Những giọt thơ tích tụ nơi thượng nguồn thi cảm
TS. Đỗ Thị Thu Huyền
Tôi mượn ý thơ đã trở thành kinh điển trong gia tài thơ Nguyễn
Anh Nông để làm điểm tựa cho những xúc cảm khi viết bài giới thiệu này.
Thơ Nguyễn Anh Nông ở những bước đi dè dặt nhưng đầy say mê đầu
tiên thì lững thững, nhẩn nha... nhưng càng về giai đoạn sau này, những giọt
thơ tích tụ ấy cứ một ngày một lớn, nó bất ngờ và ào ạt cuốn người đọc theo một
cơn lũ thơ dù mạnh mẽ nhưng không thiếu những khoảng lặng để suy tư chiêm nghiệm.
Dễ đồng cảm, mới lạ, có chiều sâu là những gì dễ nhận ra nhất
khi tiếp xúc với hành trang thơ đầy đặn của Nguyễn Anh Nông. Với 6 tập thơ Bàn
tay lá cỏ (2 tập-1993,1995), Kỵ sĩ ngựa gỗ (thơ thiếu nhi,
1998), Mây bay (2000), Những tháng năm ở rừng (2005), Lững
thững xanh (2010), Hà Nội và em (2011), và 4 trường ca Trường
ca Trường Sơn (2009), Gửi Bill Gates và trời xanh (2011), Trò
chuyện với cha con Cu
Lập Sơn, Lập Thành (2012), Nguyễn Anh Nông đã thực hiện một hành trình từ
sự đều đặn chậm rãi của giai đoạn khởi đầu đến một cuộc “tổng tấn công” đầy mới
mẻ của giai đoạn sau này.
1. Sự tìm tòi cẩn trọng
Tập thơ đầu trình làng đã chẵn 20 năm. Khoảng thời gian đủ để
những trải nghiệm nơi người thơ, nơi bút pháp thơ đi đến độ chín. Trái ngược với
nhiều nhà thơ khi bước đến cái tuổi tri thiên mệnh hay làm mới, trẻ hóa những
xúc cảm thơ của mình, Nguyễn Anh Nông dường như để đúng những gì hồn nhiên nhất,
tự nhiên nhất theo lẽ đời. Gừng càng già càng cay, con người ngày một thấm thía
lẽ nhân sinh. Thơ anh cũng vì thế mà sự trầm tư, súc tích và trải nghiệm được bộc
lộ rõ; bởi thế tính triết luận của thơ ngày càng cao.
Hai tập thơ đầu tiên Bàn tay lá cỏ (1, 2) đây đó
còn những câu vụng về nhưng báo hiệu một hồn thơ trẻ trung, giàu xúc cảm.
Trong những bài thơ của chặng đường thứ nhất này, nơi hồn thơ
rộng mở, cảm xúc nguyên sơ, Nguyễn Anh Nông đến với người đọc bằng những gì mộc
mạc và giản dị. Tự tình với những miền quê, tâm sự cùng những người đồng đội hi
sinh, trải lòng với sự sống tạo vật xung quanh... Điểm nhấn đến từ nhiều bài
thơ như Trước lá vàng - câu chuyện về sự thành đôi của hai người góa
bụa, Tha hương - những bài thơ haiku độc lập trong một chỉnh thể giàu
triết lý. Điểm đặc biệt của hai tập thơ khởi đầu là cách xưng hô anh - em xuất
hiện nhiều, thêm vào đó là những bài thơ tình, cho vợ, cho bạn bè với lời đề tặng
cho thấy một đời sống tinh thần phong phú, những xúc cảm thơ bắt nguồn từ những
điều có thực trong cuộc sống nhà thơ: Tìm (tặng nhà thơ La Quốc Tiến), Với
cỏ (Kính tặng nhà thơ Hoàng Cầm), Tĩnh và động (Thân tặng Lê
Minh), Cây trong vườn lạnh (Tặng nhà thơ Bế Thành Long), Nhát chổi trong chiều (Kính
tặng o Bàng), Hát dưới trăng vàng (Tặng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi), Thơ
trên đá (Tặng nhà thơ Y Phương)...
Giai đoạn sau này, khi bút lực vững vàng hơn, thơ Nguyễn Anh
Nông mang đến những cung bậc mới, linh hoạt và trải nghiệm hơn sau những thăng
trầm xê dịch trong đời sống và cả những “va đập” với sự khen chê của thi đàn. Nếu
như những bài thơ thiếu nhi trong Kỵ sĩ ngựa gỗ đem lại cho thơ anh một
cái nhìn trẻ trung, hồn hậu (tiêu biểu như trong các bàiChuyện lạ quê nội, Lời
cây xà cừ, Điều lãng quên, Bé đi nhà trẻ, Cây bàng mùa xuân, Mèo và hổ...)
thì Mây bay, Những tháng năm ở rừng đem đến một sự trầm tư hơn, chín
chắn hơn.
Thơ Nguyễn Anh Nông khá phong phú các mảng đề tài. Ấn tượng đến
đầu tiên có lẽ là những vần thơ viết cho bạn bè. Những người đồng đội cùng vào
sinh ra tử của những ngày chiến tranh, những người bạn tâm giao, những số phận
giản dị xung quanh... tất cả đều hết sức chân thành. Anh tưởng nhớ đến sự hy
sinh cao đẹp và thiêng liêng - những con người đã trở thành huyền thoại:
Bạn nằm lại khoảng rừng sương khói phủ
Nắm xương tàn đồng đội gói mang về
Tôi kịp đến chiều nghĩ trang đón bạn
Nén hương trầm nghi ngút, vân vi...
Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành
Cứ rì rầm, ngọt mát, long lanh.
Cách anh liên tưởng những người bạn với mạch suối nguồn trong
lành, ngọt mát thể hiện sự trân trọng. Nguyễn Anh Nông có khá nhiều những liên
tưởng sâu như thế. Nhiều lúc chỉ đơn giản là tái hiện một câu chuyện về những
người hạnh phúc không trọn vẹn đến với nhau nhưng toát lên tinh thần nhân văn
sâu sắc:
Anh còn cậu con trai
Chị còn cô con gái
Vợ anh mất lâu rồi
Chồng chị không còn nữa.
...Trước ảnh chị nâng đèn
Anh cầm nhang châm lửa
Nhớ người không còn nữa
Họ lặng trầm bóng đôi.
(Trước lá vàng)
Thơ Nguyễn Anh Nông mộc mạc, chân tình. Cách anh sống và ứng
xử với bạn bè cũng vậy. Anh thường mượn những lời thơ để tri ân đến bè bạn, rất
chân xác và tài tình khi phác họa những điểm thú vị của “đối tượng”. Chân dung
một nhà thơ dù tuổi đời đã cao nhưng trẻ trung, tài hoa Bế Thành Long: Tôi
hình dung bạn tinh nghịch như chú voi con/ Tuổi tác lục tuần rồi ấy nhỉ?/ Trong
mắt tôi bạn bao giờ cũng trẻ/ Những câu thơ nheo mắt yêu đời (Nhớ bạn Cao Bằng).
Khi anh nhớ Y Phương và các bạn vong niên ở Cao Bằng, cách đưa những hình ảnh
mang giá trị gợi tả độc đáo: Chẳng chờ nổi trời xanhkia thấu đáo/ Trời cũng lơ
ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo/ Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ
hoa (Loanh quanh một khúc sông Bằng).
Lẽ thường, người ta làm thơ khi cảm xúc trong tim đã thật đầy.
Thơ Nguyễn Anh Nông qua một hành trình dài nhưng cảm xúc không vơi cạn, Anh giữ
cho mình cách nhìn cuộc đời giàu màu sắc, nhiều chuyển động, Có lẽ bởi anh đi
nhiều, anh từng trải; chính vì lẽ đó mà thơ anh cũng dễ đưa người đọc đi qua
nhiều cung bậc khác nhau. Thơ Nguyễn Anh Nông nhiều tự bạch, giãi bày. Qua những
tâm sự về cuộc đời nhiều dịch chuyển ấy, hình ảnh vợ con hiện lên đầy trân trọng: Con
là gió mát/ Của đêm oi nồng/ Con là dòng sông/ Của ngày nắng lửa (Con là...); Vợ
ta vốn cô thôn nữ/ Thương chồng con ít ai bằng/ Lam làm sớm hôm tất bật/ Quên hết
mặt trời mặt trăng... (Nhà ta). Chính từ sự trân trọng ấy, Nguyễn Anh Nông soi
mình vào để tự họa bản thân bằng nhiều định nghĩa:
Gốc gác người tỉnh Thanh
Quê ngoại đất Thái Bình
Vợ, trú ngụ Hà Nội
Chồng, nghề nghiệp nhà binh.
...Như con thuyền lênh đênh
Nay đây rồi mai đó.
(Tự bạch một con thuyền)
Con thuyền lênh đênh là cách ví von rất sắc của Nguyễn Anh
Nông khi nói đến cái thăng trầm của chính cuộc đời anh. Nhiều lần anh lựa chọn
những phác họa về mình, tất cả đều trong một trường nghĩa: gã mơ mộng (Nhổ
mạ); Ta - một kẻ tha hương (Tha hương); và là - hạt - cát - biết
- yêu đương... (Trường ca Gửi Bill Gates và trời xanh). Tất cả những
định danh ấy dường như để cùng nói lên một phẩm chất cũng là một day dứt - ấy là sự mắc nợ
vợ con. Có lúc anh trầm tư trên cái hành trình đi tìm bản thân:
...Riêng ta - đi xa biền biệt
Tháng năm mải miết, đam mê
Về nhà, từ vầng trăng lạ
Một năm được mấy trung thu.
(Nhà ta)
Những triết lý trong những vần thơ của anh dường như cũng song hành cùng với quá
trình anh ra đi, trải nghiệm và hồi tưởng lại. Đầu tiên là hành trình của những
cuộc đi, ngày xưa là đi vì đất nước đang còn chiến tranh bom đạn, ngày hòa bình
cũng vẫn đi, đi là sống, là kiếm tìm những hiểu biết, đi để khám phá… nhưng dù ở
hoàn cảnh nào, tâm thế nào, sự ra đi cũng báo trước một sự trở về. Có thể thấy
rõ điều này qua một loạt những bài thơ nằm trong mạch cảm xúc khi trở lại quê
hương: Về chốn cũ, Khúc ca bên cỏ... Nhiều lúc anh tự vấn: Ta gặp ta:
lữ khách phong trần (Khúc tưởng niệm bên dòng suối). Khi rời xa quê hương
để bôn ba nay đây mai đó, không điều gì khác chính là những yêu thương luôn vẫy
gọi trở về. Nơi ấy có tình quê, có gia đình, có bạn bè gắn bó.
Thơ Nguyễn Anh Nông cũng nằm trong mạch vận động chung của
thơ ca đương đại. Nó chấp nhận tất cả từ những điều lớn lao đến những thứ nhỏ
bé nhất trong cuộc sống bình dị đời thường. Nhiều bài thơ của anh hướng cái
nhìn đến những gì gần gụi nhất để giãi bày như một nhu cầu giải tỏa tự thân. Ở
đó, chất triết lý dù không dụng công nhưng hiển lộ những suy tư, chiêm nghiệm của
một con mắt trải đời tinh tế. Anh viết bằng những xúc cảm tiềm tàng lặng lẽ.
Nguyễn Anh Nông dung hòa rất khéo giữa cái cao đàm khoát luận với cái bình dị,
nhỏ nhoi đời thường. Ở đề tài nào anh cũng kín đáo gửi gắm những thông điệp
đáng suy ngẫm.
Một điều hiển nhiên là đề tài tình yêu không bao giờ là mới
nhưng nó vẫn giành được sự ưu ái không thể phủ nhận của tất cả mọi nhà thơ. Lev
Tolstoy từng viết: “Suy cho cùng, bi kịch lớn nhất của con người là tình yêu”.
Với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu thì: Tôi khờ khạo quá, ngu ngơ lắm/ Chỉ
biết yêu thôi, chẳng biết gì. Còn nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, đã tự nhận đi “đến
tận cùng xứ sở, đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu” cũng bộc lộ những khát khao
hòa nhập hết mình: Em yêu anh hơn cả thời xưa/ Cái thời tưởng chết vì tình
ái/ Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi/ Em cộng anh với cả cuộc đời em…Nguyễn
Anh Nông lại khác. Anh đúc kết một cách dí dỏm đầy chất lính về tình yêu:
Cồng chiêng ai gõ bâng khuâng quá
Trời ơi, mặt đất cứ chao nghiêng
Rượu cần mới nhấm đôi ba giọt
Chân tay cũng có nỗi niềm riêng.
(Thảo nguyên đêm)
Cái lãng mạn mà khỏe khoắn, giản dị mà tinh tế trong cách viết
duyên dáng: Chân tay cũng có nỗi niềm riêng. Ở thơ tình Nguyễn Anh Nông,
cái chất trẻ trung rất lính không thể nào giấu nổi. Trong thơ anh, những con
người dù đã đi quá nửa đời sương gió, trở về vẫn với một tâm hồn tươi mới trong
tình yêu:
Mắt em men gì mà lắm kẻ say
Anh như gã sơn tràng đễnh đoãng
Cứ có rượu có hoa là chếnh choáng
Lạc bước lên non quên nẻo đường về...
(Tình tự với Thạch An)
Một hành trình cẩn trọng mà mê say với thơ, Nguyễn Anh Nông dần
dần định hình được một phong cách riêng. Đến với thế giới thơ Nguyễn Anh Nông,
người đọc có thể dễ dàng đồng cảm với những tâm tình, chia sẻ khi anh viết về bạn
bè, gia đình; có thể thấy thú vị bởi cách anh nhìn và miêu tả bằng đôi mắt trẻ
thơ; có thể thấy thấm thía với những lẽ đời, những mất - còn mà anh trải nghiệm...
nhưng hơn hết ấy là cảm giác khiến ta dễ tin, dễ yêu; nó cũng giản dị và nôm na
như cách anh diễn tả: Tôi bơi qua bể khổ/ May mà không chết chìm/ Đời vướng
nhiều tục luỵ/ May mà còn niềm tin (May). Và chính bởi sự tự tin một cách
hồn nhiên, hết mình ấy, Nguyễn Anh Nông đủ động lực mạnh mẽ để vươn tới khám
phá những mảnh đất mới, để đi nhanh và xa hơn.
2. Bứt phá táo bạo bằng những thử nghiệm thể loại
Không phải ngẫu nhiên mà Bakhtin đề cao vai trò thể loại: “Đằng
sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta
không nhìn thấy vận mệnh to lớn và cơ bản của văn học và ngôn ngữ, mà nhân vật
chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những
nhân vật hạng nhì và hạng ba”(1). Sự tích tụ
trong thơ Nguyễn Anh Nông hiển lộ khá rõ trong thơ ngắn. Sau một hành trình đi
tìm những cách biểu đạt, Nguyễn Anh Nông dành sự ưu ái của mình ở thơ ngắn - điểm
độc đáo làm nên nét riêng cho phong cách thơ anh. Không phải là không có thời
gian cũng như xúc cảm cho những trang viết dài, ở thể loại này, Nguyễn Anh Nông
bộc lộ mình theo một cách lạ hơn như anh từng thú nhận: Đôn hậu, hiền
lành/ Thơ cũng lành cũng thật như đếm. Anh nhận thơ mình là thứ thơ hiền
lành, thật thà nhưng người đọc sẽ thấy ở đó nhiều phẩm chất thú vị khác nữa. Đấy
là sự thâm thúy mà hóm hỉnh:
Tai con gái
Túi đựng rơm rác, vàng bạc
Đổ ra toàn hoang mang.
Là sự giễu nhại:
Chỉ quê mình mới đẹp, mới xinh
Xứ người toàn… đồ “đểu”.
Và cả sự trầm tư lắng đọng:
Gánh buồn vui xốn xang
Bước năm tháng kĩu cà kĩu kịt
Rơi vãi không hề ít.
Không chỉ đến khi Lững thững xanh với 369 bài thơ
ngắn ra đời, Nguyễn Anh Nông mới ghi dấu ấn ở cách viết súc tích mà trường liên
tưởng vô tận này. Giai đoạn trước đó, với Tha hương với những tứ thơ
hay:
Ôi buồn nhất
Người thân ta ngoảnh mặt?
Đời tha hương ngay ở trái tim mình.
Khi thơ kiệm lời, nén cảm xúc lại, nó lại tạo ra những hiệu ứng
mạnh hơn sự diễn giải nhiều lần. Nguyễn Anh Nông thành công khi kéo sự chú ý của
bạn đọc với những bài thơ nhỏ xinh mà giàu triết lý. Thơ ngắn đọc chưa hẳn đã dễ
dàng và nhiều bài của anh làm cho người đọc phải dành thời gian ngẫm ngợi, câu
chữ chưa hẳn thật sắc nhưng nhiều ma lực ám ảnh:
Gã nông dân rất hay
Bụng to, đầu to, miệng rộng
Nuốt chửng cả trời sao.
Nhà anh ngoảnh hướng Đông
Hồn anh ngảnh hướng em, bóng em.
Nếu như thơ Nguyễn Anh Nông để trang trải tình cảm với bạn
bè, quê hương, gia đình bằng một chất giọng dung dị, tinh tế thì riêng thơ ngắn
đã giúp anh làm mới và bộc bạch những đúc kết về cuộc sống; đặc biệt với trường
ca, Nguyễn Anh Nông đã thể hiện sự bứt phá đầy quyết liệt, mạnh dạn qua những nỗ
lực tìm tòi không ngừng nghỉ.
Giai đoạn liền kề tương đối gần trước
và sau 1975, xuất hiện nhiều trường ca, phần lớn tác giả là những người trưởng
thành trong quân đội: Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu,
Nguyễn Trọng Tạo... Dần dần, trường ca thưa thớt vì công chúng không có thời
gian cho những trang viết dài. Nằm trong xu hướng chung của trường ca Việt Nam
sau 1975 là thiên về trữ tình, trường ca đầu tiên của Nguyễn Anh Nông - Trường
ca Trường Sơn cũng hướng sự chú ý đến chất sử thi nhằm tái hiện một chặng
đường lịch sử dài, một chuỗi sự kiện tiêu biểu… Ở đây, Nguyễn Anh Nông đã tạo
được sức hấp dẫn bởi xúc cảm mãnh liệt - yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng
cho trường ca.
Trong bốn năm, Nguyễn Anh Nông trình làng bốn trường ca Trường
ca Trường Sơn (2009), Gửi Bill Gates và trời xanh (2011), Trò
chuyện với cha con Cu Lập Sơn, Lập Thành (2012), đủ để thấy lực viết dồi
dào và sự khát khao chiếm lĩnh thể loại còn “chưa hoàn thành” này. Với trường
ca, Nguyễn Anh Nông đã tạo dựng được bức tranh sống động về cuộc sống. Ở
đó là những số phận con người; cũng có khi là số phận của cả một dân tộc; và xa
hơn là hướng cái nhìn về tương lai.
Viết về chiến tranh là cảm hứng lớn nhất trong những trường
ca giai đoạn trước đó. Nguyễn Anh Nông vẫn tiếp tục khơi nguồn mạch cũ này bằng
cố gắng đưa vào đó cái nhìn của riêng anh. Không dàn trải, không thuyết minh và
mô tả nhiều về những đau thương, những hy sinh, cái dụng ý lớn nhất là khắc họa
hình ảnh những con người bình dị, đại diện cho cả một thế hệ của quá khứ hào
hùng đã qua:
Những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi
Gánh trên vai bao điều bình dị
Cõng trên lưng nặng nhọc tháng năm đi…
Và cha thấy, cháu con
Bầu đoàn lũ lĩ
Mỗi người - chọn cho mình - một Trường Sơn
Rồi - đi - bằng đôi chân của mình
(mặc - sức vóc - không bằng anh bằng chị).
(Trường ca Trường Sơn)
Những con người được xây dựng trong Trường ca Trường Sơn cũng
như những trường ca sau này của Nguyễn Anh Nông không gánh trên vai những điều
vĩ đại, lớn lao mà như anh bộc bạch:
Tớ chỉ là một nông dân xoàng
Của xứ sở hiền hoà, nhân hậu
Mưa và nắng và gió và bão
Vẫn đồng hành
qua những thương đau...
(Gửi Bill Gates và trời xanh)
Lợi thế của trường ca là khả năng tái hiện những hình ảnh, sự
kiện có quy mô lớn, nhưng ở bốn trường ca của Nguyễn Anh Nông (đặc biệt là ba
trường ca sau) thì sự chú ý chất sử thi hoành tráng không được đề cao. Những
trang viết hướng nhiều đến sự chân thực, dù quá khứ hào hùng của dân tộc được
diễn tả bằng những nét vẽ tinh tế nhưng chủ yếu là những số phận con người
trong cuộc chiến ấy. Trường ca của Nguyễn Anh Nông không ngại thâm nhập sau hơn
những bộn bề, phức tạp của cuộc sống, kể cả những mặt khuất, ở giới hạn giữa
cái không thể và có thể. Trường Sơn kì vĩ, thiêng liêng nhưng ở đó cũng là những
kí ức nhiều mất mát:
Ngày cha vượt Trường Sơn
Mẹ mỏi mòn ngóng đợi...
Ngày cha vật vã cơn đau
tiền nong không cõng được giấc mơ
Mẹ bất lực nhìn cha thoi thóp thở
Dằng dặc Trường Sơn trong mắt mẹ buồn....
Hôm nay
Con vượt Trường Sơn
Điều này cũng nằm trong một mạch xúc cảm với nhiều bài thơ của
anh: Những tháng ở rừng/ Đồng đội mấy người gục ngã/ Hồn thiêng gửi lại lá
cây rừng (Những tháng năm ở rừng). Bước sang một thời kì mới, tìm một tiếng
nói mới mẻ hơn, lúc này vấn đề đề tài lớn đề tài nhỏ không còn là điều cần cân
nhắc. Nguyễn Anh Nông từ những đề tài quen thuộc, bình dị đã tìm ra một cách
khai thác và truyền tải thông điệp mới. Gửi Bill Gates và trời xanh, Trò
chuyện với cha con cu Lập Sơn và Lập Thành của anh khiến người đọc
có một cái nhìn mới hơn về trường ca. Bức tranh về cuộc sống đa sắc màu của trường
ca Nguyễn Anh Nông cung cấp thêm một cái nhìn mới, đó là vấn đề nổi cộm, nhức
nhối mà cả thế giới đang phải đối mặt:
Nếu thơ tớ mà đổi ra đô la, vàng, bạc, kim cương
Thì trái đất nặng thêm nhiều trọng lực
...Thiên hạ dễ đánh đồng tiền bạc với nhân văn?
Nền văn hóa không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam có những biến
động lớn trước xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và quá trình hội nhập kinh tế thế
giới. Mặc dù đã khẳng định Nước tớ và nước cậu/ Hai lịch sử/ Hai văn hoá/
Hai sự kiêu hãnh/ mấy ai có được? nhưng không thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng
và mối liên hệ chặt chẽ hữu cơ giữa kinh tế và văn hóa. Cũng chính vì thế mà một
vấn đề khiến rất nhiều người quan tâm là sự biến đổi ra sao của nền văn hóa,
văn học, hẹp hơn là thơ ca trước sự giao lưu đó. Nguyễn Anh Nông miêu tả cũng
là để cảnh báo:
Những tổ hợp nhả khói độc lên trời
Từng đám mây a-xít lặc lè bay quanh trái đất
...Trái đất như con người bị moi dần tim, gan, lá lách
...Ta mơ màu xanh râm mát
Ta mơ giấc mơ trái đất
Vĩnh viễn là người bất tử, em ơi!
Những giọt sương long lanh ánh trời
Nhuần nhuỵ cỏ cây hoa lá
Mỗi ngày sống ta như người mắc nợ
Với trái đất này, bạn ơi!
Điểm nổi bật của bốn trường ca Nguyễn Anh Nông là sự tập
trung trong một mạch xuyên suốt. Cái tính chất đối thoại thể hiện rất rõ. Trường
ca Trường Sơn là đối thoại với quá khứ để giúp nhận chân giá trị, một phần
lịch sử đã qua; Gửi Bill Gates và trời xanh là cuộc đối thoại đa
thanh đầy kiêu hãnh từ một thi sĩ với tỉ phú nổi tiếng toàn thế giới; và Trò
chuyện với cha con cu Lập Sơn và Lập Thành là cuộc đối thoại với
tương lai. Dù với tâm thế nào, trường ca Nguyễn Anh Nông cũng hướng cái nhìn đến
một tương lai đầy hứa hẹn. Có thể đó là khát vọng mạnh mẽ:
Cha mừng - con - vượt - Trường Sơn
Mạnh mẽ
Dứt khoát
Bằng
Vượt
Qua
Cái - bóng - của- mình.
(Trường ca Trường Sơn)
Có thể chỉ là một con người nhỏ bé:
Nhìn hai bố con tập lẫy tập bò
Ai biết được ai đi xa hơn ai?
Những le lói con đường xa ngái.
(Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn)
Cũng như ở trường ca Chín tháng của Y Phương, hình ảnh
đứa trẻ là trung tâm của thế giới, nó khiến cho người lớn phải nhận thức và suy
ngẫm nhiều hơn trước một số phận mới đang hình thành:
Thời gian ái ngại
Hy vọng rụt rè rón rén ngập ngừng đi
Hai cái mậm cây nhúc nha nhúc nhắc.
Vô tư khóc cười
Những đứa trẻ thiên thần trong trắng
Dạy người lớn quên âu sầu, lo lắng.
Điểm đặc biệt thứ hai của bốn trường ca Nguyễn Anh Nông là
dung lượng vừa và ngắn với cấu trúc vững.
Dung lượng ngắn là một đặc điểm chung dễ nhận thấy của trường
ca giai đoạn sau này. Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông bộc lộ
nhiều cố gắng trong việc mở rộng dung lượng tự sự và quy mô cảm xúc, có sự kiện
và những biến chuyển trong từ trường của một tư tưởng chủ đạo (Chương VI Vượt dốc với ba phần (Tỉnh táo, Hôn mê, Gượng dậy); Chương VII Mây; IX Lời một người con, XI Nhà thơ, XII Nữ chiến sĩ, XIII Cánh bướm - Hồn trinh nữ, XIV Lời kẻ đào ngũ, XV Lời một người cha, XVI Lời căn hầm dã chiến, XVII Lời cây cầu tạm, XVIII Lời con
đường, XIX Lời một em bé, XX Lời
già làng, Vĩ thanh). Tác giả chọn chỗ đứng ở thời hiện tại để hướng cái nhìn về
quá khứ đã qua:
Trường Sơn
Ai lại về đây
Lặng nhìn hôm nay...
Bài ca mưa nắng xanh tuôn
Máu xương đồng đội mạch nguồn núi sông.
Nguyễn Anh Nông viết gọn và chắt lọc ở từng phần, dường như
tránh cho người đọc cảm giác nặng về miêu tả kiểu diễn ca, khi số phận nhân vật,
sự kiện đan cài nhiều lúc tạo ra sự liệt kê dàn trải. Bên cạnh đó lại là những
chương đoạn có được sự linh hoạt giữa chủ quan và khách quan, giữa cảm xúc và tự
sự. Điều này có thể thấy rõ nhất trong Trường ca Trường Sơn không chỉ
phản ánh chiến tranh với sự bừng bừng khí thế mà đã đào sâu vào hiện thực, nhận
thức và tái hiện cuộc chiến ở nhiều mặt, trong đó nhấn mạnh đến những góc còn
khuất lấp - đó là số phận của những người lính, người mẹ, người vợ và cả những
đứa con đang chịu nhiều đau khổ khi đất nước đã hòa bình, tất cả toát lên một
tinh thần nhân văn sâu sắc. Đặc biệt là sự sáng tạo nhân vật kẻ đào ngũ:
Ngày ấy, nếu tôi…không còn
Buồn đau, thống khổ đổ dồn vào ai?
Đêm đêm thao thiết thở dài
Ngày ngày tức tưởi, thân trai bẽ bàng
Cúi đầu đi giữa xóm làng
Thấm bao vinh - nhục, khẽ khàng nỗi đau...
Trường ca khởi đầu là cấu trúc tự sự rồi khi đạt đến sự hoàn
chỉnh lại mang dáng dấp trữ tình. Vấn đề mà trường ca tập trung một cách
có chủ ý là phản ánh những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc mình. Cấu trúc
của nhiều trường ca không phụ thuộc vào chương, đoạn hay những phần liền mạch
mà có được từ một tư tưởng nhất quán xuyên suốt. Đến với trường ca, không nhiều
nhà thơ giữ được sự kiệm lời súc tích và tiết chế cảm xúc. Trò chuyện với
cha con Cu Lập Sơncó sự đan cài thể loại linh hoạt hơn, ý tứ rõ hơn nhưng đôi
lúc loãng hơn (nhiều liên tưởng khiên cưỡng trong mắt trẻ thơ) điều này khác với
thơ thiếu nhi của anh.
Cấu trúc điệp thường trở đi trở lại trong những trường ca của
Nguyễn Anh Nông. Đó cũng là một cách khắc phục và khỏa lấp sự triền miên, lan
man của dòng cảm xúc. Điều này thể hiện rất rõ và ấn tượng trong trường ca Gửi
Bill Gates và trời xanh với cấu trúc nối tiếp chương bằng những lời rào
đón trước: (Cái miệng, Con muỗi, Kiến, Cóc, Nàng còng gió). Kết cấu trùng điệp
thường thấy trong trường ca Nguyễn Anh Nông tạo nhiều dư âm vang vọng:
...Sớm nay
Con đường đã mở
Con đường chồng lên con đường
Như ta chồng lên nhau
những ước mong khát vọng
Niềm vui nhân niềm vui
Nhớ ngày sương tháng gió.
Khác với quan niệm quá trình vươn tới cái đích của trường ca
là “tái hiện được những sự kiện, những vấn đề liên quan tới vận mệnh của một cộng
đồng, một dân tộc, trong một thời gian và không gian rộng lớn”(2), trường ca của
Nguyễn Anh Nông lại hướng cái nhìn về những điều bình dị. Dù tập trung
xuyên suốt như Trường ca Trường Sơn, có lúc lại nặng về tính suy tưởng,
nhiều chiêm nghiệm như Gửi Bill Gates và trời xanh; hay nhiều đoạn, phân khúc
được dồn nén, tích hợp như Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn... tất cả tạo
nên một diện mạo phong phú hấp dẫn riêng cho những trường ca của Nguyễn Anh
Nông.
3. Xác lập một vị thế
Trong những biến chuyển không ngừng của đời sống thi ca đương
đại, những nhà thơ có bản lĩnh và thực tài vẫn tìm cho mình một cách khẳng định
riêng để xác lập một chỗ đứng. Nguyễn Anh Nông thành công phần nào nhờ âm hưởng
thơ trẻ trung, tươi mới mà không hời hợt. Càng về giai đoạn sau này, khi thơ
đã được chắt lọc và tích tụ sâu hơn, kĩ thuật viết dù được mài giũa vẫn không lấn
lướt nổi cái cảm xúc nguyên sơ của một trái tim nhiệt huyết, Nguyễn Anh Nông
ghi dấu ấn bằng những thử sức táo bạo hơn, dồn dập hơn. Từ những bài thơ ngắn,
thơ thiếu nhi đến trường ca, anh đã thực hiện được một hành trình định vị thơ
mình trong những bộn bề của đời sống thi đàn và chiếm lĩnh được cảm tình của
nhiều bạn đọc bởi những nỗ lực đổi mới ngày một chủ động.
Thơ thuộc phương thức trữ tình nên thơ lấy điểm tựa ở sự bộc
lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước cuộc đời. Điều quan trọng nhất đối với
nhà thơ là biểu hiện thế giới tinh thần, là nội tâm, cảm xúc. Nó cho phép tự
nhiên nhiều khi bị đảo lộn, lấy cái phi lý bên ngoài (phi hiện thực, phi logic)
để diễn tả cái hợp lý bên trong (cái thật của tâm trạng): Tôi muốn tắt nắng
đi/ Cho màu đừng nhạt mất; hay Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em có
chồng rồi trả yếm cho anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm
gì anh anh đòi… Ở đó là những hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc… có vui có buồn, hy vọng
và thất vọng, đắm say và chán chường, nhưng dù ở dạng thức nào, nó cũng rất mộc
mạc, thành thực. Trục cảm xúc vận động mang lại cho những vần thơ ấy một hiệu
quả nghệ thuật cao là sự vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động
trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức. Sự nồng nàn của cảm xúc cộng với sự sâu
sắc của suy nghĩ đã tạo nên những bài thơ, những câu thơ có tính triết luận,
mang màu sắc suy tưởng. Thơ Nguyễn Anh Nông mộc mạc nhưng không hẳn là thô sơ,
dễ dãi. Anh không chỉ hướng đến những đề tài phong phú mà ở đó còn thể hiện những
chủ động tìm tòi trong cách biểu hiện: ngôn ngữ đa dạng và những hình ảnh giàu
liên tưởng. Chỉnh thể một tác phẩm không phải là sự đóng kín mà là “một tổng thể
năng động đang phát triển” (Tynianov). Hãy thử nhìn cách thể hiện của những câu
thơ:
Đồng bạc
Không là gió
Mà, có lúc
hất
em
xa tôi.
(Đồng bạc)
Những tìm tòi dụng công trong hình thức biểu đạt như thế mang
lại những ấn tượng khi muốn diễn tả những tác động mạnh và giúp ý thơ neo đậu
lâu hơn trong người đọc. Thơ Nguyễn Anh Nông cho thấy ấn tượng khá tốt về khả
năng sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là công cụ trực
tiếp của tư duy. Ngôn ngữ sử dụng trong văn học là ngôn ngữ được chọn lọc, rèn
giũa qua lao động nghệ thuật của nhà văn nên ngoài tính nhân dân, ngôn ngữ còn
mang dấu ấn chủ quan của nhà văn. Tuy nhiên, dù cùng là ngôn ngữ nghệ thuật
nhưng ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi có những đặc trưng khác nhau. Trong
thơ, ngôn ngữ có những đòi hỏi khắt khe riêng, hàm súc, gợi tả, giàu nhạc điệu,
giàu liên tưởng… Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ đời sống được sử dụng dưới hình thức
thơ ca để phản ánh thực tại, phản ánh đời sống bên ngoài chủ thể sáng tạo và đời
sống bên ngoài của người nghệ sĩ. Phan Ngọc trong Thơ là gì? có xu hướng
giải thích thơ dựa trên cấu trúc ngôn ngữ: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức
quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính
hình thức tổ chức ngôn ngữ này, tức là đối lập hẳn với ngôn ngữ hàng ngày”(3). Ở văn xuôi tự
sự, ngôn ngữ mang tính tạo hình được đề cao, trong khi đó, ngôn ngữ thơ chú trọng
tới việc bộc lộ thế giới của cái tôi nội cảm bên trong con người.
Theo tác giả Trịnh Thị Kim Ngọc, trong bài viết “Mối quan hệ
giữa con người - ngôn ngữ - văn hóa và định hướng nghiên cứu con người ở Việt
Nam” có khẳng định quan điểm của W. Humbold về vai trò cực kỳ quan trọng của
ngôn ngữ, nó là “một bộ phận cấu thành của con người”. Ngôn ngữ chính là nơi “bảo
tồn tinh thần, văn hóa và sức mạnh liên minh của dân tộc - tất cả đều để lại dấu
ấn một cách tài tình trong từng âm thanh”(4). Ấn tượng về
ngôn ngữ thơ Nguyễn Anh Nông đến trước hết từ những danh từ xác thực. Thơ về địa
danh, tặng bạn bè (Lạc Thủy, Hòa Bình, em, Độc thoại đêm Đà giang, Cúc Phương,
Tự tình với Thạch An...). Những tên riêng ấy không chỉ là sự xác thực mà
qua đó thể hiện tâm trạng con người trước hiện thực cuộc sống...
Nếu thiếu những địa danh ấy, thơ vơi bớt đi sự sinh động, khỏe khoắn và chân thực của cuộc sống.
Nếu thiếu những địa danh ấy, thơ vơi bớt đi sự sinh động, khỏe khoắn và chân thực của cuộc sống.
Có thể thấy trong thơ Nguyễn Anh Nông, đôi khi cách nghĩ và
diễn tả giản dị thường có sức lay động lớn hơn sự dụng công hay những thủ pháp
cầu kỳ:
Gã nông dân rất hay
Bụng to, đầu to, miệng rộng
Nuốt chửng cả trời sao.
(Lững thững xanh)
Ngôn ngữ đời thường nhiều lúc phát huy tác dụng tối đa:
Tớ nghèo kiết xác
Cậu giàu nứt đố đổ vách
Ấy là theo cách nói Việt Nam.
(Gửi Bill Gates và trời xanh)
Dù “đặc sắc của ví von là nếu ấn dụ như giấu tác giả đi, hòa
lẫn vào đối tượng thì ví von bao giờ cũng công khai bộc lộ lập trường tác giả”(5) nhưng thơ
anh không lạm dụng nhiều so sánh ví von. Nguyễn Anh Nông so sánh bằng con
mắt trẻ thơ ngộ nghĩnh:
Cỏ cây ngơ ngác
Chim chóc sững sờ
Ngỡ như ai khóc
Hoá ra chú bò
Bữa nay tập hát
(Chú bò tập hát)
Những dụng công tìm tòi về ngôn từ biểu đạt được thể hiện rất
rõ. Khi thì là cách dùng những từ ngữ trau chuốt:
...Ta gặp ta: lữ khách phong trần?
Ta gặp bạn: cỏ hoa thơm ngát?
Ta gặp em: đôi gót nhỏ thiên thần
Suối róc rách thì thầm, như thể:
Thuở bọn mình còn phơi phới thanh tân.
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Khi thì là sự độc đáo đến từ cách chọn vần:
Thôi kệ! Thôi kệ!
Mặc xác mèo lười
Khói bếp rong chơi vẽ vời trăng sáng.
(Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn)
Nguyễn Anh Nông cẩn trọng và miệt mài trong một hành trình lặng
lẽ, âm thầm để có lúc phát sáng bởi sự bùng cháy dữ dội. Nhiều thể nghiệm của
anh đưa đến thành công, mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng thấy được sự bền bỉ của
lao động chữ nghĩa:
Thức giấc khuỷa khuya lẳng lặng
Ngụp lặn tìm rờ rỡ cái hôn đau.
(Tìm)
Từ láy gợi nhiều dư ba ở đoạn kết bài thơ:
Em gánh cả bồng bềnh mây thổn thức
Chùng chình sóng sánh - nỗi đầy vơi.
(Về chốn cũ)
Khi câu chữ nhiều bài thơ bây giờ cứ trôi tuột đi một cách dễ
dãi trong tâm trí người đọc thì những tìm tòi đứng được về ngôn từ thơ Nguyễn
Anh Nông neo lại được những ấn tượng, thiện cảm. Sự thiện cảm ấy có khi đến từ
cách kể chuyện duyên dáng, cách lựa chọn những tứ, những ý thơ khác lạ: thơ về cây
đa đôi để nói đến tình yêu trai gái như quy luật muôn đời; về vầng trăng
quả trứng gà trong liên tưởng trẻ thơ...; đến từ những tạo dựng tình huống đầy
ám ảnh: Trước lá vàng, Cõi thu... hoặc có khi chỉ một nhãn tự mà sáng
cả bài thơ và tạo nên những liên tưởng đa chiều:
Riêng ta - đi xa biền biệt
Tháng năm mải miết, đam mê
Về nhà, từ vầng trăng lạ
Một năm được mấy trung thu. (Nhà ta)
Lẽ thường, trời đất trung thu trăng sáng một lần trong năm
nhưng với gia đình, người cha trở về sum họp bất cứ khi nào cũng là lúc tròn đầy
hạnh phúc, sự đầm ấm của gia đình được ví với cái rạng rỡ của đất trời. Có lúc
câu chữ lấn cảm xúc, ý được nhưng đôi chữ bị thừa: Và, anh đứng như cây
mùa lá rụng/ Xoè bàn tay chỉ đón được mưa rơi/ Và, đón được vô vàn lộc
biếc/ Lá vàng rơi, anh để tuột em rồi... (Lá rụng) nhưng vẫn thấy được sự
nỗ lực của người viết.
Nguyễn Anh Nông không chú trọng quá nhiều vào những gọt giũa
ngôn từ, nhưng ở thể lục bát dễ làm nhưng khó hay, nó “đi cheo leo trên một sợi
dây vô hình giữa một bên là thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là bài
vè thô thiển”(6),
anh ít nhiều tạo được dấu ấn bằng sự nhuần nhuyễn:
Ngắm nhìn giọt nước lung linh
Mà sao thấy cả bóng hình nước non
- Ô hay, giọt nước con con
(Giọt nước)
Trót cùng ăn trái bồ quân
Trót cùng dạo dưới trăng ngần đêm nao
Trái tim trót để xôn xao
Nụ hôn đầu trót ngọt ngào, đắm say.
Đêm nằm nắt nhớ thương ai
Mà thao thức suốt canh dài, mắt ơi?
(Mắt ơi)
Nhớ ngày giỗ anh, tôi về
Chị ngồi gõ mõ thầm thì hư vô
- Chị ơi! Chị đáp Nam mô
A di đà Phật... Sững sờ bóng quen
Thế thì thôi, thế thì tin
Cõi người, cõi Phật biết vin cõi nào?
(Cõi thu)
Thơ Anh Nông đa dạng các thể loại, ngay ở trường ca điều này
cũng được thể hiện rõ. Những phân khúc trong trường ca Gửi Bill Gates
và trời xanh mang lại những biến đổi linh hoạt, Nàng còng gió với
thể thơ 5 chữ linh hoạt và duyên dáng,Phân thân lại là thể tự do nhưng
mang đến âm điệu tươi mới hơn, là điểm nhấn về giọng điệu trường ca này. Nhưng
điều đặc biệt ở thơ anh không đến từ sự linh hoạt của giọng điệu mà phần nhiều
đến từ liên tưởng đa chiều từ những hình ảnh thơ. Tuy “các tộc người Việt Nam đều
có chung một cơ tầng văn hóa cổ đại. Dẫu cho văn hóa không thể vạch thành ranh
giới như các lãnh thổ hành chính, thì vẫn cứ phải nói đến một miền đất cụ thể,
nơi con người sinh sống và sáng tạo”(7). Nguyễn Anh
Nông không chỉ bám víu vào những “nguyên liệu” có sẵn đã trở thành công thức
khi viết về quê hương. Thơ anh không lạm dụng những gió Lào, những mặn mòi biển
khơi hay dải đất miền Trung dài và hẹp... Chỉ cần một vài hình ảnh chấm phá
cũng cho thấy những gắn bó tự thân: Trước nhà: rạo rực vầng đông/ Sau nhà:
dòng sông thao thiết/ Khóm tre xôn xao, khúc khích/ Mái hiên kết nụ tầm xuân...
Thơ thiếu nhi cả Nguyễn Anh Nông mạnh về những hình tượng biểu
đạt. Đó là thế giới của các con vật, cây cối tự nhiên nhưng mang đến cho các em
thiếu nhi những bài học bổ ích. Khi anh biết về một vật dụng nhỏ bé quen thuộc
với tuổi thơ như cái tẩy, những suy ngẫm được gửi gắm:
Sách vở nào rây mực
Hay chữ xấu chữ thừa
Tôi bào trơn, đánh bóng
Lại hình hài như xưa.
Đừng kiện tôi, anh giấy
Tôi chẳng hề tội chi
Mà đang giúp anh đấy
Kẻo anh mang tiếng "hề"...
Có kiện, thì hãy kiện
Cậu học trò của anh!
Nhưng mà thôi, sao nỡ
Họ đâu đã ...trưởng thành?
(Tâm sự của cái tẩy)
Cái nhìn của một tấm lòng bao dung mà vẫn không mất đi chất
thơ trẻ của sự việc được miêu tả, đấy là cái tài tình ta thường xuyên bắt gặp
trong Kỵ sĩ ngựa gỗ của anh. Thơ Nguyễn Anh Nông đôi lúc khiến người
đọc ngỡ ngàng khi sáng tạo ra những hình ảnh mới lạ, bình dị mà không chút ước
lệ:
Bạn bè mình quý thật
Thằng nghèo với thằng giàu
Lâu, gặp mặt, bốc khói
Tỏa nỗi niềm sang nhau.
(Khói)
Những người bạn chân tình, mộc mạc nên giọng thơ suồng sã
nhưng vẫn đượm nghĩa tình. “Tỏa nỗi niềm sang nhau” là sự sẻ chia ấm áp và tin
cây. Thơ anh nhiều những bộc trực rất đời, rất lính như chính con người anh. Cảm
giác sẻ chia ấy ta bắt gặp ở mức độ sửng sốt hơn khi đến với Cảm tác:
Hai chàng từng là địch thủ
Choảng nhau có lúc mẻ đầu
Bây giờ xanh hai nấm đất
Khói hương thi thoảng thăm nhau
Đây là một trong những bài thơ hay nhất đời thơ Nguyễn Anh
Nông. Nó hay không phải vì viết về những vấn đề mang tầm nhân loại hay gửi gắm
những thông điệp lớn lao. Nó hay vì sự bình dị mà tinh tế, vì sự ám ảnh bởi những
hình ảnh thơ mang lại cho người đọc. Ngôn từ đan xen giữa sự màu mè “hai chàng”
và sự quê kệch “choảng nhau” nhưng cái dư âm đến từ hình ảnh “bây giờ xanh hai
nấm đất” - sự ra đi khi tuổi đời còn thanh xuân, khi những chín chắn chưa tới,
vậy mà “khói hương thi thoảng thăm nhau”. Hai nấm đất, khói hương để nói đến
con người. Bài thơ không cần phải đại ngôn về sự tha thứ, bao dung... mà tình
người vẫn lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất, xúc động nhất.
Khravchenko từng nói: “Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ
thuật có tính cá nhân đối với thế giới, vốn có ở những người nghệ sĩ thực thụ”,
hay M. Proust cũng phát biểu: “Đối với nhà văn cũng như đối với nhà hoạ sĩ,
phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn”. Thơ Nguyễn Anh
Nông trải suốt một hành trình dài, đem lại một cách nhìn đời, một cách biểu lộ
giản đơn mà nhiều chiều sâu suy nghiệm.
Nguyễn Anh Nông là một người lính. Bởi thế ở anh có cái giản
dị, bộc trực mà quyết liệt. Nguyễn Anh Nông là nhà thơ, hẳn cũng không thiếu những
lãng đãng, mơ mộng. Cái tài của anh là kết hợp rất duyên hai yếu tố này trong
sáng tác của mình. Với những gì đã làm được, những gì đang ấp ủ và một tuyên
ngôn nghệ thuật kín đáo mà quyết liệt: Nếu trăm cây nở một màu hoa/ Trăm
thứ trái độc hương vị ngọt/ Trăm loài chim giống nhau giọng hót/ Đời ơi, nhàm tẻ
biết bao nhiêu (Nếu), chúng ta sẽ còn thấy được những chuyển động thú vị của
người - lính - thơ Nguyễn Anh Nông trong một hành trình mới.
(1) Bakhtin M.M. (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết,
Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.28.
(2) Mã Giang Lân (2004), Tiến trình thơ hiện đại Việt
Nam, Nxb. Giáo dục, Tái bản lần 2, Hà Nội, tr.562.
(3) Phan Ngọc (1991), Thơ là gì?, Tạp chí Văn
học, số 1, tr.18.
(4) Phạm Minh Hạc, Hồ Sĩ Quý (đồng chủ biên, 2002), Nghiên
cứu con người - đối tượng và những hướng chủ yếu (Niên giám nghiên cứu số 1), Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội; tr.482-483.
(5) Trần Đình Sử (2001), Những thế giới nghệ thuật
thơ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.175.
(6) Quang Huy, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực (tuyển chọn,
2000), Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội,
tr.5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét