Thực hư dòng sông Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ Huy
Cận là bài Tràng Giang. Khí thơ u hoài, cổ kính, khiến không ít người nghĩ đó
là Huy Cận viết về con sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La) quê hương ông.
Nhưng thực chất, bài thơ có một điều kiện xuất xứ khá đặc biệt…
Cảm hứng từ sông mùa lũ
Huy Cận có thơ đăng báo từ 1936. Khi tập thơ đầu tay Lửa Thiêng của ông xuất bản
năm 1940, ông trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới
lúc bấy giờ.
Hàng ngàn thế hệ học sinh từng mê đắm bởi những vần thơ lai láng trong bài
Tràng Giang: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song
song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng. Lơ thơ cồn
nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống, chiều lên sâu chót
vót. Sông dài, trời rộng, bến cô liêu/… Không ít người yêu thơ Huy Cận, say mê
bài thơ Tràng Giang của ông, nghĩ rằng, đó là những lời thơ tưởng nhớ của nhà
thơ về dòng sông Ngàn Sâu ở quê hương ông, dòng sông gắn bó suốt những năm
tháng tuổi thơ. Nhưng tất cả đều đã nhầm. Đó là những lời thơ ông viết về con
sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận; sinh ngày 31/5/1919, mất ngày 19/2/2005. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La) ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh.
Theo chính lời nhà thơ Huy Cận thủa sinh thời từng kể với bạn
thơ, thì hồi đó vào năm 1939, khi Huy Cận đang học năm thứ 2 trường Cao đẳng
Nông lâm tại Hà Nội và "luôn luôn bị một mối sầu lớn vò xé tâm hồn"
(Huy Cận). Thời bấy giờ, Hà Nội còn mênh mông, rậm rạp cây cối, hồ nước thì nhiều
mà thưa thớt người ở nên thường gợi cho người ta cảm giác mông quạnh, cô liêu.
Mỗi lần thấy trống vắng trong lòng, chàng sinh viên Huy Cận thường đạp xe lên
đường đê Nhật Tân, con đê nằm giữa sông Hồng và Hồ Tây. Gặp mùa nước lũ, sông Hồng
đỏ ngầu lên, lòng sông mở rộng ra mênh mông. Huy Cận lặng người đứng ngắm dòng
sông mẹ hùng vĩ mà hoang vắng đến rợn người ấy. Những dải bèo, những đám rác
rêu, tre gỗ, củi mục... trôi bồng bềnh trên dòng nước lũ. Phía xa xa là một làn
sương mờ dâng lên mơ hồ trên mặt nước. Chỉ có nước lũ, khắp dòng sông không một
bóng người. Chỉ có đôi ba cánh chim chấp chới giữa một vòm trời về chiều nhạt
nhòa, u ám. Theo lời Huy Cận kể lại, khung cảnh thiên nhiên ấy đã tác động mạnh
mẽ đến ông...
Trời rộng nhớ sông dài
Sự tác động ấy khiến ông lẩm nhẩm câu thơ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông
dài". Đó chính là cảm giác đầu tiên bao trùm tâm trạng nhà thơ. Nhưng, khi
làm bài thơ, Huy Cận lại viết câu thơ đầu tiên là "Sóng gợn tràng giang buồn
điệp điệp". Cái ý "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" lúc ban đầu
lại biến thành Sông dài trời rộng bến cô liêu. Xong bài thơ rồi, ông vẫn tiếc
cái câu thơ bao trùm cả tâm trạng lúc ban đầu, thế là ông giữ luôn câu này làm
đề từ cho bài thơ. Vậy là bài thơ Tràng Giang được Huy Cận sáng tác vào một chiều
tháng 9/1939, khi đạp xe thơ thẩn trên đê sông Hồng mùa nước lũ.Nhưng theo nhiều nhà thơ, thì đó chỉ là cái cớ cho tứ thơ
tuôn trào theo dòng chảy tâm hồn. Hoài niệm của ông về những dòng sông, về sự
mênh mang, hiu quạnh của sông mùa lũ có thể còn khởi nguồn từ chính tuổi thơ của
ông. Ấy là những con sông quê như Ngàn Phố, Ngàn Sâu, sông La, sông Lam và cả
sông Hương từng gắn bó với ông thời còn học ở Huế. Và như một nhà thơ từng nói
trên văn đàn, thì có thể xa hơn, đó là dư âm những dòng sông trong câu thơ Đường
nổi tiếng "Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn
lòng ai". Có lẽ vì thế mà Huy Cận đã kết bài Tràng Giang bằng hai câu vừa
mang âm hưởng cổ kính của Đường thi mà lại rất tinh tế, gợi cảm của ngôn ngữ tiếng
Việt: Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Cả bài
thơ Huy Cận không hề nhắc tới tên một con sông nào, bởi dòng sông đó chính là
Tràng Giang, một con sông dài khiến cho mỗi người đọc có thể liên tưởng tới một
dòng sông u hoài trong kỷ niệm, hồi ức của riêng mình.
Không chỉ là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới mà những
ngày đầu Cách mạng tháng Tám, Cù Huy Cận còn là một trong ba thành viên của
phái đoàn Chính phủ Lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận)
đi vào Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Sau đó, khi mới 26 tuổi,
ông đã là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu Chính phủ. Ông còn là người bạn thơ, bạn
tâm giao với "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu. Kể cả sau khi Huy Cận
chia tay với người vợ đầu tiên, bà Ngô Xuân Như - em gái Xuân Diệu - hai người
vẫn là một cặp thơ gắn kết không rời.
Lúc nhỏ, Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Sau Cách mạng tháng 8, Huy Cận xuất bản một loạt các tập thơ như: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Hai bàn tay em (thơ thiếu nhi, 1967, Những năm sáu mươi (1968), Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), Họp mặt thiếu niên anh hùng (1973), Những người mẹ, những người vợ (1974), Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975), Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984).
Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - năm 1996). Tháng 6 năm 2001, Huy Cận được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét