Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của Trường thơ loạn 2

 Nghệ thuật tượng trưng trong 

sáng tác của Trường thơ loạn 2

Để sáng tạo nên tác phẩm, nhà thơ phải thoát ly cuộc đời, sống trong “cõi khinh thanh”; xem mình là “một con thú rừng, tự vào trong gai để tìm lấy cỏ hoa riêng”, là “một ánh sao băng, luôn luôn tự đuổi chạy mình bởi thèm khát hư vô, và ước ao kỳ lạ” [98,45]. Nghĩa là nhà thơ phải tự làm mới mình, và phải dấn thân vào nơi nguy hiểm để tìm đất cho thơ. Chính quan niệm trên, Chế Lan Viên đã chọn một con đường đi riêng, một khoảng trời riêng cho mình - là cõi âm, là quá khứ đau thương của nước Chàm xưa cũ. Đó là xuất phát đầu tiên cho xúc cảm, để rồi cùng với mẫn cảm và trí tưởng tượng phi thường giúp Chế Lan Viên tạo lập một cõi khác - một lịch sử đau thương trở về. Bằng cái nhìn siêu hình, hư ảo, thi nhân đã cảm nhận ranh giới giữa địa ngục và cuộc sống, giữa cõi âm và cõi dương thật mờ ảo, mong manh… 

Cùng với bài tựa của Chế Lan Viên, hàng loạt bài viết tâm huyết về thơ của Hàn như: Quan niệm thơ, Nghệ thuật là gì?, Chiêm bao với sự thật, Tựa tập Thơ điên, Tựa tập Tinh huyết, Tựa tập Xuân như ý... cũng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của Trường thơ Loạn. Quan niệm thơ rất khác thường, tất yếu Hàn cũng quan niệm “nhà thơ không phải là người thường” (Lời bạt Một tấm lòng của Quách Tấn). Trong Chế Lan Viên một thi sĩ điên, với bút danh Phong Trần, Hàn xem “thi sĩ là một thần đồng”, “một thần đồng đã làm cho thiên hạ ganh tỵ!” [91,241]. Tựa Tinh huyết, Hàn gọi Bích Khê là “thi sĩ thần linh”, “một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mùi phước lộc”, “một đóa hoa thần dị”. Người được xưng tôn là kẻ cai trị Trường thơ Loạn này giống Chế Lan Viên ở cái nhìn phi thường về vai trò nhà thơ. Có điều, quan niệm của Hàn lại được trình bày dưới màu sắc tôn giáo. Nhà thơ không chỉ được Hàn đặt cho những danh xưng sang trọng, như: “thiên tài”, “thần đồng”, “người thơ”, “vị khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”..., mà còn có một tên gọi rất lạ khác là “loài thi sĩ”: “Trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ” (Thư Hàn Mặc Tử gửi cho Hoàng Trọng Miên, trong bài Quan niệm về Thơ). Trên cả “thiên thần” và trên cả “loài người”, chỉ “loài thi sĩ” mới biết tận hưởng tạo vật, thể hiện cuộc viễn du tinh thần đưa lời thơ đến nhân loại. Đó là lúc thần trí được thăng hoa, bay tản đi chỉ còn lại linh hồn trong cõi mộng để “toàn thân thi sĩ rung động như một sợi đường tơ”… Ta có thể xem sự điên loạn trong sáng tạo nghệ thuật của Hàn chính là sự biểu hiện cao nhất của trạng thái đau thương, thể hiện khát vọng sống mãnh liệt đến khốc liệt của một thi tài đang thực hiện “cuộc chạy đua bạt vía đối với tử thần” [75,230], phút chốc ngoái nhìn cuộc đời trong xót xa, chới với. Vì vậy, thơ Hàn thường có nhịp điệu gấp gáp của một con người đang rượt đuổi thời gian để giành sự sống. Đó là lý do giải thích vì sao đối với Hàn, thơ chính là bản tốc ký tâm trạng: “Bị truy kích bởi cái chết, Tử hối hả dồn dập chứ đâu có làm văn! Anh trút đời mình, lòng mình thành từng trận, từng hơi chữ đâu có ngồi điêu khắc, chạm trỗ từng câu, từng chữ” [90,258]. Thực chất, Hàn muốn đề cao vai trò của vô thức, tiềm thức trong sáng tạo mà thi sĩ ảnh hưởng từ lối viết “tự động tâm linh” theo quan niệm của chủ nghĩa siêu thực. Cảm hứng dâng trào mang đến những phút giây xuất thần đưa nhà thơ vào một thế giới mông lung, thăng hoa trong sáng tạo. Em trai Hàn Mặc Tử từng ghi lại trạng thái đặc biệt này của anh mình: “… Thường ngồi khoanh tay, nghe hơn là nói… nhiều lúc như xuất thần, anh không hay biết gì xung quanh, nhất là lúc anh ngâm thơ, giọng như run run đau đớn” [92,21]. Thơ Hàn là cuộc hành trình tìm vào vô thức trong sâu thẳm tâm linh của chính mình. Sự dịch chuyển những ham muốn vô thức mà trung tâm là ẩn ức “tình dục” (libido) có lẽ cũng là một phần căn nguyên của sáng tạo nghệ thuật thơ Hàn: “Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải - Chúng tôi kê đầu lên khối sao băng - Chúng tôi nói chuyện bằng hơi thở - Dần dần hoa cỏ biến ra thơ - Tôi lại là người của ước mơ - Không xác thịt chỉ linh hồn đang mộng” (Rượt trăng). 

Lối viết tự động tâm linh cùng quan niệm xem quá trình sáng tạo nằm ngoài lý trí này cũng có ở Chế Lan Viên. Trong Giao thừa in trong tập Vàng sao, Chế viết: “Giống những nhà thi sĩ kia, đầu óc một khi trang trải xong rồi cứ ngồi im trong tưởng vọng. Đêm tối tiềm thức làm gì mặc nó, miễn là hôm sau thức dậy tưng bừng trước mắt ta một buổi mai có chim, có bướm và có… mặt trời” [98,54]. Và nhà thơ dựng lại quá trình sáng tạo của mình trong giây phút vô thức và sự điên loạn thống trị hoàn toàn tâm hồn và thể xác: “Điên! Điên! Điên! Và say nữa xin say - Điên đến chết và say cho đến khóc - Say thêm nữa! Phút yêu say vàng ngọc… - Đắt bao nhiêu xin cũng cứ mua cho” (Sôi nổi - in trong Vàng sao). Trong những phút giây “điên”, “say”, “mơ” ấy, bằng khiếu năng riêng biệt, thi nhân đã tạo cho mình một đặc quyền để nhận diện thực tại luôn biến đổi. 

Màu sắc kỳ dị của Trường thơ Loạn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của Bích Khê. Không có những tuyên ngôn mạnh mẽ về quan niệm thơ như hai bậc đàn anh, Bích Khê chỉ lặng lẽ sáng tác theo khuynh hướng của Trường thơ Loạn. Nhưng qua Tinh huyết và Tinh hoa, nhà thơ cũng coi thi sĩ là “siêu đẳng, thần linh”, là “kẻ siêu phàm, thoát tục” trên tất thảy người đời: “Ta trên Đài Vọng Hải - Ngất ngưởng mặt thần đồng - Khôi ngô và lẫm liệt - Từ nay trên Ngọc Điện - Chỉ nhượng Phật Như Lai” (Hậu Ngũ Hành Sơn). Người nghệ sĩ siêu đẳng, thần linh ấy đã luyện được cho mình cái nhìn “thấu thị”, “chọc thủng” rào cản giữa thế giới hữu hình và thế giới siêu nhiên vô hình để sáng tạo nên một cõi thơ linh thiêng huyền bí. Cùng đề cao vai trò nghệ sĩ, nhưng thơ Bích Khê được nhìn dưới góc độ khác, không nhiều sự chết chóc, đớn đau, bi thương như hai bạn đồng hành, trái lại đầy nhạc điệu, màu sắc và hương hoa. Được đánh giá là nhà thơ tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng triệt để nhất, Bích Khê dường như tuân thủ tất cả những đặc trưng cơ bản, nổi bật của học thuyết tượng trưng trong sáng tác của mình. Bài Xuân tượng trưng phần nào phản ánh quan niệm nghệ thuật của chính nhà thơ: “Hỡi lời ca man dại - Điệu nhạc thở hơi rừng - Đêm nay xuân đã lại - Thuần túy và tượng trưng” (Xuân tượng trưng). “Thơ thuần túy” chịu phần ảnh hưởng của Valéry. “Thơ tượng trưng” chịu phần ảnh hưởng của Baudelaire, xa hơn nữa là Edgar Poe. Hàn gọi Bích Khê là “bật nảy thiên tài”. Con đường thơ Bích Khê “nhuộm đầy máu huyết Baudelaire”, người mà nhà thơ tôn làm vua thi sĩ: “Baudelaire! Người là vua thi sĩ! - Cho xin trụm bao nhiêu mùi thi vị - Phà hơi lên, truyền nhiễm thấu trần ai…” (Ăn mày - Bích Khê). Để sáng tạo “tính hiện đại” kiểu Baudelaire, Bích Khê dựa vào cảm quan mở rộng, vào trực giác tinh tế, vào cả vô thức và bản năng, từ đó chắt lọc cái đẹp từ cái tầm thường và nhơ nhuốc, tìm đến chỗ khải thị tuyệt đích nhằm “chiếm lĩnh thế giới cùng cái đẹp nguyên sơ, toàn vẹn” [55,39]. Thơ với Bích Khê là “đường kiến trúc nhẹ nhàng theo điệu mới” nên lời thơ phải “lóng lánh hạt châu trong”. Thơ phải là nhạc, là họa, là nhiếp ảnh, là điêu khắc, là vũ đạo, và phải là “một hỗn độn đẹp xô bồ say dậy”. Chỉ cần điểm qua một số bài thơ Bích Khê như Sọ người, Duy tân, Xuân tượng trưng, Tranh lõa thể…, ta sẽ thấy ở đó một thế giới tân kỳ, lung linh, biến ảo “mà tính tượng trưng, siêu thực, thần linh, âm nhạc có cơ hội để tích hợp với nhau làm nên cái nền đa dạng, phong phú… và ngoạn mục mà chủ nghĩa lãng mạn trước đấy chưa có được” [64,23]. Yếu tố siêu thực dù không nhiều như Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, nhưng cũng mang đến cho thơ Bích Khê cách nói tự nhiên với những hình ảnh bất chợt và thú vị, kiểu như: “Yêu bằng mộng và mơ tim sáng láng” hay “Đây sự thực trần truồng nằm giữa háng!” (Trái tim)… Bích Khê đã mở cho riêng mình một con đường thơ với khát vọng duy tân cháy bỏng ngay từ lúc Thơ mới lãng mạn đang nằm trên đỉnh vinh quang. 

Chủ trương làm nên những vần thơ điên loạn và khó hiểu, cùng sự tôn thờ những vần thơ của Valéry, Baudelaire và quan niệm của Mallarmé: “Nói cho rõ một vật có nghĩa là bỏ qua mất ba phần tư lạc thú khi đọc thơ”, vì vậy với Trường thơ Loạn, thơ hay chỉ có thể suy tư mà “cảm”, yên lặng mà “nghe” những thanh âm rung động trong lòng hơn là nói ra thành lời một cách rạch ròi. Cảm quan mỹ học của các thi sĩ tượng trưng luôn tạo ra thi hứng mãnh liệt để siêu hình hóa mọi trạng thái, mọi phẩm chất, mọi cảm thức về không gian, thời gian, về ý nghĩa cuộc sống, nên sáng tạo thơ đối với Trường thơ Loạn là những phút giây lóe sáng xuất thần trong cuộc phiêu du của linh hồn. “Thi nhân tự biến mình thành tiên tri thấu thị bằng một sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan, lâu dài, rộng lớn phi thường và hợp lý” (Rimbaud). Lúc điên cuồng, họ gào thét trước nỗi đau thể xác để rồi bùng lên khát vọng sống mãnh liệt. Quá trình sáng tạo này được coi là mất trí, phát điên. Nhưng sự điên cuồng tuyệt nhiên không phải là bệnh lý mà là trạng thái nhiệt hứng, khi xúc cảm thăng hoa đến tột độ: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa tôi mất trí, tôi phát điên” (Tựa Đau thương). Trong Mùa thu đã tới, Hàn một lần nữa khẳng định: “Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên”: “Bây giờ tôi dại tôi điên - Chắp tay tôi lạy cả miền không gian” (Một miệng trăng - Hàn Mặc Tử). 

Cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Bích Khê đều thích thú khi nhiều lần nhắc đến trong thơ mình những chữ: Điên - Cuồng - Loạn, và quả thật những chữ ấy đã ám vận vào đời và thơ họ một cách tự nhiên không thể tách rời. Những giây phút “mất trí”, “phát điên”, “cuồng dại” ấy chính là thời điểm hưng phấn sáng tạo tràn qua bờ ngăn lý trí, giành lấy quyền điều hành ngòi bút của người nghệ sĩ để ký thác nên những dòng thơ bằng tất cả nỗi niềm tâm trạng. Tất cả trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật lý tưởng, như Hàn có lần phát biểu: “Khi nào tôi òa lên khóc, hay gào thét như người điên, lúc bấy giờ tôi mới làm thơ được”. Đó có thể là khoảnh khắc chán nản: “Nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối - Mênh mang lên, bát ngát tựa đêm sâu” (Tạo lập - Chế Lan Viên), nơi cái đẹp đã được đẩy sang một địa hạt khác của sự kinh dị tột cùng: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút - Mỗi lời thơ đều dính não cân ta” (Rướm máu - Hàn Mặc Tử). Cũng có khi, đó là cuộc phiêu diêu đầy chuếnh choáng: “Ôi! say khướt mới dào muôn ý tứ - Ôi! điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao - Ôi! dâm cuồng mới biết giá trăng sao” (Trái tim - Bích Khê). Thơ Loạn không trực tiếp phản ánh hiện thực mà phản ánh tâm trạng trước hiện thực bằng cái nhìn đầy huyền ảo và le lói những tia sáng dị kỳ. Hàn Mặc Tử mượn thơ chắp cánh cho một cuộc viễn du trong cõi mộng mơ, huyền diệu: “Ta bay lên! Ta bay lên! - Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm - Ta ở trên cao nhìn trở xuống - Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm” (Chơi lên trăng). Bích Khê cũng chìm vào một thế giới bí ẩn “Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ - Trên mồ con quạ đứng im hơi” (Nấm mộ - Bích Khê). Chế Lan Viên huy động tất cả mọi tiềm năng tinh thần để viết nên những câu thơ siêu thoát: “Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại - Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta! - Để những giọt máu đào còn đọng lại - Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ” (Cái sọ người - Chế Lan Viên). 

Quan niệm “Làm thơ là làm sự phi thường”, Trường thơ Loạn triền miên ngụp lặn trong thế giới rùng rợn mà vùng vẫy, kêu la: “Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì nó cũng tột cùng” (Tựa Điêu tàn). Thoát ly vào thơ và làm thơ thoát ly hiện thực, đó là đặc điểm cốt lõi của phong trào Thơ mới. Nhưng nếu thoát ly của Thơ mới là một trạng thái tâm lý xã hội, lấy “thanh sắc thời gian làm tài liệu” để tìm kiếm chốn nương thân nương hồn, thì thoát ly ở thơ Loạn mang một chiều kích khác, một bản chất khác. Đó là sự cố tình phơi bày những hình ảnh đau thương để tạo cảm giác “đê mê, tê liệt” từ các liên hệ ngang - dọc, gần - xa, trực tiếp - gián tiếp, trong ý thức, tiềm thức và vô thức… Ý gọi ý, hình gọi hình, nhạc lay thức nhạc trong một trường cảm xúc mãnh liệt, biểu hiện thành lời thơ, thi phẩm. Vừa tiếp nối chủ nghĩa lãng mạn của phong trào Thơ mới, nhưng đồng thời Trường thơ Loạn đã đặt bước chân của mình vào chủ nghĩa tượng trưng và đưa thơ vào những chấm phá đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực. Baudelaire và các nhà thơ tượng trưng phương Tây xem thi sĩ như là thiên tài cao cả, linh diệu, đứng hẳn lên trên loài người. Trong Lời chúc phúc, Baudelaire cho rằng: “Nhà thơ theo lệnh các quyền lực tối cao” “xuất hiện giữa thế gian buồn chán”, “nhưng được sự bảo trợ vô hình của Thiên thần”. Cách nói đượm màu tôn giáo huyền bí trên đã tôn vinh loài thi sĩ đến tột đỉnh, mà đối với Trường thơ Loạn, sáng tác thi ca là một việc làm phi thường. Vì thế, thi sĩ là kết tinh của những gì siêu việt, những đối cực thần thánh và quái dị, linh thiêng và tầm thường, say đắm mơ màng và điên cuồng loạn trí… 

Khát khao làm sự phi thường, sáng tác của Trường thơ Loạn đã vượt khỏi “tầm đón đợi” của người đọc, của thi đàn Thơ mới. 

2.3.2. “Thơ là hoa trái của đau thương và sắc màu hoan lạc” 

Nỗi buồn là âm hưởng chủ đạo của Thơ mới, nhưng đến với Trường thơ Loạn, trên cả nỗi buồn là nỗi đau. Sự cô độc là một trong những trải nghiệm đau đớn đầu tiên, gần như bản mệnh của các thi sĩ thơ Loạn. Ngay từ quan niệm “làm thơ là làm sự phi thường” và “thi sĩ không phải người thường”, cũng đồng nghĩa Trường thơ Loạn chấp nhận những kiếp sống đơn độc giữa đời thường. Cùng với vạn cô liêu cõi lòng là những vết thương ái tình không kín máu, một xác thân bệnh tật vô phương cứu chữa, sự ghẻ lạnh của người đời như lãnh cung định mệnh của cuộc đời quăng quật. 

Âm hưởng đau thương từ quan niệm thơ kết tinh những linh hồn mang trong mình khổ đau và khát vọng là khoảnh khắc trở dạ của đứa con tinh thần, là chất liệu để chưng cất thành thơ, để thơ nở ra “những bông hoa thần dị” (chữ dùng của Hàn Mặc Tử), thành tiếng ca hoan lạc trên miền “thượng thanh khí” rực rỡ quang năng. Chế Lan Viên với nỗi đau tinh thần chất chồng một khối sầu bi thống. Chính quá khứ dân tộc Chàm trong niềm bi hận là khách thể đích thực để thơ được thăng hoa. Điều này một phần được chi phối bởi tư tưởng Chế Lan Viên. Nhà thơ tin vào chân lý của nỗi buồn, tin vào hạt lệ như một ẩn dụ của nỗi đau: “Hạt lệ! Những cành hoa cho vô tận hái. Hạt lệ! Những ngọc trai mà bể tim đau. Hạt lệ! Những ngôi tinh lạc rơi từ một vòm trời luôn luôn khuya khoắt là bầu mắt thẳm xuống một trần gian mãi mãi gió sương mà lòng đau bát ngát của con người” [98,15]. Và vì vậy, đối tượng thi ca của Chế là thế giới đau thương: “Sự đau thương chẳng khác, nó vốn ở lòng người. Nó thụ thai trong những chiếc bào thai, không đến từ bên ngoài, không lại từ sự vật” [98,39]. Điều này giải thích vì sao khi thơ Chế Lan Viên “đầy những điệu sầu bi - Đầy hơi thịt ý ma cùng sắc chết” (Tiết trinh). 

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong ba thành viên chủ chốt của Trường thơ Loạn, đến hai người mắc bệnh nan y. Số mệnh đã đặt họ đứng chông chênh giữa bờ vực sống - chết, khiến thi nhân phải cất lên bằng tiếng thơ tuyệt vọng. Hơn tất cả, Hàn Mặc Tử nhạy cảm đặc biệt với nỗi đau, vì đau thương là một định mệnh miên man ám ảnh cuộc đời Hàn. Như tiên tri cho số phận bi kịch của mình, ngay khi còn là một thanh niên căng tràn sức sống, Hàn đã chọn cho mình bút danh Phong Trần - gió bụi và Lệ Thanh - tiếng khóc. Hàn cho rằng: “Thơ là hoa trái của đau thương”, và xem đau thương như hành vi sáng tạo. Đau thương hành hạ thân xác Hàn, đồng thời cũng cung cấp cho ông nguồn năng lượng sáng tạo vô biên. Ta có thể xem Hàn là hiện tượng ám ảnh nhất trong lịch sử thi ca Việt. Ám ảnh vì “Hàn Mặc Tử là một phức hợp gồm nhiều mặt: một thân phận thơ đầy bất hạnh, một hồn thơ hết sức dị biệt và một tâm hồn thơ vừa trong trẻo bí ẩn, vừa huyền diệu ma quái” [77,1]. Nhà thơ muốn phô bày tất cả bản thể của mình qua thơ. Mỗi chữ trong thơ Hàn đều in bóng nỗi đau của chính mình: “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết - Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh - Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết, - Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” (Rớm máu - Hàn Mặc Tử). Cảm nhận nỗi đau “bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, nên nỗi đau đã hình thành cá tính và thi pháp thơ ông. Nỗi đau ấy khiến thi nhân nhìn thấy quanh mình cái gì cũng dữ dội, mãnh liệt và dâng cao như ngọn cuồng phong rồi đổ ào xuống cuốn tất thảy vào lòng mình bằng sự khủng khiếp không gì cản được. Con người trong thơ ông chính là hình bóng phản chiếu cuộc đời ông. Tuy vậy, chúng ta không nên đồng nhất tiếng rên xiết trong thơ với tiếng gào xé đớn đau của tấm thân bệnh hoạn. Chỉ khi nào những đau đớn xác thân chuyển hóa sang địa hạt tinh thần, hòa vào nỗi đau tinh thần qua cảm quan thi sĩ, thì khi đó mới thai nghén thành thơ. Đau đớn xác thân chính là chất liệu để hồn thơ được chưng cất. Vì vậy, đọc Hàn, ta bắt gặp đầy những vần thơ chảy máu: “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi - Bao giờ tôi hết được yêu vì - Bao giờ mặt nhật tan thành máu - Và khối lòng tôi cứ tợ si” (Những giọt lệ). Đó là thi liệu, là cảm hứng vô biên để hồn thơ cất cánh, nên không phải tình cờ, tập thơ xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn cũng có có nhan đề Đau thương! 

Nếu Hàn Mặc Tử ngày đêm chứng kiến sự ăn mòn thể xác của bệnh phong như từng giờ đẩy mình đến cửa tử, thì Bích Khê cũng chịu đựng nỗi đau không kém của bệnh lao quái ác: “Muôn ưu phiền dày đặc ứ trong đầu - Muôn sầu hận xây mồ ngay giữa phổi” (Châu - Bích Khê). Và ông đã trút hết nỗi đau để kết tinh, chưng cất thành Tinh huyết, Tinh hoa. Hàn lý giải ở Bích Khê - “thi sĩ thần linh” rằng: “Sự điên cuồng ấy uyên nguyên một phần ở thiên tài, một phần ở đau khổ” [29,45]. Đau thương là khởi điểm để Bích Khê “phát tiết hết tinh lực của hồn của máu”, là giây phút thi nhân điên cuồng ọc ra từng búng thơ sáng láng: “Anh ghi lấy ảnh. Những đau thương - Thấm tận lòng anh khổ chán chường - Anh úp mặt vào đôi mắt ấy - Rồi không ngăn được. Lệ anh tuôn” (Ảnh ấy - Bích Khê). Đó là một quá trình “lên đồng”, là sự “nhập thần” mãnh liệt đến mức thi nhân phải bật thành những tiếng khóc - than - gào - rú: “Thơ tôi lưu luyến giữa dòng châu - Trễ nải cho nên ứ mộng sầu - Châu vỡ thiên tài lai láng cả - Chết rồi, khí phách của tôi đâu?” (Đây bản đàn thơ - Bích Khê). 

Từ trong đau thương, rũ liệt của cơ thể tàn tạ và cô đơn đã bùng cháy sự xuất thần thành năng lực huyền nhiệm làm nên những vần thơ chói lọi. Nói như Gottfried Keller: “Tôi đã làm chủ được nghệ thuật chịu đựng niềm vui, nỗi khổ và niềm vui đau khổ trở thành niềm hạnh phúc với tôi”. Chồng chất nỗi đau, những vần thơ Loạn đậm đặc hơi thở kì bí và rùng rợn, thậm chí như điên như dại, phải: “gào vỡ sọ”, “thét đứt hầu”, “khóc trào máu mắt”, thấm đẫm nỗi niềm đam mê ma quỷ. Cái đẹp đến từ cái quái đản, điều này rất gần với chủ nghĩa tượng trưng của Verlaine, Rimbaud, và nhất là Baudelaire - tác giả Những bông hoa ác! 

“Thơ là hoa trái của đau thương”. Thật vậy! Vì chính đau thương đã kết nụ cho thơ thành hoa, thành trái. Đó cũng có thể xem là những vần thơ chân thật nhất về nỗi đau con người. 

Đối với Trường thơ Loạn, “những cảm xúc đối nghịch” (L. S. Vygotskij) luôn song hành cùng nhau trong thi hứng của các thi nhân. Bằng những đôi mắt nhuốm đầy đau thương, các nhà thơ nhìn đời như một thảm sử. Hiện tại chỉ là cơn vật vã cuối cùng bên bờ nỗi chết. Nhưng càng đến gần cái chết, niềm khát sống, hân hoan sống lại càng thêm mãnh liệt. Về hiện tượng này, Heine cho rằng: “Từ nỗi đau đớn của mình, tôi lấy ra những khúc ca nhỏ”. Nietzsche cũng nhận định tương tự: “Chỉ có những người khổ đau mới thể nghiệm được sự thoáng hiện của hoa quỳnh hạnh phúc”. Đó cũng là hai hướng chính trong xúc cảm và trong quan niệm nghệ thuật của Trường thơ Loạn. Chính vì vậy, xem thơ là hoa trái đau thương, Trường thơ Loạn đồng thời cũng xem thơ là tận cùng của nguồn hoan lạc. 

Biểu hiện đầu tiên của niềm khoái lạc trong thơ Loạn đó là sự ham muốn vô biên những vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết. Theo quan niệm Trường thơ Loạn, hành trình thơ của một thi nhân tất yếu phải đến được “cõi mơ ước hoàn toàn”. Cõi mơ ước ấy với Hàn là “trời mơ trong cảnh thực huyền mơ”, là “đường trăng sao ánh nguyệt tuyệt vời bay”, nơi “rực rỡ ánh sáng muôn năm” của sự vĩnh hằng trong khoái lạc đến tột cùng, tuyệt đối: “Ta sống mãi cùng trăng sao gấm vóc - Trong nắng thơm trong tiếng nhạc thần bay” (Trường thọ - Hàn Mặc Tử). Ở địa hạt huyền diệu ấy, Hàn quên đi đau khổ, quên đi tục lụy trần thế để đón chào mùa xuân như ý ngập tràn ánh sáng và hương hoa. Với Hàn, làm thơ là “hái những lá tinh hoa”, là đang “say sưa đi trong mơ ước” (Tựa Điêu tàn), trong huyền diệu, trong ánh sáng và vượt ra hẳn ngoài hư linh. Tắm gội trong thế giới tượng trưng đầy hào quang, diễm ảo với “hương gấm”, “nhạc thơm”, “mộng ngọc”, thi sĩ dường như cũng tan loãng ra hòa vào thượng thanh khí của chốn xa vời: “Chúng ta biến em ơi! Thành thanh khí - Cho tan ra hòa hợp với tinh anh - Của trời đất, của muôn ngàn ý nhị - Và tình anh sáng láng như trăng thanh” (Sáng láng - Hàn Mặc Tử). 

Trong Quan niệm thơ, Hàn Mặc Tử khẳng định mình “không giống Baudelaire lắm”, và so sánh: “Baudelaire lấy Passion (dục tình) làm hứng vị cho thơ”, còn Hàn lấy “tình cảm” làm đối tượng và cảm hứng. Thực ra, đó chỉ là cách nói. Làm nên hứng vị cho thơ Hàn vẫn có dục tình, nhưng nhiều hơn là sự nguyên khôi của con tim khao khát. “Tình cảm là sự thanh sạch hồn nhiên, không một chút gì bợn thơ, tội lỗi, còn dục tình là một sự ham muốn phi thường, ngoài điều răn dạy của Đức Chúa Trời” [91,263]. Nghệ thuật với Hàn là những âm thanh thiêng liêng như “đức tin kiều diễm” và xem Đức Chúa Trời là cội nguồn của thơ: “Đức Chúa Trời vừa là điểm xuất phát cội nguồn, vừa là đích đi tới, tiêu chuẩn của thơ” [56,102]. Và Hàn đã ca ngợi Đức Chúa Trời, ca ngợi Thượng đế bằng những khúc thánh ca, bằng những lời cầu nguyện trong cơn nguy cấp: “Cho tôi dâng lời cảm tạ phù nguy - Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế” (Thánh nữ đồng trinh Maria). Ta cũng có thể xem thơ Hàn là tiếng thơ đi về giữa đời và đạo, phần đời đằm thắm còn phần đạo siêu thoát, không định hướng. Đó là hệ quả tất yếu của quan niệm coi thi sĩ là thiên sứ cái đẹp với niềm đê mê khoái lạc. 

Nếu thơ Hàn Mặc Tử là cái đẹp ở cõi huyền diệu thì thơ Bích Khê là cái đẹp tinh khiết, nguyên sơ thuần túy, tuyệt đối trong tự nhiên và con người. Khám phá vẻ đẹp thánh thiện, cao quý là cách để Bích Khê chiếm lĩnh thế giới và tạo vẻ thanh cao cho tòa thơ mình. Hàn Mặc Tử đồng cảm với quan niệm này của Bích Khê: “Thơ sẽ ham thích hết sức những gì thanh cao như hương thơ nhơn đức của vì á thánh” (Tựa Tinh huyết). Quan niệm này chi phối thơ Bích Khê từ nghệ thuật xây dựng hình tượng đến cách sử dụng ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu. Bước vào thi giới Bích Khê như bước vào cõi thơ mộng của dạ lan, của đỉnh trầm hương hòa quyện, lan tỏa trong khắp không gian nhuốm đầy “tơ trăng lụa”. Mọi cảnh trí, sắc màu đi vào thơ Bích Khê đều được ảo hóa tạo cho thơ vẻ đẹp huyền hồ khó nắm bắt. Bằng đôi mắt mộng mơ và nhạy cảm, “nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…” (Tựa Tinh huyết), Bích Khê đã phát hiện, mĩ hoá bao vẻ đẹp thanh cao từ thiên nhiên và con người. 

Tận cùng khoái lạc với Chế Lan Viên là được “tắm trong trăng”, “ngủ trong sao”. Từ chán nản, cô đơn, Chế tìm cho mình một chỗ để ẩn nấu, để lui tới, để lánh xa cuộc đời trần tục. Đó là cõi xa xăm của vũ trụ, sao trời để trốn chạy khỏi chốn điêu linh: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh - Một vì sao trơ trọi cuối trời xa - Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh - Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo” (Những sợi tơ lòng). Đi từ “cõi ta” đến “cõi trăng sao”, “cõi mộng” để chạy trốn hiện tại, nhà thơ hi vọng chốn vũ trụ bao la sẽ giúp tâm hồn được khuây khỏa, nhưng “một tinh cầu giá lạnh” không thể sưởi ấm được tâm hồn băng giá, “một vì sao trơ trọi” chỉ càng làm tăng thêm nỗi tái tê đang tràn ngập cõi lòng. Vì vậy, Chế tìm về quá vãng để sống với một thời rực rỡ, và hơn hết tận hưởng những phút giây hoan lạc cùng “Chiêm nương gờn gợn sóng cung Hằng” (Mộng), từ đó nhận diện bằng tâm tưởng những gì không còn của quê hương Chàm yêu dấu. 

Hướng về cái đẹp thanh cao và khoái lạc của cuộc sống, Trường thơ Loạn tiếp tục làm giàu có thêm những biểu hiện mĩ học sáng tạo tân kì. Tuy nhiên, đọc thơ Loạn, có thể thấy rõ một điều: niềm khoái lạc lớn nhất của thi nhân là khám phá, chiếm lĩnh cái đẹp kinh dị. Cũng vì vậy, các thi nhân luôn bị thôi miên bởi những huyền bí trong hành trình “đi tìm sự lạ” (Nghệ thuật là gì - Hàn Mặc Tử). Cõi tịnh độ, Niết bàn không làm vơi đi những ám ảnh một địa ngục ác dữ đang nuốt dần sự sống. Hàn thường xuyên rơi vào trạng thái cô đơn tuyệt đối, tinh thần bị vây khốn giữa cõi lòng đơn độc, nên thơ Hàn lảng vảng những bi ai trầm thống, và ánh mắt rờn rợn của thần chết kề bên. Điều này cũng có nghĩa, bản thân cõi tinh thần của Hàn đã là điều kinh dị. Nó kích thích khả năng sáng tạo nghệ thuật trong Hàn bằng rung cảm, khát khao… Trong niềm khoái lạc vô biên ấy, thi sĩ triền miên ngắm nhìn cơ thể mình chảy máu. Vì máu là duyên cớ để thơ ông lai láng, tuôn trào: “Lời thơ ngậm cứng không rên rỉ - Và máu tim anh vọt láng lai - Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt - Tiếng vang tha thiết dội muôn nơi” (Rớm máu)… Như vậy, quá trình sáng tạo thơ với Hàn vừa là nỗi đau tột cùng, vừa là niềm khoái lạc vô biên. Chính trong nguồn khoái ấy đưa thi sĩ vào cõi tâm linh có nhạc và có hoa, có đau thương và mơ mộng, có lãng mạn và siêu thoát, có âm vọng thánh kinh. 

Là thần dân trung thành của vương quốc thơ Loạn, Chế Lan Viên khoái lạc với cái đẹp linh thiêng. Từ cái đẹp phá cách này, Chế chọn cho mình một khách thể thẩm mĩ mang tính hư cấu - siêu hình - kinh dị chi phối thế giới nghệ thuật thơ ông suốt những năm tháng “điêu tàn”: “Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ - Ta sẽ ca những giọng của hồn điên - Để máu cạn, hồn mê, tim tan vỡ - Để trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền” (Điệu nhạc điên cuồng). Thế giới hỗn loạn đến rùng rợn của bãi tha ma đầy sọ người, xương khô, thịt rữa cùng tiếng kêu của tượng Chàm lở lói, tiếng gào thét của những hồn điên thực chất là ý niệm giúp ông giải thoát khổ đau, bế tắc, tuyệt vọng ở chốn trần gian. 

Bích Khê cũng quan niệm cái đẹp ở dạng thức tột cùng của hai thái cực: thanh cao và kinh dị. Và dạng thức nào cũng mang lại cho Bích Khê niềm đam mê, khoái lạc. Cái đẹp thanh cao là cái đẹp của Trăng - Hoa - Hương - Nhạc. Cái đẹp kinh dị là cái đẹp của Điên - Cuồng - Loạn - Ác. Nó là sự xé rào, phản ứng, là sự không chấp nhận đóng khung cái đẹp trong quan niệm đạo đức đương thời. Quan niệm mỹ học này của Bích Khê cũng như của thi sĩ thơ Loạn chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Baudelaire. Vị tổ trường phái tượng trưng này từng quan niệm: “Hỡi cái Đẹp, con quái vật khủng khiếp và chất phác thơ ngây, dù ngươi đến từ phương trời cao hay địa ngục. Điều đó có hề chi nếu con mắt, nụ cười và bàn chân ngươi mở cho ta cánh cửa của vô tận mà ta mến yêu và chưa hằng biết đến” (Baudelaire). Nhiều nhà thơ của phong trào Thơ mới tiếp thu quan niệm khác lạ và độc đáo này, trong đó Trường thơ Loạn để lại nhiều thành công hơn cả, vì ngay khi bước vào thi đàn Thơ mới, thi sĩ thơ Loạn đã muốn đi đến tận cùng cuộc duy tân táo bạo với thi ca. 

Dù rằng, xét từ quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, quan niệm của Trường thơ Loạn đã quay lưng lại lịch sử lầm than của cả một dân tộc. Mặt khác, ảnh hưởng Edgar Poe, Baudelaire cùng các nhà tượng trưng và siêu thực phương Tây, Trường thơ Loạn đề cao vai trò của thi nhân, của cái đẹp đến mức cực đoan, phiến diện… Nhưng nếu xét từ lịch sử phát triển văn học, không thể phủ nhận những tiến bộ của Trường thơ Loạn khi thực hiện bước nhảy vọt về chất trong tư duy sáng tạo bằng quan niệm nghệ thuật tân kỳ. Vượt qua vực sâu tâm hồn với bao tang tóc, viễn du vào một thế giới rộng rinh không bờ bến, các thi sĩ thơ Loạn trong niềm khoái lạc vô biên đã kết tinh và thăng hoa thành những vần thơ nhuộm đầy máu huyết. 

Tiểu kết 

Có thể thấy, sự tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng vừa là một tất yếu khách quan trong tiến trình hiện đại hóa văn học, vừa là một sự lựa chọn nghệ thuật của các tác giả phong trào Thơ mới. Tuy là một thi phái đến từ phương Tây, nhưng thơ tượng trưng không quá xa với truyền thống và kinh nghiệm thẩm mỹ của người phương Đông và Việt Nam. Sự tiếp thu và gặp gỡ này tạo nên những dòng tượng trưng: Dạ Đài, Xuân Thu nhã tập và Trường thơ Loạn. Riêng với Trường thơ Loạn, quá trình ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng còn chịu tác động không nhỏ từ không gian văn hóa của một vùng đất. Quy Nhơn - Bình Định với vẻ đẹp tự nhiên và truyền thống lịch sử, nơi giao hòa hai nền văn hóa Việt - Chăm, nơi hội tụ những điều thiêng liêng, kì bí khó giải nghĩa đã khơi gợi hồn thơ của biết bao thi sĩ, trong đó có những gương mặt thơ độc sáng kiến tạo nên một tổ chức thi ca với tuyên ngôn nghệ thuật lạ lẫm đã mang lại dáng dấp hiện đại mới cho thơ, góp phần làm nên sự đa sắc màu cho cả một nền văn học.  

CHƯƠNG 3

NGHỆ THUẬT TƯỢNG TRƯNG TRONG SÁNG TÁC CỦA TRƯỜNG THƠ LOẠN - NHÌN TỪ THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG VÀ BIỂU TƯỢNG 3.1. Hình tượng cái tôi trữ tình 

Cái tôi cá nhân (individu) là hình tượng chủ thể trữ tình trong một tác phẩm trữ tình, là nơi nhà thơ giãi bày lập trường, tư tưởng, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan của mình. Nó vừa là đối tượng phản ánh, vừa là kết quả của sự miêu tả, tự đánh giá, tự ý thức của chính nhà thơ. Theo Vũ Tuấn Anh “Cái tôi trữ tình là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt độc đáo mang tính thẩm mĩ nhằm truyền đạt tinh thần ấy đến người đọc” [2,32]. Tiến trình thơ trong lịch sử văn học nói chung luôn luôn đồng hành với sự vận động của các kiểu cái tôi trữ tình. “Mỗi thời đại đều có lối cảm xúc tế nhị hay cao siêu, hay tự do của nó. Tóm lại, mỗi thời đại đều có lối quan niệm riêng về thế giới của nó. Cái này được biểu hiện rõ ràng nhất và hoàn toàn nhất vì tiếng nói dùng để diễn đạt tất cả những gì diễn ra trong tinh thần con người” [81,15]. Trong sáng tác của Trường thơ Loạn, hình tượng cái tôi trữ tình được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có khi xuất hiện trực tiếp, có khi gián tiếp, ẩn khuất. Do sự nhận thức của cuộc đời và nghệ thuật ở mỗi thi sĩ của trường thơ khác nhau nên cái tôi trữ tình trong thơ họ cũng khác nhau. Nhưng chung quy lại, ảnh hưởng của thời đại cùng những tương đồng về tư duy triết mỹ và cảm quan tôn giáo đã đưa thi phẩm của các thi sĩ thơ Loạn gặp gỡ nhau để tạo nên một cái tôi thống nhất. 

3.1.1. Cái tôi gắn kết thi nhân và tín đồ 

Dù không đồng nhất, nhưng cái tôi trữ tình trong thơ thường là sự hiện diện của bản thân nhà thơ, nó vừa có sự thống nhất với nhà thơ “văn như kỳ nhân”, hay “phẩm chất của thơ bắt nguồn từ phẩm chất của người” (Lưu Hy Tái), vừa là “một hình tượng vượt ra khỏi nhà thơ” (R. Becher). Mỹ học Mác - Lênin quan niệm: “Loại hình nghệ thuật là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt của con người, được phân biệt dựa theo đối tượng của sự phản ánh, dựa theo tính chất và kiểu loại hình tượng, theo những phương thức thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người, theo chất liệu và theo các quy luật xây dựng hình tượng đặc trưng của mình” [67,96]. Nếu Hoài Thanh gọi Thơ mới là thời đại “chữ tôi” thì có thể xem các thi sĩ thơ Loạn là những người đi xa nhất trên hành trình tìm kiếm cái tôi thành thật đang đòi hỏi được khẳng định, được phơi trải. Trong sáng tác của Trường thơ Loạn, cái tôi trữ tình đóng vai trò như một chủ thể phát ngôn cho những cảm nghĩ, suy tư, mộng ước của nhà thơ trước cuộc đời; là sự thống nhất giữa thi nhân và tín đồ. Nói cách khác, thi nhân và tín đồ là những dạng thức đặc biệt của cái tôi trữ tình nhà thơ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình trong Trường thơ Loạn. 

Không phải ngẫu nhiên, trong sáng tác của Trường thơ Loạn, màu sắc tôn giáo trong thơ trở thành cảm hứng - trạng thái tâm lý đặc biệt. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa của nó: 

Thứ nhất, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử gắn bó với mảnh đất Quy Nhơn - Bình Định - nơi hội ngộ của nhiều tôn giáo, từ đạo Phật, đạo Thiên chúa, đến Balamôn giáo đều có mặt. Tuy không phải tín đồ của một tôn giáo nào, nhưng có lần Chế Lan Viên tự thú: “Nỗi buồn ghê gớm nhất, những hư vô sâu thẳm nhất để lại cho tôi, chính là các nền tôn giáo. Mở đầu tôi yêu Chúa. Rồi tôi yêu Phật. Tôi tìm Chúa qua các giáo lý của Cơ đốc giáo, của Tin lành. Và tôi tìm Phật nơi bàn thờ Phật của cha tôi, ở kinh các chùa và ở ngoài chùa nữa. Có lẽ văn chương đã góp phần nhiều, dẫn lối đưa đường nhiều trong vấn đề này. Làm sao không rung động trước những trang Tân ước và Cựu ước, trước cái trữ tình của Nhã Ca (Cartique des Cantique) và siêu thực của Khải Huyền (Apocalypse). Và Kinh Lăng Nghiêm kiến trúc tầng tầng lớp lớp sâu thẳm và rạng rỡ như cái trời sao thăm thẳm rạng ngời làm tôi mê lúc ấy” [99,53]. 

Hàn Mặc Tử trước hết là một tín đồ, Francois Nguyễn Trọng Trí sinh ra trong một gia đình công giáo lâu đời và được nuôi dưỡng trong sự ngoan đạo. Từ nhỏ, tôn giáo đã thấm vào huyết mạch. Và khi tôn giáo trở thành một phần cuộc sống, cất giữ phần hồn thì nó chi phối tư tưởng, tình cảm và cả hành động. Bởi vậy, nhà thơ ảnh hưởng tôn giáo là điều có thể hiểu. 

Bích Khê nương náu cửa chùa bên tiếng cầu kinh, gõ mõ để thoát khỏi buồn đau trần giới. Năm 1936, Bích Khê đi tu tại chùa Ông Rau, trên núi Tà Cú. Đến năm 1937, nhà thơ lại đến một ngôi chùa khác: chùa Phú Thọ, để làm thơ vừa nghiên cứu Đạo Phật. Bích Khê “đã bắt gặp Đạo Phật một cách ngẫu nhiên là tín ngưỡng truyền thống của gia tộc” [54,27-28]. 

Thứ hai, không chỉ được tiếp xúc với các tôn giáo khác nhau, cả ba trụ cột của Trường thơ Loạn này còn có sự gặp nhau về quan niệm tôn giáo. Với các thi sĩ, tất cả các tôn giáo tuy khác nhau về giáo phái nhưng đều là những đấng tối cao hướng tới nhân văn và thánh thiện. Hàn cho rằng: “Đạo vốn có một”, do người đời hiểu sai lạc rồi đem phân ra thành đạo này đạo nọ. Thơ Hàn dày đặc những hình ảnh và bí tích tôn giáo. Có thể nói, Hàn đã tích hợp các tôn giáo để biểu đạt tôn giáo của riêng mình. Chế Lan Viên đã gọi một lượt tất cả hình bóng của “Đấng tối cao” - “Tạo Hóa” là Thích Ca, Giê Su, Khổng Khâu, Lão Tử... Nghĩa là thi sĩ không hẳn thuộc về một tôn giáo nào cả với tư cách tín đồ. Trong Vàng sao, Chế Lan Viên cầu nguyện về điều đó: “Thích Ca! Giê Su! Khổng Khâu! Lão Tử! Tôi đều thành tâm trước uy linh huyền diệu của các ngài”. Và, ở Bích Khê: “Thiên đường và Niết bàn theo tôi là những cái tên chỉ một chốn và đạo Phật, đạo Thiên Chúa… là những con đường để đi đến cực lạc và vĩnh cửu đó vậy” [54,28]. Đó là lý do giải thích vì sao sáng tác của mỗi tác giả trong Trường thơ Loạn bị chi phối bởi không chỉ một, mà nhiều tôn giáo khác nhau. 

Thứ ba, đối với Trường thơ Loạn, đau thương là âm hưởng chủ đạo chi phối và bao trùm khắp không gian thơ. Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã trải qua tất cả kinh hoàng bệnh tật. Còn Chế Lan Viên, một người luôn tìm về quá khứ huy hoàng ngày xưa để u hoài nuối tiếc khi đối diện với một thế giới hoang tàn, đổ nát hiện tại. Bệnh tật và nỗi cô đơn khủng khiếp đã khiến các thi sĩ thơ Loạn rơi vào trạng thái cuồng loạn miên viễn. Định mệnh nghiệt ngã đó xô họ đến với tôn giáo để mở cánh cửa giải thoát khổ đau, tuyệt vọng, và để được giãi bày tâm sự với nàng thơ. Những thương khó của cuộc đời khác chi so với quan niệm bể khổ. Niết bàn là cõi hoàn toàn diệt dục cũng như thiên đường là sự giải thoát đều gặp nhau ở chỗ là ước mơ của con người trong tai ương, bất hạnh. Cõi cực lạc, tịnh độ đầy hoa, đầy nhạc, đầy hương, đầy ánh sáng… là khát vọng vượt thoát mãnh liệt của những thi nhân đối lập với thực tại đầy đau khổ, trần ai. Sáng tác của Trường thơ Loạn vì thế được chạm khắc bởi nhiều tư tưởng tôn giáo, đem lại một tiếng nói mới lạ, thần bí cho thơ. 

Khi cuộc sống bị dồn đuổi gấp gáp, khi cái chết đến cận kề, nỗi tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, Bích Khê luôn bị ám ảnh về cõi Niết Bàn. Tiếng cầu kinh, tiếng mõ đã làm tâm hồn thi nhân như thoát khỏi buồn đau nơi trần giới. Hai tháng trước ngày từ giã cõi trần, Bích Khê niệm Kinh Di Lặc và tin tưởng ngày nhắm mắt có Phật đến rước. Hình ảnh đức Phật sáng ngời trong thế giới thơ Bích Khê như hứa hẹn một niềm cực lạc: “Liêu trai trở lại, lánh vòng trần - Ma Phật mơ hồ mộng với thân - Mặt ngọc bên trời tàn bóng nguyệt, - Mình ta trước cửa thưởng hoa xuân” (Gõ bồn). Cũng có lúc Bích Khê nghĩ đến thiên đường nơi Thánh Giá, nhưng cuối cùng thi nhân quy y với Phật Như Lai. Những vần thơ trên mộ chí của Bích Khê mang đậm triết lý luân hồi. Tinh anh con người như còn lẫn khuất giữa lằn ranh hư - thực, sau phút giây thể phách giã từ cõi sống để đến được với một thế giới nhiệm màu mà hồn thi sĩ sẽ cư ngụ trong ánh trăng thanh: “Thân bệnh: ngô vàng, mưa lá rụng - Bút thần: sông lạnh bóng sao rơi - Sau nghìn thu nữa trên trần thế - Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi” (Đề bia trước mộ - Bích Khê). Tư tưởng tôn giáo ảnh hưởng rất sâu đậm đối với Chế Lan Viên. Thơ Chế Lan Viên đem đến cho người đọc “niềm kinh dị” một phần nhờ lối tư duy tôn giáo siêu hình. Đó là sự tổng hợp của đạo Phật và Thiên chúa: “Ta lắng nghe những thế giới bao la - Tụ họp lại trong lòng muôn hột cát - Dòng tư tưởng dần trôi trong lầm lạc - Hồn say sưa vào khắp cõi trời mơ” (Ngủ trong sao). Cái tôi trữ tình trong Điêu tàn còn hóa thân vào một tín đồ đang hướng tới đức Phật linh thiêng. Nếu trong cuộc đời Phan Ngọc Hoan không là một tín đồ tôn giáo nào thì trong thơ, ta lại bắt gặp một Phật tử Chế Lan Viên ngoan đạo, rất thành tâm, tha thiết, đang quỳ lạy trước Phật đài với một tấm lòng thành kính, tin tưởng tuyệt đối vào phép màu nhiệm của Như Lai: “Như Lai ơi! Con góp hết lòng tin - Xin quỳ đây nô lệ trước chân thiêng” (Sôi nổi). Nhà thơ nguyện làm nô lệ của Phật, khát khao được dâng hiến, đem hết lòng tin, tấm chân tình lên tế lễ đấng linh thiêng. Trong khoảnh khắc này, cái tôi thi nhân đang ẩn tàng dưới bóng dáng một đức tin đang nghiêng mình kính cẩn trước chân thiêng Phật đài. Hướng vọng về Như Lai với một đức tin sùng đạo nhưng với Chế, tìm đến cõi Phật cũng không nằm ngoài mục đích giải thoát khỏi bể khổ trầm luân của cuộc đời, khẩn cầu lòng khoan dung độ lượng, từ bi hỉ xả của Đức Như Lai hãy đoái thương đứa con lạc loài của Người đang khổ đau rên xiết dưới cõi dân gian: “Rất nhiệm màu, ôi Đấng Cả Mâu Ni - Xin từng thác từng nguồn mau rộng mở - Lòng thương cao xuống lòng con đau khổ - Dầu chỉ trong một phút, hãy cho xem - Trời Tây phương thất bảo chói trang nghiêm” (Say). Không chỉ thành tâm cầu nguyện như một tín đồ ngoan đạo, Chế còn tìm đến Phật để giãi bày, mong tìm được sự cảm thông, sẻ chia từ Người. Bất hạnh trong cuộc đời, đau khổ trong tình yêu, Chế quay về với Phật mong tìm được sự yêu thương, che chở của ngày xưa thân ái: “Hãy nắm lấy tay con, hãy ôm con vào ngực - Hãy để trong lòng cao, lòng thơ con thổn thức - Hãy cho con chuốc rượu đảo linh hồn” (Sôi nổi). Nhưng cũng có khi Chế hướng vọng về Chúa và Phật bằng mắt nhìn chất vấn: “Ðã triệu đời qua, Chúa còn soi bóng - Narcisse muôn năm, trên lòng giếng rộng - Ðáy Hư Vô, Người ngửa mặt trông trời - Ta là ai? Người thấy đó là ai?” (Ta là ai?)… Thoát ly vào tôn giáo là một đặc điểm của cái tôi trữ tình thơ Chế Lan Viên trước cách mạng. Dù lối thoát chỉ mang tính “hạnh phúc hư ảo”, nhưng lại là con đường cứu rỗi linh hồn thi nhân. Như vậy, con đường đi về với Phật của tín đồ Chế Lan Viên là xuất phát từ nhu cầu được giải thoát của cái tôi thi sĩ. Cõi Phật là lối thoát tâm linh, tinh thần của cái tôi đau thương, tuyệt vọng. Dù hiện tồn dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng luôn có sự thống nhất giữa thi nhân và tín đồ trong cái tôi trữ tình Chế Lan Viên - một cái tôi đau thương, sầu não, luôn khao khát hướng tới cõi vô cùng. 

Trong Trường thơ Loạn và cả phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử có lẽ là nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất tư tưởng tôn giáo, và cũng là “văn gia công giáo” duy nhất được ghi trong Việt Nam giáo sử. Thơ Hàn dày đặc những hình ảnh và bí tích tôn giáo. Hàn thừa nhận: “Tôi dùng văn chương và triết lý nhà Phật để làm thơ mà thôi, tôi lợi dụng cả hai thể văn tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”. Nhận ra cõi đời là khổ lụy, nhà thơ đã tìm Cực Lạc Quốc Độ của Phật A Di Đà để giải thoát. Cõi Tây Phương hiện lên trong thơ Hàn Mặc Tử trang nghiêm và kiều diễm: “Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho - Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo” (Đêm xuân cầu nguyện). Thi nhân lạc vào Đạo Từ Bi không phải để tu luyện đến ngày thành “chánh quả”, mà để thưởng thức những cái đẹp khác thường, vừa giàu sang, vừa thanh thoát… 

Nhưng có lẽ Thiên Chúa giáo mới là tôn giáo Hàn Mặc Tử sùng tín nhất. Không phải ngẫu nhiên khi Đặng Tiến cho rằng: “Kiến trúc toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của phúc âm” [17,75]. Cuộc sống “đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng” xô Hàn vào bãi cô liêu tâm thức, vào chông gai đau khổ, nhưng đó lại là con đường để thi nhân “bay cho đến cõi thiên đàng”. Hàn đã vượt qua định mệnh đau khổ đó bằng đôi cánh của chim Phượng Hoàng và dưới năng lực của thi ca, đưa thi nhân trở thành “thi sĩ của đạo quân thánh giá”, thành “con rồng trong nhóm tứ linh”, thành người lãnh xướng dàn đồng ca thơ Loạn, và là sứ giả thiêng liêng của niềm hoan lạc vô biên trước phúc âm thiên chúa… 

Gửi trọn “đức tin thơ” vào tôn giáo cũng là một học thuyết thống trị cả một tiến trình phát triển của thơ tượng trưng phương Tây. Chủ nghĩa tượng trưng chủ trương “đem thuộc tính tinh thần của con người sáp lại với tôn giáo, coi vô thức trực giác là cái chủ yếu trong sáng tạo nghệ thuật” [87,96]. Tôn giáo đã tạo ra một quầng sáng siêu hình và huyền ảo cho thơ Loạn. Dù có sự gắn kết với tín đồ, nhưng cái tôi trữ tình trong sáng tác của Trường thơ Loạn vẫn in đậm bóng dáng trần gian với những cảm xúc đời thường dạt dào sức sống. Ta bắt gặp trong thơ Loạn tiếng pháo nổ rộn ràng đón xuân sang, tiếng chim ríu rít ngào ngạt hương hoa và rất nhiều những sắc màu sự sống. Có thể những lúc đau thương, luyến tiếc, hờn giận chất đầy, những nhà thơ Loạn xa lánh cõi trần tục ấy đi tìm chút an ủi, song thơ Loạn vẫn lấp lánh tình đời. Chất đời ấy kéo thơ Loạn về mặt đất vững chãi, mặt đất quen thân của chính mình. Và cõi đời trần tục ấy, con người đã hận, đã yêu, đã quên, đã nhớ đến khánh kiệt linh hồn... Thi sĩ vẽ nên những bức tranh sinh động về thiên nhiên, cuộc sống. Cảnh quê, tình quê với những hình ảnh quen thuộc: tre già, nắng mới, trầu cau, vườn cam, gốc đào, và hình ảnh con người với tình yêu trong sáng. Dẫu cho cuộc đời còn những vũng đau thương, những mối sầu vạn cổ…, nhưng với các nhà thơ, nó vẫn là giấc mộng ngàn đời để được yêu và sống. Thi sĩ như thể trích tiên bị đày đọa ở cõi trời, nhưng lại yêu thiết tha nơi đã mang đến cho họ những nỗi đau đớn điên cuồng về tâm hồn và thể xác. 

Dù có trở lại cõi trời thì họ cũng xót xa luyến tiếc: “Đấy là tất cả người anh tiêu tán - Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ - Cùng tình em thiết tha như văn thơ - Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế” (Trường tương tư - Hàn Mặc Tử). Chế Lan Viên dù lùi về dĩ vãng xa xưa với những người đã chết, chân giẫm lên những ngôi mộ đầy hài cốt tiêu tan từ vạn kiếp, song nhà thơ không quay lưng hẳn với cuộc đời. Tác giả Điêu tàn, vì thế thiết tha gắn bó với con người và cảnh vật: “Cũng mới độ nào trong gió lộng - Nến lau bừng sáng núi lau xanh - Bướm vàng nhè nhẹ bay ngang bóng - Những khóm tre cao rũ trước thành” (Thu - Chế Lan Viên). Bích Khê nhìn thấy Phật Quan Âm trong hình bóng người mẹ tảo tần, nỗi khao khát yêu thương, ánh mắt, nụ cười chị gái Ngọc Sương qua những hình ảnh tươi đẹp trong Tinh huyết, Tinh hoa. Yến Lan dù có những giây phút giây chiêm nghiệm và thăng hoa với Bánh xe luân hồi (tập thơ viết về đạo Phật của ông đã bị thất lạc - VNN), song thi nhân vẫn luôn hướng về cuộc đời bằng lòng khát sống, khát yêu cháy bỏng. Những câu thơ Yến Lan viết cho ngày chị ông đi lấy chồng thật thiêng liêng và cảm động: “Khế chua chị nấu lá mồng tơi - Em ước cùng ăn đến trọn đời - Tang mẹ mãn rồi bà mối giục - Chị đi bát đũa cũng mồ côi” (Khi chị đi lấy chồng - Yến Lan). Quỳnh Dao mơ tưởng về hình bóng giai nhân bằng những vần thơ rất đời và thực: “Có ai vô lý như thi sĩ - Môi nở qua đường cũng nhớ thương” (Bài thơ Huế - Quỳnh Dao). Điều này được thể hiện rõ hơn ở Hàn Mặc Tử. Thi sĩ cảm nhận vẻ đẹp giai nhân bằng sự tương ứng các giác quan, sự tương giao của vạn vật. Màu sắc, hương hoa, âm thanh cùng tương hợp với lòng người: “Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc - Cả một mùa xuân đã hiện hình - Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi - Chết rồi xiêm áo trắng như tinh” (Cô gái đồng trinh). Giai nhân nhiều lúc cũng mang dáng dấp của “thánh nữ đồng trinh Maria”. Nói như Milan Kundera khi cảm nhận linh hoạt về lý thuyết Baudelaire là: “hình bóng đức mẹ trong những người tình” [40,66]. Chu Văn Sơn cho rằng: người tình ấy thực chất là đối ảnh của cái tôi thi sĩ. Đó cũng chính là sự tích hợp giữa Đạo và Đời, sự tương giao của đức tin tôn giáo và ái tình si mê. 

Với Trường thơ Loạn, tôn giáo là cứu cánh để họ đến với cõi nguồn diệu tưởng vô cùng và vô tận, để thoát khỏi tù túng bế tắc trong cuộc đời. Nhưng dù các thi nhân có siêu thoát đến cõi trời mơ cùng đức tin tôn giáo thì tình đời của họ vẫn còn nặng lắm. Thế mới biết, dẫu có “tang thương dâu bể”, con người vẫn không cắt đứt mạch nguồn sự sống luôn gắn với cuộc đời. 

3.1.2. Cái tôi đối cực trần thế và siêu nhiên 

Khát khao được giải thoát, được cứu rỗi như mũi tên lao đi dưới sức căng đẩy của nỗi đau khổ nơi chót cùng sự sống khiến cái tôi thơ Loạn luôn mong manh bên ranh giới giữa đời trần thế và cõi siêu nhiên. Thơ Loạn là những vần thơ được viết ra từ những tâm hồn khát sống đến mãnh liệt. Cuộc sống bị thu ngắn lại, họ càng thấm thía giá trị của những khoảnh khắc hiện tại để khao khát được sống, được yêu. Càng khao khát càng tuyệt vọng, đó là “biện chứng tâm hồn” (Lê Tuấn Anh) của những cảm thức đối cực nhưng lại thống nhất trong mạch cảm xúc của các nhà thơ Loạn. 

Khi khổ đau lên đến tột cùng, con người thường tìm đến với một vùng trời bình yên trong mơ ước. Chỉ ở đó, họ mới có thể quên đi nỗi đau để sống với trọn vẹn tình yêu, năng lực sống của mình. Bởi, nói như Nguyễn Tấn Long: “nếu không có mất mát, không ai để ý đến việc tìm kiếm; nếu chẳng khổ đau, không ai mơ đến những điều sung sướng; nếu không có cái chết, không ai tìm lẽ sống để làm gì” [17,271]. Song thực tại không bao giờ buông tha khiến cho họ phải điên cuồng hối hả tận hưởng sự sống đang úa tàn dần trước mắt. Thơ Loạn bật lên từ cõi chết mà chống lại chính cái chết đang bủa vây. Đôi lúc nó quay về quá khứ để tìm trong đống đổ nát hoang tàn một mầm sống âm thầm lặng lẽ nhưng xanh mướt vô cùng. Người nghệ sĩ khó kìm nổi mãnh lực của chính mình, bùng cháy, nổ tung thành những trang viết toàn những hồn, máu, tủy, tinh huyết… hiến dâng cho đời. Những khi ấy, con người không còn là mình nữa, nó phân thân thành một thực thể khác, trong trẻo, tinh khiết và thiêng liêng hơn để hòa mình vào thiên nhiên, miên man trong cõi diệu huyền. 

Trần thế và siêu nhiên là hai đối cực trong thơ Loạn. Từ trần thế chỉ cần với tay nháy mắt, phiêu du phút giây, ta có thể lạc ngay vào cõi tiên mê đắm. Với Bích Khê, nơi ấy hạnh phúc hiện hình giữa thời gian vô tận và không gian vô cùng: “Lên Kim tinh xác bằng thanh khí - Đất lưu ly không khí xa hương - Cây du dương lâu đài song sóng - Trên biền châu trời lộn kim cương” (Lên Kim tinh - Bích Khê). Trong không gian ấy, cái gì cũng ngất ngây huyền diệu. Không gian như sợi tơ giăng mắc, khẽ chạm đường tơ đã réo rắt cung đàn. Cõi siêu nhiên được phôi thai trong nỗi cô đơn tuyệt vọng của con người. Cho nên, cái tôi trữ tình thơ Loạn cứ thế chao nghiêng, đong đưa giữa lằn ranh sinh địa và tử địa, lúc nào cũng chập chờn bất định giữa thực tại và chiêm bao. Cuộc đời dồn đuổi, hạnh phúc lùi xa, cái chết ám ảnh, các nhà thơ Loạn tìm sự hoàn mỹ ở chốn vô thường. Thơ Loạn là liều thuốc vuốt ve, vỗ về những niềm đau. Nhưng thi sĩ luôn rơi vào mâu thuẫn giữa thực tại khổ đau và khát vọng được dung hòa, đưa họ vào nỗi u sầu đến ngất ngư, hối hả đến điên cuồng để bám riết lấy sự sống: “Anh đã thoát hồn anh ngoài xác thịt - Để chập chờn trong ánh sáng mông lung - Để tìm em đưa hai tay ràng rịt - Mảnh tình thiêng ngả ngớn giữa không trung” (Sáng láng - Hàn Mặc Tử). Càng bị đẩy sâu vào khổ đau tuyệt vọng, con người lại càng khám phá ra những miền đất hoang sơ với hạnh phúc ngọt ngào. Những chiều kích của tâm hồn được thăng hoa tột độ, vượt hẳn ra ngoài lý trí để đi vào chiều sâu thế giới vô thức, đưa con người vào trạng thái mơ hồ, lâng lâng, ngây ngất. Khoảnh khắc “nhập đồng”, “siêu thăng” dẫn nhập cái tôi thi sĩ đi sâu vào trạng thái mông lung, hư ảo với rất nhiều những ảnh hình ảo mộng. Chế tìm đến “đáy hư vô”, “một tinh cầu”, “một vì sao”; Hàn “chơi lên trăng”, “ngủ với trăng”, “rượt trăng”; Bích Khê lang thang trong “mộng lạ”, “mơ tiên”, “lạc giữa mộng như ngà”. Họ loãng tan hồn mình để hòa lẫn vào không gian trong trẻo với niềm hạnh phúc vô biên: “Chúng ta biến em ơi thành thanh khí - Cho tan ra hòa hợp với tinh anh - Của trời đất và muôn vàn ý nhị - Và tình ta sáng láng như trăng thanh” (Sáng láng - Hàn Mặc Tử). 

Cõi siêu nhiên đôi khi lại là một thế giới cuồng loạn nơi người nghệ sĩ gửi vào đó những khát khao bị kìm nén, những nỗi tuyệt vọng đến vô cùng: “Chiều hôm nay bỗng dưng ta lạc bước - Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn - Hơi người chết tỏa đầy trong gió lướt - Tiếng máu kêu rung chuyển cỏ xanh non” (Xương khô - Chế Lan Viên). Ở đó, người nghệ sĩ có thể thỏa sức gào rú, rên xiết, nức nở khóc than. Họ có thể cười phá lên vỡ òa cả vũ trụ. Nỗi đau có khi nâng cánh người ta lên thiên đường nhưng cũng có thể nhấn chìm người ta xuống địa ngục rờn rợn hơi ma, hoảng sợ và đầy mộng mị: “Tôi ngồi dưới bến đợi nường mơ - Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ - Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng - Rung tầng không khí, bạt vi lô” (Cô liêu - Hàn Mặc Tử)… 

Thơ Loạn là cõi siêu hình ngập ngụa những máu, đôi khi quay cuồng trong vũ điệu của thần chết, phả ra mùi tanh nồng của thịt rã, xương tan, lắm lúc chan chứa nỗi chán chường không sao cứu vãn. Cái tôi thơ Loạn điên cuồng nhảy múa, la hét và cười sằng sặc. Bệnh tật đã dồn đuổi họ ra ngoài lề xã hội, bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời. Người thơ hoảng hốt đi tìm những hình ảnh thân quen, những ánh mắt, những nụ cười giờ bỗng nhiên thành xưa cũ. Quá khứ lùi lại sau lưng, tình yêu vỡ tan trong hố thẳm. Tuyệt vọng đến khôn cùng, nên cái tôi ấy muốn đập phá vũ trụ, đảo lộn càn khôn, quay ngược thời gian trốn mình vào dĩ vãng, vào tình yêu đã mất. Họ nức nở khóc than cho ước mơ đang tan biến từng giờ nên khao khát kiếm tìm sự đồng cảm: “Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ - Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy - Của lời câm muôn vì sao áy náy - Hiểu gì không, em hỡi! Hiểu gì không?” (Trường tương tư - Hàn Mặc Tử). Nỗi đau lúc nhấn chìm các nhà thơ quằn quại trong vũng đau thương, khi lại nâng họ phiêu du giữa chốn cung hằng. Hơn tất cả những gì đang có, cái tôi thơ Loạn thiết tha yêu sống, yêu cõi trần tục này. Tình yêu ấy được gửi vào hoa cỏ đất trời, vào tất cả những gì gắn bó với cuộc đời, mà trước hết là người tình yêu dấu. Thi sĩ dễ xiêu lòng trước vẻ đẹp trinh nữ xuân tình. Cảm xúc đó được thể hiện đến mức độ cao nhất để giải phóng những ẩn uất mãnh liệt từ thực tại kìm hãm. Ta dễ hiểu vì sao thơ Loạn luôn ứ đầy những cung bậc của yêu thương, nhung nhớ. Nhung nhớ, yêu thương trong thơ Loạn luôn ở trạng thái đỉnh điểm: “Nhớ lắm lúc như si như dại - Nhớ làm sao bải hoải tay chân” (Muôn năm sầu thảm - Hàn Mặc Tử). 

Nhưng tình yêu trần thế là giấc mộng vinh quy không thành hiện thực nên đã đẩy thi sĩ thơ Loạn vào chốn “Đào nguyên” để tìm đến tiên nữ, giai nhân trong “pho tình sử”, thậm chí khát khao rủ cả “quần tiên hội” để dệt mộng yêu đương: “Phải quê nàng ở Đào Nguyên - Bởi chưng sắc đẹp lại thêm đa tình - Xuống đây tìm nợ ba sinh - Không hay trời khiến ta mình gặp nhau” (Duyên kỳ ngộ - Hàn Mặc Tử). Bích Khê cũng từng ngây ngất với các tiên nương trong chốn mộng ảo, Đào Nguyên ở chính lòng nàng: “Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi - Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi - Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi - Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi” (Tỳ bà - Bích Khê). Chế Lan Viên hoài vãng về một tình yêu, về hình bóng Chiêm nương huyền ảo, rợn lạnh âm khí dưới ánh trăng tuyệt vọng. Người tình ấy được miêu tả bằng những nét huyễn hoặc, mơ hồ: mái tóc “chảy giữa dòng trăng”, giọng hát “trong trẻo quá”, dáng đi “uyển chuyển uống mình hoa”… Tìm đến người tình Chiêm nữ là cách để Chế thỏa ước mong có giờ phút tâm sự, giãi bày: “Nàng hỡi nàng trên tay ta là mộ trống - Trong lòng ta là huyệt bỏ với trong hồn - Là mồ không lạnh lùng sương giá đọng - Toàn khổ đau, sầu não với lo buồn” (Mồ không - Chế Lan Viên). 

Nhưng có siêu thoát để tìm đến Chiêm nữ, Đào Nguyên, nàng tiên lộng lẫy… thì đó cũng chỉ là giấc mơ về cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Bởi, từ nỗi đau trần thế, thi sĩ mơ giấc mơ trần thế, hẳn sẽ không bao giờ muốn rời xa trần thế. Vì lẽ đó, vườn trần, duyên trần cùng giai nhân rực rỡ vẫn còn nặng lòng với thi nhân nhiều lắm: “Ta đam mê trong ánh sáng trần duyên - Và van lạy xin cô nàng kết ngãi” (Phan Thiết! Phan Thiết! - Hàn Mặc Tử). Dù chỉ còn một chút hy vọng, nhưng các nhà thơ Loạn vẫn bám riết vào đời để sống, để chắt chiu từng chút hơi ấm tình người. Chốn cung Hằng có thể làm dịu mát những cơn đau, nhưng chính cõi trần mới là nơi níu kéo thi nhân ở lại. Paul Eluard có lý khi cho rằng: “Khi nhà thơ suy nghĩ chuyện trên trời nên nhớ rằng dưới đất này có lỗi” [73,268]. Vậy nên dẫu có lúc chìm vào siêu thực, nhưng thi sĩ thơ Loạn không muốn rời bỏ cuộc đời để tìm những cái hư ảo, những hình tượng siêu nhiên nhạt thếch. Họ say sưa bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy, rình nghe niềm ý bâng khuâng, dìu hồn người tan cùng vạn vật. Được tan vào thiên nhiên là khao khát trú ẩn trong cõi vĩnh hằng, là ước mơ thỏa mãn hương thơm đê mê cuộc sống khi ý thức về cái chết đang đến từng ngày: “Ta còn trìu mến biết bao người - Vẻ đẹp xa hoa của một thời - Đầy lệ, đầy hương, đầy tuyệt vọng - Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi” (Trút linh hồn - Hàn Mặc Tử). Đó không phải là tiếng kêu từ cõi chết, mà là tiếng nói cất lên từ khát vọng, tâm tư. 

Thơ Loạn là đối cực giữa tình yêu trần thế và cõi siêu nhiên. Thật ra cõi siêu nhiên ở đây được ánh xạ từ cõi thực, từ tình yêu thiết tha của con người đối với cõi thực và làm thăng hoa nó, bao phủ lên nó sắc màu mộng ảo liêu trai tùy vào tư duy của người nghệ sĩ. Nhưng trên hết, thơ Loạn cũng là những vần thơ của tâm hồn yêu đến cuồng dại cuộc sống trần tục cõi đời, nơi ôm ấp và cho thi nhân tâm hồn để yêu, để giận. Cõi siêu nhiên chẳng qua là cuộc sống đã được những linh hồn nhạy cảm ấy hiểu đến tận cùng. Cái phi thường trong cuộc sống đã thúc ép cái phi thường trong tư tưởng, từ đó những vần thơ ra đời đầy khát vọng và tình yêu. Đó là sự thể hiện những đối cực giữa khát khao và tuyệt vọng. Các nhà thơ bước vào vườn tình ái với tất cả sự thèm muốn rạo rực: “Anh tính ôm cầm lấy mắt mơ - Lấy môi lấy má… lấy ngây thơ - Để anh nút ớn mùi hương ấm - Của một tình yêu giận hững hờ!” (Ảnh ấy - Bích Khê). Tình yêu đã làm cho thi nhân muốn được kề môi say ân ái, muốn ôm, muốn uống; và cũng lắm khi đẩy thi nhân xuống vực thẳm tuyệt vọng, để lại nỗi niềm uất ức: “Làm sao giết được người trong mộng - Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (Lang thang - Hàn Mặc Tử). Thi sĩ bám riết lấy sự sống, lấy tình yêu để quên đi thực tại đau buồn. Chế Lan Viên tự ru mình bằng tình yêu mộng ảo cùng Chiêm nương xinh đẹp, nhưng cũng nhanh chóng bình tâm tỉnh ngộ: “Lời chưa dứt bóng đêm đà vụt biến - Tình chưa nồng đã sắp phải phôi pha!” (Đêm tàn - Chế Lan Viên). Khát khao để mà tuyệt vọng, tha thiết đến cuồng si để mà đớn đau đến dại rồ, thi nhân thơ Loạn đã vượt qua ngưỡng bình thường mà vươn tới tình yêu tuyệt đích: “Hạnh phúc ngoài đời nhiều vẻ đẹp - Em đừng bận bịu ái ân xưa - Lòng anh chẳng muốn cho em phải - Lẻ tẻ chân trời bóng nhạn thưa” (Nói với người tình - Bích Khê).  
Từ bất hạnh, đau thương, cái tôi thơ Loạn bật nảy khát vọng tình yêu không thỏa trong kiếp nhân sinh. Và con người thi nhân ấy phân thân cùng hành trình viễn du tinh thần vào vườn thơ rộng rinh trong sự đối cực giữa trần thế và siêu nhiên không gì khác hơn là để tìm một niềm an ủ, vỗ về tinh thần. Tiếng nói cái tôi trữ tình thơ Loạn là tiếng nói của hồn phách, tâm linh nhập vào cõi ước mơ và mộng tưởng. Hội tụ những thành tố làm xuất hiện cái tôi đào xới thế giới tâm linh trong sự đối cực ấy, ngoài những ẩn ức tích tụ trong đời sống cá nhân đặc biệt của các thi sĩ, còn có xúc tác của tinh thần tượng trưng. Thơ tượng trưng phương Tây coi mỗi đối tượng đều gắn với chuyển động tâm linh, điều hiện ra cho chúng ta như một tượng trưng với mọi chiều sâu cuộc sống. 

Có thể xem sự đối cực giữa trần thế và siêu nhiên của cái tôi trữ tình trong sáng tác Trường thơ Loạn là những khát khao, trăn trở của cõi đời vẫn chưa hết những đau thương nên còn nhiều ao ước! Cái tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ trong sáng tác của Trường thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời… Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái tôi đau thương và khát vọng. 

3.2. Hình tượng không gian và thời gian 

3.2.1. Không gian - những khung trời ảo diệu 

Không gian nghệ thuật là khái niệm của thi pháp học chỉ “hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là sự mô hình hóa thế giới của tác giả. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm mang tính biểu trưng và quan niệm” [80,120]. Không gian nghệ thuật bao giờ cũng gắn với những cảm xúc và mang ý nghĩa nhân sinh, là không gian tinh thần được tái hiện trong tâm tưởng người nghệ sĩ. Nó được chia thành nhiều chiều, nhiều lớp khác nhau. Đó có thể là không gian mở hay không gian khép, cũng có thể là không gian tĩnh hay không gian linh hoạt vận động đa chiều hướng… Tiếp nhận chủ nghĩa tượng trưng, đặc biệt là của Egad Poe và Baudelaire cả hai khía cạnh sống và chết, Trường thơ Loạn tạo nên một kiểu không gian nghệ thuật mang nhiều biến thái, nhiều nhận thức khác nhau, ở đó có cả trần gian và địa ngục, thiên đường và âm giới hòa lẫn trong cõi siêu hình.

Không gian nghệ thuật trong sáng tác Trường thơ Loạn trước hết là một không gian tâm tưởng, thấm đượm những cảm thụ riêng tư. Nhà thơ lấy cảm xúc từ thế giới hiện thực để đi vào thế giới phi hiện thực, đưa người đọc khi thì lên chốn bồng lai, khi thì xuống cõi âm rùng rợn. Chế Lan Viên tìm về quá vãng để bước vào một “thế giới đầy sọ dừa, xương máu cùng yêu ma” (Hoài Thanh) của đất nước Chiêm Thành. Trong xu thế tìm về quá vãng, Chế đặc biệt thành công khi dựng lại một thế giới hào hùng đầy uất hận. Nhà thơ đã để tâm hồn mình hòa nhập vào lịch sử bi tráng của đất nước Chiêm Thành thuở xưa. Những ngọn tháp Chàm đơn độc, hoang tàn chứa đựng những hình ảnh cảm xúc đa dạng: “Đây điện cát huy hoàng trong ánh nắng - Những đền đài tuyệt mĩ dưới trời xanh - Những chiến thuyền nằm yên trên sông lặng - Bầy voi thiêng trầm mặc dạo quanh thành” (Trên đường về). Quá khứ và hiện tại là hai bức tranh đối lập. Năm xưa khung cảnh thanh bình rạng rỡ, giờ đây là sự đổ nát, chán chường. Một nỗi xót thương thê thiết vò xé tâm hồn nhà thơ khi chứng kiến cảnh bể dâu lịch sử. 

Chế Lan Viên tưởng tượng một không gian âm giới rùng rợn đầy chết chóc: “Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh!” (Điệu nhạc quay cuồng), “Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?” (Cái sọ người). Trong không gian Điêu tàn, sự chết chóc, bóng đêm, âm thanh thê lương, sắc màu héo úa đã thay thế cho sự sống, ánh sáng, âm thanh rộn rã, màu sắc tươi vui: “Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết - Những sắc màu hình ảnh của trần gian” (Tạo lập). Không gian mênh mông, vô tận và quái đản trở thành thước đo định lượng tầm vóc nỗi niềm, tâm trạng để Chế Lan Viên bày tỏ sự bế tắc tuyệt vọng của mình trước hiện thực. Nỗi đau mất nước của dân tộc Việt được Chế Lan Viên gián tiếp bày tỏ qua cách quay về dĩ vãng, vực dậy từ đổ nát của một nước Chàm oai linh. Một đất nước mà muốn tìm nó phải đi qua một biên giới quan trọng: xóa bỏ thực tại để đi vào hư vô. Vì chính hư vô mới có thể bắt gặp đầy đủ cả một vương quốc, cả một nền văn minh đền tháp, cả một thế giới du dương bởi màu sắc và âm thanh, những tiếng hát u buồn của Chiêm nữ… Nhưng chính không gian đó đã nhắc nhở Chế Lan Viên nhớ rằng, văn minh nước Chàm chỉ còn là quá khứ. Nhà thơ khát vọng và tưởng tượng ra một không gian ảo mộng để siêu thoát. Vốn nặng suy tư, Chế Lan Viên tìm đến hư vô cũng là muốn vươn tới trí tuệ để tìm kiếm giải đáp triết học về bản thể, về vũ trụ và nhân sinh.

Ở Hàn Mặc Tử, không gian tâm tưởng là không gian mang đậm yếu tố tượng trưng và màu sắc liêu trai của mộng mơ, vô thức. Bằng trí tưởng tượng phong phú, Hàn chắp cánh cho hồn thơ mình thoát ra khỏi thực tại đau đớn để bay đến một không gian cao vút thinh không. Ở đó có trăng, sao, mây, nước, sông Ngân Hà, cầu Ô Thước, ánh mặt trời; là nơi “Cung quế”, xứ “Say mơ”, động “Huyền không”, vượt ra ngoài “Cõi hư linh”… được xây dựng bởi “loài thi sĩ”. Không gian hư ảo ấy được Hàn nhắc đến rất nhiều. Có khi đó là chốn xưa ghi dấu thời xuân xanh của tuổi trẻ đi qua không bao giờ trở lại: “Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất - Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm - Hồn xưa từ ấy không về nữa - Ở cõi hư vô dấu đã chìm” (Thời gian). Đó cũng có khi là khoảng mênh mông ảo huyền của hai người yêu nhau như cách xa muôn dặm: “Anh đứng cách xa hàng thế giới - Lặng nhìn trong mộng miệng em cười - Anh cười em cũng cười theo dọi - Để nhắn hồn em đã tới nơi” (Lưu luyến)… Trong chiều không gian mộng tưởng, hư vô này, Hàn đặc biệt thành công trong việc xây dựng nên mô hình không gian vũ trụ. “Hơn tất cả các thi hào trên thế giới, Hàn Mặc Tử đã phóng thoát cái bản năng loài người, cởi lột được bao nhiêu cốt cách của loài người để mà ăn nhập vào vũ trụ, để biến thành một hiện tượng của vũ trụ” [82,153]. Hàn khao khát hòa nhập vào vũ trụ vô biên, để trường tồn cùng thiên địa, quàng vai mây gió đi về. Là thi sĩ của cõi mộng, trong thơ Hàn luôn có sự đan xen giữa chiêm bao và sự thật. Trong giấc chiêm bao, Hàn hứng lấy trong hồn muôn ý tứ và thinh sắc của trời mộng xa xưa: “Mộng yêu đương đang khi tim dào dạt - Thuyền anh neo đậu trước bến Hàn Giang - Nhưng uyên ương khi trăng sao bàng bạc - Biến mất rồi anh thấy khói hương tan” (Khói hương tan)… Có thể nói, không gian vũ trụ rộng lớn là nơi vẫy vùng của Hàn Mặc Tử. Nơi ấy, nhà thơ đã khóc, đã cười, đã sống, đã yêu và đã vượt lên trên nỗi đau thường nhật của mình. Ấy là nơi thi nhân được “Sống mãi với trăng sao gấm vóc - Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay” (Trường thọ) để cho ra đời những vần thơ bất tử. 

Không gian mộng ảo trong sáng tác của Trường thơ Loạn thường có hai chiều đối cực: chiều cao là cõi trời, chiều thấp là cõi đời. Đó cũng chính là sự đối lập giữa cõi trần thế với cõi siêu nhiên. Từ trong đớn đau đến điên loạn và cuồng dại, các thi sĩ đã vượt thoát đến tầm cao nhất của không gian, bước ra khỏi ranh giới không gian thực để đặt chân vào một thế giới hư vô. “Cõi trời cách biệt” ấy là nơi các đấng bậc ngự trị, là nơi con người xác tục được cứu độ, được giải thoát khỏi đau khổ đọa đày. Ở đó, mùa xuân, tình yêu, ánh sáng, sự sống là sự vĩnh hằng. Và cũng ở đó, thi nhân được đắm chìm trong sự huyền diệu mê hoặc. Bích Khê đưa ta vào một thiên đường biểu trưng bằng không gian toàn khối và vĩnh cửu được “Trời dệt gấm sao thêu kim tuyến”, lấp lánh sắc “ngời ngọc kim cương”. Nó chỉ có thể cảm nhận bằng giác quan tinh tế của tâm hồn căng lên trước sự sống. Không gian ấy tràn ngập mùi hương và du dương những thanh âm huyền diệu, có thể rộng bao la nhưng cũng có khi chỉ là khung nắng có gió khẽ khàng với vần thơ giàu nhạc: “Gió đi chới với trong khung nắng - Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca” (Hiện hình - Bích Khê). Không gian thơ Bích Khê thường được mĩ lệ hóa bởi những màu sắc rực rỡ, trong sáng. Bước vào thế giới Tinh huyết, Tinh hoa, người đọc không chỉ choáng ngợp bởi một không gian “rộng rinh không bờ bến”, đầy huyền hoặc, mơ hồ mang tính vĩnh viễn mà còn bị mê đắm bởi một không gian đầy nhạc, hương và sắc - không gian của sự tương giao, tương ứng: “Một đêm vàng, một đêm vàng âm điệu - Đầy nhựa thơm, xanh mịt ngàn phi lao” (Sọ người - Bích Khê). Yến Lan cũng tạo cho riêng mình một không gian dưới trăng vàng bạc xám với ông lái đò, chàng kỵ sĩ không tuổi không tên, vừa gần vừa xa, hư hư, ảo ảo (Bến My Lăng). Đó là không gian của cõi đời đã được thăng hoa thành cõi mộng, thành cảm giác, mang vẻ đẹp huyền hồ, kỳ diệu và độc đáo trong thơ. 

Xây dựng không gian mộng tưởng, hư vô, Trường thơ Loạn vừa tiếp thu văn học phương Đông, vừa ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng của Pháp. Chủ nghĩa tượng trưng luôn đề cao tính tưởng tượng. Thơ là ý thức, ý thức đến tận cùng nhưng được thể hiện trong trạng thái kỳ lạ của một trái tim mang cảm xúc đặc biệt. Trường thơ Loạn đã xuất phát từ điểm này để tạo ra cái mới lạ, độc đáo bằng việc lấy sự tưởng tượng, hư cấu làm đối tượng để khám phá cuộc sống. 

Trong thơ Loạn, trần thế chỉ toàn khổ đau và buồn chán. Các nhà thơ muốn thoát khỏi nơi mà họ chẳng còn niềm tin, nhưng lại không biết đi đâu về đâu, nên đành tìm đến một thế giới siêu nhiên chỉ có trong vọng tưởng. Vì thế, không gian nghệ thuật trong sáng tác của Trường thơ Loạn còn là không gian tâm linh mở ra đa chiều kích, hòa trộn cõi Thiên Đường, Niết bàn, Thiền… Hàn Mặc Tử thả hồn bay giữa vũ trụ bao la cùng với đức tin và niềm an ủi nhận lãnh từ nơi Đức Chúa Kitô. Đi trong mây, gió, trăng, sao, cánh chim Phượng Hoàng ấy vẫn tung bay, và ọc ra thơ, từng dòng tuôn chảy: “Phượng Hoàng bay trong một tối trăng sao - Mà  ánh sáng không còn khiêm nhường nữa - Đương cầu xin, ọc thơ ra dường sữa - Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau… - Trên chín tầng diêu động cả trân châu - Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết” (Đêm xuân cầu nguyện). Đang bay trong khoảng không vũ trụ, thi nhân vẫn chưa thấy thỏa lòng, mơ được thoát ra ngoài để đến chốn Phượng Trì nơi đức mẹ Maria trong cơn mê sảng. Hướng đến cõi thiên đàng, tịnh độ, tiên giới là cách để Hàn tách biệt khỏi sự trì níu của cõi đời tăm tối; là khát khao vô bờ của một linh hồn róng riết sống, bị vò xé trong một thể xác đang quằn quại: “Sáng vô cùng sáng cả mọi miền - Không u ám như cõi lòng ma quỷ - Vì có đấng Hằng sống, Hằng ngự trị - Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư vô” (Ngoài vũ trụ). Đó có thể là ánh sáng, màu sắc của Đức Chúa trời trong đạo Ki tô, là chốn tịnh độ, cực lạc của Đức Phật Di Đà, hay cõi tiên của Tây Vương Mẫu…, nghĩa là một cõi “xuất thế gian” đi ra ngoài biên giới trần thế. Không gian không có một giới tuyến nào chia cắt, được ngự trị bởi một bóng linh hồn bé nhỏ vụt lên từ vực sâu kín trong tâm khảm thi nhân: “Hồn hỡi hồn, bay ra ngoài kia mức - Nơi thiên sầu địa thảm, giới Lâm Bô” (Ngoài vũ trụ). 

Trong thơ Bích Khê, ta gặp những hồn ma rên rỉ giữa đêm thu, nghe được hơi thở hoa hồng vang nức nở. Thi sĩ mượn hình ảnh cõi tiên với suối mơ, ngọc nữ, tiên nương để khơi lên khát vọng về một thế giới tươi đẹp: “Hoa thần bí vấn vương hồn ngọc nữ - Động Đào nguyên chấp chới ánh lưu ly - Ơi sắc phàm trên bộ mặt từ bi - Ôi tình thương trong tình xuân đầy ứ” (Sọ người). Đó cũng chính là cõi trời bí ẩn, xa vời huyền diệu, thiêng liêng cao cả, với khát vọng vươn tới cõi vĩnh hằng: “Phật Như Lai thoạt hiện - Trên bảy sắc cầu vồng - Quái thay hòn Non nước - Nghe giảng đủ mười tông - Muôn năm lòng đá rắn - Nhuần thắm giọt từ bi” (Ngũ Hành Sơn). Nhưng dù thi nhân “siêu thăng” đến cõi nào thì sự đối lập giữa hiện thực và khát vọng vẫn là nỗi ám ảnh không dứt. 

Ở Chế Lan Viên, đó là không gian của “xương vỡ máu trào”, “Những bóng ma Hời sờ soạng trong đêm”. Cũng như Bích Khê và Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên tin vào sự tồn tại của thế giới âm ty. Niềm tin ấy được khởi phát từ tín ngưỡng mang tính nhiệm màu đã tồn tại và bám rễ sâu chặt trong tâm linh người Việt: “Ôi bát ngát mênh mông như Âm giới, - Đây Cõi Ta rộng rãi đến vô biên - Nơi an táng khổ đau trong huyệt tối - Nơi sinh sôi nảy nở những mầm Điên” (Cõi ta). Không gian ấy còn là nơi thi nhân đã gặp nàng Chiêm nữ kiều diễm có mái tóc dài êm ả sóng sánh giữa dòng trăng, nơi nhà thơ có thể nghe được giọng nói âu sầu tha thiết của nàng mà cõi lòng xốn xang, rạo rực: “Ta gặp nàng trên một vì sao nhỏ - Ta hôn nàng trong bóng núi mây cao - Ta ôm nàng trong những nguồn trăng đổ - Ta ghì nàng trong những suối trăng sao” (Ngủ trong sao). Tháp Chàm, đất Chiêm của Chế giờ đã thành tro bụi. Biết bao những con người đáng thương bị chôn vùi cùng lịch sử bi ai. Bởi vậy, Chế hướng tâm hồn của mình vào thế giới ma quỷ, những hồn ma chưa siêu thoát còn nhập nhằng với cõi đời nặng hận: “Hồn ma ơi! Trong những đêm u tối - Mi tung mây về chân trời vòi vọi - Hãy mau nghiêng cánh lại ở bên mồ - Phủ lòng ta say đắm chút hương mơ” (Mồ không). Điêu tàn là thế giới của sự lắng nghe những điều tinh tế vi diệu nhất trong sâu thẳm chính mình. Đó là thế giới của sự vĩnh hằng, thế giới của siêu nhiên đầy thiêng liêng, vọng ảo. 

Từ mối linh cảm về “bí ẩn chảy khắp nơi như nhựa sống chan hòa” (Baudelaire) đã tạo nên khung cảnh tâm linh đặc biệt trong sáng tác của Trường thơ Loạn. Đây cũng là biểu hiện một trạng thái tinh thần của những con người yếu đuối, bất lực trước mình. Tìm không gian tâm linh của âm ty, tiên giới để phiêu bồng trong ảo tưởng là cách để các nhà thơ quên đi đau khổ, tìm chỗ trú ngụ cho tâm hồn cô đơn. Và vì vậy, trong không gian tâm linh ấy, mọi đường nét, màu sắc, hình ảnh kiến trúc của tự nhiên không còn thực hữu mà trở nên huyền vi để cất tiếng nói thầm kín của tâm linh thi sĩ. Thế giới xung quanh Trường thơ Loạn dường như mang bản thể kép, vừa là tự nhiên, vừa là siêu nhiên, vừa là thực tại hữu hình với con người, cỏ cây, hoa lá…, lại vừa là chốn linh thiêng, thần thánh, vô hình… tạo thành một không gian dày đặc những khung cảnh được tâm linh hóa. 

Ta còn bắt gặp trong sáng tác của Trường thơ Loạn không gian trần thế của cuộc sống thường nhật với những buồn, vui, đau, khổ. Đó mảnh vườn sớm mai, mặt hồ sương khuya, dòng sông thương nhớ… thường gắn với những ưu phiền chìm trong màn đêm bao phủ. Ở Hàn Mặc Tử, đó là không gian của sự cô đơn, trống vắng, hiu quạnh, nơi nhà thơ phải vật lộn nỗi đau thân xác và tâm hồn của bệnh tật dày vò: “Dưới túp lều tranh, trên chõng tre - Tứ bề cửa khép với phên che - Kéo mền ủ kín toàn thân lại - Để thỏa hồn bay, gửi mộng về” (Hãy đón hồn anh). Ở Chế Lan Viên, đó là không gian của sự chết chóc, điêu tàn với “tháp gầy mòn”, “đền xưa đổ nát”, “tượng Chàm lở lói” (Trên đường về) với bao thê lương, vắng lặng. Trong thơ Bích Khê, ta bắt gặp nét nhòa giữa không gian trần thế và không gian tiên cảnh. 

Một không gian đầy thanh sắc được lộ ra bát ngát: “không gian như bể sáng kim cương”, “không gian tan ra tiếng địch”. Đó là một thứ không gian mềm mại, tan chảy vào hồn, đan xen giữa hai yếu tố hư - thực: “Mây nhung pha màu thu trên trời - Sương lam phơi màu thu muôn nơi” (Tỳ bà - Bích Khê). 

Đây đó trong thơ Loạn, ta cũng bắt gặp không gian sinh động trong cảm hứng lành mạnh về quê hương đất nước. Những mảng màu của rừng xanh, trời xanh, ngày xanh, xuân xanh, ánh trăng xanh,… làm dịu đi những chói ngợp, hiện lên chốn nước non thanh tú, diễm lệ. Thơ Bích Khê tô vẽ một không gian hùng vỹ và sáng láng: “Vẳng thay núi thấp nức danh đồn - Tuyệt nhất năm hòn ngọc thủy sơn - Chẳng suối Phong Nha nghe róc rách - Chẳng mây Hồng Lĩnh thấp chờn vờn - Giữa trời bóng nguyệt lồng vô động - Trên biển mù sương thổi lại non.” (Ngũ Hành Sơn). Chế Lan Viên gắn hồn thơ mình trong khung cảnh trần gian tươi đẹp, căng đầy nhựa sống: “Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ - Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô” (Xuân về). Trong không gian ấy, sắc màu lại chiếu rọi, đan hòa vào nhau, say sưa ru biếc đất trời trong chốn thanh bình: “Trời trăng anh đứng bên hồ rộng - Nghiệm thấy hơi sương thở dưới cầu - Và tiếng thì thào trong cụm lá - Thêm phần huyền diệu của đêm sâu” (Tiếng Thu - Quỳnh Dao). Và đây, một mùa xuân đến với tất cả những gì đẹp nhất: “Trong làn nắng ửng: khói mơ tan, - Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. - Sột soạt gió trêu tà áo biếc, - Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử). Có lẽ, sự siêu thoát đã giúp các nhà thơ chiến đấu với bệnh tật, quên đi nỗi cô đơn. Và mùa xuân đã đến như một thế giới khải huyền, khởi nguồn tự thuở xa xưa này qua bao đau thương, thăng trầm, xuân càng thêm tươi mới: “Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời - Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi - Hãy hoan hô, lời cao như sấm - Vạn tuế bay ơi! Nắng rợp trời” (Xuân đầu tiên - Hàn Mặc Tử)... Tuy nhiên, đây không phải là kiểu tín hiệu không gian đặc trưng trong sáng tác của các thi sĩ. 

3.2.2. Thời gian - những chiều kích vô biên 

“Thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể nhanh hay chậm, có thể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại, tương lai; có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời” [80,63]. Thời gian nghệ thuật trở thành một ý thức vận động theo tư tưởng của hình tượng, gắn liền với sự phát triển cũng như quá trình tự ý thức thông qua những mối liên hệ chằng chịt giữa con người với con người. “Năng lực đo độ dài của thời gian vận động vốn có trong tâm hồn con người, và chỉ trong tâm hồn mới có được những hình thức tri giác thời gian đã qua, thời gian hiện tại và thời gian tương lai; trong thực tế vật thể không có những hình thức này” [28,10]. Trong thi phẩm Trường thơ Loạn, hình tượng thời gian rất phong phú, sinh động, đầy gợi cảm, giàu suy tư, thể hiện như một quan niệm triết mỹ của các thi nhân gắn với cuộc đời. 

Thời gian trong thơ Loạn là thời gian hoài vãng, hư vô. Dường như, khi con người cảm thấy bất lực trước cuộc sống, bất lực trước sự tàn lụi thì họ cảm nhận một cách sâu sắc về thời gian. Điều này đúng với Trường thơ Loạn, vì đối diện với bi kịch số phận, với dòng thời gian đang từng phút, từng giây hủy hoại tế bào sinh học, các nhà thơ cảm nhận tinh tế hơn mọi sắc thái thời gian. 

Khi thời gian hiện tại là nỗi u hoài uất hận, là sắc thái đau thương, là sự quằn quại thể xác, các thi sĩ thơ Loạn tìm về sự bình yên trong quá khứ, coi quá khứ là vàng son vĩnh cửu. Ở đó, họ tìm thấy vẻ đẹp ngàn xưa, dù chỉ trong tâm tưởng. Chế Lan Viên dựng lên một quãng thời gian quá vãng để khóc thương cho một thời với những Chiêm nương má hồng thấp thoáng, với tháp Chàm lung linh trong nắng sớm và rực rỡ dưới trăng vàng. Đó là “Thời gian của hạnh phúc đã mất, thời gian của huỷ diệt đang chờ” được thi nhân xem xét qua ý thức siêu thể và tuyệt vọng. Ông đã dựng lên một thời gian quá vãng để khóc thương cho hiện tại, cho những tháng ngày xa xưa. 

Chế Lan Viên bày tỏ khát vọng hão huyền muốn quay ngược thời gian để được trở về huyền thoại một thời với “tháp Chàm cô tịch”, với “đầu lâu, sọ trắng, xương khô” “Để nếm lại cả một thời xưa cũ - Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!” (Cái sọ người). Nhà thơ tìm trong ánh nắng bóng thời gian, đưa ông về với dòng thời gian hiện tại. Nhưng đứng nhìn hiện tại bằng đôi mắt tư tưởng, Chế Lan Viên đã bao trùm tất cả các thời khắc. Ông như không phân biệt được đâu là thực, đâu là mộng, vì giữa thực và mộng đã không còn ranh giới. Và giờ đây, không phải “thời gian là một chuyển động, một luân lưu, một dòng chảy mà chúng ta đã chia cách thành hôm qua, hôm nay và ngày mai” [42,45] như Kishnamurti từng nói. Chế Lan Viên như đã nhập thể vào quá khứ, vào tất cả mọi linh hồn để làm cho thời gian dừng lại trong nghĩa khổ đau: “Cả dĩ vãng là chuỗi dài vô tận - Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành - Và hiện tại, biết cùng chăng hỡi bạn - Cũng đang chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh” (Những nấm mồ). Thực tại chỉ là “chuỗi mồ vô tận” và chán ngán, còn tương lai thì mờ mịt, xa vời, vì vậy Chế chỉ còn biết quay về quá khứ, hoài vãng về thời vàng son đã mất. Đó có thể là sự nuối tiếc khoảng thời gian mơ hồ như một mùa thu đã qua nào đó: “Ai đâu trở lại mùa thu trước - Nhặt lấy cho tôi những cánh vàng - Với của hoa tươi muôn cánh rã - Về đây đem chắn nẻo xuân sang” (Thu). “Mùa thu trước”, “cánh vàng”, “hoa tươi” là ký ức thơ mộng, dịu dàng đã đi qua. Những kỷ niệm ngọt ngào về mùa thu lá đổ vẫn còn sống mãi trong lòng Chế như bạn tâm giao, tri kỷ. Đắm mình trong quá khứ để tìm chỗ trú chân khi phải đối diện với thực tế cuộc sống, nhưng mang tư tưởng siêu hình về thời gian nên Chế Lan Viên không tìm ra lối thoát. 

Hàn Mặc Tử tìm về một thời bình yên để được thương yêu và che chở. Vô hình trung, thời gian quá khứ luôn là nhân vật gợi lên trong Hàn nỗi luyến tiếc, nhớ nhung và day dứt, trăn trở trong tâm tình về thời tươi đẹp đã qua. “Đứng ở hiện tại, ông dựng lên một khoảng thời gian quá vãng vô định để khóc than, oán hận” [28,108]. Hiện tại là những khổ đau chồng chất, nên Hàn luyến tiếc về quá khứ của một thời tươi đẹp xa xưa: “Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng - Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất - Bay từ Dao Lý đến trời Đâu Suất - Và lùa theo không biết mấy là hương” (Phan Thiết! Phan Thiết!). Quá khứ của một tình yêu đã mất, một thời trai trẻ tràn trề sức sống đã xa lắm rồi, nên trong đau thương, thi nhân hồi tưởng lại: “Còn đâu tráng lệ những thời xanh - Mùi vị thơm tho một ái tình - Đố kiếm cho ra trong lớp bụi - Ít nhiều hơi hám của kiên trinh” (Thời gian). Lời thơ như một tiếng khóc nghẹn ngào cho một thời đong đầy kỷ niệm. Tất cả lùi vào dĩ vãng, cho dù dĩ vãng ấy chưa xa, cứ quanh quẩn trong tâm tưởng bên nỗi buồn sầu, hiu hắt. Qua sự hồi tưởng, thi nhân đã làm sống dậy một thời xanh êm ái với tình yêu và hy vọng, để rồi phải luyến tiếc và khổ đau càng thêm chất chồng cùng những dòng thơ ứa lệ. 

Bích Khê nhớ về cảnh mùa thu trong sắc vàng chói ngắt: “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng - Vàng rơi! Vàng rơi: thu mênh mông” (Tỳ bà). Bằng cái nhìn huyền ảo, thời gian trong thơ Bích Khê cũng trở nên hư vô, bất động: “Chàng ơi đêm nín thở - Để hồn biến thành hương - Chập chờn trong nữ yêu - Vào ra theo rặng lựu - Chập chờn trong ba tiêu” (Ngũ Hành Sơn). 

Thơ Loạn là sự tích hợp thần diệu giữa trực giác phương Đông và dòng ý thức phương Tây. Nhiều bài thơ thể hiện cảm thức thời gian thuộc về con người tâm linh chứ không phải con người xã hội, con người cá thể. Vì vậy, thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Trường thơ Loạn còn là thời gian tâm linh, tâm trạng. Họ không cho thời gian trôi theo đường thẳng tuyến tính mà ngông cuồng bắt thời gian say đắm trong “nụ cười bao tự”, uống rượu cùng Ngu Cơ, tình tứ cùng Dương Quý Phi trong ảo mộng (Bích Khê). Bằng tâm linh kỳ ảo, thi sĩ thơ Loạn thấy được cái chóng vánh của hiện tại để khủng khiếp đón chờ ngày mai: “Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt” (Hàn Mặc Tử) , “Mảnh hồn ta tiêu diệt tự bao giờ” (Chế Lan Viên), “Hồn tôi đã thoát để tiêu dao” (Bích Khê). Ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, Trường thơ Loạn mang đến cảm giác sống động về thời gian trong từng khoảnh khắc: “Từ đầu canh một đến canh tư - Tôi thấy trăng mơ biến hóa như - Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng - Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ” (Huyền ảo - Hàn Mặc Tử). Bích Khê, thi sĩ thần linh khoan thai đi trên bục thời gian huyền bí, đưa người đọc tham chiếu về một sự hòa đồng các thế giới để chiêm nghiệm những trải nghiệm của mình trong cuộc sống: “Lá vàng rơi - (Tôi khóc anh ơi!) - Đàn rung tiếng: - Người yêu đương ngồi... - Trăng vàng rơi - (Tôi khóc anh ơi!) - Đàn nghẹn tiếng: - Người yêu giận rồi - Hoa vàng rơi - (Tôi khóc anh ơi!) - Đàn rụng tiếng: - Người yêu đi rồi - Sao vàng rơi - (Tôi khóc anh ơi!) - Đàn câm tiếng - Người yêu xa rồi - Đêm vàng rơi - (Thôi hết anh ơi!) - Đàn bẻ phím! - Người yêu chết rồi!” (Thi vị - Bich Khê). Thơ Yến Lan trôi theo mạch nhịp cùng dòng thời gian tàn tạ phôi pha, phiêu bồng lãng đãng, ở đó chỉ có lòng người với bao xúc cảm: “Vô tình giẫm ánh vàng yêu yếu - Mà chiều thả rộng dưới chân đêm” (Lạnh - Yến Lan). 

Đối với các thi sĩ thơ Loạn, cuộc đời quá bất hạnh, nên tương lai, ngày mai luôn gắn với khổ đau trăn trở. Có những lúc đang sống trong tình yêu nồng nàn, nhưng thi nhân vẫn nhìn thấy rõ giờ phút chia ly đang đến thật gần. Nói cách khác, sống trong hiện tại, nhưng họ vẫn nhìn thấy rõ được tương lai. Tương lai thật đáng sợ, dự báo giờ chia phôi sẽ đến bởi cái chết cận kề: “Ta trút linh hồn giữa lúc đây - Gió sầu vô hạn nuối trong cây - Còn em, sao chẳng hay gì cả? - Xin để tang anh đến vạn ngày” (Trút linh hồn - Hàn Mặc Tử). Thi nhân bơi giữa dòng thời gian hư vô mà hai tay cứ bám níu, bấu víu để cố giữ lấy hiện hữu. Và thơ Loạn đã biến thời gian trừu tượng thành thời gian cụ thể, biến cái vô hình thành cái hữu hình để “riết thời gian trong nắm tay” (Hàn Mặc Tử), “không muốn đất trời xoay chuyển nữa” (Chế Lan Viên). Các nhà thơ muốn níu giữ thời gian bằng cách ghì mây, gò gió, bắt nắng ngừng, kiềm sao bay…, thậm chí muốn thời gian ngưng chạy để được sống mãi cùng tình người yêu dấu: “Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé - Xin đừng luân chuyển để thời gian - Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu - Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân” (Thời gian - Hàn Mặc Tử). Tham vọng làm vĩnh hằng thời gian chính là muốn bước ra khỏi thời gian, xóa bỏ thời gian tuyến tính thông thường để trường thọ cùng thiên thu vĩnh cửu. Trong thơ Loạn, thời gian nhuốm màu huyền nhiệm là cách để các thi nhân tự ru mình, nên rất hư ảo, siêu hình, mơ hoặc. Bế tắc tương lai, quá khứ dù đẹp nhưng cũng chỉ là giấc mộng, vì thế thời gian hiện tại là thời gian tâm trạng, chuyển hóa theo nỗi buồn vui của lòng người. Khi thời gian gần đến điểm chết, khát vọng siêu thoát, vĩnh hằng của các thi nhân trở nên ráo riết nhất. Thời gian lúc này nhuốm màu úa tàn, đẩy con người và vạn vật đến sự chia lìa, vĩnh quyết. Níu giữ trong tuyệt vọng bất thành, các thi sĩ khao khát vượt khỏi thời gian, sống trên thời gian để thời gian trở nên vô biên vô lượng. Hàn Mặc Tử nghe bước đi của thời gian, thấy hơi thở gấp của thời gian, cũng có nghĩa nhà thơ nhận thức được cái đích cuộc đời đang đến. Nhiều khi nhà thơ cầu khẩn thời gian như một sự giải thoát: “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi - Bao giờ tôi hết được yêu vì - Bao giờ mặt nguyệt tan thành máu - Và khối lòng tôi cứng tợ si” (Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử). Hoảng loạn và tê tái tâm can, thi nhân cảm nhận thời khắc khủng khiếp ấy bằng tiếng gà báo sáng, như tín hiệu để về với hiện thực đầy chết chóc, tang thương: “Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ - Tôi hoảng hồn lên, giận sững sờ” (Một miệng trăng - Hàn Mặc Tử). Tiếng gà gọi dậy bình minh cũng xuất hiện trong thơ Chế Lan Viên, âm thanh ấy làm bừng tỉnh giấc mơ, đưa thi nhân trở về với cuộc đời trần thế: “Tiếng gà bỗng từ đâu vang dội lại - Hồn yêu tinh sực tỉnh giấc mơ nồng - Và vội vã trở về nơi u tối - Quên làn xương trong cỏ đóng sương trong” (Xương khô - Chế Lan Viên). Đêm tối có thể là thời gian huyền diệu nhất trong cảm nhận của thi sĩ. Vì đó là thời điểm ghi dấu những đam mê, những cơn mơ thức giấc. Với thơ Loạn, tiềm thức luôn chứa đựng ý thức, những giấc mơ không ngủ, vùng dậy trong đêm, truy tìm sự thật: “Phải giờ này đang lúc em chiêm bao - Và chính anh giờ đang yêu em thiệt” (Hãy nhập hồn em - Hàn Mặc Tử). Thời gian đêm tối giúp Chế Lan Viên được sống với thế giới riêng mình, được tâm sự, giãi bày cùng Tháp Chàm, Sông Linh, tinh cầu, huyệt mộ, đầu lâu, xương tủy và Chiêm nương... trong mộng mị. Nên khi “bóng đêm đà vụt tắt”, trở về với cảnh đời trần tục, Chế càng thêm chán nản, hão huyền ước vọng “một tinh cầu giá lạnh”, “một vì sao trơ trọi” cuối chân trời. Nơi đó, ông có thể ẩn náu thân mình để hy vọng thoát khỏi nỗi u buồn của kiếp nhân sinh. Ở Hoàng Diệp, hầu như cả tập Xác thu là bóng đêm vô tận của thê lương, ảm đạm, trượt dài về chốn tiêu vong, biểu đạt sự chiêm nghiệm, thức nhận của thi sĩ về cuôc đời: “Bên đống lửa hoang tàn màu đã chết - Ta lạnh lùng nghe lại tiếng tiêu vong” (Dấu quê hương - Hoàng Diệp). Trong trạng thái ấy, thời gian không phải lúc nào cũng mong manh, ngắn ngủi, mà có khi ngưng đọng, đặc quánh trong sầu thảm bao la. Đó là thời gian của hằng hà tâm lý, của đau thương khổ ải mà các thi nhân phải căng mình gánh chịu... Thời gian trong thơ Bích Khê thường là thời gian mơ mộng, chiêm bao: “Cho ta xin trong một tối du dương - Muôn thớ đàn run trên da thịt tuyết. - Đàn và thơ kết thành dây tinh huyết - Có nguồn thương trào vọt miếng phong cầm: - Cho ta xin ý điệu của tình câm. - Là giãi hết bi huyền nương bóng tối...” (Ăn mày - Bích Khê). Con người tâm linh Bích Khê thoải mái đi về trên trục thời gian có tính chất thần bí. Trong chớp mắt, con người thi nhân có thể ngược xuôi trong khoảng không siêu vũ trụ. Trong phút xuất thần, linh hồn người thơ được sống trong cõi vĩnh hằng, bất tử: “Bỗng khúc dương cầm nấc tiếng thu - Bỗng đôi mắt ngọc hiện xanh mờ - Và châu và báu và thanh khí - Thoắt đưa ta về với nẻo thơ” (Đây bản đàn thơ - Bích Khê). 

Thời gian tâm linh, tâm trạng của thơ Loạn là sự cảm nhận thời gian trong cơn mơ - siêu cảm. Giấc mơ ấy làm sống dậy những khoảnh khắc yêu đương đã xa, và cả những giấc mơ không được giải tỏa của hữu thức đời người! 

Trước bờ vực thảm khốc của sự hủy diệt, mỹ cảm thời gian thơ Loạn không chỉ bừng dậy và chuyển hóa qua những hình ảnh thê lương, kinh dị mà còn những phút giây tươi đẹp, ấm áp, hạnh phúc rạng ngời. Trong “sự nổi loạn tìm kiếm sự vĩnh hằng” (Henri Benac), Hàn thi sĩ muốn thời gian miên viễn là mùa xuân ấm áp, rực rỡ sắc hương: “Tứ thời xuân! Tứ thời non nước - Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang” (Nguồn thơm - Hàn Mặc Tử). Đồng nhất thời gian với mùa xuân là để được chuyếnh choáng trong cơn say tuyệt diệu của mỹ vì xuân sắc. Chế Lan Viên cũng nhạy bén trước những cảnh sắc tươi đẹp của một mùa xuân vĩnh hằng: “Pháo đã nổ đưa xuân về vang động - Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong - Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng - Bên lau già, theo gió uống lưng cong - Đôi bướm lượn, cánh vương làn sương mỏng - Chập chờn bay theo phấn điểm muôn hoa - Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng - Đàn chim khuyên đua nhạt ánh sương sa” (Xuân về - Chế Lan Viên). Có khi nhà thơ gửi vào hình ảnh thiên nhiên, đất nước nỗi lòng suy tư, u uất của mình: “Chao ôi! Thu đã tới rồi sao - Thu trước vừa qua mới độ nào - Mới độ nào đây, hoa rạng vỡ - Nắng hồng choàng lấp dãy bàng cao - Cũng mới độ nào trong gió lộng - Nến lau bừng sáng núi lau xanh, - Bướm vàng nhè nhẹ bay ngang bóng - Những bóng tre cao rũ trước thành” (Thu). Bích Khê nhìn đêm trăng với tất cả vẻ đẹp quyến rũ: “Chị ơi! Trời sáng màu xanh, - Tình trăng sống dậy trên cành hoa tươi”. Dù không nhiều, nhưng nhịp điệu thời gian êm đềm, ấm áp ấy phần nào giúp cho những vần thơ Loạn lắng dịu lại những cơn mê sảng. 

Thời gian trong thơ Loạn được biến hóa phong phú, dồn đuổi các nhà thơ vào bờ vực của sự tuyệt vọng. Nó là đối tượng để các nhà thơ Loạn níu giữ, hòa hợp và tương ngộ. Sự ám ảnh của thơ Loạn là sự ám ảnh về thời gian và về sự thay đổi. Thời gian trong cảm nhận của các nhà thơ Loạn lúc thì gấp gáp, khi thì ngưng đọng nhuốm màu huyền diệu. Nó được soi chiếu trên nhiều bình diện: hiện tại - quá khứ - tương lai; chuyển hóa thành vạn vật và biến thành phương tiện chuyên chở cảm xúc trữ tình của nhà thơ. 

3.3. Những biểu tượng đặc sắc 

Hành trình tiếp cận bản chất biểu tượng đã có nhiều cách kiến giải, định nghĩa được đưa ra. Trong lĩnh vực văn hóa, C.G.Jung cho rằng: “Biểu tượng là hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất ta mơ hồ, nghi hoặc của tâm linh… Biểu tượng không bó chặt gì hết, nó không cắt nghĩa, nó đưa ta ra ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm tận đến phía ngoài kia, không thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ và không có từ nào trong ngôn ngữ của chúng ta có thể diễn đạt thỏa đáng” [25,198]. Biểu tượng vì vậy, đầy gợi cảm và sinh động, phong phú hơn nhiều một dấu hiệu, ký hiệu đơn thuần. Hiệu lực của nó vượt ra ngoài ý nghĩa, phụ thuộc vào cách giải thích, động lên các cấu trúc tinh thần làm phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận. Theo các nhà phân tâm học, biểu tượng là chiếc cầu nối hiếm hoi bắc từ ý thức qua vô thức, là những tia sáng vừa làm hé lộ vừa ẩn lấp, phát ra những miền sâu thẳm nội tâm con người. Biểu tượng trở thành ngôn ngữ tinh thần kết nối con người với nhau, cho con người chiếm lĩnh thực tại trong chiều sâu bản chất của nó, cuốn hút người tiếp nhận vào một cuộc tìm tòi bất tận ý nghĩa cuộc đời. 

Trong lĩnh vực văn học, “Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của hình tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hoặc triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” [30,24]. Như vậy, có thể hiểu biểu tượng trước hết là hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa biểu trưng gắn liền với đặc tính vốn có của nó, “là cái vật nào đó có một ý nghĩa rộng lớn hơn chính nó” [78,65]. Các nhà thơ tượng trưng trong quá trình sáng tác sử dụng biểu tượng như một phương tiện để “nói ra được cái không thể nắm bắt bằng cách nào khác”. Họ chủ đích xây dựng hệ thống biểu tượng rậm rạp, bí hiểm để chống lại nguyên tắc sáng tác kiểu “giãi bày tình cảm” của chủ nghĩa lãng mạn. Thi phái tượng trưng từng nhận thấy mối quan hệ đầy bí ẩn giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình bằng con mắt tâm linh, cảm quan tương ứng; thế giới dường như mang bản thể kép vì tự thân chính nó đã là cả một rừng biểu tượng: “Vũ trụ là một ngôi đền mà trụ cột thiên nhiên - Thỉnh thoảng nói lên những lời mơ hồ, bí ẩn - Con người đi qua cả một rừng biểu tượng - Nhìn chúng ta với con mắt thân quen” (Tương ứng - Baudelaire). Tiếp thu thơ tượng trưng Pháp, Trường thơ Loạn ý thức sâu sắc việc sáng tạo và sử dụng những biểu tượng. Có thể nói, thế giới trong sáng tác Trường thơ Loạn chính là thế giới được nhìn qua lăng kính những biểu tượng; thi sĩ tuyệt đối hóa vai trò của biểu tượng trong thơ mình và coi nó như một đặc trưng nghệ thuật. 

3.3.1. Trăng, Hồn, Máu 
Trong Thơ mới, trăng hiện lên với muôn dáng vẻ. Nhưng có lẽ không ở đâu, trăng được nhìn với tất cả mọi sắc thái như các thi sĩ thơ Loạn (33/43 bài ở tập Đau thương của Hàn Mặc Tử, 14/42 bài ở tập Tinh huyết của Bích Khê, 11/36 bài ở tập Điêu tàn của Chế Lan Viên có trăng xuất hiện). Điều này một phần do yếu tố địa - tâm thức. Vẻ đẹp hư ảo, lung linh của ánh trăng Bình Định khơi vào trực cảm thiêng liêng của rất nhiều nhà thơ từng gắn bó với mảnh đất này. Riêng với Trường thơ Loạn, trăng là một dạng thức “cái nguyên tôi” (Chu Văn Sơn) của các thi sĩ. Trăng rây mượt, nhuộm óng vũ trụ thơ của các thi nhân, tạo nên một vừng sáng vừa kinh dị ma quái, vừa lạnh lẽo võ vàng, vừa mênh mông êm dịu. Hàn Mặc Tử ngủ với trăng, đuổi theo trăng, chơi cùng trăng. Cuộc giằng co giữa khát vọng sống và sự hủy diệt khiến Hàn sợ hãi, mệt nhoài. Trăng trong thơ Hàn rất đẹp, rất lạ, dị thường. Hàn viết hoa trăng, gửi vào trăng những nỗi đau tận cùng thể xác và tâm hồn, với những khát vọng lớn lao của đời mình. Khác với thơ Hàn Mặc Tử, trăng trôi vào thơ Chế Lan Viên thường không còn vẻ kì ảo, diễm lệ, bởi thế giới thơ Chế là thế giới u ám những hồn ma vất vưởng trong hoang tàn đổ nát. Đó là thế giới của đầu lâu, xương trắng, tủy huyết, sọ người. Trăng chiếu lên Điêu tàn thứ ánh sáng nhợt nhạt, lạnh lẽo. Trăng đồng lõa với thần chết, yêu ma. Trong thơ Bích Khê, trăng ánh lên sắc màu rực rỡ, sang trọng và tinh khiết. Đó là thế giới của mã não, ngọc quý, trân châu. Chịu ảnh hưởng của Baudelaire, Bích Khê hòa quyện trăng trong hương, hoa, nhạc. 

Trăng là thú say mê, nơi gửi gắm tình cảm của thi sĩ thơ Loạn với những nỗi đau tận cùng thể xác và tâm hồn. Bằng trí tưởng tượng phong phú, ngôn từ nghệ thuật độc đáo, họ vẽ nên hình ảnh trăng muôn màu, đa nghĩa. Nó không chỉ là thứ ánh sáng huyền ảo và hiu hắt mà còn hiện hữu như một linh vật, một con người, một yêu ma biến hóa. Có lúc trăng là ước mơ, có khi là nỗi hãi hùng; lúc là ánh sáng lung linh, khi là sắc màu gao gắt. Lúc hiền lành, trăng là người bạn thân thiết, là bóng nguyệt, trăng xanh, trăng cổ độ. Khi điên cuồng, trăng là nỗi khiếp sợ, là trăng rụng, trăng ghen, trăng tan từng vũng… Nhưng trước hết, nó là biểu tượng cho nguồn sáng vô biên, nguồn sống bất diệt: “Chỉ có Trăng sao là bất diệt - Cái gì khác nữa thảy đi qua” (Thời gian - Hàn Mặc Tử), gợi nên một thế giới thanh bình, tươi đẹp. Đó là không gian muôn phần lộng lẫy với những dòng ánh sáng sóng sánh ướp hương, là cõi thiên đường với bao khao khát: “Lần mò đường lên mây - Chén trăng vừa tầm với - Chàng ơi vàng ròng đây - Kề môi say ân ái” (Ngũ Hành Sơn - Bích Khê). Ngay cả một người luôn nhìn “ánh trăng mờ yếu” bằng nỗi “sầu héo hắt” như Chế cũng có lúc phải thốt lên: “Cả một nguồn trăng sáng cả muôn hương” (Đầu mênh mang - Chế Lan Viên). 

Trường thơ Loạn nâng niu, yêu quý trăng như vàng, như ngọc, vì trăng là cõi mộng mơ của những hồn thơ vốn mang trong mình bao buồn thương, sầu não. Cho nên, họ xây dựng biểu tượng trăng rực rỡ, gần kề sự sống, lúc nào cũng quay cuồng, ước ao hòa vào miền bất diệt để xa rời trần gian khổ ải: “Đã sướng chưa anh! trên đọt cây... - Trăng càng vô lá, lá trăng say - Ôi bao lạc thú trên đời mộng - Tôi quyết không sai, chỉ thế này” (Trung thu với nghệ sĩ - Quỳnh Dao), để được “tắm trong trăng”, “ngủ trong sao” (Chế Lan Viên), sống trong khung cảnh đầy tràn ánh sáng. Thấu nhập vào hồn thơ Loạn không chỉ màu trăng mà còn cả mùi trăng, hương trăng nữa: “Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa” (Mộng cầm ca - Bích Khê) để sống với những phút giây đê mê hạnh phúc: “Hai ta nhịp nhàng lên cung trăng” (Nghê thường - Bích Khê). Ngày đêm, họ mong gặp trăng để sống với giấc mơ huyền diệu đầy nước mắt: “Ta thích len vào trong đám lau - Núp chờ Trăng xuống để quàng nhau” (Mơ - Hàn Mặc Tử). 

Trăng là cứu cánh, là nguyên mẫu (archetye) đồng vọng cùng tiềm thức, vô thức, và cũng là biểu tượng tuyệt mĩ mà thi nhân khát khao có được. Chẳng thế mà khi bị đày vào “lãnh cung của sự chia lìa” - hố sâu ngăn cách của tình yêu đơn phương vô vọng, của một thân phận mặc cảm đang bị giày vò bởi thân xác đớn đau, là lúc trăng gợi lên vẻ đẹp thiếu nữ, điểm tựa duy nhất để hóa giải trạng huống đau thương: “Bóng hằng trong chén ngả nghiêng - Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình” (Uống trăng - Hàn Mặc Tử). Đó là vẻ đẹp tinh khiết, thơm tho của “trăng đứng tuổi”, “trăng dậy thì” còn bẽn lẽn khiến thi nhân không ghìm nổi cơn sóng lòng tình tự. Lắm khi, trăng thành người tình cuồng loạn kéo nhà thơ bước vào cuộc tri hoan mê đắm để “quay cuồng”, “lăn lộn”, để “ghì”, để “liếm”, để “riết”, để trút bỏ hết những ràng rịt cuộc sống: “Ta cưởi truồng ra - Ta cưởi truồng ra - Ngoài kia trăng sáng chảy bao la - Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn - Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn - Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da” (Tắm trăng - Chế Lan Viên). Không ma quái và ảo hóa như trăng trong thơ Chế Lan Viên, cũng không ám thị sinh mệnh như trăng trong thơ Hàn Mặc Tử, ở thơ Yến Lan, trăng hiện lên mơ hồ, lung linh và lạnh lẽo. Thi sĩ say trăng, chở mãi hồn vượt cả bến trăng sao bên con truyền trôi trên dòng sông lạnh (Bến My Lăng). Có khi, đó là hình ảnh trăng gầy đầy huyền hoặc: “Ôi Bình Định tự thanh cao trao gửi - Buồn xế tà qua mấy cửa rong xanh: - Nơi đã đọng những vũng chiều lạnh dợi - Cửa trăng gầy, gió lụy xuống mong manh” (Bình Định 1935). Trăng trở thành bệnh lý mà Yến Lan là “bệnh trăng”: “Trăng đi từ tóc đi vào máu - Như sữa tuôn dài chảy khắp thân - Tôi yêu trăng quá, mê trăng quá - Như má yêu môi, đến rất gần” (Bệnh trăng - Yến Lan). Trăng được bao phủ lớp sương khói bàng bạc, huyền diệu, thơ mộng, nên dù hao khuyết hay viên mãn, vẫn có thể lay động lòng người trong từng nhịp thở. Quỳnh Dao cũng không ít những câu thơ về trăng tài hoa và ướt át, vồ vập cuộc sống và tình yêu: “Ngọn cỏ say rồi quên cả ướt - Trùng triền sắp sửa liếm da trăng” (Khi tình mới nở - Quỳnh Dao)... Sự mê say tìm kiếm những nguồn hoan lạc vô biên có khi đẩy thi nhân đến bến bờ huyền diệu để được thỏa sức mường tượng về những “tranh lõa thể”, những dáng hình ngả ngớn: “Một cô hồn có lẽ thoáng đi qua - Sao lốm đốm trên cây nằm lả tả” (Người say rượu - Bích Khê)… Dẫu có kỳ dị, hoang đường, mờ ảo, mong ước được đến xứ trăng sao của các thi sĩ thơ Loạn cũng là tìm đến xứ sở của sự vĩnh hằng và bất diệt. Nhưng lang thang mãi trên tầng trời cao, “tắm trong trăng”, “ngủ trong sao”, các nhà thơ vẫn không tìm được sự bình yên trong thẳm sâu tâm hồn. Nhờ tưởng tượng phong phú, cảm xúc mạnh, Trường thơ Loạn đã làm thức nhọn giác quan, mã hóa trăng từ biểu tượng của cái đẹp đến biểu tượng của cảm giác cô đơn tràn ngập... Miền trăng của Trường thơ Loạn luôn hiện hữu bên chúng ta một thứ ánh sáng vừa rực rỡ, vừa rợn ngợp và không bao giờ tắt. 

Cùng với trăng, hồn là biểu tượng xuất hiện với tần số dày đặc trong thi phẩm thơ Loạn. Theo các trường phái triết học tôn giáo phương Đông, hồn mang tính dị nguyên được biểu hiện dưới hai dạng quỷ và thần: quỷ là phần hồn những dục vọng của người sống, còn thần là phần tinh anh linh ứng trong bản thể người. Khác với quan điểm phương Đông, phương Tây quan niệm hồn là giai đoạn quá độ lên thần của mỗi con người. Như vậy, hồn gợi ý niệm về một quyền năng vô hình, một sức mạnh siêu nhiên, về thần linh, về một trung tâm năng lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Nó thể hiện “cái vô thức” và “một sự nhân cách hóa những nội dung vô thức” (C.G.Jung). Đi từ tính chất xã hội đơn thuần đến tính tâm linh tôn giáo, cảm niệm về một thế giới khác ảo diệu, sâu xa hơn thực ra cũng rất gần với ý niệm tôn giáo về một thế giới bên trong, nhất là với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê - những thi sĩ sớm bén duyên với Phật giáo và Thiên chúa giáo. 

Hồn trong thơ Loạn là phần tâm linh của cái tôi chủ thể trữ tình, tồn tại như một thực thể hữu hình có cảm xúc buồn, vui, đau khổ. Thực trạng thân xác không thể vượt qua rào chắn của khổ đau, bệnh tật và cái chết, những cái tôi kỳ dị trong Trường thơ Loạn chỉ còn biết vượt qua bằng Hồn - một linh thể khả dĩ phiêu diêu khắp nơi và thấu hiểu tất cả với một quyền năng vô hình nằm ngoài sức mạnh lý trí. Đây không chỉ là một dạng thức tâm lý mà là sự vượt thoát mãnh liệt, vượt thoát khỏi bệnh tật dày vò và nỗi cô đơn, biểu tượng cho cái tôi khát khao cháy bỏng được tự do trôi dạt: “Lòng nao nao... - Hồn nao nao... - Những đêm buồn tai hại, - Thấy trăng ngà đủn đởn giữa cành cao - Hồn ta lại dậy - Cho gió ghì, gió riết, gió nâng cao”... (Tình quê - Quỳnh Dao). Thân xác quẩn quanh trong bệnh tật và cái chết, để cho “Hồn say sưa vào khắp cõi trời Mơ” (Ngủ trong sao - Chế Lan Viên). Do vậy, một cuộc giao tranh diễn ra quyết liệt trong con người thi nhân: thân xác hữu hạn băng hoại còn linh hồn thì muốn sống vô biên: “Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến - Thịt da tôi sượng sần và tê điếng - Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên” (Hồn là ai? - Hàn Mặc Tử). Nhà thơ càng tuyệt vọng thì hồn càng thăng hoa; nhà thơ càng bị giam hãm bởi bệnh tật thì hồn càng khát khao đi vào ngóc ngách vũ trụ, vào đến tận cùng thế giới sâu thẳm bên trong con người: “Hồn đê mê trong khi lòng giận dữ - Và tạo ra một thứ sáng hào quang” (Sắc đẹp - Bích Khê). Đó là mỹ cảm của tang thương, vượt ngoài tự chủ của lý trí, khát khao vươn tới những vùng linh thị: “Ta muốn gửi thân ta về địa ngục - Cho linh hồn phiêu diễm chốn mung lung” (Dòng tư tưởng - Hoàng Diệp). 

Cũng là sự phân thân giữa xác và hồn, nhưng đối với các tác giả thơ Loạn, sự phân thân này ở mỗi người mỗi khác. Trong thơ Hàn Mặc Tử, hồn vừa biểu lộ nỗi ám ảnh bệnh tật, vừa biểu lộ ước vọng tái sinh. Cảm thức mất linh hồn mình luôn ám ảnh Hàn. Thân xác còn đây mà “Hồn phiêu lạc đến bao giờ” (Hồn lìa khỏi xác). Khát vọng được giải thoát khỏi thân xác bị đày đọa bởi căn bệnh nan y, nên thơ Hàn là cả một “biển hồn ta”, “trút linh hồn”, “hồn lìa khỏi xác” lang thang, bay bổng “tới chốn chiêm bao ngoài sự thực” (Ngoài vũ trụ) để kiếm tìm, mơ ước. Nhiều lúc, Hàn không trả lời được câu hỏi “hồn là ai?” nên đã gào thét đến “Cả Thiên đường, Trần gian và Địa ngục”, đi ròng suốt đêm để tự truy vấn: “Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay - Dẫu hồn đi ròng rã một đêm nay - Hồn mệt lả còn tôi thì chết giấc” (Hồn là ai?). Lúc nào ta cũng thấy ở Hàn khát khao được “thoát hồn anh”, “khạc hồn ra khỏi miệng”, và sốt sắng đến thành khắc khoải “Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu - Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?” (Ave Maria). Sự phân ly của trải nghiệm mĩ học vi diệu như rót những giọt sống cuối cùng, dâng hiến trọn vẹn để “hồn bất diệt với sa hà”, đưa hồn thi sĩ hòa vào một thế giới siêu thăng... Mang ước mơ màu nhiệm và khát khao vượt thoát, nhưng hồn vẫn không tránh khỏi những dằn vặt, đau đớn của cơn lâm lụy: “Hồn đã lạnh, hình như hồn ớn lạnh - Không buồn về với thể xác đêm nay - Và run lên như nhịp điệu cuồng say - Hồn muốn chết nhưng mà không chết được” (Hồn đêm qua). 

Trong thơ Bích Khê, hồn xuất hiện 76 lần (Tinh huyết 65 lần, Tinh hoa 11 lần), và là biểu tượng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu xa. Cuộc phiêu lãng của hồn diễn ra rất phức tạp. Nó là chủ thể không chỉ cảm nhận cuộc sống chung quanh mà còn tự thoát xác vào miền tâm linh khác: “Mây, tuyết, thời gian bay tợ ngọc - Hồn tôi đã thoát để tiêu dao - Những tờ thơ nát đầy hơi hám - Tay khách đa tình sẽ chuyển trao” (Nấm mộ). Giống như Hàn Mặc Tử, trong đau đớn hoảng sợ đến bạt vía, kinh tâm, Bích Khê luôn ám ảnh bởi sự chia lìa giữa hồn và xác. Cơn tê dại tâm can là lúc thi nhân nhận ra mình đang sống những ngày mất mác, chẳng vẹn nguyên ngay đối với cặp đôi khắng khít là xác và hồn. Chịu ảnh hưởng của cảm thức siêu thăng trong thơ Bauderlaire, trạng thái đặc trưng trong thơ Bích Khê là trạng thái mê đắm: “Nhạc đâu bỗng vót từng khơi - Hồn theo với nhạc hồn ơi là hồn” (Cuối thu). Nhiều khi, nhà thơ dẫn hồn đến với giai nhân để cùng đùa vui, quấn quýt, thăng hoa cùng người tình trong cõi huyền diệu của lưu ly, ngọc thạch, trân châu, mã não: “Chàng ơi! Hồn say trong mơ màng - Hồn ta? Hay là hồn tình lang?” (Hoàng Hoa). 

Trong Điêu tàn của Chế Lan Viên, hồn xuất hiện 61 lần trong 27 bài thơ. Khát vọng giải thoát của chàng trai 17 tuổi còn bức thiết đến độ cho hồn “vụt đến xứ Trăng - Mây”, để “hồn rảo bước” và tuyệt vọng biết bao khi “hồn không gặp bến”. Vì vậy, hồn trong thơ Chế không gắn với ánh sáng mà chứa đầy bóng tối, không thuộc về thực tại trần thế mà đồng hành cùng cái chết và hư vô. Cho nên, ở Điêu tàn, những từ ngữ: hồn, hồn ma, hồn mơ, cô hồn, linh hồn, phách hồn, hồn yêu tinh, hồn tử sĩ… trở đi trở lại trong hành trình “dạt trôi về nước non Chiêm” để cảm thức một thời quá vãng. 

Trong Thơ mới, khi khẳng định cái “tôi”, các nhà thơ cũng thường nhấn mạnh phân tích phần “hồn” của mình: “Hồn anh như hoa cỏ may - Một chiều cả gió bám đầy áo em” (Hoa cỏ mây - Nguyễn Bính). Cũng có khi, hồn là hình ảnh ẩn dụ để diễn tả sắc độ tình yêu, trạng thái ngất ngây rạo rực yêu thương, nhung nhớ: “Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi - Trong vườn thơm ngát của hồn tôi” (Nguyên đán - Xuân Diệu)... Nhưng thế giới tâm hồn, linh hồn ấy vẫn là biểu hiện tinh thần của thể xác, tức là thuộc về thế giới hữu thanh, hữu hình chứ không phải là một đối cực với xác, tách mình ra khỏi xác để du hành cùng siêu vũ trụ như trong thơ Loạn. 

Biểu tượng hồn trong sáng tác của Trường thơ Loạn là tín hiệu nghệ thuật đặc sắc, khơi dậy mạch liên tưởng trong lòng người đọc, vừa thể hiện phần tinh anh của chủ thể, vừa gợi những điều kỳ bí của cõi hư vô. 

Cùng với biểu tượng trăng, hồn là biểu tượng máu. Máu là phương tiện truyền dẫn sự sống, là “bản nguyên của sự sinh thành” (Kinh thánh). Tuy nhiên, trong thực tế, dạng thức tồn tại của máu bao giờ cũng có hai chiều đối nghịch: ở bên trong cơ thể, máu là điều kiện của sự sống; ngược lại, nếu vãi ra, máu đồng nghĩa với sự chết. Nói như Hồ Thế Hà, “Máu như một biểu tượng, một ẩn dụ để nối sự sống và cái chết, nó bật thành tiếng than rên điên cuồng, thảm khốc. Nó như là âm bản từ cấu trúc của đời sống” [28,97]. 

Trong văn học, máu biểu trưng cho nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào văn cảnh và dụng ý, phong cách tác giả. Ở Truyện Kiều, máu biểu trưng cho huyết thống, tình ruột thịt của chị em Thúy Kiều: “Ngày xuân em hãy còn dài - Xót tình máu mủ thay lời nước non” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Những câu thơ viết về máu của nhà thơ cách mạng Tố Hữu thường gợi lòng người nỗi căm phẫn quân thù, ý chí đấu tranh mãnh liệt: “Thương nhau, đừng khóc, em yêu - Tự do, phải trả bao nhiêu máu này!” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu). Cũng có khi, máu là biểu tượng đau thương của quê hương, đất nước trong chiến tranh: “Ôi! Những cánh đồng quê chảy máu - Dây thép gai đâm nát trời chiều” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)... Trong thơ Loạn, biểu tượng máu được xây dựng một cách kinh hoàng và lạ lẫm. Những vần thơ Loạn dính đầy máu, những búng máu đỏ tươi thoát ra từ lồng ngực nóng bỏng bị ẩn ức, từ trái tim vật vã đầy khát khao: “Người Trăng ăn vận toàn Trăng cả - Gò má riêng thôi lại đỏ hườm - Ta nằm trong vũng Trăng đêm ấy - Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say Trăng - Hàn Mặc Tử). Nó là biểu tượng của cái chết, là kết tinh và hội tụ thương đau khủng khiếp trong tâm hồn và thể xác thi nhân: “Ta sẽ uống máu lan thành tủy chảy - Ta sẽ nhai thịt nát với xương khô - Lấy hơi ma nuôi sống tấm hồn mơ - Luyện âm khí chuyển rung bao mạch máu” (Máu Xương - Chế Lan Viên). Đó là những giọt máu của điên cuồng, phẫn uất: “Ai bảo là tôi chửa chết rồi! - Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi - Máu cuồng ran khắp trong cơ thể - Ai bảo là tôi chửa chết rồi!” (Cơn mê - Bích Khê). Sự cảm nghiệm về máu của mỗi hồn thơ Loạn hiện lên ở những góc độ đậm nhạt khác nhau. Hàn Mặc Tử ám ảnh bởi sự tuôn chảy không ngừng của máu, ban đầu là “rớm máu”, rồi mỗi ngày càng trầm trọng hơn với những “máu vọt”, “mửa máu”, “hộc máu”… thành “vũng máu”, “búng huyết”, và cuối cùng tan thành một biển máu đầy xót xa được chảy ra từ khoái cảm ngất ngây và điên dại trong người thi sĩ: “Máu tim ta tuôn ra làm bể cả - Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi - Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ - Dâng lên cao, cao tột tới trên trời” (Biển hồn ta - Hàn Mặc Tử). Trong thế giới Điêu tàn của Chế Lan Viên, máu là sự cụ thể hóa những tiêu vong tang tóc của dân tộc Chàm bao trùm mọi không gian, cảnh vật: bầu trời trở thành “trời huyết”, Sông Linh “quằn quại dòng máu thắm”, cảnh vật tươi tắn lúc xuân về cũng gợi hình “khối máu của dân Chàm”… Sự đau thương trong thơ Bích Khê cũng được đẩy đến tột cùng ám ảnh: “Buồn sao muốn khóc cho ra máu - Hiện ảnh trong hồn một đám tang” (Sầu lãng tử - Bích Khê). 

Máu vừa là biểu tượng của cái chết, vừa là biểu tượng của sự sống. Máu là xác của linh hồn, cũng là hồn của thể xác. Cho nên, lắm khi máu mang đến những thi sĩ thơ Loạn trạng thái nhiệt hứng, những cảm xúc say mê sáng tạo được đẩy đến cực điểm: “Đây là bóng nghìn xưa hồn nghệ sĩ - Đem sắc tài đổi lấy phút mơ điên - Trên máu cuồng ghi chép án thơ tiên” (Xác chết của người đẹp - Hoàng Diệp). Dường như với họ, khi làm thơ là khi đang đổ máu, là lúc “Anh cắn hồn thơ để máu trào” trong một hành trình thể nghiệm, tìm kiếm đầy đau thương. Đó là sự sáng tạo trong đau đớn, là sự vắt kiệt sức mình cho thơ. Rất nhiều trường hợp trong thơ Loạn, máu là thi cảm thai nghén tâm hồn thi nhân thành thi bảo: “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết - Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh - Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết - Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” (Rớm máu - Hàn Mặc Tử). Chế Lan Viên cũng có ý muốn kinh hoàng như Hàn Mặc Tử: “Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại - Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta - Để những giọt máu đào còn đọng lại - Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ” (Cái sọ người - Chế Lan Viên). Máu cũng gắn với trạng thái sáng tạo đặc biệt trong thơ Bích Khê: “Lòng chết đi nhưng máu vẫn cuồng say - Nhịp cung cầm cho vang lên tiếng nhạc” (Cô gái ngây thơ - Bích Khê)… Máu là nguồn sáng tạo vô biên, đưa linh hồn nhà thơ đến gần với thể thống nhất sâu xa của vũ trụ. Và khi đi đến tận cùng, thoát thai vào một cõi uy nghiêm nào đó, hóa thân thành muôn vàng tinh khí, cũng là lúc khả năng sáng tạo của các nhà thơ trở thành miên viễn. 

Trăng - Hồn - Máu là cuộc nổi loạn trong cảm giác thi ca. Trường thơ Loạn như muốn xé rào tìm kiếm cho thơ những miền cảm giác mạnh, đẩy cái kinh dị đến tột cùng. Ở bình diện này, lối biểu hiện kinh dị vừa như một tìm tòi mới trong thơ, nhưng trước tiên nó là một sự giải thoát, nghĩa là một nhu cầu sống bức xúc của chủ thể trong thơ và bằng thơ. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy cái đẹp kỳ dị ấy có một biên độ rộng hơn rất nhiều so với nghĩa hẹp của chữ kinh dị thông thường. Chỉ riêng việc Trăng - Hồn - Máu gây ấn tượng tựa như cú sốc với người đọc, từng được giới nghiên cứu quan tâm từ rất sớm, cũng có thể thấy được nội hàm nghĩa rất rộng của nó. Không nằm trên mặt phẳng đời sống, Trăng - Hồn - Máu băng qua một vũ trụ mới đầy hư ảo. Bên cạnh vẻ kinh dị, Trăng - Hồn - Máu cũng là những hình tượng giàu chất thơ với những gì tinh khiết, miên viễn và tuyệt đích của sức sáng tạo. Có “trăng vỡ”, “trăng tự tử” thì cũng có “trăng dệt gấm”, “trăng vàng trăng ngọc”, “trăng sáng giữa trời trong”, “trăng sáng cả muôn hương”. Đây là hồn: “Hồn bay! Hồn Bay! Hồn bay - Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay nhạc hường” (Mơ tiên - Bích Khê). Và đây là máu: “Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự - Tôi đều nhận thấy trên môi em - Làn môi mong mỏng tươi như máu - Đã khiến môi tôi mấp máy thèm” (Gái quê - Hàn Mặc Tử). Dường như nó là dấu vết của cuộc giao thoa kỳ diệu giữa cõi người và cõi trời, là cuộc vật lộn nội tâm quằn quại hướng tới cái đẹp tột cùng của hai thái cực: khổ đau và khát vọng. 

3.3.2. Hoa, Nhạc, Hương 
Hệ thống biểu tượng vô cùng phong phú, đa dạng đã mở ra cho chúng ta cánh cửa để bước vào thế giới thơ Loạn. Đó là một thế giới đa diện, đa sắc và luôn luôn có sự tương phản, đối chọi nhau gay gắt. Bên cạnh những mảng vỡ của sự siêu thoát và chết chóc, là màu sắc của cuộc sống tươi tắn, phồn sinh... Cất lên từ thế giới của sự hủy diệt, nhưng Trường thơ Loạn vẫn khát khao hướng về cuộc sống. Vì vậy, thơ Loạn không chỉ có trăng, hồn, máu mà còn có cả hoa, nhạc, hương. 

Biểu tượng hoa xuất hiện khá nhiều trong thơ Loạn. “Bông hoa nói chung là biểu tượng của bản thể thụ động. Sự phát triển của bông hoa từ đất và nước tượng trưng cho sự phát triển của sinh tồn. Hoa là những hình ảnh của đức tính, của tâm hồn và bó hoa là hình ảnh của sự toàn hảo tinh thần. Hoa còn là biểu tượng của tình yêu và sự hài hòa đặc trưng cho bản chất nguyên khởi, bản chất này gần với trạng thái thiên đường trên trái đất” [25,247]. 

Sau những phút giây điên cuồng rồ dại như muốn tung hê, phá tan, vượt thoát mọi cõi giới, ta lại thấy các thi sĩ thơ Loạn gieo mầm, ươm hoa. Sự hiện diện của những đóa hoa, thảm hoa trong thơ Loạn là biểu tượng cho sự sống, sự sinh tồn, làm nên một thiên đường trên mặt đất. Lần đầu tiên người ta thấy trong thơ không phải là tiếng rên siết, gầm thét đến rợn người mà là “Một chuỗi cười rồ rộ nở trong hoa” (Người say rượu - Bích Khê). Chế Lan Viên hái “cụm hoa ngời” để lấy lại thời gian. Mặt đất nở hoa, hoa tỏa hương, “hương gây đê mê” đưa hồn thi sĩ đến xứ sở của sự sống, của thiên đường siêu thoát. 

Thế giới thơ Loạn trải đầy hoa hồng, biểu tượng cho tình yêu bất diệt, nồng thắm. Những phút giây lưu luyến, hoa hóa thân làm tình nhân ân ái cùng gió, cùng mây, giao hòa với vạn vật: “Hoa gió đã tình si?” (Sáng trăng - Hàn Mặc Tử), “Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng” (Mộng cầm ca - Bích Khê), “Lá nhớ, hoa thương mượn tình gió thổi” (Khua tiếng sóng - Chế Lan Viên)… Đó là những đóa hoa của tình yêu xao động, gợi đến tận cùng hương vị cuộc sống say mê. 

Tuy nhiên, nằm trong mạch cảm xúc đau thương, hoa trong thơ Loạn còn biểu trưng cho một thế giới tàn tạ. Thảm hoa mà các thi sĩ đã dệt nên có những mảng màu tươi tắn, rạng ngời nhưng cũng không ít màu héo úa, rữa tan. Bên cạnh màu đỏ của hoa hồng còn là “ngàn hoa trắng ngập bao la” (Chế Lan Viên) phủ đầy khí vị đau thương, tang tóc. Ta có thể thấy những đóa hoa ngời và cả những đóa hoa tàn “muôn cánh rã”, “hoa rạn vỡ”, “hoa rung nhụy yếu”, “hoa đang rụng” được mọc lên giữa hồn tang của những sầu bi, cô độc. “Hoa mảnh khảnh” (Bích Khê) sót lại trong một xác thu gầy dường như không còn sức sống. Thậm chí, có khi màu hoa còn biến thành màu lệ nhỏ cùng nỗi niềm bi thiết: “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu? - Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu? - Sao bông phượng nở trong màu huyết, - Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?” (Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử). Yến Lan, dù đôi lúc cùng hoa lơ đãng trong miền lãng mạn: “Em đến xin hồng, hồng mới nụ - Hôm nay hồng nở, bóng em xa - Cầm em bữa trước em không ở - Giờ biết làm sao cầm được hoa” (Cầm chân em, cầm chân hoa); nhưng cũng có những đóa hoa tàn héo, gắn liền với cả quá trình trải nghiệm để tích tụ trong thơ từ trống trải, vắng xa: “Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa - Tặng em, ngấp nghé chực quanh nhà - Người không ra đón, hoa dần héo - Héo cả làn mây, đỉnh núi xa” (Hoa tặng - Yến Lan). Thi phẩm Hoàng Diệp cũng ngập tràn những cánh hoa rơi, những mộ hoa của héo khô, tàn hủy: “Vóc liễu gầy bên khóm trúc khô - Hồn hoa gửi với xác hoa mồ” (Nhạc trăng - Hoàng Diệp). Sự héo úa như muốn khỏa lấp những thảm hoa muôn sắc đang trỗi dậy mạnh mẽ của những niềm khát sống.

Biểu tượng nhạc cũng xuất hiện nhiều trong thơ Loạn. “Âm nhạc là trạng thái hài hòa của các con số và của vũ trụ; là một trong những phương tiện để hòa nhập với cuộc sống viên mãn của vũ trụ. Nó giữ vai trò trung gian để mở rộng sự giao cảm đến tận giới hạn của các thần thánh. Vũ trụ là một cuộc hòa nhạc huy hoàng. Âm nhạc giả định một sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác…, một sự hài hòa của các tâm năng” [25,33]. Chủ nghĩa tượng trưng coi “âm nhạc là trước hết” (Mallarmé) và đặc biệt đề cao tính nhạc. Tuy nhiên, các nhà thơ tượng trưng cũng tỏ rõ quan điểm của mình khi cho rằng âm nhạc trong thơ không chỉ là sự kết hợp hoàn toàn bởi những cứ điệu số học, những luật lệ trắc bằng. Bao nhiêu câu thơ niêm luật rất chỉnh tề mà vẫn tắt ngấm trong mang tai khi chữ cuối cùng vừa đọc hết… Nhạc còn là linh hồn, sự rung động tâm lý ở chiều sâu. Đó là sự giao tình của vạn vật mà chỉ nhà thơ mới có thể cảm nhận được. Với nhạc và bằng nhạc, các nhà thơ tượng trưng khát vọng đi sâu vào thế giới huyền ảo, thâm nhập vào bản chất của sự vật và đạt tới độ siêu việt. 

Âm nhạc trong thơ tượng trưng góp phần giúp các nhà thơ có linh cảm kỳ diệu về thế giới tâm linh, gợi lên những giấc mơ kỳ lạ: “Nhạc luôn mang ta đi như sóng biển! - Đến ngôi sao mờ của ta - Dưới bầu trời u ám hay trong thinh không xanh - Buồm ta mở rộng đi xa” (Nhạc - Baudelaire). Tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng, các nhà thơ Loạn không những kiến trúc các bài thơ đầy nhạc bằng nhịp điệu, giọng điệu thấp cao mà còn coi nhạc là biểu tượng, là phương tiện để đạt đến cuộc sống viên mãn của vũ trụ. Bích Khê dựng lên một thi giới tràn đầy âm nhạc, đồng vọng ở cõi người và cõi vật. Chỉ riêng tập Tinh huyết, nhạc xuất hiện 38 lần ở 19 bài thơ, và có đến bốn bài thơ lấy nhạc, điệu nhạc làm đề tài: Mộng cầm ca, Tỳ bà, Nhạc, Nghê thường. Nhạc vang lên từ đàn, từ không gian, từ môi thiếu nữ, thiếu nữ tan thành nhạc. Tất cả dường như đều vận động theo nhạc điệu: nhạc trong gió, trong nắng, trong lời nói, trong hơi thở con người. Trái tim, lồng ngực và cả da thịt của thiếu nữ đều rung động theo nhịp điệu và cung bậc: “Tôi qua tim nàng vay du dương” (Tỳ bà); “Mùa nhạc gẫm nao nao trong lồng ngực” (Cô gái ngây thơ); “Ôi thớ thịt có đàn lên cung bậc” (Bàn chân). Không chỉ không gian tràn ngập nhạc mà cả thời gian cũng vận động theo nhịp điệu của nó: “Mây, tuyết, thời gian bay tợ nhạc” (Nấm mộ - Bích Khê). Thậm chí, đi sâu vào thế giới bí ẩn của cái sọ người, thi sĩ cũng bắt gặp “máy thu thanh hòa âm nhạc thơm tho” (Sọ người - Bích Khê). Con người tâm linh theo nhạc đi cao mãi, chạm tới cõi thần diệu, nơi ngự trị nhan sắc và tình yêu. Hàn Mặc Tử theo đường nhạc vút cao mà hòa nhập với vũ trụ viên mãn: “nhạc bay lên”, “nhạc lên trời”, “nhạc lên ngàn” (Xuân đầu tiên - Hàn Mặc Tử). Khúc “nhạc thần” đưa thi nhân bay trong nguồn sáng thiêng liêng, nhiệm màu của phước âm thần thánh để được chở che, nâng đỡ cùng những nguyện cầu: “Như song lộc triều nguyên ơn phước cả - Dâng cao dâng đầy nhạc sáng hơn trăng - Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng - Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể” (Thánh nữ đồng trinh Maria - Hàn Mặc Tử). Trong tiếng nhạc ngất ngây, thiên nhiên và lòng người cùng rung vang những cung đàn đồng vọng: “Những khúc nhạc vàng bay lả tả - Những niềm run rẩy của đêm yêu” (Lưu luyến - Hàn Mặc Tử). Âm thanh cuộc sống qua cảm nhận của Hàn trở thành bản hợp xướng kỳ vĩ. 

Đặc biệt, trong sáng tác của Trường thơ Loạn, âm nhạc không chỉ đơn thuần là phương tiện đưa hồn người phiêu diêu, siêu thoát, bảng lảng cõi hư vô trong một thế giới hư thực xen lẫn cảnh trần gian với cõi thiên tiên, mà còn tạo nên chất men say mê đắm lòng thi sĩ đang khát khao sự sống: “Đây khúc nhạc mềm như thiếu nữ - Cả chiều tha thước ở sau cây” (Ý thơ - Quỳnh Dao). Cho nên có một Hàn Mặc Tử ngây ngất với “nhạc nồng say”, một Chế Lan Viên rung ngân với “điệu nhạc điên cuồng”, một Bích Khê đắm mình trong “nhạc lâm ly” chưng cất từ mười phương cho tràn tim, thấu phổi! 

Nhạc trong sáng tác của Trường thơ Loạn không phải bao giờ cũng du dương, êm ả. Những bản đàn cũng có lúc loạn phím, đảo nhịp một cách bất thường. Thi nhân “Nhấn dây tơ loạn buồn lơi lả” (Mộng - Bích Khê) làm tan rữa cả linh hồn, thể xác và phá hủy cả tâm năng thi sĩ. Âm nhạc có thể giải thoát muôn vạn hồn đau nhưng cũng có thể đẩy con người đến tột cùng ranh giới của sự sống - chết. 

Biểu tượng hương cũng là biểu tượng độc đáo trong thơ Loạn. Thế giới thơ Loạn tràn ngập sắc hoa, âm vang điệu nhạc và cũng đượm hương thơm. Hương thơm vốn là một biểu tượng đa nghĩa: “Tính tế nhị không nắm bắt được, nhưng là có thật của hương thơm làm cho nó gắn liền một cách tượng trưng với sự có mặt tinh thần với bản chất của linh hồn. Hương thơm còn tượng trưng cho ký ức, cho ánh sáng và là biểu thị của các đức hạnh” [25,461]. Linh cảm đặc biệt của những tâm hồn nhạy cảm đã giúp các thi sĩ thơ Loạn tìm thấy muôn ngàn hương thơm của vạn vật trong thế giới mà họ đang có mặt. Và, trong quá trình tư duy sáng tạo, các thi nhân đã biến những hương thơm ấy thành đối tượng nghệ thuật trong thơ. Trong sự đê mê ngây ngất, những hồn thơ Loạn đã xây dựng nên biểu tượng hương gắn kết, hài hòa với biểu tượng hoa và nhạc nhằm kiến tạo bức tranh toàn vẹn về cuộc sống phồn sinh. 

Trường thơ Loạn đã tìm khắp ba cõi thiên đường, trần gian và địa ngục, trong cả thế giới tự nhiên và siêu nhiên để chưng cất nên một loại hương đặc biệt có nồng độ cực mạnh đem đến cảm giác tột cùng đê mê. Hương thơm ấy tượng trưng cho ánh sáng, thứ ánh sáng thơm tho, tinh khiết có sức mạnh xua đi bóng tối, sưởi ấm tâm hồn thi sĩ và tạo sự cân bằng cho cuộc sống. Trong thế giới thơ Loạn, hình ảnh nắng thơm, nhạc thơm, hoa thơm, cỏ thơm, khí trời thơm, nụ cười thơm… đã trở nên quen thuộc: “Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc; - Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương - Là nơi đây đoàn tụ nhạc mười phương - Ứ thành xuân cho niên hoa bất tuyệt” (Nàng bước tới - Bích Khê). Hàn Mặc Tử trong buổi chiều cầu nguyện an lành lại thấy: “Gió đổi mới thêm hương cho ánh sáng” (Say thơ - Hàn Mặc Tử). Những cảm xúc đê mê của thi sĩ càng bừng lên mạnh mẽ khi đón nhận ánh sáng và hương thơm của nắng vàng rực rỡ: “Mê cuồng say điêu đứng vì thương - Ôi chao ôi! trong nắng rực mùi hương” (Nắng vàng - Hàn Mặc Tử). Hoàng Diệp thì mạnh mẽ hơn: “Đốt trăng cho hương nhả khói ra”… Những hương thơm ấy như ào ra từ hồn phách, từ ý nghĩ và cứ thế tự nhiên tuôn chảy trong nguồn mạch thơ bất tận trong mỗi thi nhân. Nó cho thấy sự tương giao, tương hợp được nhận diện bằng lối tư duy bất chợt đầy cảm xúc, khó lý giải nhưng lại gợi lên nhiều ám ảnh thú vị đối với người đọc. 

Nếu hương thơm từ vạn vật được thâu tóm bằng linh cảm đặc biệt của mọi giác quan thì hương thơm toát ra từ da thịt của con người được các thi nhân cảm nhận bằng những khát khao tinh tế. Đó là thứ hương rất đời, rất người, vừa trần tục lại vừa thánh thiện. Thi sĩ thơ Loạn thực sự bị hấp dẫn bởi hương thơm của da thịt. 

Huế,12/2016

Võ Như Ngọc
Theo https://hueuni.edu.vn/


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...