Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Vùng trũng thiếu người san lấp

Vùng trũng thiếu người san lấp 
Các nhân vật phát biểu trong bài này tuy xuất phát từ điểm nhìn cá nhân, nhưng vì những kinh nghiệm giao lưu thực tế mà họ tích lũy được, đã vẽ nên được một phần diện mạo của giao lưu văn học ở Việt Nam.
– MVP: Như “người mù sờ voi”
Dù đã ít nhiều giao lưu với văn học thế giới trong mấy thập niên gần đây (tạm lấy mốc từ sau 1975), thực trạng văn học nước nhà, đặc biệt trên  lãnh vực thi ca  vẫn trì trệ và lạc hậu so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, In-đô-nê-sia, Ma-lay-sia…, chứ chưa dám so sánh với các “cường quốc thi ca” như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc… Sau hiện tượng Thơ mới (1930 – 1945) đến nay, chúng ta vẫn chưa có hệ thống lý luận cập nhật, hoàn chỉnh về các hiện tượng văn học trong nước cũng như các khuynh hướng bên ngoài, để nhìn nhận, đánh giá và định hướng cho thơ Việt đương đại. Khuynh hướng thi ca cũ kỹ, cách đây gần một thế kỷ, hiện vẫn được tôn vinh, thống trị quá lâu trên văn đàn, định hình quan niệm thẩm mỹ cho bạn đọc, làm khuôn mẫu cho sách giáo khoa trong hệ thống các trường học, từ bậc tiểu học đến đại học và cao hơn nữa… Đa phần các nhà thơ vẫn sáng tác theo khuynh hướng cũ, chỉ số ít tác giả dũng cảm “xé rào” tìm cho mình một hướng đi riêng biệt. Họ tự thu thập tài liệu, tự trang bị kiến thức, hệ thống lý luận cho riêng mình. Đã xuất hiện không nhiều những khuôn mặt  thơ tự tin và lộng lẫy, nhưng cũng không ít tác giả trẻ sa vào “ma hồn trận” chữ nghĩa và loay hoay giữa dòng trôi các trào lưu thi ca thế giới.
Có thể gọi thế kỷ 20 vừa qua là thế kỷ của những khuynh hướng thi ca. Mỗi khuynh hướng, dù đã vĩnh viễn ra đi, đều để lại những tác giả tiêu biểu, mang gương mặt “nhân loại lớn”. Do không có/ đủ nhận thức lý luận kịp thời, nên đa số bạn đọc Việt Nam hiện nay không phân biệt được “chân – giả” trước những hiện tượng đổi mới. Họ chỉ đưa ra những khái niệm mơ hồ, áp đặt cho tất cả những tác phẩm khác với lối mòn thẩm mỹ của họ, như: tắc tị, rối rắm, phản cảm, đánh đố, làm dáng, xa lạ, dẫm phải “phân Tây… Trên dưới 10 năm gần đây, Internet bùng nổ ở Việt Nam đã mang lại nhiều sắc màu hơn trong giao lưu quốc tế, cả giao lưu văn học. Nhưng các nhà thơ và bạn đọc nước ta vẫn tiếp xúc với thi ca thế giới như những “người mù sờ voi”. Internet cũng như các phương tiện truyền thông giúp chúng ta ra được biển lớn, nhưng nếu không có hệ thống lý luận, chẳng khác gì người không biết bơi bị ném xuống nước.
Tôi mong chờ các cơ quan chuyên trách, Viện Văn học… sớm có kế hoạch chiến lược về vấn đề này. Chúng ta nên tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng khuynh hướng, đăng lại các chủ thuyết, nhận định, tuyên ngôn hay tiêu chí, quan trọng hơn là các tác phẩm tiêu biểu cho từng trường phái. Điều đó tạo cho các nhà thơ và bạn đọc tầm nhìn phổ quát mang tính định hướng về thơ ca thế giới, tạo cơ hội để phát huy và làm phong phú thêm giá trị truyền thống của văn học Việt Nam. Các nhà thơ và bạn đọc cần trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, có khả năng đọc trực tiếp văn bản gốc, cảm nhận được cái đẹp kỳ diệu và sự tinh tế trong ngôn ngữ khác. Bởi phần lớn các bản dịch thơ hiện nay đều đã bị “Việt hoá”, làm mất đi “cái tuyết” của ngôn ngữ thi ca đích thực, thậm chí có cả chuyện “tác dịch” thơ nữa… Giao lưu là điều kiện tất yếu để hội nhập, là cửa ngõ để nhận biết mình nhưng đồng thời là thách thức cho mỗi cá nhân trước những trào lưu mới. Tin rằng mỗi người cầm bút nhận thức rõ trách nhiệm, giữ được lòng tự trọng và bản chất của văn học nước nhà để không mơ hồ lạc lối… 
Theo http://phebinhvanhoc.com.vn/
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...