Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Nhớ nhà thơ Huy Cận: "Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi"

Nhớ nhà thơ Huy Cận: "Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi"
Sinh thời, Huy Cận chưa bao giờ ngừng làm thơ. Và cũng kỳ diệu thay, qua suốt bảy mươi năm cầm bút, ở giai đoạn nào của nền văn học Việt Nam, Huy Cận cũng "cứ tự nhiên" được đặt vào vị trí nhà thơ hàng đầu trong tâm hồn người đọc.
Thoạt nhìn Huy Cận, người ta dễ có cảm giác ông là một người thật nhàn nhã. Đi đứng khoan thai, đến mức chậm chạp. Ông dễ cười như trẻ thơ. Ông cười rất hiền, cả những khi bị ai đó trêu chọc. Và cũng thật kỳ lạ, trong những năm tháng tôi thường xuyên gặp ông, tôi biết, có những người không thật thích ông, nhưng cả với những người ấy, ông cũng vẫn thường hỏi han, trò chuyện rất ân cần, đôn hậu.
Ông có nhàn nhã thật không? Không! Hoàn toàn không! Tôi tin chắc là bởi cứ nhìn kỹ vào những công việc ông làm của một đời người, dẫu là đời người ấy đến được cái cột mốc 86 hiếm hoi. Hai mươi bốn tuổi tốt nghiệp đại học, một học vị mà ngày ấy trong một tỉnh, người ta chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay (1943). Và ngay từ ngày ấy, Huy Cận đã tiếp xúc với cách mạng, một tiếp xúc hết sức nguy hiểm, nhất là đối với một trí thức có học vị, "lương cao bổng hậu". Thế rồi cách mạng thành công giữa muôn trùng khó khăn, kháng chiến khốc liệt; những ngày sau hòa bình thống nhất mà vẫn còn biết bao gian nan... lúc nào ta cũng thấy ông đứng trước những công việc trọng đại, và vì thế chắc cũng chẳng dễ dàng: Bộ trưởng Bộ Canh nông; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Bộ trưởng đặc trách văn hóa thông tin thuộc Hội đồng bộ trưởng...
Thế nhưng Huy Cận chưa bao giờ ngừng làm thơ. Và cũng kỳ diệu thay, qua suốt bẩy mươi năm cầm bút, ở giai đoạn nào của nền văn học Việt Nam, Huy Cận cũng "cứ tự nhiên" được đặt vào vị trí nhà thơ hàng đầu trong tâm hồn người đọc!
Và đối với riêng tôi, sau gần bốn mươi năm cầm bút, chưa bao giờ ông không khiến tôi ngạc nhiên đến ngơ ngác trước thơ ông!
"Đêm mưa làm nhớ không gian Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la..." "Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trong muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ" - "Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui Lưa thưa mưa biển ấm chân trời..." - "Con trẻ thuyền ai ra giỡn nước Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm" Làm sao ông lại có thể viết về mưa buồn, mưa vui như kiếp người mà hay như thế nhỉ? "Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm", còn ai có thể viết về vẻ đẹp mưa xuân đến nhuần thấm cả vạn vật, đất trời, tạo nên sự huyền ảo của hồi sinh như thế không?.
Thế rồi với mùa thu, cái mùa thu đẹp nhất của một năm, nhưng cũng là cái mùa đã từng đi lại đến "mòn đường đứt cỏ" trong thơ ca cổ, kim, đông, tây; Huy Cận viết thế nào nhỉ?
- "Vi vu gió hút nẻo vàng Một trời thu rộng mấy hàng mây nao" "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều Nắng xuống, trời lên sầu chót vót Sông dài, trời rộng, nhớ cô liêu" - "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa..." - "Nai cao gót lẫn trong mù Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về..." Ai cũng biết, viết về cảnh cũng chính là viết về người. Không có những cảm xúc huyền ảo từ tâm hồn thì làm sao xuân, thu, mưa, nắng, trời rộng, sông dài, rồi cả đến con nai, tiếng nhạc ngựa... cũng được tái tạo kỳ ảo thế kia.
Nhưng đến khi viết trực diện vào con người, Huy Cận cũng luôn luôn khiến ta bàng hoàng về những vẻ đẹp hay nỗi đắng cay trong số phận. Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa... ở tập thơ nào ta cũng tìm được những trang cảm xúc đặc sắc nhất của nhà thơ về số phận con người, như Anh Tài Lạc hay là Các vị La-hán chùa Tây Phương: "Mỗi người một vẻ mặt con người Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau Quay theo tám hướng hỏi trời sâu Một câu hỏi lớn. Không lời đáp Cho đến bây giờ mặt vẫn chau..." Đời người hay sa mạc đây? "Chỉ có trời xanh thay cỏ cây/Mênh mông sa mạc. Cát làm ngày/Cát làm đêm nữa. Trăng phơi cát/Sao sáng đằng xa hay cát bay?". Ta chỉ là những hạt cát trong sa mạc đời thế mãi sao? Còn những kẻ ngự trị trên cát trong những Kim tự tháp thì ra sao nhỉ? Thử đánh thức họ dậy xem sao nào! Vâng, chỉ có Huy Cận mới có cái ý tưởng kỳ lạ là đánh thức các xác ướp những hoàng đế Ai Cập, những Pharaon: "Dậy, Vua ơi! Cái chết chẳng thể rào được cái chết, Vua ngủ mê giấc đá Chất cái chết lên cao, trên mấy tầng mây nổi Đã tấc nào thành sự sống hay chưa Hỡi nghìn năm Kim tự tháp chơ vơ...
Tôi thấy thời gian rúng lạnh chân tôi!..." Phải rồi. Đúng rồi. Cái sự vĩnh cửu giả vờ ấy làm sao so được với những con người đang biết sống với tất cả sự kỳ thú của sự sống: "Ta đi trong chiều dậy biếc/Trái tim ở giữa cuộc đời/Trong nhịp chiều xanh bất tuyệt/Lá theo ta cũng thành đôi" (1962).
Thương đời, đau đời mới thực biết yêu đời. Cái tình yêu đời ấy đã được Huy Cận mở ra đắm say và lung linh lắm, ngay từ những năm tháng đắng cay khi nhà thơ mới vào tuổi đôi mươi, cùng lúc với những bài thơ buồn nhất về số phận những anh hề xiếc lưng gù, từ những ngày mà "nhạc sầu" dường như bất tận, ông đã viết về vẻ đẹp kỳ lạ của tình yêu: "Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong/ Hôm xưa em đến, mắt như lòng/ Nở bừng ánh sáng. Em đi đến/ Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng".
Với Huy Cận, vẻ đẹp một con người có thể dung chứa vẻ đẹp của cả vũ trụ! "Em lùa gió biếc vào trong tóc Thổi lại phòng anh cả núi non!" Với một tâm hồn thơ lớn khiến cho nỗi buồn từ sự xót thương con người có lúc như lan thấm đến cả vũ trụ; thì tình yêu và niềm vui từ những niềm vui và tình yêu con người, cũng sẽ rất tự nhiên tỏa ra với trái đất: "Bay cao bay vút/Chim biến mất rồi/Chỉ còn tiếng hót/Làm xanh da trời...".
Chim biến đi sau những tiếng hót tuyệt vời. Còn con người, theo quy luật rồi cũng sẽ "biến đi". Huy Cận rất ý thức về điều đó.
Trước lần ra đi vĩnh viễn này, Huy Cận đã hơn năm lần viết về cái chết của chính ông khi viết Gửi một người bạn điêu khắc (1993); Một sáng mưa xuân(1982); Hạt lại gieo(1974), cũng như khi vĩnh biệt Xuân Diệu, người bạn đời, bạn thơ thân thiết: Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh(1986): "Biển lớn băng qua ấy biển đời/Biến vào vũ trụ, ánh sao mời/Diệu dò thế giới bên kia trước/Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi".
Thế rồi ông viết bài thơ Ta viết bài thơ gọi biển về. Gọi biển về hay ông gọi chính ông sau những tháng năm cật lực với đời, với những đóng góp lớn lao rất đáng để bình tâm, thanh thản: "Rồi một ngày kia hết ở đời Cho ta theo biển, khỏa chân trời Điều chi chưa nói xin trao sóng Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi".
Nhà thơ Huy Cận luôn luôn khiến ta bàng hoàng về những vẻ đẹp hay nỗi đắng cay trong số phận. "Trời mỗi ngày lại sáng", "Đất nở hoa"... ở tập thơ nào ta cũng tìm được những trang cảm xúc đặc sắc nhất của nhà thơ về số phận con người.
Trần Ninh Hồ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...