Buổi hoàng hôn của những thần tượng
Lời giới thiệu
1. Năm 1888 trong cuộc đời và tư tưởng Nietzsche
Mặt trời lên cao đỉnh rồi bùng vỡ trong Van Gogh trong năm 1888. Đó cũng chính
là thời kỳ sáng tạo dữ dội nhất của ông. Bóng tối lưỡng lự đã bị lùa ra khỏi
tranh. Bàn tay trở nên chính xác một cách tàn bạo. Nét cọ tung hoành như sấm
sét. Màu sắc lóe sáng trong khi tâm trí đã bắt đầu hôn ám. Nhưng trong buổi
hoàng hôn của tâm thức đó, viễn tượng đã kết hợp một cách kỳ diệu với thực tại.
Ngày 21 tháng 4 năm sau, Van Gogh viết cho em: “Điều an ủi anh đôi chút là anh
bắt đầu coi sự điên cuồng như một chứng bệnh giống như những bệnh tật khác,
trong khi đó ngay cả trong những cơn khủng hoảng, anh thấy dường như tất cả những
gì anh tưởng tượng trước kia đều là thực tại cả”. Và ông lăn xả vào công việc,
vẽ từ sáng tới tối. Người ta kể lại rằng những người bạn đồng phòng với ông khi
đi ra thấy ông đang vẽ một tấm tranh, vài giờ sau trở vào đã thấy ông vẽ một tấm
tranh khác. Ông làm việc như kẻ bị quỉ ám, “j’ai une fureur sourde de travail
plus que jamais” (9/1889). Ông không thể ra khỏi hội hoạ, nghĩa là ra khỏi thực
tại, làm mồi cho điên cuồng và phiền não. “Trong tất cả mọi trường hợp, tìm
cách trung thành với sự thực có lẽ là một phương thuốc để chống lại bệnh tật
đang làm anh lo âu” (thư cho Théo, 12 tháng 2 năm 1890). Có lẽ Vincent van Gogh
linh cảm thấy rằng phần ánh sáng dành cho ông sắp hết và ông phải tận dụng nó,
nhìn lần cuối cùng trong ánh sáng viễn tượng những thực tại đã bị thói quen giả
dối chôn vùi. Trường hợp Nietzsche cũng tương tự như vậy. Năm 1888 là cực điểm
sáng suốt và sáng tạo của Nietzsche, đồng thời cũng là cực độ của đau khổ và cô
đơn của ông. Ngày 12 tháng 2 năm 1888, Nietzsche viết cho bá tước Seydlitz:
“Bây giờ tôi cô đơn, cô đơn một cách phi lý; trong cuộc chiến tàn khốc và âm thầm
mà tôi theo đuổi (dưới uy thế Đảo Hoán mọi Giá Trị) chống lại tất cả những gì
đã được mọi người tôn sùng và quí trọng từ xưa tới nay, chính tôi đã trở thành
một cái u hồn cốc mà không hay…” Trong tình cảnh đó ông chỉ cầu xin một điều:
“Sự thanh bình, quên lãng, sự khoan dung của mặt trời và của mùa thu cho một
cái gì đang muốn chín tới, cho sự chứng thực và biện minh của toàn thể con người
tôi…” (thư cho Paul Dessen, 3 tháng Giêng năm 1888). Kết quả là năm tác phẩm cuối
cùng, chín mùi nhất, mãnh liệt nhất của Nietzsche hoàn thành trong năm
này: Trường hợp Wagner, Hoàng hôn của những thần tượng, Kẻ chống Chúa,
Nietzsche chống Wagner, Ecce Homo và tụng ca Dionysos.
Quả thực năm 1888 là cực điểm của cuộc đời và tư tưởng Nietzsche. Trước hết nó
là cao độ của một thập niên đầy sáng tạo khởi đầu từ 1878 với Phàm phu,
quá phàm phu, tác phẩm đầu tiên mà trong đó chan hoà ánh sáng thiên tài, kế
đó Ý kiến tương hợp và châm ngôn (1879), Lữ khách và bóng hình
mình (1880), Bình minh (1881), Tri thức hân hoan (1882
- bổ túc thêm năm 1887), Zarathustra đã nói như thế (1883-1885), Phi
thiện ác (1886) và Phổ hệ luân lý (1887). Song song những tác phẩm
trên, trong nhiều thập niên này Nietzsche còn đưa ra nhiều tư tưởng dũng mãnh
quanh chủ đề Ý chí hùng cường. Sang năm 1888, Nietzsche bỏ Ý chí hùng
cường và thay thế bằng Cuộc đảo hoán mọi giá trị, trong đó Kẻ chống
Chúa, là tác phẩm mở đầu.
Năm 1888 còn có ý nghĩa cực điểm trong cuộc đời và tư tưởng Nietzsche ở chỗ
toàn bộ tác phẩm viết trong năm này là những cuộc duyệt xét lại và toát lược lại
toàn thể những chủ đề triết lý của ông và của hai ngàn năm triết học Tây phương
trong ánh sáng chói loà cuối cùng của tâm thức, ở một cao độ buốt giá, bằng một
bút pháp sắc bén, cô đọng. Sau đó là bóng tối và yên lặng hoàn toàn. Đầu tháng
Giêng 1889, tinh anh ông đã vỗ cánh bay cao, và ông không viết thêm một dòng
nào nữa mặc dầu thể phách còn ngồi lại mười năm nữa, tới tháng 8 năm 1990.
2. Buổi hoàng hôn của những thần tượng
Tác phẩm Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay làm cách nào người ta triết
lí với cây búa? (Götzen-Dämmerung, oder: Wie man mit dem Hammer
philosophiert?) được viết trong khoảng thời gian từ cuối tháng Sáu tới đầu
tháng Chín năm 1888 và được đem ấn hành vào tháng Mười cùng năm. Mới đầu tác phẩm
mang tựa đề Sự nhàn rỗi của một tâm lý gia hay Những giờ nhàn cư
của một tâm lý gia (Müssiggang eines Psychologen). Nhưng sau đó, theo lời
yêu cầu của Peter Gast, một cao đồ trung thành của Nietzsche, đòi ông phải tìm
một tựa đề “huy hoàng” hơn cho tác phẩm, Nietzsche nhượng bộ, phỏng theo nhan đề
vở Hoàng hôn của những thần thánh (Götterdämmerung) của Wagner, đặt lại
là Hoàng hôn của những thần tượng (Götzen-Dämmerung).
Thần thoại Bắc Âu kể rằng tất cả mọi thần thánh đều có ngày tàn mạt, ngày họ
tan biến vào hư vô. Đó là buổi hoàng hôn của thần thánh. Richard Wagner đã mượn
thần thoại này để dựng vở kịch thứ tư trong bộ Tứ ca bộ kịch (Tétralogie)
của ông, Nietzsche thay đổi tựa đề và cả ý nghĩa. “Thần tượng” là biểu tượng
Nietzsche dùng để chỉ chân lý. “Buổi hoàng hôn của những thần tượng” có nghĩa
là sự sụp đổ của mọi chân lý.
Không một thực tại, một ý tưởng, một lý tưởng, một chân lý, một “thần tượng”
nào tác phẩm này không chạm tới. Từ những chân lý vĩnh cửu đến những chân lý,
giá trị mới mẻ. “Một cơn gió lớn thổi qua rặng cây… và trái chín rụng rơi tơi tả:
những chân lý”. (Ecce Homo). Nhưng những cái người ta có thể lượm trong tay chẳng
có gì ngọt ngào. Vì đó chỉ là những trái thối hư, thực phẩm vô vị đã hết dưỡng
chất của hai ngàn năm qua cần phải liệng bỏ. Tất cả mọi chân lý đều nhạt phai
và phải xóa đi, mọi thần tượng đều hết thiêng liêng và phải tiêu diệt. Duy chỉ
có cuộc đời là vĩnh cửu. Tất cả mọi hiểu biết đều sai lầm, mọi luân lý đều độc
hại. Duy chỉ có bản năng là tốt lành.
Đây là cuộc Tuyên chiến vĩ đại. Đây là cuộc mổ xẻ tàn nhẫn lý trí, luân lý, tâm
lý học, lòng ái quốc, vị tha, tình nhân loại… Đây là cuộc lột mặt nạ không
thương tiếc những nhân vật, “những thần tượng” tượng trưng cho những chân lý,
những giá trị cũ: Socrate, Platon, thiện ác, đẹp xấu… và những “thần tượng” tượng
trưng cho những chân lí và giá trị mới: Renan, Rousseau, Sainte-Beuve, G.
Eliot, George Sand, Schopenhauer, Comte, Kant, Schiller, Zola, Victor Hugo,
Listz, Carlylle, nghệ thuật vị nghệ thuật, dân chủ, tiến bộ…
Trên tất cả, chúng ta tìm thấy trong tác phẩm này những tư tưởng hữu thể học
quan trọng nhất của Nietzsche. Đúng hơn, chúng ta thấy những diễn dịch về những
vấn đề cốt yếu từ quan điểm biến dịch siêu hình của ông dựa trên phương trình
căn bản cũng là tiền đề của ông - là: hữu thể học truyền thống coi là “hữu thể
chân thực” (Wahres-Sein) cái thực ra chỉ là một ảo tưởng, một ảo tưởng có tất cả
đặc tính của phi thể (Nicht-Sein) và vô thể (Nichts) và chối bỏ, coi như “phi hữu”
và phi thực cái thực ra là hữu thể đích thực và hữu thể duy nhất. Cái từ xưa tới
nay, người ta coi là hiện thể đích thực, thực ra chỉ là mộng huyễn bào ảnh,
trong khi cái từ xưa tới nay người ta coi là mộng huyễn bào ảnh lại chính là hiện
thể chân thực. Cái từ xưa tới nay được coi là “hữu thể” (Sein) đối nghịch với
biến dịch không có, trong khi chỉ có cái biến dịch hiện hữu mà thôi. Không có
“hữu thể” siêu thời gian và không gian, cũng như không có tâm linh thế giới,
Linh tượng giới (le monde des idées) hay thế giới của những ý tưởng vĩnh cửu mà
chỉ có thế giới khả giác (monde sensible), hiện hữu trong không gian thời gian.
Không có thế giới tự nội (monde en-soi), mà chỉ có thế giới hiển lộ (monde des
apparences). Không có thế giới khác mà chỉ có thế giới này, thế
giới chân thực, duy nhất, linh động mà nguyên động lực là ý chí hùng dũng.
Không có thế giới nào khác. Tất cả những ý nghĩ, khát vọng về một thế giới khác chỉ
là cách trả thù cuộc đời “bằng sự lạm dụng ảo tưởng” về một cuộc đời
“tốt đẹp hơn”. Sự chia thế giới ra làm một thế giới “tự nội” và một thế giới “bề
ngoài” là dấu hiệu của sự suy đồi - một triệu chứng của sa đọa. “Sự kiện
người nghệ sĩ đặt bề ngoài lên trên thực tại không phải là một vấn nạn chống lại
mệnh đề này. Bởi “bề ngoài” ở đây cũng có nghĩa là thực tại nữa, nhưng mà
là dưới một hình thức lựa chọn, kiên cường hóa, sửa sai… Người nghệ sĩ bi
tráng không bi thảm, - hắn gật đầu nói “ừ” trước tất cả những gì còn hồ
nghi và khủng khiếp của cuộc đời, hắn là kẻ theo Dionysos”.
Chương quan trọng nhất và cũng là trọng tâm của tác phẩm là chương “Lý trí
trong triết học”. Trước đó là “Vấn đề Socrate”, sau đó là “Luân lý như một cái
gì phản tự nhiên”. Trước kia Nietzsche lên án khoa học, triết học vì chúng bị đầu
độc bởi luân lý. Bây giờ Nietzsche lên án luân lý, triết học, khoa học bởi
chúng bị đầu độc bởi lý trí, hay đúng hơn, bởi những sự lầm lẫn lớn lao của lý luận. Những triết gia lầm lẫn lấy hậu quả làm nguyên nhân, nguyên nhân làm hậu
quả. Nietzsche bài bác gắt gao phương trình quái gở và bệnh hoạn này của
Socrate: lý trí = đức hạnh = hạnh phúc. Socrate, Platon là những triệu chứng
suy đồi. Thế nào là suy đồi (décadence)? “Bị bắt buộc phải chiến đấu chống
lại bản năng đó là định thức của suy đồi, khi cuộc đời hướng thượng, hạnh phúc
và bản năng là một”. Tất cả mọi sự tốt lành đều thuộc bản năng. Alles Gute
ist Instinkt. Nietzsche coi như có bổn phận chống lại quan niệm cho Thượng Đế =
thế giới khác của “hữu thể chân thực”. Vì quan niệm như thế, người ta bắt buộc
phải coi rẻ những thực tại trần gian mà giác quan chứng nghiệm, khi coi chúng
là hiển thể (Schein) không thực thể, và đi đến chỗ khước từ cuộc sống nhục cảm,
lành mạnh, coi như “tội lỗi”. Theo Nietzsche, với Thượng Đế, người ta đặt thành
tuyệt đối thể một hữu thể tưởng tượng, phi thời gian bên trên những thực tại trần
gian, những cái duy nhất có thực thể trong dòng biến dịch. Một Thượng Đế, nếu
được quan niệm như thế, sẽ làm nền tảng cho một thứ luân lý vô cùng nguy hại
cho con người và cuộc đời. Đó là một hữu thể học luân lý hóa hay một luân lý hữu
thể học hóa. Cần phải giải phóng hiện thể khỏi thứ hữu thể học hay luân lý này.
Đó là một nhiệm vụ nặng nề mà Nietzsche gọi là cuộc “Đảo hoán mọi giá trị”. Đó
là công việc của người nghệ sĩ bi tráng, kẻ nói “ừ” trước tất cả mọi hồ nghi và
khủng khiếp. Người nghệ sĩ bi tráng chọc thủng hiển thể để đạt tới thực thể một
cách can đảm. Hắn dám chấp nhận cái chết của Thượng Đế và dám đập “bằng cây
búa” tất cả những chân lý cắm rễ sâu nhất trong lòng đời và dám đốn ngã những
thần tượng được tôn kính của truyền thống và thừa can đảm để gây nên những “âm
thanh trống rỗng” của buổi chiều tà. Đi vào “Hoàng hôn của những thần tượng” và
đương đầu với “Đêm tối của Hư vô chủ nghĩa” là những sứ mệnh lịch sử của người
nghệ sĩ bi tráng cũng như của tất cả những tinh thần tự do không chấp nhận làm
rêu mốc bám trên những bậc thềm, những bờ tường nứt nẻ của những miếu đường
hoang vắng nữa. Nếu “Hoàng hôn của những thần tượng” có nghĩa là sự lạm phát của
mọi chân lý, mọi giá trị thiết định lấy “thế giới chân thực” bên ngoài trần
gian, bên kia đời sống làm bản vị, coi những kẻ bạc nhược sa đọa là những kẻ
làm giấy bạc, coi đền thờ là những ngân hàng và Thượng Đế là kẻ chế tài thì
“Đêm tối của Hư vô chủ nghĩa” chính là sự phá giá của tất cả những chân lý, những
giá trị đó. Cả hai đều là những giai đoạn tất yếu và cần phải vượt qua của lịch
sử. Chân lý, trần gian, cuộc đời sẽ và chỉ thuộc về những kẻ chân thực, dám đốt
đi những bản di chúc hứa hẹn huy hoàng nhưng giả dối và giả tạo như tấm ngân
phiếu không tiền bảo chứng, những kẻ sau khi buông rời cây búa phá hủy còn đủ sức
mạnh cầm tay cầy khai phá cánh đồng khả thể, khơi mở dòng đời, tạo dựng đời sống
trong dòng Hồn nhiên của Biến dịch.
3. Song luận
Sự thức tỉnh của nhân loại bắt đầu với song luận này: “Hoặc chúng ta phá hủy sự
sùng bái của chúng ta hoặc chúng ta phá hủy chính chúng ta” (Der Will zur
Macht, III) Chúng ta đã phải trả giá khá đắt cho những “chân lý” thiêng
liêng, những sai lầm in physiologicis (Ibid, II) Nietzsche tự coi như
bổn phận việc “sửa soạn cho nhân loại một giây phút tuyệt vời trở về chính
mình, một buổi giữa ngọ rực rỡ để quay về quá khứ và đưa mắt nhìn về tương lai,
để rũ khỏi ách đô hộ của tình cờ và của những giáo sĩ và đặt câu hỏi tại sao và
thế nào trong toàn bộ của nó lần thứ nhất, bổn phận này thiết yếu bắt nguồn từ
lòng xác tín rằng nhân loại tự mình đã không đi theo đúng chính đạo, đã không
được điều động bởi một thần tính mà trái lại đã để bị lôi cuốn và chế ngự bởi một
bản năng tiêu cực, hư hỏng, bởi bản năng suy đồi mà nhân loại đặt lên hàng những
giá trị tối thiêng liêng” (Ecce Homo, III, 2), vì thế “sự khôn ngoan xuất
hiện trên trái đất này từ xưa tới này như một con quạ khoang bị hấp dẫn bởi mùi
tử khí”, hay cũng có thể nói như một con cú vọ chuyên soi mói những khía cạnh
đen tối cuộc đời và thốt lên những tiếng bi ai. Đó là sự khôn ngoan của tinh thần
nặng nề, tìm sự giải thoát bằng cách tiêu diệt ý chí sống. Nietzsche gây chiến
chống lại chủ trương tiêu cực mệt mỏi đó. Kết quả của nỗ lực bền bỉ, can đảm, cứng
cỏi, âm thầm này là sự hân hoan hay “tri thức hân hoan” theo ngôn ngữ
Nietzsche. “Kẻ nào trèo lên núi cao, kẻ ấy tự cười mọi bi kịch giả tạo hay có
thực.” Trên bàn thờ những giá trị mới, tiếng cười chiến thắng đã thay thế tiếng
thở dài đầu hàng. “Tôi đã phong thánh tiếng cười, hỡi những con người siêu đẳng,
hãy học cười!”. Bằng tiếng cười hồn nhiên ròn rã, chúng ta quét sạch mọi thần
tượng trang trọng đăm chiêu và đón chào một thế giới tinh khôi rực rỡ.
Nguyễn Hữu Hiệu
Vạn Hạnh, 26-09-1971
Khai từ
Duy trì được sự thanh thản giữa một sự vụ u sầu và có thể biện minh quá độ chừng
đâu phải là một nghệ thuật không đáng kể: tuy nhiên có điều gì cần thiết hơn
thanh thản chăng? Chẳng việc gì thành công nếu lòng hăng hai chẳng tham dự vào.
Chỉ có sự thặng dư của sức mạnh mới là bằng chứng của sức mạnh. Đảo hoán mọi
Giá Trị, dấu hỏi quá đen, quá lớn hắt bóng tối lên kẻ đặt ra nó, - định mệnh
của một công việc như vậy buộc người ta từng giây phút phải lao thẳng vào mặt
trời, rũ bỏ vẻ trang nghiêm đã đè ta quá nặng. Tất cả mọi phương tiện đều được
biện minh, mọi “cơ hội” đều là cơ hội tốt. Trên tất cả, chiến
tranh. Chiến tranh luôn là sự minh mẫn thận trọng ghê gớm của tất cả những
tinh thần đã trở nên quá chuyên tâm, của tất cả những tinh thần đã trở nên quá
thẳm sâu; khả năng chữa trị đã nằm ngay trong vết thương. Một câu phương ngôn
mà xuất xứ tôi cố tình dấu nhẹm óc tò mò trí thức, từ lâu đã trở thành phương
châm của tôi:
increscunt animi, virescit volnere virtus [1]
Một hình thức chữa trị khác, trong một vài trường hợp còn thích hợp với tôi hơn
nữa, đó là thăm dò những thần tượng… Trên thế giới có nhiều thần tượng
hơn là thực tại: đó là “ác nhãn” của tôi đối với thế giới này, đó cũng là “ác
nhĩ” của tôi nữa… Ở đây đặt ra những câu hỏi với một chiếc búa và có
thể nhận được như một hồi âm cái âm thanh trống rỗng thốt lên tự lòng hiu hiu tự
đắc - thích thú thay cho kẻ nào có một đôi tai khác nữa sau đôi tai của mình, -
đối với tôi, một tâm lý gia và một kẻ đánh bẫy chuột cố cựu, trước sự hiện diện
của kẻ đó quả thực những gì muốn thủ khẩu như bình cũng phải thốt lên tiếng
nói…
Cả cuốn sách này nữa - nhan đề đã bộc lộ nội dung - trước hết là một sự giải
trí, một chấm ánh sáng, một cuộc đào thoát vào những giờ nhàn rỗi của một tâm
lý gia. Có thể còn là một cuộc chiến tranh mới nữa? Và biết đâu có thể bắt được
quả tang những bí mật của những thần tượng mới?... Cuốn tiểu luận này là một cuộc
khai chiến vĩ đại; còn về vấn đề nhằm thăm dò những thần tượng, lần này không
phải là những thần tượng thời đại mà là những thần tượng vĩnh cửu ở
đây sẽ bị đụng chạm đến bằng một chiếc búa như thể bằng cái âm thoa - cuối cùng
không còn những thần tượng cổ kính nữa… Cũng không còn những thần tượng trống rỗng
nữa… Nhưng điều đó không ngăn cản được người ta tin tưởng nhất; cũng
như không ngăn cản người ta, ngay cả trong những trường hợp cao quí nhất, không
gọi là thần tượng nữa…
Turin, 30 tháng Chín, 1888, ngày hoàn tất cuốn sách đầu tiên của Cuộc đảo
hoán mọi Giá Trị [2]
Friedrich Nietzsche
Châm ngôn và tên nhọn
1. Nhàn cư là khởi đầu của tất cả mọi tâm lý học. Sao? tâm lý học có thể là… một tật
xấu?
2. Ngay cả kẻ can đảm nhất trong chúng ta cũng ít khi có đủ can đảm khẳng định điều
hắn thực sự biết.
3. Để sống một mình người ta phải là một con vật hay một thần thánh - Aristote nói
như vậy. Còn có trường hợp thứ ba nữa: người ta phải vừa là thú vật vừa là thần
thánh - đó là triết gia.
4. “Tất cả mọi chân lý đều đơn giản.” - Đó không phải là một lời dối trá phức tạp
sao?
5. Nói một lần dứt khoát, có nhiều điều tôi không muốn biết. - Minh triết
vạch ra những giới hạn, ngay cả đối với hiểu biết.
6. Chính vì trong bản chất của người ta có chất man rợ mà người ta có thể khôi phục
lại được sự ác tà của mình, tôi muốn nói tâm linh tính…
7. Sao? Con người chỉ là một sự nhầm lẫn của Thượng Đế hay Thượng Đế chỉ là một sự
nhầm lẫn của con người?
8. Trường chiến tranh của đời.- Cái gì không giết tôi khiến tôi mạnh mẽ hơn.
9. Hãy tự giúp mình: rồi tất cả sẽ trợ giúp mình. Nguyên tắc bác ái của Kitô giáo.
10. Chúng ta đừng hèn nhát trước những hành động của chúng ta! Chúng ta đừng bỏ rơi
chúng ta trong cơn bối rối! - Sự hối hận của lương tâm là điều khiếm nhã.
11. Con lừa có thể bi thảm không? - Bị đè bẹp dưới một gánh nặng mà người ta
không thể mang cũng không thể quẳng đi?... Trường hợp của triết gia.
12. Nếu người ta - thủ hữu câu hỏi tại sao của cuộc đời, người ta sẽ quen
với bất cứ câu hỏi thế nào nào - Con người không khát vọng hạnh phúc;
chỉ có người Ăng Lê làm vậy thôi.
13. Người đàn ông đã tạo ra người đàn bà - nhưng bằng gì vậy? Bằng xương sườn Thượng
Đế của hắn, - bằng lý tưởng của hắn…
14. Sao? Bạn đang tìm kiếm gì? Bạn muốn nhân bạn lên một chục lần? Một trăm lần? Bạn
tìm kiếm những kẻ theo mình? - Tìm hư không! [3]
15. Những con người sống lại sau khi đã chết [4] -
như tôi chẳng hạn - ít được hiểu hơn những người sống phù thời, nhưng họ được
người ta lắng nghe chăm chú hơn. Nói rõ hơn: chúng ta không bao giờ
được hiểu cả - và đó chính là quyền uy của chúng ta.
16. Giữa đám quần thoa. - “Chân lý! Ồ! Chị không biết chân lý là gì rồi! Nó chẳng
phải là một toan tính xâm phạm pudeur [5] của
chúng ta sao?
17. Đây là một nghệ sĩ, như những nghệ sĩ tôi yêu, đơn giản trong nhu cầu: hắn thực
sự cần có hai điều: bánh mì và nghệ thuật của hắn, - panem et Circen…
18. Kẻ nào không biết đặt ý chí của mình vào sự vật, muốn ít nhất đặt vào trong đó
một ý nghĩa: điều đó khiến hắn tưởng trong đó đã hàm chứa một ý chí
(nguyên tắc “tin tưởng”).
19. Sao? Bạn đã chọn đức hạnh và tâm hồn cao thượng đồng thời lại ghen ghét nhìn lợi
lộc của những kẻ thô lỗ phóng tâm trục vật? Nhưng với đức tính người
ta khước từ “lợi lộc” mà… (để viết trên cửa nhà những kẻ bài Do
Thái).
20. Một người đàn bà hoàn toàn xúc phạm văn chương cũng như nàng phạm một tội lỗi
nhỏ: để thử chơi, trong khi quay đầu lại ngó xem ai có để ý không, và để
cho một người nào đó để ý…
21. Phải đặt mình vào những hoàn cảnh trong đó người ta không được có những đức
tính giả hình, nhưng trong những hoàn cảnh ấy, tựa như một người múa trên dây
hoặc là người ta té hoặc đứng thẳng hoặc từ bỏ…
22. “Những người độc ác không biết hát”. Vậy thì tại sao những người Nga lại biết
hát?
23.
“Tinh thần Đức”: từ mười tám năm nay [6] là
một contradictio in adjecto [7].
24. Vì muốn tìm nguồn gốc khởi nguyên, người ta trở thành một con tôm [8].
Nhà sử học nhìn lại đằng sau: cuối cùng ông ta tin tưởng vào phía
sau.
25. Sự thỏa mãn bảo vệ người ta khỏi ngay cả sự cảm lạnh. Một người đàn bà biết mặc
áo quần đầy đủ có cảm lạnh không nhỉ? - Tôi giả thiết trường hợp nàng mặc quần
áo mong manh.
26. Tôi hồ nghi tất cả những người muốn thiết lập hệ thống và tránh xa họ. Ý muốn lập
hệ thống là sự thiếu ngay thẳng thanh liêm.
27. Người ta nói rằng người đàn bà sâu sắc - tại sao? Bởi vì người ta không bao giờ
tới được đáy sâu của họ. Người đàn bà không hời hợt nữa.
28. Khi người đàn bà có những đức tính đàn ông, người ta lảng tránh nàng, và nếu
nàng không có những đức tính ấy, nàng sẽ chạy trốn chính nàng.
29. Trước kia lương tâm phải cắn nhiều xiết bao! Nó có bộ răng tốt biết mấy! Và
ngày nay? Có chuyện gì trục trặc xảy ra? - Vấn đề của nha sĩ.
30. Ít khi người ta phạm nguyên chỉ một lỗi lầm khinh xuất. Với lỗi lầm khinh xuất
đầu tiên, người ta luôn làm quá. Chính vì lý do đó, người ta thường phạm lỗi thứ
hai - và bây giờ thì lại quá ít.
31. Khi bị giẫm chân lên, con con sâu sẽ cuộn mình lại. Đó là tính thận trọng khôn
ngoan. Bằng cách đó nó giảm dần tai họa bị giẫm lên trên lần nữa. Nói theo ngôn
ngữ đạo đức: lòng khiêm tốn.
32. Sự ghét dối trá và che đậy có thể khởi lên từ quan niệm thái quá về danh dự; sự
khinh ghét tương tự có thể khởi lên từ lòng hèn nhát, vì sự dối trá bị cấm bởi
luật thiêng liêng. Quá hèn nhát để nói dối…
33. Cần ít biết chừng nào để được hạnh phúc! Tiếng sáo mục tử. - Không âm nhạc cuộc
đời sẽ là một lỗi lầm. Người Đức còn tưởng tượng ngay cả Thượng Đế như một người
đang ca hát nữa.
34. On ne peut penser et écrire qu’assis [9] (G.
Flaubert) - Thế là ta tóm được ngươi rồi, kẻ theo hư vô chủ nghĩa! Ngồi đúng
là phạm tội với Thánh Linh. Chỉ có những tư tưởng đến với ta khi đang
bước đi mới có giá trị mà thôi.
35. Có những trường hợp chúng ta giống như những con ngựa, chúng ta, những tâm lý
gia, và chúng ta trở nên bồn chồn sợ hãi: chúng ta nhìn thấy bóng chúng ta chập
chờn trước mặt mình. Tâm lý gia phải quay mặt đi đừng nhìn mình để có
thể nhìn thấy tất cả.
36. Chúng ta có gây tổn thất gì cho đức hạnh không, chúng ta những kẻ vô
luân? - Cũng ít như những kẻ vô chính phủ làm hại những ông hoàng vậy thôi. Chỉ
khi nào đã bị bắn rồi họ mới có thể ngồi lại một cách vững vàng trên ngôi. Luân
lý: người ta phải bắn bỏ luân lý.
37. Bạn chạy trước những người khác? - Bạn làm như vậy như một mục tử? Hay như một
kẻ ngoại hạng? Trường hợp thứ ba có thể như một kẻ đào ngũ… Câu hỏi thứ nhất của
lương tâm.
38. Bạn chân thật? Hay chỉ là một kẻ đóng trò? Một đại diện? Hay chi là một kẻ được
đại diện? Cuối cùng có lẽ bạn chỉ bắt chước kẻ đóng trò… Câu hỏi thứ
hai của lương tâm.
39. Kẻ bất mãn nói. - Tôi tìm kiếm những vĩ nhân nhưng bao giờ cũng chỉ tìm thấy con
khỉ bắt chước lý tưởng của họ.
40. Bạn là kẻ ngắm nhìn? Hay một kẻ bắt tay vào công việc? - Hay một kẻ ngó lơ
quay đi chỗ khác… Câu hỏi thứ ba của lương tâm.
41. Bạn muốn đi chung cùng bạn hữu? Hay dẫn đầu? Hoặc đi riêng lẻ một mình?... Người
ta phải biết mình muốn gì và phải biết rằng mình muốn. - Câu hỏi thứ
tư của lương tâm.
42. Đối với tôi chúng chỉ là những bậc thang và tôi đã bước lên chúng - do đó tôi phải
vượt qua chúng. Nhưng chúng lại tưởng rằng tôi muốn ngồi lên chúng.
43. Có quan hệ gì việc tôi giữ lẽ phải! Tôi có quá nhiều lẽ phải. - Và kẻ nào cười
nhiều hôm nay cũng sẽ là kẻ cười cuối cùng.
44. Định thức hạnh phúc của tôi: một tiếng ừ, một tiếng không, một con đường thẳng,
một mục tiêu…
Vấn đề Socrate
1. Bàn về cuộc đời, những kẻ khôn ngoan nhất của mọi thời đại đều đưa ra một phán
đoán tương tự như nhau: cuộc đời vô giá trị… Bất cứ ở đâu và bao giờ cũng
vậy người ta đều nghe thấy câu nói đó thốt ra từ miệng họ. - Một câu nói đầy
nghi ngờ, đầy phiền não, đầy chán chường cuộc đời, đầy khinh miệt cuộc đời.
Ngay cả Socrate cũng nói lúc lâm chung: “Sống - là đau bệnh một thời gian lâu
dài: Ta nợ đấng cứu nhân độ thế Esculape một con gà [10]”
Ngay cả Socrate cũng chán mứa cuộc đời. - Điều đó chứng tỏ gì? Điều đó muốn trỏ cái
gì?- Ngày xưa có lẽ người ta sẽ nói (- Ồ, người ta đã nói rồi và nói khá lớn,
nhất là những kẻ bi quan của chúng ta): “Chắc chắn phải có một cái gì chân thực
ở đây! Consensus sapientium [11] là
bằng chứng của chân lý.” - Ngày hôm nay chúng ta sẽ còn nói như thế không?
Chúng ta còn được phép làm thế không? “Chắc chắn phải có một cái
gì bệnh hoạn ở đây” - đó là câu trả lời của chúng ta. Những kẻ khôn
ngoan nhất của mọi thời đại, ta phải nhìn họ thật gần! Có thể tất cả những người
đó chân không còn đứng vững? Chậm trễ? Run rẩy? Décadents [12] biết
đâu? Có lẽ sự khôn ngoan xuất hiện trên trái đất này như một con quạ khoang bị
hấp dẫn bởi mùi tử khí?
2. Quan niệm bất kính cho rằng những bậc hiền nhân vĩ đại là những mẫu sa đọa [13] khởi
lên trong tôi chính trong trường hợp trong đó thành kiến bác học và thành kiến
vô học đối chọi nhau kịch liệt: tôi nhận ra Socrate và Platon như những triệu
chứng suy đồi, như những công vụ của sự băng hoại của Hy Lạp, như những kẻ ngụy Hy Lạp, như những kẻ bài Hy Lạp (Sự khai sinh của bi kịch, 1872). Sự consensus
sapientium - như càng ngày tôi càng thấy rõ - chẳng chứng tỏ một chút nào
rằng họ có lý về điều mà họ đồng ý với nhau: nó chỉ chứng tỏ rằng chính họ, những
kẻ khôn ngoan nhất, một cách nào đó về phương diện sinh lý, họ tương tự như
nhau để có cùng một thái độ như nhau đối với cuộc đời - để bắt buộc phải
có thái độ đó. Sau hết, những phán đoán và những thẩm định giá trị về cuộc
đời, dù tán dương hay chống lại, đều không thể đúng được: giá trị đích thực của
chúng nằm trong sự kiện chúng là những triệu chứng; chúng chỉ có thể được coi
như là triệu chứng mà thôi - trong tự thể những phán đoán này là những điều xuẩn
ngốc. Chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách để lãnh hội sự tế nhị siêu
phàm này là giá trị của cuộc đời không thể thẩm định được [14]. Không
thể thẩm định được bởi một người còn sống, bởi hắn là thành phần, là đối tượng
của chính cuộc tranh luận nữa, chứ không phải là quan tòa; cũng không thể bởi một
người đã chết vì một lý do khác. - Về phần một triết gia, nhìn một vấn đề
trong giá trị của cuộc đời, là một vấn nạn chống lại chính hắn, một dấu
hỏi về sự khôn ngoan của hắn, một sự thiếu khôn ngoan [15] nữa
- Sao? Tất cả những người khôn ngoan vĩ đại này - không những họ là những décadents mà
họ còn không khôn ngoan nữa sao? - Nhưng tôi xin trở lại vấn đề Socrate.
3. Xét về nguồn gốc, Socrate thuộc về đẳng cấp thấp hèn nhất: Socrate thuộc dòng hạ
lưu. Người ta biết, người ta có thể thấy ông ta xấu xí biết chừng nào nữa.
Nhưng sự xấu xí tự nó đã là một vấn nạn, hầu như là một bác luận nơi người Hy Lạp.
Socrate có đúng là người Hy Lạp không? Sự xấu xí thường là dấu hiệu của một sự
phát triển bị ngăn chặn, một sự phát triển bị cản trở bởi sự pha giống.
Trong trường hợp khác, nó hiện ra như một sự phát triển suy đồi. Những nhà nhân
chủng học chuyên khảo về tội ác học tuyên bố rằng kẻ tội phạm đặc trưng xấu
xí: monstrum in fronte, monstrum in animo [16].
Nhưng kẻ tội phạm là một kẻ décadent [17].
Socrate có phải là một kẻ tội phạm đặc trưng không? - Dù sao điều đó cũng không
trái ngược với ý kiến của nhà chuyên coi tướng mạo, ý kiến khiến bằng hữu của
Socrate tức giận. Trong khi đi qua thành Nhã Điển, một người ngoại quốc biết
coi tướng mặt đã nói thẳng vào mặt Socrate rằng ông ta chỉ là một quái vật,
ông ta chứa dấu trong mình tất cả những tật xấu và những khát vọng đồi bại. Và
Socrate chỉ đáp: “Thưa ông, ông biết tôi rõ lắm”.
4. Không những sự hoang đàng và hỗn loạn của bản năng chỉ sự décadence nơi
Socrate: mà sự bội dư của những khả năng luận lý, và sự độc ác méo mó còn là những
đặc tính nổi bật nơi ông ta nữa. Chúng ta đừng quên rằng những ảo tưởng thính
giác, dưới danh từ “con quỷ của Socrate”, được diễn giải theo một ý nghĩa tôn
giáo. Tất cả mọi sự nơi ông ta đều quá đáng, hài hước, hoạt kê, đồng thời đều dấu
diếm, có ẩn ý, tà khuất. Tôi cố gắng tìm hiểu xem đặc tính nào đã có thể khai
sinh ra cái phương trình Socrate này: lý trí = đức hạnh = hạnh phúc: cái phương
trình quái gở nhất, và đặc biệt, nghịch lại tất cả mọi bản năng Hy Lạp xưa.
5. Với Socrate, thị hiếu Hy Lạp biến đổi theo chiều thuận lợi cho biện chứng pháp:
thực ra điều gì đã xảy ra? Trước hết, thị hiếu cao nhã đã biến mất; với biện chứng
pháp, đám hạ lưu len chân tới thượng đỉnh. Trước Socrate, những lề lối biện chứng
bị khai trừ trong xã hội thượng lưu: chúng bị coi như những kiểu cách xấu xa,
chúng có tính cách thỏa hiệp bình dân. Thanh niên được cảnh giác lánh xa. Người
ta còn nghi kỵ cả những kẻ trình bầy lý lẽ của mình. Những sự việc lương thiện
cũng như những con người lương thiện không mang phơi trần những lý lẽ của mình
cách ấy. Phơi bầy cái tốt lành của mình là điều vô phép. Cái cần phải chứng rỏ
không có giá trị bao nhiêu. Bất cứ nơi nào mà uy quyền hãy còn thuộc tập tục tốt,
bất cứ nơi nào mà người ta không “luận lý” mà chỉ ra lệnh, thì nhà biện chứng
pháp là một thứ hề: hắn bị chế nhạo, hắn không được coi trọng. Socrate là tên hề thành
công trong việc bắt người khác coi mình là trọng: vậy thì chuyện gì đã thực
sự xảy ra?
6. Người ta chỉ chọn biện chứng pháp khi nào không còn cách nào khác. Người ta biết
rằng biện chứng pháp gây ra nghi ngờ, rằng nó không hùng hồn lắm. Không có gì dễ
xóa bỏ hơn hiệu quả biện chứng: sự kiện này được chứng minh trong những cuộc hội
thảo. Nó chỉ có thể là sự tự vệ cuối cùng của những người không có khí giới.
Người ta phải dành giật quyền hành của mình: nếu không, người ta không dùng đến
nó. Đó là lý do tại sao, những người Do Thái đều là những nhà biện chứng; Lão
Cáo - già [18] là
nhà biện chứng: sao vậy? Socrate cũng là một nhà biện chứng sao?
7. Sự hài hước của Socrate là một biểu lộ của phản kháng? Của lòng hờn
oán của đám hạ lưu? Ông ta có thích thú nếm mùi tàn bạo của chính mình
trong mũi dao nhọn của tam đoạn luận, như một kẻ bị áp chế không? Ông có trả
thù những người quí phái ông dụ hoặc không? - Là một nhà biện chứng, người ta nắm
trong tay một khí cụ tàn nhẫn; với sự trợ giúp của nó người ta có thể làm một bạo
chúa; người ta thỏa hiệp trong khi chiến thắng. Nhà biện chứng để nó lại cho địch
thủ để chứng tỏ rằng hắn không phải là một tên ngốc: hắn làm người ta nổi điên
và đồng thời trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Nhà biện chứng bất lực
hóa trí tuệ đối thủ. Sao? Biện chứng pháp chỉ là một hình thức trả
thù trong trường hợp Socrate?
8. Tôi đã cho thấy bằng cách nào Socrate có thể làm người ta xa lánh: bây giờ điều
quan trọng nhất là giải thích sự kiện ông ta đã mê hoặc cách nào. Ông
ta đã khám phá ra một nghệ thuật chiến đấu mới, ông ta là kiếm sư đầu
tiên của những giới quý tộc ở Nhã Điển, đó là lý do thứ nhất. Ông ta mê hoặc bởi
ông ta khêu gợi những bản năng hiếu chiến của người Hy Lạp, - ông ta đã đưa vào
trường đô vật giữa người lớn và thanh niên một sự thay đổi. Socrate còn là một
người đại dâm đãng.
9. Nhưng Socrate còn tiên đoán nhiều cái khác nữa. Ông ta nhìn thấu suốt những nhà
quý phái Nhã Điển; ông ta thấy rằng trường hợp của ông ta, trường hợp riêng của
ông ta, chẳng phải là trường hợp ngoại lệ phi thường, ngay cả trong thời đại
ông ta. Sự suy đồi tương tự thầm lặng sửa soạn ở khắp nơi: thành Nhã Điển cổ
kính đang hấp hối. Và Socrate hiểu rằng toàn thể thế giới cần ông ta
- cần phương thuốc, cách chữa trị, phương thức tự bảo tồn đặc biệt của ông ta. Ở
khắp nơi, những bản năng đều ở trong tình trạng hỗn loạn; khắp nơi người ta chỉ
cách xa sự thái quá có một bước: monstrum in animo là hiểm họa chung.
“Bản năng muốn đóng vai bạo chúa chuyên chế; cần phải tạo ra một phản bạo
chúa mạnh hơn”… Khi nhà chuyên coi tướng mạo đã cho Socrate thấy con người
thực của ông ta, một miệng núi lửa đầy rẫy mọi khát vọng xấu xa, nhà đại hài hước
này đã thốt ra một câu cho chúng ta một cái chìa khóa mở vào bản chất của ông
ta. “Điều đó đúng, nhưng tôi đã chế ngự được tất cả”. Bằng cách nào Socrate đã
tự chủ được chính mình? Trường hợp của ông ta, rốt cuộc cũng chỉ là trường
hợp thái quá, một thí dụ rõ rệt nhất của một trạng thái tuyệt vọng đang bắt đầu
trở thành phổ quát: không ai còn có thể tự làm chủ mình nữa, những bản năng đang
trở nên chống đối lẫn nhau. Ông ta cám dỗ vì là thí dụ thái quá của
trạng thái này - sự xấu xí khủng khiếp của ông ta khiến mọi mắt nhìn đều tỏ rõ:
ông ta còn cám dỗ hơn nữa, điều đó tự nhiên, như một câu trả lời, như một
phương sách, như một cách chữa trị hiển nhiên của trường hợp này.
10. Khi người ta thấy cần phải biến lý trí thành một bạo chúa chuyên chế,
như Socrate đã làm, thì hiểm họa một cái gì khác cũng muốn thủ vai bạo chúa
chuyên chế không phải là nhỏ. Chính lúc đó lý trí được khám phá như một đấng cứu
thế. Cả Socrate lẫn những “kẻ bệnh hoạn” không được tự do chọn có lý hay không
có lý: điều đó tính cách de rigueur, đó là phương thuốc cuối cùng của họ.
Sự cuồng tín mà toàn thể tư tưởng Hy Lạp nhào vào lý trí tố cáo một tình trạng
khẩn trương: như người ta đang trong cơn hiểm họa, người ta chỉ có một sự lựa
chọn duy nhất: hoặc là chìm đắm tận đáy hoặc - lý trí một cách phi lý… Chủ
trương đạo đức của những triết gia Hy Lạp từ Platon bị điều kiện hóa của một
cách bệnh hoạn; sự thẩm định về biện chứng pháp của họ cũng vậy. Lý trí = đức hạnh
= hạnh phúc chỉ có nghĩa: người ta phải bắt chước Socrate và đương đầu với những
đam mê đen tối bằng cách thường trực tạo ra ánh sáng ban ngày - ánh
sáng lý trí. Phải thận trọng, sáng sủa, minh bạch bằng mọi giá: tất cả mọi nhượng
bộ cho bản năng, vô thức đều đưa xuống dốc…
11. Tôi đã cho thấy cách mà Socrate cám dỗ: ông ta có vẻ là một thầy thuốc, một đấng
cứu thế. Có cần phải vạch ra sự sai lầm trong niềm tin vào “lý trí với bất cứ
giá nào” của ông ta nữa không? - Đó là một sự tự lừa dối về phía những triết
gia và những nhà luân lý khi họ tin tưởng rằng họ thoát ra khỏi sự décadence bằng
cách gây chiến với nó. Điều đó ở trên khả năng của họ: cái họ chọn lựa như một
phương thuốc, như một phương tiện cứu chuộc, lại chỉ là một sự biểu lộ khác của
sự décadence - họ chỉ thay đổi cách biểu lộ của nó, chứ họ
không hủy bỏ được chính nó. Socrate là một sự ngộ nhận; toàn thể luân lý nhằm cải thiện, kể cả luân lý Kitô giáo là một sự ngộ nhận… Ánh sáng chói lọi
nhất, lý trí với bất cứ giá nào, đời sống minh bạch, lạnh lùng, thận trọng, ý
thức, không phải bản năng, chống lại bản năng, chỉ là một sự bệnh hoạn, một thứ
bệnh hoạn mới - chứ không phải là một sự trở về “đức hạnh”, “sức khỏe”, hạnh
phúc… Bắt buộc phải chiến đấu chống lại bản năng - đó là định thức của
sự décadence: chừng nào mà cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và
bản năng đồng nhất.
12. Tự ông ta có hiểu điều đó không, ông ta, người thận trọng nhất trong những kẻ tự
lừa dối mình? Ông ta có tự thú nhận với mình vào giây phút cuối cùng, trong sự khôn
ngoan của lòng can đảm trước cái chết không?... Socrate muốn chết:
- Không phải Nhã Điển mà chính là ông ta tự trao cho mình chén thuốc
độc… “Socrate không phải là thầy thuốc”, ông ta thầm nhủ: “Chỉ có cái chết mới
là thầy thuốc ở đây… Chỉ có Socrate mới đau một cơn đau dài…”
[1] Tinh
thần lớn mạnh, sức khỏe gia tăng bởi vết thương - Ghi chú của Dịch giả (G.c.D.)
[2] Tức Kẻ
chống Chúa - (G.c.D.)
[3] Suche
Nullen! “Nullen” có nghĩa là không ai cả, số không và đồng thời cũng có
nghĩa là Hư không. - (G.c.D.)
[4] Posthume
menschen. Nietzsche thường tự coi mình như một con người sống phi thời
gian (unzeitghe mäss), trên thời gian, độc lập với thời đại, sống như một
cái bóng trong lúc sinh thời và chỉ hồi sinh, sống động sau khi đã chết đi. Con
người thuộc về tương lai, sống cho và sống với thế hệ mai hậu. CT. “Những suy
tưởng phi thời” (Unzeitgemässe Betrachtungen). - G.c.D.
[5] Pháp
văn trong nguyên bản: “Ist sie nicht ein Attentat auf alle unsre pudeurs?”:
“Nó không phải là sự xâm phạm tiết hạnh của chúng ta sao?” - G.c.D.
[6] Kể
từ ngày thành lập Reich (Đế Quốc)
[7] Trái
ngược về thời gian
[8] Có
lẽ phải viết: “Vì muốn tìm về nguồn gốc khởi nguyên, người ta trở thành một con
cua”. Nhưng Nietzsche viết: “Damit, dass man nach den Anfăngen sucht, wird man
Krebs” - G.c.D.
[9] Pháp
văn trong nguyên bản: “Người ta chỉ có thể suy tưởng và viết khi ngồi.” -
G.c.D.
[10] Esculape
hay Asklêpios viết theo tiếng Hy Lạp, là Thần Y thuật hay tổ sư nghề thuốc.
[11] La
văn: sự đồng ý của những kẻ khôn ngoan. “Der consensus sapientium beweist die
wahrrheit”: “Sự đồng ý của những kẻ khôn ngoan là bằng chứng của chân lý.”
[12] Pháp
văn trong nguyên bản: suy đồi, một trong những khai ngữ của Nietzsche, chỉ
những kẻ bi quan, hướng vọng quá khứ, Thiên Đàng, Thượng Đế và tuyệt vọng -
G.c.D.
[13] Niedergangs
- Typen - G.c.D.
[14] der
Wert des Lebens nicht abgeschätzt werden kann.
[15] Nietzsche
công kích Engène Dühring, tác giả Giá trị của cuộc đời - G.c.D.
[16] La
văn trong nguyên tác: một quái vật trên nét mặt, một quái vật trong linh hồn.
[17] Nietzsche
phân biệt hai thứ tội phạm, một thứ tội phạm vì dũng mãnh, một thứ tội phạm vì
yếu hèn. Do đó có một thứ tội phạm phẩm cách cao nhã, một thứ tội phạm đáng
kinh tởm. Ở đây nói về loại thứ hai, trong khi ở đoạn 45, chương “Những cuộc viễn
hành của con người phi thời” đề cập tới loại thứ nhất. - G.c.D.
[18] Reineke
Fuchs - G.c.D.
“Lý trí” trong triết học
1. Bạn hỏi tôi tất cả đặc chất nơi những triết gia là gì?... Chẳng hạn sự thiếu cảm
thức lịch sử của họ, sự thù ghét ý tưởng về Biến Dịch của họ, chủ trương tồn cổ
kiểu Ai Cập của họ. Họ tưởng họ làm vẻ vang một sự việc khi họ tước bỏ khía cạnh
lịch sử của nó, sub specie aeterni [1] ,-
khi họ biến nó thành một xác ướp. Tất cả những ý tưởng mà những triết gia mân
mê hàng năm chỉ là những ý tưởng xác ướp; không có gì thực thoát ra khỏi bàn
tay họ mà còn sinh động. Họ giết, họ lột da, nhồi trấu khi họ tôn sùng, những vị
sùng bái ý tưởng này, - họ trở thành một hiểm họa chết chóc cho tất cả mọi sự
khi họ tôn sùng. Chết chóc, thay đổi, tuổi tác, cũng như sinh sản và trưởng
thành đối với họ đều là những dị luận - những bác luận nữa. Cái đang hiện hữu
không biến dịch; cái biến dịch không hiện hữu… Bây giờ họ hoàn
toàn tin, tới độ tuyệt vọng nữa, vào Hữu Thể [2].
Nhưng vì họ không thể nắm được nó, họ tìm kiếm lý do tại sao họ bị ngăn trở
không đạt tới. Phải có một Hiển Thể [3],
một sự lừa gạt, ngăn cản không cho chúng ta tri giác Hữu Thể: kẻ lừa gạt ở
đâu?” - “Chúng ta nắm được nó rồi”, họ sung sướng kêu lên; “đó là nhục cảm. Những
giác quan này, đồng thời cũng rất vô luân, chính chúng lừa gạt chúng ta về
thế giới chân thực. Luân lí: thoát ra khỏi sự lừa gạt của giác quan, khỏi
biến dịch, khỏi lịch sử: lịch sử không là gì khác hơn sự tin tưởng vào giác
quan, tin tưởng vào dối trái. Luân lý: khước từ tất cả những kẻ tin vào giác
quan, khước từ toàn thể nhân loại: tất cả những kẻ đó đều thuộc về “quần
chúng”. Là một triết gia, là một xác ướp, trình bầy thuyết monotonothéisme bằng
cách bắt chước điệu bộ của phu đào huyệt! - Và trên hết, tẩy chay thân
xác, cái idée fixe [4] đáng
thương của những giác quan! Nhiễm đầy khuyết điểm của luận lý, bị bác bỏ, bất
khả nữa, dù khá trơ trẽn khi cư xử như thể nó có thật…”
2. Với một niềm kính cẩn vô biên, tôi đặt riêng tên tuổi Héraclite [5] sang
một bên. Nếu tất cả bọn triết gia khước từ chứng cớ minh bạch của những giác
quan bởi chúng cho thấy phức tính và biến chuyển, thì ông cũng khước từ chứng cứ
minh bạch của bọn họ vì họ trình bày sự vật như thể chúng có trường cửu tính và
nhất tính. Ngay cả Héraclite cũng bất công với những giác quan. Giác quan không
lừa dối theo cách những triết gia trường phái Éléates tưởng, cũng không như ông
tưởng - chúng không lừa dối bao giờ cả - Chính điều ta tạo nên từ chứng
cớ minh bạch của chúng là cái đầu tiên du nhập sự dối trá vào; chẳng hạn sự dối
trá của nhất thể, sự dối trá của thực tại, của bản thể, của trường cửu… Lý trí
chính là nguyên do của sự xuyên tạc chứng cớ minh bạch của giác quan. Chừng nào
mà giác quan chỉ sự biến dịch, sự chuyển biến, sự đổi thay, chúng không dối
trá… Nhưng Héraclite sẽ mãi mãi đúng khi tuyên bố rằng Hữu Thể chỉ là một ảo tưởng
rỗng tuếch. Thế giới “hiển lộ bề ngoài” là thế giới duy nhất: thế giới “chân thực”
chỉ là do sự dối trá thêm vào…
3. Và những giác quan của chúng ta là những dụng cụ quan sát tinh xảo biết bao!
Cái mũi chẳng hạn, mà không triết gia nào không từng cung kính và biết ơn khi
nói tới, ngay như cái mũi tạm thời là dụng cụ tế nhị nhất thuộc quyền sử dụng của
chúng ta: dụng cụ này có thể ghi nhận những sự sai biệt nhỏ nhặt nhất trong sự
vận chuyển, mà ngay cả kiếng quang phổ cũng không thể ghi nhận được. Ngày nay
chúng ta có khoa học tới chừng độ nào mà chúng ta quyết định chấp nhận chứng
cớ minh bạch của những giác quan, - tới chừng độ mà chúng ta làm bén nhọn và võ
trang những giác quan, học suy tưởng chúng tới cùng. Còn lại là sự sẩy non chứ
chưa phải là khoa học nữa: nghĩa là siêu hình học, thần học, tâm lý học hay nhận
thức luận. Hay khoa học hình thức, lý thuyết về biểu tượng: như luận
lý và luận lý học ứng dụng, toán học. Trong tất cả những khoa học này thực tại
không hề lộ diện, dù như một vấn đề; cũng hiếm hoi như câu hỏi một hệ thống ký hiệu quy ước như luận lý có giá trị gì vậy.
4. Đặc chất khác của các triết gia cũng không kém phần nguy hiểm: nó hệ
tại việc lẫn lộn cái cuối cùng với cái đầu tiên. Họ đặt cái đến sau cùng - bất
hạnh thay! bởi nó không bao giờ được đến! - những “khái niệm cao nhất”, nghĩa
là những khái niệm đại cương nhất và rỗng tuếch nhất, đám khói cuối cùng của thực
tại bốc hơi, lên đầu và như cái khởi đầu. Một lần nữa đây lại là cách
duy nhất biểu lộ lòng sùng kính của họ: cái cao cả nhất không được
phép nẩy sinh từ cái thấp nhất, không bao giờ được phép nẩy
sinh… Luân lý: tất cả những gì thuộc thượng đẳng phải là causa sui [6].
Bắt nguồn từ một căn nguyên khác bị coi như một vấn nạn, như đáng hồ nghi về
giá trị. Tất cả mọi giá trị siêu đẳng phải thuộc thượng đẳng, tất cả mọi khái
niệm siêu đẳng như hữu thể, tuyệt đối, chân, thiện, hoàn hảo - tất cả đều không
thể “trở thành” do đó phải là causa sui. Nhưng những khái
niệm siêu đẳng này cũng không thể bất tương xứng với nhau… Vì lẽ đó họ đi tới
khái niệm kỳ dị của họ về “Thượng đế”… Cái cuối cùng, cái mong manh nhất, trống
rỗng nhất được đặt lên đầu, như nguyên nhân của chính nó, như ens
realisimum [7]…
Nhân loại phải coi trọng những bệnh tưởng đau màng óc của những tên dệt mạng nhện
bệnh hoạn này! - Và nhân loại còn phải trả giá rất đắt vì đã làm vậy!...
5. Để kết luận, chúng ta hãy thiết định đường lối khác biệt trong đó chúng ta (-
tôi nói “chúng ta” vì lịch sự…) quan niệm vấn đề sai lầm và hiển thể. Trước kia
người ta thường coi sự thay đổi, đột biến là bằng chứng của hiển thể như một dấu
hiệu của sự hiện diện của một cái gì đó phải có ở đó để dẫn dắt chúng ta vào chỗ
lầm lạc. Ngày nay ngược lại, chúng ta thấy rõ rằng chừng nào mà lý trí bắt buộc
chúng ta phải quy định nhất tính, sự trường cửu, thực thể, nguyên do, thực tại,
hữu thể là một cách nào đó chúng ta bị vướng mắc vào sai lầm, cần phải sai
lầm; dù chúng ta chắc chắn thế nào, căn cứ trên sự kiểm chứng gắt gao, thì sự
sai lầm vẫn có ở đó. Ở đây cũng chẳng khác gì sự vận hành của mặt trời: trong
trường hợp kia sự sai lầm có con mắt của chúng ta làm nhân chứng, trong trường
hợp này có ngôn ngữ của chúng ta không ngớt biện hộ. Trong căn nguyên
của nó, ngôn ngữ thuộc về thời đại của những hình thức sơ khai nhất của tâm lý học: chúng ta sẽ thấy mình ở giữa lòng sự sùng bái vật thần thô thiển nếu chúng
ta triệu hồi những điều kiện cơ bản của khoa siêu hình học của ngôn ngữ, nghĩa
là của lý trí, tới trước ý thức. Khắp nơi nó chỉ thấy tác nhân và tác động [8]:
nó tin vào ý chí như nguyên nhân tổng quát; nó tin vào “tự ngã”, tin vào tự ngã
như hữu thể, tin vào tự ngã như thực thể và nó phóng chiếu lòng tin
tưởng vào tự ngã thực thể [9] của
nó lên tất cả mọi sự vật - chỉ bằng cách đó nó mới sáng tạo ra khái
niệm “sự vật”… Khắp nơi hữu thể được quan niệm, tiếp dẫn vào, như là
nguyên nhân; chính từ khái niệm về “ngã” mới tiếp nối, nẩy sinh ra khái niệm về
“hữu thể”… Thoạt kỳ thủy, là sự sai lầm tai hại lớn lao cho rằng ý chí là một
cái gì tác động, rằng ý chí là một năng lực… Ngày nay chúng ta biết rằng
đó chỉ là một danh từ không hơn không kém… Rất lâu sau, trong một thế giới trăm
ngàn lần sáng lạn hơn, sự chắc chắn, sự xác tín chủ quan, trong
sự sử dụng những phạm trù của lý trí [10] đột
nhiên đến với ý thức của những triết gia: họ kết luận rằng chúng không thể đến
từ kinh nghiệm, - vì quả thực tất cả những gì thuộc kinh nghiệm đều không thích
hợp với chúng. Vậy thì chúng bắt nguồn từ đâu? Ở Ấn Độ, cũng như ở Hy
Lạp, người ta đều mắc chung một lỗi lầm này: “Ngày xưa chắc chắn chúng ta phải ở
trong một thế giới cao siêu hơn (- thay vì nói trong một thế giới hạ đẳng hơn rất
nhiều, điều đó mới đúng!) - “chắc chắn chúng ta phải thần thánh lắm, bởi
vì chúng ta có lý trí!”… Từ trước tới nay không có gì có sức thuyết phục
ngây thơ hơn sự sai lầm về hữu thể, như nó được hình thành bởi những triết gia
thuộc trường Éléate chẳng hạn: vì mỗi chữ, mỗi câu chúng ta thốt ra đều nói lên
vì nó! - Ngay cả những đối thủ của trường Éléate cũng chịu cái ảnh hưởng quyến
rũ của khái niệm về hữu thể của họ: trong số những người đó có Démocrite, khi
ông phát kiến ra nguyên tử… “Lý trí” trong ngôn ngữ: Ôi! thật là một con mụ
lường gạt đáo để! Tôi sợ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi Thượng Đế vì
chúng ta hãy còn tin vào văn phạm…
6. Người ta sẽ cảm ơn tôi nếu tôi cô đọng một sự sáng suốt vô cùng mới mẻ và quan
trọng vào bốn luận đề: bằng cách này tôi sẽ khiến nó dễ hiểu hơn, bằng cách này
tôi sẽ khơi ra sự mâu thuẫn.
Mệnh đề thứ nhất: Những lý do khiến thế giới “này” được coi như một thế giới
của hiển thể, chính là những lý do chứng minh thực tại của nó, - một thực tại
khác tuyệt đối không thể chứng minh được.
Mệnh đề thứ hai: Những đặc tính người ta gán cho “hữu thể chân thực” [11] của
sự vật thẩy đều là những đặc tính của vô thể [12] của
hư thể [13] -
“thế giới chân thực” được xây dựng bằng cái mâu thuẫn của thế giới đích thực:
quả thực thế giới hiển lộ [14] nếu
được nhìn như thế, thì nó chỉ là một ảo tưởng thị giác luân lý.
Mệnh đề thứ ba: Nói về một thế giới “khác” thế giới này là điều hoàn toàn
vô nghĩa, miễn là chúng ta không có một bản năng mãnh liệt buộc chúng ta phỉ
báng, dèm pha và lên án cuộc đời này: trong trường hợp sau chúng ta trả
thù cuộc đời bằng sự lạm dụng ảo tưởng về một cuộc đời “khác”, một “cuộc đời
tốt đẹp hơn”.
Mệnh đề thứ tư: Chia thế giới ra làm một thế giới “thực” và một thế giới
“hiển lộ” hoặc theo lối của Kitô giáo hay lối của Kant (sau rốt, cũng chỉ là một
tín đồ Kitô xảo quyệt) thì cũng chỉ là một dấu hiệu của sự décadence -
một triệu chứng của cuộc sống sa đọa. Sự kiện người nghệ sĩ đặt hiển thể lên
trên thực tại không phải là một vấn nạn chống lại mệnh đề này. Bởi “hiển thể” ở
đây cũng có nghĩa là thực tại nữa nhưng mà dưới một hình thức lựa chọn,
kiên cường hóa, sửa sai… Người nghệ sĩ bi tráng không bi thảm, - hắn
chính là kẻ khẳng định tất cả những gì còn hồ nghi và khủng khiếp
trong cuộc đời, hắn là một kẻ theo Dionysos.
“Thế giới chân thực” cuối cùng trở thành một huyền thoại như thế nào
Lịch sử một lầm lẫn
1. Thế giới chân thực, rộng mở cho hiền nhân, kẻ mộ đạo, người đức hạnh - hắn sống
trong đó, hắn là thế giới đó.
(Hình thức tư tưởng cổ điển nhất, khá dễ hiểu, đơn giản, hùng hồn. Uyển-khúc-pháp
của mệnh đề: “Ta, Platon, ta là chân lý.”) [15]
2. Thế giới chân thực, khép kín với giây phút, nhưng hứa hẹn với hiền nhân, kẻ mộ
đạo, người đức hạnh (“với kẻ tội đồ ăn năn”).
(Sự tiến bộ của tư tưởng: nó trở nên tế nhị hơn, phỉnh gạt hơn, khúc mắc hơn,
- nó trở thành đàn bà, nó trở thành tín đồ Kitô giáo…)
3. Thế giới chân thực, khép kín, không thể chứng minh, không thể hứa hẹn, nhưng,
dù chỉ mơ tưởng, là một an ủi, một mệnh lệnh.
(Vẫn là mặt trời xưa cũ, nhưng mờ tối vì sương mù và hồ nghi; ý tưởng trở nên
xanh xao, thuộc về miền bắc, của người ở Königsberg [16])
4. Thế giới chân thực, khép kín? Khép kín trong bất cứ trường hợp nào. Và vì khép
kín nên cũng bất khả tri. Vì lẽ đó nó cũng không an ủi, không cứu rỗi,
không bổn phận: làm thế nào một bất khả tri có thể buộc chúng ta một điều gì
đó?
(Sớm mai xám. Những cái ngáp dài đầu tiên của lý trí. Tiếng gà gáy của thuyết
duy nghiệm).
5. Thế giới “chân thực” - một ý tưởng vô dụng, không có ý nghĩa ngay cả như một bổn
phận nữa - một ý tưởng đã trở nên vô tích sự, dư thừa, do đó, một ý tưởng
bị bác bỏ: chúng ta hãy tiêu diệt nó đi!
(Ngày sáng lạn; bữa điểm tâm đầu tiên; sự trở về của bon sens và vui
tươi; Platon đỏ mặt vì mắc cỡ; tất cả mọi tinh thần tự do gây huyên náo dữ dội.)
6. “Thế giới chân thực”, chúng ta đã tiêu diệt rồi: còn lại thế giới nào? Có lẽ thế
giới hiển lộ chăng?... Nhưng không! Với thế giới chân thực chúng ta đã
tiêu diệt thế giới của những hiển thể!
(Giữa ngọ: khoảnh khắc bóng tối ngắn ngủi nhất: chung cục của sự sai lầm lâu
dài nhất; cực điểm của nhân loại; INICIPIT ZARATHUSTRA.) [17]
Luân lý như một cái gì phản tự nhiên
1. Tất cả mọi đam mê đều có một thời trong đó chúng chỉ là tai họa, trong đó chúng
dìm những nạn nhân dưới sức nặng của sự điên cuồng của chúng, - và một thời kế
tiếp, rất lâu sau trong đó, chúng kết hợp với tinh thần, trong đó chúng tự
“tinh thần hóa”. Ngày xưa, vì sự điên cuồng trong đam mê, người ta đã gây chiến
với chính đam mê: người ta âm mưu tiêu diệt nó, - tất cả mọi quái vật luân lí cổ
điển đều đồng tâm nhất trí với nhau về điểm này: “il faut tuer les passions” [18].
Định thức lừng danh nhất cho việc này nằm trong Tân Ước, đoạn Bài Giảng trên
Núi, nơi, xin nói qua, những sự vật không hề được nhìn từ một đỉnh cao. Chẳng
hạn nói về dục tình: “Nếu con mắt các ngươi lăng nhục các ngươi, hãy móc mắt
ra.”: may mắn thay không tín đồ Kitô giáo nào theo lời khuyên này. Tiêu diệt những
đam mê và khát vọng chỉ vì sự điên cuồng của chúng, và để ngăn ngừa những hậu
quả tai hại của chúng - dường như đối với chúng ta ngày nay chỉ là một hình thức
bén nhọn của điên cuồng. Chúng ta không còn thán phục những nghệ sĩ chuyên nhổ
răng để chúng không làm đau được nữa… Đằng khác có thể công bình chấp nhận
rằng, trên lãnh vực mà Kitô giáo tăng trưởng, ý tưởng về sự “tinh thần hóa đam
mê” không thể quan niệm được. Bởi Giáo Hội nguyên thủy, như mọi người đều
biết, chống lại những kẻ “thông minh” vì lợi ích của những kẻ “nghèo khó trong
tinh thần”, làm sao người ta có thể trông đợi nó một cuộc chiến thông minh chống
lại đam mê được? Giáo Hội đánh phá những đam mê bằng cách làm cỏ tận rễ, biện
pháp cách “chữa trị” của Giáo Hội là thiến. Giáo Hội không bao giờ hỏi:
“Làm thế nào người ta có thể tinh thần hóa, tô điểm, thần thánh hóa một dục vọng?”-
Giáo Hội luôn đặt nặng kỷ luật của mình lên sự tuyệt diệt (dục vọng, lòng kiêu
căng, tham vọng quyền lực, biển lận, thù hận) - Nhưng tấn công đam mê tận gốc rễ
của nó có nghĩa là tấn công cuộc đời tận gốc rễ của nó vậy: biện pháp của Giáo
Hội thù nghịch với cuộc đời…
2. Cũng phương thuốc đó: sự thiến và diệt dục đó, được chọn dùng một cách tự nhiên
theo bản năng trong cuộc chiến đấu chống lại dục vọng bởi những ý chí quá yếu
đuối, quá sa đọa để có thể cưỡng bách dục vọng đó phải chấp nhận một giới hạn;
bởi những bản chất cần la Trappe [19],
nói một cách ẩn dụ (và không hình ảnh), một sự khai chiến quyết liệt của lòng cừu
hận, một vực thẳm ngăn cách giữa họ và đam mê. Chính những kẻ sa đọa mới thấy những phương tiện triệt để là tối cần thiết; sự yếu đuối của ý chí, rõ
rệt hơn sự bất lực không thể phản ứng chống lại một sự kích thích,
chính nó mới là một hình ảnh của sa đọa. Lòng cừu hận triệt để, sự căm thù
không đội trời chung đối với nhục cảm luôn luôn là một triệu chứng trầm trọng cần
phải xét lại; người ta có quyền đặt những giả thiết về tình trạng chung của một
kẻ cực đoan về phương diện này. - Tuy nhiên, lòng cừu hận, sự căm thù này chỉ
lên tới cao độ khi những bản chất này không còn đủ quả cảm ngay cả cho sự chữa
trị tận gốc rễ, cho sự khước từ “ma quỷ” của họ. Thử nhìn lướt qua toàn thể lịch
sử những tu sĩ và những triết gia, kể cả những nghệ sĩ nữa: những lời nói hiểm
độc nhất nhằm chống lại giác quan không xuất phát từ những kẻ bất lực
cũng chẳng từ những kẻ khổ hạnh, mà là từ những kẻ thấy mình không thể
trở nên khổ hạnh, vì những kẻ cần trở nên khổ hạnh…
3. Sự tinh thần hóa nhục cảm được gọi là tình yêu: đó là một chiến thắng lớn
lao trên Kitô giáo. Một chiến thắng khác nữa là sự tinh thần hóa lòng cừu
hận của chúng ta. Nó hệ tại sự thấu hiểu sâu xa giá trị của việc có kẻ
thù: tóm lại, hệ tại sự hành động và suy tưởng ngược lại đường lối người ta
hành động và suy tưởng ngày xưa. Giáo Hội bao giờ cũng chỉ muốn tiêu diệt kẻ
thù: chúng ta, những kẻ vô luân và chống Kitô giáo, chúng ta thấy rằng Giáo Hội
tồn tại là điều ích lợi cho chúng ta… Trong chính trị cũng vậy, lòng cừu hận đã
trở nên tinh thần hơn - thận trọng hơn, chín chắn hơn, an hòa hơn rất nhiều. Hầu
hết mọi đảng đối lập của họ không đi đến chỗ suy yếu là điều có lợi cho chính sự
tự bảo tồn của họ; sự kiện này đúng cả trong trường hợp đại chính trị. Một sự
sáng tạo mới, một Đế quốc chẳng hạn, cần thù hơn cần bạn: chỉ khi đối chọi, nó
mới tự cảm thấy cần thiết, chỉ khi đối chọi, nó mới trở nên cần thiết…
Chúng ta chấp nhận một thái độ tương tự đối với kẻ “nội thù”: ở đó chúng ta
cũng tinh thần hóa cừu hận, ở đó chúng ta mới hiểu giá trị của nó. Người
ta chỉ phong phú với điều kiện phải trả giá bằng cách có nhiều mâu
thuẫn; người ta chỉ trẻ với điều kiện tâm hồn không nghỉ ngơi, tâm hồn không
khát khao yên ổn. Không có gì xa lạ với chúng ta hơn cái khát vọng “thanh bình
của tâm hồn” ngày xưa, khát vọng của người Kitô; không có gì khơi dậy trong
lòng chúng ta ít thèm muốn cho bằng con bò cái luân lý và sự thỏa mãn mập ú của
lương tâm yên ổn… Người ta đã khước từ cuộc đời vĩ đại khi người ta
khước từ chiến tranh… Quả thực, trong nhiều trường hợp, sự “thanh bình của tâm
hồn” chỉ là một điều ngộ nhận, - nó là một cái gì khác không biết làm
thế nào tự cho mình một cái danh xưng lương thiện hơn. Không quanh co và không
thành kiến, đây là một vài trường hợp. Chẳng hạn sự “thanh thản của tinh thần”
có thể là sự phát quang êm dịu của một thú tính phong phú vào trong lãnh vực
luân lý (hay tôn giáo). Hay có thể là sự bắt đầu của mỏi mệt, bóng tối đầu tiên
mà buổi chiều, tất cả mọi thứ chiều, tỏa ra. Hay có thể là một dấu hiệu chỉ rằng
không khí ẩm ướt, rằng gió nồm sắp thổi. Hay có thể là lòng cám ơn miễn cưỡng đối
với một sự tiêu hóa tốt đẹp (đôi khi còn có tên là tình thương nhân loại). Hay
có thể là sự tĩnh lặng tạm thời của người mới khỏi bệnh thấy tất cả mọi sự vật
đều có một hương vị mới và chờ đợi… Hay có thể là trạng thái tiếp theo sau một
sự thỏa mãn mãnh liệt của nỗi đam mê mạnh nhất của chúng ta, cảm giác thích thú
của một sự no đầy hiếm có. Hay có thể là sự suy nhược của ý chí chúng ta, của
những ước vọng của chúng ta, của những tật xấu của chúng ta. Hay có thể là sự
lười biếng, bị thuyết phục bởi lòng phù phiếm, tự trang điểm bằng luân lý. Hay
có thể là sự xuất hiện của một niềm xác tín khủng khiếp, sau sự căng thẳng kéo
dài và sự dày vò của hồ nghi. Hay có thể là sự biểu lộ của trưởng thành và tự
chủ, giữa hành động, sự sáng tạo, cố gắng, ước muốn, một hơi thở lặng lẽ khi sự
“tự do của ý chí” đã đạt tới… Hoàng Hôn của những thần tượng: Ai biết?
Hay đó cũng có thể là một thứ “thanh bình của tâm hồn” mà thôi…
4. Tôi đặt một nguyên tắc thành định thức. Tất cả mọi chủ trương duy nhiên trong
luân lý, nghĩa là tất cả luân lý lành mạnh, đều bị chế ngự bởi bản năng sống [20],-
một giới luật của cuộc sống nào đó, được làm tròn qua một quy luật “Phải” và
“Không được”, một sự ngăn cấm hay một sự cừu hận nào đó trên đường đời, như thế
đều bị gạt qua một bên. Luân lý phản tự nhiên, nghĩa là tất cả nền luân lý từ xưa tới nay đã được giảng dạy, tôn kính và thuyết giáo, ngược lại, chắc chắn
nhằm chống lại những bản năng sống, nó là một sự lên án những bản
năng này, khi thì bí mật, khi thì ồn ào và trơ trẽn. Khi nói rằng: “Thượng Đế
nhìn thấu suốt con tim”, nó đã khước từ những ước vọng sâu xa nhất và cao viễn
nhất của cuộc sống và coi Thượng Đế như kẻ thù của cuộc đời… Bậc Thánh mà
Thượng Đế hài lòng là một kẻ bị thiến lý tưởng… Cuộc đời chấm dứt ở nơi mà “nước
Chúa” bắt đầu…
5. Khi người ta đã hiểu sự phạm thượng trong một cuộc đời loạn chống lại cuộc đời
như thế này, như nó đã trở thành cực kỳ tôn nghiêm trong luân lý Kitô giáo,
chính nhờ điều đó người ta sẽ may mắn hiểu được thêm một vài điều khác nữa: đó
là sự vô ích, mê vọng hão huyền, phi lý, dối trá của một sự nổi loạn như vậy.
Vì một sự lên án cuộc đời bởi một kẻ đang sống cuối cùng chỉ là triệu chứng của
một lối sống xác định nào đó: vấn đề sự lên án này đúng hay không đúng không hề
được đặt ra. Người ta phải đặt mình ở bên ngoài cuộc đời, và mặt khác
phải hiểu biết thấu suốt cuộc đời như bất kỳ, như đa số, như tất cả mọi người
đã cảm nghiệm nó, mới được phép đụng chạm tới vấn đề giá trị của cuộc
đời: đó là những lý do túc lý để thấy rằng vấn đề này là một vấn đề ở ngoài tầm
đối với chúng ta. Khi chúng ta nói về giá trị, chúng ta không nói vì cảm hứng
và từ lăng kính của cuộc đời: chính cuộc đời buộc chúng ta phải thiết định những
giá trị; chính cuộc đời đã đánh giá trị qua chúng ta khi chúng ta thiết định những
giá trị [21]…
Do đó tất cả mọi luân lý phản tự nhiên coi Thượng Đế như khái niệm
mâu thuẫn và lên án cuộc đời, thực ra đầu chỉ là một sự đánh giá giá trị cuộc đời,
- cuộc đời nào? Thứ cuộc đời nào? - Nhưng tôi đã trả lời rồi: cuộc
đời xuống dốc, suy nhược, mệt mỏi, bị lên án - Luân lý, như được hiểu từ xưa tới
nay - như cuối cùng được thiết định thành định thức bởi Schopenhauer, như là sự
“khước từ ý chí sinh tồn” - thứ luân lý này chính là bản năng suy đồi, tự
biến thành một mệnh lệnh: nó nói: “Hãy diệt vong đi!” - đó là sự phán xét của
những kẻ bị phán xét…
6. Sau cùng chúng ta hãy thử xem người ta ngây thơ đến chừng nào khi nói rằng:
“Người ta phải thế này thế nọ!” Thực tế cho chúng ta thấy biết bao mẫu người kỳ lạ, biết bao sai biệt và biến đổi trong hình thức; thế mà nhà luân lý lười biếng
đã đi rêu rao: “Không, con người bắt buộc phải khác”?... Hắn còn biết con người
bắt buộc phải khác như thế nào nữa, kẻ cuồng tín đáng thương này, hắn
tự vẽ chân dung hắn lên tường và nói: “ecce homo!” [22]…
Nhưng ngay cả khi nhà luân lý quay sang nói riêng một mình với cá nhân: “Bạn phải
giống như thế này!”, hắn vẫn không ngừng khiến mình trở thành lố bịch. Cá nhân,
trong quá khứ và trong hiện tại, là một mảnh định mệnh, một luật lệ thêm nữa, một
thiết yếu thêm nữa cho tất cả những gì biển hiện và tất cả những gì sắp tới.
Nói với nó: “Bạn hãy thay đổi bạn đi!” có nghĩa là đòi hỏi rằng tất cả phải
thay đổi, ngay cả trong quá khứ… Quả thật, có nhiều nhà luân lý hợp lý khi muốn
rằng con người phải khác, nghĩa là phải có đức hạnh, họ muốn hắn phải rập theo
hình ảnh của họ, theo hình ảnh của những kẻ giả đạo đức. Chính vì lẽ đó mà họ
đã chối bỏ thế giới. Không phải không điên chút nào!... Chừng nào mà
luân lý lên án vì lợi ích của chính nó, không đếm xỉa gì tới
cứu cánh và mục đích của cuộc đời, thì nó là một sự sai lầm đặc biệt người ta
không thể nương tay, một đặc chất của những kẻ sa đọa đã gây ra không
biết bao nhiêu là tai hại! Trái lại chúng ta, những kẻ phi luân, chúng ta mở rộng
tâm hồn đón nhận tất cả mọi thứ hiểu biết, thấu hiểu và tán thành [23].
Chúng ta không phủ định một cách nông nổi dễ dàng, chúng ta tìm danh dự của
chúng ta trong việc trở thành những kẻ khẳng định [24]. Cặp
mắt chúng ta luôn luôn mở rộng hơn nữa cho sự cần kiệm còn cần dùng và biết
dùng tất cả cái mà sự điên rồ thiêng liêng của những tu sĩ và lý trí bệnh
hoạn của những tu sĩ thải đi, cho sự cần kiệm trong luật đời rút tỉa lợi
ích cho mình từ những loại đạo đức giả, những tu sĩ và những kẻ đức hạnh nhơ nhớp
nhất, - lợi ích gì? - Nhưng mà chính chúng ta, chúng ta những kẻ phi luân,
chính chúng ta đây đã là một lời giải đáp sống động rồi…
Bốn sai lầm trầm trọng
1. Sai lầm giữa nguyên nhân và hậu quả. - Không có sự sai lầm nào nguy hiểm hơn sự lầm
lẫn cho hậu quả là nguyên nhân: tôi gọi điều đó là sự đảo điên thác loạn
đích thực của lý trí. Tuy nhiên, sự sai lầm này là một trong những tập quán cố
cựu nhất và mới mẻ nhất của nhân loại: nó còn được thần thánh hóa giữa chúng ta
nữa, nó mang tên “tôn giáo” và “luân lý”. Bất cứ mệnh đề nào phát biểu,
bởi tôn giáo và luân lý cũng đều chứa đựng sai lầm này; những tu sĩ và những kẻ
thiết định quy tắc luân lý là những kẻ chủ xướng sự bại hoại này của lý trí.
Tôi đan cử một thí dụ. Tất cả mọi người đều biết cuốn sách nổi tiếng của
Cornaro trong đó ông ta giới thiệu sự ăn uống kiêng khem nghiêm nhặt của ông
như phương pháp cho một đời sống lâu dài và sung sướng - một đời sống đức hạnh
nữa. Ít có cuốn sách nào được đọc nhiều đến thế và ngay cả bây giờ ở Anh, mỗi
năm người ta in hàng trăm ngàn cuốn. Tôi tin rằng ít có cuốn sách nào (trừ Kinh
Thánh, dĩ nhiên) lại tác hại nhiều như thế, lại rút ngắn nhiều đời sống như sự
kỳ lạ đầy hảo ý đó. Lý do: lầm lẫn cho hậu quả là nguyên nhân. Tác giả người Ý
đáng kính này nhìn thấy trong sự ăn uống kiêng khem là nguyên nhân của
sự trường thọ của ông: trong khi điều kiện tiên quyết để sống lâu, sự chậm rãi
lạ lùng trong sự tiêu hóa, sự thẩm thấu yếu ớt, là nguyên nhân của sự ăn uống
kiêng cữ của ông. Ông ta không tự ý muốn ăn nhiều ít thế nào cũng được, sự đạm
bạc của ông ta không phải là một “sự tự do theo ý muốn”: ông ta đau ốm ngay khi
ông ta ăn nhiều. Nhưng khi người ta không phải là một kẻ ốm trơ xương thuộc loại
đó, thì không những người ta phải ăn uống đầy đủ mà người ta còn tuyệt đối cần
phải ăn uống đàng hoàng nữa. Một nhà bác học thời đại chúng ta, với sự
tiêu thụ năng lượng trí não mau chóng, chẳng bao lâu sẽ tàn tạ với régime [25] của
Cornaro, Credo experto [26].
2. Định thức phổ quát dùng làm căn bản cho mọi tôn giáo và luân lý là: “Phải làm
việc này việc nọ, không được làm việc này hay việc nọ - và người sẽ được sung
sướng! Nếu không…” Tất cả mọi luân lý, mọi tôn giáo là mệnh lệnh đó,
- tôi gọi đó là tội tổ tông của lý trí, sự phi lí muôn đời. Trong miệng
tôi định thức này đổi thành ngược lại - thí dụ đầu tiên về sự “đảo hoán mọi giá
trị” của tôi: một người cường tráng, một người “sung sướng” bắt buộc phải
làm một số hành động nào đó và tự nhiên chùn lại sợ không dám làm một số những
hành động khác; hắn mang đẳng cấp hắn tiêu biểu về phương diện sinh lý vào
trong những giác quan của hắn với con người và sự vật. Phát biểu thành định thức:
đức hạnh của hắn là kết quả của hạnh phúc hắn… [27]. Cuộc
sống trường thọ con cháu đầy đàn, không phải là phần thưởng của đức hạnh
đúng hơn chính đức hạnh, là sự trì trệ trong tiến trình thẩm thấu mà một trong
những hậu quả của nó là một cuộc sống trường thọ và hậu huệ đầy đàn, tóm lại,
cái mà người ta gọi là chủ thuyết Cornaro. - Giáo Hội và Luân lý dạy: “Tật
xấu và sự xa hoa làm tiêu diệt một chủng tộc hay một dân tộc.” Trái lại lý trí đã
được chỉnh đốn lại của tôi khẳng định: “Khi một dân tộc diệt vong, suy đồi
về phương diện sinh lý, thì từ đó mới nảy sinh những tật xấu và sự xa hoa
(nghĩa là nhu cầu kích thích mỗi ngày một mạnh hơn và thường hơn, như tất cả những
bản chất suy nhược đều biết). Gã trai trẻ kia gầy yếu xanh xao và mòn mỏi trước
tuổi. Bạn bè hắn nói: bệnh này hay bệnh nọ là nguyên nhân của sự kiện đó. Tôi
trả lời: chính sự kiện hắn bệnh tật, chính sự kiện hắn thất
bại không thể chống lại bệnh hoạn, tự nó đã là hậu quả của một cuộc sống nghèo
nàn, một sự suy nhược di truyền rồi. Những kẻ đọc báo [28] nói:
đảng này sẽ suy sụp nếu phạm phải một lỗi lầm như thế. Chính trị cao viễn của
tôi trả lời: một đảng phái mà phạm phải một lỗi lầm như thế là đã đến lúc tàn mạt
rồi vậy - nó không còn có sự chính xác bản năng nữa. Tất cả mọi lỗi lầm, bất cứ
thuộc loại nào, là hậu quả của sự suy đồi của bản năng, của sự phân hóa của ý
chí: đó hầu như là định nghĩa của cái xấu. Tất cả mọi sự tốt lành là
bản năng [29] -
và do đó dễ dàng, thiết yếu, thong dong. Sự cố gắng là một vấn nạn, thần thánh
đặc biệt khác hẳn người anh hùng (nói theo ngôn ngữ của tôi: đôi chân nhẹ nhàng
là đặc tính đầu tiên của thần tính).
3. Sai lầm về một giả nguyên nhân. - Người ta luôn luôn tưởng mình biết thế nào là
một nguyên nhân; nhưng chúng ta rút sự hiểu biết của chúng ta, hay đúng hơn,
lòng tin tưởng vào sự hiểu biết của chúng ta, từ đâu ra? Từ lãnh vực của những
“sự kiện nội tại” lừng danh mà cho đến bây giờ chưa có một sự kiện nào tự chứng
tỏ là một sự kiện xác thực. Chúng ta tin tưởng chúng ta là tác nhân trong hành
động theo ý chí: ít ra là ở đây chúng ta tin rằng chúng ta bắt được quả
tang nguyên nhân giữa đường trường. Tương tự như vậy, người ta không bao
giờ ngờ được rằng mọi anteccedentia [30] của
một hành động, nguyên nhân của nó, phải tìm trong ý thức và có thể khám phá thấy
ở đấy nếu người ta tìm kiếm chúng - như những “duyên cớ”: bởi nếu không người
ta đã không tự do hành động, chịu trách nhiệm về hành động đó. Cuối
cùng, kẻ nào đã bàn cãi rằng một tư tưởng đã được khởi lên, rằng cái tôi đã
khơi nguồn tư tưởng?... Từ ba “sự kiện nội tại” và nhờ đó nguyên nhân hầu như
được đảm bảo, nguyên nhân thứ nhất và cũng là nguyên nhân hùng hồn nhất, là ý
chí như là nguyên nhân; quan niệm về một ý thức (“tinh thần”) như nguyên nhân,
và sau đó quan niệm về cái tôi (“chủ thể”) như nguyên nhân chỉ là sản phẩm hậu
sinh, sau khi nguyên nhân, trên nền tảng ý chí, đã được thiết định vững vàng
như một sự kiện, như kinh nghiệm… Trong khi đó chúng ta suy nghĩ chín chắn hơn
về điều đó. Tất cả những điều đó ngày nay chúng ta không còn tin tưởng một chữ
nào nữa. “Thế giới nội tại” đầy những ảo ảnh và ánh sáng giả tạo: ý chí là một
trong những ảo ảnh đó. Ý chí không còn chuyển động được cái gì nữa, do đó không
còn giải thích được gì nữa - nó chỉ đi theo những biến cố, nó còn có thể vắng mặt
nữa. Cái được gọi là “duyên cớ”: một sự lầm lẫn khác. Đó chỉ là một hiện tượng
hời hợt của ý thức, một cái gì đi bên cạnh hành động, che dấu hơn là bầy tỏ những
tiền sự của hành động. Còn về phần cái tôi! Cái tôi đã trở thành một
huyền thoại, một sự tưởng tượng, một trò chơi chữ: nó đã hoàn toàn ngừng suy
nghĩ, cảm và muốn!... Từ đó xẩy ra điều gì? Không có cái gì là nguyên nhân tinh
thần cả! Toàn thể nền tảng kinh nghiệm vững chắc bảo đảm cho nó đã đi đời nhà
ma! Đó là cái nối tiếp theo! - Và chúng ta đã lạm dụng “duy nghiệm
thuyết” một cách khôn ngoan, chúng ta đã sáng tạo thế giới trên nền tảng
của nó như một thế giới của nguyên nhân, như một thế giới của ý chí, như một thế
giới của tinh thần. Nền tâm lý học cổ điển nhất và sống dai dẳng nhất đã ra tay
làm việc ở đây, thực ra nó không làm việc gì khác: tất cả mọi biến cố đối với
nó đều là hành động, tất cả mọi hành động đều là hậu quả của một ý chí; đối với
nó thế giới trở thành vô vàn tác nhân, một tác nhân, một “chủ thể” nằm tại căn
đế của mọi biến cố. Con người đã phóng ra ngoài nó ba “sự kiện nội tại” mà nó
tin tưởng chắc chắn, là ý chí, tinh thần và tự ngã, - trước hết nó diễn dịch ý
niệm về hữu thể từ ý niệm về tự ngã, nó giả thiết “sự vật” hiện hữu theo hình ảnh
nó, theo ý niệm của nó về tự ngã như là nguyên nhân. Có gì đáng ngạc nhiên đâu
khi sau này nó luôn tìm thấy trong sự vật cái mà nó đã đặt vào trong sự vật? -
Chính sự vật, xin nhắc lại lần nữa, khái niệm về sự vật, chỉ là phản ảnh của niềm
tin vào tự ngã như là nguyên nhân… Và ngay cả nguyên tử của quý vị, thưa quí vị
theo cơ giới luận và vật lý học, thứ tâm lý sai lầm không biết chừng nào mà kể
vẫn bám chặt vào nguyên tử của quý vị! - Ấy là chưa nói gì về “sự vật tự nội”,
cái horrendum pudendum [31] của
nhà siêu hình học! Sự sai lầm của tinh thần được coi như nguyên nhân, lẫn lộn với
thực tại! Và đo lường thực tại! Và được gọi là Thượng Đế!
4. Sai lầm về những nguyên nhân tưởng tượng. - Lấy giấc mơ làm khởi điểm: với một
cảm giác xác định nào đó, chẳng hạn cảm giác gây ra bởi tiếng súng đại bác từ
phía xa, một nguyên nhân liền sau đó thường được gán ghép vào (thường là cả một
cuốn tiểu thuyết nhỏ mà dĩ nhiên kẻ mơ mộng là nhân vật chính). Trong khi đó cảm
giác tiếp tục kéo dài, như một thứ âm hưởng dội lại, một cách nào đó nó chờ đợi
cho đến khi bản năng về nguyên nhân cho phép nó đi lên hàng đầu - từ nay trở đi
không phải như một sự tình cờ nữa mà như một “ý nghĩa”. Tiếng súng đại bác tự
biểu lộ dưới hình thức nguyên nhân, trong một sự đảo lộn thời gian thấy
rõ. Cái đến sau, trình bày duyên cớ, lại được cảm nghiệm trước, thường với hàng
trăm chi tiết lướt qua như một tia chớp, tiếng súng tiếp theo… Điều gì đã
xảy ra? Những ý tưởng được tạo ra bởi một trạng thái đặc biệt được diễn
dịch sai lầm như nguyên nhân của chính trạng thái đó. Quả thực, chúng ta hành động
tương tự như vậy khi chúng ta tỉnh thức. Phần lớn những cảm giác tổng quát của
chúng ta - tất cả mọi loại câu thúc, dồn ép, căng thẳng, bột phát trong tác động
hỗ tương của những giác quan, và đặc biệt hơn nữa trạng thái của nervus
sympathicus [32] -
kích động bản năng về nguyên nhân của chúng ta: chúng ta muốn có một lý do để
được ở trong một trạng thái như thế như thế - để cảm thấy mạnh khỏe hay đau yếu.
Chẳng bao giờ chúng ta thỏa mãn khi chỉ nghiệm thấy sự kiện chúng ta cảm thấy
thế này hay thế nọ: chúng ta chỉ chấp nhận sự kiện - chúng ta chỉ ý thức về
nó - khi nào chúng ta đã cung cấp cho nó một thứ nguyên nhân nào đó. - Ký ức,
trong những trường hợp này, tự nhiên trở nên linh động một cách máy móc, mang gợi
lại những trạng thái trước tương tự như vậy và những diễn giải - nguyên nhân
liên kết với chúng, - chứ không phải nguyên nhân của chúng. Chắc chắn
sự tin tưởng rằng những ý tưởng, những tiến trình song hành của ý thức, là
nguyên nhân, cũng do ký ức đem lại. Do đó nẩy ra thói quen về một
cách diễn giải nguyên nhân nào đó, quả thực, ngăn trở và cấm đoán nữa, sự truy
tìm nguyên nhân đích thực.
5. Giải thích tâm lý sự kiện trên. - Lôi kéo một cái gì chưa biết về cái đã biết rồi,
là trấn an tinh thần, làm tinh thần nhẹ nhõm, thỏa mãn, ngoài ra còn tạo ra một
cảm thức về sức mạnh. Cái chưa biết bao hàm sự nguy hiểm, bất an, lo âu - bản
năng đầu tiên là diệt trừ những hoàn cảnh đau đớn này. Nguyên tác thứ nhất: bất
cứ một giải thích nào đó cũng hơn là thiếu giải thích. Bởi vì tựu trung chỉ cần
trừ khử những ý tưởng ghê sợ, người ta không cần lưu tâm tới những phương tiện
dùng để trừ khử chúng: cái ý tưởng thứ nhất, nhờ nó, cái chưa biết tự chứng tỏ
là cái biết rồi tạo ra một cảm giác thoải mái đến nỗi nó “được coi là đúng”. Chứng
cứ khoái lạc (“sức mạnh”) như tiêu chuẩn của chân lý. - Vậy bản năng
- nguyên nhân được điều kiện hóa và kích thích bởi cảm giác sợ hãi. Câu hỏi “tại
sao?”, nếu có thể, không những cung cấp nguyên nhân cho chính nó, mà còn cả một thứ
nguyên nhân nữa - một nguyên nhân trấn an, giải thoát và làm tinh thần nhẹ
nhõm. Kết quả đầu tiên của nhu cầu này là một cái gì đã biết nay đã
hoàn toàn kinh nghiệm và được ghi nhận trong ký ức, được đặt làm nguyên nhân.
Cái mới lạ, cái chưa kinh nghiệm, cái xa lạ bị loại khỏi nguyên nhân. - Vậy thì
người ta không tìm một giải thích về nguyên nhân mà là tìm một lối giải
thích chọn lọc và được ưa chuộng, lối giải thích tiêu trừ nhanh
chóng nhất và thường nhất cái cảm giác xa lạ, chưa kinh nghiệm - những lối giải
thích thông thường nhất. - Hậu quả: một lối quy định nguyên nhân có
khuynh hướng đi tới chỗ càng ngày càng chế ngự nhiều hơn nữa, trở thành tập
trung trong một hệ thống và cuối cùng đi tới chỗ độc tôn nghĩa là loại
trừ những nguyên nhân khác và những giải thích khác. Chủ
ngân hàng nghĩ ngay tới “áp- phe”, tín đồ Kitô giáo nghĩ tới “tội lỗi”, thiếu nữ
nghĩ tới “tình yêu” của mình.
6. Toàn thể lãnh vực luân lý và tôn giáo thuộc về ý niệm “những nguyên nhân tưởng
tượng đó”. - “Giải thích” về cảm giác khó chịu chung. Những cảm giác
này tùy thuộc nơi những kẻ thù nghịch với chúng ta (những tinh thần tội lỗi: đó
là trường hợp nổi tiếng nhất - những kẻ mắc bệnh ưu uất thần kinh bị hiểu lầm
là phù thủy). Những cảm giác này tùy thuộc những hành động không thể thẩm định
(cảm thức “tội lỗi”, “phạm tội” được gán cho một sự khó chịu thuộc về sinh lý -
người ta luôn luôn tìm thấy lý do để bất mãn với chính mình). Những cảm giác
này tùy thuộc sự trừng phạt, chuộc lại một việc gì mà chúng ta đã không được
làm, một cái gì mà chúng ta đã không được là (ý tưởng được tổng hợp, dưới một
hình thức trơ trẽn, thành một mệnh đề trong đó luân lý hiện ra đúng chân tướng
của nó, nghĩa là như chất kịch độc và sự phỉ báng cuộc đời: “Tất cả mọi đau đớn,
thuộc thể xác hay tinh thần, đều cho thấy chúng ta xứng đáng được, bởi nó không
đến với chúng ta nếu chúng ta không xứng đáng nhận lãnh nó. (Thế giới như
Ý Chí và Biểu Tượng II, 666). Những cảm giác này tùy thuộc những hành động
bồng bột thiếu suy nghĩ có những hậu quả tai hại (- những đam mê, những giác
quan bị coi như là nguyên nhân, như là phạm tội; những tai biến sinh lí trở
thành hình phạt “xứng đáng” nhờ những tai biến khác). - “Giải thích” những cảm
giác dễ chịu chung. Những cảm giác này tùy thuộc lòng tin tưởng vào
Thượng Đế. Chúng cũng tùy thuộc ý thức về những hành động tốt (cái mà người ta
gọi là “lương tâm yên ổn”, một trạng thái sinh lý đôi khi giống như một sự tiêu
hóa tốt, như nó thường bị hiểu lầm như thế.) Chúng tùy thuộc kết quả thành công
của một vài công việc nào đó (- Kết luận ngây thơ: kết quả thành công của một
công việc không mang lại cho một người mắc bệnh ưu uất hay một Pascal bất cứ một
cảm giác thú vị chung nào cả). Chúng có thể tùy thuộc đức tin, tình yêu và lòng
hy vọng - những đức tính Kitô giáo. Trong thực tế, tất cả những cái tự nhận là
giải thích này chỉ là những hậu quả của những trạng thái thú vị hay khó chịu
nào đó và được di dịch sang một thổ ngữ sai lầm: một người ở trong trạng thái
hi vọng bởi vì cảm giác sinh lý trỗi vượt hơn cả của con người hắn, một
lần nữa lại mãnh liệt và đầy đủ; người ta tin tưởng vào Thượng Đế bởi vì cảm
giác về sự tràn đầy và sức mạnh mang lại cho tâm trí hắn sự nghỉ ngơi. - Luân
lý và tôn giáo hoàn toàn thuộc về tâm lý học về lầm lẫn; trong bất kì trường
hợp đặc thù nào nguyên nhân cũng bị lầm lẫn với hậu quả hoặc chân lý với hậu quả
của cái mà người ta coi như chân lý; hay hơn nữa, một trạng thái của
ý thức với một chuỗi nguyên nhân gây ra trạng thái này. -
7. Sự sai lầm của tự do ý chí. - Ngày nay chúng ta không còn chút thiện cảm nào đối
với khái niệm về “tự do ý chí” nữa: chúng ta biết nó quá rõ - cái xảo thuật thần
học khả ố nhất trần đời của những nhà thần học để khiến cho nhân loại “có trách
nhiệm” theo kiểu những nhà thần học, nghĩa là: làm cho nhân loại tùy thuộc
vào những nhà thần học… Ở đây tôi chỉ nêu ra tâm lý của khuynh hướng làm
con người có trách nhiệm này. - Ở bất cứ nơi nào mà người ta tìm kiếm trách nhiệm
thì thường là bản năng trừng phạt và kết án bắt tay vào việc tìm kiếm. Biến
dịch bị tước đoạt mất sự hồn nhiên vô tội khi người ta đưa bất cứ một trạng thái
nào về ý chí, ý định, về những hành động có trách nhiệm: lý thuyết ý chí được tạo
ra chủ yếu nhằm mục đích trừng phạt, nghĩa là với ý định vạch tội. Toàn
thể tâm lý học cổ điển, tâm lý học chủ ý chí bắt nguồn từ sự kiện những người tạo
ra nó, những tu sĩ đứng đầu những tập thể cổ xưa, muốn tạo ra quyền ra
hình phạt - hay đúng hơn họ muốn tạo ra quyền đó cho Thượng Đế… Con người được
coi là “tự do” để có thể bị kết án và trừng phạt, - để có thể có tội: do
đó tất cả mọi hành động đều phải coi như do ý muốn, nguồn gốc của tất
cả mọi hành động như nằm trong ý thức (- do đó sự giả mạo căn bản nhất in
psychologicis được đặt làm nguyên tắc của chính tâm lý học)… Ngày nay khi
chúng ta đi vào hướng ngược lại, khi chúng ta, những kẻ vô luân, cố gắng
tìm kiếm loại khỏi thế giới những khái niệm về tội lỗi và hình phạt, cũng như tẩy
sạch tâm lý học, lịch sử, thiên nhiên, những cơ cấu và luật lệ xã hội, chúng ta
nhận thấy chúng ta không có đối thủ nào triệt để hơn những nhà thần học, những
kẻ tiếp tục làm ung độc sự hồn nhiên của biến dịch với “tội lỗi” và “hình phạt”
bằng khái niệm về “trật tự luân lý”. Kitô giáo là siêu hình học của đao phủ…
8. Lý thuyết duy nhất của chúng ta có thể là gì? - Là không một ai có thể cho con
người những đặc tính của nó, ngay cả Thượng Đế, xã hội, cha mẹ và tổ tiên, ngay
cả chính hắn nữa (- ý tưởng phi lý cuối cùng bị bác bỏ ở đây, đã được
giảng dạy như “tự do minh nhiên” của Kant và có thể bởi Platon trước nữa). Không
một ai chịu trách nhiệm bởi sự kiện hắn hiện hữu, hay được cấu tạo như con
người hiện tại của hắn, hoặc sống trong những hoàn cảnh và môi trường trong đó
hắn đang sống cả. Định mệnh của bản chất hắn không thể tách khỏi định mệnh của
tất cả những cái đã là và sẽ là. Hắn không phải là kết quả của một ý
hướng cá biệt, một ý chí, một mục đích nào, hắn không phải là một sự
thí nghiệm để đạt tới một “con người lý tưởng” hay một “hạnh phúc lý tưởng” hoặc
một “đạo đức lý tưởng” thật là phi lý khi muốn lái bản chất hắn về bất
cứ mục tiêu nào khác. Chúng ta đã tạo ra ý tưởng về mục đích: trong
thực tế không có “mục đích”… Con người vốn thiết yếu, con người là một mảnh định
mệnh, con người thuộc toàn thể, con người ở trong toàn thể - không có gì có thể
phán đoán, đo lường, so sánh, lên án cuộc hiện hữu của chúng ta… Nhưng
không có gì bên ngoài toàn thể! - Không một ai còn có trách nhiệm nữa, loại
hạng của hữu thể không thể đưa về causa prima [33] được
nữa, thế giới là một nhất thể không phải như thế giới khả giác cũng không phải
như tinh thần duy có điều này là sự giải thoát tối thượng - duy bởi
đó sự hồn nhiên của Biến dịch được khôi phục lại… Ý tưởng về “Thượng Đế”
cho tới bây giờ là một vấn nạn lớn lao nhất đối với cuộc đời… Chúng
ta khước từ Thượng Đế, chúng ta khước từ trách nhiệm nơi Thượng Đế: chỉ bằng
cách đó thôi chúng ta mới cứu vớt được thế giới.
Chú thích:
[1] Từ
quan điểm vĩnh cửu - Ghi chú của Dịch giả.
[2] Sein,
Pêtre, Being
[3]Schein,
Apparence, apparence. - G.c.D.
[4] Pháp
văn trong nguyên bản: định kiến
[5] Héraclite
là triết gia tiền-Socrate duy nhất tin vào Biến Dịch, vào hiển thể và những gì
giác quan chứng nghiệm. - G.c.D.
[6] Nguyên
nhân của chính nó.
[7] Hữu
thể chân thực nhất. - G.c.D.
[8] Täter
und Tun - G.c.D.
[9] Ich-Subsstanz.
[10] Vernunft
Kategorien. “Phạm trù” (Kategoric) ở đây chỉ có nghĩa là phương tiện, không
mang một âm hưởng nào “Phạm trù” của Kant cả - G.c.D.
[11] “wahres
Sein”
[12] Nicht-Sein
[13] Hay hư
vô, Nicht
[14] Danh
từ Phật giáo: Sắc giới - G.c.D.
[15] Wahrheit
= chân lý, tương đương với wahre Wet = thế giới chân thực.
[16] Nietzsche
muốn nói tới Kant và tỉnh Königsberg, miền bắc nước Đức, nơi Kant sống và chết.
- G.c.D.
[17] NƠI
ĐÂY BẮT ĐẦU ZARATHUSTRA (Và bắt đầu triết lý Nietzsche) - G.c.D.
[18] Pháp
văn trong nguyên bản: “Phải giết chết những đam mê”. - G.c.D.
[19] Dòng
Trappe, dòng luyện tâm, nổi tiếng vì kỷ luật khắt khe. - G.c.D.
[20] Instinkte
des Lebens, Thoát ra ngoài sự câu thúc của ngôn ngữ, “Instinkte des Lebens”, ở
đây còn có thể hiểu như “khuynh hướng về đời sống”. Trái với tất cả những nền
luân lý khác đàn áp cuộc sống, đầy những cấm kỵ, hướng về điều “thiện” như một
cứu cánh tuyệt đối, đức lý lành mạnh theo Nietzsche nhằm xiễn dương cuộc đời,
kích thích bản năng sinh động, hướng về một cuộc sống giải thoát, nguy hiểm,
mãnh liệt. Tư tưởng sau có thể nói lên chủ trương của tất cả những nền đức
lý lành mạnh (gesunde Moral) ấy: “Tất cả những gì sống đều
thiêng liêng.” (everything that lives is holy - William Blake, America)
và Cuộc sống đích thực của những giác quan và xác thịt tôi siêu thăng những
giác quan và xác thịt tôi” (the real life of my senses and flesh
transcending my senses and flesh - Walt Whitman, Leaves of Grass) -
G.c.D.
[21] das
Leben selbst zwingt uns, Werte anzusetzen; das Leben selbst wertet durch uns,
wenn wir Werte ansetzen…
[22] Lời
của Pilate khi rửa tay trao Jésus Christ do dân Do Thái “Ecce homo” có nghĩa
là: ”Đây là con người đó!” hay “Hãy nhìn người này!” (Saint Jean, XIX, 5) -
G.c.D.
[23] Ở
đây chúng ta không thể không nhắc tới Spinoza, một trong những triết gia mà
Nietzsche coi như tiền bối của mình, với chủ trương đón nhận tìm hiểu và không
bao giờ lên án con người tương tự: “Seduce curavi, humanas actiones non redere
non lugere neque detestari, sed intelligere”,Tractatus politieus (1677)
ch. 1, 4. “Tôi đã cố gắng một cách thận trọng để không chế giễu hay thương hại
hoặc ghê tởm những hành vi con người, mà chỉ để thấu hiểu chúng” - G.c.D.
[24] Wir
verneinen nicht leicht, wir suchen unsre Ehre darin, Bejahende zu sein. Tất cả
định tắc luân lí của Nietzsche nằm trong một chữ “Ừ” hoặc “Phải” hay “Vâng”
(Yea) trước cuộc đời, trước tất cả những nguồn vui, trước tất cả khổ đâu, trước
tất cả dâu biển tang tương thê thảm và khủng khiếp của cuộc đời. Con người lý tưởng của Nietzsche khẳng định giống như những nhân vật bi tráng trong bi kịch
Hy Lạp sau khi đã trải qua tất cả khảm kha bất bình: “Tất cả đều tốt lành.”
(Tout est bien) - G.c.D.
[25] Pháp
văn: Phép ăn uống kiêng cữ.
[26] Hãy
tin kẻ đã thí nghiệm!
[27] In
Formel: seine Tugend ist die Folge seines Glücks… - G.c.D.
[28] Hạng
người “thời đại” Nietzsche khinh bỉ - G.c.D.
[29] Alles Gute ist
Instinkt.
[30] Việc
trước, tiền sự của một sự việc hay sự kiện gì. - G.c.D.
[31] Phần
xấu xa đáng xấu hổ. - G.c.D.
[32] Thần
kinh giao cảm. - G.c.D.
[33] Nguyên
nhân đệ nhất. - G.c.D.
Những kẻ muốn “cải thiện” nhân loại
1. Người ta biết điều tôi đòi hỏi nơi những triết gia: họ phải đặt mình bên
kia thiện ác, - họ phải đặt ảo tưởng về phán đoán luân lý bên dưới họ.
Sự đòi hỏi này là kết quả của một cuộc khảo sát mà tôi phát biểu lần thứ nhất:
tôi đi tới chỗ kết luận rằng: không hề có những sự kiện luân lý. Phán
đoán luân lý đồng ý với phán đoán tôn giáo trong sự tin tưởng vào những thực tại
không có. Luân lý chỉ là một sự diễn giải một số những hiện tượng nào đó, nhưng
là một sự diễn giải sai lầm. Phán đoán luân lý, hệt như phán đoán tôn giáo, thuộc
về một bình diện ngu dốt nơi ý niệm về thực tại, sự phân biệt giữa thực và mộng
tưởng chưa có: đến nỗi rằng, trên một bình diện tương tự, “chân lý” chỉ biểu thị
những sự vật mà ngày nay chúng ta gọi là “tưởng tượng”. Đó là lý do tại sao
phán đoán luân lý không bao giờ được coi là đứng đắn cả: như thế bao giờ nó
cũng chỉ chứa đựng cái vô nghĩa. Nhưng, như một lý thuyết về ký hiệu, nó
có một giá trị vô cùng quý báu: nó phát hiện, ít nhất cho những người hiểu biết,
những thực tại quý giá nhất của những nền văn hóa và những thế giới
bên trong chưa hiểu biết đủ để tự “hiểu” mình. Luân lý chỉ là ngôn ngữ
của những dấu hiệu, một triệu chứng học, người ta phải biết trước nó chỉ cái
gì để có thể rút lợi ích từ đó.
2. Đây là thí dụ thứ nhất, hoàn toàn có tính cách tạm thời. Bất cứ thời nào người
ta cũng muốn “cải thiện” con người cả: chính cái đó, trước hết, được gọi là
luân lý. Nhưng dưới cùng một danh từ có thể ẩn dấu nhiều khuynh hướng khác biệt
nhau nhất. Sự thuần hóa con vật người cũng như sự nuôi nấng một
loại người nào đó đều có thể gọi là sự “cải thiện” được cả: chỉ có những danh từ
thuộc về động vật học mới chỉ đúng những thực tại, - nhưng đó là những thực tại
mà “kẻ cải thiện”, những giáo sĩ, quả thực, không biết gì cả, - không muốn biết
gì cả… Gọi là “cải thiện” sự thuần hóa của một con vật, đối với lỗ tai của
chúng ta nó hầu như một lời đùa cợt. Ai biết được điều xảy ra trong những chuồng
thú, nhưng tôi không tin con vật được “cải thiện” ở đấy. Người ta làm yếu nó
đi, người ta làm nó trở nên bớt nguy hiểm, bởi cảm thức suy nhược tinh thần của
sự sợ hãi, bởi đau đớn, bởi sỉ nhục, bởi đói khát, người ta khiến nó thành con
vật ốm đau bệnh hoạn - Chẳng khác gì con người thuần thục mà những
giáo sĩ đã “cải thiện”. Trong những năm đầu thời Trung Cổ, khi Giáo Hội trước hết
là một chuồng thú, khắp nơi người ta tổ chức những cuộc săn những loại thú “tóc
vàng” đẹp đẽ nhất [1] -
người ta “cải thiện” những dân Nhật Nhĩ Man quý phái chẳng hạn. Nhưng sau đó một
kẻ dòng Nhật Nhĩ Man trông ra sao khi đã được “cải thiện” và đưa vào tu viện?
Nó có vẻ như một bức hý họa của con người, một sự sa sẩy: người ta đã làm nó
thành một kẻ “phạm tội”, nó bị nhốt trong lồng, người ta đã nhốt nó trong những
khái niệm khủng khiếp… nó nằm đó, đau ốm, khốn khổ, lòng đầy hờn oán đối với
chính mình; đầy thù hận đối với những bản năng hướng về đời sống, đầy nghi ngờ
tất cả những gì còn khỏe mạnh và sung sướng. Tóm lại, nó là một “tín đồ Kitô
giáo”… Nói theo danh từ sinh lý học: trong trận đấu với mãnh thú, làm nó bệnh
hoạn có thể là cách duy nhất làm nó yếu đi. Đó là điều Giáo Hội đã hiểu:
Giáo Hội đã làm hư hỏng con người, Giáo Hội đã làm nó suy yếu đi -
nhưng Giáo Hội lớn tiếng tuyên bố đã “cải thiện” con người…
3. Chúng ta hãy xét một trường hợp khác của cái tự nhận là luân lý, trường hợp nuôi
dưỡng một chủng loại đặc biệt nào đó. Thí dụ hùng vĩ nhất được cung hiến bởi
luân lý Ấn Độ, được tôn giáo chuẩn nhận, là “Luật Manu”. Ở đây người ta đặt ra
vấn đề phải nuôi không dưới bốn giai cấp cùng một lúc. Một giai cấp tăng lữ, một
giai cấp chiến sĩ, một giai cấp thương gia và làm ruộng, và cuối cùng một giai
cấp tôi tớ, giai cấp Sudra. Hiển nhiên ở đây chúng không có ở giữa đám người dậy
thú nữa: một loại người một trăm lần dịu dàng và biết lẽ phải là điều kiện tiên
quyết để đi tới chỗ quan niệm chương trình nuôi dưỡng như vậy. Người ta thở một
hơi dài tự do khi ra khỏi bầu không khí Kitô giáo, bầu không khí của bệnh viện
và của ngục tù, vào trong một thế giới lành mạnh hơn, cao ráo hơn và rộng
rãi hơn? Tân Ước nghèo nàn xiết bao khi so với Manu và nó nặng mùi xiết
bao! - Nhưng chính sự tổ chức này cũng cần phải khủng khiếp, - lần này không phải
với dã thú mà với phản đề của nó với con người không được nuôi dưỡng,
con người tạp nhạp, giai cấp Tchândâla [2].
Và lại một lần nữa nó không có cách gì làm yếu và vô hại hơn là cách làm cho nó bệnh
hoạn - đó là cuộc tranh đấu với “đại đa số”. Có lẽ không có gì xúc phạm
tình cảm của chúng ta cho bằng những biện pháp phòng ngừa của luân lý Ấn Độ. Sắc
lệnh thứ ba chẳng hạn (Avadhna - sastra I) sắc lệnh về “rau cỏ nhơ bẩn”
phán quyết rằng thực phẩm duy nhất dành cho giai cấp Tchândâla là hành và tỏi,
nhân vì Thánh Kinh cấm cho họ mễ cốc hay trái cây có hạt hoặc nước hay
lửa. Cũng sắc lệnh đó phán quyết rằng nước mà họ cần dùng không được lấy từ
sông hay suối hoặc ao hồ, mà chỉ được lấy từ đầm lầy và những vũng nước chân
thú vật. Họ còn không được phép giặt giũ quần áo và tắm rửa bởi vì nước
họ được ban cho vì nhân đạo chỉ được dùng với mục đích duy nhất là giải khát.
Sau cùng, những phụ nhữ Sudra không được phép giúp đỡ những phụ nhữ Tchândâla
khi sinh đẻ, và những người phụ nữ sau này cũng không được phép giúp đỡ lẫn
nhau… - Kết quả của những quy tắc vệ sinh này thấy rõ ngay: bệnh dịch chết người,
bệnh phong tình ghê khiếp và như hậu quả của nó, một lần nữa “luật của lưỡi
dao”, ban lệnh cắt bao bì quy đầu của những đứa bé trai và cắt bỏ labia
minora [3] của
những đứa bé gái. - Chính Manu nói: “Giai cấp Tchândâla là kết quả của ngoại tình,
loạn luân và tội ác” (- đó là hậu quả thiết yếu của ý tưởng nuôi dưỡng).
Quần áo chúng chỉ là những giẻ rách lấy từ những xác chết, chén bát là những
bình, hũ bể, đồ trang sức là sắt gỉ, và ma quỉ là đối tượng thờ phượng của
chúng; chúng phải đi lang thang hết nơi này tới nơi khác, không được nghỉ ngơi.
Chúng không được viết từ trái sang phải và viết bằng tay phải; sự sử dụng tay
phải và viết từ trái sang phải dành cho những người đức hạnh, cho những
người thuộc chủng tộc cao quý.
4. Những quy tắc này khá rõ ràng: qua chúng, ta thấy nhân tính của dòng Aryan,
hoàn toàn sơ khai, chúng ta thấy ý tưởng “huyết thống tinh túy” là sự ngược lại
của một ý tưởng vô hại. Trái lại, nó trở nên rõ rệt trong dân tộc nào sự
thù hận, sự thù hận giai cấp Tchândâla đối với “nhân tính” này đã được bất tử
hoá, nơi nó đã trở thành thần thánh… Từ quan điểm này, Phúc Âm là những
tài liệu thượng hạng; Sách của Enoch còn hơn thế nữa. - Kitô giáo nẩy sinh từ gốc
rễ Do Thái, chỉ có thể hiểu được như sản phẩm của mảnh đất, trình bầy sự phản
động chống lại luân lý nuôi dưỡng, dòng giống, đặc ân - đó là tôn giáo -
chống lại Aryan đệ nhất: Kitô giáo, là sự đảo hoán mọi giá trị Aryan, sự
chiến thắng của những giá trị Tchândâla, Phúc Âm giảng cho dân nghèo và hạ tiện,
sự nổi loạn tập thể của tất cả những kẻ bị chà đạp, những kẻ bần cùng, xấu hổ,
bạc phước chống lại “dòng giống”, - sự trả thù vĩnh viễn của giai cấp Tchâdâla
trở thành tôn giáo của tình yêu…
5. Luân lý của sự nuôi dưỡng và luân lý của sự thuần hóa vô
cùng giá trị bởi những phương tiện chúng dùng để đạt tới cứu cánh, chúng ta có
thể thiết định như quy luật thứ nhất của chúng ta rằng để làm ra luân
lý, người ta phải có ý muốn vô điều kiện cái nghịch lại. Đó là vấn đề lớn lao,
vấn đề kỳ quái mà tôi đeo đuổi từ lâu: tâm lý: của “những kẻ muốn cái
thiện” nhân loại. Một sự kiện nhỏ và khá khiêm tốn, sự kiện tự nhận là pia
fraus [4],
đã mở cho tôi lối vào đầu tiên vấn đề này: pia fraus, di sản của tất cả những
triết gia và giáo sĩ đã “cải thiện” nhân loại. Cả Manu lẫn Platon, cả Khổng Tử
lẫn những giáo phụ Do Thái và Kitô giáo, chẳng người nào nghi ngờ quyền nói
láo của họ. Họ cũng chẳng nghi ngờ nhiều quyền khác nữa của họ… Nếu
muốn diễn tả thành định thức, người ta có thể nói: tất cả mọi phương
tiện từ xưa tới nay được dùng nhằm mục đích làm cho con người đạo đức đều hoàn
toàn vô luân.
Những cuộc ngao du của con người phi thời
1. Những bất khả của tôi. - Sénéque: hay kẻ đấu bò của đức hạnh. - Rousseau: hay
sự trở về thiên nhiên in impuris naturalibus [5 . - Schiller: hay
kẻ gióng Trống khua Chiêng - Đạo đức ở Sackingan [6].- Dante: hay
con lang làm thơ trong mộ. - Kant: hay sự lễ độ giả dối như đặc tính
trí tuệ. - Victor Hugo: hay đèn pha của đại dương phi lý. - Listz: hay
thiên tài âm nhạc - bên đàn bà. - George Sand: hay lactea
uberta [7] nói
theo tiếng Đức: die Milchkuh mit “schonem Stil” [8].
- Michelet: hay sự hăng say đã cởi áo khoác ngoài. - Carlyle: hay
chủ trương bi quan như sự tiêu hóa trì trệ. - John Stuard Mill: hay sự
minh bạch tổn thương. - Les frères de Goncourt [9]: hay
hai tên Ajax chiến đấu chống lại Homène. Nhạc của Offenbach. Zola: hay
“thú phóng uế”.
2. RENAN. - Thần học, hay là sự đồi bại của lý trí bởi “tội tổ tông” (Cơ đốc
giáo). Bằng chứng: Renan, kẻ bất cứ khi nào phải liều lĩnh đưa ra một tiếng phải hay không về
một vấn đề thông thường, đều sai trật với một sự tuân thủ theo đúng kỷ luật một
e dè thận trọng kiểu thầy dòng. Chẳng hạn ông ta muốn nối kết chặt chẽ la
science và la noblesse [10] lại
với nhau; nhưng khoa học thuộc về chế độ dân chủ, điều đó quá hiển nhiên. Ông
ta muốn trình bày không phải không có tham vọng, một sự quý phái tinh thần;
nhưng đồng thời ông quỳ trước lý thuyết đối nghịch, évangile des
humbles [11] và
không phải chỉ quỳ gối mà thôi… Làm gì bằng tất cả những tinh thần tự do, tân
tiến, tất cả sự diễu cợt, tất cả sự thay đổi địa vị một cách mềm mỏng, uyển
chuyển đó, khi tận đáy lòng, người ta vẫn là tín đồ Cơ Đốc, Kitô giáo và ngay cả
linh mục nữa? Renan có tài tìm tòi những sáng kiến để hấp dẫn, giống như một
giáo sĩ dòng Gia Tô hội hay một linh mục chuyên nghe xưng tội; tinh thần ông
không thiếu nụ cười nhân hậu giả dối rộng mở của thầy dòng - giống như tất cả
những linh mục, ông ta chỉ trở nên nguy hiểm khi ông ta yêu. Không ai có thể
sánh được với ông trong cách yêu quý chết người. Cái tinh thần này của Renan, một
tinh thần bạc nhược, là một tai ương thêm vào cho nước Pháp bệnh hoạn đáng
thương, ý chí suy vi.
3. SAINTE-BEUVE. - Không có chút đàn ông tính nào trong ông ta; ông ta đầy lòng
thù hận nhỏ nhen đối với tất cả những tinh thần hùng tráng. Ông ta lang thang
đây đó tinh tế, tò mò, chán chường tọc mạch - một người đàn bà tại căn đế, với
những sự trả thù của đàn bà và nhục cảm đàn bà. Là một tâm lý gia, ông ta là
thiên tài médisance [12];
khả năng khai thác chuyện dèm xiểm bất tận, không ai biết cách pha trộn độc dược
với lời tán dương giỏi hơn. Những bản năng hạ đẳng của ông ta đều hạ lưu và bà
con gần gũi với tính resentiment [13];
của Rousseau: do đó ông ta là một kẻ theo phong trào lãng mạn, - bởi
dưới mọi romantisme [14] đều
có bản năng trả thù của Rousseau chầu chực, rình mò. Ông ta là một nhà cách mạng,
nhưng dằn nén quá kỹ vì sợ hãi. Không độc lập trước tất cả những gì có sức mạnh
(dư luận, hàn lâm viện, triều đình, ngay cả Port royal). Bực tức chống lại tất
cả những gì vĩ đại trong người và sự vật, chống lại tất cả những gì tự tin nơi
mình. Đủ là một thi sĩ và nửa - đàn bà để cảm thức sức mạnh của những gì vĩ đại;
không ngừng co rúm như con sâu trong tục ngữ bởi ông ta luôn luôn cảm thấy bị
chà đạp dưới gót chân. Là một nhà phê bình, ông ta không có tiêu chuẩn phê
phán, không tiêu chuẩn hướng dẫn và không xương sống. Mặt dầu ông ta có miệng
lưỡi của một libertin [15] quốc
tế nhưng lại thiếu can đảm nhìn nhận libertinage của mình. Là một nhà
sử học không có triết lý, không có sức mạnh của viễn quan triết lý, -
chính vì lý do đó ông khước từ trách nhiệm phê phán trong tất cả những vấn đề
quan yếu, bằng cách dùng “khách quan tính” như một cái mặt nạ. Tuy nhiên ông ta
có một thái độ khác hẳn trước những sự vật mà trong đó năng khiếu tinh tế và
lão luyện là tối cao pháp viện: ở đó ông ta có cản đảm và thích thú là chính
mình, - ở đó ông là bậc thầy. - Về một vài phương diện, đó là một kiểu
mẫu đầu tiên của Baudelaire.
4. IMITATIO CHRIST [16] là
một trong những cuốn sách tôi không thể cầm mà không cảm thấy gớm tay [17]:
nó toát ra một mùi người nữ vĩnh cửu [18] mà
người ta phải là dân Pháp - hay là một tín đồ của Wagner mới chịu nổi… Ông
thánh này có một lối nói về tình yêu khiến cho ngay cả những người đàn bà Paris
cũng phải hiếu kỳ. - Người ta nói với tôi rằng A. Comte, tu sĩ dòng Gia Tô hội quỉ
quyệt nhất, kẻ muốn dẫn dắt dân Pháp tới La Mã qua sự ngoắt ngoéo của
khoa học, hứng khởi từ cuốn sách này. Tôi tin điều đó: “Tôn giáo của trái tim”…
5. G. ELIOT. - Họ đã giải thoát khỏi Thượng Đế Kitô giáo và bây giờ họ cảm thấy phải
bám lấy luân lý Kitô giáo chặt chẽ hơn bao giờ hết. Đó là cách lý luận kiểu Ăng
lê, chúng ta không muốn nhạo báng những thứ luân lý - đàn bà à la Eliot [19].
Ở Anh, bất cứ một sự thoát ly thần học nhỏ nhoi nào, người ta cũng phải hồi phục
lại danh dự bằng cách khủng khiếp nhất là trở thành một kẻ cuồng tín luân lý.
Đó là cách giải tội ở xứ này. - Với chúng ta lại khác hẳn. Nếu người ta khước từ
đức tin Kitô giáo là người ta đồng thời tự bãi bỏ quyền hạn đối với
luân lý Kitô. Bởi vì luân lý này không tự nó minh nhiên: điều này cần
soi sáng lại luôn luôn mặc dầu đầu óc nông cạn của dân Anh. Kitô giáo là một hệ
thống, một ý tưởng thống nhất và một quan niệm toàn bộ về sự vật. Nếu
người ta phá bỏ một khái niệm căn bản chủ yếu, niềm tin vào Thượng Đế, là người
ta phá tan cả một toàn thể: người ta chẳng có một chút cốt tủy nào trong tay nữa
hết. Kitô giáo giả thiết rằng con người không biết gì cả, không thể biết
cái gì tốt, cái gì xấu đối với mình: hắn tin tưởng vào Thượng Đế, đấng duy nhất
hiểu biết. Luân lý Kitô giáo là một huấn giới; nguồn gốc của nó là siêu việt;
nó ở trên mọi phê bình, mọi quyền phê bình, nó chỉ chứa đựng chân lý nếu Thượng
Đế là chân lý - nó đứng vững hay sụp đổ với niềm tin vào Thượng Đế. - Nếu người
Anh thực sự tin rằng tự họ hiểu biết bằng “trực giác”, thế nào là thiện, thế
nào là ác, nếu do đó họ nghĩ rằng họ không cần Thượng Đế như một đảm bảo cho
luân lý nữa, thì đó chỉ là hậu quả của quyền tối thượng của sự thẩm định
Kitô giáo và là một bằng chứng của sức mạnh và chiều sâu của
quyền tối thượng này: do đó nguồn gốc luân lý Anh Cát Lợi đã bị bỏ quên, do đó
người ta không còn nhận thấy tính chất tùy thuộc lớn lao của quyền tồn tại của
nó nữa. Đối với người Ăng Lê, luân lý không còn là một vấn đề nữa…
6. GEORGE SAND. - Tôi đã đọc những bức thư đầu tiên của tập Lettres d’un
voyageur; như tất cả những gì bắt nguồn từ Rousseau, những bức thư đó sai lầm,
giả tạo, khoa trương, khoác lác. Tôi không thể chịu nổi thứ bút pháp vàng úa
màu giấy dán tường; cũng như tham vọng khơi dậy những tình cảm khoan hồng tầm
thường. Điều tồi tệ nhất là sự làm dáng đàn bà với những kiểu cách đàn ông, với
những cung cách của hạng thanh niên vô giáo dục. - Bà ta phải lạnh lùng xiết
bao với tất cả những điều đó, thứ nghệ sĩ không chịu nổi: bà ta tự lên dây như
một cái đồng hồ - và viết… Lạnh lùng như Victor Hugo, như Balzac, như tất cả những
kẻ theo phong trào lãng mạn khi họ bắt đầu ngồi vào bàn viết! Và với xiết bao tự
mãn bà ta muốn nằm dài ra đó, con bò cái viết lách khủng khiếp có một chút Đức,
trong ý nghĩa xấu xa nhất của danh từ, như Rousseau, bậc thầy của bà, kẻ chỉ có
thể chịu đựng được khi thị hiếu Pháp đi đến chỗ suy đồi! Nhưng Renan kính phục
bà ta…
7. Luân lý cho những tâm lý gia. - Không đem tâm lý học bán rong! Không bao giờ
quan sát chỉ để quan sát mà thôi! Điều đó tạo ra một viễn tượng sai lầm,
một cái nhìn xiên lệch, một cái gì bị cưỡng bách và thổi phồng. Cảm nghiệm một
điều gì muốn cảm nghiệm - không đem lại kết quả tốt đẹp. Trong khi cảm
nghiệm, người ta không được phép nhìn trở lại mình, nếu không mọi cái
nhìn đều trở thành “con mắt xấu”. Một tâm lý gia bẩm sinh tự nhiên chống lại việc
nhìn chỉ để mà nhìn: một họa sĩ bẩm sinh cũng vậy. Hắn không làm việc “phỏng
theo thiên nhiên”. - hắn giao cho bản năng, cho phòng tối của hắn, sàng sẩy và
gạn lọc “thiên nhiên”, “trường hợp”, “kinh nghiệm sống”… Hắn chỉ ý thức về phổ
quát tính, kết luận, kết quả: hắn không biết diễn dịch độc đoán từ trường hợp đặc
thù. - Kết quả sẽ ra sao nếu người ta làm ngược lại? Đem tâm lý học đi bán
rong, bán sỉ và bán lẻ như những romanciers Ba Lê, chẳng hạn? Như thế
là người ta rình chờ thực tại, mỗi buổi chiều mang về nhà một dúm tò mò… Nhưng
hãy nhìn hậu quả - một đống lộn xộn, hay hơn nữa một thứ tạp luận, và trong mọi
trường hợp một cái gì thêm thắt, nhốn nháo, lòe loẹt. Nhóm Goncourts đã đạt đến
cực đỉnh tồi tệ của loại này: họ không bao giờ đặt ba câu cạnh nhau mà không
làm nhức mắt, mắt nhà tâm lý học - Thiên nhiên, thẩm định theo quan
điểm nghệ thuật, không phải là kiểu mẫu. Nó phóng đại, méo mó, để lại những lỗ
hổng. Thiên nhiên là sự tình cờ. Nghiên cứu “theo thiên nhiên” đối với tôi
dường như là một dấu hiệu xấu: nó phản lại sự phục tòng, yếu đuối! định mệnh
thuyết, - sự quy lụy trước những petits faits [20] này
không xứng đáng với một nghệ sĩ hoàn toàn. Nhìn hiện thể của sự
vật - điều đó thuộc về một loại đầu óc khác hẳn, những đầu óc phi - nghệ thuật,
cụ thể. Người ta phải biết mình là ai…
8. Về tâm lý học của nghệ sĩ. - Để có nghệ thuật, để có bất cứ một hành động hay một
sự chiêm ngắm nghệ thuật nào, một điều kiện sinh lý chuẩn bị này không thể thiếu:
sự ngây ngất. Trước hết sự ngây ngất phải nâng cao xúc cảm tính của toàn
thể bộ máy: không nghệ thuật nào phát sinh trước khi điều đó xảy ra. Tất cả mọi
trạng thái ngây ngất đó, dù nguồn gốc khác nhau thế nào chăng nữa, đều có khả
năng tạo ra nghệ thuật này: trên tất cả là sự ngây ngất của kích động dục tình,
hình thức xuất thần cổ điển và nguyên thủy nhất. Cũng vậy sự ngây ngất đi kèm
theo tất cả những ước vọng lớn lao, tất cả mọi cảm xúc mãnh liệt; sự ngây ngất
của yến tiệc, của tranh đấu, của hành vi dũng cảm, của chiến thắng, của giao động
cùng cực; sự ngây ngất của tàn bạo; sự ngây ngất của phá hủy; sự ngây ngất dưới
một vài ảnh hưởng khí tượng nào đó, chẳng hạn sự ngây ngất của mùa xuân; hay dưới
ảnh hưởng của thuốc mê; cuối cùng sự ngây ngất của ý chí chất chứa và căng phồng.
- Yếu tính của sự ngây ngất là cảm thức về sự tràn đầy và gia tăng nghị lực. Bị
kích thích bởi cảm thức này, người ta buông thả cho sự vật, bắt buộc sự vật tiếp
nhận mình, cưỡng bức sự vật, - người ta gọi quá trình này là lý tưởng hóa.
Ở đây chúng ta hãy đoạn trừ một thành kiến: sự lý tưởng hóa không hệ
tại sự diễn dịch hay giảm trừ cái nhỏ bé và tùy phụ như người ta vẫn tin tưởng.
Trái lại, việc vạch rõ một cách khủng khiếp những nét chính yếu, để đến
nỗi những nét khác biến mất chính là cái quyết định tất cả.
9. Trong trạng thái này người ta làm giàu tất cả mọi sự bằng chính sự phong phú của
mình: điều hắn nhìn, điều hắn muốn, người ta đều thấy nó căng phồng, chặt chẽ,
mạnh mẽ, chất chứa sức mạnh. Con người trong trạng thái này biến đổi sự vật cho
đến khi chúng phản chiếu sức mạnh của hắn - cho đến khi chúng trở thành những
phản ảnh của sự hoàn hảo của hắn. Sự cưỡng bách, biến đổi thành cái hoàn hảo
này - là nghệ thuật. Tất cả đối với con người này đều là nguồn hân hoan trào vọt
phát xuất tự trong mình; trong nghệ thuật, con người hân hưởng chính con người
mình như sự hoàn hảo. Có thể tưởng tượng một trạng thái nghịch lại, một trạng
thái phi nghệ thuật đặc thù của bản năng - một cách thế làm nghèo nàn, giảm trừ
và làm hao mòn xanh xao tất cả mọi sự. Và quả thật lịch sử đầy rẫy những nghệ
sĩ phi nghệ thuật thuộc loại này, những kẻ thiếu sinh lực cần chiếm đoạt tất cả
mọi sự vật họ nhìn thấy, tiêu thụ chúng, làm chúng trở nên gầy mòn kiệt quệ. Đó
là trường hợp một tín đồ Kitô giáo chính cống, trường hợp Pascal chẳng hạn; một
tín đồ Kitô giáo đồng thời là một nghệ sĩ, điều đó không thể có… Đừng
người nào trẻ con đến nỗi nêu Raphael hay bất cứ một tín đồ Kitô giáo theo
tương đồng liệu pháp [21] thế
kỷ thứ mười chín nào để chống lại phán quyết của tôi. Raphael nói ừ [22],
Raphael làm tích cực, do đó, Raphael không phải là một tín đồ Kitô giáo.
10. Đâu là ý nghĩa của những ý niệm trái nghịch nhau Apollon và Dionysos, cả hai đều
được coi như những hình thức ngây ngất mà tôi đã đưa vào thẩm mỹ học [23] -
Sự ngây ngất apollinien trước hết kích thích nhãn quan, khiến nhãn quan thủ đắc
sức mạnh thị lực. Họa sĩ, điêu khắc gia, thi sĩ anh hùng ca đều là những linh
tưởng gia par excellence. Trái lại, trong trạng thái dionysien, tất cả hệ
thống cảm xúc đều bị kích thích và nâng cao cường độ: đến nỗi nó phóng ra tất cả
mọi phương tiện diễn tả bằng cách khu trục tất cả mọi sức mạnh bắt chước, mô phỏng,
biến đổi, chuyển hóa, tất cả mọi loại hoạt họa theo và nghệ thuật bắt chước. Sự
hóa thân dễ dàng vẫn là cái chính yếu, không thể phản động lại (-
tương tự như một vài loại bệnh loạn trí, có thể bắt chước điệu bộ đóng bất
cứ vai trò nào). Con người dionysien không thể không hiểu bất cứ sự dẫn khởi
nào, hắn thủ đắc bản năng thấu cảm và tiên đoán cao độ, giống như hắn thủ đắc đến
cao độ nghệ thuật thông tri với người khác vậy. Hắn biết thấu suốt bất cứ vỏ
bao bọc nào, đi vào bất cứ cảm xúc nào; hắn thường xuyên biến đổi. - Âm nhạc,
như chúng ta hiểu ngày nay, là một sự kích thích và giảm trừ cảm xúc, nhưng dầu
vậy đó cũng chỉ là tàn tích của một thế giới của biểu thị tràn đầy hơn, một cặn
bã của nghệ thuật riêng biệt, người ta phải bất động hóa một số giác quan, trước
hết là những cơ năng, ít ra là một cách tương đối: bởi mọi tiết tấu đều hãy còn
nói với những bắp thịt của chúng ta tới một giới hạn nào đó): đến nỗi con người
không còn có thể nào bắt chước hay diễn tả bằng thân xác điều hắn cảm thấy được
nữa. Tuy nhiên, đó chính là trạng thái dionysien thông thường, ít ra
đó là trạng thái uyên nguyên của nó. Âm nhạc là sự cá biệt hóa thành tựu một
cách chậm rãi, bằng cách nhờ vào những khả năng gần gũi với nó.
11. Diễn viên, người diễn hí kịch, vũ viên, nhạc sĩ, thi sĩ trữ tình, rất gần nhau
trong bản năng và cốt yếu là một, chỉ sau này mới cá biệt hóa và tách rời nhau
ra - đi tới chỗ đối thoại với nhau nữa. Thi sĩ trữ tình đoàn kết lâu nhất với
nhạc sĩ, diễn viên với vũ viên. Kiến trúc sư không diễn tả trạng thái
dionysien cũng chẳng diễn tả trạng thái apollinien: ở đây là tác động vĩ đại của
ý chí, ý chí dịch hải di sơn, sự say sưa của ý chí mạnh mẽ đòi hỏi sự diễn tả
nghệ thuật. Những người mãnh liệt nhất luôn luôn gây hứng khởi đến cho kiến
trúc sư: kiến trúc sư luôn luôn chịu ảnh hưởng của sức mạnh. Lòng kiêu hãnh, sự
chiến thắng trên trọng lượng và trọng lực, ý chí hùng dũng phải được biểu hiện
rõ rệt trong một tòa lâu đài; kiến trúc là một thứ nghệ thuật hùng biện của sức
mạnh bằng hình thể, khi thì hùng hồn thuyết phục hay mơn trớn, khi thì cộc lốc
ra lệnh. Cảm thức mãnh liệt nhất về sức mạnh và chắc chắn tìm cách diễn tả
trong grand style. Sức mạnh không cần chứng tỏ; khinh thị chiều đãi; không
đối đáp hời hợt; không cảm thấy nhân chứng cận kề chung quanh; sống bằng những
sự đối kháng người ta dựng lên chống lại mình; an nhiên trong chính mình,
tuân theo vận mệnh, một luật lệ giữa những luật lệ: đó là điều nói về
mình theo thể cách grand style cao nhã.
12. Tôi đã đọc về cuộc đời Thomas Carlyle, đúng là trò hề không ý thức và
không chủ tâm, sự diễn dịch anh hùng tính - có tính cách luân lý về chứng khó
tiêu. - Carlyle, một người có ngôn ngữ và cử chỉ hùng mạnh, một biện luận gia bởi nhu
cầu, thường xuyên bị dao động bởi khát vọng một đức tin mãnh liệt và cảm thức về
sự bất lực không thể đạt đức tin ấy - (về phương diện này, đó là một người theo
phong trào lãng mạn điển hình!) Khát vọng về một đức tin mãnh liệt không phải
là bằng chứng của một đức tin mãnh liệt mà hoàn toàn ngược lại. Một khi có đức
tin đó, hẳn người ta có thể trả giá sự hoang phí lòng hoài nghi xa hoa: người
ta đủ chắc chắn, đủ vững vàng, đủ cố định cho lòng hoài nghi đó. Carlyle làm
đinh tai nhức óc một cái gì trong ông với bài hát hùng mạnh ca ngợi
những người có đức tin mãnh liệt của ông và sự điên cuồng chống lại những người
ít rồ dại hơn của ông: ông cần ồn ào. Một sự thiếu thành thật say
đắm thường xuyên với mình - đó là cái độc đáo của ông, chính vì thế mà ông đã
và sẽ vẫn còn hấp dẫn. Dĩ nhiên ở Anh, người ta ngưỡng mộ ông chính bởi lòng
chân thật của ông… À, đó là một cái gì đặc tính chất Ăng lê; và nếu người ta
coi dân Anh là dân tộc giả dối quá đỗi quá chừng, thì điều đó còn hợp lý nữa chứ
không phải chỉ dễ hiểu mà thôi. Đáo cùng, Carlyle là một kẻ vô thần Anh Cát Lợi
muốn được tôn vinh mình không phải là một kẻ vô thần.
13. Emeson. - Ông giác ngộ hơn, rộng rãi hơn, đa tài hơn và tế nhị hơn Carlyle rất
nhiều, và trên hết, ông hạnh phúc hơn. Ông là một người tự nhiên sống bằng cao
lương mĩ vị và gạt ra những thứ khó tiêu trong sự vật. So với Carlyle, đó là một
người có khiếu thẩm mỹ. Carlyle, người rất quý mến ông, tuy vậy, nói về ông rằng:
“Ông không cho chúng ta đủ ăn”: điều đó có thể đúng nhưng không thiệt hại gì
cho Emerson. - Emerson có sự thanh thản tinh thần tốt lành làm nản lòng tất cả
những kẻ nghiêm trang; ông không có ý niệm nào về sự kiện ông đã già đến mực
nào và ông còn có thể trẻ lại đến mực nào, - ông có thể nói về mình như Lope de
Vega: “Yo me sucedo a mi mismo” [24]. Tinh
thần ông bao giờ cũng tìm thấy lý do để hạnh phúc và biết ơn nữa; đôi khi ông gần
đi tới sự thanh thản siêu việt của con người cao nhã, từ một cuộc hẹn hò yêu
đương tamquam re bene gesta trở về, lòng đầy biết ơn và nói: “Ut
desint vires, tamen est laudanda volupta” [25].
14. Chống-Darwin. - Về nguyên lý lừng danh “đấu tranh để sinh tồn” đối với tôi dường
như chỉ có tính cách khẳng định hơn là chứng minh. Nó xảy ra, nhưng như một ngoại
lệ; bộ mặt tổng quát của cuộc sống không phải là cùng khổ, đói khát
mà đúng hơn là giàu có, xa hoa hay ngay cả hoang phí nữa - nơi nào có tranh đấu
là tranh đấu để dành sức mạnh… Không được lầm lộn Malthus [26] với
thiên nhiên. - Tuy nhiên, giả dụ rằng có sự tranh đấu này đi nữa chăng - và quả
thực, nó xẩy ra thật - kết quả của nó, tiếc thay, lại ngược lại với trường phái
Darwin mong mỏi, và ngược lại với điều mà người ta có lẽ có thể mong
ước cùng với họ: nghĩa là sự thất bại của những kẻ mạnh, những kẻ thiên bẩm, những
ngoại lệ may mắn. Những chủng loại không tăng trưởng ngày một hoàn hảo
hơn: những kẻ yếu càng ngày càng thắng lướt kẻ mạnh - bởi chúng thuộc về số
đông và bởi chúng khôn khéo hơn… Darwin đã bỏ quên tinh thần (cái đặc
biệt Anh Cát Lợi!), những kẻ yếu có nhiều tinh thần hơn. Người ta phải cần
tinh thần để đi đến chỗ thủ đắc tinh thần, - người ta mất tinh thần khi không cần
đến nó nữa. Kẻ có sức mạnh từ bỏ tinh thần của mình (- “hãy để nó ra đi! người
ta nghĩ vậy ngày nay ở Đức - Reich sẽ ở lại cùng chúng ta…) [27] Người
ta sẽ thấy rằng tôi dùng chữ tinh thần để ám chỉ sự thận trọng, kiên nhẫn, xảo
quyệt, yếm trá, tự chủ mạnh mẽ và tất cả những gì là mô phỏng bắt chước (đặc
tính cuối cùng bao gồm phần lớn cái được gọi là đức hạnh).
15. Quỷ kế của những nhà tâm lý học. - Người này biết rõ bản chất con người: hắn
nghiên cứu con người để làm gì? Hắn muốn thủ một chút lợi nhỏ hay một mối lợi lớn
nữa trên họ, - hắn là một chính khách!... Người này nữa cũng là một kẻ hiểu tâm
lý con người [28]:
thế mà bạn lại nói rằng hắn không cầu cạnh điều gì cho hắn cả, rằng hắn sẽ là
hoàn toàn “vô ngã”. Hãy nhìn gần hơn! Có thể hắn muốn một lợi ích tồi tệ xấu
xa hơn nữa: hắn muốn cảm thấy hắn cao cả hơn con người, có quyền nhìn xuống
họ, không hòa lẫn với họ. Mẫu “vô ngã” này là một sự miệt thị con người [29],
trong khi mẫu người thứ nhất nhân loại hơn, mặc dầu bề ngoài thế nào mặc lòng.
Ít ra hắn cũng tự đặt mình trên cùng bình diện, hắn tự đặt mình ở giữa mọi
người…
16. Sự khéo léo tâm lý của người Đức đối với tôi dường như khả nghi bởi một loạt
những trường hợp mà lòng khiêm tốn ngăn không cho tôi nêu ra. Tuy nhiên có một
trường hợp đã cho tôi một cơ hội tốt để lập thuyết của tôi: tôi thù hận dân Đức
vì họ đã lầm lẫn về Kant và “Triết lý cửa hậu” của ông, như tôi gọi nó, - bởi
đó không phải là mẫu thanh liêm tri thức. - Có điều nữa mà tôi không thể nghe lọt
tai là tiếng “và” khả ố: dân Đức nói “Goethe và Schiller”,- tôi sợ họ
nói “Schiller và Goethe”. Họ có hiểu Schiller này đã không?
- còn có những tiếng “và” tệ hơn nữa; chính tai tôi đã nghe thấy, quả thực chỉ
trong đám giáo sư đại học mà thôi: Schopenhauer và Hartmann”…
17. Những con người tâm linh thẳm sâu nhất, khi nhận họ là những kẻ can đảm nhất,
đã cảm nghiệm những bi kịch đau đớn nhất: nhưng cũng chính vì lý do đó mà họ
tôn vinh cuộc đời, bởi nó chống lại họ bằng sự đối kháng mãnh liệt nhất.
18. Nói về “ý thức”. - Ngày nay không có gì hiếm hoi hơn sự giả đạo đức đích thực.
Tôi rất hoài nghi rằng khí hậu ôn hòa của nền văn hóa chúng ta không thích hợp
cho cái cây này. Sự giả đạo đức thuộc về những thời đại của đức tin mạnh mẽ:
trong đó, ngay cả khi bị bó buộc phải phô trương một đức tin khác,
người ta vẫn không chối bỏ đức tin riêng của mình; hay, thông thường hơn, người
ta thủ đắc một đức tin thứ hai - tuy nhiên, người ta vẫn lương thiện trong
bất cứ trường hợp nào. Hiển nhiên, ngày nay người ta có thể có nhiều đức tin
hơn ngày xưa: có thể, nghĩa là được phép, nghĩa là vô hại. Từ đó nẩy ra
lòng rộng lượng đối với chính bản thân. Sự rộng lượng đối với chính bản thân
cho phép có nhiều đức tin; và những đức tin này hòa thuận với nhau, - và, như tất
cả mọi người ngày nay, những đức tin này hết sức tránh thỏa hiệp với nhau. Ngày
nay người ta thỏa hiệp với mình bằng cách nào? Bằng cách nhất trí. Bằng cách đi
theo một đường thẳng. Bằng cách không hàm hồ, nghĩa là không cho phép năm cách
diễn dịch đối kháng nhau một lúc. Bằng cách chân thật… Tôi e rằng con người hiện
đại chỉ quá lười biếng đối với một số tật xấu đang bị tiêu diệt. Mọi tội lỗi đều
tùy thuộc ý chí mạnh và có lẽ không có tội lỗi nếu không có sức mạnh của ý chí,
- đều sa đọa thành đức hạnh trong khí hậu ẩm ướt của chúng ta. Một vài kẻ giả đạo
đức hiếm hoi mà tôi biết chỉ bắt chước sự giả đạo đức thôi: như hầu hết một phần
mười con người ngày nay, họ là những kẻ đóng kịch.
19. Đẹp và xấu. - Không có gì tương đối hay bị giới hạn hơn cảm thức về
cái đẹp của chúng ta. Bất cứ kẻ nào muốn tách rời cảm thức này khỏi lạc thú con
người tìm thấy nơi con người đều lập tức bị chới với ngay. Cái “đẹp tự nội” chỉ
là một danh từ, chứ chưa được là một khái niệm nữa. Trong cái đẹp, con người tự
đặt mình như tiêu chuẩn của sự hoàn hảo; trong những trường hợp chọn lọc, nó tự
ngưỡng mộ mình trong đó. Một chủng loại không thể nào làm khác hơn là
tự khẳng định mình theo cách đó. Bản năng hạ đẳng nhất của nó, bản năng tự bảo
tồn và trương rộng mình hãy còn tỏ lộ trong những sự thăng hoa này. Con người
tin rằng thế giới tự nó chứa đầy vẻ đẹp - nó quên rằng chính nó là
nguyên nhân của tất cả những vẻ đẹp này. Nguyên mình nó đã cho thế giới một vẻ
đẹp, than ôi! rất phàm phu, quá đỗi phàm phu!... Tóm lại con người đã phản chiếu
trong sự vật, nó cho là đẹp tất cả những gì phản ảnh lại cái hình ảnh của chính
nó: phán đoán cái đẹp là sự tự mãn chủng loại của nó… Tuy nhiên, một
chút nghi ngờ có thể lọt vào tai kẻ hoài nghi: thế giới được tô điểm phải chăng
bởi tại chính con người coi nó là đẹp? Con người đã nhân loại hóa thế
giới: tất cả chỉ có vậy. Nhưng không có gì, tuyệt đối không có gì đảm bảo cho
chúng ta rằng con người chính là khuôn mẫu của cái đẹp. Ai biết được trông hắn
giống cái gì trong cặp mắt của một phán quan thẩm mỹ siêu đẳng hơn? Có lẽ hắn
là một kẻ hơi hợm mình? Có lẽ hơi tức cười? Có lẽ hơi độc đoán?... “Ôi thần
Dionysos, tại sao lại beo tai em như vậy?” Ariane một hôm hỏi người tình triết
gia của nàng trong một trong những đối thoại nổi tiếng về Naxos như vậy. “Tôi
thấy tai em hơi tức cười, Ariane: tại sao nó lại không dài hơn một chút nữa nhỉ?”.
20. Không có gì đẹp, chỉ có con người là đẹp: tất cả mọi thẩm mỹ học đều dựa trên sự
ngây thơ này, đó là chân lý thứ nhất. Chúng ta hãy thêm ngay chân lý thứ hai: không có gì xấu ngoài con người sa đọa - lãnh vực của những phán xét
thẩm mỹ đã được quy định bằng hai chân lý đó. - Xét về phương diện sinh lý, bất
cứ cái gì xấu đều làm con người suy nhược và buồn rầu. Nó nhắc nhở con người tới
sự suy đồi, nguy hiểm, bất lực; con người hao tốn sức lực khi đối diện với nó.
Người ta có thể đo được hiệu quả của cái xấu bằng lực kế. Tóm lại, bất cứ khi
nào con người cảm thấy yếu đuối thì đó là dấu hiệu chứng tỏ nó cảm thấy một cái
gì “xấu” đang cận kề. Cảm thức về sức mạnh, ý chí hùng dũng, lòng can đảm, sự
kiêu hãnh - tất cả xuống thấp với cái xấu xa, lên cao với cái đẹp… Trong cả hai
trường hợp, chúng ta đều có thể rút ra kết luận này: những tiền đề của
chúng được tích chứa dồi dào trong bản năng. Cái xấu được coi như một dấu hiệu
và một triệu chứng của suy đồi: cái gì nhắc nhở chúng ta, dù một cách xa xôi, tới
sự suy đồi đều gây ra trong chúng ta phán đoán “xấu”. Bất cứ một dấu hiệu bải
hoải, nặng nề, già nua, mệt mỏi nào, bất cứ sự câu thúc nào, như sự co quắp, tê
liệt, nhất là mùi vị, mầu sắc, hình thể của băng hoại, tan rã, dù chỉ giảm xuống
đến độ chỉ còn là một biểu tượng đi chăng nữa - tất cả đều gây ra cùng một phản
ứng, phán đoán “xấu”. Một sự thù ghét nổi lên tại đây: nhưng con người
ghét cái gì? Không còn hồ nghi gì nữa: sự suy đồi của chủng loại nó. Ở
đây, sự thù ghét của nó bắt nguồn từ bản năng chủng loại sâu thẳm nhất của nó,
trong sự thù ghét này có sự kinh sợ, thận trọng, chiều sâu, sự thấu suốt - đó
chính là sự thù ghét thâm sâu nhất. Chính bởi lẽ đó mà nghệ thuật sâu xa…
21. Schopenhauer. - Schopenhauer, người Đức đáng kể cuối cùng (- người tượng trưng
cho một biến cố Âu Châu, như Goethe, như Hegel, như Henrich Heine, chứ không phải
chỉ như một biến cố địa phương, “quốc gia” mà thôi), là một trường hợp thượng đẳng
đối với một tâm lí gia: tôi muốn nói như một toan tính khôn ngoan thiên tài viện
dẫn những lời khẩn nguyện đối nghịch, nhằm hỗ trợ cho một cuộc hạ giá cuộc đời
một cách toàn triệt và theo quan điểm hư vô chủ nghĩa: sự tự khẳng định vĩ đại
của “ý chí sống” những hình thức phong phú của cuộc đời. Ông đã lần lượt diễn dịch nghệ
thuật, lòng anh hùng, thiên tài, vẻ đẹp, lòng đại từ bi, trí thức, ý chí tìm
chân lý, bi kịch, như những hậu quả của sự “phủ nhận” hay nhu cầu phủ nhận của
“ý chí” - vụ làm bạc giả tâm lý lớn nhất lịch sử, trừ Kitô giáo. Nhìn gần ông
chỉ là kẻ thừa kế của lối diễn dịch Kitô giáo: có điều ông biết cách chấp thuận
cái mà Kitô giáo đã khước từ, những sự kiện văn hóa vĩ đại của nhân loại,
và chấp thuận chúng theo một quan điểm Kitô, nghĩa là hư vô chủ nghĩa (- nghĩa
là ưng chuẩn chúng như những con đường “cứu chuộc”, như những kích thích của
nhu cầu “cứu chuộc…”)
22. Tôi lấy một trường hợp cá biệt. Schopenhauer nói về cái đẹp với một sự
hăng say sầu thảm. - Tại sao vậy? Bởi ông nhìn thấy trong đó một cây cầu trên
đó người ta có thể đi xa hay trên đó người ta khao khát đi xa… Đối với ông vẻ đẹp
là sự giải thoát khỏi “ý chí” trong giây lát - nó lôi cuốn về phía giải thoát
vĩnh viễn… Đặc biệt ông ca tụng nó như đấng cứu chuộc khỏi “trung tâm điểm của
ý chí”, khỏi nhục tình - trong cái đẹp ông thấy sự phủ nhận xung lực
hướng về sự sinh đẻ… Thật là một vị thánh kì dị! Thế nào cũng có kẻ nói ngược lại
ông và tôi e rằng đó là thiên nhiên. Vẻ đẹp có trong những âm thanh, mầu sắc,
hương thơm, những chuyển động nhịp nhàng của thiên nhiên hướng về cứu
cánh nào? Cái gì khiến vẻ đẹp đó hiển lộ? - May mắn thay có
một triết gia cũng nói ngược lại ông. Đấng thần linh Platon (chính Schopenhauer
gọi như vậy) uy tín ngất trời đã chủ trương một thuyết nghịch lại: một vẻ đẹp
khêu gợi, xúi dục sự sinh đẻ - đó chính là hiệu quả đặc biệt của nó, từ cõi miền
nhục cảm thấp nhất tới cõi tâm linh cao siêu nhất.
23. Platon đi xa hơn nữa. Ông nói với sự ngây thơ mà phải là người Hy Lạp chứ không
thể là người “Kitô giáo” mới có thể có được, rằng sẽ không thể có mảy may triết
lý Platon nào nếu không có những trai tráng xinh đẹp như vậy ở thành phố Nhã Điển:
chính khi nhìn thấy họ mà tâm hồn triết gia bay bổng vào cõi mộng tình ngây ngất
và không thể an nghỉ cho đến khi nó reo rắc hạt mầm của mọi sự cao siêu vào
lòng mảnh đất quá đẹp tươi như thế.
Thêm một bậc thánh kỳ dị nữa - người ta không thể tin tai mình, dù giả thử rằng
người ta tin Platon. Ít ra người ta thấy rằng ở Nhã Điển họ triết lý một
cách khác hẳn, nhất là trong quần chúng. Không có gì ít tính chất Hy Lạp hơn là
ngồi trong xó dệt một cái lưới nhện khái niệm, amor intellectualis
dei [30] theo
kiểu Spinoza. Triết lý theo kiểu Platon đúng ra phải được định nghĩa như một cuộc
tranh biện dâm dật, như một sự khai triển và đào sâu của môn thể dục cổ điển và
những điều kiện tiên quyết của nó… Cái gì cuối cùng nẩy sinh ra từ
cái dâm triết lý của Platon? Một hình thức nghệ thuật mới của cổ Hy Lạp: biện
chứng pháp. Tôi nhắc thêm, chống lại Schopenhauer và để tôn vinh Platon: tất cả
mọi nền văn hóa và văn chương cao siêu của nước Pháp cổ điển đều nảy
nở trên mảnh đất dục tình. Ở đây người ta có thể tìm thấy khắp chốn sự hào hoa,
nhục cảm, sự tranh đua thư hùng, “đàn bà”, - người ta sẽ không bao giờ tìm kiếm
vô ích…
21. L’art pour l’art [31] .-
Sự chống đối cứu cánh trong nghệ thuật bao giờ cũng là sự chống đối khuynh hướng đạo
đức hóa [32] trong
nghệ thuật, chống đối sự lệ thuộc của nghệ thuật vào đạo đức, L’art pour
l’art có nghĩa là: “Thây kệ luân lý” - nhưng chính sự thù nghịch này tố
cáo rằng thành kiến luân lý hãy còn giữ phần ưu thắng. Khi người ta khai trừ khỏi
nghệ thuật mục đích giảng dạy luân lý và cải thiện con người thì không nhất thiết
nghệ thuật phải vô mục đích và không có một ý nghĩa nào, tóm lại, l’art
pour l’art - một con rắn cắn đuôi chính nó. “Không có một mục đích nào cả
tốt hơn là có một mục đích đạo đức!”, đam mê thuần túy nói như vậy. Một tâm lí
gia hỏi ngược lại: tất cả mọi thứ nghệ thuật dùng để làm gì? nó không ca tụng
sao? không tán dương sao? không lựa chọn sao? không tỏ lòng yêu quí sao? khi
làm thế nó sẽ làm mạnh hay làm yếu đi một số sự thẩm định
giá trị… Đó là một cái gì thứ yếu? một sự tình cờ? một cái gì bản năng của nghệ
sĩ không tham dự vào chút nào? hay nó không phải là điều kiện tiên quyết cho
phép người nghệ sĩ là nghệ sĩ?... Bản năng sâu xa nhất của nghệ sĩ có hướng về
nghệ thuật hay đúng hơn về ý nghĩa của nghệ thuật, về cuộc đời, về lòng
khao khát cuộc đời? - Nghệ thuật là sự kích thích mãnh liệt hướng về cuộc
đời: tại sao người ta có thể coi nó như vô mục đích, như l’art pour l’art?
- Vẫn còn lại một câu hỏi phải giải đáp: nghệ thuật còn đưa ra ánh sáng nhiều
cái xấu xí, cay đắng, hồ nghi trong cuộc đời - chẳng phải vì thế mà nó khiến
cho cuộc đời trở nên nhọc nhằn sao? - Và quả thực có những triết gia đem gán
cho nghệ thuật ý nghĩa đó: “giải thoát khỏi ý chí” đó là tất cả đối tượng của
nghệ thuật theo lời dạy của Schopenhauer, “khiến người ta nhẫn nhục”, đó là lợi
ích lớn lao của bi kịch mà ông đề cao. - Nhưng điều này - như tôi đã cho thấy từ
trước - là quan điểm và “ác nhãn” của người bi quan. Người nghệ sĩ bi thảm
truyền đạt điều gì tới những kẻ khác? Hắn không diễn tả thái độ vô úy trước
tất cả những gì khủng khiếp và hồ nghi sao? - chính thái độ này là một điều
đáng mơ ước vô cùng: kẻ nào hiểu đều cung kính tôn vinh nó trên tất cả mọi sự.
Người nghệ sĩ truyền đạt điều này, phải truyền đạt điều này nếu hắn
là nghệ sĩ, một thiên tài trong nghệ thuật cảm thông. Lòng dũng cảm và bình
tĩnh trước kẻ thù hùng mạnh, trước bất hạnh tày trời, trước một vấn đề đầy kinh
hoàng - chính thái độ chiến thắng này người nghệ sĩ lựa chọn, ca ngợi.
Trước bi kịch, tính hiếu chiến trong tâm hồn chúng ta cử hành những cuộc tế lễ
linh đình; kẻ nào tìm kiếm đau khổ, con người anh hùng, tán dương cuộc đời mình
bằng bi kịch, - chỉ riêng đối với kẻ đó thôi, người nghệ sĩ bi tráng mới dâng tặng
chén tàn bạo ngọt ngào tuyệt vời này.
25. Chịu đựng mọi người, mở rộng cửa với tất cả tâm hồn - đó là lòng quảng đại,
nhưng chỉ là lòng quảng đại phóng khoáng mà thôi, người ta biết có những tâm hồn
hiếu khách cao sang trướng rủ rèm buông: họ để trống những căn phòng
tốt nhất. Tại sao vậy? - Bởi vì họ chờ đợi những quý khách mà họ không phải “chịu
đựng”…
26. Chúng ta không tôn trọng mình lắm khi chúng ta thổ lộ mình. Những kinh nghiệm
riêng tư đích thực của chúng ta không có nhiều lời. Dù những kinh nghiệm ấy có
muốn thổ lộ mình đi chăng nữa cũng không thể được. Ấy là bởi tại chúng ta thiếu
lời. Chúng ta đã ở trên bất cứ điều gì mà chúng ta có thể diễn tả bằng ngôn từ.
Trong tất cả mọi câu chuyện đều có một chút khinh bỉ. Dường như ngôn ngữ chỉ được
tạo ra cho những cái tầm thường, trung bình, có thể thông tri được. Bằng ngôn
ngữ, người nói đã tầm thường hóa mình đi ngay khi nói.- Trích luân lý dành cho những kẻ câm điếc và những triết gia khác [33].
27. “Bức tranh này đẹp mê hồn!”… [34] người
đàn bà chuộng văn chương, bất mãn, bứt rứt, trong tâm hồn và ruột gan, trống trải,
tò mò lắng nghe từng phút, một cách đau đớn, cái mệnh lệnh từ cơ thể sâu kín của
nàng thì thầm: “aut liberi aut libri [35]: người
đàn bà văn chương học hành đủ để nghe tiếng nói của thiên nhiên, dù cho khi nó
nói bằng tiếng Latin, tuy nhiên khá kiêu căng, rỗng tuếch, khá đần độn như ngan
ngỗng để bí mật nói thì thầm với mình bằng tiếng Pháp: “je me verrai, je me
lirai, je m’extasierai et me dirai: Possible, que j’aie eut tant d’esprit?” [36]…
28. Những kẻ “vô ngã” nói. - “Đối với chúng ta, không có gì dễ hơn là trở nên khôn
ngoan, kiên nhẫn, cao cả. Chúng ta xem xét tỉ mỉ với dầu mỡ bao dung và thiện cảm,
chúng ta đẩy công lý đến chỗ phi lý, chúng ta tha thứ cho tất cả. Chính vì thế
thỉnh thoảng chúng ta phải nuôi dưỡng một chút đam mê nhỏ, một chút tật
xấu nhục tình. Điều đó có thể cực nhọc đối với chúng ta; và khi quây quần thân
mật chỉ có chúng ta thôi, có thể chúng ta sẽ cười dáng vẻ bề ngoài ta có vì lẽ
đó. Nhưng để làm gì? chúng ta không còn cách nào khác hơn là để tự vượt qua
chúng ta: đó là sự khổ hạnh của chúng ta, khổ hình của chúng ta… Trở
nên vô ngã - đức hạnh của những kẻ “vô ngã”…
29. Từ một cuộc thi tiến sĩ. - “Sứ mệnh của tất cả mọi nền giáo dục cao đẳng là
gì?” - Là biến con người thành một cái máy. - “Bằng cách nào?” - Phải dạy con
người buồn chán. - “Làm thế nào để đạt được điều đó?”- Bằng ý niệm bổn phận.-
“Ai là gương mẫu của nó?” - Nhà ngữ học: hắn dạy cách nhá [37].
- “Ai là con người hoàn toàn?” - Công chức nhà nước. - “Triết học nào cho người
công chức nhà nước công thức tốt nhất?” - Triết học của Kant: người công chức
nhà nước với tư cách vật tự nội đặt trên người công chức nhà nước với tư cách
hiện tượng. -
30. Quyền ngu ngốc. - Người công nhân mệt mỏi, hơi thở chậm rãi, mắt nhìn dịu dàng,
để sự vật tự do lưu chuyển: nhân vật điển hình này, mà ngày nay, trong Thời Đại
của Lao Động (và của “Reich”! nữa -) người ta gặp trong mọi giai cấp xã hội
đang đòi hỏi nghệ thuật, gồm cả sách vở và, trước hết, báo chí - nhất là vẻ
đẹp của thiên nhiên Ý Đại Lợi chẳng hạn… Con người của buổi tối, vói “những bản
năng man rợ ngủ say” [38] mà
Faust nói, con người này cần dưỡng sức, tắm biển, trượt băng, Beyreuth [39]…
Trong những thời đại như thời đại của chúng ta, nghệ thuật có quyền hoàn
toàn điên khùng [40] như
một thứ nghỉ hè của tinh thần, trí tuệ và cảm giác. Wagner hiểu điều đó. Sự điên
khùng hoàn toàn là liều thuốc bổ…
Chú thích:
[1] Nietzsche
dùng chữ này đầu tiên trong “Phổ hệ luân lý”, chỉ những con người hùng mạnh cao
quý như những anh hùng của Homère, những hải tặc Viking - Ghi chú của Dịch giả.
[2] Giai
cấp hạ lưu ngoài lề xã hội - G.c.D.
[3] Môi
nhỏ. - G.c.D.
[4] Sự
xảo trá thành tín - G.c.D.
[5] Trong
sự nhơ nhớp tự nhiên.
[6] Der
Trompeter von Sackingan, tác phẩm nổi tiếng của Joseph Victor von Scheffel. -
G.c.D.
[7] Sữa
dồi dào
[8] Con
bò sữa “đẹp mã”
[9] Anh
em Goncourt
[10] Pháp
văn trong nguyên bản: khoa học và quí phái. - G.c.D.
[11] Pháp
văn trong nguyên bản: phúc âm của những kẻ bần cùng. - G.c.D.
[12] Pháp
văn trong nguyên bản: xoi mói, dèm pha
[13] Pháp
văn trong nguyên bản: lòng hờn oán, hiềm khích
[14] Pháp
văn trong nguyên bản: phong trào hay chủ trương lãng mạn
[15] Pháp
văn trong nguyên bản: kẻ (sự) phóng túng, vô kỷ luật, vô tôn giáo
[16] Gương
Chúa Jesus, tác phẩm nổi tiếng của Thomas à Kempis (1379 - 1471)
[17] Nghĩa
đen: mà không cảm thấy một sự đối kháng sinh lý (ohne einen physiologischen
Widerstand).
[18] das
Ewig-Weibliche, một trong những câu thơ cuối cùng trong tác phẩm Faust của
Goethe (“Người nữ đời đời kéo chúng ta lên cao), đối tượng chế giễu của
Nietzsche.
[19] Pháp
văn trong nguyên bản: kiểu Eliot
[20] Pháp
văn trong nguyên bản: sự kiện nhỏ nhặt
[21] Homospathische
hay là phép lấy bệnh trị bệnh
[22] Nói ừ,
sagen ja là thuật ngữ Nietzsche dùng để chỉ thái độ khẳng định tích cực
đối với cuộc đời của kẻ chấp nhận cuộc đời với tất cả những gì kinh khủng, bi
đát nhất của nó, một dionysien, tín đồ của Dionysos - kẻ khẳng định vĩ đại.
[23] Trong
Sự khai sinh của bi kịch. - G.c.D.
[24] Tôi
chính là kẻ kế vị tôi. - G.c.D.
[25] “Mặc
dù thiếu sức mạnh, nhưng dục vọng thì thực đáng khen.”
[26] Kinh
tế học gia người Anh (1766- 1834), chủ trương hạn chế nhân khẩu. - G.c.D.
[27] Nietzsche
đổi lại câu cuối cùng bài Ein fester Burg của Lutther, đại ý: những
gì thuộc về trần gian này hãy ra đi, ở lại những gì thuộc về Reich, nước
thiên đàng. - G.c.D.
[28] Menschenkenner
[29] Nguyên
văn: một kẻ miệt thị con người - Menschen-Verächter - G.c.D.
[30] “Tình
yêu Thượng đế bằng tinh thần”. - G.c.D.
[31] Pháp
văn trong nguyên bản: “Nghệ thuật vị nghệ thuật”.
[32] Tức
chủ trương “văn dĩ tải đạo”. - G.c.D.
[33] So
sánh Lão Tử: “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo. Danh khả Danh, phi thường Danh”,
“Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” và Héraclite: “Kẻ im lặng bao giờ cũng đẹp.”
[34] Dòng
mở đầu nhạc khúc: “Tiếng sáo mê hồn” của Mozart.
[35] Trẻ
con hay sách vở. - G.c.D.
[36] Tôi
sẽ thấy chính tôi, ta sẽ đọc tôi, tôi sẽ xuất thần và tôi sẽ nói: Có thể tôi có
nhiều tinh thần đến thế kia ư?- Galiani: thư gửi bà Épinay ngày 18 tháng 9 năm
1709. Nguyên văn không có dấu phết sau chữ Possible - G.c.D.
[37] Nguyên
tác: ochsen: làm việc siêng năng vất vả, còn có nghĩa là học hành
chuyên cần, học gạo. - G.c.D.
[38] Lấy
trong câu thơ của Goethe: “Entschlafen sind nun wilde Triebe” (Faust, Hồi I, cảnh
3.)
[39] Nơi
Wagner ở, thỉnh thoảng có tổ chức hoà nhạc.
[40]Parsifal,
nhân vật chính trong vở nhạc kịch cuối cùng của Wagner được mô tả như một kẻ
trong trắng, thuần khiết, điên khùng (reine Tor), Nietzsche cho câu truyện Parsifal là
phi lý và dùng chữ reine Torheit (thuần tuý điên) theo nghĩa hoàn
toàn điên. - G.c.D.
Những cuộc ngao du của con người phi thời (tiếp theo)
31. Lại một vấn đề chay tịnh nữa. - Những cách mà Jules César dùng để chống lại
tình trạng bệnh hoạn và chứng đau đầu của ông ta là: đi bộ thật nhiều, sống hết
mức đơn giản, nghỉ ngơi liên tục tại nơi phóng khoáng, gắng sức liên miên - đại
để đó là những biện pháp phòng ngừa và tự vệ chống lại sự dễ bị thương cực kỳ của
bộ máy vi diệu làm việc dưới áp lực cao nhất mà người ta gọi là thiên tài. -
32. Kẻ vô luân nói. - Không có gì nghịch lại với thị hiếu của triết gia cho bằng
con người với tư cách kẻ thèm muốn… Nếu triết gia chỉ thấy con người
trong hành vi, nếu hắn thấy con vật can đảm nhất, xảo quyệt nhất, nhẫn nại nhất,
lạc lõng bơ vơ ngay cả trong những mê lộ tuyệt vọng - thì con người hiện ra với
hắn đáng kính phục biết bao! Hắn khích lệ con người… Nhưng triết gia khinh bỉ
con người thèm muốn, và cả con người “đáng thèm muốn” nữa - hắn khinh bỉ tất cả
mọi cái đáng thèm muốn, mọi lý tưởng của con người. Nếu triết gia có
thể là một kẻ theo hư vô chủ nghĩa, hắn sẽ là một kẻ theo hư vô chủ nghĩa ngay
bởi hắn nhìn thấy hư vô đằng sau tất cả những lý tưởng của con người. Mà cũng
không phải chính hư vô nữa - mà chỉ là những gì vô giá trị, phi lý, bệnh hoạn,
hèn nhất, mệt mỏi, tất cả mọi thứ cặn bã trong cái ly đã uống cạn của
đời nó. Tại sao con người, kẻ đáng kính phục nhường ấy trong thực tại, lại
không xứng đáng một chút kính trọng nào khi nó thèm muốn vậy? Phải chăng nó phải
chuộc lỗi vì đã quá thích hợp trong thực tế? Nó phải cân bằng hành động của nó,
cân bằng sự căng thẳng của tinh thần và ý chí vận dụng trong mọi hành động, bằng
sự vươn tay duỗi chân [1] vào
lãnh vực tưởng tượng và phi lý chăng? - Lịch sử của những ước vọng của nó từ
xưa tới nay là partie honteuse [2] của
con người. Phải cẩn thận đừng đọc quá lâu trong cuốn sử đó. Cái biện minh con
người là thực tế của nó - thực tế sẽ vĩnh viễn biện minh cho nó. Con người đích
thực giá trị biết chừng nào khi so sánh với bất cứ loại người nào chỉ được tạo
nên bởi thèm muốn, mơ mộng, rác rưởi và dối trá? khi so sánh với bất cứ một con
người lý tưởng nào?... Và chỉ có con người lý tưởng là kẻ nghịch lại
với thị hiếu của triết gia mà thôi.
33. Giá trị tự nhiên của lòng ích kỷ. - Giá trị của lòng ích kỷ tùy thuộc vào giá
trị sinh lý của kẻ có lòng ích kỷ: nó có thể rất có giá trị, nó có thể vô giá
trị và đáng khinh bỉ. Mỗi cá nhân đều có thể được xét đoán tùy theo hắn tượng
trưng cho đường đi lên hay đi xuống của cuộc đời. Sau khi đã quyết định như thế
người ta đã có một tiêu chuẩn để đánh giá giá trị lòng ích kỷ. Nếu nó biểu diễn
đường đi lên, thì giá trị của nó quả thật phi thường - và vì lợi ích của cuộc đời
toàn diện, sẽ cùng với nó tiến một bước dài về phía trước, sự lo lắng cho sự bảo
tồn của nó, cho việc tạo ra những điều kiện tốt nhất cho nó có thể vô cùng. Con
người đơn lẻ, “cá nhân”, như người ta cũng như những triết gia từ xưa tới nay
hiểu, là một điều sai lầm: tự nó không là gì cả, nó không phải là một nguyên tử,
một “mắt xích”, một cái gì chỉ do quá khứ để lại, - nó là tất cả dòng dõi đơn
biệt của con người từ xưa lên đến nó. Nếu nó biểu diễn sự phát triển đi xuống,
sự suy đồi, thoái hóa kinh niên, bệnh hoạn (- bệnh hoạn nói chung là những triệu
chứng của suy đồi, chứ không phải là nguyên nhân), thì lúc đó nó chẳng
có giá trị bao nhiêu, và sự công bình tối thiểu đòi hỏi rằng nó lấy của
những người khỏe mạnh càng ít chừng nào càng tốt chừng ấy. Nó chỉ là một con ký sinh trùng của họ mà thôi…
34. Tín đồ Kitô và kẻ vô thần. - Khi kẻ vô thần, người phát ngôn của những giai cấp
giai cấp xã hội suy đồi lên tiếng đòi hỏi với sự phẫn nộ chính đáng
những “quyền hạn” của hắn, “công lý”, “quyền bình đẳng”, hắn chỉ hành động dưới
áp lực của sự thiếu văn hóa của hắn, mà không biết lý do đích thực tại
sao mình khổ - mình nghèo khó về phương diện nào, trong cuộc đời… Một
khuynh hướng về nguyên nhân mãnh liệt trong hắn lý luận: phải có một kẻ nào đó
phải chịu trách nhiệm về tình cảnh tồi tệ đó của hắn… Sự “phẫn nộ chính đáng”
này tự nó đã giúp ích cho hắn nhiều; bất cứ một kẻ đáng thương nào cũng tìm thấy
khoái lạc trong sự chửi rủa - nó tìm thấy trong đó một chút say sưa của sức mạnh.
Ngay sự ta thán và than vãn cũng đủ cho đời một sự quyến rũ mà vì nó người ta
có thể chịu đựng được cuộc đời rồi: có một lượng trả thù nhỏ trong mỗi
lời ta thán, người ta quy trách tình trạng tồi tệ, và trong một vài trường hợp,
ngay cả sự xấu xa của mình cho những kẻ khác họ, như thể những kẻ này phạm một
điều bất công hay có một đặc quyền trái phép. “Nếu tôi là một tên Canaille [3] thì
bạn cũng phải là một kẻ như vậy.”: người ta làm cách mạng trên nền tảng luân lý này. Than thở chẳng bao giờ vô ích cả: nó xuất phát từ những kẻ yếu đuối. Dù
người ta gán tình trạng tồi tệ của mình cho những kẻ khác hay cho chính
mình - những kẻ theo Xã hội chủ nghĩa làm việc đầu, những tín đồ Kitô giáo
chẳng hạn, làm việc sau - thì thực ra cũng chẳng có gì khác nhau cả. Cái giống
nhau của cả hai, chúng ta có thể thêm, cái đê tiện đáng khinh của cả
hai, là cho rằng phải có kẻ nào đó chịu trách nhiệm về sự đau khổ của
mình - tóm lại, kẻ đau khổ tự kê đơn thuốc ra cho chính mình, lấy mật ngọt của
sự trả thù để trị nỗi đau khổ của mình. Những đối tượng của nhu cầu trả thù này
cũng như nhu cầu khoái lạc đều chỉ là những nguyên nhân cơ ngẫu [4]:
kẻ đau khổ tìm thấy khắp mọi nơi những nguyên nhân [5] để
xoa dịu sự căm thù ti tiện của hắn - nếu hắn là một tín đồ Kitô giáo, xin nhắc
lại, hắn tìm thấy những nguyên nhân này trong chính mình… Kẻ vô thần và
tín đồ Kitô giáo - cả hai đều là những kẻ décadents [6] .-
Khi tín đồ Kitô giáo lên án, phỉ báng và bôi nhọ “trần gian”, hắn hành động như
vậy bởi cùng bản năng thúc đẩy người công nhân Xã hội chủ nghĩa lên án, phỉ
báng và bôi nhọ xã hội: ngay cả cuộc “phán xét cuối cùng” cũng chỉ là
sự an ủi trả thù dịu dàng - cuộc cách mạng, như người công nhân theo Xã hội chủ
nghĩa mong mỏi, có điều được quan niệm như một cái gì xa xôi hơn mà thôi… ngay
cả “Thế giới bên kia” - thế giới bên kia để làm gì nếu không phải là một phương
tiện để bôi nhọ thế giới này?...
35. Phê bình luân lý “Décadence” [7] .-
Một luân lý “vị tha”, một luân lý trong đó lòng vị kỷ suy yếu - trong
bất cứ trường hợp nào cũng đều là một dấu hiệu xấu cả. Điều này đúng cho những
cá thể, điều này đặc biệt đúng hơn nữa cho những dân tộc. Cái tốt nhất thiếu vắng
khi lòng vị kỷ bắt đầu thiếu vắng. Chọn cái có hại cho chính mình, bị cám
dỗ bởi những nguyên nhân “vô vị lợi”, đó hầu như là định thức của décadence.
“Không tìm lợi lộc cho chính mình” - đó chỉ là một cái lá đa lá đề
luân lý cho một thực tại hoàn toàn khác hẳn, nghĩa là, sự kiện sinh lý: “Tôi
không còn biết cách tìm lợi ích của riêng tôi nữa”… Sự phân hóa của
những bản năng! - Con người tàn mạt khi nó bắt đầu vị tha. - Thay vì nói một
cách ngây thơ: “Tôi không còn giá trị nữa.”, sự dối trá luân lý qua miệng của kẻ décadent lại
nói rằng: “không có gì có giá trị cả, - cuộc đời không có giá trị
gì cả”… Một phán đoán như vậy, cuối cùng, bao giờ cũng là một mối nguy hại lớn,
nó có tính cách truyền nhiễm - trên mảnh đất vô cùng bệnh hoạn của xã hội, chẳng
bao lâu nó nẩy nở phồn thịnh thành một rừng tư tưởng nhiệt đới - khi thì dưới
hình thức tôn giáo (Kitô giáo), khi thì dưới hình thức triết học (chủ thuyết
Schopenhauer). Đôi khi những cây độc mọc lên từ sự mục nát thối tha này có thể
đầu độc cuộc đời hàng ngày muôn ngàn năm sau bằng hơi độc chúng xông
lên…
36. Quy tắc luân lý cho y sĩ. - Kẻ bệnh hoạn là ký sinh trùng của xã hội. Trong một
số trạng thái nào đó, tiếp tục sống là điều bất chính. Tiếp tục sống như cỏ cây
trong sự lệ thuộc hèn nhát vào y sĩ và thuốc men, sau khi ý nghĩa cuộc đời, quyền sống
đã mất, bắt buộc phải đi tới chỗ bị xã hội khinh bỉ sâu xa. Những y sĩ, tới lượt
họ, phải là những kẻ trung gian truyền đạt sự khinh bỉ này - họ không được cho
toa, chữa bệnh nữa, trái lại mỗi ngày họ phải mang lại một liều ghê tởm mới
tới cho bệnh nhân… Tạo ra một trách nhiệm mới, trách nhiệm của y sĩ, áp dụng
cho mọi trường hợp trong đó lợi ích tối cao của cuộc đời, của cuộc đời đi
lên, đòi hỏi người ta gạt ra và chà đạp một cách tàn nhẫn cuộc đời đi xuống -
chẳng hạn để xác định quyền sinh sản, quyền được sinh ra đời, quyền sống… Chết
một cách kiêu hãnh khi không còn có thể sống một cách kiêu hãnh. Chết theo sự lựa
chọn tự do, giữa đám con cháu và nhân chứng quây quần xung quanh: như thế lời
vĩnh biệt đích thực còn có thể thực hiện trong khi kẻ đang từ trần hãy còn
đó, và thực sự còn có thể đánh giá giá trị điều hắn đã hoàn thành và ước muốn
trong cuộc đời, làm bảng tổng kết cuộc đời - tất cả những điều đó
trái ngược với màn bi hài kịch thảm thương và kinh khủng mà Kitô giáo đã đóng
trong giờ lâm chung. Không bao giờ người ta được phép quên rằng Kitô giáo đã lạm
dụng sự yếu đuối của kẻ hấp hối để dùng bạo lực áp đảo ý thức hắn và lạm dụng
ngay cả chính cách chết để dựng nên những phán đoán giá trị về con người và quá
khứ hắn nữa! - Gạt ra ngoài tất cả những hèn nhát của thành kiến, vấn đề ở đây
là thiết định sự đánh giá trị đích thực, nghĩa là có tính cách sinh lý, của cái
gọi là chết tự nhiên: cái chết này, rốt cục, có tính cách “phản tự
nhiên”, một cuộc tự tử. Người ta không bao giờ chết bởi kẻ khác mà chỉ bởi
mình. Nhưng thường chỉ là cái chết trong những trường hợp đáng khinh bỉ nhất, một
cái chết không tự do, một cái chết không đúng lúc, một cái chết của một kẻ hèn
nhát. Vì lòng tha thiết yêu cuộc đời, người ta phải ao ước một cái chết
khác hẳn: tự do, ý thức, không tình cờ, không đột ngột… [8] Sau
cùng đây là một lời khuyên gửi quý vị bi quan và décadents thân mến
khác. Chúng ta không nắm trong tay khả năng ngăn cản việc chúng ta ra đời:
nhưng chúng ta có thể sửa chữa sự lầm lẫn này vì đôi khi đó là một sự lầm lẫn.
Khi người ta tự hủy, người ta đã làm một việc đáng kính trọng nhất: người
ta gần như xứng đáng được quyền sống vì đã làm thế [9]…
Xã hội, tôi muốn nói chính cuộc đời rút tỉa được lợi ích từ việc làm
như vậy nhiều hơn bất cứ từ một “cuộc đời” nào trôi qua trong sự khước từ ốm yếu
xanh xao và những đức hạnh khác - người ta đã đi cho khuất mắt những kẻ khác,
người ta đã giải thoát cho cuộc đời một vấn nạn… Chủ nghĩa bi quan pur,
vert [10] chỉ
có thể tự chứng minh bởi sự tự chối bỏ của những quí ông theo bi quan
chủ nghĩa: người ta phải tiến thêm một bước nữa trong luận lý của mình, và
không phải chỉ chối bỏ cuộc đời trong “ý chí và biểu tượng” như Schopenhauer đã
làm - người ta trước hết phải chối bỏ Schopenhauer: Tiện thể xin nói
qua, chủ nghĩa bi quan tuy hay lây nhưng không làm gia tăng tính chất bệnh hoạn
của một thời đại hay một chủng tộc nói chung: nó chính là sự biểu lộ của tính
chất bệnh hoạn đó. Người ta trở thành nạn nhân của nó giống như người ta trở
thành nạn nhân của bệnh dịch tả: cơ thể người ta phải có những tố tính bệnh hoạn
trước đã: chủ nghĩa bi quan tự nó không tạo ra thêm dù là một kẻ décadent nào.
Tôi xin nhắc lại rằng thống kê cho thấy những năm bệnh dịch tả hoành hành tổng
số người chết không khác gì những năm khác.
37. Chúng ta có trở nên đạo đức hơn không? - Như người ta đã chờ đợi, tất cả tính
chất tàn bạo của sự xuẩn ngốc luân lý, từ xưa tới nay vẫn được lầm
coi là chính luân lí ở Đức, đã đổ xô vào tấn công quan niệm: “phi thiện ác” của
tôi: tôi có thể kể nhiều chuyện ngộ nghĩnh về sự kiện này. Trên tất cả, người
ta cố gắng khiến tôi suy nghĩ về “sự tối cao không thể chối cãi được” của thời
đại chúng ta trong phán đoán luân lý, sự tiến bộ đích thực của chúng
ta trong lãnh vực này: so với chúng ta, một César Borgia chắc chắn
không thể tượng trưng cho một “con người siêu việt”, một thứ siêu nhân theo
kiểu tôi đã dựng lên… Một ông chủ bút Thuỵ Sĩ, chủ bút báo Bund, đi xa hơn
- không những không bầy tỏ lòng khâm phục của ông đối với sự can đảm dám làm một
việc như thế này - mà ông còn “hiểu” rằng ý nghĩa tác phẩm tôi nằm trong việc đề
xướng bãi bỏ tất cả mọi tình cảm đoan chính! Xin cảm ơn! - để trả lời, tôi tự
cho phép nêu ra câu hỏi này: “Có thực chúng ta có trở nên đạo đức hơn không?” Sự
kiện tất cả mọi người tin như vậy đã là một bác luận chống lại nó rồi. Chúng
ta, những con người của thời đại mới, vô cùng tế nhị, vô cùng nhậy cảm, sẵn
sàng đón nhận ý kiến tư tưởng hàng trăm cách khác nhau, quả thực chúng ta tưởng
tượng rằng những tình cảm nhân loại dịu dàng mà chúng ta biểu lộ này, sự nhất
trí đã đạt được trong lòng khoan dung, trong sự sẵn sàng giúp đỡ, trong lòng
tin tưởng lẫn nhau, là một sự tiến bộ đích thực và chúng ta đã tiến xa con người
thời Phục Hưng. Nhưng thời đại nào cũng nghĩ như vậy, phải nghĩ như vậy.
Điều chắc chắn là chúng ta không dám tự đặt mình vào những hoàn cảnh ấy: thần
kinh chúng ta trong không chịu đựng nổi một thực tại như vậy, nói chi đến những
bắp thịt của chúng ta. Tuy nhiên sự bất lực này không chứng tỏ một sự tiến bộ
mà chỉ cho thấy một thể chất muộn màng khác yếu đuối hơn, tế nhị hơn, nhậy cảm
hơn, từ đó thiết yếu phải nẩy sinh ra một luân lý đầy cung kính. Nếu chúng
ta thử tưởng tượng sự tế nhị và trễ muộn, sự suy nhược sinh lý của chúng ta coi
như không có, thì lập tức luân lý “nhân đạo” mất ngay giá trị của nó - không có
một luân lý nào tự nó có giá trị cả -: nó còn có thể khiến chúng ta khinh bỉ nữa.
Trái lại, chúng ta hãy tin rằng chúng ta, những con người thời hiện đại, với
lòng nhân đạo như tấm chăn bông nhồi nhét đầy bông len êm ái quấn xung quanh, sợ
hãi không muốn đụng chạm dù với một hòn đá nhỏ, chắc chắn sẽ đem lại cho những
kẻ đồng thời với César Borgia một màn hài kịch khiến họ cười đến chết được. Quả
thực, một cách vô ý thức, chúng ta khôi hài đến cùng độ, chúng ta với những “đức
tính” hiện đại của chúng ta… Sự suy giảm của những bản năng thù nghịch và khêu
gợi hồ nghi - và đó là cái xây dựng sự “tiến bộ” của chúng ta - chỉ tiêu biểu
cho một trong những hậu quả của sự suy giảm tổng quát sinh lực của
chúng ta: người ta phải vất vả và thận trọng hơn gấp trăm ngàn lần để sống một
cuộc đời lệ thuộc và muộn màng như vậy. Lúc đó người nọ sẽ giúp đỡ người kia,
lúc đó mỗi người, tới một cực độ nào đó, đều là bệnh nhân, và mỗi người là một
khán hộ trông coi bệnh nhân. Cái đó được gọi là “đức hạnh” -: giữa những người
đã biết một cuộc sống khác, một cuộc sống phong phú hơn, hoang tàng hơn, lai
láng hơn, nó có thể được gọi bằng một cái tên khác, có thể là “hèn nhát”, “ti
tiện”, “đạo đức của bà già”… Sự làm dịu nhẹ phong tục của chúng ta - đây là luận
đề của tôi, sự cải cách của tôi, nếu bạn muốn, - là một hậu quả của sự
suy đồi; ngược lại sự cứng rắn và tàn khốc của tập quán lại có thể là hậu quả của
sự phong phú của cuộc đời. Bởi vì trường hợp sau đòi hỏi nhiều liều lĩnh, nhiều
thách đố và nhiều hoang phí. Cái gì trước kia là hương vị của cuộc đời
ngày nay có thể là độc dược cho chúng ta… Để lãnh đạm lạnh lùng - đó
cũng là một hình thức của sức mạnh - chúng ta cũng đã quá già, quá muộn: thứ đạo
đức bác ái của chúng ta mà tôi là kẻ đầu tiên đề cao cảnh giác, thứ đạo đức người
ta có thể gọi là l’impressionnisme morale [11],
cũng lại là một biểu lộ khác của sự nhậy cảm sinh lý quá đáng, đặc tính của tất
cả những gì là décadent. Phong trào này với đạo đức bác ái của
Schopenhauer đã cố gắng tự trình bầy một cách khoa học - một cố gắng đại bất hạnh!
- đúng là một phong trào đích thực của sự décadence trong luân lý và
như thế rất gần gũi với luân lí Kitô giáo. Những thời đại hùng mạnh, những nền
văn hóa cao quý đều nhìn thấy trong lòng bác ái, trong “lòng yêu
thương đồng loại”, trong sự thiếu vắng lòng ích kỷ và thiếu vắng độc lập một
cái gì đáng khinh bỉ. - Phải đo lường những thời đại theo những sức mạnh
tích cực của chúng - và, nếu đo lường theo tiêu chuẩn ấy thì thời đại Phục
Hưng, hoang tàng và đầy bất tường hung hiểm, hiện ra như thời đại lớn cuối
cùng và chúng ta, chúng ta những con người thời hiện đại, với sự thận trọng lo
âu cho bản thân và tình yêu đồng loại, với những đức tính cần lao, khiêm tốn,
công bình, khoa học - thu thập, tiết kiệm, máy móc - hiện ra như một thời đại yếu
đuối. Những đức tính của chúng ta bị điều kiện hóa, bị sự yếu đuối của chúng ta đòi
hỏi phải có… “Bình đẳng”, một sự đồng hóa xác thực, phát biểu qua lý thuyết
về “quyền bình đẳng” cốt yếu thuộc về sự suy đồi: vực thẳm chia cách giữa con
người và con người, giai cấp và giai cấp, sự đa tạp của những chủng loại, ý chí
muốn là mình, muốn tách biệt đứng riêng một mình, cái mà tôi gọi là cảm thức
đau nhức về khoảng cách [12] -
là đặc tính của mọi thời đại mạnh. Sự đàn hồi, căng thẳng giữa những
thái cực ngày nay càng ngày càng trở nên thu hẹp lại - cuối cùng chính những
thái cực tự xóa đi và đến chỗ trở nên tương đồng… Tất cả mọi lý thuyết chính trị
và những cơ cấu tổ chức quốc gia của chúng ta, không vì lẽ gì không kể “Đế quốc
Đức”, đều là những hậu quả, những hậu quả thiết yếu của sự suy đồi; ảnh hưởng
vô thức của sự décadence còn bắt đầu chế ngự ngay cả trên lý tưởng của
một số khoa học. Tôi bài bác toàn thể môn xã hội học ở Anh và Pháp bởi nó chỉ
biết do kinh nghiệm những hình thức suy đồi của xã hội và hoàn toàn
ngây thơ coi chính những bản năng suy đồi của nó như qui phạm của
phán đoán giá trị xã hội học. Cuộc sống suy đồi, sự suy giảm của tất cả những
sức mạnh tổ hợp, nghĩa là những sức mạnh chia cách, đào vực sâu xếp đặt trên dưới
tự thiết định thành lý tưởng trong xã hội học hiện đại… Những nhà xã
hội học của chúng ta là những kẻ décadent, nhưng ông Herbert Spencer cũng
là một kẻ décadent nữa, - ông nhìn thấy sự thắng lợi của lòng vị tha
là một cái gì đáng mơ ước!...
38. Quan niệm của tôi về tự do… - Giá trị của một sự việc đôi khi không nằm trong sự
kiện người ta được gì khi thủ hữu nó mà trong sự kiện người ta phải trả giá nào
để được nó - trong giá mà chúng ta phải trả. Tôi đan cử một thí dụ.
Những chế độ tự do lập tức hết là tự do khi người ta đạt tới: sau đó, không có
gì vô cùng nguy hại cho tự do cho bằng những chế độ tự do. Người ta biết rõ hậu
quả chúng mang lại: chúng phá hoại ngầm ý chí hùng cường, chúng san bằng núi
cao và thung lũng và gọi đó là luân lí, chúng khiến con người nhỏ bé, hèn nhát
và thèm khát dục vọng, - và lần nào bầy thú vật cũng chiến thắng cùng với
chúng… Chủ nghĩa tự do: nói cách khác, sự súc vật hóa thành bầy lũ… Cùng
những thể chế đó, khi người ta còn đang phải chiến đấu để giành chúng, lại tạo
ra những hậu quả hoàn toàn khác hẳn; lúc đó chúng thăng tiến tự do một cách mạnh
mẽ. Nhìn gần hơn nữa người ta thấy rằng chính cuộc chiến tạo ra những hiệu quả
đó, cuộc chiến, với tư cách chiến tranh đã cho phép những bản năng phản tự
do tiếp tục tồn tại. Và chiến tranh huấn luyện cho tự do. Vì, thế nào là tự
do? Đó là người ta phải có ý chí tự gánh vác trách nhiệm đối với bản thân. Đó
là người ta phải giữ khoảng cách chia cách với chúng ta. Đó là người ta phải trở
nên lãnh đạm hơn nữa đối với vất vả, khổ cực, thiếu thốn, ngay cả đối với cuộc
đời. Đó là người ta phải sẵn sàng hy sinh con người cho lợi ích của mình, kể cả
chính con người mình. Tự do có nghĩa là những bản năng hùng tráng, những bản
năng hân hoan trong chiến tranh và chiến thắng đã trỗi vượt chế ngự trên tất cả
những bản năng khác - trên bản năng hướng về “hạnh phúc” chẳng hạn. Con người đã
trở nên tự do - và tinh thần còn phải trở nên tự do biết chừng nào nữa -
chà đạp lên thứ hạnh phúc yên ấm đáng khinh mà những tên chủ tiệm tạp hóa, những
tín đồ Kitô giáo, những con bò cái, đàn bà, dân Ăng Lê và những tên dân chủ
khác thường mơ ước. Con người tự do là một chiến sĩ. - Tự do được đo lường
cách nào nơi những cá nhân cũng như nơi những quốc gia? Bằng sự đối kháng phải
vượt qua, bằng sự cực khổ phải trải để được ở mãi trên cao. Người ta phải
tìm mẫu người tự do cao cả nhất nơi nào mà sự đối kháng lớn lao nhất cần phải
được khắc phục thường xuyên: cách sự độc tài năm bước, gần sát bên ngưỡng cửa của
hiểm họa nô lệ. Điều này đúng về phương diện tâm lý nếu người ta hiểu sự “độc
tài” là những bản năng tàn bạo và khủng khiếp, để chống lại nó, cần phải vận dụng
tối đa uy quyền và kỷ luật đối với bản thân - mẫu tốt đẹp nhất là Jules César;
- điều này còn đúng về phương diện chính trị: người ta chỉ cần giở lại lịch sử.
Những dân tộc có một giá trị nào đó, chưa bao giờ chiếm được dưới những chế độ
tự do: chính hiểm họa lớn lao khiến những dân tộc trở thành một cái
gì đáng kính trọng, hiểm họa trước hết dạy chúng ta biết những tài nguyên của
chúng ta, đức hạnh của chúng ta, khí giới tự vệ và tấn công của chúng ta, tinh
thần chúng ta, - nó bắt buộc chúng ta phải mạnh… Nguyên tắc thứ
nhất: người ta cần phải mạnh, nếu không người ta không bao giờ trở nên mạnh cả.
- Những trường huấn luyện vĩ đại dành cho những con người mạnh đó, cho loại người
mạnh mẽ nhất chưa bao giờ từng có đó, những cộng đồng quí tộc theo kiểu mẫu La
Mã và Venise, đã hiểu chữ tự do theo đúng nghĩa mà tôi muốn nói: như một cái gì
người ta có và không có, một cái gì người ta muốn, một cái gì
người ta đang chinh phục…
39. Phê bình thời hiện đại. - Những chế độ của chúng ta không còn lợi ích một chút
nào nữa: tất cả mọi người đều đồng ý với nhau về điểm này. Tuy nhiên lỗi lầm
không phải ở nơi những chế độ mà ở nơi chúng ta. Sau khi đã đánh mất
tất cả những bản năng mà từ đó những thể chế phát sinh, hiện chúng ta đang đánh
mất chính những thể chế ấy, bởi chúng ta không còn thích hợp đối với
chúng. Chế độ dân chủ bao giờ cũng là hình thức suy đồi của sức mạnh tổ chức;
trong “Phàm phu, quá đỗi phàm phu”, I, 518, tôi đã biểu thị chân tướng của chế
độ dân chủ hiện đại, cùng với những biện pháp nửa vời của nó như “Đế quốc Đức”,
như là hình thức suy đồi của quốc gia. Để có những thể chế, phải có một
thứ ý chí, bản năng, mệnh lệnh, phản tự do đến độ tàn ác: một ý chí hướng về
truyền thống, về quyền uy, về trách nhiệm thiết lập trên nhiều thế kỷ, về sự liên
đới giữa những thế hệ nối tiếp, trong quá khứ và tương lai, in
finitum [13].
Khi ý chí này hiện hữu, thì sẽ có một cái gì như imperium Romanum [14] được
thành lập; hoặc như nước Nga, sức mạnh duy nhất ngày nay còn sức mạnh
bền bỉ, còn có thể chờ đợi, còn có thể hy vọng một cái gì đó - nước Nga, phản đề
của bệnh thần kinh và hệ thống chính trị nhược tiểu đáng thương của Âu châu mà
cùng với sự thành lập của Đế quốc Đức đã đi vào giai đoạn khẩn trương
nghiêm trọng… Toàn thể thế giới Tây phương đã đánh mất những bản năng này mà từ
đó phát sinh ra tương lai: có lẽ không có gì nghịch lại với “tinh thần hiện
đại” hơn điều đó. Người ta sống cho hiện tại, người ta sống vội vàng - người ta
sống rất vô trách nhiệm: đó chính là cái người ta gọi là “tự do”. Cái khiến một
chế độ là một chế độ thì bị khinh rẻ, thù ghét, bỏ rơi: bất cứ khi nào nghe nói
tới chữ “uy quyền” người ta đều tưởng mình đang ở trong hiểm hoạ của một chế độ
nô lệ mới. Tính chất décadence trong bản năng thẩm định giá trị của
những chính khách của chúng ta, những chính đảng của chúng ta, xuống sâu đến nỗi họ
tự nhiên thích cái gì đưa tới băng hoại, cái gì dục thanh thản hơn thảm họa tận thế… Hãy coi hôn nhân thời hiện đại. Rõ ràng là tất cả mọi lý trí đều
đã biến mất khỏi hôn nhân hiện đại, tuy nhiên đó không phải là một vấn nạn chống
lại hôn nhân mà là chống lại thời hiện đại. Tính cách hợp lý của hôn nhân nằm
trong trách nhiệm pháp lí duy nhất của đàn ông: do đó hôn nhân có một trọng
tâm, trong khi ngày nay nó đi khập khiễng trên cả hai chân. Tính cách hợp lý của
hôn nhân nằm trong sự vững chắc theo nguyên tắc của nó: do đó có một chủ âm có
thể được nghe thấy trên sự tình cờ của cảm giác, đam mê và xúc động thoáng qua.
Nó còn nằm trong trách nhiệm lựa chọn vợ chồng của gia đình. Với sự khoan dung
gia tăng cho hôn nhân vì tình, người ta đã loại trừ chính nền tảng của hôn
nhân, cái duy nhất khiến nó trở thành một chế độ. Không bao giờ, tuyệt đối
không bao giờ người ta có thể thiết lập một chế độ trên một đặc tính; tôi nhắc
lại, người ta không xây dựng hôn nhân trên “tình yêu”, - người ta xây
dựng hôn nhân trên bản năng dục tình, trên bản năng tư hữu (vợ con được coi như
tài sản), trên bản năng cai trị không ngừng tổ chức cho chính nó những
cơ cấu cai trị nhỏ bé nhất, gia đình, và cần con cái và những kẻ thừa kế để duy
trì - theo cả nghĩa sinh lý nữa - một số lượng sức mạnh, ảnh hưởng, tài sản đã
thủ hữu được, để sửa soạn cho những công việc lâu dài, cho một sự liên đới của
bản năng giữa những thế kỉ. Hôn nhân, với tư cách một chế độ, đã bao hàm trong
chính nó sự khẳng định của hình thức tổ chức rộng lớn nhất và bền bỉ nhất: nếu
xã hội như một toàn thể không thể tự đứng bảo lãnh cho chính nó trong
những thế hệ xa xôi nhất, thì hôn nhân hoàn toàn vô nghĩa. - Hôn nhân thời hiện
đại đã mất ý nghĩa của nó - do đó, nó đang bị bãi bỏ. -
40. Vấn đề thợ thuyền. - Chính sự xuẩn ngốc, hay đúng hơn, sự suy đồi của bản năng
mà ngày nay người ta tìm thấy nơi cùng đáy của tất cả mọi sự xuẩn ngốc,
đã làm nẩy sinh ra vấn đề thợ thuyền. Có một số sự việc mà người ta không hề đặt
câu hỏi: mệnh lệnh đầu tiên của bản năng. - Tôi tuyệt nhiên không hiểu người ta
muốn làm gì với người công nhân Âu châu sau khi đã đặt hắn thành một vấn đề. Hắn
thấy địa vị hắn quá tốt đẹp để không “đòi hỏi” hơn nữa - để đòi hỏi một cách
quá đáng hơn nữa. Rốt cuộc, hắn có đa số ủng hộ hắn. Phải hoàn toàn từ bỏ hi vọng
thấy một loại người khiêm tốn và tự túc tự mãn, một mẫu người Trung Hoa, có thể
phát triển thành một giai cấp ở đây: và điều đó rất hợp lý, đó đúng là một điều
cần thiết thiết thực. Nhưng người ta đã làm gì? - Tất cả mọi sự đều sắp đặt để
giết chết ngay từ trong trứng nước ngay cả những điều kiện tiên quyết của vấn đề,
- với một sự khinh suất vô trách nhiệm nhất người ta đã hoàn toàn tiêu diệt những
bản năng mà nhờ đó người công nhân có thể trở thành một giai cấp, có thể dưới
mắt hắn. Người công nhân đã được qui định có thể đi quân dịch, có quyền tổ
chức hội đoàn và đầu phiếu: có gì đáng ngạc nhiên khi người công nhân ngày nay
thấy sự hiện hữu của mình như một nguy cơ (như một bất công, nói theo ngôn
ngữ đạo đức -)? Nhưng người ta muốn gì? - tôi xin hỏi lại lần nữa. Nếu
người ta muốn một cứu cánh, người ta phải muốn cả những phương tiện: nếu người
ta muốn có nô lệ thì người ta điên khi giáo dục họ để trở thành những chủ nhân
ông. -
41. “Tự do không theo nghĩa của tôi…” [15].
Trong những thời đại như thời đại của chúng ta, buông thả theo những bản năng của
mình là một tai họa thêm nữa. Những bản năng này đối chọi, quấy rối và phá hoại
lẫn nhau; tôi đã định nghĩa thời hiện đại như sự tự mâu thuẫn sinh
lý. Tính cách thuần lý của giáo dục đòi hỏi rằng, dưới sự đè nén sắt đá, ít nhất
là một trong những hệ thống bản năng này phải bị tê liệt để cho phép
một hệ thống khác chiếm đoạt sức mạnh, trở thành mãnh liệt, trở thành chủ nhân.
Ngày nay cách duy nhất khiến cá nhân còn có thể có được là cắt xén nó: có
thể nghĩa là hoàn toàn… Điều ngược lại là cái đang xảy ra: sự đòi độc
lập, phát triển tự do, laisser-aller [16] được
đề xướng một cách nồng nhiệt nhất bởi những kẻ mà đối với họ không xiềng xích
nào quá khắc nghiệt - điều đó đúng in politicis [17],
điều đó đúng trong nghệ thuật. Nhưng điều đó là một triệu chứng của décadence [18]:
quan niệm về “tự do” của thời hiện đại chúng ta là một bằng chứng thêm nữa của
sự suy đồi của những bản năng. -
42. Nơi nào đức tin cần thiết. - Không có gì hiếm hoi hơn nơi những nhà đạo đức và
những bậc thánh cho bằng sự lương thiện; có lẽ họ nói điều ngược lại, có lẽ họ
còn tin tưởng điều đó nữa. Bởi vì khi đức tin ích lợi hơn, hữu hiệu
hơn, hùng hồn hơn sự giả đạo đức ý thức, thì sự giả đạo đức trở thành hồn
nhiên ngây thơ ngay: nguyên tắc thứ nhất để hiểu những bậc thánh vĩ đại.
Trong trường hợp những triết gia, một thứ nhánh khác, cũng vậy. Nghề nghiệp họ
chỉ cho phép họ chấp nhận một số chân lý: những chân lý mà nhờ đó nghề nghiệp của
họ được công chúng công nhận. Nói theo ngôn ngữ của Kant, đó là những
chân lý của lý trí thực tiễn. Họ biết điều mà họ phải chứng minh,
họ thực tiễn ở chỗ đó - họ nhận ra nhau bởi sự đồng ý về những “chân lý”. - “Mi
không được nói dối” - nói cách khác: xin cố giữ đừng nói thật, triết
gia thân mến của tôi…
43. Nói nhỏ với những người bảo thủ. - Cái mà ngày xưa người ta không hiểu, cái mà
người ta có thể hiểu, - một sự qui hồi, một sự trở về theo bất cứ ý nghĩa
nào và bất cứ mức độ nào là điều không thể được. Ít ra đó là điều mà những tâm
lý gia chúng ta hiểu. Nhưng tất cả mọi tu sĩ và luân lý gia tin rằng điều đó có
thể - họ muốn đưa nhân loại trở lui, cưỡng bách nhân loại
trở lui về một tiêu chuẩn cũ của đức hạnh. Đạo đức bao giờ cũng là cái giường của
Procuste [19].
Ngay cả những chính trị gia cũng bắt chước những người rao giảng đức hạnh điều
đó: ngay cả ngày nay vẫn có những đảng phái mơ thăng tiến mọi sự bằng cách đi giật
lùi như những con cua. Nhưng không ai được tự do làm một con cua. Không thể
được: người ta phải tiến lên, nghĩa là đi chậm rãi từng bước một tiến
tới décadence (- đó là định nghĩa của tôi về “sự tiến bộ”
hiện đại…). Người ta có thể cản trở sự phát triển này và, trong khi cản
trở, đắp đập ngăn và tích lũy sự suy đồi và khiến nó trở nên dữ dội và đột
ngột hơn: người ta không thể làm được gì hơn nữa…
44. Quan niệm của tôi về thiên tài. - Những vĩ nhân cũng như những thời đại lớn, là
những chất nổ trong đó chứa chất những năng lực khổng lồ; về phương diện lịch sử
và sinh lý, điều kiện tiên thiên của họ bao giờ cũng là có một sự thu thập,
tàng chứa, tiết kiệm và bảo tồn đi trước họ trong một thời gian lâu dài - nghĩa
là trong một thời gian rất lâu không có một vụ nổ nào xảy ra cả. Khi sự căng thẳng
trong quần chúng đã trở nên quá găng, thì chỉ cần một sự kích thích nhỏ nhặt
không đáng kể nhất cũng đủ mời gọi “thiên tài”, “hành động”, định mệnh lớn lao
đến trên thế giới. Vậy thì hoàn cảnh, thời đại, “tinh thần thời đại”, “dư luận
quần chúng” lúc đó có đáng kể gì! - Hãy lấy trường hợp Napoléon làm thí dụ. Nước
Pháp tiền cách mạng lẽ ra phải đẻ ra một mẫu hoàn toàn ngược lại với mẫu
Napoléon mới phải, và quả thực nó đã đẻ ra mẫu người đó. Và bởi vì
Napoléon khác hẳn, kẻ thừa kế của một nền văn minh mạnh mẽ hơn, trường cửu
hơn, kỳ cựu hơn [20] nền
văn minh đang tan tành ra thành tro bụi ở Pháp lúc đó nên ông trở thành chủ
nhân ông ở đây, chủ nhân ông duy nhất ở đây. Những vĩ nhân thiết yếu, thời đại
mà họ xuất hiện chỉ là tùy phụ; nếu hầu như bao giờ họ cũng trở thành chủ nhân
của thời đại họ là vì họ mạnh hơn, kỳ cựu hơn, vì trước họ đã có một sự thu thập
sức mạnh lâu dài giành cho họ. Sự liên hệ giữa một thiên tài và thời đại giống
như sự liên hệ giữa người mạnh và người yếu, người già và người trẻ: thời đại
bao giờ tương đối cũng trẻ hơn, thiếu cốt yếu hơn, kém chín mùi hơn, ít tin chắc
ở mình hơn, trẻ con hơn. - Sự kiện ngày nay người ta hoàn toàn nghĩ khác
hẳn như thế ở Pháp (ở cả Đức nữa, nhưng điều đó không quan trọng gì cả) sự
kiện lý thuyết về milieu [21],
một lý thuyết thác loạn thần kinh đích thực, đã trở thành bất khả xâm phạm và hầu
như khoa học, được sự tín dụng ngay cả trong đám những nhà sinh lý học - sự kiện
đó có một mùi “khó ngửi”, sự kiện đó đưa tới những ý tưởng ưu phiền. - Ở Anh,
người ta cũng tin như vậy nhưng không ai sầu não vì điều đó cả. Người Anh chỉ
có hai đường lối để thỏa thuận với thiên tài và “vĩ nhân”: hoặc là đường lối dân
chủ theo kiểu Buckle hay là đường lối tôn giáo theo kiểu
Carlyle. - Hiểm họa nằm trong những vĩ nhân và những thời kỳ vĩ đại thật phi
thường; sự kiệt quệ đủ mọi loại, sự khô cạn đi theo họ bén gót. Vĩ nhân là một
tận điểm; thời đại lớn, thời đại Phục Hưng chẳng hạn, là một tận điểm. Thiên
tài - trong hành động, trong sự nghiệp - thiết yếu là một kẻ hoang tàng phung
phí: chính sự kiện hắn phung phí mình là sự vĩ đại của hắn… Bản năng
tự bảo tồn một cách nào đó ngưng lại; áp lực cực độ của những sức mạnh tuôn trào
từ hắn ngăn cấm bất cứ một sự thận trọng hay cẩn thận nào. Người ta gọi điều đó
là “hy sinh”, người ta ca ngợi lòng “anh hùng” của hắn, thái độ lãnh đạm đối với
sự yên ấm của riêng hắn, sự nhiệt thành của hắn cho một ý tưởng, một chính
nghĩa, một tổ quốc: tất cả đều là những sự hiểu lầm… Hắn trào dâng, chan chứa,
hắn tự phung phá hắn, hắn không giữ gìn bản thân hắn, một cách nguy hại, không
thể tránh được, ngoài ý muốn, như sự ngập lụt của dòng sông là điều ngoài ý muốn
vậy. Nhưng bởi vì người ta mang ơn những con người bùng nổ này rất nhiều nên
người ta đã cho lại họ nhiều thứ, chẳng hạn một thứ đạo đức cao siêu… Đó
là cách biết ơn của nhân loại: nhân loại hiểu lầm những ân nhân của
mình.-
45. Kẻ tội phạm và những gì liên quan tới nó. - Mẫu người tội phạm là mẫu người
mãnh liệt bị đặt trong những hoàn cảnh bất lợi, một con người mạnh bị làm cho
trở nên bệnh hoạn. Điều mà nó thiếu là không được sống trong một chốn man rợ,
trong một thiên nhiên và hình thức sinh tồn tự do và nguy hiểm hơn, trong đó tất
cả những gì là tấn công và tự vệ nơi bản năng con người mạnh được đặt đúng
chỗ của nó. Những đức tính của nó bị xã hội khai trừ, những bản
năng sống động nhất mà nó mang đi từ khi sinh ra đời lập tức lẫn lộn với những
hậu quả trầm trệ suy yếu, với nghi kị, sợ hãi và nhục nhã. Tuy nhiên đó hầu như
là định thức của sự suy đồi sinh lí. Kẻ nào phải làm một cách bí mật
điều mà hắn làm hay nhất và thích làm nhất, với sự căng thẳng kéo dài, với thận
trọng, giảo quyệt, sẽ trở nên thiếu máu; và bởi vì nó không bao giờ gặt hái được
gì từ nơi những bản năng của nó ngoài những hiểm họa, ngược đãi, thảm họa nên
ngay cả những cảm giác của nó cũng quay lại chống chính những bản năng của nó nữa
- nó cảm nghiệm những bản năng của nó như một điều bất hạnh. Chính xã hội, xã hội
thuần hóa, tầm thường, bị thiến hoạn mất đàn ông tính của chúng ta, trong đó một
con người sống gần thiên nhiên, kẻ đến từ đồi núi hay từ những cuộc phiêu lưu
trên biển cả trở về, thiết yếu phải suy đồi thành một kẻ tội phạm. Hay gần như
thiết yếu: bởi vì có những trường hợp trong đó một con người chứng tỏ mạnh hơn
xã hội: con người đảo Corse, Napoléon là trường hợp lừng danh nhất. Về vấn đề
đang nằm trước mặt chúng ta đây, bằng chứng của Dostoïevski rất quan trọng -
nhân tiện xin nói qua, Dostoïevski là tâm lí gia duy nhất mà tôi có vài điều để
học: ông thuộc về những tình cờ hạnh phúc nhất của đời tôi, còn hơn cả sự khám
phá ra Stendhal nữa. Con người sâu thẳm này, đúng mười mươi trong sự
khinh thường dân Đức là hời hợt của ông, đã sống một thời gian lâu dài giữa đám
tù khổ sai Tây Bá Lợi Á, những tù nhân tồi tệ nhất chẳng còn đường nào trở về với
xã hội loài người nữa, và ông thấy họ khác hẳn điều mà chính ông đã chờ đợi -
ông thấy họ được gọt đẽo từ thứ gỗ tốt nhất, cứng rắn nhất và có giá trị nhất mọc
ở bất cứ nơi nào trên đất Nga. Chúng ta hãy tổng quát hóa trường hợp của kẻ tội
phạm: chúng ta hãy nghĩ tới những bản chất thiên phú mà vì một lý do nào đó,
không được công chúng thừa nhận, họ biết họ không được coi như ân nhân hoặc kẻ
có ích lợi, - cảm thức Tchândâla cùng mạt cảm thấy rằng họ không được coi như một
kẻ bình đẳng mà như một kẻ bị gạt ra ngoài lề, vô giá trị, nguồn gốc của ô nhục
xấu xa. Những bản chất thiên phú này mang một mầu sắc dưới hầm trên hành động
và tư tưởng họ; nơi họ tất cả mọi sự đều trở nên xanh xao hơn nơi những kẻ mà đời
sống được phơi ra ánh mặt trời. Nhưng hầu như tất cả mọi hình thức hiện hữu mà
ngày nay chúng ta nể trọng ngày xưa đều sống trong bầu không khí nửa âm u mộ địa
này: khoa học gia, nghệ sĩ, thiên tài, tinh thần tự do, diễn viên, thương gia,
nhà phát minh vĩ đại… Chừng nào mà giáo sĩ còn được coi như mẫu tối
cao thì tất cả mọi loại người có giá trị vẫn còn bị hạ giá khinh khi…
Thời đang tới - tôi xin hứa - khi giáo sĩ sẽ bị coi như kẻ đê tiện nhất,
như kẻ Tchândâla mạt cùng của chúng ta, như kẻ dối trá nhất, như loại
người thô tục nhất.. Tôi xin lưu ý sự kiện ngay cả ngày nay, dưới tập quán mềm
dịu nhất chưa từng có trên trái đất, ít ra là ở Âu châu, tất cả những gì sống
riêng biệt, tất cả những gì lâu nay, rất lâu nay ở dưới, tất cả mọi
hình thức đang sinh tồn khác thường và bí ẩn, đang đưa con người lại gần mẫu
người mà kẻ tội phạm là mức tuyệt hảo. Tất cả mọi nhà cải tạo tinh thần đều
mang trong một thời gian cái dấu hiệu xanh xao và định mệnh của giai cấp
Tchândâla cùng mạt trên vầng trán: không phải bởi tại người ta coi họ
như vậy, nhưng bởi tại chính họ cảm thấy cái vực thẳm khủng khiếp chia cách họ
với tất cả những gì là truyền thống và được kính trọng xưa nay. Hầu hết mọi
thiên tài đều biết, như một giai đoạn trong sự phát triển của mình, “cuộc sống
Catilina” [22],
cảm giác thù hận, trả thù và nổi loạn chống lại tất cả những gì đã hiện hữu [23],
chống lại tất cả những gì không biến dịch [24] nữa…
Catilina - hình thức tiền hữu của tất cả mọi César.
46. Nơi đây cái nhìn cởi mở. - Khi một triết gia giữ im lặng thì đó có thể là sự
cao cả của tâm hồn; khi ông ta nói ngược lại mình thì đó có thể là tình yêu;
người đi tìm hiểu biết có thể nói dối vì lịch sự. Không phải là người ta thiếu
tế nhị khi nói rằng: Il est indigne des grands cocurs de se répandre le
trouble qu’ils ressentent [25]:
có điều phải nói thêm rằng không sợ không xứng đáng chút nào cũng có
thể là sự cao cả của tâm hồn nữa. Một người đàn bà hi sinh danh dự của nàng khi
yêu; một thức giả có lẽ có thể hy sinh nhân loại của mình khi “yêu”: một Thượng
Đế khi đã yêu trở thành một người Do Thái…
47. Cái đẹp không phải là một tai nạn. - Vẻ đẹp của một chủng tộc, một gia đình, sự
duyên dáng và hoàn hảo của nó trong mọi cử chỉ, phải vất vả lắm mới thủ đắc được:
giống như thiên tài, nó là chung kết của nỗ lực thâu góp nhiều thế hệ. Người ta
phải hy sinh rất nhiều cho thị hiếu phong nhã, người ta đã phải làm rất nhiều
và bỏ rơi rất nhiều thứ vì nó - thế kỷ mười bẩy của Pháp đáng được ngưỡng mộ về
cả hai phương diện này -, người ta phải thủ đắc từ nơi nó một nguyên tắc lựa chọn
nơi giao tế, chỗ ở, quần áo, sự thỏa mãn dục tình của mình; người ta phải thích
cái đẹp hơn lợi ích, thói quen, dư luận, tính biếng nhác ù lì. Nguyên tắc cư xử
tối cao: ngay cả khi chỉ có một mình người ta cũng không được phép “buông thả
mình”. - Sự vật tốt lành giá đắt vô cùng: và luật bao giờ cũng chủ trương rằng
kẻ có chúng thì khác kẻ thủ đắc chúng. Tất cả những gì tốt
lành đều do di sản: cái gì không do di sản truyền lại đều bất toàn, đều chỉ là
một sự khởi đầu… Ở Nhã Điển, vào thời Cicéron, ông ta ngạc nhiên trước sự kiện
đàn ông và trai tráng đẹp hơn đàn bà rất nhiều: nhưng phái mạnh đã đòi hỏi mình
từ nhiều thế kỷ biết bao công lao và cố gắng để phục vụ cho sắc đẹp! - Tuy
nhiên người ta không được lầm lẫn phương pháp được dùng ở đây: một kỉ luật của
tình cảm và tư tưởng đơn độc gần như không đem lại gì cả (- đó là sự lầm lẫn lớn
lao của nền giáo dục Đức, một nền giáo dục hoàn toàn ảo tưởng): trước hết người
ta phải thuyết phục thân thể. Giữ gìn nghiêm cẩn những cử chỉ quí phái và
chọn lọc, bắt buộc chỉ sống với những người không “buông thả mình”, hoàn toàn đủ
để trở nên quý phái và chọn lọc rồi: trong hai, hay ba thế hệ, tất cả đều thấm
nhiễm vào bên trong. Điều có tính cách quyết định đối với vận mệnh của một dân
tộc và nhân loại là văn hóa phải bắt đầu đúng chỗ - không phải từ linh
hồn (như sự tin nhảm của những tu sĩ và bán tu sĩ): chỗ đúng nhất là thân
thể, cử chỉ, đồ ăn thức uống hằng ngày, sinh lí: phần còn lại do đó
mà ra… Đó là lý do tại sao người Hy Lạp vẫn là biến cố văn hóa đầu
tiên của lịch sử - họ biết, họ làm cái cần phải làm; Kitô giáo, miệt
thị thân thể, là điều đại bất hạnh cho nhân loại từ xưa cho tới tận ngày nay.
48. Tiến bộ theo quan điểm của tôi. - Tôi cũng nói về một cuộc “trở về với thiên
nhiên”, tuy nhiên thực ra nó không phải là một cuộc trở lui mà là một cuộc đi
lên - lên tới một thiên nhiên và tự nhiên cao vời, lồng lộng và khủng khiếp
nữa, như đùa với những trọng trách, có quyền đùa với những trọng
trách… Nói bằng biểu tượng: Napoléon là một phần của “cuộc trở về thiên nhiên”
như tôi hiểu (thí dụ, in rebus tacticis [26];
còn hơn thế nữa, như những nhà quân sự hiểu, về phương diện chiến lược nữa. -
Nhưng Rousseau - thực ra ông ta muốn trở về cái gì? con người hiện đại thứ nhất,
kẻ theo lý tưởng chủ nghĩa và dân Canaille [27] kết
hợp trong cùng một con người - kẻ cần “phẩm hạnh” để có thể chịu đựng nổi chính
hình dáng mình, đau bệnh vì tính khoa trương không giới hạn và lòng tự khinh bỉ
mình không giới hạn. Ngay cả kẻ sẩy non bất thành nhân này, nằm trên ngưỡng cửa
thời đại mới, cũng muốn “trở về thiên nhiên” - xin hỏi lại một lần nữa, ông ta
muốn trở về đâu? - Tôi còn ghét Rousseau ngay cả trong cuộc Cách mạng
Pháp nữa: nó là sự biểu lộ lịch sử của con người hai mặt, lý tưởng và Canaille này.
Trò hề đẫm máu do Cách mạng đó đóng, sự “vô luân” của nó, tôi không quan tâm lắm:
điều tôi ghét là thứ luân lý kiểu Rousseau của nó, - những cái tự gọi
là “chân lý” của cuộc Cách mạng mà qua đó Cách mạng còn tác động và lôi cuốn tất
cả những gì nông cạn và tầm thường. Lý thuyết bình đẳng!... Không có thứ thuốc
độc nào độc hơn: bởi nó có vẻ được rao giảng bởi công lý, trong khi
chính nó là sự chấm dứt của công lý… “Bình đẳng với những kẻ bình đẳng,
bất bình đẳng với những kẻ bất bình đẳng” - đó phải là ngôn ngữ đích
thực của mọi công lý: và, do đó: “Không bao giờ bình đẳng hóa những bất bình đẳng.”
- Chung quanh thuyết bình đẳng này đã diễn ra biết bao cảnh đẫm máu khủng khiếp
đến nỗi nó đã đem lại cho “ý tưởng tân thời” par excellence [28] này
một thứ vinh quang và hào quang đến độ cuộc Cách mạng như một màn kịch đã cám dỗ
ngay cả những đầu óc quý phái nhất. Cuối cùng, chúng ta không còn lý do gì để
tôn kính nó nữa.- Tôi chỉ thấy có một người duy nhất đã cảm nghiệm nó - với sự
ghê tởm - Goethe…
49. Goethe. - Không phải là một biến cố của nước Đức mà là một biến cố của cả Âu
châu: một mưu đồ vĩ đại nhằm vượt qua thế kỷ thứ mười tám bằng một cuộc trở về
với thiên nhiên, bằng một nỗ lực vươn lên cái tự nhiên của thời Phục
Hưng, bằng một thứ tự vượt mình về phần thế kỷ của chúng ta. - Goethe mang
trong ông những bản năng mạnh mẽ nhất của nó: tính đa cảm, sự sùng bái thiên
nhiên, chủ trương phi lịch sử, lý tưởng, hư ảo và tinh thần cách mạng (- tính
cách sau cùng chỉ là một trong những hình thức của cái hư ảo). Ông cầu viện tới
lịch sử, vạn vật học, thượng cổ sử, cả Spinoza, và nhất là hành động thực tiễn;
ông tự rào dậu xung quanh ông bằng những chân trời khép kín; ông không hề tách
mình ra khỏi cuộc đời, trái lại lao mình vào lòng đời; ông không khiếp nhược trốn
tránh bổn phận, trái lại, gánh vác tất cả trách nhiệm trên vai, ôm ấp trong
lòng mình. Điều ông muốn là toàn thể; ông chiến đấu chống lại sự tách biệt
của lý trí, nhục cảm, cảm giác và ý chí (- được rao giảng bằng thứ triết học
kinh viện đáng ghê tởm nhất bởi Kant, đối cực của Goethe); ông tự đào luyện
mình để đạt tới toàn thể, ông tự sáng tạo mình… Giữa thời đại của
tình cảm giả tạo, Goethe là một người tin chắc vào chủ trương hiện thực: ông khẳng
định tất cả những gì tương tự như ông về phương diện này - không có kinh nghiệm
riêng tư nào lớn hơn kinh nghiệm ens realissimum [29] mang
tên Napoléon. Goethe tưởng tượng một con người mạnh, văn hóa cao, thể dục khéo
léo, tự chủ hoàn toàn, kính trọng mình, dám cho phép mình hưởng trọn vẹn nhiên
tính [30] trong
tất cả sự phong phú tràn đầy của nó, kẻ đủ mạnh cho một sự tự do đó; một con
người bao dung độ lượng, không phải vì sự yếu đuối mà bởi sức mạnh, bởi ông biết
cách dùng làm sao cho có lợi cho mình cái có thể tiêu diệt một bản chất tầm thường;
một người mà không có gì là cấm đoán đối với hắn nữa, trừ sự yếu đuối, dù
sự yếu đuối ấy mang tên là tật xấu hay đức hạnh... Một tinh thần đã trở
nên giải thoát như vậy, đứng giữa lòng vũ trụ với lòng hân hoan tin vào định
mệnh, với niềm tin tưởng rằng chỉ có cái gì tách ròi và cá biệt mới
đáng lên án và thể tất cả đều được cứu chuộc và khẳng nhận trong toàn thể
- hắn không phủ nhận nữa… Nhưng một niềm tin như vậy là niềm tin tối
thượng trong tất cả mọi đức tin có thể có được: tôi làm lễ rửa tội cho nó với
tên Dionysos.
50. Theo một ý nghĩa nào đó, người ta có thể nói rằng thế kỷ thứ mười chín cũng cố
gắng hướng về tất cả những điều Goethe đã cố đạt tới một mình: phổ quát tính
trong sự lãnh hội, trong sự ưng thuận, một sự mở rộng đón chào tất cả mọi sự đến với mình [31],
một thực tại luận can đảm, một thái độ coi trọng sự kiện. Tại sao lại đưa tới kết
quả toàn diện không phải là một Goethe mà lại là một sự hỗn độn, một tiếng thở
dài hư vô chủ nghĩa, một sự bối rối Không-biết-hướng về-ngả nào-nữa [32],
một khuynh hướng mệt mỏi in praxi [33] liên
tục cố lùi lại thế kỉ mười tám? (- chẳng hạn như tình cảm lãng mạn,
như lòng vị tha và tình cảm sướt mướt, như đàn bà tính trong thị hiếu, như xã hội
chủ nghĩa trong chính trị.) Phải chăng thế kỷ mười chín, nhất là giai đoạn kết
thúc, chỉ là một thứ thế kỷ thứ mười tám cường liệt, tàn bạo hóa, nói khác
đi, một thế kỷ của décadence? Đến nỗi Goethe chỉ là một sự tình cờ, một
sự “vô ích” đẹp đẽ, không phải đối với riêng nước Đức mà cả với toàn cõi Âu
châu? Nhưng người ta ngộ nhận những vĩ nhân nếu người ta nhìn họ dưới viễn tượng
lợi ích công cộng hèn mọn. Sự kiện người ta không thể rút ra được từ nó một lợi
ích nào có lẽ chính là đặc tính của sự vĩ đại…
51. Goethe là người Đức cuối cùng mà tôi kính trọng: chắc ông cũng cảm thấy ba điều
mà tôi cảm thấy - chúng tôi còn đồng ý với nhau về “thập giá” nữa… [34] Người
ta thường hỏi tôi tại sao tôi lại viết bằng tiếng Đức: không ở nơi
nào tôi bị đọc một cách tồi tệ hơn ở quê hương tôi. Nhưng cuối cùng ai biết được
ngày nay tôi còn muốn được đọc không? - Sáng tạo những sự kiện mà
trên đó thời gian cố gậm nhấm hoài một cách uổng công; bằng hình thức và bằng thực
chất, cố gắng đạt tới một sự bất tử nhỏ bé - chưa bao giờ tôi đủ khiêm tốn để
đòi hỏi tôi ít hơn. Cách ngôn, châm ngôn, trong đó tôi là bậc thầy đầu tiên
trong đám người Đức, là những hình thức của “vĩnh cửu”; tham vọng của tôi là
nói trong mười câu điều mà tất cả những người khác không nói trong một
cuốn sách…
Tôi đã cho nhân loại cuốn sách sâu thẳm nhất mà nó có, tác phẩm Zarathustra của
tôi: vắn tắt, tôi sẽ cho nhân loại một cái gì độc lập nhất.
Tôi nợ những gì nơi cổ nhân
1. Để kết luận, tôi nói thêm một lời về thế giới mà tôi đã tìm đường đi tới, thế
giới mà có lẽ tôi đã tìm thấy một con đường mới để đi tới - thế giới thượng cổ.
Thị hiếu của tôi, có lẽ ngược lại với thị hiếu khoan dung dễ dãi, trong trường
hợp này lại càng xa với thái độ chấp thuận xô bồ: một cách tổng quát nó ghét chấp
thuận, nó thích nói không là đằng khác; nhưng trên tất cả, nó không muốn nói gì
hết… Điều đó có thể áp dụng cho toàn thể những nền văn hóa, điều đó có thể áp dụng
cho sách vở, - có thể áp dụng cho cả những thị thành và phong cảnh nữa. Rốt cuộc
chỉ có một số rất ít sách cổ đáng kể trong đời tôi; những tác phẩm nổi tiếng nhất
không được kể trong số đó. Cảm thức của tôi về bút pháp, bút pháp phúng thị, được
đánh thức dậy gần như tự nhiên khi tôi giao tiếp với Sallust. Tôi không quên được
sự kinh ngạc của ông Corsen, vị giáo sư khả kính của tôi, khi ông bị bắt buộc
phải cho cậu sinh viên học tiếng Latin tệ nhất của ông hạng điểm cao nhất - tôi
đã tựu thành cái một. Chặt chẽ, nghiêm khắc với càng nhiều thực chất bao nhiêu
càng hay bấy nhiêu, một sự độc ác lạnh lùng đối với những “lời đẹp” cũng như đối
với “tình cảm đẹp” - ở đây tôi tìm thấy tôi. Ngay cả trong tác phẩm Zarathustra của
tôi, người ta cũng sẽ nhận ra tham vọng vô cùng trang trọng nhằm đạt tới một thứ
bút pháp La Mã, đạt tới tính chất acre parennius [35] trong
bút pháp. - Kinh nghiệm của tôi trong lần tiếp xúc đầu tiên với Horace cũng
không khác thế. Cho tới nay không một thi sĩ nào mang lại cho tôi một sự sảng
khoái nghệ thuật mà một bài đoản thi của Horace đã cho tôi ngay tự lúc đầu.
Trong một vài ngôn ngữ người ta chưa thể muốn nổi điều đã tựu thành ở
đây. Tấm khảm từ vựng này, trong đó mỗi chữ, bởi âm thanh, bởi vị trí, bởi ý niệm
mà nó diễn tả, tuôn trào sức mạnh sang phải, sang trái và phủ lên toàn thể, cái
tối thiểu trong tổng số và số lượng những dấu hiệu đó tạo thành một tối đa năng
lực của những dấu hiệu này - tất cả những tính chất đó là La Mã và quý phái par
exellence [36],
nếu người ta muốn tin tôi. So sánh với nó, tất cả thi ca trở thành một cái gì
quá bình dân - một mớ tình cảm luộm thuộm dài dòng…
2. Tôi tuyệt đối không nhận được một ấn tượng nào mãnh liệt như những ấn tượng đó
từ nơi người Hy Lạp cả; và thành thực mà nói, họ không thể như người
La Mã đối với chúng ta. Người ta không thể học hỏi từ nơi người Hy Lạp
- bút pháp của họ quá lạ lùng, và cũng quá trôi chảy chuyển động để tạo nên một
hiệu quả có tính cách bắt buộc, một hiệu quả “cổ điển”. Từ xưa tới nay ai đã từng
học viết văn từ nơi một người Hy Lạp! Từ xưa tới nay ai đã từng học viết văn mà không cần
người La Mã! Xin đừng đưa Platon ra để bài bác tôi. Tôi rất hoài nghi về Platon
và chẳng bao giờ có thể vào hùa ca tụng người nghệ sĩ Platon, một
trong những nhà thông thái theo truyền thống. Sau cùng, tôi có những nhà phán
đoán thị hiếu thượng cổ tinh tế nhất bên cạnh tôi. Đối với tôi, dường như
Platon xào xáo lẫn lộn đủ mọi hình thức bút pháp, do đó, ông ta là kẻ décadent đệ
nhất trong lĩnh vực bút pháp: ông ta phạm những lỗi tương tự như những lỗi của
học phái khuyển nho, những người đã làm ra phúng thi satura Menippea. Muốn
tìm thấy sự quyến rũ của đối thoại Platon - một thứ biện chứng pháp tự mãn và
trẻ con ghê gớm - người ta phải chưa từng đọc bất cứ một tác giả Pháp hay nào -
Fontenelle chẳng hạn. Platon tẻ ngắt. Sau cùng, lòng hoài nghi Platon của tôi
xuống sâu tận đáy con người ông ta: tôi thấy ông ta đã lạc quá xa tất cả bản
năng căn bản của Hy Lạp, quá nhiễm đầy đạo đức, quá Kitô giáo tiền Kitô - ông
ta đã coi khái niệm “thiện” là khái niệm tối cao - đến nỗi để chỉ toàn thể hiện
tượng “Platon” tôi thích dùng chữ tàn bạo “tên bịp siêu đẳng”, hay, nếu người
ta muốn, “lí tưởng chủ nghĩa”, hơn bất cứ một phẩm từ nào khác. - Nhân loại đã
phải trả giá khá đắt cho người đàn ông Nhã Điển này đi học với những người Ai Cập
(hay với những người Do Thái ở Ai Cập?...) Trong cơn bĩ vận của Kitô giáo,
Platon là sự hàm hồ và cám dỗ mang tên “lý tưởng”, cho phép những con người bản
chất cao quí của thời thượng cổ ngộ nhận mình và cho phép họ đặt chân lên cầu
dẫn tới “thập giá”… Và còn lại biết bao dấu vết của Platon trong khái niệm
“Giáo hội”, trong cơ cấu, hệ thống, tập tục của Giáo hội! - Sự tiêu khiển của
tôi, sự ưa thích của tôi, phương thuốc chữa bệnh của tôi khỏi chủ
nghĩa duy tâm Platon bao giờ cũng là Thucydides. Thucydides và có lẽ tác
phẩm Quân Vương của Machiavelli gần tôi nhất bởi ý chí tuyệt đối nhất
định không chịu lừa gạt mình và nhất định tìm lý lẽ trong thực tại của
họ, - chứ không phải trong “lý trí” và càng không phải trong “đạo đức”
nữa… Không có gì hiệu nghiệm triệt để hơn Thucydides trong việc chữa trị chứng
bệnh lý tưởng hóa tô lục chuốt hồng tệ lậu của người Hy Lạp mà đám thanh niên
được giáo dục trong nền “văn hóa cổ điển” đem vào cuộc sống như phần thưởng của
sự chuyên cần của họ nơi học đường. Phải theo sát ông từng dòng một và chăm chú
đọc những ẩn ý của ông một cách rõ ràng như đọc những lời của ông vậy: ít có
triết gia nào nhiều ẩn ý như thế. Nền văn hóa ngụy biện, tôi muốn nói tới văn
hóa hiện thực, đã đạt tới sự diễn tả toàn bích nơi ông - đó là phong trào thượng
thặng giữa sự lường gạt đạo đức và lý tưởng chủ nghĩa của những trường phái
theo Socrate lúc đó đang làm mưa làm gió khắp nơi. Triết học Hy Lạp là sự décadence của
bản năng Hy Lạp; Thucydides là tổng số, sự phát lộ cuối cùng của tinh thần duy
kiện mạnh mẽ, nghiêm nhặt nằm trong bản năng của cổ Hy Lạp. Sau cùng, đó là
lòng can đảm trước thực tại phân cách những con người như Thucydides
với Platon: Platon là một kẻ hèn nhát trước thực tại, - do đó ông chạy trốn vào
lý tưởng; Thucydides làm chủ được mình - do đó ông cũng làm chủ được sự vật…
3. Đánh hơi tìm nơi người Hy Lạp những “tâm hồn đẹp”, những “trung dung vàng” và
những sự toàn bích khác, thán phục nơi họ thái độ bình thản trong sự vĩ đại,
tình cảm lý tưởng, sự ngây thơ siêu phàm của họ - nhà tâm lý học trong tôi đã
ngăn ngừa giùm tôi sự “ngây thơ siêu phàm” đó, đáo cùng chỉ là một niaiserie
allemande [37]. Tôi
thấy bản năng mãnh liệt nhất của họ, ý chí hùng cường, tôi thấy họ run rẩy trước
sức mạnh bất trị của bản năng này, - tôi thấy tất cả mọi thể chế của họ nẩy
sinh từ những biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ lẫn nhau khỏi những chất nổ nằm
trong con người họ. Sự căng thẳng nội tâm ghê gớm bèn tuôn ra thành những cơn
cuồng nộ, tàn bạo khủng khiếp bên ngoài: những đô thị xâu xé lẫn nhau ngõ hầu
những công dân trong những đô thị ấy tìm thấy sự an bình trong chính họ. Người
ta cần phải mạnh: sự nguy hiểm luôn luôn cận kề, - nó rình rập khắp nơi. Sự mềm
mại huy hoàng của thân thể, chủ trương duy thực và vô luân đặc biệt của dân Hy
Lạp là một sự thiết yếu chứ không phải là một “đặc tính tự nhiên”. Nó
là một hậu quả chứ không phải có đó ngay từ nguyên thủy. Và người ta dùng những
hội hè và nghệ thuật không nhằm mục đích nào khác hơn là để tự cảm thấy mình ở
trên, tự chứng tỏ mình ở trên. Đó là những cách tự tôn vinh mình, và trong
một vài trường hợp, còn là cách khiến mình trở nên đáng sợ nữa… Làm sao người
ta có thể phán đoán dân tộc Hy Lạp theo kiểu Đức, nghĩa là phán đoán họ theo những
triết gia của họ, dùng thứ luân lý hương nguyện của những trường phái Socrate
như chìa khóa để khám phá đâu là nền tảng sâu xa của tính chất Hy Lạp!... Hiển
nhiên những triết gia là những kẻ suy đồi của tinh thần Hy Lạp, vận động
đối nghịch lại thị hiếu cổ điển, cao nhã (- đối nghịch bản năng, đối nghịch Polis,
đối nghịch giá trị của chủng tộc, đối nghịch uy quyền của truyền thống). Những
đức hạnh theo tinh thần Socrate được đem ra giảng dạy bởi vì dân tộc
Hy Lạp đã đánh mất chúng: dễ bị kích động, nhút nhát, hay thay đổi, tất cả đều
đóng trò, họ thừa đủ lí do để người ta giảng dạy luân lí cho mình. Không phải
điều đó có thể mang lại một lợi ích nào: mà bởi những danh từ đao to búa lớn và
những thái độ đẹp quá thích hợp với những kẻ décadents…
4. Tôi là người đầu tiên coi trọng hiện tượng tuyệt vời mang tên Dionysos như một
phương tiện để thấu hiểu cái bản năng Hy Lạp cổ xưa, một bản năng hãy còn phong
phú và lai láng nữa. Nó chỉ có thể giải thích được như một sự thặng dư của
sức mạnh. Bất cứ người nào nghiên cứu dân tộc Hy Lạp như vị giáo sư sành sỏi
văn hoá họ hiện đại, Jacob Burckhardt ở Basel, tất nhận thức được ngay giá trị
của dòng nhận định đó: Burckhardt đã thêm vào tác phẩm Kultur der
Griechen [38] của
ông một chương đặc biệt về hiện tượng này. Nếu người ta muốn thấy sự đối nghịch,
người ta chỉ cần nhìn qua sự nghèo nàn của bản năng gần như đáng tức cười nơi
những nhà ngữ học Đức khi họ đề cập tới vấn đề Dionysos. Nhất là nhà ngữ học nổi
danh Lobeck, đã bò vào thế giới huyền bí này với lòng xác tín khả kính của một
con mọt sách khô khan và tự thuyết phục rằng mình có tinh thần khoa học trong
khi ông ta hời hợt và trẻ con đến buồn nôn, - với sự uyên bác sâu xa, Lobeck
cho thấy rằng tất cả những sự hiếu kì đó chẳng có gì là quan trọng cả. Quả thực
những giáo sĩ có thể nói cho những người dự những cuộc tế lễ tửu thần say sưa
đó một vài điều không phải là không có đôi chút giá trị; chẳng hạn rượu khơi gợi
dục vọng, người ta đôi khi có thể sống bằng hoa quả, cây cối trổ hoa về mùa
xuân và úa tàn về mùa thu. Về phần những nghi lễ biểu tượng, thần thoại phong
phú về nguồn gốc lễ tửu thần tràn ngập thế giới thượng cổ, Lobeck tìm thấy
trong đó một cơ hội để trở nên khôn khéo hơn một bậc nữa. Ông nói (Aglaophamuss,
I, trang 672): “Khi rảnh rang, không có việc gì để làm, dân Hy Lạp thường cười
đùa, nhảy nhót, chạy quanh, hoặc, vì đôi khi người ta cảm thấy muốn như vậy, họ
ngồi bệt xuống đất khóc lóc, kêu gào than thở. Kế đó những kẻ khác tới
tìm hiểu lý do của hành vi lạ lùng này; và do đó nẩy sinh ra vô vàn thần thoại
và truyện truyền kì để giải thích tập tục đó. Trái lại, người ta tin rằng những cử
chỉ khôi hài diễn ra vào những ngày hội hè sau đó là thuộc phần nghi lễ cần
thiết và giữ những cử chỉ đó lại như một thành phần không thể thiếu được của
nghi thức thờ phụng.”- Thật là những lời nói bậy bạ đáng khinh bỉ và tôi tin chắc
rằng không một ai coi trọng một người như ông Lobeck này, dù trong chốc lát.
Chúng ta có một cảm thức khác hẳn khi chúng ta nghiên cứu ý niệm “Hy Lạp” thiết
định bởi Winkelmann và Goethe và thấy nó không xứng hợp với yếu tố từ đó nẩy
sinh ra nghệ thuật Dionysos - với lễ tửu thần. Quả thực tôi tin chắc rằng
Goethe đã loại trừ một ý tưởng tương tự khỏi những khả tính của tâm hồn Hy Lạp. Do
đó, Goethe không hiểu dân tộc Hy Lạp. Bởi vì thực tại căn bản của
bản năng Hy Lạp - “ý chí sinh tồn” của nó - chỉ tự biểu lộ trong những niềm bí ẩn
Dionysos, trong tâm lý của trạng thái Dionysos. Hy Lạp bảo đảm gì bởi những niềm
bí ẩn này? Cuộc sống vĩnh cửu, sự qui hồi vĩnh cửu của cuộc đời;
tương lai được hứa hẹn và thánh hóa trong quá khứ; sự khẳng định chiến thắng của
cuộc đời trên sự chết và đổi thay; cuộc sống đích thực như sự kéo dài
tập thể bởi sự sinh sản, bởi những bí ẩn của dục tình. Vì lẽ đó, đối với người
Hy Lạp, biểu tượng dục tình là biểu tượng đích thực tuyệt vời, ý
nghĩa sâu thẳm đích thực trong toàn thể sự kính tín cổ điển. Mọi chi tiết cá biệt
trong tác động sinh sản, mang thai, sinh đẻ đều gợi ra những tình cảm cao cả nhất
và trang trọng nhất. Trong mật giáo, sự đau khổ được thần thánh hóa,
mọi sự đau khổ nói chung - mọi sự biến dịch và trưởng thành, mọi bảo đảm tương
lai, thiết yếu tạo ra đau đớn… Để có nguồn vui vĩnh cửu của sáng tạo,
để cho ý chí sống tự khẳng định muôn đời, những nỗi “đau đớn của sinh sản” cũng
phải hiện hữu muôn đời… Đó là tất cả ý nghĩa của danh từ “Dionysos”: tôi không
biết biểu tượng Hy Lạp này, biểu tượng yến tiệc Dionysos. Bản năng
sâu thẳm nhất của đời sống, sự vĩnh cửu của đời sống, được cảm nghiệm một cách
tôn giáo trong danh từ này - và đường đời, sự sinh sản, được coi như con đường thiêng
liêng. Chính Kitô giáo, với lòng oán hận cuộc đời trong đáy
lòng, đã biến tình dục thành một cái gì nhơ nhớp: nó ném bùn nhơ lên nền tảng,
lên điều kiện tiên quyết của cuộc đời chúng ta…
5. Tâm lý của lễ cuồng ẩm tế thần Dionysos như một cảm thức về cuộc đời và sức mạnh
tuôn trào lai láng, trong đó ngay cả đau đớn cũng tác động như một kích thích tố,
đã cho tôi thìa khóa khám phá khái niệm về cảm thức bi tráng [39],
đã bị hiểu lầm rất nhiều bởi Aristote và đặc biệt bởi những kẻ bi quan của
chúng ta. Bi kịch không hề chứng tỏ chủ nghĩa bi quan của dân tộc Hy Lạp theo
nghĩa chữ bi quan của Schopenhauer, trái lại, nó có thể được coi như là sự phủ
nhận triệt để và lên án ngược lại ý tưởng đó. Sự khẳng định cuộc đời,
ngay cả trong những vấn đề kì dị nhất và gay go nhất; ý chí sống, hân hưởng
chính tính chất bất tận của nó, ngay cả trong việc phải hi sinh những mẫu mực tối
cao của mình - đó là cái tôi gọi là tính chất Dionysos, đó là
cái tôi nhận thức như cây cầu đưa tới tâm lý người thi sĩ bi tráng. Không
phải để giải thoát khỏi sự bi thương và kinh sợ, không phải để thanh tẩy
mình khỏi một cảm xúc nguy hiểm bởi sự phát tán hung hăng cuồng bạo của nó -
Aristote hiểu như vậy - mà là để tự thể hiện trong chính mình nguồn
hân hoan bất diệt của biến dịch tự thành, trên tất cả mọi kinh hoàng và bi
thương - nguồn hân hoan này còn hàm chứa trong nó nỗi hân hoan trong sự
phá hủy… Và do đó, tôi lại trở về nơi mà từ đó tôi đã xuất phát ngày xưa
- Sự khai sinh của Bi kịch là một cuộc đảo hoán mọi giá trị đầu tiên
của tôi: bởi đó tôi lại trở lại đứng trên mảnh đất ước muốn, khả năng của tôi
tăng trưởng - tôi, môn đồ cuối cùng của triết gia Dionysos - tôi, bậc thầy của
sự phục hồi vĩnh cửu…
Cây búa nói
“Tại sao quá cứng rắn! - than trong bếp một hôm hỏi kim cương: chúng ta chẳng
phải là bà con họ hàng gần với nhau sao?”
“Tại sao quá mềm? hỡi các anh, ta cũng xin hỏi các anh như thế: các anh chẳng
phải là - anh em với ta sao?
Sao quá mềm, quá nhu nhược và dễ khuất phục làm vậy? Sao quá nhiều khước từ và
chối bỏ trong tâm các anh? Sao quá ít định mệnh trong ánh mắt các anh nhìn?
Và nếu các anh không muốn là những định mệnh, những kẻ khốc liệt: làm sao một
ngày kia các anh có thể cùng ta - chiến thắng?
Và nếu sự cứng rắn của ác anh không muốn lóe sáng và cắt, cứa: làm sao một ngày
kia các anh có thể cùng ta-sáng tạo?
Bởi những kẻ sáng tạo đều cứng rắn. Và in bàn tay lên muôn ngàn năm như lên sáp
ong mềm dường như phải là diễm phúc của các anh. - diễm phúc viết lên ý chí của
muôn ngàn năm như trên đồng thau, - cứng rắn hơn đồng thau, cao nhã hơn đồng
thau. Duy kẻ cứng rắn nhất mới là kẻ cao nhã nhất.
Tấm bảng mới mẻ này, hỡi anh em, ta xin đặt trên đầu các anh: hãy trở nên
cứng rắn!
Zarathustra đã nói như thế,
Những bảng giá trị cũ và mới, 29.
Chú thích:
[1] Mit
einem Gliederstrecken im Imaginären und Absurden ausgleichen: ý nói sự buông xả.
[2] Pháp
văn trong nguyên bản: Phần ô nhục - Ghi chú của Dịch giả.
[3] Pháp
văn trong nguyên bản: súc sinh, đê tiện. - G.c.D.
[4] Gelegenheit-Ursachen
(Trường hợp-Nguyên nhân): nguyên nhân cơ hội, cơ ngẫu, ngẫu nhiên: nguyên nhân
thay đổi tùy theo trường hợp,- duyên cớ ngẫu nhiên.
[5] Hay
duyên cớ
[6] Pháp
văn: những kẻ suy đồi. - G.c.D.
[7] Pháp
văn: Sự suy đồi. - G.c.D.
[8] “Chết
đúng lúc: đó là điều mà Zarathustra giảng dạy.”. - Zarathustra.
[9] So
sánh nhân vật Kirilov trong tác phẩm “Bầy quỉ” của Dostoïevski.
[10] Pháp
văn: thuần túy, non nớt. - G.c.D.
[11] Pháp
văn, moral không có e như Nietzsche viết. - G.c.D.
[12] Pathos
der Distanz - “Giữ khoảng cách” là một trong những mệnh lệnh tuyệt đối
của đức lý Nietzsche. - G.c.D.
[13] Bất
tận.
[14] Đế
quốc La Mã. - G.c.D.
[15] “Freiheit,
die ich nicht meine…”, ám chỉ bài thơ “Freiheit, die ich meine” (Tự do theo
nghĩa tôi hiểu) của Max von Schenkendorf - G.c.D.
[16] Pháp
văn trong nguyên bản: buông thả, dễ dãi.
[17] Trong
lãnh vực chính trị.
[18] Suy
đồi
[19] Procuste,
tướng cướp ở Attique, có một cái giường sắt. Procuste bắt nạn nhân của hắn nằm
đo giường. Người nào dài hơn giường, hắn sẽ chặt chân đi, người nào ngắn hơn, hắn
lấy dây kéo dài ra cho bằng cái giường. Procuste sau bị Thésée giết cũng bằng
hình phạt do chính hắn đặt ra. (Thần thoại). - G.c.D.
[20] Nền
văn minh thượng cổ
[21]Pháp
văn trong nguyên tác: lý thuyết về hoàn cảnh, chủ trương hoàn cảnh tạo ra
tất cả. - G.c.D.
[22] Lucius
Sergius Catilina (109-63 T.L.S) nhà quí tộc La Mã, âm mưu chống lại Nguyên lão
Nghị viện.
[23] Hay
những gì đã là (was schon ist)
[24] Hay
những gì không trở thành nữa (was nicht mehr wird)
[25] Pháp
văn trong nguyên bản: Giãi bày nỗi bối rối mình cảm thấy là điều bất xứng với
những tâm hồn cao cả. Clothilde de Vaux. - G.c.D
[26] Về
phương diện chiến thuật. - G.c.D.
[27] Pháp
văn trong nguyên bản: hạ lưu, ti tiện. - G.c.D.
[28] Pháp
văn: tuyệt hảo, tuyệt vời. - G.c.D.
[29] Chân
nhân. - G.c.D.
[30] Natürlichkeit.
- G.c.D.
[31] ein
An-sich-heran-kommen-lassen von jedwedem.
[32] ein
Nicht-wissen-wo-aus-noch-ein.
[33] Trong
thực tiễn. - G.c.D.
[34] Nietzsche
muốn nhắc tới tác phẩm “Phúng thi thành Venise”, trong đó Goethe nói rằng thập
giá là một trong bốn cái ông không chịu nổi. - G.c.D.
[35] La
văn trong nguyên tác: cứng rắn hơn đồng. - G.c.D.
[36] Pháp
văn trong nguyên tác: tuyệt hảo, tuyệt vời. - G.c.D.
[37] Pháp
văn trong nguyên tác: sự ngây ngô của dân Đức. - G.c.D.
[38] Văn
hóa Hy Lạp. - G.c.D.
[39] Tragisches Gefühl.
- G.c.D.
Lời cuối của người dịch
Nếu tác phẩm Zarathustra đã nói như thế, Tác phẩm dành cho tất cả mọi người
và không dành cho một ai được coi là tiền sảnh trong toàn thể kiến trúc tư
tưởng Nietzsche thì Buổi hoàng hôn của những Thần tượng hay Làm cách nào
người ta triết lí với cây búa chính là hậu đường của kiến trúc đó vậy. Người
đọc Zarathustra có thể chưa biết gì về tư tưởng Nietzsche, lần đầu
tiên được giới thiệu bước vào tiền đường của lâu đài tác phẩm ông thì người đọc Buổi
hoàng hôn của những thần tượng, người đã bước vào tới hậu đường, phải được giả
thiết là đã đọc toàn bộ tác phẩm Nietzsche. Sự khó khăn trong việc lãnh hội và
diễn dịch tác phẩm này là ở chỗ đó. Thêm nữa, Buổi hoàng hôn của những thần
tượng” được viết vào chính buổi hoàng hôn của cuộc đời-tư tưởng tác giả. Ở
đây Nietzsche quyết liệt vùng lên đánh phá lần cuối cùng bóng tối, - cái bóng tối
dày đặc, ngàn đời đã và sẽ còn tiếp tục trùng trùng phủ vây nhân loại - trong
thịnh nộ và hân hoan mê cuồng, trong cả hi vọng bão táp lẫn tuyệt vọng âm u. Và
vì e rằng đối thủ đã quen đấu pháp, ở đây Nietzsche thay đổi cả khí giới lẫn
chiêu thức. Thay vì dùng trường kiếm ông dùng tuyệt đao. Tuyệt đao theo nghĩa
siêu phàm, tuyệt đao theo nghĩa tối hậu, tuyệt đao theo nghĩa liều lĩnh: đánh
trí mạng để kết thúc cuộc chiến.
Giờ đây cuộc chiến đã tạm ngưng trong bóng đêm. Nhưng liệu những kẻ đã chứng kiến
buổi hoàng hôn của những thần tượng có đủ sức để khơi mở những mạch nguồn tiềm ẩn
trinh nguyên chưa bị đầu độc của cuộc sống, phôi dựng một Bình Minh mới cho tâm
thức bằng tuyệt đao Nietzsche vừa buông tay? Một câu hỏi cũng quá đen, quá lớn,
cũng biến cuộc đời kẻ đặt câu hỏi thành một định mệnh tàn khốc, cũng không ngừng
thúc đẩy hắn phải lao thẳng vào mặt trời và vào cái chết từng giây phút. Nhưng
dù có bị thiêu đốt hay thủ đắc được đủ mọi khả thể phục sinh thì hắn cũng đã được
diễm phúc sống trong ánh sáng. Luôn luôn và luôn luôn trong ánh sáng.
30-10-1971
Phụ lục
Người dịch đã đọc Nietzsche đúng mười năm nhưng không dám quả quyết có diễn tả
đúng tư tưởng và ngôn ngữ Nietzsche. Và không ai có thể quả quyết điều đó. Đoạn
trích nguyên tác “Cây búa nói” dưới đây và bản dịch của nhiều thế hệ dịch giả
Anh, Pháp, Hoa Kì cho thấy rõ điều này. Vì thế trong bản dịch Hoàng hôn của
những thần tượng hiện tại sẽ được dịch lại trong năm 1972.
Phụ lục 1
Der Hammer redet
“Warum so hart! - sprach zum Diamanten einst die Küchen-Kohle: sind wir denn
nicht Nah - Verwandte?”
Warum so weich? O meine Brüder, also frage ich euch: seid ihr denn nicht -
meine Brüder?
Warum so weich, so weichend und nachgebend? Warum ist so viel Leugnung,
Verleugnung in eurem Herzen? so wenig Schicksal in eurem Blicke?
Und wollt ihr nicht Schicksale sein un Unerbittliche: wie könntet ihr einst mit
mir - siegen?
Und wenn eure Härte nicht blitzen und schneiden und zerschneiden will: wie
könntet ihr einst mit mir- schaffen?
Alle Schaffenden nämlich sind hart. Und Seligkeit muß es euch dünken, eure Hand
auf Jahrtausende zu drücken wie auf Wachs,-
- Seligkeit, auf dem Willen von Jahrtausenden zu schreiben wie auf Erz,- härter
als Erz, edler als Erz, Ganz hart allein ist das Edelste.
Die neue Tafel, o meine Brüder, stelle ich über euch: werdet hart! -
Also sprach Zarathustra,
Von alten und neuen Tafeln, 29
Le marteau parle
Bản dịch của Henri Albert
Mercure de France, 1899.
“Pourquoi si dur?- dit un jour au diamant le charbon de cuisine; ne sommes-nous
pas intimement parents? [1] -”
Pourquoi si mous? Ô mes frères, ainsi vous demande, je, moi: n’êtes-vous
donc pas - mes frères?
Pourquoi si mous, si fléchissants, si mollissants? Pourquoi y a-t-il tant de
reniement, tant d’abnégation dans votre cœur? si peu de destinée dans votre
regard?
Et si vous ne voulez pas être des destinées, des inexorables: comment
pourriez-vous un jour vaincre avec moi?
Et si votre dureté ne veut pas étinceler, et trancher, et inciser: comment
pourriez-vous un jour créer avec moi?
Car les créateurs sont durs. Et cela doit vous sembler béatitude d’empreindre
votre main en des siècles, comme en de la cire molle, - béatitude d’écrire sur
la volonté des millénaires, comme sur de l’airain, - plus dur que de l’airain,
plus noble que l’airain. Le plus dur seul est le plus noble.
Ô mes frères, je place au-dessus de vous cette table nouvelle: DEVENEZ DURS!
Ainsi parlait Zarathustra,
Des vieilles et des nouvelles tables, 29.
Bản dịch của Geneviève Bianquis
AUBIER
“Pourquoi si dur? dit un jour la houille au diamant. Ne sommes-nous pas proches
parents?”
Pourquoi si mous? Ô mes frères, voilà ce que je vous demande. N’êtes-vous pas mes
frères?
Pourquoi si mous, si amollis, indolents? Pourquoi y a-t-il tant de reniement,
de renoncement dans vos cœurs? si peu de fatalité dans vos regards?
Et si vous ne voulez par être fatalité et destin inexorable, comment
pourriez-vous être un jour avec moi-vainqueurs?
Et si votre dureté refuse d’étinceler, de couper, de trancher, comment
pourriez-vous être un jour avec moi-créateurs?
Car les créateurs sont durs, et il faut que vous sentiez la félicité d’imprimer
votre main sur les millénaires comme sur une cire, la félicité de graver votre
empreinte dans le vouloir des millénaires comme dans un plus noble que
l’airain. Le métal le plus noble est aussi le plus dur.
Voilà la table nouvelle que je dresse à présent au-dessus de vos têtes, ô mes
frères: devenez durs.
Ainsi parlait Zarathustra,
Des tables anciennes et nouvelles, 29.
Bản dịch của Maurice Betz
GALLIMARD, 1947.
“Pourquoi si dur? - dit un jour au diamant le charbon de cuisine; ne
sommes-nous pas proches parents?”
Pourquoi si mous? Ô mes frères, je vous le demande: n’êtes-vous donc pas mes
frères?
Pourquoi si mous, si mollissants, si fléchissants? Pourquoi y a-t-il tant de
reniement, tant de dénis dans votre cœur? si peu de destinée dans votre regard?
Et si vous ne voulez pas être des destinées, des inexorables: comment
pourriez-vous un jour vaincre avec moi?
Et si votre dureté ne veut pas étinceler, et trancher, et inciser: comment
pourriez-vous un jour créer avec moi?
Car les créateurs sont durs. Et cela doit vous sembler une félicité d’empreindre
votre main en des siècles, comme en de la cire.
Félicité d’écrire sur la volonté des millénaires, comme sur de l’airain, - plus
dur que de l’airain, plus noble que de l’airain. Le plus dur seul est le plus
noble.
Cette table nouvelle, ô mes frères, je la place au-dessus de vous: devenez
durs!
Ainsi parlait Zarathustra,
Des vieilles et des nouvelles tables, 29.
The hammer speaks
Bản dịch của Water Kaufmann
THE VIKING PRESS, 1951.
“Why so hard?” the kitchen coal once said to the diamond. “After all, are we
not close kin?”
Why so soft? O my brothers, thus I ask you: are you not after all my brothers?
Why so soft, so pliant and yielding? Why is there so much denial, self-denial,
in your hearts? So little destiny in your eyes?
And if you do not want to be destinies and inexorable ones, how can you one
day [2] triumpth
with me?
And if your hardness does not wish to flash and cut and cut through, how can
you one day create with me?
For all creators are hard. And it must seem blessedness to you to impress your
hand on millennia as on wax,
Blessedness to write on the will of millennia as on bronze - harder than
bronze, nobler than bronze. Only the noblest is altogether hard.
This new tablet, O my brothers, I place over you: become hard!
Thas Sproke Zarathustra,
On old and new tablets, 29.
Bản dịch của Marianne Cowan
A GATEWAY EDITION, 1957.
“Why so hard?” said the kitchen coal to the diamond. “Aren’t we near
relatives?”.
Why so soft? I ask you, ho my brothers! Aren’t you-my brothers?
Why so soft, so soft and ready to give in? Why so much lying and denying in
your hearts? Why so little fatefulness in your eyes?
If you will not be fates, inexorable men, how could you be victors together
with me?
And if your hardness will not flash and cut and slice- how could you some day
create together with me?
For creators are hard. And your bliss must be to print your hand on millenniums
as if they were wax,
to inscribe yourselves upon the will of millenniums as if they were brass -
harder than brass, more precious than brass. Only the most precious materials
are really hard.
This new tablet I give you, my brothers: Become hard! -
Thus Spoke Zarathustra,
About Old and New Tablets, 29.
Bản dịch của R.J.Hollingdale
PENGUIN BOOKS, 1968 [3]
“Why so hard?” the charcoal once said to the diamond; “for are we not close
relations?”
Why so soft? O my brothers, thus I ask you: for are you not-my brothers?
Why so soft, unresisting and yielding? Why is there so much denial and
abnegation in your hearts? So little fate in your glances?
And if you will not be fates, if you will not be inexorable: how can
you-conquer with me?
And if your hardness will not flash and cut and cut to pieces: how can you one
day-create with me?
For creators are hard. And it must seem bliss to you to press your hand upon
millennia as upon wax,
bliss to write upon the will of millennia as upon metal - harder than metal,
nobler than metal. Only the noblest is perfectly hard.
This new law-table do I put over you, O my brothers: Become hard!
Thus Spoke Zarathustra,
Of Old and New law-tablets, 29.
Phụ lục 2
Những “thần tượng” được nói tới trong tác phẩm
ARISTOTE (384-322 trước T.L.):
Nietzsche hết sức tán dương những triết gia Tiền - Socrate nhưng coi nhẹ, và đôi
khi giản lược và cưỡng ép Socrate và những triết gia trường phái này, nhất là
Platon, coi họ như những “triệu chứng suy đồi, những công cụ của sự băng hoại của
Hy Lạp, những kẻ bài Hy Lạp” (Sự khai sinh của Bi kịch). Ông kịch liệt bài bác
quan niệm coi bi kịch như “catharsis”; - trạng thái cảm xúc pha trộn giữa kinh
sợ và thương xót - của Aristote. Nếu Aristote có lý thì bi kịch chỉ là “một nghệ
thuật nguy hại cho cuộc đời”, trong khi theo ông nó chính là một liều thuốc bổ,
“kích thích vĩ đại hướng về cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời, một ý chí sinh
tồn” (Ý chí hùng dũng II, 460).
BAUDELAIRE, Charles (1821-1867):
“Ai là kẻ ủng hộ thông minh đầu tiên của Wagner? Chính Baudelaire…” (Ecce
Homo, II, 5). Nietzsche dùng Baudelaire để chứng minh rằng Wagner chỉ là một kẻ décadent
(suy đồi) Pháp quốc. Trong khi Baudelaire là một “Richard Wagner không âm
nhạc”. Cả hai đều là những kẻ “lệ thuộc văn chương, vô cùng học thức, và cả hai
đều là văn sĩ. Kích động thần kinh, bệnh hoạn, dày vò, không mặt trời.” (Ý
chí hùng dũng, II, 3: 208).
BORGIA, César (chết năm 1507):
Quận công xứ Valentinois, người được Machiavelli dùng làm kiểu mẫu trong tác phẩm Quân
vương, một chính khách tài ba, xảo quyệt và tàn bạo. Nietzsche gọi César Borgia
là một con “mãnh thú”, một “ác quỷ nhiệt đới”, thuộc loại “mãnh thú tóc vàng”
như những hải tặc Viking Bắc Âu, Nietzsche từ chối coi Borgia là một hình thức
bệnh hoạn, suy đồi của con người (Phi thiện ác, 19). Trái lại chính
những con người nguyên thủy dũng mãnh như César, những kẻ đến từ biển cả hay rừng
núi bị xã hội của những “con người ôn hòa”, bầy thú “thuần hóa” suy nhược của
những “vùng ôn đới” xua đuổi, xa lánh, sợ hãi, dồn đến chỗ khiến họ trở thành
những kẻ nổi loạn, tội phạm, bệnh hoạn. Có thể nói họ là những anh hùng sa sẩy
vì thiếu một môi trường hoang dã, phóng khoáng, nguy hiểm. Đó là những cây khỏe mạnh của rừng nhiệt đới bị còi cọc khi bị đánh sang trồng trên những mảnh đất
ôn đới. (Hoàng hôn của những Thần tượng, IX, 45). Nietzsche chịu ảnh hưởng
quan niệm về anh hùng, kẻ tội phạm cao nhã của Dostoïevski, rút tỉa từ kinh
nghiệm tù đầy của ông ở Tây Bá Lợi Á nơi, sau nhiều năm sống chung chạ với những
tù khổ sai Nga, Dostoïevski nhận định: tất cả những người này đều có trong mình
những tài nguyên tuyệt vời, có lẽ họ là những tài năng thiên phú nhất, những đứa
con mãnh liệt nhất của dân tộc ta.” (Hồi ký về chốn địa ngục trần gian).
BUCKLE, Henry Thomas (1821-1862):
Sử gia Anh, tác giả bộ Lịch sử văn minh. Trong Phổ hệ luân lý (I,
4), Nietzsche tấn công quan niệm của Buckle về những định luật tổng quát chế ngự
những cuộc cách mạng của nhân loại, cho đó là chủ trương duy tiện dân của
tinh thần thời hiện đại.
BURCKHARDT, Jacob (1818-1897):
Sử gia Đức, bạn đồng nghiệp với Nietzsche ở đại học Basel, tác giả bộ Văn
minh thời Phục Hưng ở Ý nổi tiếng. Nietzsche rất kính phục Burckhardt, lấy
lại một số nhận định của ông về những nguyên lý phát khởi của một nền văn minh.
CARLYLE, Thomas (1795-1881):
Sử gia và phê bình gia Anh, tác giả bộ Anh hùng và sự tôn thờ anh hùng.
Nietzsche phê bình Carlyle là một “người theo phong trào lãng mạn điển hình”, một
người có ngôn ngữ và cử chỉ hùng mạnh, ồn ào nhưng trong cùng đáy tâm hồn lại
là một kẻ yếu đuối, dằn vặt, thường xuyên bị dao động bởi nhu cầu tìm một đức
tin mạnh, tích cực để trấn áp mình, lầm lẫn giữa khát vọng tin tưởng với ý chí
tìm chân lí. (Ý chí hùng dũng, 455).
CATILINA, Lucius Sergius (109-62 trước T.L.):
Nhà quý tộc La Mã, âm mưu chống Nguyên lão Nghị viện nhưng thất bại (63-2
t.T.L.)
CÉSAR, Jules (101-44 trước T.L.):
Kẻ chinh phục, nhà độc tài La Mã, hùng biện khéo léo, đầy nghị lực, biểu dương
lịch sử của con người ý chí hùng dũng thăng hoa, khác với Borgia là con người ý
chí hùng dũng bị thui chột.
COMTE, Auguste (1798-1857):
Triết gia duy nghiệm Pháp. Theo Nietzsche, Comte, nối tiếp thế kỷ thứ
XVIII, đặt trái tim trên đầu óc, chủ trương một tri thức luận
duy cảm giác, đề xướng một thứ vị tha ảo tưởng (YCHD, III, 40). Quan
điểm chủ yếu của Comte lầm lạc: chủng loại siêu đẳng không có bổn phận hướng
dẫn chủng loại hạ đẳng, trái lại, phải coi chủng loại dưới như nền tảng, điểm tựa
để hoàn thành sứ mệnh của chính mình: vượt qua con người, vượt quá nhân loại - lý tưởng của Comte.
CORNARO, Luigi (1467-1566):
Tác giả bộ sách lừng danh về nghệ thuật điều dưỡng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng “Discorsi
sulla vita Sobria” (1558). Rút kinh nghiệm từ chính cuộc sống đau ốm của
ông từ lúc nhỏ tới năm trên bốn mươi tuổi, Cornaro cổ võ một phép ăn uống kiêng
cữ như một phương thuốc cho một cuộc sống trường thọ và khỏe mạnh. “Trong phần
đời sau, ông thấy một trái trứng đủ là thực phẩm vững chắc cho một ngày” (Encyclopedia
Britannica). Theo Nietzsche, Cornaro đã lầm lẫn cho hậu quả là nguyên nhân.
DANTE ALIGHIERI (1265-1321):
Thi hào Ý. Trong bảng giá trị của Nietzsche, những nghệ sĩ được đặt trên cả tư
tưởng gia. Nhưng đó là những nghệ sĩ vĩ đại, đi trên những trào lưu tư tưởng.
Trong thực tế có những nghệ sĩ lớn đầu hàng tư tưởng và thường khi tựu
thành chính những trào lưu tư tưởng ấy làm Nietzsche nản lòng: Dante với Giáo hội
Thiên Chúa, Richard Wagner với phái lãng mạn, Shakespeare với tư tưởng tự do của
Montaigne. Nietzsche không đọc Dante nhiều vì “những tinh thần giáo điều như
Dante và Platon là những tinh thần mà tôi cảm thấy vô cùng xa cách” (YCHD, III,
379).
DARWIN, Charles (1809-1882):
Nhà vạn vật học Anh chủ trương thuyết tiến hoá:
Vạn vật phải tranh đấu để sinh tồn (struggle for life).
Muốn sinh tồn, sinh vật phải thay đổi cơ thể ngày một
hoàn hảo hơn. Bộ phận nào ích dụng sẽ tăng trưởng, bộ phận nào dư thừa sẽ suy yếu
và biến mất. Đó là sự chọn lọc tự nhiên (natural selection).
Sự chọn lọc đó đưa tới sự tiến hóa (evolution) của
chủng loại: chỉ những sinh vật nào mạnh mới tồn tại, những sinh vật yếu sẽ bị
đào thải, tiêu diệt.
Nietzsche kịch liệt chống lại Darwin:
Nơi nào có tranh đấu là tranh đấu giành sức mạnh
(struggle for power).
Tinh thần phát triển ngày một hoàn hảo hơn chứ không phải
cơ thể.
Những chủng loại không tiến hóa. Trái lại những mẫu suy
đồi, bệnh hoạn chế ngự dần những mẫu chọn lọc lành mạnh: những kẻ yếu càng
ngày càng thắng lướt những kẻ mạnh - bởi chúng đông hơn, khôn khéo hơn, thận trọng
hơn, yếm trá hơn, tự chủ mạnh mẽ hơn, bắt chước tài tình hơn, đức độ hơn - tóm
lại bởi chúng tinh thần hơn. (Tri thức hân hoan, 349, YCHD I:
181, 182, 219- 222, 243; II: 129, 249).
DOSTOÏEVSKI, Fyodor (1821-1881):
Đại văn hào Nga, thuộc về “những tình cờ hạnh phúc nhất” của đời Nietzsche. “Một
vài tuần lễ trước tôi không biết ngay cả tên Dostoïevski nữa… Một sự tình cờ
may mắn trong một hiệu sách dẫn dắt tôi để ý tới một tác phẩm dịch bằng tiếng
Pháp L’Esprit souterrain (Hồi ký viết dưới hầm)… Bản năng họ hàng (nếu
không thì gọi bằng gì bây giờ?) nổi lên ngay lập tức, nỗi vui sướng của tôi thật
vô bờ: tôi phải trở lại việc làm quen với tác phẩm Rouge et noir của
Stendhal để gợi lại một nỗi hân hoan tương tự” (Thư ngày 23 tháng Hai, 1887).
Tháng Ba năm đó, Nietzsche còn mê man đọc Hồi ký về chốn địa ngục trần
gian và Những kẻ bị chà đạp và sỉ nhục cũng qua bản dịch tiếng
Pháp. “Giải thoát siết bao khi đọc Dostoïevski!... Dostoïevski là người duy nhất
dạy tôi được vài điều về tâm lý học”:
Tội ác phải được xếp vào những “cuộc phản kháng trật tự
xã hội” hiện hữu. Một kẻ phản kháng có thể là một người đáng thương và đáng
khinh, nhưng một cuộc phản kháng chống lại thứ xã hội yếu hèn của chúng ta thì
không hề làm giảm giá trị của một người.
Không được xét đoán giá trị của một người căn cứ vào hành động
duy nhất. Trong mọi tội ác hầu như đều biểu lộ những đức tính mà không người
nào được thiếu.
Phải bãi bỏ hình phạt và sự ghê tởm dành cho kẻ phạm tội vì
người ta không thể nâng dậy một người bằng cách hành hạ và khinh bỉ hắn. Sự
khinh bỉ ngược đãi là một sự đồi bại và đồi bại hóa tâm hồn còn tệ hại và dã
man hơn cả tội ác.
Những kẻ phạm tội thường là những kẻ man rợ, mãnh liệt, quá
trớn không thích nghi nổi với những điều kiện sinh tồn nền nếp, nghèo nàn, yếu
đuối, gò bó, tiết chế của xã hội.
Sự gia tăng của tội ác có thể là một triệu chứng báo hiệu sự
băng hoại của xã hội nhưng đồng thời đó là một điềm lành cho thấy khả tính của
một nền văn minh mới; một sự bình phục mới: không có thời nào nhiều tội ác khủng
khiếp bằng thời Phục Hưng, bình minh của nền văn minh hiện tại.
Tất cả những kẻ tội phạm đều có thể là những kẻ phi nhân.
Nhưng tất cả những vĩ nhân đều thiết yếu phải là những kẻ tội phạm.
Đó là những bài học Nietzsche đã học từ nơi Dostoïevski.
ELIOT, George (1819-1890):
Nữ sĩ Anh, Nietzsche chỉ biết Eliot qua một người bạn gái, cô Druscowicz, và chỉ
nhắc tới Eliot một lần duy nhất là trong tác phẩm này.
EMERSON, Ralph Waldo (1803-1882):
Không bậc thầy nào của Nietzsche cuối cùng không bị ông chê trách. Nhưng cũng
có những nguồn tư tưởng Nietzsche trung thành suốt đời và khó phân biệt với tư
tưởng của chính ông. Emerson là một. “Tôi cảm thấy ông rất gần tôi”, Nietzsche
nói về Emerson như vậy. Nietzsche rất thán phục cuộc sống cô đơn, lặng lẽ, hân
hoan, đầy hứng khởi của Emerson, Emerson chính là một trong những kiểu mẫu đầu
tiên của Zarathustra. “Tâm hồn cao cả” (The Oversoul) của Emerson chính là
“Siêu nhân” (Überrmensch) của Nietzsche, Nietzsche tán thành sự lên án nghiêm
khắc thời hiện đại của Emerson, một thời đại hùng hồn trong những lời rên xiết
thở than, bạc nhược trong tinh thần, nghèo nàn trong tâm tưởng. Theo Emerson, tất
cả mọi tín điều đều là nô lệ. Không có gì thiêng liêng bằng sự nguyên
vẹn của tinh thần, bằng lòng tự tin (Self-Reliance). Trên đời không
có gì khủng khiếp bằng có một ý chí. “Cuộc đời là một sự kiếm tìm sức mạnh”
(Life is a search for power). Nói theo ngôn ngữ Nietzsche: “Cuộc đời là Ý
Chí Hùng Dũng (Leben ist Wille zur Macht.)” Lịch sử quá khứ là một lịch sử
tồi tàn. Những dân tộc của chúng ta trên trái đất đều là tiện dân. “Chưa
bao giờ chúng ta thấy một người thực sự là người.” (We have never seen a man)” hay
nói theo điệu Nietzsche: “Chưa bao giờ chúng ta có một Siêu Nhân” (Niemals noch
gab es einen Uebermenchen). Tất cả sự vĩ đại của quá khứ mới chỉ là bước đầu.
FONTENELLE, Bernard (1657-1757):
Nhà văn Pháp, một trong nhóm sáu nhà luân lý Pháp mà Nietzsche ngưỡng mộ vì “đọc
họ người ta gần thời thượng cổ cao nhã hơn bất cứ một nhóm tương tự nào ở một
quốc gia nào khác.” Đó là Fontenelle, Montaigne, La Rochefoucauld, La Bruyère,
Vauvenargues và Chamfort. - (Lữ khách và bóng hình mình, 214).
GONCOURT, Edmond (1822-1896) và Jules (1830-1870):
Hai nhà văn thuộc trường phái tự nhiên Pháp. Bi quan, hư vô chủ nghĩa, dị hợm.
“Những điều họ trình bầy đều xấu xí, nhưng nếu họ trình bầy, là vì họ thích sự
xấu xí đó…” (YCHD, II, 343) một cách căn để, tất cả những nhà văn này
đều thiếu một cái chính yếu - “la force” (Thư ngày 10 tháng Mười,
1887).
HARTMANN, Eduard von (1842-1906):
Triết gia Đức, theo chủ trương bi quan, tác giả bộ Triết lý vô thức.
Nietzsche thường quy chiếu “ông” Hartmann khi bài xích bi quan chủ nghĩa.
HÉRACLITE (vào khoảng 500 tr. T.L.):
Trong những triết gia Tiền-Socrate mà Nietzsche ngưỡng mộ, ông kính trọng nhất
Héraclite. Cũng như Emerson, Héraclite là bậc thầy mà Nietzsche theo sát tư tưởng,
về cả nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan sinh động, và không bao giờ tỏ ra bớt cung
kính. Khi Nietzsche phát biểu: “Con người là một cái gì cần phải vượt qua” là
ông theo những bậc tiền bối Héraclite, Empédocle, Spinoza, Goethe (Triết
lý thời Bi kịch Hy Lạp, phần dẫn nhập). “Khi tôi trình bầy thế giới
như một trò chơi thần thánh đặt bên trên thiện ác, tôi có các bậc tiên phong:
triết học Vêdânta và Héraclite” (YCHD IV, 628). Héraclite nói rất ít.
Những phát biểu của ông vắn tắt, mãnh liệt như những sấm ngữ khắc trên đền
Delphes và không ngừng là những cảm hứng cho những thi sĩ lớn, như René Char…
vì “triết lý ít minh chứng của Héraclite có một giá trị nghệ thuật lớn lao hơn
tất cả mọi định đề của Aristote” (YCHD IV, 172). Thái độ kiêu hãnh huy
hoàng, như sấm sét của Héraclite là kiểu mẫu tối thượng của Zarathustra.
HORACE, Quintus, Horatius Flaccus (65-8 tr. T.L.) :
Thi sĩ Latin, tác giả Phúng thi, Đoản thi, Nghệ thuật thi ca.
HUGO, Victor (1802-1885):
Nietzsche thường nhắc tới Victor Huygo và Richard Wagner khi công kích phái
lãng mạn, duy cảm giác hạ lưu (Trường hợp Wagner, 11).
KANT, Immanuel (1721-1804):
Nietzsche giễu cợt quan niệm “sự vật tự nội” và nhất là lòng tin tưởng của Kant
vào “trật tự thế giới có tính cách luân lý”. Theo Nietzsche không có những sự
kiện luân lý mà chỉ có những cách giải thích, diễn dịch luân lý. Cùng với sự
sai lầm căn bản đặt ý chí con người vào sự vật này, Kant còn sai lầm nặng nề
trong sự thẩm định những giá trị lịch sử (Cuộc Cách mạng Pháp). Tóm lại Kant là
một tâm lý gia tầm thường, một kẻ cuồng tín luân lý như Rousseau, một tín đồ
Kitô giáo trong sự thẩm định những giá trị, một kẻ giáo điều trong tận cùng tâm
hồn.
LISZT, Franz (1811-1886):
Soạn nhạc gia và dương cầm thủ Hung Gia Lợi, cha vợ Wagner. Liszt là một nhạc
sĩ mà “sự quý phái trong hợp khúc thật vô song” (Ecce Homo, II, 7), nhưng vẫn
không tránh khỏi đôi khi bị Nietzsche bỡn cợt nhẹ nhàng như một “diễn viên”
theo kiểu Wagner.
LOBECK, Christian-August (1781-1860):
Nhà ngữ học thượng cổ học Đức, chuyên gia về lịch sử ngôn ngữ Hy Lạp.
MACHIAVELLI, Niccolo (1469-1527):
Sử gia và chính trị gia Ý, tác giả “Quân Vương”, “Nghệ thuật chiến
tranh”, Nietzsche thán phục chủ trương hiện thực của Machiavelli.
MALTHUS, Thomas Robert (1766-1834):
Kinh tế gia Anh, tác giả Luận về Nguyên tắc dân số chủ trương kiểm
soát sinh đẻ vì “dân số, khi không kiểm soát, gia tăng theo tỷ lệ hình học
trong khi thực phẩm chỉ tăng theo tỷ lệ toán học… năng lượng của dân số lớn gấp
bội so với năng lực của trái đất để tạo ra thực phẩm cho con người.”
MICHELET, Jules (1798-1874):
Sử gia của nước Pháp và của cuộc Cách mạng Pháp. Nietzsche đặt Carlyle,
Schiller và Michelet là bộ ba sử gia theo chủ trương lý tưởng (YCHD I,
299).
MILL, John Stuart (1806-1873):
Triết gia Anh. Nietzsche ít đề cập tới Mill, và rất coi thường chủ trương Duy Dụng
của triết gia này.
NAPOLÉON BONAPARTE (1769-1821):
Nietzsche thường nhắc tới Napoléon với Goethe, Napoléon với César, Napoléon với
Bismarck, Napoléon với Beethoven như những thí dụ điển hình về con người thượng
đẳng, ý chí mãnh liệt, quý phái, cô độc, cách biệt, trầm lặng. Napoléon là đối
cực của Rousseau, của thế kỷ thứ XVIII, đó là một tâm hồn thượng cổ, sắt đá, một
sự tổng hợp của Phi nhân (Unmensh) với Siêu nhân
(Übermensch) (Phổ hệ Luân lý I, 16), Napoléon hiểu sự liên kết cần
thiết giữa vĩ nhân và con người đáng sợ (YCHD III, 532).
PLATON (428-347 tr. T.L.):
“Điều chia cách chúng ta với Kant cũng như với Platon và Leibniz là chúng ta
tin vào sự biến dịch ngay cả trong những sự việc tinh thần”. (Triết học thời
bi kịch Hy Lạp). Nietzsche chống Platon vì lí thuyết về những hình thức
siêu cảm giác và khuynh hướng về một thế giới khác về Linh Tượng giới. Platon
“thích sự dối trá và ảo tượng thi ca hơn chân lý, cái phi thực hơn hiện tại” (YCHD I,
209). Với Socrate, triết học bị đặt dưới sự thống trị của lý trí. Với Platon,
triết học phải mang thêm một cái ách nữa: luân lý.
RENAN, Ernest (1823-1892):
Văn sĩ duy lý Pháp, tư tưởng gia tự do nhưng không thoát nổi sự cám dỗ của tôn
giáo. Cảm quan đàn bà, tọc mạch như Sainte-Beuve.
ROUSSEAU, Jean-Jacques (1712-1778):
Trong cuộc chiến giữa Voltaire và Rousseau, Nietzsche đứng về phía Voltaire. Trạng
thái thiên nhiên khủng khiếp, con người là một con vật săn mồi, nền văn minh của
chúng ta là sự chiến thắng kỳ diệu trên thú tính: đó là lý luận của Voltaire. Trong “năm không” của Nietzsche, cái không thứ ba chống lại
thế kỷ XVIII và Rousseau, chống lại sự mời gọi “trở về thiên nhiên”, chống lại
quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện”, chống lại sự tin tưởng của Rousseau vào
quyền tối thượng của tình cảm - chống lại sự mềm yếu hóa, đạo đức hóa con người;
lý tưởng phát sinh từ sự thù hận nền văn minh quý phái, thiết yếu đưa tới
sự thắng thế của căm hờn, đam mê hỗn loạn, đàn bà tính, thú tính, bình dân, hạ
lưu. (YCHD III, 14, 38, 39, 40…)
SAINTE-BEUVE, Charles-Augustin (1804-1869):
Phê bình gia và sử gia nổi tiếng của Pháp. Nietzsche phê bình chủ trương khách
quan của Sainte-Beuve vì Sainte-Beuve dối trá trong chính chủ trương của mình:
Sainte-Beuve không ngớt ghen tức với những vĩ nhân như Montaigne, Charron, La
Rochefoucauld, Chamfort, Stendhal.
SALLUST (86-35 tr. T.L.):
Sử gia Latin, ghi chép về cuộc âm mưu nổi loạn của Catalina, bút pháp sắc bén,
cô đọng.
SAND, George (1804-1876):
Tiểu thuyết gia Pháp. Theo Nietzsche, George Sand giả tạo, khoa trương, khoác
lác, khoan hồng giả dối như bất kỳ kẻ nào theo Rousseau.
SCHILLER, Friedrich (1759-1805):
Tác phẩm Thảo khấu của Schiller, năm 1859, đã gieo nơi Nietzsche trẻ
tuổi một ấn tượng khó phai mờ về Siêu Nhân. Ngày 22 tháng Năm 1872, khi dự buổi
trình diễn Hòa tấu Khúc số IX của Beethoven, đoạn cuối phổ nhạc bài thơ Ca
ngợi nguồn vui của Schiller khiến Nietzsche xúc động sâu xa vì nguồn vui
bi tráng. Theo Schiller, tất cả mọi vẻ đẹp cao quý đều qụy ngã trên trần gian.
Chân lý về cuộc đời và thế giới tiêu diệt sức sống trong con người. Vì thế phải
giáo dục thẩm mỹ cho con người. Nghệ thuật, nhất là bi kịch là “một sự trồng độc
để chống lại định mệnh không thể tránh khỏi”. Từng chút một, bằng bi kịch, cảm
xúc bi tráng được tiêm trích vào con người để con người sẵn sàng đón nhận ngày
sự kinh hoàng thật sự xảy ra. Amor fati, tình yêu định mệnh của Nietzsche
nẩy sinh từ cảm hứng Schiller. Kịch của Schiller luôn luôn cho thấy những tâm hồn
mãnh liệt phản kháng chống lại thời đại và định mệnh mình, hiến mình cho cái chết
non yểu nhưng đồng thời tạo ra cái đẹp và sự vĩ đại. Chính thiểu số tinh hoa
này lãnh đạo thế giới một cách vô hình. Trong giai đoạn đầu, Nietzsche giữ lại
phần lớn tư tưởng Schiller. “Mục đích của tôi là mục đích của Schiller nhưng được
nâng cao đến vô cùng”.
SCHOPENHAUER, Athur (1788-1860):
Cùng với Goethe, Schiller, Hölderlin, Kleist, Fichte, Schopenhauer là một bậc
thầy vĩ đại của Nietzsche trẻ tuổi. Có một thời Nietzsche coi Schopenhauer như
cha và tự nhận là một đồ đệ nhiệt thành của Schopenhauer. Nietzsche rất tán đồng
bảng phân chia đẳng cấp tinh thần và vay mượn hoàn toàn lý thuyết về thiên
tài của Schopenhauer. Nhưng sau đó Nietzsche không chấp nhận quan điểm của
Schopenhauer về tác dụng của bi kịch và nhất là chủ nghĩa bi quan, hư vô, nhị
nguyên tính của ý chí và trí tuệ, thái độ thù nghịch với bản năng, cảm xúc, dục
tình của ông. Nietzsche không bao giờ tha thứ sự thẩm định giá trị theo quan điểm
luân lý của Schopenhauer nhằm triệt hạ giá trị cuộc đời, phá hủy sự khẳng định
của “ý chí sống”, những hình thức phong phú của cuộc đời khi diễn dịch nghệ thuật,
anh hùng tính, thiên tài, vẻ đẹp, lòng từ bi, trí tuệ… như hậu quả của sự phủ
nhận hay đoạn diệt “ý chí sống”, trong khi theo Nietzsche đó chính là kết quả của
sự khẳng nhận ý chí, của ý chí sung mãn. Nietzsche chủ trương một sự thẩm định
giá trị theo quan điểm thẩm mỹ và lên án sự thẩm định theo quan điểm luân
lý của Schopenhauer là một vụ làm bạc giả lớn lao nhất trong lịch sử sau
Kitô giáo.
SOCRATE (470-399 tr. T.L.):
Theo Nietzsche, tất cả những vấn đề lớn đều được đặt ra trước Socrate. Với
Socrate, triết lý suy đồi thành triết học, những bản năng Hy Lạp băng hoại và
bi kịch hấp hối vì chủ trương duy lý và duy hạnh phúc, vì lòng tin tưởng vào một
Thượng Đế tốt lành, vào con người tốt lành vì nó hiểu biết của ông.
Socrate đoạn tuyệt với những giá trị truyền thống và bắt đầu đưa Hy Lạp xuống dốc.
Tóm lại, Socrate đã làm những việc độc hại sau đây:
Ông ta đã phá hủy sự ngây thơ chân chất của phán đoán luân
lý.
Ông ta đã tiêu hủy khoa học.
Ông ta không có một cảm thức nào về nghệ thuật.
Ông ta đã cắt đứt con người với sự liên hệ lịch sử của nó.
Ông ta đã đề cao trò chơi chữ và biện chứng pháp dài dòng.
SPENCER, Herbert (1820-1903):
Triết gia Anh, sáng lập thuyết tiến hóa. Nietzsche không nhìn thấy trong xã hội tương
lai, khi mọi cá thể đồng nhất với nhau, cũng như trong hạnh phúc của số đông, sự
thanh bình của tâm hồn, đức hạnh, tiện nghi - lý tưởng của ông Spencer - một
cái gì tốt đẹp cả. Đặt hòa bình trên chiến tranh là một phán đoán phản sinh vật
học, đặt đa số lên trên thiểu số là một phán đoán phản tiến hóa. “Ông Spencer
là một kẻ suy đồi, trong sinh vật học; ông cũng là một kẻ suy đồi với tư cách một
nhà luân lí”. Triết học duy lợi của ông Spencer: “hoàn toàn thiếu vắng lí tưởng,
trừ lí tưởng của con người bình phàm.” (YCHD I, 438, 285).
SPINOZA, Baruch (1632-1677):
Triết gia Hà Lan, sống bí mật, lặng lẽ, thanh thản trong cảnh bần hàn như một
ông thánh. Ông từ chối làm giáo sư đại học để suốt đời mài kiếng bên lề đường.
Ông cũng không chịu phổ biến tư tưởng mình. Bộ Đạo đức vĩ đại của
Spinoza chỉ được in ra sau khi ông từ trần nhờ một Mạnh Thường Quân vô danh.
Nietzsche đồng ý với Spinoza về năm điểm: khước từ tự do ý chí, mục đích, trật
tự thế giới có tính cách luân lí, tính bất vị kỉ và sự hiện hữu của tội lỗi.
Tuy nhiên, Nietzsche không tán thành sự khó hiểu toán học mà Spinoza dùng như
giáp trụ và mặt nạ che dấu triết học hay đúng hơn “lòng yêu chuộng minh triết”
của ông (Phi thiện ác, 5). Công thức toán học khô cứng như nơi Spinoza,
công thức đã tạo ra trên Goethe một ấn tượng quá nặng nề, chỉ có thể tự biện
minh như một cách diễn tả thẩm mỹ. (Triết học thời bi kịch Hy Lạp).
STENDHAL, bút hiệu của Henri Beyle (1783-1842):
“Người nghệ sĩ tự bản chất có thể thiết yếu là một người đa dục, xúc động trước
tất cả, dễ bị thương vong trong mọi chiều hướng, tự nhiên hướng về tất cả mọi sự
kích thích và những gì gợi ra những kích thích này. Nhưng dưới ảnh hưởng của sứ
mệnh hắn, của ý chí đi tới tự chủ của hắn, hắn thường tiết độ nghĩa là trinh tiết” (YCHD,
III, 441). Goethe và sau đó là Stendhal là những nghệ sĩ mãnh liệt, tự chủ, đáp
ứng được chủ trương “lí trí trong thái độ sống” này của Nietzsche. Ngoài
ra Nietzsche còn vô cùng thán phục Stendhal vì trực giác bén nhậy và chủ
trương vô thần lương thiện của ông. Stendhal không khước từ Thượng Đế
vì những tội lỗi và sự xấu xa của thế gian mà khước từ chính sự hiện hữu của
Thượng Đế. “Có lẽ tôi ganh tị với cả Stendhal. Ông đã đánh cắp mất chữ hay nhất
mà chủ trương vô thần của tôi có thể tìm thấy: “Sự miễn thứ duy nhất của Thượng
Đế là đừng hiện hữu…” (Ecce Homo, II, 3).
THUCYDIDES (vào khoảng 460-395 tr.T.L.):
Triết sử gia vĩ đại Hy Lạp, bút pháp cô đọng, mạnh mẽ, lối kể truyện khúc triết,
dồn dập, tác giả bộ Lịch sử cuộc chiến tranh Péloponnèse. “Thucydides và
Tacite thiết yếu là những thi sĩ” (YCHD, III, 126).
WAGNER, Richard (1813-1883):
Soạn nhạc gia Đức, tác giả Tristan und Isold, Parsifal, chồng thứ hai của
Cosima Liszt, người mang ảnh hưởng văn hoá Pháp cho Wagner… Wagner là một thiên
tài âm nhạc, ông cố gắng nối kết thi ca, vũ điệu và âm nhạc. Nguồn cảm hứng thường
xuyên của Wagner là những thần thoại dòng Nhật Nhĩ Man. Nietzsche vô cùng thán
phục Wagner, một thiên tài lớn nhất của nước Đức còn sống. Nhưng dần dần
Nietzsche không chịu nổi không khí âm u, siêu hình của nhạc Wagner. Năm 1876,
Nietzsche đoạn tuyệt với Wagner và không tha thứ cho Wagner khi Wagner đầu hàng
tôn giáo, tìm hứng khởi trong đề tài Cứu Chuộc. Nietzsche lên án âm nhạc của
Wagner bệnh hoạn. Năm 1882, Nietzsche tìm thấy trong nhạc của Bizet, nhất là
trong ca vũ Carmen, một thứ âm nhạc lí tưởng đối trị với nhạc Wagner. Nhạc
Bizet có tính cách “Địa Trung Hải”, trong sáng, thổn thức, bi tráng, tàn bạo một
cách ngây thơ, say sưa nhẹ nhàng, đem lại cho tư tưởng những đôi cánh lâng
lâng.
ZOLA, Emile (1840-1902):
Tiểu thuyết gia Pháp, tác giả bộ trường thiên Rougon Macquart. Zola là thủ
lãnh trường phái tự nhiên, đem khoa học giải thích những sự kiện nhân sinh và
xã hội. Những sự kiện trường phái này trình bày thường xấu xa ô uế, đen tối bi
quan, cần phải đả phá, tiêu diệt. Theo chủ trương nghệ thuật Dionysos rạt rào sức
sống của Nietzsche thì không có nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao giờ cũng khẳng
định. “Nhưng còn Zola? còn anh em Goncourt? - Những sự việc họ trình bày đều xấu
xí, đó là vì họ thích sự xấu xí đó…” (YCHD IV, 461). Zola hay là “thú
phóng uế” (HHTT IV, 1).
Những năm tháng trọng đại trong cuộc đời Nietzsche
(Dựa theo Walter Kaufmann và Charles Andler)
“Tôi chính là con người tiền định, chỉ định những giá trị cho muôn ngàn năm. Một
người bí ẩn bị thúc bách đủ trăm chiều, một người không nguồn vui, đã liệng xa
khỏi mình mọi tổ quốc, mọi nghỉ ngơi. Cái làm nên phẩm cách cao nhã: Trở thành
chủ hạnh phúc cũng như bất hạnh của chính mình.”
1844 Nietzsche chào đời tại Röcken, Đức ngày 15 tháng Mười.
1849 Phụ thân, một mục sư Tin Lành, từ trần vào ngày 30 tháng Bẩy.
1850 Gia đình rời về Namburg.
1858-64 Nietzsche theo học trường nội trú Schulpforta. Say mê Goethe, Emerson,
Fichte. Ngưỡng mộ thiên tài. Chọn chí hướng.
1864 Theo học cổ ngữ học cổ điển tại Đại học Bonn. Nghiên cứu âm nhạc: Bach,
Schumann, Berlioz. - Giáo sư ngữ học Ritschl qui định ý hướng Nietzsche về Hy Lạp.
Kết bạn với Deussen.
1865 Leipzig. Gặp lại Ritschl. Nghiên cứu về Aristote, Homère, Hésiode,
Diogène, Laerce. Tình cờ khám phá ra tác phẩm “Thế giới như ý chí và biểu
tượng” của Schopenhauer trong một tiệm sách cũ. Bắt đầu thân với Erwin
Rohde.
1866 Khủng hoảng. Thán phục Bismarck. Đi quân dịch. Xung vào pháo binh. Tai nạn.
1868 Gặp Wagner lần thứ nhất.
1869 Được Ritschl tiến cử làm giáo sư ngữ học cổ điển tại Đại học Basel, Thuỵ
Sĩ.
1870 Đời sống đại học. Quen Jacob Burckhardt. Đổi sang quốc tịch Thuỵ Sĩ. Ngưỡng
mộ Cosima Wagner. Làm tổng hợp Schopenhauer và Wagner. Xung phong vào đội cứu
thương trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ. Đau ốm. Trở lại Basel tháng 10. Kết bạn
đời với Franz Overbeck.
1873 Ấn hành tác phẩm đầu tay Die Geburt der Tragödie aus dem Geiste der
Musik (Sự khai sinh của bi kịch từ tinh thần âm nhạc).
1872 Ấn hành hai tác phẩm Unzeitgemässe Betrachtungen (Những suy tưởng phi
thời): David Strauss, der Bekenner und Schriftsteller (David Strauss, Kẻ nhiệt
tín và nhà văn), Von Nutzen und Nachteil der Historie für das Leben (Về sự lợi
ích và bất lợi của lịch sử đối với cuộc đời).
1874 Suy tưởng phi thời thứ ba: Schopenhauer als Erzieher
(Schopenhauer nhà giáo dục).
1876 Suy tưởng phi thời thứ tư: Richard Wagner in Bayreuth
(Richard Wagner ở Bayreuth), tập Suy tưởng chót được in sau nhiều đắn
đo. Sức khoẻ suy yếu. Rời bỏ đại học. Đi Sorrento.
1878 Ấn hành Menschliches, Allzumenschliches (Phàm phu, quá đỗi phàm
phu).
1879 Thôi dạy học hẳn nhưng vẫn được hưởng ân bổng. In Vermischte
Meinungen und Sprüche (Ý kiến tương hợp và châm ngôn). Tới Engadin vào mùa
hè.
1880 Ấn hành Der Wanderer un sein Schatten (Lữ khách và bóng hình mình).
1881 Die Morgenröte (Bình minh) ra đời. Nietzsche đi tìm mặt trời miền
Nam. Ở Genoa vào mùa đông và xuân, ở Sils Maria vào mùa hạ và mùa thu ở lại
Genoa.
1882 Die Fröhliche Wissenschaft (Tri thức hân hoan). Mùa đông ở
Genoa, mùa xuân ở Messsina, hạ ở Tautenburg cùng Lou Andreas-Salomé, nữ sinh
viên Nga ái mộ Nietzsche và em gái Elisabeth. Mùa thu trở về Leipzig. Tới
Rapallo vào tháng 11.
1883 Nietzsche viết phần đầu tác phẩm Also sprach Zarathustra trong
mùa đông ở Rapallo, viết phần hai vào mùa hạ ở Sils Maria.
1885 Phần ba và phần kết viết ở Nizza và Mentone trong mùa đông. Nietzsche bỏ
tiền riêng ra in 40 bản nhưng trong 70 triệu dân Đức ông chỉ tìm thấy 7 người để
tặng.
1886 Ấn hành Jenseits von Gut und Böse (Phi thiện ác). Viết tựa mới
cho Sự khai sinh của bi kịch. Tái bản Phàm phu, quá đỗi phàm phu,
đề tựa mới.
1887 Ấn hành Zur Generalogie der Moral (Phổ hệ luân lí). Tái bản Bình
minh, đề tựa mới. Tái bản Tri thức hân hoan, thêm phần thứ năm và thơ.
1888 Mùa đông ở Nizza, xuân ở Turin, hạ ở Sils Maria, thu trở lại Turin. Ấn
hành Der Fall Wagner (Trường hợp Wagner). Nietzsche bắt đầu nổi tiếng.
1889 Và bắt đầu điên, tháng Giêng ở Turin, Overbeck, bạn đồng liêu cũ đưa
Nietzsche về Basel. Nietzsche được đưa vào dưỡng trí viện Jena nhưng chẳng bao
lâu sau đó được thân mẫu đưa về Naumburg. Tác phẩm Die Götzen-Dämmerung
(Buổi hoàng hôn của những thần tượng) được xuất bản vào tháng Giêng 1889.
1891 Phần lớn Zarathustra được in và phát hành rộng rãi.
1895 Kẻ chống Chúa (Der Antichirst) và Nietzsche chống Wagner
(Nietzsche contra Wagner) được ấn hành.
1897 Thân mẫu Nietzsche tạ thế. Bà Elisabeth Förster Nietzsche, cô em gái triết
gia đưa ông về Weimar.
1900 Ngày 25 tháng Tám năm 1900, Nietzsche từ trần tại Weimar.
1901 Bà Elisabeth Förster Nietzsche cho ấn hành khoảng 400 kí chú dưới tiêu đề Der
Wille zur Macht (Ý chí hùng cường).
1904 Elisabeth Förster Nietzsche viết về cuộc đời anh: Das Leben Friedrich.
1908 Nietzsche, Ecce Homo được ấn hành lần thứ nhất.
1910-11 Toàn bộ Ý chí hùng dũng được san định và ấn hành gồm 1067 ký chú.
Chú thích:
[1] Bản
in năm 1912 sửa lại là proches parents - N.H.H.
[2] Đoạn
trên đây trích trong cuối bản dịch Twilight of the Idols, của Kaufmann đã
sửa lại bản dịch Thus spoke Zarathustra, 1954, thiếu hai chữ “one
day” và “all”. - N.H.H.
[3] Đoạn
trên trích trong bản dịch Twilight of the Idols ấn hành năm 1968,
trong khi bản dịch Thus Spoke Zarathustra của cùng dịch giả ấn hành lần
thứ nhất năm 1961. Không có sai biệt. - N.H.H.
Nguồn: Hồng Hà in lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1971. Bản điện tử do
talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét