Như Trần Đăng Khoa nhận xét Nguyễn Khải “không biết đặt tên
cho những đứa con tinh thần của mình”, “Một người Hà Nội” quả thực là nhan đề dở
nhất mà nhà văn bất kỳ nào có thể nghĩ ra khi sáng tác một tác phẩm viết về Hà
Nội. Song tấn bi hài kịch này lại đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một
thành phố ảo vọng mà giới trí thức Việt Nam bắt đầu mơ về khi ánh sáng của thời
kỳ đổi mới đã rọi đến địa hạt văn chương. Cái đêm hôm ấy đêm gì rút cục
đã kết thúc. Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân có lẽ sẽ hối tiếc vì sống không đủ
lâu để viết một thứ gì mới, thay vì Lũy hoa hay Hà Nội ta đánh Mỹ
giỏi. Nhưng cái vinh dự ấy lại thuộc về Nguyễn Khải. Ngài đại tá còn nhận nhiều
vinh dự khi là người đầu tiên viết về những nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử
như Vũ Hồng Khanh và Phạm Xuân Ẩn. Nhưng chỉ tính riêng chuyện bà Hiền - “một
người Hà Nội” (tạm cho là vậy), Nguyễn Khải đã đủ tư cách bước vào hàng nhà văn
Việt Nam kinh điển vì truyện ngắn không mấy đặc sắc ấy [1] được
vinh dự có mặt trong sách giáo khoa [2].
Dĩ nhiên Nguyễn Khải nếu sống thêm được vài năm nữa có lẽ sẽ xấu hổ vì “Một người
Hà Nội”, giống cách ông sám hối trong hồi ký Đi tìm cái tôi đã mất về
những đứa con tinh thần lầm lẫn của mình. Nói thế nào nhỉ, Nguyễn Khải đã
vô tình mở ra huyền thoại về người Hà Nội trong văn chương để nhiều cây bút mãi
thắc thỏm đi tìm. Trong đó, có những kẻ ăn may như Băng Sơn và gần đây là Nguyễn
Ngọc Tiến. Có những gã tay ngang nhiều tiền nên sách nhất định phải hay như Đỗ
Phấn. Một số thâm trầm như Tô Hải Vân. Vài cây bút trẻ cặm cụi nhặt nhạnh các
giá trị Hà Nội xưa như Nguyễn Trương Quý từa tựa ở một chốn nào đó tạm gọi là
Hòn Ngọc Viễn Đông cũng xuất hiện trào lưu tản văn, tạp văn bâng quơ khóc ba tiếng,
cười ba tiếng kiểu này. Và Nguyễn Việt Hà – tiểu thuyết gia không cần Cơ hội
của Chúa vẫn thắng giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội. Tiếc rằng! Phải rồi
trong đoạn văn này tôi đã nhắc đến quá nhiều từ “tiếc” nhưng chẳng có từ nào
thú vị hơn để miêu tả cảm giác của ông Phạm Xuân Nguyên khi ông không giữ cương
vị chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đủ lâu để trao giải cho Nguyễn Việt Hà.
Cái giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội như vị nguyên chủ tịch
có bút danh là Ngân Xuyên từ nhiều năm nay dường như luôn tạo ra vị thế quân
bình cho Người và cảnh Hà Nội khi cố gắng lờ đi sự hiển hiện của Nguyễn
Việt Hà. Quả thật những huyền thoại về Hà Nội và người Hà Nội trong văn chương,
nghệ thuật từ thập niên 90 đổ đi đã sinh sôi nảy nở, sao chép lại nhau nhanh
chóng đến nỗi trở thành một đài tưởng niệm hoành tráng nhưng không đẹp. Việc
tránh nhắc đến Nguyễn Việt Hà có thể là một ý tưởng hay như việc người ta tránh
động đến cây mùa lá rụng. Nhưng Nguyễn Việt Hà thì có vẻ rất không bằng lòng về
điều đó khi gán hẳn cho vị nguyên chủ tịch làm nhân vật phụ trong cuốn tiểu
thuyết Ba ngôi của người. Bây giờ thì cuộc chiến văn chương và lãng quên
văn chương ấy có vẻ đã không còn quan trọng. Nguyễn Việt Hà đã trở thành nhà
văn viết hay nhất Hà Nội trong năm 2019 với tác phẩm mới Thị dân tiểu thuyết. Duy
có điều trưởng ban giám khảo trớ trêu thay vẫn không phải người Tràng An. Nhưng
tôi có cảm tưởng khi người ta sống đến chừng mực nào đó và là hội viên Hội nhà
văn Hà Nội kiêm người Hà Nội thì tất yếu sẽ được lên bục nhận thưởng. Đỗ Phấn,
Tô Hải Vân đã lên ngôi theo cách này hoặc cách khác. Động thái trao giải đến
vài lần cho Nguyễn Xuân Khánh cũng vậy dù Chuyện ngõ nghèo [3] đã
là một hiện tượng văn học hết đát khi nó được tái bản trở lại. Với Nguyễn Việt
Hà, cái tư duy lối mòn của hiệp hội văn chương này cũng không ngoại cuộc. Họ
trao cho ông vì một cột mốc kỷ niệm đánh dấu tròn hai mươi năm kể từ khi Cơ
hội của Chúa ra đời, vì hết nhà văn Hà Nội nổi bật trong đám viết lách, vì
dâng giải cho những cây bút sinh ra ở This và viết ở That như Nguyễn Bình
Phương thật ngại ngùng, chứ không phải vì Thị dân tiểu thuyết là một
cuốn sách xuất sắc hay tươi mới. Nó là cuốn tiểu thuyết yếu nhất của Bộ Tứ cho
đến khi cuốn thứ năm của Nguyễn Việt Hà ra đời. Nó phơi mình như để chứng minh
những dự đoán của các nhà văn, nhà phê bình về sự nghiệp của Nguyễn Việt Hà khi
ông ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay Cơ hội của Chúa đều thất bại (trừ
Nguyễn Hòa, có lẽ ông sẽ khoái chí với tiên đoán của mình). Với Thị dân tiểu
thuyết, Nguyễn Huy Thiệp không phải dè dặt và hoang mang, như cách ông từng nhận
xét khi đọc Khải huyền muộn. Người đọc thì không cần phải mất sức tìm hiểu Ai
là ai – một trò chơi châm biếm đanh đá mà không biết vì lý do gì người kiệm
lời như Nguyễn Việt Hà lại bưng lên từng ấy nhân vật đời thực vào Ba ngôi
của người. Thị dân tiểu thuyết trở về với những đau đáu mà Nguyễn Việt
Hà cũng như nhiều nhà văn gốc gác Hà Nội đã mơ màng kể từ khi Nguyễn Khải đặt
cái bia đá đầu tiên – Viết Sử phố. Để rồi nó chưng hửng với một thực tại, phải
chăng con người ta đã đi từ giấc mộng tập thể này đến giấc mộng tập thể khác
khi truy tìm Hanoi và Hanoian trong cô đơn?
Ta nên trở lại với Nguyễn Khải, người khởi sự cho một giấc mộng
sai lầm để nhìn lại Hà Nội - thành phố mang trong mình một lịch sử bị đứt gãy
liên tục đến nỗi nhận định theo kiểu sử gia Liam Kelley - người ta không thể
hình dung nổi quá khứ từng tồn tại trên mảnh đất này. Nó đã từng là đại diện của
nhiều triều đại cho đến khi “trung tâm” dịch chuyển dần vào Thanh Hóa, Nghệ An
rồi dừng lại ở Huế. Cung điện được dỡ bỏ năm lần bảy lượt vì người ta cần vật
liệu để xây cất những lâu đài mới, để phòng ngừa phản loạn vv. Cho đến thế kỷ
XX, sẽ còn có một Cô Tư Hồng (người mà một vài nhà văn đang nỗ lực chiêu an) thầu
phá thành Hà Nội. Tất nhiên, kiến trúc là một vi sử riêng, có nhiều sự khác biệt
so với các lịch sử khác. Nhưng “văn bản kiến trúc” - siêu văn bản mà Victor
Hugo tôn sùng cũng trình diện nội dung chung mà ít người có thể phủ nhận: những
chủ nhân của Hà Nội của hơn 10 thế kỷ trước có thể đã ly tán tận Cao Ly (sau
khi nhà Lý bị phế ngai), dạt sang Trung Hoa (khi Minh Triều đô hộ), dạt sang
Trung Hoa một lần nữa (dòng họ Mạc cứ bị đẩy dần về phương Bắc sau thất bại trước
triều đại Lê Trung Hưng), về Hải Phòng và Sài Gòn (theo lời hiệu triệu “tiếng
kêu trong hoang địa” của đức cha Tađêô Lê Hữu Từ). Những chủ nhân ấy sẽ phiêu dạt
đến những vùng kinh tế mới (có thể hiểu là đi làm giàu hoặc đi đày - cách nào
cũng được). Những chủ nhân ấy còn lưu lạc ở Pháp, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ và tiếp tục
là Trung Quốc. Ai có thể phủ nhận người Hoa kiều không từng là một bộ phận cấu
thành nên người Hà Nội nào? Tất cả những trường hợp trên chẳng hề liên quan đến
nhau trừ một khía cạnh: họ từng đóng vai trò “chủ nhân ông” của đất kinh kỳ. Và
những người sinh sống tại Hà Nội hiện nay có thực là những cộng đồng vẫn bám trụ
tại đây hay chỉ là những kẻ mới khoác lên mình một lịch sử giả tạo theo cái
cách người Việt Nam vẫn truyền tai nhau qua câu tục ngữ: Không ai giàu ba họ/ Không
ai khó ba đời. Và:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Bài ca dao này đặc biệt đúng với trường hợp của Án đô vương
Trịnh Bồng, nhưng cũng chính xác khi nói về khái niệm người Hà Nội. Và thật mỉa
mai khi một thời (mới đây thôi) người ta ca ngợi một vài cuốn sách như Quân
khu Nam Đồng như một tác phẩm giá trị về người Hà Nội. Trời hỡi! Hành động
này chẳng khác mấy việc người ta nói về kiêu binh trong Hoàng Lê nhất thống
chí với cái nhìn ngưỡng mộ. Những người trẻ từ các gia đình cán bộ tập kết
sinh ra hoặc lớn lên ở Nam Đồng trong giai đoạn kháng chiến thực sự là một ám ảnh
với hàng xóm xung quanh. Nhưng vụt chốc, bây giờ nó đã trở thành một “điển
tích” để người ta tự hào. Và không thiếu bạn trẻ sinh ra ở cái địa phận hành
chính 7 quận, 5 huyện Hà Nội [4] cũng
tự hào có bố mẹ là bộ đội, là dân Nam Đồng. À! Ừ! Dân Nam Đồng. Phải rồi. Phải
rồi. Quả là dòng họ đáng kính trọng như Đại vương Ếch Cốm và lũ con dân của
ngài trong Dế Mèn phiêu lưu ký.
Đầu thế kỷ XX, các nhà văn Hà Nội có cái nhìn, đánh giá rất
khác về cuộc sống của họ. Đây cũng là chuyện đáng bàn trước khi tôi ngồi lê đôi
mách đến nhân vật và thời đại của chúng ta - Nguyễn Việt Hà. Vẻ đẹp của Hà Nội
và người Hà Nội có vẻ không là mối bận tâm của những nhà văn địa phương trong
giai đoạn này. Ta có Nguyễn Tuân, Vũ Bằng nhưng cũng có Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình
Chí (Tam Lang), Trần Tán Cửu (Trọng Lang) vv. Ba nhà văn sau viết “xấu” về Hà Nội
là vấn đề không phải bàn cãi và phải chăng tờ Tia Sáng nên đăng cả một chuyên đề
dài kỳ về sự xấu xí ấy thay vì chỉ một bài điểm sách ngắn Đã có thời “Hà Nội
lầm than” [5].
Không rõ là vô tình hay cố ý, người viết bài này đưa ra đối sánh rất thú vị giữa
hai tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam và Hà Nội lầm
than của Trọng Lang. Ở đầu bên này, ông Thạch Lam, một người không có “phố
tịch” Hà Nội, đại diện tiêu biểu Tự lực văn đoàn, viết về Hà Nội đầy mơ mộng. Ở
đầu bên kia, ta có ông Trọng Lang, một người Hà Nội, nhân vật mờ nhạt dù cộng
tác khá nhiều với Tự lực văn đoàn, viết về Hà Nội đầy tăm tối và góc khuất. Sự
nhòa bóng của Trọng Lang, có phần chung cảnh ngộ với phóng sự tiểu thuyết - thể
loại mà nhà văn này ưa thích dù nó là những tác phẩm “sát sự thật”, “phi hư cấu”
đầu tiên của người Việt Nam trong thế kỷ XX. Còn về Thạch Lam, ta không cần bàn
nhiều về Thạch Lam hơn nữa vì trong ba thập niên trở lại đây, có nhiều người vẫn
sẽ viết về Hà Nội quanh những giá trị tủn mủn, nhỏ nhoi mà họ coi là nét đẹp, đặc
trưng riêng của đô thị này nhân danh phong trào THỜI CỦA TẢN VĂN.
Thực tế, ta không thể trách cứ Nguyễn Khải khi ông đã vô tình
tạo ra một cuộc kiến tạo các giá trị Hà Nội. Nguyễn Khải đã tạo ra huyền thoại
về người Hà Nội nhưng chính ông cũng đã kết thúc, nhanh chóng và khôn khéo bằng
việc tường thuật lại sự biến mất của những người thuộc thế hệ bà Hiền. “Lớp các
cụ trong họ chỉ còn vài người, cô Hiền là một. Cô đã yếu nhiều, đã già hẳn,
ngoài bẩy mươi rồi còn gì, nhưng cô vẫn là người của hôm nay, thuần túy Hà Nội,
không pha trộn. Nơi tiếp khách của cô sau tấm bình phong cao hơn đầu người bằng
gỗ chạm suốt mấy chục năm không hề thay đổi”. Tấm bình phong vừa là biểu tượng
của sự quyền quý, phân tách bà Hiền với những giai cấp mà bà không thuộc về
cũng là ẩn dụ cho sự suy yếu của một dòng máu “thuần túy Hà Nội”. Những ẩn dụ về
cái chết, sự biến mất liên tục xuất hiện trong các đoạn văn cuối cùng của Một
người Hà Nội chính là cách để Nguyễn Khải ngầm khẳng định những giá trị thật
sự của Hà Nội đã vĩnh viễn mất đi - “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại
một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ”. “Làn gió” mà
Nguyễn Khải nhắc đến - một hình dung về đổi mới tựa ca khúc “Wind of change” cần
nhiều hơn những phép màu để hiển linh thành sự thật.
Nguyễn Khải mong ngóng những giá trị “thuần túy Hà Nội” khi
thủ đô của ông cũng như nhiều nơi trên quốc gia này đang tha hóa. Chiến tranh,
sự nghèo khó cùng một bộ máy chính trị “ghét người giàu” đã cào bằng, làm biến
mất nhiều giai tầng từng manh nha sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhưng lại không có sự thay thế vai trò xứng đáng cả. Sự thiếu hụt ấy không làm
người ta bận tâm trong một xã hội thời chiến khi sinh mạng không an toàn dù ở bất
cứ đâu trên mảnh đất hình chữ S này. Chỉ có hòa bình mới khiến người ta quan
tâm đến cuộc sống trước mặt và nhận ra mọi thứ đang diễn ra bất ổn và kỳ quặc.
Song chừng đó còn chưa đủ khi không khí khủng bố của Nhân văn giai phẩm, Trăm
hoa đua nở vẫn để lại những ám ảnh lâu dài. Chỉ đến khi được “mở miệng”, các
cây bút mới hối hả đi tìm những truyền thuyết về cái đẹp, về sự thanh tao, cao
cả của người thủ đô. Để rồi, họ vướng vào cái bẫy của Nguyễn Khải.
Dù bước vào hành trình tìm kiếm này rầm rộ hay một mình, hình
tượng người Tràng An với những nghi thức riêng biệt vẫn liên tục tái hiện trong
các trang sách gần như ngay hệt. Tựa như, Một nỗi buồn chiến tranh bắt đầu khởi
hành từ văn chương Bảo Ninh sẽ còn ám ảnh biết bao nhà văn thế hệ sau khi họ bắt
đầu cất bút. “Một người Hà Nội” cũng ám ảnh lên cả vô thức của Nguyễn Việt Hà,
dù ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình từ một góc nhìn khác, tránh xa khỏi
đám đông.
Cơ hội của Chúa - cuốn tiểu thuyết đầu tay đã mang cho
Nguyễn Việt Hà nhiều danh vọng nhưng đồng thời là bản án chung thân, rồi đây sẽ
buộc ông phải gắn liền với người và cảnh Hà Nội. Cho dù khởi điểm của cuốn
sách, đi từ một khát khao rất riêng biệt, kể về câu chuyện của một trí thức
mang trong mình sâu sắc tấm lòng mộ đạo, liệu có bị tha hóa bởi những kẻ thông
minh, không niềm tin, chạy theo tín ngưỡng bái vật chất? “Sự cùng quẫn cuối
cùng của con người, đấy là cơ hội của Chúa”. Lần đầu tiên trong văn chương Việt
Nam thời kỳ hậu chiến, hình tượng Chúa và những con chiên của Jesus lại được
miêu tả theo góc nhìn thiện cảm trong một cuốn tiểu thuyết đến vậy. Đó là một sự
dũng cảm từ Nguyễn Việt Hà - một nhà văn trẻ, ở thời điểm đó. Bởi văn chương
theo chủ đề Thiên Chúa giáo, dù sao cũng là một cấm kị vô hình tại một quốc gia
vô thần. Sự dũng cảm của Nguyễn Việt Hà, sẽ cần phải nói đến nhiều, trong những
cuốn tiểu thuyết sau, khi ông đào xới vào chốn quan trường, cho tới các đền đài
của giới viết văn. Có điều các đứa con tinh thần của ông có xứng đáng với kỳ vọng
từ ngòi bút liều lĩnh ấy hay không lại là những dấu hỏi lớn?
Cơ hội của Chúa đến trong những cơn khao khát mà giới đọc
và viết hằng chờ đợi. Vì sự táo bạo như đã đề cập, song rốt ráo “còn lại gì sau
những bài học của chúng ta” thì ít người chịu thừa nhận thật lòng. Ấn tượng hào
nhoáng từ các nhân vật trong Cơ hội của Chúa khiến nhiều nhà phê bình
như Hoàng Ngọc Hiến ngỡ ngàng và khoái chí. Với ông, tác phẩm như một bản tổng
kết những sự thật “xanh rờn” đã diễn ra xuyên suốt thập niên cuối cùng của thế
kỷ XX. Chủ đề tôn giáo vốn được nhấn mạnh từ nhan đề tiểu thuyết Cơ hội của
Chúa có vẻ bị Hoàng Ngọc Hiến xem nhẹ khi cây bút lão làng này chỉ xếp nó ở
cuối bài phê bình “nặng” những lời khen về cuốn sách. Cũng như Nguyễn Huy Thiệp
khiêm cung khi nhận xét về Khải huyền muộn, sự phá cách cuồng nhiệt của
Nguyễn Việt Hà khi nói về Chúa, về đức tin, về các tôn giáo ngoại lai khi nhập
gia tùy tục… có lẽ đã làm Hoàng Ngọc Hiến dè chừng. Ông lo sợ trước trận bút của
Nguyễn Việt Hà nên chẳng biết nói gì thêm ngoài so sánh nhà văn trẻ này có lối
viết “văn minh” hơn Nguyễn Huy Thiệp. Sự né tránh của Hoàng Ngọc Hiến, vô tình
loại bỏ đi một cách đọc hiển nhiên không thể tốt hơn dành cho Cơ hội của
Chúa. Đó chính là một cuốn sách kể về cuộc đời khổ hạnh của Chúa.
Nghe thì có vẻ hoang đường khi bối cảnh tiểu thuyết đặt ở Việt
Nam - một quốc gia với hàng triệu người dân chìa ra thẻ căn cước vô thần nhưng
nội dung truyền tải trong Cơ hội của Chúa tréo ngoe thay lại gần gũi
với cuộc đời Chúa Jesus hơn cả nhiều tiểu thuyết viết về Ngài tại phương Tây.
Hà Nội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX được mô tả chẳng khác nào một
Jerusalem. Tất cả các giá trị của đời sống đều bị băng hoại, đức tin bị suy yếu
khủng khiếp từ sự mê hoặc của đồng tiền. Trong cái xã hội mà người ta bỏ học, rời
các viện nghiên cứu để lao vào cuộc đua làm giàu, chỉ có Hoàng dường như nằm
ngoài quy luật. Dù bộ dạng và phong cách giao tiếp của Hoàng đã khiến biết bao
người ngán ngẩm. Dưới đôi mắt người yêu: anh là một kẻ tạm bợ. Cha mẹ người yêu
không ưa Hoàng vì “ghét những đứa hay uống rượu”. Với đồng nghiệp, Hoàng là một
nhân viên lười nhác, thường xuyên nghỉ việc, đi muộn, uống rượu trộm và đọc tiểu
thuyết trong giờ hành chính. Hình tượng của Hoàng, sau này, kỳ lạ làm sao sẽ
còn xuất hiện trong rất nhiều tiểu thuyết của một nhà văn đặc biệt khác - Nguyễn
Bình Phương (có vẻ Nguyễn Bình Phương giỏi kể chuyện, hơn là xây dựng những
hình tượng nhân vật điển hình cho sáng tác của ông).
Song, câu chuyện của Hoàng không chỉ dừng lại ở một “kẻ ghét
đời” khi anh ta có cả một tập thể tín đồ “bảo vệ” cho từng đường đi, nước bước
đến cách hành xử kỳ quái mà anh gây ra. Phục tùng và cảm thông vô điều kiện là
hai cụm từ chính xác để tóm tắt về các con chiên ngoan đạo ấy. Hoàng đã làm gì
để thu phục từ người thân như Tâm - em trai mình cho đến những đứa trẻ nhỏ mà
anh còn chẳng hề biết tên. Dĩ nhiên không phải chỉ bằng việc uống rượu, ăn ngon
hay đọc sách một mình. Anh ta, trái lại dưới vẻ vô dụng, cô đơn bề ngoài lại là
người tạo ra những mối liên kết tinh tế và bền chặt. Điều này như chính Tâm nhận
xét: “Đến tận giờ, người tuyệt vời là thông minh và nhân hậu duy nhất tôi được
gặp vẫn là Hoàng. Tất cả mọi người đều kêu ca Hoàng là đồ vô tích sự. Tôi hiểu
điều đó, phải thế kỷ hai mốt thì những mẫu người như Hoàng sẽ được nhân loại cần
còn ở cái thời buổi nhố nhố nhăng nhăng như này, ông không ra ông, thằng không
ra thằng thì một người như anh trai tôi phải lận đận là chuyện dĩ nhiên”. Thậm
chí Nhã còn cho rằng: “Sự hiện diện của Hoàng trên cõi đời này (đối với tôi) là
một điều kỳ dị. Nếu thật đúng ra cậu ta phải chết yểu. Tôi chưa bao giờ thấy
Hoàng dối trá. Cậu ta có thể tán lếu tán láo nhăng nhố nhưng tuyệt đối không dối
trá. Hoàng hiểu và biết nhiều, nhưng những chuyện cậu ta không hiểu hoặc không
biết còn nhiều hơn. Tôi đọc đâu đó có một mẫu người, họ luôn ngạc nhiên khi hiểu
biết thực tại. Ngạc nhiên chứ không phải chiếm đoạt. Kể ra cũng hơi trẻ con. Kiếm
được ra tiền là công việc của người lớn. Hơn nữa, nó đòi hỏi sự chăm chỉ. Nghe
thì nghiệt ngã vậy đấy. Biết sao được cái gì dính dáng đến tiền đều nghiệt
ngã”.
Giữa khi thiên hạ bất chấp tất cả đạo lý, luật lệ để thỏa mãn
những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần, Hoàng là một người yêu nước theo đúng
nghĩa mà xã hội bây giờ yêu cầu “Ngồi yên là yêu nước”. Anh ta chẳng xê dịch gì
ngoài việc để cho tâm hồn vơ vẩn đi đi về về giữa các dĩ vãng đã qua. Anh ta
không nhúng tay vào các phi vụ bất chính. Anh ta không phí công phục vụ cho cái
công ty nhà nước sắp đến hồi giải thể hay làm giàu cùng với Nhã, Tâm hay Bình.
Hoàng mải mê với những công việc cao siêu hơn: truyền đạo. Rượu và thức ăn
chính là công cụ để Hoàng tiếp cận với các tông đồ của mình. Tựa việc Chúa đã
ban cho những con chiên đầu tiên rượu và bánh mì, như ẩn dụ về máu và da thịt,
Hoàng đã trao cho Nhã, cho Tâm và biết bao nhân vật trong Cơ hội của
Chúa một phần thân thể mình.
Ngược lại được đối tửu với Hoàng cũng là một nghi lễ mà biết
bao người mong đợi có một dịp may trong đời. Cuộc rượu giữa những tửu đồ làm
người ta quên đi hết những tầm thường của cuộc sống. Rượu kéo gần như tất cả
các thân phận khác biệt dưới chung một định nghĩa duy nhất “Tửu đồ”: “Hoàng giật
mình, anh sơ suất quá. Hôm qua hai mươi tư âm giỗ cụ ông cả (…) Thật là tiếc,
lúc hai cụ ông còn sống Hoàng không có duyên mà gặp (…) Sinh thời, hai cụ ông đều
là tửu đồ xuất chúng. Rồi bạo bệnh đột ngột đưa cả hai cụ đi ở đẫn tuổi năm ba.
Chỉ biết uống rượu, hút thuốc lào đâu biết hại người, thế mà đã yểu thọ chưa hả
giời. Hai cụ bà khóc nhiều lắm. Đều cảnh cô quạnh không con. Có lẽ kiếp trước nội
ngoại có ai đấy đẩy vỡ tượng Phật hay trộm chuông chùa. Một buổi tối mùa đông
trước khi lên giường ngủ, hai cụ bà chợt nhớ ra hũ rượu vẫn còn dở. Chén đầu thấy
cay. Hôm đầu thấy váng vất. Và mùa đông năm sau hai cụ chỉ biết cảm tạ Đức Phật
đại từ đại bi đã minh giác chỗ cất hũ rượu”.
“Thầy Phi mở gầm bàn thờ lôi ra một lọ thủy tinh óng
ánh khoảng chục lít. Ngâm nguyên một bộ ngũ xà. Lẫn lộn cả cao trăn, cao báo,
cao con khỉ. Hũ rượu huyền thoại, nghe đồn được ngâm đã bảy năm chỉ dành riêng
cho thầy độc ẩm. Sau hai năm được coi như bạn vong niên, Hoàng mới biết thầy
Phi là tay nấu rượu lậu cự phách. Một năm chỉ hai lần nổi lửa. Rằm tháng Bảy và
ngày ông Táo lên giời. Và thầy chỉ nấu cho thầy. Đương nhiên là công phu. Hãn hữu
lắm mới đưa ngoại nhân”. Với Hoàng đó là một nghi lễ nghiêm trang: “Rót rượu
cho mình vào ly cao chân, cẩn thận nhấp một ngụm với vẻ mặt tuẫn tiết của các
thánh tử vì đạo”. Đạo đức của Hoàng không thể xét đoán bằng những hành vi ngoài
mặt mà được tính bằng tửu lượng như Nhã xác nhận: “uống ở cường độ không thể
hình dung nổi. Liên miên. Về chuyện rượu chè tôi không lấy đấy làm điều. Có khi
đấy lại là thước đo đạo đức. Đa phần những người nhiều rượu thường không giả dối.”
Soi sáng đức tin qua rượu, chân lý hay đức tin của Hoàng (do
Nguyễn Việt Hà gửi gắm) được đúc rút thành nhan đề của tác phẩm: “Mỗi người có
một đức tin, không thể truyền trao được. Mình theo quan điểm Thiền Tông. Vì vậy,
Chúa luôn đến với mình những lúc không tiền uống rượu. Kinh Thánh hình như nói,
sự cùng quẫn cuối cùng của con người, đó là cơ hội của Chúa”. Một quan điểm về
Chúa thật kỳ lạ? Không kỳ lạ sao được khi Hoàng là người “đa cảm và mê tín (…)
mê giáo lý nhà Phật đồng thời là tín đồ Catholic (…) Hồi năm thứ tư, Hoàng mê tử
vi, bập bẹ lập lá số.” Hoàng đã trở thành một khối mâu thuẫn, thậm chí làm một
kẻ tâm thần nếu như anh ta không chính là một hiện thân của Chúa theo ý đồ của
Nguyễn Việt Hà. Thực tế, anh ta dù vẫn nguyện cầu trước Chúa, cũng như việc
sùng đạo Phật, thích tử vi và viết truyện về Trang Tử nhưng đây là một quan hệ
có tính chất ngang hàng, bằng vai phải lứa hơn là một con chiên ngoan đạo. Và
làm sao anh ta có thể ngoan đạo được khi anh ta là bằng chứng duy nhất chứng
minh sự siêu hình vẫn còn tồn tại trên thế gian này như cách mà Nhã đã hình
dung.
Duy có điều cũng giống như cuộc đối thoại giữa Pontius
Pilates với Yeshua Ha-Notsri trong cuốn Nghệ nhân và Margarita, sự tồn tại
của một vị chúa thực sự dầu là bất tử có vẻ như không cần thiết khi người ta cần
một biểu tượng thờ tự hơn một con người xương thịt - “ông chúa đẹp trai” với lắm
phép màu. Bởi Hoàng là con người của tương lai, của thế kỷ thứ 21 nên hiện giờ
anh ta chỉ là một nhân vật bị vùi dập, lãng quên, xen lẫn khinh thường. Có một
chi tiết trong Cơ hội của Chúa khá thú vị nhưng nhiều người bỏ qua.
Có một lần đi làm ngang Bờ Hồ, Hoàng thấy Rùa thần. Lúc ấy bảy
giờ kém hai mươi của một sáng hè. Trời xanh đậm và rất nhiều chuồn chuồn. Tháp
Rùa đổ chổng ngược và sóng hồ duềnh lên. Một cụ hưu trí tập thể dục muộn mất
hút trong xoáy nước, miệng đang còn cằn nhằn về món lương hưu lĩnh chậm. Cột
sóng to nhất, cao nhất, ngầu nhất một màu bùn ập vào Nhà Bưu điện cuốn toàn bộ
các thùng thư xuống đáy hồ trong đó có 713 bức thư tình. Hôm sau, vài gã nghiện
bia ở quán Thủy Tạ, đi pít xê ven chỗ nhà thuyền còn thấy nổi lềnh bềnh trắng
phớ một vùng lổn nhổn những “anh yêu” hoặc “không có em anh chết mất”. Rồi một
cột sóng thẳng băng đạt tới tầm cao của Tháp Bút. Rùa thần hiện. Hoàng phát
khóc. Thằng bé câu cá trộm đứng cạnh anh khóc. Mắt Rùa sáng rực và mai Rùa chật
kín mặt hồ. Khoảng năm giây Rùa thần lặn xuống. Hoàng đi đến cơ quan với vẻ mặt
ngơ ngơ của thằng dở hơi. Không ai tin lời anh kể. Tất cả các viên chức đồng
nghiệp đều khẳng định quãng thời gian từ sáu giờ ba mươi đến bảy giờ của ngày
hôm ấy là không có, bởi vì đúng lúc đó đồng hồ Bưu điện trung tâm hỏng. Mộng
Hoa bảo: ‘Mồm những đứa uống rượu ai mà tin nổi’. Hoàng đành kể cho Thủy, cô ngần
ngại nhìn anh rồi khuyên Hoàng uống B6.
Đây gần như là chi tiết siêu nhiên duy nhất trong cuốn tiểu
thuyết tràn đầy những trích dẫn, truyện ngắn lịch sử, tiểu luận triết học hoặc
nhại theo trích dẫn tôn giáo. Nhưng đáng tiếc thay cảnh tượng khiến Hoàng phát
khóc ấy lại chỉ thu về những sự nghi ngờ. Bằng chứng được dùng để phủ nhận
Hoàng chỉ đơn giản là đồng hồ Bưu điện trung tâm hỏng và Hoàng là kẻ nghiện rượu.
Họ sẵn sàng bỏ qua những bức thư tình dưới đáy hồ, đứa trẻ câu trộm cá khóc
cùng Hoàng vì cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” vậy. Một chi tiết huyền diệu
nhưng lại cần đức tin của những người như Nhã, Bích, Du hay thầy Phi. Song rút
cuộc, Hoàng lại chọn kể câu chuyện nhiệm màu ấy cho những kẻ luôn hoặc sẽ coi
thường bản thân anh. Một phép thử hay đơn giản là lựa chọn của “ông Chúa” Hoàng
để nếm mùi khổ hình, tự chịu phạt đóng đinh câu rút từ những kẻ tầm thường?
Như vậy, Cơ hội của Chúa có thể nói vui là câu chuyện
của Đức Chúa Hoàng và các tửu đồ, đắm mình và bất động trong các chốn xưa, nhà
cổ giữa khi Hà Nội đang đổi thay với tốc độ chóng mặt. Nó không phải là tiểu
thuyết về tình yêu, về trí thức hay về một bi kịch cá nhân to lớn nào cả. Thực
tế Trần Mạnh Hảo đã phần nào nhận ra điều đó. Là một người gốc đạo hiển nhiên
ông không thể bị Nguyễn Việt Hà đánh lừa chỉ bằng mấy trích dẫn từ Kinh
thánh, Nam Hoa Kinh và Thiền luận. Nhưng cũng vì là một người gốc
đạo nên Trần Mạnh Hảo đã bỏ qua cho Nguyễn Việt Hà cái sự báng bổ thật sự của
nhà văn này. Tôi không hình dung nổi nếu Trần Mạnh Hảo thực sự hình dung Nguyễn
Việt Hà đang kể một câu chuyện Thiên Chúa đầy trào lộng như nhóm Monty Python dựng
nên bộ phim Life of Brian. Hoặc xa hơn một người như Chu Giang với bộ Luận
chiến văn chương chẳng hạn. Tại một quốc gia với hầu hết mọi cá nhân đều sở
hữu một chiếc thẻ căn cước Không tôn giáo, những ẩn dụ từ Cơ hội của
Chúa vẫn có thể khiến người ta tạo ra một cơn lên đồng tập thể.
Rất may, Nguyễn Việt Hà có vẻ không muốn đẩy mọi thứ đi xa.
Cho dù Đẹp là một nỗi đau như tên tiểu thuyết của Eka Kurniawan nhưng
có vẻ như Nguyễn Việt Hà không giỏi làm đau tiểu thuyết mà ông đã hằng công viết.
Hoặc, ông không thể viết tiểu thuyết? Tôi không có ý sỗ sàng hay lăng nhục hoặc
có bất kỳ một hành vi ngạo mạn nào khi đưa ra nghi vấn. Chỉ đơn thuần tôi thấy
vậy: tuồng như tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một tập truyện ngắn dài, được
liên kết với nhau bằng tên nhân vật, bằng một vài chủ đề vặt vãnh. Hoặc giản
đơn, truyện ngắn, tiểu luận đó phải có mặt trong cuốn sách ấy vì lý do nhà văn
thích vậy. Việc viết tiểu thuyết theo cảm hứng như vậy có vẻ như làm Nguyễn Huy
Thiệp rơi vào một cảm xúc khó tả. Dĩ nhiên, Nguyễn Huy Thiệp không trình bày
như cách tôi đọc về Nguyễn Việt Hà. Ông trái lại khiêm cung một cách đáng ngạc
nhiên, chỉ dám nhận mình không thể hiểu những cách tân mà Nguyễn Việt Hà thể
nghiệm trong Khải huyền muộn. Cho dù trên thực tế với hai cuốn tiểu thuyết
đầu của mình, Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà
chỉ đơn thuần bồi da, đắp thịt cho các truyện ngắn in lẻ của mình. Tôi xin bật
mí điều này cho ai không thích đọc hai tiểu thuyết kéo dài hàng trăm trang với
những câu chuyện kéo dài và lặp lại bằng cách chuyển đổi góc nhìn nhân vật. Ừ!
Đúng là như vậy đấy tôi không viết quá đâu, những cuốn truyện của Nguyễn Việt
Hà thật sự gần gũi với người uống rượu lâu năm, người già, người rỗi rãi. Trong
trường hợp thấy quá bận rộn để đọc chúng và vẫn thích hình dung, tóm lược câu
chuyện thì hãy… tìm đọc truyện ngắn của Hà. Bậc cuối có thể xem là đoạn
kết còn dang dở trong Cơ hội của Chúa cho dù nó ra đời từ năm 1993.
Tiến xa hơn, Rửa tội mang nội dung gần như y chang cuốn tiểu thuyết Khải
huyền muộn. Dĩ nhiên không ai cấm việc một nhà văn phát triển tiểu thuyết từ
truyện ngắn của họ. Một thế giới tiểu thuyết như vậy, trái lại còn được hoan
nghênh như Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez. Vấn đề là ta sẽ
bồi đắp gì vào truyện ngắn đó. Với Nguyễn Việt Hà, câu chuyện chỉ dừng lại ở việc
bồi đắp cho nhân vật theo công thức:
Người Hà Nội + họ đạo gốc + trí thức + giỏi ngoại ngữ + giỏi
uống rượu + giỏi ẩm thực, nhất là các quán ăn nhỏ có tiếng tại Hà Nội
Tương tự, một nhân vật “khó ưa” trong tiểu thuyết Nguyễn Việt
Hà sẽ được mài dũa từ những hệ quy chiếu này:
Con cái quan chức + ngoại tỉnh + xấu xí + quá lứa, lỡ thì + dốt
nát + mê tín
Nếu nhân vật chưa phải người Hà Nội? Điều đó không thành vấn
đề. Anh ta/cô ta sẽ nhanh chóng quen biết một cô gái/ chàng trai Hà Nội và hoàn
toàn bị choáng ngợp, bất ngờ vì sự tinh tế trong gu thưởng thức rượu
bia và ẩm thực của họ. Rất nhanh chóng, chẳng cần phải đợi Nguyễn Việt Hà ra mắt
cuốn sách có tên Thị dân tiểu thuyết, người ta đã tôn xưng ông như một
Haruki Murakami ở Việt Nam. Có lẽ vì tiểu thuyết của Murakami vốn tràn ngập những
trích dẫn sách vở, hộp đêm, quán rượu. Duy có điều như chính Nguyễn Việt Hà thừa
nhận trong truyện ngắn Những trang báo ma quái: “Ở Việt Nam, nói cho cùng,
đương nhiên là không có giới thượng lưu, còn giới trí thức thì hình như mờ mịt
có vẻ có. Chính vì sự mong manh ấy càng làm cho những người có chữ và có dư dật
tiền khát khao, một nỗi khát khao cồn cào làm họ mường tượng tin chắc những điều
ấy là có thật.” Không giống nhiều nhà văn Việt Nam cho đến giờ vẫn ra rả về trí
thức cũng như sự suy đồi đạo đức xã hội, Nguyễn Việt Hà có cái nhìn bớt mơ mộng
hơn. Ông không có ý định tìm kiếm một tầng lớp thực sự nào. Nhưng có điều như
tôi và người đọc vẫn còn kiên nhẫn đến tận dòng này đều ngầm hiểu: cần có một
thứ gì bồi đắp cho tiểu thuyết được đầy đặn. Theo công thức đã được trình bày ở
trên, Nguyễn Việt Hà đã mang các nhân vật đi uống rượu để khai thông thế bế tắc
và kéo dài tiểu thuyết đến tối đa có thể. Và vấn đề bắt đầu nảy sinh từ đây.
Như đã trình bày rất dài dòng ngay từ phần đầu bài viết, Nguyễn
Việt Hà không muốn lao vào vết xe đổ của đám nhà văn hay huyễn hoặc về Hà Nội.
Dù cho ở ngoài đời vì nhiều lý do bao gồm cả thách thức từ cơm áo gạo tiền, đây
đó, ta vẫn sẽ thấy Việt Hà, ngồi cạnh khá nhiều nhân vật mà ông ta khinh ghét để
rồi các cuộc gặp mặt không mấy nghệ thuật ấy hiện lên một cách sỗ sàng trên tiểu
thuyết. Nhưng không phải cứ muốn thoát khỏi cái hiện thực tù túng ấy là con người
ta có thể lao ra ngoài và viết một áng văn chương ra trò. Những tác phẩm văn
chương hay nhất, điều đáng buồn lại thường là những cuốn sách không thể viết. Để
rồi cái bi kịch của nhà văn Hộ lại hiển lộ ra trước mắt. Cảm thức tôn giáo
không thể đến bằng việc cứ ngày ngày túc tắc đến Thư viện Quốc gia, trốn tránh
trong một vài chủng viện xưa cũ và nghiền ngẫm những cuốn sách cũ. Thưởng thức ẩm
thực cũng không đơn giản là chuyện lặp lại các tên thương hiệu hay quán ăn. Còn
Nguyễn Việt Hà trớ trêu thay lại sử dụng đúng điều cấm kị cần né tránh ấy. Vào
thời điểm ông ra mắt Cơ hội của Chúa, những thương hiệu rượu nặng có lẽ vẫn
còn xa lạ với nhiều người thành đạt ở tuổi ba mươi đã tràn ngập trong văn
chương của Nguyễn Việt Hà. Nhưng mau chóng sự thay đổi rất nhanh của xã hội vừa
minh chứng rằng Hoàng không phải là người được chọn the chosen one. Nhân vật mới
của thế kỷ 21 trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà một lần nữa làm người ta
choáng ngợp cho đến khi lớp vỏ hình thức được trút bỏ. Khải huyền muộn là
một tiểu thuyết cũng dũng cảm không kém khi tấn công vào cái thành trì người ta
vốn kiêng nể: Giới quan chức. Đáng lẽ, nó sẽ còn được tôn kính một cách phù phiếm
hơn nếu ra mắt ngay sau thời điểm của Rửa tội. Nhưng sự ra đời của tiểu
thuyết này kể từ bản dàn ý Rửa tội cũng chậm chạp, lộn xộn với những
cảm hứng bị mài mòn y như nhân vật trung tâm của Khải huyền muộn: Nhà văn vô danh rõ ràng gặp khó khăn trong việc kể lại một mối tình vụng
trộm giữa thứ trưởng Vũ và người mẫu Cẩm My. Sự vào cuộc muộn mằn trong lĩnh vực
tiểu thuyết khi các nhà văn, đạo diễn điện ảnh đã bắt đầu đi những bước đi táo
bạo vào chốn cấm kỵ này khiến Khải huyền muộn trở thành một cuốn sách
lạc lõng. Lạc lõng bởi vì nó không cung cấp những gì mà bạn đọc thèm muốn: sự
hư hỏng, băng hoại của chốn quan trường, sự dốt nát của những kẻ ngồi nhầm chiếc
ghế. Sau Lưới trời (phim Điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn và biên kịch
Nguyễn Mạnh Tuấn), giới hạn trong văn chương, nghệ thuật Việt Nam vẫn chỉ dừng
lại ở vị trí, chức vụ thứ trưởng (hoặc ngang tầm thứ trưởng). Khải huyền
muộn cũng vậy. Chủ đề tội ác và sự trừng phạt, đạo đức và sám hối (từ dùng
của Nguyễn Chí Hoan) trọng tâm cũng như chính nhan đề của tiểu thuyết đã nhanh
chóng chuyển hóa thành câu chuyện đời thừa của một gã nhà văn bị vợ bỏ khi đang
mưu toan hoàn tất cuốn tiểu thuyết vì đã nhận tiền đặt cọc. Nhân vật Vũ – một
thứ trưởng đẹp trai và đạo mạo, vì vậy, chẳng có cách nào khác buộc phải giống
Hoàng, một nam thanh niên trí thức nát rượu và ghét đời. Tôi viết thật đấy dù bạn
có thể tin rằng tôi cũng đang chém gió vì ghen tị. Nhưng thân phận của Hoàng, của
Vũ và rồi đây của Kun sẽ đi theo những lối mòn giống hệt nhau bất kể địa vị hiện
tại. Vũ cũng là một người theo đạo, có người thân là một linh mục chức sắc. Anh
ta cũng ham thích uống rượu và đàn bà. Giống như Hoàng, Vũ cũng thực hiện một
cuộc hành hương, cắt đứt liên lạc với người xung quanh để chìm đắm trong những
cảm xúc mặc khải mà có thể do rượu gây ra. Vị trí cao vẫn khiến anh không thôi
tò mò, thích thú trước những đời sống chật chội, nhỏ bé, kỳ dị của giới trí thức
Hà Nội mà người mẫu Cẩm My có lẽ là một đại diện đáng chú ý nhất. Những điểm vô
lý đùng đùng này (không vô lý sao được khi đã cất công đặt Hoàng lên chức vụ Thứ
trưởng với tên mới là Vũ) khiến người ta có hình tượng thứ trưởng đẹp nhất nhì
trong văn học, nghệ thuật. Song ở chiều ngược lại, tôi không muốn dẫn giải nữa.
Điều này thuộc về bạn đọc vì họ chỉ cần giở sách ra là tìm được những đoạn văn
ngay hệt (nếu không có trong Cơ hội của Chúa thì có thể tìm trong những
truyện ngắn, tản văn, bài báo của Nguyễn Việt Hà). Song sự tồi tàn chưa dừng lại
ở điều ấy. Vì giới hạn của Hà Nội ngay thực tế nằm trong quỹ di sản chật chội của
nó. Chừng mực nào đó tôi thấy “sử nhân Hà Nội” đúng là một danh phong khá bi kịch.
Và bi kịch hơn là có người tự hào khi nhận nó như trường hợp của Nguyễn Ngọc Tiến
vì chỉ nghe đến bìa sách đã cảm thấy câu nói cửa miệng từ cụ Cố Hồng “Biết rồi
khổ lắm nói mãi”. Ấy vậy mà cái thứ viết dài, viết dai hóa ra viết dại ấy vẫn
đã đều đặn ra được tới bốn cuốn (đến lúc tôi đọc thì chúng dừng lại ở con số ấy): Đi
dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, 5678 bước chân
quanh Hồ Gươm. Nguyễn Việt Hà đơn thuần còn rơi vào trạng thức khốn cùng hơn
khi bắt đầu kể về những hình tượng mà ta có thể bắt gặp trong truyện ngắn Bảo
Ninh, Nguyễn Huy Thiệp và nhiều nhà văn khác khi đề cập tới Hà Nội.
Sự cùng quẫn cuối cùng của con người chưa đến, chính xác hơn
tiền bạc để uống rượu vẫn chưa cạn nên ta có Ba ngôi của người và giờ
là Thị dân tiểu thuyết. Ba ngôi của người xây dựng nên một nhân
vật khá kỳ lạ trong nghệ thuật Việt Nam, một con người trải qua đời sống nhiều
kiếp. Cái hay của nhân vật Trung Niên (chữ Trung Niên do tôi cố tình viết hoa)
tựa như nhân vật John của The man from earth (2007). Như tôi đã nhận
định từ đầu, Nguyễn Việt Hà rất giỏi trong việc mở đầu một ý tưởng. Trung niên
- một người bất tử cũng giống như John (thực ra cái tên John Oldman cũng có thể
gợi ra cho chúng ta một liên tưởng giống nhau đến kỳ quặc với Trung Niên). Anh
ta không biết gì hơn quá khứ mà chúng ta đã trải qua và vô vọng trong việc đoán
định một tương lai sắp đến: “Trung niên chỉ là người thấy cái thời
gian đã cũ bằng cái nhìn nửa mơ nửa tỉnh, may lắm thì lõm bõm biết, chứ nói gì
đến chuyện làm. Hơn nữa, trung niên chỉ biết chính chuyện của mình chứ hoàn
toàn chẳng thông tỏ chuyện của người”. Trung Niên - người duy nhất nhớ được
quá khứ dù trải qua nhiều kiếp sống được tạo ra như một kỳ vọng kể một vi sử đẹp
đẽ và khác biệt (chính là thứ Sử phố trong Thị dân tiểu thuyết). Nhưng có
vẻ cũng giống Oldman, Trung Niên chỉ là một kẻ tầm thường nếu không muốn nói là
kém cỏi, trái với sự ngưỡng mộ của Kun - đứa con sinh ra trong kiếp này. Quá khứ
với Trung Niên chỉ quẩn quanh những cuộc uống rượu với các nhân vật có thực lẫn
hư cấu trong lịch sử.
Trung niên lúc ấy là một gã tiểu đồng tuổi mới chừng mười hai
đang gánh ang nước về thổi cơm chiều thì chợt thấy một đoàn người ngựa rầm rập
cung kính khiêng một kiệu nhỏ lấp lánh vàng (…) Rèm kiệu vén, một cậu bé chừng
bốn tuổi phong độ quyền quý lạ thường gần như bị ai đẩy ở trong kiệu đẩy xuống,
ngơ ngác nhìn Quán chủ. Gọi là Quán chủ nhưng đương nhiên khác hẳn gã chủ quán
bây giờ, sư phụ của trung niên không biết ăn thịt chó và cực kỳ thích những người
biết uống rượu.
“Kiếp đầu tiên” thực tế cũng là kiếp được nhắc đến với dung
lượng khá nhiều trong tiểu thuyết Ba ngôi của người thực tế chỉ xoay
quanh những buổi hội thoại ngô nghê giữa quán chủ và trung niên cùng với điệp từ
“rượu” được nhắc đi, nhắc lại từ các cuốn tiểu thuyết trước. Những kiếp còn lại
với Trung Niên dường như chỉ là những giấc mơ vô vị:
Kiếp đầu tiên nhớ được đương nhiên là lúc trung niên làm tiểu
đạo sĩ ở quán Ngọc Thanh, khoảng năm Đinh Sửu 1397. Rồi hết một vòng Hoa Giáp
thì loáng thoáng kiếp thứ hai, kiếp thứ ba. Những vòng luân sinh trập trùng rất
khác nhau nhưng nhiều khi cũng trùng giống nhau như kiểu loay hoay của trôn ốc.
Từ năm 1607 đến Đinh Mùi 1677 cũng nhớ được nhiều. Giữa hai kiếp bị cách dài
như thế hình như là mất gần sáu mươi năm chờ đầu thai. Có những đoạn nhớ cực kỳ
rõ, nhưng có những đoạn nhớ hỗn độn y như ở ác mộng. Cái lần bị lính Tây Sơn
chém bay đầu vào năm Đinh Mùi 1787 ở ngay phường Hà Khẩu phố Hàng Buồm bây giờ
nhớ rõ tới mức sờ lên cần cổ vẫn thấy rơm rớm đau.
Ba ngôi của người kể về ba người đàn ông: Trung niên
mang quá khứ, Quang Anh là hiện tại, Kun là tương lai để rồi chỉ một “pha xử lý
cồng kềnh” với những “tình huống đi vào lòng đất”. Khi những địa điểm, rượu đã
trở nên quen thuộc trong tác phẩm, Nguyễn Việt Hà đã “nhậu” bạn văn như cách
Hoàng đã thực hiện với Du trong Cơ hội của Chúa. Từng vị trí trong
văn đàn được đem lên trang giấy, như đã nói, với giọng điệu chẳng còn sót lại
điều gì về nghệ thuật.
Thằng MC tóc muối tiêu, giọng tỉnh nặng trịch, linh tinh phân
tích thơ nó. Thằng này lê la hoạt ngôn, khét lẹt tiếng là yêu những đứa viết
văn trẻ, nhẵn mặt ở các toa lét bốc mùi văn hóa. Nó thao thao dẫn thơ 30-45, dẫn
thơ miền Nam trước bảy lăm, dẫn thơ miền Bắc thời xã hội chủ nghĩa. Rồi kết luận
thơ trẻ bây giờ, trong đó con Hiền là rất khác. Mẹ mày, ngần ấy năm thì đương
nhiên mọi thứ phải khác, trừ bắt buộc vài cách quen thuộc khi phải bị làm tình.
Thằng MC dài dòng nói nhiều, nhưng chịu không chỉ ra được cái khác đấy là cái
gì. Khác không có nghĩa là ngày xưa xuống dòng thì hôm nay để liền dòng. Càng
không phải trước đây bóng gió viết “thằng mặt lờ” thì bây giờ viết thẳng toẹt
ra.
Mớ hỗn độn Ba ngôi của người tưởng như đã kết thúc
một chặng đường sáng tác của Nguyễn Việt Hà, cho phép ông kiếm tìm một không
gian mới, một môi trường văn chương có sức sáng tạo riêng. Nhưng Thị dân
tiểu thuyết trái ngược lại giống như lại một cái chết được kéo dài của một
người cố bám vào Hà Nội nhưng chẳng biết viết thêm điều gì mới. “Khi một đất nước
có nhan nhản nam thanh nữ tú không biết đọc sách mà lại thành thạo biết
facebook đương nhiên sẽ có nhiều bất hạnh.” Nhưng bất hạnh nhất vẫn là một người
ôm mộng viết đi viết lại một cuốn sách mà chưa thành. Nhân vật Tĩnh, vẫn cái
dáng dấp của anh Hoàng một thuở, con trai phố cổ trong một gia đình theo đạo
lâu đời, học giỏi ngoại ngữ, quanh năm chỉ sống loanh quanh trong mấy dãy phố
nhỏ hẹp, đánh bạn với những thị dân mơ màng và già cỗi. Từa tựa như nhân vật MC
trong Ba ngôi của người mà tôi không muốn liên tưởng đến một nhà phê
bình hoạt khẩu, Nguyễn Việt Hà có lẽ cũng không nhận ra rằng những chi tiết mới
như mạng xã hội, điện thoại thông minh không thể cứu một nhận thức già cỗi về
văn học, tiểu thuyết. “Thường ở những nơi văn minh, người ta làm tử tế tiến sĩ
rất lâu, cốt để khẳng định sự chín chắn nhất thời khác thường nào đó trong đoạn
đời dằng dặc bình thường. Khác hẳn ở ta, làm tiến sĩ là phải cố làm cho bằng được,
sao cho kịp lấy được một mảnh bằng. Viết văn tử tế cũng như thế thôi, nó giống
như mình sống, không thể chỉ sống cho xong. Ở một đoạn cuộc đời này thì nó
tương hợp với cuốn tiểu thuyết này. Ở một đoạn đời khác nó lại sẽ thích hợp với
một cuốn tiểu thuyết khác”. Để rồi cũng như câu chuyện tay nhà văn trong Khải
huyền muộn vật lộn để hoàn thành tiểu thuyết, nhà văn Lâm, một cây viết hết
thời cũng loay hoay không thể “Kể xong rồi đi”. Bởi lẽ giản đơn là chẳng còn gì
nhiều để kể. Tôi không muốn trích dẫn và ngồi đếm bao nhiêu trang Nguyễn Việt
Hà viết về thư viện, về các cuộc đối ẩm, về cách nhận định về tri thức
trong Thị dân tiểu thuyết. Có lẽ những người trao cho ông giải thưởng của
Hội nhà văn Hà Nội đã nắm được tường tận, và có khi thuộc đến cả từng đoạn văn.
Nhưng có lẽ họ vờ quên cũng như Nguyễn Việt Hà cũng đang quên mình đang viết
gì: “ghét nhất cái kiểu văn chương khi kể về thị dân thì thích mô tả những thứ
tủn mủn tầm thường hoặc ra vẻ sành sỏi thói lưu manh vỉa hè. Quan niệm về thị
dân của đám đấy sai hoàn toàn. Cái làm nên cốt lõi của một đô thị lớn là nhờ
văn hóa sinh hoạt của đám dân phố trung lưu có trong trắng chữ. Điều này giải
thích tại sao ở Hà Nội luôn có đông người tử tế biết đọc sách”. Tôi không muốn
dẫn lại đoạn văn trên mà chỉ muốn đặt ra một câu hỏi cuối cùng, vậy thì Nguyễn
Việt Hà đang tủn mủn tầm thường hay ra vẻ sành sỏi thói lưu manh vỉa hè?
Câu chuyện không đầu không cuối trong Thị dân tiểu thuyết nảy
nở ra hai bi kịch mà bất kỳ người tự nhận là Hà Nội gốc nào cũng âu sầu đặt ra
câu hỏi: Chúng ta đến từ đâu và Chúng ta đi về đâu? Nghe y hệt những câu hỏi tồn
tại trong những cuốn sách trinh thám hạng xoàng nhưng luôn đắt khách của Dan
Brown. Khi Nguyễn Khải đặt ra viên gạch đầu tiên là Bà Hiền có lẽ ông chẳng bao
giờ biết sự suy đồi của văn chương về Hà Nội sẽ trở nên đen tối, buồn bã và
chán chường đến mức nào. Vì rồi đây trong đoạn kết của Thị dân tiểu thuyết,
ta lại thấy lấp ló “những hạt bụi vàng” theo dạng replica loại một, loại hai
đó.
Ông đồng Lạc là pho sử sống của phố. Ông biết nhiều nhưng kể
ít, tuyệt đối không ghi chép lại. Ông từng kể bà đồng Lạc từng gọi hồn được ông
Canh, người đàn ông coi như đầu tiên của phố. Rồi áp vong bà Phượng (con gái
duy nhất của ông Canh) vào phu nhân của ông cố thứ trưởng là cô Hằng “tròn”. Cả
ông Canh lẫn bà Phượng đều khẳng định. Đền Bạch Vân tuy xây cất muộn nhất,
nhưng sẽ đàng hoàng to đẹp hơn cả nhà thờ lẫn nhà chùa. Nếu đo theo hòm công đức
thì điều này là khả tín. Bởi chưa có thời đoạn lịch sử nào của phố, số con
nhang đệ tử mang hàm ngũ phẩm trở lên, lại tấp nập đi trình đồng như vậy. Hai
hôm sau mưa, ông Hải tự hiệu ‘dớ’ bán nhà. Đấy là một trong bốn căn nhà cổ nhất
của phố chưa bị xây lại. Ba căn kia thuộc sở hữu hương hỏa của ông Lâm ông Tĩnh
và ông Lễ có thụy hiệu là ‘đầu to’.
Những huyền thoại chứng thực cho sự tồn tại của Phố là con
người và những ngôi nhà cổ cuối cùng theo lời ông Lâm cũng sẽ biến mất. Nó được
kết luận bằng lời người kể chuyện cũng đậm một màu sắc hoang đường không kém “Đại
loại là những lời linh tinh mượn màu đại thuyết, nhưng cũng chỉ là thứ kể lể lảm
nhảm đậm tính tiểu thuyết theo kiểu nói nhỏ vỉa hè của đám thị dân. Một mớ chữ
nghĩa nông nổi, cố ghi lại những khắc khoải vớ vẩn của một gã trai phố nào đó
có thói quen mơ mộng sống ở lầu hồng xanh.”
Có lẽ cuốn sách cũng chẳng đậm tính tiểu thuyết như mong cầu
của Nguyễn Việt Hà. Từ lâu, truyện ngắn và tạp văn có vẻ đã ăn sâu vào tạng người
ông biến chúng thành một mớ hỗn độn, cố vươn cao hơn những văn bản nhạt nhẽo
khác của người Hà Nội. Những motif sao phỏng, ngộ nhận đầy chủ quan để khẳng định
một tộc người địa phương cao cả sinh ra tại một mảnh đất có tính địa linh nhân
kiệt dường như đã ăn sâu vào nhiều dòng máu. Bất kể khi tết đến, phố xá nơi đây
lại vắng hoe, người ta lại mải mê trở về những miền đất cách xa hằng trăm cây số
để tham gia những nghi lễ giỗ chạp phức tạp và đầy mê tín. Trong tiểu thuyết của
Nguyễn Việt Hà tồn tại Một giai tầng tưởng tượng, thị dân tưởng tượng đã ra đời
từ đây, cố gắng bày ra một đức tin tôn giáo, văn hóa tinh hoa để kiếm tìm một sự
khác biệt. Nhưng rốt ráo thứ văn hóa sản sinh từ thư viện, bàn nhậu và những cuộc
luận chiến tại các salon nghệ thuật mà Nguyễn Việt Hà bày biện trong tiểu thuyết
và tạp văn cuối cùng chẳng dẫn con người ta đến đâu ngoài những khắc khoải
không có điểm dừng. Hà Nội, với một lịch sử nhiều biến cố, điểm đến của đủ sắc
dân tứ xứ với các vết thương và nỗi đau khác nhau tuồng như không thể được hiểu
đơn giản. Sự tách biệt bằng các chủ đề cao vợi không làm Nguyễn Việt Hà thoát
khỏi những mô tả cũ mòn, quen thuộc. Nó không chỉ giống những cuốn sách ông viết
trước kia, nhưng còn giống cả các tạp văn thị trường bây giờ. Đó là lý do vì
sao tôi chọn cụm từ “Trường phái kiểu cách” để đặt nhan đề cho bài viết dấm dớ
và hụt hơi này. Bởi cái trường phái ấy, dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời
gian ngắn cũng đã kịp phá tan chủ đề, phong cách truyền thống trong Hội họa Phục
hưng. Dẫu thế, có vẻ độc giả yêu thương văn chương về Hà Nội vẫn đang nuông chiều
chúng một cách kỳ lạ. Tựa như vị hoàng đế trong xiêm y trần truồng, thứ văn
chương ấy tiếp tục được ngợi ca dẫu đã đi hết những xó xỉnh và trở nên tha hóa
đến cùng cực. Nhưng có lẽ người ta sẽ vẫn viết về Hà Nội, nhận giải thưởng văn
chương về Hà Nội, và hân hoan như mọi năm báo chí lại đăng tin tổng kết với nội
dung cũ mòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét