Lev. Tolstoi trong sự tiếp nhận của “Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỷ XIX ở Việt Nam” là một
chuyên luận của nhà nghiên cứu văn học Nga Trần Thị Quỳnh Nga, do Nhà xuất bản
Giáo dục Việt Nam ấn hành tháng 4 năm 2010.
Vận dụng lý thuyết tiếp nhận văn học, tác giả đã phác hoạ bức
tranh tiếp nhận văn xuôi cổ điển Nga thế kỷ XIX theo các mốc lịch sử của Việt
Nam (trước 1954, giai đoạn 1954 - 1975 và sau 1975), trên các phương diện dịch
thuật, nghiên cứu, và ảnh hưởng của văn xuôi Nga trong đời sống văn học Việt
Nam. Có thể thấy việc tiếp nhận văn học Nga ở Việt Nam có những đặc thù do hoàn
cảnh lịch sử quy định, và không phải toàn bộ văn xuôi Nga thế kỷ XIX đã được giới
thiệu ở Việt Nam, nhưng qua khảo sát, phân tích và tổng kết của công trình có
thể thấy những thành tựu tiêu biểu nhất của nó đã được giới thiệu, được hiểu và
đánh giá đúng. Độc giả Việt Nam có thể tự hào là “tri âm”, “tri kỷ” của
văn học Nga.
Lev Tolstoi là một trong bốn tác gia được nói đến nhiều hơn cả
trong công trình (bên cạnh Gogol, Dostoevsky và Chekhov). Dưới đây là một đoạn
nói về việc tiếp nhận Tolstoy ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, trích
trong chương 2 của công trình (tr.99-104). Tiêu đề đoạn trích do chúng tôi đặt.
Ở miền Nam trước năm 1975, văn học Nga tuy không được
dịch rộng rãi như văn học Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… nhưng
nền văn học này cũng có một vị trí đáng kể. Có thể thấy sự hiện diện của các
tác giả Nga như L. Tolstoi, F. Dostoievski, A. Chekhov, M. Gorki, M. Cholokhov,
B. Pasternak, A. Soljenitsyn… qua các bản dịch hoặc các bài nghiên cứu của giới
phê bình Sài Gòn. Tuy nhiên, bằng ấy tên tuổi, dù tiêu biểu, chưa đủ để hình
thành khái niệm về một nền văn học Nga toàn diện. Trên phương diện thể loại,
văn đàn Sài Gòn chỉ có sự xuất hiện truyện ngắn, tiểu thuyết Nga. Di sản thơ ca
của các nhà thơ Nga như A. Puskin, M. Lermontov, N. Nekrasov, và cả các nhà thơ
Xô viết như A. Blok, X. Esenin, V. Maiakovski… vẫn còn là "khoảng trống"
trong tiếp nhận của độc giả miền Nam. Kịch cổ điển, hiện đại Nga càng xa lạ với
công chúng, có lẽ vì truyền thống sân khấu Nam Bộ luôn ưa thích cải lương hơn kịch
nói.
Theo số lượng sách được xuất bản tại Sài Gòn thì L. Tolstoi,
F. Dostoievski, A. Soljenitsyn là những tác giả có đầu sách dịch vượt trội.
Hầu hết tác phẩm của các nhà văn này đều được chuyển dịch
sang tiếng Việt, không ít trong số đó trước năm 1975 chưa được ra mắt bạn đọc
miền Bắc. Đây cũng là ba trường hợp tiêu biểu cho xu hướng tiếp cận văn học Nga
của độc giả miền Nam.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập vài nét khái
quát tình hình dịch thuật, nghiên cứu sáng tác của L. Tolsoi ở miền Nam giai
đoạn 1954 - 1975.
Theo Trần Phong Giao, trước 1945 đã có một số bản dịch cùng một
số sách viết về L. Tolstoi. Tuy nhiên, đây là “Việc làm lẻ tẻ và chú trọng tới
tính bác ái của tác giả nhiều hơn là nhằm giới thiệu những giá trị văn chương
tư tưởng” (1). Những sách báo ấn hành trước năm 1945 vốn đã ít, ngay sau đó lại
trở nên hiếm hoi, khó tìm kiếm. song dù sao, con đường để Tolstoi đến với công
chúng độc giả miền Nam cũng đã mở.
Trên tư liệu dịch thuật, độc giả miền Nam làm quen với
Tolstoi vào cuối những năm 50, khi trên các Tạp chí Văn hoá ngày nay, Bách khoa
giới thiệu tác phẩm Một bản đàn, đoạn trích Cái chết của An Đễ, Tâm trạng
một thương binh (trích Chiến tranh và hoà bình) qua bản dịch của Bảo Sơn. Song
trong thực tế, nhiều trí thức Sài Gòn đã biết đến tên tuổi, tác phẩm của
Tolstoi qua vốn kiến thức ngoại ngữ của họ trước cả thời gian lần đầu chuyển ngữ
tác phẩm. Nguyễn Hiến Lê nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi đọc Chiến tranh và hòa bình
là hồi 15 hay 16 tuổi… Lần thứ nhì tôi đọc lại là vào năm 1950, cũng lại là một
bản cắt bớt gồm sáu cuốn của nhà Bibliothèque Mondiale. Lần này tôi cũng say mê
như lần trước, hiểu tác phẩm hơn hồi trẻ và hiểu hơn thì lại càng thấy thú vị
hơn. Năm sáu năm sau, tôi mới kiếm được một bản đầy đủ của nhà Hazan. Tôi đọc lại
một lần nữa. Trừ Truyện Kiều, chưa có tiểu thuyết nào tôi đọc ba lần mà vẫn
thích như tác phẩm bất hủ đó của Tolstoi” (2). Vì thế, ngay từ năm 1960, trong
“Một chương trình dịch sách ngoại quốc” (Bách khoa số 125/1960), Nguyễn Hiến Lê
đã đưa L. Tolstoi vào danh mục đầu tiên, trong đó nhất thiết phải dịch bộ ba kiệt
tác Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh. Trần Phong Giao cho rằng
đến khi nào dịch và in xong năm kiệt tác của Tolstoi (Bản sonat Kreutzer,
Cái chết của Ivan Ilich, Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh) thì
giới làm sách mới có thể yên tâm “coi như đã giới thiệu được phần quan trọng,
đủ để tiêu biểu cho văn nghiệp của L. Tolstoi”(3).
Những năm 60 ngoài hai bản dịch Tình nghĩa vợ chồng, Một
bản đàn của Bảo Sơn được NXB Đời Nay tái bản năm 1961, xuất hiện bản dịch
Cái chết của Ivan Ilich (Vũ Đình Lưu dịch, NXB Thời Mới 1963). Truyện ngắn Số đất
cần cho con người (Nguyễn Vạng Hộ dịch, Tạp chí Bách khoa số 172 năm 1964),
truyện Ba người thánh thiện (Nguyễn Kim Phượng dịch, Tạp chí Bách khoa số 240
năm 1967), truyện Ba cái chết, Các cô bé khôn hơn người lớn, Người ta sống bởi
gì?, Cái xấu cám dỗ, nhưng cái tốt tồn tại, Việc làm, sự chết và bệnh tật, Thiện
ác đáo đầu (Nguyễn Kim Phượng và Lạc Nhân dịch, Tạp chí Văn số 128 năm 1969).
Đặc biệt năm 1969, ở Sài Gòn xuất hiện hai bản dịch Chiến
tranh và hoà bình. Một của Nguyễn Đan Tâm (dựa trên bản dịch rút ngắn của Manel
Komroff, trong đó bỏ một số chương Tolstoi bàn về tôn giáo, triết lí chiến
tranh và lịch sử) do NXB Miền Nam công bố. Bản dịch khác (trọn bộ 4 tập) của
Nguyễn Hiến Lê, NXB Lá Bối ấn hành. Nhân dịp này, Tạp chí Văn đã ra số đặc biệt
để “độc giả của Văn - những bạn ưa thích văn học dịch làm quen với Tolstoi, biết
tới sự xuất hiện của một tác phẩm cổ điển giá trị, đã từng được phiên dịch ra
nhiều thứ tiếng, phổ biến khắp hoàn cầu” (4). Trong hồi ký Đời viết văn của tôi,
Nguyễn Hiến Lê cho biết: cuối năm 1966, ông bắt tay dịch Chiến tranh và hoà
bình, tác phẩm mà theo ông, hàng trăm năm sau người ta vẫn đọc “mà khóc mà cười,
mà yêu đời hơn và hiểu đời hơn”. Ông nóng lòng vì sự chậm trễ việc chuyển ngữ
tác phẩm sang tiếng Việt, “đi sau Trung Hoa một phần tư thế kỷ”, chậm hơn miền
Bắc cả một thập niên. Về quan điểm dịch, Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Chiến tranh
và hòa bình là tác phẩm bất hủ của nhân loại cho nên chúng tôi dịch trọn, không
bỏ một hàng nào và theo sát lối hành văn của tác giả” (5). Nguyễn Hiến Lê có
tham khảo bản dịch của NXB Văn hoá, Hà Nội, công phu đối chiếu nhiều bản dịch,
gia công viết lời giới thiệu tác phẩm và lập bảng tra cứu mối quan hệ giữa các
nhân vật.
Những năm 70, trong sự bùng nổ về dịch thuật, tác phẩm của
Tolstoi liên tục xuất hiện qua các bản dịch: Đời tôi (gồm 2 truyện vừa Đời
tôi, Dũng sĩ miền núi), Vũ Minh Thiều dịch, NXB Khai Trí 1970, 1971, 1972; Khúc
nhạc mê li ( Nguyễn Văn Điền dịch, NXB Đất Sống, 1973); Vùng đất hồi sinh (Nguyễn
Đan Tâm và Vũ Kim Thư dịch, NXB Phù Sa, 1973); Tình trong chiến hào (Hoàng Hải
Thủy dịch, NXB Đất Mới 1973, 1974). Ngoài ra, tập truyện ngắn quốc tế Tử thần
chờ đợi (Xuân Hoàng tuyển dịch, NXB Tự Lực, 1974), in đoạn trích
Cái chết của Ivan Ilich. Tập 1001 truyện ngắn hay nhất thế giới (Nguyên Hùng
tuyển dịch, NXB Sống Mới, 1970) in truyện Lạc giữa đồng tuyết (Ông chủ và người
làm công). Có bản dịch vừa xuất bản đã có tiếp một bản dịch khác, chẳng hạn: Những
người Kodac của Tolstoi do Nguyễn Trọng Đạt dịch (NXB Trí Đăng, 1970) với nhan
đề Sơn lâm êm đềm, đến năm 1973, NXB Đất Sống giới thiệu bản dịch của Mặc Đỗ dưới
một nhan đề khác: Vùng đất hoang vu…
Tần số xuất hiện không quá khiêm tốn các bản dịch tác phẩm
Tolstoi ở miền Nam vào những năm 60 và đầu những năm 70 có nhiều nguyên nhân.
Đây là thời kỳ chính quyền Sài Gòn đang cố sức du nhập sự đa nguyên về tư tưởng
để quảng bá cho “chế độ tự do” của Việt Nam Cộng Hòa. Việc du nhập sự đa
nguyên, “tự do” về tư tưởng ấy được triển khai rất rộng rãi ở hoạt động dịch
thuật. Trong đống hỗn độn những văn hóa phẩm của gần 150 nhà xuất bản có nhiều
tác phẩm là tinh hoa văn học thế giới, trong đó có tác phẩm của Tolstoi. Một điểm
nữa cần lưu ý là các nhà xuất bản ở Sài Gòn mang tính chất tư nhân, kinh doanh
cạnh tranh. Bị chi phối bởi quy luật kinh tế thị trường nghiệt ngã, các nhà xuất
bản luôn và buộc phải chú ý thị hiếu bạn đọc. Tác phẩm có người hâm mộ, bán chạy,
họ mới cho in sách. Nhiều hiện tượng văn học trở thành “mốt” thời thượng như tiểu
thuyết kiếm hiệp Kim Dung, tiểu thuyết tình cảm Quỳnh Dao… thu hút đông đảo độc
giả. Việc chọn dịch tác phẩm của nhà văn tầm cỡ thế giới như L. Tolstoi không
ngoài mục đích vừa đáp ứng nhu cầu độc giả, vừa trông mong thành công lợi nhuận.
Tình trạng nhiều nhà xuất bản cùng đổ xô dịch tác phẩm của Tolstoi là điều dễ
hiểu. Cũng có trường hợp, chẳng hạn NXB Lá Bối in tác phẩm của Tolstoi để “như
muốn ghi nhận mối tha thiết của L. Tolstoi đến đạo Phật và ghi nhận sự đồng điệu
giữa trường phái Tolstoi, chủ nghĩa bất bạo động của Tolstoi với thuyết Phật
giáo” (6).
Có thể nói, những bản dịch tác phẩm L. Tolstoi, tại miền Nam
trước 1975 đã góp phần giới thiệu sáng tác của cây bút văn xuôi cổ điển Nga.
Bên cạnh bản dịch thành công như Chiến tranh và hoà bình của Nguyễn Hiến Lê thì
chất lượng nhiều bản dịch cần cân nhắc, kiểm định lại . Hầu hết các bản dịch đều
được dịch qua ngôn ngữ trung gian (tiếng Anh, tiếng Pháp), không có sự đối chiếu
với bản tiếng Nga. Hơn nữa, sự phát triển như thác chảy về mặt số lượng các bản
dịch, tất nhiên không thể đảm bảo chất lượng của chúng. Về điều này, N.
Nikulin nhận xét : “Dù chỉ mới xem sơ qua một số bản dịch, cũng đã có một ấn
tượng đáng buồn. Ví dụ, lật bản dịch Phục sinh của Tolstoi do NXB Phù Sa, Sài
Gòn in năm 1973, ta sẽ thấy ngay sự nghèo nàn về ngôn từ, sự thiếu chính xác,
không tương xứng về văn phong. Người dịch đã dịch từng chữ, nên đã chia nhỏ những
“trường đoạn” ngôn ngữ nổi tiếng của Tolstoi thành những câu ngắn nát vụn” (7).
Ngoài ra, có hiện tượng một số dịch giả miền Nam tuỳ tiện thay đổi
nhan đề tác phẩm. Chẳng hạn: Bản sonat tặng Kreutzer thành Một bản đàn, Khúc
nhạc mê li; Phục sinh thành Vùng đất hồi sinh; Những mẩu chuyện Sevastopol
thành Tình trong chiến hào; Những người Kodac thành Sơn lâm êm đềm, Vùng đất
hoang vu, Dũng sĩ miền núi; Cái chết của Ivan Ilich thành Tử thần chờ đợi… Sự
thay đổi nhan đề như vậy phản ánh phần nào cách hiểu nội dung tư tưởng và hướng
tiếp cận tác phẩm của dịch giả nhưng cũng gây khó khăn cho người đọc trong việc
truy tìm tên gốc tác phẩm từ nguyên bản.
Trên đây là tình hình dịch thuật. Còn tình hình nghiên cứu?
Ở miền Nam, trước 1975 chưa có những người nghiên
cứu chuyên sâu về văn học Nga. Việc giới thiệu tác phẩm phần lớn do các dịch giả
quen thuộc đối với độc giả miền Nam như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hữu Hiệu,
Trương Đình Cử, Đỗ Khánh Hoan, Bửu Ý, Hoàng Ưng… đảm nhiệm. Họ đóng vai trò
“môi giới” đưa văn học Nga đến với công chúng không chỉ trên phương diện dịch
thuật mà cả trên phương diện giới thiệu tác phẩm. Dựa vào nguồn tư liệu nước
ngoài cùng sự cảm thụ cá nhân, họ đưa ra những nhận xét, đánh giá ý nghĩa thế
giới của văn học cổ điển Nga, tầm ảnh hưởng của các nhà văn Nga đối với lịch sử
văn học nhân loại.
Trong sự tiếp nhận của độc giả miền Nam, L. Tolstoi được
đánh giá là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học thế giới. Phong
cách cổ điển trong sáng, hài hòa của L. Tolstoi chiếm được cảm tình số đông bạn
đọc miền Nam, những người vốn quen với lối văn chương tả thực, giản dị. Họ
nhận thấy "bóng dáng to lớn của ông sừng sững trong thư viện các quốc gia
và dềnh dàng trong các tủ sách gia đình: không một người nào biết đọc lại
không đọc Tolstoi" (8).
Ý nghĩa thế giới của Tolstoi trong lịch sử văn học được giới
nghiên cứu miền Nam khẳng định: “Léon Tolstoi là một nhà văn lớn… Tác
phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đưa lên màn ảnh, phổ biến rộng
rãi khắp năm châu bốn bể, đã nâng ông lên hàng vĩ nhân… của nhân loại” (9). Người
ta nhắc đến ông như tác giả của những bộ tiểu thuyết đồ sộ, dày hàng ngàn trang
với Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh và không ngần ngại khi
đánh giá ông là đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học cổ điển thế giới, “một
trong những hoá thân vĩ đại của nghệ thuật văn chương” (10).
Từ năm 1959, Nguyễn Hiến Lê đã giới thiệu tiểu sử Tolstoi dưới
nhan đề Léon Tolstoi - một Á thánh trên Tạp chí Bách khoa và trong tập sách Gương
danh nhân được xuất bản cùng năm. Là học giả uyên bác, Nguyễn Hiến Lê đem đến
cho độc giả miền Nam nhiều gương mặt tiêu biểu của văn chương Nga.
Ông viết loạt bài về Gogol, Turgenev, Dostoievski, Chekhov, song đặc biệt yêu
thích văn phong L. Tolstoi. Ông dịch, viết lời giới thiệu hơn trăm trang về Chiến
tranh và hoà bình. Khi bản dịch hoàn thành, ông tâm sự: “Ôn lại thời gian sống
với Chiến tranh và hòa bình, tôi thấy trên hai năm đó tôi đã hiểu Tolstoi hơn…
Tôi cũng hiểu thêm nhân sinh quan của Tolstoi trong phần kết của truyện mà
Somerset Maugham hết lời tán thưởng” (11). Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Truyện như
chưa hết, ngưng lại ở giữa cuộc đời của các nhân vật chính… Phần chung cục gần
như là một khúc âu ca nhắc nhở loài người sống giản dị và hoà hợp với nhau
trong cảnh thiên nhiên” (12). Theo ông, lối kết trong Chiến tranh và hòa bình
là lối kết hay hơn cả trong bốn lối kết của tiểu thuyết (13).
Cũng như các nơi khác trên thế giới, tại miền Nam trước 1975,
Chiến tranh và hòa bình được giới nghiên cứu đánh giá là một trong những tuyệt
đỉnh của tiểu thuyết Nga, là tác phẩm bộc lộ đầy đủ, trọn vẹn nhất sức mạnh
thiên tài nghệ thuật của Tolstoi. Hoàng Vũ Đức Vân khâm phục nghệ thuật phân
tích tâm lý của Tolstoi: “Mặc dù ông không tả đời sống bên trong của các nhân
vật mà chúng ta vẫn cảm thấy rõ rệt đời sống bên trong ấy như được phân tích thật
tỉ mỉ, kỹ lưỡng” (14). Nguyễn Hiến Lê thì bị thu hút bởi “những trang hay nhất
trong Chiến tranh và hòa bình là những trang tả cảnh sinh động. Có hàng trăm,
hàng ngàn cảnh khác nhau mà cảnh nào cũng như đang diễn lại trước mắt ta” (15).
Mỗi người, tùy cách cảm, đều tìm thấy ở Tolstoi cái hay, cái đẹp của nghệ thuật
văn chương đích thực; không ít người đã dùng tác phẩm của ông để trau dồi cách
viết.
Bên cạnh Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina cũng được coi
là tiểu thuyết tâm lý xuất sắc, bức họa vĩ đại về thực tại Nga thời kỳ biến
chuyển dữ dội của lịch sử. Người đọc nhận ra ở nhân vật Levin những tương đồng
với tác giả về “sự cố gắng giúp đỡ dân quê, niềm tin vào Chúa, tình yêu nhân loại,
nỗi thôi thúc suốt đời muốn sống tốt hơn lên” và tìm thấy qua những trang tiểu
thuyết này “sự phấn đấu của một tâm hồn tìm kiếm chân lý cuộc đời” (16). Dù còn
nhiều vấn đề nội dung, nghệ thuật chưa được đề cập, nhưng nhận định trên đây của
nhà sách Khai Trí có thể coi như sự trình bày quan điểm về cách hiểu, cách cắt
nghĩa tác phẩm.
Lời Tựa của NXB Phù Sa cũng cho thấy cách tiếp cận phổ biến của
độc giả miền Nam đối với Phục sinh, tiểu thuyết cuối cùng của
Tolstoi. Theo nhận định của NXB Phù Sa, cội nguồn sức mạnh khiến Vùng đất hồi
sinh vượt được thời gian, không gian, “sống luôn hai thế kỷ và có mặt khắp nơi
trên thế giới” bởi chính những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Tuy nhiên ở đây,
người ta đã dùng những từ ngữ “to tát” để bàn về nội dung cuốn tiểu thuyết; chẳng
hạn, cho rằng Vùng đất hồi sinh là “một thử thách của ý niệm khai phóng xã hội
nông nghiệp, một mặc cả vô hiệu giữa điền chủ và nông nô, những ẩn ức của kẻ
làm chính trị mà không nghĩ mình làm chính trị, một sự trả giá giữa Con người
và Thượng đế” (17).
Nghiên cứu L. Tolstoi, không phải lúc nào giới phê bình Sài
Gòn cũng có cái nhìn khách quan. Chẳng hạn, nhận xét các nhân vật lịch sử trong
Chiến tranh và hòa bình, Nguyễn Hiến Lê có cách hiểu chưa thấu đáo, cho rằng
Tolstoi “thâm oán Napoleon…, kẻ thù của dân tộc ông, cho nên trong Chiến tranh
và hòa bình ông đã bôi nhọ Hoàng đế Pháp” (18). Theo chúng tôi, khi phân tích,
lý giải các sự kiện lịch sử cũng như các nhân vật, Tolstoi trước hết dựa trên
những chuẩn mực đạo đức mà ông nhìn thấy trong nhân dân, coi đó là thước đo
hành vi, tiêu chuẩn đánh giá nhân vật. Quan điểm này, ở mức độ đáng kể, đã quy
định phương thức điển hình hóa trong sáng tác của nhà văn. Theo Tolstoi, cái vĩ
đại không thể tách rời đạo đức, “ở đâu không có sự giản dị, không có cái thiện
và cái chân thì ở đấy không thể có sự vĩ đại được”. Hình tượng Kutuzov và
Napoleon được xây dựng chính trên nền tư tưởng ấy.
Những suy nghĩ của Tolstoi về cái vĩnh viễn của cuộc đời là đề
tài gây chú ý giới trí thức Sài Gòn. Cái chết quả là một bí mật mà suốt đời
Tolstoi muốn khám phá, tìm hiểu, nhằm giải đáp câu hỏi quan trọng nhất của con
người : Sống là gì? Chết là gì? Và cần phải sống như thế nào? Trong khi cái
chết đối với Tolstoi vừa là đối tượng của sự sáng tạo nghệ thuật, vừa là một phạm
trù triết học thì Tràng Thiên lại giải thích tư tưởng nhà văn theo một cách
khác: “Tolstoi khoẻ mạnh, đầy sức sống và có lẽ tại vì thế đối với cái chết,
ông lo lắng và sợ hãi hơn các nhà văn khác.” (19). Theo Tràng Thiên, truyện Cái
chết của Ivan Ilich thể hiện nỗi khắc khoải suốt đời của Tolstoi xung quanh ý
tưởng về cái chết. Vẫn biết Tolstoi là con người đầy mâu thuẫn và không ít mâu
thuẫn tạo nên sự vĩ đại của nhà văn. Nhưng thật ra trong tác phẩm này, Tolstoi
không miêu tả sự khủng khiếp của cái chết, mà kể sự khủng khiếp của cuộc đời, một
cuộc đời “đơn giản, bình thường nhất và cũng đáng sợ nhất”. Trước lúc chết,
Ivan Ilich mới nhận ra cuộc sống vô nghĩa trước đây của mình, mới hiểu rằng
mình chưa bao giờ sống như một con người thực sự. Bằng sự thức tỉnh ấy, Tolstoi
đã phê phán, vạch trần sự giả dối của cuộc sống quý tộc Nga và khẳng định:
không thể sống như vậy, cần phải sống khác!. Rất khác nhau giữa cách người ta sống
và cách người ta phải sống. Cái chết của Ivan Ilich có ý nghĩa đánh thức. Dụng
ý thức tỉnh cuộc sống không chỉ có trong tác phẩm này, mà còn vang lên trong
nhiều tác phẩm khác của Tolstoi. Không chú ý đến tính hệ thống của quan điểm,
trong tác phẩm của Tolstoi, và do vậy, không chú ý đến yếu tố tích cực ấy,
Tràng Thiên chỉ quan tâm khía cạnh huyền bí của cái chết: “Tolstoi chiếu một
cái nhìn tỉ mỉ và sáng suốt trên cuộc sống và cái chết ấy, thong thả trình bày
lại từng chi tiết. Và tự nhiên từ câu chuyện tầm thường ấy vang một run sợ mênh
mông huyền bí” (20).
Sẽ thú vị khi so sánh L. Tolstoi và Dostoievski - hai tiểu
thuyết gia vĩ đại nhất của văn học cổ điển Nga trong nhận thức của độc giả miền Nam.
Nếu Dostoievski thể hiện rõ hơn một nước Nga phương Tây thì L. Tolstoi lại mang
một nước Nga phương Đông rất rõ nét. Ở miền Nam, Dostoievski được khai thác nhiều
khi các trào lưu triết học hiện đại phương Tây như Hiện sinh, Hiện tượng luận,
Phân tâm học… du nhập ồ ạt vào các thành thị. Sáng tác của Dostoievski bao quát
nhiều mâu thuẫn, nhiều hiện tượng phức tạp, đặc trưng cho sự phát triển xã hội
Nga thế kỷ XIX. Tác phẩm của ông đậm tính triết lý, nhân vật được khai thác ở
những bình diện tâm lý khác thường, không mấy thích hợp với số đông độc giả miền
Nam vốn có xu hướng thích văn chương giản dị, tả thực. Theo họ, đối với tâm hồn
người Việt Nam thì tinh thần của L. Tolstoi dễ tiếp thu hơn. Cái gốc
lập trường xem xét đời sống của Tolstoi là đạo đức. Ông chủ trương dùng cách tu
thân để cải tạo xã hội, yêu thương mọi người, coi đó là nguyên tắc tối cao của
cuộc sống. Điều này gần gũi với tinh thần đạo Phật vốn rất thịnh hành ở miền Nam những
năm 60 - 70. Hơn nữa, trong xã hội miền Nam dưới thời bị tạm chiếm,
bao vấn đề ngổn ngang về thân phận con người, thời cuộc, tương lai… được đặt ra
với những hướng giải quyết khác nhau. Đến với Tolstoi, không ít người muốn tìm
lại niềm tin vào đạo đức, tìm giải pháp hữu hiệu dẫn đến một xã hội hòa đồng mà
không phải kinh qua con đường bạo lực. Vì vậy, không ngẫu nhiên, trên mảnh đất
miền Nam xa xôi này, Tolstoi được tiếp nhận vừa như một nhà văn - một nghệ sĩ,
vừa như một nhà tư tưởng, một triết gia tôn giáo. “Ảnh hưởng của ông về văn
chương, cũng như về tinh thần bác ái, về chủ thuyết bất bạo động đã lan rộng từ
lâu” (21).
Cũng sẽ thú vị khi so sánh việc giới thiệu L. Tolstoi, một
tác giả cổ điển với một tác giả văn học hiện đại Nga là Soljenitsyn ở miền Nam
trước năm 1975. Sau khi nhận giải Nobel năm 1970, Soljenitsyn lập tức trở thành
sự kiện trong đời sống văn nghệ thành thị miền Nam. Tên tuổi ông xuất hiện
trong hàng loạt bài nghiên cứu phê bình, khảo luận, lời giới thiệu của các tác
giả nước ngoài và Sài Gòn. Soljenitsyn được coi là nhà văn duy nhất thời hiện đại
sánh cùng L. Tolstoi và Dostoievski, nhưng khi ca ngợi nhà văn này, người ta
không che giấu xu hướng tuyên truyền chính trị lộ liễu nhằm mục đích tìm kiếm cái
gọi là “sự thật sau bức màn thép”. Còn đối với Tolstoi, cách đánh giá của giới
học thuật Sài Gòn có phần thuần nhất, ít bị chi phối bởi quan điểm chính trị -
xã hội hơn.
Tóm lại, L. Tolstoi giữ một vị trí xứng đáng trong số các tác
giả văn học nước ngoài được giới thiệu ở miền Nam trước 1975. Có thể
thấy sự thâm nhập của hiện tượng Tolstoi trong đời sống văn hóa văn nghệ miền
Nam qua hàng loạt bản dịch của các nhà xuất bản, các bài nghiên cứu của giới
phê bình Sài Gòn và tác giả nước ngoài trên các tạp chí. Những bản dịch và bài
viết đã giúp người đọc phần nào hiểu được sự nghiệp sáng tác của nhà văn, giá
trị nội dung, nghệ thuật các tác phẩm lớn. Tuy nhiên ở một số bài nghiên cứu, nội
dung trình bày còn nặng về tư liệu, thiên về khai thác những chi tiết
trong cuộc sống thường nhật của nhà văn, quan tâm đến những vấn đề thứ yếu mà bỏ
quên những vấn đề thực chất, căn bản (chẳng hạn, bài của Linh Khải với nhan đề:
“Léon tolstoi - người chạy trốn gia đình” trên Tạp chí Thời đại số 98/1963, hoặc
“Những giờ phút cuối cùng của đại văn hào Léon Tolstoi” của Hoàng
Thắng trên Tạp chí Phổ thông số 139 - 140/ 1964, v.v…).
Tìm hiểu L. Tolstoi ở miền Nam trước 1975, bài viết
trình bày vấn đề qua đối tượng tiếp nhận cụ thể là giới dịch thuật, nghiên cứu
phê bình. Đối tượng này đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn dư luận xã
hội về văn hóa, văn học và có ảnh hưởng quyết định đến việc tiếp nhận của các đối
tượng khác. Hy vọng phần trình bày có thể tái hiện phần nào diện mạo văn
hóa cùng những khuynh hướng thẩm mỹ đặc thù, thế giới quan, tầm hiểu biết của độc
giả thành thị miền Nam trong một giai đoạn lịch sử phức tạp và đầy biến động.
Chú thích:
(1), (3), (4), (9), (21) Trần Phong Giao: "Vài cảm nghĩ
xuôi dòng", Tạp chí Văn số128/1969, Sài Gòn, tr.80, 82, 79, 82, 80.
(2), (11) Nguyễn Hiến Lê: "Lời cảm ơn gửi nhà xuất bản",
Văn số 128/ 1969, Sài Gòn, tr. 18, 22.
(5), (12), (15), (18) Nguyễn Hiến Lê: "Công việc dịch của
chúng tôi", Chiến tranh và hòa bình, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1969, tr. 111,
85, 101, 97.
(13) Nguyễn Hiến Lê: “Bốn lối kết trong tiểu thuyết, bốn nhân
sinh quan”, Bách khoa số 290, 291/1969, Sài Gòn, tr. 18.
(16) Lời “Tựa” Anna Karenina, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1973,
tr. 26.
(8), (10), (17) Lời “Tựa” Vùng đất hồi sinh, NXB Phù Sa, Sài
Gòn, 1973, tr. 7, 7, 14.
(6), (7) N.I.Nikulin: "Tác phẩm của Lep Tônxtôi ở Sài
Gòn thời bị tạm chiếm", Tạp chí Khoa học xã hội số 7/1991, Viện khoa học
xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, tr. 83, 87.
(19), (20) Tràng Thiên: "Một đề tài của Tolstoi: cái chết",
Bách khoa số 163/ 1963, Sài Gòn, tr. 67, 67.
(14) Hoàng Vũ Đức Vân: "Léon Tolstoi trong tác phẩm Chiến
tranh và hòa bình", Văn học số 22/1964, Sài Gòn, tr. 38.
22/9/2020
Trần Thị Quỳnh Nga
Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét