Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Mưa hồng ướt nắng thủy tinh

 Mưa hồng ướt nắng thủy tinh

Mỗi người, trong cuộc sống của mình sẽ có rất nhiều những giấc mộng. Nhưng đời lại là một cõi thực và chắc chắn rằng, trong cõi thực này, mộng và đời rất ít khi gặp gỡ. Thế nhưng, với nhạc Trịnh Công Sơn, lạ lùng thay khi chúng ta vừa có thể nhận biết rõ cái mộng, lại vừa có thể mơ ảo với cái thực. Mộng - thực giao thoa nhau trong cõi nhạc Trịnh và tựa như một đường chân trời, nó mở ra một thế giới mênh mông không giới hạn cho cảm xúc và sự liên tưởng của con người.
Nếu ai đã từng lắng nghe và ngồi cắt nghĩa những câu từ trong nhạc Trịnh Công Sơn, hẳn sẽ cảm nhận được cái lạ lùng rất “thực” mà cũng rất “mơ” trong cõi nhạc của ông. Ví như những câu chữ của Trịnh mà người viết mạo muội ngẫu hứng: Mưa hồng ướt nắng thủy tinh. Có lẽ chưa ai từng biết “Mưa hồng” là gì. Chưa ai từng thấy “Nắng thủy tinh” ra sao. Và chắc hẳn, ai cũng lạ lùng với hình ảnh “Mưa hồng ướt nắng thủy tinh”. Thế nhưng, khi nghe đến những cụm từ ấy, chắc chắn trong trí tưởng tượng của chúng ta vẫn sẽ có những hình dung riêng cho mình.
“Mưa hồng” có thể là “cơn mưa màu hồng”, cơn mưa của sự tươi mới, khôi nguyên rơi xuống mảnh đất trần gian. “Nắng thủy tinh” là ánh sáng lóng lánh tinh khiết của sớm mai, hay cũng có thể là một thứ “nắng trong mưa” đầy ám ảnh. “Mưa” và “Nắng” trong ca khúc của ông phải được cảm nhận với cả thị giác, thính giác và xúc giác, và ta có thể hình dung một buổi chiều công viên êm ả, có chàng thi sĩ vô tình bắt gặp một bóng thiếu nữ thướt tha đi ngang như một vạt nắng, nắng cũng vỡ tan trên đôi vai gầy thành những thanh âm trong trẻo lạ kì. Dĩ nhiên, “mưa hồng”, “nắng thủy tinh”, hay “mưa hồng ướt nắng thủy tinh” với mỗi người sẽ lại có những cảm nhận riêng. Cái hay của Trịnh là ông đã kéo cái Mộng gần hơn với cái Thực bằng ngôn ngữ của mình và dễ dàng gợi cho người ta một trường liên tưởng mênh mông, không giới hạn.
Người ta vẫn thường nói, ca từ nhạc Trịnh mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực:nắng thủy tinh, đá ngây ngô, mắt xanh xao, tay rong rêu, vai lụa mát,… Lạ mà quen. Cũ mà mới. Nắng ấy, đá ấy, mắt ấy, tay ấy, vai ấy,… chẳng thể cắt nghĩa rõ ràng là nắng gì, đá gì, mắt gì, tay gì, vai gì,... Giống như những hình ảnh bất chợt hiện ra lạ lùng, kỳ bí và đầy hư ảo trong những giấc mơ, lời ca của Trịnh thường là những hình ảnh, những biểu tượng bất chợt hiện ra không theo một trật tự định sẵn nào. Với Trịnh, “Mưa” có thể là “Mưa hồng”, “Nắng” có thể là “Nắng thủy tinh”, “Đời người” có thể “trổ nhánh hoang vu” hay “Mặt trời ngồi hát hôn mê”,… Có thể chúng gợi những gì không thật, không logic, nhưng phải chăng, bởi những ca từ như thế nên mỗi chúng ta khi đến với nhạc của Trịnh, đều có vô vàn những cảm nhận hay liên tưởng khác nhau. Điều đặc biệt là dù dẫn giải, cắt nghĩa hiện thực bằng ngôn ngữ rất siêu thực, ngôn ngữ nhạc Trịnh vẫn không xa rời và không khiến người ta hoang tưởng. Bởi thế, nhiều thế hệ đã nghe và cảm thấy thân thuộc với nhạc Trịnh mặc dù không ai dám tự nhận mình hiểu về âm nhạc hay ca từ trong âm nhạc của ông.
Với các nhạc sĩ cùng thời như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An,… tiếng Việt được trau chuốt cho đẹp hơn bởi những hình ảnh của hiện thực, có thể nhìn thấy, cảm thấy, liên tưởng đến, hay so sánh với nhau, và xem ra cái “mỹ” ở đây là cái “mỹ” của hiện thực, ví như “Nghìn trùng xa cách”, “Giết người trong mộng” của nhạc sĩ Phạm Duy hay lời ca “Này em hỡi, con đường em đi đó, đúng đấy em ơi…” của nhạc sĩ Vũ Thành An. Còn cái “đẹp” của nhạc Trịnh lại là cái đẹp bảng lảng, sương khói, cái đẹp của sự kết hợp hình ảnh và từ ngữ - dù là ngẫu nhiên hay ẩn ý.
Dĩ nhiên, đối với một nhạc sĩ hay văn sĩ, nhiều khi chính bản thân họ cũng không hiểu hết các tầng ngữ nghĩa do chính họ tạo ra. Cái hay và cái quan trọng là ở chỗ người nghe, người cảm nhận như chúng ta tự suy nghĩ, tự cảm, tự hiểu, tự liên tưởng cho mình, tự tìm ra các giá trị hợp với mình... Với ngôn từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, bản thân người viết  cũng không thể có thứ ngôn ngữ nào để diễn tả, mà chỉ có thể nói bằng chính ngôn ngữ của ông, như “Mưa hồng ướt nắng thủy tinh” chẳng hạn.
Như một món ăn, có người thích có người không thích, nhưng dù gì chăng nữa, cũng không thể phủ nhận: thành công lớn nhất, ấn tượng lớn nhất trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn chính là ca từ.
Phan Thị Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...