Nhà thơ Giang Nam:
Quê hương trong dáng em cười Chỉ với bài “Quê hương”, Giang Nam đã trở thành một nhà thơ nổi
tiếng. Đó là một sự may mắn không phải ai cũng có được trong nghề cầm bút.
Tuy nhiên, với Giang Nam, giấc mộng thi sĩ giống như một sự sắp
đặt ngẫu nhiên của số phận. Nhà thơ Giang Nam sáng tác để có thêm vũ khí cho
mình trên hành trình dấn thân “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” một cách
chân thành: “Tôi thấm thía một điều, cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống
nhất đất nước là ngọn nguồn cảm xúc, là niềm vui và nỗi đau trong thơ tôi”.
Năm 16 tuổi, chàng trai Nguyễn Sung đã tham gia quật khởi
cùng Cách mạng Tháng Tám - 1945 tại quê nhà Ninh Hòa - Khánh Hòa. Sự chọn lựa ấy
đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong đời ông. Đi với kháng chiến, Nguyễn
Sung làm công tác xây dựng cơ sở, rồi theo bộ đội đánh giặc, rồi làm tuyên huấn...
Thực tế khói lửa, thực tế sinh tử đã giúp ông làm thơ, như
ông thổ lộ “trở thành nhà thơ lúc nào không biết, chủ yếu là không thể dằn lòng
trước nỗi đau của bà con và nỗi đau của riêng mình”.
Bài thơ Quê hương đánh dấu sự nghiệp thi ca của Nguyễn Sung với
bút danh Giang Nam, ra đời năm 1960 ở căn cứ Hòn Dù nằm phía tây thành phố Nha
Trang. Bài thơ đậm chất tự sự, như được ghi chép rất thật thà về tâm trạng của
tác giả khi nghe tin người vợ của mình bị giặc bắt và hy sinh ở miền Nam.
Bài thơ gồm 35 câu, kể lại một câu chuyện dằng dặc nhớ thương
giữa hai con người có chung nhiều kỷ niệm và có chung một lý tưởng. Không khí
yên ả và tâm tư trong sáng làm nền cho cả bức tranh Quê hương, từ nét đẹp
hồn nhiên “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng
trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao/ Những
ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được/ Chưa đánh roi nào đã khóc/ Có cô
bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích”, rồi đến rung động thánh thiện “Cô bé nhà
bên (có ai ngờ)/ Cũng vào du kích/ Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích/ Mắt đen
tròn (thương thương quá đi thôi!)/ Giữa cuộc hành quân không nói được một
lời/ Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại/ Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm
mãi...” và đến hẹn thề thanh cao “Hòa bình tôi trở về đây/ Với mái trường
xưa, bãi mía, luống cày/ Lại gặp em/ Thẹn thùng nép sau cánh cửa.../ Vẫn khúc
khích cười khi tôi hỏi nhỏ/ Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)/ Tôi nắm bàn
tay nhỏ nhắn ngậm ngùi/ Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...”.
Ba mảng màu tươi tắn được khắc họa bởi tiếng cười khúc khích.
Ba đoạn thơ chỉ mang tính thông tin, nhưng nhờ tiếng cười khúc khích mà lan tỏa
thành ba ấn tượng đặc biệt!
Tuy nhiên, ba chuỗi cười khúc khích không thể tạo ra bài
thơ Quê hương, nếu không có dông tố đột ngột: “Hôm nay nhận được tin
em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em
là du kích, em ơi/ Đau xé lòng anh chết nửa con người”.
Sự mất mát ấy gây bàng hoàng cho người đọc, và trở thành điểm
nhấn để kỷ niệm bay lên, lý tưởng bay lên, câu chữ bay lên, thả lơ lửng một bài
thơ Quê hương vào bầu trời thi ca Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước!
Xét ở góc độ thẩm mỹ văn chương, bài thơ không có gì nổi bật
về bút pháp và về ngôn từ. Thế nhưng, giá trị rung động của Quê
hương có thật, nhờ nỗi đau có thật trong bài thơ. Nếu nói một cách chi ly,
thì nhà thơ Giang Nam chỉ đóng góp một nửa bài thơ, còn nửa bài thơ kia thuộc về
nhân vật nữ có tiếng cười khúc khích.Nhà thơ Giang Nam
Nhân vật nữ ấy là Phạm Thị Chiều, một người con gái làng chài, nhỏ hơn Giang
Nam hai tuổi. Họ gặp nhau và yêu nhau gần đúng như bài thơ miêu tả. Những ngày
chuẩn bị ký Hiệp định Geneve, họ đã làm đám cưới, rồi mỗi người một hướng để thực
hiện nhiệm vụ cách mạng.
Năm 1959, bà Phạm Thị Chiều cùng con gái nhỏ của họ, đã bị bắt
giam ở nhà lao Phú Lợi - Bình Dương và chẳng có tin tức gì.
Vì vậy, năm 1960, nhà thơ Giang Nam choáng váng khi có người
nhầm lẫn cho biết vợ con của ông không còn nữa, và ông đã gieo xót xa riêng
mình xuống trang giấy mà thành bài thơ Quê hương đầy day dứt: “Xưa
yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu
quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”.
Khi bài thơ Quê hương phổ biến khắp ba miền, bà Phạm
Thị Chiều được trả tự do vào năm 1962, nhưng sau đó lại bị địch bắt và lưu đày
ra Côn Đảo. Mãi đến năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, bà Phạm Thị Chiều mới được
sum họp với nhà thơ Giang Nam. Năm 2013, nữ du kích có tiếng cười khúc khích
trong bài thơ Quê hương qua đời ở tuổi 82!
Câu chuyện buồn thương của đôi trai gái mà bài thơ Quê
hương đề cập, không phải trường hợp độc nhất vô nhị trong giai đoạn văn học
chiến tranh Việt Nam. Mô típ ấy, nhà thơ Hữu Loan đã viết bài thơ Màu tím
hoa sim vào năm 1949 với u uất “Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ mà
chết/ người gái nhỏ hậu phương”, và nhà thơ Vũ Cao đã viết bài thơ Núi
Đôi vào năm 1955 với xao xác “Mới tới đầu ao, tin sét đánh/ Giặc giết em rồi,
dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành, chết thủy chung!”.
Bài thơ Quê hương gần gũi với bài thơ Núi Đôi hơn
bài thơ Màu tím hoa sim, nhưng mỗi bài thơ đều có sắc thái riêng và có chỗ đứng
riêng!
Dù tác phẩm lừng lẫy Quê hương được viết ở vùng đất
Diên Khánh, nhưng quãng đời hoạt động cách mạng và văn học sôi nổi nhất của
Giang Nam lại diễn ra ở chiến trường Nam bộ. Từ năm 1963 đến năm 1975, nhà thơ
Giang Nam gắn bó với Trung ương Cục miền Nam và công tác ở Hội Văn nghệ Giải
phóng.
Trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, nhà thơ
Giang Nam được chứng kiến một thời khắc lịch sử bi hùng khó quên của dân tộc.
Ký ức ngổn ngang và chất chồng được ông lần giở tỉ mỉ và trân trọng trong trường
ca Ánh chớp đêm giao thừa xuất bản vào năm 1998, với những câu thơ như cuộn
trào, như nhắc nhớ.
Từ những hồi hộp trước đợt xuất kích: “Chúng tôi chờ
tin/ Từ những sư đoàn chủ lực đang hành quân/ Chúng tôi chờ tin/ Từ những dòng
sông âm thầm dân công ra phía trước/ Họ đi về phía các anh/ Về phía mùa xuân/ Về
phía Sài Gòn/ Thành phố đau thương nhưng không bao giờ khuất phục” đến những
giây phút cảm thông lặng lẽ “Anh yêu em như nước sông luôn chảy một dòng/
Biết xa nhau để có ngày gần lại/ Cầm bàn tay, ôi những ngón búp măng thời con
gái/ Anh đã làm gì cho bớt những vết chai?” và những hy vọng bập bùng như
lửa cháy “Ngày mai, em ơi ngày mai/ Sẽ trả về cho chúng ta cuộc đời thường hằng
mơ ước/ Sẽ nổ trên đầu thù ngàn khối thuốc/ Từ căn phố này bé nhỏ không tên/ Và
từ hàng me hò hẹn của chúng mình...”.
Với nhà thơ Giang Nam, cuộc đời thi ca song hành cuộc đời
cách mạng. Không chỉ có bài thơ Quê hương và trường ca Ánh chớp đêm
giao thừa chứng minh điều đó, mà chính nhà thơ Giang Nam còn trực tiếp khẳng định
trong bài thơ Nghe em vào đại học về mạch nguồn bổ ích để sống và viết của bản
thân: “Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt/ Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam/
Câu chuyện mở đầu: "Thuở ấy, ở quê hương/ Anh chỉ học có một trường: Cách
mạng".
Tận tụy với lý tưởng, nhà thơ Giang Nam cũng gặt hái được nhiều
hoa thơm trái ngọt trên bước đường danh vọng. Sau khi non sông liền một dải,
nhà thơ Giang Nam có nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn
VN, rồi chuyển về quê hương làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Khánh Hòa, rồi đảm nhiệm
cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho đến lúc nghỉ hưu năm 1993. Thế
nhưng, theo thời gian thì người ta chỉ nhớ một nhà thơ Giang Nam!
Luôn cởi mở đón nhận những tìm tòi sáng tạo của đồng nghiệp,
nhưng nhà thơ Giang Nam vẫn kiên định lối viết giản dị theo cốt cách cá nhân. Đọc
thơ Giang Nam, không khó để nhận ra những buồn vui từng giăng mắc trong trái
tim ông, kể cả những khoảnh khắc run rủi mơ hồ: “Có cái gì trong nắng, nắng
vàng hơn/ Có cái gì trong xôn xao sóng vỗ/ Anh nhìn đâu cũng thấy màu áo đỏ/ Em
xa rồi, tất cả nói thay em”.
Nhà thơ Giang Nam từng bộc bạch: “Tuyệt đại đa số bài viết là
để cho mình đọc, để tự dặn với lòng mình hãy thủy chung với đất nước, với người
mình thương”.
Lời lẽ như vậy không quá nhún nhường mà cũng không giả vờ
khiêm tốn, ông chưa bao giờ có ý định phô diễn chữ nghĩa hòng được thiên hạ
xưng tụng bất kỳ điều gì, nhưng cuộc đời cứ va đập, cứ tương tác, cứ dan díu, cứ
bận bịu để ông thành nhà thơ.
Người bạn đời đôn hậu Phạm Thị Chiều, người con gái có tiếng
cười khúc khích làm nên hồn vía bài thơ Quê hương, vẫn thường xuyên
xuất hiện trong những trang thơ âm thầm của nhà thơ Giang Nam, từ những ngày
bom đạn khốc liệt “Anh gục đầu trên dòng chữ nhỏ/ Mà lòng thổn thức suốt
canh thâu/ Tưởng thấy bóng em sau cánh liếp/ Đêm đêm nghe gió rít qua đầu” đến
những ngày thanh bình chộn rộn “Chiều mưa Sài Gòn, gió giật những cành me/ Nghe
bão miền Trung thương em một mình bối rối/ Bao cơn bão đi qua cuộc đời con gái/
Vẫn mình em chống chọi, vẫn mình em”. Lê Thiếu Nhơn
Nguồn: Trang web chính thức của
NXB Hội nhà văn vào ngày: 21/1/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét