Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Văn hóa Việt và nụ tầm xuân

Văn hóa Việt và nụ tầm xuân
Cũng tức là văn hóa nước Việt đang cần có những nụ tầm xuân của chính mình, nảy nở, biếc xanh sức sống và thanh tao chất văn hóa.
Năm mới Ất Mùi đang cận kề. Đã thấy nụ tầm xuân mướt mát phố phường Hà Nội, và dọc đường về các nẻo thôn quê. Những nụ tầm xuân như ấn chứa cho chính cái tên gọi- sự tươi trẻ, thanh tao đầy sức sống.
Lại ám ảnh bởi câu hỏi của một đồng nghiệp trẻ mới đây- chị nghĩ gì về văn hóa nước Việt thời hiện đại? Mà chạnh lòng.
Văn hóa – mang trong lòng nó những giá trị vật thể, phi vật thể, mang cốt cách, nhân cách và bản sắc riêng một dân tộc. Dân tộc tồn tại, kiêu hãnh giữa nhân loại cũng chính bởi cái khác biệt của văn hóa dân tộc  mặc cho bao biến thiên trời đất, bao thăng trầm dâu bể. Và cũng khác với tất cả những lĩnh vực khác, văn hóa là sự sàng lọc tinh túy mưa dầm thấm đất.
Nhưng vì sao, chính ở thời hiện đại này, ở năm 2014 này, dường như người Việt đang rất lo lắng trước sự biến dạng của khái niệm văn hóa. Vì sao, một dòng chảy văn hóa tự ngàn năm gây ấn tượng với thế gian, thời hội nhập lại như nghẽn mạch và luẩn quẩn trong vòng xoáy của sự xuống cấp?
Làm sao không lo lắng được nếu như nước Việt năm 2014 nổi bật nhất lại là “văn hóa tham nhũng”?
Một hành vi đạo đức xấu xa, thiếu tự trọng và thiếu liêm sỉ, đến ngay người đứng đầu đất nước cũng phải gọi thẳng là “sâu mọt, là bầy sâu”, giờ đây lại được vinh danh “ngược” một cách mỉa mai, cay đắng. Đủ hiểu sức mạnh của thứ … phản văn hóa này đang hoành hành tàn phá văn hóa, nhân cách người Việt, và nước Việt đến đâu.
Minh họa sinh động cho sự bất trị của nó, là mới đây, công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI 2014) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại 175 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy 03 năm qua (2012-2014) tham nhũng ở VN vẫn “ổn định”, vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia. Theo sự đánh giá này, VN đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119/175 quốc gia trong bảng xếp hạng toàn cầu, thứ 18/28 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Một thứ hạng khá … bẽ bàng.
Bởi trong khi VN không thay đổi được bao nhiêu về điểm số CPI thì các quốc gia láng giềng, ngay khu vực Đông Nam Á lại cải thiện chỉ số này rõ rệt. Trong số 09 quốc gia của khu vực Đông Nam Á, VN đành lòng vậy,cầm lòng vậy đứng ở thứ 06, chỉ xếp hạng được trên… Lào, Campuchia và Myanmar.
Và ở thời buổi đa chiều thông tin, diện mạo “văn hóa tham nhũng” cũng rất đa dạng. Đã qua rồi cái thời  tham nhũng là đặc quyền của những người có chức có quyền, được đặc quyền- đặc lợi, giờ đây tham nhũng có thể bén rễ, sinh nở ở bất cứ thành phần, tầng lớp công dân nào liên quan đến dịch vụ hành chính công, liên quan đến cơ chế ban phát xin- cho. Từ đất đai, công chứng, cảnh sát giao thông, y tế, đến giáo dục… Chính thế bên cạnh khái niệm tham nhũng lớn lại có người anh em “tham nhũng vặt”, mà xem ra chẳng mèo nào chịu mỉu nào.
Văn hóa- bản thân nó mang khái niệm chuẩn mực của lối sống, đạo lý ứng xử giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cá nhân với cá nhân. Nước Việt từ ngàn xưa đã không thiếu những thành ngữ đẹp, đầy lòng nhân ái, nhân từ, nhân văn: Thương người như thể thương thân, Một conngựa đau cả tàu bỏ cỏ… Vậy mà trong thời hiện đại này, cũng không thiếu những khái niệm “vô cảm”, đến mức như một lý thuyết- “chủ nghĩa Mackeno”, hay “có tiền mua tiên cũng được”.
 “Chủ nghĩa Mackeno”, lý thuyết “có tiền mua tiên cũng được” tự nhiên nhi nhiên ngang dọc ở ngay chính những nơi con người gặp tai họa rủi ro, rất cần sự giang tay cứu giúp của đồng loại. Ở ngay nơi con người cần nhất liêm sỉ, lòng tự trọng…Mà giới nghiên cứu tâm lý xã hội phải gọi đích danh là sự rối loạn những giá trị.
Sự rối loạn những giá trị ấy, đặt trong hoàn cảnh xã hội bệnh “văn hóa tham nhũng”, bệnh vô cảm hoành hành, tất yếu dẫn đến sự đảo lộn luân thường đạo lý. Tội ác, tệ nạn XH, những chiêu trò bỉ ổi, kinh hãi, khó tưởng tượng, cũng từ đó mà ra, kể cả ở tầng lớp có học.
Không phải ngẫu nhiên, mới đây VN đươc tạp chí danh tiếng hàng đầu nước Mỹ-  Business Insider- đã xếp hạng VN đứng thứ 16/20 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới (dựa vào tiêu chí giá dịch vụ thấp từ ăn uống, giao thông vận tải đến vui chơi) vượt qua cả những nước có mức sống cao như Nhật Bản, Bỉ…, nhưng chính người dân VN lại phản ứng, chối bỏ, dù người Việt được tiếnglạc quan nhất nhì thế giới.
Bởi trước thế giới phẳng ngày nay, mọi thông tin trước sau cũng được công khai trước thanh thiên bạch nhật, khiến người Việt đã không còn ảo tưởng, ngộ nhận vào sức mạnh của chính mình. Nếu biết rằng tuy quy mô dân số đứng thứ 13 trên thế giới, nhưng kinh tế VN xếp thứ 42/177 nền kinh tế (theo WB). Nếu biết rằng, ở khu vực Đông Nam Á, nước có xếp hạng cao nhất là Indonesia (16), Thái Lan (21), Malaysia (26), Philippines (29) và Singapore (39) (theo Đất Việt, ngày 19/7/2013).
Nếu biết rằng, không chỉ kinh tế, các chỉ số làm nên chất lượng sống, chất lượng văn hóa một quốc gia cũng không “khả ái” hơn. Tỉ như về GD, VN đứng hàng 121/187 quốc gia. Về bằng sáng chế, đứng hàng 108/130. Về ô nhiễm, đứng hàng 102/124. Về chỉ số phát triển, đứng hàng 72/76. Về y tế, đứng hàng 160/190, trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất. Trong khi, tuy thu nhập quốc gia đứng hàng 57/193, nhưng VN vẫn phải đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người, trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
Lẽ đương nhiên, các quốc gia có mức sống ngang nhau, nhưng chất lượng sống cao hoặc thấp sẽ thuộc về quốc gia nào có nền văn minh, văn hóa và những chuẩn mực thang giá trị được tôn trọng, pháp luật kỷ cương cao hơn hoặc thấp hơn những quốc gia khác. Có nghĩa là so với tiêu chí, thứ hạng nhiều quốc gia, VN luôn đứng ở thứ hạng “khiêm tốn” về chất lượng sống.
“Văn hóa tham nhũng”, sự rối loạn các giá trị đã góp phần không nhỏ vào chất lượng sống khiêm tốn ấy, góp phần không nhỏ vào những chấn thương tâm lý- sự mất niềm tin trong xã hội- những tháng năm này.
Vì thế mà khi năm mới Ất Mùi mở ra, một câu hỏi day dứt với những ai ai quan tâm đến văn hóa cứ lật đi lật lại, là làm sao văn hóa nước Việt thoát ra khỏi những vòng xoáy xuống cấp khắc nghiệt, để có thể trở lại vị thế nền tảng bền vững của nó, làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm, những giá trị sống chân chính, đương đại mà con đường hội nhập đòi hỏi.
Nhưng văn hóa chỉ là một thành tố của cơ chế quản lý kinh tế- xã hội VN hiện nay. Cơ chế quản lý nào, kinh tế- xã hội nào, nền văn hóa ấy. Văn hóa không thể một mình một chợ để thay đổi, nếu cơ chế quản lý nhiều lỗ hổng, khuyết tật cũng đang rất cần thay đổi, theo hướng tiệm cận những giá trị văn minh, khoa học, và phù hợp thực tiễn cùng quy luật phát triển thời đại vẫn… đứng nguyên tại chỗ. Như vậy, sự thay đổi của văn hóa, thiết lập lại các thang bậc giá trị chính trực, lại nằm ở ngoài … văn hóa.
Chống lại cái sự phản văn hóa của “văn hóa tham nhũng”, không gì khác, cơ chế công khai, minh bạch phải là cơ chế chủ đạo. “Văn hóa tiền mặt” không thể là dòng chủ lưu, có thế mới kiểm soát tận gốc mọi nguồn thu nhập.
Ngành tư pháp phải được ưu tiên cải cách, để pháp luật ngự trị với nghĩa thượng tôn. Để Thần Công lý không còn phải bịt mắt…. đếm tiền.
Cũng tức là văn hóa nước Việt đang cần có những nụ tầm xuân của chính mình, nảy nở, biếc xanh sức sống và thanh tao chất văn hóa.
Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...