Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Hình ảnh trăng trong thơ văn Việt Nam

Hình ảnh trăng trong thơ văn Việt Nam
Trăng là nguồn cảm hứng vô tận của người Việt ta trong kho tàng văn học bình dân cũng như của biết bao văn nhân, thi sĩ trong nền văn chương bác học. Trong văn học Dân gian đến văn học Trung đại, trăng trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân, có lẽ vì vậy mà không chỉ đối với người dân Việt Nam nói chung mà ngay cả các em bé nhỏ tuổi, tình yêu trăng đã được nuôi dưỡng trong tâm hồn từ thuở ấu thơ. Trải lòng mình dưới ánh trăng thu vằng vặc, có biết bao thi nhân đã tạo nên những thi phẩm vô giá sống mãi cùng thời gian, ánh trăng dường như đã trở thành tâm giáo, tri kỷ với mỗi nhà thơ, nhà văn.
Vậy trăng là gì? Trăng từ đâu? Ngoài danh từ thông thường là “trăng”, trăng còn  được người Việt ta gọi bằng nhiều tên khác, rất thi vị thì có: gương nga, bóng nga, bóng nguyệt, nguyệt thiềm,…; huy hoàng đài các thì có: cung Quảng, cung Thiềm, cung Hằng, cung Quế,… Chúng ta còn tưởng tượng ra các nhân vật cư ngụ trên mặt trăng như Hằng Nga (hay chị Hằng), chú Cuội, thỏ ngọc,… cùng các giai thoại lý thú về các vị này như: Hằng Nga cùng các tiên nữ múa hát điệu Nghê Thường vào đêm rằm tháng Tám, chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa nhớ nhà chú ở địa cầu, v.v…
Điểm lại tiến trình nền văn học Việt Nam chúng ta thấy. Trong toàn khúc Chinh Phụ Ngâm ta thấy rải rác đó đây chữ “trăng”, chữ “nguyệt”. Trăng gợi lên những tình cảm khác nhau của chinh phụ, khi nhớ thương, khi lo lắng, khi đau đớn: 
- Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San.
- Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Ðêm trăng này nghỉ mát phương nao?
- Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
- Xông pha gió bãi trăng ngàn,
Tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.
- Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.
- Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau.
Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh cũng không thiếu câu nói về trăng:
- Tuần trăng khuyết, dĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
(lúc Kim Trọng tương tư Kiều)
- Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông!
(lúc Kiều về với Mã Giám Sinh)
- Nâu sồng từ trở màu thiền,
Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu.
(lúc Kiều ở Quan Âm Các)
- Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về Tây.
(lúc Kiều đánh cắp đồ đạc trong Quan Âm Các và bỏ trốn đi)
- Phải tuồng trăng gió hay sao,
Sự này biết tính thế nào được đây?
(lúc Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe)
- Mảnh trăng đã gác non đoài,
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong.
(lúc Kiều sắp trầm mình ở sông Tiền Đường)
Đoạn cuối lúc Kim Kiều sum họp, trong 169 câu thì đã có 7 câu (câu 8 chữ trong cặp lục bát) nói đến trăng:
- Còn duyên may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.  
- Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương.
- Bấy chầy gió táp mưa sa.
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
- Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
- Tình duyên ấy hợp tan này,
Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao.
- Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
- Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Cho đến chán đời như thi sĩ Tản Đà cũng tỉ tê tâm sự với trăng, xin lên chơi với Hằng Nga trong bài Muốn Làm Thằng Cuội:
- Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần giới em nay chán nữa rồi.
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Đi lần đến thời thơ tiền chiến, các tác phẩm của thi sĩ Hàn Mạc Tử có lẽ chiếm kỷ lục về số bài thơ tả trăng: trong 106 bài thơ tôi được đọc thì có đến 62 bài nói tới trăng. Độc đáo nhất là bài Trăng Vàng Trăng Ngọc: trong toàn bài thơ gồm 15 câu và tựa đề, tôi đếm được tất cả 31 chữ “trăng”.
Bởi cuộc đời của thi sĩ quá bất hạnh, quá bi thương nên bao nhiêu cảm hứng, bao nhiêu đau khổ buồn vui người đều gởi gắm cho trăng.
Thi sĩ đùa giỡn với trăng, say với trăng, uống trăng, v.v… qua các bài thơ với tựa đề toàn là trăng: Chơi Lên Trăng, Đà Lạt Trăng Mờ, Một Miệng Trăng, Một Nửa Trăng, Ngủ Với Trăng, Rượt Trăng, Sáng Trăng, Say Trăng, Trăng Tự Tử, Trăng Vàng Trăng Ngọc, Uống Trăng, Vầng Trăng, v.v…
Lúc thì thi sĩ nâng niu trăng, muốn nhờ thuyền chở trăng về cho kịp:
- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây Thôn Vĩ Dạ)
khi thì lại rao bán trăng đi, như trong Trăng Vàng Trăng Ngọc:
- Ai mua trăng tôi bán trăng cho,
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò.
rồi lại đổi ý không nỡ bán trăng vàng ngọc:
- Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.
và thi sĩ cầu nguyện cho trăng được sáng ngời:
- Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi,
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi,
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.
Trăng của Hàn Mạc Tử được nhân cách hóa thành là bạn để cùng thi sĩ đuổi bắt nhau chơi:  
- Ha ha! Ta đuổi theo trăng,
Ta đuổi theo trăng.
Trăng bay lả tả ngả lên cành vàng,
Tới đây là nơi tôi được gặp nàng.
(Rượt Trăng)
Hay trở thành là rượu, là thức ăn:
- Bóng hằng trong chén ngả nghiêng,
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình.
- Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga.
(Uống Trăng)
- Trời hỡi làm sao khi đói khát,
Gió trăng có sẵn làm sao ăn.
Làm sao giết được người trong mộng?
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?
(Lang Thang trong tập Xuân Như Ý)
- Cả miệng ta trăng là trăng,
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan.
Ta nhả ra đây một nàng,
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây.
(Một Miệng Trăng)
Trong khi trăng của Thúy Kiều được ân cần chia xẻ làm đôi, nửa ở lại với Kiều, nửa theo Thúc Sinh (“Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường”), thì trăng của Hàn Mạc Tử bị tàn phá bi thảm hơn: “cắn vỡ” và “đứt ruột” là những hình ảnh hủy diệt chết chóc:
- Hôm nay có một nửa trăng thôi,
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột,
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
(Một Nửa Trăng)
Theo như lời Hàn Mạc Tử trong bài tựa tập Thơ Điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh.
Mà quả thật càng đọc thơ Hàn Mạc Tử, tôi càng thấy “ớn lạnh”. Và “chóng mặt”. Bởi vì, vào những ngày tháng cuối đời của người, trăng trong thơ Hàn Mạc Tử càng lúc càng gắn bó với: “sóng gió rùng rùng, địa chấn, thần phách ngả lao đao, mê dại, thét chòm sao, muôn năm rướm máu”:
- Vì không giới, nơi trầm hương vắng lặng,
Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao.
Sóng gió nổi rùng rùng như địa chấn,
Và muôn vàn thần phách ngả lao đao.
(Hồn Lìa Khỏi Xác)
- Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng,
Cho ngây người mê dại đến tâm can.
Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng,
Mà muôn năm rướm máu trong không gian.
(Rướm Máu)
Nhà thơ tiền chiến kỳ cựu Xuân Diệu cũng có một số bài thơ về trăng như các bài: Trăng, Nhị Hồ, Đây Mùa Thu Tới, Nguyệt Cầm, Thu, Buồn Trăng, Hoa Đêm; nhưng theo ý tôi, đặc sắc nhất là trăng trong bài thơ Lời Kỹ Nữ.
Khi kỹ nữ mời khách thì trăng sáng quá, rộn ràng như trên trời đang bày yến tiệc:
- Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa,
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời,
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Và trăng khoan thai, không vội vàng chi, lên cao trên vòm trời:
- Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
Chớ đạp hồn em!
Trăng từ viễn xứ,
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
Nhưng khi trăng vừa mới lên cao, nàng kỹ nữ đã cảm thấy bao thoáng buồn rờn rợn của một sự chia ly:
- Gió theo trăng từ biển thổi qua non,
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Bây giờ thì bầu trời trở nên lạnh lẽo, bởi vì bầu trời đầy trăng. Trăng không còn đẹp nữa, mà trăng làm nàng run sợ:
- Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
Vì cuộc chia ly đã đến:
- Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Nên trăng bây giờ lạnh buốt:
- Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi,
Du khách đã đi rồi.
Chỉ trong vài đoạn thơ mà trăng của nàng kỹ nữ đi từ sáng vằng vặc đầy tình tứ đến chỗ lạnh buốt, lạnh buốt đến xương da chớ không chỉ là trăng ngà lạnh lẽo!
Còn rất nhiều vần thơ bất diệt mà trăng là nguồn cảm hứng của thi nhân, như:
- Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?  
(Lưu Trọng Lư, Tiếng Thu)
- Sáng trăng chia nửa vườn chè,
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau
Đêm nay mới thật là đêm,
Ai đem trăng rải lên trên vườn chè. 
(Nguyễn Bính, Thời Trước)
Trong thi phẩm Gánh Nước Đêm Trăng. Bài ca mở đầu bằng bốn câu tả đêm trăng và đôi bạn tình nhân ở miền quê cùng đi gánh nước:
“Sương thu lạnh bao trùm trên cảnh vật,
Trăng đêm nay dìu dịu khắp không gian.
Tôi với em đi gánh nước cạnh đình làng,
Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng.
Nước giếng trong, giữa đồi cát mịn ánh nguyệt mờ soi đôi bóng giao kề.”
Khi tình còn nồng thắm thì trăng dìu dịu soi đôi bóng tình nhân. Sau đó, chàng trai phải rời làng quê đi làm ăn ở phương xa. Đêm cuối cùng trước khi chia tay, cô bạn hứa rằng sẽ không phụ bạc anh. Thế nhưng, ba năm sau anh trở về thì người yêu đã đi lấy chồng. Anh cũng lại đi gánh nước vào đêm trăng, mà trăng nay đã khác, trăng lẻ loi quá:
“Đêm nay vầng trăng khuya, như âm thầm lẻ bóng…”
Với lời mộc mạc mà thống thiết, anh trách trăng:
“Trăng ơi, trăng sáng làm chi khi lòng tôi đang u tối; nước giếng sâu trong vắt sao tình của ai kia như vũng nước trong bùn.”
Bài vọng cổ không cần văn chương trau chuốt, mà ý tình chân thành vẫn gây xúc động đến tận đáy tâm hồn người nghe.
Trong văn chương bình dân, có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói đến trăng.
- Trên trăng dưới nước,
Anh giao ước một lời,
Dẫu trăng lờ nước cạn, mấy đời phụ em?
- Trăng mờ còn tỏ hơn sao,
Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đồi.
- Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
- Đêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau.
Trăm năm thề những bạc đầu,
Chớ ham phú quý đi cầu trăng hoa.
- Đời phải đời thạnh trị,
Cuộc phải cuộc văn minh.
Kìa là gió mát trăng thanh,
Biết đâu nhơn đạo bày tình cho vui?
- Thương nhau thiếp đợi chàng chờ,
Không thương trăng lặn sao mờ mặc sao.
Tác phẩm Trăng Đất Khách, một tuyển tập các cây bút nữ ở hải ngoại do cơ sở Làng Văn xuất bản năm 1987, gồm 15 truyện ngắn và 25 bài thơ. Trong số 25 bài thơ thì đã có 12 bài đề cập đến trăng, tiêu biểu là bài Trăng Đất Khách với tựa đề được chọn làm tựa đề cho cuốn sách. Tôi xin trích dẫn một vài vần thơ trăng khá hay trong số các bài thơ trên:
- Nhạt trăng viễn xứ đau hồn cúc,
Lạnh phím quan hoài lả ngọn dâu
Trăng lạnh đôi bờ đau ý trúc,
Tuyết rơi mấy nẻo quạnh vườn hương.
(Tuệ Nga, Xuân Tha Hương)
- Vườn xưa lối cũ trăng còn sáng,
Thềm vắng còn ai đứng đợi chờ
Trăng nước thân yêu còn lắng đợi,
Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi.
(Trần Mộng Tú, Trăng Đất Khách)
- Mắt xanh cười khinh bạc,
Nửa đời không tri âm.
Phương nào, trăng đã khuyết,
Đàn rung nốt nhạc trầm.
(Trần Thị Núi Sông, Trên Đồi)
Hai thi phẩm Trăng Hoàng Hôn và Nửa Rừng Trăng Lạnh của thi sĩ Quách Tấn viết trong khoảng năm 1975 tới 1977 chứng tỏ rằng: cho dù mặt trăng có thực sự lởm chởm đá sỏi bao nhiêu đi nữa, trăng vẫn là nguồn cảm hứng dạt dào của người, và có phần linh động hơn, sắc sảo hơn so với trăng trong các tác phẩm của thi sĩ đã xuất bản vào khoảng năm 1939-1941.
Hãy ngắm trăng trong Trăng Hoàng Hôn:
- Non trăng đã lặng dấu hài,
Trải niềm tâm sự sân lài trắng sương.
(Ngậm Ngùi)
- Trăng tà hiu hắt gió lau,
Thương ai tóc đã bạc màu hoa xuân.
(Ngại Ngùng)
- Canh chầy lòng biết gởi ai,
Sân trăng nhìn cúc tháng Hai ngậm ngùi.
(Cúc Tháng Hai)
- Long lanh giếng mọc đầy sao,
Trà chuyên độc ẩm ngọt ngào trăng khuya.
(Ngọt Ngào)
- Bùi ngùi ra đứng sân sau,
Nhìn trăng đọng giọt trên tàu chuối non.
(Đọng Giọt)
- Bạn xưa gác bút cả rồi,
Song thơ một bóng mình ngồi ngâm trăng.
Ngày tàn thương Ðỗ Thiếu Lăng, [4]
Nghìn thu chớp ánh sao băng cuối trời.
(Ngày Tàn)
Dấu hài của trăng, trăng tà hiu hắt, sân trăng gợi ngậm ngùi, trăng khuya ngọt ngào, trăng đọng giọt trên tàu chuối non (màu lá chuối non trong đêm lẫn với màu ánh trăng mà thi sĩ vẫn nhìn thấy được “giọt” trăng trên tàu lá), và ngâm trăng (ngâm trăng chớ không còn ngâm thơ nữa)… tất cả đã đạt đến mức xuất hồn nhập trăng!
Như vây, văn học Việt Nam gắn liền với hình ảnh và vẻ đẹp của ánh trăng, tựa hồ như trăng đã đi vào văn học nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, qua các giai đoạn văn học, chúng ta càng thêm hiểu về trăng, về tình yêu trăng của các thi nhân. Một trong những yếu tố làm nên nét đẹp và cảm hứng trong văn học không thể kể đến hình ảnh của ánh trăng, trong đêm rằm trung thu này, dưới vẻ đẹp lung linh và huyền diệu của ánh trăng, một lần nữa chúng ta soi mình, và càng cảm nhận rõ và sâu hơn về điều ấy.
27/9/2015
Trần Thị Thanh Hoa
Theo http://thpt-pbai.thuathienhue.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...