Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Cuộc đời là một cuộc hành trình

"Cuộc đời là một cuộc hành trình"
ẨN DỤ Ý NIỆM “CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH”
TRONG CA TỪ TRỊNH CÔNG SƠN
                                                                                  Nguyễn Thị Bích Hạnh
Ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ẩn dụ là một công cụ hữu hiệu để con người ý niệm hoá các khái niệm trừu tượng. Ẩn dụ tri nhận là hình thái tư duy của con người về thế giới. Tiếp cận ca từ nhạc Trịnh dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận, bài viết nhằm nghiên cứu, lí giải mô hình ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH trong ca từ Trịnh Công Sơn, nhận thức và lí giải các phạm trù của thế giới qua ý niệm về cuộc đời được hiện thân trong ngôn ngữ, từ đó giải mã con người văn hóa, vô thức cá nhân và thế giới tinh thần của nhạc sĩ.
1. Ẩn dụ tri nhận và cơ chế ánh xạ giữa hai miền không gian
Ẩn dụ tri nhận là một trong những hình thức tư duy ý niệm, phản ánh sự nhận thức và ý niệm hoá của con người về thế giới quanh mình qua các biểu thức và các diễn ngữ ngôn ngữ, bằng cách lấy con người làm bản thể định vị giữa không gian, thời gian, và các nguyên tắc, sự kiện, hành động, tư tưởng, tôn giáo, niềm tin…của con người tương tác mật thiết với nhau trong không - thời gian ấy. Tư duy ẩn dụ được hiểu thông qua sơ đồ ánh xạ, là một hệ thống cố định của các tương ứng giữa các yếu tố hợp thành miềnnguồn (miền cho) và miền đích (miền nhận). Khi các tương ứng được kích hoạt trong ý thức của con người, các sơ đồ ánh xạ phóng chiếu từ miền nguồn sang miền đích dựa trên những điểm tương ứng. Những tri thức ở miền nguồn ánh xạ lên miền đích theo quan hệ gán ghép. Cả hai miền nguồn và đích đều là những ý niệm, được cấu trúc hoá theo mô hình trường - chức năng: trung tâm - ngoại vi, trong đó hạt nhân là khái niệm nằm ở trung tâm, mang tính phổ quát toàn nhân loại, và ngoại vi là những yếu tố ngôn ngữ, văn hoá dân tộc, nằm trong một “khung” hay “nền” văn hoá nhất định mang tính đặc thù.(1),(2),(3)
Trong ca từ Trịnh Công Sơn, ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH xuất hiện ở khá nhiều ca khúc với sinh ra như là điểm đánh dấu sự tham gia, và cái chết như là điểm đến cuối cùng. Mô hình ẩn dụ ý niệm này biểu hiện cách tri nhận của Trịnh Công Sơn về cuộc đời và con người dựa trên ý niệm về các quá trình trong một cuộc hành trình cụ thể. Cơ chế của ý niệm gồm miền nguồn là “cuộc hành trình”, ánh xạ lên miền đích  là “cuộc đời”. Các thuộc tính và tri thức về “cuộc hành trình”được ánh xạ, sao phỏng cho ý niệm “cuộc đời”; một số đặc trưng của “cuộc hành trình” được gán ghép cho “cuộc đời” của con người. Cả hai miền nguồn và đích đều thuần túy là những ý niệm.
Bảng 1. Cơ chế ánh xạ của ẩn dụ ý niệm

            CUỘC ĐỜI
được hiểu giống như
 MỘT  CUỘC HÀNH TRÌNH
Ý niệm chuẩn
            CUỘC ĐỜI
            LÀ
 MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH
Mẫu ý niệm chung
            Ý niệm A
            Là
               Ý niệm B
Thuật ngữ
           Ý niệm đích
   (miền đích- trừu tượng)
    Được hiểu như
              Ý niệm nguồn
 (miền nguồn - ít trừu tượng)
Ẩn dụ CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH là một ý niệm mang tính phổ quát của mọi nền văn hóa và có một nền tảng kinh nghiệm vững chắc. Cấu trúc cơ bản của nó là một lược đồ đường đi bao gồm một điểm bắt đầu (hoặc nguồn của chuyển động), con đường đi qua và đích đến.  Lược đồ này xuất phát từ trải nghiệm thân thể: khi chúng ta di chuyển đến một địa điểm nào đó, phải tuân theo lộ trình từ điểm xuất phát dẫn đến đích theo một hướng nhất định. Lô-gíc cơ bản của cuộc hành trình là người đi phải đi qua những điểm trung gian trên lộ trình; thời gian đến đích phụ thuộc vào quãng đường phải đi.  Mục đích (trong cuộc đời, công việc…) được hiểu dưới dạng đích đến, và khi đạt được mục tiêu nghĩa là đã hoàn thành lộ trình từ điểm xuất phát đến đích. Trong cuộc hành trình, người ta có thể bị chệch đường hay gặp phải chướng ngại vật, những sự tình phức tạp thường được hiểu dưới dạng lược đồ ĐƯỜNG ĐI.
                                              ☺▬                                              
       NGUỒN                             LỘ TRÌNH                         ĐÍCH ĐẾN    
                                          * Lược đồ ĐƯỜNG ĐI      
Từ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH đã cho phép hiểu rằng miền nguồn “hành trình” có thể có những thuộc tính như: du khách, phương tiện giao thông, chướng ngại vật trên các tuyến đường, sự cố gặp phải, khoảng cách đi được, tốc độ chuyển động, các không gian tuyến tính như: điểm mốc, điểm đến của hành trình, các ngã tư hoặc nhánh, đường cụt, mục tiêu, khởi đầu, kết thúc; trạng thái của du khách như: hứng khởi, mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng… rồi đem gán cho chúng ý niệm đích là“cuộc đời”. Do đó ý niệm“cuộc đời” cũng có được những nét thuộc tính của “cuộc hành trình”. Đây là một trong những phép ẩn dụ cơ bản mà Lakoff và Turner (1989) đã đưa ra và lập bản đồ giữa hai lĩnh vực khái niệm miền nguồn (hành trình) và miền đích (cuộc đời) như sau:
(1) Một người đang sống trên đời là một khách du lịch;
(2) Mục tiêu của du khách là những điểm đến;
(3) Các phương tiện giúp đạt được mục đích là những tuyến đường;
(4) Những khó khăn trong cuộc sống là trở ngại trên đường đi;
(5) Hướng dẫn viên là người tư vấn trên quãng đường đi;
(6) Sự tiến bộ của du khách là quãng đường đã đi được so với điểm mốc;
(7) Các lựa chọn trong cuộc sống là những ngã tư đường;
(8) Nguồn tài sản và tài năng là lương thực cho chuyến đi.
2. Ánh xạ ý niệm trong ca từ Trịnh Công Sơn
Trong ca từ Trịnh Công Sơn, cảm thức về cuộc đời luôn gắn bó với cảm thức về cuộc hành trình, đặc biệt là điểm đến cuối cùng, kết thúc chặng hành trình của phận người. Tư duy về cuộc đời của Trịnh Công Sơn luôn được thể hiện qua lăng kính của cuộc hành trình, trong đó khởi đầu cuộc hành trình được xem như là thời điểm sinh ra, điểm đến của cuộc hành trình trong ca khúc của ông thường là chân núi, chân đèo, cuối sông, cuối đường, cuối phố, cuối trời; nơi tiền thân vẫy gọi, đón chờ; đất mẹ; vòng nôi; nơi chốn quê nhà… cũng là những nơi chốn trú ẩn quen thuộc, tìm về an nhiên của Trịnh Công Sơn, nơi chốn an nghỉ sau cùng của con người sau khi đã mỏi cánh trong cuộc sinh tồn. Phương tiện trong các cuộc hành trình trong ca khúc của Trịnh Công Sơn thường là những chuyến xe, ngựa. Những chướng ngại vật trong cuộc hành trình rất ít, thường là những chướng ngại về tư tưởng, về sự lựa chọn đến đích, đôi lúc loanh quanh, vô định giữa dòng đời “cõi đi về”, không biết đi đâu về đâu. Cuộc hành trình của du khách trong nhạc Trịnh không có nhiều ngã rẽ, rất ít khi phải đứng trước ngã tư đường để lựa chọn hướng đi, mà dường như và hầu như nhạc sĩ đã chọn trước cho mình một điểm đến duy nhất, điểm dừng cuối cùng của hành trình: cái chết, “cõi thiên thu”, “vòng nôi” của quê mẹ. Cái chết hiện diện trong ca từ nhạc Trịnh như một lời hẹn hò, một sự chờ đợi sẵn ngay từ khi mới sinh ra, và người du khách trong cuộc hành trình làm người ấy không ngần ngại dành hết tâm trí của mình để suy ngẫm, trăn trở tìm đến, hướng về nó. Điểm dừng của cuộc hành trình: cái chết ấy luôn được Trịnh Công Sơn tư duy qua một loạt các hệ thống tiểu ẩn dụ: CUỘC ĐỜI LÀ MỘT NGÀY, CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ, CÁI CHẾT LÀ SỰ NGHỈ NGƠI, CON NGƯỜI LÀ CÂY CỎ… trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ khảo sát ẩn dụ bậc 1: CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH và ẩn dụ bậc dưới: CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ để làm rõ ý niệm đích “cuộc đời” trong ca từ Trịnh Công Sơn.
Dễ nhận thấy, giữa cuộc hành trình và cuộc đời người có những nét tương đồng nhất định. Giống như hành trình, cuộc đời thường được mô tả là có một sự khởi đầu, các điểm đến, chướng ngại vật, quay và kết thúc. Du khách điều hướng thông qua sự giúp đỡ thường xuyên của một hướng dẫn hoặc bạn đồng hành. Trong các chuyến đi, du khách có định hướng vật lý về mục tiêu định trước, về điểm đến, biểu lộ những cảm xúc khác nhau qua những chặng đường khác nhau trong suốt chuyến đi. Trong các cuộc hành trình, trở về bên núi là điểm đến được Trịnh Công Sơn lựa chọn khá nhiều, xuất hiện ở 27/228 bài, chiếm tỉ lệ 11,8%. Núi từ lâu đời đã đi vào tâm thức văn hoá cộng đồng và trở thành một biểu tượng trong văn hoá nhân loại. Ý nghĩa tượng trưng của núi có nhiều mặt: nó vừa là chiều cao, vừa là điểm trung tâm, vừa thể hiện cho quyền năng và quyền thế siêu việt. Núi là nơi trời và đất gặp nhau, là nơi ở của thánh thần, và là điểm cuối cùng của con đường đi lên của con người (1). Từ ý nghĩa bản thể trong kí tích văn hoá, khi đi vào ca từ Trịnh Công Sơn, núi biểu trưng cho sự vững chãi, an toàn – “Điểm hẹn trăm năm” của đời người.
Trịnh Công Sơn lớn lên trong sự khốc liệt của chiến tranh, hành trình làm người của nhạc sĩ cũng song song với hành trình tranh đấu của dân tộc. Đem quy chiếu CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, nhạc sĩ nhận thấy hành trình làm người Việt Nam trong khói lửa của chiến tranh là hành trình vô vọng, không tương lai phía trước, chỉ có một con đường chông gai của chết chóc, và điểm đến cuối cùng là cái chết như một xiềng xích trói buộc của số phận. Đi trong cuộc hiện sinh, con người đã định sẵn điểm dừng chân cuối cùng của mình là về bên núi:
Lòng tôi có khi mơ hồ/ Tưởng mình đang là cơn gió
Về chân núi thăm nấm mồ/ Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ.
 (Lời thiên thu gọi)
 Về chân núi là tìm về một sự giải thoát. Đây là cuộc hành trình về miền cát bụi, xa lìa cõi trú, tìm đến nơi chốn nghỉ ngơi cuối cùng của con người, là điểm hẹn cho sự gặp gỡ tâm linh. Không gian hành trình của Trịnh Công Sơn hay xuất hiện những sự vật, hiện tượng gắn với từ “cuối”: cuối đường, cuối trời, cuối phố, cuối dòng sông, cuối đèo...Trong văn chương, “cuối” đi với các kết hợp cũng trở thành một tín hiệu thẩm mỹ. Cuối tựa như một điểm dừng, điểm kết thúc cả về mặt không gian lẫn thời gian, cũng là một điểm hẹn hò, gặp gỡ. Hành trình của cánh chim - ẩn dụ cho con người là hành trình về điểm kết thúc nơi “cuối đèo”. Nét tương đồng về sự lênh đênh, bé nhỏ, vô định giữa cánh chim và đời người đã khẳng định núi trở thành nơi tìm về, tìm an nhiên của những số phận thiếu hạnh phúc trần gian:
Tôi như con chim chiều/ Mang đầy nắng quạnh hiu
Trên đôi vai u sầu/ Tìm về nơi cuối đèo.
 (Như chim ưu phiền)
Hành trình về bên núi là hành trình tìm sự giải thoát khỏi vòng tục lụy, khỏi nỗi khổ đau nhân thế. Nằm xuống bên núi là trở về với bản thể, với đất mẹ vĩnh hằng. Trạng thái an nhiên, thảnh thơi là trạng thái của con người đã thoát ra khỏi những hệ luỵ của cuộc đời. “lên núi”, trở về với đất mẹ là tìm sự chở che. Núi đã trở thành điểm hẹn cho sự giải thoát cuộc đời:
Một hôm buồn ra ngắm dòng sông
Một hôm buồn lên núi nằm xuống.
                               (Tự tình khúc)
     Núi còn là điểm hẹn trăm năm cho một cuộc vuông tròn. Khi con người mỏi cánh trong cuộc sinh tồn thì tìm về bên núi: Cuồng phong cánh mỏi/  Về bên núi đợi. (Chiếc lá thu phai)
Với ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, trong quá trình di chuyển, nếu du khách gặp phải những nghịch cảnh, trở ngại trên đường thì cũng giống như những khó khăn, nghịch cảnh trên đường đời mà người ta phải hứng chịu. Những khuyết tật về thể chất của du khách là minh chứng cho những khó khăn trong việc hoàn thành một mục tiêu, cũng chính là những trở ngại trong đường đời. Nếu du khách thực hiện cuộc hành trình của mình và/ hoặc đạt đến mục đích của mình mà bị thương, bị mù, trong cơn đau vật lí thì chính là ngụ ý về một mức độ khó khăn bất ngờ trên đường đời gặp phải. Trong hành trình về bên núi, những linh hồn tuyệt vọng có thể bị đau đớn về trạng thái vật lí nhưng đã tìm được chốn ẩn trú linh thiêng:
Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi
Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài...
                                                      (Phúc âm buồn)
 Trong hiện sinh con người, có cảm giác đây không phải là hiện sinh đích thực vì thân xác không cùng tồn tại với linh hồn. “Lời nói” (tinh thần) đã rời xa con người để tìm về “chân đồi”. Đó cũng là niềm đau khôn cùng của những thân phận nô lệ da vàng cam chịu cúi đầu trong kiếp lưu đày, sống mà phải thoả hiệp với tha nhân, phải vong thân, đánh mất nhân vị của mình.      
Trên chặng đường tìm về bên núi, con người đạt được mục tiêu trở về nhưng có thể bị thương, bị đau về thể chất. Núi trở thành nơi an nhiên dưỡng thương, an nhiên nhận diện nỗi đau: Từ đó ta nằm đau/ Ôi núi cũng như đèo(Đoá hoa vô thường). Hành trình về bên núi là tìm về nơi ẩn trú an toàn, tìm về với cội nguồn, tìm về một sự an ủi, chia sẻ, chở che:
Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam
Đi lên đồi non/ Nhớ về cội nguồn…
                  (Ngụ ngôn mùa đông)
      Trong hành trình làm người, Trịnh Công Sơn luôn sẵn sàng đón đợi cái chết đến với mình. Cái chết không được hoan nghênh nhưng nó vẫn được chờ đợi bởi nó đã được chuẩn bị trước về mặt tâm lí. Đối với nhạc sĩ, cái chết dường như đã đến từ kiếp trước, bởi theo triết học hiện sinh phương tây, con người ta đã chết ngay từ khi mới được sinh ra trên cõi đời này. Cái chết giống như một sự cố trong cuộc đời bi thảm của con người, nó cũng gắn bó với nhân vị. Phật giáo cũng cho rằng đời con người chỉ là kiếp phù sinh, triết lí dân gian vẫn là “sống gửi thác về”. Nhân gian chỉ là “cõi tạm”, về cõi niết bàn là về với cái vĩnh hằng, bất diệt. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, dưới mỗi “vòng nôi” đã ẩn tàng một “nấm mộ”, phút chung cuộc nằm ngay ở giây phút ban đầu, hành trình về với núi, về với đất mẹ là về với cõi thiên thu. Núi là điểm hẹn tìm về của mỗi cuộc đời khi phải giã biệt nhân gian:
    Trên đời người trổ nhánh hoang vu (...)/Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
    Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa/ Người đã đến và người sẽ về bên kia núi.
                        (Cỏ xót xa đưa)
Trong hành trình đời sống, sự ra đi rời xa nhân gian là một chuyến hành trình bất đắc dĩ bởi kiếp người đã được sinh ra từ sự ngẫu nhiên, Heidegger gọi thân phận làm người là một sự ”ruồng bỏ”, Marcel xem con người như một lữ hành đã hình thành trên một quãng đường phải đi, núi cũng là điểm hẹn cuối cùng của một cuộc đời mỏi mệt đang chờ đợi một cuộc hội ngộ của trăm năm về miền viên miễn xa xăm: Trong khi ta về lại nhớ ta đi/ Đi lên non cao đi về biển rộng (Một cõi đi về); Hành trình về bên núi là hành trình tìm về bản thể, về địa mẫu vĩnh hằng, tìm sự giải thoát nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ để xóa đi những nhọc nhằn của kiếp người:
    Một chiều kia có em buồn buồn/ Thân mong manh như lau sậy hiền
    Về đồi mây thắp hương nằm mộng (...)
    Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh/ Về cội xưa níu tay nghìn trùng.
                                                                         (Níu tay nghìn trùng)
Nói về cái chết khi trở về bên núi, ở đây Trịnh Công Sơn đã sử dụng một tiểu ẩn dụ ý niệm CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ để diễn tả sự thảnh thơi của kiếp người sau khi được buông bỏ mọi vướng bận trong cuộc đời. Thông thường, trong giấc ngủ con người ta sẽ quên đi thường nhật, sẽ lạc vào những giấc mộng, chiêm bao, có thể mơ về những cái mà trong đời thực không bao giờ trải nghiệm... “nằm mộng” trên đồi mây trong khói hương chính là nằm xuống với đất mẹ, “ngủ quên giữa trời” có nghĩa là nằm xuống với đất, bầu bạn với sao trời và mênh mông. “Gối tay nằm bệnh” khi về nguồn xưa là sự trở về nguồn cội của nhân vị. Cái chết được nhắc đến qua hình ảnh giấc ngủ là một cách nói về sự an nhiên, xem cái chết nhẹ nhàng như một sự mong đợi từ lâu.
Với tư duy ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, Trịnh Công Sơn luôn xem cuộc hành trình trên nhân gian như một “cõi đi về”, trong đó con người là một lữ khách cô độc, luôn thôi thúc, mong ngóng rời xa “cõi tạm” theo từng chuyến xe, từng cơn gió, từng chiếc lá..., và hình ảnh con đường xuất hiện dày đặc ở 44/228 ca khúc, chiếm tỉ lệ 19,2% đã trở thành một phương tiện để tác giả gửi vào đó một cách nhìn, cách triết lí về cuộc sống. Trịnh Công Sơn từng tâm sự: "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa một ngày nào đó cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người"[1]. Mang sẵn trong mình "mặc cảm lâm bệnh", con đường trong ca khúc Trịnh Công Sơn mang ý nghĩa biểu trưng khá nhất quán: là những nhắc nhở, dự cảm về một ngày phải lìa xa cõi trú, bởi cuộc đời con người chỉ giống như những "giấc mơ đời hư ảo" mà thôi.
Con đường thường mang ý nghĩa là không gian của hành trình, nó thôi thúc con người dấn bước để đến với cái đích nào đó. Trên con đường ấy, du khách có nhiều tùy chọn và phải chọn một con đường nhất định trên cuộc hành trình để đạt được điểm đến của họ, cũng như phải xác định lựa chọn đường đời của mình. Khi du khách đưa ra những lựa chọn mang tính quyết định về đời sống đạo đức, tình yêu, hôn nhân, nghề nghiệp… thì cũng tương đương với việc phải lựa chọn đường đi khi đứng trước những ngã ba, ngã tư đường. Khi du khách bối rối, không tìm được đường đi trong cuộc hành trình chính là thể hiện những bế tắc trong cuộc sống, không có lối thoát. Trịnh Công Sơn cũng đã có lúc băn khoăn như thế, loanh quanh ngay giữa đời mình:
 Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
                                                                                     (Một cõi đi về)          
Mối tương quan cuối cùng xảy ra giữa cuộc hành trình và cuộc đời nằm ở điểm đến cuối cùng và cái chết. Du khách có thể tạo ra các điểm dừng khác nhau trên đường đi, nhưng chắc chắn cuộc hành trình của họ sẽ kết thúc, cuộc đời con người cũng vậy, sau nhiều quanh co, ngã rẽ; điểm đến, đi; hạnh phúc, đau khổ; vinh quang, cay đắng,… cuối cùng đón đợi phía trước cuộc hành trình của họ là cái chết – điểm dừng cuối cùng kết thúc chặng đường cuộc sống. Trong hành trình làm người, Trịnh Công Sơn thường hướng tâm trí mình về đất mẹ, về địa mẫu. Vốn là một người nhạy cảm, đặc biệt là nhạy cảm trước cái chết, đối với Trịnh Công Sơn, cái chết không phải là một khái niệm siêu hình mà dường như ông là người đã từng trải qua, nên đôi khi sống trong cái quán trọ trần gian này, khi thấy đôi chân mệt mỏi là ý nghĩ bỏ cuộc, tìm về bản nguyên lại chợt đến:
                Mệt quá đôi chân này/  Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
                Mệt quá thân ta này/ Nằm xuống với đất muôn đời.
                                                   (Ngẫu nhiên)
Trên hành trình lữ khách phải trải qua, sự chuyển động xa điểm khởi đầu là bắt buộc, sự lựa chọn điểm đến là tự nguyện là có định trước. Hành trình mà Trịnh Công Sơn lựa chọn là đi về hướng chia li với đời sống dù tuổi thanh xuân vẫn còn tươi mới, sống chưa trọn kiếp người. Đây là sự tự nguyện như một lời hẹn từ kiếp trước, khép lại trăm năm, hân hoan nằm lại với miền đất đá: Thí dụ bây giờ em phải đi (...)/ Quanh em trăm năm khép lại, có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu ngồi (...)/ Nếu còn nếu còn em, xin được xin năm yên, đá hân hoan một miền (Rơi lệ ru người).
Đôi khi, người chết được cho là hạ xuống đất để đi vào thế giới ngầm, để họ hành trình đến các cạnh của trái đất. Người chết để lại cơ thể của họ và bắt đầu di chuyển sang thế giới bên kia. Với Trịnh Công Sơn, địa mẫu là đất mẹ, hành trình của ông luôn hướng về điểm dừng chân là quê mẹ, quê nhà. Nhạc sĩ từng quan niệm, quê nhà lớn của mình nhất chính là bào thai, nơi mà từ đó ông được sinh ra, được chào đời để làm một cuộc hiện sinh đích thực. Và trong suốt hành trình làm người, quan niệm nhân gian chỉ là “cõi tạm” nên ông luôn mong ngóng đến ngày được quay trở lại “quê nhà”, về chốn “quê quán tôi xưa”, nơi thiêng liêng nhất dành cho mỗi đứa con khi trở về bên mẹ Đất. Sự đồng nhất giữa con người và đá đã diễn tả vòng quay luân hồi của kiếp người, cuộc hành trình của con người chính là cuộc hành trình của cát bụi:
Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về / Quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong
Người chợt nhớ mình như đá/ Đá lăn vết lăn buồn.
                                                                           (Vết lăn trầm)
Trong cuộc hành trình, người lữ khách đã tự tìm đến điểm dừng chân cuối cùng là trở về nhà, trở về quê mẹ, sự trở về ấy là điểm kết thúc hoàn toàn cuộc hành trình trên cõi tạm, chấm dứt sự sống để trở sang một cõi sống khác:
         Anh nằm xuống như một lần vào viễn du/ Đứa con xưa đã tìm về nhà
         Đất hoang vu khép lại hẹn hò (...)/ Đất ôm anh đưa về cội nguồn.
                                                               (Cho một người nằm xuống)
Đôi khi, sự ra đi tìm về quê nhà là một sự thôi thúc tự thân, trở thành niềm mong ước thường trực trong cuộc hành trình của lữ khách: Người lên tiếng hỏi người có không/ Người đi vắng về nơi bế bồng (Vườn xưa). Nơi bế bồng chứa chan yêu thương ấy là vòng nôi, là vòng tay mẹ, là nơi bào thai lớn sinh ra con người, là địa mẫu vĩ đại và bao dung, để rồi mỗi chuyến đi xa trên hành trình đời sống, lữ khách lại khao khát nỗi thương nhớ quay về, nằm lại bên mẹ trong sự bao bọc, chở che: Rồi một lần kia khăn gói đi xa/ Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà. (Bên đời hiu quạnh).
Quê quán xưa trong hành trình trở về cội nguồn còn là “vòng nôi” ru dỗ, là ngôi nhà, nơi “ở trọ” cuối cùng của kiếp người. Hành trình tìm về quê mẹ còn được Trịnh Công Sơn dùng dưới tiểu ẩn dụ ĐỜI NGƯỜI LÀ MỘT NGÀY, trong đó thời điểm sinh ra tương ứng (Æ)với bình minh ; trưởng thành Æ buổi trưa ; tuổi già Æ hoàng hôn, xế chiều ; cái chết Æ đêm tối. Đôi khi thời điểm xế chiều cũng tương ứng với thời điểm kết thúc cuộc đời:
                           Hương trầm có còn đây/ Ta thắp nốt chiều nay
                           Xin ngủ trong vòng nôi/ Ta ru ta ngậm ngùi
                           Xin ngủ dưới vòm cây.
                                                   (Ru ta ngậm ngùi)     
   Hành trình đến cái chết trong ca khúc trên còn được sử dụng kết hợp với tiểu ẩn dụ ý niệm CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ. Giấc ngủ trong vòng nôi, dưới vòm cây là giấc ngủ ngàn năm, giấc ngủ vĩnh hằng, là sự an nghỉ thỏa nguyện đời đời của du khách sau chặng hành trình đời sống rã rời.
   Đích của cuộc hành trình không chỉ là trở về quê mẹ, đối với Trịnh Công Sơn, nó còn là nơi mà tiền thân vẫy gọi, nơi mà con người chỉ cần bước qua ranh giới mong manh là bước sang cõi bên kia của thế giới: Những ngày ngồi rủ tóc âm u/ Nghe tiền thân về chào tiếng lạ/ Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu (Cỏ xót xa đưa). Bởi cuộc hành trình ấy đã hướng về thế giới khác, nên dù trên ngả đường nào, dù mưa hay nắng, dù đi xa hay gần thì con người vẫn luôn tâm nguyện hướng lòng mình về nơi chốn sinh ra. Thanh âm của cõi âm, của các thế hệ tiền thân luôn ám ảnh tâm trí: Từng chiếc bóng trăm năm đã về vây người giữa nến não nùng/ Từng tiếng khóc trăm năm đã về vây người giữa chốn mông lung (Từng ngày qua).
Vì CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH nên sau chặng hành trình dài, du khách mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi, được ngủ. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, cái chết được nhạc sĩ nhắc đến nhiều qua ý niệm CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ. Trong ẩn dụ này, một số thuộc tính của miền nguồn (giấc ngủ) đã ánh xạ lên miền đích (cái chết) như: không hoạt động, không nhận thức, tư thế nằm ngang, khả năng chiêm bao... trong đó, thi hài của người chết tương ứng với cơ thể của người đang ngủ; vẻ ngoài của thi hài – bất động, không còn ý thức – tương ứng với vẻ ngoài của người đang ngủ. Tùy sự lựa chọn mà những trải nghiệm của linh hồn sau khi chết tương thích với những trải nghiệm tinh thần của chúng ta trong giấc ngủ, cụ thể là những giấc mơ. Cũng chính vì chết là một cuộc hành trình đi đến đích cuối cùng, mang đặc trưng của sự khởi đầu, khởi hành và chỉ có một con đường đi mà không có sự trở về, cho nên chết cũng mang đặc trưng của giấc ngủ, một giấc ngủ ngàn thu, vĩnh viễn không trở dậy. Với Trịnh Công Sơn, trong cuộc hành trình của du khách, cõi chiêm bao kết thúc chuyến đi dài, lìa xa những cơn đau thể xác hay tâm hồn như một sự giải thoát vĩnh viễn:
                                       Có một ngày như thế anh đi/ Anh đi đâu về đâu ?
                                       Về cõi chiêm bao, lìa những cơn đau.
                                                               (Có một ngày như thế)
Trên chặng đường dài ấy, du khách khao khát được trở về quê nhà thuở hồng hoang nên đã chủ động chuẩn bị cho mình một cuộc đi xa, chia tay với đời sống: ”Rồi một lần kia khăn gói đi xa/ Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà” (Bên đời hiu quạnh). Chính vì luôn tâm niệm về chuyến đi nên đôi lúc du khách đắm đuối trong giấc mộng sinh li tử biệt: Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời (Bên đời hiu quạnh); Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn/ Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì (Một cõi đi về). Mơ không chỉ ở trong trạng thái ngủ, mà du khách còn mơ ngay cả trong trạng thái thức, khi đang hành trình trên chặng đường xa tắp, mơ dừng chân ở một nơi chia lìa với cõi sống: Từ đó ta ngồi mê/ Để thấy trên đường xa/ Một chuyến xe tựa như/ Vừa đến nơi chia lìa (Đóa hoa vô thường).
Giấc ngủ - cái chết luôn là một dự cảm được báo trước trong ca từ Trịnh Công Sơn, trong giấc chiêm bao của du khách luôn hiển hiện một tâm thế chờ đợi, một trạng thái an nhiên trước bóng dáng vẫy gọi của cõi thiên thu xa lắc:
               Giấc ngủ nào giường chiếu quạnh hiu/ Trăng mờ quê cũ
               Người đứng chờ gió đồng vi vu/ Vạt nắng vàng nhắc lời thiên thu.
                                                               (Sóng về đâu)
Và sự chia li của những kiếp nhân sinh với cõi nhân gian luôn trở thành nỗi đau nặng trĩu lòng lữ khách. Trong cuộc hành trình, lữ khách luôn được chỉ dẫn bởi một người hoặc nhiều người đồng hành, khi người đồng hành thân thiết rời xa nhân thế, lữ khách diễn tả nỗi đau của chia biệt bằng ý niệm giấc mộng bay xa: Mẹ bỏ con đi/ Đường xa mịt mùng/ Bao nhiêu tiếng cười của ngày xa xưa/ Bao nhiêu giấc mộng lòng vạc bay xa (Đường xa vạn dặm).
Đồng hành với du khách trên hành trình cuộc đời, ca từ Trịnh Công Sơn còn có những chuyến xe đi về nơi vô định, lướt qua vòng chuyển lưu trăm năm của kiếp người,  hoặc đôi khi cũng mang mặc cảm thân phận, ngủ vùi trong cơn mê như tìm về tiềm thức: Chiều nay em ra phố về/ Thấy đời mình là những chuyến xe (Nghe những tàn phai); Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa (Một cõi đi về); Một ngày như mọi ngày/ Đi về một mình tôi (...) Một ngày như mọi ngày/ Xe ngựa về ngủ say (Một ngày như mọi ngày); Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi/ Người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời/ Ngựa xa rồi người vẫn ngồi bụi về với mây (Phúc âm buồn)... Người ta có thể liên tưởng những chuyến xe ngựa này là chuyến xe của Thần chết đưa những cỗ quan tài về huyệt lạnh trong một thời khắc của ngày tàn hay tàn năm. Có khi lại thấy tiếng chùng chân của vó ngựa như sự cố gắng cưỡng lại vòng quay nghiệt ngã của định mệnh mà không sao thay đổi được kết thúc tiền định:Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng (Dấu chân địa đàng); Vó ngựa trên đời hay dấu chim bay (Xa dấu mặt trời). Và trong cuộc hành trình ấy, tiếng nhạc ngựa đồng hành như báo trước một định mệnh, một sự tiên cảm về phận người hay cho chính nhạc sĩ:Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương/ Còn có ai, không còn người/ Ôi nhân loại, mặt trời, và tôi thôi (Xin mặt trời ngủ yên).
Trong lược đồ CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, cuộc sống đối với Trịnh Công Sơn chỉ là hành trình về miền cát bụi, sự sống chỉ là đối diện với cái chết, ”trăm năm” của kiếp người thoáng chốc như một tiếng thở dài: Người đi quanh thân thế của người/ Một trăm năm như tiếng thở dài (Như tiếng thở dài). Với Trịnh Công Sơn, cuộc sống nhân gian chỉ là cõi tạm, con người chỉ là khách trọ nên dấu chấm hết cho một kiếp người rong chơi trên dương thế là cái chết: Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở trọ). Nơi quán trọ trần gian ấy, du khách luôn có tâm thế chủ động sửa soạn, chuẩn bị cho một cuộc đi xa vĩnh viễn, bởi cái chết đối với nhạc sĩ không hề kinh khiếp và đáng sợ, không xa lạ và bí hiểm, mà nó quen thuộc và thiết thân như một chốn trở về để nghỉ ngơi sau một chuyến đi hoang: Đường trần rồi khăn gói/ Mai kia chào cuộc đời/ Nghìn trùng con gió bay (Những con mắt trần gian).
      Cứ như vậy, bằng nỗi âu lo thường trực về một ngày nào đó mặt đất này sẽ vắng bóng con người, Trịnh Công Sơn đã ca hát không mệt mỏi về phận người. Ông luôn cho rằng mình đang "ở trọ" và rong chơi trên "cõi tạm", một mai kia sẽ chia tay với cuộc sống, trở về cõi vĩnh hằng, bởi vốn dĩ cuộc đời này chỉ là những "giấc mộng ngắn ngủi" mà thôi. Thông qua ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, ông đã diễn tả thật đắc địa những dự cảm của mình về tính vô thường của đời người. Con người vốn sinh ra từ cát bụi và lại trở về nơi mà hạt cát đã hoá thân, hãy an nhiên đón đợi bởi con người ta sinh ra trong đời ai cũng phải một lần dấn thân vào cuộc hành trình ấy, hành trình của "Cát bụi lộng lẫy". Đó là bức thông điệp mà Trịnh Công Sơn đã kín đáo vô cùng khi gửi đến chúng ta.
Bảng 2: Sự tương ứng giữa hai miền nguồn -  đích trong ẩn dụ ý niệm
ẨN DỤ Ý NIỆM
Ẩn dụ bậc 1: CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH
NGUỒN
ĐÍCH
Tương ứng giữa hai miền NGUỒN - ĐÍCH
CUỘC HÀNH TRÌNH
CUỘC ĐỜI
- Về bên núi, chân đồi, cuối đèo
- Về đất mẹ; về cát bụi
- Về quê nhà, “quê quán tôi xưa”
- Về vòng nôi; về nơi bế bồng
- Về cõi thiên thu; tiền thân
- Về cõi chiêm bao
Ẩn dụ bậc 2: CÁI CHẾT LÀ GIẤC NGỦ
NGUỒN
ĐÍCH
Tương ứng giữa hai miền NGUỒN - ĐÍCH
GIẤC NGỦ
CÁI CHẾT
- Chiêm bao; nằm mơ (qua đời); nằm mộng (trên đồi)
- Ngủ (giữa trời); giấc mộng (bay xa)
- Ngồi mê (trên đường xa)
            Kết luận
Qua ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH, có thể nhận thấy tư duy ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn xuất phát từ một phông văn hóa mang tính phổ quát, trong đó những tri thức nền đều xuất phát từ cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của con người trong thế giới khách quan, bên cạnh đó, ông cũng thể hiện những cách nhìn độc đáo mang tính dị biệt, thể hiện được dấu ấn phong cách cá nhân của riêng mình. Những cách nhìn ấy được phản ánh bởi ngữ cảnh văn hóa, yếu tố ý thức hệ thời đại, dấu ấn tôn giáo, tư duy triết học,…trong con người nhạc sĩ mà có lẽ không sống trong bối cảnh xã hội cụ thể, không có những trải nghiệm cá nhân và vốn văn hóa sâu rộng thì khó có thể tạo ra được nét đặc trưng tư duy ấy trong con người nhạc sĩ.
(1) Mohamed Shokr Abdulmoneim, The Metarphorical Concept “Life is a Journey” in the Qur’ an: a Cognitive – Semantic Analysis.
(2) Trần Văn Cơ (2009), Khảo luận ẩn dụ tri nhận, Nxb Lao động xã hội.
(3) George La Koff and Mark Johnsen (2003), Metaphors we Live by. London: The University of Chicago Press.
(1) Jean Chevalier, Alaingheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng.
[1] Nguyễn Hữu Thái Hòa, Vườn xưa - hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Nhà xuất bản Trẻ, 2007, tr.12.

Mix Du mục - Trịnh Công Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...