Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Nguyễn Quang Thiều: Nước, lửa, những cánh đồng và dòng sông

Nguyễn Quang Thiều: Nước, lửa, 
những cánh đồng và dòng sông…

Khi Nguyễn Quang Thiều đưa ra Sự mất ngủ của lửa, tập thơ liền phân hóa người đọc. Kẻ thích đổi mới thì vui mừng coi thơ Nguyễn Quang Thiều là một thành công trong việc làm mới thi ca. Kẻ muốn níu giữ cái mượt mà của nàng thơ thì ngần ngại nàng sẽ bị mất đi cái "e lệ" nghìn đời. Ðó là chưa kể đến những cơn dị ứng: thế mà cũng gọi là thơ ư? Nhưng ta cứ làm một giả sử: nếu thơ vẫn cứ êm ả mãi, nếu thơ cứ ru mãi người đọc bằng những giai điệu ngọt ngào, cứ trở đi trở lại với chiếc nón, cây cầu, bờ tre, ruộng lúa… theo cách nhìn xưa cũ thì đời sống thi ca tất sẽ rơi vào tẻ nhạt. Cần phải có những hướng đi mới. Chiếc cầu tre kia, chiếc nón thanh mảnh và những tà áo mớ ba mớ bảy kia khi nhìn bằng một hệ quy chiếu khác biết đâu sẽ tạo ra cái lạ cho thơ? Nguyễn Quang Thiều đã làm như thế. Và trong nhiều trường hợp, anh đã thành công.
Thực ra, không phải ngay từ đầu Nguyễn Quang Thiều đã tạo được giọng điệu riêng. Cái Ngôi nhà tuổi 17 vẫn quá êm ả, ngọt ngào và đẫm màu cổ tích. Ðiệu thơ ấy lẫn vào nhiều người, nó chỉ là một âm thanh trong trẻo trong một dàn đồng ca trong trẻo. Tôi cứ nghĩ, cái yếu tố đầu tiên tạo nên bản lĩnh Nguyễn Quang Thiều là anh đã dám nhìn đời sống thơ ca bằng cái nhìn của kẻ khác và chính cái nhìn ấy đã giúp anh có ý thức làm mới thơ ca. Nhiều người khi chạm vào những câu thơ trúc trắc như thơ "dịch" của Nguyễn Quang Thiều liền nghĩ nhà thơ này mang bệnh sính thơ Tây. Lối cảm nhận này cho thấy các khả năng: 

a. Sự khác biệt về gu thẩm mỹ;
b. Không thích ứng với sự đổi mới; 
c. Lo sợ Nguyễn Quang Thiều sẽ làm hỏng "sự trong sáng của tiếng Việt"; 
d. Coi nhưng sáng tác của Nguyễn Quang Thiều là những thử nghiệm chưa thành. 

Bởi thế, những cuộc tranh cãi về thơ anh, xét cho cùng, cũng là việc đương nhiên, cần có. Tuy nhiên, dù muốn hay không, mặc lòng, Nguyễn Quang Thiều cũng đã làm thơ, cũng đã được không ít người nhớ, không ít người thấy hay. Thiết nghĩ, chừng ấy cũng đã là hạnh phúc cho người làm thơ. Không ai lại đi làm thơ để thỏa mãn tất thảy mọi người!
Sự đổi mới thơ ca không đồng nghĩa với việc ly khai truyền thống, rũ bỏ nền văn hóa dân tộc. Mặt khác, người có ý thức đổi mới thơ ca lại không thể che tai bịt mũ trước những thành tựu của thơ ca nhân loại. Nhìn kỹ vào thơ Nguyễn Quang Thiều dễ nhận thấy anh không phải là kẻ chạy theo hình thức thuần túy. Những kẻ sính hình thức mà rỗng cạn về tư tưởng thì chỉ là những kẻ hoắng lên trong làng thơ mà thôi. Sớm muộn những sản phẩm do họ tạo ra cũng rơi vào chết yểu.
Ðể bứt thoát khỏi sự êm mượt thường thấy , Nguyễn Quang Thiều cố gắng làm "ngầu" lên phù sa thơ mình qua hàng chuỗi những liên tưởng nhằm tạo nên những sắc màu lập thể trong thơ:
Tôi trở lại nhặt vành nón gãy
Những chân trời gập khúc xuống mùa đông
(Cánh đồng)
Tôi mang cơn mơ nham nhở của màu xanh
Suốt tuổi thơ không hay cỏ từng bị ngày săn đuổi
Những con dế bật càng, xa mãi
Mưa giêng hai góa bụa khóc sang hè
(Gọi hồn)
Có người đã nói một cách hình ảnh, "thơ là một hình thức viết sai ngữ pháp". Ai cũng nhận thấy cách nói này cực đoan. Nhưng ai cũng hiểu, muốn viết "sai ngữ pháp" thì trước hết nhà thơ phải sành ngữ pháp. Nguyễn Quang Thiều không chỉ tạo nên những câu thơ "sai ngữ pháp" mà còn đưa vào thơ những trường liên tưởng "trái khoáy" với món liên tưởng hiền lành. Anh thích "chơi" những tương quan đối lập, kiểu "Người nông dân già chiều nay rút rơm khô thổi lửa - Xa tít một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao" (Cánh đồng) hoặc đặt những sự vật xa nhau xích lại gần nhau trong một trường liên tưởng rộng rãi khoáng đạt để làm "bùng lên những ánh lửa" khi khám phá chân dung đối tượng như A. Breton - chủ soái của trường thơ siêu thực đã từng nói: "Tôi khép đôi cánh xác xơ trước ngày cúng giỗ - Ngắm những dòng sông sáp nến chảy chan hòa -Tổ tiên giơ lên trời xanh chứng minh thư bằng đá - Cổ xưa hoang hoang trên mỗi cánh chuồn chuồn ( Bài hát), Và lúc đó có người đứng dậy - Ði vào bóng tối - Và quay nhìn lại - Thấy mình mẩy chúng ta cắm đầy giáo - Phóng tới từ một đấu trường khác" (Bức thư đề ngày 25-12). Chính cách làm này khiến cho ngôn ngữ thơ Nguyễn Quang Thiều không giống như những sản phẩm được bày biện trong tủ kính mà mang vẻ đẹp của phù sa "châu thổ" trĩu nặng chất đời.
Thực ra, Nguyễn Quang Thiều đổi mới thơ ca bằng cách làm rất "cổ điển". Với anh, đổi mới thơ ca trước hết là đổi mới về cảm xúc. Gốc của thơ là tình, là những nhịp đập của con tim, là cái nhìn "thâu sáu cõi" của nhà thơ về thế giới. Sự đổi mới của Nguyễn Quang Thiều không đi ra ngoài quy luật ấy. Khi cắt nghĩa về sự ra đời của phong trào Thơ mới, Hoài Thanh đã nói một cách giản dị: "Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy". Thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng tạo ra được một mô hình nghệ thuật mới bởi cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ khác xa với những khúc hát "ru, mơ" thời Thơ mới. Nói thế để thấy rằng, đổi mới cảm xúc là yếu tính đầu tiên trong nỗ lực làm mới thi ca. Sự đổi thay ấy sẽ dẫn tới sự đổi thay về thi pháp. Tất nhiên, cảm xúc trong thơ khác xa với cảm xúc trong đời sống thường nhật. Cảm hứng của nhà thơ phải hiện lên qua chữ nghĩa, vần điệu, hình ảnh, giọng điệu… Nói một cách đơn giản hơn, nó phải nổi sóng qua chữ. Cho đến nay, không ít người vẫn hời hợt và phiến diện khi phân tích cảm hứng nghệ thuật trong thơ (điều mà khi phân tích thơ A. Pushkin, V. Belinski gọi là nhiệt hứng). Hơn đâu hết, trong lĩnh vực thơ ca, câu chữ chỉ có thể cất cánh khi cảm hứng thật tràn đầy. Mà, xét đến cùng, lõi cốt của cảm hứng là tư tưởng, là quan niệm nghệ thuật của nhà thơ về thế giới. Tôi hình dung Nguyễn Quang Thiều là người có tư tưởng, có quan niệm riêng của mình. Tư tưởng, quan niệm ấy xuất phát từ "sự mất ngủ" của một trái tim đầy đam mê nhưng cũng hết sức đa đoan, đa sự này. Nó tựa như sự phun trào của lửa. Phù sa thơ Nguyễn Quang Thiều được sinh tạo trên chính những dòng nham thạch ấy.
Ði dọc triền chữ của Nguyễn Quang Thiều tôi thấy anh thường trở đi trở lại với dòng sông, với những cánh đồng quê anh. Dòng sông Ðáy bám chặt vào ký ức tuổi thơ Nguyễn Quang Thiều và theo năm tháng, nó tỏa ra muôn vàn màu sắc. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, tất cả các sắc màu ấy cuối cùng tập trung làm nổi bật yếu tố cơ bản nhất: đó là dòng sông của yêu thương, tình nghĩa. Chính vì chạm tới được linh hồn của sông nước, đất đai, làng mạc mà Nguyễn Quang Thiều đã làm hiện lên vẻ đẹp văn hóa của quê hương, rộng hơn, của đất nước mình. Sông Ðáy đã trở thành cái sợi dây tình cảm linh thiêng neo giữ và thanh lọc tâm hồn nhà thơ, là nơi về sau bao bươn bả gian nan:
Cha ơi, cha đưa con về đâu?
Cha đưa con về sông Ðáy.
Khi viết những dòng thơ này, Nguyễn Quang Thiều hẳn không nhớ rằng, trước anh, thi sĩ của xứ Kinh Bắc Hoàng Cầm cũng thầm thì với một dòng sông:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Ðuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì…
Thì ra, với nhiều nhà thơ, trong thẳm sâu con tim họ vẫn thường đi về hình bóng của một "con sông quê hương". Nhưng nếu như trong thơ Tế Hanh, con sông mang khuôn mặt thân thương, hiền hậu thì trong thi giới Hoàng Cầm, soi mình xuống dòng sông nghiêng nghiêng nữ tính là hồn quê Kinh Bắc lúng liếng những đôi mắt lá răm .Còn trong thơ Nguyễn Quang Thiều, gắn liền với hình ảnh dòng sông là những cánh đồng. Nơi ấy còn lưu lại hình ảnh của những cuộc tình: "Thức dậy từ cơn mơ, cả cúc áo cũng không cài hết - Cả tóc không kịp buộc, không kịp cả dặn dò - Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ - Qua những cánh đồng, cỏ bần bật run lên" (Dòng sông), nơi ấy có ông bà tổ tiên: "Cha ơi, chúng con sẽ ngủ đâu? - Các con sẽ ngủ trong ngôi nhà hai mái của ông nội, nơi ấy có những người đàn bà gánh nước sông, có những ngọn cỏ ghi dấu kỷ niệm - Cỏ đuôi chó em tết con chó nhỏ - Ta xa nhau chó héo đuôi rồi, những cánh đồng hoa loa kèn bùng nổ - bình minh…" Khi nói về đất đai, sông nước, Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh vẻ đẹp giản dị nhưng cao cả của dòng sông, của những cánh đồng ngập đầy rau khúc. Ðó là những nốt láy tạo nên chiều sâu mĩ cảm thơ Nguyễn Quang Thiều. Là người đã từng đặt chân đến nhiều nơi trên địa cầu, nhưng dường như không nơi nào có thể sánh với sông Ðáy quê anh. Cái ngọn lửa tình yêu giành cho quê hương vẫn cháy, nó chưa bao giờ tắt trong đứa con của làng. Bên dòng sông ấy có số phận của những người đàn bà lầm lụi:
Những ngón chân xương xẩu ngón dài
Và đen tỏa ra như móng chân gà mái
Ðã mười lăm năm và nửa đời tôi nhìn thấy
Những người đàn bà gánh nước sông.
(Những người đàn bà gánh nước sông)
Chỉ trong đoạn thơ này cũng có thể nhận ra ý thức làm mới thi ca của Nguyễn Quang Thiều. Không khó khăn gì để thay bỏ mấy chữ và. Nhưng việc cắt bỏ ấy lập tức khiến cho đoạn thơ tròn trịa. Hơn nữa, nó khiến cho nhịp điệu thơ bị biến dạng. Cách nói trúc trắc như kiểu văn xuôi mà Nguyễn Quang Thiều thiết lập đã tạo ra một hiệu quả nghệ thuật đắc dụng hơn nhiều: gợi nên sự trắc trở đầy bi kịch của những số phận. Nguyễn Quang Thiều không có ý định mô tả chân dung của những người đàn bà kia theo mô hình "chim sa cá lặn", "công dung ngôn hạnh" thông thường. Những người đàn bà quê anh mang khuôn mặt bao đời của người phụ nữ Việt. Họ vất vả lo toan, âm thầm chịu đựng, họ ghé sát khuôn mặt mình vào nỗi đắng cay và chính vì thế mà họ vĩ đại. Trên cái nền lam lũ nhọc nhằn bên sông, bỗng vút lên những vẻ đẹp thật lãng mạn, cao vời:
Một bàn tay họ bám vào
Một đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bám vào mây trắng.
Nhà thơ đã dựng lên một tương quan theo kiểu lạ hóa bằng cách nối hai không gian trong một "khung tranh" (chữ của I. Lotman). Chính từ tương quan đã được xác lập, những người đàn bà vô danh kia đã lớn lên ngang tầm vũ trụ. Thế đấy, những tình điệu cơ bản trong xúc cảm nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều nào có xa lạ, ngoại lai gì, nó là lửa của một trái tim mê đắm giành cho xứ sở này. Một xứ sở chưa bao giờ nguôi vợi nỗi nhọc nhằn, chưa bao giờ lặng yên những bi kịch. Cái đẹp của quê hương bắt nguồn từ đấy. Chất thơ của cuộc sống cũng tỏa ra từ đấy.
Chính vì thả thơ trên những cánh đồng ký ức tuổi thơ, trên những dòng sông thao thiết chảy trong cõi nhớ nên trong thơ Nguyễn Quang Thiều, thế giới ấy không chỉ đẹp mà còn rộng lớn vĩnh hằng. Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp tuyệt đối. Cũng giống như Baudelaire xưa, nhà thơ nhìn thấy phố phường sự chật chội, nhốn nháo: "Họ chạy trong thành phố; những ngõ sâu hốc hác, những lề đường ê chề, những công viên mắc bệnh..." Trong không gian văn minh kỹ trị, con người luôn mang cảm giác bị dồn đuổi. Con đường duy nhất thoát khỏi sự bủa vây ấy, với Nguyễn Quang Thiều, là "trốn lo âu về lại cánh đồng". Không gian của những cánh đồng rộng mở hơn, những dòng sông tinh khiết hơn cho dù không ít khi nó đang bị con người làm cho khô kiệt. Từ chỗ tạo ra những cái nhìn lạ đối với các sự vật tưởng như rất quen, Nguyễn Quang Thiều đã rọi vào những mặt khuất của sự vật và diễn tả nó bằng những liên tưởng độc đáo, bất ngờ. Ðến với cánh đồng, dòng sông, mây trời, cây cỏ, tư thế nhà thơ là tư thế mang đầy tính lễ nghi. Tư thế trữ tình này được nhắc lại nhiều lần: "tôi khóc, tôi trở lại, ta chạy đến phía hai bờ, quỳ xuống trước sông, Sao ta quỳ xuống hai bờ, xin lỗi những vâng mây…" Chính trong khi mơ về những cánh đồng quê hương, nhà thơ tự do bay trong một thế giới thiêng liêng đang vẫy gọi mình:
Tôi bay qua những cánh đồng mùa xuân còn ái ngại
Qua những ngôi sao đã mở mắt những lưỡi thì chưa mọc
Tôi gặp dơi của bình minh, sơn ca của bóng tối
Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về
(Bài hát)
Bản thân nhan đề của nhiều bài thơ cũng cho thấy màu sắc nghi lễ trong thơ Nguyễn Quang Thiều: "Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Gọi hồn, Sám hối, Ðiều thiêng, Lời cầu nguyện, Thánh ca tĩnh lặng, Bài hát, Lời trăn trối của tương lai, Lễ tạ…" Quả thật, có những lúc ngôn ngữ thơ Nguyễn Quang Thiều rơi vào trạng thái ồn ào ("Tôi mang nỗi buồn tương lai gọi gào sau cửa - Chỉ còn trăng, trăng thôi…em khóc bên thềm - Tôi đánh cắp tiếng em giật mình trong mê mang về mùa ổi dại - Những quả ổi chín quá tuổi mình trong túi người đàn bà góa bụa - Xòe diêm soi tiếng mọt cuối đời…") và có những lúc những nghi lễ trong thơ anh hơi rườm rà quá mức. Nhưng khát vọng được trở về áp má mình vào sự mềm mại của cỏ, sự dịu dàng của dòng sông và mùi ngai ngái của đất đai là một niềm thôi thúc. Về với đồng quê cũng có nghĩa là tìm đến sự bình yên tuyệt đối. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đất đai, sông nước không chỉ là nơi cư ngụ, không chỉ là nơi thanh lọc tâm hồn sau những bão giông đời sống mà quan trọng hơn, đó là nơi có khả năng tái sinh những vẻ đẹp kỳ diệu nhất, nơi chiến thắng những cằn cỗi trong đời sống tinh thần. Ðây chính là triết lý ẩn chìm trong câu chữ Nguyễn Quang Thiều. Nói theo ngôn ngữ của Baudelaire thì nhà thơ đã phủ lên cái triết lý sâu sắc ấy bằng một không gian đầy ắp những "khu rừng biểu tượng". Nếu như với nhiều nhà thơ khác, các biểu tượng thường được trên sự đa nghĩa của từ, thì Nguyễn Quang Thiều xây dựng biểu tượng trên cơ sở những ẩn ngữ, các huyền tích văn hóa được tiếp nhận từ nhiều nền văn minh khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Quang Thiều thừa nhận anh chịu ảnh hưởng của Joseph Brodsky, nhà thơ Nga đoạt giải Nobel văn học 1987. Ðó tuyệt nhiên không phải là cách "gặp người sang bắt quàng làm họ". Thừa nhận chịu ảnh hưởng những tinh hoa văn hóa nhân loại là một đức tính đáng quý của nghệ sĩ. Những nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… trước đây cũng từng thế. Vấn đề là sự tiếp xúc văn hóa ấy phải trở thành những "cú hích" sáng tạo, là tác nhân tạo nên những đột phá nghệ thuật. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, bên cạnh hình ảnh những người đàn bà lặng lẽ, những ngọn cỏ mềm lưu dấu kỷ niệm là những hình ảnh khác thấm đầy chất triết lý. Theo ý tôi, đây là một đóng góp thực sự đáng quý của Nguyễn Quang Thiều: anh thường trăn trở về sự suy kiệt của cõi thế và khả năng tái sinh của nhân loại. Khi nói về tầng triết lý này trong thơ Nguyễn Quang Thiều tôi chợt nhớ đến ý tưởng về sự hồi sinh của nhân loại trong Earth Song nổi tiếng của vua nhạc Pop Michael Jackson. Nhưng đúng hơn, đọc Nguyễn Quang Thiều ta như được lắng nghe những giai điệu âm nhạc đồng quê. Ðó không phải là âm nhạc đồng quê kiểu Nguyễn Bính với hoa bưởi hoa cam "bướm vẽ vòng" mà là âm nhạc của đất đai vọng lên qua những ám thị đậm chất tượng trưng. Bởi thế, những nốt ngân trong thơ Nguyễn Quang Thiều vừa gần gũi nhưng lại vừa cất giấu sự bí ẩn của những điều thiêng. Những âm giai ấy khác xa với những âm thanh hỗn tạp, trần trụi và bức bối của văn minh phố phường. Nó gợi lên sự tinh khiết, vị tha, trong trẻo. Vậy nên, tận cùng sự truy đuổi, con người nhận ra điểm tựa của sự cứu rỗi chính là thiên nhiên, cây cỏ: "Vang lên tiếng nguyện cầu cho sức mạnh của họ qua những vòm cây" (Lời cầu nguyện). Mười chín khúc trong Nhân chứng của một cái chết như dựng lại viễn cảnh ngày tận thế và sự tái sinh. Phảng phất trong thơ Nguyễn Quang Thiều hơi hướm của thánh ca Tân ước: "Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất". Nhà thơ đã khép lại bài ca của mình bằng những lời thơ nói về sự bất diệt:
Họ không còn khóc than
Không còn tuyệt vọng
Không còn dày vò
Về những năm tháng đã đi qua
Họ chỉ đang hình dung
Con đường sẽ dẫn họ về thị xã
Trong buổi bình minh
Của một ngày Chủ Nhật
Những câu thơ thấm đầy chất tượng trưng và ẩn chứa trong đó những lớp trầm tĩch văn hóa khác nhau như những câu thơ trên quả rất khó tiếp cận nếu người đọc không cùng kênh ngôn ngữ và không cùng một vùng "phủ sóng" về văn hóa tiếp nhận. Không phải ngẫu nhiên mà lời Lễ tạ mở đầu tập Bài ca những con chim đêm thực chất là khao khát tìm gặp tri âm của Nguyễn Quang Thiều, là "hệ số mĩ học" của anh:
Phải đào ba tấc đất sâu
Mới tìm được người uống rượu?
Phải lên đến bảy tầng trời
Mới tìm được người hầu chuyện?
Ngẩng mặt một vầng mây đỏ
Nổ vang tiếng sấm lưng trời
Cúi đầu một miền cỏ trắng
Nở xòe tám hướng bốn phương.
Với Nguyễn Quang Thiều, để tìm cái đẹp, nhà thơ phải biết cúi xuống để lắng nghe hồn đất đai nhưng cũng phải biết ngẩng đầu để kiếm tìm sự những thanh âm kỳ diệu của vũ trụ, chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của những áng mây trời. Ðó cũng là hai cực, đối lập nhưng lại thống nhất như âm với dương, như ngày và đêm, như anh và em để tạo nên những mùa sinh nở vĩnh hằng. Muốn hiểu được cái đẹp của thơ, bởi thế, cũng phải biết ngước lên để nghe được trong tiếng vọng của chữ là nỗi niềm của nhà thơ.
Nỗ lực đổi mới thơ ca trong những năm qua dĩ nhiên không phải chỉ có một Nguyễn Quang Thiều. Nhưng cách làm mới thơ của Nguyễn Quang Thiều không giống với bất cứ ai. Và dù khó tính đến đâu vẫn phải thừa nhận rằng, Nguyễn Quang Thiều, với những thành công và cả những vần thơ đang ở mức thử nghiệm, đã để lại dấu ấn của mình trong tiến trình đổi mới thơ ca, góp phần đưa thơ Việt tiến thêm một bước nữa trên con đường hiện đại. Những tiếng hú, những tiếng gào, khóc… trong thơ anh thực chất là những cung bậc khác nhau của một cái tôi muốn nói lên những trạng thái xúc cảm mãnh liệt nhất. Nó là gì nếu không phải là những "khát vọng thành thực" của thi nhân được phơi trải trên trang giấy như một thông điệp tinh thần mong được xẻ chia. Chính những trạng thái cảm xúc ấy đã góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng của cái nghi lễ do Nguyễn Quang Thiều dựng lên trong quá trình khám phá vẻ đẹp của một cuộc sống tuy hãy còn quá nhiều bi kịch những lại cũng hết sức diệu kỳ. Nếu Hoàng Hưng chủ trương thơ "vụt hiện", Ðặng Ðình Hưng thích thú với những trò chơi âm thanh, Lê Ðạt mải miết tìm nghĩa tạo sinh trong "bóng chữ động chân cầu" thì Nguyễn Quang Thiều tìm cách đổi mới thơ bằng cách tạo nên những câu thơ giàu biểu tượng, các liên tưởng khác lạ, thay đổi diện mạo câu thơ, nhịp thơ và đặt các sự vật, hình ảnh xa nhau trong mối tương quan gần nhau nhằm tạo sự bất ngờ. Khoái cảm thẩm mĩ sẽ được hình thành trên những hình thức tổ chức cấu trúc hàm chứa sự bùng nổ bất ngờ như thế. Cũng bởi vậy, mỗi lần đọc Nguyễn Quang Thiều tôi lại nghĩ về những đối cực. Bên cạnh chất "lửa" nồng nàn của một hơi thơ mạnh mẽ là cái dịu dàng của "nước" làm nên chiều sâu trữ tình thơ anh. Và phía sau nhịp đập của những dòng thơ đầy lửa kia là tiếng vỗ của dòng sông, tiếng cựa mình trở dạ của những cánh đồng thiêm thiếp đón đợi bình minh…

15/4/2003
Nguyễn Quang Thiều
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...