Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Lý thuyết Chuỗi, học thuyết M và Siêu hình

Lý thuyết Chuỗi, học thuyết M và Siêu hình
Minh Đạt
Phần 1: Tính Không
Tôi không coi Lý chuyết Chuỗi, Học thuyết M là lý thuyết về mọi thứ; cái về mọi thứ chắc không thể gói trong các phương trình, những suy luận logic, những quan điểm Triết học. Nhưng tôi thấy, Lý thuyết Chuỗi, Học thuyết M đã chạm tới bóng của cái mà Siêu hình đã biết từ trước.
Lý thuyết Chuỗi, Học thuyết M và Tính Không là hai cấp độ khác nhau. Không thể so sánh. Không thể dùng các phương trình của Euler, các phương trình của Edward Witten để giải thích Tính Không. Không thể dùng hình học Lượng tử, hình học Riemann để mô tả sự Đa chiều của Thực tại. Điều đó mãi mãi là không thể.
Tôi cũng không làm uyên bác hoá vấn đề, không làm phức tạp hoá những cảm nhận tâm linh. Mà muốn làm điều ngược lại. Muốn nói rằng các Học thuyết, các Phương trình, các Toán tử, các Chương trình phân tích trên MTDT,... sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nhà triết học; họ chỉ có thể gần như chạm tới, chạm tới cái điều đơn giản và linh thiêng nhất: khi con người buông bỏ, buông bỏ được toàn bộ, con người đó sẽ thấy Hiện hữu. Các Học thuyết đang nỗ lực xấp xỉ tiềm cận tới bóng của Hiện hữu. Và Hiện hữu thì có nhiều bóng, nhiều hình; nhưng dường như Hiện hữu lại đơn giản nhất.
1.
Hơn ai hết, Einstein là người hiểu rõ nhất sự bất đồng về lý thuyết và cả thực nghiệm giữa thế giới vĩ mô và thế giới hạ nguyên tử, giữa Thuyết Tương đối và Cơ học Lượng tử. Ông ấy là người hiểu điều này đầu tiên và sâu sắc. Ông ấy đã có một ước mơ lãng mạn về Học thuyết hợp nhất các trường. Ông ấy muốn hợp nhất Thuyết Tương đối với Cơ học Lượng tử. Ông ấy muốn sửa lại câu nói: "Chúa không thể chơi trò xúc xắc". Ông ấy đã dành cho hơn ba mươi năm cuối đời cho ước mơ này. Nhưng ông ấy đã dang dở. Ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau, nhiều nhà khoa học tin rằng chén thánh của vật lý học hiện đại đã xuất hiện. Xuất hiện để hợp nhất các trường: Lý thuyết Chuỗi. (Nhưng nó sẽ không thể nào là Lý thuyết của Tất cả; đơn giản là không bao giờ có một Lý thuyết về Tất cả, cái về Tất cả không đến từ bất kể một lý thuyết nào).
Có lẽ, bắt đầu phải kể đến Gabriele Veneziano, nhà vật lý trẻ; năm 1968, ông đã dùng hàm số beta Euler, mô tả đặc tính của hạt tương tác mạnh. Một công thức không có lời giải thích; đơn giản chỉ mô tả. Sau đó 1970, Yoichiro Nambu, Holger Nielsen và Leonard Susskind đã tìm ra bí mật ẩn sau công thức này. Các nhà vật lý đã cho thấy rằng, nếu lập mô hình các hạt cơ bản như các Chuỗi một chiều, cực nhỏ và dao động, thì tương tác hạt nhân giữa chúng có thể mô tả chính xác bởi hàm Euler. Năm 1974, Schwarz và Joel Scherk, thuộc Viện Nghiên cứu Ecole Normale Superieure, sau khi nghiên cứu mô hình giống như hạt đưa tin của Chuỗi dao động; họ đã thấy rằng các đặc tính của nó phù hợp với hạt graviton; hạt giả định của lực hấp dẫn, hạt của Chúa.
Năm 1984 nhà vật lý Michael Green và John Schwarz đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng Lý thuyết Chuỗi có thể giải quyết được xung đột giữa Cơ học Lượng tử và Thuyết Tương đối. Họ cho rằng học thuyết này có khả năng xử lý được tất cả 4 loại lực và mọi loại vật chất.
Lực tương tác trong thế giới vĩ mô là Lực Hấp dẫn. Lực tương tác trong thế giới Hạ nguyên tử là các Lực Điện từ, Lực yếu và Lực mạnh. Lực Hấp dẫn là lực khá quen thuộc. Khối lượng của một vật tượng trưng cho mức độ lực hấp dẫn tác động lên nó. Lực điện từ có trong các trang thiết bị hiện đại: bóng đèn, máy vi tính, truyền hình,… và tiềm ẩn trong các cơn bão. Lực Điện từ mạnh hơn Lực Hấp dẫn (của chúng) khoảng một triệu tỷ tỷ tỷ tỷ lần, bốn mươi hai số không sau số một! Lực mạnh, Lực yếu là hai loại lực nguyên tử. Lực mạnh giúp các hạt quark dính vào nhau trong hạt proton và hạt notron; và giúp hạt proton và hạt notron ép chặt vào nhau trong hạt nhân nhân tử. Lực yếu là lực gây ra sự phân rã phóng xạ, và chi phối cũng phản ứng tổng hợp hidro, một phản ứng quan trọng tạo ra năng lượng trong Mặt trời. Lực mạnh mạnh hơn một trăm lần Lực điện từ, và mạnh hơn một ngàn lần Lực yếu. Lực yếu không phải là lực yếu nhất, lực yếu nhất là Lực Hấp dẫn, nó yếu hơn các lực khác khoảng triệu tỷ tỷ tỷ tỷ lần. Lực Hấp dẫn cực kỳ yếu.
Mỗi lực trong tự nhiên có quan hệ với một loại hạt cơ bản, để truyền lực đó. Lực Điện từ và hạt photon. Lực mạnh và hạt gluon. Lực yếu và hạt boson yếu. Lực hấp dẫn là hạt graviton. Năm 1960, Nhà vật lý người Anh Peter Higgs, đưa ra lý thuyết về Trường Higgs. Lý thuyết này, giả thiết rằng có một dạng lưới phủ đầy Vũ trụ, trong đó tồn tại một hạt, cũng có thể là một tập hợp hạt, mà chúng có thể tạo ra những hạt có khối lượng khác. Hạt đó, các nhà khoa học đặt tên cho nó là hạt Higgs, hạt của Chúa. Năm 2013, thế giới  chấn động khi đã xác định và phát hiện ra loạt hạt này. Giải Nobel danh giá của Vật lý năm đó đã dành cho Francois Englert và Peter Higgs. Hạt của Chúa đã xác định.
Quan niệm cơ bản đầu tiên của Lý thuyết Chuỗi, là: các hạt cơ bản chưa phải là cơ bản. Nếu có thể khảo sát các hạt này ở mức độ chi tiết hơn, mức độ chi tiết vượt ra ngoài khả năng của công nghệ hiện đại ngày nay, hạt cơ bản sẽ không phải là một chấm, mà là một Chuỗi. Chuỗi có kích thước vô cùng nhỏ và luôn luôn dao động.
Dù là hạt muon, hạt quart, hạt electron,… tất cả các loại hạt đã tạo nên nguyên tử, đã tạo nên hạt nhân của nguyên tử; mỗi hạt có một số thông số nhất định, có một số thuộc tính nhất định. Những thông số này, những thuộc tính này của hạt được phản ánh qua các đặc trưng của dao động của Chuỗi, qua các mode dao động, qua biên độ dao động và qua tần số dao động của Chuỗi. Các hạt có các lực trong tự nhiên, điện tích, khối lượng,… được phản ánh qua các đặc trưng dao động của Chuỗi, qua tần số dao động của Chuỗi. Năng lượng của hạt cơ bản được biểu diễn qua các đặc trưng dao động của Chuỗi. Mở rộng ra, kết cấu vi mô của vũ trụ sẽ là một mê cung nhiều chiều xoắn. Trong đó các Chuỗi không ngừng dao động và quấn lại với nhau. Vũ trụ được vận hành nhịp nhàng từ các dao động của Chuỗi.
Quan điểm cơ bản thứ hai là việc phát triển trên nền của Hình học Lượng tử. Một thứ hình học cong, do Georg Bernhardt Riemann phát triển từ thế kỷ 19. Thứ hình học thoát ly khỏi những khái niệm phẳng của Hình học Euclide. Einstein đã nhận thấy rằng toán học trong Hình học Riemann tương thích hoàn toàn với Vật lý Hấp dẫn. Nhưng với độ dài Planck thì sự tương thích này không còn. Năm 1919, một Nhà Toán học người Balan, Theodor Kaluza đề xuất Vũ trụ không chỉ có 3 chiều Không gian, có thể có nhiều hơn thế. Năm 1929, nhà toán học người Sweden, Oskar Klein, phát biểu rằng kết cấu không gian Vũ trụ có thể vừa có những chiều mở vừa có những chiều xoắn. Các chiều xoắn thường có kích thước nhỏ hơn rất, rất nhiều lần so với các chiều mở. Vũ trụ dường như có nhiều chiều hơn so với những gì mắt con người có thể nhìn thấy.
Hình học các chiều Không gian bị xoắn, hay gọi là Không gian Phụ, quyết định thuộc tính Vật lý cơ bản; chẳng hạn: khối lượng hạt, điện tích hạt mà đã quan sát được trong Không gian ba chiều thông thường. Đó chính là Ý nghĩa Vật lý của các chiều Không gian Phụ.
Giữa năm 1990, Edward Witten bằng những tính toán của mình, và kết hợp các công trình nghiên cứu của Michael Duff (đại học Texas A&M), của Chris Hull và Paul Townsend (đại học Cambridge), đã kết luận rằng có thể mô tả Vũ trụ bằng 10 chiều Không gian và 1 chiều Thời gian. Trong đó có 3 chiều Không gian mở và 7 chiều Không gian bị xoắn. Năm 1995 tại Đại học Nam California, ông đã công cố kết quả này. Một chấn động trong giới khoa học. Một cột mốc của lịch sử phát triển Vật lý hiện đại.
Mười một chiều, Không Thời gian mười một chiều. Witten tạm thời đặt tên nó là Học thuyết M; một đỉnh cao của Lý thuyết Chuỗi. Có thể hiểu nó là Học thuyết Bí ẩn (Mystery), Học thuyết Mẹ (Mother), Học thuyêt Màng (Membrane) hoặc Học thuyết Ma trận (Matrix).
Nhưng dù sao nó không bao giờ có thể là Học thuyết của mọi thứ. Nó tương tự như dù sao thì Trái đất vẫn quay. Tôi nói: dù sao nó không bao giờ có thể là Học thuyết của mọi thứ, tôi không nhìn thấy các dàn hoả thiêu thời Trung cổ, nhưng trong tôi là sự Tin cậy và An bình.
2.
Vật chất được cấu tạo từ các phân tử. Cơ thể sống được cấu tạo từ các tế bào. Tế bào, phân tử được cấu tạo từ các nguyên tử.
Nguyên tử được tạo thành từ một hạt nhân mang điện tích dương nằm ở tâm và các  electron mang điện tích âm chuyển động xung quanh. Hạt nhân được tạo thành từ các hạt proton mang điện tích dương và các hạt neutron không mang điện. Một hạt proton được cấu tạo bởi hai hạt quark trên và một hạt quark dưới. Một hạt notron được cấu tạo bởi hai hạt quark dưới và một hạt quark trên,… Mỗi nguyên tố chỉ có một số proton duy nhất, nhưng có thể có số neutron khác nhau.
Các electron chuyển động xung quanh hạt nhân trên các quỹ đạo. Mỗi quỹ đạo được đặc trưng bởi ba số lượng tử là: số lượng tử chính, số lượng tử phương vị và số lượng tử từ. Trên mỗi quỹ đạo có thể có hai electron, nhưng hai electron này phải có một số lượng tử thứ tư là spin khác nhau. Các quỹ đạo của electron không phải là những đường cố định mà là ngẫu nhiên.
Mô hình nguyên tử giống như mô hình Thái dương hệ. Rất rỗng. Hạt nhân ở tâm nguyên tử, chiếm một vùng không gian rất nhỏ bé. Nhỏ bé so với nguyên tử. Phần bên ngoài là quỹ đạo chuyển động của các electron. Nếu hạt nhân là một quả cầu ở tâm, bán kính là 1m. Các electron chỉ to bằng hạt cát. Các electron chuyển động theo các quỹ đạo, khi ở gần hạt nhân nhất thì khoảng cách đó cũng là 100km! Bằng khoảng cách từ Sài gòn ra Vũng tàu. Rất, rất rỗng. Tất cả đều là Chân không. Một quả cầu đường kính 200 km, bằng khoảng cách từ Sài gòn ra Phan thiểt, giữa tâm có một khối cầu 2m, bên ngoài có một số hạt cát chuyển động. Rỗng và rất rỗng. Tất cả đều Chân không.
Tôi đã biết như vậy. Tôi đã biết như vậy từ khi là sinh viên đại học. Giờ đây sau nhiều năm, tôi vẫn biết vậy. Gần đây tôi có đọc một số bài viết của vài tác giả, giải thích Tính Không theo mô hình Thái dương hệ của nguyên tử. Tôi cũng đã quán tưởng chủ đề này, trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tháng ngồi thiền. Nhưng có điều gì đó không thể là Ánh sáng được. Không thể. Những hạt nhân, khối lượng chính của nguyên tử. Những hạt quark, những hạt notron, những hạt proton,… Chúng đã tạo nên hạt nhân có khối lượng đậm đặc! Đạt tới 100 triệu tấn trong 1 centimet khối. Tính Không thể nào được? Làm sao phá chấp được mật độ khối lượng đậm đặc này? Và hạt nhân của mỗi nguyên tử là khác nhau - cái Tự tính của nguyên tử. Tôi vẫn thao thức như vậy.
Nhưng rồi, khi biết Lý thuyết Chuỗi, và đỉnh cao của nó là Học thuyết M, thì có nhiều điều sáng tỏ trong tôi.
Một trong hai nội dung cơ bản của các Học thuyết này, là các hạt cơ bản được mô tả bằng các Chuỗi, mỗi hạt cơ bản là một Chuỗi. Có thể là Chuỗi một chiều, hoặc Màng hai chiều, hoặc Yếu tố ba chiều. Về cơ bản, ba trường hợp này là không khác nhau. Từ Chuỗi một chiều sang các yếu tố khác, chỉ là sự thay thế hàm một biến thành hàm hai biến, hoặc hàm ba biến mà thôi. Thuật toán phức tạp hơn. Ý nghĩa Vật lý không thay đổi. Các nhà khoa học nói vậy. Vậy sẽ là Chuỗi một chiều, ở đây.
Các Hạt cơ bản được mô tả bằng Chuỗi. Mỗi Hạt cơ bản có một Chuỗi tương ứng. Tất cả các Chuỗi là giống nhau. Sự khác nhau của các Hạt cơ bản biểu hiện qua phương cách dao động khác nhau của Chuỗi. Tần số dao động (và các mode dao động chính; nhưng bạn đọc không cần quan tâm tới các mode dao động này, vì đơn giản chúng đã tạo nên tần số dao động) là dấu vân tay của Chuỗi, là đặc trưng nhận dạng của Chuỗi.
Các Hạt cơ bản được mô tả bằng Chuỗi. Hạt electron, các loại hạt quark là Chuỗi. Hạt nhân Nguyên tử được cấu tạo từ các hạt neutron, hạt proton; các hạt neutron và các hạt proton được cấu tạo từ 3 hạt quark. Hạt nhân Nguyên tử sẽ là tổ hợp không nhiều lắm các Chuỗi. Nguyên tử được cấu tạo từ Hạt nhân ở tâm, và một số không nhiều lắm hạt electron chuyển động xung quanh. Nguyên tử sẽ là tổ hợp không nhiều lắm các Chuỗi, ở tâm mật độ Chuỗi nhiều hơn ở bên ngoài.
Chuỗi hay còn gọi là dây, một chiều, có chiều dài cực kỳ ngắn. Đó là chiều dài Planck, bằng 10-35m (số 1 đứng sau ba mươi lăm con số 0, sau dấu phẩy). Kích thuớc Hạt nhân nguyên tử vào khoảng 10-15m. Kích thước Nguyên tử vào khoảng 10-10m. Chiều dài Chuỗi, nhỏ hơn một trăm tỷ tỷ lần so với kích thước Hạt nhân nguyên tử. Chiều dài Chuỗi, nhỏ hơn một triệu tỷ tỷ lần so với kích thước Nguyên tử. Quay trở lại với mô hình Nguyên tử, chúng ta đã ví dụ, một quả cầu có đường kính 200km, gần bằng khoảng cách từ Sài Gòn ra Phan Thiết. Quả cầu Nguyên tử này, theo Lý thuyết Chuỗi là trống rỗng và cực kỳ rỗng, không có gì ngoài một số không nhiều lắm các Chuỗi, có chiều dài bằng 2×10-10m, bằng 2×10-7mm, bằng 20 nanometre; chúng chuyển động và dao động.
Rỗng và cực kỳ trống rỗng. Tất cả đều trống không, sự trống không bao la.
3.
Tâm kinh như có trong tôi mỗi ngày. Mỗi ngày, là sáng là chiều là đêm, lời Kinh linh thiêng như luôn hiển hiện trong tâm trí:
“Avalokita vị Bodhisattva linh thiêng, đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita, đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao và thấy năm uẩn đều không.”
“Ngài đã thuyết: Này Sariputra! Hình dáng là Không, Không là hình dáng. Hình dáng không khác gì Không. Không không khác gì hình dáng. Dù hình dáng là gì, đấy cũng là Không; dù Không là gì, đấy cũng là hình dáng. Điều này cũng đúng cho quá trình Tâm thức của Con Người là Thọ, Tưởng, Hành và Thức.”"
Avalokita vị Bodhisattva biểu hiện cao nhất của từ bi và tình yêu đã giảng cho Sariputra vị Bodhisattva trí tuệ bậc nhất, như vậy. Lời của Tâm kinh là lời của Trái tim, lời của Trái tim soi xuống cho trí não, soi xuống cho trí tuệ. Tâm kinh không bắt đầu là lời của trí tuệ.
Avalokita và Sariputra những Bodhisattva, nhưng sinh linh thượng đẳng, chỉ còn một bước nữa là họ đạt tới Prajnaparamita, họ sang bờ bên kia. Họ đang ở một chiều không gian khác, họ ở một tầng cao tâm thức khác, cao hơn rất nhiều tâm thức nhân loại; tâm thức của vô ngã của anatta. Chính họ, chỉ họ mới nhìn thấu Hiện hữu, thấy Tính Không. Chính họ, họ đã thấy rõ được các Chuỗi, hay thứ còn cơ bản hơn Chuỗi, thứ còn vi tế hơn Chuỗi. Có phải chăng là vậy? Họ đã nhìn thấy Chuỗi, hoặc cái cơ bản hơn cả Chuỗi, vi tế hơn Chuỗi? Họ đã nhìn bằng vận tốc lớn hơn Vận tốc Ánh sáng?
Tôi đã và luôn thao thức, thao thức một công án; với tôi (lúc này) là một công án Tối thượng:
Có phải chăng khi tình yêu tràn đầy, khi hoa Từ bi ngào ngạt toả hương; khi mà Bodhisattva không là Bodhisattva, khi chúng sinh không là chúng sinh, khi Christ không là Christ, khi tha nhân không còn là tha nhân; khi mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy nghĩ, cảm xúc, thói quen, tri thức, tâm trí,… mọi vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn, mọi lớp vỏ, mọi lớp chăn phủ… cùng lúc sụp đổ, cùng lúc biến mất; thế giới vật biến mất? Năng lượng tình yêu bao la, ngập tràn? Hương từ bi phủ khắp không gian vũ trụ? Thế giới vật biến mất, mọi dạng đều chỉ tới vô dạng; và mọi dạng đều thăng hoa và hoà nhập vào các dạng khác; một khoảng không bao la, cả đại dương và cả bầu trời; hệ mặt trời, thái dương hệ, cả vũ trụ, nhiều vũ trụ cùng hoà vào nhau, vô giới hạn; cái đẹp vô ngần, thuần khiết, tinh tuý, chân lý… Có phải chăng nó là như vậy? Có phải chăng đó là Hiện hữu?
Có phải chăng; khi các ý nghĩ dừng lại, toàn thể cơ chế người dừng lại. Con người đã thoát vào trong thế giới dưới bầu trời mở. Con người thấy mọi thứ như chúng vậy; và thấy rằng mọi thứ không tồn tại; ngàn năm nay, triệu năm nay chúng đã chỉ là diễn giải? Những ảo ảnh, sản phẩm của tâm trí con người, của những lớp vỏ, của những quy tắc, của những lề thói, của những luân lý, của những đạo đức, của những luật lệ, của những giới pháp? Chỉ các hiện hữu tồn tại; không có vật nào trong thế giới? Tảng đá, tảng đá là một hiện hữu? Cây, cây cũng là một hiện hữu; chim là một hiện hữu; mây là một hiện hữu; mặt trời là một hiện hữu; tia nắng, tia nắng cũng là một hiện hữu? Mọi hình dáng đều là các hiện hữu? Thế giới vật, thế giới người biến mất? Không phải là đá sẽ không có đó, không phải là cây sẽ không có đó, không phải là chim sẽ không có đó; chúng sẽ có đó thậm chí nhiều hơn thế, nhưng chúng sẽ không còn là cây, không còn là đá, không còn là chim nữa; chúng sẽ là những hiện hữu? Tâm trí con người đã biến mọi hiện hữu thành vật? Khi con người thoát ra khỏi tâm trí và có cái nhìn dưới bầu trời mở, đột nhiên chẳng có gì chút nào? Tính vật biến mất? Tất cả chỉ còn Chuỗi, hoặc các cơ bản hơn Chuỗi, cái vi tế hơn Chuỗi; chúng đang dao đông. Có phải chăng là vậy? Có phải chăng đó là Hiện hữu?
Có phải chăng; khi tâm trí mất đi, điều thứ hai mất theo là vật? Toàn vũ trụ đầy những hiện hữu, hiện hữu đẹp, hiện hữu thuần khiết, hiện hữu tinh khôi, bởi vì tất cả chúng đều tham gia vào hiện hữu tối thượng của Thượng đế? Và khi đó những cái không phải là vật, cũng biết mất? Các định nghĩa biến mất, các quan niệm biến mất, các phân chia biến mất, tất cả mọi lý thuyết biến mất; Thuyết Tương đối của Einstein biến mất, Nguyên lý Bất định của Werner Heisenberg biến mất, Định lý Bất toàn của Kurt Gödelđã biến mất, lý thuyết Chuỗi biến mất, Không gian mười một chiều biến mất; Phép Biện chứng của Friedrich Hegel biến mất, Chủ nghĩa Hiện sinh của Kierkegaard, của Husserl biến mất; các giới hạn và phân chia biến mất? Các lâu đài tri thức, các đền đài tư tưởng cùng lúc sụp đổ? Một Nhận biết mới bắt đầu? Đột nhiên con người thấy cây bắt nguồn từ đất, không tách rời; gặp gỡ với trời, không tách rời; giao hoà cùng các tia nắng; hân hoan với ánh trăng vàng; rộn ràng với muôn triệu hiện hữu? Đột nhiên con người thấy mình và mọi người đều bắt đầu từ Một; cơ thể và bầu trời, các vì sao là giao hoà, là giao cảm, là hữu cơ và mật thiết? Mọi thứ được gắn với nhau; mọi con người đều là thành viên của mọi con người khác?  Một tình yêu ngập tràn, hoan hỷ tràn trề, từ bi ngào ngạt. Toàn thể vũ trụ trở thành một mạng tâm thức, hàng triệu và hàng triệu tâm thức, chói sáng, rực sáng từ bên trong, mọi  bộ phận, mọi yếu tố, mọi nguyên tử, mọi tế bào, mọi hạt cơ bản, mọi Chuỗi, mọi thứ vi tế hơn Chuỗi đều được sáng? Hình dạng có đó, nhưng chúng không còn là vật chất; chúng là năng lượng động, dao động, và biến đổi? Phải chăng tất cả, tất cả chúng đều là Chuỗi, đều là cái cơ bản hơn Chuỗi, đều là cái vi tế hơn Chuỗi. Cái để biến đổi chính là Tần số dao động của chúng? Có phải chăng đó là điều đang xảy ra? Có phải chăng Chuỗi hay cái cơ bản hơn Chuỗi, cái vi tế hơn cả Chuỗi, tất cả đang chuyển động và dao động là Hiện hữu?
Có phải chăng đó là Hiện hữu? Có phải chăng đó là Tính Không, Sunyata?
Phải chăng cơ chế là vậy, cơ chế Chứng ngộ, cơ chế Nhận biết, cơ chế Tỉnh táo là vậy? Cái tôi buông bỏ, đạt đến Vô ngã, tình yêu tràn đầy, hoa từ bi toả hương, mọi tường ngăn, mọi hàng rào, mọi lớp vỏ xụp đổ và tan biến, Avalokita đã biết, đã thấy bằng cái lớn hơn 300.000 km/s; thấy Hiện hữu; thấy Tính Không; thấy tất cả là Chuỗi hoặc cái cơ bản hơn Chuỗi, vi tế hơn Chuỗi; thấy tất cả đều không có Tự tính?
Có phải chăng Học thuyết M đã chạm tới cái mà Siêu hình đã biết từ hàng ngàn năm trước, Tính Không? Khi một vật trở nên biểu lộ, thế thì nó là vật chất. Khi nó trở thành không biểu lộ nó là Hiện hữu. Cái khi còn bản ngã, thì nó biểu lộ; cái khi là vô ngã, anatta thì nó không biểu lộ, cái là Hiện hữu. Hiện hữu, Tính không là thứ không có Tự tính, chỉ còn là Chuỗi hoặc thứ vi tế hơn cả Chuỗi; chỉ là dao động: tần số, thứ không có Tự tính.
Sự không có Tự tính này còn thể hiện ở nhiều phương diện khác, sẽ trình bày tiếp trong các phần sau.
Bài viết còn hai phần:
Phần 2: Thiền và Chứng ngộ.
Phần 3: Tái sinh và Phục sinh.
Xin cúi đầu trước Thượng đế, xin cúi đầu trước các Budhha, xin cúi đầu trước các Christ, xin cúi đầu trước các Bodhisattva; biết ơn và cầu nguyện cho tất cả mọi con người an bình và phúc lạc.
Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. 
Nguồn: tincaytinhyeu.wordpress.com




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...