Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Mấy suy nghĩ về thơ hay

Mấy suy nghĩ về thơ hay
Vẫn còn đó những tranh luận xoay quanh ý niệm “Thế nào là thơ” nên chuyện thơ hay sẽ càng mông lung hơn khi lý giải. Nhận diện, đề xuất tiêu chí thơ hay thành ra bao hàm ít nhiều tính chủ quan không thể tránh khỏi của người viết.
“Hay” là điểm sáng đầu tiên nhưng chỉ là một phần nằm trong tổng thể giá trị thẩm mỹ của bài thơ. Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan là bài thơ haynhưng không thể so sánh với giá trị bất tử của Nam quốc sơn hà, một tuyên ngôn lộng lẫy chính khí.
Hai là, ý niệm “thơ hay” chắc chắn thay đổi theo quan niệm thẩm mỹ Đông – Tây, vùng miền, thời đại, theo khuynh hướng phê bình và còn tùy cách tiếp cận của mỗi người, trong từng khoảnh khắc khác nhau. Thơ Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Quang Dũng… một thời bị nhìn phiến lệch là vậy.
Ba là, “hay” còn cần được lý giải trên nhiều khía cạnh: ngôn ngữ, tư tưởng, thần thái của bài thơ… Đi tìm một bài thơ hay toàn diện, hay trong mọi thời đại, hay với mọi người là chuyện mò kim đáy biển. “Mắt em là một dòng sông/  Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em” của Lưu Trọng Lư đến hôm nay có lẽ hơi nhạt. Ngược lại, câu thơ của Thanh Tâm Tuyền “Tôi buồn khóc như buồn nôn/ ngoài phố/ nắng thủy tinh”, trong thời đại mới, vẫn bị xem là khó hiểu dù chỉ phơi bày một nhát cắt hiện thực dang dở và đang mở, chờ đón sự chắp nối của người đọc.
Với Lê Đạt, thơ hay “bao giờ cũng có tiếng thầm thì, đó tiếng gọi nhau của chữ”; với tôi, thơ hay trong khoảng im lặng giữa các chữ, là mang đến cho ta niềm ngạc nhiên về thế giới, sự run rẩy trong tâm thức. Bài thơ Linh hồn những con bò của Nguyễn Quang Thiều là một ví dụ. Năm khổ thơ, năm chặng đường khép mở hiện hữu và hũy diệt. Nếu cánh đồng cuối cùng, bóng tối, tiếng rống, những chiếc ách, dàn kèn đồngthuộc về hôm qua, hiện thể… thì đám mây trở thành một biểu tượng của phục sinh  miên viễn nhuốm màu sắc tâm linh: ”Giờ chỉ còn những đám mây/ phiên bản của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác”. Đọc Pablo Neruda (Nguyễn Hữu Viện dịch), thì Tình hiện ra với nét khắc hoạ thô mộc vạm vỡ, chính xác, bạo liệt: “Thân xác đàn bà ngọn đồi trắng đoạn đùi trắng/ Em giống thế giới trong vẻ thúc thủ đầu hàng/ Thân anh tay nông dân luống cày cắm bừa hoang bạo/ Làm nảy mầm sinh đứa con từ đất bằng”. Nhưng, thơ Yves Bonnefoy (Huỳnh Phan Anh dịch) lại đi về hướng khác với đa tầng cảm xúc hơn và liên tiếp mở ra những cánh cửa bất ngờ: “Tôi không thể thiếu em tôi không dám? Liều không có em trên những bậc thang đi xuống/ Về sau tôi nhận ra đó là một giấc mơ khác/ Mặt đất này với những con đường rơi vào cõi chết”.
Thơ hay như thế không hạn chế ở đề tài. Thơ ngâm vịnh của Lý Bạch, thơ nhân sinhcủa Đỗ Phủ, thơ thiền của Không Lộ còn đó những tuyệt tác. Rồi thơ trữ tình của Pushkin, Walt Whitman, Hữu Loan… rung lên bao cung bậc. Nếu “Tang khúc cho Ignacio” của  García Lorca (Hoàng Hưng dịch) gửi lại nhân gian cảm thức rụng rời bi tráng về cái chết: “Ignacio lên từng bậc thang /Cõng trên lưng cái chết. /Tìm kiếm bình minh  Mà bình minh không có /Tìm bóng đích thực mình /Mà giấc mơ đánh lạc /Tìm thân mình khoẻ đẹp /Mà thấy máu mở tuôn..”, thì “Tây Tiến” của Quang Dũng cũng dựng lên tượng đài chiến sĩ vô danh khi “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Bên cạnh, “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai”(Thích Thanh Từ dịch: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua – sân trước – một cành mai.) của thiền sư Mãn Giác lại nuôi trồng những niềm tin tâm linh.
Thơ hay cũng không quy định bởi trường phái, thể loại, cũ & mới, truyền thống hay hiện đại. Thơ Đường của Thôi Hiệu, Vương Duy…, Lục bát của Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn…, thơ tượng trưng từ Stephane Mallarmé đến Paul Valéry…, thơ hậu hiện đại của Paul Hoover, Allen Ginsberg… đều mang lại những chiêm ngắm hiện thực lớn lao.  Một thái độ ứng xử mới với thơ là cần ý thức rằng các yếu tố hình thức đều dung chứa nghĩa, và bất kỳ một cấu trúc hình thức nào cũng có khả năng biểu đạt tư tưởng hoặc nội dung thích hợp.
Thơ hay cũng không nhất thiết lệ thuộc vào vần điệu, tiết tấu, phải dễ thuộc, dễ nhớ, vì thơ ngoài để thuộc lòng, còn để đọc và cảm nhận. Thơ vần điệu với vùng thẩm mĩ quen thuộc thường được người đọc nhớ nằm lòng chưa hẳn là hay và ngược lại. Mời đọc những câu thơ nhớ nhà: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Tản Đà dịch: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?) trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Hoặc: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà (Phạm Hữu Quang). Và thơ của Tiểu Kiều: “lưng cha trần /rét vô lường/ mặt vùi nặng nợ ruộng nương/ hai bờ “. Câu thơ trên của Phạm Hữu Quang sẽ dễ nhớ nhất vì nhịp đọc quen thuộc; hai câu kết của bài Hoàng Hạc Lâu cũng nhịp 2-2-3 nhưng là từ Hán Việt sẽ khó nhớ; cặp lục bát của Tiểu Kiều khó nhớ hơn vì tiết tấu quen thuộc của lục bát đã bị phá vỡ. Từ đây, ta cũng nhận ra sự khác biệt về cái hay của thơ truyền thống và hiện đại. Thơ hiện đại với mạch chảy là những hình ảnh đứt đoạn, nhảy cóc, mở ra những trường liên tưởng xa nhất định là khó nhớ nhưng như thế chưa hẳn là không hay. Vấn đề ở đây là trình độ cảm thụ của người đọc, chấp nhận hay không chấp nhận cái mới, cái chưa quen thuộc.
Có nhiều khía cạnh hay khác nhau. Thơ Phạm Thiên Thư hay trong thần thái của phiêu lãng đạo và đời, thơ Trần Dần ngổn ngang trong việc bày biện giữa cái tôi nhân sinh và vũ trụ hằng hà; thơ Beaudelaire đẹp trong những những suy tư triết học, trong khi Alphonse de Lamartine lại cực kỳ lãng mạn. Nếu Nguyễn Khuyến trầm tư với màu thu thì Hồ Xuân Hương lại cười cợt nhân gian; khi Bà Huyện Thanh Quan hoài cổ để đeo sầu thì Bùi Giáng lại bỏ mặc nhân thế trong cái ta bà mộng mị. Mỗi người một vẻ hay trong phong thái. Trên bình diện ngôn ngữ cũng tương tự. Thơ Đường đẹp trang trọng với những ước lệ ngôn từ thì thơ hậu hiện đại tung tẩy những con chữ đời thường. Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng… mỗi người sở hữu một thứ ngôn ngữ riêng nhưng đều rất… thơ .
Thơ hay có thể đến tình cờ với một số thi sỹ trong khoảnh khắc đốn ngộ, xuất thần… Nhưng đa số các nhà thơ có được thơ hay qua quá trình tu luyện, tích lũy kiến thức phong phú, một hành trình bới tìm “vỉa quặng” của tâm hồn, đợi đến khi chín muồi, cảm xúc sẽ chợt nhòa chợt hiện và nhà thơ, viết với tất cả choáng ngợp của mình. Sự choáng ngợp mê man của tác giả rồi sẽ lan truyền đến người đọc. Tưởng như, nhà thơ gặp bài thơ hay giống như người toạ thiền trong quả chuông ánh sáng, hoặc cảm giác như kẻ thoát xác; tưởng như nhà thơ lúc đó là kẻ lạc vào rừng rậm, chỉ nhìn nhanh được những hình ảnh lớn, trực diện, còn những cây dương xỉ, con sóc, con sâu nhỏ bé, hoặc cả những vỉa ngầm… dành lại cho người đọc hình dung. Đúng như Octavio Paz đã viết “Thơ ca là khoảnh khắc ngừng lại của thời gian”. Tầm vóc của thi sỹ chính là khả năng khái quát, biến những hình ảnh quen thuộc thành biểu tượng thi ca, tiên tri cả thời đại đang đến.
Hình ảnh con ngựa trong đêm tối trong bài thơ “Con ngựa đen” của Joseph Brodsky viết năm 1961, (Hoàng Ngọc Biên dịch) là bóng dáng thế kỷ chúng ta đang sống. Nhà thơ đã nhìn thấy những hiểm hoạ đến với loài người, như chiến tranh, bệnh tật huỷ diệt hàng loạt, xung đột sắc tộc, tôn giáo… Bài thơ là một tiên báo: con ngựa đen “chờ đợi trong chúng ta đứng dậy một kỵ sĩ”.
Thơ hay, cuối cùng còn tuỳ khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Phần lớn bạn đọc đều bị động trước các văn bản thơ, tức chờ bài thơ đi vào lối mòn thẩm mỹ của mình để đồng cảm đồng điệu mà ít có ý thức vươn tới giá trị của thi ca, không chuẩn bị nhập chung hai luồng ánh sáng cùng rọi trên một điểm. Nếu có thơ ca tinh tuyển thì cũng cần có cách đọc tinh lọc. Đó là cách đọc dám từ bỏ mọi thói quen cũ, sẵn sàng đến với những giá trị mới một cách bình tĩnh, công bằng; thái độ lắng nghe thơ chuyển động dĩ nhiên quan trọng, nhưng lắng nghe chính mình càng quan trọng hơn.
Pablo Neruda than thở rằng thơ đang dần bị thu hẹp vào vương quốc  của riêng nó, rằng bây giờ chỉ có các nhà thơ đọc nhau. Nhưng tôi tin, thơ sẽ hay hơn nếu chúng ta biết đón chờ những giá trị mới bằng một tâm thế mới. 
Theo http://phebinhvanhoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...