Ca khúc là nỗi lòng con người
Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quá trình 40 năm sáng tác của ông
là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ. Ông coi ca khúc
là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh; là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa
thi ca và âm nhạc. Công việc sáng tác ca khúc không chỉ cho phép ông giãi bày
những niềm vui, nỗi buồn của mình, mà cao hơn, nó còn mang tình yêu, lòng nhân
ái tới mỗi người.
Soi gương
Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều sợi tóc
bạc.
Tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại
những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai
tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một
phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã
viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc
bên trong. Như những họa sĩ tập sự bắt đầu sự nghiệp mình bằng cách sao chép
lại tác phẩm của những nhà danh họa, tôi cũng chọn một số mẫu mực âm nhạc mà
tôi yêu thích và thay đổi giai điệu bên trong ở thời kỳ đầu. Đó là những năm 56
– 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non
dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng
tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên ham muốn trở thành nhạc sĩ. Đối với cái
bề mặt xã hội lúc bấy giờ, tương lai có nhiều tiếng gọi khác hấp dẫn hơn, quyến
rũ hơn cho một con người còn trẻ tuổi.
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn
phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ.
Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc
“xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua
tháng nọ. Nhưng càng cố quên lãng thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt,
tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một
quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta
phải luôn luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng
chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng
nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự
do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm
vui nỗi buồn của cuộc sống.
Mấy mươi năm nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không
có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy
cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những
cuộc đối thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng
hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh
cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và
cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát
mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc
đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô
tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của
những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình; đã tham
dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh
thành.
Trái đầu mùa
Bài hát đầu tiên do Nhà xuất bản An Phú phát hành năm 1959 tại
Sài Gòn. Đó là những cảm xúc được ghi lại từ những giọt nước mắt của một ca sĩ
nữ sinh vừa rời ghế nhà trường. Cô hát để kiếm tiền nuôi mẹ đang hấp hối trên
giường bệnh.
Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền
tác quyền. ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp
sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và
phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng, tiền ăn ở cho một học
sinh, sinh viên chỉ có năm, sáu trăm đồng.
Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm
xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi
bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo
những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống
một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn hút về phía
những tình cảm phức tạp của con người.
Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng,
nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẵn lòng làm một cuộc hành trình dài
lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.
Gặp gỡ
Năm 64 – 65, tôi được các bạn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước
quần chúng tại khu đất trống sau lưng trường Văn Khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư
viện Quốc gia).
Với tôi, đây cũng là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại
trong lòng quần chúng được không. Trước mặt đám đông đến mấy nghìn người gồm đủ
thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên tôi cảm thấy mình quá trơ
trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn guitar dưới ánh sáng đèn. Với một
hành trang nhẹ nhàng bằng hai mươi ca khúc nói về quê hương, ước mơ hòa bình và
những bài sau này được gọi là “phản chiến”, tôi đã cố gắng hết sức để một mình
đảm nhận vai trò đưa nỗi lòng của mình đến với quần chúng. Buổi hát đã để lại
một ấn tượng khá tốt đẹp cho cả người trình bày lẫn người nghe.
Trong buổi diễn có một bài hát được yêu cầu hát đến lần thứ tám
và cuối cùng mọi người tự động hát theo. Sau buổi diễn tôi đã được “bồi dưỡng”
bằng một tiếng đồng hồ ngồi ký tên trên những trang giấy của tập bài hát quay
roneo dành cho người nghe.
Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa người sáng tác và người nghe.
Những buổi trình diễn nối tiếp ở các giảng đường đại học khác cũng được lặp lại
trong một bầu không khí nồng nhiệt như thế. Trong tôi bắt đầu sáng lên một khái
niệm: đó là ý thức về trách nhiệm của người sáng tác đối với công chúng.
Thuở ấy Nhị Xuân. Em ở nông trường. Em ra biên giới.
Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ mầu đất đỏ và những bãi mía, bãi
dứa cùng lán trại cũng khoác một mầu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến
như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu,
Trần Long ẩn và tôi…) cùng anh em thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau
dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng
hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần
khuya có cô gái thanh niên xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho chúng tôi
những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn
thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng
cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không
nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường, không được vào thành
phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở
Nhị Xuân, có hai mươi người con gái thanh niên xung phong đi về phía khác. Mấy
tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm
hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Những
tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa các bạn trồng vẫn còn đó,
vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ
những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có gì khác chúng ta
không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khỏe mạnh ấy, đã có những
cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều đến sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất
mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những
người bạn nhỏ ấy đã ra đi vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ thương về họ chưa được hát
đủ như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông
trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa
đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng là có lỗi với cuộc
đời rồi hay không. Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh
khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái.
Thông điệp
Mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với
nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không
đều nhau. Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể
giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn
hình vạn trạng. Từ đó hình thành tính cách của mỗi con người muốn lân la kết
tình bằng hữu với nghệ thuật.
Có một điều chắc chắn là không có ai làm nghệ thuật một cách
không nghiêm túc. Con người còn lắm chỗ, lắm nơi để bày ra những trò phù phiếm.
Tuy nhiên, cũng có không ít những người quan niệm rằng làm nghệ thuật không vì
một mục đích nào cả nghĩa là muốn hoàn thành một thứ nghệ thuật không có cứu
cánh.
Đã từ lâu tôi muốn qua ca khúc nói được thật nhiều điều. Tôi
không chọn ca khúc như một chặng đường để rồi sau đó tu dưỡng hòng nhảy vào
những thể loại to lớn hơn. Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết
thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.
Ở nơi nào trên mặt đất này có con người, ở đó có tiếng hát. Con
người có thể hát một mình ở bất kỳ nơi đâu. Ca khúc là nỗi lòng của một con
người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này đã khiến ca khúc
tự nó có thể chạm đến mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người. Nó đủ khả
năng hát về một cái chồi non vừa nhú cho đến cái chết của một con người. Nó
chính là tiếng chim buổi sáng, tiếng gà gáy trưa bên đồi mang âm vang của một
nỗi nhớ nhung. Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc. Nó ở cùng với
điều nhỏ nhất và đồng thời cũng sống chung với những cõi bờ bao la.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy ca khúc bối rối trước những điều tưởng
không nói được. Nó đã đi qua bao nhiêu mùa mang giữa lòng cuộc sống con người
và thường nó có mặt bên cạnh con người như một lời an ủi. Cũng vì thế, tôi đã
có lần nuôi tham vọng gán ghép cho ca khúc một cái gì đó lớn hơn, tràn đầy ra
ngoài cái hình thể nhỏ nhắn và khiêm tốn của nó. Đó chính là sứ mệnh truyền đạt
những âu lo, những chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc
sống. Nó có bổn phận phải cưu mang trong từng dòng nhạc dòng chữ cái phần tinh
khiết nhất của hạnh phúc và bất hạnh. Như vậy, ca khúc ngoài cái vai trò mua
vui cũng được một vài trống canh, nó còn phải đảm nhiệm cái sứ mệnh đẹp đẽ mà
các anh chị em họ hàng nghệ thuật của nó đã và đang làm.
Tôi nghe một tiếng hát và tôi thấy lại cả một khoảng trời đầy kỷ
niệm. Tiếng hát đi từ tôi đến anh bằng con đường ngắn nhất. Cái khả năng to lớn
sau cùng của ca khúc là mang đến sự cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát.
Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ
đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương,
mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó
là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với
những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim đang ngộ độc bởi
những ngòi thuốc nổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét