Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Những hồi ức tản mạn về nhạc Trịnh Công Sơn

Những hồi ức tản mạn về nhạc Trịnh Công Sơn
Mình được nghe nhạc Trịnh, bài đầu tiên là Diễm xưa, do cô giáo dạy Văn hát vào dịp tết năm 1969 khi đang học lớp 7. Vào thời ấy, đúng là tuổi gì mà đòi thẩm ca từ của nhạc Trịnh nhưng âm điệu, giọng hát của cô giáo lôi cuốn lũ nhóc nên tên Trịnh Công Sơn được chú ý.
Sau đó những bài trong tập “Ca khúc da vàng” được nghe, được hát nhiều hơn, ca từ cũng dễ hiểu hơn. Chẳng hạn, bài “Gia tài của mẹ” học sinh, sinh viên hát đơn ca, đồng ca ra rả, được khá nhiều người đồng cảm với những câu “Một ngàn năm nô lệ giặc tàu,.. Gia tài của mẹ một lũ lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình”. Tiếp nối là những bài “Người con gái Việt nam”, “Đại bác ru đêm”, “Du mục”, “Tình ca người mất trí”, “Hát trên những xác người”,… với giọng ca “liêu trai” của Khánh Ly như có ma lực thu hút người nghe trong giai đoạn chiến tranh ấy. Với Trịnh Công Sơn, có lẽ Khánh Ly nổi lên, thành công hơn đối với các ca khúc phản chiến so với tình ca.
Đến nay, dường như chưa có ai khác hát các bài phản chiến này như một thương phẩm để phát hành có lẽ họ cảm thấy không thể vượt qua được KL chứ tập Ca khúc da vàng không phải viết độc quyền dành KL.
Hầu hết sinh viên học sinh miền nam từ nông thôn đến thành thị đều thuộc “Nối vòng tay lớn”, “Đại bác ru đêm”,… Còn những bài tình ca như “Ướt mi”, “Tuổi đá buồn”, “Tình sầu”,… vẫn được nhiều người ngâm ngợi nhưng không được lan truyền mạnh như những ca khúc “phản chiến” nói trên.
Về tình ca, sau này có lẽ nhiều người làm quen KL&TCS qua băng nhạc Sơn ca 7 phát hành năm 1974. Một số bài chỉ được đệm nhạc đơn giản bằng cây guitar thùng, khá phù hợp với giọng ca “nhừa nhựa” nhưng chưa bị khàn của KL thời trẻ như “Tình sầu”, “Hạ Trắng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Cho một người nằm xuống”,…
Trước khi Sơn ca 7 ra đời, không rõ những tình khúc của TCS&KL được thu âm và phát hành như thế nào, nhưng các tác phẩm này đã nổi tiếng có lẽ nhờ những buổi trình diễn của TCS&KL dành cho sinh viên (quán Văn ở Sài Gòn, Trung tâm Liễu Quán ở Huế), ví như năm 1972 có những quán cà phê ở Huế mang tên Hạ Trắng và mình đã gò lưng chép vào cuốn sổ nhạc và tập thổi sáo trúc các bài Hạ trắng, Ru em từng ngón xuân nồng rồi.
Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến giới học sinh, sinh viên không chỉ bằng những nhạc bản với ca từ mộng mị mà còn chữ viết nữa. Những tập nhạc được in trên giấy Croquis, phụ bản của họa sĩ Đinh Cường hay Bửu Chỉ do Trịnh Công Sơn viết tay, đặc trưng mấy chữ cái như g, n, t, r,… được học sinh bắt chước viết theo không chủ định. Cho nên mình nghiệm lại cũng thấy đôi điều là lạ, rằng ca từ của Trịnh đôi khi trừu tượng, siêu thực nhưng cũng được khá nhiều tầng lớp công chúng yêu thích từ chị tiểu thương đến anh trí thức có lẽ từ những cái đơn giản nhưng ngồ ngộ, khác thường sao đó.
Sau ngày thống nhất đất nước, những nhạc phẩm cũ sáng tác ở miền nam im ắng một thời, một phần vì không được phép hát, phần khác ở tỉnh lẻ hầu như ít ai có phương tiện để thưởng thức nhạc dù chỉ là một chiếc máy cassettes player. Học sinh, sinh viên cũng ít người chịu khó tỉ mẩn chép lại “nhạc xưa”. Ngoài nhạc đỏ, những bài tình ca được quan tâm là nhạc Nga, lời Việt như “Chiều ngoại ô Matxcova”, “Ngôi sao ban chiều”, “Đôi bờ”, “Chiều hải cảng”, “Đôi mắt màu hạt dẻ”,… hoặc những bài trong nước như “Đi qua vùng cỏ non”, “Tình ca mùa xuân”,…
Nhạc phản chiến hay tình ca của TCS cũng nằm trong trạng huống chung ấy. Qua giai đoạn “quân quản”, âm nhạc trở về thuộc tính tự nhiên: xưng tụng cái đẹp, tình yêu đôi lứa,… nên những tác phẩm có giá trị lại được thính giả quan tâm. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên, những tape nhạc Trịnh được KL hát và thu âm ở hải ngoại, được mang về nước và đến Huế phần lớn đi từ Hà Nội vào nhiều hơn từ Sài Gòn ra.
Với mình, đến năm 1988 mới có cơ hội nghe nhạc trở lại, nhờ mua được cái cassettes player mono hiệu Phillips, lúc đó giá khoảng 0,8 chỉ vàng (gần bằng 6 tháng lương). Từ đó cố công đi sưu tầm băng cassettes để nghe nhất là tìm đến nhà bạn nào có máy 2 hộc băng để sang lại. Việc mua băng cassette trắng không phải là việc dễ dàng vì nó khá đắt so với giá cả sinh hoạt. Ở Hà Nội cũng có bán những tape được chế từ các cuộn “băng cối”, cắt mỏng ra với giá cả phải chăng nhưng nó hại đầu từ của máy ghê gớm,… Tình ca của TCS được ưu tiên chọn để sưu tập và nghe lại.
Thêm vài chuyện nhỏ đối với mình về đôi bản nhạc của TCS. “Hạ trắng” là một bài mình rất thích cho dù sau này mới biết sự tình câu chuyện do TCS kể khi viết bài này, cũng có thể xem như bài cuối cho Diễm. Ngoài KL hát ra thì còn nhiều ca sĩ tiếng tăm khác hát như Lệ Thu. Giọng Lệ Thu bài này rất ngọt ngào, ấm cúng chứ không “chát” như KL. Tuy nhiên có mấy từ “anh, em, tôi” Lệ Thu thay đổi khiến cái hồn bài hát không còn nguyên vẹn nên mình định kiến với LT một thời gian chứ thành thật, KL hát bài này không bằng LT. Sau này, dù nhiều người hát nhưng không thấy ai có thể vượt qua LT & KL.
 Bài này được guitarist Đỗ Đình Phương biên soạn hòa âm độc tấu guitar và có một lần trình diễn trên TV (nghe ở ĐÂY) khiến mình mê mệt nên tìm nhạc bản để tập đàn nhưng không có năng khiếu, tập hoài cũng chẳng nên hồn gì. 
Bài “Còn tuổi nào cho em” biết thì từ rất sớm, chỉ nghe một vài lần gì đó do KL hát trước 75. Sau này mình cố công đi tìm nhưng không gặp; các tape mang về nước, các đĩa KL được sao chép cũng không thấy bài này. Phần lớn là gặp Trịnh Vĩnh Trinh, Thu Hà,… hát nhưng có cảm giác như ăn món ngon nhưng nấu chưa tới. Cho đến khoảng 7, 8 năm trở lại đây, nhờ internet mình mới tìm được các file mp3 do KL hát, lúc đó mới thấy thật sự hài lòng. Đây cũng là bài mình thường “ngâm ngợi” từ thuở đôi mươi cho đến lúc tóc đã 2 màu, không hiểu sao khi nghe bài này mình cảm thấy có chút gì đó man mác, phấn chấn, chút gì đó cảm hoài,…
Gần đây, Thái Hòa và Jennifer có song ca và phối khí hơi là lạ, mới nghe thì cũng thú vị nhưng nghe nhiều không bằng Khánh Ly.
Bài hát biết muộn màng hơn nhưng mình lại thấy phù hợp tâm trạng ở nhiều thời điểm khác nhau đó là “Phôi pha”. Khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi xa nhà, lang thang Hà Nội, khi tuổi đời bắt đầu ngả sang dốc bên kia và “sự nghiệp” chưa định hình rõ, bài này này là nguồn an ủi đối với mình.
Trong version này của KL, nghe tiếng “hú, tiếng đàn banjo mở đầu và đệm giữa bài khiến những niềm riêng của mình trở nên bé nhỏ, khiến cho những “va chạm” của cuộc đời cũng dễ tan biến hư vô,…
Phổ nhạc Trịnh trải khá rộng chứ không chỉ những bài tình ca “ủ rũ” như thường bị phê bình. Những bài mang âm sắc vui tươi cũng không phải là ít, thường được viết theo gamme majeur như Fa trưởng, Đô trưởng, Rê trưởng,
Có thể kể một số bài như vậy: Hãy yêu nhau đi, Mưa hồng, Khói trời mênh mông, Ngẫu nhiên, Biết đâu nguồn cội, Quỳnh hương, Ở trọ, Nắng thủy tinh, Tuổi đời mênh mông,… Những bài với gamme mineur như “Nối vòng tay lớn”, “Ta thấy gì đêm nay”, “Như cánh vạc bay”,… cũng không thể nói là “sầu mộng” được.
Một số nhạc phim như “Đời gọi em biết bao lần” trong phim Tội lỗi cuối cùng, “Em là hoa hồng nhỏ”,… cũng là những bài hay và trở thành những tác phẩm độc lập.
Nếu giai đoạn đầu ca từ đôi lúc mang chút “sến” như trong bài “Thương một người”, “Ướt mi” thì sau này dù diễn tả những bà mẹ cách mạng, cô gái lầm lỡ hay em bé thơ ngây, ông không viết ca từ kiểu sáo mòn như “chơi vơi”, “hoen mi”, “sương rơi” “ướt đôi môi”,…
TCS là thế đó. Vui-buồn, mạnh mẽ-mỏng manh, triết lý-đời thường, trừu tượng-cụ thể đều có. Nếu bằng tấm lòng vô tư đến với ông thì trong những khoảnh khắc nào đó cũng sẽ tìm được ca khúc phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh của mình.
 Như trong một bài phỏng vấn, TCS có nói đại ý là cảnh Huế, người Huế là chất liệu để ông viết lên những bản tình ca dù không có một từ Huế nào trong đó. Nhưng giờ đây  không dễ để người nghe có cùng cảm nhận như nhạc sĩ, có chăng chỉ vài bài như “Mưa hồng” với “Đường phượng bay mù không lối vào, Hàng cây đó xanh gần với nhau”. Ấy  là đường Đoàn Thị Điểm, con đường mộng mơ của những chàng học sinh Hàm Nghi ngày xưa ở nội thành. Trước đây, 2 bên đường trồng nhiều phượng đỏ nhưng sau này chúng già cỗi và người ta đốn chặt gần hết. Đường phượng bay ấy nay chỉ còn trong tâm tưởng thôi.
Còn bài “Có một giòng sông đã qua đời”, trong đó có câu nói về loài cây khá đặc trưng cho Huế,
 “Mười năm xưa đứng bên bờ dậu.
Ðường xanh hoa muối bay rì rào.
Có người lòng như khăn mới thêu.”
Huế là nơi trồng khá nhiều cây muối, chẳng hạn đường Hùng Vương (trước 75 là đường Duy Tân), đường Lê Lợi, đường Phan Đình Phùng, đường Đoàn Thị Điểm,… và hình ảnh hoa muối bay rì rào ấy đúng là ở Huế.
Như ai đã nói, TCS đã tiên đoán đúng về “một giòng sông đã qua đời” mà thật ra là nhiều chứ không chỉ một. Riêng ở Huế, giòng sông An Cựu, “nắng đục mưa trong”, giờ đã trở thành con sông “thối hoắc” vì ô nhiễm nặng nề; sông Hương thì cũng đang ngắc ngoải.
 Nguyễn Hoàng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...