Tản mạn về một tập thơ
(Lời tựa cho tập thơ "Trăng miền sóng"
Nhiều tác giả - NXB Hải Phòng - 2006)
Trong bài thơ có tên “Chợ” của tác giả (Phương Mâu) ở tập bản
thảo này có câu “Phận nghèo thơ cũng chơi vơi, nỗi niềm đâu phải chợ giời bán
mua”. Nếu đối thoại với tác giả, tôi sẽ bảo rằng chỉ có thể tán đồng một nửa.
Đó là cái ý ở câu sau. Còn như thơ, đâu phải chuyện giàu nghèo, sang hèn định
đoạt đến cái chất lượng hay dở, đến vị thế của tác phẩm. Các nho sỹ, các nhà
thơ bao thế hệ xưa nay, cũng lắm người bần hàn, mà thơ vẫn hay đấy thôi. Và cái
lẽ sống “Bần nhi lạc”, “An bần lạc đạo”đã trở thành điều tâm niệm nằm trong ý
thức của các bậc túc nho, chân nho một thời. Bất giác tôi chợt nghĩ đến một số
người cầm bút bây giờ, ngồi phòng máy lạnh, đi xe hơi, cần thiết thì gõ phím,
nhấp “chuột” máy tính, liên lạc thì nháy vào điện thoại di động, mà thơ vẫn
không hay lên được. Đấy là tôi nói đến số ít, chứ bậc tài danh thì dù viết
trong điều kiện thế nào vẫn cứ hay. Đến đây tôi lại liên hệ đến câu thơ của tác
giả Bùi Hùng trong bài “Thời công nghiệp”: “Em ạ, mình tiến lên: Trái tim đừng
rôbốt”. Giả dụ như ở lĩnh vực tình cảm mà cũng “rôbốt” hóa thì mất đến 99% cuộc
sống. Lại nữa, ngay đến bản thân mình, ngày trước đi thực tế ở vài nơi còn
hoang sơ với phương tiện hết sức thủ công, thì cảm hứng giạt dào, viết thấy
“đã” lắm; nhưng sau nhiều năm trở lại, nơi ấy đã đô thị hoá, cao ốc chất ngất,
đèn điện sáng trưng, người xe tấp nập, ngoại trừ cái phấn khởi ở sự đổi thay,
còn ngòi bút cứ trơ lì, nếu gắng gượng lại thành tẻ nhạt, giả tạo. Cho nên,
cái cảnh “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng cây trồng” (thơ Thế Lữ) chắc gì đã ăn đứt
bờ cỏ ven đê; một đài hoa phun nước liệu đã rung động hơn giọt mưa mái gianh
hay dải suối, dòng sông cổ tích. Làm sao để văn chương có hồn và quyết định cái
tài người cầm bút. Có nhiều người viết in rất nhiều; ở thời buổi cơ chế thị trường
thuận lợi dễ dàng, số tác phẩm ra mắt bạn đọc không ít, vậy mà vẫn không trở
thành “nhà nọ, nhà kia” được. Nói điều này để thấy cái nghiệp văn chương nó
nghiệt ngã lắm. Có trường hợp suốt cuộc đời đeo đẳng văn thơ, khi dốc cạn tuôiỉ
xuân, nghoảnh lại phía sau mới thấy lạnh lưng, đạo không ra đạo, mà đời không
ra đời. Còn như, nếu chỉ viết chơi, coi như thú vui tao nhã, một hướng giải
thoát tinh thần, một tao đàn hạnh ngộ bạn bè tâm giao thì lại lẽ khác. Các anh
chị làm thơ có mặt trong tập thơ này ở phía nào đây? Có lẽ cả hai chăng? Trong
khoa học, cái người ta tôn trọng, đó là sự phát minh, còn trong văn nghệ là sự
sáng tạo. Có thể là một ý tứ mới, một câu thơ lạ, một thể điệu được khai phá, một
lối cảm nghĩ, diễn đạt khác v.v...
Còn có một mức độ khác đó là sự ứng dụng, là kế thừa, ngại nhất
là mô phỏng, bắt chước, hoặc tệ hơn thế là nhắc lại. Vậy thì, cái khó là khai
sinh ra một cái tên, tìm ra một địa chỉ văn học. Được tiếp cận và theo dõi thơ
ca của các tác giả Thủy Nguyên từ nhiều năm nay, tôi thấy đáng quý trọng ở cái
nét hồn hậu của một vùng quê giàu truyền thống nghệ thuật với những làn điệu
dân ca hát đúm, hát chèo. Dẫu có phá cách đi, thì cái phần cơ bản của các tác
giả vẫn là mộc mạc, chân tình. Hãy cứ là mình, bởi thật đáng buồn như khi nhìn
vào gương soi, lại thấy biến dạng thành một kẻ khác. Tập thơ có một trăm linh
hai bài thì chỉ có 39 bài kiểu thơ tự do và Đường luật (tôi nói theo kiểu thơ
Đường luật vì làm đúng Đường luật cần niêm luật chặt chẽ, cũng như không nên gọi
là thơ tứ tuyệt khi làm thơ bốn câu). Hai phần ba là thơ lục bát, một thể thơ
truyền thống của dân tộc, có vẻ dễ làm nhưng khó hay, không cẩn thận thành vè
hay ngược lại dễ ngộ nhận như đã có lời ngoa ngôn huyễn họăc đâu đó. Vậy mà ở tập
thơ này, có thể trích ra không ít những câu thơ đáng nhớ. Chẳng hạn, đây là miếng
trầu trong “Một đêm quan họ”:
Miếng trầu cánh phượng em têm
Chưa ăn mà đã say mền đêm xuân”
(Lê Đình Lâm).
Hoặc:
“Bâng khuâng hong chút heo may
Ngẩn ngơ vướng phải vơi đầy mắt em”
(Ánh mắt - Nguyễn Quang Tiếp).
Rồi:
“Bây giờ sắp hết tháng tư
Đợi bầy tu hú sợ trưa chuyến đò”
(Tháng tư - Mai Nhiên).
Nghiệm rằng, khi câu thơ chắt ra từ nỗi niềm, từ cái tình thực
day dứt, trăn trở của bản thân, mới đi vào lòng người được. Người làm thơ không
vui buồn, thì làm sao truyền cái vui buồn cho người khác? May sao, tập thơ cũng
có nhiều câu thơ tình thực như thế. Cho nên, có câu thơ đọc lên như không có gì
nghệ thuật cả, như buột miệng mà nói ra, nhưng là từ khúc nhôi trong lòng:
“Ngỡ là chết đã xong rồi
Ngờ đâu còn chuyện phân ngôi giàu nghèo”
(Nghĩa địa làng - Mạnh Hà).
Cái hiện thực trong câu thơ như chạm phải chính điều mỗi người
từng trải nghiệm. Tình trạng phân hoá giầu nghèo nặng nề thì đã rõ, nhưng sự
phân hoá với mức độ gián cách quá xa, mà lại đến cả dưới mồ thì không còn gì để
nói nữa. Thế sự là ở đó.
Qua việc xem một tích trò với đầy đủ bộ mặt trùm Sò, quan huyện,
thầy Đề, xã trưởng cùng Thị Hến, tác giả Nguyễn Phương buông câu thơ chua chát:
“Cán cân công lý lệch rồi
Người xem thì nhếch mép cười mà đau”
(Cái hồng nhan).
Hoặc cũng có những suy ngẫm, triết lý nhẹ nhàng:
“Bay lên tít tận trời cao
Nhưng điều ràng buộc gắn vào sợi dây”
(Tiếng sáo diều - Nguyễn Văn Hưởng)
Thơ của các tác giả mạnh ở mặt trữ tình, nhiều bài như có cái
lúng liếng từ những câu hát đúm, ca dao truyền thống và tình yêu cứ là một đề
tài khá đậm nét. Trong bài “Sông quê” tác giả Vũ Thuấn viết:
“Em đi vắng bóng đò ngang
Tôi về tìm vạt lá vàng ven sông”
Hay như bài “Tiếng gọi” của tác giả Nguyễn Minh Phương:
“Hội tan... anh đứng ngẩn ngơ
Biết ai còn nhớ mà chờ với mong”
Thế nên lại càng khẳng định một điều rằng, thơ nơi đây vẫn
mang rõ sắc thái một vùng quê dù “Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều”, thì vẫn
còn cái nguồn cội vững chắc, đậm đà phong vị quê hương. Viết về quê hương, tác
giả Nguyễn Dung có câu:
“Chè xanh vừa độ hương nồng mãi
Em rót cạn rồi, khát chưa nguôi!”
Biết là khát nước chè xanh hay còn khát gì nữa? Câu thơ thật ẩn
ý. Tôi đoán chắc rằng bây giờ dù có nhiều đồ uống hấp dẫn đi nữa, thì cái vị
chè xanh kia vẫn không hề mất đi trong đời thực và ký ức mọi người. Trong thơ
nhiều khi bỏ đi cái chi tiết nghệ thuật sẽ làm giảm sức hấp dẫn nhiều lắm. Quê
hương ấy là con người, cảnh vật, là truyền thống văn hóa bao đời. Ở đây là cánh
đồng, gốc rạ, lũy tre, hàng cau, triền sông, giếng làng; là bông gạo, hoa cải
vàng, tiếng sáo diều, cánh cò, chú cào cào; là hội chèo, hội đình... mà chính nó
là hồn quê như tác giả Đỗ Thập đã nói:
“Anh mới nhận ra hồn tre nứa
Theo suốt cuộc đời dưỡng nuôi ta”
(Làng đan).
Còn biết bao điều mà trước đây không dưới một lần tôi đã nói
đến. Bây giờ có lẽ cũng đã đến lúc phải nhắc đến điều này. Là ngón nghề của người
làm thơ. Chẳng hạn, trong bài thơ “Đáy mắt’’ của một tác giả có câu: “Anh lục
tìm trong đáy mắt em’’. Đây là bài thơ tình, có những hoài niệm về mối tình
xưa. Nói “soi tìm” thì còn được, nhưng “lục tìm” thì không ổn chút nào; mà lại
trong đáy mắt người bạn gái; không thì nói lục tìm trong kí ức còn nghe ra. Một
trường hợp khác, trong bài thơ
“Hội đạp thanh”, một tác giả viết “Thân dần phân hủy nỗi đau
mãi còn”. Hai chữ “phân hủy” nghe rợn quá, không hợp khi nói về người, nhất là
những người đáng trân trọng. Rồi là “Trong tay nắm đất Trường sơn, ngỡ như cầm
được máu xương bạn mình” (Nắm đất Trường Sơn). Thứ nhất nói “chạm phải” thì còn
tạm ổn, đằng này lại “cầm được” thì thô thiển; thứ hai, cầm được xương thì còn
có lý, chứ ai cầm vào máu bao giờ! Những câu thơ trích ra đây là nguyên gốc của
tác giả, rồi cũng nên sửa đi. Tôi lại liên hệ đến một ca khúc khá quen thuộc
lâu nay ca ngợi tấm gương anh hùng Lý Tự Trọng: “Thân anh đã bón cho lá cây
thêm xanh”. Thiếu gì cách nói, ai lại dung tục thân thể một anh hùng liệt sĩ
như các thứ khác, để bón cho cây cối xanh tốt. Thế mới biết, nghề thơ cũng lắm
công phu. Mà chẳng cứ gì thơ, các loại hình nghệ thuật khác cũng vậy. Có những
lời ca khi xướng đến một từ ứng với nốt nhạc nào đó, lại thành một lời thô tục
mà tôi không tiện nhắc đến. Đây mới chỉ dạo qua về chữ nghĩa, còn với thơ, biết
bao điều cần nói nữa. Ngoài ra tập thơ này còn đôi bài non vụng. Đó là điều khó
tránh khỏi; tuy nhiên, về cơ bản, tập thơ tương đối đồng đều. Có một số tác giả,
một số bài thơ khá vững. Nói thế này, chính là mong muốn các tác giả làm thơ
ngày một hay hơn, đông đảo hơn, cứ coi những lời mộc mạc trên đây là cuộc trò
truyện vắng mặt các tác giả, mượn ý thơ của cụ Nguyễn Du là “Những điều vàng đá
phải điều nói không”. Hy vọng đây không phải là điều nói không, mà sẽ là sự thực.
1/8/2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét