Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Mấy suy nghĩ về thể trường ca

Mấy suy nghĩ về thể trường ca 
Trong thơ những năm gần đây có sự xuất hiện ngày càng nhiều những sáng tác thơ dài, thường được gọi là trường ca.
Ở miền Bắc, từ các nhà thơ lớp trước đến các nhà thơ thuộc lớp trẻ lần lượt hầu như đều tự "thử sức" qua loại hình thơ dài. Tố Hữu, đã có Chuyện em (1968), Theo chân Bác (1970), Nước non ngàn dặm (1973). Huy Cận, sau Người thợ ảnh (1963) lại có Người bác sĩ (1968), Cô gái Mèo (1973), Cướp biển đến ngày chết đuối (1973). Lưu Trọng Lư, bên cạnh các vở kịch thơ còn có Những dấu chân (1964) và Trăng xoan (1969). Chế Lan Viên mở rộng khuôn khổ loại thơ chính luận và một số bài đã thành thơ dài, rõ nhất là hợp khúc Trận tuyến này cao hơn cả màu da (1967), Cách mạng, chương đầu (1970) và chùm Những bài thơ đánh giặc (1972). Tế  Hanh có Câu chuyện quê hương (1973). Nhà thơ Huy Thông sở trường về thể trường ca từ thời "thơ mới" đã có lúc trở lại với thơ bằng trường ca Cái Én (1967) v.v…
Nhiều  cây bút lớp trẻ bước vào thơ đã sớm thể nghiệm hình thức trường ca: Thái Giang với Lửa sáng rừng (1959), Trần Đăng Khoa với Khúc hát người anh hùng (1974), Tạ Vũ với Vùng sen Hàm Rồng (1975) v.v…
Trong văn học cách mạng miền Nam(*), cũng đã xuất hiện một loạt trường ca của nhiều cây bút tiêu biểu: Giang Nam với Người anh hùng Đồng Tháp (1968), Lê Anh Xuân với Nguyễn Văn Trỗi (1967), Thu Bồn với Bài ca chim chơ-rao (1963) và Vách đá Hồ Chí Minh(1970), Hưởng Triều với Hành trình (1971), Liên Nam với Núi rừng mở cánh (1970). Gần đây, hai cây bút trẻ có hai tập trường ca đáng chú ý: Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng (1974) và Nguyễn Khắc Phục với Kể chuyện ăn cốm giữa sân (1974) v.v…(1)
Nếu lấy những năm 1964 - 1965 làm mốc (lúc bắt đầu cuộc chống Mỹ cứu nước) thì rõ ràng là thời kỳ sau và nhất là những năm gần đây, số lượng tác phẩm thơ dài ra mắt bạn đọc đã tăng lên đáng kể.
Sự phát triển của thơ dài thể hiện xu hướng chung của thơ ca trong cố gắng vươn lên nhận thức tầm lớn lao của thực tế cách mạng. Thơ không thể chỉ tự bằng lòng đóng khung trong những bức tranh gọn hẹp, những cảm xúc ngắn gọn mà còn có khát vọng vươn dài nới rộng để khám phá và biểu hiện tầm sử thi của cuộc sống. Chính là trên những đề tài lớn, trên những vấn đề có ý nghĩa khái quát sâu rộng, thơ dài tỏ ra có nhiều hiệu quả trong việc thể hiện cuộc sống cách mạng trong bước đi kỳ vĩ của nó, trong việc mở rộng tầm suy nghĩ, tầm nhận thức của thơ.
Trong nền thơ ca dân tộc truyền thống, thơ dài thường gồm các thể trường ca, truyện thơ, thơ trường thiên, là những thể loại gắn với phương thức tự sự hoặc ít nhiều có tính chất tự sự(1). Chúng ta có hàng loạt truyện thơ và khúc ngâm nổi tiếng giàu khả năng khai thác các vấn đề xã hội và đạo đức tâm lý. Chúng ta có loại hình thơ nôm dân gian giàu tính chiến đấu và khả năng phản ánh các vấn đề thời sự xã hội. Chúng ta có những trường ca và truyện thơ của các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên đậm đà màu sắc trữ tình và anh hùng ca phong phú, độc đáo. Trong văn học quá khứ (dân gian và thành văn) các thể thơ dài có ranh giới và đặc trưng thể loại khá xác định. Truyện thơ gắn với nhân vật và cốt truyện hoàn chỉnh hơn và thường chỉ gắn với các phạm trù cái đẹp, cái cao cả trong cảm hứng sáng tác, còn thơ trường thiên thì tuy có gắn với tính tự sự nhưng lại thiên về cảm xúc trữ tình và màu sắc cảm xúc cũng có thể nhiều sắc thái hơn(2).
Các sáng tác thơ dài của ta gần đây, nếu chỉ căn cứ vào tên gọi thể loại của tác giả thì sẽ rất khó phân biệt trường ca với truyện thơ, thơ trường thiên về mặt đặc trưng thể loại. Có gì khác nhau giữa truyện thơ Người sông Châu (Hoài Giao) với trường ca Nguyễn Văn Trỗi, giữa truyện thơ Trong nhà tù lớn (Lưu Trùng Dương) với trường ca Du kích sông Loan (Xuân Hoàng)? Có gì khác nhau giữa trường ca Khúc hát người anh hùng với bài thơ trường thiên Những dấu chân, cùng viết về hai nữ anh hùng? Có gì khác nhau giữa Ba mươi năm đời ta có Đảng (thơ trường thiên) với Hành trình (trường ca) cùng viết về những sự kiện lịch sử? Loại thơ sân khấu của Huy Cận, Tế Hanh, gọi theo quan niệm cổ điển thì vẫn là thơ trường thiên, nhưng thực ra cũng rất gần gũi với hình thức và kết cấu các trường ca…
Theo nghĩa cổ điển, truyện thơ gắn với nhân vật và cốt truyện hoàn chỉnh. Nhưng các trường ca Bài ca chim Chơ-rao, Nguyễn Văn Trỗi, Người anh hùng Đồng Tháp… cũng có cốt truyện hoàn chỉnh. Cũng có thể viện vào màu sắc của cảm xúc thẩm mỹ để tách riêng trường ca với truyện thơ, nhưng thực tế sáng tác chưa hoặc ít cho thấy loại truyện thơ hoàn toàn nằm ngoài phạm trù thơ trữ tình. Nhiều sáng tác vốn rất gần gũi truyện thơ truyền thống (vai trò cốt truyện và nhân vật, lối kể ở ngôi thứ ba…) nhưng các tác giả lại thích gọi là trường ca. Điều chủ yếu có lẽ không ở sự lầm lẫn nào đó có thể có trong cách dùng khái niệm thể loại. Có thể thấy nhiều khác biệt về đặc điểm thể loại so với truyện thơ quá khứ ở sáng tác loại này. Truyện thơ quá khứ nặng về tự sự, coi kể chuyện là hàng đầu, có khi là duy nhất, thì ở những sáng tác loại này, bên cạnh phần tái hiện câu chuyện còn có phần đáng kể của những yếu tố biểu hiện giành trực tiếp cho những xúc cảm trữ tình của người viết. Các đoạn trữ tình phụ đề, ở truyện thơ quá khứ chỉ lẻ tẻ, thưa thoáng, thì ở những sáng tác loại này lại chiếm một tỉ lệ cao hơn, có khi tách hẳn thành các điệp khúc, các bài ca. Hình tượng người kể chuyện trong truyện thơ quá khứ chỉ đứng khuất ở ngôi thứ ba thì ở các sáng tác được gọi là trường ca này, nó lại là cái "tôi" trữ tình của người viết khá lộ liễu ở giữa tác phẩm. Hình như khi gọi những tác phẩm thơ kể chuyện ấy là trường ca (chứ không gọi là truyện thơ), các tác giả có dụng ý nhấn mạnh chất thơ trong nội dung tác phẩm, nhấn mạnh tính trữ tình trong chất liệu thẩm mỹ, bên cạnh các yếu tố tự sự vốn cũng quan trọng làm nên cái khung xương thịt của tác phẩm.
Thơ trường thiên, ngay ở hình thức cổ điển của nó, đã nặng về cảm xúc trữ tình, song song với một cái sườn sự kiện nào đó. Khi truyện thơ và trường ca có xu hướng tăng cường yếu tố trữ tình như trên, thì tự nhiên ranh giới của chúng với thơ trường thiên không còn rạch ròi nữa. Như đã nêu ở trên, nhiều tác phẩm mà hình thức gần với thơ trường thiên truyền thống, đem đặt cạnh các sáng tác được gọi là trường ca, − sẽ ít thấy có sự khác nhau về đặc trưng thể loại.
Ngoài loại thơ dài kể chuyện nói trên, gần đây còn thấy loại thơ sân khấu và thơ dài trữ tình chính luận. Thơ sân khấu cũng dựa vào phương thức tự sự, đồng thời với việc vận dụng hình thức sân khấu để biểu hiện chất thơ của hình tượng (dàn dựng câu chuyện trong không khí ước lệ của sân khấu, dùng đối thoại để dựng nhân vật và dẫn chuyện…). Thơ sân khấu không phải là kịch thơ, nó dùng đối thoại làm phương tiện thể hiện chủ đề và nội tâm nhân vật hơn là để phát triển xung đột, nó ít quan tâm đến động tác kịch và khó mà nói đến việc dàn dựng thực sự trên sân khấu. Nó có nhân vật và cốt truyện nhưng cách thể hiện của nó không giống thơ kể chuyện. Nếu coi đây là thơ trường thiên thì ngay ở đây, thơ trường thiên có biến đổi và trở nên gần gũi với trường ca.
Có thể sơ bộ nói là trong thơ ca của ta hiện nay, đặc trưng và ranh giới thể loại trong hình thức thơ dài đã không còn rõ rệt như trong thơ dài cổ điển. Hầu như truyện thơ đã có xu hướng tăng thêm yếu tố trữ tình để gần gũi với trường ca và thơ trữ tình nói chung, còn thơ trường thiên thì càng mở rộng hình thức và khuôn khổ để gần gũi với trường ca. Các hình thức thơ dài mất dần sự phân biệt căn bản về chất liệu thẩm mỹ. Tính tự sự, tính trữ tình, yếu tố suy nghĩ chính luận… tuy được vận dụng với liều lượng ít nhiều khác nhau ở tác phẩm cụ thể, nhưng không còn tạo nên những giới hạn thể loại riêng biệt nữa. Có thể gọi chung các sáng tác thơ dài hiện nay là trường ca với nhiều biến thức, nhiều kiểu kết cấu khác nhau: trường ca kể chuyện, thơ sân khấu, trường ca trữ tình chính luận…
Nếu sau một bài thơ trữ tình ngắn, cái tâm trạng cụ thể mà bài thơ để lại cho người đọc thường chỉ được gợi lên qua một vài sự kiện, một vài con người, một vài cảm xúc suy nghĩ, thì sau một trường ca, tâm trạng ấy được bồi đắp từ rất nhiều sự kiện, từ cả một câu chuyện tường tận, từ hàng loạt suy nghĩ và cảm xúc. Tâm trạng sau bài thơ trữ tình là một nét lắng lại, một thu nhận gọn hẹp, thì trong trường ca là cả một dòng tâm trạng chuyển đổi, biến thiên quanh một nét chủ đạo, là cả một mạch tư tưởng, xúc cảm được khai triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong dạng vận động, tiến triển. So với thơ trữ tình ngắn, trường ca − trong chỉnh thể nghệ thuật của một tác phẩm − bao giờ cũng có một diện phản ánh rộng lớn hơn, toàn cảnh hơn. Nếu như bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu là tâm trạng tiếc thương da diết đối với vi lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu, thì với trường ca Theo chân Bác, trong âm hưởng nhớ thương, trong cảm nghĩ về sự bất tử của Bác, tác giả có thể trở lại cả một đoạn đường lịch sử dân tộc gắn với hoạt động của Bác.
Miền Nam thân yêu và anh dũng − một trong những đề tài lớn của thơ Tố Hữu từng hiện lên trong thơ anh qua nhiều cảm nghĩ xúc động, sâu sắc, qua những bà má, những lá thư Bến Tre, những anh Trỗi, chị Lý, em Hòa, nhưng chưa bao giờ hình ảnh miền Nam lại hiện lên trong thơ anh rộng lớn, đậm nét, nhiều vẻ như trong Nước non ngàn dặm. Viết về phong trào đấu tranh của tuổi trẻ học đường thành thị miền Nam, bài thơ Đêm không ngủ của Nguyễn Khoa Điềm chỉ cấu tứ từ một sự kiện cụ thể trong đó, và tuy người viết có hướng tới nhiều vấn đề quá khứ và hiện tại, tuổi trẻ và hiện tình đất nước… nhưng phải bằng trường ca Mặt đường khát vọng thì  bộ mặt chung của phong trào − hay ít ra là vấn đề tuổi trẻ và phong trào đấu tranh tuổi trẻ với vận mệnh dân tộc − mới được đề cập đến trên một diện rộng hơn.
Trường ca có khả năng phản ánh rộng lớn, nó là nơi gặp gỡ, dung hợp của các phương thức tự sự và trữ tình. Có thể tìm thấy ở trường ca các yếu tố của truyện, ký, thơ, kịch… và tuy thơ không làm nhiệm vụ của tiểu thuyết hay ký sự, nhưng nó vẫn không ngừng tăng cường bề rộng phản ánh. Thực tế đời sống phong phú và đa dạng cần được phản ánh một cách quy mô không chỉ bằng kịch hay tiểu thuyết mà còn bằng các tập trường ca.
Hướng vào những sự kiện và vấn đề lớn của cuộc sống cách mạng, trường ca trường thiên về khai thác và biểu hiện mặt đẹp đẽ, cao cả, anh hùng. Trữ tình và anh hùng ca thường có ưu thế trong những mạch cảm xúc chủ đạo. Nhiều trường ca mang phong cách lãng mạn táo bạo mà Bài ca chim Chơ-rao là một ví dụ. Thu Bồn nhấn mạnh tư thế cao đẹp của hai chiến sĩ cách mạng − tư thế đứng cao hơn sự thực thực tù ngục và pháp trường. Hình tượng hai ngọn đuốc sống cất cao tiếng hát trầm hùng là một hình tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa lạc quan cách mạng. Một số trường ca khác, nhất là trường ca viết về Tây Nguyên (Lửa sáng rừng, Núi rừng mở cánh) cũng ít nhiều vận dụng phong cách lãng mạn tuy có chỗ gượng ép, gò bó và do đó ít thành công hơn.
Cảm hứng anh hùng một mặt có thể vút cao trong tiếng nói hào hùng, trong những hình tượng đồ sộ, chót vót của phong cách lãng mạn, đồng thời, phổ biến và gần gũi hơn với thơ truyền thống, nó cũng quen đọng lại ở những xúc động sâu lắng với nhiều giai điệu trữ tình khác nhau. Các trường ca của Tố Hữu và Hưởng Triều in đậm những xúc động tự hào thấm thía nghĩa tình về những bước đi vững chắc của lịch sử, của dân tộc, thấm nhuần quyết tâm đi tới của nhân dân. Cùng ca ngợi những điển hình anh hùng, Giang Nam xúc động với tình thương bao la của người con trai Đồng Tháp, còn Lê Anh Xuân thì say sưa với chất lý tưởng thi vị trong câu chuyện anh Trỗi.
Trong mỗi trường ca, những xúc động trữ tình và cảm hứng anh hùng ca thường biểu hiện gắn bó. Không ngẫu nhiên mà nhiều trường ca thường vừa là một bài ca anh hùng, vừa là một bản tình ca. Đề tài tình yêu, với trường ca, có một vị trí đáng kể. Điều đáng nói là hai loại chất liệu ấy không đối cực, dù là để làm tôn cao lên một phía như tình hình xảy ra với nhiều trường ca cổ. Đây là những chất liệu hóa hợp. Bản tình ca thắm thiết luôn là một tiếng hát quyện chặt trong bài ca anh hùng.
Âm hưởng chung của nền thơ ca chúng ta là trữ tình, và trường ca cũng mang theo đặc điểm ấy. Đi vào các vấn đề lớn cũng như các mặt phong phú và phức tạp của cuộc sống cách mạng, bên cạnh nét trữ tình là chủ đạo, chúng ta cũng muốn trường ca tìm tòi thêm các màu sắc khác như hài hước, châm biếm...
Trường ca là tác phẩm thơ, nhưng nếu trong thơ ngắn, thơ tồn tại ở dạng trữ tình thuần chất, thì trong trường ca, thơ mang thêm − hay là bị chi phối thêm − những yêu cầu thể loại khác nữa như nhân vật và cốt truyện, tính cách và hoàn cảnh, sự kiện và chi tiết, mô tả và kể chuyện… Một trong những vấn đề thể loại khá mấu chốt của trường ca là vấn đề quan hệ giữa tính tự sự và tính trữ tình (cũng là quan hệ giữa miêu tả và biểu hiện, phản ánh và nhận thức trong tác phẩm). Đây cũng là vấn đề của thơ nói chung, nhưng trong trường ca, nó có những nội dung riêng.
Yếu tố tự sự vốn có vai trò rất lớn trong kết cấu cũng như các chi tiết thể hiện. Ta thường gặp nhiều kiểu tự sự khác nhau. Có nhiều trường ca lấy những biến cố của một quá trình lịch sử làm điểm tựa kết cấu. Nhiều trường ca dựa vào một hệ thống sự kiện hoặc cốt truyện có thật. Nhiều trường ca dựa hẳn vào một cốt truyện hư cấu. Có khi sườn tự sự là cả một cuộc hành trình mà những sự kiện mắt thấy tai nghe, những người và cảnh dọc đường chính là điểm tựa cho cảm xúc, suy nghĩ… Trường ca có khả năng thu hút nhiều yếu tố của các loại văn xuôi tự sự và tuy các yếu tố ấy không tồn tại ngoài lời thơ, nhịp thơ, ngoài xúc cảm, hình ảnh… nhưng cũng rõ ràng là giá trị tác phẩm trường ca phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố ấy. Đọc một trường ca, người ta không chỉ cảm thụ những câu thơ hay đứng riêng rẽ mà người ta cảm thụ cả hình tượng tổng thể của tác phẩm, và một trong những thành phần chủ yếu là câu chuyện, là sự việc. Không thể không thừa nhận rằng Sống trong mồ của Nguyễn Dân Trung gần đây ở mức nhất định đã có sức thuyết phục trước hết là ở bản thân sự thật, sự thật đầy sức tố cáo về chế độ nhà tù Mỹ-ngụy mà chính tác giả đã chịu đựng, sự thật đáng khâm phục về cuộc chiến đấu thầm lặng của người chiến sĩ cách mạng trong tù.
Với trường ca kể chuyện thì điều quan trọng là có được một cốt truyện có sức khái quát, những nhân vật tiêu biểu, những chi tiết chân thực. Chú ý bồi đắp chất sống thực cho câu chuyện, chú ý khắc họa nhân vật, miêu tả các tình huống diễn biến… có thể sẽ tạo được sức hấp dẫn của tính kịch, sức thuyết phục của những bức tranh đời sống. Các trường ca Bài ca chim Chơ-rao, Vách đá Hồ Chí Minh, Đi đánh thần Hạn, Kể chuyện ăn cốm giữa sân… chứng tỏ điều này. Dĩ nhiên trong khuôn khổ một bài thơ dài, cốt truyện trường ca không đòi hỏi phức tạp, nhiều sự biến như kịch hay tiểu thuyết. Nó có thể chấp nhận những mô-típ ít nhiều ước lệ, giản lược. Nhưng nếu không nâng cao chất sống thực và tầm khái quát, hoặc ngược lại, vì muốn tạo nên vẻ bề bộn của sự thực mà chìm ngập trong nhiều đoạn kể lể dài dòng thì trường ca khó tránh khỏi mờ nhạt. Đây là những nhược điểm còn tồn tại nhiều ít, phía này hay phía khác, của một số trường ca như Núi rừng mở cánh, Cô gái Mèo…
Nhân vật trong trường ca không đòi hỏi phải được khắc họa quá kỹ lưỡng quá chi tiết, nhưng cũng cần được tô đậm đến mức có sức sống nội tại, có tâm trạng riêng, phù hợp với chiều hướng của cảm hứng chủ đạo. Vấn đề miêu tả người anh hùng trong trường ca có nhiều lợi thế và không ít khó khăn. Tính lý tưởng ở người anh hùng dễ ăn nhập và nổi bật nhờ chất liệu trữ tình và anh hùng ca vốn có của thể loại. Tố Hữu khi viết Theo chân Bác đã cố gắng thể hiện tầm cao của lý tưởng yêu nước thương dân và bề rộng nhân ái mênh mông của Bác Hồ. Trong Bài thơ Hắc hải, Nguyễn Đình Thi khai thác tình yêu nước và giác ngộ giai cấp kết làm một trong người chiến sĩ lão thành Tôn Đức Thắng.
Tình thương, từ những gì cụ thể đến những gì mở rộng, bao trùm như Tổ quốc, dân tộc, nhân dân, luôn được khai thác như là nguồn động lực của hành động anh hùng. Trường ca của Thu Bồn, Giang Nam, Lê Anh Xuân… thể hiện điều này. Một số trường ca gần đây cố gắng khai thác những mặt khác của tính cách anh hùng. Kể chuyện ăn cốm giữa sân của Nguyễn Khắc Phục chú ý mô tả chàng trai Rơ-ma Cham từ một anh hùng kiểu dân gian của núi rừng (như kiểu anh hùng dân gian ở các trường ca Tây Nguyên) trở thành một anh hùng chân chính của nhân dân trong cuộc chiến đấu chống xâm lược, một anh hùng của thời đại mới, tuy cái nét anh hùng mới này chưa đậm nét tương xứng với cái nét dân gian gân guốc trước đó. Khúc hát người anh hùng của Trần Đăng Khoa khai thác sức sống chân chất, sự hòa hợp với thiên nhiên đồng quê trong  hình tượng Mạc Thị Bưởi.
Trong chừng mực đáng kể, những nhược điểm của việc thể hiện nhân vật anh hùng ở trường ca cũng nằm trong tình hình chung của cả nền văn nghệ. Với phong cách lãng mạn, một số trường ca đã tô đậm tính lý tưởng và vẻ đẹp hùng tráng của người anh hùng, nhưng lại làm mờ đi khá nhiều những đường nét chân thực, làm mờ đi khá nhiều quan hệ sinh động của người anh hùng với quần chúng. Ngược lại, một số lớn trường ca nặng về kể lể thường làm yếu sức khai quát, tầm tư tưởng của nhân vật anh hùng.
Chi tiết cũng là một yếu tố tự sự quan trọng tạo nên chất thực, chất sống cho từng câu, từng đoạn cũng như toàn tác phẩm trường ca. Thơ ca nói chung vốn thiên về nắm bắt chi tiết một cách chọn lọc, cô đọng, tính chất. Phải nhận rằng khó khăn của việc tạo được chi tiết hay, ở trường ca có cốt truyện và không có cốt truyện, là không giống nhau. Nhược điểm thường thấy hiện nay là lối kể dài dòng, nhiều chi tiết nhưng ít được chọn lọc, ít sức gợi. Nguyễn Khoa Điềm có nhiều chi tiết "biết nói" giàu sức biểu hiện: tên lính gác cuối cùng "nhổ nước bọt vào bóng mình" để nói "khuôn mặt chủ nghĩa thực dân cũ tan rồi trên sông nước quê ta", hoặc như chi tiết "lốt giày viễn chinh / cắt hình răng chó / cắm ngập vào phù sa đỏ…"  được láy lại nhiều lần theo nhiều âm hưởng khác nhau… Kể chuyện ăn cốm giữa sân cũng là một trường ca kể chuyện biết sử dụng chi tiết, gây được ấn tượng. Dĩ nhiên chỉ riêng chi tiết chưa làm nên bộ mặt cả tập trường ca. 
Khúc hát người anh hùng không thiếu những chi tiết sống thực, nhất là ở phần cảm xúc trước thiên nhiên làng quê, nhưng nó chưa phát huy tác dụng khi nhân vật anh hùng (cũng như nhân vật kẻ thù) còn ít sức sống thực.
Nói đến vai trò của tự sự cũng tức là nói đến tính khách quan trong biểu hiện. Thường thì màu sắc cảm xúc của chủ đề bộc lộ rất rõ trong tác phẩm, nhưng không vì thế mà có thể coi nhẹ sức thuyết phục của bản thân câu chuyện và sự kiện. Miêu tả kẻ thù, miêu tả các thế lực phản diện của cuộc sống là vấn đề khó khăn của khá nhiều trường ca. Ưu điểm của Người bác sĩ là, bằng đối thoại đã làm sống lên cái dễ sợ, đáng ghét của các bóng ma bệnh tật, nhờ thế mà hình tượng người thầy thuốc càng dễ yêu, dễ khâm phục hơn.
Bên cạnh những thành công nhất định khi mô tả kẻ thù, ta thường gặp lối thể hiện dễ dãi, nặng về bề ngoài. Đồn Coóc trong Khúc hát người anh hùng là gần với lối hình dung kẻ phản diện của sân khấu hoạt họa hơn là của một trường ca hiện thực. Kể chuyện ăn cốm giữa sân mượn các hình dung dân gian nhưng cũng không tránh được nhược điểm tương tự. Trong trường ca kể chuyện, sự mờ nhạt, chung chung trong mô tả kẻ thù còn khá phổ biến.
Nếu một mặt, phương thức tự sự làm nên xương thịt của tác phẩm trường ca thì mặt khác, phương thức trữ tình cũng quan trọng không kém, tạo nên linh hồn, hơi thở của tác phẩm. Phải chú ý đến nhân vật, sự kiện, chi tiết, nhưng trong khuôn khổ thể loại, các yếu tố này không phát huy vai trò của nó một cách tối đa như trong văn xuôi tự sự; trong khi đó, trường ca lại là mảnh đất thuận lợi cho những xúc cảm, suy nghĩ trực tiếp của người viết (khác văn xuôi tự sự, nhất là các thể truyện trong đó phải hạn chế những đoạn trữ tình phụ đề có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hình tượng). Ở nhiều chỗ, dòng kể chuyện dừng lại là dòng cảm xúc cất lên. Có khi, ngay giữa dòng sự biến căng thẳng, thời gian đầy kịch tính vẫn có thể giãn ra cho cảm xúc lắng lại. Trong trường ca, yếu tố trữ tình không phải là cái gì đứng ngoài sự kiện. Thông thường, cái phần cảm xúc ấy lặn sâu, gắn chặt và hiện ra ngay trong miêu tả, trong cách chọn lọc chi tiết, hình ảnh, trong cách xử lý ngôn ngữ, nhịp điệu. Yếu tố trữ tình cũng không chỉ tồn tại lẻ tẻ ở từng đoạn mà còn phải bao trùm toàn tác phẩm, nó là cái nét tạo nên âm hưởng của xúc cảm chủ đạo. Trường ca hiện nay càng không thể chỉ là một câu chuyện được kể bằng văn vần. Nếu có hẳn một câu chuyện thì câu chuyện ấy cũng luôn luôn được tắm gội trong không khí của một dòng xúc cảm nhất định, một âm hưởng tâm hồn xao động quán xuyến toàn tác phẩm.
Gần đây, một vài trường ca lấy suy nghĩ và cảm xúc làm chỗ dựa chủ yếu của kết cấu, và ở đó phương thức tự sự không còn có vai trò quan trọng trong kết cấu. Các sự kiện thực trở thành đối tượng cảm nghĩ hơn là đối tượng tái hiện. Nhưng thay vào cái không gian sự sống được giới hạn bằng ước lệ đó, cả vấn đề của thực tại hiện lên đập thẳng vào người đọc. Và ở từng đoạn thơ, trong dòng cảm xúc vẫn thấy được những đường nét, chi tiết, vừa như minh chứng cho suy nghĩ, vừa có giá trị tạo hình độc lập. Ở Mặt đường khát vọng chỉ có thành phố Huế, "con sóng vỗ vào đá kè Thương Bạc / tiếng guốc gõ lối hoàng cung tím ngát" là cụ thể, còn thì không thấy phố xá, ngày giờ sự kiện nào cụ thể. Tất cả như đều hơi nhòe đi cho vấn đề xuống đường trở thành cái lõi, thành tâm điểm của mọi suy nghĩ hướng về hành động. Như vậy điều quan trọng ở loại trường ca này − cũng như trong thơ ca nói chng − là người viết đặt được cái tôi trữ tình vào trung tâm của thực tại, là sức suy nghĩ, là tầm tư tưởng và tình cảm của nhà thơ. 
Trở lên là một số nhận xét về vai trò và quan hệ giữa các yếu tố tự sự và trữ tình trong thể loại trường ca. Yếu tố tự sự chủ yếu có vai trò phản ánh thực tế, nhất là màu sắc cụ thể, lịch sử của đời sống; yếu tố trữ tình chủ yếu có vai trò nhận thức, vai trò truyền cảm trực tiếp. Cả hai yếu tố này vốn là gắn bó mật thiết. Không thể vin vào tình trạng kể lể dài dòng để cho là trường ca đã mạnh về mặt phản ánh. Chúng ta đòi hỏi trường ca phải phản ánh kịp thời và sâu sắc hơn nữa cuộc sống lao động và đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời, trong mối tương quan về các loại hình văn học hiện đại, trường ca cần được phát triển gần lại với thơ trữ tình, dùng chất liệu của thơ mà phản ánh cả bề rộng lẫn bề sâu của thực tế đời sống phong phú, nhiều màu sắc.
Sự xuất hiện của nhiều trường ca gần đây là dấu hiệu khởi sắc của một thể loại vốn có từ lâu. Tuy nhiên, hình thức trường ca vẫn còn là vấn đề đang được tiếp tục tìm tòi, thể nghiệm.
Các tác phẩm thơ dài quá khứ, ngoài giá trị nội dung phong phú, còn là những mẫu mực về nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật dựng người, dựng cảnh, thể hiện nội tâm, nghệ thuật xử lý thể thơ, nghệ thuật tổ chức và kết cấu tác phẩm v.v…
Mặt khác, các tác phẩm đó lại là sản phẩm của những thời đại lịch sử đã qua, các đặc điểm thể loại của chúng là gắn với điều kiện xã hội, với thế giới quan và lối tư duy nghệ thuật ở những hình thái lịch sử đã lùi xa, không phải mọi đặc điểm thể loại ở đấy đều có thể đem vận dụng đồng đều, thiếu một sự chọn lọc có phê phán, sáng tạo.
Phần lớn các trường ca gần đây đều tiếp thu lối kể chuyện của thơ ca tự sự truyền thống, chú ý đến sự kiện và cốt truyện, tình huống và chi tiết… Nhược điểm phổ biến là lối kể lể dài dòng, dềnh dàng trong những mô tả miên man, ít tác dụng biểu hiện trực tiếp. Thơ dài quá khứ gắn với tình trạng văn xuôi tự sự trong văn học viết chưa phát triển thật mạnh mẽ, phong phú. Xu hướng kể lể là có cơ sở xã hội-nghệ thuật nhất định. Nhưng ngay ở những tác phẩm ưu tú như Truyện Kiều, bao giờ chúng ta cũng thấy có sự kết hợp nhuần nhị, mức độ giữa tự sự và trữ tình, kể và tả, miêu tả và biểu hiện. Thơ dài hiện nay gắn với sự phát triển vượt bậc của văn xuôi tự sự, với tình trạng cùng tồn tại của nhiều loại hình nghệ thuật giàu khả năng phản ánh cụ thể-lịch sử… Nó cần được phát triển về hướng trữ tình, kết hợp phản ánh thực tế trên diện rộng với việc nhận thức nó trong chiều sâu, làm cho những vấn đề lớn của dân tộc, của thời đại luôn rõ nét.
Lâu nay, cuộc sống Tây Nguyên và chất liệu trường ca dân gian Tây Nguyên đã hấp dẫn khá nhiều cây bút viết trường ca. Cuộc sống yêu tự do, quả cảm của người dân ở một vùng còn giữ nhiều đặc điểm sinh hoạt và văn hóa cổ vốn thích hợp với cảm hứng anh hùng và trữ tình quen thuộc của thể loại. Chúng ta chú ý ở đây là việc khai thác các phương thức thể hiện phong phú ở trường ca sử thi dân gian. Khát vọng tự do và tình yêu Tổ quốc, ý chí đấu tranh bất khuất, tình yêu nam nữ trong sáng hồn nhiên… vốn là những mô-típ chủ đề truyền thống của trường ca viết về Tây Nguyên, cũng như lời ăn tiếng nói đậm sắc thái dân tộc, các mô-típ biểu hiện, các phương thức chuyển nghĩa trong ngôn ngữ thơ… nói chung đã được chú ý khai thác và góp phần làm giàu thêm phong cách biểu hiện của thơ ca hiện đại. Nhưng sự say sưa có thể cũng quá đà, dễ rơi vào chuộng lạ, dẫn đến lạm dụng, thiếu cân nhắc, đẻ ra những hình tượng nghệ thuật hoặc sáo mòn hoặc cầu kỳ. Nếu Thu Bồn, Thái Giang, Liên Nam… khai thác trường ca Tây Nguyên ở các chi tiết có tính chất cục bộ, thì gần đây Nguyễn Khắc Phục như muốn khai thác toàn bộ chất liệu thể loại của nó. Trường ca của anh có vẻ muốn tự xem như một "khan" như các "khan" dân gian đó. Thể nghiệm của anh, trong chừng mực nhất định, là táo bạo và đáng được suy nghĩ. Điều cần nói có lẽ chưa phải ở chỗ bản thân từng tác phẩm cụ thể nào đó làm theo cách trên có thành công hay không, mà là ở chỗ nó nhắc chúng ta nhớ lại khía cạnh lý luận mà Mác đã tổng kết(1) về tương quan giữa loại hình nghệ thuật với các hình thái lịch sử nhất định. Các nguyên tắc và thủ pháp ước lệ của trường ca Tây Nguyên là gắn với thế giới quan thần thoại và tín ngưỡng nguyên thủy, với nền kinh tế còn lạc hậu, với sinh hoạt bộ lạc và hôn nhân đối ngẫu… tóm lại, là sản phẩm tư duy nghệ thuật của một thời đại lịch sử đã lùi xa, không thể bắt chước y nguyên được. Ở Kể chuyện ăn cốm giữa sân không thiếu sức hấp dẫn của một cốt truyện giàu tính kịch, của nhiều chi tiết đột xuất, kỳ thú, nhưng cái bộ mặt lịch sử cụ thể của cuộc chống Mỹ, qua trường ca, đã bị phiếm chỉ đi khá nhiều, và điều đó có liên quan đến việc sử dụng nhiều mô-típ ước lệ của trường ca dân gian.
Ở các trường ca về Tây Nguyên nói trên dễ thấy một nhược điểm phổ biến là lối lạm dụng cách gọi tên người, tên đất, tên cây cỏ chim muông bằng câu chữ địa phương miền núi, như hậu quả của sự ham mê các màu "xứ lạ". Không thể phủ nhận màu sắc địa phương, dáng dấp dân tộc khá dễ nhận nhờ sử dụng các lối nói và tên gọi đó; nhưng thiếu chừng mực thì lại hạn chế tác dụng truyền cảm trực tiếp, hạn chế giá trị biểu hiện của lời thơ. Chọn cho những câu chữ ấy một vị trí "đắc địa" − như Nguyễn Khoa Điềm đã làm được trong chươngĐất nước − để chúng gây được ấn tượng trực tiếp, tuy là khó, nhưng phải đạt được, chừng nào còn muốn trông cậy vào hiệu quả của nó.
Tiếp thu truyền thống các loại hình nghệ thuật quá khứ cũng như của các loại hình nghệ thuật hiện đại để mở rộng hình thức thể loại, là những hướng tìm tòi tích cực. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho biết(2), khi viết kịch thơ Tuổi hai mươi, anh đã có sử dụng thủ pháp "gián cách" của kịch Brêch. Đây cũng là một kinh nghiệm quý cho loại thơ sân khấu, vốn không bị gò vào khuôn khổ kịch bản, có thể sử dụng nhiều thủ pháp ước lệ hơn để phản ánh, biểu hiện. Có lẽ Huy Cận đã chú ý tới khía cạnh này trong các bài thơ sân khấu của anh.
Vè dân gian, vốn cũng là một loại trường ca, có khả năng phản ánh thời sự, nhưng chưa được chú ý khai thác. Có thể coi Đi đánh thần Hạn của Trần Đăng Khoa như một gợi ý về hướng này. Màu sắc dí dỏm tinh nghịch, lạc quan đã tạo nên cảm xúc hài hước thi vị, hồn nhiên, được khai thác thích hợp với một cốt truyện giàu tính chất đồng thoại.
Ở trường ca nhiều vấn đề chung của hình thức thơ − lời thơ, chữ dùng, vần điệu… − cũng cần được giải quyết. Sử dụng thể thơ là vấn đề rất đáng chú ý. Với khuôn khổ dài, với nhiều tình huống sự kiện và màu sắc xúc cảm khác nhau, có lẽ trường ca không thích ứng nhiều lắm với lối "chạy suốt" bằng độc một thể thơ. Ở Hành trình của Hưởng Triều, cuộc "hành trình" của Sài Gòn anh dũng trong lịch sử, với nhiều biến động, nhiều căm uất, xót xa, quật khởi… chưa có sức vang vọng thích đáng, và điều này có liên quan đến việc khép toàn tác phẩm trong khuôn khổ những câu thơ bảy chữ, những khổ thơ bốn câu kéo dài từ đầu đến cuối gây cảm giác đều đều, bằng phẳng hơn là cảm giác về sự biến thiên, chuyển động, đi tới.
Có lẽ hình thức phù hợp nhất là hình thức hợp ca hợp khúc, phối hợp nhiều thể thơ, phù hợp với nội dung thực tế và chiều hướng xúc cảm. Là một bài thơ dài, trường ca càng không nên đều đều một giọng, mà, trên một âm hưởng chủ đạo, giọng thơ − và do đó lời thơ, thể thơ − phải biến hóa, thích ứng. Trong Bài thơ Hắc hải, để thể hiện tiếng hát cô gái Nga, Nguyễn Đình Thi dùng thể thơ bảy chữ với một bảng từ vựng chói và mạnh, phóng túng và cường tráng, nhưng để nói thế giới tâm hồn người lính thủy Việt Nam, anh trở lại thể lục bát uyển chuyển, ý tứ, tạo ra màu sắc dân tộc và cảm xúc đất nước ân tình thắm thiết. Các trường ca gần đây cũng thường chọn cách thể hiện tương tự như thế, đồng thời mạnh bạo hơn trong việc xử lý các thể thơ tự do theo những tiết tấu thích hợp với nội dung cảm xúc.
Như thế, vận dụng linh hoạt nhiều thể thơ là một hướng đi chủ yếu của trường ca. Cũng cần nói là thể thơ lục bát vốn là thể thơ chủ đạo được sử dụng trong hầu hết các tác phẩm thơ dài dân tộc, vẫn tỏ ra thích hợp với nhiều trường ca. Thể nghiệm của Lê Anh Xuân trongNguyễn Văn Trỗi và đặc biệt, gần đây của Tố Hữu trong Nước non ngàn dặm, thể lục bát (và có chỗ là lục bát gián thất) nhuần nhị, uyển chuyển rất thích hợp với dòng cảm xúc và suy nghĩ nhiều chiều về đất nước, lịch sử, quá khứ, hiện tại. Dĩ nhiên ngay cả thể thơ lục bát − hiện vẫn có chỗ đứng không chối cãi được − cũng không thể là thể thơ thích hợp nhất với mọi loại đề tài. 
Trở lên là một số suy nghĩ xung quanh thể loại trường ca nhân quan sát sự phát triển của nó những năm gần đây. Thơ ca chúng ta đang đứng trước một thực tế vĩ đại và hết sức phong phú của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nói về cuộc chống Mỹ, cứu nước, thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh một yêu cầu lớn đối với văn nghệ: "Làm sao ta có những tác phẩm lớn để ghi lại những trang sử oanh liệt, những tác phẩm bao quát diễn tả lại những giai đoạn lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước". Đồng chí nhắc nhở các văn nghệ sĩ: "Lúc này là lúc chúng ta nên suy nghĩ những cái lớn, và làm từng bước những cái lớn".(1)
"Những tác phẩm lớn", "những tác phẩm bao quát" mà Thủ tướng nói tới, trong lĩnh vực thơ ca cho phép chúng ta nghĩ nhiều đến thể loại trường ca, nơi gặp gỡ của chất thơ và chất lịch sử, của tầm tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc với quy mô phản ánh, ngay trong chỉnh thể của một cơ cấu nghệ thuật. Cố nhiên cái làm nên giá trị tác phẩm trước sau không thể là độ dài, số trạng. Không phải cứ biến thơ ngắn thành thơ dài thì sẽ tăng cường được tính điển hình, sức khái quát, tầm suy nghĩ. Việc lựa chọn thể loại phụ thuộc vào tương quan giữa chất liệu đời sống và ý đồ sáng tạo, vào bản lĩnh và sở trường của mỗi người viết. Nói ưu thế của thể loại cũng chỉ là nói những khả năng của việc sáng tạo, xét về quy mô và cơ cấu nghệ thuật của tác phẩm.
Chúng ta hy vọng trong văn học cách mạng sẽ ra đời những trường ca lớn, xứng đáng với tầm vóc thời đại của sự sống cách mạng, xứng đáng với những trang sử chói lọi mà Đảng ta và dân tộc ta đã viết nên trong gần nửa thế kỷ vừa qua.
2-1975
Lại Nguyên Ân
(*) Bài nghiên cứu này viết trước 30-4-1975 nên vẫn dùng cách phân biệt thông dụng trên sách báo khi ấy. Thật ra "văn học xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc" và "Văn học cách mạng miền Nam" là hoàn toàn thống nhất cả về đội ngũ, nội dung văn học, cả về các vấn đề thể loại và hình thức nghệ thuật.
(1) Từ sau 1975, trường ca xuất hiện ngày càng nhiều, có thể kể thêm những tác phẩm đã in sách hoặc đăng báo: Ba-dan khát, Cămpuchia hy vọng, Quê hương mặt trời vàng, Oran 76 ngọn của Thu Bồn; Những người đi tới biển, Trẻ con ở Sơn Mỹ, Những ngọn sóng mặt trời, Những nghĩa sĩ Cần Giuộc của Thanh Thảo; Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh; Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc; Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu; Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai; Ngày hội của rạng đông của Võ Văn Trực; Ngọn giáo búp đa của Ngô Văn Phú; Trường ca Điện Biên của Hoài Anh; Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo; Chào anh em ở lại của Trần Mạnh Thường; Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo v.v… và v.v…
(1) Xem: Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức - Thơ ca Việt Nam (hình thức và thể loại). In lần thứ hai. Nxb KHXH, H., 1971, tr. 394 - 491.
(2) Tuy nhiên, sự phân biệt này có trường hợp không thật dứt khoát. Nhiều truyện thơ (Mường, Tày- Nùng) có thể xem là trường ca. Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm (bản dịch nôm), xét về cảm hứng chủ đạo thì có thể xem là thơ trường thiên, nhưng về khuôn khổ và kết cấu thì lại có phần gần trường ca. Ngay trong văn học quá khứ, các thể loại này đã có nhiều điểm chung. Có lẽ vì tiêu chí phân biệt thể loại,  như ta thấy trên thực tế tác phẩm, là cũng không thật nhất quán.
(1) Xem C.Mác và F.Ăng-ghen. Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, H., 1959, tr. 98, 107.
(2) Lưu Trọng Lư: Từ bài thơ đến vở kịch thơ. Báo Văn nghệ, số 475.
(1) Bài nói chuyện với anh chị em làm công tác văn học nghệ thuật ngày 6-2-1973, Trích theo báo Văn nghệ số 514, tháng 9-1973.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 – Đài Loan) 17 Tháng Năm, 2023 Tiểu sử nhà thơ, TS. Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 ) Tiến sĩ Thái Trạch Dân...