Đi về vùng thảo nguyên
1. Tôi quen Lam tại nhà ga trong một đêm gió rét. Hôm ấy tôi có việc phải mang một chiếc xe máy phân khối lớn lên tàu. Dựng chiếc Suzuki hiệu GZ-150A trên bãi đất trống và đứng chờ, khi đã nóng ruột vì sắp đến giờ khởi hành tôi mới thấy một nữ nhân viên nhà ga xách chiếc chai rỗng đến tháo xăng khỏi bình xe. Nàng nhìn con ngựa sắt đen sì nặng chừng tạ sáu của tôi, thả một chiếc ống nhựa vào bình xăng và ngậm miệng vào đầu kia để hút.
- Đàn ông ở ga chết hết rồi hay sao mà để cho em làm cái việc
này? - Tôi ái ngại.
Nàng không trả lời. Hơi xăng xộc lên làm nàng mấy lần phải dừng
lại thở. Cặp vú căng nhọn tưởng chừng sắp nứt ra khỏi làn áo màu ghi bó sát
thân mình của ngành đường sắt. Tôi thấy thương nàng.
- Em tên là gì? - Khi chiếc chai nhựa đựng xăng đã đầy, tôi hỏi.
Nàng ngoảnh về phía sau, nhổ bọt, đưa tay vuốt ngực rồi nói cụt
lủn:
- Lam.
- Người đẹp như em, phải lấy chồng đại gia và giờ này ở nhà nằm
nghe nhạc mới xứng - Tôi tán.
- Chồng em đại gia đấy chứ - Nàng nói - Nhưng bỏ rồi.
- Thật à? - Tôi mừng rỡ - Anh thì mới ly thân.
Năm phút sau, xe của tôi được đưa lên kho chứa hàng trên tàu.
Tàu chạy, tôi nghe gió rít ngoài cửa sổ và miên man nghĩ đến một vùng ngực mềm.
Hai tháng sau, tôi và Lam trở thành người tình. Tôi không tò
mò hỏi về người chồng cũ của nàng, chỉ biết ông ta làm chức gì to lắm. Chúng
tôi rất hợp nhau, ít khi cãi vã, nếu có thì thường nhanh chóng chấm dứt bằng những
nụ hôn.
Một hôm nàng đột ngột bảo tôi: “Em chán ngấy cái Hà Nội này rồi.
Mình lên miền núi làm lại cuộc đời đi anh”. Tôi hỏi đi đâu, nàng bảo lên Tây Bắc.
Tôi hỏi vùng nào ở Tây Bắc, nàng nói: “Đi về vùng thảo nguyên”.
Thì đi. Tôi cũng đang chán ngắt cơ quan. Ở đó có một lũ đố kị luôn bày kế hại tôi, nhăm nhăm tìm những lỗi vặt của tôi rồi ghi vào sổ để cuối năm thanh toán, bề ngoài ngọt nhạt, bề trong khốn nạn ngấm ngầm. Hai ngày sau, tôi bỏ lại cho vợ ngôi nhà chục tỉ ở ngoại thành, nàng lặng lẽ ra khỏi nhà ga, cả hai lên chiếc Suzuki rời Hà Nội ra đi không một lời từ giã.
2. Chúng tôi lên Châu Mộc vào cuối mùa thu. Khi ấy cánh rừng phong ở ven thảo nguyên đang bắt đầu đỏ lá. Dừng xe ngắm hoàng hôn xanh lam buông xuống đồng cỏ lốm đốm những chú bò đen lang trắng, trong không khí trong vắt và se lạnh, Lam vui sướng rú lên.
Đêm đầu tiên, tôi và nàng ở nhờ tại một trang trại nuôi bò sữa.
Chủ trại, một anh chàng có đôi mắt xanh thẳm như nước hồ và môi đỏ như hoa trạng
nguyên bờ giậu, suốt đêm thổi sáo một điệu nhạc buồn. Chú bò yêu quý của anh mới
bị loại trong cuộc thi hoa hậu bò sữa tổ chức vào tháng mười, còn vợ anh vừa bỏ
nhà theo trai sau khi giật giải cuộc thi nhan sắc nông trường cấp huyện. Khuya,
tiếng sáo buồn làm Lam không ngủ được. Nàng đi rất xa ra thảo nguyên, ôm về một
bó hoa xuyến chi đẫm sương đêm tươi mát.
- Chúng mình phải làm việc gì đó để sống em ạ, không lãng mạn
mãi được - Tôi nói - Anh tính bán chiếc Suzuki để lấy tiền mua bò sữa. Giá một
con bò dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu, khéo mua khéo bán thì mình sẽ có
được hai con. Mỗi con mỗi ngày cho ba mươi lít sữa, mỗi lít bán cho nhà máy sữa
được mười nghìn đồng, vị chi mỗi ngày mình thu được sáu trăm nghìn. Còn khoản
tiền nữa anh mang theo, sẽ dùng vào việc thuê đất và làm chuồng trại. Thế là sống
khỏe rồi!
- Anh phải sắm một con ngựa, đeo hai khẩu súng săn và đội chiếc
mũ màu cỏ úa rộng vành. Anh sẽ thành cao bồi miền Tây, còn em mặc váy trắng và
ôm cái bình vắt sữa bò. Chúng mình sẽ làm một ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, y
như trong phim ấy! - Lam nói.
- Ngôi nhà có ống khói, có hàng rào gỗ bao quanh và một con
chó lông xù nữa chứ!
- Tất nhiên rồi, anh tuyệt lắm! - Lam vít cổ tôi xuống mà hôn. Tính nàng là thế, mỗi khi thích thú thì phải hôn, hoặc cười rú lên như ngựa hí.
Minh họa: Thành Chương
Trời vừa sáng, Lam đã lên thị trấn gặp nhà chức trách để xin
giấy tạm trú, còn tôi tìm một hiệu sửa xe máy gần chợ nhờ mai mối bán chiếc xe.
Đến quá trưa thì bán được xe, tôi ôm năm chục triệu ra về, hình ảnh đôi bò sữa
mượt mà cứ hiện ra phập phồng trước mặt. Qua quán nậm pịa ở lưng dốc, thấy một
đám buôn ngựa đang nốc rượu, tôi liền tấp tểnh tạt vào. Bọn họ cho tôi xem ngựa,
gạ gẫm tôi mua một con lông tía có mụn lồi ở mắt rồi chuốc cho tôi uống đến
say. Tỉnh dậy, tôi thấy mặt trời đỏ ối đã tụt xuống chân quả núi sau lưng, còn
mình nằm nhũn ra như con chuột dưới gậm bàn và bọc tiền thì biến mất.
Tôi về đến trang trại khi bóng tối xanh biếc đã ngập tràn thảo
nguyên và căn nhà gỗ. Lam chạy ra đón.
- Bán được xe rồi hả anh? - Giọng nàng có vẻ mừng.
- Bán rồi, nhưng mất hết cả, mất hết cả rồi - Tôi giơ hai tay
lên trời, khật khưỡng, lè nhè.
Lam cúi đầu im lặng. Rồi nàng đi rót cho tôi một cốc sữa.
- Chả sao. Mình sẽ tìm cách khác để sống anh ạ. Năm chục triệu,
đáng gì.
Nàng ôm tôi tha thiết, mặn nồng. Đêm ấy tôi và nàng ngủ ngon.
Trong mùi hoa cỏ đưa về từ thảo nguyên. Trong tiếng sáo dịu dàng suốt đêm của
chàng chủ trại.
Mấy hôm sau, chúng tôi rời thảo nguyên lên núi.
Trước ngày lên núi, có những tin nhắn từ Hà Nội liên tục nhảy
vào máy di động của tôi. Anh đang ở đâu, cho mọi người biết để mang xe đến đón.
Anh đừng nóng giận mà bỏ đi như thế, cơ quan lúc này đang rất cần anh. Tôi
không trả lời, ném điện thoại vào bụi cây ké. Sao bây giờ chúng mày mới thấy cần
tao, sao cả năm trời chúng mày chỉ nói xấu tao, biến trắng thành đen, nói không
thành có. Cái chức trưởng phòng với tao là muỗi, thằng này có chết rũ xương
trên núi cũng không thèm trở về.
Đường lên núi hun hút. Chúng tôi cứ men theo triền núi mà bước,
không biết phía trước sẽ là đâu. Những dãy núi màu xám, màu lam trải dài như vô
tận, mênh mông, như không bao giờ hết.
Lam vừa đi vừa hát. Bài dân ca du mục, kêu gọi con người ta
đi tới một nơi nào rất xa.
Đến phía bắc thảo nguyên, tôi và Lam ở trong một chiếc lều
canh nương. Dưới chân núi có một bản người Thái trắng, khói bếp màu nâu đỏ bay
lên từ những nếp nhà sàn. Mùi khói làm Lam bồn chồn. Đã hai ngày nàng chỉ ăn
bánh mì, mua bằng tiền dành dụm được trong mấy hôm đi vắt sữa bò thuê ở nông
trường thị trấn.
- Chúng mình phải rời khỏi đây trước khi mùa đông đến em ạ.
Đi về hướng gió Lào sẽ ấm. Anh nghe nói ở đây có sương muối, mùa đông em sẽ
không chịu nổi đâu.
Lam ngồi im như con chim ốm ở góc lều, khẽ run vì lạnh. Chiếc
áo nhân viên đường sắt nàng mặc bị gai song, gai mây cào rách, hở ra mảng thịt
trắng gần bả vai.
Một sớm kia, tôi mò xuống bản người Thái xin ăn. Vào ngôi nhà
sàn đầu bản, chỉ thấy trẻ con ở nhà, khi bước xuống cầu thang tình cờ trông thấy
một bộ váy áo vắt ở đầu hồi, tôi liền vo tròn nhét vào trong áo. Đi khỏi bản một
quãng, tôi lủi nhanh như cáo vào ruộng mía giở ra xem. Đó là chiếc áo cóm trắng
nõn, đính khuy bạc hình bướm trên đường nẹp xẻ ngực, chiếc váy đen có cài dây
xà tích bạc, dải lụa thắt eo màu xanh lá cây.
Tôi chạy lên dốc núi, sướng rơn. Món quà này, chắc Lam phải
hôn tôi đến ngạt thở mất.
Chẳng ngờ Lam nổi giận. Mắt nàng chuyển từ màu đen sang màu
xanh biếc. Nàng ném chiếc váy mềm nhũn và mát lạnh vào mặt tôi.
- Quân đốn mạt!
Rồi kiên quyết bước ra khỏi lều, mặc cho tôi lạy lục, van vỉ.
- Tôi từ bỏ một thằng chồng chỉ lo đục khoét, hút máu dân
lành, không phải để lại gặp một phường trộm cắp như anh. Chúng ta chia tay ở
đây.
Nàng vùn vụt xuống núi, đi về phía thảo nguyên. Tôi nhìn
theo, mãi đến khi bóng nàng mờ khuất trên cánh đồng bạt ngàn hoa cải trắng.
Ngày hôm sau, tôi gạt nước mắt, một mình đi về phía Thượng Lào.
3. Giữa mùa đông tôi trở lại thảo nguyên, vào trại nuôi bò của anh chàng thổi sáo. Anh ta không biết tin gì về Lam. Tôi đi ra đồng cỏ, dưới bầu trời âm u màu thiếc, chân giẫm lên khóm ngải cứu héo khô vì sương giá, lòng thấy nhớ Lam vô cùng.
Một lần đi chợ huyện Châu Mộc, tình cờ tôi nghe kể về một người
đàn bà có chồng làm quan bỏ Hà Nội lên đây làm việc cho hợp tác xã nấm. Họ tả
chị ta “trông như trái lê mọng nước, ngon lành, chỉ tội tiếng cười chẳng khác
gì ngựa hí”. Tôi giật mình.
Tìm vào khu trồng nấm, khỏi phải nói tôi đã mừng như thế nào
khi gặp lại Lam. Tôi không hỏi những ngày qua nàng sống ra sao, chỉ quỳ xuống
xin nàng tha lỗi. Nàng nhổ nước bọt, bỏ đi.
Tôi không nhớ mình phải khổ công lặn lội vào cái hợp tác xã nấm
chết tiệt khuất sau vạt rừng thông hiu quạnh ấy bao nhiêu lần mới được Lam tha
thứ. Nàng đồng ý trở về với tôi, một thằng ăn cắp, có lẽ vì thương hại hơn là
còn yêu. Vừa mừng tôi lại vừa lo vì chưa kiếm được việc làm, trong khi đồng
lương hợp đồng của Lam không đủ sống.
Tôi thuyết phục Lam lên núi, đi tìm một vùng quê mới, biết
đâu sẽ dễ sống hơn.
Lại đi. Kẻ trước, người sau, thất thểu như đôi vợ chồng du mục.
Qua những đồi cỏ tranh mênh mông vàng xuộm, những bãi ngô già úa xác xơ, những
nương lúa trải dài hiu hắt. Đi trong những ngày hun hút gió, những chiều u ám
mưa phùn. Cả hai đều đói và buồn, phải sống qua ngày bằng rau cải mèo hái được
trên nương rẫy. Có lần qua rừng bắt gặp một ống tre treo trên cành cây, ở trong
đựng khúc nhau thai của một chị người Thái nào đó đã bốc mùi thum thủm, tôi liền
mang xuống suối rửa rồi nướng ăn. Lam ngoảnh mặt đi. Nàng nhìn ra bãi đá ven rừng,
nơi có những cành mơ đã bật ra những nụ trắng tinh trong giá rét.
Từ Châu Mộc qua mấy cánh rừng rậm, chúng tôi sang đến đất Vân
Hồ. Ở đây núi dựng cao vút, bản làng trông bé như những xơ gỗ rải giữa hai triền
đá xanh. Trên núi trồng nhiều bí đỏ và ngô, đôi khi rực rỡ những vườn hoa cải
vàng tươi sáng bừng trong lũng vắng. Một buổi chiều sương đi qua đèo nhìn xuống
bản, chợt nghe thấy tiếng lợn kêu và tiếng thậm thịch giã bánh dày trong máng gỗ,
mới biết Tết của người Mông đã đến rồi (1).
Một sớm ra khỏi rừng, tôi và Lam trông thấy một thung lũng rải
rác những nếp nhà mái xám. Khắp trong lũng, bạt ngàn mận đang lấm tấm trổ hoa.
Ngửi thấy mùi khói thơm trong gió, cặp môi thâm tím vì rét của Lam mấp máy, đôi
mắt trắng bệch vì đói lại sáng lên. Ngần ngừ hồi lâu, nàng đánh liều cùng tôi rẽ
qua đồi lanh xanh rì tìm đường xuống bản.
Trong bản, mọi ngôi nhà đều giống hệt nhau, vách thưng bằng gỗ,
mái phủ tấm lợp, thấp thoáng sau những lùm mận xùm xòa. Vườn mận ken dày, cây
nào cũng to gộc, rêu phong, xù xì mốc trắng. Qua một nếp nhà có khói xanh tỏa
lên ấm áp, bên trong có tiếng cười văng vẳng, tôi và Lam đứng lại, chần chừ.
- Ai đến nhà ta thế nhỉ? - Tiếng cười im bặt, từ khung cửa
hơi tối ló ra một cái đầu chít khăn. Rồi một người trai mặc quần áo chàm đen, cổ
đeo vòng bạc chạy ra nhìn chúng tôi, hồ hởi:
- Ở đâu đến đấy? Vào đi, vào ăn cái Tết với nhà tôi đi!
Tôi kéo Lam bước vào căn nhà ấm sực. Hỏi ra thì biết đây là bản
Chiềng Đi của người Mông. Người chồng tên là Lầu A Dua, vợ là Mùa Thị A, cả hai
đều còn rất trẻ.
Lam sà ngay vào bếp lửa than hồng rực ở góc nhà. Tôi mân mê
chén nước nóng, nhìn quanh. Trên vách gỗ, ban thờ làm bằng tấm giấy bản màu
vàng nhạt dán loăn xoăn những túm lông gà. Bên cạnh dựng cuốc cày, dao nỏ và
gùi, cái nào cũng được dán bung biêng một tờ giấy đỏ (2). Thì ra hôm nay là mùng
một Tết.
- Chúng tôi đi buôn ngựa, qua núi bị cướp sạch tiền… - Tôi rỏ
một giọt nước mắt, ngập ngừng.
- Đầu năm đừng nói chuyện buồn - Người chồng xua tay - Đã đến
đây rồi, ta cùng nhau ăn thịt, uống rượu.
Bữa ăn được dọn ra, ngoài thịt lợn thịt gà còn có món thịt
chuột nướng chấm muối ớt thơm ngậy. Chiếc chậu nhôm méo mó đựng tiết canh lợn đỏ
lòm đặt ngay trên chiếu. Tôi vục mặt vào tảng tiết canh, ngốn ngấu, còn Lam
suýt nghẹn vì xơi liền một lúc hai chiếc bánh dày. Nàng ghé tai tôi, thì thào:
“Ngon thế này mà chẳng có rau, canh. Giá như có thêm một bát canh khoai sọ!” (3).
Mùa Thị A chỉ uống chút rượu rồi ra ngồi trên chiếc ghế gỗ
mòn vẹt bên bếp lửa. Ở người đàn bà trẻ này gợi lên một cái gì đó vừa xa xôi vừa
khó hiểu. Tôi trộm ngắm đôi chân khô bóng không quấn xà cạp của cô nàng chìa ra
qua vạt váy chàm in hoa văn bằng sáp ong. Gương mặt ửng hồng lấm tấm tàn nhang
như vỏ trứng chim cút của cô đăm đắm nhìn qua ô cửa về phía xa, nơi có màu lam
nhạt của vệt núi dài, và bầu trời phảng phất sương mù càng về trưa càng sáng.
- Vợ tôi nó rất chăm làm. Ngày Tết đàn bà Mông phải kiêng
không được cầm kim may vá thêu thùa, cái chân cái tay nó bỗng thừa ra nên cái mặt
nó cũng ngẩn ngơ như chim mất tổ đấy - Lầu A Dua giải thích, rồi quay sang vợ hỏi
- Lại nhớ thằng Phử phải không?
Tôi hỏi Phử là ai, Dua kể rằng trước kia vợ mình từng yêu một
người tên là Lầu A Phử. Phử là tay đua ngựa cừ nhất bản Chiềng Đi, luôn về đích
đầu tiên trong mỗi cuộc đua ngày Tết. Trên đường đua Phử vừa nhào lộn như một
con sóc trên lưng ngựa vừa nhoài mình xuống vặt những đóa hoa xanh biếc trên cỏ
ném cho đám con gái đứng hò reo cổ vũ bên đường. Mùa Thị A say Phử như say thuốc
phiện, Phử cũng mê nàng. Hai người đã tính chuyện ở chung nhà, ngủ chung giường
thì cách đây bốn năm, trong cuộc đua ngựa vào đầu xuân, con hắc mã của Phử bỗng
nhiên giở chứng hí loạn lên, xoay tròn như một con quay rồi hất Phử xuống bãi
đá tai mèo trên miệng vực. Đầu Phử vỡ như quả pao nhồi hạt lanh bị bục. Thì ra
có kẻ gian đã bí mật thả một hạt đậu vào lỗ tai ngựa, càng chạy hạt đậu càng
chui vào tận óc khiến con ngựa hóa điên. Phử chết, nhờ đó mà Dua lấy được cô
nàng xinh nhất bản là Mùa Thị A. Cũng từ đấy, mỗi dịp xuân về, bản Chiềng Đi
không còn tổ chức đua ngựa…
Dua kể đến đó thì cô vợ đột ngột gắt lên. Hai má đỏ bừng như
trái sơn tra ướp trong băng tuyết, đôi mắt long lanh gườm gườm như mắt cú và từ
cái miệng xinh nhỏ tuôn ra một tràng tiếng Mông dài.
- Nó bảo chính tôi là người đã nhét đậu vào tai ngựa - Dua cười
hề hề, dằn mạnh cái bát sứt đựng rượu - Nó bảo tôi không đi đường thẳng. Nó bảo
tôi chỉ đi lối tắt bụi rậm như con cáo con cầy.
Buổi tối, Dua theo bố vợ là ông Mùa Chờ La đi chúc Tết các
nhà trong bản. Ông La là trưởng bản nên mùng một Tết năm nào ông cũng đến chơi
đủ mọi nhà. Về khuya, khi bóng đêm dày như đổ mực vào thung lũng, tôi thấy Mùa
Thị A lặng lẽ cầm đèn pin ra ngõ tìm chồng, ánh đèn quét dọc quét ngang vào từng
gốc mận. Bên khe suối và các bụi rậm cũng lác đác có ánh đèn xanh lét lóe lên.
Đêm tân niên, có biết bao người vợ Mông lầm lũi tìm chồng say rượu ngủ quên
trên lối đi vào bản.
Tôi và Lam tính sẽ ở lại Chiềng Đi đến hết Tết năm ấy. Người
Mông ăn Tết lai rai cả tháng do ngô lúa đã gặt xong, cỏ khô đã trữ đủ cho bò ngựa,
chờ ra giêng ông trời làm mưa thì mới vỡ nương vào mùa. Lam không còn giận tôi,
suốt ngày mùng hai nàng theo tôi và Dua đi ăn Tết từ nhà nọ sang nhà kia, cả ba
đều say khướt. Đó là cái Tết vui nhất trong cuộc đời của tôi và nàng.
Mùng ba Tết, thung lũng mận xuất hiện thêm một vị khách mới
là Linh. Linh là sinh viên từ Hà Nội lên, một mình đi phượt miền núi. Linh tóc
ngắn, người thon và trắng, trên đường qua bản tình cờ gặp Tết thì ghé lại nhà
Dua. Lần đầu tiên đến đất Vân Hồ nhưng cô tự nhiên như ở nhà, tắm giặt xong
phơi đồ lót ngay trên khung cửi dệt vải lanh ngoài cửa. Lam không giấu giếm ác
cảm với cô bé này. “Con gái con đứa gì mà vô duyên, ăn xong không thèm dọn mâm,
nhảy luôn lên giường nghe nhạc”. Mùa Thị A, với ánh mắt xa xôi bí ẩn thường
ngày, thì im lặng. Chỉ có một lần Linh chúm môi thổi vào than củi, người đàn bà
Mông này mới liếc nhìn cô với vẻ giận dữ. Đầu năm không ai được thổi bếp, làm
thế khác gì mang giông bão về phá đổ hoa màu.
Tôi bảo Linh: “Bọn trẻ các em bây giờ vô tâm và ích kỷ. Rất
khác bọn anh ngày xưa”. Cô sinh viên kém tôi hai mươi bốn tuổi trả lời: “Vâng,
mỗi thời mỗi khác mà anh. Chúng em bây giờ chỉ làm những gì mà mình thấy
thích”. “Thế em thích nhất cái gì?”. “Phượt. Sang năm ra trường em sẽ đi Ả Rập.
Cứ có cơ hội là phượt thôi”. Tôi hỏi: “Đi suốt không sợ ế chồng à?”. Cô
đáp: “Cuộc đời vẫn phải đi. Ế vì mình thích thế. Ai nói gì mặc kệ. Miễn là
mình thấy vui”.
Sớm mùng bốn Tết, ông Mùa Chờ La mời tôi đến nhà uống rượu.
Hôm ấy trời đặc sương mù, cả thung lũng Chiềng Đi nghi ngút như chảo khói. Ông
hỏi tôi về Hà Nội, than rằng ông là trưởng bản mà cả đời chưa biết mặt mũi cái
thủ đô nó thế nào. Tôi bảo rằng đó là một chốn nhố nhăng, quan thì tham, dân
thì gian, đàn bà lẳng lơ, đàn ông hư hỏng, tóm lại là rất tệ, ông chả nên mơ ước
đến đó làm gì. Cứ ở trên này, trưa uống rượu, tối tắm truồng, sáng ra nghe con
họa mi trong trẻo hót giữa rừng, đời thế là tuyệt nhất. Ông vỗ tay đôm đốp, bảo
nghe sướng cái lỗ tai lắm, thôi anh cứ ở lại đây đến hết năm rồi tính, xem có đứa
gái Mông nào chồng chết thì ta làm mối cho, còn bây giờ thì uống đi, nào, cạn.
Ông rót hai bát rượu ngô đầy. Tôi cạn. Uống cho tới lúc nhìn ba vuông giấy đỏ
thếp vàng trên ban thờ nhòe ra và chập vào nhau làm một. Rồi khật khưỡng đi về
trong sương mù. Qua mảnh sân rộng đầu bản, gặp đám trẻ con đang phơi mình trong
gió lạnh ném pao. Tôi nhảy xổ vào bắt pao nhưng trượt chân ngã ngửa làm chúng
cười phá lên. Về đến nhà thấy vắng hoe, chỉ có Mùa Thị A thấp thoáng trong buồng,
không thấy Lam và Dua đâu cả.
Tôi định vào buồng, nghĩ thế nào lại bước ra vườn mận. Khắp
vườn trắng đặc sương, những gốc mận già hiện ra giữa biển sương bồng bềnh như một
khu vườn trên thượng giới. Xa xa lập lòe ánh lửa. Đi đến nơi thì thấy Linh đang
ngồi tựa vào gốc mận, hai chân dạng, chiếc váy đỏ thẫm như lửa tụt xuống đùi.
“Anh có thích nghe nhạc không?”, cô chìa điện thoại, gỡ một bên tai nghe rồi
kéo tôi ngồi xuống. Chân cô không khép, và dù sương đặc đến nỗi có thể xắn ra từng
tảng được, tôi vẫn nhìn thấy màu trắng tinh khiết của chiếc xi-lip viền ren nổi
bật giữa hai đùi.
Tôi đổ ập xuống Linh như cây chuối rừng bị đốn gục. Quá nửa đời
người, tôi chưa thấy cặp chân nào thon và trắng nuột nà đến thế. Linh vít cái đầu
bù xù của tôi xuống, hỏi: “Say rồi phải không?”.
Có tiếng loạt xoạt rồi tiếng kêu ư ử của một con chó nhà ai
chạy tới. Linh đẩy tôi ra, bảo: “Mình lên trên núi đi anh”. “Kệ, sương mù chẳng
ai nhìn thấy gì đâu”. “Không, ở đây em không thích”.
Chưa bao giờ tôi say mà lại leo dốc nhanh và khỏe thế. Trong
màn sương nhờ nhợ trắng, tôi như con bò tót hung hãn cứ nhằm cái váy đỏ rực như
đốm lửa nhảy nhót của cô bé ở phía trước mà bám theo. Đến lưng chừng núi, gặp
bãi cỏ dưới cây mắc khén lởm chởm gai, cả hai dừng lại.
Chúng tôi vồ lấy nhau ngay tại gốc cây, mặc cho đám gai đâm
vào da đau nhói. Tôi cuộn xiết như trăn lớn. Linh nát nhừ như thú non. Dưới
chân núi vọng lên tiếng cười nói của bọn trẻ đánh pao, tiếng hát của đám thanh
niên lẫn trong tiếng khèn réo rắt.
Trời hong hong rồi vụt nắng. Ánh nắng tươi rói màu vàng chanh
như được chắt ra từ vàng nguyên chất. Tôi dắt Linh xuống núi khi toàn thung
lũng đã được mạ vàng. Qua vườn mận, thấy biển sương biến mất từ khi nào, không
khí trong veo giữa tràn trề nắng ấm. Tôi vuốt má Linh, bảo: “Em hư quá”. “Đàn
bà không hư, đàn ông không thích”, cô bé đáp tỉnh khô.
Thấy tôi về, Mùa Thị A bước ra cửa với cái nhìn lặng lẽ và
nói “Đi rồi”. Và dẫn tôi ra chiếc cối xay ngô ở đầu hiên, chỉ vào chiếc khăn
hoa xanh vắt trên cần cối. Tôi chột dạ. Đó là chiếc khăn quàng cổ tôi đã mua ở
chợ Châu Mộc tặng Lam.
Chợt hiểu, tôi chạy như điên ra khỏi thung lũng mận. Đến ngã
ba đường mòn dẫn sang bản khác, chỉ thấy đồi núi hoang vu không một bóng người.
Tôi rút máy di động, gọi vào số của Lam tới cả trăm lần. Chỉ có tiếng đổ chuông
lẫn trong mơ hồ tiếng gió.
Đêm ấy ở Chiềng Đi, tôi không ngủ. Hận mình, hận Linh, hận cả
ông Mùa Chờ La và hai bát rượu. Vì sao nàng lại biết chuyện của tôi và con bé
kia trên núi, rồi lặng lẽ bỏ đi? Nàng đi đâu? Nửa đêm tôi đánh thức Dua dậy.
Nhìn ngọn cây thông đen thẫm in lên trời đêm đang ngả màu xanh nhạt, tôi nhớ có
lần Lam ước được nhìn thấy sông ở Tây Bắc, liền đoán có thể nàng đi về vùng đồi
núi thấp thuộc lưu vực sông Đà.
Bưng vò rượu ngô, tôi và Dua uống cạn. Tôi khóc. Dua say ngã
lăn ra đất, nức nở, rằng thằng Dua này không thả hạt đậu vào tai ngựa, thằng
Dua này chỉ đi đường thẳng, không đi lối tắt bụi rậm như con cáo con cầy. Trong
buồng ngủ, Mùa Thị A trở mình, rồi có tiếng xụt xịt âm thầm, hình như nàng ta
cũng khóc.
Chỉ sau một đêm, hoa mận trắng xóa nở tràn thung lũng. Mận
vùng cao là thế, cứ ấm lên là nở. Nở quyết liệt, ào ào, xối xả. Như cho bõ những
ngày giá buốt. Như một phút huy hoàng rồi tắt. Nở đến thỏa thuê, cùng kiệt, cấp
tập chỉ trong vòng hai tuần.
Linh kéo tôi ra vườn xem hoa mận. Đang chụp ảnh dưới hoa, cô
chợt kêu đau bụng rồi thì thầm: “Chiều nay mình lại lên núi nhé. Cũng chỉ còn
hôm nay thôi đấy, vì ngày mai là em bị rồi”. Tôi lắc đầu. Tôi không còn thấy hứng.
Mùng sáu Tết, tôi rời bản Chiềng Đi. Khắp Vân Hồ, đâu đâu
cũng hoa mận trắng rừng trắng bản. Những mỏm đồi trắng tinh như tuyết phủ. Những
thung lũng từ trên cao nhìn xuống như một rừng san hô trắng muốt dưới đáy đại
dương.
Tạm biệt những ngôi nhà Mông vách gỗ, mái đen xỉn vì nắng mưa, chẳng biết có khi nào gặp lại. Tôi xốc ba lô, nhằm hướng bắc. Sau hai ngày thì tới đất Mường La.
4. Mường La, xứ sở trù mật ven sông Đà, rải rác những bản làng người Thái. Ngày đầu đặt chân đến, tôi tìm vào một bản Thái đen. Bản tên là Chiềng Mai, nằm ở thung lũng dưới chân núi, ruộng bậc thang óng ả viền quanh như sóng lượn, các mái nhà lợp gỗ pơ mu. Từ lan can nhà sàn nhìn ra, thấy một dải sông Đà xanh như mắt mèo trôi lững lờ man mác.
Bịa cớ đi buôn trâu bị cướp sạch tiền, tôi xin ở nhờ tại một
nhà trong bản. Chủ nhà là ông Bạc Cầm Đăm, vẻ mặt lương thiện, người đen như một
hòn than. Nhà chỉ có một mụn con gái tên là Bạc Thị Sương, da trắng như lõi chuối
rừng, tôi hay gọi đùa là làn sương bạc. Vì em chưa có chồng nên tôi giữ ý, đêm
đêm xuống ngủ trong chiếc thuyền đánh cá của ông Đăm đậu bên bờ sông Đà. Hàng
ngày giúp ông đào mương, bắc máng, đan chài, ăn ít lại làm nhiều nên chẳng bao
lâu tôi đã được cả nhà coi như con đẻ. Sớm chiều lầm lụi như con dúi đào hang,
con tê tê đào đất, mỗi khi rảnh việc tôi lại bí mật đi dọc sông gặp thuyền bè
qua lại mong tìm được một tin gì đó về Lam.
Sương là một cô gái ngoan và rất dễ thương. Những lúc ngừng
tay dệt thổ cẩm, em dạy tôi hát các điệu khắp của người Thái. Em còn bày cho
tôi cách làm món chẳm chéo để chấm măng chấm rau, những đêm hạn khuống (4) dẫn
tôi đến sàn ca hát với đám thanh niên trong vùng tới sáng. Tình cảm của tôi với
em, phảng phất mơ hồ, nửa giống tình yêu, nửa giống tình anh trai em gái. Biết
em thích đùa, mỗi khi nhìn thấy sông Đà mịt mù sương trắng, tôi lại gọi em ra
ngoài lan can:
- Sương ơi, ra mà xem, sương đang bay trên sông kia kìa!
Nghe câu ấy tới cả chục lần mà lần nào Sương cũng bật cười.
- Anh lại quên rồi. Tên em trong tiếng Thái có nghĩa là
“thương” cơ!
Một sớm tinh mơ, ông Đăm xuống thuyền đánh thức tôi dậy và mời
lên nhà sàn nói chuyện. Tưởng mình đã gây ra chuyện gì, tôi lo sợ. Hôm ấy trời
lạnh, sương mù xám ngắt bay như khói tỏa trên sông Đà. Hút xong hai điếu thuốc
lào và nhìn ra sông mấy lần, ông mới nói rằng tao biết chúng mày thương nhau rồi,
nếu ưng thì sang xuân bắt đầu ở rể. Tiền trả công nuôi dưỡng con gái, vợ chồng
tao chỉ lấy năm đồng bạc trắng cho đúng phong tục, nếu mày không có thì tao cho
khất. Tôi nói trong nước mắt, rằng mình quá già lại thô lỗ, không xứng với con
gái ông.
Tôi ở bản Chiềng Mai qua cái Tết năm ấy (5). Chiều ngày hai
chín Tết, trong lễ gọi hồn tại nhà ông Đăm theo tục lệ, tôi cũng được ông mo buộc
sợi chỉ đen vào tay để trừ tà ma như một thành viên của gia đình. Đêm ba mươi
tôi ra sông, ngồi uống rượu một mình trên thuyền. Sông Đà vắng ngắt, thăm thẳm
sương mù, hai ngọn núi sau bản chọc lên nền trời như một cặp vú dài đen thẫm.
Chừng nửa tiếng một, lại nghe tiếng chiêng vọng ra từ các nhà trong bản báo sắp
giao thừa. Từng hồi chiêng thong thả, trầm đục lan dài trên mặt sông tối đen.
Tôi bỗng thấy cô đơn, thấy nhớ Hà Nội. Nhớ những ngày làm việc trong ngôi nhà
sơn trắng ở nội thành, mười mấy năm ngồi ghế trưởng phòng, áo trắng cà vạt. Nhớ
những lễ lạt tiệc tùng sang trọng, những cuộc tình chớp nhoáng, những cái Tết
nhận phong bì mỏi tay…
Gần đến giao thừa, nhịp chiêng trong bản dồn dập hơn. Tôi thấy
nhớ Lam da diết, năm mới đã tới rồi, không biết giờ này nàng ở đâu. Nhớ những
đêm ân ái giữa lều nương, tiếng nàng thét trong gió giật ào ào, mồ hôi tiết ra
mằn mặn. Nhớ buổi chiều mùa đông vàng nắng, ăn lá độc bị sưng phồng môi miệng,
nàng vẫn cười như ngựa hí giữa đồi hoang. Nàng, người đàn bà cũ, bao giờ cũng
ám ảnh tôi bởi một cái gì đó rất sâu, không như bọn gái trẻ chưa chồng, trông
thì mơn mởn bề ngoài nhưng bẻ ra thì như đọt cây non, vừa hăng vừa nhớt…
Cứ nhớ miên man thế, đến lúc không chịu nổi, tôi lục ba lô lấy
ra chiếc khăn hoa xanh của Lam trải xuống lòng thuyền rồi loay hoay nằm sấp,
vùi mặt vào đó hít hà. Đang rên rỉ gọi tên nàng thì bỗng có ai đó kéo mạnh dây
buộc thuyền cùng giọng nói như chim ríu rít. Thì ra Sương đến, mang cho tôi một
cặp bánh chưng đen.
Mùng một Tết, từ sáng sớm các nhà trong bản đã rộn ràng tiếng
gõ sạp mừng khách đến chơi. Tôi kiếm một mảnh chai vỡ cạo sạch râu, thắt chiếc
khăn của Lam vào cổ thành chiếc cà vạt hoa, đĩnh đạc lên nhà ông Đăm chúc Tết.
Sương đón tôi ở bậc cầu thang thứ chín của nhà sàn. Em lộng lẫy như cánh bướm
đêm trong bộ cóm đen óng ánh tuyết nhung huyền bí tôn chiếc cổ cao trắng ngần,
dải lụa xanh lá mạ thắt eo, tay nâng chén rượu sơn tra đỏ. Tôi tựa vào cầu
thang, ngước nhìn, ngây ngất. Ở nhà ông Đăm một tháng, tôi chưa thấy em đẹp thế
bao giờ.
Giữa nhà, vợ chồng ông Đăm đã chỉnh tề đợi sẵn. Đón tôi trên chiếu hoa là bình rượu cần vàng chóe, thịt trâu gác bếp thơm nồng tẩm mắc khén, cá suối nướng pa pỉnh tộp và một đĩa bánh chưng đen. Ông Đăm xoay chiếc cần rượu cong vút có buộc sợi chỉ đỏ về phía tôi, than phiền rằng nhà không có con trai ra gõ sạp chào khách quý. Sương quấn quýt bên tôi như một cô em gái. Bà mẹ mỉm cười lặng lẽ. Bà cũng vít cần rượu, và khi đôi má đỏ lên như quả gấc, bà gọi tôi bằng con.
Từ các nhà mọi người đổ ra đường chơi Tết. Nhìn sang ngôi nhà
lớn bên cạnh, tôi thấy khách đến chơi đứng chật gầm sàn. Đón khách lên là tiếng
gõ sạp vang lừng. Tiễn khách về, những cô con gái chủ nhà cầm chén phục sẵn ở cầu
thang, vừa hát vừa rót rượu. Mỗi bậc thang, khách phải đổi bằng một chén. Chín
bậc là chín chén. Ra đến ngõ, khách nào cũng loạng choạng say mèm.
Đám bạn của Sương kéo đến, rủ em sang các bản lân cận chơi hết
Tết mới về. Em tỏ vẻ muốn đi nhưng liếc nhìn tôi rồi từ chối.
Sáng mùng năm Tết, em rủ tôi ra bến, chèo thuyền bơi dọc sông
Đà về phía bắc Quỳnh Nhai. Hôm ấy trời đẹp và trong, gió rét từ núi thổi ra dìu
dịu. Nước sông xanh màu thủy tinh, sóng vỗ mạn thuyền óc ách. Hai bên sông thấp
thoáng bản làng, giữa màu xanh rợn của núi đồi có những vệt hồng tươi loang khắp
triền cao, thung lũng. Cho thuyền đi sát vào chân núi mới thấy, trên nương bãi
và các khu vườn trong bản, cả Mường La hồng rực sắc hoa đào.
Sương rủ tôi lên mạn Mường Chiên, Mường Sại thuộc đất Quỳnh
Nhai chơi. Em có các bạn người Thái ở trên đó. “Đi xa thế mất mấy hôm, phải ngủ
dọc đường, em không thấy sợ anh sao?”, tôi hỏi. “Bố mẹ em đã coi anh là con cái
trong nhà, anh lại là người tốt thế này, sao em phải sợ”, Sương khỏa tay xuống
nước rồi rời mũi thuyền, ngồi nép vào tôi âu yếm. Chạm vào tấm thân lả lướt mềm
mại và bầu vú mây mẩy như trái lê trong vườn, trong đầu tôi tiết ra những ý
nghĩ trần tục. Chợt nghĩ đến Lam, tôi cố kìm lòng: “Ta phải về em ạ. Anh cũng định
ít hôm nữa sẽ rời bản”. Sương nhìn tôi ngỡ ngàng. Tôi chỉ vào chiếc khăn xanh
trên cổ, thẳng thừng: “Anh đã có vợ ở miền thảo nguyên rồi. Anh phải trở về tìm
cô ấy”. Sương tái mặt đi rồi nói: “Anh không đi khỏi đất này được đâu!”.
Tối hôm ấy chúng tôi trở về Chiềng Mai. Mẹ Sương cười bí hiểm.
Sáng hôm sau Sương kéo tôi ra bãi đất đầu bản, hòa vào đám thanh niên múa sạp
múa xòe. Mùng sáu Tết ở đây vẫn náo nhiệt tưng bừng, trai gái ngất ngây từ
khuya đến sáng. Trong vòng xòe, tôi nắm tay một cậu con trai mặt đầy trứng cá
tên là Cầm Văn É. É nhún nhảy như một con vượn và hỏi tôi:
- Anh ở nhà ông Đăm hử? Nhà ấy có hi đán, khuây đán (6) đấy,
không sợ ư?
- Hi đán? Khuây đán? Là cái khỉ gì?
- Là cái này - Cậu ta vỗ vỗ vào háng mình - Nhưng nó bằng đá.
Nó có phép. Cả Tây Bắc chỉ có nhà ông Đăm có hai cái ấy. Ông ta muốn bắt anh
làm rể hay làm trâu làm chó suốt đời cũng được, anh không bao giờ thoát nổi
đâu!
Rồi É kể thêm, họ Bạc của ông Đăm vốn là dòng họ quý tộc, mấy
đời trước đều có người làm chức chảu mường (7). Riêng cụ cách đây năm đời
thì làm thầy mo, một buổi chiều đi thăm nương thấy một cục đá màu đen cứ nhảy
theo mình. Cụ đứng lại nó cũng đứng lại, cụ đi tiếp nó lại nhảy theo, thấy lạ cụ
liền nhặt lên cho vào túi. Cái cục này trông giống cái của đàn ông y hệt. Một lần
lội suối cụ lại bắt được viên đá khác giống cái biết đẻ ra người của đàn bà. Từ
ngày có hai vật này, cụ muốn làm gì chúng đều phù hộ cho. Qua mấy trăm năm truyền
lại, báu vật được ông Đăm bọc trong vải đỏ, cất kỹ vào đâu đó, không ai nhìn thấy
bao giờ.
Ý nghĩ về hai linh vật bằng đá cứ bám riết lấy tâm trí tôi
cho tới lúc rời hội xòe về nhà ông Đăm. Nhà ông đang có khách ở bản xa tới
chơi. Tôi uống rượu với khách cùng ông rồi say gục luôn tại chiếu. Khi tỉnh dậy
tôi thấy mình nằm trong một căn buồng tối. Hình như đã khuya lắm, đây cũng là lần
duy nhất tôi ngủ tại nhà ông Đăm. Căn buồng phảng phất mùi thơm dịu từ mái gỗ
pơ mu, trên vách gỗ trổ ra một ô cửa khép hờ đón từ ngoài vào chút ánh trăng
xanh nhạt. Đang định ngồi dậy thì có tiếng kẹt cửa, và từ đâu đó lờ mờ trong
bóng tối, tôi thấy một người lặng lẽ bước vào.
Người ấy cao lớn dị thường, đầu chạm nóc nhà, trông giống một
con tinh tinh. Màu da đen kịt tựa ông Đăm, cái miệng khổng lồ vều ra như cái phễu.
Y đứng giữa buồng, im phắc, rồi thả xuống mặt sàn một vật gì đó. Vật ấy lăn lộc
cộc về phía tôi, khi sắp chạm vào tôi thì dừng lại. Trong ánh sáng nhợt nhạt,
tôi thấy một cục đá đen có hình giống hệt âm hộ đàn bà, ở giữa có lỗ rỉ ra vệt
nước nhờn đo đỏ. Trên sàn gỗ, cái vật kinh tởm ấy cứ ngọ nguậy, phập phồng…
- Hi đán! - Tôi thét lên kinh hãi.
Ngay lập tức, một cánh tay dài ngoẵng vươn tới bịt miệng tôi.
Tôi vùng vẫy nhưng toàn thân cứng lại như bị đóng băng. Người khổng lồ đổ ập xuống
như núi đè, một tay y vẫn khóa miệng tôi, tay kia móc sâu vào mạng sườn như muốn
rút xương ra làm tôi đau chết ngất. Trong giây phút tột cùng khủng khiếp, tôi vẫn
cảm nhận được cơ thể của y không phải là thịt, mà được cấu tạo từ thứ gì đó tựa
chất dẻo, một hỗn hợp của than, bồ hóng và nhọ nồi.
Có tiếng động mạnh ở cửa sổ, có lẽ là gió đẩy. Bàn tay to bằng
cái xẻng buông ra, tôi mở mắt và không thấy có gì trong buồng nữa. Phút kinh rợn
vừa qua chỉ như ảo giác, như tình trạng bị bóng đè.
Tôi gắng gượng bò ra cửa, vẫn có cảm giác xương đang vỡ lạo xạo
trong người. Ánh trăng xanh biếc ở ngoài giúp tôi xác định được vị trí gian buồng
mình vừa nằm chính là khười quản trong nhà, tức sàn ở rể. Tìm được cầu
thang, tôi loay hoay tụt xuống và thấy đột nhiên khỏe khoắn khi chân đã chạm
sân. Vừa đi vừa chạy ra phía sông, không muốn chui vào chiếc thuyền có mui của
ông Đăm, tôi rẽ lên dải đường đi về phía núi.
Trăng thượng tuần đủ sáng để tôi tìm đường lên núi. Qua một vạt
đồi trồng kê xen vừng, lạc, thấy màu đen đá núi và màu xanh u tịch của rừng. Chợt
khát nước khô họng do cuộc rượu lúc chiều, tôi quay xuống chân đồi, men theo
triền ruộng bậc thang tìm khe nước. Đi mãi không gặp nước, khi ngẩng đầu lên
tôi thấy cây cau cao vóng với chùm quả úa vàng, cùng chiếc khau
cút(8) hình sừng trâu trên nóc nhà sàn của ông Đăm hiển hiện ngay trước mặt.
Dù là người bản lĩnh và bặm trợn, tôi bỗng thấy rợn người
lên.
Tôi chạy ngược trở lại. Lần này không lên núi nữa, cứ theo đường
mòn ven núi mà đi. Trăng trên trời tái nhợt như mặt người chết trôi, soi núi đồi
ướp trong sương buốt lạnh. Qua mấy cánh rừng âm u thì nghe tiếng nước chảy, tiếng
cối nước giã gạo rì rầm. Ra tới dòng suối lấp lánh ánh trăng, tôi lại thấy những
mái nhà hình mai rùa của bản Chiềng Mai ló ra phía trước.
Thì ra tôi đã đi một vòng tròn quanh núi.
Tôi thất thểu quay lại đường cũ. Rẽ lên nương ngô, nương đậu,
sang tới nương bông, nương chàm, tôi phát hiện ra mình đã vượt qua đỉnh đồi
xuôi xuống con đường dẫn về phía bản. Dù đi ngang đi dọc thế nào, cuối cùng tôi
vẫn về chỗ đó. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ và kinh sợ, mình đang bị điều khiển bởi một
sức mạnh vô hình.
Tôi quyết định nhằm đỉnh núi sau bản làm đích, trèo thẳng
lên. Tới lưng chừng dốc, như có ai vặn ngược chân, tôi lại thấy mình phăm phăm
xuống núi. Nhưng lí trí của tôi mạnh hơn, tôi kiên quyết cưỡng lại. Sau mấy bận
trèo lên trượt xuống, trong óc tôi bật ra một ý nghĩ: phải trói mình vào một
cái cây.
Tôi đã trói mình vào một cây móc già mọc trên khoảng đất trống
cạnh rừng đào bằng sợi dây sắn rừng bứt ra từ đá. Thoạt tiên tôi trói hai chân
để vô hiệu nó, rồi trói hai vòng quanh bụng vào gốc cây. Trăng mỗi lúc một sáng
hơn, soi rõ rừng đào cổ thụ. Giữa đêm xuân, ngàn hoa rạo rực nở, một màu hồng
mênh mông hào phóng tỏa trên khắp hai sườn núi, ban hơi ấm cho cả triền cao. Mỗi
khi gió nổi lên, từng cánh hoa lại ứa ra màu thắm đỏ mặn mà, đẹp lộng lẫy như
trong cuốn phim truyện thần kì tôi được xem hồi nhỏ.
Cũng vào lúc ấy tôi bỗng nghe thấy tiếng ngựa hí. Âm thanh mơ
hồ trong gió, như vẳng đến từ một nơi nào rất xa. Vùng này không ai nuôi ngựa,
tiếng gọi trở về ấy là thật hay do thương nhớ người xưa chốn cũ mà tưởng tượng
ra, suốt đời tôi mãi mãi là ẩn số.
Đêm qua đi trong ánh trăng lạnh lùng tê tái. Tôi thả hồn vào
sắc ấm hoa đào cho đỡ rét. Đợi đến sớm mai, mùng bảy Tết, sẽ xuống sông Đà rời
khỏi đất Mường La.
5. Tôi trở lại Châu Mộc vào đầu xuân, khi lộc non mơn mởn xanh trên khắp núi đồi. Những vườn mận mới ngày nào còn trắng tinh như tuyết đọng giữa thảo nguyên, nay tràn trề một màu xanh tươi mát. Mưa xuân đã gội sạch các cánh rừng, thung lũng, không khí trong như lọc và trời chỗ nào cũng xanh ngắt không một gợn mây.
Tháng ba, hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc.
Tháng tư, mận bắt đầu kết trái. Những quả non xanh như ngọc
phủ lớp phấn trắng e ấp trong chùm lá xanh.
Tháng năm, mùa mận chín. Các bản Thông Cuông, Loóng Luông, Pa
Phách, Phiêng Cành… đâu đâu cũng tím đỏ một trời mận hậu. Từng chùm mận mỡ màng
căng bóng, sai trĩu trịt như nhánh quả hồ tiêu.
Một hôm có việc đi qua bản Pa Khen, tôi thấy trong thung lũng
nhấp nhô một dãy lều xanh đỏ. Tưởng học sinh nghỉ hè về đây cắm trại, đến nơi mới
biết đó là hội thi hái mận năm nào cũng diễn ra vào cuối tháng năm. Trên sân khấu
nhỏ có người đang đứng thuyết trình về quả mận độc đáo của thảo nguyên. Nghe
nói chị ta vượt lên cả sáu đội thi hái mận trong vùng và đoạt giải nhất.
Tôi chen lên trước đám đông để nhìn cho rõ. Người đàn bà vừa
lập chiến công hiển hách ấy, thật kì diệu, chính là Lam.
Nhìn thấy tôi, nàng sa sầm mặt.
Đợi tan hội, tôi kéo nàng ra một góc, hỏi em giờ sống ra sao.
Lam lạnh lùng cho biết nàng đang làm người hái mận thuê cho một gia đình có bốn
trăm gốc mận ở thung lũng Nà Ka. Tôi nói sẽ về đó sống cùng em. Nàng cười nhạt,
nói mùa mận qua rồi, nàng sắp theo một chị Mông đen về sống ở Tà Sùa, cùng làm
nương và hái chè shan tuyết.
Tôi nghĩ ngợi rồi nói một câu rất sến:
- Anh làm quan mười mấy năm, dù chỉ là quan nhỏ thôi, cũng
nhiễm vào người bao nhiêu thói xấu. Từ ngày lên Tây Bắc, thiên nhiên trong sạch
đã giúp anh trở thành người tốt. Anh không bao giờ muốn về xuôi nữa. Chỉ cần em
tha thứ, anh sẽ đi với em đến cuối đất cùng trời.
Nàng nhìn tôi, ánh mắt tiết ra sự khinh bỉ.
- Loại người như anh không bao giờ gột hết được tham sân si.
Không có anh tôi vẫn tự làm tự ăn, anh nên cút đi cho rảnh mắt.
- Anh phải làm gì để em tin được đây? - Tôi giơ hai tay lên
trời, rên rỉ.
Nàng không nói gì, nhổ bọt.
Tôi mím môi chạy vào gian trưng bày sản phẩm, nơi mận đã hái
được bày thành đống trên những tấm bạt xanh. Tìm được một con dao, tôi kê ngón
tay vào cột lều, chặt đứt. Mẩu thịt bắn vọt qua cành mận. Lam kinh hãi rú lên.
Ngay sáng hôm sau, tôi cùng nàng đi Tà Sùa. Tà Sùa, rặng núi
bốn mùa ủ trong mây ở vùng Bắc Yên xa xôi, nơi có những cây chè trăm tuổi rêu
phong, tôi đã từng nghe nói tới. Những đoạn đường không bắt được xe, tôi và
nàng cuốc bộ. Vừa đi Lam vừa cằn nhằn rằng tôi ngu quá thể, chặt ngón nào không
chặt lại chặt ngón trỏ, làm sao hái chè shan tuyết được bây giờ.
Rồi như chợt nhớ ra, nàng hớn hở cho tôi biết Tà Sùa chính là
quê hương của các nguyên mẫu trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. “Lên đó
mình sẽ trồng một nương lanh dệt vải may váy áo, anh ạ. Cũng như vợ chồng A Phủ
xưa kia, em chỉ mơ làm được một cái nhà gỗ chắc chắn trên núi tranh, có trâu có
ngựa quanh nhà, ngày Tết trẻ con chơi dưới cây đào trước cửa. Chỉ mơ thế”. Tôi
gật gù. Ừ, cũng chỉ mơ đến thế…
Qua những cánh đồng ngô rộng lớn, những đồi táo mèo trùng điệp
phảng phất hương táo đầu mùa, chúng tôi bắt đầu leo núi. Dãy núi cao vút gồ lên
như sống lưng một con khủng long, nửa trên bị bầu trời xanh lơ nuốt mất. Đá núi
trơn và lạnh buốt. Đến đỉnh cao thứ nhất thì gặp lòng chảo nghi ngút biển mây.
Mây trắng như sữa, lô xô và đặc, cuồn cuộn tràn lên sườn núi
như sóng vỗ bờ. Bốn bên lòng chảo, đá núi vút lên những mỏm nhọn hoắt, đen
ngòm. Nhìn cái kì quan huy hoàng rợn ngợp ngay ở dưới chân, cả Lam và tôi đều
khiếp đảm rú lên. Chỉ một chút sơ sẩy thôi, đời người sẽ biến mất dưới biển kia
như một trò chơi vô tăm tích.
Lam bỗng im lặng, lục túi lấy ra điện thoại. Rồi đột ngột nghiêng mình, ném mạnh. Chiếc smartphone vút lên trời trong ánh nắng long lanh, rơi tõm xuống biển mây trắng muốt. Tôi cũng bắt chước nàng, tháo đồng hồ, rút ví, thẻ ATM và chìa khóa ngôi nhà chục tỉ. Tất tật, đều ném xuống biển sâu.
Chú thích:
1. Người Mông ăn Tết cổ truyền vào đầu tháng chạp, trước Tết
Nguyên đán của người Kinh một tháng.
2. Ngày Tết, người Mông đặt các công cụ lao động cạnh ban thờ,
dán giấy lên mỗi vật để tạ ơn chúng đã giúp mình trong công việc cả năm.
3. Người Mông kiêng ăn rau và canh trong ba ngày Tết, do quan
niệm chan canh sẽ gây ra lũ lụt và ngày Tết phải ăn thịt thì cả năm mới được
sung túc.
4. Hạn khuống là sinh hoạt văn hóa truyền thống của
dân tộc Thái, có sàn làm bằng tre nứa dựng ở ngoài trời cho nam nữ đến ca hát
giao duyên suốt đêm.
5. Người Thái cũng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, từ ngày
25 tháng chạp tới mùng 10 tháng giêng.
6. Hi đán và khuây đán là hai vật bằng đá có hình
thù giống bộ phận sinh dục của nam và nữ, được truyền qua nhiều đời và được coi
là có phép thuật phù hộ cho người dùng tai qua nạn khỏi, trừ được ma tà, còn
dùng làm bùa yêu. Theo một nguồn tin trên báo chí, cả Tây Bắc chỉ có người Thái
đen ở huyện Mường La (Sơn La) còn giữ được những linh vật này.
7. Chảu mường: người đứng đầu bản mường.
8. Khau cút: biểu tượng trang trí ở hai đầu hồi
trên nóc nhà sàn của người Thái đen ở Tây Bắc.
Hà Nội, 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét