Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Những dòng sông. Làng. Và những người con gái

Những dòng sông. Làng. 
Và những người con gái…

Tất cả mọi dòng sông đều chảy. Từ cheo leo ghềnh thác và miên man suối hát đến mơ màng êm ả nơi bình nguyên rồi vỡ oà mênh mang với biển. Chảy tới đâu sông dựng nên làng tới đó trên khắp thế gian. Sông, thử hình dung giữa sa mạc mênh mông cháy bỏng, nơi hầu như không có sự sống, bỗng dưng một dòng sông xuất hiện. Cây cỏ và chim thú tìm đến rồi con người sẽ tới dựng làng. Mỗi dân tộc, mỗi con người đều có nguồn cội, nguồn cội của sông ở đâu? Không phải những dòng mạch nhỏ nơi suối cao rừng thẳm, sông là chuyến phiêu du của biển, nơi bắt đầu sự sống. Đâu phải tự nhiên con người giải mã mình bằng những triết lí về sông: sông đời, dòng đời, nguồn, sông có khúc… thậm chí “đời người không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”… Con người, để yên tâm với sự nhỏ bé mỏng mảnh của mình đã tin rằng, cuối cùng, muôn dòng sông nhỏ nhoi đã làm nên biển lớn!…

Quê tôi không có những dòng sông chảy qua nhiều tỉnh, chảy qua nhiều quốc gia, chảy qua miền tâm linh một dân tộc, một châu lục như sông Hằng, sông Nin. Mà cứ gì Hồng Hà và Cửu Long phồm phàm, Hương giang thơ mộng, một nhánh nhỏ của dòng Hà Thanh chảy qua làng tôi, chảy qua đời tôi, dẫu bề rộng không quá 50 mét, vẫn vĩ đại từ hồi tôi lên sáu tập bơi đến giờ còn tưới phù sa cho cánh đồng ba tôi cày cấy. Vẫn tắm mát bà tôi, mẹ tôi, người bạn gái đầu tiên của tôi và tới giờ con gái tôi vẫn ra sông bơi lặn. Bến sông ấy với bao nhiêu thế hệ phụ nữ của đời tôi, ơi con sông nhỏ diệu kỳ!

Tôi đã đến thượng nguồn sông Côn, những làng của Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn; tôi từng ngủ đêm ở An Toàn 1, Kim Sơn, Bốc Tới rồi thức với bạn bè ở cửa biển Lại Giang; tôi đã từ thượng nguồn Vân Canh men theo những vách đất sạt lở của dòng Hà Thanh xuôi về Trường Úc mà chạnh lòng câu hát “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì anh hết đứng hết ngồi với em”. Ơi những dòng sông nhỏ của quê hương, tôi đã ngắm sông Hồng, đã lãng du với bạt ngàn kênh rạch Cửu Long vậy mà mỗi khi nghe nguồn gió mát của người, tôi vẫn nhỏ nhoi như đứa con trước mẹ! Tôi, kẻ cao ngạo hư hỏng đã nhiều lần rưng rưng thảng thốt khi mềm lòng bật gọi hai tiếng quê hương!

Tôi từng bắt ốc đá ở Nước Roong, An Nghĩa với một sơn nữ về nấu cải trời; từng theo một người mẹ trẻ không chồng kéo xuồng dọc theo những vệt sú, mắm bờ Thị Nại thò tay bắt con móm trắng lóa chúi đầu xuống cát, úm phía đuôi khi thấy mà tôm hoặc ấn mai cua; từng học cách bắt còng bãi Thiện Chánh và món cháo còng giòn ngọt  lấm tấm lá hẹ nhớ đời!… Những cụm nhà sàn nơi rẻo cao, những xóm nhỏ trung du, những làng quê trù phú và vạn chài cửa sông, tôi xuôi theo con nước nguồn tìm tôi, cái nửa tôi của đôi bờ bồi lở. Tôi đã gặp sáu mươi năm trước cô gái xinh đẹp bên bờ Trường Thi hát hò hay đến mức xao động cả ngành trăng, giờ nghe hỏi, đôi mắt lòa của bà chợt sáng bừng lên kí ức xưa, bà lại hát đam mê đắm đuối. Tôi đã thấy kẽo kẹt bên bờ xe nước dọc triền An Tín ánh nhìn kiên trì khắc khoải người mẹ chờ con, những đứa con của chiến chinh trận mạc. Tôi đã sững người khi bất ngờ suối vắng chợt reo lên khúc ca tuyệt mỹ những đường nét vùng cao… Hãy cho tôi được quyền không tin dòng sông trẻ hơn những người con gái mọi thời!

Cũng như, tôi vẫn tin rằng tất cả những dòng sông đều chảy khi đứng trên cầu Diêu Trì mới cuối xuân đã thấy dòng Hà Thanh khát. Con người không quên ngoài ba mươi năm trước sông chảy bốn mùa. Những vạt rừng non đang xanh như niềm sám hối. Và em, chắc rằng sẽ còn cảnh bên cầu giặt áo. Mọi buồn đau trong cuộc sống của em sẽ được dòng sông xoa dịu, những hoen ố sẽ được sông tẩy rửa mỗi chiều về ào ra tắm như tuổi mười lăm! Cũng như, đập dâng sông Lại, hồ chứa nước Định Bình là một cách thỏa hiệp giữa sông và người. Sao không? Sông đã dựng nên làng, dù bằng hình thức nào, từ khởi nguồn sông đã chảy cho người đấy thôi! Và em, cũng như mẹ, như bà, dù cuộc sống có đổi thay đến mức nào em cũng sẽ dịu dàng nguồn cội, nơi bắt đầu cho mọi sinh sôi.

Nhà thơ nhân dân Daghextan, A-Bu-Ta-Líp nói rằng người đàn ông chỉ quỳ trong hai trường hợp: uống nước suối nguồn và, với hoa! Những đứa con của mọi thời đều thuộc câu “công cha như núi Thái Sơn/ nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Sông là mẹ, làng là mẹ, và em, những người con gái mọi thời, là mẹ! Trong chiến tranh, những người đàn ông ra đi, những người đàn ông qua làng… đã có những xóm vọng phu. Nhưng những đứa bé ra đời không phân chiến tuyến bởi nguồn em cũng chỉ một mà thôi!

Tất cả những dòng sông đều chảy. Qua mọi biến cố, thăng trầm lịch sử. Qua những hồn làng hưng phế với thời gian. Cánh buồm nay không gom gió Thị Nại mà ngược  bến Trường Trầu; sông Trường Thi đâu còn vẳng tiếng gọi đò, cảng Nước Mặn chỉ chập chờn trong sử sách. Nhưng những làng mới đã lại mọc lên. Bởi vì, trong ngút ngát bờ soi xanh dâu, dưới tán dừa rợp mát, sau hàng tre nghiêng bóng vẫn còn những bến sông. Vẫn còn những bến sông và những người con gái…

2/6/2006
Lê Hoài Lương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...