Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Về một bài thơ "Con số không" của anh Trần Chí Dũng

Về bài thơ “Con số không” của anh
Trần Chí Dũng
    Trong hệ đếm thì nhiều, ta chỉ đề cập đến hai hệ đếm thường dùng nhất: Hệ thập phân và hệ nhị phân. Hệ nhị phân dùng hai chữ số là 0 và 1. Chữ số 1 ở một hàng có giá trị bằng hai lần chữ số 1 ở hàng kế cận bên phải. Hệ nhị phân được sử dụng nhiều đối với máy tính điện tử vì máy tính điện tử sử dụng các thành phần vật lý có hai trạng thái để nhớ các bit. Còn trong hệ đếm thập phân, bảng chữ số gồm 0,1,2,3,...9. Trong hệ thập phân ngày nay thì con số "không" được tìm ra chậm nhất khoảng 200 năm sau Thiên Chúa giáng sinh. Con số "không" đã được tượng hình do người Hindu Ấn Độ. Người Hindu là người đầu tiên đưa ra con số này để trình bày quan niệm "Không có số lượng". Sự chậm ra đời trong mấy ngàn năm đã quyến rũ ta nhất là nó trở thành căn bản cho hệ đếm ngày nay. Chắc có lẽ bản thân con số không chất chứa một điều gì bí ẩn, diệu kỳ chăng so với những con số khác như 1,2,3... trong hệ đếm thập phân. Một thi nhân, chứ không phải là nhà khoa học hay là người khám phá ra chân lý gì của tự nhiên, một người tìm được con số không qua bài thơ “Con số không” của mình: Nhà thơ Trần Chí Dũng, chủ biên tập thơ “Hạt bụi vàng”.
  Con số không biểu thị cho sự không có gì trong hệ đếm thập phân, ví như chúng ta cho con cháu chúng ta một viên kẹo chẳng hạn, nhưng ta nắm bàn tay lại và thả tay ra đã là một con số không to lớn. Mình lại đi đánh láo với trẻ con ư? từ việc cho viên kẹo, nhưng không có viên kẹo nào trong tay. Trẻ em sẽ hiểu điều này, chắc chúng ta cũng biết giá trị của con số không!.
     Suy nghĩ về bài thơ “Con số không” của anh Trần Chí Dũng mãi mấy hôm, tôi mới cầm viết và viết được những dòng nhạc này.
   Thế là, tôi cũng cảm giác bởi con số không của nhà thơ, tôi viết nhanh đoạn mở đầu: “Con số không, con số không đời ta, đời em...”. Thế là, bắt nhịp được toàn bài theo dòng thơ của anh Trần Chí Dũng.
     Bài thơ "Con số không" của anh chỉ vỏn vẹn có ba khổ, mỗi khổ bốn câu viết theo thể ngũ ngôn, riêng khổ thứ ba thì có năm câu. Nếu viết cho trọn vẹn một ca khúc thì thiếu chữ. Nên ngoài việc viết đoạn mở đầu ra, tôi viết tiếp một mạch bốn câu cuối để kết bài, mỗi câu tám chữ mà cũng trọn vẹn cả ý lẫn nội dung bài thơ của anh: "Con số không đứng bên trái cuộc đời. Là vô nghĩa, chẳng khi nào có nghĩa. Bên phải cuộc đời, số không đứng đợi. Ngàn vạn triệu lần, tuyệt quá người ơi!...".

  Con số không quan trọng lắm ư?. Nó có thể thay đổi cả đời ta lắm ru?. Phải chăng nếu nó đứng bên phải và trước nó là một con số có nghĩa. Khi đó, nếu là bạc tiền thì có vô số tiền muôn bạc vạn, biết bao nhiêu cho vừa nếu nhiều số không đứng bên phải. Và lúc đó, chắc hẳn đời ta sẽ khác hơn xưa, nhưng chắc gì hạnh phúc đâu, hay là khi ấy sẽ khổ sở vì bạc tiền, vì con số không. Nhưng có khi rủi thay, con số không lại chuyển công tác về đứng bên trái thì chẳng còn gì để nói, để trông mong, để ngóng đợi; và nó cũng chỉ là một con số không, số zrô vô nghĩa mà thôi. Chuyện đời, sự đời biết đâu cho cùng, thôi thì tùy ý con số không. Ở đời có những sự việc lạ lùng như thế, nhưng lại là chuyện thực mà thôi: Chuyện con số - Số không
   Bài thơ được viết theo nhịp 2/4 với lối Con Spirito (Với tư tưởng...), giọng Fa trưởng. Riêng bốn câu của đoạn cuối tám chữ được viết theo nhịp 4/4.         
  Chúng ta sẽ trở về với bài thơ: " Con số không" của nhà thơ Trần Chí Dũng. Ở bốn câu đầu của bài thơ: "Chỉ là con số không. Đứng sau từng số có. Số có gấp mười lên. Số không còn đứng đó...". 
  Bốn câu đầu may quá cho con số không đứng đàng sau con chữ có nghĩa. Và như thế thì tuyệt vời biết bao, bởi vì số có cứ tăng dần lên và cứ tăng đến bao nhiêu cũng được tùy ý, không chỉ gấp mười lần mà đến trăm, vạn ngàn lần cũng được chứ sao đâu. Ai mà trách cứ.

 Nói như thế không phải là người tham lam quá độ đâu, mà quý giá là con số không đứng sau con số có nghĩa. Thôi thì cứ thoải mái giữ vị trí con số không đến ngàn đời, vẫn đứng mãi đó yên lành, ung dung tự tại. Ai có chê trách số không đâu mà lo. Và đến khi em là số một tuyệt vời, tuyệt vợi thì giá trị của nó đã gấp mười lần lên. Con số 1 đứng trước và số 0 đứng bên, có nghĩa là em và anh đứng cạnh bên nhau, em bên trái và anh tự tại bên phải, thế là em và cả anh nữa sẽ không bao giờ cô lẻ. Chúng ta cùng có bạn, có bè.
    Viết đến đây, tôi nghe văng vẳng bên tai bài hát tự bao giờ của nhạc sĩ Trịnh Công sơn: "Không có em buồn vui với ai...'. Trịnh Công Sơn rất thâm thúy, sâu sắc về thân phận con người, về bóng dáng hình người đẹp trong từng ca khúc của ông. Một nhà văn hào từng nói: "Trong tất cả các tác phẩm vĩ đại của nhân loại đều có sự đóng góp mặt của những người đàn bà". Thật đúng vậy, anh và em không thể rời bến nhau, cùng chung nhau ngân nga một khúc nhạc, cùng hòa tấu một hợp xướng trong giàn nhạc giao hưởng đó sao!. 
     Đời mà như thế thì còn gì cho bằng!: 
" Nếu em là số một. Sẽ gấp mười lần lên. Vì số không đứng bên. Em đâu còn cô lẻ..."
  Anh và em luôn bên nhau như ngày nào. Và cứ thế như mọi ngày. Em tăng lên tùy ý: Là vạn, trăm, ngàn vạn triệu lần tùy thích, anh không nỡ trách em đâu. Em sẽ là tuyệt diệu đấy. Và hỡi ôi anh vẫn tròn trịa một con số không to tướng, có nghĩa hay không tùy em.
"Và cứ thế, cứ thế. Em có thể là mười. Là trăm, ngàn, vạn, triệu. Em sẽ thật tuyệt diệu. Anh vẫn tròn số không."

    "Con số không" của nhà thơ Trần Chí Dũng là một bài thơ hay, mới lạ về ý tưởng và đầy cảm xúc của một tư tưởng lớn. Cái hay của bài thơ là sự biến chuyển hóa con số không sao cho phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi chốn để nó xứng đáng với vị trí của từng lúc, từng nơi, từng người mong đợi. Số không có khi nâng lên giá trị của nó ghê gớm, mà đôi khi cũng chỉ bằng thừa vì nó là con số không, một con số không có số lượng.  
    Nhưng dù sao đi nữa, con số 'không" vẫn chiếm giữ một vị trí hàng đầu trong hệ thập phân. Vinh dự thay, tự hào thay!.
    Thôi thì, tùy ý mỗi người chúng ta khi xem xét, định đoạt sao cho phải lẽ, hợp lý hợp tình để một khi đề cập đến con số không ta khỏi phải tiếc nuối, ngậm ngùi vì những con số không như đời ta.
Triều Châu
TP. HCM 10/6/2014











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...