Âm
nhạc của Trịnh Công Sơn chính là sự cưu mang
Mình nghe nhạc Trịnh
đến nỗi hầu như không để ý đến lời, mặc dù lời lẽ trong nhạc trịnh là mấu chốt
cho sự ảnh hưởng của ông. Nhiều người phân tích rồi, rất hay, cái hay hơn hết
là khi nghe nhạc Trịnh thì mình cảm thấy nhớ bạn bè người thân, nhớ khung cảnh
đã từng hiện diện khi nghe nhạc ông. Nhớ những ngày vui vẻ bên bè bạn, cũng nhớ
cả những đêm cô đơn không tả được, những ngày buồn bã khi ấy chứa chan một xúc
cảm đẹp lạ lùng. Đời sống của người nghe lồng trong đời sống của âm nhạc, sự
trải dài này như một điều hiển nhiên không chút gượng ép. Không luân lý, không
bản năng và không có bất kỳ điều gì để khắng định hay phủ định
Cháu mình, mới sinh ra
mẹ hát ru cả đêm không chịu ngủ, khóc oe oe, ông nội thấy xót quá ra giành
quyền hát ru. Ông không biết hát ru, hát toàn ca khúc da vàng, nào là Đại
bác ru đêm, Chiến sĩ vô danh, Người con gái việt nam da vàng… Thế mà ảnh
ngủ ngon ngủ lành, cả nhà chọc vui có lẽ ảnh nghe đại bác mà ru đêm nên sợ quá
hết khóc.
Đôi khi, lòng mình
buồn sắp khóc, những nỗi niềm nghẹt thở của mình khi nghe nhạc của ông thì tự
nhiên mềm nhũn ra, nó không còn là những bi kịch của thân phận con người mà
biến thành những khổ đau hiển nhiên thâm trầm của sự lựa chọn. Lúc đó, chúng ta
sẽ hiểu vì sao những con sâu đục vào thân cây bầu gió để rồi cây tiết ra những
chất dịch, biến vết thương thành trầm hương quý báu. Âm nhạc của ông chính là
sự cưu mang, cưu mang những nỗi đau hiển nhiên của con người khi lựa chọn cho
sự tồn tại của mình một ý nghĩa tốt đẹp nhất định.
Có những con người,
rất nhiều những con người, vết thương của cuộc đời là một điều đắng ngắt, một
sự triệt hạ khốn cùng mọi lý lẽ sống ở trần gian. Họ phẫn nộ chua chát gắn cho
đời sống những bộ mặt bi thảm, những lớp lớp lừa lọc nghi kỵ. Họ đâu biết rằng
khi đó, bộ mặt của họ đã hiển nhiên gắn vào một định mệnh nghiệt ngã, bộ mặt
của họ đã không còn là một tín hiệu để nhận biết đó là một con người, họ biến
thành những cương thi – những kẻ người bị ma ám, họ biến trần gian thành địa
ngục để dầy xéo tha nhân. Họ dày xéo chính đời mình quằn quại. Thật vậy:
“Có những trái tim chỉ
biết nuôi dưỡng lòng thù hận của quỷ dữ. Những trái tim gây hấn chỉ muốn bày ra
những bữa tiệc đời bằng gai và đá nhọn. Những bữa ăn như thế đã làm khô héo dần
thực phẩm trần gian.”
- Trịnh Công Sơn, Bản
Tình Ca Ở Lại Với Ai?
Chúng ta đã thấy, đã
cảm nhận trùng trùng những con người như vậy, thế thì sao để đáp trả, để có thể
sống chứa chan với đời sống khi mà trong lòng nó là tất cả những điều đê tiện
và cũng có tất cả những điều thanh cao. Có tất cả những ngọn gió thanh bình cũng
có những cơn bão ùn ùn như hội ngộ trong một tách trà nhỏ bé. Đó là nỗi lòng
của tên tuyệt vọng mà nhạc Trịnh truyền tải, một kẻ tuyệt vọng khi lòng hắn như
thấu thị cõi lòng tha nhân. Mỗi thời khắc là chết và hồi sinh, là tha thứ và
bao dung cho tha nhân cũng chính là tha thứ và bao dung cho chính mình: ”Tôi và
cuộc đời đã tha thứ cho nhau.”
Đời sống chung quy là
buồn, nhạc của ông khẳng định như vậy, nhưng nỗi buồn chúng ta hay nghĩ mình có
đó không là nỗi buồn trong nhạc của ông. Làm sao em biết đời sống buồn tênh,
làm sao em biết nỗi buồn nhẹ tênh ấy là nỗi buồn của một đời sống vô thường,
bởi vô thường nên nó buồn nhẹ tênh. Còn nỗi buồn của chúng ta vĩ đại quá, những
nỗi buồn nặng trĩu nghìn cân mà chúng ta gồng gánh khiến chúng ta không thể cảm
nhận được niềm vui sống, khiến chúng ta cảm nhận đời sống là một hình ảnh phi
lý của Sisyphe lăn mãi tảng đá lên đỉnh đồi theo một chu trình vĩnh cửu không
hề siêu thoát.
Chúng ta không hề nhận
biết rằng, có những vết thương không gây nên sự sa đọa bỉ ổi mà tạo nên những
trầm hương hay ngọc trai quý báu. Tất cả những thứ đó, đơn giản là một thái độ
tích cực yêu thương nồng nàn dành cho đời sống và dành cho chính mình.
Một tình yêu bao dung đầy đam mê rực rỡ với cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét