Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Lòng vị tha của rắn

Lòng vị tha của rắn

Mùa đông năm ấy gia đình bé Mắm quyết định chuyển vào Lâm Hà - một huyện nhỏ ở Tây Nguyên để sinh sống. Bố Mắm nói: “Đấy là vùng kinh tế mới mà nhà nước đang khuyến khích người dân vào lập nghiệp. Ở nơi ấy có núi đồi bát ngát mênh mông, nhà mình vào sẽ được phân nguyên một quả đồi để trồng cây….”. Chỉ nghe bố nói đến đó tai bé Mắm đã ù cả đi vì sung sướng. Mắt Mắm mơ màng nghĩ đến một ngọn đồi rợp bóng thông, ngày nào Mắm cũng sẽ được lên đồi nằm gối đầu trên cỏ mát nhìn bầu trời trong xanh qua từng kẽ lá…

Chiều hôm ấy, trời vào lập đông se sắt lạnh. Đó là một buổi chiều mà sau này sẽ còn ám ảnh nhiều năm trong ký ức của Mắm. Số là hôm ấy, anh hai đang phát cỏ dại quanh triền đồi để mở rộng khoảng vườn trồng rau ngay trước nhà thì anh bỗng hốt hoảng ném cả dao xuống đất, bỏ chạy và gọi thất thanh:

- Bác Điền ơi, bác Điền ơi! Rắn. Ổ rắn ráo to lắm.

Bác Điền vốn là hàng xóm của nhà Mắm, gia đình bác chuyển vào đây trước gia đình Mắm vài năm. Có lần bác kể với Mắm: “Ở đây núi đồi còn hoang sơ nên nhiều rắn rết lắm! Bác hay bắt chúng để ngâm rượu và đem lên thành phố bán cho mấy nhà hàng đặc sản. Ở thành phố họ rất chuộng thứ này nên bán rất được giá”. Vì thế trong xóm hễ ai thấy rắn cũng gọi bác đến bắt. Bé Mắm và anh hai không đủ can đảm đứng đó xem bác Điền bắt rắn như thế nào. Mãi sau khi bác ấy xách một con rắn to dài lượt thượt đi về thì hai anh em mới bạo gan ra nhặt con dao vào. Vừa ra đến nơi, hai anh em bàng hoàng thấy một chú rắn nhỏ bị chặt đứt một đoạn đuôi đang quằn quại bò vào đám cỏ. Anh hai toan đập vào đầu nó cho chết hẳn thì bé Mắm ngăn lại:

- Tội nghiệp nó lắm anh hai. Nó còn nhỏ lại bị mất mẹ nữa. Anh hai tha cho nó đi.

Anh hai động lòng dừng tay lại. Bé Mắm nhặt cành củi khô khẽ đập vào bụi cỏ xua con rắn đi:

Đi đi chú rắn nhỏ. Anh hai không đánh mày nữa. Mày vào rừng sâu mà sống cho yên lành nhé!

Con rắn nhỏ long lanh cặp mắt bé xíu nhìn bé Mắm như tỏ lòng biết ơn rồi chui vào đám cỏ dại.

Tối hôm đó, hai anh em kể chuyện tha chết cho chú rắn nhỏ với bố. Bố nói:

Sao con không đánh chết nó luôn đi, kẻo sau này nó lớn lên sẽ về báo thù đó.

Hai anh em nghe mà co rúm cả người lại vì sợ. Từ hôm đó bé Mắm không dám ra triền đồi chơi như trước nữa. Vì Mắm sợ con rắn nhỏ lớn lên sẽ quay về báo thù như lời bố nói…

Lại nói về chú rắn nhỏ. Sau cái buổi chiều kinh hoàng ấy, gia đình chú tan nát. Mẹ chú bị bắt đi mất tích, còn các anh em chú cũng chết hết chẳng còn ai. Gia đình đông vui của chú chỉ còn mỗi mình chú sống sót nhờ đặc ân của bé Mắm. Chú không đi vào tít rừng sâu để sinh sống như lời bé Mắm khuyên nhủ mà vẫn luẩn quẩn quanh sườn đồi bắt côn trùng và chuột sống qua ngày. Trong thâm tâm của chú vẫn còn ám ảnh về cái chết của mẹ buổi chiều hôm nào. Chú nghe mấy bác rắn lục thi thoảng vẫn rủ rỉ vào tai rằng:

Mày nhất định phải báo thù cho mẹ mày. Loài người họ ác lắm! Họ đang tận diệt nòi giống của chúng ta để cho vào bình đem bán đó. Chúng ta không thể tha thứ cho họ được.

Từng lời nói của rắn lục cứ như cái cật nứa cứa vào nỗi đau của chú rắn nhỏ. Chú nhìn vào cái đuôi bị cụt của mình mà lòng quặn thắt. Chú lại rưng rưng nước mắt nhớ đến cái cảnh mẹ mình bị bắt lôi đi. Lòng chú trào dâng một nỗi hận thù sâu sắc. Mắt chú long lên sòng sọc… Nhưng nghĩ đến bé Mắm - cái cô bé chiều hôm ấy đã ân cần đuổi chú đi lòng chú thấy dịu lại. Trong thâm tâm chú vẫn nghĩ loài người hẳn không hoàn toàn xấu xa như bác rắn lục nói. Chú vẫn hi vọng trong số họ vẫn còn nhiều người tốt như bé Mắm…

Một buổi sáng mùa xuân, bé Mắm đang loanh quanh chơi ở trước sân nhà với các bạn thì nghe những tiếng kêu thê thiết của mấy chú chim non nơi sườn đồi. Cả bọn nhớn nhác kháo nhau:

- Chắc là tổ chim ri ở trên cành thông bị gió làm đổ xuống nên lũ chim con lạc mẹ kêu inh ỏi thôi. Mặc kệ chúng. Chúng ta chơi tiếp đi!

Nhưng tiếng chim càng lúc càng nghe thê thiết hơn. Cảm tưởng như chúng kêu đang khàn cả giọng và sắp kiệt sức đến nơi rồi. Bé Mắm bỗng thấy sao mà xót xa và thương cho lũ chim non quá! Nghĩ đến hoàn cảnh của lũ chim non kia cũng giống như mình (Mắm mồ côi mẹ từ nhỏ) mà trong lòng Mắm cảm thấy không yên. Một động lực vô hình cứ thôi thúc Mắm phải làm một cái gì đó để cứu giúp lũ chim non kia. Mắm bàn với các bạn:

Hay là chúng mình lên đồi bắt mấy con chim non kia bỏ lên tổ cho mẹ nó đi. Nghe thấy tội nghiệp chúng nó quá à!

Thôi đi. Bộ mày quên chuyện con rắn hôm bữa rồi à? Trên đó nguy hiểm lắm!

Một đứa lớn giọng gạt đi. Nghe thấy vậy Mắm lại nhớ đến chuyện chú rắn nhỏ cụt đuôi ngày nào. Lòng gợn lên một chút sợ hãi. Mắm đã đem chuyện đó kể cho tất cả các bạn nghe, cả cô giáo nữa. Các bạn ai cũng tin và sợ chuyện rắn trả thù. Chỉ có duy nhất cô giáo là không tin. Cô vẫn thường dạy Mắm phải biết yêu thương tất cả các loài động vật, nhất là những loài động vật hoang dã đang ngày bị săn bắt đến mức sắp tuyệt chủng hết cả. Mắm rất tin lời cô nhưng trong thâm tâm vẫn có một nỗi lo sợ mơ hồ. Trưa hôm đó, sau khi các bạn đã về hết, Mắm vẫn còn nghe tiếng lũ chim non thi thoảng kêu lên bằng cái giọng khàn đặc vô vọng. Có lẽ chúng đã kiệt sức và đói lắm rồi! Càng nghe Mắm càng không cầm lòng nổi. Nó đánh liều mon men lên đồi đi tìm lũ chim.

Ở bên kia sườn đồi, chú rắn ráo nhỏ cũng đang âm thầm quan sát lũ chim non lạc mẹ nằm ủ rũ ở dưới đất. Chú dự định sẽ bắt một con cho bữa trưa. Chú âm thầm quan sát và nhẹ nhàng tiến lại gần. Bỗng một cô bé rón rén đi lại bắt từng con một bỏ vào túi áo. Rồi cô bé tiến lại gốc thông nơi chú đang nằm rình. Chú nhận ra người quen. Chú giận sôi cả người lên: “Thì ra loài người thật độc ác. Cả cái con bé trước giờ mình tôn thờ nó như ân nhân kia, giờ cũng đang săn đuổi lũ chim non bé xíu để giết thịt. Thật không thể tha thứ được. Nó dám lấy mất bữa ăn ngay trước miệng mình à! Mình nhất định phải trả thù. Không thương xót gì nữa!”. Vừa nghĩ chú vừa âm thầm quan sát bé Mắm. Chú thấy bé Mắm một tay giữ chặt miệng túi không cho lũ chim bò ra khỏi túi áo, một tay bám lấy cây thông cố leo lên một cách khó nhọc. Sau mấy lần trượt chân xước hết cả đầu gối, cuối cùng Mắm cũng leo lên được gần tổ chim, rồi nhẹ nhàng bỏ lũ chim non vào tổ. Xong xuôi cô bé tụt xuống thì bị ngã bịch một cái đau điếng, trẹo cả chân. Dù rất đau nhưng Mắm không khóc một tiếng. Lòng cô bé thấy vui vui vì mình vừa làm được một việc tốt. Chú rắn nhỏ cứ há hốc mồm nhìn cô bé tập tễnh bước đi mà không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Chú thấy xấu hổ vì đã nghĩ oan cho cô bé. Cả buổi chiều hôm ấy, chú nằm quan sát chim mẹ cho lũ chim con ăn thật hạnh phúc. Những chú chim non kêu lên chiêm chiếp một cách sung sướng. Chú thầm thán phục cô bé Mắm lắm, tới mức quên đi cả cơn đói của mình.

Đêm hôm ấy - một đêm trăng sáng trong veo. Từng triền đồi tĩnh lặng đều được dát vàng ánh trăng, đẹp như một bức tranh thủy mạc. Mùi hương của hoa rừng và cỏ dại thơm ngát. Rắn con nằm thao thức nghĩ đến cô bé Mắm. Lòng chú thấy dịu lại thanh thản, nhẹ nhàng. Chú không còn cảm giác của sự hận thù sục sôi trong lòng nữa. Giờ đây trong thâm tâm chú là một sự cảm thông và lòng yêu thương vô hạn đối với bé Mắm. Thì ra loài người không phải ai cũng độc ác và lúc nào cũng chực ăn thịt mình. Vẫn còn đó những người đáng yêu như bé Mắm. Từ nay chú sẽ quên hết nỗi đau cũ và lòng thù hận cũ. Chú sẽ nghe lời bé Mắm, đi vào rừng sâu để sống một cuộc sống trong lành và tự do - cuộc sống không gợn những âu lo về sự chết chóc và lòng hận thù.

7/1/2015

Lê Sỹ Hòa
Theo http://baolamdong.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...