Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel

Câu chuyện về nền 

kinh tế thần kỳ của Israel

Có rất nhiều sự thích thú đến từ việc đọc một cuốn sách: đọc một câu chuyện hay, phiêu lưu trong một thế giới khác, trò chuyện với những tư tưởng lớn, giải đáp những thắc mắc chưa có câu trả lời,… Mỗi người có các lý do khác nhau để đến với sách. Đối với tôi, đó chính là tìm kiếm từ cái “nhà kho tri thức” ấy một thứ gì hữu dụng có thể đem ra dùng được và có ích cho chính cuộc sống của mình. 

Mang tinh thần ấy tìm hiểu về đất nước nhỏ mà không bé Israel trong “Quốc gia khởi nghiệp” - cuốn sách tôi được tặng trong hội thảo “Sáng tạo cùng cà phê Trung Nguyên” do Khoa Kinh tế tổ chức, với những ấn tượng, hiểu biết đầu tiên, tôi hy vọng trả lời được phần nào những câu hỏi cốt lõi: lý do nào Israel tạo ra những kỳ tích được cả thế giới ngưỡng mộ như vậy? 

Là một dân tộc với lịch sử lưu vong hơn 2000 năm, nguồn cội duy nhất cho thành công của của người Do Thái có thể nói, chính là khó khăn: đất đai cằn cỗi, láng giềng thù địch. Nhưng cũng chính từ những điều kiện ngặt nghèo đó mà đất nước này đã phát huy triệt để thứ tài nguyên quý giá nhất trong tất cả các loại tài nguyên - con người. Để dựng và xây nên miền đất hứa của mình, dân tộc này đã sản sinh ra những thế hệ tình nguyện làm nhiều, hưởng ít. Họ là những người phát minh ra lối sống mới như Kipputs (nông trang): lao động cật lực và không bao giờ thỏa mãn, luôn ước mơ và hướng đến sáng tạo. 

Đất đai nhỏ hẹp cằn cỗi, người Do Thái sáng tạo ra nền nông nghiệp 95% áp dụng công nghệ hiện đại với nông dân cũng chính là nhà khoa học. Kết quả là, sa mạc ở Israel trở thành trang trại rau, hồ nuôi cá, nuôi tảo,… trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới chật vật với nỗ lực ngăn cản sa mạc hóa. 

Diện tích nhỏ bé, dân số ít ỏi, sự cấm vận của các nước lân cận - buộc nền kinh tế Israel phải theo đuổi chất lượng dựa trên sự sáng tạo, để các sản phẩm có thể “nhảy cóc” qua vùng đất cấm xung quanh, từ đó vươn lan rộng trên toàn thế giới như hiện nay. 

Bị cô lập trong thế giới Hồi giáo, chấp nhận sống chung với nguy cơ tấn công từ các nước láng giềng thù địch, người Israel đã phát triển nền quốc phòng không chỉ từ lòng yêu nước mà còn kết hợp chặt chẽ với khoa học kỹ thuật hiện đại. 

Điều đặc biệt là, chiến lược phát triển quân sự của Israel luôn là mục tiêu kép - kết hợp quân sự và dân sự, đem lại nguồn lực lớn hơn cho đất nước cả trong thời chiến lẫn thời bình. Dân số ít ỏi là tiền đề hình thành chế độ quân sự bắt buộc, và thay vì mời gọi nhân tài tự nguyện phục vụ cho quân đội, nhà nước lại nắm quyền thu dụng tất cả những thanh niên ưu tú nhất, rèn luyện họ trong môi trường quân đội, để rồi, chính những năm tháng thử thách quân ngũ đã hun đúc nên bản lĩnh trước tuổi tác cho phần lớn thanh niên Israel, khiến họ - trong thời chiến, là những chiến binh tinh nhuệ, và trong thời bình - thì lại là nguồn nhân lực giá trị. Rất nhiều những doanh nhân khởi nghiệp của Israel là cựu quân nhân. Và một trong những câu hỏi tuyển dụng phổ biến là: “bạn đã từng phục vụ trong quân ngũ nào?” 

Bên cạnh sức sáng tạo được khơi nguồn từ áp lực vượt qua khó khăn, người Do Thái còn ghi dấu ấn với “hội chứng” hoài nghi và tranh cãi. Với một số nền văn hóa, nhất là những nền văn hóa coi trọng các hệ thống trật tự (hierarchy) (Trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam,…) thì điều này là hoàn toàn xa lạ và thậm chí không được chấp nhận. Nhưng nhìn vào Israel - quốc gia dẫn dầu thế giới về số giải Nobel, số lượng phát minh, sáng chế cũng như các thành tích công nghệ cao ghi dấu toàn cầu thì điều này lại là một thực tế đáng học hỏi. Truyền thống của Israel là không có truyền thống, và để sáng tạo ra cái mới thì người Israel không ngần ngại tranh cãi đến cùng cho chân lý, bất chấp cấp bậc, địa vị cùng các quy tắc cứng nhắc. 

Niềm tin vào tư duy khám phá hơn là tin vào tư duy quy tắc đã hình thành nên ở người Israel thói quen “thử thách lãnh đạo”. Đây là phong cách của cả dân tộc, biểu hiện trong mọi lĩnh vực. Một lời khuyên thực tế cho giới lãnh đạo là “lãnh đạo một nhóm 5 người Do Thái còn khó hơn 50 người Mỹ”. Các cuộc tranh luận nảy lửa, các buổi chất vấn căng thẳng và sự phân biệt mong manh trong quyền lực giữa chỉ huy và cấp dưới là con đường người Israel tin là sẽ đi đến những chân lý, đi đến ý tưởng; thay vì thói quen khúm núm và tư duy bầy đàn. 

Bài học rút ra ở đây, là phải luôn giữ ý thức “khởi nghiệp”, luôn luôn phải có tinh thần khởi đầu cho dù con đường đã đi được dài rộng đến đâu. Chính ý thức khởi nghiệp ấy sẽ giúp ta luôn nhìn thẳng vào khó khăn, không ngại đương đầu với khó khăn và biến chúng thành động lực sáng tạo. Truyền thống và kinh nghiệm là cơ sở của sáng tạo, nhưng đôi khi lại chính là lực cản để tiến lên. Ngủ quên trên chiến thắng, đắm chìm trong quá khứ là hai ví dụ rõ ràng nhất cho lực cản ấy. 

Việt Nam thật sự rất cần những lớp người, đặc biệt là người trẻ, luôn mang trong mình tinh thần “khởi nghiệp” - những người không thỏa mãn với thành công của quá khứ, luôn mơ ước và khát vọng, với tư duy dân chủ, sáng tạo họ sẽ luôn tiến về phía trước bất chấp khó khăn, và từ đó kiến tạo nên những kỳ tích giúp đất nước phát triển toàn diện như đất nước “khởi nghiệp” Israel. 

Xuân Bính Thân 2016

Trần Hoàng Thị Thơm
Theo https://hcmute.edu.vn/





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...