Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Những khúc ca dang dở của nhạc sĩ người Áo FRANZ SCHUBERT







Những
Khúc ca dang dở
của nhạc sĩ người Áo
FRANZ SCHUBERT


Đêm ấy, toà lâu đài của bá tước Esterhazy rực rỡ ánh đèn màu. Quan khách lần lượt đến đông đủ. Đêm dạ vũ thường lệ vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần sắp bắt đầu.
Bá tước Esterhazy và phu nhân cặp tay nhau rảo quanh phòng khách, gật đầu chào từng người. Bỗng nhìn thấy hàng đầu dàn nhạc một nhạc sĩ vĩ cầm trẻ tuổi, bá tước Esterhary khẽ nhíu mày. Ông nghĩ thầm, không biết ai đã mời gã nhạc sĩ ăn vận lôi thôi lếch thếch như kẽ ăn mày kia đến đây. Giữa những vị khách quý lễ phục sang trọng, cung cách lịch sự, thanh nhã, lại xuất hiện một gã gàn dở, an vận bộ quần áo bó sát xuống tận chân gầy tong, mái tóc quăn bù xù to tướng và đôi kính cận dày cộm trông gã giống như một "nghệ sĩ hết thời, nhà nghèo mạt rệp".
Ông chắt lưỡi quay sang nói với bá tước phu nhân bằng một lời châm biếm tàn nhẫn :
-Trời ơi ! Sao lại chọn con chó xù này làm thầy dạy nhạc cho lũ trẻ, đã thế hắn lại là cây đinh trong buổi dạ vũ trước hàng trăm con mắt. Bà xem kià, hắn diện bộ cũ rít của kẻ hát rong mới chán làm sao chứ !
Chàng nhạc sĩ trẻ tuổi đứng trên bệ, điềm nhiên cầm cây cung kéo đàn "Archet ", mở ra những âm thanh trong vắt, vui tai cho cuộc khiêu vũ bắt đầu. Không ai quan tâm đến "con chó xù" tướng mạo thô kệch đó nữa. Họ quay cuồng từng đôi theo sóng nhạc và "con chó xù" cũng không thèm chú ý đến họ. Mỗi lần đàn là chàng quên hết thực taị, vả lại chàng có ham thích nhảy nhót gì đâu. Chàng nghèo khổ, xấu xí quá, và bản tính rụt rè khiến chàng nghĩ rằng mình không xứng đáng được hưởng trò vui đó. Mặc cảm tự ti đeo bám chàng như cái bóng nhưng chàng thừa biết rồi mai đây chàng sẽ không còn là một nhạc công nghèo khổ nữa, không còn phải đàn thuê mỗi tối chủ nhật và dạy nhạc tập sự ở trường Lichtenthal do ông cha nghiêm khắc của chàng đứng ra điều khiển. Chàng sẽ nổi tiếng, sẽ trở thành một nhạc sĩ vĩ đại. Franz Schubert. Phải ! Franz Schubert, một tên tuổi sáng chói trong tương lai. Nhưng đến đây dòng suy nghĩ cũa chàng bị thực tại chua chát cắt ngang, trong đám đông có tiếng xì xào :
- Ê ! Con bọ hung. Con bọ hung kia !
Máu dồn lên đầu, chàng nghiến răng lại. «A, được rồi, các ngươi chống mắt ra mà xem loại côn trùng này lột xác, tắm mình trong vinh quang. Chẳng bao lâu nữa, các ngươi không còn gọi ta bắt đầu bằng từ "con" nữa, mà sẽ gọi ta là "ngài"; "ngài Franz Schubert" đấy nhé ! Chờ đợi đi , hỡi những kẻ dám chế nhạo ta !
Nắm ngón tay run rẩy chạy chệnh choạng trên các dây vĩ cầm; cung đàn nghiến vào bốn sợi dây bật ra những âm thanh nặng nề, oán hận, nhưng đèn màu xanh đỏ vẫn tỏa sáng mờ ảo diệu kỳ, từng đôi quay cuồng trong giai điệu diễn tả cảnh hoàng hôn, mặt trời đỏ ối nằm bềnh bồng trên sóng nước xanh thẳm mênh mông, nhưng tất cả không hay biết gì tâm trạng chán nản của chàng nhạc sĩ đang cố đè nén nổi xúc động trong lòng mình.
Chợt năm ngón tay lơi lỏng trên dây đàn, cây cung kéo trì xuống một âm thanh dài thượt, nhỏ dần và biến mất. Chàng nhạc sĩ đứng như trời trồng, hướng mắt về cửa ra vào. Nơi đây vừa xuất hiện nàng Caroline Esterhazy, ái nữ của bá tước với bộ y phục trắng muốt, khuôn mặt dịu hiền, thân hình kiều mị, trông nàng mới đẹp làm sao !
- Ê ! Sao nhạc ngưng ngang vậy !
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía chàng. Schubert bối rối cúi gầm mặt xuống, nâng đàn lên vai rồi kéo những âm thanh khiên cưỡng. Dàn nhạc tiếp tục xao động như một cỗ máy dệt rì rầm. Không còn tiếng sóng vỗ bờ bởi linh hồn của chàng nhạc sĩ đang tan ra thành những giấc mơ. Chàng đang mơ một ngày rất lạ. Cô gái mặt y phục trắng đang chạy lướt thướt sau những hang bạch dương mỗi lúc đến gần chàng hơn, tiếng cười dòn tan vang trong khu rừng xanh ngắt, tiếng gió vi vu, tiếng chim líu lo chào đón mùa xuân. Những âm thanh của đất trời và con người hoà lẫn với nhau, tạo thành một âm sắc dày dặc của trăm ngàn thứ nhạc cụ, một sự sống tuần hoàn, bất tuyệt ca hát trong tâm hồn chàng. Cô gái gương mặt ửng hồng chạy đến gần chàng với đôi cánh tay trần mịn màng rộng mở, ánh mắt nàng trìu mến và khuyến khích nam tính trong con người chàng, nhưng sao Schubert run quá, chàng không dám dơ tay đón nhận thân hình sắp ngả vào vòng tay chàng, kéo chàng lên cao rồi buông cho người chàng rớt xuống. Schubert giựt mình choàng tỉnh. Sự đau khổ âm thầm quất những ngọn roi lên tâm hồn tràn đầy yêu đương của chàng. Đêm ấy chàng đã mơ, giấc mơ luyến ái đầu đời khiến chàng trở nên vụng về hơn giữa những người quyền quý, giàu sang.

Sáng thứ ba tuần sau, vừa bước chân đến cửa lớp, Schubert lại nghe những tiếng thì thào "Con bọ hung …" "Con bọ hung đến kià" . Những tiếng cười rúc rích chế ngạo chạy từ hàng ghế này sang hàng ghế khác. Và khổ thay, nó thoát ra từ cửa miệng của sáu mươi học trò nghỗ nghịch, con cái những nhà quý tộc trong vùng, những đứa trẻ mà chàng có nhiệm vụ nặng nề là phải dạy cho chúng trở thành những kẻ sành âm nhạc.
Chàng dừng chân tại ngưỡng cửa lớp, nghiêm nghị nhìn xung quanh rồi thẫn thờ bước sâu vào giữa các hàng ghế. Một nỗi buồn dâng lên làm ứ nghẹn tim chàng.
Schubert cố giữ bình tĩnh, chàng giảng thao thao bất tuyệt nhưng không chút hứng thú trước những ánh mắt châm chọc vào cái đầu xù và đôi kính của chàng. Schubert nói như trả nợ quỷ thần, nghiệp áo cơm bất dắc dĩ này khiến chàng chán nản quá. Không khí im lặng trong lớp trôi qua được khoảng mười lăm phút, chợt những tiếng độn lộp cộp gõ đều vang lên từ "xóm nhà lá" ở cuối lớp dăm ba tiếng cười rúc như chuột mào đầu cho sự nhốn nháo, ồn ào như ong vỡ tổ. Lũ nhóc vò đầu cho rối bù lên như đầu của thầy giáo. Chúng cụm hai bàn tay thành hai vòng tròn rồi đưa lên mắt như cặp mắt kính của Schubert, đã thế những cái đầu lắc lư và lưỡi chúng thè ra trêu chọc thầy giáo nữa. Schubert, giận tím người chàng không ngờ lũ trẻ quậy phá gớm như thế.
- Trật tự !... Trật tự !...-Schubert hét lên, lấy thước đập vào chiếc bàn. Chàng gọi một đứa gây rối loạn nhiều nhất lên trước lớp.
- Em tên gì ? Sao em không chú ý bài giảng ?
- Thưa thầy … Em tên Schu…be..rt…biệt danh ‘’chó xù’’ Cha em là bá tước Esterhazy .
Cả lớp cười ầm lên khiến Schubert tái mặt. Thế là hết mức rồi. "Nhất quỷ nhì ma" và thứ bà là thằng nhóc này … Chàng nhìn khuôn mặt sáng sủa nhưng nghịch ngợm của nó, sao giống nàng Caroline quá ? Schubert nghĩ thầm chàng chợt dịu lòng, cơn giận biến đi đâu mất.
- Em là em trai của cô Caroline ?
- Dạ phải. Chị em khen thầy đàn hay lắm ! . 
Schubert giật mình, cái tin đó khiến chàng cảm thấy sung sướng lạ thường. Nhưng biết đâu thằng nhóc này định phá thêm bằng trò quái quỷ nào nữa thì sao ? Schubert nghi ngờ nhìn thẳng vào mắt đứa học trò. Lần này, có vẻ nó nói thật, gương mặt nó hồn nhiên và đôi mắt, Ôi ! Sao giống người mà chàng mơ tưởng quá. Đột nhiên, Schubert không ý thức được mọi vật chung quanh. Hình ảnh nàng tiên Carolineđang được phác họa dần trong tâm trí chàng. Những âm thanh hỗn loạn chui tọt từ chiếc vỏ tiềm thức ra , nhảy loạn cuồng trong đầu chàng. Nó bám vào dây thần kinh như một bầy kiến khiến chàng giật nảy người, quay lưng về phía lớp học. Âm thanh bắt cánh tay chàng cầm viên phấn trắng giơ lên trong vô thức và những notes nhạc ngoằn ngoèo xuất hiện trên tấm bảng đen như một dòng suối chảy róc rách. Tài năng siêu phàm của Schubert trong cơn đồng bóng đã dệt nên một ca khúc giản dị, trong sáng như mối tình thầm kín của chàng dành cho Caroline. Lũ học trò kéo lên vây kín ông thầy "điên". Cả lớp học biến thành giông bão, chúng hét lên nhảy cẫng lên khi thấy ông thầy gạch lên bảng chi chít những nốt nhạc như kẻ say rượu … Một đứa biến đi và giây lát sau nó thở hổn hển chạy vào, theo sau là bá tướcEsterhazy. Lúc này, schubert chợt tỉnh, sợ sệt quay lại nhìn vẻ nghiêm trang, lạnh lùng trên gương mặt của ngài bá tước.
- Anh làm gì thế ?Anh không thể giữ trật tự trong lớp được à ?
Schubert bối rối trả lời :
Thưa ngài … tôi sợ quá. Tôi không hiểu tại sao … Tôi sợ chính tôi. Sợ thân hình tôi. Sợ bề ngoài của tôi … sợ mọi người, sợ ngài, sợ cha tôi và những người con gái. Tuy nhiên, nếu ai biết rõ sức mạnh tình yêu mà tôi cảm nhận được thì … Xin tha lỗi cho tôi, thưa ngài. Tôi …
Bá tước Esterhazy im lặng một lát rồi bảo chàng :
- Sáng nay dạy bao nhiêu đó được rồi, anh về nghỉ đi.
Lũ học trò chạy ào về chỗ ngồi lấy cặp rồi phóng vọt ra khỏi lớp, bá tước bỏ đi, chỉ còn Schubert đứng như kẻ mất hồn. Chàng đã làm gì chứ ? Điên rồi chăng ? Ý tưởng quay cuồng trong đầu chàng. Schubert nhìn lên bảng, âm thanh từ những vệt phấn trắng cuộn xoáy trong không gian nhỏ hẹp của lớp học, dội vào bốn bức tường và chui vào tai Schubert một giai điệu trác tuyệt. Chàng đã viết lên một ca khúc đầu tay bằng chính sức mạnh tình yêu của chàng.
Đêm dạ hội kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập giáo đường Lichtenthal bất đầu, Schubert hồi hộp đặt hết tâm hồn mình vào cây đàn vĩ cầm, những âm thanh réo rắt trên bốn dây đã trút cạn tâm sự của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi ấy. Ca khúc đầu tay của Schubert thành công ngoài sức tưởng tượng. Âm thanh trôi đi miên man, tình yêu như kết tinh từ một tâm hồn đã giao hoà với trời đất, thiên nhiên, cây cỏ và con người. Nó đưa người ta đến bến bờ của mọi vùng cảm xúc. Sự dao động tư tình của Schubert đã chan trong tất cả ngõ ngách sâu kín của trái tim những người đến dự dạ hội đêm ấy. Nhưng người rung cảm trước thiên tài âm nhạc của Schubert nhiều nhất lại là một cô gái ngây thơ, chất phác. Nàng đã khen chàng với những lời nóng bỏng, giản dị đến thật thà
- Thưa ông Schubert, nhạc của ông thật tốt và nóng bỏng như một ổ bánh mì … Tôi rất sung sướng khi được nghe …
Suýt tí nữa Schubert bật cười. Chàng nhìn nàng với ánh mắt lạ lẫm, vui vui. Nàng có vẻ quyến rũ đấy chứ ! Schubert nghĩ thầm. cô gái có mái tóc hung đỏ, cổ áo hở để lộ một vùng da thịt trắng nuột, thân hình thon thả và giọng nói trong trẻo như tiếng chim sơn ca.
- Cám ơn cô đã quá khen. Cô tên gì ?
- Dạ Thèrèse Crob. Em biết ông đã lâu và rất mến phục tài năng của ông!
Đối với một nhạc sĩ nhiều mặc cảm như chàng, nàng có vẻ dễ thương hơn các cô con gái của ông bà bá tước Estenhazy. Đôi mắt xanh trong của nàng như dòng suối mát rượi chảy trong tâm hồn chàng. Nàng nhìn chàng, bốn mắt gặp nhau như định mệnh đã an bài từ trước. "Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt" điều đó chắc không sai trong trường hợp của Schubert. Ngay đêm đầu tiên, sau buổi dạ hội hai người đi dạo một đoạn đường. Cố gấng lắm Schubert mới giữ được bình tĩnh khi đi chung với một cô gái trong đêm tối.
Chàng hiểu rằng mình đã yêu, yêu như hít thở khí trời vậy mà, tự nhiên đến rất thật lòng. Chàng muốn nắm tay nàng biết bao lần đễ nói rằng "anh yêu em" nhưng sao chàng rung quá. Suốt trên quãng đường ấy thời gian bay nhanh như một tia chớp …, Schubert cứ mãi im lặng và hồi hộp nghe trống ngực mình đập liên hồi. Nhất định phải nắm lấy tay nàng, thố lộ lời yêu. Schubert đếm thầm trong bụng "một … hai … ba …, chàng nín thở đưa tay ra nhưng chợt rụt lại. Bản tính nhút nhát khiến chàng không biết cư xử ra sao cả. Trước khi chia tay, cố gấng lắm Schubert mới nói được một câu để Thérèse hiểu lòng chàng một cách mơ hồ :
-Tha lỗi cho anh nhé, Thérèse ! Anh không biết nói thế nào để em vui hơn. Anh xấu xí quá …
Mặc cảm tự ti nữa. Schubert không bao giờ dám tỏ tình trước bất cứ một cô gái nào, dẫu là cô gái đó yêu chàng. Chính vì thế, nàng Thérèse nghĩ rằng đã đến lúc mình phải bạo dạn nói thay chàng.
Cuộc hẹn hò thứ hai diễn ra. Vào một đêm trăng cặp tình nhân thời kỳ mới hé nụ hồng đi bên nhau. Câu chuyện bóng gió xa xôi giúp hai người hiểu nhau hơn, nhưng Schubertnhát gái khủng khiếp, chàng cứ tách xa ra hay đi chậm lại mỗi lần nàng Thérèse vô tình đụng chạm thân thể mềm như bông vào người chàng. Trước khi khép cửa từ giã Schubert, nàng nắm tay chàng, thổn thức :
- Schubert ! Em muốn làm vợ anh !
Câu nói khiến chàng bối rối bẻ ngón tay răng rắc và quay mặt sang hướng khác, không dám nhìn Thérèse. Tại sao nàng có thể yêu chàng, yêu một gã ngốc nghếch, một ông thày dạy nhạc xấu xí, nghèo khổ ? Chàng tự hỏi lòng mình như thế. Nhưng trong cõi xa xăm từ sầu thẳm tăm hồn, một giọng nói thúc giục chàng : "Hãy siết chặt nàng đi. Hôn nàng đi, đồ ngu. Nàng đã yêu mày say đắm như mày đã yêu nàng. Siết chặt nàng trong vòng tay đi. Hôn đi. Cuồng nhiệt lên. Rồi mày sẽ thấy mày là một thằng đàn ông đúng nghĩa …"

Schubert vừa thở gấp vừa run như cầy sấy. Chàng vẫn sợ. Sợ cái gì chàng cũng không hiểu được. Làm sao chàng dám chủ động như vậy. Và một lần nữa, chính nàng siết chặt chàng trước và đặt những nụ hôn cháy bỏng lên đôi môi ngờ nghệch của chàng. Một điều kỳ lạ cuốn chàng bay lơ lửng giữa trời : đêm yên tĩnh, trăng sáng và gió chạy đuổi trên các ngọn cây rồi biến mất trong bóng tối xa xa …
Đầu mùa xuân năm 1845 thành phố Vienne tràn đầy nắng ấm. Khung cảnh thiên nhiên đường phố như mang một sinh khí mới, nhịp sống quen thuộc của những tháng mùa đông như băng tuyết tan ra thành một dòng sông âm ảo chảy theo cung bậc mới với những tiếng chim trên trời cao, những hàng cây xanh ngắt dọc theo các đại lộ, những toà nhà đồ sộ như muốn vươn mình lên, dòng người ngược xuôi, tiếng kèn xe inh ỏi. Vienne đẹp như một bài thơ xuân, nhưng vẫn không dâng tặng Schubert một niềm vui trọn vẹn. Tình yêu hơn bao giờ hết, nó cựa mình thức giấc như con gấu ngủ suốt mùa đông trong tâm hồn Schubert, cất tiếng gầm vang làm kinh động giấc mơ của chàng hàng đêm. Dẫu rằng Schubert muốn tự cho nó là một hiện tượng thiên nhiên xưa cũ trên bề mặt địa cầu, nhưng sao chàng không thể bình an, Bởi vì tình yêu là một hiện tượng "thiên nhiên của tâm lý". Mỗi người có một thái độ khác nhau khi cảm nhận tình yêu. Nhưng nhìn chung, vẫn là những nhớ thương lúc xa cách, say đắm lúc môi hôn, vòng tay cuồng nhiệt trong sự xô đẩy cảm giác đến đỉnh cao của hạnh phúc.
"Thérèse ! Mọi nẻo linh hồn anh đều hướng về em, nhưng anh thấy rằng trên những nẻo đường ấy đang ngập tràn gió mưa và băng tuyết.
Anh đang sợ cuộc đời và sợ các bán tinh hung bạo của con người. Anh đang cố làm cho mạnh hơn. Mạnh cho anh và cho em, cho hai ta. Anh muốn làm thế nào cho có tiền của và khi đạt được anh sẽ mặc một bộ quần áo thật đẹp và thật mới để tìm mẹ em ".
Schubert muốn làm việc thật nhiều để đủ tiền kết hôn với Thérèse, như cái chết của thân phụ nàng sau nhiều năm bệnh tật đã biến thành một bức tường kiên cố ngăn cản đôi lứa yêu nhau.
Thành phố Vienne phù phiếm với bề ngoài những đạo đức, luân lý, dù đã bạc màu, tróc sơn trên gương mặt xã hội, nhưng vẫn còn dính một mảng đậm đen trên vấn đề tan chế, biến nó thành việc hệ trọng trong ý thức hiếu đạo của con người. Kể từ đó, Schubert chỉ còn cách gặp nàng qua những bức thư tình nồng cháy, nhưng sự say đắm nằm sâu trong tang tóc như những hòn than đỏ rực, âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn.
Với số tiền ít ỏi nhận được trong đêm trình diễn Schubert đến trọ trong nhà một người bạn thân giàu có ở Vienne, đó là bá tước Shober.
Ban ngày, chàng đi dạy nhạc cho bạn bè của bá tước, đêm đến chàng nhớ Thérèse da diết. Một tình yêu mãnh liệt, Schubert lao đầu vào sáng tác và chưa đầy hai mươi tuổi chàng đã viết bốn mươi ca khúc, đặc biệt là hai bản tấu khúc bất hủ đã đưa chàng lên đỉnh vinh quang sau này "Rossignot" và " Roi des Aulnes". Nhưng tình yêu của chàng nhạc sĩ đại tài thuở mới vào nghề vẫn không nhận được một phần xứng đáng nào. Các nhà xuất bản danh tiếng như Breitktopf và Hartel đều từ chối những ca khúc đầu tay của chàng. Chàng thất vọng quăng tất cả tác phẩm của mình vào sột rác hay trong ngăn tủ bụi bặm quanh năm. Đến khi tiếng tăm của chàng vang dội, thân xác chàng nằm sâu dưới lòng đất lạnh, người ta mới hối hả lục tìm những bản thảo ca khúc còn sót lại của chàng. Nhờ thế "những kẻ tìm vàng" đã tìm được kho tàng âm nhạc vô giá, những hạt ngọc trai kết tinh từ tầng sâu kín trong tâm hồn Schubert đã phát ánh sáng kỳ ảo trước những ánh mắt khâm phục của hàng triệu người trên hành tinh này. Những ca khúc như " Le Roi des Aulnes" và " La Marguerite au Rouet" đời đời sẽ là những giai điệu của nhân loại.
Nỗi thất vọng càng nặng nề hơn khi người ta bác bỏ đơn xin làm nhạc trưởng của chàng ở trường Leibach. Thế là hết, bao nhiêu hy vọng đủ tiền cưới nàng Thérèse đã tan thành mây khói, Schubert gục đầu vào cánh tay để che những giọt nước mắt. Chàng rên rỉ :
-Người ta đã từ khước. Nhưng tôi biết rằng những ca khúc của tôi là những giai điệu đẹp nhất trần gian.
Chàng gượng đứng dậy, lảo đảo đến bàn viết, Và nỗi tuyệt vọng đã giúp chàng sáng tác bằng nước mắt những dòng nhạc trong " Symphonie en ut Majeur". Chàng đành phải nuốt cái cay đắng vào trong cái đắng cay của cuộc đời mình. Đời sống vốn dĩ không dễ dãi đối với con người. Như nhà văn Anh Jach London đã nói :
"Sứ mệnh chân chính của con người là sống chứ không phải tồn tại".

Schubert không thể chọn cho mình một cuộc sống hời hợt, vô tư lự. Đối với chàng ý nghĩa đích thực ở cuộc đời là ở chỗ dám hành động, chàng phải thực hiện cho bằng được mục đích của chàng là trỡ thành một nhạc sĩ nỗi tiếng cống hiến cho nhân loại những tác phẩm âm nhạc kết tinh bằng tim óc của mình. Chàng không thể trôi theo dòng đời như cọng cỏ trên sông, bị cuốn phăng đi cả thể xác và linh hồn mình. Đôi lúc bình tâm suy nghĩ những biến động ngẫu nhiên và tất nhiên tác động lên mỗi số phận con người, Schubert cảm thấy buồn cười, thế giới trở thành một vỡ kịch nhiều Chương hồi, dài ngoằng những âm thanh vui nhộn. Nhưng khi trở về đời sống nội tâm của tâm hồn đa cảm, chàng thấy thế giới là một bi kịch, nỗi buồn thảm ru hời âm thanh của sự chết và nước mắt. Đời nghĩa là một khoảnh khắc phù du, nhưng chợp lấy cái ngắn ngủi ấy, người ta có thể làm nên những việc mang tính vĩnh cửu. Schubert biết như thế. Và trong cõi nhân sinh của kiếp ve sầu mùa hạ, thời cơ đã tạo cho Schubert cất lên tiếng đàn chứng tỏ tài năng của mình. Đời sống đã dâng tặng cho chàng một món quà bất ngờ để bù lại nỗi đau như một thanh gươm cắm sâu trong lòng ngực chàng. Một hôm, ông bạn Schober đến bảo chàng một tin vui :
- Gia dinh bạn tôi là bá tước Esterhazy đang tìm một thầy dạy nhạc cho các cô con gái trong mùa hè này, tại lâu đài Szeliz của họ ở Hungari. Tôi đã giới thiệu anh với ông ta. Họ bằng lòng lắm họ biết rất nhiều ca khúc của anh và tỏ ra rất hâm mộ những ca khúc ấy.
Còn gì sung sướng cho bằng khi biết được tin đó Schubert nhớ lại buổi dạ hội năm nào, nhớ đến sự hiện diện tăm tối của chàng trong dàn nhạc lúc chàng còn là một gã khố rách áo ôm, một kẻ đàn thuê khốn khổ. Và khuôn mặt đẹp tuyệt trần của nàng Caroline nữa. Ôi ! Người con gái năm xưa đã vô tình đi qua những rung cảm đầu đời của anh con trai mười bảy tuổi. Nàng đâu có hay rằng ngọn lửa tình yêu không bao giờ tàn trong những chiếc lò bằng tim bằng máu của Schubert. Nó như cây hoa hồng, tự mọc lên và đâm sâu trong thực thể của chàng suốt mấy năm nay, mỗi cô gái chàng yêu là những cành cây xanh tươi, trổ hoa ngay cả trên những đống tro tàn kỷ niệm của trái tim chàng.
Và đây, trên vườn xưa của ký ức, nàng Caroline hiện lên rõ nét trong tâm trí chàng. Schubert nhớ đến bộ quần áo cũ kỹ cũa chàng, một bộ y phục sang trọng nhất của kẻ chăn cừu dùng trong những ngày lễ hội. Rồi đây, chàng sẽ trở thành một hoàng tử khi đến lâu đài của bá tước Esterhazy.
- Thật không tin được. Tôi lại làm nhạc sư cho Caroline Esterhazy sao?
- Đúng vậy, cho Caroline và Marie nữa. Hai thiếu nữ xinh như mộng …
Chiều hôm ấy, chàng giam mình trong phòng để tận hưởng cảm giác hạnh phúc tuyệt trần. Giấc mơ như chiếc chià khóa giúp Schubert thoát khỏi cảnh của thể xác chàng. Schubert phải giữ vững tay chèo, lái con thuyền tưỡng tượng đến bến bờ sự thật. Chàng nhất định phải để thời gian và những yếu tố bất ngờ mang tính chất bất hạnh nhận cuộc đời chàng xuống đáy thẳm tuyệt vọng một lần nữa. Chàng phải chinh phục lòng tin, sự kính trọng của gia đình bá tước Esterhazyvà cô con gái rượu xinh đẹp của ông ta. Chàng phải chứng tỏ mình là một ngôi sao băng rực rỡ, một vầng thái dương chớ không phải một hành tinh mờ nhạt của buổi dạ vũ ngày xưa. Tài năng của chàng sẽ là những hạt nguyên tử bốc cháy và phát sáng chói lọi trước những cặp mắt ngưỡng mộ của kẻ đã từng gọi chàng một cách khinh miệt là "con chó xù, "con bọ hung" "gã hát rong gàn dở" …
Chợt những tiếng gõ cữa vang lên, kéo Schubert về thực tại. Chàng choàng dậy ra mở cửa. Nàng bước vào trong bộ y phục lộng lẫy dù đó chỉ là một bộ đồ tang.
Những lọn tóc óng ả của nàng tuôn chảy xuống đôi vai trần tròn trĩnh. Schubert mừng rỡ kêu lên :
- Chúa ơi ! Em đấy à ?
Nhưng bắt gặp buồn bã của người yêu, niềm vui trong lòng chàng chùng xuống, Schubert lo âu hỏi :
- Có chuyện gì quan trọng không em ?
Thérèse im lặng nhìn chàng rồi nói :
- Mẹ em cương quyết buộc em phải lấy chồng. Em lo quá, không biết tính sao nên em đến tìm anh.
- Ai thế ?
- Ông Bergmann chủ một lò bánh mì.
Nghe tin sét đánh đó. Schubert chới với. Ruột rối như tơ vò, chàng bập bẹ nói với nàng :
- Chừng … Nào … ?
- Chưa biết, nhưng anh còn thương em không ? Anh nói đi.
Nước mắt chảy dài trên gương mặt của Thérèse :
- Anh Schubert, em muốn đợi anh đến mãn đời trọn kiếp, nhưng bây giờ thì tùy anh quyết định … Anh còn thương em không ?
Schubert cảm thấy đau khổ tột cùng :
- Em yêu ! Em không biết là anh sắp đi Hungari để dạy nhạc cho các tiểu thư con bá tước Estarhazy sao ? Anh yêu em. Người ta trả tiền rất hậu và anh hy vọng có đủ tiền để làm lễ cưới cho chúng ta.
- Được. Em sẽ đợi anh. Đợi anh thêm một năm nữa.
Thérèse nhìn thẳng vào mắt Schubert. nói như một lời thề bằng máu rồi ra về, để lại nỗi cô đơn nặng nề trên trái tim thoi thóp của Schubert. Cuộc chia tay không có nụ hôn tạm biệt, bởi vì chàng chưa bao giờ đủ can đảm siết chặt nàng dù xúc cảm đang dâng trào trong lòng chàng. Chàng không để sự tuyệt vọng như những giọt nước nhiễu từ từ, xói mòn ý chí sắt đá của chàng, càng không thể để con chuột cô đơn gậm nhấm dần thần kín của chàng, phải đứng dậy và chiến thắng hoàn cảnh.

Schubert xách chiếc valise lên đường. Sau những giờ dọc đường gió bụi, chàng đặt chân đến toà lâu đài của bá tước Esterhazy. Chàng lo ngại trước vẻ nguy nga tráng lệ của mặt tiền lâu đài và bối rối không biết điều gì sẽ xảy ra với chàng, khi ngài bá tước nhận ra gã nhạc sĩ tồi tàn, xấu trai, cận thị năm nào. Cánh cửa rền những tiếng oai nghiêm rồi mở rộng. Một giọng nói thanh tao rót vào tai chàng :
- Xin chào nhạc sĩ. Chắc ngài mệt lắm sau chuyến đi dài. Mời ngài vào. Tôi là Caroline, còn đây là Marie chị tôi.
Franz Schubert cúi người chào lại hai người đẹp :
- Rất hân hạnh được tiếp xúc với hai tiểu thư.
Chàng đi theo hai nàng đi thẳng đến phòng khách, nơi đây bá tước Esterhazy đang đứng với hai người bạn đợi chàng. Mùi hương trinh nữ quá gần khiến Schubert đỏ mặt. Chàng ngất ngây trong trạng thái hoàn toàn mới lạ.
- Ô, xin chào ông nhạc sĩ.
Bá tước Esterhazy hân hoan đón Schubert bằng một nụ cười. Ông quây sang bạn của mình :
- Thưa quý ngài ! Đây là ông Franz Schubert, một nhạc sĩ có hạng, kể từ nay ông ấy sẽ là giáo sư dạy nhạc cho hai công chúa của tôi. Sự hiện diện và tài năng âm nạc của ông ấy sẽ làm cho lâu đài chúng ta được vinh dự như Beethoven đã tạo cho ông chú tôi vậy.
Sự giới thiệu sốt sắng, đầy tính chất khen ngợi nồng nhiệt của bá tước giúp Schubert lấy lại bình tĩnh. Chàng nghĩ thầm, chắc bá tước đã quên nhạc sĩ tóc xù, cận thị và ăn mặt lôi thôi lếch thếch trước kia rồi.
Một bữa tiệc long trọng diễn ra chào mừng Schubert và chàng thật sự trở thành một nhân vật đặc biệt, một vị khách quý trong gia đình bá tước Esterhazy.
Đêm đầu tiên nghỉ trong tòa lâu đài, Schubert trằn trọc mãi, không tài nào ngủ được. Chàng nghĩ đến sự rung động ngày xưa của mình. Cái tình yêu thuở niên thiếu của chàng dành cho Caroline trong buổi hoà nhạc năm nào, nó thật nhẹ nhàn giản dị, thanh tao và thơ ngây quá. Bây giờ chàng nên coi xúc cảm đầu đời như một kỷ niệm thiêng liêng hay biến nó thành hiện thực, có nghiã là chinh phục trái tim nàng Caroline. Chàng lắng nghe lại lòng mình, đứng trước Caroline hôm nay, chàng vẫn trở về với cảm giác thánh thiện lạ thường của tuổi mới lớn. Nhưng còn người yêuThérèse vò võ đợi chàng từng phút ở quê nhà thì sao ?Chàng yêu Thérèse thật lòng, một tình cảm chín chắn chớ không lãng mạn, trẻ con như đối với nàng Caroline. Thôi đành biến những mơ mộng ngày xưa thành một tình yêu thương gia đình, tình anh em vậy. Chàng không muốn thắt gút một sợi dây oan nghiệt để treo cổ cả ba người : Chàng,Caroline và Thérèse. Nhưng trớ trêu thay ! Có những con đường muốn tránh đi, có những hàng rào muốn nhảy qua mà không tài nào thực hiện được. Bên cạnh nàng Caroline xinh đẹp còn có Marie , chị nàng nữa. Marie có nét đẹp giãn dị và mộng mơ. Vẻ thanh thoát của nàng, cử chỉ dịu dàng của nàng, dáng dấp ngây thơ của nàng đủ làm dịu lòng những chàng trai, an ủi khi họ buồn khổ, động viên khi họ tuyệt vọng và giúp họ đứng vững trước sóng gió của cuộc đời. Marie xứng đáng là một người yêu lý tưởng, một người vợ hiền. Nhưng còn Thérèse, Thérèse ơi ! Em hãy đợi anh về …
Schubert miên man suy nghĩ và cố gắng đè nén những xúc cảm của mình. Trái tim nghệ sĩ của chàng mênh mông quá.Chàng có thể dễ dàng say đắm trước những đứa con kiều mị của nữ thần ái tình. Chàng nào muốn bắt cá hai tay, thay ngựa giữa dòng đâu. Nhưng chàng yêu cả hai thì sao ? Và điều đó xấu xa lắm sao ? Ai đã định nghĩa tình yêu đích thực là không thể sang sẽ ? Chàng muốn phủ nhận điều đó, vì chàng yêu thật trước hai người con gái Thậm chí nhiều hơn nữa, tâm hồn chàng đủ sức chứa đựng lượng tình ái khổng lồ. Và chàng không xấu hổ về sự tham lam của mình, dẫu rằng nó không bình thường lắm so với nếp nghĩ của mình. Mọi định kiến xin hay cút khỏi lý trí của chàng, mong người đời đừng lời ong tiếng ve, hãy để chàng sống, yêu và sáng tạo nghệ thuật.
Sau giờ học nhạc, Marie thỏ thẻ vào tai chàng :
- Tôi muốn lấy âm nhạc làm mục đích sống như ông vậy, ông Schubert ạ. Âm nhạc dâng tặng những ngày êm ả, phủ lên đời tôi bóng mát của hạnh phúc triền miên, thật không có gì bù đắp được thiếu nó, thưa ông.
Schubert cười. Cô bé xa rời thực tế quá. Chàng nói :
- Cô yêu âm nhạc lắm phải không ? Nhưng tôi nghĩ âm nhạc của cô khoác bộ cánh sang trọng và rộng chơi quanh quẩn trong toà lâu đài tráng lệ này. Nó chưa biết đau khổ vì miếng cơm manh áo, vì sự hững hờ của người đời. Cô hãy mang nó ra chợ trời, thử rao bán tình yêu âm nhạc của cô đi. Người ta sẽ định giá của nó bao nhiêu, lúc đó xem cô có yêu nổi nữa không. Đối với tôi, âm nhạc là lẽ sống, là con đường tôi phải đi đến cuối cuộc đời, ngày nào tôi nhắm mắt xuôi tay, trút hơi thở tàn cuối cùng, có lẽ tôi sẽ hết yêu nó bằng hành động cụ thể của một sinh vật. Nhưng linh hồn tôi sẽ là người chung thủy đối với nó đời đời. Còn cô, âm nhạc trang sức cho cuộc đời may mắn, nên cô thấy nó chỉ mang đến nụ cười. Cô hãy nghĩ kỷ trước khi yêu đấy, cô bé ạ !
Schubert và Marie đã khôn khéo mượn âm nhạc để bằng cách bóng gió xa xôi bộc lộ tình cảm và nhận xét của mình về người đối diện.
Và cứ thế, sau những buổi học, họ trò chuyện với nhau. Cả hai đều biết rằng lửa gần rơm tất phải bén cháy thôi, và khi cảm xúc đã đầy như một ly nước ắt nó phải hoà vào tâm hồn nhau thôi.

Hai nhịp tim chờ đợi thời gian để hoà điệu một cung bậc yêu say đắm. Nhưng sự thầm kín của Schubert và Marie không qua được cặp mắt sành đời, dày dặn kinh nghiệm sống củabá tước phu nhân Esterhazy. Bà ta đứng ở khúc quanh trong khu vườn của toà lâu đài, đôi mắt lo ngại, phiền muộn về phía hai người. Schubert và Marie chậm rãi bước dọc theo lối đi đầy những khóm hoa.
Schubert chợt nhìn thấy bá tước phu nhân và chàng tiên đoán ánh mắt của người đàn bà đang nghĩ đến một việc hệ trọng. Bà đến bên cạnh chàng, bảo Marie vào nhà, rồi nói với giọng dịu dàng pha lẫn chút thương tiếc :
- Ông Schubert thân mến, tôi muốn kể cho ông nghe một chuyện về nhà soạn nhạc nổi tiếng Beethoven. Con người vĩ đại ấy đã yêu một nàng công chúa. Tôi không hiểu nàng công chúa có yêu bậc tài ấy hay không . Câu chuyện không có đoạn cuối. Nhưng nhà soạn nhạc này đã có một ý chí sắt đá, một trái tim nồng nàn của một loại thép nguội đó ông ạ. Hồi đó, vị nhạc sư lặng lẽ ra đi và không bao giờ trở lại nữa. Ông ta thừa biết những lời ngạo báng đã giết chết mối tình của ông. Câu chuyện lâm ly như tiểu thuyết và đầy kịch tính phải không, ông Schubert ?
Bá tước phu nhân im lặng một lát rồi hỏi chàng :
- Ông Schubert, nếu ở trong trường hợp ấy, ông sẽ làm thế nào ?
- Thưa bà, tôi cũng ra đi … ngày mai.
- Tiếc là không giữ được một người tài năng và hiền lành như ông.
Gấp gáp thế tôi cũng ái ngại. Nhưng kéo dài vài hôm nữa có thể muộn lắm rồi. Ông đã suy nghĩ đúng và chứng tỏ được nghị lực của một người đàn ông. Ông đừng ngần ngại gì khi không gởi lại một lời an ủi với con gái tôi. Tôi sẽ nói với Marie và có lẽ nó hiểu …
Thế là hết. Đàn đứt dây tơ, phím gãy, cung chùng. Cuộc phiêu lưu đẫm nước mắt đến tương lai và sự trở về tuyệt vọng như bước vào địa ngục.
Ngày mai chàng ra đi. Không kiệp nói với Marie một lời từ giã, không thể thố lộ lòng yêu. Khi những con gà chưa kịp thức giấc, gáy chào binh minh thì Schubert đã xách chiếc valise nhỏ bé ra đi. Sương rơi đẫm ướt chiếc áo phong phanh. Thấm vào da thịt chàng cái buốc giá rùng mình. Bóng tối nhờ nhờ trên con đường đất rợp những tàng cây cao ngất. Tiếng dế nỉ non cạnh bờ ruộng lúa. Tiếng giày lộp bộp của chàng vọng lên từ đất, một niềm cô đơn của kẻ dạ hành du mục.
Cây đàn trên vai theo chàng những bước thấp bước cao, nó mang theo những ngày hoan lạc, những âm thanh reo vui nhưng ngắn ngủi. Lâu đài và tình yêu xa dần, chỉ còn một nổi tuyệt vọng trước mắt, gần gũi và đáng ghét. Hình ảnh Marie nhạt nhoà như bóng người đi đêm cô độc xa xa … 
Vài hình ảnh của thành Vienne


Schubert trở về thành Vienne của kỷ niệm đợi chờ, tìm lại cây đàn dương cầm cũ kỹ và căn gát trọ thâm u của mình. Nơi đây, không có một bàn tay vạch ngày nắng mới, không có một nhịp cầu bắc qua đêm thâu. Ngọn đèn nhà ai hiêu hắt, vàng mắt đợi một niềm vui hội ngộ. Nhưng Schubert không còn tìm thấy Thérèse nữa. Bạn Schubert báo tin cho chàng biết rằng : Vắng tin chàng, nàng không thể hóa đá vọng phu với nỗi chờ mong vô vọng. Gia đình nàng buộc nàng phải mặc chiếc áo cô dâu trắng tinh đến nhà thờ, và nơi đây thứ hai tuần tới, Bergman, chủ lò bánh mì, sẽ gắn lên ngón tay áp út của nàng chiếc nhẫn định mệnh ràng buộc hai cuộc đời.
Schubert thì thầm : "Vâng ! Thế thì tốt hơn".
Ngày thứ hai nửa vui nửa buồn đã đến. Bầu trời mùa thu xám xịt. Như bị cấu xé bỡi những tình cảm tối tăm hỗn loạn, Schubert núp sau cánh cửa nhìn về phía giáo đường trang nghiêm. Tiếng chuông báo hỉ đổ dồn trong hư không, chao lượng thành một cầu vòng bảy sắc rồi chít vành khăng tang cho một cuộc tình đã mất. Một lát sau, chiếc xe hoa vụt ngang, Schubert chỉ kịp thốt lên một tiếng kêu nấc nghẹn trong cổ họng.
- Thé…rè … se … !!!
Không thể chịu đựng nỗi đau khổ cay nghiệt, Schubert chạy trốn trong nước mắt. Âm thanh của tiếng chuông nhà thờ vọng từng hồi rộn rã, lạnh lùng như những cú đấm của ma quỷ khiến chàng ngã quỵ. Những chiếc lá úa vàng rơi rụng đầy đường, lẫn lộn trong xác pháo và bay tan theo những cơn gió vô tình. Bạn bè Schubert rất lo ngại tình trang mất thăng bằng của chàng. Họ thấy cần phải tạo cho chàng một nguồi vui mới. Danh ca Volg một trong những người bạn thân của chàng, khuyên chàng nên trở về thành phố Steyrnhỏ và đẹp ở Silésie, quê hương chàng Schubert không chút đắn đo, chàng bằng lòng ngay đề nghị của bạn.
Chàng đến trọ nhà ông Schellmann giàu có, góa vợ và cóbốn cô con gái đẹp đều say mê âm nhạc, nghệ thuật. Một trong bốn nàng tiên này là cô Séraphine. Nàng đọc sách suốt ngày và thuộc những câu danh ngôn bàn về tình yêu. Ban đầu nàng chỉ xem Schubert như một người bạn đáng kính trọng, nhưng dần dần sự chuyển hóa theo quy luật tất yếu của ái tình đã cuốn nàng vào quỹ đạo lãng mạn của nó. Song "Tình trong như đã mặt ngoài còn e", "thương anh đức ruột giả đò ngó lơ, nàng lựa một dịp rảnh rỗi trò chuyện với Schubert.
- Anh biết nhà văn William Shakespaere và Fjodor Mikhailovitsh Dostojeyski nói thế nào về tình yêu không ?
- Thế nào chứ ?
- Tình yêu là toàn năng, không có nỗi đau nào trên đời lớn hơn sự trừng phạt tình yêu và cũng không có tình yêu nào cao hơn niềm khoái lạc của nó dành cho ta. "Càng tiến sâu vào tình yêu linh hồn càng bất tử". Đúng vậy không Schubert ?
- Đúng thế em Séraphine ! – Chàng cười với nàng, một nụ cười tươi tắn, đẹp nhất sau khi chàng mất Thérèse.
Một hôm, Volg nói nhỏ vào tai chàng :
- Séraphine yêu anh rồi đấy ! Đừng e ngại gì cả.
Schubert đáp lại :
- Hinh như tôi cũng yêu nàng.
- Tai sao anh không nói rõ cho nàng. Tất cả đàn bà đều yêu Franz Schubert, anh biết không ? Nhưng anh không dám tỏ tình, không dám yêu họ. Tại sao ?
- Bởi vì tôi sợ, sợ lắm … Sự sợ sệt đã chế ngự đời sống của tôi trong kiêu hãnh và cô độc. Anh nói có lý. Đã hơn một lần tôi buôn trôi một mối tình, giờ đây tôi không muốn mất thêm nữa.
Nhưng muộn quá rồi. Con người được tạo hóa ban cho tài năng siêu phàm đó không ngờ rằng cuộc đời mình luôn luôn là một chuỗi dài bi kịch, một cuộc chiến đấu cam go giữa nội tâm và thực tại. Schubert bị đau đầu và thị giác càng ngày càng kém hơn. Tình yêu chưa kịp tỏ bày thì ngọn bút lông hăm dọa rời bỏ tay chàng. Schubert đành hối hả viết, đem hết tinh lực của một đời trút vào nhạc phẩm được xếp vào bậc siêu đẳng nhất của nhân loại, bản Linachevéo (Dang dở). Bản nhạc quá dở dang thật. Khi tạo được hai đoạn rồi chàng cương quyết không bao giờ viết nốt đoạn thứ ba và người ta đã ước đoán rằng chàng biến nó (khúc nhạc thứ ba ) cho những bóng ma lẩn quẩn bên đời chàng, chonhững cô con gái mà nụ cười khơi lên bão tố cho những ngày trần gian của chàng để hy vọng chiếu sáng một bầu trời mà chàng tin rằng không một chút gợn mây !

Tóc chàng rụng dần, nhiều vết thẹo đỏ hiện lên khuôn mặt chàng buồn khổ xua đuổi hết bạn bè.
Bác sĩ khuyên chàng nên vào nhà thương gấp để tránh bệnh lây lan ra toàn cơ thể. Sau một thời gian điều trị, chàng lành hẳn nhưng đầu không còn một sợi tóc và mẳt mũi thô kệch, xấu xí hơn. Chán đời Schubert không hề bước chân ra đường, tự giam mình trong phòng để sáng tác bảnSérénade, Tilleul và Voyage D’hiver …
Chỉ còn chàng hát khúc độc hành trên đường đời vạn nẻo, những người chàng yêu như Thérèse, Marie và Séraphineđã lần lượt sang sông, bỏ chàng đơn chiếc bên bờ thương nhớ. Một hôm, tình cờ gặp lại Séraphine, giờ này nàng đã làm mẹ và gầy hơn xưa, nhưng dáng dấp vẫn quyến rũ như một loài hoa bất tử, khoe sắc và ngát hương trong tâm hồn chàng. Cả hai mất đi vẻ thân mật ngày xưa. Thời gian đã làm họ trở nên khách sáo và lịch sự. Schubert lấy hết can đảm nói với nàng :
- Nếu tôi nói rằng tôi yêu và muốn cưới bà thì bà nghĩ sao ?
Người thiếu phụ cảm động, nhẹ nhàng lắc đầu :
- Ông Franz ạ ! Nếu lúc trước thì … còn hôm nay chúng ta là bạn.
Tình bạn tốt hơn cả.
Schubert buồn bã cúi đầu. Chàng hiểu chàng đã quá nhát gan trước những cô gái đã yêu chàng. Schubert cố quên hết những sợi tơ vô hình của kỷ niệm tình yêu trói buộc linh hồn chàng. Giờ đây chàng phải chứng tỏ tài năng của chàng trước khi nằm xuống đáy mộ hoang vu, cỏ mọc xanh rì, chết như một kẻ vô danh đầu đường xó chợ. Nhưng công chúng sành âm nhạc và các nhà xuất bản vẫn chưa chịu dễ dãi đối với chàng, chàng nhận thức được những bản nhạc của chàng hoàn hảo đến mức tột cùng của nó. Vì thế, phải cố lấp bằng hố ngăn cách giữa chàng với dân chúng thànhVienne.
Ngày 8 tháng 5 năm 1828, một buổi hoà nhạc dặc biệt của Schubert diễn ra trên đất Áo. Chàng tuyên đoán sự thất bại của mình với Shober :
- Rồi anh thấy. Tối nay sẽ không có ai đến nghe. Quanh cảnh rạp hát sẽ buồn thiu, ảm đạm và mọi cố gắng của tôi sẽ trở thành dã tràng xe cát.
Nhưng tối hôm ấy, Schubert sửng sốt trước một căn phòng rộng chật ních người. Giới nghệ sĩ, sinh viên và bạn bè thân sơ của chàng đang chờ đợi nghe những âm thanh sinh ra từ tâm hồn và trí tuệ của một siêu nhân. Song hiện tượng đó chính là vinh quang đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời Schubert. Căn bệnh quái ác lại tái phát. Nó vật chàng xuống giường và chàng không còn đủ sức gượng ngồi dậy. Bác sĩ tuyên bố chàng bị bệnh hoàng nhiệt (Typhus), trong lúc đó hàm chàng cứng lại không một lời nào được phát ra.
Đời chàng như con ong làm nên mật. Định mệnh đã hút hết chất ngọt trong tâm hồn chàng và bỏ lại thân xác vô tri . Ngày 18 tháng 11 năm 1828, Schubert mở mắt, thều thào lời trối trăng :
- Tôi đã hoàn thành tác phẩm của tôi. Tôi đã đặt vào tác phẩm ấy một nhân chứng …
Ngọn đèn cầy rung rinh dưới làn gió, nó cố lắng nghe Schubert nói trọn câu, nhưng dang dở … tình yêu và nỗi đau khổ của một thân xác tắt lịm khi mới vừa ba mươi mốt tuổi, Schubert chết đi, mang xuống lòng đất lạnh nỗi thương buồn sâu nặng nhưng âm thầm của những người đàn bà đẹp đã đi qua đời chàng.
Giữa nghĩa trang lạnh lùng, bên cạnh ngôi mộ của Beethoven, người ta đọc một dòng chữ khắc trên tấm mộ bia nhỏ :
" Nơi đây, thần chết đã giữ lại một nguồn tinh hoa phong phú và những niềm khát vọng lại càng phong phú hơn. Chốn an giấc ngàn thu của nhà soạn nhạc Franz Schubert.".

Mời nghe:
    SERENADE số 16
   
http://lienviet.net.free.fr/imgportail/musica.gifhttp://lienviet.net.free.fr/imgportail/yaisse.gif
Vũ điệu Đức số 08
http://lienviet.net.free.fr/imgportail/musica.gifhttp://lienviet.net.free.fr/imgportail/yaisse.gif
Trích từ Vũ Thư Nguyên
Giới thiệu SERENADE
(dài 14 phút)
http://lienviet.net.free.fr/imgportail/musica.gifhttp://lienviet.net.free.fr/imgportail/yaisse.gif
 Bạch Tuyết
                                                                                                                    
Trích trong ‘’Chuyện Tình DANH NHÂN‘’ 
Của Nhà Xuất bản Đồng Nai
       Vương Trung Hiếu (biên soạn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 – Đài Loan) 17 Tháng Năm, 2023 Tiểu sử nhà thơ, TS. Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 ) Tiến sĩ Thái Trạch Dân...