Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Trịnh Công Sơn: Lẽ sống - Khát vọng và tình yêu

Trịnh Công Sơn: Lẽ sống - Khát vọng và tình yêu...
Trịnh Công Sơn - Khát vọng hòa bình từ một con tim yêu thương 
Quả tim này dành cho lửa hồng, cho hòa bình, cho con người còn chờ đấu tranh... (Trịnh Công Sơn)

Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau (Trịnh Công Sơn)

thay cho lời mở đầu bài viết:
“Bob Dylan Việt Nam” - Chẳng vô cớ mà báo chí Mỹ từng nói vậy về Trịnh Công Sơn của những năm 60 - 70 của thế kỷ trước.
Thần tượng của tuổi trẻ miền Nam thuở ấy mang một hình hài xanh xao gầy gò, một vẻ ngoài dịu dàng nhỏ nhẹ với nụ cười hiền rất Huế và một trái tim nhân hậu, từ đấy cất lên những giai điệu buồn, giản đơn, đều đều tưởng như rất bình lặng, nhưng là để dồn nén vào lời ca mọi sự bất an và kịch tính trong nỗi đau phận người, vận nước trong nỗi khát khao khôn cùng một tương lai không hận thù, không bạo lực, không đạn bom. 

Cùng thời với những huyền thoại Bob Dylan, Joan Baes..., bằng cây đàn guitare gỗ và những bài ca đầy tính tự sự, Trịnh Công Sơn cũng đã làm nên huyền thoại cho riêng mình trên xứ sở đầy thương tích. 

Không lên gân khô cứng, không tránh né ngại ngùng, con người hiền hòa nhạy cảm ấy nhìn thẳng vào bộ mặt lạnh lùng của chiến tranh để nhận lấy nỗi đau từ những em bé khóc tuổi thơ đi, những người già lo âu chờ cơn gió lặng, những người con gái đoản mệnh chưa một lần thấy quê hương thanh bình, những người mẹ da diết ru con ngủ mãi tuổi hai mươi. 
Nhức nhối nhất trong thảm kịch chiến tranh là hình ảnh trẻ thơ và người mẹ. Trẻ con quên sống, từng đêm giật mình trong tiếng đại bác dội về. Hàng vạn tấn bom trút xuống, bao nhiêu em bé chẳng còn được lớn lên nữa, bao nhiêu vùng thịt xương tan nát có mẹ, có em. 
Người mẹ - biểu tượng cho quê nghèo - nhọc nhằn với vết đạn đầy thân, xót xa những đứa con tuổi còn bơ vơ trong thế giới hằn thù. Gia tài của mẹ để lại cho con đáng giá chỉ còn bài học tiếng nói quê hương và màu da nước Việt mà mẹ cứ nhắc hoài mong con chớ quên.
Chiến tranh tàn phá tất cả, nhưng đã không hủy diệt được khát vọng yêu thương. Từ tình yêu hướng thiện, con người ta nhìn được cao hơn và xa hơn. 
Ngay trong đêm tối khôn cùng vẫn linh cảm về một ngày yên lành cho người Việt được khóc, được cười bên nhau, vẫn mơ thấy một tương lai rất gần đi chung cuộc mừng từ Bắc vô Nam để nối vòng tay anh em lớn mãi cho hết sơn hà. 
Bia đá cũng còn biết đau, sỏi đá cũng cần có nhau, cớ sao người ta lại chẳng thể ngồi kề bên nhau cho đam mê thay vào đổ nát quê hương. Ước muốn tha thiết từ con tim yêu thương là đây:
Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam
Chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối
Chờ mong một ngày tay nắm trong tay.
Con tim nhân ái còn nhắn nhủ: Đừng mang gươm giáo vào đời, hãy gần nhau trong tiếng nói da vàng, hãy yêu nhau đi cho dù đêm súng đạn sáng mưa bom. Phải chăng đó là cách phản chiến của kẻ yếm thế, chỉ chống chiến tranh chung chung “kiểu nghệ sĩ” né tránh phân định chính tà? 
Nhưng kẻ yếm thế liệu có đủ can đảm chất vấn xã hội mình đang sống: Anh chị này sao vui mừng làm người cúi xin? Sao còn ngồi sao im lìm ngủ hoài các anh?
Người né tránh thời cuộc liệu có gánh lấy trách nhiệm công dân để cất tiếng hát trên đài phát thanh Sài Gòn ngay thời khắc lịch sử ngày 30 tháng 4: Mặt đất bao la anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng...?
Đối mặt với chiến tranh không phải để hận thù, phản kháng chiến tranh không phải bằng trái tim căm hờn, mà cao hơn thế, khó hơn thế, người nghệ sĩ đứng trên mọi tranh chấp thắng thua, tị hiềm và thù hận để học lấy lòng độ lượng bao dung trong tình yêu giống nòi, tình thương đồng loại, tình bè bạn anh em. 
Suốt một đời nơi “cõi tạm” trên trần thế này, Trịnh Công Sơn đã ca hát hết mình cho hai chữ yêu thương. Cũng vì yêu thương mà trong những ca khúc phản chiến, người nghệ sĩ luôn nguyện cầu cho trời đất yên vui, cho cuộc đời này không ai thù ghét ai.
Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn
Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng
Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
Rồi từ đó tôi yêu em.
 An Ninh Thủ Đô
Theo http://caycanhngaynay.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...