Chuyến tàu duyên định
Xuống phòng khách chờ bác xe ôm mấy hôm nay là hướng dẫn viên
cởi mở, dễ mến. Nhờ bác, tôi hay: Vịnh Hạ Long rộng 1.553km2, gồm 1.960 hòn đảo
lớn nhỏ, phần lớn đảo đá vôi; trong đó vùng lõi Vịnh 334km2, quần tụ dày đặc
775 đảo… Lần leo núi Yên Tử, vừa đi bác vừa nhẩn nha: Vịnh Hạ Long xưa là
thương cảng Vân Đồn trên bến dưới thuyền. Năm 1468, Vua Lê Thánh Tông vi hành tới
Núi Bài Thơ, cao hứng sáng tác và đề thơ trên vách núi: “Cự lãng nông nông kiểu
bách xuyên/ Quần sơn cờ cổ bích liên thiên” (Trăm dòng sông chảy mênh mang/ Quần
đảo rải rác như bàn cờ, biển liền trời sắc xanh biếc)… Tại đây, Nguyễn Trãi -
tác giả tuyên ngôn “Cáo bình Ngô” bất hủ 500 năm trước từng cảm tác: “Lộ nhập
Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa khiết phó kỳ quan” (Đường đến Vân Đồn lắm
núi non/ Kỳ quan đá dựng giữa trời cao)… Sự am hiểu của người chạy xe thồ khiến
tôi quên mỏi chân, dốc cao, đường quanh…
Thong thả nhấp ngụm chè Thái Nguyên sánh vàng và thư thái cảm
nhận vị ngọt đượm, se dịu chát, vô tình tôi chú mục bức tranh sơn dầu khổ lớn
treo gần hết mảng tường chính phòng khách Mini Hotel Mai Anh Đào. Tranh phác thảo
cảnh rừng thông đồi Cù bên hồ Xuân Hương trong nắng sớm… Là nghệ sĩ nhiếp ảnh,
tôi thầm gật gù trước ánh sáng, hình tượng, bố cục. Nét cọ phóng khoáng mà mềm
mại diễn tả sinh động những cụm thông già xanh biếc vút trên nền trời xanh; mặt
hồ bảng lảng màn sương vương vương dải lụa mỏng. Nẻo ven hồ gần Nhà hàng Thanh
Thủy, thấp thoáng mấy nữ sinh khoác áo len màu boọc - đô phủ áo dài bước chếch
bình minh khiến ánh nắng vàng tơ dát lên thân hình tha thướt… Một chút lung
linh, nhẹ nhàng Lêvitan của “Mùa thu vàng”…? Gu thẩm mỹ chủ nhà tinh tế. Lạ hè,
ở một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, Unesco công nhận Di sản Thiên nhiên thế
giới với những danh thắng sơn thủy hữu tình tuyệt vời: Núi Bài Thơ, Hòn Trống
Mái, Động Thiên Cung, Hang Trinh Nữ… tại sao không chọn biển khơi, cánh buồm,
dáng núi… mà lại chọn cảnh Đà Lạt ngàn hoa của tôi? Gia chủ là người mê tranh
hay dân hội họa? Suy đoán vậy vì sực nhận ra khách sạn còn treo nhiều tranh.
Ngay chiếu nghỉ cầu thang gỗ lên lầu đã thấy bức đặc tả đường hoa Mai Anh Đào.
Cửa sổ phòng nhìn ra vịnh lồng lộng nắng, gió trùng khơi, đảo gần núi xa đẹp tựa
tranh thủy mạc khiến tôi đã đốt mấy cuộn phim trong khuya, ban mai hay chạng vạng
chiều… chẳng có bức sơn dầu về con dốc Lê Đại Hành ngược lên Nhà thờ Con Gà
sao!
- Anh Tư mơ màng chi zậy? Nhớ bồ chăng?
Đang miên man, chợt giật mình bởi câu hỏi của bác xe ôm.
Tôi ngước lên, mỉm cười: - Bồ chính là bác đó nghe! Bác Nam
à! Chiều nay ta ra đảo Rều, ở lại qua đêm! Nghe nói hoang sơ lắm. Vậy bác thưa
chuyện bà xã chưa… Kẻo “bả” nổi máu “Tào Tháo” thì có mà… “qua” ân hận!
- Anh Tư yên tâm! Vắng nhà là chuyện cơm bữa của nghề nghiệp. Cũng như “ảnh”, nếu chị Tư “hổng” tin, dễ mấy xách máy lang thang đây đó! À… - Bác Nam quay sang hỏi lễ tân: - Qua nay không thấy cô Hai Liên ở nhà?
- Dạ cô cháu cùng đoàn Phật tử đi cứu trợ đồng bào bị bão lũ ở miền Trung... Đêm qua điện thoại dặn mai về!
- Vậy à! Ha… ha! - Nét mặt người đàn ông ngoại lục tuần sáng nụ cười sảng khoái: - Lú lẫn quá, chẳng nói sớm… Anh Tư gặp “hên” rồi!
- Sao vậy? - Tôi ngỡ ngàng…
- Gặp đồng hương tại Hạ Long. Thế nào chúng ta cũng được gia chủ thết bữa nhậu lên bờ xuống ruộng…
Ra đất Bắc, giới cầm máy Hà Nội nằn nì đánh xe ra Hạ Long, sẽ giới thiệu bạn nghề nhưng với máu lãng tử bản năng… nên “chào buổi sáng” chừng năm, bảy ly “Làng Vân” trong vắt nơi quán cháo lòng danh tiếng đường Bưởi, tôi đứng lên: Tạm biệt! Hẹn gặp lại! Hãy để “moa” (tôi) gặm nhấm nỗi niềm lữ thứ..! Đặt chân xuống bến xe, điềm tĩnh rít thuốc như chờ người nhà ra đón, khoát tay từ chối lời nì nèo ồn ã thì bác Nam đã lọt vào tầm ngắm bởi khuôn mặt chữ điền sạm nắng và ánh mắt sáng nhiệt thành, thân thiện; nhất là khi nghe giọng người “trỏng” ra. Lính tham gia giải phóng Sài Gòn và chúng tôi trạc tuổi nhau nên bác Nam phấn chấn như gặp lại tri kỷ. Đưa tôi đi sáng tác ảnh, bác thường xen giọng Nam bộ khá nhuyễn... Ôm eo bác chạy ra bến thuyền máy, tôi tò mò: - Vợ chồng ông chủ khách sạn là người Nam à? Hay tập kết?
- Không, chỉ “bả” là “trỏng” đó thôi! - Bác Nam trầm giọng: -
Chuyện cũng lạ, anh Tư ạ! Phải nói cô Hai Liên bản lĩnh lắm. Gái miền Nam
thương trai Bắc vì nết mộc mạc, chân quê, chịu khó, xốc vác… Nhưng khăn gói
theo chồng ra ngoài này sinh sống thì cũng mấy người. Nghe nói đang có nông trại
hàng chục héc ta cà phê thế mà đùng cái vào năm 1995, vợ chồng bác Tấn giao con
trai cả quản lý, hồi hương ra Bắc. “Lá rụng về cội” mà! Nghĩ cô Hai Liên trụ chừng
đôi, ba năm lại vô Nam, ai ngờ… Vợ chồng gom vốn mua mấy căn phòng cấp 4 khu tập
thể công nhân hướng ra vịnh xây nhà nghỉ... Công nhận phụ nữ miền trong các bác
có óc kinh doanh giỏi, tiếp cận thị trường nhanh. Chỉ vài năm sau, hai người đã
xây lên Khách sạn Mai Anh Đào với 30 phòng… Không cứ ngày hè mà quanh năm không
trống phòng. Chị Hai Liên chịu tiếp thị, quảng bá Hạ Long nên khách miền Nam ra
nhiều lắm.
Trên đảo Rều, hết bấm cảnh lửa thuyền thúng nhấp nháy dẫn dụ đàn mực dưới biển khơi lấp lánh như rắc bạc, tôi lại bước thấp bước cao theo sát mấy ngư dân gò lưng lầm lũi kéo lưới quét ven bờ. Giường như nhận ra sự hài lòng trước vô số kiểu hình ưng ý đã chớp được, bác Nam lẽo đẽo bên tôi từ tối khẽ thì thào: - Muộn rồi. Nghỉ nhé. Có rượu Ba kích nhấm nháp với mực một nắng nướng đây! Áo quần ướt lướt thướt nhưng bọc giấy báo luồn trong ngực vẫn lạo xạo, bác mở ra hít hà: - Thơm quá! Mà anh cũng chưa uống rượu tiết ngán nhỉ. Ngày xưa, chỉ dành cho bậc vua chúa… Dân nhậu cứ tấm tắc chẳng thua loại Vi - a, A - vi… gì đấy! Là sản vật tiến cung nên nào đến lượt thảo dân nhưng giờ vào quán chỉ dăm ngàn một con! Dân ta nuôi được mà!
- Hay đấy… Trở lại chuyện vợ chồng bác Tấn, cô Hai Liên đi!
Khề khà nhấp thêm ngụm rượu, bác trầm giọng:
- Chuyện thế này, bác Tấn là con nhà thợ mỏ đời thứ ba. Hết lớp bảy hệ mười năm được cha làm đội trưởng xin vào công nhân mỏ Mông Dương, năm 1970 xung phong đi bộ đội vào chiến trường miền Nam. Phải khí thế lắm nên ngày giải phóng đeo quân hàm trung úy. Cùng xóm thợ, tôi nhớ ngày bác về phép, ai cũng háo hức: “Thằng Tấn thế mà giỏi, ngày xưa đội than lùn cả người. Giờ sao chói trên vai! Đứa nào xóm này vớ được, phúc to!”… Ông thân sinh mừng ra mặt, đã nhắm cho anh chân văn phòng ở Công ty than, một cô kế toán xí nghiệp nào đó. Nghỉ xong phép, anh lại khoác ba lô vào Nam vì đơn vị nhận nhiệm vụ tiếp quản đồn điền chè, cà phê trên Tây Nguyên. Ông cụ ấm ức kéo thuốc lào sòng sọc suốt đêm: - Đội than như tao lên chức đội trưởng là phúc đức nhà này lắm rồi nhưng vẫn là phận xuống lò, hít bụi! Nhờ cậy mãi mới nhét được vào chân giấy bút “mưa không đến mặt, nắng không tới đầu” lại chẳng muốn… Ừ, anh thích đi “phu” đồn điền thì cứ đi đi! Đấy anh Tấn “hành phương Nam” ngày trước Tết với tâm trạng dằn vặt lắm! Bẵng mấy năm sau, đưa về cô vợ người miền trong. Cũng là chuyện lạ của xóm thợ nghèo. Thời bao cấp, trông ai cũng như ma đói nhưng nhìn vợ chồng Tấn nước da tái mét vì sốt rét, thân hình gầy guộc, mấy cô xưa “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” với chàng quân nhân sáng láng năm nào cứ ngúng nguẩy: Tưởng “gạo trắng nước trong” thế nào chứ điệu bộ này… thật phí đời!
Thấy tôi dằn mạnh làm tung tóe chén rượu xuống cát, bác Nam thở dài: - Miệng thế gian mà anh! Vào năm 1989 hay 1990, vợ chồng anh Tấn lại ra Bắc. Chuyến này, thấy họ đỏ da thắm thịt. Chuyện trò với ai, bác trai cũng say sưa kể chuyện nông trường trong đó đã chuyển đổi từ mô hình làm ăn “cha chung không ai khóc” thời “đánh kẻng, ghi công” của các Hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc những năm 60, 70... sang giao khoán vườn cây cho công nhân theo Nghị quyết Mười. Nhà anh nhận 10 héc ta, gom góp sang nhượng thêm 5 héc ta nữa. Đất của mình, vườn cây của mình, chỉ sợ lười biếng mới không giàu thôi! Chuyến ấy, vợ chồng bác bỏ cả tháng trời mua vật liệu, xây ngôi nhà hai tầng cho các cụ hưởng tuổi già, lo đám cưới chú em trên mỏ…
Tuy uống nhiều rượu, song đêm trên đảo Rều thật khó ngủ, tôi mấy lần chui ra khỏi lều hút thuốc và dõi nhìn những ngôi sao khuya nhấp nhánh. Cuộc sống có những duyên phận thật kỳ lạ. Ông Tấn này, chắc cũng là tay hào hoa lắm nên cô Hai Liên mới “thuyền theo lái” như vậy.
Sáng sau, mới tinh mơ chúng tôi xuống thuyền rời đảo. Trở lại Mai Anh Đào, mở cửa đón là một người đàn bà xấp xỉ sáu mươi tuổi với gương mặt hiền hậu, mái tóc dài búi cao, mặc bộ bà ba màu xanh nước biển, cởi mở: - Nghe cháu nói có bác trong ra. Em mới về. Bác may quá, gặp bác Nam. “Thổ thần, thổ địa”, chuyện gì cũng rành. Khách quý lắm! Bác lên cất đồ rồi xuống uống trà!
Sáng ấy, trước khi về Hà Nội, chị Hai Liên say sưa trò chuyện với tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Em ra sống ở Hạ Long ư? Anh ạ, như một chuyến tàu định mệnh… - Ánh mắt mượt đen chơm chớp, Liên khẽ khàng tâm sự: Đêm ấy, sau khi theo tàu chợ từ Việt Trì - Vĩnh Phú xuống, mất cả ngày tím tái trong mưa lạnh buốt như kim chích da thịt ngồi “nhích” gạch dồn hàng ở ga Hàng Cỏ, tôi mới nắm cái vé vào Sài Gòn. Nửa đêm nhà ga “tu …tu” gọi khách lên tàu. Chen lấn mồ hôi toát như tắm mới tìm ra số ghế dưới ánh đèn vàng vọt. Gần tháng trời ngược xuôi đất khách “tìm người” mà lặng thinh “bóng chim, tăm cá”. Ngày trước, “ảnh” nói quê mình có Đền thờ Hùng Vương, xanh dãy Tam Đảo quanh năm mây phủ. Tôi lần mò thăm hỏi nhưng ai gặp cũng ngẫm ngợi, lắc đầu ái ngại: - Hải à! Ở xã, thôn rồi đội sản xuất nào chứ. Vùng này nhiều Hải bộ đội lắm! Trở về có, hy sinh có! Thậm chí có chị sồn sột quở: Rõ dại. Chỉ dăm câu ba điều mà tin à! Nó họ Sở thì có giời tìm, khổ thôi em ạ... Đội, thôn, xã, huyện nào anh có kịp cho hay đâu, chỉ say sưa kể về làng quê trung du xanh nương chè, bóng cọ “xòe ô che nắng”, dòng sông Lô thao thiết cuộn về xuôi..! Bên nhau ngắn và trong hoàn cảnh bất ngờ quá, ảnh có nói thì chắc tôi cũng không nhớ nổi.
Chiều đó trời nhá nhem, trên đường đưa tài liệu trở về ngang qua một cánh rừng, tôi chợt khựng người khi thấy mấy vệt máu vương trên lối cỏ đổ rạp. Sau năm 1972, Mỹ - ngụy điên cuồng đánh phá Chiến khu D; vây ráp, đánh bom như cơm bữa. Bản năng khiến tôi khom người, lăm lăm cây súng. Men theo vệt cỏ vài trăm bước ngó thấy lùm cây phía trước rung động, có tiếng rên khe khẽ… Đàng mình hay địch? Mồ hôi túa trên trán, tôi lò dò tiến lại. Không gian tĩnh mịch, nghe rõ nhịp tim đập thình thịch… Cách chừng ba, bốn bước chân tôi chĩa súng, khẽ hỏi: Ai? Tiếng rên vẫn âm ỉ. Tôi hít căng lồng ngực lấy bình tĩnh, mon men tiến lại, lấy mũi súng khuơ vạt cây… Anh biết gì không. Một chiến sĩ giải phóng mê man chẳng biết trời trăng chi cả… Anh là Hải, trên đường cùng một chiến sĩ đi trinh sát gặp ổ biệt kích mai phục, đã kiên cường đánh trả. Đồng đội hy sinh, anh bị thương ở chân nhưng đã kịp tung quả lựu đạn cuối cùng vào mấy tên biệt kích. Quầng lửa bùng chói sáng cũng là lúc cơn sốt rét tái phát khiến anh gục xuống chìm vào mê man… Mấy tiếng sau, bừng tỉnh vì sự buốt nhói bên bắp chân phải và người vẫn sốt hầm hập, miệng khô đắng. Lần hồi nhớ chuyện xảy ra, Hải ráng lết quanh tìm xác đồng đội. Đây rồi thân hình Kiên bê bết máu dựa thân cây vẫn ôm khư khư súng. Kiên quê Hải Hưng nói lẫn lộn giữa “n” với “l”. Trời đã tối, Hải chầm chập vuốt mắt đồng đội trẻ, nghẹn ngào: Kiên ơi, thế là chúng mình chẳng còn cãi vã nhau chuyện gọi “đầu bằng”, “đầu nhọn” là “tép” hay “tôm”. Không còn ước mơ thống nhất đất nước sẽ về xin “nàm” công nhân “nái” máy cày Kiên ạ. Khi ấy, hợp tác xã “nàng” em chắc “nên” “lông trường” thẳng cánh cò bay như trong phim “Niên Xô” rồi… Những đêm nằm gác chân lên người nhau, Kiên thường thủ thỉ vậy. Nước mắt Hải lã chã rơi đầm đìa xuống gương mặt búng ra sữa của Kiên. Thì nó mới mười bảy nhưng khai tăng tuổi để đi nghĩa vụ. Đêm ấy, Hải nghiến răng chịu đựng cơn đau nhức nhối, gối đầu liệt sĩ lên đùi và ngó trân trân gương mặt hiền lành như đang say giấc ngủ ngon dưới ánh trăng đầu tháng bàng bạc xuyên qua vòm lá rừng hắt xuống. Tảng sáng, anh chống súng AK lết tìm rẻo đất trũng, dùng lưỡi lê bới đất vun nấm mồ cho Kiên. Pằng, pằng, pằng, pằng… Hải lia mấy đường đạn lên thân cây cổ thụ trước đầu mộ, vệt đạn tạo thành chữ K… Hãy ngủ yên! Anh sẽ trở lại! Phải tìm đường trở về đơn vị. Thế nhưng vết thương sưng tấy, sốt rét vẫn chưa dứt cơn, Hải vịn cây lết giữa rừng già mà không xác định nổi đang hướng về đâu… Gần ngày trời như vậy, cho đến khi không còn chút sức lực, anh nhào gục bất tỉnh xuống lùm cây… Đêm ấy, tôi dìu anh về một khu rừng an toàn, băng bó vết thương và chăm sóc anh…
- Duyên nợ với xứ Bắc khởi đầu là vậy?
Tiếp câu hỏi của tôi, chị Hai Liên trầm ngâm trong ánh mắt phảng phất mơ màng:
- Trước khi rời quê anh, tôi trở lại Đền Hùng dâng hương mong các vị Quốc Tổ chứng giám cho tấm lòng người con gái phương Nam dành trọn cho chàng trai xứ Bắc và cầu sự bình an sẽ đến với Hải. Những ngày chờ đợi, chen lấn ô tô, tàu chợ, ngủ nhờ khi nhỡ độ đường ấy để thăm hỏi tin tức về anh, tôi luôn nhủ mình khổ, mình mệt thì không sao nhưng day dứt là “ảnh” giờ thế nào? Còn hay mất? Chỉ khi tàu rời ga Hàng Cỏ giữa rừng tay tiễn biệt, tôi mới nhận thấy nỗi cô đơn, bất hạnh và sự mệt mỏi, rã rời đổ ập xuống thân xác. Bữa lên tàu ra Bắc háo hức, tự tin lắm vì nghĩ mọi chuyện thật đơn giản, xong cuộc chiến ai chẳng về nhà. Cả tàu phần lớn là bộ đội lỉnh kỉnh những khung xe đạp, búp bê, dù các màu... Là cô gái miền Nam duy nhất trong toa, các anh quý lắm. Hải à, toa này đến mấy Hải nhưng quê Thái Bình, Nam Định… Lên Vĩnh Phú, nếu không gặp ý trung nhân thì xin hãy “đường về quê anh” nhé.
Tìm người không thấy, cầm lòng vậy nhưng đường còn xa phải giữ sức, nghĩ vậy nên tôi nhủ mình ráng quên mọi chuyện vừa qua bằng giấc ngủ.
Có lẽ khoảng hai, ba giờ sáng chợt thức dậy dụi mắt, ngơ ngác nhìn quanh mới sực nhớ đang ở trên tàu. Tàu dừng ga Thanh Hóa… Sân ga nhộm nhoạm, ồn ã như họp chợ. Người ta vác hành lý, hàng hóa và xô đẩy nhau tranh lên, xuống tàu… Tiếng rao hàng quà khiến nhớ sáng qua chỉ lót dạ cái bánh rán cứng queo, giờ bụng dạ cồn cào. Thò ra cửa sổ, tôi vẫy người đàn bà cắp rổ bánh chưng. Cầm bánh đặt lên bàn, bần thần khi lần túi bên trong áo khoác quân phục thì cái bóp không còn nữa. Chao ơi, mấy đồng trang trải lộ phí đường về, nó rơi hay bị móc khi chen lấn lên tàu? Chị ơi, chị..! - Tôi lạc giọng thều thào chìa lại cặp bánh: - Em… mất tiền, phiền cho trả lại! Thông cảm giùm nghe!
- Mua bán kiểu gì vậy, mở hàng đấy! Đây không biết! - Âm sắc khô, đanh, người đàn bà tru tréo: - “Cháo múc, tiền trao” để bà còn đi bán cho người khác!
Một bàn tay vỗ nhẹ bờ vai tôi lẩy bẩy run như tàu lá trong gió: - Nóng tính thế bà chị. Cô này mất tiền… thì tôi còn! Lấy thêm cặp nữa. Đừng đưa “bánh chưng đất” cho bộ đội đấy!
Người lính ấn cặp bánh vào tay tôi: - Ăn tạm! Cô ra thăm bà con à? Tiền bạc để sơ ý thế…
Quay sang anh bộ đội cùng hàng ghế, tôi lý nhí lời cảm ơn… Sự mệt mỏi tích tụ nhiều ngày, giờ mới trỗi dậy, tôi lại bị cuốn vào giấc ngủ. Trong mơ, mơ gặp được anh Hải và tôi nắm chặt tay anh ấy, hét lên sung sướng. Choàng dậy, hoảng hốt thấy mình đang tựa vai người đồng hành, tay nắm chặt tay anh ấy! Tôi bối rối: Anh thông cảm! Ân cần khoác mảnh dù lên vai tôi, bàn tay ấm áp của anh lần tìm lại tay tôi xiết nhẹ: - Không sao, chắc chị rất mệt! Cứ ngủ tiếp đi!
Những ngày trên tàu, anh lo hết chuyện ăn uống cho tôi. Khi biết tôi từng làm y tá, giao liên trong Chiến khu D, anh lại thêm phần quý mến. Đàn ông, con trai trải binh lửa đã đành. Liễu yếu đào tơ như các o thì thật khâm phục. Tôi đã tin cậy như đối với người anh trai để kể câu chuyện của mình với Hải và nguyên do “thân gái dặm trường” ra Bắc với niềm tin sắt son như Hải đã nói khi chia tay để về đơn vị “Đợi nhé! Thống nhất anh sẽ tìm em, dù nơi chân trời góc bể”!
Chúng tôi chia tay nhau ở ga Phan Rang, hóa ra anh về Bảo Lộc, còn tôi lên Đà Lạt. Tôi băn khoăn về những ngày trên tàu không đồng xu dính túi… ngần ngừ rồi hỏi địa chỉ anh. Anh viết vội mấy dòng lên mảnh bao thuốc lá Trường Sơn. “Mình tên Tấn. Cùng tỉnh mà, cách 120 cây số… Duyên kỳ ngộ gặp lại Hải nhớ cho hay sớm nhé”! Tấn nhỏ nhẹ nói, bàn tay anh rắn rỏi, quyến luyến không muốn rời tay tôi. Tôi đứng lặng, nhìn anh vội vã bước lên chuyến xe khuya…
Những năm sau giải phóng, anh biết rồi. Gia đình tôi là tiểu thương nên thuộc diện đi kinh tế mới ở Tà In. Cái mác theo giải phóng, vào căn cứ của tôi cũng không giải quyết vấn đề gì… ngoại trừ được làm y tá tại phường. Lòng người dễ thay đổi theo cuộc bể dâu. Thời ở rừng sao gắn bó, chia sẻ… Nay các chú, các bác gặp cũng chỉ loáng thoáng: “Đi kinh tế mới à? Gia đình cơ sở mà! Thôi lúc nào chú đề xuất cấp trên quan tâm giải quyết”… Gia cảnh mình, họ biết cả rồi, tuy là tiểu thương chợ Đà Lạt nhưng có điều kiện bí mật tiếp tế cho cách mạng. Đang học đầu 12 mình nhảy núi cũng vì thiện cảm với cách mạng từ những lần nghe má mà giấu tiền, giấu thuốc sốt rét, thuốc kháng sinh… trong cặp nữ sinh để giao cho cơ sở bí mật đó sao! Ba má e ngại, dè dặt và cam phận. Thôi Liên à! Chạy vạy, nhờ vả làm gì! Các bác, các chú mải lo những việc lớn; ai chú ý đến việc cỏn con của gia đình ta. Giải phóng rồi, sống ở đâu chẳng được! Nghe lời ba má ở lại với công việc được tổ chức phân công. Ráng kiếm tấm chồng con ạ! Con người như chim, chân trời góc bể thì rộng!..
Nghe lời ba má, tôi ở lại và không nguôi hy vọng một ngày gần nhất Hải sẽ đến tìm. Thế nhưng gần một năm sau vẫn bặt vô âm tín. Cũng lúc này, trạm y tế xôn xao chuyện con gái chủ tịch phường sắp học xong lớp y tá sơ cấp sẽ về thay Hai Liên… Nghe nói Hai Liên tuy có vào cứ nhưng gia đình có chuyện gì đó nên mới phải đi kinh tế mới! Trước những lời xì xầm, những ánh mắt nghi ngại, tôi mất gần tháng trời không ngủ, nước mắt ướt đầm gối… Tôi quyết định không thể để ba má cùng bầy em bơ vơ trên vùng đất lạ, mình phải là chỗ dựa của gia đình… Quần quật phát rẫy, trồng mỳ, trồng sắn, trồng cà phê; tất tả cùng ba má lo miếng cơm từng ngày, song hình ảnh Hải cứ khắc khoải trong tôi. Nhiều lúc thầm hỏi liệu ảnh còn nhớ những lời hẹn xưa? Mà giải phóng đã 3 năm rồi, sao nhanh thế! Tôi chợt ngậm ngùi khi nhận thấy mình bước vào tuổi gần ba mươi. Ở vùng kinh tế mới, tôi “lọt mắt” một vài đám thế nhưng họ vẫn dè dặt trước biệt danh “Liên bộ đội”. Chẳng lẽ bộ đội thì sắt đá, nguyên tắc, khô khan hay sao?... Nghĩ nhiều thì đau đầu, chấp nê làm gì!
Một tối đang trực ở bệnh xá đầu ấp, về vùng đất khỉ ho cò gáy này, tay nghề của tôi được trưng dụng ngay, chợt cậu em hơn mười lăm tuổi chạy hộc tốc tới, bám hai tay tôi, la toáng: - Chị Hai! Chị Hai! Vuốt mái tóc bờm xờm mướt mồ hôi của em, chợt nghĩ sức khỏe ba má kỳ này xuống nhanh quá, tôi luống cuống: - Nhà có việc gì sao? Thằng bé áp người vào tôi, ngước ánh mắt hồn nhiên, phấn khích: - Có khách, chị Hai! Anh bộ đội giọng Bắc dễ nghe lắm! Rụng rời chân tay, lắp bắp: “Vậy sao, vậy sao?”. Tôi gạt nhẹ chú em, vụt ra ngoài chạy phăm phăm về nhà.
Reng, reng, reng… Chị Hai Liên dừng câu chuyện, đứng lên nghe điện thoại.
- Mấy bữa nữa có đoàn khách Đà Lạt ra! Mai Anh Đào mỗi năm cũng đón vài chục đoàn! - Gương mặt rạng rỡ, Hai Liên trở lại câu chuyện: - Hổn hển chạy về thấy một người mặc quân phục đang quay mặt vào trong ngồi trò chuyện với ba má bên ánh đèn dầu, tôi ào vào hét toáng lên: - Anh Hải! Theo quán tính, tôi lao tới ôm chầm người khách vừa đứng lên, gục đầu lên vai anh: - Để em… chờ lâu vậy!
- Liên! - Anh bộ đội gỡ nhẹ bàn tay tôi đặt trên vai, thảng thốt: - Anh đây mà!
Không phải giọng Hải thường xuất hiện trong mơ, tôi hốt hoảng lùi lại. Trời ơi, anh Tấn ngày nào chung chuyến tàu vào Nam… Lại thêm sự bàng hoàng vì bất ngờ nữa khiến tôi loạng choạng, muốn xỉu. Tấn vội bước lại đỡ: - Anh đi tìm mãi…! Hóa ra, sau khi tôi rời Đà Lạt xuống vùng kinh tế mới, Tấn đôi lần lên tìm theo địa chỉ đã cho. Mọi người bảo: Gia đình đi kinh tế mới. Cô Liên trước ở Trạm Y tế rồi chẳng hay bỏ việc về đâu… Tất bật với công việc ở nông trường nên lần này, Tấn mới thu xếp tìm đường về Tà In..! Anh ở lại và sáng mai trở về đơn vị. Khoảng hơn tháng sau, đột ngột Tấn khoác ba lô bước vào cổng.
Con nghỉ phép năm được hơn tháng… Mấy sào cà phê nhà mình không người chăm, lá vàng và èo uột quá! Hai bác để con chăm cho! Sau kỳ nghỉ phép, Tấn ngỏ lời yêu tôi… Dĩ nhiên tôi không thể…Và gia đình đã yêu quý anh ngay từ lần gặp đầu. Tôi theo anh về nông trường. Gia đình xa, bố mẹ cao tuổi không vào được, cơ quan anh đứng ra tổ chức đám cưới cho hai đứa.
Đang vui chuyện, Hai Liên chợt trầm giọng, khẽ khàng: - Duyên nợ của tôi với Hạ Long là thế, bác ạ! Ăn xong Tết tới, tôi trở về sống ở Đà Lạt, khách sạn này giao vợ chồng cháu gái!
Tôi ngơ ngác: - Tưởng anh chị… an cư nơi này! Điều kiện đi lại giờ dễ mà, về Đà Lạt lúc nào chẳng được!
Đôi mắt bồ câu huyền nhung khẽ chớp chớp, Hai Liên chợt nhìn xa xăm. Im lặng ít giây, chị lấy khăn tay chấm chấm giọt nước mắt lăn trên khóe mắt đã nhiều nếp nhăn. Lúc này, tôi mới nhận thấy mái tóc dày của chị điểm nhiều sợi bạc, song thừa nhận là gương mặt trái xoan thanh tú, giọng nói nhẹ nhàng, lịch lãm đã một thời khiến nhiều người say đắm. Bác Tấn thật có phúc!
Về sống với cậu cả và các cháu nội, anh ạ! Ông nhà tôi mất đã ba năm!
Vậy, vậy ư! - Sửng sốt, tôi chia buồn cùng chị.
Ông nhà bị ảnh hưởng chất độc da cam, bệnh phát tác ba năm trước khi mất!
Sực nhớ, tôi buột lời: - Mạn phép, thưa chị, bác nhà là họa sĩ!
Hai Liên ngớ người ra, ánh mắt buồn chợt rạng ngời: - Không, ông nhà tôi xưa chỉ được nết mê vỡ đất, chăm cà phê; sau cao tuổi ham đánh cờ với bạn già, chứ không văn nghệ, văn gừng gì!
Sao nhà mình treo nhiều tranh vậy, nhất là phong cảnh Đà Lạt!
Ồ, chuyện dài dòng lắm! Lan man, quên chưa báo để bác mừng, tôi đã gặp lại anh Hải!
Rời Hạ Long, tạm biệt Hai Liên với tâm trạng bịn rịn, tôi thầm nghĩ: Trái đất tròn hay người tốt tuy gặp gian truân, trắc trở nhưng trời “có mắt”, cuộc đời luôn công bằng… Chuyện là hơn năm trước, đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Phú Thọ đi thực tế sáng tác ở Hạ Long đặt phòng tại Mai Anh Đào. Sau giải phóng, Hải - tên ở quê thường gọi Tý do sinh năm đầu con Giáp (vì thế khi tìm Hải, Liên đã không có thông tin), xuất ngũ. Là con một và thầy mẹ cao tuổi nên anh đành chiều gia đình lấy cô gái cùng thôn mà ông bà đã chọn. Anh vẫn nhớ đến Liên song ái ngại xa xôi, cách trở… Hải đi học trường mỹ thuật, nhận công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh… Họa sĩ có lần dự trại sáng tác ở Đà Lạt, cất công dò tìm người nữ giao liên năm xưa nhưng không có tin tức về Liên… Sau cuộc tương phùng cảm động ở Hạ Long, Hải về Việt Trì khuôn những bức sơn dầu đã miệt mài, dồn tâm vẽ về Đà Lạt trong tâm tưởng khắc khoải nhớ tới Liên, xuống tặng nữ chủ nhân Mai Anh Đào!.
22/1/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét