Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Hương xuân trong thơ Đình Thu

Hương xuân trong thơ Đình Thu
Nói đến Đình Thu là nói đến một gương mặt thơ quen thuộc trên đất Bến Tre. Điều lạ là anh là cán bộ ngành ngân hàng, quê gốc tỉnh Quảng Trị, nhưng đã gắn bó sống, làm việc, làm thơ ở quê dừa đã hơn 20 năm. Chất liệu cuộc sống nơi miền sông nước Bến Tre mang đến cho hồn thơ Đình Thu những trải nghiệm và cảm xúc chưa bao giờ cạn. Đình Thu là tác giả của các tập thơ: Miền thương nhớ (năm 1988), Nỗi đau tiềm thức (năm 2000), Thơ tình Đình Thu (năm 2007), và gần đây nhất là tập thơ “Cúi đầu tạ lỗi tuổi thơ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tháng 9-2011
Tập thơ “Cúi đầu tạ lỗi tuổi thơ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tháng 9-2011.
Trong khi nhiều nhà thơ hiện nay hoặc là chưa tìm ra những đề tài mới để sáng tác, hoặc là chưa đủ độ “lên men” để cảm hứng tràn về mãnh liệt, thì có một hồn thơ Đình Thu vẫn âm thầm chảy khi bắt mạch được một nguồn suối chất liệu cuộc sống là quê hương xứ sở với bao kỷ niệm và buồn vui hoài niệm. Tựa đề tập thơ “Cúi đầu tạ lỗi tuổi thơ” khá lạ, song lại gợi mở một miền ký ức tưởng chừng đã xa lắm nhưng vẫn còn ngây ngất, trăn trở hàng đêm. Ai cũng có tuổi thơ, cũng mang nặng hình bóng quê nhà khi lên đường lập thân, lập nghiệp. Đó là điều mà thơ Đình Thu dễ chạm đến cái chung trong tâm hồn của một thế hệ độc giả.
Thơ là tiếng của con tim, là cuộc sống của con người được trình bày qua những lăng kính chủ quan, được khai thác theo cả chiều sâu tâm tưởng và chiều rộng những trải nghiệm cuộc đời. Cầm tập thơ “Cúi đầu tạ lỗi tuổi thơ”, với gần 70 bài của Đình Thu, tôi chọn 14 bài thơ về tháng Chạp, tháng Giêng và thêm xuân thấp thoáng.
Đây là tập thơ thứ 4 được xuất bản, được in đẹp và dù không dám lạm dụng từ “phong cách” nhưng vẫn phải nói rằng thơ Đình Thu có dáng dấp riêng của nó. Thơ anh mang giọng nhớ thương với bao miền nỗi niềm thương Cửa Việt mênh mang sông nước, nhớ Gió Lào cát trắng lúc hè sang.
Đang đón đợi Mùa xuân Con Rồng về trên xứ dừa Đồng Khởi, bất chợt đón nhận tập thơ có những tứ thơ xuân ngọt ngào, đầm ấm, nồng nàn, cái tình yêu và nỗi thương nhớ miền quê hương Quảng Trị của anh, và ôm trùm lên tất cả là nỗi nhớ quê hương những ngày cận Tết. Tự nhiên anh làm tôi nhớ đến câu thơ của Hoàng Bá Dư “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?” (Mây che núi Tần không biết nhà ta ở nơi đâu?).
Những ngày áp Tết, khi đã có từng cơn gió chướng non thổi về, con người xa xứ nhìn về tháng mười hai, mà trong lòng lại vang lên là tháng Chạp: “Tháng Chạp trôi ngập ngừng/ Giấu thời gian vào hơi thở/ Nghe mùa xuân hát râm ran” (Tháng Chạp).
Trong tháng mười hai này, Đình Thu đã ghi vào nhật ký: “Mùa giao ban/ Phố trở mình trong đêm/ Pha gam mùa khác lạ” (Nhật ký tháng mười hai).
Trong mùa này có Giáng Sinh: “Ánh đèn khuya hắt qua song cửa/ Chuông nhà thờ đổ vang…” và có khúc giao mùa: “Khúc giao mùa vọng đến…”, có cả miền nhớ thương.
Trong từng gót chân qua thầm lặng, có nỗi niềm tháng Giêng, có trời đất giao hòa: “Mùa xuân trời đất giao hòa/ Đồng quê trải rộng bao la cánh cò” (Gửi tháng Giêng).
Và tháng Giêng ngọt ngào anh nghĩ về em: “Tháng Giêng là của Mùa Xuân/ Còn em là của riêng anh suốt đời” (Tháng Giêng và em).
Nói về Tết, Đình Thu nói về “Ngày mùa xuân trở lại”, nói đến giờ phút đợi giao thừa.
Trong thơ Đình Thu, một dòng thơ nhẹ nhàng, truyền thống và rất dân dã. Và miền quê, miền đất miệt vườn… đó chính là thơ… Đình Thu.
Bài thơ 4 câu: “Xóm cũ”, có mùa xuân lạc vào nỗi nhớ, nhớ nhiều hình bóng mẹ không còn ở nơi đây. Và vang dậy trong anh cái miền quê: “Ai đốt đồng/ Để tháng Chạp ngân nga/ Khói bảng lảng/ Chập chờn len nỗi nhớ/ Mùi quê làm cay mắt kẻ đi xa...” (Mùi quê).
Và đến Bến Tre, anh bắt mê cái miệt vườn, nơi mà: “Mùi hương trầm len vào tâm thức/ Thời gian/ chậm rãi nỗi miền quê/ Không gian/ Tết thì thầm vang vọng/ Ngồi nghe bà kể chuyện ngày xưa” (Miệt vườn).
Đọc thơ anh theo kiểu “lướt qua” chắc chắn không thể nào cảm nhận sâu sắc được. Nhưng điều đặc biệt là thơ Đình Thu dễ nhớ, hiền hòa và rất dễ thương. Tôi xin được trích mấy câu thay lời kết luận -  những câu thơ từ chính của anh: “Núi nguyên/ một mảng/ trời quê/ Lỡ!/ mai sau/ lạc.../ lối về/ cố hương...”.
Dù sao, một chút hương xuân cũng đủ để mơn man, đỡ đần trong nỗi tâm linh của người xa xứ.
Một năm cũ sắp qua, một năm mới sắp đến với bao khát khao, chờ đợi những điều tốt đẹp. Hơi thở mùa xuân trong thơ Đình Thu lại trỗi dạy bao nỗi nhớ. Có nỗi nhớ vỡ òa trong khoảnh khắc phố phường vui đón Tết. Xuân ở miền sông nước Bến Tre lại gợi nhớ, gợi thương bao mùa xuân của tuổi thơ. Hương xuân còn vương vấn trên đồng quê: “Tôi nhặt trên cánh đồng/ Chút mùi hương còn sót lại”. (Khúc hát đồng quê).
Hình bóng mẹ hiền trở về trong tâm tưởng, trong nắng chiều xuân: “Mẹ gánh cả một chiều nắng nhạt/ Bóng nghiêng phía chân trời” (Tháng Chạp).
Và quê hương vừa mênh mang, vừa cụ thể như sóng tuôn trào nỗi nhớ da diết, sâu thẳm: “Lục bình mang một nỗi niềm/ Để bờ sông phải tím nguyên buổi chiều” (Gửi tháng Giêng).
Đón mùa xuân mới bằng một tập thơ đầy ắp những kỷ niệm nhớ thương là cách tác giả Đình Thu bộc bạch tình cảm của mình với quê hương, xứ sở. Với dòng thơ nặng chất tình cảm ngọt ngào, tinh tế về những giá trị truyền thống qua các cung bậc thời gian, Đình Thu sẽ còn có dịp viết nhiều nữa, để trải lòng trên những trang thơ. Xuân sẽ còn mãi và tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương có bao giờ vơi!.
Lê Nguyễn Hàm Luông - Lê Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...