Tiếp viên hàng không: Nghề bay bổng trong nỗi cô đơn
Tiếp viên hàng không: Nghề bay bổng trong nỗi cô đơn
Không có ai sinh ra
trên đời đã định sẵn sẽ làm một điều gì đó trừ khi số phận của họ quá đặc biệt,
những trường hợp còn lại đa phần đều cần, rất cần sự nỗ lực và kiên trì bền bỉ
theo đuổi ước mơ. Và tôi may mắn thuộc nhóm thứ 2 khi mãi "mù quáng"
..
Nghề mà bảo hiểm nhân
mạng từ chối
Tôi vô tình được sắp xếp
lịch bay ra thủ đô trong đêm khá muộn, hành lý quơ quào, những dòng tin hỏi
han, những cuộc điện thoại hò hẹn đều bị tôi từ chối nhẹ nhàng nhất có
thể: "Em gọi lại sau nha, em phải đi liền cho kịp giờ cất
cánh!". Tôi đã quen rồi cái cảnh hoả tốc chạy về nhà đóng gói vội vã,
đồng phục chỉn chu, son môi má hồng... và chưa bao giờ phiền lòng dù sự thật có
hơi chật vật với cái nghề cái nghiệp khác thường này.
Và có lẽ tôi cũng chưa
bao giờ sống cho tương lai quá xa, để hi vọng một điều gì đó tốt tươi xinh đẹp
sẽ đến với mình. Ngay đến cả bảo hiểm nhân mạng còn từ chối tôi thì mong đợi gì
nhiều cho mai sau vững chắc. Phải, tôi đã từng kiên nhẫn ngồi lắng nghe về
những kế hoạch dự trù cho "một ngày" nếu chẳng may mình không trở về
như những chuyến bay bình thường. Thật đau lòng là chẳng có ngân hàng hay công
ty tài chánh nào muốn bán cho tiếp viên hàng không gói đảm bảo phúc lợi sau
kiếp người, dù tên người thụ hưởng có là ai đi nữa, câu trả lời vẫn là KHÔNG.
Nghề đầy áp lực
Công việc ưu tiên hàng
đầu của tôi khi lên tàu bay là kiểm tra an toàn bay. Từng thiết bị trên máy
bay, từng chiếc áo phao phải được đặt đúng vị trí, đủ số lượng, còn nguyên niêm
phong và trong thời hạn cho phép sử dụng. Dẫu được huấn luyện dưới áp lực cực
cao và tinh thần thép để sẵn sàng đối diện với mọi tình huống khẩn nguy, chúng
tôi vẫn không khỏi cảm giác tự nhắc nhở, thậm chí dằn vặt bản thân không được
phép để xảy ra sai sót.
Với dòng máy bay Airbus
A320, tổng số ghế ngồi của hành khách là 180 ghế và 10% trẻ em nhỏ (trên tổng
số khách) ngồi cùng ghế với người giám hộ. Như vậy mỗi tiếp viên sẽ gánh trách
nhiệm trên vai trung bình gần 50 hành khách từ dịch vụ chăm sóc đến đảm bảo an
toàn bay trong mọi tình huống.
Chính vì vậy bạn sẽ
không mấy ngạc nhiên khi tiếp viên rất tích cực di chuyển trong cabin để nhắc
nhở hành khách tắt tất cả các thiết bị điện di động ngay cả với thiết bị có chế
độ sử dụng trên máy bay, cài chặt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, gập lại bàn
ăn, mở tấm che cửa sổ, để túi xách xuống phía dưới ghế ngồi phía trước (tránh
làm túi xách trở thành vật cản cho hành khách trong trường hợp thoát hiểm khẩn
cấp).
Tất cả những điều đó đều
nằm trong quy định về đảm bảo an toàn bay của mọi hãng hàng không trên thế
giới, và không có gì nằm ngoài lợi ích của chính bản thân hành khách. Chúng tôi
làm hết khả năng, thậm chí sẵn sàng nhắc nhở "cứng rắn" nếu khách
không hợp tác, đó không chỉ là trách nhiệm - nghĩa vụ mà còn mang tính đạo đức
trong công việc.
Nghề đẫm mồ hồi cơ cực
Chuyến bay cất cánh và
hạ cánh an toàn là niềm vui, hạnh phúc của tất cả mọi người chúng tôi, nhất là
đối với tổ bay, tiễn khách với nụ cười trên môi cùng câu :"Xin chào -
xin cảm ơn quý khách". Kết thúc 1 sector, khi các bạn được về nhà nghỉ
ngơi sau một chuyến bay dài thì chúng tôi lao đầu vào kiểm tra an toàn bay và
dọn dẹp toàn bộ cabin. Sẵn sàng chào đón hành khách cho những chuyến bay tiếp
theo, trở về nhà hoặc được đưa đến khách sạn tại chặng bay cuối trong ngày. Rã
rời, mệt mỏi đến bỏ ăn, mất cảm giác nơi 10 đầu ngón chân, ngủ vùi... là những
trạng thái rất bình thường và quen thuộc sau mỗi ngày đi bay.
Nghề cho tôi đam mê cháy
bỏng
Từ ngày bắt đầu được
huấn luyện để trở thành 1 tiếp viên hàng không, tôi luôn mang trong tận sâu tim
mình cảm xúc yêu nghề đến muốn sống chết cùng những chuyến bay, không bao giờ
được quên khách hàng là bạn bè, là người thân và gia đình mình, cùng mình trải
qua những "rung lắc" - "nhiễu động" trên mỗi vùng trời, đó
là những người chúng tôi phải dốc toàn tâm để bảo vệ và hỗ trợ nhất là khi gặp
tình huống khẩn nguy.
Không có ai sinh ra trên
đời đã định sẵn sẽ làm một điều gì đó trừ khi số phận của họ quá đặc biệt,
những trường hợp còn lại đa phần đều cần, rất cần sự nỗ lực và kiên trì bền bỉ
theo đuổi ước mơ. Và tôi may mắn thuộc nhóm thứ 2 khi mãi "mù quáng"
đeo đuổi công việc này. Ngoài gia đình ra, mọi người thường nhìn chúng tôi dưới
vài định kiến nhất định như : việc nhẹ lương cao; sang chảnh; ngoại hình đẹp
nhưng không bằng cấp, kiến thức hạn hẹp..., và còn nhiều điều khác nghe cũng
khá chua xót...
Như thể bạn được tôi
luyện trong môi trường đầy áp lực và thị phi nhưng cũng nhiều niềm vui cùng
những hạnh phúc mà không công việc nào khác thay thế được, những nụ cười, những
cái ôm, nắm tay, từng lời cảm ơn của hành khách là liều thuốc bổ mạnh nhất mà
tất cả chúng tôi - những người mang trên mình đôi cánh vô hình mong muốn nhận
được sau mỗi chặng bay vất vả . Hãy tưởng tượng mỗi lần cửa máy bay được đóng
lại và mở ra là một khung trời hoàn toàn khác, từ khung cảnh xung quanh đến
thời tiết, mùi hương trong không gian mới. Có lẽ một phần do tôi làm công việc
này chưa đủ lâu để cảm thấy "ngán" nghề, còn trong tôi quá nhiều
nhiệt huyết và sức trẻ muốn cống hiến, muốn dốc lòng, muốn sải bước trên những
miền đất mới, cả bầu trời với tôi vẫn còn quá rộng, quá cao để chu du chưa muốn
dừng lại.
Nghề cho tôi cái nhìn tích cực nhất có thể với
mọi thứ có thể xảy đến
Hôm nay, tôi đã gặp vài
người bạn, người quen trên chuyến bay mang số hiệu VJ305, dù đài kiểm soát
không lưu tại Sân Bay Tân Sơn Nhất gặp vấn đề trục trặc kỹ thuật khiến mọi liên
lạc từ tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế bị gián đoạn, đình trệ đến
mức sân bay "đóng băng" trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Nhưng thật may
mắn khi toàn bộ hành khách trên chuyến bay của tôi đều hiểu, cảm thông và hợp
tác cùng tổ bay khi trật tự rời khỏi máy bay trở vào phòng chờ trong sân bay
Phú Bài - thành phố Huế không một lời trách cứ hay gặng hỏi.
Làm công việc này, bạn
sẽ tập được cách nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nhất có thể, chỉ như vậy mới
khiến bản thân không tự hành hạ tinh thần vì bất cứ phút giây nào, trong bất cứ
hoàn cảnh hay nơi chốn nào thì những sự cố, những điều không mong muốn đều có
thể xảy ra dù bạn có được đào tạo để đối diện với chúng theo cách chuyên nghiệp
nhất. Những bất trắc vẫn làm bạn hoảng hốt âu lo, điều này hoàn toàn
không tốt cho sức khoẻ của bạn.
Điều lo lắng lớn nhất
của tôi lúc bấy giờ là mong mỏi ATC (Aircraft Traffic Controll) sớm khôi phục
hoạt động lại, nếu không sẽ có rất nhiều máy bay đang bay hỗn loạn trên bầu
trời vì không nhận được tín hiệu hồi đáp, chưa kể tất cả các chuyến bay quốc
tế, quốc nội có điểm xuất phát hoặc điểm đến là Thành Phố Hồ Chí Minh đều bị
ngưng lại, gây ra thiệt hại nặng nề và cả những tai nạn do việc mất tín hiệu
liên lạc từ đài chỉ huy mặt đất. Bầu trời thì không phân chia làn đường hay có
dãy phân cách, biển báo, đèn giao thông như đường bộ, mật độ hoạt động trên
không lại quá dày đặc và phức tạp, thật sự tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến viễn
cảnh tồi tệ như thế này xảy đến dù chỉ 1 lần trong suốt cuộc đời bay bổng của
mình.
Nghề của những nỗi niềm đơn côi
Cũng đôi lần, nhất là
vào những dịp lễ Quốc Khánh, Giáng Sinh, tết Nguyên Đán, ngày kỷ niệm như 8/3,
20/10, 14/2... tôi không khỏi chạnh lòng trong cảm giác chông chênh, trống trải
khi phải bay đến những nơi không có gia đình, không bè bạn, không người quen.
Nhìn người người cùng nhau du lịch, đoàn tụ cùng người thân, người yêu, tôi và
đồng nghiệp đã gác lại hạnh phúc và ấm áp của riêng phần mình, tiếp tục cố gắng
hoàn thành việc, tiếp tục mỉm cười, tiếp tục cùng những chuyến bay đưa hành
khách đến trạm dừng chân tiếp theo của họ.
Thế nên làm công việc
này phải biết chấp nhận nỗi cô đơn và lạc lõng trong tình cảm. Với những đồng
nghiệp đã có gia đình, chồng con, câu chuyện lại khác. Phải để con ở nhà trong
những lúc ốm đau, chồng đi công tác xa, dù gửi con cho ông bà chăm sóc thì việc
cố gượng bước lên những chuyến bay và xa cách gia đình thật không dễ dàng gì.
Nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân lại càng cao nếu chẳng may người vợ/chồng còn lại
cảm thấy nặng nề, mỏi mệt và không còn cảm thông cho những lần đi sớm về khuya
của mình. Những mất mát đó không nhiều người hiểu, chúng tôi chỉ biết đối diện
và an yên với hiện tại cho tròn tháng ngày qua.
Nhưng tôi cũng chưa bao
giờ hối hận khi chọn con đường của một tiếp viên hàng không
Do tính chất công việc
và cá tính tôi cũng góp phần khiến bản thân chịu đựng tốt hơn sự cô đơn sau mỗi
chuyến bay đêm, phải đối diện với những trường hợp "khó đỡ" như sự cố
kỹ thuật, chim lao vào động cơ, trễ chuyến, lạc hành khách, có người bị đau cần
được đưa khỏi máy bay dù bánh xe đã lăn ra tận đường băng sẵn sàng cất cánh,
đồng bộ hoá toàn bộ hành lý để đảm bảo không có dị vậy nguy hiểm còn sót lại
gây ảnh hưởng cả chuyến bay, khách nóng nảy, nặng lời, to tiếng hoặc tỏ thái độ
không hợp tác, tất cả những điều đó vẫn không làm tôi ngán ngẩn bằng cảm giác
chạy xe về nhà một mình trên những đoạn đường vắng teo lúc 2-3 giờ sáng, lạnh
ngắt, đầu óc tê dại.
Nhiều lần trở về khi
chân đã mỏi, tay nhấc không lên, nước mắt cay xè do quá mỏi, quá
"thèm" ngủ, có khi sốt cao, cảm - ho, có khi ngất xỉu phải đưa đi cấp
cứu... tôi cũng tự hỏi chính mình: "Đã chồn chân mỏi gối chưa? Tủi thân
không? Cô độc không? Muốn tiếp tục không?". Và câu trả lời là hiện
tại, tôi vẫn nhận lịch bay hàng ngày, sẵn sàng khoác áo, đeo đôi cánh bước lên
tàu, mỉm cười chào đón hành khách trên những chuyến bay mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét