ và những người dân sống trong đó. Duy tiếp giọng cảm khái:
- Trẻ đói hay trẻ no đều là đám trẻ bệnh không phải là thế hệ thừa kế tốt để Việt Nam bước vào Thế Kỷ mới.
Đã qua cái tuổi ‘’thất thập cổ lai hy’’ mà sao ông Khắc vẫn chưa thấy mình là già, đã thế đám bạn của ông như Duy, Cao, Triết toàn là lớp trẻ cách ông tới cả hai thế hệ, với mối tương quan trong sáng hồn nhiên và không cợn lên cái khoảng cách giữa tuổi tác. Ông dễ dàng nói chuyện với họ về những triển vọng tương lai hơn là với các người bạn già cũ mà lề lối suy nghĩ đã hóa thạch và chỉ thích quay về quá khứ. Chuyện trong nước đã thế, ông Khắc nghĩ chuyện bên ngoài cũng không đơn giản gì. Theo ông nói chuyện nhân quyền trước tiên là quyền được làm người quyền được sống của những đứa trẻ, trước khi bàn tới những chuyện cao xa khác.
Có tiếng của đám trẻ reo lên. Đến rồi bình minh. Dâng lên từ phía Biển Đông, mặt trời như một chiếc mâm to tròn đỏ từ từ ló dạng nhưng vẫn ướt đẫm tươi mát lẫn trong mênh mông của biển sương mù. Cũng mặt trời đó chỉ ít phút sau khi càng lên cao càng khô ráo ấm áp và cũng rực rỡ hơn.
Giã từ bóng đêm, tới với bình minh với tương lai bao giờ cũng là cảm giác ấm áp. 
CHƯƠNG XIV 
CHUYẾN TÀU LỠ TRÊN SÔNG MEKONG VÀ CON CÁ ĐUỐI TRONG TỈNH ĐỒNG THÁP 
Peace had returned to this beautiful land
at the expense of its very raison d’ être... 

Tim Page
Chuyến Tàu Lỡ Trên Sông Mekong. 

Calypso tượng trưng cho cơ hội lại bị bỏ lỡ bởi giới lãnh đạo Việt Nam do chỉ biết nhìn qua một nhãn quan đường hầm (tunnel vision). Trong suốt hơn nửa Thế Kỷ Calypso đã gắn liền với tên tuổi Jacques-Yves Cousteau (JYC), ông không chỉ được biết tới như một nhà thám hiểm biển sâu mà còn là một chiến sĩ bảo vệ môi sinh. JYC chết tháng 6 năm 1997, Calypso thì nằm ụ ở Cảng Marseille bỏ mặc cho khí hậu và thời gian tiếp tục làm cho han rỉ. Nhiều người đang vận động đưa Calypso về sông Seine nước ngọt ở Paris để trưng bày như một tượng đài quốc gia trước khi bị hà và muối làm cho thân tàu hoàn toàn ruỗng mục.
Nguyên là sĩ quan Hải Quân Pháp đầy huân chương, JYC đã sáng chế ra bộ máy thở cho người lặn sâu. Sau Thế chiến 2, JYC đã thành công biến cải một tàu vớt mìn của Mỹ thành con tàu Calypso với liên tục những cuộc thám hiểm biển sâu sau đó. JYC cũng tạo ra được Đĩa Lặn như một tàu ngầm tí hon đủ cho hai người có thể xuống sâu hơn 300m và đã lại cống hiến cho thế giới bao nhiêu những hình ảnh đẹp ly kỳ khác.
Là người tiên phong thám hiểm các rãnh sâu Địa Trung Hải, những vùng hang động Bahama, thu vào ống kính những hình ảnh từ lòng đại dương như những công viên kỳ ảo dưới đáy biển làm say mê cả thế giới. JYC còn được nhắc tới với nhiều giai thoại rất ư là Pháp. Theo phóng viên tờ National Geographic thì trước khi khởi hành từ Cảng Toulon, Calypso đã chở theo 2 tấn rượu vang đỏ và 20 tấn nước ngọt với kỷ luật của Thuyền Trưởng áp dụng cho toàn thủy thủ đoàn là ‘’khẩu phần nước ngọt thì hạn chế nhưng với rượu chát thì không!’’ Calypso chỉ tiếp tục một truyền thống Gaulois có tự lâu đời. Cách đây hơn 130 năm đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée-Francis Garnier ngược dòng sông Mekong thời hoang dã trước khi khởi hành từ Sài Gòn ngày 05.06.1866 trên một pháo hạm, hành trang lên đường thực phẩm có thể thiếu (sẽ được bổ xung trên đường đi) nhưng rượu chát thì không: Do đó ban hậu cần đã chu đáo cung cấp cho đoàn chỉ gồm 6 người ‘’700 lít rượu chát và 300 lít rượu mạnh’’ trong khi đoàn chỉ có mang theo có mỗi một thùng dụng cụ cho mục tiêu khảo sát khoa học.
Ngoài những phim ảnh sống động về sinh cảnh dưới lòng đại dương, về các nguồn động và thực vật chưa bao giờ được biết đến, cuốn sách ‘’The Silent World’’ là một best seller ngay khi ra mắt với 5 triệu ấn bản bán hết và được dịch ra 22 thứ tiếng. JYC được Hội National Geographic trao tặng huy chương vàng với lời vinh danh như ‘’người lục địa đã mở cánh cửa vào thế giới thinh lặng của đại dương’’ và tiếp tục được cơ quan này bảo trợ để thực hiện những cuộc thám hiểm trên Hồng Hải qua đến Ấn Độ Dương sau đó.
Nhưng rồi những tháng ngày đẹp đẽ và trong lành dưới nước không còn nguyên vẹn nữa. Ngay trong vùng biển ấm Địa Trung Hải nước trong xanh như thủy tinh thì nay bắt đầu vẩn đục, đáy biển vốn rất phong phú với các sinh cảnh động và thực vật thì nay bắt đầu dần trơ trụi. Bị báo động, JYC mở ngay những cuộc khảo sát các mẫu nước biển, thu thập và phân tích các chất lắng, ông đi tới kết luận hiển nhiên đây là hậu quả của ô nhiễm kỹ nghệ và tiện dụng gia cư mà người ta không ngừng mỗi ngày trút xuống sông xuống biển. JYC kinh hoàng khi thấy không phải chỉ ở Địa Trung Hải mà bất cứ vùng biển và sông ngòi nào mà con tàu Calypso đi qua như Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu Thái Bình Dương đều cùng một thảm cảnh bị suy thoái môi sinh như vậy.
Có lẽ đây cũng là thời điểm mà JYC muốn đưa con tàu Calypso đi khảo sát ngược dòng sông Mekong nhưng...đã không được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép. ‘’Cousteau voulait remonter le Mekong avec son Calypso, mais les Vietnamiens n’ont pas donné l’autorisation.’’ C’ était une grande perte pour le Vietnam et pour la France. (Mékong, Après le Dégel, Guido Franco, 1992)
Việt Nam chứ không phải Pháp đã mất đi một cơ hội bằng vàng để bổ sung phần hiểu biết vốn đã quá nghèo nàn về hệ sinh thái con sông Mekong mà cho dù sau này có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không bù đắp được sự mất mát chất xám và cả trái tim nồng nhiệt của JYC.
Đang từ một nhà thám hiểm dưới nước JYC nghiễm nhiên trở thành chiến sĩ bảo vệ môi sinh, trên biển trên sông và cả trên đất liền như gắn bó hữu cơ của những sinh cảnh như một toàn thể. Ông đã nhìn ra cốt lõi của vấn đề mà hơn 100 nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội Nghị Môi Sinh và Phát Triển ở Rio de Janeiro (1992) không chịu thấy: Đó là nạn nhân mãn. Khi mà tài nguyên trái đất chỉ đủ cung ứng một cách hài hòa cho khoảng 2 tỉ người thì dân số thế giới hiện nay đã gần 6 tỉ, trong đó riêng Việt Nam đã gần 80 triệu hai phần ba sống trong thiếu thốn nghèo đói và dự trù con số sẽ còn tăng gấp đôi vào giữa Thế Kỷ 21! JYC chết đi đã để lại một khoảng trống, bởi vì tên tuổi ông đã quá gắn bó với nước, nước của sông ngòi lục địa, nước của đại dương bao phủ ba phần tư diện tích trái đất này, nhưng thông điệp báo động về môi sinh của ông càng thuyết phục hơn bao giờ hết bằng chính vẻ đẹp tinh khiết và sống động cuối cùng mà mọi người đã được thấy để mà yêu mến và nghịch lý là cũng chính họ đang góp phần hủy hoại.
Con Cá Đuối Trong Tỉnh Đồng Tháp. 

Nguồn gốc tên Đồng Tháp Mười, Plaine des Joncs hay Đồng Cỏ Lát có nhiều giả thiết: Hoặc là nơi xây tháp thứ mười của Thiên Hộ Dương kể từ sông Lớn đi vào trong thời kỳ chống Pháp, hoặc do ngôi tháp có mười bậc, nhưng cũng có người bảo rằng đó là ngôi chùa tháp thứ mười của người Khmer.
Đồng Tháp Mười với diện tích ngót một triệu mẫu tây nếu kể cả vùng đất giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, nơi mà chỉ mới hơn nửa Thế Kỷ gần đây thôi còn là một vùng hoang dã bát ngát sình lầy, dưới nước đỉa lội như bánh canh, trên trời muỗi bay rợp như đám mây, là nơi mà học giả Nguyễn Hiến Lê khi còn là một cán sự công chánh trẻ mới ra trường đã đi đo đạc ‘’ lênh đênh trên khắp các kinh rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia lên Mộc Hóa, có khi đi bộ trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau sậy bàng năng, hai ba chục cây số không có một nóc nhà, một bóng người’’.
Đồng Tháp Mười ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, dân tụ về ngày một đông, các vùng đất hoang kể cả các khu rừng tràm ngày một thu hẹp nhường chỗ cho nhà cửa và ruộng đồng. Khi mà đất chật người đông thì thiên nhiên chẳng còn ưu đãi và cuộc sống cũng không còn dễ dàng như những ngày xưa nữa ‘’những ngày làm chơi ăn thiệt’’.
Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm...
Đã qua rồi cái hình ảnh ước lệ của một Nam Kỳ Lục Tỉnh thời Phạm Quỳnh báo Nam Phong và Thi Sĩ Tản Đà Đông Pháp Thời Báo từ ngoài Bắc vào thăm không ngớt lời ca ngợi về đời sống trong Nam dễ dãi vui tươi, với gạo trắng nước trong và tôm cá thì đầy đồng: Nay thì chính những người nông dân Nam Bộ hào sảng hiếu khách ấy đang phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm sống, ‘’làm thiệt mà cũng chưa chắc có ăn’’.
Theo tin báo Tuổi Trẻ từ trong nước, mười ngày trước Giáng Sinh, ngư phủ Nguyễn Văn Chơn và vợ cư ngụ tại huyện Lấp Vò Tỉnh Đồng Tháp đã lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai Xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 ký.
Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn (cartilaginous fishes) gồm các giống cá mập, cá nhám, cá đuối và là cá nước mặn. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền. Anh Chơn gốc nông dân quê ở miệt dưới nhưng lại chẳng có mảnh đất cắm dùi nên chỉ sống qua ngày bằng làm công hay theo vụ đi gặt mướn. Tới tuổi 15 không được đi học, Chơn đã xin theo ‘’tập đoàn’’ thuê chung ghe bầu lên Đồng Tháp cắt lúa thuê. Chẳng ai bắt nhưng Chơn thì chịu khó chịu cực dầm mưa dãi nắng lội xình cả tháng xa nhà xa người yêu với hy vọng để dành để dụm được chút tiền cưới vợ:
Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh
Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng
Bao giờ cho lúa chín vàng
Cắt rồi anh trở về làng thăm... em!
Chơn đang yêu con bé Bảy hàng xóm, yêu mãnh liệt nên nó muốn đốt giai đoạn về làng không phải thăm mà là...cưới em! Đang là trai tơ lại bảnh trai mạnh như trâu nước nên thằng Chơn bị mấy bà chị trong ‘’tập đoàn’’ chọc ghẹo và cả đòi cưới hoài nhưng Chơn thì vẫn ‘’chuyên tâm bất nhị’’ với người yêu nên trong bức thư mùi rệu nhờ người ta viết giùm gửi về cho con bé Bảy nó chịu nhất mấy câu:
Cửu Long chín cửa hai dòng
Người thương anh vô số.
Nhưng chỉ một lòng với em...
Và cuối cùng thì Chơn cũng đạt được ý nguyện. Hai năm sau cưới được vợ dĩ nhiên phải là con bé Bảy và ngay năm đầu đã có con. Nhưng rồi làm công gặt mướn không đủ sống, hai vợ chồng bàn nhau thu hết gia tài mùng nóp nồi niêu cả mấy con gà con vịt xuống ghe bỏ quê lên Đồng Cỏ Lát tới Huyện Tam Nông của ‘’đồng chí huyện ủy Mười Nhe’’ tìm miếng đất hoang gần bờ con kinh cắm dùi. Nơi mà cậu Tư Trung nguyên là bộ đội phục viên quê ở mãi tận Chợ Lách Bến Tre tới đây với hai bàn tay trắng vậy mà chỉ có ba năm sau đã có được nhà mái ngói đỏ au và cuộc sống sung túc.
Được cậu Tư khuyến khích lại có quyết tâm ‘’xây đời mới’’, hai vợ chồng tự tay chặt cây tràm làm cột, cắt lá dừa nước lợp mái làm vách khẩn trương chỉ trong mấy ngày thì dựng xong một cái chòi.
Vợ anh ở nhà trông con nhỏ và nuôi mấy con gà con vịt. Anh Chơn thì làm ruộng, chẳng có trâu bò chỉ dùng phảng phạt cỏ xong dùng cây trấn lỗ gieo lúa. Nhờ đất nhờ trời mỗi công cũng được năm bảy giạ lúa tạm đủ gạo ăn quanh năm. Nhưng chủ yếu anh Chơn sống bằng nghề cào cá. Anh có tay đánh cá và cũng đã được ngót 10 năm. Ban đầu nghề cào cá không những có ăn mà còn rất khám khá tới mức vợ chồng có đủ tiền cất nhà vách gỗ mái tôn, trong nhà lại có thêm cả giường tủ và chiếc ‘’razô’’ để bắt đài cải lương mê nhất là giọng ca Út Bạch Lan mùi rệu mỗi cuối tuần. Cứ thế mà vợ anh đẻ đều năm một. Anh Chơn thì rất ham con, càng đông càng vui. Vả lại trời sanh thì trời dưỡng, anh Chơn tin là như vậy. Anh xuất thân nhà nghèo lại không được đi học mà có sao đâu, vẫn có được vợ đẹp con khôn.
Nghĩ thì như vậy nhưng rồi vận may đâu có kéo dài mãi được. Không biết vì sao những năm về sau này anh thấy mình ‘’xui tận mạng’’, lúa trồng thì thất thu vì nạn chuột sâu rầy và ốc bươu vàng, các mẻ lưới cá càng ngày càng ít đi nên anh không còn hào sảng được như trước là chỉ giữ lại cá lớn và phóng sinh cho lũ cá con.
Bây giờ thì vợ chồng anh Chơn bắt tuốt luốt cá lớn cá bé không tha một con nào, vậy mà vẫn không đủ sống và miệng ăn trong nhà thì cứ tăng.
Đã thế con bé Bảy vợ anh lại quá ư hấp dẫn, khi còn con gái thì cứ như trái soài tượng xanh đến khi có con rồi thì lại ngọt ngào như trái soài cát thì bảo sao anh không mê vợ cho được. Vợ anh mắn đẻ lại đẻ cho anh toàn những đứa con đẹp ‘’giống thằng bố nó như hệch’’ nên cực thì có cực nhưng anh đâu có chi để mà than van.
Có lẽ qua gia đình anh Chơn như một điển hình nên ông Khắc người có biệt danh nhà báo của các nhà báo khi được Đài RFA phỏng vấn cuối năm đã phát biểu:
‘’Theo tôi sự kiện quan trọng nhất năm 1999 của Việt Nam là người ta đang chờ đợi đứa trẻ thứ 80 triệu chào đời’’. Rồi vẫn bằng một giọng đềm tĩnh không trách cứ ông Khắc tiếp: ‘’... Như vậy kể từ nay những ai nghĩ nó, viết về Việt Nam về bất cứ khía cạnh gì kinh tế giáo dục, môi sinh, muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng lạc hậu thì đừng quên rằng chỉ mấy ngày nữa thôi dân số Việt Nam đã vượt trên 80 triệu miệng ăn và dự kiến sẽ hơn 100 triệu năm 2010. Các con số nà tự nó đã nói lên rất nhiều về đủ mọi mặt’’.
Ông Khắc cũng hiểu rằng con số 80 triệu lẽ ra đã thuộc về một quá khứ khá xa nếu không có hàng hàng lớp lớp người đã chết vì bom đạn chiến tranh và cả hàng triệu thai nhi bất kể thai kỳ bị giết một cách liên tục và hợp pháp trong khắp các bệnh viện phụ sản trên toàn quốc. Và rồi ông Khắc cũng tự hỏi không biết có bao nhiêu đứa trẻ chào đời hụt ấy hàng ngày được cô y sĩ con dâu ông Tướng Hồi Hưu của Nguyễn Huy Thiệp bỏ và phích đem về nhà làm thức ăn nuôi bầy chó béc-giê đem bán thịt...
Mặc chuyện thế sự ra sao, tới đâu thì tới anh Chơn vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm cho ‘’con vợ đẻ hết trứng mới thôi’’ và như vậy có nhiều hy vọng đứa con áp út củ vợ chồng anh sẽ là đứa trẻ thứ 80 triệu và sau đó anh còn muốn thêm có một đứa nữa để chào mừng năm 2000.
Giữa vận xui, đang lúc năm cùng tháng tận, lại sắp tới ngày vợ sanh đứa con thứ chín thì đúng lúc anh Chơn được tổ đãi. Anh thuật lại là khi chiếc ghe cào đang chạy từ từ thì bỗng nhiên bị khựng lại. Sợ vướng cây khô rách lưới anh cẩn thận thu lưới lên thì thấy nặng trĩu và khi tới gần mặt nước anh nửa mừng nửa sợ khi thấy một con cá đuối khổng lồ bóng nhẫy nằm chật cả chiếc lưới. Anh Chơn phải với gọi thêm ba người nữa phụ kéo mới đưa được con cá vô bến. Vì cá mẹ sắp đẻ ít quẫy chứ không thì cũng đã phá tung lưới mà thoát ra. Tới bến mà cá đuối còn đẻ thêm được 5 cá con, mỗi con nặng hơn 2 ký. Cho sẻ thịt bán ngay tại bến số tiền thu được lên tới ngót 2 triệu đồng tính ra khoảng 140 đô la như món quà Giáng Sinh mà cả hai vợ chồng anh đã không thể nào ngờ tới. Nhưng ‘’Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai’’ như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì khi mà nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất so với 73 năm trở lại đây và có nơi mực nước sông chưa được hai thước gây sạt lở hai bên bờ làm thiệt hại nhà cửa và cả nhân mạng. Nhiều chuyên gia Việt Nam ở ngoại quốc và cả trong nước đã lên tiếng báo động về hiểm họa hạn hán với sông Cửu Long có thể cạn dòng do các công trình xây đập ngăn nước của các quốc gia Thượng Nguồn Thái Lào và nhất là chuỗi tám con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam Trung Hoa mà lâu nay chánh quyền Hà Nội vẫn không hề lên tiếng phản đối... Và khi một con cá đuối nước mặn lớn như vậy có thể vào tới Đồng Tháp thì đó là báo hiệu nạn ngập mặn (salt intrusion) đã vào rất sâu trong vùng châu thổ, nơi vốn là đất của ‘’sữa và mật ngọt’’ hay đúng hơn vùng đất của ‘’phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng...’’
Thủy triều hai đợt trên Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Khác với Châu Thổ Sông Hồng, Đồng Bằng Sông Cửu Long do gần xích đạo chịu ảnh hưởng sức hút của cả mặt trăng lẫn mặt trời nên đã có hai đợt thủy triều trong một ngày. Cuộc sống của người dân Đồng Bằng Nam Bộ đã chuyển động nhịp nhàng với 60 nhịp tim đập trong tháng của hai con Sông Tiền Sông Hậu và toàn hệ thống kinh rạch như mạch sống của Miền Nam.
Bắt đầu là một đợt nước lớn khi trăng mọc. Vào ngày rằm, trăng mọc lúc sáu giờ chiều thì nước cũng bắt đầu lớn từ giờ đó, ngọn triều cao nhất hay nước đầy khoảng sáu giờ sau tức vào nửa đêm rồi bắt đầu rút xuống hay nước ròng, nước xuống thấp nhất hay ròng sát khoảng sáu giờ sáng để rồi bắt đầu đợt thùy triều thứ hai tương tự như vậy nhưng do ảnh hưởng sức hút của mặt trời.
Và người ta cứ tính theo con nước lên xuống ngày hai lần ấy mà xuôi dòng. Chu kỳ hai đợt thủy triều không thay đổi trong cả hai mùa khô và lũ, chỉ có khác vào mùa lũ, thủy triều chỉ lên tới Cần Thơ và mùa nắng thì lên tới tận Nam Vang nghĩa là vào sâu tới hơn 300km tính từ cửa sông nước lợ. Tuy có thủy triều nhưng do dòng chảy mạnh trung bình 40 ngàn m3/giây trong mùa lũ và 2 ngàn m3/giây mùa khô nên đã giảm thiểu được nạn nhiễm mặn lấn sâu vào trong vùng châu thổ.
Căn nhà nổi trên Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Lâm vào cảnh đất chật người đông người ta tìm cách nới rộng khu gia cư ngay cả trên mặt nước. Do đó mà Điền khi còn theo học ở Trường Kiến Trúc San Luis Obispo đã nghĩ tới thiết kế một căn nhà mẫu cho nông dân Đồng Bằng Nam Bộ. Đó là kiểu nhà nổi giống như nhà sàn nhưng có thể đứng vững trong mùa khô và nổi theo con nước trong mùa lũ, ở mức sâu trên 3 mét. Nhà gồm một hệ thống móng nổi sử dụng xi măng lưới thép làm phao nổi gồm các xoang không thông nhau như yếu tố kỹ thuật chống chìm trong trường hợp thành phao bị lủng, riêng thân nhà và mái thì được lắp ráp bằng các vật liệu nhẹ với vách tiền chế làm bằng sơ dừa trộn đất sét và hóa chất có đặc tính không thấm nước, chịu được khí hậu khô ẩm nơi đất phèn. Kết quả thử nghiệm qua hai mùa lũ hạn, cho thấy căn nhà mẫu vẫn luôn đứng vững, cân bằng lên xuống theo con nước và qua nhiều cơn giông lốc vẫn không bị xô lệch. Một căn nhà khang trang như vậy có diện tích trên 160m2 có thể làm trạm y tế hay cơ quan. Nông dân khá giả có thể đặt mua loại nhà này. Với những gia đình lợi tức trung bình, có loại nhà nhỏ hơn cho họ giá thành khoảng 25 triệu tương đương với 1500 đô la, họ có thể được ‘’Ngân Hàng Nhà Nổi’’ cho vay với tiền lời nhẹ.
Đã có kế hoạch xây dựng những cụm dân cư từ 40 tới 50 gia đình chọn sống trên vùng nước sâu. Dĩ nhiên sẽ có tiện nghi tối thiểu về điện nước. Nước sạch sẽ do Phân Khoa Khoa Học Tự Nhiên của Viện Đại Học Cần Thơ đảm trách. Điện sẽ do Phân Khoa Điện của Đại Học Bách khoa Sài Gòn thực hiện với tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió để giảm thiểu nhu cầu nhiên liệu cho máy nhiệt điện.
Đây sẽ là ‘’quần thể những cụm nhà nổi’’ đầy ánh sáng của người nông dân Nam Bộ để họ có thể an cư lạc nghiệp sống hài hòa với mỗi ngày hai đợt thủy triều lên xuống và hai mùa khô lũ trong năm của con sông Mekong.
Từ vệ tinh nhìn xuống, cho dù Đồng Bằng Sông Cửu Long có rải rác những Thị Trấn nhưng cảnh quan chủ yếu vẫn là những cánh đồng lúa màu sắc biến thiên theo mùa và trải dài trên một mặt phẳng của đất và nước. Khu gia cư và vườn cây trái dọc theo các con sông và kinh rạch bốn mùa chỉ là một màu xám thẩm. Nhưng rồi ra từ những năm sau 2000, nếu có dịp nhìn vào các bức hình mới chụp từ vệ tinh thì Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ có thêm những chấm sáng của các quần thể gia cư, đó là những cụm nhà nổi đầy ánh sáng mà Điền đã có một phần công sức góp vào.
Trong niềm vui thành tựu Điền vẫn không tránh được mối băn khoăn là khi chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam làm xong với hứa hẹn mà thực ra là đe dọa không còn lũ nữa thì những căn nhà nổi ấy sẽ ra sao? Khi mà ‘’Thượng Nguồn Tích Thủy Hạ Nguồn Khan’’ thì tương lai hoàn toàn không nằm trong tầm tay của kiến trúc sư xây dựng và cả những nông dân Vùng Đồng Bằng Châu Thổ. Nhưng Điền thì vẫn cố lý luận lạc quan với sự kiện mới đây khi con cá voi từ Vịnh San Francisco bơi ngược dòng và sông Sac Ramento ở Bắc California và không chịu trở ra biển mặn và nay là con cá đuối của anh Chơn đã bất ngờ nương theo con nước đầy mà vào sâu trong Vùng Châu Thổ chứ không phải sông Cửu Long đã trở thành một sinh cảnh nước mặn. Bởi vì nếu như vậy sẽ là một Thảm Họa Môi Sinh (Ecological Disaster) cho quê anh.
GSW on Mekong Delta-Vết Thương Đạn trên Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Trong chiến tranh Việt Nam, Đồng Bằng Sông Cửu Long là một trong những vùng rối rắm nhất. Chỉ cách Sài Gòn khoảng 50km về hướng Nam, thuộc Vùng 4 Chiến Thuật gồm 92 Quận lỵ thuộc 16 Tỉnh nằm rải rác trên một địa hình phẳng lì với những sông rạch chằng chịt như mạng nhện nối kết bởi hai con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu, có diện tích lớn hơn Vùng Đất Thấp (Pays-Bas) Hòa Lan, với dân số hơn 6 triệu và cũng là cái nôi của rất nhiều tôn giáo với các Ông Đạo rất đặc thù của Vùng Châu Thổ.
Chỉ mới ngày nào tưởng như mới hôm qua khi Dave Deluca thuộc Thành Phố Deerborn Bang Michigan lúc đó 18 tuổi mới xong Trung Học chưa có cả người yêu bị gọi nhập ngũ đưa qua Việt Nam, bị ném ngay xuống vùng châu thổ sình lầy giữa lúc cuộc chiến đang ở thời kỳ khốc liệt nhất. Như một Guernica sậm mầu, cảnh tượng Dave không bao giờ quên ở những ngày đầu tiên ấy. Cây cành thì trụi lá vì thuốc khai quang màu Da Cam và từ máy bay nhìn xuống chỉ thấy lỗ chỗ những hố bom B-52 hay hố đạn trọng pháo.
Cũng rất sớm Dave cảm nhận ngay được rằng trong cuộc chiến tranh ấy, ngày đêm đối đầu với địch quân không phải những ông Tướng cổ đeo sao ở Sài Gòn mà là những người lính dân vệ áo đen với cây súng carbin cũ lẽ ra đã phế thải, ngày canh nơi đầu cầu tối rút vào trong những tiền đồn bị vây hãm trong những vòng kẽm gai và đó cũng là mái ấm của gia đình họ. Dave đã chia xẻ bằng tuổi trẻ và cả máu thịt của anh với những người lính bị bỏ quên ấy. Anh đã đi vào lửa đạn với không một ngày kinh nghiệm chiến trường. Là xạ thủ súng máy thuộc Đoàn Giang Hạm Lưu Động Flottilla Mekong Delta, với nhiệm vụ thật hiểm nguy vì bất cứ lúc nào con tàu cũng có thể bị ‘’lọt lưới việt cộng’’ và là mục tiêu cho các dàn hỏa tiễn và B-40 rất hữu hiệu để xuyên phá bất cứ thân tàu nào. Không kể những cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị cọp biển Việt Nam đột kích vào các mật khu của việt cộng, nhiệm vụ chính của Dave và giang đoàn Flottilla là tuần thám ngày đêm trên khắp ngả sông rạch để phát hiện và ngăn chặn bọn ‘’Victor Charlie’’ di chuyển thêm người và vũ khí vào các Thành Phố. Phải là đáy biển mò kim để tìm ra mấy tên việt cộng lẫn trong hàng trăm ngàn con thuyền ngày đêm qua lại ấy cho dù đoàn được trang bị súng ống và các dụng cụ điện tử tối tân nhất kể cả những kính viễn vọng Starlight Scopes với tia hồng ngoại có thể phát hiện mục tiêu thuyền bè địch qua lại giữa ban đêm với độ khuếch đại 50 ngàn lần lớn hơn.
Rồi cũng rất sớm Dave học được từ những người bạn GI’s tới trước ‘’có thể yên tâm đó là VC khi là một người Việt Nam đã chết rồi’’. Quy luật ấy đã giúp Dave tạm giữ được tâm hồn yên ổn. Tuổi trẻ còn trong trắng Dave chỉ nghĩ tốt mong làm điều tốt nhưng mỗi lần bước xuống những chiếc ghe để khám xét anh chỉ bắt gặp những khuôn mặt kinh hoảng như chính anh là tai họa hay nguồn gốc mang tai họa tới. Điều này đã khiến Dave vô cùng hoang mang và anh không thể không tự hỏi về ý nghĩa cuộc chiến tranh mà anh đang dấn thân vào. Rồi cái ngày không tránh được the inevitable day cũng phải đến, ngày mà Dave đã phải đổ máu và bàn tay anh cũng vấy máu.
Đó là một một buổi chiều phẳng lặng trên một địa hình cũng phẳng lì. Gặp một chiếc ghe tam bản trên một con kinh chảy vào sông Tiền trong Tỉnh Đồng Tháp. Ra tín hiệu và cả phát thanh cho chiếc ghe dừng lại. Chiếc giang hạm của Dave chạy nhanh trên con kinh tạo nên những đợt sóng nâu lớn khiến chiếc ghe nhỏ tròng trành như muốn chìm. Bước xuống con thuyền Dave chỉ thấy có mỗi một người đàn bà không rõ tuổi ẵm trong tay một đứa bé gầy tí teo như một con khỉ con. Qua thông ngôn Dave hiểu rằng người đàn bà đang van cầu ‘’Xin cứu con tôi (please save my baby)’’. Với thuốc men trong túi cứu thương, Dave và viên y tá đã cố làm tất cả những gì có thể làm để cứu đứa bé nhưng rồi cũng phải bỏ mặc cho người đàn bà và đứa con nhỏ trên sông nước sau đó để con tàu tiếp tục nhiệm vụ tuần thám.
Nhưng cũng bất hạnh là ngay sau đó Dave bị phục kích bắn sẻ, dĩ nhiên trong đêm đen hôm ấy đã không còn chiếc ghe nào không là mục tiêu cho con tàu Flottilla trút hỏa lực để trả đũa. Dave bị thương nặng nhưng may mắn sống sót bằng cuộc mổ lâu 6 tiếng đồng hồ trong một bệnh viện dã chiến với khúc ruột dài bị cắt và một trái thận vỡ nát. Và cho đến bây giờ Dave vẫn nghĩ rằng cả chiếc ghe tam bản với người đàn bà không rõ tuổi và đứa con nhỏ như con khỉ con ấy vừa được anh chăm sóc cũng không thoát được cuộc phản phục kích rất hiệu quả trong đêm hôm đó.
Được giải ngũ, Dave chọn trở lại Việt Nam trở lại thăm Đồng Bằng Châu Thổ Cửu Long và trạm dừng chân lâu dài của Dave là Cồn Phụng Mỹ Tho nơi anh gặp được Ông Đạo Dừa.
Ông Đạo Dừa trên Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Cùng với bước chân đi về phương Nam của những lưu dân, người ta nói tới sự ra đời của những Ông Đạo, là những con người có điều gì đó khác thường trong diện mạo, cách sống hay lề lối suy nghĩ nhưng cũng xuất thân từ giới bình dân. Ở cái thuở hỗn mang ban sơ ấy thì mỗi Ông Đạo là sự pha trộn một chút tín ngưỡng với rất nhiều mê tín dị đoan. Khi mà sự hiểu biết đã không lý giải được mọi tai ương, thì lòng tin vào thần linh ma quỷ và cả những lời tiên tri vu vơ ít ra cũng có tác dụng nếu không trấn an thì cũng an ủi họ...
Trong ‘’Thần, Người và Đất Việt’’ Tạ Chí Đại Trường cho rằng: ‘’...mỗi Ông Đạo là một giáo chủ còn trong trứng nước hoặc mới manh nha về phương diện tập họp quần chúng...hình ảnh bản thân Ông Đạo có khi lớn hơn thực chỉ vì tín đồ mang ý thức chung bàng bạc của thời đại đắp lên người ông’’. Nói một cách khác Ông Đạo đôi khi chỉ là một cái cớ như một phóng ảnh kết tụ niềm ước mơ của quần chúng.
Cho tới giữa Thế Kỷ 20 của ánh sáng khoa học văn minh, các Ông Đạo vân còn là hình ảnh thu hút, nhưng tính chất nặng về thần linh và dị đoan bớt đi, chỉ còn lại màu sắc tôn giáo pha trộn đạo và đời đôi khi có xen lẫn cả ý hướng chánh trị nữa.
Ông Đạo Dừa chính là điển hình cho thế hệ Ông Đạo mới ấy khi đám lưu lưu dân đã tới chặng cuối của bước đường Nam Tiến. Tục danh Nguyễn Thành Nam sanh đẻ ở xứ dừa Kiến Hòa, tốt nghiệp Kỹ Sư Hóa Học ở Pháp trở về Việt Nam từ bỏ con đường công danh chọn đời tu hành khổ hạnh. Giữa vang rền bom đạn ông chống lại chiến tranh và đã thu hút được một số tín đồ áo nâu đông đảo và được mọi người biết tới với tên Ông Đạo Dừa do ông chỉ sống bằng nước dừa và dựng cốc tu trên ngọn một cây dừa.
Năm 1963 ông lập đền nổi trên một chiếc xà-lan lớn trên sông Mekong nơi Cồn Phụng với hình tượng hai miền Nam-Bắc thống nhất không còn bị con sông Bến Hải ngăn đôi và hai tôn giáo lớn Phật và Chúa thì hòa đồng.
‘’Con thuyền Bát nhã (Prajnâ)’’ của Ông Đạo Dừa tuy không lớn như con Tàu Bà theo trí tưởng tượng của Ông Đạo Nổi với mũi tàu ở Nam Vang mà lái thì ở mãi tận Vĩnh Long nhưng cũng đã một thời là biểu tượng của con tàu cứu rỗi mang sắc thái cargocult giống như niềm tin tôn giáo của các sắc dân hải đảo Melanesian Nam Thái Bình Dương.
Ông Đạo Dừa người nhỏ thó ốm nhom lưng khòm nhưng trí huệ thì vô cùng minh mẫn, trước bụng ông lúc nào cũng mang một chiếc chìa khóa thật lớn như biểu tượng cho một giải pháp hòa bình. Mỗi ngày ba lần Ông Đạo Dừa leo lên đài tháp cao chót vót vọng nhìn ra khắp bốn phương tám hướng để tụng niệm cầu cho quốc thái dân an.
Cho dù cuộc chiến tranh kinh hoàng đã lan tràn khắp nơi thì Cồn Phụng trên sông Mekong giữa khoảng Mỹ Tho và Bến Tre vẫn là một Ốc Đảo Hòa Bình, một Oriental Disneyland, nơi có những nụ cười của trẻ thơ, không có súng đạn không có giới nghiêm nhưng hòa lẫn với tiếng kinh cầu vẫn là những tiếng nổ chát chúa của đạn bom từ xa vọng về. Bởi vì chỉ cách đó chưa đầy nửa cây số hai bên bờ sông Mekong vẫn là thảm cảnh của chiến tranh chết chóc.
Thị Xã Bến Tre trong Tết Mậu Thân bị tàn phá không chỉ bởi bọn việt cộng mà còn bởi chính người Mỹ với chiến thuật được mệnh danh là ‘’We destroyed to save!’’ Như đứng bên tháp Babel, đã có bao nhiêu tên gọi cho khu ốc đảo hòa bình ấy. Đám cố vấn Mỹ thì gọi đó là VC R&R Centre (trung tâm giải trí và an dưỡng của việt cộng), chánh quyền Sài Gòn thì bỉ thử gọi đó là ‘’Ổ trốn quân dịch’’ vì trong số tín đồ có những thanh niên để râu tóc từ chối nhập ngũ cầm súng và việt cộng thì cũng coi đó là ‘’Hang ổ CIA’’ vì có hiện diện cả mấy người Mỹ phản chiến. Rõ ràng là không có chốn dung thân cho những người đứng giữa, chọn đứng ngoài cuộc nội chiến lúc ấy, họ nếu không bị hành hạ như những lao công đào binh trong các trại trừng giới ở Thất Sơn thì cũng vẫn bị ném vào lò lửa của cuộc chiến tranh không có ngõ thoát.
Trong số những người Mỹ đệ tử của Ông Đạo Dừa có Dave Deluca. Dave cũng mặc áo nâu sòng đi chân đất khắc khổ tu hành với niềm ăn năn về những tội lỗi mà anh cho rằng mình đã phạm phải khi anh là xạ thủ đại liên trên đoàn giang hạm Flottilla. Và như mọi người Mỹ dân sự khác có mặt nơi đây, Dave cũng không tránh được cái mũ CIA mà người ta chụp lên đầu anh. Phải chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, vẫn với niềm tin vào sứ mạng hòa bình ‘’bất chiến tự nhiên tự nhiên thành’’, trong một nỗ lực tuyệt vọng, Ông Đạo Dừa viết thỉnh nguyện thư xin chánh phủ Sài Gòn cho phép ông và phái đoàn bay ra Hà Nội để dàn xếp một hòa hội cho Việt Nam với cam kết nếu thất bại ông sẽ tự nguyện vào giữa vùng chiến để hứng chịu bom đạn của cả hai bên. Nhưng yêu cầu của Ông Đạo Dừa đã bị Nội Các Chiến Tranh của ông Kỳ quyết liệt khước từ.
Rồi cái ngày phải đến đã đến, người Mỹ tháo chạy, miền Nam xụp đổ, Dave bị cưỡng bách di tản về Mỹ trước đó. Mãi đến năm 84, như một trường hợp nghị lực thật hiếm hoi trong số các cựu chiến binh Mỹ trở về từ Việt Nam, thay vì sống như những người bệnh tâm thần hút sách nghiện ngập, Dave tốt nghiệp Đại Học Berkely với văn bằng Tiến Sĩ Sử Đông Nam Á. Với bao nhiêu hứng khởi và hy vọng, Dave nao nức trở lại thăm Việt Nam mà anh nghĩ là một xứ sở đẹp đẽ hơn vì nay đã có hòa bình, anh trở lại thăm Cồn Phụng ‘’Island of the Coconut Monk’’ mong gặp lại người thầy cũ đã cứu rỗi anh nhưng tất cả chỉ còn là một nơi hoang vắng. Không còn Ông Đạo Dừa và cả vắng bóng ‘’Con Thuyền Bát Nhã’’. Dọ hỏi Dave được biết là sau ngày giải phóng chính quyền mới đã lùng bắt ngay Ông Đạo Dừa giam cho đến chết trong khám đường Tỉnh Cần Thơ.
Riêng ‘’Con Thuyền Bát Nhã’’ thay vì ‘’Qua Bến Giác’’ thì đã bị chánh quyền địa phương đĩ điếm hóa (prostitution) cho ‘’Ké Về Bế Mê’’ đưa về Tỉnh lỵ Bến Tre để được biến cải thành ‘’Nhà Hàng Ăn Nổi’’ của công ty du lịch Thành Phố, nơi tổ chức đám cưới liên hoan họp mặt và cả khiêu vũ hát nhạc Karaoke mỗi tối.
Từ trên bờ, một nhánh của con sông Mekong nơi mà Dave đã dâng hiến cả tuổi trẻ sự hồn nhiên, nơi đã biến anh thành một con người hoàn toàn khác, qua màng lệ, Dave nhìn một lần cuối ‘’Con Thuyền Bát Nhã (Nhà Hàng Ăn Uống)’’ chăng đèn kết hoa sáng chưng và cả chói chang tiếng nhạc, với Dave từ nay Việt Nam anh chào vĩnh biệt!
Đêm đó trong một căn phòng trên lầu khách sạn Hướng Dương trên Đường Trưng Trắc nhìn xuống sông Mỹ Tho một nhánh của con Sông Tiền, trong một thoáng flashback Dave lại thấy hiện rõ vẻ mặt sầu thảm của ‘’người đàn bà không rõ tuổi ẵm trong tay một đứa bé gầy tí teo như một con khỉ con, nói với anh lời van cầu xin cứu con tôi’’... và rồi cứ như một khúc phim diễn lại với đủ mọi chi tiết về tấn thảm kịch trên con tàu Flottilla đêm hôm đó. Không sao ngủ được, Dave ngồi trơ trọi một mình, uống những ly rượu đắng ngắt trong một đêm dài nhất của một đời người.
Trên trang nhật ký của Dave đêm cuối cùng trước khi rời Việt Nam chỉ vỏn vẹn một dòng chữ: ‘’Peace had returned to this beautiful land at the expense of its very raison d’être...Hòa bình đã trở lại trên xứ sở đẹp đẽ này nhưng trả giá bằng chính lý do hiện hữu của nó”. 
CHƯƠNG XV 
CỬU LONG CẠN DÒNG BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG 
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Lý Thường Kiệt
Giữa lúc biến cố Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 đang gây xúc động sâu xa cho mọi con tim Việt Nam, Cao bắt liên lạc với Kham để hẹn gặp ở Berkerley trong buổi hội thảo ‘’Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa’’. Đang từ mối quan tâm về Đồng Bằng Sông Cửu Long với con sông Mekong với tám con đập bậc thềm Vân Nam Trung Hoa gây lo ngại hạn hán và hủy hoại môi sinh nơi các quốc gia Hạ Nguồn mà Việt Nam sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nhất và chưa biết phải ứng xử ra sao, nay Cao lại bị cuốn hút ra xa thềm lục địa với các nhóm hải đảo ngoài khơi Biển Đông.
Chuyến đi lên Thung lũng Hoa Vàng lần này sẽ giúp Cao bổ sung phần home work của anh trong cái nhìn thoáng và toàn cảnh về con sông Mekong với Biển Đông và mối liên hệ các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương đặc biệt là với nước lớn Trung Hoa và cũng là quốc gia hung hãn nhất.
Là một đại dương lớn nhất chiếm hết gần một phần ba diện tích của cả hành tinh này, tên Thái Bình Dương (Pacific Ocean) do Nhà Thám Hiểm Ferdinand Magellan đặt vào năm 1519 gốc từ chữ Tây Ban Nha ‘’Pacifico’’ có nghĩa là hòa bình nhưng bước sang đầu Thế Kỷ 21 vùng biển hòa bình ấy rất có nguy cơ biến thành ‘’Biển Lửa’’ bằng một trận ‘’Armageddon Đông Phương’’.
Hình như trong suốt dòng lịch sử, hai yếu tố vừa phá hủy vừa tạo dựng xã hội Việt Nam đó là: đối đầu với cường địch Phương Bắc và chống chỏi với khắc nghiệt của thiên nhiên. SarDesai khi nghiên cứu về Việt Nam cũng đưa ra ý kiến tương tự như vậy.
Giá trị chiến lược của Hoàng Sa Trường Sa trên Biển Đông không phải là điều mới mẻ, rất sớm ngay từ thời Pháp thuộc, Gustave Salé trong bài ‘’Les Iles Paracels et la securité d’Extrême-Orient’’ báo Avenir du Tonkin (1931) đã viết: ‘’Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng có tính cách chiến lược của Quần Đảo Hoàng Sa... Cho dù trước 1816 thực sự chẳng ai biết tới, năm 1816 Vua Gia Long long trọng cho dựng cờ trên đảo, việc này còn ghi rõ trong văn khố triều đình và vì thế cho dù Trung Hoa có muốn tranh giành thì chánh phủ Pháp phải lên tiếng xác định chủ quyền các đảo ấy.’’
Chỉ mấy thập niên gần đây thôi, do hứa hẹn về dầu mỏ trên vùng biển quanh các Quần Đảo này mới là nguyên nhân tranh chấp gay gắt giữa nước lớn Trung Hoa và các nước quanh Biển Đông nhất là với Việt Nam. Hoàng Sa Trường Sa đang có nguy cơ trở thành lò thuốc súng.
Nói về dầu khí trên Biển Đông thì Cao khi ấy là sinh viên MPC Đại Học Khoa Học, anh còn nhớ như in là vào những năm 60, một Giáo Sư Khoa Địa Chất đã quả quyết theo kiến thức chuyên môn của ông thì Việt Nam và Biển Đông không có dầu lửa, cho dù lúc đó đã có những tường trình sơ khởi của các đoàn thăm dò Liên Hiệp Quốc xác nhận về sự hiện hữu các túi dầu khí.
Cho tới cả đầu thập niên 70, vẫn ông Giáo Sư Địa Chất ấy quả quyết là ông không tin có dầu lửa như kết quả của các cuộc thăm dò. Ông còn đưa ra hình ảnh ví von: Dầu hỏa nếu có thì cũng chỉ như những hạt sương buổi mai đọng trên những ngọn cỏ lá cây ngoài đồng ruộng nên nói tới kỹ nghệ khai thác dầu ở Biển Đông là ‘’chuyện không tưởng’’ vì làm sao mà thu nhặt được những giọt dầu rải rác ấy mà đem ra thị trường thương mại.
Nhưng rồi chỉ một tháng sau ngày Sài Gòn giải phóng lúc đó Cao đã đi du học Tân Tây Lan, nhưng sau này nghe Điền anh của Bé Tư kể lại thì tại hội trường số 4 Duy Tân, trong một đại hội bừng bừng khí thế của hội trí thức yêu nước và tổng hội sinh viên giải phóng, cũng lại vẫn ông Giáo Sư Địa Chất khi được hỏi về tương lai Dầu Khí Việt Nam, bằng một giọng giảo hoạt, ông dõng dạc tuyên bố:
- Chúng ta không những có dầu mà có rất nhiều nữa, không những ngoài Biển Đông trên thềm lục địa mà có khả năng có túi dầu khí ngay trong Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nữa kìa!
Khi được hỏi về ý kiến khác biệt của ông trước đây, ông Giáo Sư như tự kể công với cách mạng và cười nói thích thú: Đúng là tôi đã đưa ra nhận định đó, nhưng cần phải đặt lời tuyên bố ấy trong bối cảnh lịch sử của nó (rất giống với xã luận của báo nhân dân). Sở dĩ trước đây tôi nói ‘’dzậy’’ là để tránh không cho Mỹ Ngụy biết mà khai thác sớm.
Rồi ông Giáo Sư mau mắn đưa ra ngay lời trích dẫn:
- Bác Hồ kính yêu đã dạy: ‘’Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước’’ mà giữ nước là phải bảo vệ cả nguồn tài nguyên thiên nhiên không có chi quý bằng dầu khí ở thời đại công nghiệp... Ngày nay nước nhà thống nhất, thì đây chính là tin vui tôi muốn được chánh thức thông báo cho tất cả anh em và bà con.
Thêm một câu chuyện bên lề, cũng trong buổi hội thảo đầy hưng phấn ấy, một ông Giáo Sư Tiến Sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ đã phát biểu về phi thuyền Apollo như sau:
- Không làm gì có chuyện Mỹ có khả năng đưa người lên cung trăng khi mà khoa học không gian của họ còn thua Liên Xô tới hơn một thế hệ.
Mãi cho đến bây giờ Cao vẫn thấy là mình thật sự may mắn chưa có một ngày học để phải gọi hai ông Giáo Sư ấy là thầy và anh cũng có ý nghĩ rằng nỗi khổ không ở đâu xa không cần phải chờ tới ngày mở ra hàng ngàn những trại tù lao cải. Châu Thổ Phù Sa sông Cửu Long không phải chỉ sản xuất toàn trái ngọt, hậu duệ của thế hệ tiên phong khai phá ấy cũng không tránh được một hai đứa con với nhiễm sắc thể suy thoái (defective gene), lại vẫn nói theo ngôn từ của Bác Sĩ Duy.
Để rồi sự thể ngày nay, câu chuyện Biển Đông có những túi dầu không những là hiển nhiên mà còn có dấu hiệu trữ lượng dầu khí có thể lên tới con số bảy tỷ thùng hoặc nhiều hơn nữa.
Chưa một lần gặp mặt, Cao chỉ được biết Kham khi đọc xong cuốn sách mới nhất của anh. Cao nghĩ chắc anh ta là con người đã đạt hoặc nếu không thì cũng cực kỳ khiêm tốn nên trong suốt cả cuốn sách người ta không thấy được cái tôi đáng trân trọng của anh.
Cũng vẫn lại ông Khắc, chiếc chìa khóa nhiệm mầu mở ra mọi cánh cửa, qua bộ nhớ của ông về những Kinh Nghiệm Việt Nam, Cao mới được biết chút ít tiểu sử của Kham: Anh nguyên là Hạm Trưởng của một trong 4 chiến hạm cũ kỹ của Mỹ để lại từ thời Thế Chiến Thứ Hai, tham dự trận hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974 với một Hạm Đội đông đảo của Trung Quốc với những Phóng Pháo Hạm Kronstadt có trang bị hỏa tiễn tầm xa lại có cả phản lực cơ Mig 21 yểm trợ trên không. Chính anh là nhân chứng máu và nước mắt của những con tàu Việt Nam chiến đấu đơn độc trên Biển Đông, chứng kiến lòng yêu nước vô hạn ý chí quyết tử cũng như sự hy sinh dũng cảm vô bờ của các đồng đội, nhất là của thủy thủ đoàn trên con tàu Nhật Tảo ở những giờ phút cuối cùng ý chí sắt thép vẫn không chịu buông tay súng để rời con tàu đắm. Họ đã là những thủy thủ tận trung với nước mà vị quốc vong thân.
Cho dù đã bao năm rời xa con tàu xa biển nhưng trong ánh mắt Kham như còn vương vấn những áng mây hải đảo những con sóng bạc của trùng dương và trong chiều sâu đáy mắt ấy luôn luôn có ánh lửa của nhiệt tâm với cả nỗi khắc khoải khôn nguôi về tấn thảm kịch đã lùi xa đến gần một phần tư Thế Kỷ và chắc hẳn Kham đã không bao giờ quên.
Chuyện 25 năm trước mà vẫn như mới hôm qua, Kham và những người lính đã đánh một trận đánh hết sức mình, với nỗi uất hận của cả ngàn năm nô lệ: Họ đã trút hết hỏa lực vào đầu địch, đã bắn đến viên đạn cuối cùng cho tới khi tất cả các dàn đại pháo bất khiển dụng. Họ chỉ còn chờ lệnh cho các con tàu hướng về Hoàng Sa chuẩn bị ủi lên Đảo, dùng xác tàu và xác mình để làm chứng tích chủ quyền. Nếu có một lệnh như vậy, cho dù đã mang đầy thương tích, riêng con tàu của Kham đã bị nghiêng sang trái 15 độ, các Chiến Hạm còn lại cũng sẽ mở hết tốc lực hướng về Hoàng Sa hướng về cõi chết tất cả chuẩn bị lên cạn để phơi xác mình. Nhưng rồi cuối cùng là một lệnh khác bắt các chiến hạm phải rời bỏ Hoàng Sa đã rơi vào tay địch, bỏ lại phía sau trận địa là Hộ Tống Hạm Nhật Tảo với Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà và các thủy thủ đã cùng con tàu vùi thân dưới biển sâu, bỏ rơi luôn cả những đồng đội còn sống sót trên những chiếc phao trôi rạt giữa đại dương với ngày nắng cháy da với đêm lạnh cắt thịt trong đói và khát. Mặc cảm phạm tội luôn luôn đeo đẳng Kham cho dù chẳng ai trách cứ anh, lại còn có người choàng hoa cho anh một vòng hoa cho người chiến bại. Kham chỉ còn một an ủi mình là một quân nhân kỷ luật, anh chỉ biết nghe theo lệnh. Cũng lại qua ông Khắc Cao mới được biết thêm về Ngụy Văn Thà, từng mang biệt danh ‘’người chiến thắng trên dòng nước nâu Cửu Long’’ khi anh còn là Hạm Trưởng Pháo Hạm HQ-331 bởi vì chính ông Khắc khi còn là phóng viên chiến tranh đã từng theo Thà trong chuyến hộ tống đầy bất trắc cho các đoàn voi tiếp tế cứu nguy Thủ Đô Nam Vang lúc ấy đang bị Khmer Đỏ bao vây.
Sau trận chiến Hoàng Sa, bản thân Kham đã phải qua một chặng đường đau khổ. Trong nhiều tháng như vậy nếu không là những đêm dài mất ngủ thì là sự lặp lại của những cơn ác mộng khác nhau của tấn thảm kịch Hoàng Sa: Cũng vẫn anh là cấp chỉ huy của con tàu ấy với thủy thủ đoàn dũng cảm ấy mà anh biết rõ từng người như đường chỉ trên bàn tay của mình...lần nào cũng vậy, còn rất xa trận địa chưa thấy địch quân chưa được nổ một phát súng thì con tàu của anh đã bị rockets tầm xa của Trung Cộng bắn chìm, tiếp theo đó là tấm thảm kịch của chính anh và những thủy thủ trong một con tàu ngập nước. Không mấy xa nơi con tàu đắm anh vẫn thấy rõ dấu hiệu HQ-10 của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo thấy rõ cả Ngụy Văn Thà và Trí Voi Hạm Phó và đủ 80 Thủy Thủ, họ vẫn an nhiên tự tại làm nhiệm vụ tuần tiễu trên Biển Đông nước xanh, trong cơn quẫn bách Kham đưa cánh tay vẫy gọi nhưng họ không thấy anh. Trong giấc mơ đầy lửa đạn và tức tưởi ấy, thì Nhật Tảo như từ bao giờ vẫn là một con tàu vững chãi hiên ngang lừng lững và như không bao giờ có thể bị đánh chìm (unsinkable ship)...Người Bác Sĩ tâm thần giải thích là Kham đang mang nỗi ám ảnh thường xuyên của người đàn ông bị hoạn (castration): Trên con tàu anh là cấp chỉ huy bị giải giới, trong gia đình anh đóng vai người đàn ông bất lực... Không chỉ bằng thuốc anh còn được giúp cho trở lại thăm một nơi giống như chiến trường cũ, ném xuống những vòng hoa nơi vùng biển sâu nơi con kình ngư Ngụy Văn Thà và đồng đội đã chọn ở lại. Điều trị bằng catharsis cách sổ ấy anh đã ra khỏi cái Hội Chứng Sau Chấn Thương PTSD, anh tìm lại được sức mạnh tiềm tàng của bản thân, của đời sống gia đình và anh thực sự bắt đầu làm việc trở lại.
Trong suốt bấy nhiêu năm như mệnh lệnh của trái tim anh đã không ngừng thu thập những dữ kiện phong phú về Biển Đông và hai Quần Đảo Hoàng Sa Trường Sa mà anh biết rõ là đang tuột dần ra khỏi chủ quyền của Việt Nam không biết tới bao giờ. Anh ngẫu nhiên và cũng là bất đắc dĩ trở thành một học giả thứ danh xưng quá lớn chạm tới lòng khiêm tốn mà người ta cứ gán cho anh và anh được coi là tiếng nói có thẩm quyền về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.
Kham cũng biết rất rõ rằng một quốc gia như Việt Nam để được công nhận quyền sở hữu các Đảo anh phải trưng ra được các bằng cớ: Về vị trí địa dư và tính chất địa chất của đảo, lịch sử và các di tích trên đảo, tổ chức hành chánh và sắc dân chính trên đảo.
Cuốn sách của Kham được kể như bước đầu đáp ứng những yêu cầu ấy. Anh còn nuôi ao ước giới trẻ Việt Nam hải ngoại cũng như trong nước không những chỉ quan tâm mà còn dấn thân vào những cuộc nghiên cứu sâu rộng để tương lai trong các Thư Viện Đại Học lớn sẽ có những luận án Tiến Sĩ về những đề tài đa dạng liên quan tới Biển Đông cũng giống như nỗi ao ước của Cao bấy lâu về con sông Mekong.
Giở tấm bản đồ Asia Pacific mới nhất của National Geographic Society một cơ sở mà trước đây Kham vẫn tin là có uy tín với tính khoa học vô tư nhưng Kham đã không nén được sự bực bội. Khi vẽ Vùng Biển Đông, cả khu vực mà họ gọi là South China Sea gần như hoàn toàn giống với ranh giới lịch sử lưỡi rồng của Trung Hoa với ôm trọn cả hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và Kham cũng đã không ngạc nhiên khi thấy cũng trên tấm bản đồ ấy cả ranh giới xứ Tây Tạng bị xóa nhòa trong cái trật tự mênh mông của lục địa nước Trung Hoa. Rõ ràng sẽ là một sai lầm về chánh trị politically incorrect và cả đưa tới những ngộ nhận nếu cứ sử dụng dễ dãi các bản đồ ngoại quốc với cách phân định ranh giới và các địa danh Trung Hoa như Tây Sa, Nam Sa, Nam Hải, biển Trung Hoa như hiện nay.
Bởi vì, theo nhà Trung Hoa học Từ Nguyên, như một bất hạnh lịch sử, cũng là điều bi thảm khi dân tộc Việt Nam đã bị người Tàu đô hộ cả ngàn năm đã chịu ảnh hưởng của họ sâu xa về mọi phương diện ngay cả khi lấy lại được nền tự chủ thì chữ Hán vẫn là văn tự chính thức kết quả là hầu hết các địa danh Việt Nam là những từ Hán. Lại thêm bao nhiêu sách lịch sử địa lý của tiền nhân nếu không bị chiến tranh phá hủy thì cũng bị người Tàu tịch thu đem về Trung Hoa. Phải có hùng tâm khởi sự từ bước đầu để tìm lại những tác phẩm bị thất truyền hay còn lưu trữ đâu đó trong những kho sách xưa của Trung Hoa.
Do đó Kham đã thật chí lý khi nói tới nhu cầu thiết lập một bản đồ về Biển Đông với thềm lục địa và cả xác định rõ các thành phần đâu là đảo, đá, bãi nông hay bãi ngầm với các địa danh thuần Việt.
Điều ấy thì Kham đang làm. Đó sẽ là phần tài liệu pháp lý khi Việt Nam lên tiếng xác nhận chủ quyền trên biển Đông.
Là một đất nước vĩ đại với hơn một tỉ dân, vừa ra khỏi những năm tháng đắng cay nhục nhã vì bị liệt cường Tây Phương sâu xé, ngày nay Trung Hoa không những phát triển rất nhanh về kinh tế mà còn gia tăng gấp bội về sức mạnh quân sự và cả tham vọng bành trướng trở thành đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ bước vào Thế Kỷ 21. Bắc Kinh đã nói không úp mở Á Châu phải là khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa, và chính thức cảnh cáo Mỹ không được phép can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền Quần Đảo Trường Sa giữa Hoa Lục và các quốc gia Vùng Đông Nam Á. Không những thế Trung Cộng còn công khai kêu gọi sự triệt thoái toàn bộ Quân Đội Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương một sự kiện chưa hề có từ trước tới nay đồng thời Trung Quốc đã thử thành công loại hỏa tiễn tầm xa bắn tới tận Hoa Kỳ. Trường Sa không chỉ là lò thuốc súng mà xa hơn thế nữa theo phóng viên AFP việc lôi kéo Hoa Kỳ can dự vào nỗ lực đi tìm một giải pháp cho cuộc tranh chấp còn có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh nguyên tử. Điều mà chắc chắn Hoa Kỳ không bao giờ muốn và cũng không dám liều lĩnh nếu như chưa đụng tới quyền lợi sinh tử của Mỹ. Tư Lệnh Hải Quân Trung Hoa đã từng công khai tuyên bố: Để sinh tồn Trung Hoa rất cần dầu khí và ngư nghiệp của Nam Hải cá sẽ là nguồn protein cho hơn một tỷ người Trung Hoa.
Trung Hoa đang có biểu lộ muốn dùng sức mạnh để thực hiện chánh sách bá quyền trong khu vực Đông Nam Á. Điển hình là vụ tranh giành Biển Đông với hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong đó Việt Nam và Trung Hoa bề ngoài là hai nước anh em nhưng bên trong lại có nhiều mâu thuẫn tranh tụng nhất và cũng là một cuộc tranh chấp kiểu châu chấu đá xe hoàn toàn không cân sức.
Giữa tình thế cực đoan ấy, hiện nay lại đang manh nha một quan niệm nguy hiểm phát xuất từ chính những người Việt không ai khác hơn là mấy ông trí thức khoa bảng ở Paris ở Bắc Mỹ như những nhà mộng du uyên bác cho rằng ‘’có một hiện tượng xuống cấp toàn cầu của ý niệm quốc gia dân tộc’’, rồi họ nói tới ‘’sự kết hợp lưu vực, liên minh kinh tế’’ hứa hẹn một không gian hoạt động lớn hơn vượt biên giới quốc gia, ‘’trong đó bản thể dân tộc không còn một ý nghĩa quan trọng nào nữa’’ [sic]. Chờ đợi cho được giàu có kiểu sung rụng và chấp nhận một kết hợp kiểu chó sói và cừu thì cái Cộng Đồng mất bản thể ấy đương nhiên trở thành một thứ công dân hạng hai (second class citizen) không khác chi một hình thái nô lệ tự nguyện cho dù có mang danh xưng mĩ miều như Pax Sinica trong khối thịnh vượng của một nước Trung Hoa. Tuy không còn trẻ nữa, nhưng mấy năm gần đây Kham lại bắt đầu chuyển trọng tâm nghiên cứu sang các đề tài rộng lớn về nền văn minh nước, về Hải Dương Học và những nét văn hóa đặc thù thiên về hải dương của dân tộc Việt Nam mà theo anh khác hẳn với người Trung Hoa là giống dân lục địa với thói quen và cách suy nghĩ của những người sống trên đất liền và kiến thức của họ về biển thật ít oi.
Như một giấc mơ không thể được (impossible dream) trong cuối phần cuộc đời còn lại Kham nuôi hoài bão noi gương tổ tiên trước cả các đời Vua Hùng Vương thực hiện một cuộc hải hành bằng bè từ Châu Thổ sông Hồng băng qua đại dương tới lục địa Mỹ Châu bằng các dòng hải lưu. Hình như Kham vẫn không ngừng tìm cho được một cơ hội lớn để được chết điều mà anh ân hận đã để lỡ trong trận Hoàng Sa. Phải chăng đây là phương cách chọn lựa để cuối cùng thân xác anh cũng được trở về với tịch mịch của lòng biển sâu.
Kham được mời làm diễn giả chính trong buổi hội thảo với sinh viên ở Berkeley, và điều đáng nói là thành phần tham dự, ngoài đa số là sinh viên Việt Nam còn có cả mấy sinh viên Trung Hoa được mời tới như những quan sát viên. Cao cũng gặp lại Bác Sĩ Duy từ Đại Học Stanford qua và Bé Tư cũng mới từ Việt Nam trở ra. Với tư cách Nhà Điểu Học (ornithologist), cô vừa bị nhà nước khước từ lời yêu cầu được ra Trường Sa để nghiên cứu về ‘’Các loại chim Biển Đông (Birds of Paracel, Spratly Archipelagoes)’’ với lý do tình hình quá nguy hiểm và cả không đủ tiện nghi cho cô. Tuy không phải là nhà hùng biện lại có accent của người ngoại quốc nói tiếng Anh nhưng Kham có lối nói đi thẳng vào trái tim mọi người. Anh đã từng ví von một cách thơ mộng Biển Đông như cái sân trước của căn nhà Việt Nam và những Hải Đảo thân yêu là những cây cối ở trong vườn với những cánh hải âu ríu rít là đám chim muông.
Vì là một đề tài quá mới lạ đối với các thành phần tham dự nên cuộc hội thảo mang tính chất giải đáp thay vì tranh biện.
Đến phần ‘’Làm gì?’’ Kham đã động viên lớp người trẻ không phải là xung vào đội quân chí nguyện cầm súng ra trấn giữ các Hải Đảo mà là chuẩn bị một đội ngũ trí tuệ trong mọi lãnh vực khoa học đặc biệt là các Ngành Hải Dương Học, Địa Chất, Môi Sinh và cả về Luật Biển và Quốc Tế Công Pháp. Họ sẽ là những thành viên không thể thiếu trên các bàn hội nghị hay trước Tòa Án Quốc Tế trong tương lai. Với sự kiên nhẫn Kham tin rằng ‘’yếu tố thời gian sẽ đứng về phía chúng ta.’’
Cùng với nhiều học giả Việt Nam trong Nhóm Sử Địa, Kham đã không ngừng vận động đem ngay vấn đề Hoàng Sa Trường Sa và Biển Đông vào chương trình giáo dục ngõ hầu mọi người Việt đều có sự hiểu biết cơ bản và mối quan tâm về vùng đất, vùng biển, vùng trời của tổ quốc.
Riêng Kham đã khuyến khích đứa con trai rất xuất sắc của anh thay vì chọn học Y Khoa ở UCSF nay chuyển qua học Luật ở Stanford chuyên về Quốc Tế Công Pháp và Luật Hàng Hải. Anh có niềm tin sắt đá là cho dù vùng biển vùng đảo đã bị Trung Cộng dùng võ lực cưỡng chiếm tới bao lâu và phải mất bao nhiêu năm đi nữa thì sớm muộn cũng ‘’Châu về Hiệp phố’’.
Với cái giá của bao nhiêu sinh mạng đồng đội, và của cả những người bạn chí thân như Thà như Trí, Kham luôn luôn khắc khoải với những câu hỏi: Học được gì sau biến cố máu và nước mắt Hoàng Sa? Xa hơn nữa là học được gì qua kinh nghiệm giữ nước của tiền nhân khi mà địch có trường trận lại dùng cả kế tàm thực như tầm ăn dâu?
Am tường lịch sử, Kham hiểu rằng không còn cái dễ dàng của chín năm kháng chiến chống Pháp hay hai mươi năm chống Mỹ, một khi để mất chủ quyền vào tay Trung Hoa có nghĩa là phải chấp nhận cuộc chiến cả trăm năm với một đối thủ đầy mưu lược thâm hiểm kiểu Đông Phương lại có thêm cả biển người và chưa bao giờ có mối quan tâm về những tổn thất nhân mạng như trong trận chiến tranh Triều Tiên và trận chiến biên giới Việt Hoa 1979 mới đây. Đã không có sức mạnh kháng địch thì phải dùng kế sách, phải lập kế sao cho sâu rễ bền gốc. Không có hỏa tiễn tầm xa thì ta có vũ khí trí tuệ có tầm xa thời gian của ‘’tam bách dư niên hậu’’ thì sớm hay muộn đất ta cũng lại trở về với tổ quốc ta.
Nhưng Kham cũng không hoàn toàn là con người viễn mơ, anh vẫn kêu gọi mọi người Việt bên trong cũng như ngoài tiết kiệm để có tiền xây dựng một lực lượng quốc phòng nhất là hải quân hùng mạnh đủ sức bảo vệ vùng biển vùng trời khi cần đến chứ đâu có bó tay nhục nhã như hiện nay để hàng ngày phải chứng kiến các hạm đội Trung Quốc nghênh ngang ra vào các vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người.
Thúc đẩy bởi lòng yêu nước nồng nàn nhưng Kham lại rất tiết chế và chừng mực. Anh chưa hề có mảy may biểu lộ tinh thần bài ngoại, theo đuổi chủ nghĩa yêu nước cực đoan bài Hoa. Mà bảo anh bài Hoa sao được khi chính bản thân anh vẫn cứ mãi yêu mến vẻ đẹp của một bài thơ Đường Đỗ Phủ hay nét thanh thoát thủy mặc của những bức tranh Hạ Khuê (Hsia Kuei) đời Tống và chính anh cũng đã chấp nhận với không một định kiến cho đứa con gái út của anh chọn lấy một người chồng Trung Hoa một nhà vật lý trẻ ở Cornell cũng là nơi con gái anh đang theo học. Ở Kham là sự dứt khoát khẳng định về quyền tự chủ trong đó có chủ quyền về lãnh thổ lãnh hải với Hoàng Sa và Trường Sa là điều bất khả tương nhượng.
Suy luận thì như vậy nhưng với cái tâm lành, Kham vẫn tin ở một trật tự toàn cầu khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới trong đó các siêu cường sẽ biết hành sử một cách có trách nhiệm chứ không thuần chỉ dựa trên sức mạnh như hiện nay. Thêm vào đó, Kham còn tin vào những nhà trí thức Trung Hoa chân chính có công tâm, khi họ hiểu được thực trạng éo le của lịch sử họ sẽ cảm thông với người Việt chúng ta và cũng để thấy rằng hạnh phúc của cả hai dân tộc Hoa Việt là sống chung hòa bình để cùng khai thác và chia xẻ hợp lý các nguồn tài nguyên trên Biển Đông cũng như trên con sông Mekong.
Chỉ bằng cuốn sách của Kham, Cao đã hiểu biết được khá rõ những vấn đề cơ bản liên quan tới Biển Đông. So với diện tích chỉ có 340 ngàn km2 nhưng Việt Nam lại có một bờ biển trải dài hơn 2500km, thoải ra là một thềm lục địa không sâu với trên 2500 Hải Đảo hoặc họp thành Quần Đảo hoặc là những hòn đảo đơn độc.
Trên cái nền chưa hoàn toàn ổn định ấy thỉnh thoảng vẫn còn những xáo trộn địa chấn: Điển hình là vào năm 1923, ngoài khơi Phan Rí phía Nam Đảo Phú Quý 22 dặm, đột nhiên xuất hiện Đảo Hòn Tro cao tới 30m và cạnh đó có thêm một hòn đảo nhỏ khác nhưng chỉ vài tháng sau cả hai đều biến mất, giả thiết rằng hai hòn đảo ấy vừa được tạo bởi dung nham và tro bụi nên có tên Hòn Tro, do núi lửa phun lên từ đáy biển nhưng rồi sau đó bị sóng gió và các luồng hải lưu cuốn trôi đi không còn để lại dấu tích nào.
Nói về sự hình thành thềm lục địa trên Biển Đông qua các thời kỳ địa chất, phải kể tới sự góp phần của hai con sông Hồng và sông Mekong cùng phát nguyên từ nóc cao trái đất trên Cao Nguyên Tây Tạng chảy qua các quốc gia cuối cùng đổ ra biển Đông bằng các cửa sông Việt Nam.
Với sông Hồng, có lẽ từ mấy triệu năm trước thời địa chất Pleistocene, con sông ấy đã liên tục đổ ra biển lượng phù sa khổng lồ, góp phần tạo thành một bình nguyên biển trải dài ra tới cồn Cát Vàng hay Hoàng Sa (Paracels).
Với sông Mekong, chỉ mới chục ngàn năm trước thôi, con sông hoang dã ấy mới bắt đầu tạo hình Vùng Đồng Bằng Châu Thổ từ đáy biển khoảng từ nguyên đại đệ tam, do hợp chất pyrite có chất sắt từ trầm tích phù sa kết hợp với chất sulphur trong nước biển khiến đáy biển nhô dần lên và để rồi hàng năm vẫn được các con nước lũ đổ về bồi đắp thêm tầng tầng lớp lớp phù sa ngày một dày thêm. Con sông Mekong dũng mãnh ấy không ngừng trút ra Biển Đông một khối lượng phù sa lớn lao tạo nên một thềm lục địa với hai thung lũng biển tạo bởi dòng chảy của hai con Sông Tiền Sông Hậu trải dài hơn 400km ra tới bãi Tứ Chính thuộc Quần Đảo Trường Sa (Spratly).
Bên dưới sâu thềm lục địa ấy quanh Hoàng Sa và Trường Sa là những kết tầng thủy tra thạch nơi hình thành những túi dầu rất lớn, tạo thèm muốn nhất là với Trung Hoa. Về phương diện địa chất, các cuộc khảo sát khoa học đã cho biết hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông và cũng rất xa đối với Trung Hoa.
Giả thiết mực nước biển hạ xuống tới khi bình nguyên biển trồi lên thì Hoàng Sa là một dải đất liền dính vào Việt Nam và cách biệt hẳn với Trung Hoa bằng một vùng biển sâu.
Krempf (1925) thuộc Hải Học Viện Đông Dương, khi khảo sát về đáy biển Hoàng Sa đã nhận xét rằng Quần Đảo này là một bình nguyên biển nối dài ra từ rặng Trường Sơn Trung Phần Việt Nam và ông đã đi tới kết luận ‘’Về phương diện địa chất, Quần Đảo Hoàng Sa là thuộc Việt Nam.’’
Còn với Quần Đảo Trường Sa, theo Vũ Hữu San nếu quan sát các đường đồng thâm (depth contour) trên hải đồ người ta thấy các Đảo ấy cách biệt hẳn với Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan bằng rãnh biển sâu hơn 3000m về phía Bắc và Đông-Bắc và cũng ngăn cách với Phi Luật Tân, Brunei và Mã Lai bằng Rãnh Sâu Đông Palawan (East Palawan Trough).
Trong khi chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam không những quan tâm bảo vệ mà còn rất chú ý tới các cuộc khảo sát nghiên cứu phát triển Biển Đông, thềm lục địa, các Quần Đảo Hoàng Sa, Trường Sa với Hải Học Viện Nha Trang, các Phân Khoa Địa Chất và Sinh Vật của Đại Học Khoa Học Sài Gòn... Công trình Nghiên cứu NAGA được kể là quy mô nhất: Trong suốt 2 năm 59-61 các Nhà Khoa Học Việt Nam, Mỹ và Thái Lan đã khảo sát hành lang thềm lục địa dọc theo bờ biển Việt Nam qua tới Vịnh Thái Lan với thu thập rất nhiều hiểu biết về Địa Chất, Sinh Vật và Hải Dương Học của Biển Đông. Khi còn là một Sĩ Quan Hải Quân rất trẻ mới ra Trường Kham đã may mắn có cơ hội được phục vụ trên con tàu NAGA đó.
Riêng tại miền Bắc, cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những không có một tiếng nói đòi chủ quyền còn tự nguyện dâng cả hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Bắc Kinh. Bức công hàm ngoại giao 14.09.58 gửi Trung Hoa của chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa do Thủ Tướng Phạm văn Đồng ký với nội dung ‘’tán thành bản tuyên bố ngày 04 tháng 9 năm 1958 của chánh phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.’’
Mười tám năm sau báo Sài Gòn giải phóng 05.76 vẫn tiếp tục bênh vực cho nội dung kỳ quái của bức công hàm ấy: ‘’ Việt Nam Trung Quốc là hai nước anh em sông liền sông núi liền núi. Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi. Khi nào chúng ta muốn nhận lại Quần Đảo này Trung Quốc sẽ sẵn sàng giao lại.’’ Nhưng chính người đồng chí và người thầy tín cẩn ấy 14 năm sau (14.03.1988) không những đã không trả Hoàng Sa mà còn dùng võ lực cưỡng chiếm luôn các Đảo Trường Sa của người đồng chí Việt Nam anh em. Chỉ trong một trận hải chiến ngắn họ đã bắn chìm tàu hải quân Việt Nam tàn sát không nương tay ngót 100 thủy thủ Việt trên Biển Đông thuộc vùng lãnh hải Việt Nam.
Bấy giờ mới thực sự tỉnh giấc chiêm bao, trong văn kiện phổ biến 25.04.88, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã phải lấy tất cả quá khứ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam ra làm lý lẽ: ‘’Nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 theo quy định hiệp định Geneve về Đông Dương 1954, là do chánh quyền miền Nam tạm thời quản lý trong khi chờ đợi thống nhất. Chánh quyền Sài Gòn đã tiếp quản hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1956 từ Pháp khi họ rút khỏi Đông Dương. Từ đó cho đến năm 1975, họ đã tổ chức hai Quần Đảo về mặt hành chánh, tổ chức khảo sát và khai thác kinh tế...’’ Và cũng để cứu vãn cho một sai lầm lịch sử, người cộng sản Việt Nam bào chữa: ‘’Đúng là đã có những tuyên bố đó. Cần phải đặt các tuyên bố này đúng trong bối cảnh lịch sử của nó... Trong cuộc chiến đấu một mất một còn chống kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự lớn hơn mình rất nhiều, Việt Nam tranh thủ được Trung Quốc gắn chặt với cuộc chiến đấu của Việt Nam càng nhiều bao nhiêu và ngăn chặn Mỹ sử dụng hai Quần Đảo cũng như Vùng Biển Đông chống Việt Nam thì càng tốt bấy nhiêu. Phải đứng trên tinh thần đó và trong bối cảnh đó để hiểu các tuyên bố nói trên.’’ Lý luận thì như vậy, nhưng thật ra chính những người cộng sản Việt Nam cũng hiểu rằng trong lãnh vực quốc tế công pháp đã chẳng có một thứ ‘’luân lý của hoàn cảnh’’ và đây hiển nhiên là một thất thế cho Việt Nam trên bàn hội nghị trong hiện tại và cả về tương lai.
Căn cứ theo Luật Quốc tế về Biển (Law of Sea Convention) đã được 159 quốc gia ký kết ngày 10.12.82 tại Montejo Bay, Jamaica và đã được hơn 60 nước chuẩn y để trở thành luật kể từ 16.11.94 với ý nghĩa cao đẹp ‘’Biển cả là tài sản chung của nhân loại’’ và các quốc gia Đông Nam Á đã ký kết đồng thuận thi hành thì chỉ riêng Trung Cộng đã cản trở bằng cách ban hành Luật Lãnh hải 1992 với lý luận rằng Biển Đông là nội hải của Trung Hoa, theo đó họ đòi hỏi tàu bè kể cả tiềm thủy đĩnh và phi cơ chuyển vận trên hải và không phận ấy phải xin phép và tuân theo luật lệ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Tự cho quyền hành xử như một siêu cường độc đoán và chuyên quyết, Trung Quốc trong bước đầu ‘’Chinh phục trái đất’’ nói theo Chủ Tịch Mao Trạch Đông, họ chủ trương khống chế toàn Biển Đông mà không cần che dấu tham vọng bành trướng ấy. Ai cũng biết Mekong là một con sông quốc tế nhưng với tám con đập bậc thềm Vân Nam có bao giờ Trung Quốc quan tâm gì tới những điều khoản quy định trong quốc tế công pháp đâu. Đối với Cộng Đồng thế giới Trung Cộng chưa hề chứng tỏ là có một hồ sơ theo dõi tốt (good track records).
Theo Quang Minh nhật báo của Tỉnh Quảng Đông Trung Quốc 05.12.94 thì: ‘’Sau một thập niên dài khảo cứu, 400 học giả và chuyên viên nổi tiếng Trung Quốc đã chứng minh rằng hiển nhiên từ thời xa xưa Trung Quốc đã nắm chủ quyền trên toàn thể Quần Đảo Trường Sa. Và theo lý lẽ đó Trung Quốc chẳng còn gì để phải tranh cãi trên bàn thương thảo.’’
Chỉ trong hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 1994, 10 học giả Trung Hoa Lục địa đến Đài Loan dự buổi hội thảo với hàng trăm học giả địa phương, họ đưa ra bản tuyên cáo chung rằng: ‘’Trung Hoa có chủ quyền lịch sử về vùng tranh chấp này.’’
Chi tiết nổi bật cần ghi nhận là khác xa với những người Quốc Gia hay cộng sản Việt Nam cho dù Quốc hay Cộng, Đài Loan tỏ ra rất mau lẹ luôn luôn thống nhất với lập trường của Hoa Lục ‘’nhân danh dân tộc Trung Hoa’’ về vấn đề Biển Đông cho dù hai bên còn khác biệt về thể chế chánh trị và chưa thống nhất.
Nếu chỉ kể nửa Thế Kỷ trở lại đây thôi chúng ta đã thấy có một tiến trình liên tục trong lịch sử cận đại nước Trung Hoa nhằm xâm chiếm các Vùng Hải Đảo và Lãnh Hải của Việt Nam trên Biển Đông. Ngay sau Thế Chiến Thứ Hai, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, 06.1946 Pháp gửi chiến hạm Savorgnan de Brazza chiếm lại các Đảo Hoàng Sa nhưng do trận chiến Việt Pháp bùng nổ dữ dội 09.1946 Pháp tạm thời rút khỏi Hoàng Sa. Trung Hoa Dân Quốc thì lấy ngay cớ giải giới quân Nhật để đổ quân chiếm Đảo Phú Lâm là hòn Đảo lớn nhất trong nhóm Tuyên Đức (Amphitrite Group) phía Đông Hoàng Sa, Pháp chỉ phản đối chiếu lệ.
Khi Trung Cộng toàn chiếm Hoa Lục 1949, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan thì quân Trung Hoa Dân Quốc rút ra khỏi Đảo Phú Lâm.
Năm 1956, khi quân Pháp bắt đầu rút khỏi Việt Nam, Trung Cộng đã mau chóng cho hải quân tái chiếm Đảo Phú Lâm và các Đảo khác thuộc nhóm Tuyên Đức và đặt bộ chỉ huy toàn thể lực lượng trú phòng Quần Đảo Hoàng Sa trên Đảo Phú Lâm và cũng là căn cứ quân sự kiên cố nhất trên biển Đông. Bằng chứng là mới đây vệ tinh Nhật Bản đã chụp được không ảnh về căn cứ quân sự Trung Cộng đã xây trên Đảo Phú Lâm trên đó có cả một phi đạo dài tới 2500m.
Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam 1974, Trung Cộng đã xua quân chiếm luôn nhóm Nguyệt Thiềm (Crescent Group) phía Tây Hoàng Sa, đang thuộc quyền kiểm soát của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau một trận hải chiến ngắn với lực lượng Hải Quân Nam Việt Nam. Hoàn toàn làm chủ Quần Đảo Hoàng Sa, chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân, cả xây dựng phi trường và đồng thời tung các con tàu ra khơi tìm kiếm dầu hỏa.
Vẫn không dừng ở đó, Trung Quốc tiếp tục chính sách bành trướng xa hơn về phương nam, 14 năm sau 1988 Trung Cộng lại dùng võ lực bắn chìm tàu Việt Nam và cưỡng chiếm thêm 8 Đảo của Trường Sa và dựng ngay bảng chủ quyền trên mỗi Đảo nơi mà Việt Nam thực sự có chủ quyền về mọi phương diện lịch sử địa dư và công pháp quốc tế. Tình hình lại càng phức tạp hơn ngoài mâu thuẫn giữa Việt Nam Trung Hoa còn có thêm sự tranh chấp với các nước Mã Lai, Brunei, Nam Dương và Phi Luật Tân để giành giật những mỏ khí đốt cũng trên thềm Biển Đông ấy. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, không phải chỉ có Trung Cộng mà Đài Loan cũng đã hiện diện xen kẽ ở Trường Sa. Đài Loan đã kiểm soát một hòn đảo lớn nhất trong Quần Đảo Trường Sa đó là Đảo Ba Bình (Itu Aba) nơi mà trước Thế Chiến Thứ Hai Việt Nam và Pháp đã từng đặt Đài Khí Tượng và hoạt động rất hữu hiệu. Ba Bình ngày nay trở thành một công sự vô cùng kiên cố của Đài Loan với cả hải cảng, sân bay, đài kiểm thám, các ụ súng lớn với cả một Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến là lực lượng trú phòng thường trực có trang bị cả các đoàn xe lội nước.
Hai lần Hải Quân Trung Quốc ra tay hai lần họ tàn sát người Việt trên Biển Đông trước con mắt thờ ơ của những Đồng Minh và cả quốc tế.
Chiến trận Hoàng Sa 1974, có sự hiện diện Đệ Thất Hạm Đội Mỹ trên Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ không những cho biết sẽ dứt khoát đứng ngoài cuộc tranh chấp mà còn cô lập Hải Quân Việt Nam bằng cách phong tỏa việc sử dụng ngư lôi đĩnh, rút Đệ Thất Hạm Đội ra khỏi khu vực Biển Đông và còn quyết liệt từ chối cả nghĩa vụ nhân đạo là việc cấp cứu những Thủy Thủ Việt Nam bị trôi dạt trên biển sau trận hải chiến với Hạm Đội Trung Cộng. Trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, lúc đó có cả một Hạm Đội Liên Xô đóng ở Cam Ranh và họ cũng án binh bất động.
Thế giới đã bỏ mặc cho Việt Nam phải đương đầu đơn độc với một siêu cường Trung Cộng khổng lồ có cả võ khí nguyên tử. Rõ ràng là Trung Cộng, bằng vô số phương cách trước sau vẫn quyết tâm đi hết tiến trình đã vạch sẵn, khi thì ngang nhiên dùng võ lực khi thì lợi dụng danh nghĩa khảo sát khoa học cả mạo nhận danh nghĩa Liên Hiệp Quốc để âm thầm lấn chiếm các Đảo cho đến khi hoàn toàn nuốt trọn Trường Sa.
Do không đủ sức đương cự với Trung Cộng, các nước nhỏ quanh Biển Đông vận động tìm cách đưa nội vụ ra Tòa Án Quốc Tế nhưng Trung Cộng thì luôn luôn rêu rao cho rằng Tòa Án La Haye chỉ là trò chơi của đế quốc tư bản nên hoàn toàn đứng ngoài như một vô can. Khi mà lẽ phải chỉ dành cho kẻ mạnh với tiềm thủy đĩnh, phóng pháo cơ và chiến hạm thì rõ ràng tình hình Biển Đông cực kỳ căng thẳng và sẽ chẳng có một nước nào được yên nhất là với Việt Nam, nếu không chịu khuất phục trong trật tự nước Trung Hoa. ‘’Bởi vậy lấy sức mạnh mà nói thì lẽ phải ở về phía Trung Quốc.’’
Trong một phòng hội thuộc Khu Nghiên Cứu Đông Nam Á Đại Học Berkeley nơi từng nổi tiếng về các phong trào phản chiến trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Kham dáng đứng vững chãi trước một màn ảnh lớn với tấm bản đồ Biển Đông và các địa danh thuần Việt do chính anh đã dầy công sưu tầm và thiết kế trên máy điện toán. Kham giọng phân tích:
- Do nằm ngay trên ngã tư đường hải hành của Thái Bình Dương, từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa nghiễm nhiên trở thành những địa điểm chiến lược trọng yếu của toàn Vùng Đông Nam Á.
Trong tình huống cho dù Việt Nam có bị phong tỏa hết biên giới lục địa phía Bắc và phía Tây, quốc gia ta cũng không bị bóp nghẹt về kinh tế. Nhưng nếu bị phong tỏa hết bờ biển phía Đông thì chẳng những không còn ngoại thương mà ngay cả chuyển vận đường biển Bắc-Nam để điều hòa nhu yếu phẩm trong cả nước cũng hết. Và Kham đưa ra tiếp một cái nhìn tiên tri:
- Trung cộng ngày nay dư khả năng thực hiện một cuộc phong tỏa như vậy khi mà họ đã sở hữu được hỏa tiễn tầm xa, các đội oanh tạc cơ chiến lược và lực lượng hải quân với hàng không mẫu hạm và các hạm đội viễn duyên để khống chế toàn Biển Đông, lúc đó kẻ thù truyền kiếp của chúng ta lại hiện nguyên hình lừng lững trở lại, áp đặt ách thống trị lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam nhưng với những thủ đoạn ngàn lần tinh vi hơn.
Giọng Kham càng trở nên thiết tha:
- Thà rằng chúng ta sống tiết kiệm để tăng cường quốc phòng nhất là hải quân với đầy đủ khả năng hải chiến không chiến ngoài khơi còn hơn chờ đợi tới cái ngày không tránh được (the inevitable day) khi đó cả nước ta chịu chết ngạt một cách nhục nhã vì bị bao vây.
Hướng về phía Cao, Kham tiếp:
- Rồi còn phải kể tới trận chiến về môi sinh như gây ô nhiễm và chặn nguồn nước của con sông Mekong gây hạn hán và nạn ngập mặn khắp Vùng Đồng Bằng Châu Thổ, điều mà Nhóm Bạn Cửu Long rất sớm lên tiếng báo động trong những năm qua. Chặn đầu nguồn ở Vân Nam, chặn cuối nguồn con sông Mekong bằng chiếm đoạt các Quần Đảo sát ngoài khơi Biển Đông, quả thật cho đến nay Việt Nam bị bó tay và chưa biết phải ứng xử ra sao!
Hoàn toàn làm chủ kỹ thuật thính thị qua máy điện toán, Kham đã linh hoạt kết thúc bài nói chuyện. Anh cho chiếu cùng lúc hai tấm slides trải dài trên hai màn ảnh lớn: Một bức không ảnh chụp từ vệ tinh hai Quần Đảo Hoàng Sa Trường Sa trên Biển Đông bên một dải đất Việt Nam hình chữ S. Màn ảnh bên là trích dẫn một đoạn viết của Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn trên tạp chí Sử Địa 1974: ‘’Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi lân bang lấn cõi... Ngày nay vụ Hoàng Sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể gây nên bởi sự bất hòa của dân ta...tuy rằng nhiều chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt.’’
Rồi bất chợt nổi lên từ xa tiếng sóng Biển Đông vỗ rạt rào xen lẫn với muôn ngàn tiếng chim hải âu làm nền cho bản tin mới phát đi của Đài RFI:
... Theo tin Hãng Thông Tấn Kyodo, Hà Nội 19.09.98. Bộ Giao Thông Vận Tải mới đây đã hoàn tất việc xây dựng và trùng tu nhiều cơ sở dân sự trên đá San Hô Tây (West Reef) trong Quần Đảo Trường Sa, gồm có bồn chứa nước ngọt, trạm máy phát điện, khu nhà ở và cả sân bay trực thăng với tổn phí lên tới 4 triệu đôla là những công trình xây dựng có tính cách lâu dài.
Tưởng cũng nên nhắc lại là chỉ mới hai tuần lễ trước đây, Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Trung Hoa đã lên tiếng phản đối và đòi hỏi phía Việt Nam phải lập tức rút quân khỏi hai Đảo đá ngầm thuộc bãi Tư Chính trong Vùng Trường Sa mà Trung Hoa cho là lực lượng Hải Quân Việt Nam đã chiếm đóng trái phép. Phía Việt Nam đã khước từ thảo luận với Trung Quốc vì cho rằng Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền tại hai khu vực Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm cả những Đảo đã bị Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm...
Có điều mà Kham chưa nói ra là cho dù hiện nay Việt Nam còn hiện diện trên một số Đảo ngoài Trường Sa nhưng nếu bị phong tỏa vùng hải phận quanh Quần Đảo điều mà Hải Quân Trung Quốc dư sức làm mà không cần nổ thêm một phát súng nào, thì bất chiến tự nhiên thành, tất cả chủ quyền Quần Đảo Trường Sa hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc. 
CHƯƠNG XVI 
ĐỨC PHẬT THẦY VÀ NHỮNG TẤM BIA CÀN LONG VÂN NAM
L’eau est devenue chère, et elle le sera encore plus à l’avenir, ce qui en fera l’
or bleu du XXIe siècle. Ricardo Petrella, 3.2000
Từ Giang Thành Tới Châu Đốc Tân Cương.
Đồng Bằng Sông Cửu Long có sức cuốn hút lạ thường, với Cao đó vẫn là vùng đất mới còn biết bao nhiêu điều về lịch sử, địa dư và con người... từ bấy đến nay Cao tự thấy vẫn chưa thể nào thấu hiểu hết được. Như chỉ riêng một vùng Thất Sơn kỳ bí với núi rừng trùng điệp nằm dọc theo con Sông Hậu thuộc ‘’Châu Đốc Tân Cương’’ được coi như địa giới cuối cùng của cuộc Nam Tiến mà thấy như đã đầy ắp quá khứ với bao nhiêu tên tuổi nhân vật đã trở thành huyền thoại: Như Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh với đám lưu dân Hai Huyện tiên phong đi về Phương Nam, đi vạch một chân trời, như Thoại Ngọc Hầu Khai Quốc Công Thần từ hai Thế Kỷ trước khai phá miệt Hậu Giang đào con Kinh Vĩnh Tế chiến lược từ Châu Đốc xuống tận Hà Tiên giữ yên bờ cõi mới.
Rồi Phật Thầy Tây An là nhân vật với bao điều bí ẩn và cả những truyền thuyết. Chỉ với một chiếc xuồng bần con một miếng tre nhỏ làm chèo một túi thuốc, tự Thầy chèo chống qua các ngả sông rạch tìm đến những người đau yếu chữa bệnh cho họ và rồi cứu cho dân cả một vùng Tòng Sơn Sa Đéc quê Thầy thoát khỏi trận dịch tả hoành hành khủng khiếp. Do uy danh của Phật Thầy ngày một lan rộng gây kinh động cho nhà cầm quyền nên Thầy bị bắt gán cho tội danh là ‘’gian đạo’’. Nhưng rồi Thầy cũng được thả ra nhưng bắt phải thế phát xuống tóc giống như hàng Tăng sãi khác. Sau đó Thầy về Châu Đốc, tới Núi Sam thay vì xây Chùa thì Thầy lập ra các Trại Ruộng, để chính Thầy tự tay cuốc tay cầy, làm gương khuyên dạy tín đồ tinh thần tự lập tự cường tay làm hàm nhai chứ không nên ỷ lại nhờ vào bá tánh.
‘’Trại Ruộng’’ như một kiểu điền trang dân dã: Trại đầu tiên ở Thới Sơn Bảy Núi và sau đó thêm một Trại Bửu Hương Các ở Láng Linh giao cho đệ tử ruột của Thầy là Đức Cố Quản Trần Văn Thành trông coi. Khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp trong đó có cuộc Khởi Nghĩa Bảy Thưa vùng ranh Long Xuyên Châu Đốc thì các ‘’Trại Ruộng’’mặc nhiên trở thành những căn cứ hậu cần của kháng chiến.
Có thể nói các ‘’Kibboutzim’’ của Do Thái buổi sơ khai lập quốc vào những năm 40-50 được thế giới ca ngợi và cả chính Cao thời sinh viên rất ngưỡng mộ và rồi cả ‘’Phương Bối Am’’ của Thích Nhất Hạnh manh nha hình thành giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam thực ra chỉ là một mô phỏng rất muộn màng mãi về sau này ‘’công thức Trại Ruộng’’ của Đức Thầy đã có cách đó cả hơn một Thế Kỷ.
Thầy tu luyện không phải ở chùa lớn mà chỉ trong một ‘’cốc’’ nhỏ nơi mà sau này là chỗ xây cất nên Tây An Cổ Tự uy nghi và tráng lệ như bây giờ.
Tên tục là Đoàn Minh Huyên danh hiệu Phật Thầy danh đạo là Bửu Sơn Kỳ Hương núi báu mang hương lạ, hình thức thờ phượng đơn giản không xây chùa không tượng cốt chỉ có một tấm lụa đà trần điều tượng trưng cho đấng tạo hóa huyền vi. Giáo lý của Thầy thì lại rất gần gũi với đời thường nghĩa là một thứ Đạo Phật dấn thân ‘’không theo đời mà bỏ đạo, cũng không theo đạo mà bỏ đời’’.
Thầy chủ trương ‘’Tứ Đại Trọng Ân’’mà tín đồ quen gọi là ‘’Tứ Ân Hiếu Nghĩa’’ bao gồm: Ân tổ tiên cha mẹ, ân với đất nước, ân tam bảo Phật Pháp Tăng và cuối cùng là ân đồng bào và nhân loại mới xem ra tưởng quá giản đơn nhưng lại chính là giềng mối sâu xa của Đạo. Gạn lọc những chuyện huyền hoặc có tính mê tín dị đoan mà đám đệ tử cố gán cho Thầy thì giữa lúc đạo suy vi Thầy là người có công hoằng dương đạo pháp, đem đạo vào đời không phân biệt chủng tộc tôn giáo chỉ lấy từ bi bác ái mà rao giảng với nhân loại chúng sinh. Đó cũng là mô thức rất sớm của một nền văn hóa hòa bình chuẩn bị cho xu hướng Toàn Cầu Hóa (Globalization) khi nhân loại bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Người Hoa Nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long
Người Hoa đã đến và sống trên dải đất Việt Nam cả mấy ngàn năm rồi, từ thời còn là Giao Chỉ Bộ dưới quyền thống trị của Trung Hoa. Và trong suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt phải liên tục chống cự lại sự xâm lấn và đồng hóa của tộc Hán (Sinicization) ở phía Bắc. Cũng rất sớm từ Bắc chí Nam, Cộng Đồng người Hoa sống ở Việt nam tuy không trực tiếp nắm những chức vụ chánh quyền nhưng hầu như họ đã chiếm lĩnh toàn bộ sinh hoạt kinh tế của người Việt và nghiễm nhiên trở thành một thế lực chánh trị thách đố với mọi chế độ cầm quyền.
Đã thế, mỗi thời kỳ nóng lạnh, mỗi biến động của một nước Trung Hoa cường thịnh hay suy vi đều không thể không ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương mà gần cận nhất là Việt Nam.
Kinh nghiệm Miến Điện, năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch thua chạy ra Đảo Đài Loan thì đám tàn quân gồm nguyên một Sư Đoàn với Chủ Tướng là Lý Mỹ đã tràn xuống chiếm đóng khu Bắc Miến, sau đó trở thành một đội quân thổ phỉ cướp bóc lương thực cả sản xuất lưu hành ma túy trong khu Tam Giác Vàng gây cảnh đau thương chết chóc cho dân chúng Miến trong suốt nhiều năm và tình hình cũng chưa hẳn yên sau bao nhiêu cuộc hành quân bình định vất vả của chánh quyền Rangoon và có cả sự giúp đỡ can thiệp của Liên Hiệp Quốc.
Kinh nghiệm Việt Nam, năm 1611, khi người Mãn Thanh từ Trung Nguyên tràn xuống đánh bại triều đình nhà Minh, đám di thần trung thành với Nhà Minh không chịu khuất phục lập phong trào Bài Mãn Phục Minh.
Một số chạy xuống Hoa Nam kéo theo đám dân chúng tràn vào các Tỉnh phía Bắc Việt Nam, tạo nên một vùng biên giới mất an ninh suốt hai Thế Kỷ, đã khiến dân Việt vô cùng thống khổ vì sự hoành hành của đám giặc ‘’Tàu Ô’’ này. Một số cựu di thần Nhà Minh khác theo thủ lãnh của họ dùng đường biển đi xa hơn về Phương Nam. Đợt người Hoa di dân này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử khẩn hoang của Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Sử liệu ghi năm 1679 Dương Ngạn Địch, nguyên Tổng Binh các Quận Quảng Tây và Trần Thắng Tài, Tổng Binh các Quận Quảng Đông đem đội binh Trường Phát (tóc dài đuôi sam để phân biệt với người Mãn Thanh) và gia quyến hơn ba ngàn người trên 50 chiến thuyền tới cửa biển Thuận An bệ kiến Chúa Nguyễn xin tỵ nạn nước Nam và được Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chấp thuận cho đi về Phương Nam khẩn hoang lập ấp. Có điều mà Chúa Hiền không hề biết là không phải toàn binh đoàn Trường Phát đều có ý thần phục triều đình Phú Xuân, trong đó phải kể viên Ohó Tướng Huỳnh Tấn.
Họ chia làm hai toán. Dương Ngạn Địch cùng với Huỳnh Tấn đem binh thuyền từ Biển Đông vào Cửa Soài Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu tới đồn trú tại Vùng Mỹ Tho, Định Tường. Trần Thắng Tài cùng với Trần An Bình đem binh tới đóng ở Biên Hòa, Gia Định. Họ cùng với đám lưu dân Việt phá rừng vỡ đất đào kinh cất phố mở mang đường xá, họ lập gia đình với người Việt và Khmer sinh con đẻ cái và đa số chọn định cư lâu dài nơi đây.
Họ là những người Minh Hương tên gọi những người Hoa còn trung thành với Nhà Minh bên Trung Quốc, lánh nạn Nhà Thanh tới Việt Nam. Họ là những người tỵ nạn chánh trị, xin nhận Việt Nam là quê hương thứ hai và họ đã đóng góp nhiều công sức cùng với những người lưu dân Việt khai phá miền Nam từ thời Nguyễn Sơ. Họ cũng đã lôi cuốn thêm những người Hoa khác từ Mã Lai Singapore tới buôn bán và ở lại lập nghiệp.
Riêng viên Phó Tướng Huỳnh Tấn kéo theo được nhiều binh lính, trên bước đường khẩn hoang đã tìm ra những vùng đất mới phì nhiêu còn hoang vu ở hai bên bờ con sông Mekong, Tấn có ý ly khai khỏi Triều Đình Nhà Nguyễn để lập một Vương Quốc riêng. Chủ Tướng Dương Ngạn Địch trung thành với Chúa Nguyễn tỏ không đồng ý đã bị Huỳnh Tấn và đám lính ly khai giết. Chúa Nguyễn đã phải cùng với Trần Thắng Tài đem quân đánh dẹp, giao tranh rất khốc liệt cuối cùng phải dùng mưu mới bắt và giết được Huỳnh Tấn, miền Đông mới lại tạm yên. Nhưng vẫn có số tàn quân thoát được sang Chân Lạp sống quanh vùng Biển Hồ tiếp tục chống lại Việt Nam lại được hỗ trợ bởi quân Khmer và nhất là quân Xiêm La khiến cho cuộc bình định phải kéo dài nhiều năm cho tới khi quân Chúa Nguyễn chiếm được Nam Vang. Cũng phải kể một cuộc nổi loạn khác của người Hoa nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long do Lý Văn Quang người Phước Kiến thấy phòng thủ đất Đồng Nai suy yếu nên đã cầm đầu một nhóm người Hoa chiếm Cù Lao Phố (1747), Chúa Nguyễn lại phải sai Đô Đốc Phiên Trấn Dinh Trần Đại Định là con Trần Thắng Tài đưa quân đi đánh dẹp. Lý Văn Quang bị bắt và chỉ bị trục xuất về Trung Hoa.
Và xuống xa hơn nữa, năm 1671 một nhóm thứ ba do Mạc Kính Cửu lãnh đạo cũng sau cuộc nổi dậy thất bại chống Nhà Thanh, đã đem theo cả gia đình và đám binh sĩ hơn 400 người dùng chiến thuyền vượt biển xuống tới Vịnh Xiêm La đổ bộ lên Mang Khảm một vùng đất gần như còn hoang vu của Chân Lạp. Mạc Cửu tới Mang Khảm tuy ở cái tuổi chưa đầy 30 nhưng là tay hảo hán, có tài lãnh đạo, óc tổ chức cùng lúc cho phá rừng vỡ đất canh tác, còn mở mang buôn bán, thu phục được những tay phiêu lưu giang hồ kể cả đám hải tặc về dưới trướng lập sòng bài lấy xâu mở các tiệm hút để kinh tài. Vẫn không đủ nhân lực,
Mạc Cửu phải tiếp tục chiêu mộ thêm người Hoa, lưu dân người Việt và Khmer từ khắp nơi tới, và chỉ trong một thời gian không lâu họ Mạc đã biến cả một vùng hoang vu sình lầy thành một khu trù phú lập ra 7 Xã trong đó có cả Hòn Koh Tral tức là Đảo Phú Quốc sau này, chọn Mang Khảm làm Kinh Đô, tự đặt tên là Cảng Khẩu Quốc rất sớm nổi tiếng là một hải cảng thuận lợi cho tàu bè qua lại: Từ phương Bắc xuống từ Hải Nam, Phúc Kiến... từ Nam lên Java, Nam Dương... từ phía Tây qua Ấn Độ, Mã Lai.
Hà Tiên như một tiểu Vương Quốc tự trị không lệ thuộc vào hành chánh Chân Lạp hay Đại Việt. Cũng vì tính cách tự trị đó mà Sứ Thần Trung Hoa và cả các nhà viết sử Tây phương đã có lúc xem đất Hà Tiên như một ‘’Tiểu Vương Quốc của người Hoa trong vùng biển Trung Nam Hải.’’ Nhưng chính Mạc Thiên Tích, con Mạc Cửu trong bài tựa tập Hà Tiên Thập Vịnh được Phan Huy Chú chép trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí được coi như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam Triều Nguyễn đã lại ghi rõ: ‘’Trấn Hà Tiên nước An Nam, xưa là đất hoang, từ tiên quân khai phá đến nay đã 30 năm, mà dân mới được ở yên, biết việc trồng trọt’’
Từ Thế Kỷ 17, trong bối cảnh cuộc Nam Tiến, đám lưu dân Việt tuy không ồ ạt nhưng từng nhóm ngoài ngả đường bộ đi về Phương Nam, họ còn dùng thuyền theo ven biển tiếp tục xuống xa hơn tới Vịnh Xiêm La, có lẽ họ cũng đã đặt chân lên vùng Mang Khảm nhưng gặp cảnh sinh hoạt bất kham nên một số lại tiếp tục ra đi. Phải đợi tới khi Mạc Cửu đem tài lực vật lực tới khai khẩn canh tác và mở mang thương mại thì Mang Khảm mới thực sự phát triển và trở thành một ‘’đặc khu kinh tế’’ sầm uất, một trong những Thị Trấn đô hội ra đời sớm nhất nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trước cả Cần Thơ, Bạc Liêu, Mỹ Tho...
Sách Mạc Thị Gia Phả có chép: ‘’Từ khi ra ở đất Mang Khảm thì Mặc Cửu hết sức lo mở mang cõi đất mới cho một nơi hoang vu vắng vẻ mà nên được một nơi chợ búa đông đảo. Một mặt thì Cửu lo khai khẩn đồn điền cho dân cầy cấy và mở mang Hải Cảng để đón các tàu buôn ở các biển, một mặt thì lo xây đắp đồn lũy, tập luyện quân lính để bảo hộ cuộc trị an và mưu đồ cuộc độc lập. Cửu thường lấy lòng nhân nghĩa mà xử đãi nên người các nơi theo về rất nhiều. Mang Khảm chẳng bao lâu mà thành một nơi Hải Cảng sầm uất.’’
Mang Khảm như một Singapore của Thế Kỷ 18, không phải chỉ nổi danh trong Vùng Đông Nam Á, địa danh Hà Tiên còn vang tới tận Âu Châu, được nhắc tới trong bài tham luận của Pierre Poivre trước Hàn Lâm Viện Pháp 1768: ‘’Hà Tiên đã mở cửa đón nhận tàu buôn của mọi nước đến buôn bán. Hàng hóa buôn bán phải chịu một món thuế rất nhỏ mà thôi’’. (Un Chinois des Mers du Sud, le Fondateur de HàTiên Garpardone Emile, Journal Asiatique, 1952).
Nhưng rồi cái ngày không tránh được là Mang Khả bị quân Xiêm xâm lấn tàn phá cả gia quyến Mạc Cửu bị bắt đem về Xiêm La cho tới khi trốn được về Trũng Kè rồi họ Mạc trở lại Mang Khả để lo toan khôi phục. Cũng vẫn Mạc Thị Gia Phả chép: ‘’Về Mang Khả rồi, có kẻ mưu sĩ người Minh Hương tên là Tô Quân bàn rằng. Người Cao Miên tâm tính hèn nhát nhu nhược, lại đất Mang Khả là đất hải tần, tất có ngày đối lũy với Xiêm, ngộ có khuynh nguy, họ không thể bảo trợ được, trong khi những người Hoa ở phía Bắc được Chúa Nguyễn cho định cư đang phát triển mau chóng, thêm vào đó quân Chúa Nguyễn cũng đang làm chủ Miền Tây Chân Lạp và đối đầu với quân Xiêm La... Vậy chi bằng thần phục về với Nam Triều để cho có chỗ nương tựa vững vàng là hay hơn.’’
Thấy lời bàn có lý Mạc Cửu đích thân đến Phú Xuân dâng biểu xin đem đất bảy Xã của mình khai phá quy phục Nam Triều. Chúa Nguyễn ưng cho và đổi tên đất Mang Khả lại là Trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu chức Tổng Binh về giữ Trấn Hà Tiên, lại ban ấn triệu mãng mã và cho người đưa về trọng hậu.’’
Lãnh thổ Đại Nam không những thêm mở rộng mà Trấn Hà Tiên nghiễm nhiên trở thành tiền đồn chiến lược ngăn bước xâm lấn của quân Xiêm La.
Mạc Cửu mất năm 80 tuổi (1655-1735), con là Mạc Thiên Tứ sau đổi tên là Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha. Ngoài kiến thức uyên bác, Mặc Thiên Tích còn là vị Tướng tài, ngoại giao giỏi. Ông tiếp tục mở rộng đất Mang Khảm, lập thêm 4 Huyện: Long Xuyên (miệt Ca Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miệt Cần Thơ) và Trấn Di (miệt bắc Bạc Liêu), và ông cũng đã từng cầm quân sang tấn công Xiêm La, bảo hộ cả vùng phía nam Chân Lạp...Năm Giáp Tý 1774, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia nước làm 12 Dinh, duy có Hà Tiên vẫn để là Trấn, Mạc Thiên Tích vẫn giữ chức Đô Đốc cai trị như trước. Theo một nghĩa nào đó thì Hà Tiên như là một khu tự trị của họ Mạc, có thành lũy quân đội có cả đồng tiền riêng chỉ phải mỗi ba năm triều cống Chúa Nguyễn theo phiên lễ chư hầu.
Cha con nhà họ Mạc tuy đã xin làm dân Việt làm quan cho nước Nam nhưng vẫn một mình trấn đất Hà Tiên vẫn có cái tư cách bá vương nên họ Mạc lúc nào cũng nuôi mộng lớn chờ cơ vùng vẫy.
Mạc Thiên Tích trong bài ‘’Lư Khê Nhàn Điếu’’ đã tỏ rõ cái chí khí của mình qua hai câu thơ:
Hải thượng tà đầu thời độc tiếu
Di dân thiên ngoại nhất ngư ông
Trên biển riêng cười cơn xế bóng
Đem dân ngoài cõi một ngư ông
Những Tấm Bia Càn Long và Phật Thầy Tây An.
Với chí lớn ấy thì họ Mạc đâu có dễ dàng mà chịu bó thân lâu dài với Triều Đình Huế và đâu có muốn cho Việt Nam có minh quân thánh chúa ra đời nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long mà Vùng Thất Sơn với ‘’với sườn gò khởi phục, cây tốt, suối trong’’ với con mắt địa lý nhà họ Mạc đích thị là ‘’Hoa địa của Việt Nam’’ với âm dương tương hội sẽ là nơi ‘’địa linh sinh nhân kiệt.’’
Theo Nhà Biên Khảo Nguyễn Văn Hầu thì khi đệ tử của Phật Thầy phát hiện những tấm bia Càn Long ở Bài Bài Quận Tịnh Biên Châu Đốc chôn vào năm Càn Long Nhà Thanh niên hiệu thứ 57, 1792 là thời gian gia đình họ Mạc còn trọng nhậm tại Hà Tiên thì chưa ai hiểu được tại sao.
Chỉ riêng Phật Thầy là bậc cao minh ‘’thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự’’ lại có viễn kiến Thầy tiên tri cho rằng Thất Sơn hiểu rộng hơn Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long là ‘’Hoa Địa của Việt Nam’’ nơi tích tụ nhiều địa huyệt hiển linh chỉ chờ ngày khai mở để tới thời ‘’Thượng Ngươn, với phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh’’.
Do đó các thày địa lý họ Mạc đã dựng lên những tấm bia Càn Long trấn ếm nhiều nơi khiến cho anh linh vượng khí của Đồng Bằng Sông Cửu Long không còn nữa, tinh hoa sẽ suy kiệt, ‘’đất sẽ khô cằn’’ không thể nào sinh ra thánh nhân anh hùng được nữa và rồi sẽ trở lại bị lệ thuộc vào Trung Hoa.
Bởi vậy nơi nào mà có bia Càn Long trấn ếm là có thẻ hóa giải của Phật Thầy. Đức Cố Quản Trần Văn Thành là người được giao cho trọng trách đi cắm bốn cây thẻ quanh vùng Thất Sơn. Cho mãi tới bây giờ, nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trên gò đất cuối ngọn rạch Thạnh Mỹ, Vĩnh Thạnh Trung, Tỉnh An Giang vẫn còn ‘’Dinh Ông Thẻ’’ được dân chúng thờ phượng. Và cũng do đó mới còn một nền ‘’Văn Minh Miệt Vườn’’ hưng vượng cho tới ngày nay. Tương truyền rằng từ thời rất xa xưa đã có thày địa lý Tàu tên là Cao Biền biết được nơi lưu vực Sông Hồng có rồng thiêng hỗ trợ cho tộc Việt hưng vượng trên bước đường đi về Phương Nam nên Biền đã tìm cách hãm hại nhưng rồng thiêng đã thoát ra ngoài Biển Đông ẩn mình nơi Vịnh Hạ Long để rồi sau đó lại tiếp tục theo bước đường Nam Tiến của dân Việt.
Riêng ở Phương Nam với lịch sử khai phá chưa đầy 400 năm mà như đã có cả một kho tàng cổ tích với bao nhiêu chuyện kỳ bí bao nhiêu truyền thuyết và huyền thoại tin hay không tin nhưng vẫn có thể rút ra từ đó những ý nghĩa ẩn dụ.
Như truyền thuyết nói về Rắn Thần Naga theo Cao chính là biểu tượng những Khu Rừng Mưa (Rainforest) như những tấm bọt biển khổng lồ, bấy lâu vẫn ngậm cả khối nước sông Mekong trong mùa mưa lũ và phun ra trong mùa khô khiến nông dân không bị lụt và quanh năm bốn mùa luôn có đủ nước gieo trồng.
Thế còn Những tấm bia Càn Long nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long thì sao ? Phải chăng đó là biểu trưng sự khống chế của người Hoa trên một địa bàn được coi là trọng địa của cả nước, trong khi những cây thẻ của Phật Thầy chính là khơi động ý thức hưng chấn giành lại quyền tự chủ bấy lâu đã và đang bị đánh mất.
Phật Thầy đã khuất cách đây hơn một Thế Kỷ với sự nghiệp ảnh hưởng lớn lao như vậy nhưng mộ thầy thì chỉ đơn giản là một vuông cỏ xanh trên một triền đá khuất nẻo. Không còn Phật Thầy nhưng nay vẫn còn các Thầy địa lý ở Thiên An Môn biết Cửu Long là con sông thiêng, Đồng Bằng Sông Cửu Long là trọng địa là mạch sống của Việt Nam nơi mà ‘’Nước đã trở thành đắt giá và càng đắt giá hơn trong tương lai và sẽ trở thành Vàng Xanh của Thế Kỷ 21’’. Trong khi Việt Nam không có khả năng tự vệ, thì với với 8 con đập bậc thềm nơi Thượng Nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã và đang lạnh lùng tranh đoạt nguồn nước để rồi con sông thiêng sẽ bị tát cạn cạn kiệt luôn mạch sống của Vùng Châu Thổ.
Tuy nay không có những tấm thẻ cắm của Phật Thầy trên Vân Nam nhưng vẫn có Những Đứa Con Cửu Long (Nhóm Bạn Cửu Long), theo gương Phật Thầy không ngừng thao thức và tìm mọi cách ngăn chặn cái ngày không còn lũ đổ về, không còn phù sa, Cửu Long Sẽ Cạn Dòng, đất sẽ khô cằn không còn vựa lúa nuôi cả nước, người cũng sẽ kiệt và cả đất nước Việt Nam sẽ rơi vào Trật Tự Nước Trung Hoa (Pax Sinica).
Đến Hà Tiên, Tìm Về Thời Gian Đã Mất
Hà Tiên không chỉ đẹp mà còn rất giàu tính lịch sử. Đến thăm Hà Tiên không thể không nghe nói tới Hà Tiên Thập Vịnh của Mạc Thiên Tích với 10 bài thơ về Hà Tiên viết bằng đủ kiểu chữ ‘’chân, thảo, triện, lệ’’ với cả tranh minh họa. Chỉ tên mỗi bài thơ không thôi đã chan chứa cả tứ thơ: Bình Sơn Màu Biếc (Bình Sơn Điệp Thúy), Chuông Sớm Chùa Núi (Tiêu Tự Hiểu Chung), Hang Núi Nuốt Mây (Thạch Động Thôn Vân), Cánh Cò Châu Nham (Châu Nham Lạc Lộ), Hòn Kim Chắn Sóng (Kim Dữ Lan Đào), Đông Hồ Trăng In (Đông Hồ An Nguyệt), Phố Nam Sóng Lặng (Nam Phố Trừng Ba), Nhàn Câu Sông Lư (Lư Khê Nhàn Điếu), Trống Canh Giang Thành (Giang Thành Dạ Cổ), Thôn Xóm Lộc Trĩ (Lộc Trĩ Thôn Cư).
Tập thơ được khách Thăng Long rất yêu chuộng và đất Hà Tiên từ đó được nhắc đến như một địa danh văn học. Đông Hồ và Mộng Tuyết được coi như thế hệ hậu duệ của truyền thống văn học Hà Tiên sau này.
Cách Rạch Giá 90km về phía Tây, Hà Tiên như là mũi đất của Tỉnh Kiên Giang, ráp ranh với Cam Bốt, với cấu tạo địa chất là những dãy núi đá vôi chạy dài ra tới biển tạo nên nhiều cảnh trí ngoạn mục với những hang động, những hòn (Hòn Phụ Tử, Hòn Chông…) những Đảo (Thổ Châu, Phú Quốc...)
Nhà máy xi măng Hà Tiên hiện đại sau này được xây dựng trên vùng đất đá vôi này. Như một đường chỉ thẳng, con Kinh Vĩnh Tế chảy dài từ Châu Đốc đổ vào sông Giang Thành đem ngọn nước ngọt từ Sông Hậu tưới mát cho Hà Tiên.
Từ bên trong Thị Trấn trên con đường Phương Thành nổi tiếng với hai ngôi chùa cổ. Chùa Tam Bảo có lịch sử cùng thời với đất Hà Tiên có tượng Phật Di Đà đúc từ thời Mạc Cửu khi ông đón mẹ từ Trung Quốc qua và về cư ngụ ở chùa này.
Riêng Chùa Phù Dung được biết tới nhiều hơn với tên Phù Cừ Am Tự thì do Mạc Thiên Tích xây cho nàng Ái Cơ Phù Cừ với một thiên tình sử lãng mạn vẫn còn được truyền tụng tới bây giờ. Phù Dung hay Phù Cừ là tên của một loài hoa sen trắng quý và tỏa ngát hương thơm.
Năm 1730, có một người khách phương xa tên Nguyễn Nghị lánh cảnh giặc dã bên Lào đã dẫn hai con một trai một gái tới đất Hà Tiên. Là người văn học quảng bác, khách được Mạc Cửu phong cho làm gia sư dạy dỗ đứa con trai là Mạc Thiên Tứ. Để con gái ông tên là Phù Cừ cũng được theo học, ông cho con ăn bận như con trai. Khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha trấn đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tích ngoài tài an bang tế thế còn là khách tao mặc văn chương có tài thơ phú lập Tao Đàn Chiêu Anh Các làm nơi quy tụ các văn nhân tới ngâm vịnh, trong số đó có cả Nguyễn Cư Trinh (người dâng kế tàm thực lên Chúa Nguyễn trong công cuộc Nam Tiến) từ Gia Định xuống là một trong những bạn thơ của Mạc Thiên Tích.
Riêng Phù Cừ lúc đó vẫn giả trai, không những giỏi văn thơ mà lại có nét đẹp thanh tú nên Mạc Thiên Tích rất ư là tương đắc. Khi khám phá ra Phù Cừ là gái thì cả một mối tình thơ mộng diễn ra trong nhiều năm giữa đôi trai tài gái sắc. Mạc Thiên Tích sau đó cưới nàng làm ái thiếp. Bị vợ chánh ghen mưu nhốt Phù Cừ vào lu nước mưa úp lại cho chết nhưng may gặp lúc trời mưa Mạc Thiên Tích kịp mở nắp ra và cứu sống nàng. Chán cảnh đời phù du, Phù Cừ xin chồng cho được đi tu trong ngôi chùa này. Tháp chùa được xây cao để sau này vẫn có thể vọng thấy từ mộ chí Mạc Thiên Tích kế bên mộ cha trên Núi Lăng.
‘’Nàng Ai Cơ trong chậu úp’’ (1961) truyện ngắn nổi tiếng của Nữ Sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội lấy cảm hứng từ thiên tình sử đầy chất lãng mạn này.
Đi về hướng Bắc 3km tới Thạch Động, đó là một khối đá cao tới 90m có hang rộng có chùa cổ, có đường xuống đất có cửa lên trời có ánh mặt trời chiếu sáng và tiếng gió thổi cuộn vào trong động như tiếng sáo nhạc vi vu nơi mà Mạc Thiên Tích đã làm bài thơ Thạch Động Nuốt Mây.
Giữa cảnh thơ mộng ấy khách tham quan bỗng phải khựng lại khi đứng trước tấm Bia Căm Thù mà Cao nghĩ rằng lẽ ra nên gọi là Mộ Bia Thương Tiếc, ghi lại cuộc thảm sát 130 thường dân Việt của quân Khmer Đỏ vào tháng 3 năm 1978. Đây không phải trường hợp riêng lẻ. Không xa nơi đầu mút con Kinh Vĩnh Tế về phía Bắc Châu Đốc, giữa Mùa Thù Hận ấy khoảng giữa hai Chùa Phi Lai và Tam Bảo là một Cánh Đồng Chết nơi làng Ba Chúc, quân Khmer Đỏ hung dữ như một đoàn âm binh trang bị vũ khí tới răng, sau khi vượt qua biên giới xông vào các nhà các chùa các hang động nơi có người Việt ẩn núp bắt ra tàn sát tổng cộng 3157 người phần lớn là người già đàn bà và trẻ em với đủ kiểu giết chóc. Và cũng khoảng thời gian đó, cư dân Đảo Thổ Chu phía Tây-Nam Đảo Phú Quốc, cũng bị quân Pol Pot tàn sát, trong số nạn nhân có người cháu ruột thịt của ông Khắc cũng là bạn thân thiết của Cao thời sinh viên lúc đó đang là một nữ tu.
Chỉ nói tới âm binh, đội quân Pol Pot mà quên nhắc tên phù thủy theo ông Khắc là một thiếu sót. Cao hiểu rằng ông muốn nói tới người điều khiển từ xa (remote control) từ Trung Quốc.
Đường chỉ đỏ ranh giới giữa Việt Nam và Cam Bốt trong hơn ba Thế Kỷ đã luôn luôn bị nhuốm máu, máu của những người dân hiền lành vô tội, nạn nhân của mối thù hận lịch sử.
Một thoáng rùng mình trong cái lạnh của hang động, cả lẩn khuất đâu đây mùi tử khí. Cao ngửa mặt nhìn lên trời cao vẫn cứ thăm thẳm một màu xanh như ngọc thạch với thản nhiên trôi đi những đám mây trắng ngà. Phải chăng mọi tấn thảm kịch do con người tự gây ra ở đâu và bao giờ cũng là quá nhỏ đến vô nghĩa để thiên nhiên vẫn cứ đẹp một cách thật vô tình.
Từ Thạch Động, khách có thể ngắm cảnh núi đồi trùng điệp trải dài sang bên kia biên giới. Nơi có núi Châu Nham cũng với nhiều hang động sâu, có động Thạch Sanh với chuyện cổ tích Khmer Thạch Sanh chém đầu trăn, với cây đàn thạch nhũ, gợi tứ cho bài Cánh cò sa Châu Nham.
Đông Hồ là cửa sông Giang Thành, bên phải có núi Ngũ Hổ, bên trái là dãy Tô Châu. Cảnh đẹp thanh thoát nhưng phải tới đây vào đêm trăng rằm để thấy cảnh Trăng In Mặt Nước cũng của Mạc Thiên Tích.
Tới Mũi Nai cách Hà Tiên 4km, với bãi cát trắng với biển thật xanh và những con sóng lành. Đây chính là cảnh vịnh trong bài thơ Cảnh thôn Lộc Trĩ.
Nam Phố cách Hà Tiên 10km hướng Đông-Nam trên đường đi Rạch Giá, có Đảo núi đẹp bãi tắm quanh năm im sóng. Là cảnh của bài thơ Nam Phố sóng lặng.
Đến thăm Hà Tiên rồi khách tham quan không thể không tâm đắc với Thi Sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác khi viết về Hà Tiên quê hương mình: ‘’Ở đó kỳ thú thay, như hầu đủ hết. Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơ môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn Cửa Tùng, có một ít Nha Trang Long Hải.’’ Nhưng cũng để rồi sau khi rời đất Hà Tiên, một hòn non bộ bên Đại Vực (Grand Canyon), để thấy một Hà Tiên hiện tại đã nhạt nhòa không sao đuổi kịp được quá khứ.
Nơi Paris Không Có Mùa Đông.
Ngay sau Hòa ước Giáp Tuất 1874 nhượng đứt 6 Tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, người Pháp tích cực đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa qua Cộng Đồng người Hoa được đánh giá cao qua đức tính cần cù chịu khó chữ tín và cả khiếu làm ăn buôn bán. Người Pháp cho mở tại Sài Gòn một văn phòng di dân có tên là ‘’Sở Tân Đáo’’ chuyên lo thủ tục nhập cảnh cho các Hoa Kiều muốn vào Việt Nam mà miền Nam vẫn là vùng đất hấp dẫn nhất. Họ là những di dân kinh tế những kẻ cơ hội, tới từng đợt liên tục từ Thế Kỷ 18 tới giữa Thế Kỷ 20. Dù tới trễ họ vẫn dễ dàng khởi đầu cuộc sống mới bằng cách tìm tới những đồng Bang Hội đã lập nghiệp trước và được tận tình giúp đỡ. Tới trước hoặc sau, người Hoa nói chung rất tương trợ đoàn kết. Người Hoa ở Việt Nam ngay cả sống nơi vùng đất đai phì nhiêu là Đồng Bằng Sông Cửu Long, ít ai chịu chọn nghề làm ruộng vất vả, kể cả giàu tiền họ cũng không ham làm điền chủ để phải đối đầu với đám tá điền nghèo quanh năm lam lũ chỉ mang tiếng bóc lột.
Họ đã khôn ngoan chọn nghề buôn bán ít cực nhọc mà lại hưởng lợi nhiều, nhỏ thì từ những cửa hàng chạp phô kiêm tiệm thuốc bắc mọc lên nơi nào có khói bếp, nghĩa là khắp hang cùng ngõ ngách, lớn hơn là lập nhà máy xay lúa cùng với các trạm thu mua lúa gạo cây trái và liên kết với nhau qua các Bang Hội đi tới độc quyền chi phối cả nền kinh tế của toàn Vùng Đồng Bằng Châu Thổ.
Với thời gian, thế lực người Hoa ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tới giữa Thế Kỷ 19 (1841) một Đại Bang được thành lập ở Sài Gòn lấy tên là Hoa Phủ Công Sứ, gồm các Bang người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nàm. (Riêng người Minh Hương không được kể là người Hoa thực sự). Đại Bang này không những là cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp nội bộ giữa những người Hoa với nhau mà còn có cả quyền hạn rất lớn về chánh trị và kinh tế, quyền cấp thẻ cư trú, quyền ấn định giá gạo trên thị trường.
Trong suốt thời Pháp thuộc (1884-1945), vì quyền lợi khai thác và cả lý do an ninh thuộc địa, lại thêm áp lực từ nước lớn Trung Quốc, Cộng Đồng người Hoa ở Việt Nam được hưởng nhiều quy chế ưu đãi nhất: Hoa kiều đến từ Singapore được lập Bang riêng (Clan Singapore), Hoa kiều mang quốc tịch Anh có câu lạc bộ riêng, Chợ Lớn có riêng Hội Đồng Quản Hạt như một chánh phủ trong chánh phủ với quyền quản lý kiều dân, hối đoái, định giá lúa gạo và mức xuất nhập cảng... Đổi lại Trung Hoa cho Pháp quyền truy lùng và dẫn độ những nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động chống Pháp tại Hoa Lục.
Chợ Lớn hay Đại Thị, tên do Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đặt, ban đầu thưa thớt thời Francis Garnier 24 tuổi còn làm Đô Trưởng trước khi cùng với Doudart de Lagrée lập đoàn thám hiểm Pháp ngược dòng sông Mekong (1866-1868) để tìm một thủy lộ giao thương với Trung Hoa.
Sau đó với thời gian, Chợ Lớn trở thành nơi thị tứ đông người Hoa nhất, là trung tâm thương nghiệp và công nghiệp cung cấp hầu như toàn bộ nhu cầu dân chúng miền Nam; họ hầu như có độc quyền tín dụng đối với giới nông dân người Việt.
Nơi Đồng bằng Sông Cửu Long, ngay từ đầu người Hoa sống tập trung thành từng cụm ở các Thị Trấn xen kẽ với người Việt và người Khmer. Đông nhất vẫn là hai nhóm người Tiều và người Quảng.
Do nhu cầu giao thương, những người Hoa này nói được cả tiếng Việt và tiếng Khmer.
Họ giữ mối quan hệ chặt chẽ với giới người Hoa ở Chợ Lớn rất sớm, qua con Kinh Tàu Hủ từ 1819 đã là đường thủy vận huyết mạch nối liền Chợ Lớn với toàn mạng lưới sông rạch của Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Người Hoa chỉ chiếm khoảng 2% toàn dân số Việt Nam qua khả năng doanh thương là ưu điểm của họ, nhưng còn phải kể tới cả những thủ đoạn tranh thương bất chính qua đầu cơ tích trữ phá giá thị trường, tham nhũng hủ hóa mọi giới cầm quyền kể cả dưới chế độ Cộng sản, họ cấu kết với những tay tài phiệt quốc tế Vùng Đông Nam Á đi tới nắm độc quyền về kinh tế khống chế toàn mạng lưới thương nghiệp, từ buôn sỉ bán lẻ nông sản tới sản phẩm công nghiệp, sang tới các dịch vụ tài chánh và chuyên chở. Đề Ngạn tên gọi Chợ Lớn của người Hoa nghiễm nhiên trở thành một khâu quan trọng trên trục kinh tế Đài Loan Hongkong Singapore mà theo thuật ngữ báo chí bây giờ gọi đó là Khối Kinh Tế Đại Hán CEA (Chinese Economic Area).
Lửa Cách Mạng Tân Hợi từ Nam Kỳ.
Nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Văn trong thời kỳ bôn ba, đã từng ba lần tới Việt nam. Qua các tổ chức Trung Hưng Hội như những chi bộ hải ngoại của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Tôn Văn đã hết sức thành công trong cuộc vận động các Cộng Đồng người Hoa ở Nam Kỳ góp công góp của cho cuộc vận động Cách Mạng Dân Quyền đang diễn ra ở Hoa Lục.
Trong một cuộc họp với các đồng hương ở Chợ Lớn, Tôn Văn đưa ra nhận định tình hình đã chín mùi cho cuộc cách mạng lật đổ triều đình Mãn Thanh và ngay sau đó ông đã nhận được sự đóng hết sức lớn lao của mọi tầng lớp người Hoa. Đi tới đâu ông cũng tìm cách tiếp xúc với các Bang Hội, hóa giải những bất đồng giữa họ và kích động niềm tự hào Hán tộc để họ luôn luôn hướng về đất mẹ Trung Quốc vốn tự ngàn xưa đã là trung tâm của thiên hạ, ‘’đồng thời khuyên nhủ họ vẫn mãi là người Hoa không để bị đồng hóa với người bản xứ’’
Sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi 10.10.1911, Tôn Văn được suy tôn như Quốc Phụ của cả nước Trung Hoa. Đúng như ước vọng của ông, Cộng Đồng người Hoa ở hải ngoại cho dù ở đâu và bao giờ cũng vẫn luôn luôn là bộ phận gắn bó với nước mẹ nó theo ngôn từ của phóng viên tuần báo Viễn Đông Kinh Tế thì họ đã và đang là ‘’những cánh tay vươn dài của Trật Tự Trung Hoa (Pax Sinica)’’ cả Lục Địa lẫn Hải Đảo.
Dưới thời đô hộ Anh, Kyaw Nyein đã mô tả đất nước Miến Điện như mội Xã Hội Hình Tháp (Social Pyramid) với dưới đáy là bao nhiêu triệu người Miến Điện nghèo khổ ngu dốt và bị bóc lột và trên đỉnh là một thiểu số người ngoại quốc Anh, Hoa, Ấn...
Riêng Việt Nam, cho dù đã bước qua Thế Kỷ 21, trải qua bao nhiêu cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, thì vẫn cứ mãi là cấu trúc Xã Hội Hình Thái dưới đáy là những người dân bản xứ nghèo khổ ít học bị khai thác làm thuê làm mướn ăn nhờ ở đậu ngay trên chính quê hương mình, trên chóp đỉnh thường trực vẫn là những khách trú thiểu số người Hoa, chỉ có đổi thay nhưng luôn luôn gắn bó hữu cơ với họ là giai cấp thống trị sau những Ông Tây Thuộc Địa, những Ông Tướng Cộng Hòa thì nay đến lượt những Ông Tư Bản Đỏ vẫn rất được tin cậy qua cả những hợp đồng dài hạn tới 50 năm trong những dịch vụ làm ăn bề vững. Giai thoại Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói chuyện với ký giả Milton Osborne khi tới thăm Hà Nội vào đầu thập niên 80 về ý định nhà nước sẽ phá vỡ độc quyền thương mại của người Hoa ở miền Nam nhưng thực tế 20 năm sau thì hoàn toàn ngược lại, người Hoa được chính người cộng sản Việt Nam tiếp thêm sức mạnh và ông Thạch thì nay cũng đã chết.
Bằng đôi mắt chim để thấy suốt dọc hai bên bờ con sông Mekong hùng vĩ dài hơn 4200km ấy, là cả một quần thể người Hoa phồn vinh và sung mãn, nếu ví von, nói theo ngôn từ y học của Bác Sĩ Duy, thì đó là những tảng mỡ có thể làm nghẽn mạch mà phẫu thuật (surgical resection) thì bao giờ cũng đau đớn, nhưng qua sự hội nhập và chuyển hóa lành mạnh thì đó lại là những hạt mỡ tốt HDL thông mạch, không bởi viên thuốc tan mỡ kỳ diệu nào mà do bởi sự thăng hoa môi trường từ ‘’Toàn Trị’’ sang ‘’Dân Chủ’’. 
CHƯƠNG XVII 
NỤ CƯỜI KHMER VÀ HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG MEKONG
 
It takes a great deal of history to produce a little literature
Henry James (Hawthorne, 1879)
Sắp tới Phi Trường Quốc Tế Pochentong, theo trạm không lưu vì lý do kỹ thuật phi công chưa được phép đáp. Chiếc máy bay lại nghiêng cánh đảo một vòng lớn, bay qua Biển Hồ với bao nhiêu hình ảnh ví von khi thì giống như một thùng đàn vĩ cầm khi thì giống như túi diều khổng lồ của loài nhai lại với con sông Tonlé Sap đổi dòng qua hai mùa khô lũ nhưng bây giờ thì cái Biển Hồ nước ngọt lớn nhất Châu Á ấy hiện ra nguyên hình là con số 8 chiếc còng cùm chân giam hãm hơn một nửa triệu người Việt từ bao năm sống yên trên vựa cá và lúa ấy.
Qua ô kính loáng loáng ánh nắng, con sông Mekong trải ra như một dải lụa đào, cả Quatre Bras tiếng Miên gọi là Chamean Mon, nơi tụ lại của 4 dòng sông cũng hiện ra rồi mau chóng biến mất để chỉ còn lại cái nhìn mắt chim của một Thủ Đô Nam Vang với những đỉnh chùa tháp và điện đài hoàng cung như trên tấm carte postale trước khi máy bay đáp xuống một phi đạo trống trải.
Cánh cửa máy bay vừa mở ra là bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Một Phi Trường Nam Vang vắng lặng và xám ngắt. Chỉ có nghi thức ngoại giao tối thiểu. Vài lời chào đón và bắt tay xã giao, một phút đứng chụp hình bên những nụ cười Khmer lạnh lẽo. Chỉ thấy chông gai mênh mông ở phía trước.
Cùng với đám nhà báo, ông Khắc theo chân phái đoàn Ngoại Giao cao cấp từ Sài Gòn sang Nam Vang để bàn về việc tái lập mối quan hệ bang giao bị gián đoạn từ 63 thời Sihanouk, đồng thời cũng để công khai lên tiếng yêu cầu chính phủ Cam Bốt ‘’phải bảo vệ sinh mạng và tài sản’’ cho thiểu số Việt Kiều đang bị khủng bố trên đất Cam Bốt.
Vẫn những tháng năm soi bóng bên dòng sông Mekong, con sông lịch sử, con sông thời gian và cũng là con sông cuối cùng ấy, trong khoảng hơn 300 năm, lịch sử bang giao Việt Nam Cam Bốt là một tích lũy thù hận, luôn luôn là những bước thăng trầm, đầy bạo động và những thảm kịch tái diễn. Những người Việt di dân, từng đợt khác nhau tới Cam Bốt, sống quần tụ hay rải rác thì thảm họa cáp duồn vẫn luôn luôn là lưỡi gươm Damoclès treo trên đầu trên cổ họ. Không kể những vụ chém giết thanh toán lẻ tẻ thì rất sớm từ đầu Thế Kỷ 18 theo ký giả Lê Hương, những đợt cáp duồn người Việt đều được ghi lại trong Niên Giám Hoàng Gia Cam Bốt.
1730: Một nhóm Khmer ở vùng Banam gần Lào nổi dậy tàn sát tất cả người Việt khiến Chúa Nguyễn phải gửi quân sang giải cứu. 1769: Nhóm Khmer khác từ đất liền đi thuyền ra đánh cướp Đảo Thổ Châu, phá nhà của Giám Mục Bá Đa Lộc, lùng giết các con chiên và chủng sinh người Việt. 1778: Toán người Khmer khác tràn qua biên giới sang Hà Tiên phá Nhà Thờ Pinha-Leu hãm hiếp các bà phước và giết chủng sinh người Việt.
1818: Nhóm người Khmer cuồng tín trong Tỉnh Baphom nổi dậy tàn sát người Việt. Vua Khmer lúc đó là Ang Nom II cũng rất thù ghét người Việt và có dự định giết tất cả Việt Kiều sống trên lãnh thổ Cam Bốt. 1834: Tướng Trương Minh Giảng đổi tên đất Cam Bốt là Trấn Tây Thành, bảo hộ với hai bàn tay sắt, độc tài chuyên quyết càng gây thêm nỗi thù oán, khiến Vua Khmer phải cầu cứu quân Xiêm La và Việt Nam phải rút về sau đó.
1863: Pháp bảo hộ Đông Dương với chính sách chia để trị gây thêm mâu thuẫn Việt Cam Bốt.
1945: Cáp duồn không chỉ xảy ra ở lãnh thổ Cam Bốt như ở Preyveng, Takeo, Svayrieng... mà còn lan rộng sang các Tỉnh miền Tây Đồng Bằng Sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trang, Châu Đốc dọc theo bờ Sông Tiền. Những người Khmer họ kéo theo từng đoàn với dao phảng và gậy gộc đi vào các ấp xa xôi tìm cho được người Việt để giết rồi cướp của đốt nhà. Người sống sót chạy thoát thì chỉ còn 2 bàn tay trắng.
1970. Lon Nol liên kết với Sirik Matak theo Mỹ đảo chánh Sihanouk. Khác với Sirik Matak dòng vương tôn, Lon Nol xuất thân giới bình dân không nhiều tài năng nhưng lại đầy tham vọng, leo lên đỉnh quyền lực qua ngả binh nghiệp và những năm tháng trung thành với Ông Hoàng Sihanouk trước khi trở mặt phản trắc.
Tự nhận là người Khmer thuần chủng (pure Khmer), rất hãnh diện về nước da đặc biệt ngăm đen khác hẳn với bọn Việt, Lon Nol rất thích được lính tráng thuộc cấp gọi là ‘’Bố Đen’’và không dấu tham vọng qua việc trưng dụng một tòa lâu đài cũ từ thời bảo hộ Pháp thời kỳ mà Francis Garnier cách đây hơn 100 năm thì muốn gọi đó là sứ mệnh khai hóa (mission civilisatrice) của nước Pháp đối với Đông Dương để sáng lập ra Học Viện Khmer-Môn nhằm phục sinh nền văn minh Angkor Khmer một thời huy hoàng nhưng lại mang đầy thương tích vì bọn Thmils ngoại bang phản bội.
Tự đưa ra huyền thoại về con cá sấu trắng, vật thần thoại của dân tộc Khmer, xuất hiện trên khúc sông Mekong gần Nam Vang, lại được thêm Phó Tổng thống Mỹ Spiro Agnew tặng cho một con voi trắng biểu tượng cho vật linh, Lon Nol tự cho là được Trời Phật giao sứ mạng lãnh đạo nước Cam Bốt, thay vì hướng về tương lai, Lon Nol bám vào quá khứ, trở về với những Đền Đài, tìm lại những sấm ký viết trên lá thốt nốt để đánh thức thần thánh phải trở dậy. Với ảo tưởng ngông cuồng về sự vĩ đại ấy mà một nhà báo Pháp gọi đó là ‘’mégalomanie-folie des grandeurs’’, để làm lại lịch sử, chánh quyền mới Nam Vang chỉ có khí giới võ trang là tinh thần bài ngoại thể hiện bằng cuộc thánh chiến chống Việt Nam.
Chưa đầy một tháng sau khi nắm hết quyền bính, đầu tháng 4, 1970 Lon Nol ra lệnh cho quân đội khẩn trương lập các trại tập trung trên toàn quốc để giam giữ tất cả người Việt.
Nam Vang như đang lên cơn sốt không phải vì Thủ Đô ngày càng bị cô lập vây hãm do tình hình chiến sự trên khắp chiến trường Đông Dương ngày càng tồi tệ, mà là do chiến dịch công khai ‘’bài Việt’’ mới được phát động.
Điều nghịch lý là trong khi Cam Bốt ngày càng phụ thuộc vào quân đội miền Nam Việt Nam, cả việc phải gửi các tân sĩ quan sang huấn luyện ở Việt Nam, như từ bao giờ, không sao có hòa khí giữa những đồng minh bất đắc dĩ ấy. Họ đem từ Việt Nam về những câu chuyện tồi tệ về kỳ thị, thật hay không thật, nhưng chỉ tăng thêm sự giận dữ của chánh quyền Nam Vang, cộng thêm với các bài báo nói về những đám lính Việt cộng sản hay không, thì vẫn hành xử như đoàn quân viễn chinh không kể gì tới cảm xúc của người dân Khmer khi mà họ vẫn chưa quên được nỗi chua chát đắng cay trong quá khứ.
Trước đó từ Sài Gòn, nơi Văn Phòng Hãng Thông Tấn AFP, ông Khắc đã được thấy trên trang nhất các báo phát hành ở Nam Vang kể cả tờ Le Courier Phnompenois luôn luôn cho chạy các khẩu hiệu bài Việt rất quá khích: ‘’Việt cộng là kẻ thù và Người Việt là kẻ thù truyền kiếp của nhân dân Cam Bốt’’.
Đó cũng là chủ đề được tận tình khai thác ròng rã trên Đài Phát Thanh Nam Vang bắt nghe được từ Sài Gòn. Người ta đang cố tình xóa nhòa ranh giới phân biệt giữa việt cộng và những Việt kiều hiền lành đang sống an phận ở Cam Bốt. Cao điểm của phong trào bài Việt phải kể là từ khi có cuộc meeting khổng lồ tại Olympic Stadium ngay giữa Thủ Đô Nam Vang. Giữa tiếng nhạc hùng xông trận và cả những tiếng phèng la chói chang là luân phiên các bài diễn văn xách động nhắc lại những trang sử đấu tranh sống còn của dân tộc Khmer chống lại các cuộc xâm lăng chiếm đất và đô hộ hà khắc của bọn rợ Bắc hay Yuon tức là người Việt, điều đáng lưu ý là Thái Lan không hề bị đả động tới. Và tựu chung tất cả cùng đi tới kết luận là bao nhiêu tang thương bất ổn của đất nước Cam Bốt hiện nay đều do bọn Việt Kiều gây ra cả thời bình thì gian thương bóc lột trong thời chiến thì là hang ổ bao che cho việt cộng xâm nhập vào đất Miên.
Tiếp theo câu hỏi phải làm gì để cứu đất nước Cam Bốt và bảo tồn nền văn minh Angkor Khmer một thời huy hoàng. Câu trả lời muôn người như một là ‘’giết! giết!’’ phải truy lùng thanh toán hết bọn Yuon tức người Việt.
Cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau đó được mệnh danh là cuộc ‘’Diễn Hành Toàn Quốc Đồng Tâm’’ với tham dự của Tướng Lon Nol, Hoàng Thân Sirik Matak, Long Boret và toàn thể nội các. Cả một rừng người bừng bừng khí thế, ít súng đạn nhưng lại dư thừa giáo mác dao búa Xiêmn và gậy gộc và cả hừng hực lửa căm thù. Và cái gì phải đến đã đến. Ngay giữa Thủ Đô Nam Vang đồng loạt xuất hiện trên các bức tường là những khẩu hiệu bài Việt không chỉ bằng tiếng Khmer mà còn có cả tiếng Pháp tiếng Anh. Họ muốn công khai với thế giới. We must kill all Viets in Cambodia. Và cả những bích chương vẽ hình các quan lại triều đình Việt Nam xưa mặt dữ dằn tay ôm cô gái Miên và hai chân đạp lên trên những chồng đầu lâu của người Cam Bốt. The worst is over (Điều tệ hại nhất đã qua rồi). Trên khắp đường phố họ nói với nhau như thế.
Bước vào hành động, khởi đầu là kế hoạch khai quang cho Nam Vang. Trước sự chứng kiến của các nhà báo Tây Phương, Cảnh Sát và các toán lính Khmer nhiều tên mới được tuyển mộ qua đêm còn trẻ măng, trang bị thì không giống ai, súng AK chế tạo ở Trung Quốc bên cạnh khẩu M-16 của Mỹ cả những cây súng carbine cũ từ thời Pháp, nhưng họ giống nhau ở chỗ cổ người nào cũng đeo bùa và cả tượng Phật, như bộ áo giáp vô hình thiêng liêng bảo vệ họ trước làn tên mũi đạn.
Lon Nol đang xây dựng một đạo quân thay vì phải qua đoạn đường chiến binh đổ mồ hôi nơi quân trường thì lại tin vào sức mạnh siêu nhiên phù thủy. Niềm tin bán khai ấy đem rao giảng đã lôi kéo rất nhiều nông dân kể cả những người Việt gốc Khmer, Khmer Krom (thuộc Kampuchea Krom-Mặt Trận Giải Phóng Đồng Bằng Sông Cửu Long) từ Việt Nam ồ ạt trở về. Và cuộc thánh chiến bắt đầu bằng mặt trận Tonlé Sap, thắng lợi chắc chắn nhưng yên tĩnh vì vắng bóng hỏa lực đối phương. Đám lính Cộng Hòa Lon Nol được mấy chiếc xe nhà binh Molotova cũ của Liên Xô và cả xe vận tải dân sự Coca Cola chở tới bờ sông Tonlé Sap ngay sát Thủ Đô, họ chia thành toán đi tới từng căn nhà nổi của các gia đình bạn biển người Việt, vốn đã sống nghèo nàn nhưng yên ổn ở đó từ bao thế hệ. Họ hăng say chặt giây giật sập từng căn nhà. Họ cười hả hê, những nụ cười Khmer vô cảm lạnh tanh và cả nhuốm vẻ ngây dại. Những căn nhà ọp ẹp ấy khi vừa đổ xuống thì chỉ còn là những mảnh gỗ ván cũ mục cùng với đồ gia dụng bằng nhựa cứ thế mà cuốn trôi theo dòng.
Địa chỉ mới của các gia đình nạn nhân sẽ là các khu nhà giam tập trung. Lý do giải thích từ miệng viên Tư Lệnh Cảnh Sát, cũng là người em của Lon Nol, thật giản dị là phải dẹp sạch những hang ổ việt cộng ấy để bảo vệ cho Thủ Đô Nam Vang.
Tiếp đó, còn kinh hoàng hơn cả cái chết tức khắc, người ta bắt đầu chứng kiến ngay giữa đường phố Nam Vang, những cảnh man rợ bộ lạc diễn ra. Nơi này, dăm ba đàn ông Việt đi riêng lẻ bị đám đông người Khmer xúm lại hành hung đến ngã quỵ, nếu cố bỏ chạy thì bị hô hoán là việt cộng và rồi cũng bị các toán người Khmer khác rượt đánh cho tới chết. Nơi góc phố khác, là cảnh một lũ thanh niên Khmer cười hô hố khi lột truồng được cô thiếu nữ Việt đem bêu khắp phố rồi đem đi hãm hiếp tập thể trước khi giết.
Đã có lệnh giới nghiêm áp dụng riêng cho người Việt từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau. Nam Vang ban đêm như trở lại thời kỳ Trung Cổ, không đèn đường hoang vắng chỉ có những bầy chuột đói dạn dĩ ma quái sẵn sàng nhào ra cắn vào chân người đi đường.
Nhưng ngay cả giữa ban ngày cũng ít ai dám bước ra khỏi cửa để rước lấy cái chết. Vậy mà ở một số khu họ cũng không tránh được bị các toán lính Khmer lôi ra khỏi nhà cả đàn bà trẻ con, riêng đàn ông thì bị dẫn đi giữa tiếng la khóc van lậy của vợ con họ. Và dĩ nhiên không một người nào trở về.
Trừ một số rất ít gia đình người Việt thật khá giả sống trong những khu sang trọng thượng lưu với biệt thự kín cổng cao tường thì chưa bị đụng tới như Bác Sĩ Henri Nhiều bạn ông Khắc, nhưng họ cũng rất thức thời để biết rằng sẽ tới cái ngày không thể tránh nên họ đang tung hết tiền và vàng ra hối lộ các viên chức cao cấp Cam Bốt sao cho có được những tấm giấy thông hành đi bất cứ đâu miễn là được thoát ra khỏi xứ sở oan nghiệt phản bội và đầy chết chóc này.
Kamm một nhà báo Mỹ gốc Do Thái, chứng kiến cảnh tượng thiểu số người Việt bị truy lùng và sát hại đã không thể không nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu với những đợt pogrom mà gia đình anh đã trải qua dưới thời Đức Quốc Xã khi Hitler lên nắm quyền.
Lon Nol, Sirik Marak thì muốn rầm rộ quảng cáo với thế giới về một đất nước Cam Bốt đang hồi sinh nhưng ông Khắc thì lại thấy rất khác, giữa rất nhiều giận dữ và tiếng động ông thấy xứ Chùa Tháp như đang lạc đường lịch sử đi vào bất trắc, vật vã trong cơn hấp hối, và đang chết dần. Pour certains le Cambodge renait, d’autres le voient mourir. Trong số những người khác đó có ông Khắc.
Những ngày tiếp theo sau cuộc biểu tình tuần hành, kết quả nhãn tiền là nơi bến phà phía nam Thủ Đô Nam Vang người ta bắt đầu thấy nổi dềnh lên những xác chết với y phục thường dân trên suốt dọc một khúc sông Mekong: Xác nằm úp, xác nằm ngửa, xác không đầu, cả chùm xác bốn hoặc năm người bị cột tay cột chân vào với nhau bằng lạt tre sắc hay cả dây thép. Một Linh Mục người Pháp nói trong nước mắt với đám nhà báo: Chỉ hai ngày nay thôi tôi đã đếm được con số lên tới cả ngàn, có bao nhiêu là con chiên của tôi trong đó kể cả các chủng sinh thì cũng không làm sao mà biết được.
Giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, phái đoàn Sài Gòn và cả các nhà báo được mời tham dự buổi trình diễn Vũ Điệu Cổ Truyền của Cam Bốt tại Học Viện KhmerMon mà lẽ ra ông Khắc rất thích. Nhưng quả là không phải lúc khi mà tin tức từ các nơi đổ về toàn là những thảm cảnh cho những Cộng Đồng thiểu số người Việt, và đường lộ thì mất an ninh và cũng là cái cớ cấm nhà báo không được ra khỏi Nam Vang. Trong một thính phòng lớn, chỉ có những chiếc quạt trần quay những vòng chậm không đủ sức khuấy động bầu không khí nóng hực và cả như đặc quánh của thứ khí hậu Á Châu Gió Mùa.
Tấm phông lớn làm nền cho sân khấu là cảnh đổ nát huy hoàng của Khu Đền Đài Angkor giữa một rừng cây với những khối đá vô tri. Và nhóm vũ công là đám trẻ gái Khmer điêu luyện trong một vũ điệu uốn lượn nhịp nhàng và thật mềm mại từ cổ tay cổ chân uốn cong theo các ngón nhưng sao lại vô hồn.
La culture Cambodgienne est finie. Bác Sĩ Henri Nhiều ngồi cạnh quay sang nói với ông Khắc như vậy. Nghệ thuật có còn chút giá trị hay ý nghĩa nào không trong giai đoạn chuyển mình lịch sử và giữa cảnh sống hỗn mang này. Với người dân Khmer lầm than, thì tên Angkor như một phép mầu, là cây cao bóng cả cho họ trú mát, giúp họ hy vọng tìm lại được những thiên đường đã mất.
Đang giữa buổi trình diễn điện phụt tắt, một entracte bất đắc dĩ. Trong thứ tranh tối tranh sáng, không khí như đặc thêm và oi nồng. Nam Vang thời gian gần đây luôn luôn bị tắt điện vì thiếu nhiên liệu nhưng ngoài chợ đen thì dư thừa. Cam Bốt từ thời Sihanouk đã tham nhũng, nhưng còn tệ hai hơn khi chuyển sang chánh quyền Lon Nol From bad to worse! Một cô ký giả Mỹ đã mỉa mai nói như vậy.
Đó phải chăng cũng là một khía cạnh văn hóa khác của con sông Mekong. Trong khi người ta đang cố khởi động chiếc máy phát điện Honda chạy săng. Ông Khắc và Bác Sĩ Nhiều bỏ ra về trước.
Đối với ông Khắc nhà báo thì Bác Sĩ Nhiều. người bạn cũ bấy nhiêu năm của tuổi thanh xuân ở Hà Nội, có một trang tiểu sử khá hấp dẫn. Người gốc miệt Hậu Giang, hậu duệ của các thế hệ tiên phong Nam Tiến, tổ đình vốn là quan to Triều Đình Huế. Mà theo Nhiều thì ‘’chắc tại Kinh Đô Huế ổng phạm tội chọc ghẹo mấy bà Cung Phi sao đó nên bị Nhà Vua nổi giận mà đầy tuốt vô trong Nam, vậy mà ổng cũng trở thành Khai Quốc Công Thần sau đó!’’ Diễu cợt thì như vậy nhưng không phải Nhiều không hãnh diện về cái gốc cái ngọn ấy, bởi vì cứ mỗi lần công tử Henri Nhiều về thăm quê tuổi tuy còn ít nhưng khi nào cũng được sắp cho ngồi nơi chiếu trên chiếu giữa với mấy vị trưởng lão chứ ít sao.
Được học Chasseloup-Laubat cùng thời với Sihanouk, sau đó ra Hà Nội học Y Khoa rồi đi Pháp, làm interne des hôpitaux de Paris chuyên về nội khoa và các bệnh nhiệt đới. Sau một chuyến viếng thăm Angkor, Henri Nhiều quyết định ở lại Nam Vang hành nghề thay vì trở về Sài Gòn. Ông rất được mọi giới trọng vọng kể cả người Pháp và cũng rất ư thân thuộc với Hoàng Gia Miên.
Nhiều là điển hình cho mẫu trí thức bách khoa được đào tạo ở Âu Châu. Không chỉ giỏi về chuyên môn y khoa, ông uyên bác về mọi phương diện. Nhiều đã từng được so sánh như một cuốn Tự Điển sống. Ông có thể say sưa nói về Angkor như một chuyên viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ.
Sống trên xứ Chùa Tháp nhiều năm nên rất am hiểu tình hình, chỉ trong ít phút bằng thứ tiếng Pháp từ Paris, ông không chỉ vẽ ra một hoạt cảnh chánh trị của Cam Bốt (topopolitique sur le Cambodge), mà cả phân tích được động lực sâu xa của các diễn tiến phức tạp ở đây. Khi được hỏi nghĩ sao về người dân Khmer nói chung, Bác Sĩ Nhiều nói với ông Khắc:
- Họ mặc cảm ngay cả trong cảnh nô lệ: cùng bị Pháp đô hộ, trong khi bọn Việt được người Pháp đánh giá là cần cù chịu khó thì riêng bọn Miên, Lào thì bị chê là kém thông minh và lười biếng...
Đó cũng là lý do công cụ bộ máy cai trị kìm kẹp của thực dân Pháp ở cả ba xứ Đông Dương đa số là người Việt.
Nhiều nói tiếp nhưng ở lần này với nhãn quan của một nhà phân tâm học theo Freud:
Lẽ ra dân tộc Khmer và cả đất nước Cam Bốt sẽ dễ dàng sống hạnh phúc hơn và họ không đáng phải chịu cái đau của mặc cảm hiện tại nhỏ nhoi như vậy nếu không có cái quá khứ choáng ngợp của nền văn minh Angkor.
Bác Sĩ Nhiều tiếp:
- Như Alfred Adler nhà tâm lý học Áo đã phát biểu: ‘’Khi mà mặc cảm tự ty càng lớn thì nhu cầu chinh phục càng mạnh và sự khuấy động càng thêm khốc liệt.’’
Lon Nol là tiêu biểu cho người Khmer, với cái vẻ bề ngoài tự hào và kiêu căng chủng tộc nhưng ẩn dấu đằng sau lại là cái mặc cảm tự ty và cả sợ hãi nữa, lại được cộng thêm với lòng thù hận thì sự hung bạo mù quáng tăng gấp 3.
Người thầy thuốc tài ba ấy đã đưa ra được một chẩn đoán định căn của con bệnh Cam Bốt:
- Nền văn minh Angkor Khmer với những kỳ quan kiến trúc và cả những công trình dẫn thủy tân kỳ đã làm kinh ngạc cả thế giới, thì nay một lần nữa họ cũng làm bàng hoàng cả thế giới bằng cách hành xử như những nhóm dân bộ lạc của thời kỳ đồ đá đồ đồng, lùi xa trước triều đại Angkor hàng nhiều Thế Kỷ. Họ như bị quỷ ám, đang rơi vào một cơn mê hoang tưởng (paranoia), và cả đầy mặc cảm tự ti, nhìn bất cứ người Việt nào cũng là kẻ thù.
Không tìm ra việt cộng thì đám Việt kiều đương nhiên trở thành những con dê tế thần (bouc émissaire). Phải chém hết bọn đồng chủng với tụi nó, giận cá chém thớt. Tâm lý học gọi đó là sự đổi chỗ (déplacement).
Nam Vang là Kinh Đô đầu tiên trên bờ sông Mekong với Cung Điện Đền Đài nhìn ra Quatre Bras, nơi mà tàu bè lớn từ ngoài Biển Đông có thể ngược dòng sông Cửu Long lên tới tận Nam Vang hoặc xa hơn. Nơi mà cứ sau mỗi mùa mưa, phù sa từ 4 dòng sông đổ về bồi cao mở rộng thêm cho hòn đảo nhỏ đối diện với khách sạn Cambodiana, nơi mà nhóm doanh nhân Singapore ‘’Agressive Hotel Group’’ dự trù xây thêm một khách sạn 5 sao mới.
Nam Vang cũng như những Thành Phố lớn khác ở Đông Dương vẫn còn nhiều dấu vết kỷ niệm từ thời đô hộ Pháp. Từ bờ sông Mekong đi vào vẫn là những con đường thẳng tắp với hai hàng cây xanh và những biệt thự kiến trúc đẹp đẽ dĩ nhiên là nay đã cũ kỹ và cả dơ bẩn hơn. Chỉ còn những người công chức Khmer già còn nói được tiếng Pháp. Bánh mì baguette thì đã không xa lạ gì với cả giới bình dân.
Khi mà chủ nhân ông là những người Pháp đi rồi vẫn còn các tiệm ăn Pháp sang trọng máy lạnh bên bờ sông Mekong như L’Ambroise, La Taverne với những trang dài thực đơn đủ các món Pháp: Chateaubriand aux échalotes, crème de volaille...khách sành điệu còn có thể kêu cả món Coquille Saint-Jacques gợi tên bãi biển Vũng Tàu bên Việt Nam nơi nghỉ mát của các ông Tây bà Đầm thời thuộc địa cũ và dĩ nhiên không bao giờ thiếu những chai rượu vang thật hiếm quý hảo hạng. Cho dù đắt tới đâu vẫn được giới thượng lưu bản xứ ưa chuộng.
Và nếu chủ quán là một gia đình người Pháp thì không khác gì một quán ăn sang trọng ở Paris, sẽ có một ông Tây rất sành sỏi đứng hầu rượu và dĩ nhiên cả chọn chai rượu nào ngon và hợp ý với khách hàng nhất. Đa số khách bây giờ là những chủ nhân da vàng mới của đất nước Cam Bốt như Nhật, Đại Hàn, Singapore, Đài Loan... Mà theo Henri Nhiều thì không phải chỉ ở đây mà ngay tại Âu châu trên đất nước Pháp đã có một sự đổi chỗ khá mất mặt cho các ông chủ cũ da trắng.
Chỉ có điều những tụ điểm sang trọng 4-5 sao ấy lẻ loi tồn tại như những ốc đảo giữa một đại dương nghèo đói là đất nước Cam Bốt.
Chỉ cần bước ra khỏi cánh cửa máy lạnh từ một khách sạn người ta đã bị vây quanh bởi một lũ ăn mày: đám đàn bà bế con, đàn ông cụt chân và cả những cụ già những người dân thực sự của đất nước Cam Bốt. Đa số là những nông dân bỏ hết nhà cửa ruộng vườn đổ về Thủ Đô và các Thành Phố để trốn chạy chiến tranh.
Người nhạy cảm và còn chút lương tâm thì cũng chẳng thấy vui gì. Nhưng việc gì mà mặc cảm phạm tội. Ai cũng tới đây với một ý hướng tốt, kể cả khách du lịch, tới ăn chơi hưởng thụ cũng là góp phần vào sự phát triển của đất nước này.
Lưu Vực Sông Mekong, Tả Ngạn hay Hữu Ngạn thì vẫn là cái cấu trúc xã hội hình tháp với những người dân đen ở dưới đáy. Trên đường trở về khách sạn, qua các đại lộ trống trải bên bờ con sông Mekong. Trong cuộc đời làm báo, ông Khắc đã hơn một lần đặt chân tới Nam Vang, vẫn với con sông ấy của nhịp điệu ngàn năm, nơi mà từ những thập niên 40-50 người ta đã nói tới tiềm năng thủy điện lớn lao. Không kể những con đập lớn bậc thềm Vân Nam, Thái Lan và Lào, thì chỉ riêng Cam Bốt đã có ba dự án Sambor, Stung Treng và Tonlé Sap, còn thêm cả dự án trên phụ lưu sông Thốt Nốt (Prek Thnot) khởi nguồn từ rặng núi Đậu Khấu phía Tây chảy sang Đông trước khi đổ vào sông Bassac. Prek Thnot là dự án đầu tiên dã được khởi công từ những năm 60 phải bỏ dở vì chiến tranh. Nếu các con đập được hoàn tất như dự trù thì sẽ dư thừa điện không chỉ để điện khí hóa toàn xứ Chùa Tháp mà còn xuất cảng sang Việt Nam. Hoàn thành các công trình ấy chỉ có thể diễn ra trong thời bình mà đến bao giờ có hòa bình thì chẳng ai có thể biết khi mà súng đạn vẫn cứ rền vang trong ngót nửa Thế Kỷ suốt dọc theo lưu vực con sông Mekong.
Sổ Tay Ký Giả.
Prasot, 10.04.1970. Các Toán Thám Sát của Sư Đoàn 9 Bộ Binh tiến vào Prasot một Thị Trấn gần biên giới Việt Miên, trong không khí tang tóc và vắng lạnh tới rợn người. Khắp nơi là mùi tử khí tanh tưởi của máu và la liệt những xác chết với các vũng máu đã khô.
Xác đàn ông đàn bà và trẻ em. Họ đã bị lính cộng hòa Kampuchia của Lon Nol tàn sát man rợ trước khi chúng vội vã rút đi chưa kịp vứt xác họ xuống con sông Mekong. Không tìm ra được một người Việt nào sống sót, con số đếm được là 89 xác chết. Khi bị các nhà báo quốc tế hỏi gay gắt, Nam Vang chỉ đưa ra một lời giải thích dối trá: Họ là nạn nhân giữa cuộc giao tranh với việt cộng.
Chrui Changwar, 20.04.70. Là một cù lao trên sông Bassac một trong hai nhánh của con sông Mekong, mang tên sông Hậu khi chảy vào Việt Nam với đối diện với bên kia sông là Nam Vang.
Nguyên là một làng Việt Kiều theo Đạo Thiên Chúa đã lập nghiệp sống ở đó từ bao nhiêu đời. Giữa nửa đêm, các toán lính Cộng Hòa KPC của Lon Nol đổ bộ lên Đảo, bắt đi hơn 800 người đàn ông giữa tiếng khóc la van lậy của vợ con họ. Tất cả bị trói lại từng chùm và đưa xuống các tàu Hải Quân Cam Bốt sau đó nhổ neo kéo ra giữa sông và toàn thể bị bắn chết bằng súng máy, xác bị ném hết xuống sông Bassac và nổi dềnh lên nơi bến phà Neak Luong mấy ngày sau đó.
Thị Trấn Takeo 05-70. Ba tuần lễ sau, tại Takeo khoảng 50 dặm phía Nam Nam Vang, nguyên là một Thị Trấn nhỏ nhưng sinh động với các hoạt động thương mại của người Việt sống chung hài hòa với người Khmer từ bao nhiêu năm. Nhưng rồi cũng không khác được với số phận của Việt Kiều trên cả nước, trường học được sử dụng để làm trại tập trung cho khoảng 150 người đàn ông Việt, từ mấy ngày trước đó. Họ bị giam không được nuôi ăn và cũng chẳng bị ai lôi ra thẩm tra hay có ai ngó ngàng tới. Họ sống bằng thức ăn do vợ con đem vào một lần buổi chiều mỗi ngày. Rồi thảm họa bất chợt đổ tới như cơn lốc. Các toán lính Cam, Bốt khác nhau không biết từ đâu ghé qua, chẳng cần hỏi han hay ngó ngàng gì, chúng đứng từ ngoài sân xả súng bắn như mưa vào các lớp học rồi bỏ đi giữa tiếng kêu la của những người bị thương còn sống. Chẳng có ai quan tâm để mà tới cứu họ. Toán này bỏ đi rồi tới toán lính Khmer khác, mấy đợt như vậy. Đạn lỗ trỗ đầy tường, cả những tử thi chết trước đó rồi cũng lại lãnh thêm những loạt đạn mới.
Khi các nhà báo ngoại quốc tới nơi thì tấn thảm kịch đã diễn ra một ngày trước đó. Giữa ngổn ngang các tử thi một số được đậy chiếu, còn ít nạn nhân sống sót và vợ con họ, tất cả chỉ còn biết chắp tay vái lậy, mà vái lậy ai đây. Cả những người bị thương kiệt sức trong ánh mắt đã lạc thần vẫn là thoi thóp vẻ van cầu tuyệt vọng. Cũng vẫn Kamm nhà báo Mỹ gốc Do Thái, nhân chứng tới sớm nhất thuật lại: Mặc cho những tiếng rên rỉ từ bên trong các lớp học đứng ngoài sân là một tên lính Khmer trẻ thật trẻ, tóc cuộn xoăn da ngăm đen, cổ đeo bùa lẫn với tượng Phật, tay lăm lăm cầm khẩu súng AK mới tinh với băng đạn cong đen bóng lẫy, vẻ mặt thì hoàn toàn vô cảm. Hắn chỉ làm nhiệm vụ đứng canh nhưng là canh ai đây bởi vì chẳng còn một ai đủ sức để mà thoát ra được cái khung cửa hẹp ấy. Trước mặt các nhà báo, không được hỏi nhưng hắn vẫn nói như cái máy qua thông ngôn ‘’Bọn khác bắn đó!’’ nói xong rồi hắn ngửa mặt lên khoảng trống không cười một mình để lộ ra hàm răng trắng hếu xen giữa óng ánh là một chiếc răng vàng. Một nụ cười Khmer có cái lạnh lẽo của chết chóc.
Khi mà hai tòa đại sứ của Hà Nội và mặt trận giải phóng miền Nam ở Nam Vang đã bị các toán người Khmer đốt phá. Khi mà những phản đối ngoại giao không có chút hiệu quả gì, cả cộng sản Bắc Việt và cộng hòa miền Nam chẳng có ai bảo vệ cứu được họ, thì tất cả bắt đầu nhốn nháo như bầy kiến chạy quanh chiếc chảo nóng và ngọn lửa thì như đang gặp cơn gió lớn.
Chỉ còn một con đường sống là họ nhào xuống những bờ sông chờ cho các con tàu của Hải Quân miền Nam sau khi trút hàng xuống Nam Vang trên đường về sẽ cứu đưa họ trở lại miền Nam, nơi cũng đang ở giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh, nơi chẳng có thân nhân gia đình nào đang chờ đón họ và cả không cửa không nhà. Có những gia đình đã chạy qua Cam Bốt từ thời cấm đạo trải qua bao thế hệ họ chẳng còn biết đâu là nguyên quán ngoài cái tên Việt Nam mà họ gọi đó là quê nhà. Ngụy Văn Thà ngay từ đầu đã tham gia cả hai chiến dịch ấy: Nhiệm vụ của anh và các đồng đội phải làm sao chế ngự các lực lượng việt cộng thường xuyên phục kích hai bên bờ sông Mekong, phải làm sao cùng với các Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bạn tái chiếm cho được bến phà Neak Luong đang bị cộng quân kiểm soát và cả trấn áp các toán quân Khmer Đỏ bám dai như đỉa, để không chỉ bảo vệ những ‘’đoàn voi’’ tiếp tế cứu nguy cho Nam Vang, cứu nguy cho một chế độ đang tàn sát đồng bào mình, mà còn lo cả an ninh trên đường về cho những con tàu quá tải chật ních những Việt Kiều thường là chẳng còn một gia đình nào nguyên vẹn. Hàng ngàn người đàn ông đàn bà cụ già và trẻ con từ các khu bị tập trung bị xua ra những nơi được gọi là bãi bốc đứng lố nhố nơi bờ sông vẻ mặt khốn khổ, chỉ mong sao có tàu há mồm Hải Quân đi qua để được di tản. Vì mạng sống, dĩ nhiên họ phải ra đi với tay không. Đã tới với hai bàn tay không thì khi ra đi cũng phải với tay không. Của cải nhà cửa do bao mồ hôi nước mắt tạo dựng được thì phải trả lại cho những công dân Khmer xứng đáng hơn. Lý lẽ của chánh quyền Cam Bốt là như vậy.
Ông Khắc chọn đường về thay vì bằng máy bay cùng phái đoàn thì lại xuôi dòng con sông Mekong trên một con tàu vốn đã chật ních và đầy ứ các gia đình nạn kiều di tản. Do trận địa thì cứ lan ra như vùng da beo, giữa các đội quân chánh quy cộng sản Bắc Việt, quân đội chuyên nghiệp miền Nam Việt Nam, quân Khmer Đỏ và đội quân hỗn tạp thần thánh của chánh quyền mới Nam Vang. Đường bộ thì đã hoàn toàn mất an ninh, gần như vô phương để có thể đưa tàu tới di tản những Việt Kiều đang sống ở phần lãnh thổ phía Tây Cam Bốt. Một số liều mạng chạy thoát qua được biên giới Thái Lan nhưng lại bị lính biên phòng Thái đuổi về. Họ bị kẹt lại và là nạn nhân cuộc ‘’tẩy sạch chủng tộc (ethnic cleansing)’’ trong những năm sau đó, cộng thêm với 2 triệu người Khmer cũng bị Khmer Đỏ giết vì là ‘’bọn xác Khmer hồn Việt’’.
Đã từng chứng kiến nhiều cảnh trí đẹp kỳ diệu khác nhau của con sông Mekong nhưng chưa bao giờ ông Khắc đứng trước cảnh tượng kinh dị đến như thế chỉ trên một khúc sông ngắn gần nơi bến phà trên trục lộ từ Nam Vang xuống Sài Gòn.
Khi đó là bình minh trên sông lẽ ra rực rỡ mà sao cứ như mặt trời đang soi bóng lúc hoàng hôn. Không khí buổi sáng thay vì mát dịu đã lại có cái oi nồng vương sót lại của một cuối ngày nắng gắt.
Những đám mây hồng mà cứ như là ráng chiều, dòng nước thấm đẫm phù sa nhưng đỏ hơn vì có thêm máu từ những chuỗi xác chết bập bềnh chậm rãi trôi về phía hạ lưu. Chỉ trong khoảnh khắc, ông Khắc đã đếm được hàng trăm xác: Những thân xác rất nhỏ của trẻ thơ và cả những xác người lớn với chùm tóc dài hẳn là phụ nữ.
Ông Khắc tự hỏi phải chăng đó là số phận dành cho mấy trăm ngàn người Việt ruột thịt của ông đang sống ở Miên và con đường hồi hương định mệnh của họ lại là con sông Mekong.
Những thảm cảnh gây kinh hoàng cho toàn thế giới ấy đã và đang xảy ra giữa Thế Kỷ 20 giữa thanh thiên bạch nhật không cần che dấu, được thu cả vào ống ảnh của nhà báo ngoại quốc. Bạo động vẫn gia tăng và lan tràn. Thế giới giận dữ lên án. Giới chức cầm quyền Cam Bốt giữ im lặng không một lời xin lỗi, giới trí thức Khmer có học nếu không trực tiếp tham gia bạo động thì thái độ của họ là sự lạnh lùng thờ ơ gần như vô cảm.
Người Khmer thường là chia rẽ nhưng lòng thù hận chống Việt Nam luôn luôn đoàn kết họ làm một. Một nhà giáo người Khmer từng học Trường ChasseloupLaubat ở Sài Gòn đang dạy học cho một trường Dòng ở Nam Vang đã nói với đám phóng viên ngoại quốc:
- Nhà báo các ông đâu có hiểu thấu được lịch sử giữa hai nước Cam Bốt-Việt Nam, các ông đâu có biết trong hàng bao Thế Kỷ bọn Yuon đã đầy đọa chúng tôi như thế nào. Còn khủng khiếp hơn cả những điều mà ông đang chứng kiến mấy ngày hôm nay.
Rồi cũng vẫn cái giai thoại mà lại do người Pháp ghi lại là Tướng Trương Minh Giảng vị quan hung thần triều đình Huế đã từng chôn sống người Khmer, cả dùng đầu họ để làm lò đun bếp:
- Chừng nào mà còn bọn Yuon, người Việt sống trên đất nước Cam Bốt thì chúng tôi chưa thể nào sống yên. Các ông biết có bao nhiêu cộng sản xâm nhập trong các Cộng Đồng Việt kiều sống trong Thủ Đô Nam Vang không? Phải tát ao bắt cá, thứ cá đầu rắn sẵn sàng ăn thịt chúng tôi. Không lẽ cứ khoanh tay chờ cho bọn nó tới chặt đầu hay chôn sống chúng tôi. Để sống còn người dân Khmer chúng tôi phải tự vệ, không còn chọn lựa nào khác. Rồi ông ta nói thêm như một xác tín: ‘’Tuer les Yuon-ennemies pour ne pas être tué soi-même!’’ Ngay lúc đó không phải ông Khắc mà là một ký giả báo Le Monde nói:
- Điều đó không có nghĩa là các ông có tự do chặt đầu cả những người Việt thường dân hiền lành và vô tội...
Cuối cùng thì Những Con Tàu Cứu Rỗi chở ông Khắc và những người sống sót cũng cặp bến Sài Gòn.
Riêng đội quân thần thánh của Lon Nol, sau thắng lợi dễ dàng tàn sát Việt Kiều không một tấc sắt trên tay, nay họ bắt đầu thực sự ra trận, một mặt trận có hỏa lực súng đạn thật của đối phương và nghiễm nhiên trở thành những tấm bia tập bắn rất tốt cho quân cộng sản Bắc Việt. Hết tiểu đoàn này tới trung đoàn khác đeo bùa chú tượng Phật hay không thì cũng vẫn cứ chết như rạ cho tới khi tan hàng.
Cũng tại Olympic Stadium nơi phát động cuộc thánh chiến chống Việt Nam, chưa đầy 5 năm sau, ‘’Bố Đen’’ Thống chế Lon Nol thì leo lên máy bay bỏ chạy trước, Sirik Matak và Long Boret thì chọn ở lại và bị chính những người lính Khmer Đỏ đồng bào ruột thịt của họ đem ra hành quyết, mở màn cho cuộc diệt chủng tự sát (suicidal genocide) trong vòng 4 năm sau đó. Các cánh đồng xanh bên những hàng cây thốt nốt biến thành những Cánh Đồng Chết trải đầy sọ người và xướng trắng.
Hai lần con cá sấu trắng xuất hiện trên khúc sông Mekong gần Nam Vang, hai lần có biến cố trọng đại xảy trên đất nước Cam Bốt.
Lần thứ nhất 1970, Lon Nol đảo chánh chấm dứt chế độ quân chủ Sihanouk. Lần thứ hai 1975, Khmer Đỏ tiến chiếm Thủ Đô Nam Vang chấm dứt chế độ cộng hòa. Cả hai lần đều đẫm máu: Máu của người Việt và máu của hơn 2 triệu người dân Cam Bốt.
Cá sấu trắng do là vật linh trong thần thoại Khmer nên không hề có tuyến nước mắt.
Ngô Thế Vinh
Theo https://thuvienhoasen.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...