Trường phái thơ hành - Kết thúc bi hùng
của phong trào Thơ mới
1. Khái lược về Phong trào Thơ Mới
Nhìn lại một chặng đường phát triển mười năm của Phong trào
Thơ Mới, Hoài Thanh - Hoài Chân, tác giả Thi nhân Việt Nam nhận định: “Một
xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không đổi, về hình thức
cũng như về tinh thần. Triều đại tuy bao lần hưng vong, giang san tuy bao lần đổi
chủ, song mọi cuộc biến cố về chính trị ít khi ba động đến cuộc sống nhân dân…
Nhưng nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thối đến. Cả nền tảng xưa bị một
phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong
lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ” (sđd, trang 9). Sự ảnh hưởng của phương
Tây đi vào đời sống tâm hồn con người Việt Nam đã làm một cuộc đổi thay thần tốc.
Tinh thần Thơ Mới là ở chữ tôi được giải phóng. Cái tôi tuyệt
đối, độc lập, trữ tình, tự khẳng định mình tách khỏi cái ta chung, riêng một
cõi, một thế giới. Sự ý thức cá nhân con người đưa nền thi ca thoát khỏi lớp vỏ
kiên cố của văn học trung đại tồn tại hàng ngàn năm để mở đầu cho dòng thi ca
hiện đại. Hoài Thanh – Hoài Chân khẳng định “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ
tôi. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Ta thoát lên
tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng
với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã
khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn
buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.” (sđd, trang 45). Thế nhưng, đó cũng là bi kịch
của cái tôi trong Phong trào Thơ Mới. Cái tôi cô đơn bé nhỏ của con người luân
lạc trong cõi trần đời, đi tìm tình yêu: tình yêu tan vỡ; đi tìm hạnh phúc: hạnh
phúc mong manh; tìm đến niềm tin tôn giáo: huyền ảo, xa vời; con người quay về
với chính mình: sự cô đơn lạc loài, bế tắc. Cũng chính vì thế, khi Phong trào
Thơ Mới rầm rộ ra đời như trăm hoa đua nở, cờ hoa áo xiêm lộng lẫy với hàng loạt
những tập thơ hay của nhiều tác giả tên tuổi Hàn Mặc Tử - Gái quê (1936), Chế
Lan Viên – Điêu tàn (1937), Xuân Diệu – Thơ Thơ (Đời nay, Hà Nội, 1938), Huy Cận
– Lửa thiêng (1940), Thế Lữ - Mấy vần thơ, tập mới (Đời Nay, Hà Nội, 1941), Lưu
Trọng Lư – Tiếng thu (1939), Quách Tấn – Mùa cổ điển, Nguyễn Bính – Lỡ bước
sang ngang (Lê Cường, Hà Nội, 1940), Vũ Hoàng Chương – Thơ say (1940)… thì sau
năm 1941, Phong trào Thơ Mới đi dần vào thoái trào, nhất là khi Đề cương Văn
hóa cứu quốc (1943) ra đời, thơ ca Việt Nam bước vào giai đoạn mới.
2. Sự ra đời của trường phái thơ “hành”
Sau ánh hào quang của Phong trào Thơ Mới, đầu những năm 40 của
thế kỷ XX, các nhà thơ Việt Nam đương thời bế tắc trước hiện thực cuộc sống. Một
số nhà thơ đi tìm lối giải thoát mới trong xu hướng thoát ly. Trường phái thơ
“hành” ra đời với bộ ba tiêu biểu: Nguyễn Bính - Thâm Tâm - Trần Huyền Trân. Một
hướng đi mới mang âm ba của bi kịch phương Đông thời cũ.
2.1 Về thể loại hành
Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, “hành” có nghĩa là
“người đi”. Trong văn học, “hành” là một thể thơ cổ của Trung quốc, có đặc điểm
về nội dung cảm hứng, thi pháp, ngôn ngữ riêng. Trong lịch sử văn học Trung quốc
nhiều bài “hành” nổi tiếng đi vào lịch sử văn học như Hiệp khách hành – Lý Bạch,
Binh xa hành – Đỗ Phủ, Tỳ bà hành – Bạch Cư Dị. Tác giả Trần Trong San, trong Thơ
Đường, Tủ sách Đại học Tổng hợp TP HCM, 1990, khi dịch các bài thơ Đường đã xem
‘hành” là một bài ca nên các bài thơ kể trên được dịch nghĩa Bài ca Hiệp khách
– Lý Bạch, Bài ca xe quân – Đỗ Phủ, Bài ca tỳ bà – Bạch Cư Dị. Ở Việt Nam thể
thơ hành ít được sử dụng do đặc trưng thi pháp thơ hành mang âm hưởng mạnh mẽ,
hào sảng, bộc lộ khí tiết song ít gần gũi với tâm hồn dung dị của người Việt
Nam. Chính vì thế khi Phong trào Thơ Mới đang thịnh hành thể thơ “hành” hầu như
không xuất hiện, chỉ đến khi Thơ Mới đi vào thoái trào, tâm hồn thi nhân cảm thấy
hụt hẫng, cánh cửa đào nguyên đã khép, mộng không hòa nhập với thực tế đời thường,
con người cảm thấy u uất, lạc loài, bi phẫn, thì những âm hưởng của thể thơ
“hành” mới đủ sức bày tỏ ý chí thoát ly của thi nhân. Thâm Tâm với Tống biệt
hành, Vọng nhân hành, Can trường hành; Trần Huyền Trân với Độc hành ca; Nguyễn
Bính với Hành phương Nam đã tạo một thế đứng riêng biệt trong Phong trào Thơ Mới
mà Nguyễn Quốc Túy trong tác phẩm Thơ Mới - bình minh thơ Văn học Việt Nam hiện
đại, Nxb Văn học, 1995 đã gọi nhóm tác giả này là “Trường phái thơ “hành” – Một
ánh hồi quang của cách mạng đối với thơ Mới” (sdđ, Chương XIV, trang 165 đến
trang 175). Trọn vẹn một chương cho Trường phái thơ “hành”, Nguyễn Quốc Túy xây
dựng thành hệ thống khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi dùng tiêu đề Một ánh hồi
quang của cách mạng đối với thơ Mới để gọi tên cho trường phái thơ hành xem ra
chưa ổn. Vì hồi quang là ánh sáng phản xạ lại, và cụm từ cách mạng đối với thơ
Mới xem ra nghĩa chưa tường minh, dễ tạo sự hiểu chưa đúng.
Cụm từ “Trường phái thơ hành” để chỉ Nguyễn Bính – Thâm Tâm –
Trần Huyền Trân được nhắc đến qua lời giới thiệu của nhà văn Tô Hoài trong Tuyển
tập Nguyễn Bính (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1985): “Thơ Nguyễn Bính là một
nhành hoa trong trào lưu cách tân thơ. Và cùng với Nguyễn Bính, xuất hiện một
trường thơ, một phái thơ…” (sđd, trang 24).
Theo chúng tôi, Trường phái thơ “hành” đánh dấu sự kết thúc
cho một thời đại thi ca 1932 – 1945 trong lịch sử văn học dân tộc nên mạo muội
lựa chọn tiêu đề Trường phái thơ “hành” – Kết thúc bi hùng của Phong trào Thơ Mới.
2.2 Những ảnh hưởng đối với Trường phái thơ “hành” của Phong
trào Thơ Mới
Sự gặp gỡ của nền văn hoá phương Tây, nhất là văn hoá Pháp,
đã sản sinh ra trào lưu Thơ Mới ở Việt Nam điều đó là một quy luật tất yếu.
Nhưng khi Trường phái thơ “hành” xuất hiện trên cơ sở tiếp thu chủ nghĩa hiện
thực, chủ nghĩa lãng mạn phương Tây đồng thời chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của
dòng văn học Trung Quốc và cả bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm đầu 40 của
thế kỷ XX. Nhóm tác giả Nguyễn Bính - Thâm Tâm - Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ
bài thơ “Tráng sĩ hành” của Trung Hoa nói về việc Kinh Kha qua bờ Dịch Thủy
thích khách Tần Thủy Hoàng Đế để tạo một dòng thơ, một trường phái thơ riêng biệt:
“Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.”
Đó là những con người ra đi vì nghĩa lớn, một đi không trở lại.
Trường phái thơ “hành” lại không mang dấu ấn hào hùng của một khách chinh phu:
“Thét roi cầu Vị, ào ào vó câu” (Chinh phụ ngâm) hay của Thế Lữ:
“Non nước đương chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu”
(Giây phút chạnh lòng)
Trường phái thơ “hành” cũng không tuân thủ theo quy tắc thơ
Trung Quốc mà lại mang đậm màu sắc Việt Nam, bên cạnh những vần thơ thất ngôn,
có cả những bài thơ thể tự do, thơ lục bát như Độc hành ca (Trần Huyền Trân).
Tuy có khác nhau về cách diễn đạt, nhưng những bài thơ “hành” của Phong trào
Thơ Mới đều có nét chung là ở nhan đề bài thơ đều có từ “hành”, đều có cảm hứng,
giọng điệu, ngôn ngữ, khấu khí và tư tưởng thẩm mỹ giống nhau.
Trường phái thơ “hành” là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử nhất
định của các nhà thơ mới những năm 1940 đến trước Cách mạng tháng Tám. Những
nhà thơ trong Trường phái thơ “hành” ấy “sừng sững và cũng cô đơn như gốc đa,
như con đò một mình” (Tô Hoài) tạo dáng riêng cho thi đàn.
3. Những đặc điểm về nội dung, nghệ thuật của Trường phái thơ
“hành”
Sự xuất hiện của Trường phái thơ “hành” một cách tự nguyện,
ngẫu nhiên cùng chung cảm hứng thẩm mỹ văn chương của bộ ba bạn thơ Nguyễn Bính
- Thâm Tâm - Trần Huyền Trân. Sự gặp gỡ kỳ diệu của những tâm hồn lãng mạn, nhạy
cảm trước thời thế, trước niềm đau thân phận người dân nô lệ mất nước đã khơi
dòng cho những tác phẩm ra đời. Tuy không nhiều, chỉ với 5 bài thơ hành của ba
tác giả nhưng vẫn đánh dấu một giai đoạn, một trường phái, một tư tưởng thẩm mỹ.
Theo Nguyễn Quốc Tuý, Thơ Mới – bình minh thơ Việt Nam hiện đại: “Những bài thơ
“hành” là bức thông điệp của các tác giả gửi cho bạn thơ cùng trường phái, cho
bạn đọc đương thời, những băn khoăn, thao thức có tác dụng thức tĩnh cõi tâm
linh, tâm thức người dân nô lệ hướng về những trang anh hùng, nghĩa liệt, những
trang sử anh hùng cứu quốc. Dĩ nhiên, trường phái thơ “hành” không phải là tấm
gương phản ánh cách mạng như Thơ Mới “Từ ấy” thuộc dòng trữ tình chính trị,
giàu chất lạc quan, lãng mạn cách mạng của Tố Hữu. Thơ Mới thuộc trường phái
“hành” chỉ là ánh hồi quang của Cách mạng” (Sđd, trang 174).
3.1. Về nội dung cảm hứng nghệ thuật: cảm hứng chủ đạo của
Trường phái thơ “hành” là cảm hứng lãng mạn trữ tình về Tráng sĩ hành với những
cảm xúc thẩm mỹ “một đi không trở lại”.
3.1.1 Ra đi trở thành chủ đề là tư tưởng xuyên suốt của trường
phái. Nếu như Đỗ Phủ trong Binh xa hành: “Xa lân lân, mã tiêu tiêu/ Hành nhân
cung tiễn các tại yêu/ Gia nương thê tử tẩu tương tán/ Trần ai bất kiến Hàm
Dương kiều”, đó là người trai ra trận không thấy ngày về, thì nhân vật trữ tình
của Trường phái thơ “hành” trong Phong trào Thơ Mới hóa thân vào người ly
khách, ra đi vì chí lớn, ra đi trong bước độc hành:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
(Thâm Tâm – Tống biệt hành)
Năm 1940, báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng bài Tống biệt hành và
đó là bài duy nhất của Thâm Tâm được Hoài Thanh & Hoài Chân chọn in trong Thi
nhân Việt Nam với lời giới thiệu: “Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có
khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây (Tống biệt hành) lại thấy
sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt.
Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ.
Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Sđd, trang 258). Đây là
sự chuyển biến ý thơ mang tín hiệu sự thay đổi về tư tưởng. Bài thơ Tống biệt
hành của Thâm Tâm đã được giới yêu thơ tiếp đón như một luồng gió mới thổi tung
lớp bụi mù của giấc mộng yêu đương tan vỡ, của những lời oán than số phận hẩm
hiu, của những tâm hồn bơ vơ lạc lõng. Thâm Tâm đã trút bỏ lớp vỏ ủy mị thường
ngày (Gửi T.T.KH, Màu máu tigon, Dang dở...) để khoác vào màu áo mới, màu áo
người ly khách rắn rỏi, cương quyết, chí khí của người trai thời chinh chiến:
“Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.”
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
Với chủ đề “tống biệt”, người đọc không bắt gặp lại hình ảnh
cuộc chia ly đầy lưu luyến với các nàng tiên nữ ở động Thiên Thai để rồi “Ngàn
năm thơ thẩn bóng trăng chơi” (Tản Đà) mà là tâm trạng chung của một lớp người
đang tìm lối giải thoát khỏi không gian chật hẹp, tù túng của thực tại xã hội,
để dấn thân bằng chất giọng trầm hùng, bi tráng. GS. Nguyễn Đăng Mạnh &
PTS. Trần Đăng Xuyên nhận xét: “Sức hấp dẫn của Tống biệt hành không chỉ ở chỗ
đã làm “sống lại cái không khí riêng của những bài thơ cổ” (Hoài Thanh) mà chủ
yếu là vì đã tạo nên một chất thẩm mỹ mới cho một thi đề quen thuộc. Cái hay của
bài thơ đã miêu tả thành công vẻ đẹp của cái cao cả trong mối quan hệ nội tâm
sâu kín, thể hiện một cách nhìn nhiều chiều và sâu sắc về con người” (Những bài
văn hay, Nxb Đồng Nai, 1993, tr. 61).
Nguyễn Bính trong Hành phương Nam cũng thoát khỏi lớp vỏ “người
thời xưa” (Hoài Thanh & Hoài Chân) để lấy nguồn cảm hứng từ chủ đề ra đi:
“Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Con người thời hiện tại mà cứ khắc khoải hoài quá khứ để theo
bước người xưa đi tìm hình hài đã mất. Những Kinh Kha, Thái tử Đan, Phùng Hoan,
Mạnh Thường Quân đã là quá khứ “bất phục hoàn” để con người đương thời bất đắc
chí vẫn dấn bước ra đi trong nẻo hành trình cô độc. Trần Huyền Trân trở thành
gã độc hành:
“Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi lại động từng cơn lá rừng
Lòng ta không sóng không dừng
Thơ vang lại vướng mấy từng cửa quan.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
Cái u uẩn của đời sống và cái u uất của thời thế trộn lẫn vào
thành men cay của thi ca, Với cảm xúc ra đi vỡ òa trong Độc hành ca, những con
người tìm lối thoát trong văn chương, cảm khái cuộc đời sau chén rượu để tâm sự
vỡ tràn thành ngôn ngữ thi ca, thành tiếng kêu thảng thốt, thất vọng như muốn
phá tan lồng ngực, thành bi kịch đời người.
Song ra đi nhưng đi đâu, về đâu vẫn là vô định. Con người
chưa tìm thấy nẻo tương lai. Nguyễn Bính phải thú nhận:
“Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên khắp bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Đó là bi kịch, là nỗi đau trần thế. Tương lai mù mịt, hiện tại
trống rỗng, con người lạc loài mất phương hướng. Thâm Tâm vẫn với khẩu khí của Tống
biệt hành, nhưng chủ đề ra đi có thay đổi:
‘Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”
(Thâm Tâm - Vọng nhân hành)
Ra đi hiến dâng đời cho núi sông, cho lý tưởng cũng không phải
là bước độc hành, mà còn là lời gọi đồng hành:
“Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
Ới ơi bạn tác người trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.”
(Thâm Tâm - Vọng nhân hành)
3.1.2 Khí khái người anh hùng: Có lẽ khó có thể thơ nào thể
hiện chí khí như thể thơ hành. Bộ ba Nguyễn Bính – Thâm Tâm – Trần Huyền Trân,
những bài thơ hành luôn bộc lộ khí khái hào hùng của những con người bất đắc
chí:
“Đưa nhau qua bữa cơm nghèo
Đứa sầu gào rượu đứa nheo mắt cười
Vung tay như vạch ngang trời
Bảo rằng đâu nữa cái thời ngất ngư.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
Chí khí ấy có khác gì Nguyễn Công Trứ trong văn học trung đại
trước đó non thế kỷ, hay của cụ Nguyễn Du trong hình ảnh Từ Hải “Dọc ngang nào
biết trên đầu có ai.” (Truyện Kiều). Những dòng thơ mạnh mẽ, cảm khái. Cái lũi
lầm của kiếp nhân sinh kết hợp với cái ngất ngưởng cao ngạo, khinh bạc của thi
nhân tạo nên hào khí bi phẫn như bị dồn nén bỗng vụt lên mạnh mẽ.
Nguyễn Bính cảm nhận cuộc đời ngột ngạt muốn dấn thân:
“Ngươi giam chi khí vòng cơm áo
Ta trói thân vào lụy nước mây…
… Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Thất bại là nỗi đau. Chí khí anh hùng không vượt qua “cơm áo
gạo tiền”, ước vọng rồi thất vọng. Ra đi vì phẫn chí, muốn dọc ngang vẫy vùng,
thỏa chí “tang bồng hồ thỉ”, thế mà:
“Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi ! Buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Bi kịch người anh hùng chỉ đến thế thì thôi! Tích cực trở
thành tiêu cực. Vòng đời chật hẹp bão giông, con người bị cuốn vào cơn lốc nghiệt
ngã, bị trôi dạt giữa mịt mùng khiến cho tráng sĩ thành gã tửu đồ cuồng ngông để
tiếng kêu gào thế nhân ơi! thành tiếng nấc nghẹn ngào, đau nhói thời đại?
Chí lớn anh hùng trong vũ trụ tung hoành, sông Hồng không là
sông Dịch và Đất Thăng Long:
“Thăng Long đất lớn chí tung hoành
Bàng bạc gương hồ ánh nước xanh.”
(Thâm Tâm - Vọng nhân hành)
Nhưng rồi để tìm được gì? Những vần thơ hào sảng, khẳng khái,
chí khí ngất trời rồi cũng chỉ là hạt bụi mong manh, là chiếc lá phiêu lãng, là
hơi sương khói phù du trong cõi đời vô định:
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
3.1.3 Nỗi bất bình thời thế: Cả ba nhà thơ của Trường phái
thơ “hành” từ cảm hứng lãng mạn về tráng sĩ hành đều thể hiện cảm hứng bất bình
về thế cuộc, phản kháng thực tại xã hội đương thời. Đặng Dung trong bài Cảm
hoài: “Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca”, là nỗi đau của
người anh hùng trước vận mệnh dân tộc, là nỗi bất lực trước thời thế đảo điên.
Các thi nhân của Trường phái thơ “hành” trong Phong trào Thơ Mới cũng mang mặc
cảm dân tộc thuộc địa, mất nước, mất tự do mà chưa tìm thấy ánh sáng của con đường
giải phóng dân tộc:
“Khóc nhau ném chén tan tành
Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
“Phiếm du mấy chốc đời như mộng
Ném chén cười cho đã mắt ta.”
(Thâm Tâm – Can trường hành)
“Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
Hát rằng phương Nam ta với ngươi.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Đó là cái khẩu khí của Lý Bạch: “Đình bôi đầu trợ bất năng thực/
Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên” (Hành lộ nan). Khi quyết định rời bỏ cung đình để
cất bước ra đi thỏa chí bình sinh. Ném tan tất cả mà nghe niềm đau, nghe nỗi bất
bình trào dâng thành niềm đau thân phận.
3.1.4 Cảm hứng trong men rượu: Rượu trở thành đề tài quen thuộc
của ba nhà thơ Trường phái thơ “hành”. Họ tìm đến men rượu nhưng không phải để
say kiểu Vũ Hoàng Chương trong chán chường, buồn nản, trong đam mê dục vọng,
buông xuôi tất cả:
“Say đi em! Say đi em!
Say cho lả lơi ánh đèn,
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt.
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!”
(Vũ Hoàng Chương – Say đi em)
Cái say của Trường phái thơ “hành” là cái say của đất trời rộng
mà không có chỗ dung thân. Cái say của tráng sĩ bất đắc chí, của chính khí
không thành sở nguyện. Trần Huyền Trân viết Độc hành ca, cảm khái sau một cuộc
rượu của những người bế tắc, không tìm ra lối thoát trong sinh kế, trong nỗi u
hoài thời thế. Nhà thơ đến với thể thơ hành như một lối giãi bày tâm sự:
“Nghêu ngao cho sập bóng ngày
Khề khà cho ráo hận đầy từng hơi
Chiều nay nhấc chén lên môi
Không dưng tưởng nhắp máu người tanh tanh.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
Trần Huyền Trân làm thơ bằng máu lệ đời mình. Nỗi u uất của
phận đời đen tối cố nén thành giọng điệu khề khà trong men rượu để cố quên nỗi
đau đốt cháy tâm can. Những câu thơ như xé ruột về một xã hội điêu linh. Uống
rượu mà nghe cả máu của những người khốn cùng đang đổ. Nghẹn đắng nỗi lòng.
Chén lòng của Nguyễn Bính còn đắng hơn cả chén rượu:
“Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say...
... Người ơi! Buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Câu chữ cứ giằng xé, âm điệu hào sảng có phần vơi dần nhường
cho tình cảm bi thương. Rượu không là liều thuốc an thần, mà trái lại còn khơi
gợi vết thương lòng. Muốn khóc mà lại cứ cười. Tiếng cười hay tiếng nấc nghẹn
ngào. Còn với Thâm Tâm, các bài hành đều có men rượu:
- “Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê.”
(Thâm Tâm - Vọng nhân hành)
- “Ngươi chẳng thấy
Vì đời ta buồn như thế đấy
Cho nên tri kỷ tếch phương trời
Chén rượu ngồi suông vắng cả người.”
(Thâm Tâm – Can trường hành)
- “Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
Rượu trở thành thị hiếu thẩm mỹ của các thi nhân trường phái
hành.
3.1.5. Cảm hứng lịch sử: Trường phái thơ “hành” lấy cảm hứng
lịch sử làm cảm hứng sáng tác. Hình ảnh sông Hồng bốn nghìn năm dòng giống Rồng
Tiên thành dòng chảy mãnh liệt, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc:
- “Chẳng nghe đỏ khé sông Hồng
Sóng ngàn xưa vẫn đọng lòng ngàn sau..
... Ngẩng thì núi quấn mây tang
Kìa Đông lửa cháy kìa Nam khói mù.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
- “ Ngươi chẳng thấy
Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy
Nước mạnh như thác, một con thuyền.”
(Thâm Tâm – Can trường hành)
Hoặc mượn cảm hứng bi kịch trong lịch sử Trung Hoa để tái hiện
thời đại đương thời (Nguyễn Bính – Hành phương Nam). Nhưng nhìn chung vẫn là nỗi
quan hoài, ngậm ngùi nuối tiếc.
3.2 Về nghệ thuật
3.2.1 Thủ pháp nghệ thuật: Nét đặc trưng trong thi pháp của
Trường phái thơ “hành” trong Phong trào Thơ Mới chủ yếu là vận dụng điển tích
Kinh Kha trong hầu hết các bài thơ. Đó là một nghệ thuật, là thị hiếu thẩm mỹ của
bộ ba nhà thơ. Hình tượng tráng sĩ hành được khai thác thành cảm hứng sáng tạo
thể hiện cái tôi trữ tình. Hình ảnh Kinh Kha của Nguyễn Bính là người hùng bất
đắc chí:
“Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Hình ảnh sông Dịch Thủy xuất hiện trong Tống biệt hành, Vọng
nhân hành của Thâm Tâm thành nét đẹp thẩm mỹ:
- “ Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng.”
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
- “Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề.”
(Thâm Tâm - Vọng nhân hành)
Sóng Dịch Thủy hơn hai ngàn năm vẫn xao động nỗi lòng người
đi. Bên cạnh đó, vì ảnh hưởng của thơ hành Trung Quốc nên Trường phái thơ
‘hành” thường sử dụng nhiều điển tích tạo cho ý thơ thêm sâu sắc, thâm thúy. Đa
số các điển tích cũng chỉ xoay quanh các vị anh hùng Bình Nguyên Quân, Mạnh Thường
Quân, Kinh Kha, Nhiếp Chính:
“Thù với hào hùng chí thiếu niên
Vỗ vai sang sảng giọng Bình Nguyên.”
(Thâm Tâm – Can trường hành)
“Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm mặt
Giữa chợ ai người khóc nhận thây ?”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Những chi tiết nghệ thuật như uống rượu làm thơ, cảm khái về
thời thế cũng được các nhà thơ trường phái hành sử dụng tạo hiệu ứng để diễn tả
bi kịch nội tâm:
“Say đời say cả chiêm bao
Thở ra miệng dại rượu vào mắt điên.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
Mặc dù thuộc Phong trào Thơ Mới, nhưng thể thơ “hành” vẫn sử
dụng nhiều quy tắc ước lệ của văn học trung đại tạo nét ý vị thâm trầm:
“Giao tình tợp chén chiêm bao
Ngựa Hồ thôi gió bấc nào đạp xuân
Đây người áo đỏ tầm xuân
Đấy đi tang trắng mấy lần trùng quan.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
3.2.2 Về giọng điệu: Từ nguồn cảm hứng tráng sĩ hành, từ nguồn
cảm hứng về lịch sử dân tộc, âm hưởng các bài thơ của Trường phái thơ “hành”
ngân vang trong chất giọng hào hùng, gấp gáp, tráng khí. Song, cũng như các nhà
thơ trong Phong trào Thơ Mới, cái buồn là âm hưởng chủ đạo nên các bài thơ của
Trường phái thơ “hành” thể hiện sự bất bình với hiện thực trong chất giọng bi
phẫn, uất nghẹn. Tuy nhiên cung bậc có khác nhau. Thâm Tâm với chất giọng chắc
nịch, rắn rỏi, sử dụng nhiều vần trắc tạo nên tích cách mạnh mẽ:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.”
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
Thơ Trần Huyền Trân vừa mang âm điệu buồn man mác, vừa cảm
khái ngang tàng pha chút mỉa mai. Chính nhờ giai điệu lục bát làm bài thơ có phần
mềm đi tạo chút bâng khuâng thổn thức:
“Ớ kìa thiên hạ đang say
Ớ nghìn tay nắm nghìn tay đang cười
Nhớ nhau nhạt thếch rượu đời
Tay vo chỏm tóc ta ngồi ta ca.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
Thơ hành của Nguyễn Bính vẫn giữ nét mềm mại, dung dị của văn
học dân gian:
“Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
3.2.3 Về ngôn ngữ: Lối thơ “hành” mang đậm khẩu khí nên ngôn
ngữ thơ có lúc sử dụng lời nói thường ngày mang đậm sắc thái biểu cảm:
“Đêm nay cùng giũ bụi giày
Vỗ đùi ha hả thơ mầy rượu tao.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
- “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực.” (Thâm Tâm - Tống biệt
hành)
Do tiếp thu thể thơ hành của Trung Quốc nên, các bài thơ hành
của Phong trào Thơ Mới đều sử dụng lớp từ Hán Việt để đặt tiêu đề: Hành phương
Nam, Can trường hành, Vọng nhân hành, Tống biệt hành, Độc hành ca. Trong các
bài thơ số lượng từ Hán Việt cũng sử dụng khá rộng rãi:
- “Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu chưa ai may !”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
- “Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy
Nước mạnh như thác, một con thuyền.”
(Thâm Tâm – Can trường hành)
- “Mồ hôi làm suối chiêm bao
Nguồn sinh vô lượng đổ vào vô biên.”
(Trần Huyền Trân – Độc hành ca)
Bên cạnh đó, Trường phái thơ “hành” còn sử dụng lớp từ đệm
trong các lời thơ cổ tạo giai điệu xưa:
“Hát rằng phương Nam ta với ngươi
Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!”
(Nguyễn Bính – Hành phương Nam)
Ngay trong bài thơ Can trường hành của Thâm Tâm, tiêu đề gần
gũi với Trường Can hành - Lý Bạch, và tứ thơ có nét phảng phất Tương tiến tửu –
Lý Bạch (Quân bất kiến, Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai / Bôn lưu đáo hải bất
phục hồi / Quân bất kiến, cao đường minh kính bi bạch phát / Triêu như thanh ty
mộ thành tuyết.)
“Ngươi chẳng thấy
Thao thao Hồng Hà vạn thuở chảy
Nước mạnh như thác, một con thuyền
Ta lênh đênh hoài sầu biết mấy!
Ngươi chẳng thấy
Lồng lộng Tây hồ xanh như thu
Giai nhân, danh sĩ đua ngao du
Cùng ta tri kỷ không ai ở.”
(Thâm Tâm – Can trường hành)
4. Kết thúc bi hùng của Phong trào Thơ Mới
Trong Phong trào Thơ Mới 1932 -1945, Phan Cự Đệ có nhận định:
“Từ 1940 trở đi, tinh thần dân tộc trong “thơ mới” lại càng mờ hẳn đi. Một vài
nhà thơ tìm cách lãng mạn hóa, hiện đại hóa những mối tình trong lịch sử... Thẳng
hoặc đây đó có nói đến tinh thần dân tộc thì lại là một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp
hòi, thiển cận. Còn lại một chút gì đó có lẽ là ở Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, những
thi sĩ có chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa cứu quốc bí mật. Trong một số bài
thơ của họ phảng phất nỗi đau buồn của người nghệ sĩ không có tự do, không có Tổ
quốc (Độc hành ca, Chiều mưa xứ Bắc của Trần Huyền Trân, Tống biệt hành, Can
trường hành của Thâm Tâm).” (Sđd, trang 146). Trường phái thơ “hành” được thành
lập một cách tự nguyện, trên cơ sở tình thơ, tình bạn cùng chung chí hướng của
bộ ba Nguyễn Bính – Thâm Tâm – Trần Huyền Trân. Đó là nỗi nỗi bình trước
hiện thực cuộc đời, là xu hướng thoát ly, phản kháng đối với cuộc đời nô lệ, có
phần chịu ảnh hưởng của Đề cương Văn hóa cứu quốc. Những băn khoăn, trăn trở của
ba nhà thơ “có tác dụng thức tỉnh cõi tâm linh, tâm thức người dân nô lệ hướng
về những trang anh hùng, nghĩa liệt, những trang sử cứu quốc...” (Nguyễn Quốc
Túy, Thơ mới – bình minh thơ Việt Nam hiện đại, trang 174).
Phong trào Thơ Mới đi vào thoái trào từ những năm 1940. Các thi nhân lãng quên đời trong rượu, trong cảm giác nhục dục (Thơ Say, 1940, Mây, 1942 – Vũ Hoàng Chương), trong tôn giáo (Thượng thanh khí – Hàn Mặc Tử, 1940), trong huyền ảo vô biên (Vàng sao – Chế Lan Viên, 194; Kinh cầu tự - Huy Cận, 1942)... thì Trường phái thơ “hành” lại đánh dấu kết thúc bi hùng của Phong trào Thơ Mới với tiếng vọng hồn thiêng núi sông và chuẩn bị cho nguồn sáng của cuộc Cách mạng tháng Tám. Một thời đại thơ ca kết thúc. Lịch sử văn học Việt Nam bước sang trang mới.
Tài liệu tham khảo:
Đào Duy Anh, 1996, Hán Việt từ điển, Nxb Khoa học xã hội
Phan Cự Đệ, 1985, Phong trào “thơ mới” 1932-1945, Nxb Khoa học
xã hội
Tuyển tập Nguyễn Bính, 1986, Nxb Văn học
Mã Giang Lân, 1988, Thơ Thâm Tâm, Nxb Văn học
GS. Nguyễn Đăng Mạnh & PTS. Trần Đăng Xuyên, 1993, Những
bài văn hay, Nxb Đồng Nai
Trần Trọng San, 1990, Thơ Đường, Nxb Tủ sách Đại học Tổng hợp
TPHCM
Hoài Thanh - Hoài Chân, 1988, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học,
Hà Nội
Trần Huyền Trân, Rau tần, 1986, Nxb Văn học
Nguyễn Quốc Túy, 1995, Thơ Mới – bình minh thơ Việt Nam hiện
đại, Nxb văn học.
Tháng 9 năm 2010
Nguyễn Văn Thành
Theo https://vinhvien.edu.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét