Thế giới nghệ thuật trong ca khúc Trịnh Công Sơn
Cái chết của Trịnh Công Sơn hồi nào đã gây nên sự xúc động lớn lao
trong lòng những người yêu âm nhạc. Rồi một dạo, khắp nơi người ta nói về Trịnh
Công Sơn, người ta hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và có lẽ, mai kia,
Trịnh Công Sơn dẫu ít dẫu nhiều sẽ luôn có chỗ đứng trên các sàn diễn, trong
những thính phòng và quan trọng hơn, sống day dứt trong trái tim của những
người mộ nhạc - những người luôn hướng về nghệ thuật như hướng về một sự cứu
rỗi, dù là một niềm tin hằng thường, hay chỉ là ước nguyện được giải thoát khỏi
nỗi cực nhọc của những đua chen trong "đà sống" của đời người. Bởi vì
con người ấy đã đến với thế giới bằng tài năng, bằng mồ hôi, nước mắt và bằng
từng tiếng máu được vò xé và thốt ra từ chính trái tim mình. Chính từ từng
tiếng máu ấy, chúng ta được phơi trải nỗi lòng, được giải thoát khỏi những tâm
tình chật hẹp của chính mình để sẻ chia với mọi người, với thế giới và được bao
bọc, chở che bởi nơi đã tước đi của chúng ta tất cả. Âm nhạc Trịnh Công Sơn
không dành cho một tai nghe, một sự cảm thụ cá nhân ích kỉ, con người - nhạc sĩ
ấy luôn yêu cầu mỗi người thưởng thức phải biết chắt lọc những gì tinh túy nhất
trong trái tim vốn thiển cận của chính mình để thở chung với tiếng thở của mênh
mông; Trịnh Công Sơn viết như sự phơi trải lòng mình với tất cả mọi người, dâng
cả cõi lòng mình cho tất cả mọi người và, ông nói: "sống trong đời sống
cần có một tấm lòng", cho dù chỉ là "để gió cuốn đi".
Cũng như tất cả mọi nghệ sĩ tài năng khác, Trịnh Công Sơn viết,
trước hết đó là sự giải thoát cho chính mình. Thuở ban đầu, ông không bao giờ
nghĩ mình có thể trở thành nhạc sĩ, chưa nói đến khát vọng về một sự nghiệp âm
nhạc lẫy lừng như ngày hôm nay. Ông viết trước hết bằng sự đòi hỏi của những
tâm sự cá nhân, như là sự thăng hoa của những ẩn ức cá thể. Cũng như Kafka,
Camus, Apollinaire, Cao Hành Kiện, Nguyễn Du, Bùi Giáng... cuộc đời ông chịu
bất hạnh của kẻ không nhà: quê ở Huế, sinh ra ở Đắc Lắc, tuổi thơ tự xoay xở ở
Sài Gòn, lang thang gần trọn cuộc đời. Lòng khát khao một chốn bình yên, dù
theo nghĩa một mái ấm, một tình yêu, hay một tình người, luôn luôn hiển lộ
trong các ca khúc của ông. Trịnh Công Sơn đã từng băn khoăn: biết đâu nguồn cội,
đã tự coi mình là kẻ ở độ trần gian. Ngoài ý nghĩa triết học cao
sang mà nhiều nhà "thẩm âm sành điệu" chắc chắn sẽ chỉ ra, tôi còn
thấy trong mỗi khắc khoải của ông hình ảnh "tuổi thơ dữ dội"(tôi sử
dụng cách nói của Phùng Quán), của một kiếp lênh đênh, rày đây mai đó, học võ,
học vẽ, làm thợ, làm thầy - cái quãng đời mà nếu là Nguyễn Du thì là mười năm
gió bụi, còn với Trịnh Công Sơn, phải chăng đấy là thời kì khói lửa, nơi ông đã
sống giữa hai làn đạn, hai phía máu? Nhìn từ góc độ ca từ, những ẩn ức ấy thăng
hoa thành những những từ ngữ lạ kì, mê sảng, như một sự đứt gãy của tư duy, để
biến Trịnh Công Sơn trở thành người táo bạo nhất trong việc cách tân ngôn từ
trong ca khúc Việt Nam hồi ấy, nhìn từ góc độ âm giai, tiết tấu, đó là tính
buông thả mênh mông kiên quyết chối từ mọi giọng hát quá nặng về kĩ thuật -
hiểu theo nghĩa là kĩ năng trường ốc. Nhìn chung trong kiến trúc ca khúc, cách
sử dụng ca từ hay nhạc thuật, mỗi biểu hiện của Trịnh Công Sơn đều hiển hiện
tâm sự của một người thiếu quê hương, một kẻ cô đơn và lưu đày.
Ai mà chẳng có một chính mình để tôn thờ hay hắt hủi, để khổ đau
hay kiêu hãnh. Trịnh Công Sơn trở thành thiên tài bởi trước hết và trên hết là
người biết đau khổ cho chính mình, bởi chính mình, và bởi ông biết từ nỗi đau
riêng mình mà biến nó thành nỗi đau của cộng đồng, nghĩa là biết biến cái cá
nhân của mình thành cái nhân loại phổ quát. Ông đã bằng nỗi tủi hận lang thang
cá thể để cảm nhận nỗi bất an của dân tộc, để nhân rộng nó ra thành cái chung
của CON NGƯỜI, không phải ngẫu nhiên mà những ca khúc phản chiến của ông lại
được đón chào một cách nồng nhiệt như thế ở miền Nam hồi chiến tranh chống Mĩ,
và chính những ca khúc ấy đã làm cho thế giới biết rằng có một nhạc sĩ ở Việt
Nam có tên là Trịnh Công Sơn! Bởi, ông đã biết cùng dân tộc đau nỗi đau "một ngàn năm đô hộ giặc Tàu/
một trăm năm nô lệ giặc Tây/ hai mươi năm nội chiến từng ngày",
đã biết cùng nhân loại ghê sợ nỗi ghê sợ "Xác người nằm trôi sông trôi
trên ruộng đồng/ trên mái nhà thành phố/ trên những đường hoang vu",
biết thảng thốt sự thảng thốt của con người trong tiếng đại bác ru đêm. Và
ông cũng biết cùng dân tộc khát khao một lối hòa bình, òa vỡ niềm vui khi đất
nước về một mối: "Những
giọt máu đến ngày trổ bông/ Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người/ Ngày
dân ta đi giành lấy hòa bình/ Ta phải thấy mặt trời", và chính
ông không ngừng cổ vũ cho khát vọng "rừng núi dang tay nối lại biển
xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà"...
Chính trong những tình cảm lớn lao ấy, sau tình cảm lớn lao ấy,
Trịnh Công Sơn luôn hướng trọn tình yêu thương đến thân phận con người. Những
ca khúc về thân phận được viết hết sức buồn bã, trong khung khổ của một cái
nhìn đầy những chấn thương từ lịch sử: "Tôi như con chim nhỏ/ Bay về
rất ngẩn ngơ/ Trên nhân gian chia lìa/ Lòng đầy những oán thù/ Tôi như chim xa
lạ/ Đứng nhìn những ngày qua/ Trong tim tôi bất ngờ/ Những lời than rất nhỏ"
(Như
chim ưu phiền). Phải chăng đây chính là những điều có thể coi như
nét hạn chế trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn? Phải chăng đây là cái đã
khiến cho, có đôi khi, không ai nhận ra con người ấy đã từng đứng trước những
tập thể học sinh, sinh viên để thắp lên hoài bão Nối vòng tay lớn?
Cho dù trong cái nhìn của người hôm nay, đó là nỗi thất vọng hiền minh của một
người đã ngộ ra được nhiều điều trong lí trình gian khổ của cuộc đời mình? Tuy
nhiên, cũng cần phải thấy rằng. Lấp lánh phía sau, phía trong các ca khúc của
nhạc sĩ vẫn khắc khoải tia hồ quang của niềm tin vào con người, vào niềm tin ở "một mai vươn hình hài lớn dậy",
vào những lời nhắc nhở "đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng", "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình
minh".
Trịnh Công Sơn yêu tuổi trẻ và tuổi thơ, nhất là tuổi thơ. Và
dường như ông ý thức rất rõ rằng mỗi lời ca, nốt nhạc rất dễ găm sâu vào tâm
hồn tuổi thơ thứ tinh thần mà nó chuyển tải, những thông điệp nó gửi đến, cho
nên ca khúc ông viết cho các em thường hồn nhiên trong sáng xét cả trên hai
phương diện lời và nhạc. Trong con mắt của nhạc sĩ, mỗi mầm non là một mùa
xuân, ở đó rạng ngời màu nắng, hiển hiện một tương lai tươi đẹp có thể cầm nắm
được: "Em
sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của ba", và ông luôn
có ý thức tưới vào những tâm hồn thơ trẻ những mầm sáng của tình yêu: "Tim mỗi người là quê nhà nhỏ/ Tình nồng thắm như mặt trời xa."
Trịnh Công Sơn là ca sĩ của tình yêu, điều đó là hiển nhiên. Những
mối tình trong ca khúc của ông, như nhiều người đã chỉ ra, là dang dở, khổ đau,
tuyệt vọng. Điều đó không có gì phải bàn cãi. Tôi không muốn nói đến những điều
ấy. Với tôi, Trịnh Công Sơn ca hát về tình yêu như là ca hát về cái đẹp, như việc
thực hiện khát vọng khám phá những giá trị. Trước hết là cái đẹp trong những
người yêu, cái đẹp của người yêu trong mắt nhau. Bước vào thế giới ca khúc
Trịnh Công Sơn, bất cứ người yêu, người tình nào cũng trở nên đẹp đẽ: vẻ đẹp
mong manh của một gót nhỏ dễ mòn trong tiếng lá thu mưa; vẻ đẹp ngời trong "từng ngón xuân nồng",
trong "bàn
tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm", trong "áo xưa lồng lộng/ Đã xô dạt
trời chiều/ Như bờ xa nước rộng/ Xóa một ngày đìu hiu", là vẻ
đẹp thốt ra từ đôi mắt đong đầy nắng thủy tinh... Và bước vào những khúc tình
ca của Trịnh Công Sơn, vì thế nhiều khi ta ngỡ ngàng đến với không gian đẹp như
những giấc mơ, như ảo ảnh của những con "đường đi suốt mùa nắng lên thắp
đầy", của những vùng "cỏ cây chợt lên màu nắng",
của những "đêm
hồng", những "sóng mềm". Và
trên hết, Trịnh Công Sơn tìm đến tình yêu là tìm về sự cứu rỗi, để sống một
cuộc sống đẹp và có ý nghĩa hơn. Ông nói: "Sống giữa đời này chỉ có thân
phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm
cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc được thân phận trên
cây thập giá đời". Trong ca khúc về tình yêu (cũng như các ca khúc nói
chung) của Trịnh Công Sơn, không gian thời gian nghệ thuật có cái đặc sắc không
thể lẫn được với bất kì ai. Đó là thứ không gian thời gian không cùng, có khả
năng tạo mọi sự thông linh. Những con người, những tâm sự trong ca khúc của
ông, và cả người tiếp nhận, luôn luôn có thể đi từ không gian này đến không
gian khác, thời gian này đến thời gian khác dễ dàng như là đang đi chính trong
ngôi nhà của chúng ta vậy. Đó là thứ không gian thời gian mộng ảo, là sự lắp
ghép những mảng thực - mơ, núi - biển, trần gian - địa đàng... đầy ngẫu hứng
trong sự quyện hòa của cảm hứng đời sống, triết học và tôn giáo. Trong không
gian ấy những cặp môi, ánh mắt, những bàn chân, ngón tay hiển lộ rất rõ ràng
nhưng không hề gợi nhục cảm, và vì thế, những danh từ chỉ bộ phận cơ thể kia
bỗng mang trong mình tính thiêng trong hình thức huyền thoại. Huyền thoại là
một trong những đặc điểm nổi bật làm nên đặc sắc riêng, cũng là sức quyến rũ
của ca khúc Trịnh Công Sơn.
Nhìn chung thế giới nghệ thuật ca khúc Trịnh Công Sơn là thế giới
của những cung bậc, những đường hướng ngổn ngang của tình cảm, cảm xúc. Một thế
giới vần vụ trong sự tĩnh lặng, ở đó có yêu thương và hờn dỗi, có hi vọng và
tuyệt vọng, có nỗ lực vượt thoát lên tất cả nhưng cũng có sự ủy mị chán chường.
Thế giới ấy được kiến tạo bởi một kiến văn rộng rãi, một tình cảm da diết.
Trong thế giới ấy, từ cấp độ ca từ, đến ca khúc và kiến trúc tổng thể, xuyên
suốt của nó là một cái gì đấy biến ảo, khó hình dung, khó nắm bắt. Thế giới ấy
cho thấy rõ sự kết hợp nội lực có gốc gác là văn hóa Việt với tư tưởng phương
Tây lúc này đang tràn vào miền Nam, nhất là Heidegger và Sartre, với hoàn cảnh
lịch sử cụ thể; là sự kết hợp cảm hứng dân tộc và cá thể. Trong thế giới nghệ
thuật của Trịnh Công Sơn, vì thế, có âm hưởng của tôn giáo nhưng cũng rất đời
và trong mỗi sáng tạo của anh luôn luôn là một chiều sâu triết học nhưng ngay
trong đó cũng là một địa chất hiện sinh. Tất cả điều đó nói lên tính chất phức
tạp và mâu thuẫn trong con người nhạy cảm, tạo khả năng để anh đến được với tất
cả mọi giai tầng trong xã hội. Điều quan trọng là chính sự nhạy cảm đến bệnh
hoạn đó là cái đầu tiên để cho chúng ta ngày hôm nay có anh.
Lê Thanh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét